You are on page 1of 10

I.

Cuộc đời
1. Tiểu sử
- Vũ Trọng Phụng sinh ngày 20 tháng 10 năm 1912, quê ở làng Hảo nay là thôn
Ông Hảo, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên nhưng ông lớn lên và qua
đời tại Hà Nội
- Cha ông mất sớm khi ông mới được 7 tháng tuổi, Vũ Trọng Phụng được mẹ là bà
Phạm Thị Khách ở vậy tần tảo nuôi con ăn học.
- Học hết tiểu học, VTP phải thôi học để đi làm kiếm sống vào năm 16 tuổi
- Sau hai năm làm ở các sở tư như nhà hàng Gô-đa, nhà in IDEO (Viễn Đông), ông
chuyển hẳn sang làm báo, viết văn chuyên nghiệp
- Là một nhà báo, Vũ Trọng Phụng đã viết nhiều phóng sự nổi tiếng. Với phóng sự
đầu tay Cạm bẫy người (1933) đăng báo Nhật Tân dưới bút danh Thiên Hư, Vũ
Trọng Phụng đã gây được sự chú ý của dư luận đương thời. Năm 1934, báo Nhật
Tân cho đăng Kỹ nghệ lấy Tây. Với hai phóng sự đó, Vũ Đình Chí và Vũ Bằng đã
cho ông là một trong hàng vài ba "nhà văn mở đầu cho nghề phóng sự của nước
ta". Những phóng sự tiếp theo như Cơm thầy cơm cô, Lục sì đã góp phần tạo nên
danh hiệu "ông vua phóng sự của đất Bắc" cho Vũ Trọng Phụng. Những tiểu
thuyết và phóng sự của ông cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
- Cả đời Vũ Trọng Phụng sống trong nghèo khổ. Vì còn bà nội và mẹ già nên dù
lao động cật lực, ngòi bút của ông vẫn không đủ nuôi gia đình. Tuy viết về nhiều
các tệ nạn, thói ăn chơi nhưng Vũ Trọng Phụng là một người đạo đức và sống rất
kham khổ. Vì vậy ông mắc bệnh lao phổi. Những ngày cuối đời, trên giường bệnh
ông từng nói với Vũ Bằng: "Nếu mỗi ngày tôi có một miếng bít tết để ăn thì đâu có
phải chết non như thế này".
- Ông mất ngày 13 tháng 10 năm 1939 do bệnh lao phổi, khi mới 27 tuổi, để lại gia
đình còn bà nội, mẹ đẻ, vợ và người con gái chưa đầy 1 tuổi tên là Vũ Mỵ Hằng.
Nhà văn Vũ Trọng Phụng sống long đong, khi qua đời, cũng nhiều phen đổi dời.
Lúc mới mất, ông được chôn cất ở nghĩa trang Hợp Thiện, rồi nghĩa trang Quán
Dền. Đến năm 1988, con gái Vũ Mỵ Hằng mới đưa ông về quy thổ vĩnh tại mảnh
vườn của nhà mẹ vợ nhà văn tại làng Giáp Nhất.

