You are on page 1of 16

KHẢO SÁT CÁC YẾU TỐ PHONG TỤC VIỆT NAM TRONG GIÁO TRÌNH

DẠY TIẾNG VIỆT CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI

TRẦN THỊ XUÂN


Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế

Tóm tắt: Bài báo được thực hiện dựa trên cơ sở thống kê và phân tích những yếu tố
phong tục Việt Nam trong các giáo trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài hiện
đang có tại khoa Việt Nam học, trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế. Kết quả
khảo sát đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá tổng quát những yếu tố phong
tục Việt Nam được sử dụng trong các giáo trình dạy tiếng Việt cho người nước
ngoài. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng góp phần khẳng định việc lồng ghép các yếu
tố phong tục vào quá trình giảng dạy Tiếng Việt cho người nước ngoài là rất quan
trọng, những nội dung liên quan đến phong tục cần được mở rộng hơn để tạo nên sự
phong phú và đa dạng. Từ đó, nghiên cứu đề xuất một số phương pháp dạy và học
tiếng Việt cũng như phong tục Việt Nam cho người nước ngoài.

Từ khóa: Phong tục Việt Nam, giáo trình tiếng Việt, người nước ngoài

1. Mở đầu
Vấn đề lồng ghép các yếu tố văn hóa trong việc dạy và học ngoại ngữ đang
ngày càng được quan tâm. Bởi lẽ, ngôn ngữ và văn hóa có mối quan hệ chặt chẽ với
nhau, người học ngoại ngữ muốn giao tiếp hiệu quả thì nhất thiết phải nắm được
văn hóa của ngôn ngữ mình đang học. Trong dạy và học tiếng Việt như ngôn ngữ
thứ hai cũng như vậy, việc nắm bắt được những đặc điểm văn hóa cũng luôn đóng
một vai trò quan trọng giúp người học thành công.
Phong tục là một bộ phận quan trọng của văn hóa. Đối với văn hóa Việt
Nam, yếu tố phong tục lại càng quan trọng bởi nó hiện hữu trong cuộc sống thường
ngày, những lễ tết, lễ hội diễn ra gần như quanh năm tạo nên sự phong phú, đa dạng

1
và gần gũi. Do vậy, việc lồng ghép các yếu tố văn hóa Việt trong giảng dạy tiếng
Việt cho người nước ngoài đa phần cũng chính là lồng ghép các yếu tố phong tục
của người Việt giúp cho người học cảm thấy hứng thú và yêu thích việc học tiếng
Việt.
Việc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài tại khoa Việt Nam học, trường Đại
học ngoại ngữ, Đại học Huế đang ngày càng phát triển. Các giáo viên tham gia
giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài tại khoa luôn quan tâm đến vấn đề lồng
ghép các yếu tố văn hóa, phong tục vào quá trình giảng dạy, đặc biệt là văn hóa
Huế. Trong nghiên cứu này, chúng tôi tiến hành khảo sát các yếu tố phong tục trong
sách, giáo trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài hiện có tại khoa Việt Nam học,
trường Đại học ngoại ngữ, Đại học Huế. Từ đó, chúng tôi sẽ thống kê và phân tích
các số liệu liên quan, đưa ra những nhận xét và đề xuất các giải pháp về việc vận
dụng các yếu tố phong tục trong giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài.
2. Cơ sở lý luận
2.1. Khái niệm phong tục
Phong tục là một phần của văn hóa, trong các nghiên cứu về văn hóa và
phong tục, các nhà nghiên cứu cũng đã đưa ra khái niệm về phong tục. Trong Từ
điển Văn hóa, phong tục cổ truyền Việt Nam, nhóm tác giả đã đưa ra khái niệm,
“Phong tục là hệ thống các tục lệ, tập quán, nếp ứng xử hình thành tự nhiên, từ lâu
đời trong cuộc sống gia đình, xã hội, được tất cả các thành viên cộng đồng chấp
nhận, tuân theo như là các quy ước, các chuẩn mực, đối nhân xử thế, quy cách hành
xử người với người, người với thần linh, trời đất phản ánh các quan điểm triết lí,
thẩm mĩ, tín ngưỡng của một cộng đồng người nhất định” [35, 278]. Tác giả Trần
Ngọc Thêm trong “Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam” cho rằng: “Đời sống mỗi cá
nhân trong cộng đồng được tổ chức dưới những tập tục được lan truyền từ đời này
sang đời khác” [25, 233].
Trong bài báo Nghiên cứu phong tục trên phương diện khái niệm và liên
ngành, tác giả Tạ Đức Tú đã nhận định “Phong tục là những thói quen sinh hoạt

