You are on page 1of 9

Họ và tên: Mạc Hoàng My

MSSV: 47.01.601.074

TIỂU LUẬN GIỮA KỲ NGÔN NGỮ HỌC.


Đề tài: Tìm và phân tích các biểu hiện văn hóa Việt Nam được biểu hiện trong
tiếng Việt.
MỤC LỤC.
1: Đặt vấn đề……. .……………….……………………………………   02

2: Nội dung ……..………………… ………………………..02

2.1. Ngôn ngữ và văn hóa…………………………………………………… 02

2.2. Biểu hiện của văn hóa trong ngôn ngữ Việt…………………………… 03

3: Kết luận ……..………………… ………………………..08

1
1. Đặt vấn đề.
Ngôn ngữ đóng vai trò tất yếu trong cuộc sống của một người bình thường sống
trong một cộng đồng người, nếu không có ngôn ngữ, xã hội không thể tiếp tục
phát triển. Theo lịch sử hình thành, mỗi lãnh thổ, mỗi vùng đất, cũng như mỗi
một con người trên vùng đất hay lãnh thổ ấy, một nhóm người cùng ở, cùng ăn
hay cùng hoạt động với nhau tạo thành một cộng đồng người, cộng đồng người
ấy phải giao tiếp với nhau để phục vụ cho nhiều mục đích trong cuộc sống. Mà
ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng của con người. Không những thế,
con người còn sử dụng ngôn ngữ để tư duy về thế giới xung quanh. Chính vì
thế, ngôn ngữ luôn có mặt trong đời sống con người từ thuở xa xưa nhất. Theo
tiến trình phát triển của mỗi cộng đồng người, con người sẽ hình thành nên văn
hóa của riêng mình, văn hóa được con người tạo nên theo tiến trình xã hội. Con
người tác động vào môi trường xung quanh, giữa con người với nhau, kể cả
chính mình để hình thành nên văn hóa. Vậy ngôn ngữ - tồn tại cùng con người
qua tiến trình lịch sử lâu dài, là một phần không thể thiếu trong xã hội loài
người, cộng đồng người, đóng vai trò gì trong văn hóa con người? Và văn hóa
đã có những biểu hiện gì trong ngôn ngữ nói chung và ngôn ngữ Việt nói riêng?
Bài viết này lý giải mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa, đồng thời đưa ra
những ví dụ đặc trưng của văn hóa biểu hiện trong trong tiếng Việt.
2. Nội dung.
2.1. Ngôn ngữ và văn hóa
“Ngôn ngữ là một hệ thống dấu hiệu đặc biệt, được dùng làm phương tiện giao
tiếp quan trọng nhất và phương tiện tư duy của con người.” (Hoàng Dũng, Bùi
Mạnh Hùng – Dẫn luận ngôn ngữ học (Tr7)). Ngôn ngữ tồn tại xung quanh ta
và tồn tại trong chính bản thân của mỗi con người. Ngôn ngữ mang chức năng
vô cùng quan trọng đối với cuộc sống con người. Ngôn ngữ ngoài bản chất là hệ
thống các dấu hiệu đặc biệt, nó còn là một bộ phận cấu thành quan trọng của
văn hóa.
Văn hóa lại là một phạm trù đặc biệt khác. Có người cho rằng: “Văn hóa là sản
phẩm của loài người, văn hóa được tạo ra và phát triển trong quan hệ qua lại
giữa con người với xã hội. Văn hóa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác
thông qua quá trình xã hội hóa. Văn hóa được tái tạo và phát triển trong quá
trình hành động và tương tác xã hội của con người. Văn hóa là trình độ phát
triển của con người và xã hội, biểu hiện trong các kiểu và hình thức tổ chức đời
sống, hành động của con người cũng như trong giá trị vật chất và tinh thần mà
con người tạo ra.” (Nguyễn Thị Ngọc Phương & Đỗ Đình Thái, 20/5/2019, Tạp
chí khoa học giáo dục Việt Nam, tr.98-99.) hay “Văn hóa là một hệ thống hữu

