You are on page 1of 50

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

KHOA LỊCH SỬ

ĐỀ TÀI 4

VẤN ĐỀ HẠT NHÂN TRÊN


BÁN ĐẢO TRIỀU TIÊN TRONG
CHIẾN LƯỢC ĐỊA - CHÍNH TRỊ CỦA
MỸ - TRUNG QUỐC VÀ NHẬT BẢN

Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 8 năm 2021.


TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

KHOA LỊCH SỬ

ĐỀ TÀI 4

VẤN ĐỀ HẠT NHÂN TRÊN BÁN ĐẢO TRIỀU TIÊN


TRONG CHIẾN LƯỢC ĐỊA - CHÍNH TRỊ CỦA
MỸ - TRUNG QUỐC VÀ NHẬT BẢN

Học phần: Địa chiến lược và địa chính trị

Mã HP: HIST109802

GV: Ngô Minh Oanh

Danh sách thành viên nhóm

1. Bùi Ngọc Cam Ly 44.01.608.014

2. Nguyễn Hồng Vân Anh 44.01.608.042

3. Lê Thị Thu Huyền 44.01.608.080

4. Nguyễn Tạ Thủy Tiên 44.01.608.152

5. Huỳnh Nguyễn Cẩm Tú 44.01.608.156

6. Đỗ Nguyễn Mạnh Tuấn 44.01.608.159

Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 8 năm 2021.

2
MỤC LỤC

MỞ ĐẦU .........................................................................................................................5

1. Lý do chọn đề tài .........................................................................................................5

2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề ...........................................................................................6

3. Phương pháp nghiên cứu .............................................................................................9

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu .............................................................................10

4.1. Đối tượng nghiên cứu .........................................................................................10

4.2. Phạm vi nghiên cứu ............................................................................................10

5. Bố cục dự kiến ...........................................................................................................10

CHƯƠNG 1: MỘT SỐ HỌC THUYẾT VỀ ĐỊA - CHÍNH TRỊ............................12

1.1. Học thuyết sức mạnh biển ..................................................................................12

1.2. Học thuyết “vùng rìa” .........................................................................................13

CHƯƠNG 2: KHÁI QUÁT VỀ VẤN ĐỀ HẠT NHÂN TRÊN BÁN ĐẢO TRIỀU
TIÊN .............................................................................................................................15

2.1. Lịch sử chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên ................15

2.2. Nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên ..............16

2.3. Tác động của vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đến các nước Đông Bắc Á
và thế giới ..................................................................................................................17

2.4. Tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên ..........................18

CHƯƠNG 3: VẤN ĐỀ HẠT NHÂN TRIỀU TIÊN TRONG CHIẾN LƯỢC ĐỊA -
CHÍNH TRỊ CỦA MỸ - TRUNG QUỐC .................................................................21

3.1. Vấn đề hạt nhân Triều Tiên trong chiến lược địa - chính trị của Mỹ .................21

3.1.1. Tầm quan trọng của bán đảo Triều Tiên dưới góc nhìn của Hoa Kỳ ..........21

3.1.2. Những ảnh hưởng của vấn đề hạt nhân Triều Tiên đối với Mỹ ..................21

3.1.3. Những động thái mà Hoa Kỳ đã thực hiện đối với Bắc Triều Tiên ............23

3.1.4. Vấn đề hạt nhân Triều Tiên dưới thời Tổng thống Joe Biden .....................24

3
3.2. Vấn đề hạt nhân Triều Tiên trong chiến lược địa - chính trị của Trung Quốc ...26

3.2.1. Yếu tố địa lý của bán đảo Triều Tiên trong chiến lược địa - chính trị của
Trung Quốc ............................................................................................................26

3.2.2. Mối đe dọa tiềm tàng từ vấn đề hạt nhân Triều Tiên ..................................27

3.2.3. Chính sách của Trung Quốc đối với bán đảo Triều Tiên ............................28

3.3. Vấn đề hạt nhân Triều Tiên - “quân bài” đắt giá trong ván cờ Mỹ - Trung .......31

CHƯƠNG 4: VẤN ĐỀ HẠT NHÂN TRIỀU TIÊN TRONG CHIẾN LƯỢC ĐỊA -
CHÍNH TRỊ CỦA NHẬT BẢN ..................................................................................34

4.1. Ý nghĩa chiến lược của bán đảo Triều Tiên đối với Nhật Bản ...........................34

4.2. Quan điểm của Nhật Bản về vấn đề hạt nhân Triều Tiên...................................35

4.3. Những động thái Nhật Bản đã thực hiện đối với Bắc Triều Tiên ......................38

KẾT LUẬN ..................................................................................................................42

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ...................................................................44

PHỤ LỤC .....................................................................................................................50

4
MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài
Sở hữu một vị trí địa lí hết sức đặc biệt, chính vì thế, bán đảo Triều Tiên được
xem là tâm điểm thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới. Sự
chia cắt lâu dài giữa hai miền đã tạo nên sự đối đầu gay gắt khiến cho khu vực chiến
lược này luôn trong trạng thái căng thẳng, tiềm ẩn nguy cơ xung đột, chiến tranh và điều
đó gây quan ngại cho các nước trong khu vực và toàn thể nhân dân yêu chuộng hoà bình
trên thế giới. Thêm vào đó, vấn đề hạt nhân của Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên
càng khiến cho tình hình ở bán đảo Triều Tiên trở nên “nóng” và phức tạp hơn bao giờ
hết. Việc Bắc Triều Tiên liên tục thử nghiệm hạt nhân là một mối đe dọa về hòa bình và
an ninh cho các quốc gia do sức công phá khủng khiếp mà năng lượng hạt nhân có thể
gây ra. Với bản chất là một vấn đề địa - chính trị, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều
Tiên đã trở thành vấn đề không chỉ của riêng hai miền Triều Tiên, mà còn là vấn đề quốc
tế, chi phối đến đời sống chính trị thế giới. Vấn đề này đã xuất hiện trong chiến lược địa
- chính trị của các nước lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Trong đó,
bán đảo Triều Tiên là khu vực Mỹ - Trung cạnh tranh về địa - chính trị; đồng thời, Mỹ
và Trung Quốc được cho là có thể hợp tác giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên nhưng
cũng có thể biến vấn đề này thành “quân bài” trong ván cờ địa - chính trị toàn cầu của
mình. Trong xu thế hòa bình hiện nay, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên là vấn
đề thu hút nhiều sự chú ý hơn cả bởi nó không chỉ ảnh hưởng tới an ninh của riêng bán
đảo Triều Tiên mà còn ảnh hưởng tới an ninh của khu vực Đông Bắc Á nói riêng và toàn
thế giới nói chung.

Chính vì vậy, nhóm chúng tôi quyết định lựa chọn đề tài “Vấn đề hạt nhân trên
bán đảo Triều Tiên trong chiến lược địa - chính trị của Mỹ - Trung Quốc và Nhật Bản”.
Về đề tài này, trước đây cũng đã có nhiều nhà nghiên cứu tìm hiểu. Tuy nhiên, những
bài nghiên cứu trước thường chỉ dừng lại ở mức tổng quát về vấn đề hạt nhân trên bán
đảo Triều Tiên, tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân hay những toan tính, động thái của
các nước lớn trong việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo,... nhưng hầu như đều chưa dự
đoán rõ về tương lai, chưa nghiên cứu rõ vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên dưới
góc nhìn địa - chính trị, đặc biệt là trong chiến lược địa - chính trị của các nước lớn như
Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản,... Bên cạnh đó, với bối cảnh đại dịch Covid -19 ngày càng
khó lường như hiện nay thì vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cũng đã có những
5
chuyển biến khác. Chính vì những lý do trên, nhóm chúng tôi quyết định sẽ thực hiện
bài nghiên cứu về vấn đề này với cách tiếp cận sát sao nhất có thể với tình hình thế giới
hiện nay.

2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề


Hạt nhân Triều Tiên không còn là một đề tài quá mới mẻ trong giới nghiên cứu,
bởi đây vẫn luôn là vấn đề “nóng” trên toàn thế giới. Trong đó, việc phân tích vấn đề
này theo khía cạnh địa - chính trị, điển hình là trong chiến lược địa - chính trị của các
cường quốc như Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, được đặc biệt quan tâm; và điều này đã
dẫn đến sự ra đời của nhiều tác phẩm nghiên cứu với cách tư duy và nhìn nhận vô cùng
đa dạng, có thể liệt kê một số tác phẩm sau:

Chương Vấn đề khủng hoảng hạt nhân bán đảo Triều Tiên lịch sử và hiện tại
trong tác phẩm Một số vấn đề khu vực Đông Á trong những năm đầu thế kỉ XXI của
hai tác giả Nguyễn Minh Mẫn và Võ Minh Tập, xuất bản năm 2018 bởi Nhà xuất bản
Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã trình bày những nội dung cơ bản nhất liên
quan đến vấn đề hạt nhân Triều Tiên, trong đó đáng chú ý là những nội dung về lợi ích
và quan điểm của Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản về cuộc khủng hoảng hạt nhân này. Bằng
sự phân tích khách quan và lối diễn đạt súc tích, tác giả đã cho thấy được những ý nghĩa
to lớn về địa - chính trị của bán đảo Triều Tiên đối với các cường quốc nói chung và
Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản nói riêng. Đồng thời, những quan điểm và chiến lược
của các quốc gia này đối với tình hình căng thẳng tại Triều Tiên cũng được phân tích,
làm rõ. Tuy nhiên, do đảm bảo tính bao quát vấn đề, nên tác giả vẫn chưa phân tích sâu
hơn về những khía cạnh địa - chính trị này. Mặc dù vậy, những nội dung mà tác phẩm
này đem lại vẫn đóng vai trò rất quan trọng, là những nội dung cốt lõi để từ đó chúng
tôi xây dựng nên bài nghiên cứu này.

Luận văn thạc sĩ viết vào năm 2007 của Phó Thị Huyền Trang - chuyên ngành
Quan hệ quốc tế trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà
Nội, với đề tài “Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên” cũng đã cho thấy một cái
nhìn tổng quan về vấn đề này. Tác giả đã trình bày nhiều khía cạnh liên quan đến vấn
đề hạt nhân Triều Tiên như lịch sử, tiến trình giải quyết, tác động,... và đặc biệt là phân
tích những chiến lược của các cường quốc (Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc)
đối với khủng hoảng hạt nhân tại bán đảo Triều Tiên. Mặc dù đem lại nhiều thông tin

6
bổ ích góp phần làm phong phú thêm cho bài nghiên cứu nhưng luận văn này vẫn chưa
thực sự xoáy sâu vào khía cạnh địa - chính trị, thay vào đó tác giả chủ yếu tập trung vào
các chuỗi sự kiện, nhất là các sự kiện trong quá trình giải quyết vấn đề hạt nhân tại bán
đảo Triều Tiên.

Trong bài viết “Vấn đề hạt nhân ở Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên -
thực trạng và nguyên nhân” của tác giả Nguyễn Văn Tuấn, đăng trên trang inas.gov.vn
vào ngày 19/02/2014, vấn đề hạt nhân Triều Tiên cũng đã được nhìn nhận khá cụ thể
dưới góc nhìn địa - chính trị. Bài viết đã trình bày được quan điểm của các quốc gia lớn
trên thế giới về vấn đề hạt nhân, nhất là Mỹ và Trung Quốc. Cùng với đó, tác giả đã
phân tích tầm quan trọng về địa - chính trị của bán đảo Triều Tiên từ góc nhìn của một
cường quốc hàng đầu thế giới là Hoa Kỳ. Do đó, bài viết này sẽ là nguồn tài liệu tham
khảo vô cùng hữu ích đối với bài nghiên cứu, đặc biệt là khi phân tích vấn đề hạt nhân
Triều Tiên trong chiến lược địa - chính trị của Mỹ - Trung.

Một bài viết khác thuộc báo điện tử VNExpress với nhan đề “Giằng co Mỹ -
Trung trên ‘bàn cờ thế’ Triều Tiên”, được đăng tải vào ngày 02/04/2019 bởi tác giả
Thành Nguyễn, lại đem đến một góc nhìn khác khi làm rõ mối liên hệ giữa vấn đề hạt
nhân Triều Tiên và cuộc chiến tranh thương mại trong toan tính của hai cường quốc Mỹ
- Trung. Trong đó, đáng chú ý là tác giả đã phân tích việc Trung Quốc sử dụng vấn đề
hạt nhân này như một công cụ phục vụ cho lợi ích chiến lược của mình. Tuy dung lượng
bài viết không nhiều nhưng với những thông tin và lập luận từ tác giả, chúng tôi có thể
cụ thể hóa hơn bài nghiên cứu của mình.

Tác giả Nguyễn Trang với bài đăng trên trang báo điện tử Nhân Dân ngày
11/06/2018 - “Điểm lại các dấu mốc về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên”
cũng đã đóng góp không ít các thông tin cho bài nghiên cứu. Tác giả đã khái quát được
một số điểm chính như những chính sách, chiến lược mang yếu tố địa - chính trị và các
thoả thuận về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên của cả Mỹ và Cộng hòa Dân chủ
Nhân dân Triều Tiên trước cuộc gặp lịch sử đầu tiên của hai nhà lãnh đạo của hai quốc
gia này kể từ khi kết thúc về mặt thực địa cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953.

Bài dịch của Đinh Nguyễn Lan Hương từ mục “Japan in Asia” của tác giả
Michael Green trong tác phẩm International Relations of Asia, được đăng trên trang
nghiencuuquocte.org vào ngày 21/06/2013, cũng là một tài liệu tham khảo có giá trị cao

7
đối với bài nghiên cứu. Bài viết đã tập trung phân tích rõ được ý nghĩa chiến lược của
bán đảo Triều Tiên đối với Nhật Bản, Triều Tiên là con đường truyền thống mà qua đó
mọi thứ bắt nguồn từ lục địa châu Á có thể đến với Nhật Bản; và theo như đánh giá của
một vị tướng thời Minh Trị - Yamagata Aritomo, bán đảo Triều Tiên là “con dao găm
chiến lược nhằm vào trái tim Nhật Bản”.

Bài viết của tác giả Thuỳ Dương đăng trên trang baotintuc.vn ngày 19/06/2019
“Trung Quốc - Triều Tiên: Mối quan hệ nhiều thăng trầm bên dòng sông Áp Lục”
đã khái quát được mối quan hệ giữa hai nước Trung Quốc - Triều Tiên từ quá khứ đến
hiện tại, ngoài ra, tác giả còn phân tích được các sự kiện và cột mốc quan trọng trong
lịch sử quan hệ giữa hai quốc gia này. Tuy bài viết mang lại không ít những thông tin
giúp ích cho bài nghiên cứu nhưng bài viết này chưa phân tích rõ mối quan hệ của hai
nước về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên mà thay vào đó chỉ chủ yếu phân tích
về từng giai đoạn trong mối quan hệ bang giao và những chuyển biến về tình hình hợp
tác kinh tế, thương mại giữa hai quốc gia này.

Trong bài viết “Một số đặc điểm nổi bật trong cục diện chính trị - an ninh Đông
Bắc Á hiện nay” của tác giả Dương Thuỳ Linh, đăng trên trang tapchicongsan.org vào
ngày 28/01/2020 cho thấy trong thời gian qua, cục diện chính trị - an ninh tại khu vực
này có nhiều biến động nhanh chóng và khó lường. Bài viết đã trình bày được những
điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của các nước lớn trong khu vực đến những thay
đổi trong quan hệ giữa các chủ thể, tạo nên những nét mới trong bức tranh về chính trị -
an ninh của khu vực Đông Bắc Á. Bên cạnh đó, tác giả đã phân tích được tình hình các
điểm “nóng” ở khu vực Đông Bắc Á và nguy cơ mất ổn định đối với khu vực này. Vì
vậy đây là một tài liệu tham khảo có ích đối với bài nghiên cứu, đặc biệt là khi phân tích
khái quát về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Bài đăng ngày 23/12/2019 với nhan đề “Vòng “luẩn quẩn” của câu chuyện hạt
nhân Mỹ - Triều Tiên” trên trang bnews.vn của tác giả Phạm Mạnh Hùng đã phân tích
rõ tiến trình đàm phán giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên trong năm
2019, hơn thế nữa, tác giả cũng nêu ra những khác biệt về quan điểm chính trị, những
chính sách cứng nhắc của cả hai bên khiến cho quá trình đàm phán không đạt được mục
đích cuối cùng là giải quyết vấn đề phi hạt nhân hoá trên bán đảo Triều Tiên. Tuy bài
viết không đề cập nhiều đến yếu tố địa - chính trị nhưng đây cũng là một trong những
tài liệu có giá trị đối với bài nghiên cứu.
8
Ngoài ra, còn có thể kể đến bài viết “The US - China nuclear relationship: Why
competition is likely to intensify?” của tác giả Caitlyn Tamadge đăng trên trang
brookings.edu ngày 30/9/2019, bài đăng đã phân tích về mối quan hệ hạt nhân giữa Mỹ
và Trung Quốc qua nhiều thập kỷ, khám phá nguyên nhân và tác động của sự cạnh tranh
đang nổi lên này và hơn nữa tác giả còn phân tích những chiến lược nhằm tăng cường
kho vũ khí hạt nhân và hiện đại hoá lực lượng của cả hai quốc gia, qua đó đưa ra một
cái nhìn khách quan về tình hình hạt nhân của hai nước, những khó khăn của Mỹ khi
Trung Quốc tiến hành tăng cường và cải tiến không ngừng kho vũ khí của họ. Vì vậy,
đây là một nguồn tài liệu mang lại nhiều giá trị đối với bài nghiên cứu của chúng tôi.

