You are on page 1of 8

TÀI LIỆU ĐỌC TUẦN 3

QUÁ TRÌNH GIÁO DỤC


1. Khái niệm quá trình giáo dục
Trong nhà trường phổ thông, quá trình dạy học và quá trình giáo dục rèn luyện
nhân cách cho học sinh luôn được thực hiện song hành thông qua các hoạt động đa dạng trong
và ngoài nhà trường nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục: phát triển toàn diện nhân cách người
học đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Chất lượng giáo dục nhà trường được thể hiện ở năng lực và phẩm chất nhân cách
của người học đáp ứng yêu cầu của xã hội như thế nào? Vì vậy, nhiệm vụ “dạy chữ” và “dạy
người” là 2 nhiệm vụ quan trọng đối với người giáo viên ở nhà trường phổ thông.
Quá trình giáo dục ở đây được hiểu theo nghĩa hẹp, là một bộ phận của quá trình
sư phạm tổng thể, có mối quan hệ thống nhất biện chứng với quá trình dạy học. Nếu như quá
trình dạy học có chức năng trội là giúp cho người học nắm vững tri thức, hình thành hệ thống
kĩ năng, kĩ xảo tương ứng, phát triển trí tuệ thì quá trình giáo dục có mục tiêu chủ yếu là hình
thành thế giới quan khoa học, niềm tin, lý tưởng, các phẩm chất đạo đức… cho người được
giáo dục. Tuy nhiên, cả hai quá trình dạy học và quá trình giáo dục cùng hướng tới mục tiêu
của giáo dục là sự phát triển toàn diện nhân cách của người học đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Vì vậy quá trình giáo dục (nghĩa hẹp) ở đây được hiểu như sau:
Quá trình giáo dục là một quá trình trong đó dưới vai trò chủ đạo của nhà giáo
dục, người được giáo dục tự giác, tích cực, chủ động tự giáo dục nhằm thực hiện tốt các
nhiệm vụ giáo dục.
Trong quá trình giáo dục, sự tác động của nhà giáo dục đến các đối tượng giáo dục
là sự tác động có mục đích, nội dung, chương trình, kế hoạch, phương pháp, có sự kiểm tra,
đánh giá nhằm đạt được mục tiêu giáo dục.
Quá trình tác động của nhà giáo dục nhằm hình thành cho đối tượng giáo
dục thế giới quan khoa học, nhân sinh quan đúng đắn, niềm tin, lý tưởng, phẩm chất
nhân cách của người công dân, người lao động mà xã hội yêu cầu. Đó chính là mục tiêu, nhiệm
vụ giáo dục của nhà trường phổ thông hiện nay.
Quá trình giáo dục là quá trình tác động qua lại một cách biện chứng giữa nhà giáo
dục và người được giáo dục. Trong quá trình tác động này, nhà giáo dục đóng vai trò chủ đạo
có nghĩa là vai trò định hướng, tư vấn, tổ chức, điều khiển, điều chỉnh, khuyến khích…người
được giáo dục tham gia vào quá trình giáo dục; Còn người được giáo dục giữ vai trò: chủ
động, tự giác, tích cực tham gia vào quá trình giáo dục trên cơ sở đó tự tổ chức hoạt động giáo
dục rèn luyện của bản thân nhằm đáp ứng các yêu cầu chuẩn mực xã hội.
Quá trình giáo dục luôn chịu sự tác động, quy định của xã hội. Chính vì vậy, quá
trình giáo dục luôn luôn đổi mới, vận động, phát triển đáp ứng các yêu cầu của sự phát triển xã
hội. Ở mỗi giai đoạn lịch sử xã hội, quá trình giáo dục thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục
nhất định; Luôn bám sát thực tiễn; Các hoạt động giáo dục luôn gắn liền với thực tiễn cuộc
sống của người được giáo dục, với điều kiện phát triển kinh xã hội và thời đại.
2. Cấu trúc của quá trình giáo dục
Theo cách tiếp cận hệ thống, quá trình giáo dục bao gồm các thành tố cấu trúc như:
mục đích, nhiệm vụ giáo dục, nội dung giáo dục, phương pháp và phương tiện giáo dục,

