You are on page 1of 19

Tư liệu liên hệ, mở rộng "Đất Nước" - Nguyễn Khoa Điềm

Khi nói đến niềm tự hào mãnh liệt về sự trường tồn của đất nước qua mấy ngàn năm lịch sử
trong câu thơ “Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi”

Ta có thấy Nguyễn Trãi cũng từng khẳng định điều ấy trong “Bình Ngô đại cáo”:

“Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”

1. Khi phân tích câu thơ “Đất Nước có trong những cái ngày xưa mẹ thường hay kể”. Để
thấy được vai trò của những câu truyện cổ tích trong đời sống tinh thần của nhân dân ta,
chúng ta có thể liên hệ đến:

“Tôi yêu truyện cổ nước tôi

Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa

Thương người rồi mới thương ta

Yêu nhau dù mấy cách xa cũng tìm”

(“Truyện cổ nước mình” – Lâm Thị Mỹ Dạ)

2. Từ hình ảnh “Tóc mẹ thì bới sau đầu” ta có thể liên hệ đến ca dao:

“Tóc ngang lưng vừa chừng em bới

Để chi dài bối rối lòng anh”

3. Khi phân tích nghĩa tình của cha mẹ trong câu thơ “Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay
muối mặn” gợi ta nhớ đến lời ca dao quen thuộc, thấm đậm tình nghĩa thủy chung:

"Tay bưng chén muối đĩa gừng

Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau"

4. Nói đến nỗi nhớ trong câu thơ “Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ
thầm”

Ta có thể liên hệ đến nỗi nhớ trong “Sóng” – Xuân Quỳnh:

“Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức”


Hay nỗi nhớ mãnh liệt trong “Tương tư chiều” – Xuân Diệu:

“Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh

Anh nhớ em, anh nhớ lắm! Em ơi!”

5. Từ hình ảnh thơ "Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm", còn làm ta
nhớ đến những vần ca dao lay động lòng người, bồi hồi xao xuyến trước tình cảm chân
thành của những trái tim đương thời say đắm:

“Khăn thương nhớ ai

Khăn rơi xuống đất

Khăn thương nhớ ai

Khăn vắt lên ai”

6. Khi phân tích: “Thời gian đằng đẵng/ Không gian mênh mông/ Đất Nước là nơi dân mình
đoàn tụ”. Ta thấy: câu thơ ngầm ngợi ca dân mình đã gắn bó, đoàn kết dựng nước và giữ
nước, bảo vệ từng tấc đất quê hương qua bốn nghìn năm lịch sử.

Ý thơ làm ta nhớ đến những lời cuối trong bản “Tuyên ngôn độc lập” của Chủ tịch Hồ
Chí Minh: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính
mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

7. Khi phân tích câu thơ “Trong anh và em hôm nay/ Đều có một phần Đất Nước”, với tư
tưởng trong ta luôn có một phần Đất Nước, ta có thể liên hệ đến tác phẩm “Quê hương”
của Giang Nam:

“Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất

Có một phần máu thịt của em tôi”

8. Hình ảnh so sánh “Đất Nước là máu xương của mình” gợi ta liên tưởng đến câu thơ:

“Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt,

Như mẹ cha ta, như vợ như chồng

(“Sao chiến thắng” – Chế Lan Viên)

9. Khi nói đến trách nhiệm của cá nhân đối với Đất Nước “Em ơi em đất nước là máu
xương của mình/ Phải biết gắn bó và san sẻ / Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở /
Làm nên Đất Nước muôn đời…”
Chúng ta có thể liên hệ đến những câu hát như:

“Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà phải hỏi rằng ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm
nay”

(Khát vọng tuổi trẻ)

Hay liên hệ đến những khát vọng cống hiến trong bài “Tự nguyện”:

“Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng

Nếu là hoa tôi sẽ là một đoá hướng dương

Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm

Nếu là người, tôi sẽ chết cho quê hương”.

10. Khi nói đến ý thức giữ gìn và truyền lại những giá trị văn hóa, tinh thần của thế hệ trước
cho thế hệ sau trong đoạn thơ: “Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng …. Có nội thù thì
vùng lên đánh bại” ta có thể liên hệ đến “Báng súng” của Hoàng Trung Thông:

“Ta lại viết bài thơ trên báng súng

Con lớn lên đang viết tiếp thay cha

Người đứng dậy viết tiếp người ngã xuống

Ngày hôm nay viết tiếp ngày hôm qua”.