Qua đó, có thể thấy rằng, các tác phẩm, bài viết đã từng nghiên cứu về vấn đề hạt
nhân Triều Tiên, và cụ thể là trong chiến lược địa - chính trị của Mỹ, Trung Quốc và
Nhật Bản, tuy khác nhau về phạm vi nghiên cứu, có thể là bao quát toàn bộ hay chỉ đi
sâu vào một khía cạnh, nhưng chung quy lại, các tác phẩm, bài viết này đều đóng vai trò
to lớn trong việc hình thành và phát triển ý tưởng cũng như mở rộng vấn đề cho bài
nghiên cứu.

3. Phương pháp nghiên cứu


Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi đã sử dụng kết hợp các phương pháp nghiên
cứu chuyên ngành và một số phương pháp nghiên cứu liên ngành.

Phương pháp chuyên ngành gồm phương pháp phân tích lịch sử và phương pháp
phân tích tổng thể, toàn cục. Những phương pháp này được dùng để phân tích tầm quan
trọng về địa - chính trị của bán đảo Triều Tiên đối với Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật
Bản trong suốt chiều dài lịch sử. Từ đó có thể hiểu rõ hơn về tư duy, chiến lược của các
cường quốc này đối với bán đảo Triều Tiên nói chung và vấn đề hạt nhân nói riêng.

Cùng với đó, bài luận còn sử dụng phương pháp lịch sử để chọn lọc, xử lý và sắp
xếp tư liệu theo trình tự thời gian nhằm phác họa những chiến lược địa - chính trị mà
Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản đã đặt ra đối với bán đảo Triều Tiên, đặc biệt là khi tình
hình hạt nhân Triều Tiên ngày một căng thẳng; và phương pháp logic với mục đích đưa
ra lập luận cho tư duy của các quốc gia trên đối với “quân bài” hạt nhân Triều Tiên.

Ngoài ra, nhóm chúng tôi còn sử dụng thêm phương pháp so sánh để bổ trợ cho
các phương pháp chính đã nêu ở trên.

9
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Đề tài nghiên cứu chủ yếu đề cập đến vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên
trong chiến lược địa - chính trị của Mỹ - Trung Quốc và Nhật Bản, yếu tố địa lý và ảnh
hưởng của vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đến chiến lược địa - chính trị của
các nước và đặc biệt là đến quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

4.2. Phạm vi nghiên cứu


Về thời gian: Bài viết sẽ nghiên cứu khía cạnh địa - chính trị của vấn đề hạt nhân
trên bán đảo Triều Tiên từ khi nó bắt đầu diễn ra sau khi Chiến tranh Triều Tiên (1950
- 1953) kết thúc cho đến nay.

Về không gian: Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên diễn ra chủ yếu trên
bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, không gian của bài nghiên cứu sẽ không chỉ tập trung
vào bán đảo này mà còn mở rộng đến các cường quốc là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản để
làm rõ những chiến lược địa - chính trị của các quốc gia này đối với vấn đề hạt nhân
Triều Tiên.

5. Bố cục dự kiến
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, nội dung của bài
tiểu luận gồm 4 chương:

Chương 1: Một số học thuyết về địa - chính trị

Trong chương này, chúng tôi giới thiệu và phân tích một số học thuyết về địa -
chính trị liên quan đến đề tài nghiên cứu, đó là học thuyết sức mạnh biển và học thuyết
“vùng rìa”. Các học thuyết này đều có ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành các chính
sách và chiến lược của các nước lớn, đặc biệt là chiến lược địa - chính trị của Mỹ, Trung
Quốc và Nhật Bản.

Chương 2: Khái quát về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên

Chương này sẽ khái quát lịch sử chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Bắc
Triều Tiên, làm rõ nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên
và tác động của vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đến các nước Đông Bắc Á và
thế giới. Bên cạnh đó, chương này còn giới thiệu sơ lược về tiến trình giải quyết vấn đề
hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

10
Chương 3: Vấn đề hạt nhân Triều Tiên trong chiến lược địa - chính trị của
Mỹ - Trung Quốc

Dựa trên cơ sở việc phân tích một số học thuyết về địa - chính trị ở chương 1,
chúng tôi đi sâu vào tìm hiểu vấn đề hạt nhân Triều Tiên trong chiến lược địa - chính trị
của Mỹ - Trung Quốc. Chương này làm rõ tầm quan trọng của bán đảo Triều Tiên, những
ảnh hưởng của vấn đề hạt nhân Triều Tiên đối với Hoa Kỳ, Trung Quốc và phân tích
những chính sách, động thái của hai nước này đối với bán đảo Triều Tiên. Bên cạnh đó,
chúng tôi còn tìm hiểu và phân tích vấn đề hạt nhân Triều Tiên trong quan hệ giữa hai
nước, vấn đề này được xem như “quân bài” đắt giá trong ván cờ Mỹ - Trung.

Chương 4: Vấn đề hạt nhân Triều Tiên trong chiến lược địa - chính trị của
Nhật Bản

Chương này phân tích ý nghĩa chiến lược của bán đảo Triều Tiên đối với Nhật
Bản, quan điểm của Nhật Bản về vấn đề hạt nhân Triều Tiên và những động thái Nhật
Bản đã thực hiện đối với Bắc Triều Tiên.

11
CHƯƠNG 1: MỘT SỐ HỌC THUYẾT VỀ ĐỊA - CHÍNH TRỊ

1.1. Học thuyết sức mạnh biển

Alfred Thayer Mahan (1840 - 1914) là một nhà lý thuyết chiến lược hải quân
người Mỹ. Năm 1890, ông đã cho sản xuất cuốn sách “Ảnh hưởng của quyền lực đại
dương” (The Influence of Sea Power upon History, 1660 - 1783), trong đó ông đề cao
vai trò sức mạnh biển trong chiến lược phát triển và thực chất là bành trướng của một
quốc gia.

Mahan coi vùng biển quốc gia như biên thuỳ, bảo vệ đất nước trước sự xâm lăng
từ bên ngoài. Ông cũng cho rằng, mặc dù biển cả có những mối nguy hiểm nhưng giao
thông và buôn bán bằng đường biển vẫn dễ dàng hơn và rẻ hơn so với đường bộ. Cũng
theo Mahan, cần phải có một lực lượng hải quân xuất phát từ sự tồn tại của việc vận tải
bằng một đội tàu biển thương mại hòa bình.

Alfred Mahan chỉ ra 6 điều kiện để một quốc gia có thể trở thành cường quốc
biển, đó là: (1) Có vị trí địa lý thuận lợi; (2) Có bờ biển có thể sử dụng được, nhiều tài
nguyên thiên nhiên và khí hậu thuận lợi; (3) Có lãnh thổ đủ rộng; (4) Có dân số đủ đông
để tự vệ; (5) Có xã hội hướng ra biển và thương mại đường biển; (6) Có một chính phủ
đủ năng lực để làm chủ biển.1

Nội dung học thuyết sức mạnh biển: Kiểm soát quyền lực trên biển là nhân tố
quyền lực và tiêu chí quan trọng cho sự phồn vinh của quốc gia; những quốc gia có lối
vào trên biển sẽ dễ trở thành cường quốc hơn các quốc gia trên lục địa; ai khống chế
được biển sẽ trở thành cường quốc thế giới. Vấn đề then chốt để khống chế biển là chiếm
các eo biển và các con đường huyết mạch.

Như vậy, Mahan đã có sự đột phá trong tư duy khi cho rằng không phải sức mạnh
trên đất liền mà chính sức mạnh trên biển mới giúp các nước trở thành cường quốc.
Trong quan điểm của ông, sức mạnh biển của một quốc gia chủ yếu được quy giản thành
sức mạnh hải quân. Muốn có sức mạnh biển thì phải có lực lượng hải quân hùng mạnh
cùng với mạng lưới các căn cứ địa trên biển.

1
Duy Linh. (2017). Trung Quốc đang học Mỹ trở thành ‘cường quốc biển’. Nhận từ https://tuoitre.vn/trung-
quoc-dang-hoc-my-tro-thanh-cuong-quoc-bien-1351885.htm, truy cập ngày 22/4/2021.

12
Học thuyết trên đã đưa Mahan trở thành lý thuyết gia lớn về biển của thế giới, có
ảnh hưởng sâu sắc đến chiến lược phòng vệ và bành trướng của nhiều nước, trong đó có
Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản. Đáng chú ý nhất có lẽ là Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đặc biệt
quan tâm đến các lý thuyết địa - chính trị, coi trọng sức mạnh biển. Trên tinh thần đó,
lý thuyết của Alfred Mahan về sức mạnh biển đã nhanh chóng được Hoa Kỳ áp dụng để
xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới, và bán đảo Triều Tiên là nơi
có vị trí thuận lợi để Hoa Kỳ xây dựng các căn cứ quân sự nhằm phát triển lực lượng
hải quân của mình. Có thể nói, chính sức mạnh biển đã giúp cho Hoa Kỳ vươn lên thành
một siêu cường hàng đầu thế giới. Điều này đã chứng tỏ được vai trò quan trọng của học
thuyết về sức mạnh biển trong chiến lược và chính sách phát triển của một quốc gia biển.

1.2. Học thuyết “vùng rìa”

Nicholas John Spykman (1893 - 1943) là một nhà địa - chiến lược người Mỹ gốc
Hà Lan, cha đẻ của thuyết bao vây khoanh vùng trong lý luận địa - chính trị. Ông cũng
là một trong những nhà sáng lập trường phái chủ nghĩa hiện thực cổ điển trong chính
sách đối ngoại của Mỹ.

Trong tác phẩm “Chiến lược của Mỹ trong nền chính trị thế giới” (America’s
Stategy in World Politics - 1942), ông cho rằng chủ nghĩa biệt lập dựa vào đại dương để
bảo vệ nước Mỹ đã kết thúc, đến lúc Mỹ phải chỉ huy việc ngăn chặn bá quyền. Cân
bằng quyền lực ở châu Âu đã ảnh hưởng đến an ninh nước Mỹ, do đó Mỹ cần ngăn chặn
châu Âu, thiết lập quyền lãnh đạo quanh vùng rìa châu Âu.

Dựa trên học thuyết về sức mạnh đại dương của Mahan và thuyết về “vùng đất
trái tim” của Mackinder, Spykman đã đưa ra học thuyết “Vành đai đất vùng ven” trong
tác phẩm “Địa lý của hòa bình”, xuất bản năm 1944 (The Geography of the Peace -
1944). Bên cạnh đó, tác phẩm này cũng nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa địa lý với lịch
sử và chính trị trong tương tác quyền lực ở khu vực ngoại vi và trung tâm.

Về lý thuyết “vùng rìa” của Spykman: Vùng rìa là vùng đệm giữa sức mạnh vùng
trung tâm với sức mạnh đại dương. An ninh vùng rìa phụ thuộc vào sự chống đỡ của hai
luồng sức mạnh đó. Vùng rìa được chia thành 3 khu vực: vùng đất ven biển ở châu Âu;

13
vùng sa mạc Ả Rập - Trung Đông; vùng chịu ảnh hưởng gió mùa châu Á (châu Á - Thái
Bình Dương).2

Vùng rìa có vai trò quyết định trong việc kiềm chế vùng trung tâm, vì thế nếu
như kiểm soát được vùng rìa châu Âu, vùng Trung Đông, vùng Châu Á - Thái Bình
Dương, thì các nước lớn như Mỹ có thể hạn chế được sức mạnh ở vùng trung tâm Âu -
Á. Spykman đã nhận xét rằng sự tồn tại của vùng rìa sẽ đem đến một uy quyền toàn cầu,
dựa vào đó, ông kết luận “Ai kiểm soát vùng rìa sẽ khống chế được lục địa Âu - Á, ai
khống chế được lục địa Âu - Á sẽ làm chủ vận mệnh của thế giới”. Ngoài ra, tầm quan
trọng của vùng rìa còn căn cứ vào số lượng nhân khẩu, tài nguyên thiên nhiên và sự phát
triển công nghiệp. Vai trò quan trọng của vùng rìa cũng chính là lý do bán đảo Triều
Tiên trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược địa - chính trị của các quốc
gia. Như vậy, cùng với quan điểm của Mahan về sức mạnh biển, tư tưởng địa - chính trị,
địa - chiến lược của Spykman cũng đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành các chính
sách của các nước lớn, đặc biệt là Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản.

2
Nguyễn Minh Vũ. (2020). Tìm hiểu một số lý thuyết về địa - chính trị. Nhận từ
https://tcttv.travinh.gov.vn/1462/39939/69623/621143/nghien-cuu-trao-doi/tim-hieu-mot-so-ly-thuyet-ve-dia-
chinh-tri, truy cập ngày 23/4/2021.

14
CHƯƠNG 2: KHÁI QUÁT VỀ VẤN ĐỀ HẠT NHÂN
TRÊN BÁN ĐẢO TRIỀU TIÊN

2.1. Lịch sử chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên

Sau khi chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) kết thúc, Bắc Hàn bắt đầu quan tâm
đến việc nghiên cứu và sở hữu vũ khí hạt nhân. Năm 1958, Liên Xô giúp Triều Tiên xây
dựng Trung tâm hạt nhân Yongbyon. Sự trợ giúp này xuất phát từ mục tiêu hòa bình và
dân sinh mà Liên Xô muốn nhắm đến. Sau khi nhận được sự giúp đỡ của Liên Xô, năm
1965, Triều Tiên đã cho ra đời và hoạt động một trung tâm nghiên cứu hạt nhân với quy
mô nhỏ. Kể từ cuối năm 1980, Triều Tiên đã có thể độc lập xây dựng những cơ sở hạt
nhân bí mật, phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo và phổ biến những năng lực này.
Triều Tiên còn xây dựng mối quan hệ với các quốc gia ở khu vực Trung Đông để phục
vụ cho việc nghiên cứu, chế tạo.

Năm 1984, Triều Tiên chế tạo thành công và phóng thử tên lửa Scud-B. Nhận
thức được tầm quan trọng của vấn đề, các nước lớn bao gồm cả Mỹ và Liên Xô đã buộc
Triều Tiên phải tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (Nuclear Non-
proliferation Treaty - NPT). Đến cuối năm 1985, Triều Tiên chính thức gia nhập NPT
nhưng vẫn âm thầm nghiên cứu và hoàn thiện cách chế tạo loại vũ khí hủy diệt hàng loạt
này.

Vào khoảng đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, các vệ tinh trinh sát của Mỹ đã phát
hiện Bắc Triều Tiên bí mật sản xuất vũ khí hạt nhân ở căn cứ quân sự Yongbyon. Mỹ
viện lý do Bắc Triều Tiên đã ký Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân để yêu cầu
tiến hành kiểm tra, nhưng bị phía Bắc Triều Tiên từ chối. Đến năm 1992, Triều Tiên
mới cho phép một nhóm chuyên gia của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế
(International Atomic Energy Agency - IAEA) đến Trung tâm hạt nhân Yongbyon để
kiểm tra.

Tháng 10/1994, Mỹ và Triều Tiên ký thỏa thuận Hiệp định khung tại Geneve
(Thụy Sĩ). Nhờ vào cuộc thương lượng này, Triều Tiên chấp nhận tạm dừng thí nghiệm
các tên lửa đạn đạo tầm xa. Tuy nhiên việc thực hiện các điều khoản trong hiệp định lại
bị trì hoãn, một số điều khoản chưa được thực hiện và Triều Tiên bắt đầu bí mật khôi
phục kế hoạch hạt nhân của mình.

15
Ngày 31/8/1998, Triều Tiên bất ngờ phóng tên lửa Paektusan-1, Mỹ cho rằng đây
là một cuộc thử nghiệm tên lửa liên lục địa. Họ tăng cường dò thám và phát hiện ra Triều
Tiên có một cơ sở lớn nằm dưới lòng đất nên đã yêu cầu thanh sát nhưng bị phía Triều
Tiên từ chối.