2
trong đời sống được cộng đồng thừa nhận và truyền từ đời này qua đời khác, là nét
đặc trưng riêng của mỗi cộng đồng, dân tộc [30, 83].
Theo Trương Thìn, “‘Phong’ là nề nếp đã lan truyền rộng rãi, ‘tục’ là thói
quen lâu đời. Nội dung phong tục bao hàm mọi sinh hoạt xã hội… Trong truyền
thống văn hoá của dân tộc ta, có nhiều thuần phong mỹ tục cho đạo lý làm người,
kỷ cương xã hội” [27, 5].
Tác giả Nam Việt trong Văn hoá phong tục thế giới qua hình ảnh đã viết:
“Phong tục là nét đặc trưng riêng của mỗi dân tộc trên thế giới, trở thành luật tục ăn
sâu vào đời sống của nhân dân. Môi trường văn hoá là một trong những nhân tố
quyết định đến phong tục. Văn hoá phong tục là những căn cứ quan trọng để đánh
giá chủ quyền văn hoá của mỗi dân tộc” [32, 3].
Như vậy, phong tục có thể hiểu là những thói quen trong sinh hoạt hàng
ngày, những cách ứng xử với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội của một cộng
đồng nhất định, những thói quen này đã ăn sâu vào đời sống xã hội, được truyền từ
đời này sang đời khác tạo nên đặc trưng của cộng đồng đó.
2.2. Một số phong tục tiêu biểu của Việt Nam
Việt Nam là một trong những quốc gia có nền văn hóa gắn liền với nông
nghiệp, từ lâu đã có sự giao thoa với các nền văn hóa lân cận, vì thế phong tục Việt
Nam rất đa dạng và phong phú. Tác giả Trương Thìn cho rằng: “Phong tục là một
bộ phận của văn hoá và có thể chia thành nhiều loại. Hệ thống phong tục liên quan
đến vòng đời người, như: phong tục về sinh đẻ, trưởng thành, cưới xin, mừng thọ và
lên lão… Hệ thống phong tục liên quan đến hoạt động của con người theo chu kỳ
thời tiết trong năm, hệ thống phong tục liên quan đến chu kỳ lao động của con
người” [27, 5]. Với tác phẩm “100 điều nên biết về phong tục Việt Nam”, tác giả
Tân Việt, những phong tục của người Việt được tác giả sắp xếp vào các phần cưới
hỏi, sinh dưỡng, giao thiệp, đạo hiếu, lễ tang, giỗ tết tế lễ, vấn đề chọn ngày chọn
giờ [33]. Trong tác phẩm “Việt Nam phong tục” của tác giả Phan Kế Bính, phong
tục Việt Nam được viết theo 97 mục và phân thành 3 chương lớn gồm Gia tộc,
Hương đảng và Xã hội [1]. Tác giả Nhất Thanh cũng đã tổng hợp các phong tục

3
Việt Nam theo 13 nội dung lớn trong tác phẩm “Đất lề quê thói, Phong tục Việt
Nam” về các vấn đề hình dáng, tính tình, thức ăn, đồ uống, áo quần, nhà ở, gia tộc,
lấy vợ lấy chồng, ma chay và làng xóm… [24].
Như vậy, chúng ta có thể thấy một số phong tục tiêu biểu của người Việt
được nhiều tác giả đưa vào nghiên cứu gồm: phong tục hôn nhân, tang ma, lễ tết, lễ
hội, trang phục, ẩm thực, những phong tục mối quan hệ gia tộc giữa cha mẹ và con
cái, trong xã hội như thầy trò, bạn bè, làng xóm.
Hôn nhân: Theo GS. Trần Ngọc Thêm, “Hôn nhân của người Việt Nam
truyền thống không phải là việc hai người lấy nhau mà là việc “hai họ” dựng vợ gả
chồng cho con cái. Tục lệ này xuất phát từ quyền lợi của tập thể” [26, 143]. Do vậy,
có rất nhiều tục lệ liên quan đến hôn nhân của người Việt.
Tang lễ: phong tục tang lễ của người Việt cũng rất quan trọng, “người Việt
Nam bị giằng kéo giữa hai thái cực: Một mặt là quan niệm có tính triết lí cho rằng
sau khi chết, linh hồn sẽ về nơi “thế giới bên kia” nên việc tang ma được xem như
việc đưa tiễn; mặt khác là quan niệm trần tục coi chết là hết nên việc tang ma là việc
xót thương. Xem tang ma như việc đưa tiễn và với thói quen sống bằng tương lai
(sản phẩm của triết lí âm dương), cho nên người Việt Nam rất bình tĩnh, yên tâm
đón chờ cái chết. Chết già vì vậy được xem là một sự mừng: trẻ làm ma, già làm
hội” [26, 146]. Vì thế, tang lễ của người Việt cũng có rất nhiều tập tục độc đáo.
Lễ tết, lễ hội: Với nền văn hóa gắn liền với nông nghiệp lúa nước, nên các
ngày lễ tết và lễ hội thường được tổ chức vào các khoảng thời gian rảnh của mùa
vụ, cũng chính vì thế mà số lượng các dịp lễ tết, lễ hội rất nhiều và diễn ra gần như
quanh năm. Theo GS. Trần Ngọc Thêm, Lễ Tết và lễ hội đều là sự tổng hợp uyển
chuyển của cái linh thiêng (lễ) và cái trần thế (Tết, hội) [26, 150].
Ẩm thực: Trong tác phẩm “Văn minh Việt Nam”, Nguyễn Văn Huyên đã
viết “Người Việt từ lâu sống bằng nghề nông và đánh cá, vì thế cơ sở thức ăn của
họ là gạo, rau, cá [15, 209]. Mỗi loại thức ăn lại có nhiều thứ khác nhau, nhiều cách
chế biến, cách thưởng thức khác nhau, tạo nên sự đa dạng cho ẩm thực Việt Nam.