2
cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá
trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự
nhiên và xã hội của mình.” (Trần Ngọc Thêm, 1996, Tìm về bản sắc văn hóa
Việt Nam (tr.25)). Có rất nhiều định nghĩa về văn hóa, các định nghĩa ấy hòa
hợp và bổ sung cho nhau để ta biết được rằng, văn hóa bắt nguồn từ con người,
là quá trình lâu dài con người tác động vào thế giới xung quanh, là quá trình lâu
dài gầy dựng, phản ánh một quá trình tiến triển của một dân tộc hay cộng đồng,
văn hóa cũng là những điều đang tồn tại xung quanh chúng ta. Vậy, trong quá
trình con người phát triển và tạo ra văn hóa, con người phải tương tác với thế
giới xung quanh, quan trọng hơn cả là giao tiếp với nhau. Mà để con người và
con người cùng giao tiếp với nhau, đương nhiên không thể thiếu ngôn ngữ.
Ngôn ngữ là để giao tiếp và để tư duy, văn hóa lại được tạo nên từ quá trình con
người hoạt động, “sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn”, mà
quá trình ấy lại không thể thiếu sự giao tiếp và tư duy của con người. Vì thế,
ngôn ngữ nằm trong văn hóa, là một bộ phận cấu thành của văn hóa, qua ngôn
ngữ, ta có thể tìm thấy các nét văn hóa riêng biệt của các dân tộc, hay cộng
đồng sử dụng ngôn ngữ ấy, còn có thể gọi là người bản ngữ. Bất kì yếu tố nào
của văn hóa cũng đều phải có phương tiện gốc là ngôn ngữ. Bởi bất kì yếu tố
nào cũng cần có sự giao tiếp của con người, con người phải giao tiếp với nhau
như một hoạt động thiết yếu trong cuộc sống, để tương tác với thế giới xung
quanh, bao gồm cả các yếu tố mang văn hóa. Ngôn ngữ còn là phương tiện tư
duy, qua ngôn ngữ có thể thấy được tư duy của những người thuộc một nền văn
hóa. Bởi lẽ quá trình hoạt động thực tiễn của mỗi cộng đồng người là khác
nhau, thế nên sự tư duy của con người trong cộng đồng người đối với thế giới
xung quanh cũng khác nhau, vì thế mà họ thể hiện điều đó bằng những ngôn
ngữ khác nhau mang theo tư duy của con người nền văn hóa đó, cùng cách nhìn
nhận thế giới xung quanh của họ. “Ngôn ngữ là một trong những thành tố đặc
trưng nhất của bất cứ nền văn hoá dân tộc nào”.(Nguyễn Đức Tồn, Tìm hiểu đặc
trưng văn hoá – dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt, NXB ĐHQG Hà
Nội). Không những thế, bằng ngôn ngữ, con người có thể truyền lại kinh
nghiệm xã hội nào đó cho thế hệ sau, vì thế mà ngôn ngữ cũng đã lưu lại dấu ấn
văn hóa của thời đại trước. Hơn thế nữa, ngôn ngữ của một cộng đồng người
cũng có thể thay đổi theo dòng lịch sử và sự phát triển xã hội của cộng đồng
người đó. Thế nên, ngôn ngữ cũng mang tính lịch sử và văn hóa, bởi nó đã ghi
lại dấu ấn của một giai đoạn lịch sử nào đó mà con người dùng ngôn ngữ bị ảnh
hưởng bởi bối cảnh lịch sử đó.
2.2. Biểu hiện văn hóa trong ngôn ngữ Việt
Khác với những quốc gia khác, hình dung về quốc gia của người Việt rất trừu
tượng, bởi đối với người Việt, quốc gia, hay Tổ quốc là những điều hiện diện