Ngày 17/11/2002, Triều Tiên tuyên bố họ đang sở hữu vũ khí hạt nhân và vũ khí
hủy diệt. Ngày 25/12/2002, Triều Tiên rút hết toàn bộ thiết bị giám sát của IAEA trên
các thiết bị hạt nhân của họ, trục xuất các thanh sát viên hạt nhân. Đến ngày 10/1/2003,
Triều Tiên tuyên bố rút khỏi NPT, đồng thời tuyên bố nếu Mỹ dùng vũ lực với họ thì họ
sẽ trả đũa bằng một cuộc tấn công hủy diệt với các nước xung quanh. Trước tình cảnh
này, Mỹ đã phối hợp với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cô lập và gây sức ép về kinh
tế, ngừng viện trợ, cự tuyệt yêu cầu của Triều Tiên để ép buộc Triều Tiên từ bỏ kế hoạch
này.

Ngày 4/7/2006, Triều Tiên đã phóng thử nghiệm 6 tên lửa. Triều Tiên cũng tiếp
tục thực hiện các cuộc thử hạt nhân lần lượt vào tháng 10/2006, tháng 5/2009, tháng
2/2013, tháng 1/2016, tháng 9/2016 và tháng 9/2017. Trải qua nhiều năm, vấn đề hạt
nhân ở Triều Tiên vẫn chưa được giải quyết triệt để và trở thành mối đe doạ tiềm tàng
đối với an ninh khu vực và thế giới.

Kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, tần suất và mức độ các hành vi
khiêu khích đến từ Triều Tiên tăng lên nhanh chóng. Triều Tiên thường chủ động thử
tên lửa vào những dịp quan trọng để gửi đi thông điệp của họ. Đáp lại, Mỹ điều động
tàu ngầm hạt nhân USS Michigan và đội tàu sân bay USS Carl Vinson đến Hàn Quốc,
đồng thời Trump cũng tuyên bố sẽ hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên nếu nước này tiếp tục
khiêu khích. Hiện nay, dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, ông khẳng định các
chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng vẫn là ưu tiên hàng
đầu của Mỹ và Washington sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện tiến trình phi hạt nhân hóa Triều
Tiên.

2.2. Nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên

Nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ việc Mỹ luôn muốn xóa bỏ Cộng hòa Dân chủ
Nhân dân Triều Tiên kể từ sau cuộc chiến tranh tại bán đảo này và điều đó đã đặt Bắc
Triều Tiên vào tình trạng có thể xảy ra chiến tranh bất cứ lúc nào. Vì vậy, không còn
con đường nào khác, Triều Tiên buộc phải tìm mọi cách để tự bảo vệ mình và phát triển

16
chương trình hạt nhân là ưu tiên hàng đầu. Triều Tiên cho rằng hạt nhân là công cụ duy
nhất bảo vệ Triều Tiên khỏi sự bao vây, cấm vận của các nước Phương Tây.

Nguyên nhân thứ hai là do các bên không nghiêm túc thực hiện các điều khoản
của Hiệp định khung Geneve 1994. Sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố nước Mỹ vào
ngày 11/9/2001, Chính phủ của Tổng thống George Bush nói rằng Iran, Iraq và Bắc
Triều Tiên là “những kẻ khủng bố” và Mỹ vẫn không ngừng cấm vận Triều Tiên. Về
phía Bắc Triều Tiên, họ cũng tuyên bố lò phản ứng dùng chất làm chậm than chì sẽ hoạt
động trở lại mặc dù trước đó Bình Nhưỡng đã cam kết ngừng sử dụng lò phản ứng này.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác phải kể đến đó chính là vị trí địa - chính trị
quan trọng của bán đảo Triều Tiên ở khu vực Đông Bắc Á nói riêng và ở khu vực Châu
Á - Thái Bình Dương nói chung. Bán đảo Triều Tiên nằm ở một vị trí địa lý thuận lợi
với ba mặt bao quanh là đại dương, phía bắc tiếp giáp với Trung Quốc và Nga, phía
đông là Biển Đông, xa hơn nữa là nước láng giềng Nhật Bản. Ngoài ra, Cộng hòa Dân
chủ Nhân dân Triều Tiên còn được cho là đang “nằm” trên một gia tài khoáng sản khổng
lồ, bao gồm các kim loại như: vàng, quặng sắt, đồng, kẽm và than chì.

Nguyên nhân cuối cùng là do ngoài những toan tính của Mỹ thì vấn đề hạt nhân
của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên còn bị chi phối bởi ý đồ và lợi ích của các
nước lớn khác trong khu vực như Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và đặc biệt là Trung Quốc.

2.3. Tác động của vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đến các nước Đông
Bắc Á và thế giới

Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đã dẫn đến tình trạng khủng hoảng trong
quan hệ giữa Triều Tiên và Trung Quốc. Các vụ thử hạt nhân, tên lửa liên lục địa của
Triều Tiên vào những năm 2016 và 2017 đã gây ra nhiều trận động đất khiến cho người
dân sống tại vùng Đông Bắc Trung Quốc lo sợ. Các nhà khoa học Trung Quốc còn lo
sợ rằng núi Mantap, bãi thử hạt nhân của Triều Tiên, sẽ bị sập do ảnh hưởng bởi các vụ
thử. Việc Trung Quốc ủng hộ Liên Hợp Quốc trừng phạt Triều Tiên đã khiến cho mối
quan hệ giữa hai nước chìm sâu dưới đáy. Tuy nhiên, đến đầu năm 2018, quan hệ giữa
hai nước đã có những khởi sắc nhờ sự kiện Chủ tịch Kim Jong-un lần đầu tiên gặp Chủ
tịch Tập Cận Bình ở Bắc Kinh.

Bên cạnh đó, quá trình chế tạo vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên cũng đe dọa
đến an ninh của Nhật Bản. Bởi vì bán đảo Triều Tiên đóng vai trò như một vùng đệm
17
để hạn chế khả năng Nhật Bản bị tấn công từ lục địa; vì vậy, việc duy trì hòa bình và ổn
định trên bán đảo và tăng cường mối quan hệ giữa hai miền là yếu tố có ý nghĩa chiến
lược đối với hòa bình và ổn định của Nhật Bản.

Còn riêng đối với Hàn Quốc, hạt nhân Triều Tiên có thể nói là một mối đe dọa
thường trực đối với quốc gia này. Quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng kể từ đầu
năm 2020, khi Triều Tiên cắt đứt các kênh liên lạc với Hàn Quốc, đóng cửa văn phòng
liên lạc, gọi Hàn Quốc là kẻ thù, và đáng lo ngại hơn, Bình Nhưỡng nói rằng Triều Tiên
đang chuyển sang bước tiếp theo là hành động quân sự.

Không chỉ các quốc gia trong khu vực Đông Bắc Á, mà nhiều quốc gia khác trên
thế giới cũng chịu ảnh hưởng to lớn từ vấn đề hạt nhân Triều Tiên, đặc biệt là Hoa Kỳ.
Quan hệ giữa hai nước ngày càng trở nên căng thẳng do những trở ngại về ngoại giao
cũng như những đòi hỏi phi thực tế của Triều Tiên khi hai bên tham gia đàm phán hạt
nhân với nhau. Cụ thể là cuộc gặp gỡ giữa Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng
thống Mỹ Donald Trump tại Singapore.

Nga là nước láng giềng phía Bắc của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên,
nên những sự kiện liên quan đến Triều Tiên đều ảnh hưởng trực tiếp đến Nga. Hiện nay,
trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Triều bế tắc kéo dài, thì Bình Nhưỡng đang nỗ lực thắt chặt
quan hệ với Nga. Cả hai quốc gia đang tăng cường phát triển mối quan hệ song phương,
vượt qua mọi thử thách, trên nền tảng tình đồng chí hữu nghị truyền thống quý giá.

2.4. Tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên

Giai đoạn thứ nhất trong tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên là từ
tháng 3/1993 đến tháng 10/2002. Các cuộc đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên đã đi tới
một thỏa thuận được ký giữa hai bên tại Geneve (Thụy Sĩ) vào tháng 10/1994. Trong 4
năm kể từ khi Hiệp định khung được ký kết, không ghi nhận bất kỳ vụ phóng tên lửa
nào từ Triều Tiên. Tuy nhiên, tháng 11/2002, Triều Tiên tuyên bố rằng họ đang sở hữu
vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt. Tháng 12/2002, Mỹ ngừng cung cấp dầu cho Triều
Tiên vì cho rằng họ đã vi phạm Thỏa thuận Geneve. Đáp trả lại điều đó, Triều Tiên
tuyên bố rút khỏi NPT.

Ngày 23/4/2003, cuộc đàm phán ba bên giữa Mỹ, Bắc Triều Tiên và Trung Quốc
đã diễn ra. Tuy vòng đàm phán ba bên không thu được kết quả đáng kể nào nhưng nhìn
chung, Triều Tiên đã có nhiều sự nhượng bộ trong cuộc đàm phán này.
18
Sau khi đàm phán ba bên bị đổ vỡ, cuộc đàm phán gồm sáu nước là Mỹ, Nga,
Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản đã diễn ra từ ngày 27 đến ngày 29/8/2003
tại Bắc Kinh. Đây là bước tiến lớn trong giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều
Tiên, đánh dấu giai đoạn thứ hai trong tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo
Triều Tiên (tháng 8/2003 - tháng 4/2009). Trải qua 6 vòng đàm phán, cuối cùng Triều
Tiên cũng đồng ý ngừng phát triển vũ khí hạt nhân, tái tham gia NPT và chấp nhận các
cuộc thanh sát của IAEA.

Tuy nhiên, tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên đã bị gián đoạn
khi cuộc đàm phán sáu bên ngày 12/12/2008 không đạt được thỏa thuận về kế hoạch
tiếp theo trong việc kiểm chứng sự giải trừ hạt nhân của Triều Tiên.

Từ năm 2009 đến nay là giai đoạn thứ ba trong tiến trình giải quyết vấn đề hạt
nhân trên bán đảo Triều Tiên, khi mà Mỹ và Triều Tiên đều thiếu thiện chí đàm phán
với nhau, liên tục sử dụng các biện pháp đối kháng mạnh mẽ với đối phương.

Ngày 2/3/2016, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết
áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Bắc Triều Tiên nhằm xóa bỏ chương trình
hạt nhân và tên lửa của nước này.

Ngày 27/4/2018, Hàn Quốc và Triều Tiên tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên
Triều lần ba, tái khẳng định mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều
Tiên.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần đầu tiên diễn ra tại Singapore (12/06/2018)
kết thúc với một tuyên bố chung 4 điểm, trong đó nhà lãnh đạo Kim Jong-un tái khẳng
định cam kết của mình đối với tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai tại Hà Nội (27 - 28/2/2019) đã không thể đạt
được thỏa thuận, lý do chủ yếu là vì Triều Tiên muốn được dỡ bỏ lệnh trừng phạt, nhưng
Mỹ không thể làm điều đó lúc này. Cuộc gặp mặt chớp nhoáng tại Khu phi quân sự liên
Triều (DMZ) ngày 30/06/2019 cũng chưa đem tới một thỏa thuận chính thức nào. Như
vậy, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo
Triều Tiên cho đến nay cũng đã đạt được những bước tiến triển quan trọng, góp phần
xây dựng cơ chế hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Bước tiến gần đây nhất trong tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân Tiều Tiên đó
chính là việc Triều Tiên chủ động ra điều kiện đàm phán với Mỹ. Thông báo này xuất
19
hiện không lâu sau khi hai miền Triều Tiên khôi phục các đường dây nóng mà quốc gia
phía bắc đã đình chỉ một năm trước. Tình hình thiếu lương thực tại Bắc Triều Tiên đang
ở mức đáng báo động vì nền kinh tế gặp khó khăn do thời tiết xấu và đại dịch Covid-19.
Vì vậy, Triều Tiên muốn các lệnh trừng phạt quốc tế cấm nước này xuất khẩu kim loại
và nhập khẩu nhiên liệu tinh chế cùng các nhu yếu phẩm phải được dỡ bỏ trước khi tái
khởi động đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ. Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng còn yêu cầu
nới lỏng lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ để có thể mua về quần áo và rượu ngon.
Về phía Mỹ, chính quyền Tổng thống Biden cũng đã tuyên bố sẽ tìm kiếm cơ hội ngoại
giao để đạt tới mục đích Triều Tiên giải trừ hạt nhân hoàn toàn. Từ đó, chúng ta hoàn
toàn có thể hy vọng vào một cuộc đàm phán song phương giữa hai quốc gia trong thời
gian tới.

20
CHƯƠNG 3: VẤN ĐỀ HẠT NHÂN TRIỀU TIÊN
TRONG CHIẾN LƯỢC ĐỊA - CHÍNH TRỊ CỦA MỸ - TRUNG QUỐC

3.1. Vấn đề hạt nhân Triều Tiên trong chiến lược địa - chính trị của Mỹ

3.1.1. Tầm quan trọng của bán đảo Triều Tiên dưới góc nhìn của Hoa Kỳ

Bán đảo Triều Tiên nằm trong khu vực Đông Bắc Á, ở vị trí kẹp giữa bốn nước
lớn là Mỹ, Trung, Nhật, Nga. Tuy đây là khu vực không chứa nhiều nguồn tài nguyên
thiên nhiên chiến lược có trữ lượng lớn như dầu mỏ, khí đốt... hay có tuyến đường vận
chuyển hàng hải huyết mạch nhưng bán đảo Triều Tiên lại được coi là vùng đệm chiến
lược, nơi tranh chấp ảnh hưởng của các cường quốc.

Trong thời kì Chiến tranh Lạnh, Mỹ luôn xem bán đảo Triều Tiên là tiền duyên
chiến lược khống chế khu vực Đông Bắc Á. Hiện nay, Đông Bắc Á lại càng có ý nghĩa
đặc biệt đối với Mỹ khi tại đây có hai đồng minh thân cận của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật
Bản, cũng như tồn tại các vấn đề chứa đựng lợi ích của Mỹ. Quan trọng hơn, Đông Bắc
Á là một trong những khu vực ưu tiên hàng đầu của Mỹ trong chiến lược cạnh tranh với
Trung Quốc. Vì vậy, tầm quan trọng của bán đảo Triều Tiên cũng ngày càng được Mỹ
đánh giá cao.

Bên cạnh đó, Triều Tiên còn là nơi để Mỹ thực hiện chiến lược toàn cầu. Mỹ có
ý đồ xây dựng hệ thống an ninh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương do Mỹ làm chủ
đạo, lấy sự tồn tại của các căn cứ tiền duyên trước đây làm cơ sở, Hiệp ước an ninh Mỹ
- Nhật làm trụ cột, được bổ sung bằng cơ chế an ninh đa phương. Vì vậy mà việc Cộng
hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên phát triển hạt nhân, bán vũ khí hạt nhân cho các quốc
gia thù địch của Mỹ là điều không thể chấp nhận được.

Hay nói cách khác, bán đảo Triều Tiên có vị trí địa - chính trị đặc biệt quan trọng
trong chiến lược mới ở Châu Á - Thái Bình Dương mà Mỹ đưa ra, Bắc Triều Tiên chính
là điểm dừng chân để Mỹ thực hiện chiến lược toàn cầu. Mỹ muốn đưa Bắc Triều Tiên
vào quỹ đạo chiến lược của mình, biến bán đảo Triều Tiên thành căn cứ chiến lược để
khống chế Trung Quốc và Nga.

3.1.2. Những ảnh hưởng của vấn đề hạt nhân Triều Tiên đối với Mỹ

Với sự sụp đổ của Liên Xô, Mỹ trở thành một cực duy nhất còn lại sau Chiến
tranh Lạnh. Việc Bắc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân đã đe dọa nghiêm trọng đến

21
an ninh, trật tự thế giới và với cương vị là một nước bá chủ, Mỹ coi Triều Tiên là một
nhân tố bất ổn, làm phá vỡ hệ thống luật pháp quốc tế nên cần phải bị trừng phạt. Cùng
với đó, Mỹ không muốn Hàn Quốc và Nhật Bản bị kích động mà chạy đua vũ trang, dẫn
đến việc Mỹ không thể kiểm soát được tình hình khu vực; cho nên, Mỹ không thể chấp
nhận việc Triều Tiên phát triển hạt nhân và đặc biệt lo ngại họ sẽ bán kỹ thuật hạt nhân
cho các quốc gia thù địch với Mỹ.