4
Nhà cửa: đối với người Việt, đời sống gắn liền với nông nghiệp nên “ngôi
nhà – cái tổ ấm để đối phó với nóng lạnh, nắng mưa, gió bão – là một trong những
yếu tố quan trọng nhất đảm bảo cho họ một cuộc sống định cư ổn định” [26, 215].
Do vậy, người Việt cũng có rất nhiều các phong tục tập quán liên quan đến việc xây
dựng nhà cửa.
Trang phục: Tác giả Nguyễn Văn Huyên cũng nhận định “Người Việt cực kỳ
kinh sợ sự trần truồng [...] Người ta mặc rách rưới, nhưng chẳng bao giờ ở trần.
Nhất là đàn bà thuộc âm, nguyên lý của bóng tối, phải được che kín” [15, 204].
Trang phục Việt Nam rất phong phú và thay đổi qua các thời kỳ, những trang phục
truyền thống của người Việt cũng mang tính chất đặc trưng vùng miền.
Gia tộc: “Gia đình là nền tảng của xã hội Việt Nam. Đơn thuần là một vợ
một chồng sống chung trong một nếp nhà với những người con thường chưa đến
tuổi trưởng thành. Nhiều gia đình còn có cha mẹ ở chung. Cũng có những gia đình
trên cha mẹ lại còn ông bà, kể đến hàng con là bốn đời” [24, 222]. Cũng chính vì
vậy mà người Việt Nam cũng có nhiều phong tục trong gia tộc như vai trò của vợ
chồng, cha mẹ, con cái… những phong tục về thờ cúng tổ tiên, hương hỏa, kỵ giỗ.
Xã hội: Với văn hóa nông nghiệp lúa nước, quanh năm làm việc nơi đồng
ruộng, “nhiều già đình ở quy tụ thành khu gọi là xóm […] Hai ba bốn, có khi năm
sáu xóm họp lại thành một thôn, còn gọi là làng” [24, 391]. Theo GS. Trần Ngọc
Thêm, “những người sống gần nhau có xu hướng liên kết chặt chẽ với nhau. Sản
phẩm của lối liên kết này là khái niệm Làng, xóm” [26, 91]. “Tính cộng đồng và
tính tự trị là hai đặc trưng bao trùm nhất, quan trọng nhất của làng xã; chúng tồn tại
song song như hai mặt của một vấn đề. Tính cộng đồng là sự liên kết các thành viên
trong làng lại với nhau[…] tính tự trị chú trọng nhấn mạnh vào sự khác biệt [26,
100]. Từ đó, các phong tục tập quán liên quan đến làng xóm xuất hiện, ngày càng
trở nên phong phú.
2.3. Vai trò của việc lồng ghép các yếu tố phong tục trong việc dạy tiếng Việt
cho người nước ngoài

