You are on page 1of 12

2.1.1.

Hamlet – con người đi từ nhận thức sang hành động


Sự khác biệt giữa Sếchxpia và những người tiền bối trong việc xử lí đề tài
không phải ở chỗ các tình tiết, cốt truyện mà ở bản chất của hình tượng, Sếchxpia đã vượt
lên trên quan niệm dùng sân khấu để mua vui, giải trí thuần túy mà sân khấu của ông có
nhiệm vụ phản ánh thời đại, có trách nhiệm với thời đại. Hamlet trở thành hình tượng con
người mới – con người khổng lồ của thời đại khổng lồ.
Hamlet là con người nổi trội ở hai phương diện : Con người nhận thức và
con người hành động.
Thứ nhất đây là con người của nhận thức, con người nhận thức.

Thoạt nhiên chúng ta đừng lầm tưởng đây là kiểu con người thức tỉnh do
trước đó u mê, lầm lạc. Mà ở đây trước khi bước vào bi kịch, Hamlet đã là con người có
trình độ nhận thức . Biểu hiện của loại con người này là có khả năng đánh giá các hiện
tượng, sự kiện xã hội, có khả năng phát hiện những điều không bình thường bị che phủ
bởi các hiện tượng, các sự kiện ấy.
Hamlet sinh ra và lớn lên trong một vương triều hoàng tộc. Được xem là
viên ngọc quí của đất nước Đan Mạch, người sẽ kế vị ngôi vua, người được nhân dân tôn
thờ sùng bái. Hamlet học ở trường Đại học Đức Wittenberg danh tiếng, được tiếp xúc với
nhiều tư tưởng tiến bộ, tóm lại chàng là người đại diện tiên tiến của thời đại Phục Hưng
“Hamlet với bao dự định tốt đẹp, mơ ước về một tương lai thanh bình thịnh trị, chàng
hạnh phúc hân hoan khi chia sẻ niềm vui đó với toàn nhân loại vừa thoát khỏi sự kìm kẹp
của chế độ nhà thờ Trung cổ. Trước mắt chàng cả một viễn cảnh huy hoàng diễn ra, nơi
ấy con người hiện ra với toàn bộ vẻ đẹp rực rỡ, chàng nhìn đời, nhìn người bằng đôi mắt
yêu thương tràn trề nhựa sống” [8;37]. Nhưng mọi việc đã trở nên tồi tệ khi chàng trở về
Đan Mạch, đất nước mà chàng vô cùng quý mến. Chàng đã chứng kiến nhiều sự thật quá
phủ phàng, đâu đâu cũng rượu chè be bét, đầy rẫy mưu mô dối trá lọc lừa, đầy rẫy những
đổi thay đen trắng của người đời. Bao nhiêu sự đổi thay ấy lại xuất phát từ chốn cung
đình, nơi chàng tự hào, và cay đắng hơn khi tấn bi kịch đó lại xuất phát từ gia đình chàng.
Con người nhận thức này đã đặt dấu hỏi lên mọi vấn đề nghi vấn: Cha chết, mẹ tái giá vội
vàng? “ Mới trong vòng một tháng ! Giọt lệ giả dối khóc chồng chưa kịp ráo trên khóe
mắt đỏ hoe, thì đã vội bước đi bước nữa” [12;174]. “Để tiết kiệm, thịt quay trong đám
tang sẽ dùng làm đồ nguội trong đám cưới” [12;176]. Chàng chưa có một câu trả lời rõ
ràng, dứt khoát về cái chết của người cha hiền từ thì lại phải tiếp nhận một sự thật cay
đắng hơn người mẹ đức hạnh ngày nào của mình đã vội lấy người đàn ông khác, người
đàn ông ấy là ai ? Là chú ruột của mình. Mẹ đã đắm mình trong chăn gối loạn luân, mẹ đã
khuyên chàng nên chấp nhận cái thực tại mà quên đi cái quen thuộc của xưa kia, cái quen
thuộc mẫu mực đã nuôi lớn Hamlet: “ Con hãy vứt bỏ màu sắc ảm đạm kia đi, con hãy
nhìn vua Đan Mạch mới đây bằng cặp mắt thương yêu. Đừng ủ rủ cúi tìm mãi bóng hình
người cha cao quí của con trong cát bụi. Đó là luật chung của tạo hóa, cái gì có sống
phải có chết ” [12;172]. Đó là một lời chào mời Hamlet hãy đội lốt của một con cú bọ.