Ngoài ra, Mỹ cũng lo ngại kế hoạch hạt nhân đang phát triển của Triều Tiên sẽ
phá vỡ cơ cấu quyền lực chính trị quốc tế đang tồn tại trong khu vực Đông Á, đồng thời
lo ngại về khả năng bán vũ khí hạt nhân để thu ngoại tệ của Triều Tiên có thể tiếp tay
cho chủ nghĩa khủng bố, kẻ thù mà Mỹ cho là nguy hiểm nhất kể từ sau sự kiện ngày
11/9/2001. Mỹ cũng muốn đảm bảo an toàn cho quân đội Mỹ đang đóng tại các căn cứ
trên lãnh thổ Hàn Quốc và Nhật Bản trước kế hoạch hạt nhân của Triều Tiên, vì vậy,
Mỹ muốn tìm mọi cách để trừ khử mối đe dọa này.

Khi các chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên ngày càng phát triển, đặc
biệt là về năng lực tấn công tầm xa, khả năng răn đe của Bình Nhưỡng đối với các đồng
minh của Mỹ trong khu vực sẽ tăng lên và niềm tin cũng như năng lực răn đe mở rộng
của Washington sẽ bị suy giảm.

Cùng với đó, vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là mối đe dọa hiện hữu đối với Hàn
Quốc, và chúng có thể sớm gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với Hoa Kỳ; thậm chí
một vài trong số chúng cũng có thể khiến hàng triệu người chết và thương vong nếu
được phát nổ trên các thành phố của Hàn Quốc hoặc Hoa Kỳ. Khi khả năng Triều Tiên
đe dọa lãnh thổ đất liền của Mỹ ngày càng gia tăng, có nhiều câu hỏi đã được đặt ra về
những lựa chọn của Washington trong trường hợp các thành phố của Mỹ, Hàn Quốc
hoặc Nhật Bản bị đe dọa.

Khả năng tiếp theo là một cuộc chiến tranh lớn với vũ khí hạt nhân sẽ nổ ra. Triều
Tiên có thể buộc Hàn Quốc đầu hàng bằng cách tấn công các cơ quan chỉ huy và kiểm
soát của không quân và hải quân Hàn Quốc, cũng như các mục tiêu quân sự quan trọng
bằng vũ khí hạt nhân. Nếu Hoa Kỳ và Hàn Quốc phản công, Triều Tiên có thể đe dọa
nổ ra một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện và tàn phá bán đảo Triều Tiên cũng như
khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

22
3.1.3. Những động thái mà Hoa Kỳ đã thực hiện đối với Bắc Triều Tiên

Từ sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ thực hiện chiến lược củng cố vị thế và vươn lên
làm bá chủ thế giới. Việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sẽ giúp Mỹ
củng cố được địa vị trên trường quốc tế đồng thời loại bỏ được kẻ thù của mình là Trung
Quốc.

Sự đối kháng chiến lược giữa Mỹ và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên là
do mâu thuẫn về lợi ích chiến lược được tích tụ lâu ngày giữa hai bên. Có thể thấy, cả
hai bên đều dùng con bài hạt nhân, trước hết là để nhằm duy trì và phát huy chiến lược
toàn cầu của mình, trong đó khống chế Châu Âu và Châu Á - Thái Bình Dương là mục
tiêu chủ yếu. Trong cách nhìn của Mỹ, từ Bán đảo Triều Tiên đến Tây Á, đây là vùng
tranh chấp và giành quyền khống chế của các lực lượng trên thế giới. Cùng với Iraq thì
Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên là điểm đứng chân để Mỹ thực hiện chiến lược
toàn cầu.

Chiến lược của Mỹ đối với Bắc Triều Tiên kể từ khi quốc gia này thành lập đã là
thực hiện những chính sách thù địch, đối đầu không nhân nhượng. Điều này xuất phát
từ âm mưu xóa bỏ thể chế chính trị Xã hội chủ nghĩa tại Bắc Triều Tiên và biến bán đảo
Triều Tiên thành đồng minh chiến lược của Mỹ. “Tháng 6/2004, Quốc hội Mỹ lên một
kế hoạch về Bắc Triều Tiên của riêng mình, đó là hai dự luật nhằm duy trì lệnh cấm vận
thương mại và ngăn cản viện trợ nhân đạo và những trợ giúp khác cho Bình Nhưỡng
cho đến khi chính quyền Kim Jong-il thay đổi chính sách đối nội”3. Trong khi Bắc Triều
Tiên đang dần cải thiện vị thế trong khu vực với cải cách kinh tế và ngoại giao tích cực
thì chính sách trên lại khiến cho Mỹ mất đi vị trí của mình do đi lệch hướng với các đối
tác tại Đông Bắc Á.

Trước đây, Mỹ đặt ra ba mục tiêu chính đối với chương trình hạt nhân tại Triều
Tiên. Thứ nhất là xóa bỏ chương trình hạt nhân tại quốc gia này dưới thời chính quyền
Bush. Thứ hai là duy trì liên minh Mỹ - Hàn cũng như vị thế triển khai về phía trước của
Hoa Kỳ trên bán đảo Triều Tiên. Cuối cùng là tránh những chi phí tổn thất liên quan đến
chiến dịch quân sự chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, các mục tiêu trên không
đem lại thành công và Triều Tiên vẫn là một mối đe dọa lớn đối với Mỹ. Đến thời Tổng

3
Phó Thị Huyền Trang. (2007). Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Luận văn Thạc sĩ. Chuyên ngành
Quan hệ quốc tế. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Hà Nội. Tr. 53.

23
thống Donald Trump, cách tiếp cận đối với vấn đề Triều Tiên trở nên cứng rắn và dứt
khoát hơn. Mỹ có nhiều lựa chọn bao gồm trừng phạt kinh tế, tấn công mạng, đàm phán
ngoại giao và sử dụng vũ lực. Hoa Kỳ đã tái bố trí quân sự, kêu gọi Liên Hợp Quốc gia
tăng các biện pháp trừng phạt và khẳng định đang cân nhắc các lựa chọn để đối phó với
Triều Tiên.

Trong những năm gần đây, về kinh tế, Mỹ sử dụng chính sách hai mặt, vừa trừng
phạt vừa bao vây cấm vận kinh tế để Triều Tiên không có đủ tiềm lực thực hiện chương
trình hạt nhân; mặt khác, sử dụng chiêu bài viện trợ nhân đạo, lấy vấn đề dỡ bỏ các lệnh
trừng phạt làm điều kiện trao đổi nhằm thuyết phục Bĩnh Nhưỡng từ bỏ chương trình
hạt nhân. Về quân sự, Mỹ thường xuyên duy trì chính sách “răn đe quân sự”, gây sức ép
đối với Triều Tiên. Mỹ cũng phối hợp với Hàn Quốc, Nhật Bản tiến hành các cuộc tập
trận với “đối tượng tác chiến” là Triều Tiên.

Mỹ đã tham gia nhiều cuộc đàm phán hạt nhân với Bắc Triều Tiên. Điển hình là
cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và tổng thống Mỹ Donald Trump
tại Singapore. Tuy nhiên, cả hai nhà lãnh đạo đều vấp phải trở ngại do sự thiếu nhạy bén
về ngoại giao của Trump cũng như sự đòi hỏi phi thực tế về vấn đề vũ khí hạt nhân của
Triều Tiên. Điều này khiến cho mối quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng.

Với việc Triều Tiên đang nhích dần tới khả năng tấn công Mỹ trên đất liền, mục
tiêu trước mắt của Mỹ là trì hoãn và đóng băng quá trình phát triển hạt nhân và tên lửa
của Bình Nhưỡng. Một thỏa thuận kiểm soát vũ khí có thể sẽ hấp dẫn hơn các thỏa thuận
phi hạt nhân hóa đã nhiều lần được thử và thất bại. Ở đây, Hoa Kỳ và Hàn Quốc cũng
có thể phá vỡ thế bế tắc giữa họ về tốc độ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên.

3.1.4. Vấn đề hạt nhân Triều Tiên dưới thời Tổng thống Joe Biden

Trong thời gian tới, chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ phải đối mặt với không
ít thách thức liên quan đến việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Các lĩnh vực ưu
tiên được nhóm chuyển đổi của ông xác định bao gồm khắc phục đại dịch, phục hồi nền
kinh tế, đạt được công bằng chủng tộc và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Nga, Trung
Quốc và Iran cũng được coi là những vấn đề cần giải quyết. Tuy nhiên, mối quan tâm
số một được xác định trong Khảo sát ưu tiên phòng ngừa hàng năm của các chuyên gia
chính sách đối ngoại về những rủi ro địa - chính trị tiềm ẩn phải lo lắng trong năm tới -
đó chính là một cuộc khủng hoảng mới trên bán đảo Triều Tiên. Công bố này đã nhận

24
được không ít sự chú ý từ dư luận vì đây luôn là vấn đề không thể nào biến mất được.
Tổng thống Obama đã cảnh báo Tổng thống đắc cử Trump vào tháng 11/2016 rằng mối
đe dọa an ninh quốc tế gây khó chịu nhất mà ông phải đối mặt sẽ xuất phát từ Triều Tiên.
Hai vụ thử hạt nhân, vô số vụ thử tên lửa tầm xa và ba cuộc gặp thượng đỉnh Trump -
Kim sau đó, mức độ và khả năng Triều Tiên gây ra mối đe dọa thảm khốc đối với lợi
ích quốc gia của Mỹ lớn hơn bốn năm trước.

Một lựa chọn mà Biden phải đối mặt sớm trong nhiệm kỳ tổng thống của mình
là liệu có đảo ngược được cam kết mà Trump đưa ra sau cuộc gặp đầu tiên với Kim tại
Singapore vào tháng 6/2018 hay không? Khi đó Trump tuyên bố sẽ dừng các cuộc tập
trận quân sự chung của Mỹ - Hàn mà Triều Tiên coi là khiêu khích. Hoa Kỳ và Hàn
Quốc kể từ đó đã đình chỉ hoặc cắt giảm các cuộc tập trận kết hợp quy mô lớn. Đại dịch
Covid-19 cũng đã tiếp tục làm gián đoạn các cuộc tập trận vào năm 2020.

Việc nối lại các cuộc tập trận sẽ giúp các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc chuẩn bị
tốt hơn cho mọi tình huống có thể xảy ra. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng cũng có thể lấy việc
tiếp tục hoạt động như một cái cớ để thực hiện các hành động khiêu khích mới.

Một quyết định dễ dàng hơn đối với Biden, phù hợp với chính sách đối ngoại
tổng thể của ông là tạo điều kiện cho các cuộc tham vấn chặt chẽ hơn với các đồng minh
của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản về các vấn đề an ninh nói chung và mối đe dọa từ
Triều Tiên nói riêng. Người Hàn Quốc bị sốc khi Trump tuyên bố ngừng các cuộc tập
trận quân sự Mỹ - Hàn mà không hỏi ý kiến họ; và Nhật Bản lo lắng rằng Hoa Kỳ sẽ thu
hẹp quy mô hoặc thậm chí rút quân khỏi Hàn Quốc, điều này sẽ gây ra những tác động
an ninh lớn cho đất nước. Những khác biệt như vậy có thể bị Triều Tiên khai thác. Để
đảm bảo sự ổn định trong khu vực, Mỹ cần tiến hành tham vấn chặt chẽ hơn với các
đồng minh về hình thức đàm phán với Triều Tiên và những nhượng bộ có thể tác động
đến họ trong bất kỳ hoạt động ngoại giao nào trong tương lai.

Biden cũng sẽ cần tìm kiếm sự hợp tác với Trung Quốc về Triều Tiên bất chấp
mối quan hệ tổng thể giữa Washington và Bắc Kinh đang lạnh nhạt. Trong khi Hoa Kỳ
và Trung Quốc không để mắt đến mối đe dọa Triều Tiên, Triều Tiên đã thành công trong
việc phối hợp các phương pháp tiếp cận một cách hạn chế trong quá khứ. Biden cần tìm
ra điểm chung này với Trung Quốc, nước tiếp tục là đối tác thương mại và đồng minh

25
chính trị quan trọng nhất của Triều Tiên, nắm giữ chìa khóa cho bất kỳ giải pháp ổn định
nào cho vấn đề Triều Tiên.

Hiện nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đặt ra cách tiếp cận mới đối với Triều
Tiên, đó là chính sách ngoại giao “không mặc cả”, gây sức ép buộc Bình Nhưỡng phải
từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Tổng thống Mỹ cũng khẳng định đã hoàn tất
cách tiếp cận mới nhằm gây áp lực thông qua con đường ngoại giao nhưng không “khoan
nhượng” với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Ông Kwon Jong Gun, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề Hoa Kỳ của Bộ Ngoại giao Triều
Tiên, cũng đã nhắc đến chính sách đầu tiên của Tổng thống Biden trước Quốc hội Mỹ.
Tổng thống đã tuyên bố rằng các chương trình hạt nhân ở Triều Tiên sẽ được giải quyết
thông qua “ngoại giao và sự răn đe nghiêm khắc”.

Đồng thời Vụ trưởng này cũng cho rằng việc Hoa Kỳ gọi hành động răn đe phòng
thủ của mình là một mối đe dọa là phi logic và vi phạm quyền tự vệ của Triều Tiên.
“Tuyên bố của ông ấy phản ánh rõ ràng ý định của ông ấy là tiếp tục thực thi chính sách
thù địch đối với CHDCND Triều Tiên như đã được Mỹ thực hiện trong hơn nửa thế kỷ
qua”4, theo Kwon Jong Gun (sử dụng tên viết tắt chính thức của Triều Tiên).

3.2. Vấn đề hạt nhân Triều Tiên trong chiến lược địa - chính trị của Trung Quốc

3.2.1. Yếu tố địa lý của bán đảo Triều Tiên trong chiến lược địa - chính trị của
Trung Quốc

Bán đảo Triều Tiên là một dải đất nằm nhô ra biển ở Đông Bắc Á, phía Bắc giáp
với vùng đất Mãn Châu, chia cắt bởi các con sông là Đồ Môn, Áp Lục và dãy núi Trường
Bạch. Khi mùa đông đến, nước sông Đồ Môn và Áp Lục sẽ bị đóng băng, các thành phố
giáp biên giới của Bắc Hàn đều có thể qua Trung Quốc bằng con sông Đồ Môn và Áp
Lục khi nước sông đóng băng và đây cũng là những con đường huyết mạch duy nhất từ
Bắc Hàn qua Trung Quốc.

Ngoài ra, Bắc Triều Tiên còn có một ngã ba biên giới thông qua Nga và Trung
Quốc. Hiện nay, Trung Quốc vẫn coi vùng Đông Bắc của mình giáp với các thành phố
biên giới của Triều Tiên có ý nghĩa rất lớn. Vùng biên giới Triều Tiên và Trung Quốc

4
Phương Anh. (2021). Triều Tiên tuyên bố đáp trả chính sách ‘thù địch’ của Mỹ. Nhận từ https://vtc.vn/trieu-
tien-dap-tra-chinh-sach-thu-dich-cua-tong-thong-my-ar609782.html, truy cập ngày 28/08/2021.

26
là nơi duy nhất được phép giao thương, mua bán hàng hóa giữa hai quốc gia. Trung
Quốc chỉ còn vùng Đông bắc Liêu Ninh, Đại Liên, Đan Đông để tiến hành buôn bán với
Triều Tiên và phần nào đó giảm đi được gánh nặng kinh tế đối với Triều Tiên trong bối
cảnh bị cấm vận nghiêm ngặt từ Liên Hợp Quốc.

Mặt khác, ở Triều Tiên có biển ở bờ tây, từ vùng biển phía tây Bắc Hàn đến
Trung Quốc qua vịnh Sơn Đông và eo biển Bột Hải, nơi đây đối với Trung Quốc có giá
trị quốc phòng, bằng chứng là Trung Quốc có đặt hạm đội Bắc Hải ở vịnh Sơn Đông để
phòng thủ. Ngoài ra, phía nam là Hàn Quốc cũng có biển có thể đến vịnh Sơn Đông của
Trung Quốc. Do đó, đây là một vị trí xung yếu để bố trí phòng thủ, nhất là khi Nam Hàn
là đồng minh truyền thống đối với Hoa Kỳ, và nơi đây có đặt các căn cứ quân sự của
Hoa Kỳ nên Trung Quốc cũng phải đề phòng cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Không những thế, lãnh thổ của Nhật Bản cũng nằm sát bên bán đảo Triều Tiên,
ở biên giới phía nam của Bình Nhưỡng lại là Seoul; như vậy, với vị trí địa lý vốn có, vai
trò của bán đảo Triều Tiên đối với Trung Quốc là cực kỳ quan trọng.

