You are on page 1of 3

NHÌN RA THẾ GIỚI

HỆ THỐNG KIỀM CHẾ VÀ ĐỐI TRỌNG TRONG BỘ


MÁY NHÀ NƯỚC HOA KỲ

▀ ĐÀO THỊ THANH THỦY


Khoa Hành chính học, Học viện Hành chính

H ợp chủng quốc Hoa Kỳ (Hoa Kỳ) thành lập bởi Hiến pháp năm 1787, là một khối
liên hiệp của 50 bang. Mỗi bang đều có chính quyền riêng. Đứng đầu các bang là
Chính phủ Liên bang. Những đặc điểm của mô hình tổ chức quyền lực nhà nước
Hoa Kỳ là điển hình của chính thể cộng hoà tổng thống - hình thức tổ chức nhà nước mà
ở đó Tổng thống vừa là nguyên thủ quốc gia vừa là người đứng đầu bộ máy hành pháp,
do nhân dân trực tiếp hoặc gián tiếp bầu ra.
Điểm nổi bật của chính thể cộng hoà tổng thống là áp dụng nguyên tắc phân chia
quyền lực một cách cứng rắn với một hệ thống kiềm chế và đối trọng. Đó là sự phân bổ
quyền lực giữa các nhánh riêng rẽ của chính quyền, được gọi là các biện pháp kiểm soát
và cân đối quyền lực lẫn nhau (checks and balance). Đây là một hệ thống nằm ngay bên
trong chính quyền nhằm đảm bảo tính trách nhiệm của chính quyền. Mục đích của hệ
thống này là ngăn ngừa trước những hậu quả xấu có thể xảy ra trong quá trình hoạt động
của các nhánh quyền lực nhà nước. Đó là những quy định tạo nên cơ chế tự kiểm tra lẫn
nhau giữa các cơ quan nhà nước, để không phải thụ động chờ đến lúc những người thi
hành công vụ buộc phải đưa đến vòng xét xử của các cơ quan tài phán. Cách kiểm tra này
được gọi là kiểm tra từ bên trong, tạo ra một cơ chế kiểm tra, giám sát lẫn nhau giữa các
cơ quan nhà nước.
Hiến pháp Hoa Kỳ chỉ định rõ những công việc mà Chính phủ Liên bang có
quyền quyết định. Ngoài phạm vi này, tất cả các công việc khác đều do các bang độc lập
tự quyết, Chính phủ Liên bang không được phép xen vào những gì thuộc thẩm quyền
riêng của Chính quyền bang. Chính phủ Liên bang được chia thành ba ngành: lập pháp,
hành pháp, tư pháp, thể hiện lý thuyết tam quyền phân lập. Mỗi ngành có trách nhiệm
quyền hạn riêng biệt, kiểm tra và cân bằng quyền lực lẫn nhau nhằm không ngành nào có
thể chiếm ảnh hưởng hay vượt quyền Chính phủ.
1. Lập pháp
Ngành lập pháp có quyền ban hành pháp luật: Hiến pháp và các bộ luật. Cơ quan
lập pháp của Hoa Kỳ là Quốc hội. Quốc hội có quyền thông qua chính sách công của
chính quyền, mọi khoản chi phí của Chính phủ phải thông qua sự phê chuẩn của Quốc
hội. Quốc hội có quyền buộc tội bất cứ viên chức nào của chính quyền và toà án, kể cả
Tổng thống. Đồng thời có quyền ra lệnh cho cơ quan tư pháp hoặc Uỷ ban tư pháp của
Quốc hội tiến hành điều tra khi có dấu hiệu sai luật của bất cứ cá nhân hoặc cơ quan nào.
Quốc hội được chia thành hai viện riêng biệt.
Thượng nghị viện gồm có 100 thượng nghị sĩ, mỗi bang hai nghị sĩ. Các thượng
nghị sĩ do nhân dân trong bang bầu lên để đại diện cho bang đó theo nhiệm kỳ 6 năm.
Thượng nghị sĩ phải trên 30 tuổi tính đến ngày tuyển cử và phải là công dân Hoa Kỳ tối
thiểu được 9 năm. Các hoạt động chính của Thượng viện bao gồm: đề xuất luật hoặc tu
chính luật ra nghị sự; nghiên cứu và biểu quyết luật, dự luật; thông qua bổ nhiệm cán bộ
cao cấp của Tổng thống; giám sát thường xuyên các hoạt động của cơ quan hành pháp và
tư pháp.
Hạ nghị viện có tổng số 435 nghị sĩ do nhân dân bầu lên với nhiệm kỳ 2 năm.
Nghị sĩ đại diện cho mỗi bang được ấn định theo dân số của bang. Tuổi của nghị sĩ ít nhất
là 25 khi được tuyển cử và phải là công dân Mỹ được 7 năm. Công việc chính của Hạ
viện là làm luật, mọi hoạt động của Hạ viện là hệ thống tác nghiệp có tổ chức nhằm tu
chính hoặc đưa ra luật mới mà Thượng viện chuyển giao.
Hai viện có quyền ngang nhau trong công việc lập pháp. Viện nào cũng có thể
đưa ra sáng kiến lập pháp, ngoại trừ luật tăng thuế lợi tức phải do Hạ nghị viện đưa ra.
Tuy nhiên, chỉ có Thượng nghị viện mới có thể phê chuẩn hay bác bỏ những hiệp ước với
các quốc gia khác do Tổng thống đề nghị, bác bỏ các bổ nhiệm của Tổng thống như bổ
nhiệm Tối cao pháp viện, các tướng lĩnh, các thành viên trong nội các (các Bộ trưởng),
các đại sứ và giám đốc các cơ quan chính quyền.
Tuy thực hiện nguyên tắc phân lập các quyền dứt khoát theo chế độ tổng thống,