Hãy bắt đầu thích nghi với cuộc sống lộn tùng phèo, tận hưởng những lạc thú trên đời mà
Vua mới và Hoàng hậu cũ là hai con người cấu kết kẻ hô người ứng rất nhịp nhàng. Một
nỗi đau quằn quại đang giày vò thân xác Hamlet như một mạch nước ngầm đang dần xói
thủng lòng đất rắn chắc, chàng như muốn vỡ tung đầu óc, chàng gào thét: “Bao nhiêu lạc
thú trên đời này đối với ta sao chán chường, nhạt nhẽo và vô vị đến thế. Bẩn thỉu thay là
đời, ôi bẩn, bẩn ! Chỉ là một cái vườn hoang mọc lên hạt giống độc, những cây cỏ thối
tha. Tim ta ơi! Hãy nổ tung ra đi, vì ta bắt buộc cứ phải câm miệng” [12;174]. Chàng tựa
hồ như gục ngã với ý định tự tử.
Tự tử là biểu hiện tập trung của sự yếu đuối, hèn nhát. Tại sao phải tự tử
trong khi chưa tìm ra được nguồn cơn của cái mà chàng cho là “ghê tởm”, là “bẩn thỉu” ?
Quá trình nhận thức cũng là quá trình khám phá, việc hồn ma xuất hiện đã làm nổi bật bầu
không khí bao trùm cả đất nước Đan Mạch, trực tiếp giúp cho Hamlet – con người trí tuệ
dự đoán một cách chính xác về những biến động dữ dội rồi sẽ xảy ra: “hồn cha ta hiện
lên, vũ trang! Mọi việc ắt chẳng lành! Ta ngờ rằng có chuyện ám muội gì đây ”[12;179].
Quả nhiên những gì xảy ra trong dự đoán của Hamlet đều liên quan đến những vấn đề
quốc gia trong đại. Vua Đan Mạch và cả triều đình của y hiệp lực lại với nhau tạo thành
một khối liên minh ma quái. Trước nhiệm vụ của vua cha đặt ra cho Hamlet là hết sức
nặng nề mà theo như Lã Nguyên trong quyển Tạp chí văn học nước ngoài cho rằng: “Đặt
nhiệm vụ trả thù lên vai Hamlet chẳng khác gì đem cây đại thụ trồng vào chậu sảnh, rốt
cuộc chậu vỡ, cây chết” [8;37]. Hamlet cô độc đối đầu với cả một khối liên minh đểu
cáng, hoàn cảnh, không khí bao quanh Hamlet là cả một khối thù địch biết nhường nào,
Hamlet sẽ làm như thế nào để trả thù và tự bảo vệ mình ? Một luồng ý thức xuyên qua
Hamlet làm cho anh bắt đầu bước vào một cơn bão lòng tự phân tích và mổ xẻ về giá trị
tồn tại của con người.
Sau khi tiếp xúc với hồn ma vua cha, chàng biết rõ nguồn cơn của “trái
đắng” mà chàng phải hưởng sau khi trở về Đan Mạch, chàng bắt đầu phân tích hai mặt
sáng tối hiện diện trước mặt chàng.
Với vua cha thì đây là “ một đức vua đường bệ, một con người hoàn hảo về
mọi phương diện” [12;176].
Với Hoàng hậu mẹ thì là một sự miệt khinh con người bội bạc “ một hành
động làm tàn phai cả vẻ kiều diễm và nét ửng hồng của e lệ, một hành động gọi phẩm
hạnh là đạo đức giả, ngắt đi mấy bông hồng của mối tình thơ ngây trên đài trán quang
minh và thay vào đó một ung nhọt; làm cho những lời nguyền ước phu thê trở thành giả
dối như lời thề của phường con bạc” [12;252].