3
xung quanh mỗi con người Việt, ấy vì thế mà người Việt dùng từ “Đất nước” để
chỉ Tổ quốc, quốc gia của mình. Sở dĩ dùng từ “Đất nước” là bởi đó là hai phạm
trù quan trọng nhất với người Việt, cả về sản xuất lẫn sinh hoạt, đất và nước
luôn gắn bó với người Việt chân lấm tay bùn. Tuy nhiên, người Việt cũng
thường xuyên sử dụng “Nước Việt Nam”, chứng tỏ, đối với người Việt, nước
đặc biệt quan trọng. Nước là một trong bốn yếu tố của sản xuất nông nghiệp
gồm “Nước – Phân – Cần – Giống”, đối với một quốc gia có nền nông nghiệp
lúa nước lâu đời, thì nước có vai trò rất lớn trong văn hóa nông nghiệp lúa nước
của người Việt, là một trong những gốc rễ tạo nên nền văn hóa lâu đời. Với
minh chứng đơn giản trên, ta cũng có thể thấy được tầm quan trọng của nước
đối với văn hóa Việt Nam, thế nên trong ngôn ngữ người Việt, ta cũng dễ dàng
nhận ra “nước” là từ quan trọng như thế nào. Trong tiếng Anh, nước là “water”,
nhưng trong tiếng Việt, nước ở đây là “nation”, mặc dù “nước” ấy cũng chính là
“nước” mang nghĩa “water” trong tiếng Anh. Không những thế, trong tiếng
Việt, từ “nước” cũng được dùng với nhiều cụm từ, thậm chí là thành ngữ, tục
ngữ mang ý nghĩa đặc biệt. Ta biết rằng, thành ngữ tục ngữ luôn tồn tại trong
văn hóa người Việt từ lâu đời, đó là lời ăn tiếng nói giản dị đơn thuần của cha
ông ta từ xưa đến nay. Khi tìm hiểu về thành ngữ, tục ngữ, sẽ không ít lần ta bắt
gặp từ “nước”. Các câu như : “Nước chảy chỗ trũng”, “Tức nước vỡ bờ”, “Cây
có cội nước có nguồn”… đều nói về quy luật tự nhiên của nước, tuy nhiên ý
nghĩa của nó lại liên quan đến con người xã hội. Hay như : “Như buồm gặp gió,
Biển lặng sóng êm”, “Sông sâu sóng cả, Sóng to gió lớn” đều liên quan đến môi
trường nước và con người nhưng nghĩa của nó lại nói về những việc thuận lợi
hanh thông, hoặc ngược lại, khó khăn trắc trở trong cuộc sống con người. Tục
ngữ thành ngữ nằm trong ngôn ngữ của người Việt. Người Việt sử dụng ngôn
ngữ mang nhiều yếu tố nước thể hiện trong tục ngữ thành ngữ, việc này đã
chứng tỏ nét văn hóa sông nước nằm trong tục ngữ thành ngữ, đó còn là kinh
nghiệm nhân dân, mang đậm dấu ấn văn hóa Việt. Trong từ ngữ hằng ngày
người Việt hay dùng, nước cũng mang những sắc thái nghĩa khác nhau tùy theo
từng từ. Ví dụ như cụm “được nước lấn tới”, “nước” ở đây là vị trí, vị thế cao
hơn, điều ta đã đạt được. Cụm này có nghĩa những người đã đạt được điều gì
đó, vị trí nào đó lại tiếp tục lấn tới, sấn tới. Hay “nước” trong cụm “Hết nước
hết cái”, “nước” ở đây tức sức lực, công sức, điều trong khả năng làm. Cụm này
có nghĩa đã làm hết sức rồi, không thể làm hơn được nữa. Hay trong khẩu ngữ
bình thường của người Việt, ta hay nghe nói “Đến nước này,…”, “nước” ở đây
lại là sự việc, sự tình hay cớ sự nào đó vượt qua mức độ cho phép. Đấy là những
trường hợp ta sử dụng từ nước – gắn liền với địa hình địa lý của Việt Nam như
biển, sông, suối, kênh, rạch,… vì thế mà đã tạo dựng nên nền văn minh lúa
nước. Đó cũng là nơi người dân Việt Nam sinh sống, dựa vào địa hình mà làm
nông, từ đó tạo ra nền nông nghiệp lúa nước lâu đời, cũng từ đó mà ta có nền

