You are on page 1of 5

“Cái chết” không phải là khái niệm đã đông kết, mỗi nền văn minh với những tôn

giáo khác nhau lại có những quan niệm khác nhau về sự ra đi ấy. Phật giáo quan
niệm, cuộc đời con người tuần tự theo quy luật: “Sinh – Lão – Bệnh – Tử”, cái chết
là lẽ tất nhiên, là điểm hoàn kết trong cuộc đời con người, để được tái sinh luân hồi
trong một kiếp sống khác. Hay trong nền văn hóa Trung Hoa, ta cũng thấy được
một biểu tượng huy hoàng của cái chết, loài chim “Phượng hoàng” – biểu tượng
của sự tái sinh, hạnh phúc nhân gian. Mỗi lần đi đến điểm cực của cái chết là mỗi
lần niết bàn trùng sinh, sự tái sinh mạnh mẽ, huy hoàng và rực rỡ hơn…Văn
chương gắn liền với đời sống tinh thần, là con đẻ của nền văn hóa và là sản phẩm
của cơ chế xã hội, nên vì thế biểu tượng “cái chết” trong văn học cũng mang nhiều
ý nghĩa và có sự dịch chuyển không ngừng về quan niệm và cách nhìn nhận.
Văn học dân gian, mĩ học bình dân hay đời sống tinh thần nghĩa tình của quần
chúng nhân dân lao động. Thế giới của văn học dân gian mộc mạc đơn sơ, giản dị
gắn với nếp cảm, nếp nghĩ thô mộc của con người lúc ấy giờ và đó cũng là điểm
bắt đầu của văn chương thủa hồng hoang. Nhưng trong chính mạch nguồn thơ
ngây ấy cũng bắt đầu xuất hiện hình ảnh “cái chết”. Cô Tấm với bốn lần “chết”,
bốn lần hóa thân để dành lại sự sống, đấu tranh với cái xấu cái ác để giữ gìn hạnh
phúc trọn vẹn; mẹ con Lý Thông với cái chết hóa thành bọ hung trả giá cho những
tội ác đã gây ra hay người bà Tích Chu ra đi hóa thân thành loài chim khao khát
tìm một suối nguồn tình thương… có thể thấy văn học dân gian, những câu chuyện
cổ tích xây dựng hình ảnh “cái chết” gắn liền với sự hóa thân, là cách cái thiện
vượt lên chiến thắng trước cái xấu, cái ác, là bảo chứng cho công lý tuyệt đối, là
sức mạnh được dân gian cấp nghĩa cho những nhân vật yếu thế và cũng là yếu tố kì
ảo tạo nên đặc trưng cho những câu chuyện cổ tích. Nàng Tấm với cái chết đầy
bàng hoàng ngay trong chính ngày giỗ cha, đổi lại là cơ hội tiến thân cho mẹ con
Cám. Nhưng cái chết ấy không phải là sự vụt tắt hoàn toàn của một tâm hồn thánh
thiện mà chỉ âm thầm hóa thân vào một đời sống khác. Chim vàng anh, Cây xoan
đào, Khung cửi, Trái thị là bốn lần hóa thân của Tấm, mỗi lần được tái sinh là một
lần Tấm tỉnh thức và được cấp thêm sức mạnh tinh thần, một sức phản kháng tiềm
tàng chống lại sự độc ác tâm cơ của mẹ con Cám. Để rồi tìm lại được tình yêu và
hạnh phúc của chính mình, khẳng định sức mạnh của những điều thiện lành sẽ luôn
chiến thắng cái xấu cái ác, là biểu tượng của công lý và niềm tin tạo sinh cái thiện.
Còn riêng, với truyện Tích Chu, “cái chết” của người bà còn mang sức mạnh cảm
hóa, là thử thách lớn khôn cho cậu bé Tích Chu và cũng là thử thách cho sức mạnh
tình thân qua hành trình tìm nước suối tiên để người bà được trở lại làm người. Từ
những sự nhìn lại ấy, ta thấy cái chết trong văn học dân gian Việt Nam là “cái chết”
hóa thân, “cái chết” mang giá trị nhị nguyên là hành trình tái sinh của cái thiện và
sự trừng trị, trả giá cho cái xấu cái ác.

