You are on page 1of 23

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG

BÀI TẬP KIỂM SOÁT NỘI BỘ


(Tài liệu chỉ lưu hành nội bộ)
Thông tin liên lạc: Mọi ý kiến xin gửi về dnhwin@gmail.com

BÀI TẬP TRẮC NGHIỆM


1 . 23041514
Cấu trúc quản trị tổ chức nhấn mạnh các vấn đề cốt lõi:
A. năng lực chuyên môn và đạo đức của các thành viên của tổ chức.
B. quyền hạn và vai trò của các thành viên của tổ chức.
C. cơ cấu tổ chức.
D. hiệu quả hoạt động và trách nhiệm của các thành viên của tổ chức.
2 . 21045326
Mức rủi ro có thể chấp nhận là mức biến đổi trong kết quả hoạt động mà có thể chấp nhận liên quan
đến việc đạt được các mục tiêu của tổ chức. Điều nào là không đúng về việc thiết lập một mức rủi ro
có thể chấp nhận:
A. Xác định mức rủi ro có thể chấp nhận là một phần của tiến trình thiết lập mục tiêu của tổ chức.
B. Mức rủi ro có thể chấp nhận được được đo lường tốt nhất bằng việc sử dụng đơn vị đo lường như đơn vị đo
lường của các mục tiêu của tổ chức.
C. Thiết lập mức rủi ro có thể chấp nhận là một điều kiện tiên quyết của việc xác định cách thức đối phó với rủi
ro và các hoạt động kiểm soát có liên quan.
D. Việc kiểm soát hoạt động trong mức rủi ro có thể chấp nhận được luôn bảo đảm cho tổ chức đạt được các
mục tiêu đã thiết lập.
3 . 21044258
Xác định và phân tích rủi ro là một tiến trình lặp đi lặp lại liên tục được thực hiện để tăng cường
khả năng tổ chức đạt được các mục tiêu của mình. Tiêu chí nào sau đây không dùng để đánh giá tầm
quan trọng của rủi ro:
A. Nguồn lực sử dụng để đối phó với rủi ro. B. Tốc độ ảnh hưởng của rủi ro khi phát sinh.
C. Thời gian tác động của rủi ro sau khi rủi ro phát sinh. D. Khả năng xảy ra rủi ro và mức độ tác động của
rủi ro.
4 . 21042722
Thông tin là một yếu tố của hệ thống kiểm soát nội bộ của một tổ chức. Điều nào sau đây phản ánh
thông tin với tư cách là một bộ phận của hệ thống kiểm soát nội bộ:
A. Nguồn thông tin của đơn vị đến từ bên trong và bên ngoài đơn vị và rất phong phú và đa dạng, do đó, cần
phải kiểm soát các nguồn thông tin một cách chặt chẽ, hợp lý để bảo đảm thông tin tin cậy, phù hợp để sử dụng.
B. Các cấp quản lý thu thập hoặc tạo ra và sử dụng các thông tin có chất lượng và phù hợp từ bên ngoài và
bên trong tổ chức để hỗ trợ sự vận hành các thành phần khác của hệ thống kiểm soát nội bộ.
C. Các cấp quản lý thu thập hoặc tạo ra và sử dụng các thông tin có chất lượng và phù hợp từ bên ngoài và
bên trong tổ chức để lập kế hoạch, triển khai thực hiện các kế hoạch và kiểm tra thực hiện nhằm đạt được các
mục tiêu của tổ chức.
D. Hệ thống thông tin của tổ chức được thiết lập để tổ chức thu thập, xử lý và cung cấp thông tin và thông qua
đó, hệ thống thông tin của đơn vị thực hiện chức năng kiểm tra, kiểm soát các hoạt động của đơn vị.
5 . 20043345
Một hệ thống KSNB đem lại sự bảo đảm hợp lý rằng các mục tiêu của tổ chức có thể đạt được. Điều
nào sau đây là không đúng về việc thiết lập các mục tiêu của tổ chức:
A. Mục tiêu lập báo cáo nhanh có thể thuộc các mục tiêu bảo đảm tính hiệu quả hoạt động của tổ chức.
B. Mục tiêu lập báo cáo nhanh có thể thuộc các mục tiêu bảo đảm sự tin cậy của báo cáo của tổ chức.
C. Mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm có thể thuộc các mục tiêu bảo đảm sự tin cậy của báo cáo của tổ
chức.
D. Mục tiêu bảo vệ tài sản của đơn vị về cơ bản thuộc các mục tiêu bảo đảm tính hiệu quả hoạt động của tổ
chức.
6 . 21044905
Báo cáo phân tích chênh lệch chi phí và Chuông báo cháy lần lượt là loại kiểm soát
A. kiểm soát phòng ngừa và kiểm soát phòng ngừa
B. kiểm soát phát hiện và kiểm soát phòng ngừa
C. kiểm soát phát hiện và kiểm soát phát hiện
D. kiểm soát phòng ngừa và kiểm soát khắc phục
7 . 20041213
Tổ chức thiết lập cơ cấu tổ chức, các tuyến báo cáo và quyền hạn và trách nhiệm phù hợp hướng đến
việc thực hiện các mục tiêu của tổ chức. Trong mối liên hệ với kiểm soát nội bộ,
A. thiết lập cơ cấu tổ chức tạo ra sự chịu trách nhiệm rõ ràng và luân chuyển thông tin có hiệu quả trong
toàn bộ tổ chức.
B. thiết lập cơ cấu tổ chức giúp ban quản lý xem xét đánh giá cơ cấu tổ chức trong việc bảo đảm tính phù
hợp và tính hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ.
C. thiết lập cơ cấu tổ chức giúp ban quản lý và các cấp quản lý trong tổ chức thực hiện các quyết định
hướng đến việc thực hiện các mục tiêu của tổ chức.
D. Không có lựa chọn phù hợp.
8 . 20045449
Tổ chức phải thể hiện cam kết đối với tính chính trực và các giá trị đạo đức. Điều nào không thuộc
về cam kết này trong các điều sau:
A. Tổ chức cần thiết lập quyền hạn và trách nhiệm phù hợp.
B. Tổ chức cần thực hiện đánh giá sự tuân thủ các giá trị đạo đức và tính chính trực của tất cả các thành viên
của tổ chức.
C. Tổ chức phải thiết lập thông điệp từ quản lý cấp cao hay giọng điệu chung trong việc hướng đến đạt được
các mục tiêu của tổ chức.
D. Tổ chức phải thiết lập các quy tắc đạo đức để hướng dẫn về hành vi, các hoạt động và các hoạt động trong
việc hướng đến đạt được các mục tiêu của tổ chức.
9 . 22041121
Duy trì chất lượng thông tin là cần thiết để có được một hệ thống kiểm soát nội bộ có hiệu quả. Yếu
tố nào sau đây không ảnh hưởng đến chất lượng của thông tin:
A. Sự tiếp cận các thông tin nhạy cảm là được giới hạn chỉ những người có thẩm quyền mới được tiếp cận.
B. Thông tin là dễ dàng tiếp cận bởi những người (được ủy quyền) cần sử dụng.
C. Dữ liệu thu thập được phải cập nhật và thu thập theo tần suất cần thiết.
D. Không có lựa chọn phù hợp.
10 . 21042218
Tổ chức cần phải thiết lập các mục tiêu một cách rõ ràng để có thể thực hiện việc xác định và đánh
giá các rủi ro có thể ảnh hưởng đến các mục tiêu. Điều nào không đúng khi nói về vấn đề xác định
mục tiêu của tổ chức:
A. Việc xác định các mục tiêu hoạt động một cách rõ ràng giúp tổ chức có thể định hướng các nguồn lực một
cách phù hợp.
B. Các mục tiêu báo cáo tài chính thống nhất với các yêu cầu của các nguyên tắc kế toán được áp dụng phù
hợp với đặc điểm của tổ chức, bảo đảm cho việc lập các báo cáo tài chính tin cậy.
C. Các mục tiêu tuân thủ các luật và các quy định nhìn chung xếp sau các mục tiêu về hoạt động và mục tiêu
báo cáo về mức độ ưu tiên, đòi hỏi tổ chức phải hiểu rõ những luật và quy định nào áp dụng đối với hoạt động
của tổ chức.
D. Việc xác định mục tiêu đòi hỏi phải xem xét tầm quan trọng của các mục tiêu và các ưu tiên trong việc thực
hiện các mục tiêu.
11 . 22044418
Tổ chức lựa chọn, phát triển và thực hiện các hoạt động đánh giá thường xuyên và đánh giá chuyên
biệt KSNB. Khi thực hiện các hoạt động đánh giá KSNB, tổ chức cần phải xem xét các vấn đề sau,
ngoại trừ
A. Xem xét yêu cầu thông tin của các cấp quản lý trong việc thực hiện các chức năng quản trị
B. Sử dụng người đánh giá có đủ năng lực hiểu biết về những gì được đánh giá.
C. Xem xét mức độ thay đổi trong hoạt động kinh doanh.
D. Thiết lập một hiểu biết cơ sở về thiết kế và hiện trạng của hệ thống kiểm soát nội bộ.
12 . 23042837
Sự thành công của việc áp dụng các quy tắc đạo đức trong tổ chức được quyết định bởi:
A. các quy tắc đạo đức cần phải được truyền đạt đến tất cả người quản lý và cán bộ, công nhân viên ở các cấp
trong tổ chức.
B. vai trò lãnh đạo của các cấp quản lý trong tổ chức.
C. ý thức tự giác của các thành viên trong tổ chức.
D. các quy tắc đạo đức cần phải được ban hành bằng văn bản.
13 . 23042514
Cấu trúc quản trị tổ chức bao gồm các thành phần sau, ngoại trừ:
A. Các quy định và luật B. Kiểm toán độc lập C. Các chuẩn mực đạo đức D. Không có lựa chọn
phù hợp.
14 . 21042440
Hoạt động kiểm soát là các hoạt động được thiết lập thông qua các chính sách và các thủ tục nhằm
bảo đảm các chỉ thị để đối phó với các rủi ro đối với việc đạt được các mục tiêu của tổ chức được
thực hiện. Điều nào sau đây không thuộc về hoạt động kiểm soát:
A. Hoạt động kiểm soát chủ yếu được thiết lập nhằm hướng đến đạt được các mục tiêu hoạt động của tổ chức.
B. Hoạt động kiểm soát hỗ trợ tất cả các thành phần khác của KSNB nhưng đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với
thành phần Đánh giá rủi ro của KSNB.
C. Hoạt động kiểm soát bao gồm cả việc thực hiện nguyên tắc Phân công, phân nhiệm và bất kiêm nhiệm.
D. Hoạt động kiểm soát được thực hiện ở tất cả các cấp của tổ chức, ở tất cả các giai đoạn trong hoạt động
kinh doanh của tổ chức, và cả trong môi trường công nghệ thông tin.
15 . 22042226
Hoạt động đánh giá chuyên biệt KSNB khác nhau về tần suất và phạm vi. Điều nào sau đây là
không đúng về hoạt động đánh giá chuyên biệt KSNB trong tổ chức:
A. Kết quả của hoạt động đánh giá thường xuyên KSNB có ảnh hưởng đến hoạt động đánh giá chuyên biệt
KSNB.
B. Hoạt động đánh giá chuyên biệt KSNB được lồng ghép trong các hoạt động hàng ngày của tổ chức.
C. Hoạt động đánh giá chuyên biệt KSNB có phạm vi được quyết định bởi loại mục tiêu nào (hoạt động, báo
cáo, tuân thủ) được đánh giá.