5
Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định ngôn ngữ và văn hóa có mối liên hệ chặt
chẽ với nhau. Nên việc giảng dạy ngoại ngữ cần thiết phải lồng ghép các yếu tố văn
hóa, trong đó có yếu tố phong tục.
Nhóm tác giả Nguyễn Thị Cơ và Nguyễn Thị Mai đã đưa ra nhận định trong
nghiên cứu của mình “Văn hóa là hợp phần không thể thiếu được của dạy học ngoại
ngữ. Người học không thể làm chủ một ngôn ngữ nếu không nắm được những đặc
trưng tiêu biểu của nền văn hóa đó… Và quan trọng hơn là hình thành ở người học
năng lực giao tiếp liên văn hóa, tính chủ động trong giao tiếp” [3]. Trong bài viết
“Văn hóa trong giảng dạy ngoại ngữ”, tác giả Bùi Thị Hằng Nga cũng đã viết
“Ngôn ngữ và văn hóa có mối liên hệ chặt chẽ, không thể tách rời. Ngôn ngữ là
phương tiện truyền tải văn hóa và văn hóa chứa đựng trong ngôn ngữ” [19].
Theo tác giả Sapir, (1991), “Mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa được xác
định một cách cụ thể là “vô cùng chặt chẽ, tới mức mà ta không thể hiểu và đánh
giá đúng được cái này nếu không có kiến thức về cái kia” (Dẫn theo Nguyễn Thị
Quỳnh Hoa, 2015) [11].
“Nhằm mục đích giảng dạy ngoại ngữ, có thể phân định văn hoá thành hai
loại: Loại thứ nhất được gọi là văn hoá tiên tiến/cao cấp (high culture), có liên quan
thành tựu về văn học, nghệ thuật, giáo dục, triết học... và được xem như tinh hoa
của dân tộc. Loại thứ hai gọi là văn hoá đại chúng/bình dân (popular culture), liên
quan đến cuộc sống hàng ngày bao gồm lối sống, kiểu mẫu ứng xử, tín ngưỡng, tập
quán,... Loại này được nhiều người xem như là nội dung văn hoá cơ bản trong giảng
dạy ngoại ngữ […] Ngôn ngữ là phương tiện chủ yếu để chuyển tải và phản ánh các
giá trị, niềm tin, phong tục... của một nền văn hoá” (Dẫn theo Trần Thủy Vịnh,
2013) [34].
Vì vậy, việc giảng dạy văn hóa thật sự cần thiết trong quá trình dạy ngoại
ngữ, đặc biệt những nội dung liên quan đến phong tục. Việc giảng dạy phong tục có
thể được lồng ghép trong các tiết dạy kỹ năng ngôn ngữ, cũng có thể giảng dạy
thành một học phần riêng để khai thác những thú vị của nó, tạo hứng thú cho người
học tìm hiểu về văn hóa, từ đó quay trở lại làm nền tảng cho việc học ngôn ngữ.

6
3. Phương pháp nghiên cứu
Để tiến hành nghiên cứu đề tài này, chúng tôi sử dụng các phương pháp sau:
- Phương pháp tổng hợp, phân tích tài liệu: tìm kiếm và tham khảo các tài
liệu về nghiên cứu giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ, nghiên cứu về văn hóa
và đặc biệt là phong tục, các nghiên cứu về việc giảng dạy văn hóa trong dạy và học
ngoại ngữ.
- Phương pháp thu thập dữ liệu - thống kê: nhằm thu thập và thống kê các nội
dung về phong tục trong các sách, giáo trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài
tại khoa Việt Nam học, trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế.
- Phương pháp phân loại: Dựa trên những tiêu chí cụ thể để phân loại từ các
dữ liệu thu thập được.
4. Kết quả nghiên cứu
4.1. Thống kê các yếu tố phong tục được khai thác trong những giáo trình
được khảo sát
Chúng tôi đã tiến hành khảo sát 35 tài liệu gồm sách, giáo trình về việc dạy
tiếng Việt cho người nước ngoài hiện có tại khoa Việt Nam học, trường Đại học
Ngoại ngữ, Đại học Huế. Trong số đó, có 29 tài liệu có các bài đọc liên quan đến
phong tục Việt Nam, chiếm 82.86%. Như vậy, rõ ràng vấn đề lồng ghép các yếu tố
văn hóa nói chung và phong tục nói riêng luôn được các giáo viên quan tâm, đưa
vào giáo trình giảng dạy.
Chúng tôi đã thống kê được 113 bài đọc liên quan đến phong tục Việt Nam
trong 29 giáo trình thống kê ở trên. Tức là, trung bình, mỗi giáo trình có khoảng 4
bài đọc liên quan đến phong tục, con số này còn quá ít. Trong các bài đọc về phong
tục đã được thống kê, chủ yếu được phân loại vào các mục như sau:
Bảng 1. Thống kê số lượng các bài đọc về phong tục Việt Nam
STT Phần trăm
Chủ đề Số bài đọc
(%)
1 Gia đình 12 10.62
2 Bạn bè 6 5.30

7
3 Con người 10 8.85
4 Giáo dục 4 3.53
5 Giao tiếp 8 7.08
6 Hôn nhân 10 8.85
7 Tín ngưỡng 6 5.30
8 Lễ hội 10 8.85
9 Lễ tết 22 19.47
10 Ẩm thực 13 11.50
11 Nhà cửa 1 0.88
12 Trang phục 11 9.73

