You are on page 1of 6

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VỀ CĂN

CỨ ĐỂ KHÁNG NGHỊ THEO THỦ TỤC TÁI THẨM

FINALIZE THE PROVISIONS OF THE CRIMINAL PROCEDURE CODE


ON GROUNDS FOR APPEALS UNDER THE RETRIAL PROCEDURE

Tóm tắt: Tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa
án nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ
bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án,
quyết định đó. Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã có những quy định mới nhằm khắc
phục những thiếu sót của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về thủ tục tái thẩm.
Tuy nhiên, trên thực tế áp dụng vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, bất cập đặc biệt là
quy định về căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.

Từ khóa: tái thẩm, kháng nghị, Bộ luật tố tụng hình sự 2015

Abstract: Retrial is the review of a legally effective judgment or decision of a


Court but is protested against because there are newly discovered details that may
fundamentally change the contents of the judgment or decision that the court did
not know when issuing that judgment or decision. The Criminal Procedure Code
2015 has new regulations to overcome the shortcomings of the 2003 Criminal
Procedure Code on reopening procedures. However, in practice, there are still
many problems and inadequacies in application, especially the provisions on
grounds for protesting according to reopening procedures.

Keywords: retrial, appeal, Criminal Procedure Code 2015

1. Đặt vấn đề

Tố tụng hình sự là một quá trình rất phức tạp và trong bất kỳ giai đoạn nào cũng có
thể tồn tại những sai lầm nhất định. Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, sửa đổi bổ sung
năm 2017 đã quy định những thủ tục khác nhau trong đó có thủ tục xét xử phúc
thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm nhằm ngăn ngừa những sai lầm trong xét xử có thể
xảy ra và khắc phục khi những sai lầm đó đã xảy ra. Mỗi thủ tục đều có tính chất,
mục đích khác nhau. Nếu như xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp
xét lại bản án hoặc quyết định của tòa án cấp dưới chưa có hiệu lực pháp luật
nhưng bị kháng cáo hoặc kháng nghị; xét xử giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết
định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi
phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án thì xét xử tái thẩm là xét
lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhưng bị kháng nghị vì
có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án,
quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định đó. Căn cứ để
kháng nghị chính vì vậy trở thành một nhân tố quan trọng hàng đầu để phân biệt và
xác định việc xét lại bản án, quyết định theo thủ tục nào. Trong quá trình áp dụng
thực tiễn, căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đã bộc lộ một số hạn chế,
thiếu sót cần chú ý và sửa đổi kịp thời.

2. Tái thẩm và căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm

Tái thẩm được quy định tại chương XXVI của Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Tái
thẩm không phải là một cấp xét xử mà ở giai đoạn này Hội đồng tái thẩm sẽ xét lại
những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có
những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án
hoặc quyết định mà Tòa án không biết được khi ra quyết định đó.

Những điều kiện cần và đủ để xét xử tái thẩm một vụ án hình sự bao gồm: Bản án
hoặc quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật; Có những tình tiết mới được
phát hiện mà sự hiện diện của những tình tiết này có thể làm thay đổi cơ bản nội
dung của bản án hoặc quyết định mà Tòa án đã không biết được khi ra bản án hoặc
quyết định đó; Có kháng nghị của người có thẩm quyền theo các trình tự và thủ tục
do luật tố tụng hình sự quy định.

Tình tiết mới được phát hiện là những tình tiết biết được sau khi đã có quyết định
hoặc bản án có hiệu lực pháp luật. Mục đích của tái thẩm đó chính là xem xét tình
tiết mới được phát hiện làm thay đổi cơ bản nội dung bản án, quyết định đã có hiệu
lực bị kháng nghị. Tòa án xem xét tình tiết mới đó có ý nghĩa như thế nào đối với
vụ án, có làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hay quyết định bị kháng nghị
hay không. Đây chính là thủ tục xét lại tính có căn cứ của các bản án, quyết định
đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Nếu bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp
luật của Tòa án không có căn cứ thì sẽ bị hủy; khôi phục lại trình tự tố tụng để giải
quyết lại vụ án hình sự nhằm khắc phục những sai lầm của Tòa án trong việc xác
định sự thật của vụ án, đảm bảo tính có căn cứ của bản, quyết định của Tòa án.

Điều 398 Bộ luật tố tụng hình sự quy định căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái
thẩm như sau:
Thứ nhất, có căn cứ chứng minh lời khai của người làm chứng, kết luận giám định,
kết luận định giá tài sản, lời dịch của người phiên dịch, bản dịch thuật có những
điểm quan trọng không đúng sự thật.

Lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, lời
dịch của người phiên dịch, bản dịch thuật là những chứng cứ hết sức quan trọng
trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Cùng với lời khai nhận tội của bị can, bị
cáo, những chứng cứ này là cơ sở cho việc quy kết hoặc không quy kết trách nhiệm
hình sự đối với bị can, bị cáo cũng như để giải quyết các vấn đề khác của vụ án
hình sự (áp dụng hình phạt bổ sung, xác định nghĩa vụ bồi thường, xử lý vật
chứng). Lời khai của người làm chứng, kết quả giám định, kết luận định giá tài sản,
lời dịch của người phiên dịch, bản dịch thuật có những điểm quan trọng không
đúng sự thật sẽ dẫn đến việc các cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng những lời khai,
kết luận này để giải quyết vụ án, khiến cho sự thật vụ án không được làm sáng tỏ
và đến khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật mới phát hiện ra.
Hậu quả là giải quyết vụ án bị sai lệch, dẫn đến kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt
người phạm tội.

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi trường hợp khi phát hiện ra lời khai của người
làm chứng, kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, lời dịch của người phiên
dịch, bản dịch thuật không đúng sự thật cũng đều là căn cứ kháng nghị tái thẩm mà
chỉ có những lời khai chứa nội dung quan trọng làm thay đổi cơ bản nội dung vụ án
mới là căn cứ để kháng nghị tái thẩm.

Người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch,
người dịch thuật nào mà kết luận, dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu
mà mình biết rõ là sai có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 382 Bộ luật
hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội cung cấp tài liệu sai sự thật
hoặc khai báo gian dối.

Thứ hai, có tình tiết mà Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm do
không biết được mà kết luận không đúng làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã
có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án.

Đây là trường hợp vụ án có những tình tiết mà Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm
phán, Hội thẩm không biết được trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án nên
đã đưa ra kết luận không đúng, dẫn đến việc làm cho bản án, quyết định của Tòa án
đã có hiệu lực pháp luật phản ánh không đúng sự thật khách quan của vụ án.
Những tình tiết này có thể phát sinh từ nhiều nguồn, song phần lớn là từ những
người tham gia tố tụng đã cố ý hoặc vô ý che giấu, không cung cấp hoặc cung cấp
không đầy đủ cho Cơ quan điều tra, truy tố, xét xử trong quá trình giải quyết vụ án.
Việc những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng vì không biết nên mới đưa ra
những kết luận không đúng là do khách quan. Nếu họ biết mà vẫn kết đưa ra những
kết luận không đúng (do cố ý) dẫn đến việc ra những kết luận không chính xác thì
không phải là căn cứ kháng nghị tái thẩm mà là căn cứ để tiến hành kháng nghị
giám đốc thẩm.

Thứ ba, vật chứng, biên bản về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, biên bản hoạt
động tố tụng khác hoặc những chứng cứ, tài liệu, đồ vật khác trong vụ án bị giả
mạo hoặc không đúng sự thật.

Vật chứng, biên bản về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, biên bản hoạt động tố
tụng khác hoặc những chứng cứ, tài liệu, đồ vật khác trong vụ án là cơ sở để các cơ
quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án. Để giải quyết vụ án một cách khách quan,
toàn diện, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng thì
các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải thu thập, kiểm tra, bảo
quản, đánh giá và sử dụng chứng cứ một cách khách quan, toàn diện và hợp pháp.
Việc các chứng cứ của vụ án bị tạo dựng, làm giả hoặc bị làm sai lệch, phản ánh
không đúng thực tế khách quan sẽ gây hậu quả tất yếu là những người tiến hành tố
tụng không biết được chúng đã bị thay đổi, không còn mang thuộc tính khách quan
của chứng cứ nữa nên đã dẫn đến việc ra bản án phản ánh không đúng sự thật
khách quan của vụ án. Đây cũng là một căn cứ để kháng nghị tái thẩm.

Thứ tư, những tình tiết khác làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực
pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án.

Đây là quy định dự liệu để các cơ quan có thẩm quyền làm cơ sở kháng nghị tái
thẩm. Những tình tiết này không liên quan đến ba nhóm tình tiết nêu trên, có thể
hoàn toàn mang yếu tố khách quan, không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của
người tiến hành tố tụng hoặc người tham gia tố tụng.