D. Hoạt động đánh giá chuyên biệt KSNB phụ thuộc vào mức độ quan trọng của rủi ro và phương thức đối phó
với rủi ro.
16 . 22040321
Chức năng của HĐQT thường tập trung vào các lĩnh vực sau, ngoại trừ:
A. hoạch định chiến lược và các cấu trúc tổ chức.
B. phân cấp quyền hạn và trách nhiệm quản lý.
C. thiết lập tầm nhìn, sứ mệnh và các giá trị của tổ chức.
D. thiết lập cơ cấu tổ chức, các tuyến báo cáo và quyền hạn và trách nhiệm phù hợp hướng đến việc thực hiện
các mục tiêu của tổ chức.
17 . 22041027
Hoạt động giám sát đánh giá xem liệu các thành phần của hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức có
hiện hữu và vận hành như mong muốn hay không. Điều nào trong các điều sau đây không thuộc về
hoạt động giám sát:
A. Việc xem xét các báo cáo hoạt động (như báo cáo hoạt động sản xuất, báo cáo hoạt động bán hàng) để phát
hiện và khắc phục các vấn đề bất thường nảy sinh trong việc thực hiện các nghiệp vụ.
B. Hoạt động giám sát thường xuyên được thực hiện trong cùng các hoạt động kinh doanh của tổ chức và trong
tất cả các bộ phận của tổ chức.
C. Việc phân tích nguyên nhân của các vấn đề phát sinh trong hoạt động của tổ chức, từ đó, xác định các khiếm
khuyết của kiểm soát nội bộ để khắc phục.
D. Không có lựa chọn phù hợp.
18 . 20042110
KSNB của tổ chức chỉ có thể đem lại sự bảo đảm hợp lý cho việc đạt được các mục tiêu của tổ chức.
Điều nào là không đúng trong các điều sau:
A. Khả năng đạt được các mục tiêu của tổ chức được quyết định hoàn toàn bởi sự hữu hiệu của hệ thống
KSNB.
B. Khả năng đạt được các mục tiêu của tổ chức bị ảnh hưởng bởi các hạn chế vốn có của hệ thống KSNB.
C. Bảo đảm hợp lý ở đây không có nghĩa là KSNB sẽ giúp tổ chức luôn luôn đạt được mục tiêu của mình.
D. Con người, chi phí và các yếu tố không chắc chắn đến từ bên trong và bên ngoài tổ chức hạn chế sự hữu
hiệu của KSNB của tổ chức.
19 . 23040115
Các trách nhiệm cụ thể trực tiếp của các thành viên HĐQT có thể bao gồm, ngoại trừ:
A. xác định các mục tiêu chiến lược của tổ chức của tổ chức.
B. xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức.
C. bổ nhiệm các quản lý cấp cao của tổ chức.
D. giám sát tiến trình thực hiện các mục tiêu và các chính sách của tổ chức.
20 . 20042009
KSNB không phải là một sự kiện hay một hoàn cảnh, mà là các tiến trình linh hoạt lập đi lập lại,
đồng thời
A. KSNB là các hoạt động hòa quyện trong các hoạt động của tổ chức và trong cách thức quản lý điều hành tổ
chức
B. Các tiến trình KSNB được quản lý thông qua các hoạt động quản lý cơ bản: lập kế hoạch, thực hiện và kiểm
tra.
C. KSNB cần được thiết lập tách rời với các hoạt động của tổ chức để đảm bảo tính hiệu quả của hoạt động
của KSNB.
D. Các tiến trình KSNB không có ảnh hưởng quan trọng đến chi phí của tổ chức.
21 . 23040625
Trên nền tảng của quản trị tổ chức, các thành viên HĐQT không thuộc ban quản lý điều hành được
xem là đóng vai trò then chốt trong việc thực thi trách nhiệm đối với tổ chức. Ý nghĩa lớn nhất mà
các thành viên này đem lại cho hoạt động của HĐQT là:
A. kiến thức và năng lực đặc biệt.
B. kinh nghiệm rộng.
C. sự công bằng vô tư.
D. sự phản biện khách quan.
22 . 21045531
Loại kiểm soát nào sau đây không thuộc các hoạt động kiểm soát:
A. Thiết lập và sử dụng các dữ liệu thường trực để hỗ trợ xử lý các nghiệp vụ (ví dụ: bảng giá)
B. Phê duyệt
C. Các kiểm soát vật chất
D. Không có lựa chọn phù hợp.
23 . 20042108
Điều nào là không đúng trong các điều sau:
A. Môi trường kiểm soát là một bộ phận của văn hóa kiểm soát bao gồm các yếu tố như các giá trị đạo đức và
tính chính trực, sự giám sát, sự chịu trách nhiệm và đánh giá kết quả hoạt động.
B. Môi trường kiểm soát là thành phần nền tảng của KSNB hỗ trợ việc đánh giá rủi ro, thực hiện các hoạt động
kiểm soát, sử dụng hệ thống thông tin và truyền thông và tiến hành các hoạt động giám sát.
C. Môi trường kiểm soát bao gồm các chuẩn mực, các tiến trình và các cấu trúc hướng dẫn các thành viên của
tổ chức trong các cấp thực hiện các trách nhiệm của mình trong KSNB và thực hiện các quyết định hướng đến
việc đạt được các mục tiêu của tổ chức.
D. Không có lựa chọn phù hợp.
24 . 22042812
Có nhiều chủ thể có thể thực hiện hoạt động đánh giá chuyên biệt KSNB. Có trường hợp
nào sau đây không thuộc chủ thể đánh giá chuyên biệt KSNB:
A. Đánh giá KSNB được thực hiện bởi kiểm toán nội bộ.
B. Đánh giá KSNB được thực hiện bởi chính quản lý bộ phận, thực hiện đánh giá sự thiết kế và vận hành của
KSNB trong bộ phận đó.
C. Đánh giá KSNB được thực hiện chéo giữa các bộ phận của tổ chức.
D. Không có lựa chọn phù hợp.
25 . 22043312
Việc truyền thông, giao tiếp với các đối tượng bên ngoài tổ chức ảnh hưởng đến cách thức mà các
đối tượng bên ngoài tương tác với tổ chức. Chẳng hạn, ban quản lý trao đổi các chính sách và các
thủ tục mà tổ chức áp dụng đối với việc chấp nhận nhà cung cấp và các yêu cầu mà nhà cung cấp
phải tuân thủ, giúp cho việc bảo đảm nhà cung cấp đáp ứng các yêu cầu của tổ chức, ngăn ngừa các
sai phạm có thể xảy ra. Điều này chứng tỏ truyền thông, giao tiếp với các đối tượng bên ngoài tổ
chức ảnh hưởng trực tiếp đến
A. hoạt động giám sát của tổ chức.
B. hoạt động kiểm soát của tổ chức.
C. hoạt động đánh giá rủi ro của tổ chức.
D. môi trường kiểm soát của tổ chức.
26 . 20043239
Như là một yếu tố trong môi trường kiểm soát, tổ chức phải thực hiện trách nhiệm giám sát. Điều nào
không thuộc về vấn đề này trong các điều sau:
A. HĐQT và quản lý cấp cao của tổ chức cần phát triển các kế hoạch dự phòng về nhân sự để bổ nhiệm các
trách nhiệm quan trọng trong hệ thống kiểm soát nội bộ.
B. HĐQT cần thể hiện sự độc lập với ban quản lý và có đủ kỹ năng và trình độ chuyên môn cần thiết để thực
hiện chức năng giám sát.
C. Ban quản lý chịu trách nhiệm trực tiếp đối với sự phát triển và vận hành hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ
chức dưới sự giám sát của HĐQT.
D. HĐQT cần thực hiện sự giám sát đối với sự phát triển và vận hành hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức.
27 . 21041854
Tuyển dụng nhân viên có năng lực và Phân công, phân nhiệm lần lượt là loại kiểm soát
A. kiểm soát phát hiện và kiểm soát phát hiện
B. kiểm soát ngăn ngừa và kiểm soát phát hiện
C. kiểm soát ngăn ngừa và kiểm soát ngăn ngừa
D. kiểm soát phát hiện và kiểm soát khắc phục
28 . 20044430
Một tổ chức phải luôn đánh giá đầy đủ các rủi ro để đối phó hiệu quả với các rủi ro. Điều nào trong
các điều sau đây là không đúng, liên quan đến việc đánh giá rủi ro và đối phó với rủi ro:
A. Trên cơ sở xác định và đánh giá rủi ro, ban quản lý cần xác định một phương thức đối phó với rủi ro trong
các phương thức sau: tránh rủi ro, chấp nhận rủi ro, làm giảm rủi ro và KSNB.
B. Ban quản lý phải xem xét sự tác động của các thay đổi có thể xảy ra từ môi trường bên ngoài và trong mô
hình hoạt động của tổ chức mà có thể làm cho rủi ro thay đổi và kiểm soát nội bộ trở nên kém hiệu quả.
C. Ban quản lý phải xác định mức rủi ro được chấp nhận một cách thận trọng, phấn đấu duy trì các rủi ro trong
mức rủi ro được chấp nhận.
D. Một điều kiện tiên quyết của đánh giá rủi ro là việc thiết lập các mục tiêu có thể đo lường liên kết với nhau
giữa các cấp của tổ chức.
29 . 22045130
Tổ chức cần phải trao đổi các thông tin cần thiết để hỗ trợ sự vận hành của các bộ phận của hệ
thống kiểm soát nội bộ. Với tư cách là một bộ phận của kiểm soát nội bộ, các thông tin mà chức
năng trao đổi thông tin có thể truyền tải trong tổ chức gồm có các thông tin sau, ngoại trừ:
A. Tầm quan trọng, sự phù hợp, và lợi ích của kiểm soát nội bộ hiệu quả.
B. Các báo cáo hoạt động như báo cáo sản xuất, báo cáo bán hàng.
C. Vai trò và trách nhiệm của ban quản lý và các thành viên trong việc thực hiện KSNB.
D. Các vấn đề quan trọng liên quan đến KSNB bao gồm các trường hợp yếu kém, không tuân thủ yêu cầu kiểm
soát nội bộ.
30 . 20045910
KSNB được thiết lập và vận hành bởi ban quản lý và quản lý ở các cấp trong tổ chức dưới sự giám sát
của HĐQT. Điều nào là không đúng trong các điều sau:
A. Con người thiết lập các mục tiêu của tổ chức và thiết lập các cơ chế KSNB để bảo đảm các mục tiêu được
thực hiện.
B. HĐQT và quản lý cấp cao trong tổ chức thiết lập thông điệp từ quản lý cấp cao trong tổ chức liên quan đến
tầm quan trọng của KSNB và các quy tắc đạo đức áp dụng xuyên suốt tổ chức.
C. KSNB được thực hiện bởi con người của tổ chức thông qua những gì mà được làm và cả lời nói.
D. Mỗi cá nhân thể hiện sự khác nhau trong quá trình đào tạo, năng lực chuyên môn và cả sự khác nhau trong
nhu cầu và các mối ưu tiên. Do vậy, hệ thống KSNB của tổ chức khó có thể có được sự thống nhất trong vận
hành.
BÀI TẬP TÌNH HUỐNG
Bài 1
GC là một nhà bán lẻ quần áo thời trang. Hoạt động của công ty chủ yếu được
tiến hành ở các chi nhánh trên nhiều tỉnh thành. Thị trường chính của công ty
tập trung vào lứa tuổi 15-35 với sản phẩm có giá thấp hoặc trung bình.

