You are on page 1of 11

ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ I

Đề chính thức (Gồm 02 trang) NĂM HỌC 2020 – 2021


---***---
Môn: Ngữ văn 12
Thời gian: 90 phút (Không kể thời gian giao đề)

ĐỀ BÀI:
I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm):
Đọc đoạn trích và các trả lời câu hỏi sau:

Những dấu chân lùi lại phía sau

Dấu chân in trên đời chúng tôi những tháng năm trẻ nhất

Mười tám hai mươi sắc như cỏ

Dày như cỏ

Yếu mềm và mãnh liệt như cỏ

Cơn gió lạ một chiều không rõ rệt

Hoa chuẩn bị âm thầm trong đất

Nơi đó nhất định mùa xuân sẽ bùng lên

Hơn một điều bất chợt

Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình

(Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)

Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?
(Trích Trường ca những người đi tới biển – Thanh Thảo)
Câu 1 (0,75 điểm): Xác định thể thơ.
Câu 2 (0,75 điểm): Tuổi trẻ Việt Nam trong những năm tháng kháng chiến chống Mĩ
được tác giả miêu tả qua những từ ngữ, hình ảnh nào?

Câu 3 (1,0 điểm): Anh/chị hiểu như thế nào về nội dung câu thơ: "Hoa chuẩn bị âm
thầm trong đất/Nơi đó nhất định mùa xuân sẽ bùng lên"?
Câu 4 (0,5 điểm): Anh/chị học tập được điều gì từ thế hệ trẻ của thời kì kháng chiến
chống Mĩ.
II. LÀM VĂN (7,0 điểm):
Câu 1 (2,0 điểm):
Anh/ Chị hãy viết một đoạn văn khoảng 150 chữ bàn về câu thơ được nêu trong
đoạn trích ở phần Đọc hiểu:
Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?
Câu 2 (5,0 điểm):
Hãy nêu cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của sông Hương trong đoạn trích “Ai đã
đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường theo phương diện lịch sử.
-------------------Hết----------------
Giám thị coi thi không giải thích gì thêm
KIỂM TRA CUỐI KÌ I NĂM HỌC 2020 – 2021
ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM
Môn: Ngữ văn, lớp 12
(Đáp án và hướng dẫn chấm gồm 08 trang)

Phần Câu Nội dung Điểm

I ĐỌC - HIỂU 3,0

1 Thể thơ tự do/ Tự do 0,75


Hướng dẫn chấm:
- Học sinh trả lời như đáp án cho 0,75 điểm.
- Học sinh không trả lời đúng như đáp án hoặc không trả lời
không cho điểm.
2 Những từ ngữ, hình ảnh nói về tuổi trẻ Việt Nam trong những 0,75
năm tháng kháng chiến chống Mĩ: “trẻ nhất, sắc, dày, yếu
mềm, mãnh liệt, không tiếc đời mình”.
Hướng dẫn chấm:
- Học sinh trả lời như đáp án (hoặc diễn đạt tương đương với
đáp án) cho 0,75 điểm.
- Học sinh trích dẫn 2/3 từ ngữ, hình ảnh cho 0,5 điểm.
- Học sinh trích dẫn 1/2 từ ngữ, hình ảnh cho 0,25 điểm.
- Học sinh trả lời sai hoặc không có câu trả lời không cho
điểm.
3 - Nội dung câu thơ: "Hoa chuẩn bị âm thầm trong đất / Nơi đó 1,0
nhất định mùa xuân sẽ bùng lên" có thể hiểu:
+ Hoa: vẻ đẹp của sức mạnh ý chí tinh thần, tâm hồn của tuổi
trẻ
+ Mùa xuân: thắng lợi, thành quả
=> Ý nghĩa: Tuổi trẻ với vẻ đẹp tâm hồn, với sức mạnh ý chí
và tinh thần quyết tâm tiêu diệt kẻ thù nhất định sẽ giành thắng
lợi – đó là lời động viên, đồng thời cũng thể hiện niềm tin
tưởng của tác giả với tuổi trẻ.
Hướng dẫn chấm:
- Học sinh trả lời 3 ý như đáp án (hoặc diễn đạt tương đương
với đáp án) cho 1,0 điểm.
- Học sinh trích dẫn 2 ý từ ngữ, hình ảnh cho 0,75 điểm
- Học sinh trích dẫn 1 ý cho 0,5 điểm.
- Học sinh trả lời sai hoặc không có câu trả lời không cho
điểm.
4 - Học sinh có thể rút ra các bài học theo quan điểm riêng của 0,5
cá nhân phù hợp với chuẩn mực đạo đức của xã hội như:
+ Tình yêu quê hương, đất nước
+ Tinh thần xung kích, nhiệt huyết của tuổi trẻ
+ Lí tưởng sống xả thân, cống hiến…
Hướng dẫn chấm:
- Học sinh trình bày thuyết phục cho 0,5 điểm.
- Học sinh trình bày chưa thuyết phục cho 0,25 điểm.
- Học sinh trình bày không hợp với qui chẩn đạo đức hoặc
không trình bày không cho điểm.
II 1 Anh/ Chị hãy viết một đoạn văn khoảng 150 chữ bàn 2,0
về câu thơ được nêu trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu:
Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ
quốc?
a Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (điểm): 0,25

- Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận.

+ Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề

+ Phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết
chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề

+ Phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận
thức của cá nhân.

b Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Tình yêu quê hương, đất 0,25
nước của tuổi trẻ gắn với trách nhiệm cống hiến, xả thân bảo
vệ Tổ quốc.

Hướng dẫn chấm:


- Học sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận cho 0,25 điểm.
- Học sinh xác định chưa đúng vấn đề nghị luận không cho
điểm.

c Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các 0,75
luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết
chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các
luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, chứng minh,
bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn
chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động. Đảm
bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:

* Giải thích:

- Những tuổi hai mươi: cách nói về tuổi trẻ nói chung, là
khoảng thời gian thanh xuân quý giá chứ không phải nói về
năm 20 tuổi một cách cụ thể); "ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì
còn chi Tổ quốc". Nếu ai cũng ích kỉ, hẹp hòi, chăm lo cuộc
sống của riêng mình, không có trách nhiệm với Tổ quốc thì Tổ
quốc sao có thể tồn tại?

- Nội dung câu thơ: Nêu cao tinh thần, trách nhiệm của mỗi
công dân (đặc biệt là thế hệ trẻ) trong cuộc kháng chiến chống
Mĩ: Tự nguyện, sẵn sàng hi sinh tuổi trẻ của mình để bảo vệ
non sông đất nước.

* Bàn luận: Thí sinh có thể trình bày quan điểm cá nhân
những cần hợp lí, thuyết phục, dưới đây là một hướng giải
quyết:

- "Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc":

+ Quãng thời gian đẹp đẽ nhưng ngắn ngủi, chỉ có một lần
trong cuộc đời con người.

+ Lứa tuổi có sức khỏe, nhiệt huyết, ước mơ, khát vọng...có
đầy đủ điều kiện để biến ước mơ thành hiện thực.

-> Vì thế, đó là quãng thời gian ai cũng cần phải trân trọng.

- "Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?":

+ Mối quan hệ giữa cá nhân với tổ quốc/ đất nước: gắn bó
không thể tách rời (khi tổ quốc lâm nguy, cuộc sống của cá
nhân cũng bị ảnh hưởng). Như vậy, mỗi cá nhân (tư cách công
dân của đất nước) đều phải có trách nhiệm với tổ quốc/ đất
nước (đặc biệt là thế hệ trẻ).

+ Để bảo vệ và dựng xây tổ quốc/ đất nước, mỗi cá nhân sống
vượt lên thói ích kỉ thông thường phải có sự chung tay cống
hiến, hi sinh.

+ Tuổi 20 (tuổi trẻ) của mỗi người là thời điểm có khả năng
cống hiến lớn nhất.

-> Do đó, mỗi cá nhân phải biết cống hiến "những tuổi hai
mươi" đẹp đẽ của mình cho Tổ quốc, quê hương.

* Mở rộng:

- Tùy vào từng điều kiện và hoàn cảnh cụ thể để có sự cống
hiến tốt nhất cho Tổ quốc.

- Không chỉ trong thời điểm Tổ quốc có chiến tranh, ngay cả
khi thời bình, thế hệ trẻ cũng cần ý thức được vai trò và trách
nhiệm của mình.

- Phê phán những hành động vị kỉ của một bộ phận giới trẻ
hiện nay (có thể nêu hậu quả của sự không ý thức đúng đắn về
tuổi hai mươi)...

* Bài học nhận thức và hành động

- Nhận thức được vai trò, sứ mệnh của tuổi trẻ đối với Tổ quốc
dù ở thời chiến hay thời bình.

- Có những hành động cụ thể, thiết thực thể hiện tình yêu đối
với Tổ quốc.

Hướng dẫn chấm:

- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; dẫn chứng
tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và dẫn
chứng (0,75 điểm).