3. Một số bất cập và đề xuất hoàn thiện


Những kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án được đưa ra trên cơ sở các
chứng cứ được thu thập trong quá trình giải quyết vụ án. Chứng cứ phải là những
gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự quy định,
được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực
hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ
án. Các chứng cứ phải được lấy từ nguồn của chứng cứ quy định tại Điều 87 Bộ
luật tố tụng hình sự 2015 gồm “Vật chứng; Lời khai, lời trình bày; Dữ liệu điện tử;
Kết luận giám định, định giá tài sản; Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra,
truy tố, xét xử, thi hành án; Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế
khác; Các tài liệu, đồ vật khác” và phải có đầy đủ 03 thuộc tính của chứng cứ: tính
khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp[1][1].

Trong một vụ án, đối với chứng cứ là lời khai của những người tham gia tố tụng thì
không phải chỉ có mỗi lời khai của người làm chứng mới được dùng để làm căn cứ
chứng minh vụ án mà còn có lời khai của những người chủ thể khác, đặc biệt là
của bị cáo và bị hại. Nếu lời khai của bị cáo và bị hại chứa đựng những nội dung
quan trọng làm thay đổi cơ bản nội dung vụ án và những lời khai này có đầy đủ các
thuộc tính của chứng cứ để chứng minh các vấn đề trong quá trình giải quyết vụ án
thì phải được coi là căn cứ kháng nghị tái thẩm. Tuy nhiên, tại khoản 01 Điều 398
chỉ mới quy định lời khai của người làm chứng là căn cứ để kháng nghị theo thủ
tục tái thẩm.

Tiếp theo, tại khoản 03 của Điều 398 tiếp tục liệt kê một số nguồn chứng cứ khác
để làm căn cứ kháng nghị tái thẩm theo tác giả là chưa đầy đủ và chưa hợp lý. Vì
quy định theo hướng liệt kê dễ gặp phải tình huống nếu phát hiện ra những tình tiết
mới làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực
pháp luật nhưng những căn cứ đó không được liệt kê trong căn cứ kháng nghị tái
thẩm sẽ gây khó khăn cho những chủ thể có thẩm quyền kháng nghị tái thẩm vì
không có căn cứ để kháng nghị. Cho nên có thể gộp quy định tại khoản 01 và
khoản 03 thành một nội dung thống nhất là: đối với những chứng cứ đã được sử
dụng để làm căn cứ chứng minh trong quá trình giải quyết vụ án mà bị phát hiện
thiếu một trong thuộc tính của chứng cứ và làm thay đổi cơ bản nội dung của bản
án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì chính là căn cứ để kháng
nghị tái thẩm.

[1][1]
Xem: Điều 108 Bộ luật hình sự năm 2015.
Từ những góp ý trên, tác giả đề xuất sửa lại nội dung Điều 398 Căn cứ để kháng
nghị theo thủ tục tái thẩm như sau:

“Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ
tục tái thẩm khi có một trong các căn cứ:

1. Có căn cứ chứng minh cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng do
không biết đã sử dụng những tình tiết không đảm bảo các thuộc tính của chứng
cứ để kết luận về những vấn đề quan trọng của vụ án .
2. Có tình tiết mà Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm do không biết
được mà kết luận không đúng làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu
lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án;
3. Những tình tiết khác làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp
luật không đúng sự thật khách quan của vụ án.”

4. Kết luận

Thủ tục tái thẩm là cơ chế đảm bảo, nâng cao trách nhiệm của Nhà nước đối với
công dân, đảm bảo thực thi pháp luật một cách nghiêm minh, công bằng, bảo vệ
triệt để các quyền cơ bản của công dân. Chế định tái thẩm góp phần bảo đảm hiệu
quả hoạt động và tính độc lập của các cơ quan tư pháp, sửa chữa những sai sót
trong quá trình điều tra, xét xử tội phạm. Từ đó bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền
và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân, đảm bảo cho vụ án được giải quyết
đúng đắn có căn cứ, đảm bảo cho pháp luật được áp dụng một cách đúng đắn và
thống nhất trong hoạt động xét xử.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, NXB Chính trị Quốc gia,
Hà Nội.
2. Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, NXB Chính trị
Quốc gia, Hà Nội
3. TS Phan Trung Hoài,“Bình Luận Khoa Học Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự Năm
2015”, NXB Chính trị Quốc gia.

You might also like