Với Claudius thì là “ một thằng sát nhân, một gã đê tiện, một tên vô lại, một
tên hề, một tên ăn cắp ngai vàng và quyền uy, xoáy trộm vương miệng trên giá cao đút
vào túi áo” [12;254].
Với Polonius thì là “ thằng ngu xuẩn, đồ khọm già” [12;207]. Nỗi đau của
Hamlet không ngừng lớn mạnh, chàng đau nỗi đau chung của thời đại mình, thời đại “đảo
điên tan tác” đã biến Đan Mạch của chàng thành một “ngục thất ghê tởm” biến cả thế giới
thành một “nhà tù đen tối” .
Trong quyển Văn học phương tây của Đặng Anh Đào có nhận định rằng:
“Hamlet biết tự đấu tranh với bản thân để chiến thắng cái hèn nhát và yếu đuối của mình.
Chàng dũng cảm tự mổ xẻ, phanh phui cái bản ngã của mình. Đây là lần đầu tiên trong
văn học thế giới xuất hiện con người tự mổ xẻ giúp con người hiểu hơn về chính nó. Phải
đến thời đại Phục Hưng mới có khám phá về vũ trụ, về con người và Hamlet của
Sếchxpia chính là một trong hai khám phá vĩ đại đó : Khám phá về con người ” [4;221].
“Sống hay không sống, đó là vấn đề ” là đoạn độc thoại nội tâm nổi tiếng và
duy nhất trong tác phẩm khẳng định Hamlet là con người khổng lồ về lí trí và tư duy. Trí
thông minh luôn luôn buộc chàng phải suy nghĩ và lí giải mọi vấn đề, chàng không bằng
lòng với cách nhìn nhận và lí giải có sẵn, hoạt động tư duy đã trở thành thuộc tính của
chàng. Nhưng có trí tuệ như chàng cũng là một nỗi khổ, chàng vừa thấy rõ trí tuệ vừa thấy
rõ khả năng của bản thân, càng chìm ngập trong suy tư thì chàng càng thêm đau khổ.
Chàng cảm thấy khổ đau của con người là vô hạn trong khi khả năng tiêu diệt nó thì quá ít
ỏi cho nên tâm trạng hoài nghi, chán đời nảy sinh trong chàng là một điều tất yếu. Tuy
nhiên phương pháp tư duy trong Hamlet không bao giờ một chiều, chàng không cho phép
mình buông thả theo hướng suy nghĩ nhất định, luôn biết đào sâu suy nghĩ bằng cách lật
ngược lại vấn đề, bằng cách tự đấu tranh, tự phê phán. Chàng đã tự đặt ra câu hỏi về lẽ
sống: “ Sống, là chịu đựng tất cả những viên đá, những mũi tên của số phận phũ phàng,
hay cầm vũ khí đứng lên mà chống lại sóng gió của biển khổ, chống lại để mà diệt chúng
đi, đằng nào cao quí hơn? Chết, là ngủ. Không hơn. Và tự nhủ rằng ngủ đi là chấm dứt
mọi đau khổ của cõi lòng và muôn vàng vết tử thương mà hình hài phải chịu đựng, kết
liễu cuộc đời như thế chẳng đáng mong muốn sao? Chết, ngủ. Ngủ, có thể chỉ là mơ. Hừ!
Đây mới là điều khó khăn. Vì, trong giấc ngủ của cõi chết ấy. Khi ta thoát khỏi cái thể
xác trần tục này, những giấc mơ nào sẽ tới, điều đó làm ta phải ngừng lại mà suy nghĩ.