Cụ thể hơn thì đối với Trung Quốc, bán đảo Triều Tiên là một vị trí trọng yếu để
giữ vững an ninh của họ, là khu vực giúp họ tổ chức phòng thủ từ sớm. Nguyên tắc chiến
lược của Trung Quốc là “Bắc hợp, Tây tiến, Nam dung, Đông ổn” và Bắc Triều Tiên
nằm trong phần “Đông ổn” của chiến lược này. Trung Quốc vốn có quan hệ kinh tế,
chính trị, văn hóa lâu đời với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và bán đảo Triều
Tiên lại có vai trò quan trọng đối với an ninh của Trung Quốc; vì vậy, việc giải quyết
vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên mang ý nghĩa rất to lớn đối với đất nước tỉ dân.

3.2.2. Mối đe dọa tiềm tàng từ vấn đề hạt nhân Triều Tiên

Dư âm từ cuộc chiến tranh Triều Tiên vẫn còn âm ỉ khi hai bên chưa chính thức
ký kết hiệp định hòa bình mà chỉ ký kết các điều ước đình chiến nên tình hình bán đảo
Triều Tiên vẫn có thể nóng lên ngày một ngày hai trong tương lai không xa. Việc phát
triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng đã tạo ra mối đe dọa lớn đối với Seoul và điều
này dẫn đến sự can thiệp của Hoa Kỳ, bởi vì Nam Hàn là bạn đồng minh của họ. Những
kịch bản có thể xảy ra là quân đội Hoa Kỳ sẽ chiến đấu thần tốc đến sông Áp Lục để
đến mục tiêu là Trung Quốc hay nếu không tham chiến thì có thể tìm cách cấm vận về
kinh tế với Bình Nhưỡng, làm cho Triều Tiên không phát triển và ổn định được như ý
muốn của Trung Quốc, Hoa Kỳ cũng sẽ dùng ảnh hưởng của một siêu cường ép buộc

27
Trung Quốc lên án bạn đồng minh truyền thống của mình trên chính trường quốc tế,
giảm thiểu đi uy tín và ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc lên Bắc Triều Tiên. Nói
cách khác, tình hình Triều Tiên không ổn định đối với Trung Quốc chẳng khác nào như
“môi hở răng lạnh”.

Thêm vào đó, một khi Hoa Kỳ hỗ trợ người bạn đồng minh Hàn Quốc của mình
trước mối đe dọa từ hạt nhân của Bình Nhưỡng thì viễn cảnh như thời điểm chiến tranh
Triều Tiên sẽ tiếp diễn. Ngoài ra, chính vì bán đảo Triều Tiên có vai trò rất lớn về địa -
chính trị, là vùng rìa của Trung Hoa đại lục cho nên Trung Quốc hiểu rất rõ vị thế chiến
lược của bán đảo Triều Tiên cũng như những ảnh hưởng trực tiếp từ hạt nhân Triều Tiên
đến Trung Quốc. Vì vậy, Trung Quốc cũng vài lần kêu gọi Triều Tiên dừng tiến trình
tên lửa hạt nhân để đổi lại là Trung Quốc sẽ kêu gọi Hoa Kỳ và Hội Đồng Bảo An dỡ
bỏ các lệnh cấm vận. Mặt khác, Hoa Kỳ sẽ dùng sức mạnh và quyền lực của mình để
kêu gọi Trung Quốc khuyên Triều Tiên từ bỏ đi chương trình hạt nhân như Tổng thống
Trump đã từng kêu gọi Trung Quốc lên án việc Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo xuyên
lục địa. Bên cạnh đó, việc áp thuế lên Trung Quốc cũng là điều kiện ngầm để Hoa Kỳ
kêu gọi Trung Quốc khuyên Triều Tiên từ bỏ đi chương trình vũ khí hạt nhân. Một lần
nữa, có thể thấy nếu như bán đảo Triều Tiên và nhất là ở Bắc Hàn bất ổn thì Trung Quốc
sẽ bị mất ưu thế về địa - chính trị và từ đó chắc chắn sẽ xuất hiện những tình huống bất
lợi.

3.2.3. Chính sách của Trung Quốc đối với bán đảo Triều Tiên

Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên hiện nay vẫn chưa có cách thức nào để
hạ nhiệt và buộc Bắc Hàn phải từ bỏ chương trình hạt nhân của mình. Các nước lớn trên
thế giới luôn coi bán đảo Triều Tiên là một vùng đất mang ý nghĩa rất lớn về địa - chính
trị để hoạch định các chính sách đối ngoại và đảm bảo an ninh quốc gia của mỗi nước,
trong đó có Trung Quốc.

Trung Quốc và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên có mối quan hệ hợp tác,
tương trợ lẫn nhau từ khi chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, khi đó, chủ tịch Mao Trạch
Đông đã gửi các chí nguyện quân do nguyên soái Bành Đức Hoài làm chỉ huy viện trợ
cho Kim Nhật Thành. Kể cả sau này, Trung Quốc cũng vẫn còn hỗ trợ cho Triều Tiên
rất nhiều mặt từ kinh tế cho tới xã hội. Đến khi vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên

28
diễn ra, bối cảnh quan hệ quốc tế thay đổi, Trung Quốc đã xây dựng một số chính sách
mới đối với Bắc Triều Tiên.

Do bán đảo Triều Tiên có ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Trung Quốc
thông qua vị trí địa lí tiếp giáp với vùng Đông Bắc Trung Quốc nên Bắc Triều Tiên luôn
nhận được sự ủng hộ của quốc gia này trong việc phát triển kinh tế, với trọng điểm là
tại các vùng biên giới. Chỉ có nơi đây là hoạt động giao thương giữa Triều Tiên với bên
ngoài được cho phép, các cửa hàng Trung Quốc được phép thuê lao động đến từ Triều
Tiên để giúp cho Triều Tiên cải thiện đời sống dân sinh.

Bên cạnh đó, vị trí của bán đảo Triều Tiên còn có nhiều tác động khác đến việc
hoạch định chiến lược của Trung Quốc, nhất là những năm gần đây, tình hình Triều Tiên
trở thành điểm nóng trên thế giới. Địa thế giáp với Trung Quốc của bán đảo Triều Tiên
đã khiến Trung Quốc phải xây dựng kế hoạch bố trí các căn cứ quân sự ở trên bán đảo
này để cạnh tranh với Hoa Kỳ và đảm bảo được vị trí an ninh quốc gia. Để đề phòng, từ
hải quân, lục quân cho đến không quân, Trung Quốc đều bố trí đầy đủ để củng cố vị trí
quốc phòng.

Ngoài ra, đối với Trung Quốc, bán đảo Triều Tiên cũng là nơi để họ toan tính các
chiến lược ngoại giao với Hoa Kỳ và Hàn Quốc. Trung Quốc cũng đã có nhiều lần đàm
phán với tổng thống Moon Jae-in về tình hình bán đảo Triều Tiên, hạn chế xung đột và
xoa dịu vấn đề hạt nhân. Đối với Hoa Kỳ, Tổng thống Donald Trump từng điện đàm với
Chủ tịch Tập Cận Bình để hối thúc Kim Jong-un ngừng phóng thử tên lửa vũ trang, khi
đó, hai nhà lãnh đạo là Tập Cận Bình và Kim Jong-un cũng đã gặp nhau ở Bắc Kinh để
tiến hành thương lượng. Mặt khác, Trung Quốc muốn sử dụng bán đảo Triều Tiên để
làm cơ sở cho việc kiềm chế Hoa Kỳ mà vẫn giữ được quan hệ đồng minh truyền thống
của mình với Bắc Triều Tiên. Hiện nay, dưới thời của tổng thống Biden, tạm thời tình
hình hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên có phần giảm nhiệt đi ít nhiều. Do đó, đối với Hàn
Quốc và Hoa Kỳ, Trung Quốc vẫn muốn duy trì sử dụng quan hệ đồng minh truyền
thống của mình để vừa “nắn gân” Hàn Quốc, vừa kiềm chế sức mạnh của Hoa Kỳ.

Còn dưới góc độ quốc tế, sự leo thang trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên đã thúc
đẩy Trung Quốc, một quốc gia có vai trò to lớn trong Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc,
phải nhanh chóng giải quyết vấn đề này để khẳng định vị thế của mình đối với thế giới.
Cùng với đó, Trung Quốc cũng đang thực hiện chính sách “Giấc mộng Trung Hoa”

29
(China dream), đồng thời cũng đang thực hiện “con đường tơ lụa”, kết nối Trung Quốc
với các nước khác và con đường tơ lụa này có đi qua bán đảo Triều Tiên đến vùng viễn
đông của nước Nga là Vladivostok, để hàng hóa các nước mà Trung Quốc hợp tác đến
với miền Đông Trung Quốc và vùng viễn đông của nước Nga, Trung Quốc càng phải
thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình, giảm thiểu đi các xung đột. Vì vậy, nhiều lần
người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc lên tiếng kêu gọi đôi bên Mỹ - Triều Tiên
kiềm chế, tránh leo thang xung đột và căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên.

Sau khi hội nghị thượng đỉnh giữa Triều Tiên và Hoa Kỳ kết thúc tại Hà Nội,
Triều Tiên cũng đã tháo gỡ một vài thiết bị hạt nhân dù thỏa thuận giữa Tổng thống
Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un không đạt được. Một năm sau hội nghị thượng
đỉnh là đại dịch Covid-19, dưới tác động của đại dịch trên thế giới, Triều Tiên đã đóng
cửa quốc gia để đề phòng dịch bệnh lan đến đất nước này. Do đó, vấn đề hạt nhân gần
đây không còn nhiều biến động, cả Trung Quốc cũng đang đối phó với dịch bệnh Covid-
19 và họ dường như đã tạm gác vấn đề hạt nhân với Bình Nhưỡng qua một bên. Tuy
nhiên, Trung Quốc vẫn đang âm thầm theo dõi diễn tiến chính trị hiện nay trên thế giới
như các cuộc tập trận giữa quân đội Hàn Quốc và quân lực Hoa Kỳ thường niên đã làm
cho Bình Nhưỡng tức giận và kêu gọi Hoa Kỳ rút quân như tại Afghanistan. Trung Quốc
trong tương lai vẫn sẽ cạnh tranh địa - chiến lược và địa - chính trị với Hoa Kỳ trên bán
đảo Triều Tiên, vừa khéo léo kêu gọi giới lãnh đạo Bình Nhưỡng từ bỏ hạt nhân vừa
ủng hộ Triều Tiên về vấn đề kinh tế và cũng như là kêu gọi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Trong thời gian tới, nếu như đại dịch Covid-19 kết thúc thì tình hình bán đảo Triều Tiên
có thể sẽ trở nên “sóng gió” trở lại lần nữa.

Tạm kết, do Trung Quốc và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đều có chung
ý thức hệ và là đồng minh lâu đời nên Trung Quốc rất quan tâm đến sự tồn tại của Bình
Nhưỡng. Hơn hết, Trung Quốc cũng hiểu rất rõ rằng nếu Triều Tiên bị sụp đổ thì kinh
tế của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng không ít. Chính từ những nhận thức trên, Trung
Quốc đã đưa ra các chính sách chiến lược phù hợp đối với vấn đề hạt nhân trên bán đảo
Triều Tiên. Những chính sách chiến lược đó đã được Trung Quốc thể hiện qua các hành
động cụ thể như: Ủng hộ cải cách mở cửa đối với Triều Tiên nhằm giúp Triều Tiên vượt
qua cơn khủng hoảng cấm vận; Hợp tác kinh tế với Đại Hàn Dân quốc vì Trung Quốc
cũng biết rằng Hàn Quốc là một yếu tố để kêu gọi Bình Nhưỡng cải cách kinh tế, mở
cửa đất nước, hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng duy trì, chi phối bán đảo

30
Triều Tiên do có vị trí địa - chính trị và chiến lược quan trọng đối với quốc phòng của
Trung Quốc và khi mà quân đội Hoa Kỳ vẫn còn đồn trú tại đây. Nói cách khác, Trung
Quốc muốn sử dụng vị thế của bán đảo để cạnh tranh chiến lược đối với Hoa Kỳ. Theo
một số nhà nghiên cứu chính trị Hoa Kỳ cho rằng nếu như Triều Tiên thống nhất thì liên
minh Hàn - Mỹ sẽ sụp đổ, Trung Quốc sẽ tiến hành trao đổi quan hệ ngoại giao với một
quốc gia Triều Tiên mới, thống nhất toàn diện về mọi mặt mà không bị Hoa Kỳ cản trở.
Ngoài ra, Trung Quốc ủng hộ việc hai miền hợp tác lẫn nhau như về thể thao, viện trợ
lương thực, thực phẩm cho Bình Nhưỡng, tổ chức các cuộc thăm thân nhân do cuộc
chiến Triều Tiên gây ra. Cuối cùng, Trung Quốc kêu gọi Triều Tiên kiềm chế, hành
động có trách nhiệm về vấn đề hạt nhân. Đồng thời Trung Quốc cũng kêu gọi Triều Tiên
ngưng phổ biến vũ khí tên lửa hạt nhân.

3.3. Vấn đề hạt nhân Triều Tiên - “quân bài” đắt giá trong ván cờ Mỹ - Trung

Đối với Hoa Kỳ, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên có vai trò vô cùng quan
trọng trong chiến lược địa - chính trị của quốc gia này, đặc biệt là trong chiến lược ở
Châu Á - Thái Bình Dương mà Mỹ đưa ra. Bắc Triều Tiên cũng chính là điểm dừng
chân để Mỹ thực hiện chiến lược toàn cầu, vì vậy Mỹ muốn đưa Bắc Triều Tiên vào quỹ
đạo chiến lược của mình, biến bán đảo Triều Tiên thành căn cứ chiến lược để khống chế
Trung Quốc và Nga.

Đối với Trung Quốc, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cũng có ý nghĩa
quan trọng không kém trong chiến lược của họ. Với vai trò như một vùng đệm ngăn
cách Bắc Kinh với các lực lượng quân sự Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc; bán đảo Triều Tiên
trở thành công cụ để Trung Quốc đảm bảo anh ninh, quốc phòng, kiềm chế Hoa Kỳ,
phát triển chính sách phục vụ cho “Giấc mộng Trung Hoa” và khôi phục lại hình ảnh
của “con đường tơ lụa” trong thời kỳ hiện đại.

Có thể nói rằng, bán đảo Triều Tiên là một quân cờ và ẩn sau quân cờ đó là chiến
lược hạn chế bá quyền của Mỹ và Trung Quốc đối với đối phương. Cũng chính vì vậy
mà cho đến tận bây giờ, vấn đề hạt nhân Triều Tiên vẫn không thể được giải quyết triệt
để.

Thực tế lịch sử đã cho thấy rằng, Mỹ không chỉ được hưởng lợi từ việc giải quyết
vấn đề hạt nhân tại Triều Tiên mà còn được hưởng lợi từ việc trì hoãn trong giải quyết
vấn đề này. Giải quyết được vấn đề hạt nhân tại Triều Tiên sẽ giúp Mỹ loại bỏ được một

31
kẻ thù, củng cố vai trò lãnh đạo của mình. Trong khi đó, sự chậm trễ trong việc giải
quyết lại tạo ra lý do chính đáng để Mỹ tăng cường hiện diện ở Tây Thái Bình Dương,
tạo thuận lợi để Mỹ kiềm chế Trung Quốc.

Về phía Trung Quốc, nếu như thành công giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo
Triều Tiên thì họ có thể loại bỏ được quân đội Mỹ tại bán đảo này. Khi đó, Trung Quốc
có thể tiến hành chính sách “Một Trung Quốc”, tiến tới tái thống nhất Đài Loan trong
tương lai. Như vậy, nói một cách ngắn gọn thì giải quyết được vấn đề hạt nhân Triều
Tiên đồng nghĩa với việc Trung Quốc hạn chế được bá quyền của Mỹ tại khu vực Đông
Á.

Ngoài ra, vấn đề hạt nhân Triều Tiên còn là quân bài trong ván cờ thương mại
Mỹ - Trung. Thương mại và vũ khí hạt nhân dường như là hai vấn đề không liên quan
tới nhau, hoàn toàn tách biệt giữa kinh tế và địa - chính trị. Nhưng với nhà kinh doanh
như Tổng thống Mỹ Donald Trump, người luôn tự hào về “nghệ thuật đàm phán” của
mình thì hai vấn đề này luôn có mối liên hệ mật thiết.

Kể từ khi phát động chiến tranh thương mại nhắm vào Trung Quốc cũng như
khởi động nỗ lực đàm phán cấp cao nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều
Tiên, Trump đã nhiều lần tuyên bố rằng sẽ có sự đánh đổi trong quá trình thương lượng
về hai vấn đề này.

Trung Quốc cũng không kém cạnh khi tận dụng mọi cơ hội khả dĩ để nhắc nhở
Mỹ rằng họ có thể làm phức tạp hóa giấc mơ loại bỏ vũ khí hạt nhân Triều Tiên của
Trump nếu Bắc Kinh và Washington không thể đạt được một thỏa thuận nhằm chấm dứt
cuộc chiến thương mại.