- Lập luận chưa thật chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng
nhưng không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không tiêu biểu
(0,5 điểm).

- Lập luận không chặt chẽ, thiếu thuyết phục: lí lẽ không xác
đáng, không liên quan mật thiết đến vấn đề nghị luận, không
có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không phù hợp (0,25 điểm).

- Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải
phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
d Chính tả, dùng từ, đặt câu: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, 0,5
đặt câu.

Hướng dẫn chấm:

- Không cho điểm với bài có nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt
câu

e Sáng tạo: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết 0,25
câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…) ; thể
hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không
trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

Hướng dẫn chấm: Học sinh huy động được kiến thức và trải
nghiệm của bản thân để bàn luận về tư tưởng đời sống có
cách nhìn riêng, mới mẻ về vấn đề nghị luận, có sáng tạo
trong viết câu, dựng đoạn làm cho lời văn có giọng điệu, hình
ảnh.

- Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên cho 0,5 điểm.
- Đáp ứng được 1 yêu cầu trở lên cho 0,25 điểm.

2 Hãy nêu cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của sông 5,0
Hương trong đoạn trích “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của
Hoàng Phủ Ngọc Tường theo phương diện lịch sử.
a Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (điểm): 0,25

- Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận.

+ Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề

+ Phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết
chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề

+ Phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận
thức của cá nhân.

b Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Vẻ đẹp của sông Hương 0,5
trong đoạn trích “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ
Ngọc Tường theo phương diện lịch sử

Hướng dẫn chấm:


- Học sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận cho 0,5 điểm.
- Học sinh xác định chưa đầy đủ vấn đề nghị luận cho 0,25
điểm.

c Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các
luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết
chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các
luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, chứng minh,
bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn
chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động. Đảm
bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
* Giới thiệu vấn đề nghị luận: 0,5

- Giới thiệu tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường với nét phong
cách tài hoa, mê đắm, súc tích, hướng nội

- Giới thiệu tác phẩm miêu tả về vẻ đẹp sông Hương trong


hành trình gắn bó, yêu thương với xứ Huế. Tác giả viết bài kí
thay lời tri ân với quê hương, xứ sở

Hướng dẫn chấm:

- Giới thiệu được đầy đủ về tác giả, tác phẩm và đoạn trích
cho 0,5 điểm.

- Giới thiệu chưa đầy đủ về tác giả, tác phẩm và đoạn trích
cho 0,25 điểm.

- Không giới thiệu được về tác giả, tác phẩm và đoạn trích
không cho điểm.

* Phân tích vấn đề nghị luận: 2,5

a. Khái quát vẻ đẹp chung của sông Hương

Nhìn từ góc độ địa lý, sông Hương khúc thượng nguồn là “bản
trường ca của rừng già”; về tới Huế, sông Hương mang âm
hưởng của một điệu slow chậm rãi sâu lắng, một bản tình ca
tình tứ ngọt ngào; nhưng nếu đặt trong quan hệ với lịch sử dân
tộc, sông Hương lại là bản anh hùng ca hào hùng, bi tráng, là
chứng nhân nhẫn nại, kiên cường của cuộc đời qua bao thăng
trầm trong lịch sử.

b. Phân tích vẻ đẹp lịch sử của sông Hương

– Là một trong số những dòng sông có mặt từ thuở đầu lập


nước, sông Hương đã chứng kiến và tham gia hầu hết những
biến cố quan trọng vừa oanh liệt vừa đau thương trong suốt
chiều dài của lịch sử của dân tộc.

+ Sông Hương xuất hiện trong lịch sử trước hết với vai trò một
dòng sông biên thùy của đất nước các vua Hùng, thuở còn
mang tên Linh Giang – dòng sông thiêng;

+ Trong Dư địa chí của Nguyễn Trãi, sông Hương là dòng


sông “viễn châu”, dòng sông ở chốn xa xôi của Tổ quốc đã
cùng con người tham gia vào những trận chiến đấu oanh liệt
để bảo vệ chủ quyền nước Đại Việt thân yêu.
+ Dòng sông cũng đã từng “soi bóng kinh thành Phú Xuân của
người anh hùng Nguyễn Huệ” trong thế kỷ XVIII, “nó sống
hết lịch sử bi tráng của thế kỷ XIX với máu của bao cuộc khởi
nghĩa”.

+ Trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của thế kỷ XX,
sông Hương lại đóng góp sức mạnh của mình để làm nên
chiến thắng, từ Cách mạng Tháng Tám 1945 đến mùa xuân
Mậu Thân năm 68, sông Hương kiên cường chịu đựng nỗi đau
của những mất mát không thể bù đắp khi thành phố Huế bị
bom Mỹ tàn phá, khi những di sản văn hóa bị hủy hoại. Cũng
vì thế, sông Hương đã trở thành một “nét son” trong lịch sử
Đảng, lịch sử dân tộc.

– Đặt sông Hương trong chiều dài lịch sử từ thời dựng nước
của các vua Hùng tới thời đánh Mỹ, nhà văn đã thể hiện không
chỉ tình yêu mà còn là niềm tự hào sâu sắc về dòng sông quê
hương. Tác giả coi sông Hương là “dòng sông của thời gian
ngân vang” – sông Hương đã mang trong mình nó những âm
vang hào hùng, bi tránh của dòng thời gian lịch sử với cả
những chiến công và những đau thương. Sông Hương còn
được coi là dòng sông “của sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh
biếc”

– Nghệ thuật ẩn dụ đã làm hiện lên vai trò của một chứng
nhân lịch sử, cách miêu tả tinh tế lại gợi ra những sắc thái
khác nhau cùng tồn tại trong một dòng sông, vì sử thi còn
được gọi là anh hùng ca, là thể loại gắn với những chiến công,
gợi đến chiến tranh; nhưng “màu cỏ lá xanh biếc” lại là sắc
màu mang chất trữ tình của cuộc sống, của tình yêu và sự bình
yên. Sông Hương vì thế vừa sử thi, vừa trữ tình, vừa là thiên
anh hùng ca hào tráng, vừa là khúc tình ca tươi mát, dịu dàng.

Hướng dẫn chấm:


- Phân tích đầy đủ, sâu sắc cho 2,5 điểm
- Phân tích chưa đầy đủ hoặc chưa sâu sắc cho 1,75 điểm -
2,25 điểm.
- Phân tích chung chung, chưa rõ nội dung và nghệ thuật của
đoạn trích cho 0,75 điểm – 1,25 điểm
- Phân tích sơ lược, không rõ các biểu hiện cho 0,25 điểm –
0,5 điểm
* Đánh giá vấn đề nghị luận: 0,5

- Sông Hương hiện hữu không còn là vật vô tri vô giác mà trở
thành một chứng nhân lịch sử chứng kiến dấu mốc vàng son
của dân tộc. Dòng sông còn xuất hiện với tư cách là một đồng
đội chiến đấu anh dũng bảo vệ xứ Huế. Nó được Hoàng Phủ
Ngọc Tường nhìn nhận có linh hồn, mang tình yêu sâu sắc với
xứ Huế.

- Đoạn trích bài bút ký mang đậm phong cách của thể tùy bút
vì chất tự do phong túng và hình tượng cái “tôi” tài hoa, uyên
bác của Hoàng Phủ Ngọc Tường, một hồn thơ thực sự trong
văn xuôi với trí tưởng tượng lãng mạn và những xúc cảm sâu
lắng.

– Từ tình yêu say đắm với dòng sông quê hương, từ những
hiểu biết phong phú về văn hóa, lịch sử, địa lý, Hoàng Phủ
Ngọc Tường đã làm hiện lên những vẻ đẹp khác nhau của
sông Hương trong một văn phong tao nhã, hướng nội, qua đó
người đọc nhận ra tình yêu và sự gắn bó tha thiết của một trí
thức yêu nước với cảnh sắc quê hương và lịch sử dân tộc.

Hướng dẫn chấm:

- Học sinh trình bày được 2 ý: 0,5 điểm


- Học sinh trình bày được 1 ý: 0,25 điểm.

d Chính tả, dùng từ, đặt câu: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, 0,5
đặt câu.

Hướng dẫn chấm:


- Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ
pháp

e Sáng tạo: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết 0,25
câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…) ; thể
hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không
trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

Hướng dẫn chấm: Học sinh huy động được kiến thức vận
dụng lý luận văn học trong quá trình phân tích, đánh giá; biết
so sánh với tác phẩm khác để làm nổi bật nét đặc sắc của
Hoàng Phủ Ngọc Tường; biết liên hệ vấn đề nghị luận với
thực tiễn đời sống; có sáng tạo trong viết câu, dựng đoạn làm
cho lời văn có giọng điệu, hình ảnh.
- Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên cho 0,5 điểm.
- Đáp ứng được 1 yêu cầu trở lên cho 0,25 điểm.

ĐIỂM TOÀN BÀI: I + II = 10

You might also like