Chính điều đó gây ra bao tai họa cho cuộc sống dằn vặt này! Bởi vì ai là người chịu đựng
được những roi vọt và khinh khi của thời đại, sự áp bức của kẻ ngạo ngược, hống hách
của kẻ kêu căng, những nỗi giày vò của tình yêu tuyệt vọng, sự trì chậm của công lí, hỗn
xược của cường quyền, sự miệt thị của kẻ bất tài đối với tài đức nhẫn nhục, khi chỉ cần
với một mũi dùi là có thể đưa mình tới chỗ yên nghỉ. Có ai đành cam chịu, than vãn rên
rĩ, đổ mồ hôi dưới gánh nặng cuộc đời mệt mỏi, nếu không phải chỉ sợ một cái gì mênh
man sau khi chết, cả một thế giới quyền bí mà đã vượt biên cương thì không một du khách
nào còn quay trở lại, nỗi sợ làm cho tâm trí rối bời và bắt ta phải cam chịu mọi khổ nhục
trên cõi thế này còn hơn bay tới những nỗi khổ nhục khác mà ta chưa hề biết tới? Đấy,
chính nỗi vướng mắc của tâm tư ấy làm cho chúng ta trở thành hèn mạt tất cả, và ngọn
lửa của quyết tâm vừa bùng lên đã mờ nhạt ốm yếu đi trước ánh leo loét cả ý nghĩ đó,
bao dự kiến lớn lao, cao quý cũng xoay chiều đổi hướng, chẳng thể biến thành hành
động” [12;225]. Với Hamlet “ không sống” không đồng nghĩa với “chết”, bởi vì sống
không ra sống, sống không xứng đáng với danh hiệu của con người cao quý, sống nhục
sống hèn thì không sống. Còn chết chỉ là ngủ, ngủ chỉ là một giấc mơ. Nhưng ở Hamlet,
một con người sống có tình có nghĩa với nhân dân, có chí khí với bạn bè, trung thành và
hiếu thảo với tình mẫu tử thì Hamlet đã chọn một cách sống cao cả, vùng lên chiến đấu
để tiêu diệt khổ đau và điều ác gây ra đau khổ, phải chiến đấu để khôi phục lại trật tự làm
cho cái thời đại “đảo
điên tan tác” trở nên ngay ngắn vững vàng.
Trước niềm tin và trách nhiệm thì chàng đã xác định rõ phương hướng:
“con người còn ra gì nếu đem tất cả phần tinh túy và giá trị đời mình vào việc ăn, việc
nghỉ? Chỉ là con vật, không hơn” [12;267]. Từ con người nhận thức Hamlet chuyển dần
sang con người hành động “việc này ta phải làm, trong khi ta có đủ lí lẽ, đủ chí khí, đủ
sức mạnh, đủ phương tiện để hành động ” [12;267]. Bắt đầu từ đây nét khổng lồ dần dần
hoàn thiện trong con người Hamlet, nét này chính là mặt nổi trội thứ hai- con người hành
động gắn bó hữu cơ với mặt thứ nhất là con người nhận thức trong Hamlet.
Hamlet đã chuẩn bị cho mình một hành trang để bước vào cuộc chiến cam
go, không khoan nhượng và cũng không cân sức, điển hình khi đối diện với hồn ma chàng
đã cất lên “ xin mau mau cho con biết chuyện để con bay ngay đi trả thù với cặp cánh
nhanh tựa suy nghĩ ” [12;189]. Nhà phê bình Bêlinxki và phê bình Nga, phê bình Đức ở
thế kỉ XIX khẳng định rằng: “Hamlet là một hiệp sĩ, là đại diện đẳng cấp cao nhất của
thời trung cổ. Chàng có cả một bầu máu nóng sục sôi hành động và một cánh tay mạnh
đủ sức san bằng mọi sự bất bình ” [8;37], chứng cớ là khi đứng trước mặt hồn ma, chàng
thề sẽ trả thù. Tuy nhiên chàng luôn trì hoãn việc trả thù. Vì sao chàng lại trì hoãn việc trả
thù ? Đây là một câu hỏi mà bất kì nhà Sếchxpia học nào cũng đặt ra, đây là mấu chốt để
người viết khẳng định sức khổng lồ của nhân vật.