Với bảng khảo sát trên, chúng ta có thể nhận thấy phong tục lễ tết được các
giáo trình khai thác với số lượng nhiều nhất, đạt 21/113 bài đọc, chiếm 18.58%. Có
thể vì yếu tố lễ tết với nhiều phong tục đặc sắc, thời gian diễn ra dài giúp người học
dễ tiếp cận nên đã được lựa chọn đưa vào giảng dạy nhiều nhất. Tiếp đến là yếu tố
ẩm thực với 11.5%, yếu tố trang phục chiếm 9.73%, đây cũng là hai yếu tố gần gũi
nhất đối với người học khi được học trong môi trường văn hóa Việt Nam. Các mối
quan hệ trong gia đình cũng chiếm tỉ lệ cao với 10.62%, đa số những nội dung bài
đọc thuộc chủ đề này thường nói về mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái, vai trò của
bố mẹ và con cái, tính tôn ti, tình cảm gia đình. Các yếu tố về con người như ngoại
hình, tính cách, đặc biệt của phụ nữ thường được khai thác nhiều, bên cạnh đó yếu
tố hôn nhân, lễ hội cũng cùng chiếm tỉ lệ 8.85%. Các yếu tố giao tiếp, tín ngưỡng,
bạn bè, giáo dục lần lượt chiếm các tỉ lệ thấp hơn. Và thấp nhất chính là yếu tố nhà
cửa chỉ với 1 bài đọc chiếm 0.88%. Yếu tố phong tục tang ma không hề được nhắc
đến mặc dù nó đóng cũng có vị trí quan trọng trong các phong tục tiêu biểu của
người Việt, có lẽ vì đây là yếu tố tang thương, nhiều nội dung khó hiểu và người
học cũng ít có cơ hội được tiếp cận thực tế.
Ở mỗi chủ đề, các bài đọc thường truyền tải 1 hoặc 2 tập tục đặc trưng của
một phong tục, chẳng hạn về lễ tết, lễ hội các bài viết sẽ xoay quanh các phong tục

8
trong dịp Tết Nguyên đán và Tết trung thu, giới thiệu chung về lễ hội Việt Nam và
tập trung vào lễ giỗ tổ Hùng Vương. Hay về chủ đề hôn nhân, các bài đọc đa phần
chỉ giới thiệu về tiệc cưới của người Việt. Bởi lẽ, những giáo trình được khảo sát
không nhằm mục đích giảng dạy về phong tục Việt Nam, nên các tác giả chỉ tập
trung khai thác ở một vài đặc điểm của các phong tục. Tuy nhiên, với một lượng lớn
các phong tục của người Việt thì việc khai thác nhiều hơn nữa những điểm độc đáo
của chúng để lồng ghép vào nội dung dạy và học tiếng Việt cho người nước ngoài là
điều cần thiết.
4.2. Đặc điểm các yếu tố phong tục được khai thác theo từng cấp độ
Chúng ta có thể thấy các yếu tố phong tục được lồng ghép chủ yếu tập trung
ở một số đặc trưng và có sự lặp lại một phần hoặc hoàn toàn ở các trình độ khác
nhau. Chúng ta có thể thầy trong bảng 2:
Bảng 2. Thống kê các bài đọc về phong tục theo từng cấp độ
Số phần trăm
STT Trình độ Chủ đề Số bài đọc
(%)
Ẩm thực, Trang phục, Gia
1 Sơ cấp 9 7.97
đình, Lễ tết, Giao tiếp
Ẩm thực, Trang phục, Bạn
bè, Giao tiếp, Con người,
2 Trung cấp 23 20.35
Hôn nhân, Giáo dục, Lễ
hội, Lễ tết,
Ẩm thực, Trang phục, Gia
đình, Bạn bè, Con người,
3 Cao cấp Giao tiếp, Hôn nhân, Giáo 81 71.68
dục, Lễ hội, Lễ tết, Nhà
cửa, Tín ngưỡng

Từ số liệu bảng trên, chúng ta có thể thấy, ở trình độ sơ cấp, số lượng các bài
đọc về phong tục trong các giáo trình rất ít với 9 bài chiếm tỉ lệ 7.97% chủ yếu tập

9
trung vào các chủ đề về ẩm thực, trang phục, gia đình, lễ tết và giao tiếp. Ở trình độ
trung cấp, con số này là 23 bài với tỉ lệ 20.35% với các chủ đề hôn nhân, bạn bè,
con người, lễ hội được thêm vào. Và dĩ nhiên, ở trình độ cao cấp, người học được
tiếp cận nhiều hơn với các bài đọc về phong tục với số lượng 81 bài chiếm 71.68%,
mở rộng thêm chủ đề về nhà cửa và tín ngưỡng.
Ở mỗi trình độ, các bài đọc về phong tục cũng đã khai thác các chủ đề ở
những độ khó khác nhau, từ những đoạn văn ngắn ở trình độ sơ cấp đến những bài
đọc dài hơn, những truyện ngắn ở các trình độ cao hơn. Ở những giáo trình được
khảo sát, mỗi bài đọc về phong tục cũng được biên soạn chủ yếu phục vụ mục đích
rèn luyện các kỹ năng ngôn ngữ nên thường tập trung vào việc giới thiệu từ vựng và
phân tích ngữ pháp. Ở những sách luyện đọc hay đọc hiểu thì chủ yếu đưa ra các
mẫu truyện ngắn ở mức trung cấp và cao cấp để học viên đọc hiểu và luyện tập trả
lời những câu hỏi liên quan.
Một số phong tục, đặc biệt là phong tục hôn nhân, có những bài đọc liên
quan đến phong tục này được tác giả đưa vào cả hai cấp độ trung cấp và cao cấp.
Chẳng hạn, bài đọc “Hôn lễ của người Việt” đều xuất hiện trong giáo trình Tiếng
Việt Hiện đại Stage 2 và Stage 3. Tuy nhằm mục đích nhắc lại và mở rộng về phong
tục này nhưng sự lặp lại này có thể khiến người học cảm thấy nhàm chán. Thay vào
đó, tác giả có thể khai thác thêm những phong tục khác để người học cảm nhận
được sự đa dạng trong phong tục của người Việt Nam.
Đa phần các giáo trình được khảo sát đều được biên soạn từ các trường Đại
học ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nên những nội dung phong tục cũng đang
được giới thiệu ở mức độ chung nhất chứ chưa có nhiều đặc trưng phong tục địa
phương.
4.3. Một vài nhận xét về việc lồng ghép các yếu tố phong tục vào dạy và học
tiếng Việt cho người nước ngoài
Từ những phân tích trên, chúng tôi có thể đưa ra một số nhận xét về việc
lồng ghép các yếu tố phong tục vào dạy và học tiếng Việt cho người nước ngoài
như sau:

10
Thứ nhất, phong tục là một bộ phận của văn hóa, rất gần gũi với đời sống
thường ngày, phong phú và đa dạng, nên việc lồng ghép các yếu tố phong tục vào
giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài cũng đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh
mục đích tạo nền tảng văn hóa cho người học có thể hiểu và giao tiếp tốt bằng tiếng
Việt, các yếu tố này cũng tạo hứng thú cho người học.
Thứ hai, đa số các giáo trình được khảo sát trong đề tài này đều có sự quan
tâm đến việc lồng ghép các yếu tố phong tục vào quá trình giảng dạy tiếng Việt cho
người nước ngoài. Tuy nhiên, số lượng các bài đọc có liên quan đến phong tục Việt
Nam trong các giáo trình còn ít, chưa khai thác nhiều đặc điểm độc đáo của các
phong tục, chỉ tập trung vào một số phong tục đặc trưng và hạn chế một số phong
tục về sự tang thương.
Thứ ba, ở những trình độ khác nhau, các giáo trình đưa ra những bài đọc về
phong tục ở những mức độ khác nhau, từ dễ đến khó, từ những đoạn ngắn đến
những bài đọc dài. Ở trình độ sơ cấp, những phong tục được đề cập thường rất gần
gũi với cuộc sống hàng ngày, càng ở trình độ cao, người học càng được tiếp cận với
nhiều phong tục hơn.
Thứ tư, các giáo trình được khảo sát chủ yếu nhằm phục vụ mục đích dạy kỹ
năng ngôn ngữ, nên việc tìm hiểu các phong tục cũng chỉ đóng vai trò phụ trong quá
trình phân tích bài học, những yếu tố về từ vựng, ngữ pháp vẫn được chú trọng hơn.
Thứ năm, một số bộ giáo trình, có sự lặp lại nội dung một số phong tục ở các
trình độ khác nhau. Tuy với mục đích ôn tập và mở rộng thêm những đặc trưng của
một phong tục nào đó nhưng điều này có thể khiến người đọc mất đi sự hứng thú vì
bản thân người học đã tìm hiểu nôi dung này rồi và đang kỳ vọng tìm hiểu thêm
những nội dung mới.
Cuối cùng, các nội dung phong tục còn mang tính tổng quát, chưa quan tâm
nhiều đến các phong tục địa phương. Nên chăng người dạy cần xem xét và lồng
ghép thêm nhiều nội dung liên quan đến phong tục của vùng miền trong giảng dạy
tiếng Việt cho người nước ngoài, thậm chí, có thể có một học phần riêng về văn hóa
phong tục Việt Nam cũng là điều cần thiết. Chẳng hạn, đối với khoa Việt Nam học,