4
văn hóa sông nước tồn tại trong đời sống người Việt. Chính vì vậy mà ngôn ngữ
Việt không chỉ có dung lượng từ “nước” nhiều, mà cả những phương diện liên
quan đến nước, hoạt động của người Việt liên quan đến nước cũng chiếm dung
lượng không nhỏ. Nhắc đến sông nước, ta có các từ liên quan như “dòng nước”,
“con sóng”, “lặn” hay “chìm” xuống nước, “nông”, “cạn”,… Với những từ trên,
người Việt cũng có các cụm từ tương ứng mang nghĩa chuyển như “dòng
người”, “dòng xe”, mang tính triết lý như “dòng chảy thời gian”, “dòng đời”,
nói về quan hệ nối tiếp nhau như “dòng dõi”, “dòng con quan”, “con trai nối
dòng”, hay một trào lưu văn hóa nào đó có tính kế thừa tiếp biến xuyên suốt như
“dòng văn học hiện đại”, “dòng văn học lãng mạn”, “dòng nhạc cổ điển”,…
Hay với từ “lặn”, “chìm”, người Việt cũng có các câu, cụm từ hay từ như “nốt
sởi đã lặn”, “mặt trời / mặt trăng đã lặn”, “lặn lội”, hay “chìm trong hạnh phúc”,
“đắm chìm trong tình yêu”, “chìm vào giấc ngủ”,… Hoặc với từ “nông”, “cạn”,
ta có các từ như “nông nổi”, “cạn tình cạn nghĩa”, “cạn kiệt năng lượng”, “cạn
nguyên liệu”,… Với tất cả nhưng cụm từ trên, ta có thể thấy rằng, các danh từ
(dòng), động từ (lặn / chìm), hay tính từ (nông / cạn) liên quan đến sông nước
được ghép với các yếu tố khác trong tiếng Việt liền tạo ra các cụm danh tính
động từ có nghĩa mới, mang nghĩa chuyển từ các từ gốc. Qua thành ngữ tục
ngữ, cách dùng từ “nước” và những từ liên quan đến sông nước của người Việt
trong ngôn ngữ Việt đã thể hiện nét văn hóa sông nước sâu sắc, gắn liền, cũng
như đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của người Việt.
Như đã nói, người Việt gắn liền với địa hình sông nước, lấy nông nghiệp làm
gốc để sinh sống tạo thành nền nông nghiệp lúa nước tồn tại lâu đời. Vậy, ắt hẳn
điều quý giá nhất của người làm nông là lúa, là cơm, là lương thực chính để duy
trì sự sống. Không nơi nào trên mảnh đất Việt Nam không có lúa, không lấy
cơm làm lương thực. Cũng như vậy, từ “cơm” trở thành một từ ngữ thân thuộc
và quan trọng trong hệ thống ngôn ngữ Việt. “Cơm” dùng trong ngôn ngữ
thường ngày mà ta hay sử dụng, là nghĩa của từ “cơm” đầu tiên trong Từ điển
tiếng Việt: “gạo đem nấu chín, ráo nước, dùng làm món chính trong bữa ăn
hàng ngày”, đây đồng thời cũng là nghĩa gốc của nó. Cũng trong ngôn ngữ
thường ngày, ta hay nghe đến từ “bữa cơm”, vậy tại sao lại là “bữa cơm” trong
khi chính xác hơn phải là “bữa ăn”? “Bữa cơm” ở đây ý không phải là một bữa
chỉ có cơm, mà còn có các món ăn khác. Tuy nhiên, cơm là thức ăn chính, là
thức ăn không thể thiếu trong mỗi bữa cơm / bữa ăn của gia đình người Việt.
Dân gian ta cũng thường hay có câu “Mẹ thương không bằng cơm thương”,
cơm là thức ăn quan trọng bậc nhất của người Việt, là thức ăn để duy trì sự
sống, đảm bảo cho nhu cầu ăn uống tự nhiên nhất của con người Việt, vì thế mà
nó được xem như nhu cầu tối thiểu của con người Việt. Cũng chính vì vậy mà
cơm xuất hiện trong thành ngữ như những việc quan trọng mà con người cần có