11. Từ ý thơ “Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội” ta có thể liên tưởng đến câu ca
dao:

“Cầm vàng mà lội qua sông

Vàng rơi không tiếc tiếc công cầm vàng”

12. Nói về tinh thần yêu nước, bất khuất của người Việt Nam trong quá trình đấu tranh chống
giặc ngoại xâm:

“Biết trồng tre đợi ngày thành gậy

Đi trả thù mà không sợ lâu dài”

Ta có thể liên hệ đến những câu ca dao ngợi ca tinh thần quật khởi của dân tộc:

“Thù này ắt hẳn còn lâu


Trồng tre nên gậy, gặp đâu đánh què”

II. Liên hệ mở rộng “Tây Tiến”

1. Khi phân tích câu thơ mở đầu “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi”, ta có thể trích dẫn nhận
định: "Câu thơ như một tuyệt bút về thiên nhiên sông Mã. Tôi chưa đọc câu thơ nào viết
về sông Mã hay hơn thế. Âm vang của câu thơ là khí kết của con sông chiến trận , quả
cảm và dũng mãnh trong độc khúc binh lửa của mình mà tạo nên chất hiệp sĩ của tứ thơ"

(Nhà thơ Phan Quế)

2. Khi phân tích “nỗi nhớ chơi vơi”, chúng ta có thể liên hệ đến nỗi nhớ “bổi hổi bồi hồi”,
nỗi nhớ “ngẩn ngơ” trong ca dao:

"Nhớ ai bổi hổi bồi hồi

Như đứng đống lửa như ngồi đống than"

"Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ

Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai"

Hay nỗi nhớ "dây dưa" trong thơ của Tế Hanh:

"Hoa cúc vàng trong nỗi nhớ dây dưa"

3. Khi phân tích câu thơ “Heo hút cồn mây súng ngửi trời” ta thấy được tư thế ngạo nghễ
hiên ngang của người lính giữa lồng lộng đất trời. Tư thế ấy gợi chúng ta liên tưởng đến
hình ảnh anh vệ quốc quân trong thơ Tố Hữu:

“Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều

Bòng dài trên đỉnh núi cheo leo

Núi không đè nổi vai vươn tới

Lá nguỵ trang reo với gió đèo”

4. Phân tích sự hiểm trở, dữ dội của thiên nhiên qua hình ảnh “Ngàn thước lên cao, ngàn
thước xuống”, chúng ta có thể liên hệ đến hình ảnh thác nước chảy đứng trong thơ Lí
Bạch:

“Phi thiên trực há tam thiên xích”

(Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước)


5. Phân tích sự hoang sơ, bí hiểm của chốn “sơn cùng thuỷ tận” trong câu thơ “Chiều chiều
oai linh thác gầm thét/ Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người” ta có thể liên hệ đến câu
thơ:

“Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng

Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt”

(“Nhớ rừng” – Thế Lữ)

6. Nói về sự ra đi thanh thản của những chàng trai Tây Tiến, có thể liên hệ đến câu thơ sau:

“Vui vẻ chết như như cày xong thửa ruộng

Lòng khỏe nhẹ anh dân công vui sướng

Nằm trên liếp cỏ ngủ ngon lành"

(Tố Hữu)

Hay:

“Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình

Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc

Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi

Thì còn chi Tổ quốc”

(“Khúc bảy” - Thanh Thảo)

7. Để nói về khí thế hào hùng trong bức tranh đầy bi tráng về người lính Tây Tiến, có thể
liên hệ đến những câu thơ trong bài “Dáng đứng Việt Nam” – Lê Anh Xuân:

“Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất

Nhưng anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng

Và anh chết trong khi đang đứng bắn

Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng

Dáng đứng Việt Nam”


8. Khi phân tích câu thơ: “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”,
gợi cho ta liên tưởng đến những vần của Chế Lan Viên trong bài thơ “Tiếng hát con tàu”:

“Anh nắm tay em cuối mùa chiến dịch

Vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng

Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch

Bữa xôi đầu còn toả mùi hương”

9. “Nếu như Chính Hữu viết về những chàng vệ quốc bằng bút pháp hiện thực thì Quang
Dũng đã tái hiện vẻ đẹp của người lính bằng đôi cánh lãng mạn đem đến men say cho thi
tứ, sự bay bổng của hình tượng. Nếu thiếu đi cái chất lãng mạn “Tây Tiến” cơ hồ sẽ mất
đi vẻ đẹp toàn bích của nó” – Nguyễn Đăng Điệp

Nhận định này có thể dùng để so sánh sự khác nhau giữa thi phẩm “Đồng chí” của Chính
Hữu và “Tây Tiến” của Quang Dũng.

10. Để thấy được sự tinh tế, hào hoa của Quang Dũng khi cảm nhận được linh hồn của lau cỏ
ta cần có sự liên hệ đến những câu thơ của Chế Lan Viên:

“Ngàn lau cười trong nắng

Hồn của mùa thu về

Hồn mùa thu sắp đi

Ngàn lau xao xác trắng”

11. Khi nói về căn bệnh hiểm nghèo – sốt rét rừng ta có thể liên hệ đến hình ảnh của anh vệ
quốc quân trong bài “Cá nước” của Tố Hữu:

“Giọt giọt mồ hôi rơi

Trên má anh vàng nghệ”

Hay:

“Khuôn mặt đã lên màu tật bệnh

Đâu còn tươi nữa những ngày hoa!”