1
nhà giáo dục, người được giáo dục, kết quả giáo dục. Mỗi thành tố đều có chức năng riêng
và có mối quan hệ biện chứng với nhau.
2.1. Mục đích, nhiệm vụ giáo dục
Mục đích giáo dục là thành tố có vai trò định hướng, ảnh hưởng, chi phối, qui định
sự phát triển của các thành tố khác của quá trình giáo dục (nội dung, phương pháp, phương thức tổ
chức giáo dục, kiểm tra, đánh giá,…) cũng như toàn bộ quá trình giáo dục.
Mục đích giáo dục được xem như là “đơn đặt hàng của xã hội” về mẫu người mà quá
trình giáo dục phải tạo ra. Hay mục đích giáo dục chính là mô hình dự kiến về nhân cách con
người đáp ứng được các yêu cầu của xã hội. Mục đích giáo dục có tính lịch sử, chúng luôn
biến đổi cùng với sự phát triển của xã hội và thời đại.
Mục đích giáo dục của nhà trường hiện nay là: đào tạo người được GD, trước hết
là thế hệ trẻ trở thành những người công dân, những người lao động có đủ năng lực và phẩm
chất, có khả năng hoà nhập và thích ứng năng động sáng tạo với cuộc sống đang đổi mới toàn
diện sâu sắc hiện nay.
Trong Điều 27, Luật giáo dục (2005) quy định:
“Mục tiêu của giáo dục phổ thông là giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức,
trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động
và sáng tạo, hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng tư cách và
trách nhiệm công dân, chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động,
tham gia lao động và bảo vệ Tổ quốc”
Để thực hiện mục tiêu giáo dục nêu trên, nhiệm vụ giáo dục của nhà trường là tác
động đến toàn bộ tới nhân cách của người được giáo dục (nhận thức, thái độ và hành vi) và
đồng thời hướng dẫn, khuyến khích người được giáo dục tạo lập những thói quen hành vi phù
hợp với các chuẩn mực xã hội qui định. Vì vậy nhiệm vụ của quá trình giáo dục bao gồm 3
nhiệm vụ sau đây:
+ Tổ chức hình thành và phát triển ở người được GD ý thức cá nhân về các
chuẩn mực xã hội (CMXH) nói chung, các chuẩn mực đạo đức, pháp luật nói riêng đã được
qui định.
Ý thức cá nhân về các chuẩn mực xã hội là một thể thống nhất giữa sự hiểu biết
và niềm tin của cá nhân về các chuẩn mực xã hội đó.
+ Tổ chức hình thành và phát triển ở người được GD những xúc cảm, tình cảm
tích cực đối với các CMXH, trên cơ sở đó có tác dụng thúc đẩy cá nhân chuyển hoá ý thức cá
nhân về các chuẩn mực xã hội thành hành vi, thói quen hành vi tương ứng ở họ.
+ Tổ chức hình thành và phát triển ở người được GD hệ thống những hành vi
phù hợp với các chuẩn mực xã hội đã qui định đồng thời lặp đi lặp lại những hành vi đó thành
những thói quen bền vững gắn mật thiết với nhu cầu tích cực của cá nhân.
2.2. Nội dung giáo dục
Nội dung giáo dục là hệ thống những tri thức, thái độ, hành vi, thói quen hành vi
phù hợp với những chuẩn mực xã hội qui định cần được giáo dục cho người được giáo dục.
Nội dung giáo dục trong nhà trường được thiết kế theo mục đích giáo dục, được
chi tiết hóa thành từng mảng cụ thể phù hợp với trình độ, lứa tuổi, theo từng cấp học, phù hợp
với từng tình huống giáo dục cụ thể.