5
như “cơm áo gạo tiền”, “bát cơm manh áo”,… Cơm còn xuất hiện trong thành
ngữ Việt Nam với ý nghĩa cho một biểu hiện của ấm êm, hạnh phúc trong gia
đình như “no cơm ấm cật”, “no cơm tấm ấm tổ rơm”, “cơm lành canh ngọt”, tức
“cơm” ở đây hàm ý cho một bữa cơm đầm ấm sẽ làm cho gia đình êm ấm, hạnh
phúc, nó cũng biểu thị cho hạnh phúc gia đình. Trong vài trường hợp của thành
ngữ, cơm còn được dùng như hoàn cảnh sống của con người, được “ăn cơm
hom nằm giường hòm”, cuộc sống sung sướng, có bữa ăn đầy đủ ngon miệng
như “cơm cá chả chim”, “cơm trắng cá béo”,… Ngược lại, nếu ý chỉ cuộc sống
nghèo khổ, khó khăn, bữa ăn không được đảm bảo, ta có cách thành ngữ như
“đói cơm áo rách”, “bữa cơm bữa cháo”, “cơm sung cháo dền”. Hơn nữa, cơm
còn có thể biểu thị trong thành ngữ như miếng ăn nhục nhã của con người cấp
thấp, phải ăn đồ thừa từ chủ / người có tước vị cao hơn mình. Xung quanh mâm
cơm người Việt cũng thể hiện văn hóa ứng xử trên bàn ăn, như trước khi dùng
bữa thì phải mời, mâm cơm thường có hình tròn và mọi người ngồi xung quanh
vòng tròn ấy, cả văn hóa dùng đũa của người Việt cũng thể hiện rõ khi dùng bữa
cơm. Như vậy, xoay quanh cơm, ta có thể nhìn thấy rất nhiều nét văn hóa của
người Việt, từ văn hóa nông nghiệp lúa nước, quý trọng hạt gạo, hạt cơm, đến
quan niệm của nhân dân ta, đến văn hóa ứng xử người Việt xung quanh bữa
cơm. Chính vì thế mà trong ngôn ngữ Việt, cơm được sử dụng nhiều và rộng
rãi, nhất là trong các câu thành ngữ, ứng với mỗi câu thành ngữ, cơm có những
ý nghĩa khác nhau. Gía trị của từ cơm trong ngôn ngữ Việt cũng đã thể hiện văn
hóa nông nghiệp lúa nước, quý trọng thành phẩm của nghề làm nông – nghề đã
làm nên những nét văn hóa đặc sắc của người Việt.
Vậy, với nền nông nghiệp lúa nước lâu đời, không chỉ những từ thân thuộc như
cơm, nước được sử dụng trong hệ thống ngôn ngữ Việt Nam một cách đặc biệt
mà người dân Việt Nam chân lấm tay bùn, bán lưng cho đất bán mặt cho trời,
gắn bó với công việc lúa nước lâu năm còn mang lại những câu tục ngữ nhằm
truyền lại những kinh nghiệm mà cha ông đã nhận thấy, nhìn thấy, và cảm nhận
được bằng cách giác quan rồi hình thành nên tri thức về một điều gì đó trong xã
hội, trong cuộc sống. Nó ghi lại cách ứng xử của con người với thế giới xung
quanh. Tục ngữ là một phần trong ngôn ngữ Việt Nam. Tục ngữ có kết cấu đặc
biệt. Một câu tục ngữ không quá dài mà ngắn gọn, hàm súc nhưng vẫn mang
trọn vẹn những điều mà người xưa muốn truyền lại cho con cháu đời sau. Trong
mỗi câu tục ngữ là lời truyền dạy đã được đúc kết hoàn chỉnh, có vần điệu và dễ
ghi nhớ để bất kì khi nào nghe qua, con người đều có thể in vào trí nhớ. Ấy vì
vậy mà từng chữ từng từ trong tục ngữ đều được nén chặt, nén chặt tất cả nội
dung mà nó muốn truyền tải, tất cả những tri thức dù nhiều đến đâu cũng sẽ
được nén lại thành một câu tục ngữ duy nhất. Tiếng Việt trong tục ngữ cô đọng
và hàm súc, “lời ít ý nhiều”. Chính vì thế mà tục ngữ dễ truyền từ người này