(“Lên cấm sơn” – Thôi Hữu)

“Cái phút người anh như lửa nóng


Núi cũng ngồi, cũng đứng khác chi anh

Những câu thơ lẫn vào cơn sốt

Con chữ cháy đen xiêu vẹo dáng hình”

(“Nhật kí sau cơn sốt” – Nguyễn Đức Mậu)

12. Hình ảnh “Quân xanh màu lá dữ oai hùm” gợi lên vẻ dữ tợn, oai phong của những người
lính Tây Tiến tựa như những “chúa sơn lâm”. Cách so sánh này làm ta liên tưởng đến:

“Hoành sóc giang sơn kháp kỷ thu

Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu”

(“Thuật hoài” – Phạm Ngũ Lão)

13. Khi phân tích nỗi nhớ của người lính Tây Tiến, ta có thể liên hệ, so sánh với nỗi nhớ của
người lính trong “Nhớ” của Hồng Nguyên:

“Ba năm rồi gửi lại quê hương

Mái lều tranh

Tiếng mõ đêm trường

Luống cày đất đỏ

Ít nhiều người vợ trẻ

Mòn chân bên cối gạo canh khuya”

Hay nỗi nhớ của người lính trong “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi:

“Những đêm dài hành quân nung nấu

Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”

14. “Người Đức họ không cấm thanh niên họ đọc Werther mà họ vẫn cường, người Anh họ
không cấm thanh niên họ đọc Romeo et Juliette mà họ vẫn mạnh. Tôi dám chắc chỉ có
những nhà nhân đạo mới tự cấm lấy mình thôi. Nếu cấm hết đi như vậy thì còn biết chi là
cái hay cái đẹp ở đời”

(Nhà thơ Lưu Trọng Lư)

Sử dụng nhận định này của Lưu Trọng Lư khi nói về quá trình tiếp nhận “Tây Tiến”
15. Nói về vẻ đẹp tâm hồn cũng như sự hi sinh của người lính, chúng ta có thể thấy điểm
tương đồng trong dòng chảy thi ca nhân loại:

+ “Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi” – xưa nay đi chiến trận, mấy ai trở về.

+ Nhà văn Bảo Ninh trong tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” từng viết “Chân trời chết
chóc mở ra mênh mông, vô tận, những nấm mồ bộ đội mọc lên nhấp nhô tựa sóng cồn”.

"Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm ra đất nước”

(Trích chương V – Mặt đường khát vọng – Nguyễn Khoa Điềm)

“Anh đứng - đất là đất

Anh nằm - đất là lăng

Dải Ngân Hà vằng vặc

Muôn đời soi quanh anh”

(Sergei Orlov)

“Làm sao đây bù đắp nỗi đau này,

Khi chính tôi cũng là người lính,

Ngày mai trên con đường chiến trận

Có thể rồi cũng ngã xuống như anh”.

(Konstantin Simonov)

16. Lời thề hẹn ước của những người lính Tây Tiến đã bắt cầu liên tưởng đưa chúng ta nhớ
về hình ảnh li khách trong “Tống biệt hành” của Thanh Tâm:

“Li khách! Li khách! Con đường nhỏ

Chí nhớn chưa về bàn tay không

Thì không bao giờ nói trở lại!”


Hay liên tưởng đến tư thế ra đi của người lính trong bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình
Thi:

“Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”

17.1. Nhà thơ Quang Dũng độc đáo một cách hồn nhiên, ông cứ sống tự nhiên như chim trên
trời, cá dưới nước mà thành độc đáo. Bài thơ “Tây Tiến” hội tụ được cả cái bi, cái tráng của thời
đại. Cái buồn lãng mạn của người tiểu tư sản, tiểu trí thức do biết mình được đón nhận một chân
lý lớn nhưng cũng đồng thời đón nhận một gian nan lớn.

(Nhà thơ Vân Long)

17.2. Một Tây Tiến không chỉ níu kéo bước chân người lính trong nỗi niềm nhớ... Tất cả đều gợi
ấn tượng của sự “lạ hóa”, của những vẻ đẹp kì ảo khó gọi tên...

(Đinh Minh Hằng)

17.3. Tây Tiến là bài thơ nổi tiếng nhất của Quang Dũng. Nó như cánh cửa dẫn dắt anh bước vào
làng thơ cách mạng. Như có mối duyên ràng buộc, bài thơ gắn bó với người làm ra nó đến mức
cứ nói đến Quang Dũng là người ta nhắc ngay đến Tây Tiến và ngược lại.

(Trần Lê Văn)

17.4. Tây Tiến là một bài thơ có giá trị về tư tưởng, về nghệ thuật. Bài thơ được viết ra với
những màu sắc thẩm mĩ phong phú.

(Hà Đức Minh)

17.5. Tây Tiến biên cương mờ khói lửa


Quân đi lớp lớp động cây rừng
Và bài thơ ấy con người ấy
Sống mãi muôn đời với núi sông

(Giang Nam)

17.6. Tây Tiến là đoá hoa thơ vào loại đẹp nhất của thơ ca những năm tháng kháng chiến chống
thực dân Pháp/ Tây Tiến là thứ quả lạ trái mùa, một “lệch chuẩn” tài hoa.

(Đỗ Kim Hồi)

17.7. Đọc Tây Tiến như ngậm âm nhạc trong miệng.

(Xuân Diệu)
17.8. Tôi làm bài thơ này rất nhanh, làm xong đọc trước đại biểu được hội, được mọi người hoan
nghênh nhiệt liệt. Hồi đó tấm lòng và cảm xúc của mình ra sao thì viết vây, tôi chả chút lí luận gì
về thơ cả.