2
Nội dung giáo dục trong nhà trường bao gồm giáo dục đạo đức và ý thức công dân,
giáo dục văn hóa, thẩm mỹ, giáo dục thể chất, giáo dục lao động và hướng nghiệp, giáo dục
môi trường, giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản, giáo dục dân số, giáo dục phòng chống
các tệ nạn xã hội,…
2.3. Phương pháp và phương tiện giáo dục
Phương pháp và phương tiện giáo dục là những cách thức, biện pháp,
phương tiện tổ chức hoạt động giáo dục cho người được giáo dục tham gia nhằm giúp
người được GD chuyển hóa các yêu cầu, chuẩn mực xã hội qui định thành hành vi và thói quen
tương ứng ở họ. Phương pháp, phương tiện giáo dục càng khoa học, hiện đại, tiên tiến thì càng
tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình giáo dục đạt kết quả cao.
2.4. Nhà giáo dục
Nhà giáo dục là chủ thể của quá trình giáo dục và giữ vai trò chủ đạo. Nhà giáo
dục trong phạm vi nhà trường là giáo viên, tập thể sư phạm; ở gia đình là ông bà, cha mẹ,
những người thân khác; trong các tổ chức xã hội là cán bộ phụ trách đoàn thể,…
Vai trò chủ đạo của nhà giáo dục được thể hiện ở những mặt sau:
- Quán triệt mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục và chuyển tải tới đối
tượng giáo dục.
- Định hướng sự phát triển nhân cách đối tượng giáo dục theo đúng mục
đích giáo dục của Đảng và Nhà nước đã đề ra và mục tiêu giáo dục cụ thể của nhà
trường.
- Nhà giáo dục là người tổ chức, điều khiển toàn bộ quá trình giáo dục: xác định
mục tiêu, lựa chọn nội dung, phương pháp và các hình thức tổ chức, hướng dẫn người được
giáo dục; kiểm tra, đánh giá kết quả quá trình giáo dục.
- Có kế hoạch, phương pháp tổ chức hợp lí, khoa học, hệ thống các hoạt
động giáo dục trong và ngoài nhà trường.
- Phát huy được ý thức tự giác, tính chủ động, tích cực tự giáo dục của học
sinh.
- Phối hợp kết hợp với các lực lượng giáo dục (nhà trường, gia đình, xã hội) tạo nên
những tác động đồng bộ, thống nhất đến người được giáo dục.
2.5. Đối tượng giáo dục
Đối tượng giáo dục - người được GD ở trường phổ thông là cá nhân hay tập thể
học sinh. Người được GD đóng vai trò vừa là khách thể vừa là chủ thể của quá trình giáo dục.
Với tư cách là khách thể của quá trình giáo dục, các em nhận sự tác động có định
hướng, có kế hoạch, có phương pháp, có tổ chức và có hệ thống của nhà giáo dục.
Với tư cách là chủ thể của quá trình giáo dục, các em tiếp nhận các tác động giáo
dục một cách có chọn lọc thông qua lăng kính chủ quan của mình và tự vận động, biến các yêu
cầu giáo dục bên ngoài thành nhu cầu được giáo dục bên trong của bản thân.
Trong quá trình giáo dục, người được GD luôn thể hiện vai trò chủ động, tích
cực, độc lập, sáng tạo của mình, không phụ thuộc hoàn toàn vào nhà giáo dục, tự tìm ra cách
thức, con đường tu dưỡng và rèn luyện để phát triển và hoàn thiện nhân cách.
2.6. Kết quả giáo dục
Kết quả giáo dục là sản phẩm của những tác động giáo dục theo từng giai đoạn và

3
của quá trình giáo dục. Sản phẩm của giai đoạn này là tiền đề cho giai đoạn sau và chúng kế
thừa nối tiếp nhau để đạt mục đích giáo dục tổng thể.
Kết quả giáo dục được thể hiện trong sự hình thành và phát triển nhận thức, thái độ,
tình cảm, hành vi và thói quen của học sinh theo mục đích, nhiệm vụ giáo dục của nhà trường.
Nếu mục đích giáo dục là dự kiến mô hình giáo dục mong muốn thì kết quả giáo dục là cái đã đạt
được, là sản phẩm thực tế của quá trình giáo dục. Giữa mục đích giáo dục (M) và kết quả giáo dục
(Kq) sẽ có các mối tương quan sau:
Kq → M; Kq ≈ M; Kq < M
Kq → M: Kết quả giáo dục hoàn toàn phù hợp với mục đích giáo dục đã đề ra.
Kq ≈ M: Kết quả giáo dục gần phù hợp với mục đích giáo dục.
Kq < M: Kết quả giáo dục trái (lệch hoặc ngược) với mục đích giáo dục.
Tóm lại, quá trình giáo dục là một hệ thống gồm nhiều thành tố, mỗi thành tố có vai
trò và chức năng riêng nhưng có mối quan hệ mật thiết với nhau, tác động qua lại, tương hỗ lẫn
nhau, tạo nên một chỉnh thể thống nhất. Mặt khác chúng lại có quan hệ và bị chi phối bởi môi
trường chính trị - kinh tế - văn hóa – khoa học kĩ thuật và quan hệ sản xuất xã hội… Chất
lượng giáo dục phụ thuộc vào chất lượng của từng thành tố.