Việc Hamlet trì hoãn việc trả thù không phải do bản chất yếu đuối của
chàng, mỗi lần Hamlet trì hoãn là mỗi một lí do chính đáng:
Thứ nhất – sau khi nghe hồn ma phán quyết, Hamlet đã bắt tay ngay vào
hành động, mà hành động không phải cầm kiếm để đâm chết kẻ thù ngay lập tức mà việc
đầu tiên chàng buộc các binh lính, sĩ quan có mặt ở đấy phải tuyên thệ giữ bí mật khi
Hamlet quyết định giả điên. Chàng làm việc này với lí do: chàng nghĩ cách trả thù, và có
thể trả thù, Hamlet phải làm sao để kẻ thù không xem chàng là người nguy hiểm, cách tốt
nhất để tránh nghi ngờ là giả điên. Với kẻ điên, người ta hoặc là xem thường, hoặc là
thương hại. Rồi Hamlet bịa ra một màn kịch diễn cho vua xem, chàng phải kiểm chứng lại
điều mà hồn ma cho biết. Chàng suy nghĩ rất kĩ lưỡng và lập luận vô cùng lôgic, chắc gì
nhà vua đã có tội? và trả thù không đơn giản là chém giết nhau hay lấy máu đền máu, mà
trả thù là phải làm cho kẻ thù tê dại với hàng vạn vết tử thương do chính tội ác gây ra.
Thứ hai – Hamlet trì hoãn giết chết kẻ thù trong khi nhìn thấy hắn đờ đẫn vì
cầu kinh, giết một người đang cầu kinh cũng có nghĩa là đưa hắn ta lên thiên đường trong
khi điều Hamlet cần là phải đưa hắn xuống địa ngục. Điều đó là tất nhiên vì việc tương kế
tựu kế để trả thù đã khó cho nên việc ra tay giết chết kẻ thù phải đúng “ thiên thời địa lợi”
thì mới có hiệu quả như ý muốn.
Nghị lực và khả năng hành động của Hamlet thể hiện rõ nhất ở chuyến qua
Anh quốc của chàng. Người ta đưa chàng qua Anh để mượn tay vua Anh giết chàng,
Hamlet đánh tráo thư, biến Rô-đen-cran và Ghin-đơn-xtơn thành những kẻ thế mạng,
Hamlet chuyển qua tàu khác trở về Đan Mạch. Như thế không những có khả năng và nghị
lực hành động mà hơn thế Hamlet còn có khả năng hành động một cách khôn khéo thậm
chí “ tráo trở”.
Các nhà phê bình bảo vệ quan niệm “Hamlet là nhân vật hành động” cho
rằng: “Tuy có hoài nghi do dự, nhưng trong quá trình nhận thức Hamlet đã khắc phục
những do dự, hoài nghi ấy để cuối cùng đưng lên chống lại nhà vua và thế giới ngục tù ”
[8;41]. Trong thực tế diễn biến của câu chuyện Hamlet cho thấy, cái thế giới tù ngục ấy
nói chung là toàn bộ hoàn cảnh bao quanh Hamlet đểu cáng đến mức mà con người vừa
định hành động, vừa muốn giành lại một cái gì đó thì lập tức phải va chạm với cái đểu
cáng kia, học theo cách đểu cáng đó rồi ngập ngụa trong nó. Cuộc đấu tranh của Hamlet
chống lại nhà vua thực tế chỉ có thể biến thành cuộc đấu tranh giành quyền lực cá nhân,
và để giành phần thắng trong cuộc đấu tranh này, Hamlet buộc phải làm những điều bẩn
thỉu như chính bọn Claudius, Polonius đã làm. Đôi khi Hamlet cũng hành động, nhưng
vừa bắt đầu hành động thì Hamlet hiểu ngay rằng chàng đang tạo ra cái ác chứ không phải
cái thiện. Cho nên Hamlet hành động do lí trí mách bảo và hành động trong lí trí. Hamlet
suy nghĩ về cuộc sống và vạch trần tội ác của xã hội bằng hành động giả một anh hề, một
thằng điên. Khi ở ngoài đời chỉ rặt những giả dối và đểu cáng thì chỉ những ai dám coi
thường mối quan hệ xã hội, chỉ những thằng điên anh hề mới dám nói lên sự thật. Nhưng
phía sau những trò điên dại của Hamlet là cả một tấn bi kịch, bi kịch của lí trí, bi kịch của
trí tuệ. Nếu như nói Hamlet mạnh bởi anh đã hành động và cuối cùng đã giết được
Claudius thì chưa đủ, mà Hamlet thật sự mạnh khi chàng đã thấy được, hiểu được những
mâu thuẫn của thực tại và chàng đau khổ bởi sự lạc điệu của đời sống. Đó là một trí tuệ
được thức tỉnh quá sớm, một trí tuệ quằn quại trong đau đớn giữa một thực tại thù địch
với nó, thực tại ảm đạm thời tư bản sơ khai.