(Quang Dũng)

III. Liên hệ mở rộng “Sóng”

1. Những bài thơ “mượn” sóng để nói về tình yêu:

Ta từng bắt gặp hình tượng sóng trong những câu ca dao xưa:

“Tình anh như sóng dâng cao

Tình em như dải lụa đào tẩm hương”

Đến những câu thơ tài hoa bậc nhất của Nguyễn Du:

“Sóng tình dường đã xiêu xiêu

Xem trong âu yếm có chiều lả lơi”

Và sau này là những con sóng mê đắm, cuồng say tràn vào thơ của Xuân Diệu:

“Anh xin làm sóng biếc

Hôn mãi cát vàng em

Hôn thật khẽ thật êm

Hôn êm đềm mãi mãi”

Một nhà thơ nước ngoài khác cũng viết về sóng:

“Ngây thơ em hỏi anh

Sao mặt hồ gợn sóng

Anh mỉm cười hờ hững

Vì gió cứ hôn bờ

Em nũng nịu ứ ừ

Khác cơ không phải thế


Sao chúng mình vẫn thế

Mà chẳng thấy sóng đâu

Anh ấp nhẹ mái đầu

Hôn môi em nồng cháy

Em ơi! Em có thấy

Sóng cuộn ở trong tim”

2. Nói đến trạng thái mâu thuẫn, đối cực, thất thường của người con gái khi yêu trong hai
câu thơ “Dữ dội và dịu êm/ Ồn ào và lặng lẽ”, ta có thể liên hệ đến những vần thơ sau:

“Em bảo anh: đi đi

Sao anh không đứng lại

Em bảo anh đừng đợi

Sao anh lại vội về

Lời nói thoảng gió bay

Đôi mắt huyền đẫm lệ

Sao mà anh ngốc thế !

Không nhìn vào mắt em”

(“Em bảo anh đi đi” – Kaputikian)

3. Khi phân tích sự chủ động, mạnh dạn, táo bạo của người con gái khi yêu: “Em cũng
không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau”, ta có thể liên tưởng đến hình ảnh cô gái táo bạo
“sang nhà hàng xóm” thể hiện tình yêu của mình:

“Cô gái như chùm hoa lặng lẽ

Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu”

(“Hương thầm” - Phan Thị Thanh Nhàn)

4. Nói đến sự bí ẩn, kì diệu của tình yêu ta có thể dẫn câu nói của Pascal: “Trái tim có
những quy luật riêng mà lí trí không thể hiểu nổi”
5. Khi phân tích nỗi nhớ trong tình yêu ở khổ 5, chúng ta có thể liên hệ, mở rộng đến những
vần thơ sau:

“Trời còn có bữa sao quên mọc

Tôi chẳng đêm nào chẳng nhớ em”

(“Đêm sao sáng” - Nguyễn Bính)

6. Hay có những nỗi nhớ rất khó lí giải trong áng thơ tình của Puskin:

“Lạ quá ! Không hiểu vì sao

Ðứng trước em anh lạnh lùng đến thế?

Nhưng anh đi rồi mình anh với bóng lẻ

Mới thấy mình khẽ nói : Nhớ làm sao!”

Hoặc nỗi nhớ nỗi nhớ nhung da diết của cõi lòng yêu:

“Ước gì anh hoá thành chim

Bay theo em, hót cho tim đỡ buồn!”

(“Mưa rơi” - Tố Hữu)

7. Nói đến sự chủ động tìm đến tình yêu và chủ động bày tỏ tình cảm chân thành trong câu
thơ: “Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức”. Ta có thể liên hệ đến những vần thơ
sau:

“Đêm nằm lưng chẳng đến giường

Trông trời mau sáng ra đường gặp anh”

(Ca dao)

Hay ta cũng bắt gặp hình ảnh người con gái chủ động, táo bạo trong tình yêu trên những
vần thơ của Heinrich Heine:

“Em yêu tôi tôi biết

Tôi phát hiện lâu rồi

Nhưng khi em thổ lộ


Tôi giật thót cả người”

8. Nói đến không gian đối cực bắc - nam trong câu: “Dẫu xuôi về phương bắc/ Dẫu ngược
về phương nam”, ta có thể liên hệ đến:

“Vừa thoáng tiếng còi tàu

Lòng đã nam đã bắc”

(“Sân ga chiều em đi” - Xuân Quỳnh)

9. Khi phân tích bản lĩnh kiên cường của người con gái ở khổ 6, gợi chúng ta liên tưởng đến
câu ca dao:

“Yêu nhau mấy núi cũng trèo

Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua”

10. Lòng thủy chung, son sắt của người con gái trong khổ 6, ta cũng từng bắt gặp vẻ đẹp đó
trong thi phẩm “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương:

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son”

11. Khi phân tích những dự cảm lo âu trong lòng người phụ nữ đang yêu ở khổ 8, ta có thể
liên hệ:

“Ngọn sào thưa cánh chuồn ai ngái ngủ

Những cánh chuồn mỏng manh như tình yêu”

(“Chuồn chuồn báo bão” - Xuân Quỳnh)

Hay nhà thơ Vân Long từng viết về Xuân Quỳnh:

“Thiếu tuổi thơ, Quỳnh viết cho trẻ thơ

Khát hạnh phúc, đi tìm hạnh phúc

Tìm thấy chưa mà Quỳnh lo đánh mất


Cái chết này có hết mọi âu lo”.