Công ty có một bộ phận kiểm toán nội bộ nhưng vai trò hiện tại chỉ là thực hiện
kiểm kê tại các cửa hàng vào cuối quý, nhưng thường không thể kiểm kê hết các
của hàng một lần.
Tiến trình đặt hàng
Mỗi tỉnh có 1 chi nhánh và các cửa hàng trên địa bàn mỗi tỉnh. Mỗi chi nhánh
có 1 quản lý chi nhánh, 1 bộ phận kế toán và các cửa hàng trưởng. Nhu cầu mua
hàng của mỗi chi nhánh, thể hiện qua các mặt hàng, số lượng mỗi mặt hàng, nhà
cung cấp, và giá cả, được báo cáo qua email với phòng cung ứng trung tâm của
công ty ở TP HCM. Một nhân viên phòng cung ứng trung tâm tổng hợp tất cả
các đơn hàng theo từng khu vực, như khu vực phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Miền
Trung và Tây Nguyên, Tây Nam bộ, Đông Nam bộ, và chuyển Bảng tổng hợp
đơn hàng của các khu vực cho giám đốc cung ứng của công ty để xem xét và
phê duyệt. Trên cơ sở đó, các chi nhánh tiến hành triển khai việc đặt hàng và
mua hàng từ nhà cung cấp.