Song, không chỉ có mối quan hệ giữa Hamlet và kẻ thù mà chúng ta có thể
đủ sức khẳng định Hamlet là con người khổng lồ, mà Hamlet còn có mối tương quan giữa
các nhân vật khác, ở đó nội tâm của chàng luôn luôn phức tạp, luôn luôn hoài nghi, luôn
đan xen giữa lý tưởng cao cả và thấp hèn.
Trước hết với mẹ. Chàng yêu quý mẹ, yêu mẹ hơn tất cả mọi thứ trên đời,
người mẹ đức hạnh vàng son một thời trong mắt chàng. Vì thế chàng không thể nào chịu
đựng được việc làm phản trắc của mẹ. Tâm trí Hamlet lúc nào cũng phẫn uất vì hành động
của mẹ đã xúc phạm đến lòng kêu hãnh của mình về gia đình. Hamlet nhận thấy đó là một
sự sỉ nhục, lễ giáo phong kiến tuy khắc khe nhưng không thể nào phủ nhận vai trò của nó
trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức. Hành động “ qua sông quên đò” của Hoàng hậu là
không thể tha thứ, một người phụ nữ đan tâm vứt bỏ chồng con để chạy theo dục vọng cá
nhân thì trong thời đại nào cũng không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, với chàng mẹ có
lỗi thì mẹ vẫn ở cương vị là một người mẹ, chàng không thể phủ nhận tình mẫu tử với
người mẹ đã từng quạt nồng ấm lạnh cho chàng, vì thế mặc dầu chàng buôn những lời xúc
xiểm mẹ, buộc tội mẹ nhưng chàng không vượt qua ranh giới đứa con bất hiếu, bất trị “ ta
sẽ nói với mẹ ta những lời như kim châm dao cắt, nhưng dao thật ta nhất định không
dùng. Những lời nói của ta sẽ làm cho mẹ ta phải tủi hổ, đau đớn, nhưng ra tay hành
động thì tâm hồn ta không bao giờ cho phép” [12;246]. Hơn ai hết, chàng nhận thấy rằng,
cho dù phản bội chồng nhưng mẹ vẫn yêu con, bênh vực con trong những trường hợp gian
nan nhất “cơn điên chỉ giày vò nó trong chốc lát, hết điên nó lại nó lại nhẫn nại như bồ
câu mẹ ấp nở con thơ óng vàng, nó trầm lặng cúi đầu ngồi nghĩ” [12;298]. Chàng nguyền
rủa mẹ chỉ để muốn mẹ thoát khỏi sự dơ bẩn tội lỗi đó. Thật khó mà lột tả được hết tâm lí
của con người, dù lên án mẹ như một số quan niệm của người dân phương Tây nhưng
Hamlet vẫn hiểu rằng thật sự thật mẹ không xấu xa nhưng chỉ vì một phút yếu lòng mà bà
đã đánh mất lí trí gây nên bao tai họa, đến lúc nhận ra giá trị đích thực của một người mẹ
thì lúc đó quá muộn màng, Hamlet đã công nhận điều đó qua câu nói: “ nhẹ dạ là ở người
đàn bà”.
Với Ôphêlia - người yêu đầu tiên và cuối cùng của Hamlet. Mối tình của
Hamlet và Ôphêlia có quá nhiều nghịch cảnh. Trong khi chàng lặng lẽ đối đầu với nỗi cô
đơn đang gặm nhấm, chàng đang bi quan mất niềm tin vào con người thì chàng đã tìm
đến người con gái có tâm hồn thiên sứ “nàng Ôphêlia kiều diễm nhất đời ” [12;203].
Chàng yêu Ôphêlia bằng tất cả tấm chân tình của một chàng trai vừa mới trưởng thành.
Mặt dù chàng câm giận cha nàng đã tiếp tay cho kẻ thù, nhưng chàng vẫn giành chàng
một tình yêu tràn trề nhựa sống “ ôi, Ôphêlia yêu quý, mấy dòng thơ này anh viết vụng về.