2. Thời đại
- Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khổ, một thứ “nghèo gia truyền”
(Ngô Tất Tố), tuổi thơ đi học phải hứng chịu biết bao tủi cực, lại liên tiếp gặp trắc
trở khi vào đời (hai lần bị đuổi việc), ở Vũ Trọng Phụng sớm có cái mầm bất mãn
với cuộc sống. Những cảnh tượng, những con người va đập vào mắt ông hàng ngày
chỉ làm cho ông nhìn thấy mặt trái của xã hội, cái xấu của con người
- Hoàn cảnh lịch sử xã hội thời kì Mặt trận Dân chủ (1936 - 1939) đã tạo điều kiện
thuận lợi cho các nhà văn hiện thực. Không chỉ Vũ Trọng Phụng mà cả Nguyễn
Công Hoan, Ngô Tất Tố đều nhìn thấy mâu thuẫn cơ bản của xã hội. Trong việc
phản ánh hiện thực, tư duy nghệ thuật của các nhà văn hiện thực đã có sự tiến bộ rõ
rệt. Một trong những bằng chứng về sự tiến bộ đó là cái nhìn xã hội "trên tinh thần
giai cấp". Tuy nhiên, cần phải thấy, vượt lên hẳn so với các cây bút cùng thời, Vũ
Trọng Phụng qua nhiều tác phẩm đã trực tiếp phản ánh hiện thực, phơi bày bản
chất thực mối quan hệ của các tầng lớp xã hội đương thời.
3. Con người-cuộc đời
Vũ Trọng Phụng trưởng thành và bắt đầu văn nghiệp của mình trong một giai đoạn
lịch sử đầy những biến động dữ dội và phức tạp. Các sự kiện lịch sử xã hội đó có
ảnh hưởng trực tiếp, sâu sắc tới tư tưởng, sự nghiệp sáng tác của nhà văn. Đối với
ông, điều này như định mệnh, không cưỡng được.
Với Vũ Trọng Phụng, viết văn là một hoạt động nghề nghiệp, là hành nghề để
sống. Dù nhìn nhận từ góc độ nào, dù cắt nghĩa bằng lí do gì thì phải thừa nhận
ông đi đến với nghiệp văn bằng sự tự giác và kết quả của một quá trình chọn lựa,
không phải do sự dắt dẫn của những ý tưởng phiêu lưu mà là do sự phù hợp giữa
thiên hướng, năng khiếu và khả năng đáp ứng nhu cầu vật chất do thành quả lao
động (viết văn) mang lại. Điều đó quan trọng vô cùng. Bởi lẽ phía sau những trang
viết của mình, sự tồn tại của chính Vũ Trọng Phụng là một gia đình lớn gồm bốn
thế hệ và không hề có bất cứ sự bảo hiểm nào khác. Lao động tận lực như Vũ
Trọng Phụng đã làm cần được giải thích bằng nhiều nguyên nhân, trong đó không
thể nhắc đến sự thật trần tục này. Qua những lời đánh giá của Nguyễn Tuân đúc
kết, nhận xét về đức tính “phân minh về chỗ tài thượng”, “không nợ bất cứ một
nhà xuất bản nào về bản thảo” là một đánh giá rất đáng lưu ý. Bởi nó góp phần
giúp ta nhìn sâu hơn vào thực chất quan niệm văn chương của Vũ Trọng Phụng.
Thậm chí những lý giải về giá trị nội dung và tư tưởng nghệ thuật của nhà văn
cũng được hiển lộ phần nào nếu chúng ta nhìn kỹ vấn đề từ góc độ nghề nghiệp
của nhà văn.
II. Sự nghiệp sáng tác
1. Các tác phẩm tiêu biểu
Dù chỉ “rong chơi” trên trần thế 27 năm ít ỏi, đã 78 năm từ ngày ông dời xa cõi
tạm, nhà văn Vũ Trọng Phụng vẫn kịp để lại cho hậu thế những kiệt tác văn học
với những đề tài thời sự đương thời mà vẫn còn hiện hữu ngay giữa cuộc sống
ngày nay.

Một số tác phẩm chính tiêu biểu như: Không một tiếng vang (kịch, 1931), Cạm bẫy
người (phóng sự, 1933), Dứt tình (tiểu thuyết, 1934), Kỹ nghệ lấy Tây (phóng sự,
1934), Giông tố (tiểu thuyết, 1936), Cơm thấy cơm cô (phóng sự, 1936), Vỡ đê
(tiểu thuyết, 1936), Số đỏ (tiểu thuyết, 1936), Làm đĩ (tiểu thuyết, 1936), Lấy nhau
vì tình (tiểu thuyết, 1937), Lục sì (phóng sự, 1937), Trúng số độc đắc (tiểu thuyết,
1938),... và nhiều truyện ngắn.
1.1. Số đỏ
Số đỏ là một tiểu thuyết văn học được đăng ở Hà Nội báo từ số 40 ngày 7 tháng 10
năm 1936 và được in thành sách lần đầu vào năm 1938. Nhân vật chính của Số đỏ
là Xuân - biệt danh là Xuân Tóc đỏ, từ chỗ là một kẻ bị coi là hạ lưu, bỗng nhảy
lên tầng lớp danh giá của xã hội nhờ trào lưu Âu hóa của giới tiểu tư sản Hà Nội
khi đó. Nhiều nhân vật và câu nói trong tác phẩm đã đi vào cuộc sống đời thường
và tác phẩm đã được dựng thành kịch, phim.