6
sang người khác, dễ ghi nhớ và lưu trữ, tiếp tục phát triển đến các thế hệ mai
sau. Và như ta đã thấy, cho dù tục ngữ Việt Nam đã xuất hiện từ rất lâu, nhưng
đến tận bây giờ, các câu tục ngữ không chỉ được giữ gìn mà còn được bổ sung
ngày càng nhiều hơn và hơn thế nữa. Các câu tục ngữ thường được biểu đạt
bằng hai vế câu trong một câu. Hai vế câu này có mối quan hệ với nhau, có thể
là tương đồng, hoặc tương phản, hay nhiều lúc còn có quan hệ so sánh, liệt kê,
nhân quả,.... Như “tấc đất tấc vàng”, “Được mùa cau, đau mùa lúa”, “Gieo gió
ắt gặp bão”, “Nhà không móng như bóng không người”, “Nhất nước nhì phân
tam cần tứ giống”,… Ta có thể thấy rằng, cấu trúc hai vế câu trong tục ngữ xuất
hiện phổ biến và thường xuyên, thường thì các câu ấy biểu thị cho tri thức về
cuộc sống nông nghiệp của ông cha ta, xoay quanh cuộc sống nông nghiệp có
nhiều khía cạnh đã hình thành nên nền văn hóa nông nghiệp. Như “tấc đất tấc
vàng”, đối với người nông dân thường xuyên gắn bó với ruộng cày thì một tấc
đất giống như một tấc vàng vậy, hay kinh nghiệm thu hoạch mùa vụ của ông
cha đã được đúc kết qua câu “Được mùa cau, đau mùa lúa”, mùa có thể gặt hái
cau được thì không thể gặt hái lúa được, hay đối với những người làm nông,
bốn yếu tố quan trọng nhất để làm nên một mùa vụ bội thu xếp theo thứ tự là
đầu tiên là nước, sau đó tới phân bón, thứ ba là sức lao động và cuối cùng là
giống cây trồng. Tục ngữ là một phần của tiếng Việt, đồng thời thông qua tục
ngữ ta đã có thể thấy các nét văn hóa đặc trưng của người Việt trong cuộc sống
nông nghiệp của họ. Ý nghĩa của tục ngữ thể hiện qua lớp vỏ ngôn từ được biểu
đạt hay thể hiện một cách gián tiếp hoặc trực tiếp. Có những câu tục ngữ biểu
đạt một cách trực tiếp như “Cóc nghiến răng đang nắng thì mưa”, “Cơn đằng
Đông vừa trông vừa trông vừa chạy”, “Kiến dọn tổ thì trời mưa”, “Kiến cánh vỡ
tổ bay ra, bão táp mưa sa tới gần”, hay “Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai”, “Biên
Hòa có bưởi Thanh Trà, Thủ Đức nem nướng, điện bà Tây Ninh”,… Con người
thường chọn cách biểu đạt trực tiếp với những câu thể hiện cách con người ứng
xử với môi trường xung quanh, người nông dân cảm nhận và tri nhận bằng các
giác quan sau đó truyền lại kinh nghiệm cho con cháu đời sau về nhiều điều như
về tự nhiên khí hậu, về việc sản xuất,… hay kinh nghiệm về các địa danh nổi
tiếng, hoặc trong văn hóa ẩm thực, người Việt cũng chọn cách phản ánh trực
tiếp này : “Giàu cơm ba bữa, khó cũng đỏ lửa ba lần” ý chỉ văn hóa ăn uống
người Việt luôn luôn dùng bữa ngày ba lần, hay “Dưa chua chấm mắm, dưa
đắng chấm tương, “Thịt mỡ ăn cặp với cà, lá mơ tam thể ăn với thịt gà chấm
tương” thể hiện cách ăn uống của người việt từ việc dùng nước chấm với từng
món ăn cho đến các món ăn nên được phối hợp với nhau như thế nào,… “Cơm
chắm mắm chườm”, “Cơm không rau như đau không thuốc” đều chỉ ra nước
chấm hay rau ăn kèm khó có thể thiếu trong bữa cơm của người Việt. Tất cả
những điều ấy đều được phản ánh trực tiếp, đồng thời cho ta thấy được văn hóa
ăn uống của người Việt từ bao đời nay, những gì không thể thiếu, nên ăn như