Quản lý chi nhánh là người quyết định mức tồn kho mỗi mặt hàng cho mỗi cửa
hàng dựa trên đánh giá của riêng mình. Việc quản lý tồn kho hàng tháng của các
mặt hàng dựa trên mức tồn kho của các mặt hàng này. Khi mức tồn kho của các
mặt hàng ở mỗi cửa hàng xuống đến mức tồn kho trên, quản lý chi nhánh sẽ
tổng hợp để đặt hàng cho các mặt hàng của toàn chi nhánh. Việc đặt hàng được
thực hiện cuối mỗi tháng và mất khoảng 3-4 tuần để hàng về đến cửa hàng.
Nhận hàng và hóa đơn
Để giảm bớt thời gian từ đặt hàng đến nhận hàng, hàng hóa được chuyển trực
tiếp từ nhà cung cấp đến các cửa hàng. Khi nhận hàng, hàng được kiểm nhận
bởi nhân viên bán hàng của cửa hàng, đối chiếu với chứng từ chuyển hàng của
nhà cung cấp, sau đó nhân viên kiểm nhận hàng lập phiếu nhập kho. Việc nhận
hàng được thực hiện vào cuối ngày để không ảnh hưởng đến việc bán hàng. Một
liên phiếu nhập kho sau đó được chuyển đến trụ sở chi nhánh để đối chiếu với
hóa đơn của người bán.
Hóa đơn được nhà cung cấp gửi đến bộ phận kế toán chi nhánh. Khi hóa đơn
nhận được, cán bộ kế toán tại chi nhánh sẽ đối chiếu với phiếu nhập kho nhận
được từ các của hàng. Đây là công việc mất nhiều thời gian vì số lượng chứng
từ khá nhiều. Sau khi đã đối chiếu, hóa đơn, phiếu nhập kho được nhập vào hệ
thống kế toán.
Kiểm kê và Xử lý hàng lỗi mốt
Cuối mỗi tháng, kế toán chi nhánh sẽ cùng với nhân viên cửa hàng thực hiện
kiểm kê hàng còn tồn ở cửa hàng, đối chiếu với số liệu sổ sách và lập báo cáo số
lượng hàng tồn đọng trên 3 tháng không bán được. Quản lý chi nhánh, trên cơ
sở báo cáo kiểm kê hàng tồn ở các cửa hàng và báo cáo hàng chậm luân chuyển
để xử lý. Hàng chậm luân chuyển thông thường được bán rẻ thấp hơn giá vốn
30-70% tại các cửa hàng.
Yêu cầu:
Xác định các rủi ro quan trọng, các điểm yếu KSNB và đề xuất biện pháp KSNB
và quản lý để khắc phục.

Bài 2
Công ty AC là nhà phân phối thiết bị văn phòng. Trong khi các giám đốc điều
hành chắc chắn rằng các cải tiến sản phẩm thúc đẩy doanh thu, các nhà quản lý
không chắc rằng các KSNB đối với doanh thu và nợ phải thu đáp ứng các mục
tiêu. Do đó, bạn được mời với tư cách chuyên gia KSNB đến công ty, xem xét
toàn bộ hệ thống và đưa ra các đề xuất hoàn thiện KSNB của công ty.

Xem xét về hệ thống doanh thu và nợ phải thu, bạn phát hiện những vấn đề sau:

(1) Bộ phận bán hàng công ty bao gồm 1 quản lý bán hàng và 10 đại diện bán
hàng. Mỗi đại diện bán hàng thực hiện bán hàng bao gồm: tìm kiếm khách hàng,
quyết định bán hàng và quản lý công nợ khách hàng bao gồm: theo dõi công nợ
và thu nợ, nộp tiền về phòng kế toán đơn vị. Mỗi đại diện bán hàng có quyền
chiết khấu đến 20% mức giá gốc khi bán hàng. Quản lý bán hàng có nhiệm vụ
theo dõi tình hình bán hàng của các đại diện bán hàng, giải quyết các vấn đề
phát sinh trong quá trình bán hàng của các đại diện bán hàng, phân công, chỉ
đạo công việc của các đại diện bán hàng.

(2) Thưởng theo doanh thu được thực hiện đối với mỗi đại diện bán hàng và
quản lý bán hàng dựa trên mức doanh thu đạt được. Cuối mỗi tháng, quản lý
bán hàng xem xét số liệu doanh thu của mỗi đại diện bán hàng dựa trên hóa đơn
phát hành, sau đó, chuyển số liệu doanh thu tổng hợp đến kế toán tiền lương để
nhập vào hệ thống tính lương, thưởng và thực hiện thanh toán các khoản thưởng
sau đó.

(3) Phần lớn các khách hàng tiềm năng được tìm kiếm thông qua gọi điện thoại
và hẹn gặp bởi các đại diện bán hàng. Các đại diện bán hàng chịu trách nhiệm
đánh giá về khả năng thanh toán và đưa ra quyết định về mức bán chịu đối với
từng đơn hàng (trong đó, khách hàng mua lần đầu không được mua chịu). Để
bảo đảm tính hiệu quả của vấn đề quyết định mức bán chịu, tất cả các đại diện
bán hàng đã được công ty đào tạo về đánh giá khả năng thanh toán của khách
hàng.

(4) Một yêu cầu công ty AC đặt ra là tất cả các đơn hàng khách hàng đặt mua
thiết bị được xác nhận bằng 1 email khách hàng gửi tới các đại diện bán hàng.

Khi nhận được xác nhận đơn hàng từ khách hàng, đại diện bán hàng sẽ:

(i) gửi email 1 bản copy đơn hàng đến bộ phận kho hàng và kế toán tiêu thụ,
với các giải thích thêm các chi tiết đơn hàng. Email này là cơ sở để bộ phận kho
hàng thu xếp hàng cho đơn hàng, đóng gói và gửi hàng đến cho khách hàng
cùng với một chứng từ chuyển hàng. Một liên của chứng từ chuyển hàng được
lưu tại bộ phận kho hàng, sau đó, được đối chiếu với một liên chứng từ chuyển
hàng đã được ký bởi khách hàng khi nhận hàng, và tất cả được lưu cùng với một
bản in ra của đơn đặt hàng nhận được qua email.

(ii) lập và gửi hóa đơn đến khách hàng sử dụng mẫu hóa đơn đã được đánh số
sẵn bởi bộ phận bán hàng. Các chi tiết trên hóa đơn gồm có ngày hóa đơn, số
đơn hàng, tên và địa chỉ khách hàng, số lượng và chi tiết thiết bị, giá bán và kỳ
hạn thanh toán. Mỗi khách hàng nếu chưa trả tiền thì thời hạn thanh toán cho
phép tối đa là 30 ngày. Một liên hóa đơn được gửi cho bộ phận bán hàng để
tổng hợp doanh thu bán hàng, sau đó, cuối ngày, chuyển cho kế toán tiêu thụ để
ghi sổ nghiệp vụ bán hàng.

Đại diện bán hàng sau khi bán hàng, thu được tiền, cuối mỗi tuần phải nộp tiền
về phòng kế toán công ty.
Yêu cầu:
Xác định các rủi ro quan trọng, các điểm yếu KSNB và đề xuất biện pháp KSNB
và quản lý để khắc phục.
Bài 3
BC lắp ráp các loại xe chuyên dụng như xe tải, xe bus và xe cẩu. Công ty có 4
nhà máy lắp ráp, tiếp nhận các phụ tùng và lắp ráp thành các xe chuyên dụng.

Xe được lắp ráp tại các dây chuyền sản xuất sử dụng robot và lao động. Lao
động làm việc 8h/ 1 ngày, mặc dù, thường làm việc vượt giờ bởi vì công ty có
khá nhiều đơn hàng. Mỗi ngày có 1 ca làm việc.
Hệ thống ghi giờ làm việc - Công nhân làm việc theo ca
Công nhân làm việc theo ca từ 7h sáng và ghi giờ bằng 1 thẻ nhận dạng điện tử.
Thẻ điện tử được quét bằng 1 hệ thống ghi nhận thời gian và mỗi số nhận dạng
của mỗi công nhân được đọc từ thẻ bằng máy quét. Khi đó công nhân bắt đầu
được tính giờ làm việc. Công ty không giám sát quá trình quét thẻ tính giờ vì giả
định rằng công nhân sẽ không làm việc mà không quét thẻ tính giờ.

Công nhân làm ca được chia thành các nhóm 25 người, với mỗi nhóm được
quản lý bởi 1 quản đốc.