Vai trò của Triều Tiên được ví như sách lược “cây gậy và củ cà rốt” trong quan
hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới, vốn cũng đã được tổng thống Mỹ Donald
Trump nhắc đến nhiều lần. Trong một bài đăng trên Twitter vào năm 2017, ông Trump
viết: “Tôi đã giải thích với Chủ tịch Trung Quốc rằng một thỏa thuận thương mại với
Mỹ sẽ có lợi hơn nhiều cho họ nếu họ giải quyết vấn đề Triều Tiên.” Đây được coi như
một lời cảnh báo đối với Bắc Kinh. Hơn một năm sau dòng tweet đó, chính quyền Trump
đã áp đặt hàng rào thuế quan đối với Trung Quốc, gây ra cuộc chiến thương mại không
bên nào mong muốn khi Trung Quốc không có những biện pháp trừng phạt cứng rắn đối
với Triều Tiên.

32
Vấn đề Triều Tiên có thể được Trung Quốc sử dụng như một đòn bẩy để gây sức
ép với Mỹ khi đàm phán thương mại. Nhưng sau nhiều giằng co, đến nay “ván cờ thế”
giữa hai bên vẫn chưa ngã ngũ, không ai biết được cuộc đàm phán sẽ đi đến đâu giữa
Mỹ với Trung Quốc hay giữa Washington với Bình Nhưỡng.

Với vai trò quan trọng đối với cả hai cường quốc Mỹ - Trung, thực tế việc giải
quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của thế giới.

Trong những năm 1990, Trung Quốc hoàn toàn đứng ngoài cuộc đối với vấn đề
hạt nhân tại Bắc Triều Tiên. Đến đầu thế kỉ XXI, Trung Quốc dần chuyển sang tích cực
thúc đẩy đàm phán để giảm bớt tình hình căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên. Quan điểm
của Trung Quốc là tránh chiến tranh, xung đột, duy trì ổn định, hòa bình, vì lợi ích quốc
gia, dân tộc. Khác với Mỹ, Trung Quốc không muốn chính quyền Bắc Triều Tiên sụp
đổ mà muốn giữ nguyên hiện trạng của bán đảo Triều Tiên, đồng thời, Trung Quốc cũng
không tán thành việc Mỹ đe dọa vũ trang đối với Bắc Triều Tiên.

Năm 2017, Mỹ đã khởi xướng một chiến dịch gây áp lực kinh tế và ngoại giao
quốc tế lên Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên để đưa họ vào các cuộc đàm phán
về phi hạt nhân hóa. Sự tập trung quốc tế dẫn đến sự can dự ngoại giao quốc tế mới với
nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, bao gồm các hội nghị thượng đỉnh với Hàn Quốc,
Trung Quốc và Hoa Kỳ. Vào ngày 12/6/2018, Tổng thống Trump đã trở thành tổng
thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên gặp gỡ nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Hai bên đã ký một
tuyên bố chung nhất trí phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên, đảm bảo an ninh
cho Bắc Triều Tiên, hướng tới một chế độ hòa bình và hồi hương ngay lập tức các tù
binh.

Quá trình đàm phán Mỹ - Triều phụ thuộc vào nhiều yếu tố phức tạp, trong đó
Trung Quốc chiếm vai trò quan trọng. Mỹ muốn Triều Tiên hoàn toàn phi hạt nhân hóa
trong khi Bình Nhưỡng muốn việc này diễn ra song song với dỡ bỏ cấm vận và trừng
phạt kinh tế. Nói cho cùng, bế tắc hiện nay đòi hỏi cả Mỹ và Triều Tiên, thậm chí cả
một số bên có lợi ích liên quan như Trung Quốc, đạt được một sự thỏa hiệp, với những
cách tiếp cận linh hoạt và mềm mỏng hơn.

33
CHƯƠNG 4: VẤN ĐỀ HẠT NHÂN TRIỀU TIÊN
TRONG CHIẾN LƯỢC ĐỊA - CHÍNH TRỊ CỦA NHẬT BẢN

4.1. Ý nghĩa chiến lược của bán đảo Triều Tiên đối với Nhật Bản

Đứng sau Trung Quốc với tư cách là một biến số khu vực có ảnh hưởng nhiều
nhất đến chiến lược ngoại giao của Nhật Bản chính là bán đảo Triều Tiên. Vị tướng thời
Minh Trị Yamagata Aritomo từng nổi tiếng khi gọi bán đảo Triều Tiên là “con dao găm
chiến lược nhằm vào trái tim Nhật Bản”5. Triều Tiên là con đường truyền thống mà qua
đó mọi thứ bắt nguồn từ lục địa châu Á có thể đến với Nhật Bản, bao gồm cả đạo Phật,
chữ Hán, các cuộc xâm lược của quân Mông, món mì soba và có lẽ cả sushi.

Bởi vì Nhật Bản có nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn chế cùng với vị trí địa lý,
địa hình không thuận lợi cho nên đất nước này có nhu cầu giao thương với lục địa để bổ
sung nguồn cung cấp. Theo tinh thần đó, Nhật Bản đã phát triển ngành vận tải biển và
mở rộng giao thương với Triều Tiên, Trung Quốc. Hơn thế nữa, ngay từ rất sớm, Nhật
Bản đã có ý định biến Triều Tiên - một vùng lãnh thổ gần nhất và được Nhật Bản đánh
giá là yếu nhất trong khu vực - thành một vùng đệm. Ý định này nhằm vừa để ngăn ngừa
sự ảnh hưởng và các nguy cơ xâm lược từ các đế quốc Trung Hoa, Mông Cổ, vừa để
bảo vệ cho các con đường thương mại của Nhật Bản trên khu vực lục địa Châu Á.

Bán đảo Triều Tiên có vị trí chiến lược quan trọng về nhiều mặt đối với Nhật
Bản. Về mặt an ninh, trong thời kì Chiến tranh Lạnh, Nhật Bản đã được đảm bảo an toàn
nhờ thế cân bằng tương đối giữa hai miền Bắc Nam và sự bảo vệ của Mỹ về an ninh.
Tuy nhiên sau Chiến tranh Lạnh thì lợi ích quốc gia của Nhật Bản đã trở nên bấp bênh
hơn, gây ảnh hưởng lớn đến an ninh quốc gia của Nhật Bản. Cùng với đó, quá trình chế
tạo tên lửa đạn đạo của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên cũng đe dọa đến an ninh
Nhật Bản.

Ngoài ra, bán đảo Triều Tiên còn đóng vai trò như một vùng đệm để hạn chế khả
năng Nhật Bản bị tấn công từ lục địa, đặc biệt sau một số hoạt động thử hạt nhân và tập
trận của quân đội Trung Quốc những năm gần đây. Vì vậy việc duy trì hòa bình và ổn
định trên bán đảo và tăng cường mối quan hệ giữa hai miền là yếu tố có ý nghĩa chiến
lược đối với hòa bình và ổn định toàn khu vực Đông Bắc Á, trong đó có Nhật Bản.

5
NCQT. (2013). Nhật Bản trong lòng Châu Á. Nhận từ https://nghiencuuquocte.org/2013/06/21/japan-in-asia/,
truy cập ngày 19/03/2021.

34
Về mặt chính trị, bán đảo Triều Tiên là nơi Nhật Bản có thể tìm kiếm vai trò
chính trị tương xứng với sức mạnh kinh tế của mình sau chiến tranh lạnh. Vì thế, Nhật
Bản đang cố tìm cách xác lập vai trò chính trị và ảnh hưởng của mình lên bán đảo Triều
Tiên. Và nếu thành công thì vị thế của Nhật Bản trong quan hệ với các nước lớn khác
sẽ được nâng lên đáng kể, ví dụ như đảm bảo sự có mặt và trọng lượng của Nhật Bản
trong các cuộc thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực cũng như thế giới.

Về mặt kinh tế, bán đảo Triều Tiên cũng là nơi Nhật Bản có tham vọng giành ưu
thế chiến lược. Hiện nay, Nhật bản là bạn hàng lớn nhất của Hàn Quốc, và quan hệ phụ
thuộc lẫn nhau giữa hai nước này trở nên gắn bó sâu sắc. Đối với bán đảo Triều Tiên,
có lẽ việc sử dụng ưu thế kinh tế sẽ là một trong những công cụ hữu hiệu giúp Nhật Bản
nâng cao vị thế chính trị và bảo đảm an ninh cho mình.

Thêm vào đó, Nhật Bản dù là một đất nước có nền khoa học - kĩ thuật phát triển
nổi trội trên thế giới, sở hữu tiềm năng rất lớn về vũ khí hạt nhân nhưng Nhật Bản lại
không phải là một quốc gia vũ khí hạt nhân. Có ba lý do chính dẫn đến điều này. Lý do
thứ nhất là Nhật Bản có một nền văn hóa bài trừ vũ khí hạt nhân mạnh mẽ bắt nguồn từ
việc Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki. Lý
do thứ hai được thể hiện qua Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản. Và lý do cuối cùng liên
quan đến liên minh giữa Nhật Bản với Mỹ. Cụ thể hơn, việc Nhật Bản liên minh với Mỹ
đã tạo cơ hội để họ phát triển một lực lượng phòng thủ không sử dụng vũ khí hạt nhân.
Chính từ ba lý do trên nên khi Triều Tiên - một quốc gia có vị trí địa lí mang nhiều yếu
tố chiến lược ảnh hưởng đến Nhật Bản lại trở thành một quốc gia phát triển vũ khí hạt
nhân đã khiến cho Nhật Bản cảm thấy bị đe dọa về mặt an ninh. Nếu vấn đề hạt nhân ở
Triều Tiên bùng nổ, sẽ dẫn đến sự đối đầu căng thẳng giữa các quốc gia có liên quan và
Nhật Bản rất có khả năng sẽ trở thành một chiến trường cho sự đối đầu giữa Mỹ - Trung.
Như vậy, để tránh viễn cảnh Nhật Bản phải trở thành một chiến trường và để đảm bảo
cho nền an ninh quốc gia của mình, Nhật Bản đã thể hiện rõ các quan điểm của mình về
vấn đề hạt nhân ở Triều Tiên cũng như đưa ra các chính sách chiến lược để đương đầu
với vấn đề hạt nhân đầy căng thẳng này.

4.2. Quan điểm của Nhật Bản về vấn đề hạt nhân Triều Tiên

Vào thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ II, tư tưởng địa chính trị của Nhật Bản đã
trở thành một tư tưởng then chốt trong chiến lược và chính sách bành trướng của Đế

35
quốc Nhật, được thể hiện thành chính sách đặc trưng chủ trương một Khu vực thịnh
vượng chung Đại Đông Á do Thủ tướng Nhật lúc bấy giờ đưa ra vào năm 1940. Chính
sách này chủ trương việc thành lập một khối Đại Đông Á bao gồm Nhật Bản, Mãn Châu,
Trung Quốc và các nước Đông Nam Á với mục đích xây dựng một khu vực thịnh vượng
chung cho các nước châu Á theo như sự tuyên truyền của Nhật Bản và dĩ nhiên là dưới
sự lãnh đạo của Nhật Bản.

Quan điểm của Nhật Bản về Bắc Triều Tiên là một yếu tố định hướng rất quan
trọng đối với chiến lược ngoại giao của Nhật Bản vào đầu thế kỷ XXI, nhưng nhiều nhà
lãnh đạo bảo thủ Nhật Bản lại xem mối đe dọa Bắc Triều Tiên như là một công cụ hữu
ích để đưa người dân Nhật ra khỏi sự mãn nguyện về nền hòa bình và chuẩn bị cho một
sự cạnh tranh dài hạn với Trung Quốc mà không cần phải khó khăn trong việc lựa chọn
các vấn đề như phòng vệ tên lửa hoặc hợp tác quân sự Mỹ - Nhật, vốn là những vấn đề
dễ dẫn đến việc đối đầu công khai với Bắc Kinh.

Đối với vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản thể hiện rõ quan điểm
như sau: Nhật Bản nhận thức rõ mình là nước láng giềng phía Đông cách bán đảo Triều
Tiên một vùng biển và là đồng minh thân cận, quan trọng của Mỹ ở khu vực Đông Bắc
Á. Nếu tình hình bán đảo Triều Tiên xấu đi thì sẽ tác động tới an ninh, ổn định của Nhật
Bản. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng muốn lợi dụng vấn đề hạt nhân của Triều Tiên để bảo
vệ lợi ích lâu dài của mình, đồng thời Nhật Bản cũng không muốn vấn đề hạt nhân này
được nhanh chóng giải quyết. Nhật Bản ủng hộ cơ chế đàm phán đa phương nhằm đưa
các vấn đề bất đồng giữa Nhật Bản và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên vào bàn
thương lượng.

Tại các vòng đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Nhật
Bản đã bày tỏ quan điểm lo ngại rằng các cuộc thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên có thể
ảnh hưởng trực tiếp đến Nhật Bản và mong muốn thông qua các cuộc đàm phán này để
giải quyết những vụ bắt cóc công dân Nhật Bản được thực hiện bởi các điệp viên người
Triều Tiên trong những năm 1970 - 1980. Ngoài ra, Nhật Bản cũng thể hiện rõ sự bất
mãn và không muốn Mỹ loại bỏ Triều Tiên ra khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng
bố cho đến khi nào vấn đề của Nhật Bản được giải quyết. Hay tại các cuộc đàm phán
nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Nhật Bản - Triều Tiên thì vấn đề hạt nhân trên bán
đảo Triều Tiên luôn được Nhật Bản ưu tiên hàng đầu và mong muốn vấn đề sẽ được giải
quyết trong phạm vi thanh sát và ký vào hiệp định. Đồng thời, Nhật Bản cũng đề nghị
36
nhanh chóng tiến hành việc thanh sát toàn diện của IAEA đối với Triều Tiên hay cho
rằng thông qua việc thanh sát lẫn nhau giữa Hàn Quốc và Triều Tiên mà vấn đề hoài
nghi hạt nhân sẽ được biến mất đi. Dù vậy, có thể thấy lập trường của Nhật Bản về vấn
đề hạt nhân Triều Tiên và về việc triển khai bình thường hoá quan hệ giữa hai nước là
đối lập so với lập trường của Triều Tiên.

Như đã đề cập ở trên, Nhật Bản được ngăn cách với Trung Quốc bởi bán đảo
Triều Tiên, chính vì vậy, Nhật Bản luôn coi bán đảo Triều Tiên là vùng đệm, là lá chắn
phòng thủ giúp bảo vệ Nhật Bản khỏi tầm ngắm xâm lược từ Trung Quốc hay Nga và
Mông Cổ. Từ đó, có thể thấy Nhật Bản rất quan tâm đến vấn đề hạt nhân tại Triều Tiên,
vì muốn đảm bảo cho lợi ích lâu dài của mình hay cụ thể hơn là vì muốn duy trì và đảm
bảo an ninh cho Nhật Bản. Nếu khu vực bán đảo Triều Tiên bị đe dọa hay mất an ninh
thì chính Nhật Bản cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Chính vì vậy, chủ trương của Nhật
là giữ vững lập trường hài hòa với Mỹ, tăng cường gây sức ép với Bắc Triều Tiên, đặc
biệt là thông qua tuyên bố sẵn sàng ngừng viện trợ về kinh tế cho quốc gia này. Nhật
Bản cũng ủng hộ cơ chế đàm phán đa phương để giải quyết các bất đồng giữa Nhật Bản
và Triều Tiên. Mặc dù muốn Hàn Quốc thôn tính Bắc Triều Tiên nhưng do lo ngại về
sự xuất hiện của một quốc gia đối thủ hùng mạnh, Nhật Bản đã lựa chọn chiến lược phi
hạt nhân nhưng vẫn tồn tại hai quốc gia độc lập tại bán đảo Triều Tiên. Bên cạnh đó,
mặc dù cùng phản đối vũ khí hạt nhân nhưng khác với Mỹ, Nhật Bản lựa chọn các sách
lược mềm dẻo và thiên về kinh tế. Như vậy, xuất phát từ lợi ích an ninh của dân tộc, các
biện pháp giải quyết vấn đề hạt nhân tại bán đảo Triều Tiên của Nhật Bản có sự khác
biệt với Hoa Kỳ.