Anh không đủ tài nói hết nỗi lòng, nhưng anh yêu em vô cùng, em hãy tin cho. Xin vĩnh
biệt, anh nguyện là của em mãi mãi, chừng nào cái cơ thể này vẫn còn là của Hamlet ”
[12;204]. Lời lẽ nghe qua bất thường nhưng thầm chứa một thông điệp
“ Dù ngôi sao em ngỡ là lửa
Dù mặt trời em ngỡ vòng xoay
Chân thành dù ngỡ dối sa
Tình ta em chớ mảy may nghi ngờ ” [12;204].
Mối tình nghiệt ngã của Hamlet với Ôphêlia thật sự rơi vào bế tắc khi vô
tình Hamlet đâm chết cha của Ôphêlia, làm sao Ôphêlia có thể tha thứ cho kẻ đã giết chết
cha mình, cha chết nàng bị mất đi một chỗ dựa vững chắc và trong cơn điên loạn nàng đã
gieo mình xuống dòng suối lạnh chết đi trong sự tiếc thương của nhiều người. Hamlet đã
gào thét vô vọng “ta yêu Ôphêlia! Dù bốn mươi ngàn thằng anh đem gộp tình yêu của
chúng lại cũng không sánh nổi tình yêu của ta đâu” [12;297]. Mặc dầu biết mình là
nguyên nhân trực tiếp gây nên cái chết cho Ôphêlia nhưng Hamlet vẫn không chối bỏ
trách nhiệm quằn nặng trên vai chàng, muốn làm việc đại sự thì phải chấp nhận che giấu
đi cái tình yêu đích thực của mình, thậm chí là hi sinh. Chàng yêu Ôphêlia tha thiết nhưng
nhiệm vụ tìm ra công lí nó quá lớn lao, nó chiếm nhiều tâm tư và sức lực của chàng. Còn
Ôphêlia yêu Hamlet nhưng nàng mang quá nhiều nỗi sợ, nàng sợ thành kiến xã hội, sợ sự
cách biệt sang hèn, sợ uy quyền thân phụ, sợ đối diện với lòng mình Cả hai đều không
ai dám công nhiên đấu tranh để giành lấy hạnh phúc cho riêng mình nên cuối cùng
chuyện tình của họ phải chết gục thảm thương trong niềm cay đắng. Lần cuối cùng đưa
Ôphêlia về lòng đất lạnh Hamlet vẫn khẳng định tình yêu bất duyệt của chàng giành cho
nàng và trân trọng nàng hơn khi trong công cuộc trả thù của chàng lại có bóng dáng của
Ôphêlia kiều diễm sau lưng.
Với bạn bè - Hamlet là một người trọng nghĩa kim bằng. Với địa vị là một
hoàng tử cao sang nhưng chàng không hề phân biệt đẳng cấp với những người xung
quanh đặc biệt là người bạn tri kỉ Hôraxiô - người bạn mà chàng tin tưởng nhất và cũng là
người bạn trung thành với chàng nhất. Hamlet đã kéo hai giai cấp quý tộc và bình dân đến
gần với nhau hơn. Người đời vẫn thường có câu :
“ Cho hay mệnh vẫn chủ tình
Cao sang thừa bạn, điêu linh gặp thù ”
Trong cuộc chiến đấu quyết liệt giữ chính và tà, Hamlet đã mất quá nhiều:
Mất cha, mất mẹ, mất người yêu, mất những người bạn của thời thơ ấu nên Hamlet chỉ
còn tin và đặt trọn niềm tin vào người bạn Hôraxiô, giao cho anh những trọng trách quan
trọng, cả hai đều có chung một lí tưởng: Đem lại tự do hạnh phúc cho con người đau khổ.
Không chỉ một mình Hôraxiô mà còn có những binh lính mà chàng quý mến như Bơnađô,
Macxenlut, Franxiaxcô, bên cạnh đặt niềm tin tưởng thì Hamlet luôn có một thái độ trân
trọng vô biên “các bạn ơi, thế là từ nay tôi hết lòng tin cậy ở các bạn. Tất cả những gì
một kẻ khốn khổ như Hamlet này có thể làm được để tỏ lòng yêu mến và tình bằng hữu
với các bạn thì xin cầu chúa ban ơn giúp tôi làm được không thiếu sót điều gì ” [12;194].