Mỗi ngày, mỗi nhóm công nhân được phân công sản xuất 1 loại xe. Khoảng 400
xe được sản xuất mỗi ngày. Khi cần thiết, công nhân có thể làm thêm giờ để
hoàn thành đơn hàng.

Quản đốc không được yêu cầu quản lý mức thời gian làm vượt giờ, mặc dù,
công nhân được giám sát để không kéo dài thời gian nghỉ giải lao, trong thời
gian làm thêm giờ.

Công nhân kết thúc buổi làm việc bằng cách quét lại thẻ nhận dạng 1 lần nữa
khi đi ra khỏi khu vực sản xuất.
Thanh toán lương
Chi tiết số giờ làm việc mỗi tuần được gửi thông qua hệ thống mạng đến bộ
phận tính lương. Bộ phận tính lương tổng hợp số giờ làm việc của từng công
nhân trên bản ghi của công nhân đó trong hệ thống tính lương. Một nhân viên
trong bộ phận tính lương so sánh số giờ làm việc ghi nhận trên hệ thống ghi
nhận thời gian với hệ thống tính lương, sau đó, nhập vào một mật mã để xác
nhận sự chính xác của số liệu thời gian làm việc chuyển đến. Mật mã này là tên
của một loài hoa đặc trưng của vùng này.

Mỗi tuần hệ thống tính lương, tính ra:


(i) Tổng lương của mỗi công nhân, sử dụng đơn giá lương chuẩn và đơn giá
lương vượt giờ

(ii) Các khoản khấu trừ theo quy định

(iii) Số thực nhận

Bảng thanh toán lương được gửi qua mạng nội bộ đến phòng kế toán. Tại phòng
kế toán, một kế toán kiểm tra lại các thông tin tài khoản ngân hàng của mỗi
công nhân được lưu giữ trên hệ thống. Sau đó, nhân viên kế toán này phê chuẩn
bảng lương và thực hiện chuyển khoản tiền lương vào tài khoản của mỗi công
nhân. Cứ vài tuần, nhân viên kế toán này soát xét lại tổng tiền lương đã thanh
toán để bảo đảm số liệu tài khoản chính xác.
Công nhân nghỉ việc
Thỉnh thoảng, công nhân nghỉ việc tại công ty. Khi một công nhân nghỉ việc, bộ
phận nhân sự gửi một email đến bộ phận tính lương, ghi rõ chi tiết ngày nghỉ
việc và các khoản chưa thanh toán của công nhân nghỉ việc. Nhân viên bộ phận
tính lương sẽ loại nhân viên nghỉ việc ra khỏi bảng lương bắt đầu từ lần thanh
toán sau.
Yêu cầu:
Xác định các rủi ro quan trọng, các điểm yếu KSNB và đề xuất biện pháp KSNB
và quản lý để khắc phục.

Bài 4
Công ty A có một chi nhánh ở tỉnh xa. Chức năng của chi nhánh là nhận hàng từ
kho của công ty, quản lý hàng tồn kho tại chi nhánh, tổ chức tiêu thụ hàng hóa
của công ty. Mỗi năm, căn cứ vào kế hoạch kinh doanh, công ty giao chỉ tiêu
tiêu thụ hàng hóa cho chi nhánh. Giám đốc chi nhánh được mở một tài khoản
ngân hàng để phục vụ cho hoạt động của chi nhánh. Hoạt động của chi nhánh
phát sinh các chi phí và giám đốc chi nhánh được quyền quyết định các khoản
chi này. Định kỳ, hàng tháng, giám đốc chi nhánh phải báo cáo về tình hình tiêu
thụ và chuyển khoản từ tài khoản của chi nhánh nộp tiền hàng tiêu thụ được
trong tháng về tài khoản của công ty (sau khi trừ đi các khoản chi thực hiện tại
chi nhánh và để lại một khoản tiền dự phòng cho các hoạt động của chi nhánh).
Yêu cầu:
Xác định các rủi ro quan trọng và đề xuất biện pháp KSNB và quản lý để đối
phó với các rủi ro.

Bài 5
Công ty AC là nhà phân phối thiết bị văn phòng. Trong khi các giám đốc điều
hành chắc chắn rằng các cải tiến sản phẩm thúc đẩy doanh thu, các nhà quản lý
không chắc rằng các KSNB đối với doanh thu và nợ phải thu đáp ứng các mục
tiêu. Do đó, bạn được mời với tư cách chuyên gia KSNB đến công ty, xem xét
toàn bộ hệ thống và đưa ra các đề xuất hoàn thiện KSNB của công ty.

Tại công ty AC, kế toán có 4 thành viên và 1 thủ quỹ.

- Kế toán trưởng là một người có kinh nghiệm, chịu trách nhiệm quản lý chung
hoạt động của phòng kế toán.

- Kế toán tổng hợp phụ trách hạch toán tổng hợp và lập BCTC. Kế toán tổng
hợp đồng thời cũng theo dõi TSCĐ và hàng tồn kho.

- Kế toán tiêu thụ và công nợ phụ trách theo dõi bán hàng, nợ phải thu và nợ
phải trả.

- Kế toán thanh toán phụ trách ghi sổ các khoản tiền thu, chi và các khoản thanh
toán khác.

- Thủ quỹ giữ tiền mặt tại quỹ của đơn vị.

Đơn vị có khá nhiều khách hàng và trên cơ sở theo dõi công nợ khách hàng, kế
toán công nợ đồng thời cũng là người đi thu tiền khách hàng cho đơn vị. Trong
một ngày, sau khi thu được tiền, kế toán công nợ sẽ tổng hợp vào một bảng kê
và trình cho kế toán trưởng kiểm tra, ký duyệt. Kế toán trưởng kiểm tra kỹ số
tiền thu vào đối chiếu với bảng kê và ký vào bảng kê thu tiền. Sau đó, kế toán
công nợ nộp tiền cho thủ quỹ. Thủ quỹ, đối chiếu số tiền nộp với bảng kê, lập
phiếu thu để thu tiền. Căn cứ vào phiếu thu, kế toán thanh toán ghi sổ tiền mặt,
kế toán công nợ ghi giảm nợ phải thu của các khách hàng theo bảng kê.
Yêu cầu:
Xác định các rủi ro quan trọng, các điểm yếu KSNB và đề xuất biện pháp KSNB
và quản lý để khắc phục.
Bài 6
Đoạn sau được trích từ mô tả về quy trình thu học phí ở một trường học:

Phòng Công nghệ - Kỹ thuật (CN-KT) xây dựng phần mềm QLDT 2.0. Đây là
phần mềm quản lý học phí (nhập học phí, theo dõi học phí, bảng kê và báo cáo
danh sách nộp học phí, tìm học phí v.v…) và quản lý đào tạo (các báo cáo:
điểm, bảng điểm, giấy chứng nhận, danh sách lớp, danh sách điểm danh; các
công cụ: bảo lưu, chuyển lớp, import CSDL, phân lớp, thống kê số liệu; chương
trình đào tạo; quản lý điểm; quản lý hồ sơ sinh viên; xét điều kiện lên lớp, tốt
nghiệp; in thẻ sinh viên, nhật ký sử dụng v.v…).

Trưởng phòng CN-KT phân quyền, cấp cho mỗi bộ phận, mỗi người có công
việc liên quan một user account và password riêng. Tất cả cán bộ nhân viên
trong đơn vị đều có thể xem được các dữ liệu trong chương trình này nhưng
không thể vào sửa hay xóa dữ liệu được, mà chỉ có những người ở những bộ
phận tương ứng mới có thể sửa, xóa dữ liệu thuộc phần hành công việc của
mình. Ví dụ, bộ phận nhập học phí thì có thể vào nhập học phí, sửa học phí, có
thể xem điểm nhưng không thể vào sửa điểm thi của sinh viên.

Trưởng phòng CN-KT là người quản trị (administrator) đối với phần mềm này.
Trưởng phòng CN-KT là người phân quyền, cấp user account, có quyền can
thiệp vào công việc của tất cả các phần hành, có quyền thêm bớt, chỉnh sửa, xóa
các dữ liệu (database) trong phần mềm. Khi dữ liệu bị lỗi hay có sai sót, gian
lận xảy ra thì chỉ có Trưởng phòng CN-KT mới có quyền truy cập phần mềm để
chọn user account và xem nhật ký công việc của họ. Từ đó, mới truy ra những
thiếu sót và gian lận thuộc trách nhiệm của ai.
Yêu cầu:
Xác định các rủi ro quan trọng, các điểm yếu KSNB và đề xuất biện pháp KSNB
và quản lý để khắc phục.

