You are on page 1of 2

Mọi vật đều sợ thời gian vì lớp bụi thời gian có thể phủ mờ tất cả nhưng lớp bụi

thời gian càng dày thì


càng có thể chứng minh giá trị của những thi phẩm văn học đích thực. Vượt qua quy luật của thời gian,
của cuộc sống, các tác phẩm ấy như “ dòng sông đỏ nặng phù sa” chảy qua tâm hồn ta, để lại ấn tượng
sâu đậm trong tâm khảm người đọc để rồi suốt đời không thể nào quên. Trong số đó không thể không
nhắc đến “ Đồng chí” của Chính Hữu. Tác phẩm là bài ca về tình đồng chí, đồng đội ấm áp, thiêng liêng
trong những năm tháng mưa bom bão đạn. Chính tình cảm ấm áp ấy được nảy mầm, phát triển, đơm
hoa kết trái trong khói lửa chiến tranh đã tạo sức mạnh tinh thần giúp những người lính vượt qua mọi
khó khăn, thử thách, hiểm nguy. Ấn tượng nhất với tôi khi đến với bài thơ này chính là những vần thơ
cuối bài:

“ Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo.”

Trong khung cảnh âm u, tối tăm của khu rừng đã làm tỏa sáng lên hình ảnh 2 người chiến sĩ “ đứng cạnh
bên nhau chờ giặc tới.” “ Đứng cạnh bên nhau”, người lính qua ngòi bút của Chính Hữu có tư thế hiên
ngang, hùng dũng, luôn sẵn sàng, chủ động với quyết tâm tiêu diệt giặc cao độ. Cùng chung chí hướng,
mong muốn đất nước độc lập tự do, họ hiểu nhau và luôn kề vai sát cánh bên nhau trong mọi hoàn
cảnh. Hình ảnh thơ còn gợi sự đoàn kết, gắn bó, yêu thương của những người lính nơi chiến trường.
Song, nếu câu thơ trên gợi sự khăng khít của tình đồng đội thì câu thơ “ Đầu súng trăng treo” lại gợi sự
đối lập. Súng và trăng, 2 hình ảnh tương phản sóng đôi trong 1 dòng thơ gợi nhiều sự liên tưởng.Nghĩ
đến súng, ta nghĩ đến chiến tranh. Nghĩ đến trăng, ta nghĩ ngay đến cuộc sống thanh bình. Súng gắn liền
với người chiến sĩ, còn trăng là bạn của thi sĩ. Súng thì gần, trăng thì xa vời vợi. Súng gợi hiện thực khốc
liệt của cuộc chiến, trăng là hình ảnh của sự bay bổng lãng mạn. Trong đêm thực chiến, không chỉ có
đồng đội, người lính còn có thêm 1 người bạn nữa là vầng trăng trên cao. Hay nói cách khác, chiến
trường ác liệt, cái chết kề bên vẫn không thể nào cướp đi nét lãng mạn trong tâm hồn người lính. Trái
tim của họ cũng giống như những thi sĩ, cũng rung động và xao xuyến khi nhìn thấy vầng trăng trên cao.
Không những thế, hình ảnh thơ còn chứa đựng mục đích chiến đấu của những người chiến sĩ. Họ cầm
chắc tay súng, chiến đấu để chạm đến vầng trăng hòa bình trong tương lai. Họ thật mạnh mẽ, kiên
cường trước những khó khăn, hiểm nguy của cuộc chiến khốc liệt này. Và cũng phải chăng vì những ý
nghĩa sâu sắc ấy mà Chính Hữu- tác giả của bài thơ đã chọn câu thơ này để đặt tên cho cả 1 tập thơ của
mình?

Bài thơ “ Đồng chí”, đặc biệt là những vần thơ trên đã khiến tôi chẳng thể kìm nén được những cảm xúc
bồi hồi, đầy cảm phục về người nông dân mặc áo lính, người anh hùng áo vải trước những chông gai,
nhọc nhằn của thời chiến tranh khốc liệt. Họ là những con người tràn đầy nhiệt huyết chiến đấu và lòng
hy sinh. Bằng những rung động tinh tế của tâm hồn, tác giả bài thơ đã khắc họa thành công hình ảnh
người lính vừa giản dị, mộc mạc vừa dũng cảm, bất khuất.Trong khói lửa, cái khắc nghiệt của chiến
tranh, tình đồng đội ấm áp, keo sơn, gắn bó đã nảy mầm. Những người anh hùng ấy luôn thấu hiểu, yêu
thương và chăm sóc cho nhau bất kể gian nan, thiếu thốn, hiểm nguy.Và qua những vần thơ trên của
Chính Hữu, tình cảm ấy càng hiện lên rõ nét hơn. Bất chấp quy luật của thời gian, của vạn vật, những vần
thơ ấy sẽ sống mãi trong tâm khảm người đọc bởi những giá trị mà nó để lại cho đời.

You might also like