3. Bản chất của quá trình giáo dục


3.1. Cơ sở xác định bản chất của quá trình giáo dục
a. Quá trình giáo dục là quá trình hình thành một kiểu nhân cách trong xã
hội
Nhân cách của mỗi người được thể hiện không chỉ thông qua lời nói mà quan
trọng là ở hành vi và thói quen hành vi ở họ trong cuộc sống. Vì vậy, mục đích của quá trình
giáo dục là hình thành ở người được giáo dục hành vi và thói quen hành vi phù hợp với các
chuẩn mực xã hội (CMXH) quy định.
Sự phát triển nhân cách con người là kết quả của quá trình hoạt động và giao lưu
của con người trong xã hội. “Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa các
mối quan hệ xã hội” (Mác).
Vì vậy để hình thành nhân cách con người có hành vi, thói quen hành vi phù hợp
với các CMXH quy định đòi hỏi quá trình giáo dục phải tổ chức cuộc sống, tổ chức hoạt động
và các quan hệ giao lưu của người được giáo dục , nhằm thu hút sự tham gia của họ vào quá
trình giáo dục trên cở đó đạt được mục tiêu giáo dục đặt ra.
b. Mối quan hệ giữa nhà giáo dục và người được giáo dục trong quá trình
giáo dục
Trong quá trình giáo dục, mối quan hệ giữa nhà giáo dục và người được giáo dục (cá
nhân hoặc tập thể) là quan hệ sư phạm, một loại quan hệ xã hội đặc thù. Quan hệ sư phạm này
luôn luôn chịu sự chi phối của các quan hệ chính trị, tư tưởng, văn hóa, xã hội, kinh tế, khoa học –
kĩ thuật …, đặc biệt là quan hệ chính trị xã hội.
Hiệu quả của quá trình giáo dục phụ thuộc vào mối quan hệ thống nhất biện chứng
giữa vai trò chủ đạo của nhà giáo dục và vai trò tự giác, tích cực tự giáo dục của người được giáo
dục. Xét cho cùng, sự nỗ lực của nhà giáo dục và người được giáo dục trong quá trình giáo dục là