Văn học dân gian với những giá trị nhị nguyên đã in tạc nên nét tâm hồn ban sơ
mộc mạc trong hồn cốt văn chương. Tiếp nối dòng chảy ấy, gắn liền với sự ra đời
của quốc gia dân tộc,của nhà nước phong kiến, văn học trung đại là một sự ghi dấu
cho thời kì lịch sử mới với những quan niệm mới ra đời. Văn học gắn với tư tưởng
tam giáo đồng nguyên, quan niệm và cách nhìn nhận về cái chết cũng có nhiều sự
thay đổi so với thời kì trước. Thuyết “Thiên mệnh” có sức ảnh hưởng lớn đến đời
sống tinh thần, quan niệm sống chết có số, trời xanh an bài khiến con người ta
quan niệm về cái chết là những cột mốc định sẵn không thể cưỡng cầu, và người ta
cũng nghĩ cái chết có sức mạnh gì đó lớn lao là minh chứng cao nhất cho một đức
tin. Là cách định giá cho phẩm hạnh dù cực đoan nhưng mạnh mẽ nhất. Vũ Nương
– hình tượng người phụ nữ kinh điển cho cả nền văn học trung đại, “nết na thùy
mị, tư dung tốt đẹp” là mẫu người phụ nữ quy chuẩn cho “tam tòng tứ đức”, suốt 3
năm đợi chờ thủy chung, làm tròn đạo hiếu, nuôi dưỡng con nhỏ để rồi nhận lại là
một người chồng trở về từ chiến trận với đầy những mặc cảm và sự hoài nghi.
“Chiếc bóng” trên vách tường tưởng chừng là hiện thân của tình thương nhưng lại
là nỗi oan khoan nghiệt ngã, đẩy cuộc đời tiết hạnh ấy vào bi kịch đường cùng.
“Cái chết” đến với Vũ Nương là một sự tự lựa chọn, trầm mình xuống bến sông
Hoàng Giang, mong cầu sự chứng giám của thần linh có lẽ cách duy nhất để một
người phụ nữ yếu thế trong xã hội nam quyền có thể chứng minh cho sự trong
sạch. “Cái chết” đầy ý thức phẩm giá của Vũ Nương không chỉ làm sáng tỏ nỗi oan
khuất, trả lại sự trong sạch thủy chung cho nàng mà còn tạo nên giá trị nhân đạo
sâu sắc, có sức đồng vọng ngân vang trong trang văn muôn đời. Thật vậy, “cái
chết” trong văn học Trung Đại, không đơn thuần là cái chết nhị nguyên, chấm dứt
sự sống mà hình ảnh “cái chết” còn mang đầy ý thức về phẩm giá, cái chết là hành
động cao nhất cho tấm lòng thủy chung, minh chứng mạnh mẽ nhất cho tiết hạnh
cao đẹp, và cũng có khi “cái chết” là cách trả món nợ công danh, món nợ nghĩa
tình. Chẳng phải, nàng Kiều trong hành trình mười lăm năm lưu lạc cũng từng
nhiều lần nghĩ đến “cái chết”, nhiều lần đã đến rất gần với “cái chết”. Nhưng có lẽ
hình ảnh ý thức về “cái chết” xuất hiện cuối cùng và cũng là ám nhất trong thiên
bạc mệnh của của đời Kiều là khoảnh khắc nàng tự trầm trên sông Tiền Đường
ngay trong ngày đưa dâu khi bị ép gả cho viên thổ quan. Khoảnh khắc ấy có lẽ tâm
hồn Kiều đã chết, cách lựa chọn “cái chết” phải chăng là sự tự giải thoát, chống lại
định mệnh an bài của thuyết “Thiên Mệnh” và cũng là để gìn giữ lại một chút tấm
lòng trinh bạch, phẩm giá không thể bị quấy đục thêm nữa. Đó là cách nàng bày tỏ
tình cảm thủy chung son sắc của mình dành cho Từ Hải, tận nghĩa phu thê với
chàng, báo đáp một ân nghĩa “tâm phúc tương giao”, kết thúc một mối duyên “Lầu
hồng”. Những “cái chết” trong văn học trung đại đa phần đều là những sự tự lựa
chọn để minh chứng cho một lí tưởng cao đẹp, chết để bảo vệ những phẩm chất tốt
đẹp hay “cái chết” là cách phản kháng lại hoàn cảnh tăm tối lên án xã hội bất nhân
đây con người vào những bi kịch đường cùng.
Đi qua văn học dân gian, văn học trung đại, văn chương với những sứ mệnh đổi
mới, sáng tạo không ngừng để làm mới đời sống văn chương. Thời gian thay đổi,
dòng đời chảy trôi với bao sự biến thiên của đời sống có khả năng làm mai một
mọi chân lý, làm phai nhòa mọi giá trị. Quan niệm về “cái chết” trong văn học hiện
đại, đương đại có nhiều sự dịch chuyển, đối thoại lại với những quan niệm xưa cũ.