7
thế nào, ăn ra sao,… Không chỉ có cách phản ánh trực tiếp mà các câu tục ngữ
còn được phản ánh gián tiếp “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, Cá mè một lứa,
“Yếu trâu còn hơn khỏe bò”,… Những câu tục ngữ này vẫn thể hiện tri thức của
con người đối với môi trường, thế giới tự nhiên xung quanh, truyền đạt lại kinh
nghiệm sống cho người đi sau, nhưng với cách phản ánh gián tiếp này, nó còn
ngầm ẩn thể hiện một ý nghĩa sâu xa nào đó qua các hiện tượng, sự vật, sinh
vật, yếu tố tự nhiên. Đó là cách nói ẩn dụ, hàm ẩn, từ những quy luật tự nhiên
xung quanh mà khái quát lên thành những hình ảnh mang tính biểu tượng cho
một đặc điểm nào đó của con người trong xã hội. Ví dụ như câu “cá mè một
lứa” ý chỉ tình trạng không phân biệt trên dưới, không ai chịu thua ai, ai cũng
như ai, hay câu “ở bầu thì tròn ở ống thì dài” ý nói tính cách, lối sống của con
người do hoàn cảnh xã hội và các yếu tố bên ngoài tác động vào. Như đã nói ở
trên, tục ngữ dễ nhớ, dễ tiếp nhận và dễ truyền đi là bởi nó có vần và nhịp điệu.
Nhịp điệu này giống như nhịp sống của cuộc sống nông nghiệp của con người,
sự nhịp nhàng trong công việc cũng như tuần tự của thời gian. Nhịp điệu trong
tục ngữ tạo nên kết cấu trong câu. Đó là sự kết hợp của các từ loại với nhau.
Động từ - động từ như “Chó treo, mèo đậy”, Tính từ - Tính từ như "Môi hở răng
lạnh", Danh từ - danh từ như “Tấc đất, tấc vàng”,… Trong tục ngữ, những câu
từ được đè nén bao hàm một ý nghĩa to lớn, tục ngữ còn có các vế câu, hay vần
nhịp tương ứng, các câu tục ngữ đã thể hiện tri thức của con người về môi
trường xung quanh, hay kinh nghiệm về thời tiết, sản xuất đã được ông cha ta
đúc kết trong cuộc sống gắn bó với nghề nông, vì thế mà ta thấy được những
câu tục ngữ ấy mang đậm nét văn hóa cuộc sống nông nghiệp của ông cha ta,
không chỉ vậy tục ngữ còn thể hiện nét văn hóa ẩm thực của người Việt với
cách quy tắc và thói quen khi ăn của người Việt.
3. Kết luận:
Khi xuất hiện cộng đồng người, ngôn ngữ đồng thời cũng xuất hiện. Ngôn ngữ
là phương tiện giao tiếp giữa người với người, còn là phương tiện tư duy. Ngôn
ngữ gắn bó với cuộc sống, tiến trình phát triển con người. Mà trên tiến trình ấy,
đồng thời con người cũng tạo ra văn hóa, đó là cách mà con người tác động vào
xã hội xung quanh, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, văn hóa luôn
được tái tạo và phát triển theo lịch sử, mà trong suốt quá trình ấy, ngôn ngữ vẫn
luôn gắn liền với cuộc sống con người. Ấy thế nên, từ ngôn ngữ ta cũng có thể
thấy được văn hóa của một cộng đồng người nhất định. Việt Nam cũng không
ngoại lệ, từ những ví dụ về việc sử dụng từ cơm, nước, hay các câu tục ngữ, ta
có thể thấy được nền văn hóa nông nghiệp lâu đời của người Việt cùng các biểu
hiện văn hóa khác thông qua những điều ấy.
Tài liệu tham khảo.