4
nhằm giúp người được giáo dục chuyển hóa những yêu cầu của CMXH quy định thành hành vi,
thói quen hành vi tương ứng ở họ trên cơ sở đó thực hiện tốt các nhiệm vụ giáo dục.
Vì vậy, quá trình giáo dục chỉ đem lại hiệu quả khi quá trình giáo dục phát huy được
vai trò tự giác, tích cực tự giáo dục của người được giáo dục tham gia vào quá trình giáo dục. Trên
cơ sở đó thực hiện tốt các nhiệm vụ giáo dục.
2.2. Bản chất của quá trình giáo dục
a. Quá trình giáo dục – quá trình xã hội nhằm giúp đối tượng giáo dục biến
các yêu cầu khách quan thành yêu cầu chủ quan của cá nhân
Quá trình giáo dục nhằm hình thành và phát triển cá nhân con người trở thành
những thành viên xã hội. Những thành viên này phải thỏa mãn được hai mặt: vừa phù hợp
(thích ứng) với các yêu cầu xã hội ở mỗi giai đoạn phát triển, vừa có khả năng tác động cải tạo,
xây dựng xã hội làm cho nó tồn tại và phát triển. Những nét bản chất của cá nhân con người
chính là do các mối quan hệ xã hội hợp thành. Quá trình giáo dục là quá trình làm cho đối
tượng giáo dục ý thức được các quan hệ xã hội và các giá trị của nó, biết vận dụng vào các lĩnh
vực của đời sống xã hội: kinh tế, văn hóa – xã hội, đạo đức, tôn giáo, pháp luật, gia đình, ứng
xử … nhằm thỏa mãn nhu cầu của cá nhân và yêu cầu của xã hội.
Khi đứa trẻ mới sinh ra, ý thức, nhân cách của nó chưa được hình thành. Các
chuẩn mực, các quy tắc … của xã hội vốn tồn tại khách quan bên ngoài, độc lập với đứa trẻ.
Quá trình trẻ lớn lên trong môi trường văn minh của xã hội loài người, thẩm thấu những giá trị
văn hóa của loài người để tạo ra nhân cách của chính mình – quá trình xã hội hóa con người.
Đó là quá trình giúp trẻ biến những yêu cầu khách quan của xã hội thành ý thức, thành niềm tin
và thái độ, thành những thuộc tính, những phẩm chất nhân cách của cá nhân. Bên cạnh đó, quá
trình này cũng giúp đối tượng biết loại bỏ khỏi bản thân những quan niệm, những biểu hiện
tiêu cực, tàn dư cũ, lạc hậu không còn phù hợp với xã hội hiện đại.
b. Quá trình giáo dục là quá trình tổ chức cuộc sống, hoạt động và giao lưu
cho đối tượng giáo dục
Quá trình giáo dục là quá trình hình thành bản chất người – bản chất xã hội trong
mỗi cá nhân một cách có ý thức, là quá trình tổ chức để mỗi cá nhân chiếm lĩnh được các kinh
nghiệm xã hội.
Triết học mác – xít đã khẳng định: Bản chất xã hội của con người chỉ có được khi
nó tham gia vào đời sống xã hội đích thực thông qua hoạt động và giao lưu ở một môi trường
văn hóa (văn hóa vật chất và tinh thần).
Hoạt động và giao lưu là hai mặt cơ bản, thống nhất trong cuộc sống của con người
và cũng là điều kiện tất yếu của sự hình thành và phát triển nhân cách của cá nhân. Tâm lí học
đã khẳng định: hoạt động và giao lưu vừa là nguồn gốc vùa là động lực của sự hình thành và
phát triển nhân cách.
Các thuyết về hoạt động đã chứng tỏ là con người muốn tồn tại và phát triển phải có
hoạt động và giao lưu. Nếu các hoạt động và giao lưu của cá nhân (hoặc nhóm người) được tổ
chức một cách khoa học với các điều kiện, phương tiện hoạt động tiên tiến, phong phú, cá nhân
được tham gia vào các hoạt động và giao lưu đó thì sẽ có rất nhiều cơ hội tốt cho sự phát triển.
Chính vì vậy quá trình giáo dục vừa mang tính chất của hoạt động, vừa mang tính
chất của giao lưu. Giáo dục là một quá trình tác động qua lại mang tính xã hội giữa nhà giáo