Bài 7
Công ty Thực phẩm sạch C là một nhà cung cấp các sản phẩm gia cầm đang trải
qua những năm hoạt động với kết quả kinh doanh ngày càng đi xuống. Trong
khi giám đốc công ty tin chắc rằng những sản phẩm mới sẽ thúc đẩy số liệu
doanh thu, ông ta không tự tin lắm về kiểm soát nội bộ trong chu trình bán hàng
và quản lý các khoản phải thu khách hàng đang áp dụng tại đơn vị. Ông ta đã đề
nghị bạn với tư cách là chuyên gia kiểm soát nội bộ xem xét lại kiểm soát nội bộ
trong chu trình này và đề xuất các hoàn thiện cần thiết.
Sau khi xem xét chu trình bán hàng và quản lý nợ phải thu tại đơn vị, bạn ghi
chú được các thông tin như sau:
(1) Công ty C thuê các nông trại để chăn nuôi gia cầm và cung cấp con
giống, thức ăn, thuốc men và công nghệ cho các nông trại. Trong thời gian hợp
đồng giữa các nông trại và công ty, công ty cử các cán bộ kỹ thuật xuống các
nông trại để hướng dẫn nông dân và giám sát quá trình chăn nuôi tại các nông
trại. Khi gia cầm đến kỳ thu hoạch sản phẩm, nhân viên bán hàng của công ty sẽ
đến nông trại lấy gia cầm đem bán cho khách hàng. Người nông dân ở các nông
trại được trả một khoản cố định để thực hiện hợp đồng chăn nuôi với công ty.
(2) Các nhân viên bán hàng của công ty có nhiệm vụ tìm kiếm khách hàng và
khi tìm thấy khách hàng sẽ đưa khách hàng tới nông trại để lấy hàng và hoàn tất
các thủ tục. Cùng với khách hàng, nhân viên bán hàng của công ty cân trọng
lượng gia cầm và một phiếu cân hàng được lập ghi lại trọng lượng gia cầm với
chữ ký xác nhận của người nông dân, khách hàng và nhân viên bán hàng. Sau
đó, nhân viên bán hàng lập hóa đơn với giá bán được thực hiện theo bảng giá
quy định của công ty. Một liên của hóa đơn và phiếu cân hàng được gửi cho kế
toán bán hàng sau đó đầy đủ ghi sổ nghiệp vụ bán hàng. Tất cả các nghiệp vụ
bán chịu cho khách hàng được phê chuẩn bởi quản lý bán hàng của công ty trên
cơ sở hạn mức tín dụng và số dư công nợ hiện tại của khách hàng (số liệu được
cung cấp bởi kế toán công nợ của công ty). Các khách hàng mua chịu có 1 tháng
để thanh toán hóa đơn mua hàng. Các nhân viên bán hàng của công ty cũng
đồng thời là người phụ trách thu tiền trực tiếp từ khách hàng và nộp tiền về
công ty vào cuối mỗi tuần.
(3) Công ty thực hiện chính sách thưởng theo doanh thu trên cơ sở tổng hợp
doanh thu từ hóa đơn bán hàng. Cuối mỗi tháng quản lý bán hàng tổng hợp
doanh thu bán hàng của từng nhân viên bán hàng và chuyển bảng tổng hợp
doanh thu bán hàng của các nhân viên bán hàng cho kế toán tiền lương để làm
thủ tục thanh toán tiền thưởng cho nhân viên bán hàng. Mức thưởng được tính
theo từng mức doanh thu sau khi đạt được mức doanh thu tối thiểu.
Yêu cầu:
Xác định các rủi ro quan trọng, các điểm yếu KSNB và đề xuất biện pháp KSNB
và quản lý để khắc phục.
Bài 8
Công ty A là một công ty cung cấp dịch vụ vận chuyển. Công ty có một đội xe
tải nằm dưới sự điều động của phòng kế hoạch kinh doanh. Tình hình gần đây
cho thấy, cùng với hoạt động kinh doanh ngày càng đi lên, công ty ký được
nhiều hợp đồng với nhiều khách hàng khác nhau. Tuy nhiên, số trường hợp báo
hỏng và sửa chữa xe tải ngày càng tăng. Khi hỏng xe, đội trưởng đội xe báo
hỏng, xin sửa chữa xe và trên cơ sở được giám đốc phê duyệt cho sửa xe thì tiến
hành làm thủ tục tạm ứng tiền sửa xe tại phòng kế toán và sau đó tiến hành sửa
xe. Sau khi xe sửa xong, đội trưởng đội xe và lái xe tiến hành thủ tục thanh toán
khoản tạm ứng tại phòng kế toán. Các chi phí sửa chữa xe trong quý vừa rồi
tăng đột biến làm ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của
công ty.
Yêu cầu:
Xác định các rủi ro quan trọng và quy trình kiểm soát cần thiết để đối phó với
các rủi ro trong quá trình tạm ứng và thanh toán tạm ứng sửa chữa xe cho công
ty A.

Bài 9
Tại phòng giao dịch An Toàn của ngân hàng Tin Cậy ở một tỉnh miền trung có
các vị trí nhân sự như sau: Nguyễn Thị Lan - thủ quỹ phòng giao dịch, Lê Thị
Lệ - trưởng bộ phận ngân quỹ và Võ Văn Vang - giám đốc phòng giao dịch An
Toàn.

Lợi dụng vị trí của mình, Lan đã nhiều lần lấy tiền, vàng của phòng giao dịch
bằng thủ đoạn tự sửa chữa số tiền trên bảng tồn quỹ cuối ngày. Còn vàng thì
Lan lấy một phần trong túi đựng vàng. Sở dĩ Lan làm vậy vì biết Vang và Lệ chỉ
kiểm tra túi, không kiểm tra số lượng bên trong nên không phát hiện. Chính vì
vậy, Vang và Lệ hàng ngày kiểm quỹ và đều ký biên bản xác nhận đủ.

Tuy nhiên vào một ngày, Lan bận việc riêng, nên Vang và Lệ trực tiếp kiểm quỹ
để báo cáo thì phát hiện số tiền, vàng ít hơn so với tiền, vàng trên phần mềm
quản lý của phòng giao dịch và biên bản kiểm quỹ. Tuy nhiên, Vang và Lệ vẫn
ký biên bản kiểm quỹ đủ số tiền tồn. Ngày hôm sau khi bị phát hiện, Lan đã
thừa nhận toàn bộ hành vi của mình quỹ với Vang và Lệ. Theo Lan, số tiền và
vàng lấy được, Lan mang đi kinh doanh mua bán vàng và bị thua lỗ. Sau khi
bàn bạc, Vang và Lệ quyết định để Lan tự xử lý khắc phục. Vì vậy, Vang và Lệ
không trình báo, không báo cáo cho ngân hàng cấp trên, bỏ qua các thủ tục kiểm
soát theo quy định, hàng ngày vẫn ký biên bản kiểm quỹ đúng. Được sự làm lơ
của cấp trên, Lan tiếp tục thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền, vàng của phòng
giao dịch.

Sự việc trên chỉ ra được phát hiện khi chi nhánh ngân hàng Tin Cậy cử cán bộ
xuống làm việc, kiểm kê ngân quỹ và đối chiếu với sổ sách tại phòng giao dịch
An Toàn.
Yêu cầu:
Phân tích vì sao các sai phạm tại phòng giao dịch An Toàn có thể xảy ra? Thảo
luận về các yếu tố thuộc môi trường kiểm soát của ngân hàng Tin Cậy có thể
giúp đối phó với các sai phạm trên tại phòng giao dịch An Toàn.

Bài 10
Công ty X & D là một đơn vị kinh doanh xăng dầu. Gần đây công ty nhận được
thông tin lái xe các xe bồn chở xăng đã lấy trộm xăng dầu trong quá trình vận
chuyển cho các cửa hàng. Thông thường những chiếc xe chở xăng phải lấy xăng
dầu trong kho, sau đó chở đến các cây xăng để cung cấp cho các cửa hàng bán
xăng dầu.

