You are on page 1of 3

BÀI GIẢNG DẠNG VĂN BẢN (SCRIPT)

Môn học: Luật lao động

Chương 1: Hợp đồng lao động

Chủ đề 3: Chấm dứt hợp đồng lao động

Slide Nội dung


1 Chào mừng các anh chị đến với chương HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG. Hôm nay,
chúng ta sẽ tìm hiểu chủ đề cuối của chương
- Chấm dứt HĐLĐ
2 Sau khi nghiên cứu, chúng ta có thể:
• Khái quát được điều kiện cần đảm bảo để chấm dứt hợp đồng lao động đúng
luật
• Xác định được trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động
khi chấm dứt hợp đồng lao động sai luật.
• Tính được trợ cấp thôi việc , trợ cấp mất việc làm cho người lao động
3 1. Chấm dứt HĐLĐ hợp pháp
Chấm dứt hợp đồng lao động là sự kết thúc quan hệ làm công ăn lương giữa
người lao động và người sử dụng lao động. Để tránh rắc rối với hậu quả pháp lý
hoặc tranh chấp phát sinh, việc chấm dứt HĐLĐ cần phải đảm bảo đầy đủ điều
kiện tùy theo từng trường hợp cụ thể: đương nhiên chấm dứt HĐLĐ, đơn phương
chấm dứt HĐLĐ hoặc vì các lý do khác….
4 Đương nhiên chấm dứt HĐLĐ: Bao gồm trường hợp
• Hết hạn hợp đồng, đã hoàn thành công việc giao kết, theo thỏa thuận của
hai bên, kết thúc nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động.
• Người lao động bị sa thải, bị kết án tù giam, tử hình, bị cấm làm công việc
trong hợp đồng
• Người lao động là người nước ngoài bị trục xuất khỏi Việt Nam hoặc Giấy
phép lao động hết hiệu lực.
• Người sử dụng lao động chấm dứt hoạt động hoặc không có người đại diện
theo pháp luật.
• Người lao động hoặc người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên
bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.
Người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết
thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động, trừ trường hợp pháp luật quy định khác.
5 NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ.
Đơn phương chấm dứt HĐLĐ là hành vi kết thúc quan hệ lao động theo ý chí
của một bên. Đối với người lao động, thông thường, người lao động không cần lý
do nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước. Thời hạn báo trước phụ
thuộc thời hạn của hợp đồng lao động. Ví dụ, hợp đồng lao động không xác định
thời hạn báo trước it nhất 45 ngày. Người lao động sẽ có quyền đơn phương chấm
dứt hợp đồng lao động không cần báo trước nếu nằm trong các trường hợp qui định
tại khoản 2 Điều 35 BLLĐ 2019. Ví dụ: Người lao động có thể chấm dứt HĐLĐ nếu
người sử dụng lao động có lời nói, hành vi nhục mạ.
6 NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ
Đối với tất cả các loại HĐLĐ, người sử dụng lao động đều cần cả hai điều kiện
về căn cứ và thời hạn báo trước để chấm dứt hợp đồng đúng luật, trừ trường hợp
qui định tại khoản 3 Điều 36 BLLĐ 2019.Ví dụ: Người lao động thường xuyên
không hòan thành công việc thì người sử dụng lao động có thể đơn phương chấm
dứt HĐLĐ, nhưng phải báo trước ít nhất 45 ngày nếu là hợp đồng lao động không
xác định thời hạn.
Tuy vậy, NSDLĐ không được đơn phương chấm dứt HĐLĐ nếu người lao động
đang trong các trường hợp qui định tại Điều 37 BLLĐ 2019. Ví dụ: NSDLĐ không
được đơn phương chấm dứt HĐLĐ nếu người lao động nghỉ việc hưởng chế độ
thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Mỗi bên đều có quyền huỷ bỏ việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước
khi hết thời hạn báo trước nhưng phải thông báo bằng văn bản và phải được bên kia
đồng ý.
7 NSDLĐ chấm dứt HĐLĐ vì các lý do khác
Ngoài trường hợp đơn phương chấm dứt HĐLDĐ, người sử dụng lao động còn
có thể chấm dứt HĐLĐ do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế; do tổ
chức lại doanh nghiệp; chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản của doanh
nghiệp, hợp tác xã. Trong các trường hợp này, nếu ảnh hưởng đến việc làm của
nhiều người lao động, người sử dụng lao động phải trao đổi với tổ chức đại diện
tập thể lao động tại cơ sở để xây dựng phương án sử dụng lao động và thông báo
công khai cho người lao động biết. Việc cho thôi việc đối với người lao động do
thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế còn phải thông báo trước 30 ngày
cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cho người lao động.
8 Quyền lợi của người lao động khi chấm dứt HĐLĐ
Trong thời hạn 14 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai
bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của
mỗi bên. Tùy trường hợp, người lao động sẽ được nhận trợ cấp thôi việc theo Điều
46 BLLĐ 2019 hoặc mất việc làm theo Điều 47 BLLĐ 2019. Thời gian làm việc
để tính trợ cấp thôi việc hay mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm
việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham
gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi
trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm. Mỗi năm làm việc được trợ cấp thôi việc
nửa tháng tiền lương hoặc được trợ cấp mất việc làm một tháng tiền lương. Tiền
lương để tính trợ cấp thôi việc hay mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp
đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động chấm dứt hợp đồng
lao động. Ví dụ: người lao động chấm dứt HĐLĐ do hết hạn, có thời gian làm việc
thực tế là 3 năm, trong đó đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp 2 năm thì chỉ được trả
trợ cấp thôi việc cho 1 năm, tương ứng nửa tháng tiền lương bình quân theo hợp
đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi hợp đồng lao động hết hạn.
Trong trường hợp người sử dụng lao động chấm dứt hoạt động thì tiền lương,
trợ cấp thôi việc, bảo hiểm và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước
lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết được ưu tiên thanh toán.
9 2. Chấm dứt HĐLĐ bất hợp pháp
Khi người sử dụng lao động và người lao động chấm dứt HĐLĐ không có căn
cứ, không tuân thủ qui định về thời hạn báo trước thì xem như đã chấm dứt HĐLĐ
trái pháp luật. Lúc ấy, hai bên đều có nghĩa vụ thực hiện một số hành vi và bồi
thường vật chất cho phía bên kia tùy từng trường hợp.
Đối với người sử dụng lao động, nghĩa vụ đầu tiên là nhận người lao động trở
lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã
hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không
được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động. Trường
hợp vi phạm thời hạn báo trước thì người sử dụng lao động còn phải trả một khoản
tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo
trước. Nếu người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì người sử dụng lao
động phải trả thêm trợ cấp thôi việc. Nếu người sử dụng lao động không muốn
nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài các khoản tiền nêu
trên, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02
tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
Đối với người lao động, hậu quả của việc chấm dứt hợp đồng sai luật là không
được trợ cấp thôi việc, phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền
lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo
hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước. Người lao động còn phải
hoàn trả chi phí đào tạo (nếu có).
10 Thưa các anh chị, chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu bài học Chấm dứt hợp đồng
lao động. Để nắm vững nội dung bài học, các anh chị cần thực hiện đầy đủ các câu
hỏi tự đánh giá, bài tập và bài kiểm tra sau mỗi chương. Cám ơn các anh chị đã
theo dõi. Xin hẹn các anh chị ở bài học tiếp theo.

You might also like