Tác phẩm Số đỏ, cũng như các tác phẩm khác của Vũ Trọng Phụng đã từng bị cấm
lưu hành tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước năm 1975 cũng như tại Việt Nam
thống nhất từ năm 1975 đến năm 1986. Tuy nhiên, hiện nay tác phẩm đã được tái
xuất bản và được phê duyệt ở Việt Nam. Đồng thời, một đoạn trích của tác phẩm
cũng được đưa vào chương trình giáo dục ở trong nước (Hạnh phúc của một tang
gia).

1.2. Giông tố
Giông tố thuộc thể loại văn học hiện thực phê phán trong giai đoạn 1930-1945 tại
Việt Nam. Được viết bằng giọng văn trào phúng đặc trưng, tác phẩm thể hiện xã
hội Việt Nam thời Pháp thuộc nơi tất cả các tầng lớp từ địa chủ cho đến dân nghèo
đều trở nên biến chất trước giông tố cuộc đời.

Tác phẩm ấy đã mang đến cho người đọc sự xót xa đến khó tả đối với những thân
phận được xây dựng nên, đây cũng là một tuyệt tác đã tố cáo một xã hội thuộc địa
thối nát, tố cáo những kẻ tàn ác đã chà đạp lên quyền sống và hạnh phúc của con
người.
2. Các chặng đường sáng tác
Năm 1930, Vũ Trọng Phụng đã cho ra mắt truyện ngắn đầu tay Chống nạng lên
đường đăng trên tờ Ngọ Báo, nhưng không được công chúng chú ý nhiều. Năm
1931, ông viết vở kịch Không một tiếng vang, thì bắt đầu thu hút được sự quan tâm
của độc giả. Năm 1934, Vũ Trọng Phụng cho ra mắt cuốn tiểu thuyết tâm lý đầu
tay Dứt tình đăng trên tờ Hải Phòng tuần báo.

Năm 1936, ngòi bút tiểu thuyết của ông nở rộ, chỉ trong vòng một năm, bốn cuốn
tiểu thuyết lần lượt xuất hiện trên các báo, thu hút sự chú ý của công chúng. Cả
bốn tiểu thuyết Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê và Làm đĩ đều hiện thực, đi sâu vào các vấn
đề xã hội. Trong đó Số đỏ xuất sắc hơn cả, được xem như tác phẩm lớn nhất của
Vũ Trọng Phụng, một vài nhân vật, câu nói trong Số đỏ đã đi vào ngôn ngữ đời
sống hằng ngày.

Là một nhà báo, Vũ Trọng Phụng đã viết nhiều phóng sự nổi tiếng. Với phóng sự
đầu tay Cạm bẫy người (1933) đăng báo Nhật Tân dưới bút danh Thiên Hư, Vũ
Trọng Phụng đã gây được sự chú ý của dư luận đương thời. Năm 1934, báo Nhật
Tân cho đăng Kỹ nghệ lấy Tây. Với hai phóng sự đó, Vũ Đình Chí và Vũ Bằng đã
hết lòng ca ngợi ông là một trong những “nhà văn mở đầu cho nghề phóng sự của
nước ta”. Những phóng sự tiếp theo như Cơm thầy cơm cô, Lục sì đã góp phần tạo
nên danh hiệu "ông vua phóng sự của đất Bắc" cho Vũ Trọng Phụng.