Ngày 3/8/20XX, xe bồn chở xăng mang biển kiểm soát 15UV sau khi nhận
xăng ở kho công ty đã đi vào một bãi trống ở ngoại ô thành phố. Khi vào bãi, lái
xe nhanh chóng leo lên xe kiểm tra lượng xăng dầu còn lại và đồng thời vòi
bơm cũng được ném xuống cắm vào các thùng phi chờ sẵn bên dưới.

Sau khoảng 10 phút xăng dầu đã bơm đầy một thùng phi 200 lít. Tiếp đó, vòi
bơm lại được di chuyển sang các thùng phi khác. Số lượng xăng dầu rút trộm ra
khỏi xe bồn lên tới hàng trăm lít.

Rời khỏi điểm rút trộm xăng dầu, xe 15UV di chuyển đến các cây xăng để cung
cấp xăng cho các cửa hàng bán lẻ. Dù đã kiểm tra kĩ bằng mắt và dụng cụ đo,
nhưng chủ của các cửa hàng này vẫn không thể phát hiện ra điều gì bất thường,
việc trả hàng diễn ra rất nhanh chóng.
Yêu cầu:
Giải thích cách thức lấy cắp xăng dầu của các lái xe chở xăng dầu của công ty
X & D và đề xuất biện pháp KSNB để đối phó.

Bài 11
Một công ty có qui định: nhân viên phòng kinh doanh có nhiệm vụ tìm kiếm
khách hàng mới và quản lí công nợ của các khách hàng của mình. Mức thưởng
của nhân viên cũng theo doanh số phát sinh từ khách hàng đó. Do khách hàng ở
địa bàn các tỉnh, nên nhiều trường hợp thu nợ, nhân viên phòng kinh doanh
mang tiền trực tiếp về công ty để nộp cho kế toán.

Yêu cầu:
1. Hãy nhận diện các rủi ro trong cách quản lý của đơn vị trên
2. Hãy đưa ra các thủ tục kiểm soát cần thiết để ngăn ngừa các rủi ro
3. Thiết kế các mẫu biểu cần thiết liên quan các thủ tục kiểm soát trên (nếu
có)

Bài 12
Để tăng cường doanh thu cho vay và đề cao trách nhiệm cá nhân, một ngân
hàng thương mại có qui định: nhân viên phòng tín dụng tiến hành tất cả mọi
khâu trong qui trình cho vay: từ tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra hồ sơ, đánh giá năng
lực tài chính khách hàng và đề xuất cho vay trước khi trưởng phòng tín dụng ra
quyết định. Nhân viên tín dụng cũng là người có trách nhiệm đôn đốc thu nợ
khách hàng và tiền lương của họ gắn với với doanh số cho vay, khả năng thu nợ
đúng hạn khách hàng.

Yêu cầu:
1. Phân tích các rủi ro liên quan đến hoạt động cho vay của ngân hàng nói
trên. Tại sao, ngân hàng vẫn chấp nhận các rủi ro đó.
2. Hãy đưa ra các hoạt động kiểm soát cần thiết để ngăn ngừa các sai phạm
có thể xảy ra.
Bài 13
Một cửa hàng bán vật liệu xây dựng là đại lý của nhiều công ty cung ứng vật
liệu, tổ chức bán theo phương thức chuyển hàng cho khách hàng. Sau khi quan
sát mẫu mã tại phòng trưng bày, khách hàng đặt hàng về số lượng, mẫu mã và
thống nhất giá với người bán hàng tại khách hàng. Việc mua nhiều có thể được
giảm giá theo chương trình khuyến mãi của các công ty đối tác. Thông thường,
khách hàng ứng trước 30% giá trị tiền hàng và sẽ thanh toán hết sau khi đã nhận
hàng đủ. Do những bể vỡ trong quá trình xây dựng, nên khách hàng cũng có thể
gọi điện thoại để cửa hàng bán chuyển thêm một số vật liệu xây dựng cho khách
hàng, và sẽ thanh toán ngay khi nhận đủ hàng.

Yêu cầu:
1. Phân tích các sai phạm có thể xảy ra trong hoạt động bán lẽ ở cửa hàng
nói trên.
2. Hãy đưa ra các thủ tục kiểm soát cần thiết để hạn chế các sai phạm

Bài 14
Một cửa hàng dược phẩm bán thuốc lẻ cho khách hàng. Theo qui định, tất cả
các loại thuốc đều có bảng giá. Những khách hàng có đơn của bác sĩ được người
bán hàng cung cấp hàng theo đơn. Do công năng của mỗi loại thuốc lại có nhiều
sản phẩm tương tự nên nhiều trường hợp, người bán có thể đổi loại thuốc khác
(vẫn đảm bảo các yêu cầu chữa bệnh) do thuốc theo đơn đã hết. Người bán cũng
là người thu tiền và không xuất phiếu tính tiền vì tính tiền trên tờ giấy nháp. Tuy
nhiên, nếu yêu cầu được viết hóa đơn, nhân viên bán hàng vẫn có thể xuất hóa
đơn cho khách hàng. Ở Việt Nam, nhiều người có thói quen mua thuốc theo
kinh nghiệm hoặc tìm kiếm trên mạng, nên với những bệnh phổ biến thì đến cửa
hàng mua ngay mà không cần đơn bác sĩ. Cửa hàng nói trên vẫn thường bán
thuốc cho các trường hợp không có đơn.

Cửa hàng nói trên là một khâu trong hệ thống phân phối của một công ty dược.
Thuốc kinh doanh của cửa hàng là do công ty cung cấp. Theo qui định hiện
hành: mỗi khi hàng chuyển cho cửa hàng thì số hàng đó được xem là tiêu thụ và
ghi nhận vào doanh thu và ghi nhận công nợ phải thu từng cửa hàng trong kì.
Vào cuối tháng, căn cứ vào số hàng đã bán do cửa hàng tổng hợp, kế toán công
ty mới điều chỉnh lại doanh thu và công nợ trước khi lập Báo cáo tài chính. Sau
đó, kế toán mới điều chỉnh giá vốn hàng bán. Về việc thu tiền, khoản 2-3
ngày/lần, nhân viên kế toán công ty đến từng hiệu thuốc để thu tiền của những
ngày bán trước đó.

Yêu cầu:
Xác định các rủi ro quan trọng và đề xuất biện pháp KSNB để đối phó.

Bài 15
Phòng quản lí đào tạo của một trường đại học có qui định về quản lí điểm như
sau:
- Bảng điểm sau khi được tổ trưởng bộ môn phê duyệt, được photo thành 4
bản. Một bản lưu tại khoa (Giáo vụ khoa quản lí), 2 bản lưu tại phòng đào
tạo 2 bản (có bản gốc), 1 bản chuyển cho lớp học. Phòng đào tạo có trách
nhiệm công bố bản điểm cho sinh viên qua lớp trưởng
- Điểm của sinh viên sẽ được giáo vụ khoa và nhân viên phòng đào tạo cùng
theo dõi trên sổ sách và kiểm tra đối chiếu trước khi xét lưu ban lên lớp
hàng năm. Những sai lệch thường do nhập điểm sai sót giữa hai bộ phận.
Do số lượng sinh viên đông, nhà trường quyết định ứng dụng tin học vào công
tác quản lí. Chuyên viên viết phần mềm quản lí đào tạo là nhân viên phòng đào
tạo; nhưng không kiêm nhiệm việc quản lí xét lưu ban lên lớp của sinh viên.
Toàn bộ điểm thi được chuyển hết cho tổ khảo thí trực thuộc hiệu trưởng quản
lí. Nhân viên tổ khảo thí sẽ nhập điểm vào hệ thống. Sinh viên sẽ biết điểm của
mình qua hệ thống mạng nội bộ của trường. Công việc xét lưu ban và tốt nghiệp
cũng do giáo vụ khoa và nhân viên phòng đào tạo cùng tiến hành như trước đây.

Yêu cầu:
Xác định các rủi ro quan trọng và đề xuất biện pháp KSNB để đối phó.