5
dục và đối tượng giáo dục, giữa các đối tượng giáo dục với nhau và với các lực lượng, các
quan hệ xã hội trong và ngoài nhà trường.
Như vậy, bản chất của quá trình giáo dục là quá trình tổ chức cuộc sống, tổ chức
các hoạt động và giao lưu cho người được giáo dục tham gia một cách tự giác, tích cực, độc
lập, sáng tạo nhằm chuyển hóa những yêu cầu của các chuẩn mực của xã hội quy định
thành hành vi và thói quen hành vi tương ứng ở họ trên cơ đó thực hiện tốt các nhiệm vụ
giáo dục.
4. Đặc điểm của quá trình giáo dục
a. Quá trình giáo dục diễn ra dưới những tác động phức hợp
Sự phát triển nhân cách của người được giáo dục chịu ảnh hưởng của rất nhiều các
yếu tố: khách quan, chủ quan; Bên trong, bên ngoài; Trực tiếp, gián tiếp; Có chủ định, không
có chủ đinh; Tích cực, tiêu cực… đan xen vào nhau tác động tới người được giáo dục.
Quá trình giáo dục diễn ra trong suốt cuộc đời mỗi con người, do đó quá trình giáo
dục cũng luôn chịu sự tác động của rất nhiều những yếu tố đó.
Yếu tố khách quan là những yếu tố môi trường KTXH, KHCN ảnh hưởng tới quá
trình giáo dục (GD nhà trường), ảnh hưởng tới người được giáo dục. Ví dụ như: điều kiện kinh
tế, văn hóa, chính trị xã hội, phong tục, tập quán, các hoạt động văn hóa, giáo dục, xã hội ngoài
nhà trường, các hoạt động thông tin tuyên truyền qua các phương tiện và các kênh thông tin
khác nhau…có ảnh hưởng tới
Yếu tố chủ quan là các thành tố của quá trình giáo dục (mục đích, nội dung,
phương pháp, phương tiện…) cách tổ chức được chủ thể và khách thể của quá trình giáo dục
tác động để nó vận hành và phát triển nhằm đem lại hiệu quả giáo dục; các yếu tố tâm lí, trình
độ được giáo dục, điều kiện, hoàn cảnh gia đình,… của đối tượng giáo dục; các mối quan hệ sư
phạm được tạo ra trong quá trình tác động qua lại giữa học sinh với giáo viên, giữa học sinh
với các lực lượng giáo dục khác.
Quá trình giáo dục luôn diễn ra dưới những tác động vừa phức tạp, vừa hỗn hợp
của rất nhiều các yếu tố. Tuy nhiên, các yếu tố tác động đến quá trình giáo dục với nhiều mức
độ khác nhau, chúng có thể thống nhất, hỗ trợ cho nhau trong quá trình giáo dục, cũng có thể
có mâu thuẫn làm hạn chế, suy giảm, thậm chí làm vô hiệu hóa kết quả của quá trình giáo dục.
Chính vì vậy, quá trình giáo dục chỉ có thể đạt được mục tiêu của mình khi nhà giáo dục biết
chủ động phối hợp thống nhất các tác động giáo dục (gia đình, nhà trường, xã hội) nhằm phát
huy những tác động tích cực và hạn chế những tác động tiêu cực tác động tới người được giáo
dục.
b. Quá trình giáo dục là một quá trình diễn ra lâu dài
Mục tiêu của quá trình giáo dục là hình thành quan điểm, thế giới quan, nhân sinh
quan, niềm tin, lý tưởng, phẩm chất nhân cách của người công dân, người lao động mà xã hội
yêu cầu ở người được giáo dục. Để thực hiện mục tiêu đó đòi hỏi quá trình giáo dục phải diễn
ra một thời gian dài mới đạt được kết quả và thực tiễn giáo dục đã cho thấy: giáo dục diễn ra
suốt cuộc đời mỗi người. Tính chất lâu dài của quá trình giáo dục được xem xét ở các góc độ
sau:
- Việc hình thành hành vi và thói quen hành vi đúng đắn ở người được GD, đòi hỏi
quá trình giáo dục phải tác động đến nhận thức, tạo lập xúc cảm, tình cảm tích cực đối với