Những tiểu thuyết và phóng sự của ông cũng nhận được nhiều ý kiến phản bác. Từ
năm 1936 đến khi Vũ Trọng Phụng qua đời năm 1939, đã nổ ra cuộc tranh luận
xung quanh vấn đề “Dâm hay không Dâm” trong các tiểu thuyết, phóng sự của
ông.
3. Giá trị nội dung của các tác phẩm
3.1. Số đỏ
Tác phẩm kể về Xuân – thường gọi là Xuân Tóc Đỏ - làm nghề nhặt bán quần vợt
ở một quán thể thao. Hắn vốn là một đứa trẻ mồ côi sống bằng đủ nghề “hạ lưu”:
trèo me, trèo sấu, bán phá xa, lạc rang, nhật trình, chạy chờ rạp hát, thổi loa quảng
cáo thuốc lậu..., và hấp thu thứ “luân lý vỉa hè” Hà Nội. Bị đuổi việc vì một hành
động vô giáo dục, hắn được bà Phó Đoan, một me tây góa dâm đãng, đem “lòng
thương”, giới thiệu đến giúp việc ở tiệm may “Âu hóa” của Văn Minh – cháu bà –
nơi chuyên may các mốt y phục “phục vụ phái đẹp trong công cuộc Âu hóa”. Đồng
thời, hắn còn được giao việc luyện quần vợt cho bà Phó Đoan và Văn Minh. Và
như vậy, Xuân bắt đầu “dự một phần vào việc cải cách xã hội”, có trách nhiệm về
việc “xã hội văn minh hay dã man”. Có lần nhờ thuộc lòng lời quảng cáo trước kia
mà hắn được Văn Minh giới thiệu là “sinh viên trường thuốc”. Thế là, “đốc tờ
Xuân”, “quản lý tiệm may Âu hóa”, nhà “cải cách xã hội”, “Giáo sư quần vợt”,
nghiễm nhiên gia nhập cái xã hội thượng lưu, giao thiệp với những họa sĩ Típ Phờ
Nờ, đốc tờ Trực Ngôn, nhà chính trị bảo hoàng Jôzep Thiết, ông Phán dây thép
mọc sừng... Cô Tuyết, con gái út cụ cố Hồng, em gái Văn Minh, thì phải lòng
Xuân, rủ hắn thuê buồng trên khách sạn Bồng Lai ở Hồ Tây. Rồi hắn được bà Phó
Đoan mời làm người giáo dục cho cậu Phước “con trời con phật” của bà, được sư
Tăng Phú mời làm cố vấn báo Gõ mõ cổ động cho việc chấn hưng đạo Phật. Trong
không khí đầy sự giả tạo ấy, Xuân được mọi người kính nể, sợ hãi. Sự ngây ngô
của hắn được coi là nhũn nhặn; hắn càng khinh người thì càng được kính trọng. Vợ
chồng Văn Minh biết rõ lý lịch hèn hạ của Xuân thì ở vào tình thế há miệng mắc
quai, còn phải tìm cách tô vẽ cho Xuân để nếu cần có thể gả em gái đã mang tiếng
hư hỏng cho hắn. Đến khi vô tình gây ra cái chết của cụ tổ, cái chết mà tất cả con
cháu cụ mong đợi, Xuân hóa ra lại có công lớn với mọi người. Sau đó, Văn Minh
dẫn Xuân đi đăng ký làm tài tử quần vợt, tham dự giải vô địch trong dịp vua Xiêm
sang thăm Bắc Kỳ nay mai. Rồi dịp may ấy đã đến. Anh chàng vị hôn phu của
Tuyết bày mưu hại Xuân song lại bị Xuân biết được, bèn tương kế tựu kế, khiến
cho hai đối thủ quần vợt lợi hại của hắn bị bắt trước hôm thi đấu. Thế là, trước khi
hai đức vua và các “quý quan” cùng hàng vạn công chúng Hà thành, Xuân được cử
ra đọ tài với quán quân quần vợt Xiêm La. Cuộc đấu đang diễn ra sôi nổi, hồi hộp
thì bỗng Xuân được lệnh phải thua, vì “phải giữ gìn mối thiện cảm của một nước
lân bang", tránh thảm họa “núi xương sông máu”. Sau trận đấu về, Xuân đứng trên
mui ô tô mà diễn thuyết rất hùng hồn theo lời nhắc của ông bầu Văn Minh, giải
thích cho đám đông công chúng “ngu dại” rằng hắn đã “chối từ danh vọng riêng”
để cứu vãn “trật tự và hòa bình của Tổ quốc”. Mọi người vỗ tay như sấm hoan
nghênh một “bậc vĩ nhân”, “anh hùng cứu quốc” vừa mới tránh cho họ nguy cơ
chiến tranh. Hắn được Phủ Toàn quyền quyết định ân thưởng Bắc Đẩu bội tinh,
được Hoàng đế An Nam ân thưởng Long bội tinh, được Hội Khai trí tiến đức mời
vào Hội. Cụ cố Hồng sung sướng tuyên bố gã Tuyết cho hắn.