Bài 16
Một đội xây dựng thuộc một công ty xây dựng nhận khoán nhân công để thi
công một hạn mục công trình của công ty. Theo qui chế khoán công, đội có
quyền sử dụng lao động nhàn rỗi ở địa phương để thực hiện thi công các công
trình ở xa. Lao động này thường trả lương theo ngày khi có làm việc, và không
có hợp đồng lao động. Nếu mức chi phí nhân công thực tế vượt mức khoán đã
giao, đội phải gánh chịu phần vượt mức khoán. Cũng có nhiều trường hợp, công
ty sẽ thanh toán bù mức vượt do các nguyên nhân khách quan nhưng phải có
giải trình. Nếu mức phí nhân công thực tế bé hơn thì đội sẽ hưởng phần chênh
lệch đó. Kế toán đội thường hợp lí hóa chứng từ sao cho phù hợp với mức
khoán.

Yêu cầu:
1. Hãy phân tích các ưu, hạn chế của cách thức giao khoán.
2. Phân tích các sai phạm có thể xảy ra và các thủ tục kiểm soát cần thiết.

Bài 17
Một công ty xác định quỹ lương theo 15% doanh thu. Toàn bộ quỹ lương thực tế
hàng tháng được phân phối như sau: 50% chi cho lao động trực tiếp, 30% chi
cho lao động gián tiếp và 20% cho quỹ lương dự phòng. Quỹ lương dự phòng
sử dụng để chi trả lương cơ bản trong trường hợp doanh thu quá thấp, và dùng
để thưởng ABC cho người lao động vào cuối năm. Mức thưởng cho nhân viên
loại B cố định 5 năm gần đây với hệ số 1 còn mức A là 1,2 và mức B là 0,8.
Thông thường, hàng tháng công ty trả lương hai đợt. Đợt 1 trả lương cố định
dựa trên hệ số lương và mức lương cơ bản. Đợt 2 trả phần còn lại trên cơ sở
doanh thu thực tế của tháng đó.

Yêu cầu:
Phân tích các sai phạm có thể xảy ra và đề xuất các thủ tục kiểm soát cần thiết.

Bài 18
Cho nhận xét về các vấn đề liên quan đến tiền lương trong các tình huống sau.
Theo anh (chị), cách xử lý đó có ảnh hưởng như thế nào đến các mục tiêu kiểm
soát có liên quan của đơn vị?
1. Tiền ăn ca của toàn bộ người lao động một doanh nghiệp được kế toán
trưởng yêu cầu hạch toán vào chi phí nhưng không tính vào thu nhập của
người lao động. Hiện tại, có người làm ca thì DN sử dụng tiền đó cho ăn
ca, số nhân viên văn phòng thì không ăn ca và nhận tiền từ DN.
2. Công ty trả lương cho người lao động bao gồm cả các khoản BHXH,
BHYT. Người lao động có trách nhiệm tự đóng các khoản BHXH, BHYT
cho các tổ chức này.
3. Một công ty kinh doanh dịch vụ xác định quỹ lương theo lợi nhuận chưa
tính tính chi phí tiền lương. Do lợi nhuận vào cuối năm mới xác định
chính xác nên hàng tháng, công ty chỉ trả lương theo mức lương cơ bản.
Hàng quý, công ty sẽ trả lương bổ sung trên sơ sở xác định được lợi
nhuận chưa tính đến chi phí tiền lương.

Bài 19
Kết quả kiểm quĩ đột xuất tại một doanh nghiệp trong tháng cho thấy số tiền
mặt tại quỹ lớn hơn số tiền tồn quỹ trên sổ kế toán.

Yêu cầu:
1. Hãy cho biết các nguyên nhân dẫn đến sai phạm trên.
2. Hãy đưa ra các thủ tục kiểm soát cần thiết để ngăn ngừa tình trạng trên

Bài 20
Phòng kế toán của một đơn vị có 4 nhân viên, được phân quyền như sau: Kế
toán trưởng phụ trách chung toàn đơn vị, và là người xét duyệt mọi khoản chi
trên cơ sở chứng từ đã lập. Kế toán tiền gửi ngân hàng chịu trách nhiệm quản lý
chứng từ và thanh toán qua ngân hàng. Kế toán tiền mặt theo dõi biến động tiền,
lương và các khoản thuế thu nhập cá nhân. Thủ quỹ chịu trách nhiệm quản lý
tiền mặt.

Do đơn vị thường xuyên phát sinh các khoản chi nhỏ, lẽ và các khoản chi này
đều được thanh toán bằng tiền mặt nên gần đây, thủ quỹ được giao thêm nhiệm
vụ lập bảng kê để theo dõi các khoản chi này. Định kì 5-10 ngày, thủ quỹ tổng
hợp các khoản chi từ bảng kê, lập một tờ trình để kế toán trưởng xét duyệt các
khoản chi. Phiếu chi chính thức sau đó mới được lập và ghi vào sổ sách kế toán
tại đơn vị.

Yêu cầu:
1. Hãy đánh giá rủi ro có liên quan đến qui trình trên trong hoạt động chi
tiền tại dơn vị
2. Hãy đề ra các thủ tục kiểm soát cần thiết để phòng ngừa các sai phạm có
thể phát sinh
Bài 21
Qui trình mua sắm, thay thế các loại vật dụng rẻ tiền tại một đơn vị như sau:
- Bộ phận sử dụng lập “Phiếu báo hỏng vật tư” để đề nghị thay thế, mua
sắm mới vật tư
- Lãnh đạo Phòng quản trị thiết bị phê duyệt nhu cầu mua sắm, báo
hỏng ngay trên phiếu, rồi trình cho Phó giám đốc phụ trách phê duyệt
- Sau khi được phê duyệt, Phòng quản trị thiết bị tiến hành mua sắm
mới. Do đơn vị thường mua sắm nên Phòng thường hay liên hệ các
nhà cung cấp truyền thống để cung cấp nhanh các loại vật tư nói trên.
- Vật tư mua nhận về, và thay thế đều được Phòng quản trị thiết bị và
đơn vị có nhu cầu kí xác nhận về số lượng và chất lượng.
- Phòng Quản trị thiết bị sẽ làm tờ trình đề nghị thanh toán, để thanh
toán cho các nhà cung cấp có liên quan.
Hiện tại, lãnh đạo đơn vị rất quan tâm đến tính hữu hiệu của hệ thống kiểm soát
nội bộ, và hướng đến đồng thời cả ba mục tiêu của COSO.

Yêu cầu:
1. Hãy lập lưu đồ thể hiện công tác kiểm soát hoạt động mua sắm nói trên,
qua đó chi ra các nút kiểm soát trong qui trình
2. Hãy thử phát họa mẫu các chứng từ có liên quan đến qui trình
3. Hãy đánh giá rủi ro có liên quan trong quá trinh mua sắm.
4. Hãy đưa ra các hoạt động kiểm soát cần thiết để ngăn ngừa các rủi ro
trên.

Bài 22
Một công ty đưa ra chính sách chiết khấu thanh toán hàng tháng như sau:
Doanh thu tháng < 50 triệu: Được hưởng tỉ lệ chiết khấu 2,5% trên tổng
doanh thu.
Doanh thu tháng ≥ 50 triệu: Được hưởng tỉ lệ chiết khấu 2,65% trên tổng
doanh thu.
Doanh thu tháng ≥ 200 triệu: Được hưởng tỉ lệ chiết khấu 2,8% trên tổng
doanh thu.
Doanh thu tháng > 300 triệu: Được hưởng tỉ lệ chiết khấu 3 % trên tổng
doanh thu.
Công ty có qui định: trưởng phòng kinh doanh là người quyết định phê duyệt
mức chiết khấu cho khách hàng sau khi có đề nghị từ nhân viên phụ trách trong
phòng. Cơ sở để nhân viên phòng kinh doanh đề nghị chiết khấu là báo cáo
doanh thu của từng khách hàng do phòng kế toán cung cấp. Sau khi nhận phê
chuẩn từ trưởng phòng kinh doanh, kế toán công nợ khách hàng là người trực
tiếp làm thủ tục chứng từ chiết khấu vào cuối tháng. Kế toán công nợ khách
hàng cũng vừa là người theo dõi doanh thu, TGNH ở đơn vị.

Yêu cầu:
1. Hãy đánh giá các rủi ro có thể phát sinh trong tình huống trên.
2. Hãy đưa ra các hoạt động kiểm soát để hạn chế các sai phạm trên.

You might also like