12. Nói đến thái độ hy sinh, dâng hiến trọn vẹn cho tình yêu, sống hết mình tận độ với tình
yêu, ta có thể thấy điều này trong bài thơ “Tự hát” của chính nhà thơ:

“Em trở về đúng nghĩa trái tim em

Là máu thịt đời thường ai chẳng có

Vẫn ngừng đập khi cuộc đời không còn nữa

Những biết yêu anh cả khi chết đi rồi”

Hay

“Nếu đời anh chỉ là viên ngọc,

anh sẽ đập nó ra làm trăm mảnh

và xâu thành một chuỗi

quàng vào cổ em.

Nếu đời anh chỉ là một đóa hoa

tròn trịa, dịu dàng và bé bỏng,

anh sẽ hái nó ra đặt lên mái tóc em.”

(“Bài thơ số 28” - R.Tagore)

13. Ngoài ra, khi phân tích thi phẩm “Sóng” chúng ta có thể liên hệ, mở rộng đến vần thơ
sau:

“Mặt trời tim ta đó

Rừng rực ánh lửa hồng

Trái tim đang lặn xuống

Một biển tình mênh mông

(Heinrich Heine)

Đề bài: Chế Lan Viên từng viết:


“Rồi tác phẩm rời anh như con thuyền rời bến

Sống cuộc đời riêng, anh không dự kiến

Nó trôi đến các thời gian xa, những năm tháng mơ hồ

Với ngọn gió anh thổi vào buồm trang giấy lúc xa bờ”

(Trích “Con thuyền”)

Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng trải nghiệm văn học của mình hãy làm sáng tỏ.

BÀI LÀM

Ai đó đã nói rằng: giá trị của một tác phẩm văn học không nằm ở những lời phê bình, ca tụng
hoa mĩ của các nhà thẩm bình văn học mà nằm ở những rung cảm tác phẩm mang đến cho người
đọc, khiến người ta có thể khóc, cười, có thể khổ đau, sung sướng,…Tác phẩm văn học không
đơn thuần là những con chữ nằm im trên trang giấy mà nó là những con chữ “biết nói”, là một
sinh thể “sống”, một chỉnh thể toàn vẹn có khả năng vượt lên tầm kiểm soát, suy nghĩ của nhà
văn – cha đẻ của tác phẩm. Bàn về điều này, nhà thơ Chế Lan Viên nói rằng:

“Rồi tác phẩm rời anh như con thuyền rời bến
Sống cuộc đời riêng, anh không dự kiến
Nó trôi đến các thời gian xa, những năm tháng mơ hồ
Với ngọn gió anh thổi vào buồm trang giấy lúc xa bờ”
(Trích “Con thuyền”)

Mượn cách nói đầy hình ảnh, Chế Lan Viên đã gửi đến cho ta một thông điệp về mối quan hệ
giữa tác phẩm – nhà văn. Ta biết rằng tác phẩm văn học là “con đẻ” của nghệ sĩ. Để một tác
phẩm được “chào đời”, trước đó nhà văn đã trải qua một hành trình dài “thai nghén”: lựa chọn đề
tài, khơi nguồn cảm hứng, xử lí hình ảnh, giọng điệu… Do vậy, có thể nói rằng: tác phẩm văn
học là sản phẩm chủ quan của nghệ sĩ. Nhà văn tạo ra đứa con tinh thần để gửi gắm vào trong đó
những triết lí, tình cảm, tư tưởng, thông điệp của mình. Tuy nhiên, công bằng mà nói, tác phẩm
văn học cũng như một sinh thể sống. Nó được sinh ra và cần được lớn lên, được trưởng thành.
Sự trưởng thành, lớn lên của tác phẩm bắt đầu vào thời khắc “tác phẩm rời anh như con tàu rời
bến” Thuyền có ra khơi người ta mới biết được giá trị và sức mạnh của thuyền. Tác phẩm văn
học cũng không ngoại lệ. Giây phút tác phẩm rời xa nhà văn, đến với công chúng, đến với cuộc
đời mới thực là lúc cuộc sống của nó bắt đầu. Mỗi một sáng tác là một số phận, một hành trình
khác nhau. Nó có đời sống riêng mà ngay đến nhà văn cũng không thể nào lường trước hay đoán
định. Số mệnh của tác phẩm lúc này không còn nằm ở ý kiến chủ quan của nghệ sĩ mà nằm ở sự
đánh giá, quyết định của bạn đọc. Đây là một quá trình mang tên “tiếp nhận văn học”

Một thời gian dài, lí luận văn học chỉ chú ý đến nhà văn – tác phẩm, nhưng khi thời gian đưa
đẩy đến thời hiện đại và thời hậu hiện đại, người ta đã có một cái nhìn mới, và cho rằng: người
đọc mới chính là yếu tố quan trọng, có liên quan đến số mệnh của văn học. Bởi thực tế, nhà văn
cũng chỉ là bao con người bình thường, cũng nằm trong vòng xoay của sinh – lão – bệnh – tử.
Nhà văn không bao giờ có thể đồng hành cùng những “đứa con tinh thần” của mình hết lớp thời
gian này đến lớp thời gian khác. Tuy nhiên, người đọc thì không bao giờ có thể thiếu, có thể hết
ở mọi thời đại. Do vậy, vấn đề tiếp nhận văn học của bạn đọc là một trong những vấn đề quan
trọng. Người đọc sẽ chỉ lưu giữ và đón nhận những tác phẩm văn học có giá trị thực sự. Điều này
lại phụ thuộc ở sức mạnh và giá trị nội tại của chính tác phẩm.