11
trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế, giáo viên có thể dạy lồng ghép các yếu tố
văn hóa Huế trong quá trình giảng dạy, khoa cũng có thể xây dựng chương trình
Huế học để người học có thể tham gia học tập và tìm hiểu những nét văn hóa, phong
tục của người Huế.
5. Kết luận và kiến nghị
Qua quá trình khảo sát và phân tích dữ liệu, kết quả nghiên cứu đã chỉ ra
mức độ lồng ghép các yếu tố phong tục vào nội dung giáo trình vẫn còn ít và chỉ tập
trung vào một số phong tục. Cách phân tích các nội dung văn hóa trong giáo trình
chủ yếu nhằm phục vụ việc dạy kĩ năng nhiều hơn là tìm hiểu về văn hóa, phong
tục. Một số nội dung phong tục có tính lặp lại ở các giáo trình nên chưa tạo được sự
cuốn hút cho người học. Từ đó, chúng tôi xin đưa ra một số kiến nghị như sau:
Về việc lồng ghép các yếu tố phong tục vào giảng dạy tiếng Việt cho người
nước ngoài, người dạy cần tìm hiểu các phong tục Việt Nam để có thể vận dụng
thích hợp trong suốt quá trình giảng dạy các kỹ năng tiếng Việt. Dựa vào những nội
dung phong tục được khai thác trong các giáo trình, người dạy và người học có thể
tìm thêm những đặc điểm khác xoay quanh phong tục đó bằng những bài viết bên
ngoài, bằng việc quan sát hoặc trải nghiệm thực tế trong chính môi trường văn hóa
đó. Đặc biệt, người dạy có thể nghiên cứu về các phong tục của chính địa phương
nơi người học đang theo học để đưa vào giảng dạy nhằm tạo hiệu quả cao hơn.
Về việc đề xuất một số phương pháp dạy và học tiếng Việt và phong tục Việt
Nam, “Byram (1994) đưa ra mô hình giảng dạy ngoại ngữ và văn hoá gồm bốn
thành phần cơ bản: việc học ngôn ngữ, nhận thức ngôn ngữ, nhận thức văn hoá và
trải nghiệm văn hoá” (Dẫn theo Trần Thủy Vịnh, 2013) [34]. Với mô hình của
Byram (1994) đưa ra, chúng tôi đề xuất một số phương pháp sau:
- Phương pháp diễn dịch: Người dạy sẽ giới thiệu và cung cấp từ vựng,
những kiến thức về một phong tục nào đó, sau đó, người học sẽ tìm hiểu, tham gia
trải nghiệm hoạt động liên quan đến phong tục đã học một cách trực tiếp hoặc gián
tiếp thông qua các video, tranh ảnh. Từ đó, người học có thể hiểu hơn về phong tục

12
đã học và có thể phản hồi với người dạy những gì mình chưa hiểu để được giải
thích thêm.
- Phương pháp quy nạp: Người dạy sẽ chỉ gợi mở nội dung phong tục chuẩn
bị học, người học sẽ tham gia vào hoạt động liên quan đến phong tục đó trước,
người học có thể quan sát, quay phim, chụp ảnh, ghi âm… về nó. Khi lên lớp, người
học có thể trình bày cho người dạy về phong tục đã tham gia theo cách hiểu của
mình, từ đó, người dạy có thể giải thích thêm.
- Phương pháp so sánh: Ở phương pháp này, người học sẽ chủ động quan
sát hoặc tham gia các hoạt động của cộng đồng và tự mình phát hiện ra những điều
thú vị, những sự khác biệt về phong tục văn hóa của người Việt Nam với phong tục
của đất nước mình. Từ đó, người học vận dụng những hiểu biết về ngôn ngữ của
mình để trình bày trước cả lớp thông qua slide hoặc video. Người dạy góp ý trước
và sau khi người học trình bày.
Trong những phương pháp này, người dạy luôn phải trang bị những kiến
thức về văn hóa, phong tục để sẵn sàng trao đổi, giải thích với người học. Ở cách
học này, người học luôn đóng vai trò trung tâm, các phương pháp đều chú trọng đến
việc trải nghiệm nên sẽ giúp người học cảm thấy hứng thú với những nội dung văn
hóa phong tục cũng như ngôn ngữ mình đang học.

Tài liệu tham khảo


1. Phan Kế Bính (2016), Việt Nam Phong tục, NXB Văn học, Hà Nội.
2. Cẩm nang học tiếng Việt cho người nước ngoài (2001), Learn & Practice
Vietnamese, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.
3. Nguyễn Thị Cơ, Nguyễn Thị Mai (2015), “Văn hóa trong giảng dạy ngoại ngữ”,
Kỷ yếu hội thảo khoa học trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội,
tr.300-303.
4. Mai Ngọc Chừ, Trịnh Cẩm Lan (2010), Tiếng Việt Cơ sở, NXB Phương Đông,
TP. Hồ Chí Minh.