Nếu như trong truyện cổ tích, “cái chết” bao giờ cũng mang ý nghĩa, giá trị thiện
lành nào đó thì ngày nay, với những câu chuyện đời thường quẩn quanh, có những
cái chết vô nghĩa mà người ta dễ dàng quên đi như bao chuyện khổ đau trên cuộc
đời. Câu chuyện “ Trái tim hổ” trong hành trình về Hua Tát của nhà văn Nguyễn
Huy Thiệp, mang dáng dấp của một câu chuyện cổ tích với mô-típ “anh hùng-mĩ
nhân”, nhưng với tư cách người kể chuyện hiện đại, Nguyễn Huy Thiệp không kể
lại câu chuyện ấy với những diễn biến thường thấy trong truyện cổ tích, mà đưa cổ
tích về với đời thường, bình dị và thô mộc như chính miền rừng thiêng nước độc
tây bắc phủ định hoàn toàn những gì đã từng có. Pùa vừa tuổi trăng tròn xinh đẹp
nhưng bị liệt hai chân, Khó chân thành dũng cảm nhưng dị dạng, không cha không
mẹ sống như “con dom, con din”. Hành trình săn hổ để lấy trái tim chữa bệnh cho
Pùa của Khó quả là một điều phi thường. Tất cả trai bản Hua Tát và cả những
người vì cám dỗ của trái tim hổ mà bắt đầu hành trình đi săn ấy, không bỏ mạng
dưới vuốt hổ thì cũng phải trắng tay ra về. Nhưng Khó thì khác, chàng không vì
cám dỗ, hư vinh từ trái tim hổ mà dấn thân, chàng lên đường là vì lý tưởng tình
yêu, vì một khát khao đầy tình người, một khát vọng cứu dỗi dạt dào là hành trang
và cũng là sức mạnh lớn nhất để chàng ra đi tìm trái tim hổ - tìm hạnh phúc cho
người mình yêu. Chuyện tình của Khó và Pùa cùng những chân tình đẹp như cổ
tích ấy tưởng chừng sẽ là khởi nguồn cho một kết thức viên mãn, nhưng không,
kết cục của câu chuyện đối thoại, phủ định hoàn toàn mọi vẻ đẹp cổ tích. Khó bắn
được hổ, chiến thắng được ác thú sau một trận vật lộn dữ dội. Hổ đã chết nhưng
trái tim hổ cũng bị đánh cắp, mọi khát vọng hạnh phúc gẫy đổ. Khó mang đầy
những vết thương quằn quại bên khe suối ôm một trái tim vụn vỡ, Pùa tuyệt vọng
đau đớn khi cơ hội được bình phục duy nhất vừa vụt tắt. Trong mùa đông năm ấy
của bản Hua Tát, có thêm hai người chết và người ta quên đi câu chuyện về trái tim
hổ một cách phũ phàng. Cái chết của Khó không hẳn là vô nghĩa, nhưng cái chết
ấy không bảo vệ cho một chân lý, cũng không thiết lập hệ giá trị công bằng, không
cứu được Pùa, không đem lại hạnh phúc cho những tâm hồn thiện lương. Cái chết
lẫn vào với bao điều đau khổ trên thế gian, nhưng chính sự vô nghĩa ấy lại khiến ta
thoát ra khỏi thế giới màu hồng của cổ tích, tỉnh táo hơn trong đời thực và nhận ra
quy luật đã khác của đời sống. Cái thiện chưa chắc đã chiến thắng được những
điều xấu xa, lòng tin đôi khi cũng mong manh, khoảng cách giữa anh hùng và kẻ
đáng thương đôi khi cũng chỉ trong gang tấc, “Trái tim hổ” thật sự bị đánh cắp hay
nó chưa bao giờ tồn tại? Có chăng là những cám dỗ phù phiếm che mờ lí trí vẫn
thường đẩy con người ta vào tuyệt vọng? “Cái chết” vô nghĩa đối thoại lại với sự
mang nghĩa của cổ tích. Đã lật mở nhưng suy tư, đặt ra vấn đề về sự nhìn nhận mới
trong cuộc sống hiện đại với những quy luật đã thay đổi hoàn toàn. Còn trong văn
học trung đại, cái chết có giá trị minh chứng, có khả năng định nghĩa phẩm giá hay
trong văn học 1945-1975, sự hi sinh là tận nghĩa với lý tưởng dân tộc, chết để trở
thành bất tử, nằm xuống thành những anh hùng… Thì trong văn học đương đại,