Dường như, tác phẩm văn học có một đôi chân vô hình và kì diệu, có khả năng đi xuyên qua
mọi thời đại, mọi cuộc sống, môi trường: “Nó trôi đến các thời gian xa, những năm tháng mơ
hồ”. Văn học bao đời luôn có một sức sống âm thầm mà mãnh liệt. Đúng như Sêđrin nói rằng:
“Nghệ thuật nằm ngoài quy luật của sự băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết”. Vậy
sức sống của văn học là nằm ở đâu? Phải chăng nó nằm ở đôi cánh của tình yêu thương, nằm ở
ngọn gió của tư tưởng cao đẹp, nằm ở đôi mắt của sự thấu hiểu… mà nhà văn đã thổi vào trong
mỗi sáng tác. Ta biết: “Văn học là nhân học”, “ý nghĩa đích thực của một tác phẩm văn chương
là góp phần nhân đạo hoá con người”, hướng con người tới cái Chân – Thiện – Mĩ, cái cao cả, tốt
đẹp. Nhân loại chỉ cứu vớt những tác phẩm cứu vớt nhân loại. Văn học viết ra là để con người, vì
con người. Nhà văn là “người cho máu”, là người nguyện đem tất cả tình yêu thương con người
cũng như thế giới tâm hồn mình vào trong tác phẩm. Tác phẩm văn học mà chỉ khơi những tình
cảm rất nhẹ, rất nông sẻ chẳng thể nào để lại ấn tượng sâu đậm đến người đọc. Trái lại, những
tác phẩm ca tụng tình thương, lòng bác ái, sự công bình”, “là người gần người hơn” sẽ có một
sức sống bất diệt. Văn học phải bồi đắp cho con người những tình cảm ta chưa có, luyện cho ta
những tình cảm ta sẵn có để “cuộc đời phù phiếm và chật hẹp của mỗi cá nhân bỗng dài riêng ra
đến trăm nghìn lần”

Như vậy, có thể khẳng định rằng: một tác phẩm văn học không kết thúc vào lúc nhà văn hoàn
tất nét bút cuối cùng. Mà sức sống của tác phẩm nghệ thuật chỉ có thể khơi dậy khi nó đến tay
người đọc, đối mặt với dư luận thậm chí với cả những khó khăn, thử thách. Nhưng đúng như dân
gian có câu: “đường dài mới biết ngựa hay”, có bước đi, có đối diện với khó khăn, có trôi đến
“các thời gian xa, những năm tháng mơ hồ” mới biết được chính xác đâu là văn chương chân
chính. Vượt lên cả sức tưởng tượng của nhà văn, tác phẩm văn học tự có một cuộc sống riêng
của nó. Nhưng xét đến cùng, để có được sức sống bền lâu, để có những bước đi vững chãi đến
với trái tim người đọc thì bản thân tác phẩm phải chứa đựng trong mình những giá trị nội dung,
tư tưởng, giá trị nghệ thuật độc đáo, đặc sắc, in đậm hình bóng, dấu ấn của nhà văn. Tác phẩm
như thế chắc chắn rằng dù phải đối diện với khó khăn, những bình luận trái chiều… thì rồi cuối
cùng vẫn trở về với cái đích mang tên giá trị đích thực.

Những vần thơ mang đậm triết lý, lí luận của Chế Lan Viên đã giúp ta nhận ra một sự kì diệu
và thú vị ngầm ẩn trong thế giới văn học, đặc biệt là tác phẩm văn học. Ta tự hỏi: phải chăng khi
Nguyễn Du – đại thi hào của văn học dân tộc khi viết kiệt tác “Truyện Kiều”, hẳn ông không thể
tưởng tượng “đứa con” ấy của mình lại có thể “sống” được đến hơn hai trăm năm và thậm chí là
lâu hơn nữa. Phải chăng cụ Tiên Điền cũng không thể tưởng tượng đến viễn cảnh “đứa con” ấy
của mình được người ta mang ra đánh giá, bình luận từng chi tiết, hình ảnh, rồi người ta cãi cọ
nhau, tranh luận nhau… Thế đó, “Rồi tác phẩm rời anh như con thuyền rời bến – Sống cuộc đời
riêng, anh không dự kiến – Nó trôi đến các thời gian xa, những năm tháng mơ hồ - Với ngọn gió
anh thổi vào buồm trang giấy lúc xa bờ”. “Truyện Kiều” sở dĩ có thể vượt qua bao lớp bụi thời
gian để có thể được sức sống mãnh liệt cho đến hôm nay đó là bởi những giá trị nội dung, giá trị
nghệ thuật độc đáo, ấn tượng mà Nguyễn Du gửi vào trong tác phẩm. Đó là tấm lòng của một
con người có “con mắt trông suốt sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời”, đã nhận ra và đồng
cảm, xót thương cho thân phận của những con người đặc biệt là người phụ nữ trong xã hội nam
quyền bất công:

“Đau đớn thay phận đàn bà


Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”

“Truyện Kiều” có được sức sống bền lâu phải chăng còn bởi đó còn là “cuốn sách của nghìn
tâm trạng, triệu tấm lòng, là cuốn sách mà khi ta đọc vào thấy một phần nào đó hình ảnh của
mình thấp thoáng đâu đây. Nhờ thế mà “Truyện Kiều” dễ dàng in sâu vào tâm trí của bạn đọc.

Tác phẩm văn học đích thực có một sức mạnh phi thường vượt lên thời gian và xuyên qua
không gian. “Những người khốn khổ” đâu chỉ là kiệt tác của Victor Hugo, đâu chỉ là kiệt tác của
văn học Pháp mà còn là kiệt tác của văn học nhân loại. Victor Hugo có lẽ không thể nghĩ rằng
tác phẩm của mình có thể đi “chu du” khắp đó đây trên quả địa cầu này. Với giá trị đó, “Những
người khốn khổ” đã đặt chân đến với bạn đọc ở mọi quốc gia trên thế giới này, sống cuộc đời
của chính mình. Nhờ có tác phẩm, chúng ta có được một cái nhìn rất khác về thủ đô Paris, về
nước Pháp xa xôi vốn tưởng xa hoa, lộng lẫy, huy hoàng nhưng có ai ngờ, ẩn khuất sau vẻ ngoài
hào nhoáng đó vẫn còn biết bao con người khốn khổ như Giăng – Văn – Giăng, như Phăng – tin,
như Cô – đét… Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đây thì tác phẩm sẽ không còn có giá trị lâu bền.
Điều đáng quý đó là triết lý tình thương cùng cặp mắt nhân đạo cao cả của Hugo gửi gắm trong
tác phẩm, kết tinh ở nhân vật lý tưởng Giăng – Văn – Giăng. Ám ảnh trong người đọc là câu nói
của nhân vật này trước khi trở về với cát bụi: “Trên đời này duy chỉ có một điều thôi đó là tình
yêu thương”.

Vận mệnh của một tác phẩm không phải lúc nào cũng dễ dàng và bằng phẳng, êm đẹp như
trong tưởng tượng của thi sĩ. Cũng giống như đời thuyền ra khơi có khi phải gặp sóng gió, đời
cây có lúc gặp bão giông, đời người có lúc gặp khó khăn, thử thách thì đời văn cũng không ít
thăng trầm, gian truân. “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng từng có một cuộc đời như thế.
Người ta cho rằng thi phẩm là mộng rớt, mộng rơi, người ta vùi dập nó không thương tiếc. Đối
với Quang Dũng, “Tây Tiến” là “đứa con cưng” gửi gắm bao yêu thương, nỗi nhớ của tác giả thì
đối với phần đông người đọc một giai đoạn lại ghét bỏ tác phẩm bấy nhiêu. Nhưng quả thực “lửa
thử vàng, gian nan thử sức” có đi qua bão giông mới thấy ánh mặt trời. Với giá trị đích thực của
mình “Tây Tiến” cho đến hôm nay vẫn luôn có một sức sống lâu bền, thậm chí người ta còn đón
đợi, yêu thích tác phẩm ngày một nhiều thêm bởi một khi đọc “Tây Tiến” lại sống dậy trong ta
về một quá khứ đau thương mà hào hùng, một quá khứ với những năm tháng, những con người
không thể nào quên. Thế mới biết, chiến tranh tàn ác đã cướp đi bao nhiêu con người hào hoa
của dân tộc. Chiến tranh để cả dân tộc ra trận. Biết bao tinh hoa của đất Việt “ra đi không tiếc
đời mình” ở tuổi mười tám, đôi mươi. Mặc dù phải đối diện với bao khó khăn:

“Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm


Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”
Thì người chiến sĩ vẫn luôn vui vẻ, lạc quan, hiên ngang, anh dũng, vẫn là những chàng trai Hà
Nội giàu khát vọng, mơ mộng, hào hoa với giấc mơ về Hà Nội:

“Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

Trong chiến tranh, đâu phải con người tu sĩ trở lên độc ác, lạnh giá, đâu phải lúc nào cũng
trong tư thế “chắp tay súng” chiến đấu với kẻ thù. Đó không phải là hình ảnh của người chiến sĩ
Việt Nam. Người lính Việt Nam là những con người quả cảm, anh dũng trên chiến trường nhưng
rất đỗi lạc quan, bình dị thậm chí hài hước, hóm hỉnh trong cuộc sống bình thường, vào giờ phút
nghỉ ngơi. Họ sẵn sàng tạm quên đi khói lửa để sống là chính mình, để vui vẻ bên nhau:

“Khèn lên man điệu nàng e ấp


Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”

Phải chăng hình ảnh người lính ấy đã giúp “Tây Tiến” luôn có một sức sống lâu bền trong trái
tim bạn đọc. Nhắc nhở ta rằng: “có một bài ca không bao giờ quên, có một năm tháng không bao
giờ quên” với những con người không bao giờ quên:

“Rồi tác phẩm rời anh như con thuyền rời bến
Sống cuộc đời riêng, anh không dự kiến
Nó trôi đến các thời gian xa, những năm tháng mơ hồ
Với ngọn gió anh thổi vào buồm trang giấy lúc xa bờ”

Quả thực, tác phẩm văn học không phải là “xác bướm ép khô trên trang giấy” hay báu vật được
treo cất trong tủ kính mà đích thực là những sinh thể sống động, có linh hồn riêng, đời sống riêng
với những triết lí, tư tưởng sâu sắc mà nhà văn gửi vào trong tác phẩm thì sức sống của tác phẩm
sẽ ngày một lâu dài hơn, mãnh liệt hơn. “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu là một
tác phẩm như thế. “Chiếc thuyền ngoài xa” là truyện ngắn được Nguyễn Minh Châu viết ra nhằm
hướng ngòi bút đến những con người lao động bình thường, bình dị trong cuộc sống mưu sinh
mỏi mòn, khó nhọc. Mặc dù ra đời đã lâu nhưng tác phẩm vẫn còn nguyên giá trị, vẫn khiến
người đọc thức tỉnh bao điều mỗi lần mở trang sách ra. Rời bỏ Nguyễn Minh Châu, “Chiếc
thuyền ngoài xa” hoà nhập vào cuộc đời rộng lớn, đem đến cho ta bao cảm xúc, dư vị giúp ta
nhận ra rằng: thì ra trong cuộc sống có những điều khuất lấp, sâu xa mà chỉ đứng nhìn xa quan
sát sẽ không thể phát hiện ra được. Cũng như nhân vật Phùng – một nhiếp ảnh gia, khi đứng từ
bờ quan sát anh nhận thấy một cảnh đắt trời cho, một cảnh tượng huy hoàng của biển, của con
thuyền. Thế nhưng, khi tiến lại gần, anh nhận ra một nghịch lí: hình ảnh người chồng đánh vợ
không thương tiếc hay hình ảnh đứa con cầm dao lao vào đâm bố khiến Phùng không khỏi xót
xa: thì ra ẩn sau cái hào nhoáng, lộng lẫy là những điều xa xỉ, thê thảm, xấu xa mà ta khó lòng
nhận thấy. Bởi vậy, muốn đánh giá một điều gì ta không thể đứng từ xa quan sát mà phải đến
gần, phải có cái nhìn cận cảnh để ta nhận xét. Ngược lại, trong cuộc sống có những thứ mà bên
ngoài tưởng chừng xấu xa, thô kệch, nhưng thực chất lại là những viên ngọc sáng ngời, lại tiềm
tàng vẻ đẹp khuất lấp. Đó chính là nhân vật người đàn bà hàng chài. Nhìn qua thì thấy đấy là một
người đàn bà chạc bốn mươi tuổi với thân hình lẫn “vẻ mặt xấu xa, lại là người cam chịu đến
mức yếu hèn. Nhưng sau khi ngồi tâm sự, được chỉ “dạy dỗ” cả Phùng và Đẩu – những con
người được coi là có học thức, địa vị lại rời xa những nhận thức bấy lâu bị phong kín. Từ truyện
ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”, Nguyễn Minh Châu gửi đến cho ta thông điệp cần có một sự cai
trị xã hội để con người sống đúng là mình, sống tốt, sống đẹp hơn. Không thể để con người tiếp
tục bị tra tấn, bị bạo hành… Đây là điều giúp cho tác phẩm của Nguyễn Minh Châu có được
thành công và giá trị.

Như vậy, có thể thấy tác phẩm văn học chỉ thực sự bắt đầu khi nó đến với người đọc. Nhưng
giá trị của tác phẩm trước hết phải được nhờ vào bàn tay tài hoa cũng như cái tâm trong sáng của
nghệ sĩ, sau đó là đến sự cảm nhận, thấu hiểu tinh tế của bạn đọc. Ý kiến của Chế Lan Viên
không chỉ nói về quan hệ tác giả - tác phẩm mà còn là một gợi ý, một yêu cầu với nhà văn. Muốn
cho “đứa con tinh thần” của mình có được bước đi tự tin, vững chãi, nhà văn phải thổi vào trong
nó hơi thở của yêu thương, của những giá trị cao đẹp, đem lại cho người đọc sự hấp dẫn, thú vị.
Có như thế tác phẩm mới tồn tại cùng thời gian, năm tháng.

Văn học là một bộ môn đặc biệt trong tất cả các bộ môn nghệ thuật. Văn học có một sức mạnh
kì diệu lớn lao đưa con người tới những chân trời tươi sáng. Văn học mãi là người bạn đồng
hành gắn bó với con người trên suốt hành trình rộng dài của cuộc sống!

You might also like