Như vậy, đối với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, Nhật Bản luôn luôn đưa ra lập
trường dựa trên cơ sở ưu tiên tối cao vấn đề an ninh của đất nước mình dù cũng có tuỳ
thuộc vào quan điểm chiến lược của Mỹ, nhưng không hoàn toàn chịu khuất phục trước
áp lực mà Mỹ đưa ra. Nhật Bản không hề đặt sự tin tưởng nào vào Triều Tiên, chính vì
vậy, với việc xem Triều Tiên là nước đối nghịch nên đối với Nhật Bản, vấn đề hạt nhân
trên bán đảo Triều Tiên trở thành nguyên nhân chính tạo nên nguy cơ uy hiếp cho họ.
Trong giai đoạn đầu của vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản thể hiện sự
hợp tác, nhưng vào những giai đoạn sau, Nhật Bản đã dần dần thay đổi quan điểm. Điều
này cũng có thể được hiểu là vì với Mỹ thì vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên
chính là một mắt xích trong chiến lược thế giới. Nhưng riêng đối với Nhật Bản thì đây

37
lại là vấn đề liên quan đến an ninh và quốc phòng của họ. Ngoài ra, với khu vực phi hạt
nhân của Bán đảo Triều Tiên và Ba nguyên tắc phi hạt nhân của Nhật Bản, việc phát
triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã đồng thời làm tăng cường khả năng vũ trang
bằng vũ khí hạt nhân của Nhật Bản. Từ đó dẫn đến vấn đề vũ trang hạt nhân của Nhật
Bản không những vừa là vấn đề quan hệ giữa Nhật - Mỹ mà còn vừa là vấn đề liên quan
đến chiến lược thế giới.

4.3. Những động thái Nhật Bản đã thực hiện đối với Bắc Triều Tiên

Trước sự nhận thức như ở trên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Nhật
Bản đã vạch ra một chiến lược với những biện pháp, bước đi mưu lược nhằm đối diện,
gây sức ép với Triều Tiên để duy trì an ninh cho Nhật Bản.

Cụ thể, kể từ thời điểm phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Shinzo Abe cho
biết Nhật Bản có thể yêu cầu Bắc Triều Tiên bồi thường về vụ bắt cóc khoảng 12 người,
Nhật Bản đã khẳng định sẽ không cung cấp viện trợ kinh tế trừ khi Triều Tiên ngừng
hướng tên lửa về phía Nhật Bản. Abe cũng rút lại tuyên bố trước đó của Nhật Bản rằng
Bắc Triều Tiên đã đồng ý chấp nhận các thanh sát viên quốc tế đến kiểm tra những cơ
sở hạt nhân của họ. Ông đã phát biểu trên truyền hình như sau “Bắc Triều Tiên rõ ràng
đã vi phạm luật trong nước của Nhật Bản”6 do hành vi bắt cóc những người Nhật này
và “chính phủ sẽ cân nhắc những hành động kể cả yêu cầu đòi bồi thường, miễn là phù
hợp với luật pháp quốc tế”7. Giữa lúc xuất hiện những cáo buộc rằng họ đã bắt cóc các
công dân Nhật Bản, Bắc Triều Tiên đã trình một danh sách bao gồm 14 người Nhật Bản
tại quốc hội thượng đỉnh ở Bình Nhưỡng giữa thủ tướng Junichi Koizumi và nhà lãnh
đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-il trong đó 8 người đã chết và 5 người còn sống, họ không
có hồ sơ người còn lại. Bình Nhưỡng thừa nhận vụ bắt cóc đó và đưa ra xin lỗi, cam kết
sẽ không cho phép tái diễn hành động này. Nhưng về phía Nhật Bản thì lại muốn Bắc
Triều Tiên đi xa hơn lời hứa mà họ đưa ra vào ngày 17/9/2002 về việc kéo dài thời hạn
hoãn các vụ phóng tên lửa đến sau năm 2003. Abe đã đưa ra tuyên bố: “Chừng nào họ
còn chĩa vào chúng tôi, chúng tôi không thể nào tính đến việc cấp viện nào”8. Ông cũng

6
Ly Hai. (2013). Luận văn: Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Nhận từ https://tailieu.vn/doc/luan-van-
van-de-hat-nhan-tren-ban-dao-trieu-tien-1368147.html#_=_, truy cập ngày 15/03/2021.
7
Ly Hai. (2013). Luận văn: Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Nhận từ https://tailieu.vn/doc/luan-van-
van-de-hat-nhan-tren-ban-dao-trieu-tien-1368147.html#_=_, truy cập ngày 15/03/2021.
8
Ly Hai. (2013). Luận văn: Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Nhận từ https://tailieu.vn/doc/luan-van-
van-de-hat-nhan-tren-ban-dao-trieu-tien-1368147.html#_=_, truy cập ngày 15/03/2021.

38
cho biết Nhật Bản sẽ tìm cách dỡ bỏ những tên lửa này trong cuộc hội đàm được nối lại
với Bình Nhưỡng vào cuối tháng 10 để bình thưòng hoá mối quan hệ song phương, đồng
thời nếu viện trợ được cấp sẽ tiến hành theo cách thức nhằm tránh tăng khả năng quân
sự của Bắc Triều Tiên. Bên cạnh đó, Nhật Bản đã cung cấp 1,18 triệu tấn gạo cho Bắc
Triều Tiên thông qua các tổ chức quốc tế như chương trình lương thực thế giới. Nhật
Bản cho rằng Bắc Triều Tiên sẽ không chấp nhận việc thanh sát vũ khí hạt nhân nhanh
chóng, nên họ luôn hối thúc vấn đề này mạnh mẽ. Việc bình thường hoá quan hệ song
phương đã bị đình trệ suốt 2 năm và nếu vụ việc người Nhật Bản bị bắt cóc được giải
quyết thì Nhật Bản sẽ nối lại các cuộc hội đàm về việc bình thường hoá. Dư luận cho
rằng việc Koizumi tham dự hội nghị ASEM tại Copenhagen nhằm muốn tranh thủ để
buộc tội Bắc Triều Tiên phải mở cửa sau cuộc hội thượng đỉnh. Cuộc gặp này đã chuẩn
bị cho việc nối lại các cuộc hội đàm bị bế tắc lâu ngày về việc thiết lập mối quan hệ
ngoại giao giữa Tokyo và Bắc Triều Tiên, đã bị phương bại suốt nhiều năm qua do các
vấn đề như bắt cóc, tên lửa, mối thù hận suốt 35 năm đối với chế độ cai trị hà khắc của
Nhật Bản trên bán đảo này đến năm 1945. Vào ngày 23/9/2002, một nguồn tin chính
thức từ Tokyo cho biết các quan chức bộ ngoại giao Nhật Bản và Bắc Triều Tiên đã tiến
hành hội đàm tại thành phố Đại Liên của Trung Quốc nhằm thúc đẩy việc bình thường
hoá quan hệ.

Ngoài ra, phía Nhật Bản cũng đã yêu cầu Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt
nhân và phá dỡ các cơ sở hạt nhân, ký tất cả các nghị định thư bổ sung, chấp nhận thanh
sát các cơ sở hạt nhân bị nghi vấn. Nhật Bản hy vọng các bên hữu quan xoá bỏ mối lo
ngại về vấn đề an ninh như không xâm phạm lãnh thổ, xây dựng khung viện trợ năng
lượng mang tính tổng hợp trong đó bao gồm khôi phục cung cấp 50 vạn tấn dầu nặng
hàng năm của tổ chức phát triển năng lượng bán đảo Triều Tiên.

Chính vì vấn đề Triều Tiên luôn đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong chiến
lược an ninh quốc gia của Nhật Bản, và cũng là yếu tố tác động tới liên minh quân sự
Mỹ - Nhật Bản, cho nên, từ Washington, Nhà Trắng đã đưa ra tuyên bố “cuộc gặp giữa
Tổng thống Mỹ Donald Trump với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhằm tái khẳng

39
định liên minh Mỹ - Nhật là nền tảng của hòa bình, ổn định và thịnh vượng khu vực Ấn
Độ Dương - Thái Bình Dương.”9

Liên tiếp theo đó, sau nhiều vụ Triều Tiên phóng tên lửa bay qua đảo Hokkaido
ở cực bắc Nhật Bản hoặc rơi gần lãnh thổ Nhật Bản, Tokyo đã dự trù khoản ngân sách
quốc phòng cao kỷ lục cho tài khóa 2018, trong đó, phần lớn các khoản tăng thêm sẽ
được sử dụng để giúp Nhật Bản thực hiện việc ngăn chặn chương trình phát triển vũ khí
hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Là một quốc gia láng giềng của Triều Tiên, Nhật Bản luôn coi việc Triều Tiên
phát triển chương trình tên lửa và hạt nhân là mối đe dọa lớn. Đó cũng chính là lý do mà
thời gian qua, Nhật Bản nhiều lần cảnh báo việc Triều Tiên đưa ra đề nghị đối thoại phi
hạt nhân hóa với Mỹ có thể là một cách để kéo dài thời gian, đồng thời hối thúc cộng
đồng quốc tế vẫn phải duy trì áp lực ở mức cao nhất buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình
hạt nhân và tên lửa thông qua các biện pháp triệt để, có thể kiểm chứng và không đảo
ngược. Việc Triều Tiên chủ động đề nghị và thực hiện các cuộc gặp cấp cao như Trung
- Triều, liên Triều và Mỹ -Triều, mà không hề đề cập đến Nhật Bản - quốc gia láng giềng
có lợi ích an ninh gắn liền với Triều Tiên và là một thành viên của tiến trình đàm phán
sáu bên, đã làm Tokyo cảm thấy đang bị gạt ra khỏi tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân
trên bán đảo Triều Tiên.

Đối với Nhật Bản, đây thực sự là một điểm đáng quan ngại vì nó đồng nghĩa với
việc các vấn đề của Nhật Bản liên quan đến Triều Tiên có nguy cơ không được quan
tâm giải quyết, đó là việc Nhật Bản có vị trí địa lý nằm trong tầm bắn của tên lửa tầm
ngắn từ Triều Tiêu và công dân Nhật Bản sẽ bị bắt cóc.

Như vậy, có thể thấy, vì Triều Tiên có một vị trí địa lý rất đặc biệt đối với chiến
lược địa - chính trị của Nhật Bản, hay cụ thể hơn là vì Triều Tiên được Nhật Bản xem
như tuyến phòng thủ vững chãi trước sự lăm le, đe dọa xâm lược của các cường quốc
Nga, Trung Quốc cho nên Nhật Bản rất e ngại rằng vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều
Tiên sẽ tác động đến an ninh của Nhật Bản và có thể làm Nhật Bản mất đi vị thế cường
quốc trong khu vực. Chính vì thế, đối diện với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, Nhật
Bản đã nhiều lần thể hiện sự phản đối, tham gia các cuộc hội đàm 6 bên và mong muốn

9
Nguyễn Tuyến. Liên minh Mỹ - Nhật Bản. Nhận từ http://special.vietnamplus.vn/lien_minh_my_nhatban, truy
cập ngày 19/03/2021.

40
được can thiệp vào vấn đề này. Song, bên cạnh đó, một mặt Nhật Bản cũng muốn lợi
dụng vấn đề hạt nhân của Triều Tiên để tăng sức ảnh hưởng và vị thế của mình trong
khu vực và trên thế giới thông qua việc tham gia hội đàm với các cường quốc khác, đưa
ra các tuyên bố và yêu cầu trực tiếp dành cho Triều Tiên trong vấn đề hạt nhân. Và vì là
một đồng minh thân cận của Mỹ, Nhật Bản cũng muốn lợi dụng vấn đề này để cùng với
Mỹ thực hiện việc bành trướng sức ảnh hưởng trên toàn cầu và kìm hãm sự hung hăng,
liều lĩnh của Triều Tiên. Nếu nhìn thẳng sự việc, ta sẽ thấy Nhật Bản chỉ xem Triều Tiên
và vấn đề hạt nhân của Triều Tiên như những phương tiện để Nhật Bản bảo vệ nền an
ninh, sức mạnh nội lực quốc gia và hướng tới việc gia tăng sức ảnh hưởng, gia tăng vị
thế và quyền lực của mình trong khu vực Đông Bắc Á và trên toàn thế giới.

Hiện nay, với bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường, vấn đề hạt
nhân trên bán đảo Triều Tiên đang được tạm lắng xuống để ưu tiên cho việc đối phó với
dịch bệnh. Tuy vậy, cả Nhật Bản lẫn Triều Tiên đều tiếp tục theo dõi tình hình để đưa
ra các chính sách chiến lược sao cho phù hợp với bối cảnh thế giới. Về phía mình, Nhật
Bản vẫn thể hiện rõ quan điểm kêu gọi Triều Tiên từ bỏ các chương trình hạt nhân và
các cuộc thử nghiệm tên lửa để đảm bảo an ninh, hòa bình cho khu vực Đông Bắc Á nói
riêng và cho thế giới nói chung. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cũng đưa ra tuyên
bố sẵn sàng có buổi gặp mặt lãnh đạo Kim Jong-un của Triều Tiên để giải quyết các vấn
đề tồn đọng của hai nước và nhất là vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi
đó, Nhật Bản cũng sẽ gia hạn thêm hai năm các lệnh trừng phạt của chính họ đối với
Triều Tiên, bao gồm lệnh cấm hoàn toàn đối với thương mại song phương và cấm nhập
cảnh đối với các tàu đã dừng tại cảng của Triều Tiên. Tương lai là chuyện chúng ta
không thể nói trước, tuy nhiên, chúng ta vẫn hy vọng rằng vấn đề hạt nhân trên bán đảo
Triều Tiên sớm sẽ có một hướng giải quyết ổn thỏa vì lợi ích chung của nền hòa bình
thế giới.

41
KẾT LUẬN

Bán đảo Triều Tiên nằm trong khu vực Đông Bắc Á với một vị trí địa lý đặc biệt.
Việc bị kẹp giữa bốn nước lớn là Mỹ, Trung, Nhật, Nga khiến bán đảo Triều Tiên trở
thành nơi tranh chấp ảnh hưởng của các cường quốc. Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều
Tiên có vai trò vô cùng quan trọng trong chiến lược địa - chính trị của Mỹ, đặc biệt là
trong chiến lược ở Châu Á - Thái Bình Dương mà Mỹ đưa ra. Bắc Triều Tiên chính là
điểm dừng chân để Mỹ thực hiện chiến lược toàn cầu, Mỹ muốn biến bán đảo Triều Tiên
thành căn cứ chiến lược để khống chế Trung Quốc và Nga. Còn với Trung Quốc, bán
đảo Triều Tiên là một vị trí quan trọng để giữ vững an ninh của họ, giúp họ tổ chức
phòng thủ từ sớm, kiềm chế Hoa Kỳ, phát triển chính sách phục vụ cho “Giấc mộng
Trung Hoa” và khôi phục lại hình ảnh của “con đường tơ lụa” trong thời kỳ hiện đại.
Đây là nơi để họ toan tính các chiến lược ngoại giao với Hoa Kỳ và Hàn Quốc, là cơ sở
cho việc kiềm chế Hoa Kỳ mà vẫn giữ được quan hệ đồng minh truyền thống của mình
với Bắc Triều Tiên. Hơn thế, bán đảo Triều Tiên còn là khu vực Mỹ - Trung cạnh tranh
về địa - chính trị, là “quân bài” trong ván cờ địa - chính trị toàn cầu của hai quốc gia
này. Bên cạnh đó, Triều Tiên cũng mang một vị trí địa lý rất đặc biệt đối với chiến lược
địa - chính trị của Nhật Bản. Triều Tiên và vấn đề hạt nhân của Triều Tiên là phương
tiện để Nhật Bản bảo vệ nền an ninh, sức mạnh nội lực quốc gia và hướng tới việc gia
tăng sức ảnh hưởng, gia tăng vị thế và quyền lực của mình trong khu vực Đông Bắc Á
và trên toàn thế giới. Bán đảo Triều Tiên còn là vùng đệm, là lá chắn phòng thủ giúp
bảo vệ Nhật Bản khỏi tầm ngắm xâm lược từ Trung Quốc hay Nga và Mông Cổ. Nếu
tình hình Bán đảo Triều Tiên xấu đi thì sẽ tác động tới an ninh, ổn định của Nhật Bản.

Trước tình hình đại dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường như hiện nay, vấn
đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đang được tạm lắng xuống để ưu tiên cho việc đối
phó với dịch bệnh. Đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn các cuộc tập trận vào năm 2020
của Hoa Kỳ và Hàn Quốc. Trung Quốc cũng đang đối phó với dịch bệnh Covid-19 và
dường như đã tạm gác vấn đề hạt nhân qua một bên. Cả Trung Quốc, Nhật Bản và Triều
Tiên đều đang tiếp tục theo dõi tình hình để đưa ra các chính sách chiến lược sao cho
phù hợp với bối cảnh thế giới. Trong tương lai gần, khi đại dịch Covid-19 kết thúc, tình
hình bán đảo Triều Tiên có thể sẽ “sóng gió” trở lại.