đặc biệt là những tác phẩm mang màu sắc thế sự đời tư, “Cái chết” được định
nghĩa vô cùng đa dạng phong phú và có sự nhìn lại thức tỉnh đầy mạnh mẽ. Không
phải chết vì những lí tưởng lớn lao, xả thân vì non sông xã tắc mới đáng được trân
trọng. Con người ta thèm yêu khát sống, sự sống ở nhân gian có kéo dài bao nhiêu
cũng là chưa đủ, nhưng có những nhân vật trong văn học đương đại dám chọn “cái
chết”, dám dũng cảm đối diện với tử thần chỉ vì một nỗi niềm riêng tư. Phải nhìn
nhận họ là những con người dũng cảm và liều lĩnh, lí tưởng của họ dù không lớn
lao nhưng cũng là lẽ sống được chính họ tôn thờ, là giá trị bất diệt của cá nhân mà
họ sẵn sàng chết vì điều ấy. Xuyên trong “Khi người ta trẻ” cũng lựa chọn “cái
chết” , chết vì tình. “Cái chết” được sắp đặt trước của Xuyên khiến tất cả mọi
người bàng hoàng, thương xót, có thể nói Xuyên sống cho tình yêu và cũng chết
trọn vẹn cho tình yêu ấy, tình yêu đối với Xuyên là lẽ sống. Có thể Xuyên mù
quáng,tăm tối không nhận ra bản chất mối quan hệ mà Vỹ dành cho cô chỉ là sự
vui chơi qua đường, cái chết của Xuyên không hề lay động đến tâm hồn Vỹ, nó vô
nghĩa với người vốn không yêu cô. Nhưng nhìn lại ta cũng thấy ở Xuyên một khát
tình yêu mạnh mẽ, một tuổi trẻ rực cháy với lí tưởng tình yêu, dám chết vì tình
không phải là một điều dễ dàng, những người dám chết vì tình lại càng không phải
những con người tầm thường. Người ta không chết vì những điều vô nghĩa, chọn
lấy cái chết đôi khi là để sống trọn vẹn với khát vọng nào đó đang đứng trên bờ
vực tan vỡ. Không cổ súy, chết vì tình là cái chết đúng đắn, nhưng nhìn lại đằng
sau những con người đã dám vứt bỏ sự sống vì điều ấy sẽ không phải là những lời
cười chê, mà nên có là thái độ xót thương, đồng cảm, nỗi quan hoài động vọng về
tuổi trẻ với những giá trị nhân bản.
Biểu tượng “cái chết” trong văn học có sự dịch chuyển không ngừng, nhưng ở bất
cứ thời kì nào khi nhà văn xây dựng hình ảnh biểu tượng ấy, đẩy nhân vật đến điểm
cực của cái chết đều với một mục đích chung. Tạo ra sức lay động lớn, sự tỉnh thức
mạnh mẽ hay khơi gợi một nỗi niềm đồng cảm sâu sắc, tạo ra những khoảng trắng
ngôn từ để bạn đọc được suy tư, nhìn nhận lại những giá trị đời sống. “Cái chết”
đôi khi là lối thoát, là con đường thành nhân duy nhất của nhân vật, là cách thức để
nhân vật sống đủ đầy trọn vẹn hơn với một lý tưởng nào đó. Cũng có khi cái chết
mang tính đối thoại gắt gao với những giá trị sống, cái chết buộc con người ta phải
dằn vặt, day dứt tìm ra cách sống khác, “Cái chết” là thế giới khả nhiên đáng sợ
nhất được văn học dựng nên để cảnh tỉnh con người khỏi những tăm tối, sai lầm.
Vẫn biết “cái chết” gắn với những gì đau đớn, chua xót nhưng cũng là phương
cách mạnh mẽ nhất, có tác động lớn nhất vào tâm thức bạn đọc. Từ sự hoang
mang, lo âu, sợ hãi, thương xót ấy hình thành những ý thức sống kiên định, vững
vàng hơn, thức nhận ra nhiều giá trị nhân sinh sâu sắc. Đối với văn học, “Chết đi là
để còn sống mãi”, tác phẩm văn chương viết về cái chết với một tấm lòng tha thiết
yêu sự sống, khát khao tạo sinh những giá trị sống trong mới quan hệ đối lập với
cái chết làm nên giá trị nhân bản muôn đời cho văn chương.

You might also like