8
- https://thegioihaisan.vn/van-hoa-ung-xu-tinh-te-trong-mam-com-cua-nguoi-
viet.html
- Mai Bá Ấn, Sự Ám Ảnh Của Văn Hóa Nông Nghiệp Và Môi Trường Sông
Nước Trong Ngôn Ngữ Việt Nam (https://vanchuongviet.org/index.php?
comp=tacpham&action=detail&id=17899)
- Trần Thị Hồng, Nghĩa biểu trưng của thành tố cơm trong thành ngữ tiếng
Việt, Tạp chí đại học sài gòn số 20 - tháng 4/2014
(https://123docz.net/document/6921268-nghia-bieu-trung-cua-thanh-to-com-
trong-thanh-ngu-tieng-viet.htm)
- https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/ngon-ngu-la-hon-cot-cua-dan-toc-
976263.ldo
- Trịnh Sâm, Về nghĩa của thành ngữ – tục ngữ sông nước tiếng Việt
(https://vanhocsaigon.com/ve-nghia-cua-thanh-ngu-tuc-ngu-song-nuoc-
tieng-viet/)
- Ngô Thị Thanh Quý (3/2009), Vẻ đẹp của ngôn ngữ tục ngữ trong việc phản
ánh nét văn hóa nông nghiệp Việt Nam
(http://tailieudientu.lrc.tnu.edu.vn/Upload/Collection/brief/brief_1047_9528
_7.pdf)
- https://clef.vn/vi/goc-ngon-ngu/mo%CC%81i-quan-he%CC%A3-giu%CC
%83a-ngon-ngu%CC%83-va%CC%80-van-ho%CC%81a.html
- Nguyễn Thị Ngọc Hân (12/2011), Ngôn ngữ và những đặc trưng văn hóa
ngôn ngữ (http://thpt-hoanglekha-tayninh.edu.vn/ToChuyenMon.aspx?
type=3&id=30)
- Báo Giáo dục & Thời đại, Nước trong tâm thức người Việt
(http://baoninhthuan.com.vn/news/20981p0c29/nuoc-trong-tam-thuc-nguoi-
viet.htm)
- Nguyễn Văn Thông (6/2012), Tìm hiểu văn hóa ẩm thực của người Việt qua
ca dao, tục ngữ
(http://lrc.quangbinhuni.edu.vn:8383/dspace/bitstream/DIGITAL_12345678
9/5374/1/1390-1-2718-1-10-20160719.pdf)

You might also like