6
hành vi đó đồng thời người được giáo dục phải trải qua một quá trình luyện tập, trải nghiệm
để lặp đi lặp lại hành vi đó trở thành thói quen bền vững gắn với nhu cầu của họ. Vì vậy quá
trình giáo dục đòi hỏi trong một thời gian dài, liên tục mới có được kết quả.
- Trong quá trình hình thành quan điểm, thái độ, niềm tin, thói quen hành vi mới
phù hợp với các CMXH quy định ở người được giáo dục , bản thân người được giáo dục cũng
luôn phải diễn ra cuộc đấu tranh động cơ giữa cái cũ và cái mới cần phải hình thành (quan
điểm, niềm tin, giá trị, hành vi, thói quen hành vi mới). Thông thường, những cái cũ, lạc hậu
thường tồn tại dai dẳng khó thay đổi, đặc biệt là những thói quen hành vi xấu đã được tạo lập ở
mỗi người. Nếu người được giáo dục không quyết tâm thay đổi thì cái cũ lại nhanh chóng quay
trở lại và cái mới khó được hình thành.
Vì vậy, quá trình giáo dục muốn đạt được mục tiêu, hiệu quả giáo dục đòi hỏi nhà
giáo dục không được nôn nóng, vội vàng đốt cháy giai đoạn mà cần phải kiên trì, bền bỉ, liên
tục tác động cùng với sự tự giác, nỗ lực quyết tâm tự rèn luyện của người được giáo dục.
c. Quá trình giáo dục mang tính cá biệt, cụ thể
Quá trình giáo dục được thực hiện trong cuộc sống, hoạt động và giao lưu của mỗi
cá nhân con người. Người được giáo dục có sự khác nhau về tuổi tác, trình độ, tính cách,
điều kiện hoàn cảnh….Vì vậy, trong những điều kiện môi trường giáo dục xác định, với
những đối tượng giáo dục cụ thể…Quá trình giáo dục luôn có những tác động phù hợp.
Tính cá biệt, cụ thể của quá trình giáo dục được thể hiện như sau:
- Quá trình giáo dục phải tính đến đặc điểm của từng nhóm đối tượng, từng đối
tượng giáo dục cụ thể: đặc điểm tâm sinh lý, trình độ được giáo dục, kinh nghiệm sống, thái
độ, hành vi, thói quen, điều kiện hoàn cảnh sống,…khi thực hiện tổ chức các hoạt động giáo
dục và đưa ra những quyết định của nhà giáo dục.
- Quá trình giáo dục diễn ra trong thời gian, thời điểm, không gian với những điều
kiện, hoàn cảnh cụ thể. Do đó quá trình giáo dục phải trên cơ sở những điều kiện cụ thể của
tình huống giáo dục để có những yêu cầu và tác động phù hợp đối với người được giáo dục.
- Quá trình giáo dục phải đặc biệt chú ý luyện tập và rèn luyện các thao tác, kĩ năng
hành động ở người được giáo dục thể hiện theo các yêu cầu, nội dung, chuẩn mực xã hội về
nhiều mặt, nhiều lĩnh vực trong đời sống của cá nhân nhưng vẫn thể hiện nét tính cách độc đáo
riêng của mỗi con người.
- Bên cạnh những tác động chung, đòi hỏi nhà giáo dục cần phải có những tác
động riêng phù hợp với từng đối tượng giáo dục trong từng bối cảnh cụ thể. Tuyệt đối tránh
các cách giáo dục rập khuôn máy móc, hình thức bởi, với cách giáo dục đó sẽ mang lại thất
bại, tác động phản giáo dục.
- Kết quả giáo dục cũng mang tính cụ thể của một quá trình giáo dục cho từng đối
tượng, từng nhóm đối tượng giáo dục cụ thể, đối với từng mặt, từng yêu cầu cụ thể…., trong
những điều kiện, hoàn cảnh nhất định.
d. Quá trình giáo dục thống nhất biện chứng với quá trình dạy học
Qúa trình dạy học và quá trình giáo dục là hai quá trình bộ phận của quá trình sư
phạm tổng thể có mối quan hệ thống nhất biện chứng với nhau. Sự thống nhất của hai quá
trình này là cùng hướng tới phát triển nhân cách toàn diện cho người học đáp ứng các yêu
cầu của xã hội. Tuy nhiên, mỗi quá trình có chức năng, nhiệm vụ riêng nên giữa chúng có sự

7
tác động qua lại, hỗ trợ, đan xen bổ xung cho nhau cùng đem lại sự phát triển nhân cách của
người học.
Nhiệm vụ của quá trình dạy học không những chỉ hình thành cho người học tri
trức, kỹ năng kỹ xảo, phát triển năng lực hoạt động trí tuệ mà còn hình thành phẩm chất
nhân cách của người công dân, người lao động. Hay ta thường nói: thông qua “dạy chữ” để
“dạy người”.
Ngược lại: nhờ có quá trình giáo dục mà người được giáo dục xây dựng được thế
giới quan khoa học, động cơ thái độ học tập đúng đắn, thói quen hành vi tích cực… Chính
kết quả giáo dục này sẽ tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động học tập của người học nói riêng,
hoạt động dạy học nói chung vận động phát triển.
Mục đích cuối cùng của giáo dục là phát triển con người có đủ tài và đức để đáp
ứng các yêu cầu của xã hội, đủ sức cạnh tranh và phát triển. Vì vậy trong công tác giáo dục
nói chung, giáo dục ở nhà trường nói riêng tránh tách rời hai quá trình giáo dục và quá trình
dạy học.

You might also like