Trải qua nhiều năm, vấn đề hạt nhân ở Triều Tiên vẫn chưa được giải quyết triệt
để, trở thành mối đe doạ tiềm tàng đối với an ninh khu vực và thế giới, chi phối đời sống
42
chính trị thế giới, là một yếu tố quan trọng trong chiến lược địa - chính trị của các nước
lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Với vai trò quan trọng đối với cả
Mỹ - Trung hay Nhật Bản, việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên đã trở thành mối
quan tâm hàng đầu của thế giới. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng việc giải quyết
vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cho đến nay cũng đã đạt được những bước tiến
triển quan trọng, góp phần xây dựng cơ chế hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Ngày nay,
với xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển, các quốc gia nên có những giải pháp, chiến
lược hành động cụ thể, phù hợp để vừa đạt được hiệu quả chiến lược địa - chính trị của
mình, vừa đảm bảo hòa bình và an ninh thế giới.

43
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

A. Tiếng Anh

* Sách:

1. Henry Kissinger. (2015). World Order. United States of America: Penguin Press.
* Internet:
2. Bruce W. Bennett, Kang Choi, Myong-Hyun Go, Bruce E. Bechtol, Jr., Jiyoung
Park, Bruce Klingner & Du-Hyeogn Cha. (2021). Countering the Risks of North
Korean Nuclear Weapons. Retrieved July 26, 2021, from
https://www.rand.org/pubs/perspectives/PEA1015-
1.html?fbclid=IwAR07axELKVUrvlc7DBjKsr7C--
2wMSdPulGr_OxnHGnekFTK1bA7u-SklC0.
3. Caitlyn Talmadge. (2019). The US-China nuclear relationship: Why competition
is likely to intensify?. Retrieved March 13, 2021, from
https://www.brookings.edu/research/china-and-nuclear-weapons/.
4. Countering the Risks of North Korean Nuclear Weapons. Retrieved July 26, 2021,
from https://en.asaninst.org/contents/countering-the-risks-of-north-korean-
nuclear-
weapons/?fbclid=IwAR19Sg9jki0LZ9pc6kgydStigDSRtk5C3Ue41L6QvvAc3pq
5eNK2uoKB78g.
5. George Friedman. (2017). 3 maps that explain North Korea's strategy. Retrieved
March 20, 2021, from https://www.businessinsider.com/3-maps-that-explain-
north-koreas-strategy-2017-4.
6. James, F. D., & Ronald, L. An Analysis of the China and North Korean
Relationship. Retrieved March 13, 2021, from https://thegeopolitics.com/an-
analysis-of-the-china-and-north-korean-relationship/.
7. Jayshree Bajoria, Beina Xu. (2013). The Six Party Talks on North Korea’s Nuclear
Program. Retrieved August 27, 2021, from https://www.cfr.org/backgrounder/six-
party-talks-north-koreas-nuclear-program.
8. Josh Smith. (2021). North Korea says Biden policy shows hostile U.S. intent, vows
response. Retrieved July 22, 2021, from https://www.reuters.com/world/asia-
pacific/n-korea-says-biden-policy-shows-us-intent-being-hostile-kcna-2021-05-
01/.
44
9. KYODO. (30/03/2021). Suga still game to meet North Korea's Kim after Biden
rules out summit in near future. Retrieved August 27, 2021, from
https://www.japantimes.co.jp/news/2021/03/30/national/politics-diplomacy/suga-
biden-kim-
meeting/?fbclid=IwAR3fsPSNKjKVLV5znzf0VkuGRal17JQxcsejtqzTG4BS7_
m_ibAs4SK611E.
1 0 . Nandita Bose. (2021). Biden administration sets new North Korea policy of
‘practical’ diplomacy. Retrieved August 23, 2021, from
https://www.reuters.com/world/asia-pacific/biden-administration-has-completed-
north-korea-policy-review-white-house-2021-04-30/.
1 1 . North Korea crisis: How events have unfolded under Trump. Retrieved March 15,
2021, from https://www.nbcnews.com/news/world/north-korea-crisis-how-
events-have-unfolded-under-trump-n753996.
1 2 . Peter Huessy. (2018). China, and North Korea’s Nuclear Ambitions. Retrieved
March 13, 2021, from https://nuclearsecurityworkinggroup.org/asia/china-and-
north-korea-s-nuclear-ambitions/.
1 3 . Riyaz ul Khaliq. (06/04/2021). Japan extends sanctions on North Korea for 2 years.
Retrieved August 27, 2021, from https://www.aa.com.tr/en/asia-pacific/japan-
extends-sanctions-on-north-korea-for-2-
years/2199678?fbclid=IwAR1YDzkVGHmr3v9M6EMpkEV6se-
siOGVdWbLZYf024FRBAIp4GfDWOsJJTo.
1 4 . Scott, A. S. (2021). Top Conflicts to Watch in 2021: A North Korea Crisis.
Retrieved March 15, 2021, from https://www.cfr.org/blog/top-conflicts-watch-
2021-north-korea-crisis.
1 5 . U.S. Department of State. (2018). U.S Relations with North Korea. Retrieved
March 13, 2021, from https://www.state.gov/u-s-relations-with-north-korea/.
1 6 . Vu.K. (2021). Why North Korea wants an arms control deal with the United States.
Retrieved August 23, 2021, from https://www.lowyinstitute.org/the-
interpreter/why-north-korea-wants-arms-control-deal-united-states.

45
B. Tiếng Việt
* Luận văn
1 7 . Phó Thị Huyền Trang. (2007). Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Luận văn
Thạc sĩ ngành Quốc tế học. Chuyên ngành Quan hệ quốc tế. Trường Đại học Khoa
học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. Hà Nội.
* Sách
1 8 . Bộ công an, Viện chiến lược công an. (2020). Asean trong chiến lược nước lớn.
Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia Sự thật.
1 9 . Nguyễn Minh Mẫn & Võ Minh Tập. (2018). Một số vấn đề khu vực Đông Á trong
những năm đầu thế kỉ XXI. TP Hồ Chí Minh: NXB Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí
Minh.
2 0 . Nguyễn Thái Yên Hương. (2017). Quan hệ Mỹ - Trung hợp tác và cạnh tranh luận
giải dưới góc độ cân bằng quyền lực. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia Sự Thật.
2 1 . Nguyễn Văn Dân. (2011). Địa chính trị trong chiến lược và chính sách phát triển
quốc gia. Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội.
2 2 . Trần Anh Phương. (2007). Chính trị khu vực Đông Bắc Á từ sau Chiến tranh lạnh.
Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội.
* Internet
2 3 . Atlantic Group. Địa lý Hàn Quốc. Nhận từ http://atlantic.edu.vn/dia-ly-han-quoc-
369/, truy cập ngày 15/03/2021.
2 4 . Duy Linh. (2017). Trung Quốc đang học Mỹ trở thành ‘cường quốc biển’. Nhận
từ https://tuoitre.vn/trung-quoc-dang-hoc-my-tro-thanh-cuong-quoc-bien-
1351885.htm, truy cập ngày 22/04/2021.
2 5 . Dương Thùy Linh. (2020). Một số đặc điểm nổi bật trong cục diện chính trị - an
ninh Đông Bắc Á hiện nay. Nhận từ http://tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-
gioi-van-de-su-kien/-/2018/815810/mot-so-dac-diem-noi-bat-trong-cuc-dien-
chinh-tri---an-ninh-dong-bac-a-hien-nay.aspx, truy cập ngày 13/03/2021.
2 6 . Đoàn Xuân Kỳ, Nguyễn Văn Tuấn. (2014). Chiến lược, sách lược của Trung Quốc
đối với vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Nhận từ
https://nghiencuulichsu.com/2014/04/01/chien-luoc-sach-luoc-cua-trung-quoc-
doi-voi-van-de-hat-nhan-tren-ban-dao-trieu-tien/, truy cập ngày 26/08/2021.

46
2 7 . Hồng Duy. (2016). Toàn cảnh chương trình hạt nhân bí ẩn của Triều Tiên. Nhận
từ https://zingnews.vn/toan-canh-chuong-trinh-hat-nhan-bi-an-cua-trieu-tien-
post616917.html?fbclid=IwAR0-
XH_pHaF9ogxBgNFaT4WGWZJ5TP3QTt6_4MlPcu3ZYstqkZ7FP4QM_SQ,
truy cập ngày 14/03/2021.
2 8 . Lê Như Mai. (2020). Bán đảo Triều Tiên: Một chu kỳ căng thẳng - hòa dịu mới?.
Nhận từ http://nghiencuuquocte.org/2020/12/22/ban-dao-trieu-tien-mot-chu-ky-
cang-thang-hoa-diu-moi/, truy cập ngày 15/03/2021.
2 9 . Ly Hai. (2013). Luận văn: Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Nhận từ
https://tailieu.vn/doc/luan-van-van-de-hat-nhan-tren-ban-dao-trieu-tien-
1368147.html#_=_, truy cập ngày 15/03/2021.
3 0 . Minh Hải. (2021). Những thách thức trong đàm phán với Triều Tiên. Nhận từ
https://cand.com.vn/Binh-luan-quoc-te/Nhung-thach-thuc-trong-dam-phan-voi-
Trieu-Tien-i607442/, truy cập ngày 26/07/2021.
3 1 . NCQT. (2013). Nhật Bản trong lòng Châu Á. Nhận từ
https://nghiencuuquocte.org/2013/06/21/japan-in-asia/, truy cập ngày 19/03/2021.
3 2 . Nguyễn Minh Vũ. (2020). Tìm hiểu một số lý thuyết về địa - chính trị. Nhận từ
https://tcttv.travinh.gov.vn/1462/39939/69623/621143/nghien-cuu-trao-doi/tim-
hieu-mot-so-ly-thuyet-ve-dia-chinh-tri, truy cập ngày 23/04/2021.
3 3 . Nguyễn Ngọc Hùng. (2012). Triển Vọng Giải Quyết Vấn Đề Hạt Nhân Trên Bán
Đảo Triều Tiên. Nhận từ http://www.inas.gov.vn/363-trien-vong-giai-quyet-van-
de-hat-nhan-tren-ban-dao-trieu-tien.html, truy câp ngày 15/03/2021.
3 4 . Nguyễn Trang. (2018). Điểm lại các dấu mốc về vấn đề hạt nhân trên bán đảo
Triều Tiên. Nhận từ https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/diem-lai-cac-dau-
moc-ve-van-de-hat-nhan-tren-ban-dao-trieu-tien-
326744/?fbclid=IwAR3rZ1gjn_Ifj_0wETfyGxFPuumbrxWwL4cZLlTNFQcdpt_
TPaeKs3_iTi4, truy cập ngày 13/03/2021.
3 5 . Nguyễn Tuyến. Liên minh Mỹ - Nhật Bản. Nhận từ
http://special.vietnamplus.vn/lien_minh_my_nhatban, truy cập ngày 19/03/2021.
3 6 . Nguyễn Văn Tuấn. (2014). Vấn Đề Hạt Nhân Ở Cộng Hoà Dân Chủ Nhân Dân
Triều Tiên - Thực Trạng Và Nguyên Nhân. Nhận từ http://www.inas.gov.vn/620-
van-de-hat-nhan-o-cong-hoa-dan-chu-nhan-dan-trieu-tien-thuc-trang-va-nguyen-

47
nhan.html?fbclid=IwAR1IVwDd0tlPnOryZkWIeqiCkk-
s3RO_9JjnibymYmFvO6HHzzW1hty_sRY, truy cập ngày 15/03/2021.
3 7 . Phạm Hồng Thái. (2013). ỨNG PHÓ CỦA NHẬT BẢN XUNG QUANH VẤN ĐỀ
HẠT NHÂN CỦA CHDCND TRIỀU TIÊN (Tiếp theo kỳ trước). Nhận từ
http://www.inas.gov.vn/451-ung-pho-cua-nhat-ban-xung-quanh-van-de-hat-
nhan-cua-chdcnd-trieu-tien-tiep-theo-ky-
truoc.html?fbclid=IwAR0MOwCFmnPXzh4Qnc5T7ExZKgyWDTUuowy76NT
FG4BlYHwd3qeoq7hVcM8, truy cập ngày 27/08/2021.
3 8 . Phạm Mạnh Hùng. (2019). Vòng “luẩn quẩn” của câu chuyện hạt nhân Mỹ - Triều
Tiên”. Nhận từ https://bnews.vn/vong-luan-quan-cua-cau-chuyen-hat-nhan-my-
trieu-tien/143231.html, truy cập ngày 13/03/2021.
3 9 . Phương Anh. (2021). Triều Tiên tuyên bố đáp trả chính sách ‘thù địch’ của Mỹ.
Nhận từ https://vtc.vn/trieu-tien-dap-tra-chinh-sach-thu-dich-cua-tong-thong-my-
ar609782.html, truy cập ngày 28/08/2021.
4 0 . Thanh Hảo. (2021). Triều Tiên ra điều kiện đàm phán hạt nhân với Mỹ. Nhận từ
https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/trieu-tien-ra-dieu-kien-dam-phan-hat-nhan-voi-
my-762507.html, truy cập ngày 29/08/2021.
4 1 . Thành Nguyễn. (2019). Giằng co Mỹ - Trung trên bàn cờ thế Triều Tiên. Nhận từ
https://vnexpress.net/giang-co-my-trung-tren-ban-co-the-trieu-tien-3903456.html,
truy cập ngày 13/03/2021.
4 2 . Thùy Dương. (2019). Trung Quốc - Triều Tiên: Mối quan hệ nhiều thăng trầm bên
dòng sông Áp Lục. Nhận từ https://baotintuc.vn/ho-so/trung-quoctrieu-tien-moi-
quan-he-nhieu-thang-tram-ben-dong-song-ap-luc-20190619105110489.htm, truy
cập ngày 13/03/2021.
4 3 . Trần Khánh. (2015). Khái niệm địa - chiến lược. Nhận từ
https://tailieu.vn/docview/tailieu/2016/20160202/allbymyself_07/22615_75527_
1_pb_4878.pdf, truy cập ngày 23/04/2021.
4 4 . Trần Quang (dịch). (2018). Lựa chọn nào cho Trump trong vấn đề Triều Tiên?.
Nhận từ http://nghiencuuquocte.org/2018/06/10/lua-chon-nao-cho-trump-trong-
van-de-trieu-tien/, truy cập ngày 15/03/2021.

48
4 5 . Văn Chương. (2020). Về một Nhật Bản và tham vọng hạt nhân. Nhận từ
https://soha.vn/ve-mot-nhat-ban-va-tham-vong-hat-nhan-
20201124140324425.htm. Truy cập ngày 27/08/2021.
4 6 . Vietnamplus. (2021). Vấn đề hạt nhân Triều Tiên vẫn là ưu tiên hàng đầu của Mỹ.
Nhận từ https://www.vietnamplus.vn/van-de-hat-nhan-trieu-tien-van-la-uu-tien-
hang-dau-cua-my/694890.vnp, truy cập ngày 15/03/2021.

49
PHỤ LỤC

Hình 1: Tên lửa Scud-B trong một cuộc duyệt Hình 2: Hình ảnh về nhà máy hạt nhân
binh của Triều Tiên. Yongbyon của Triều Tiên năm 2008 trước khi
(Nguồn: https://vnexpress.net/trieu-tien-cai-tien-ten-lua-tu- phá dỡ tháp giải nhiệt.
thoi-lien-xo-3642808.html) (Nguồn:https://www.theguardian.com/world/2018/jun/27/n
orth-korea-nuclear-reactor-upgrades-summit-pledges).

Hình 3: Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un Hình 4: Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh
(thứ hai từ phải sang) đang kiểm tra việc chuẩn đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hội nghị
bị phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong- Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ nhất ở
14 (ICBM) ở phía Tây Bắc Triều Tiên vào Singapore (12/06/2018).
tháng 7/2017. (Nguồn: https://vtv.vn/the-gioi/nhin-lai-hoi-nghi-thuong-
(Nguồn: https://baoquocte.vn/trieu-tien-giai-thich-ro-quan- dinh-my-trieu-lan-thu-nhat-cuoc-gap-lich-su-khoi-dau-uoc-
diem-phi-hat-nhan-hoa-ban-dao-trieu-tien-83974.html). vong-hoa-binh-2019021916091495.htm).

Hình 5: Tổng thống Mỹ Donald Trump và Hình 6: Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà
nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hội lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc
nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ gặp tại Khu phi quân sự liên Triều (DMZ) ngày
hai ở Hà Nội (27 - 28/2/2019). 30/6/2019.
(Nguồn: http://baochinhphu.vn/Quoc-te/Hoc-gia-quoc-te- (Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/cuoc-gap-mytrieu-tai-
ky-vong-vao-Hoi-nghi-Thuong-dinh- dmz-kcna-ca-ngoi-cuoc-gap-lich-su/579724.vnp).
MyTrieu/360216.vgp).

50

You might also like