13
5. Phan Văn Giưỡng (2004), Tiếng Việt Vietnamese for Foreigners 1, NXB Trẻ, TP.
Hồ Chí Minh.
6. Phan Văn Giưỡng, Bửu Khải (2004), Tiếng Việt Vietnamese for Foreigners 2,
NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.
7. Phan Văn Giưỡng (2004), Tiếng Việt Vietnamese for Foreigners 3, NXB Trẻ, TP.
Hồ Chí Minh.
8. Phan Văn Giưỡng, Bửu Khải (2004), Tiếng Việt Vietnamese for Foreigners 4,
NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.
9. Phan Văn Giưỡng (2009), Tiếng Việt Hiện đại (Quyển 1,2,3,4), NXB Văn Hóa
Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh.
10. Nguyễn Thị Ngọc Hân (2001), Giáo trình tiếng Việt VSL – Đọc hiểu 1, Khoa
Việt Nam học, Đại học Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh.
11. Nguyễn Thị Quỳnh Hoa (2015), “Mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa”,
Cổng thông tin Đại học Văn hóa Hà Nội.
12. Nguyễn Văn Huệ, Trần Thị Minh Giới, Nguyễn Thị Ngọc Hân, Thạch Ngọc
Minh (2010), Giáo trình tiếng Việt cho người nước ngoài 1,2, NXB Đại học
Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh.
13. Nguyễn Văn Huệ, Trần Thị Minh Giới, Nguyễn Thị Ngọc Hân, Trần Thủy
Vịnh (2010), Giáo trình tiếng Việt cho người nước ngoài 3, NXB Giáo dục, TP.
Hồ Chí Minh.
14. Nguyễn Văn Huệ, Trần Thị Minh Giới, Nguyễn Thị Ngọc Hân, Trần Thủy
Vịnh (2012), Giáo trình tiếng Việt cho người nước ngoài 4, NXB Giáo dục, TP.
Hồ Chí Minh.
15. Nguyễn Văn Huyên (2016), Văn minh Việt Nam, NXB Hội nhà văn, Hà Nội.
16. Nguyễn Việt Hương (2010), Tiếng Việt Cơ sở dành cho người nước ngoài,
Quyển 1,2, NXB Đại học Quốc Gia, Hà Nội.
17. Nguyễn Việt Hương (2010), Tiếng Việt Nâng cao dành cho người nước ngoài,
Quyển 1, NXB Đại học Quốc Gia, Hà Nội.

14
18. Nguyễn Việt Hương (2011), Tiếng Việt Nâng cao dành cho người nước ngoài,
Quyển 2, NXB Đại học Quốc Gia, Hà Nội.
19. Bùi Thị Hằng Nga (2012), “Văn hóa trong giảng dạy ngoại ngữ”, Kỷ yếu hội
thảo khoa học trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội.
20. Nguyễn Thanh Phong (2017), Giáo trình tiếng Việt Trung cấp Đọc (Dành cho
học viên nước ngoài), NXB Đại học Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh.
21. Nguyễn Thanh Phong (2017), Giáo trình tiếng Việt Nâng cao Đọc (Dành cho
học viên nước ngoài), NXB Đại học Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh.
22. Nguyễn Thanh Phong (2014), Đọc hiểu tiếng Việt Trung cấp (Tài liệu giảng
dạy), Khoa Việt Nam học, Đại học Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh.
23. Trần Thị Tâm, Nguyễn Thị Hoàng Yến (2014), Luyện đọc truyện ngắn (dành
cho học viên nước ngoài), NXB Giáo dục Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh.
24. Nhất Thanh (2016), Đất lề quê thói Phong tục Việt Nam, NXB Văn học, Hà Nội.
25. Trần Ngọc Thêm (2006), Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam, NXB TP. Hồ Chí
Minh.
26. Trần Ngọc Thêm (2011), Cơ sở văn hoá Việt Nam, NXB Giáo dục, TP. Hồ Chí Minh.
27. Trương Thìn (2010), 101 điều cần biết về tín ngưỡng và phong tục, NXB Thời
Đại, Hà Nội.
28. Đoàn Thiện Thuật, Nguyễn Khánh Hà, Trịnh Cẩm Lan, Nguyễn Phương Trang
(2012), Thực hành tiếng Việt Trình độ B, NXB Thế giới, Hà Nội.
29. Đoàn Thiện Thuật, Nguyễn Khánh Hà, Phan Như Quỳnh (2012), Thực hành
tiếng Việt Trình độ C, NXB Thế giới, Hà Nội.
30. Tạ Đức Tú (2016), “Nghiên cứu phong tục trên phương diện và khái niệm liên
ngành”, Tạp chı́ Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 43, tr.83,84
31. Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (2014), Tiếng Việt trình độ A (Tập
1,2), NXB Thế giới, Hà Nội.
32. Nam Việt (2011), Văn hoá phong tục thế giới qua hình ảnh, NXB Hà Nội, Hà
Nội.

15
33. Tân Việt (2001), 100 điều nên biết về phong tục Việt Nam, NXB Văn hóa dân
tộc, Hà Nội.
34. Trần Thủy Vịnh, Trần Thị Minh Giới (2017), Giáo trình tiếng Việt Trung cấp
Nói (Dành cho người nước ngoài), NXB Đại học Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh.
35. Nguyễn Như Ý, Chu Huy (2014), Từ điển Văn hóa, Phong tục cổ truyền Việt
Nam, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
36. Hwang Gwi Yeon, Trịnh Cẩm Lan, Nguyễn Khánh Hà (2013), Bài đọc tiếng
Việt nâng cao (dành cho người nước ngoài), NXB Đại học Quốc Gia, Hà Nội.

Tác giả: Trần Thị Xuân


Email: tranxuan91.dhh@gmail.com
Điện thoại: 01225510243
Thạc sĩ ngành Ngôn ngữ học So sánh, Đối chiếu
Cử nhân ngành Việt Nam học chuyên ngành Ngôn ngữ, Văn hóa, Du lịch
Đơn vị công tác: Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Ngoại ngữ Huế

16

You might also like