nhưng Nghị viện Hoa kỳ cũng có quyền kiểm soát rộng đối với Chính phủ. Tổng thống
bổ nhiệm các công chức cao cấp phải hỏi ý kiến của Thượng viện và có thể bị từ chối.
Trước khi những dự án luật thành pháp luật, dự án luật đó phải được cả hai viện chấp
thuận và được Tổng thống ký. Nếu Tổng thống bác bỏ thì có thể dùng quyền phủ quyết;
nhưng nếu một lần nữa được cả hai viện thông qua với 2/3 số phiếu thì dự luật đó trở
thành luật pháp mà không cần chữ ký của Tổng thống. Tổng thống không có quyền kiểm
soát Quốc hội, dẫu rằng đảng của mình chiếm đa số trong cả hai viện. Người có quyền
lãnh đạo chính trị lớn nhất trong Hạ nghị viện là Chủ tịch Hạ nghị viện và lãnh tụ khối đa
số.
2. Hành pháp
Theo Hiến pháp Hoa Kỳ, “quyền hành pháp sẽ được giao cho Tổng thống Hoa
Kỳ” (Điều 2). Vì hai chức danh nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu hành pháp tập
trung vào một người cho nên Tổng thống có toàn quyền trong việc quyết định nhân sự
Chính phủ, trừ quyền phê chuẩn của Thượng viện. Các bộ trưởng chỉ là những người
giúp việc cho Tổng thống, thực hiện những chính sách của Tổng thống, không được mâu
thuẫn với đường lối, chính sách của Tổng thống. Đây là điểm khác biệt căn bản so với
chính thể đại nghị, trong đó Chính phủ được thành lập và phải chịu trách nhiệm trước
nghị viện, gây nên sự lật đổ và giải tán lẫn nhau. Sở dĩ có hiện tượng này là do mối quan
hệ giữa lập pháp và hành pháp được phân định một cách rõ ràng hơn, lập pháp không
được quyền đứng ra thành lập hành pháp và hành pháp không phải chịu trách nhiệm
trước lập pháp. Do đó, nghị viện không được quyền lật đổ Chính phủ và Chính phủ cũng
không có quyền giải tán nghị viện. Đó là hai thiết chế hoàn toàn độc lập, cùng do dân bầu
ra và cùng chịu trách nhiệm trước dân. Chính việc áp dụng nguyên tắc phân quyền chặt
chẽ này là cơ sở cho việc không chịu trách nhiệm lẫn nhau giữa lập pháp và hành pháp.
Lập pháp và hành pháp kìm chế và đối trọng lẫn nhau để không cơ quan nào có thể tiếm
quyền. Nghị viện không có quyền lật đổ Chính phủ và ngược lại, Tổng thống cũng không
có quyền giải tán Nghị viện trước thời hạn.
Những quyết định của Tổng thống phải được Quốc hội chấp thuận mới có thể thi
hành và ngay cả đến quyền phủ quyết của Tổng thống cũng có thể bị bãi bỏ nếu 2/3 nghị
sĩ Quốc hội chống lại. Nếu gặp một Quốc hội bất hợp tác, Tổng thống cũng sẽ không có
quyền lực gì. Do đó, người ta thường nói quyền lực thật sự của Tổng thống là quyền
thuyết phục. Ngược lại, Quốc hội không thể lật đổ Tổng thống, trừ khi có những lỗi rất
nghiêm trọng.
3. Tư pháp
Ngành tư pháp có nhiệm vụ bảo vệ quyền tự do và tài sản của người dân Hoa Kỳ
theo Hiến pháp. Ngành tư pháp của Chính phủ Hoa Kỳ bao gồm một hệ thống tòa án liên
bang, có cấu trúc theo quyết định của Quốc hội. Quốc hội có quyền thành lập và bãi bỏ
các toà án liên bang, cũng như quyền quy định số lượng thẩm phán trong hệ thống xét xử
liên bang. Tuy nhiên, Quốc hội không được phép bãi bỏ Toà án Tối cao.
Toà án Tối cao là toà án cấp cao nhất của Hoa Kỳ và là toà án duy nhất do Hiến
pháp đặc biệt lập ra. Quyết định của Toà án Tối cao thì không thể được chuyển lên phúc
thẩm ở bất kỳ toà án nào khác. Quốc hội có quyền ấn định số thẩm phán trong Toà án Tối
cao, quyết định loại vụ việc nào Toà án Tối cao có thể xét xử. Song Quốc hội không thể
thay đổi các quyền mà chính Hiến pháp đã trao cho Toà án Tối cao.
Tòa án Tối cao có quyền phán quyết hủy bỏ một bộ luật, cho dù bộ luật này được
Quốc hội thông qua và Tổng thống chấp nhận. Tòa án Tối cao cũng được phép bác bỏ
những quyết định khẩn cấp của Tổng thống, đây là biện pháp kiểm tra và cân bằng đối
với quyền lực của Tổng thống. Tòa án Tối cao cũng có quyền chỉ thị Quốc hội và Tổng
thống phải cung cấp thông tin khi cần. Ngoài quyền xét xử, Toà án tối cao còn có chức
năng quản lý hành chính và kiểm soát toàn bộ bộ máy tư pháp liên bang. Điều này khác
với một số nước như ở Pháp, quyền quản lý các toà án thuộc Bộ Tư pháp, tức thuộc
quyền hành pháp

You might also like