Còn đối với Laertes thì Hamlet xử sự ân oán phân minh, thù - bạn rõ ràng.
Giữa chàng và Laertes xung đột dữ dội một mất một còn nhưng trong tận thâm tâm
Hamlet luôn muốn hóa giải những hiểu lầm, mong muốn kết tình thân ái “ xin cho phép
tôi được thanh minh rằng tôi không có ý định gì xấu xa. Xin tiên sinh lấy lượng khoan
dung tha thứ, ví như tôi đã lỡ bắn một mũi tên qua mái nhà mà không may lại trúng phải
người anh em của mình” [12;308].
Đối với những người bạn thời thơ ấu Ghinđơnxtơn và Rodencran, đây là hai
tên phỉnh nịnh, giả dối cơ hội tiếp tay với kẻ thù chống đối lại chàng, nhưng chàng thương
chớ không ghét bỏ, mặc dầu Hamlet đã trừng trị thích đáng hai tên này bằng chiêu thức
đánh tráo bức thư trong chuyến qua Anh Cát Lợi để hai kẻ bất nghĩa phải gánh chịu
cái chết thảm thương nhưng trong tận đáy lòng của Hamlet chàng cảm thương cho
số phận của họ, dù sao chúng cũng chỉ là những nạn nhân của tội ác “thật là rất
nguy hiểm cho những kẻ yếu hèn đứng xen vào trận giao đấu giữa hai mũi gươm
nóng rực của hai kẻ địch thủ dũng mãnh” [12;301].
Hamlet đối với nhân dân Đan Mạch – tuy nhân dân cả nước mất lòng
tin với triều đình nhưng luôn trân trọng và yêu quí Hamlet, họ bày tỏ thái độ với
chàng rất thành kính, chứng tỏ điều này là Claudius không dám giết Hamlet trên đất
nước Đan Mạch này là vì “ bọn dân ngu đần kia tin yêu y lắm” [12;262]. Điều này
chứng tỏ Hamlet có vị trí xứng đáng trong lòng nhân dân cả nước. Thêm vào đó,
Hamlet dường như thấy được tầm lớn mạnh của quần chúng: “ba năm nay tôi đã để
ý nhận thấy rằng thiên hạ ở thời buổi này càng ngày càng tin khôn ra, ngón chân
của người dân quê cứ lướt sát bên đôi chân hia của viên đại thần, đến nỗi rồi đây
ngón chân ấy sẽ chọc thủng ngón chân kia” [12;292]. Hamlet nhận thấy rõ trách
nhiệm của mình đối với nhân dân là diệt trừ các thế lực đen tối đem lại sự công bằng
cho nhân dân.
Sự bất tử của Hamlet không những nằm ở cách chàng tư duy hay hành
động mà còn ở chỗ chàng là kết tinh của nhiều quan niệm khác nhau về con người :
Vừa tỉnh táo vừa điên dại, vừa mạnh mẽ vừa yếu đuối, vừa hành động vừa do dự...
xét ở mặt nào ta cũng thấy tính lưỡng diện của chàng. Sức mạnh của chàng tăng lên
bội phần khi được trí tuệ soi đường, trí tuệ giúp chàng nhận ra “cả nước Đan Mạch
là một ngục thất” và cả nước Đan Mạch ấy sống bình yên trong cái ngục thất ấy mà
xem như chẳng có chuyện gì xảy ra. Trí tuệ khuyên chàng chưa vội tin lời hồn ma,
trí tuệ ngăn không cho Hamlet giết Claudius trong khi hắn đang cầu kinh, bởi trí tuệ
biết nhiệm vụ của Hamlet thật lớn lao, tiêu diệt phải đi đôi với xây dựng. Hamlet
khổng lồ trong tư cách một con người có lương tri, luôn luôn suy nghĩ, một con
người khổng lồ về trí tuệ nhưng cũng đồng thời là một tượng đài bi kịch “khổ vì trí
tuệ”.

You might also like