Với trình độ tiểu thuyết già dặn, bút pháp châm biếm đặc biệt sắc sảo, với tiếng
cười nhiều cung bậc và đa nghĩa, Số đỏ là một trong những kiệt tác của văn xuôi
Việt Nam hiện đại, trước hết là trong thể loại tiểu thuyết trào phúng.
3.2. Giông tố
Mở đầu tác phẩm bằng cảnh Mịch, một cô gái quê, trong một đêm trăng đi gánh rạ,
bị Nghị Hách, một triệu phú, lừa vào xe hơi để cưỡng dâm. Ông đồ Uẩn, bố của
Mịch và lý dịch trong làng đưa đơn kiện. Họ được quan Huyện Liên, trẻ tuổi, đã
từng đỗ khoa Tiến sĩ Luật ở Paris, có ý bênh vực nhưng Nghị Hách được quan
Tổng đốc che chở, đã đánh bại đối phương dễ dàng. Quan Huyện trẻ phải từ chức;
quan Huyện mới về bênh Nghị Hách ra mặt. Cuối cùng, do sự thu xếp của Tú Anh
– con cả của Nghị Hách, Giám đốc một trường tư thực lớn ở Hà Nội - Mịch trở
thành vợ lẽ của lão, trong khi lão đã có 11 cô nàng hầu. Còn Long, thư ký làm
công của Tú Anh và là chồng chưa cưới của Mịch, trở thành vị hôn phu của Tuyết,
con gái lớn của Nghi Hách cũng do sự thu xếp của Tú Anh. Nghị Hách được sự
ủng hộ của một công ty tư bản Pháp đang muốn móc ngoặc với lão để nắm độc
quyền nước mắm, lại ra tranh cử Nghị viện và quyết giành cả ghế nghị trưởng.
Bỗng có một ông lão bí ẩn xuất hiện. Ông lão đó là Hải Vân, nguyên bạn cũ của
Nghị Hách, đã từng bị lão lừa đẩy vào tù rồi cướp vợ; giờ đây ông hoạt động ở
nước ngoài mới trở về, không định trả thù xưa, chỉ muốn kiếm một cách đường
hoàng từ người bạn cũ ghê gớm này một món tiền lớn để gây quỹ cho tổ chức cách
mạng. Ông đến xem mạch đất và số tử vi cho lão. Do ông bố trí, Nghị Hách được
chứng kiến cảnh vợ cả lão ngoại tình. Bên giường dâm phụ ông lão còn vạch cho
Nghị Hách biết: chính Long là con đẻ lão do lão quyến rũ vợ ông mà sinh ra, còn
Tú Anh thì lại là con của ông chứ không phải như Nghị Hách tưởng lầm. Mặc dù
đau đớn về tinh thần, Nghị Hách vẫn lao vào những thủ đoạn hoạt động tranh cử.
Để mua tiếng “bình dân”, lão đã phát chẩn cho dân nghèo và được thưởng Bắc Đẩu
bội tinh. Lão còn trâng tráo tuyên bố trong một bữa tiệc sang trọng rằng lão chọn
Long “đứa trẻ mồ côi vô thừa nhận” (mà giờ đây lão biết là máu mủ lão), làm
chồng con gái lão. Một đêm “Giông tố" mịt mùng bên bờ biển, Hải Vân chia tay
Tú Anh để lên đường. Ông khuyên con ở lại “Cố gắng làm những việc hữu ích cho
dân chúng trong vòng pháp luật”. Đoạn kết: trong một đêm ăn chơi trác táng ở xóm
Khâm Thiên, Long đã cắt mạch máu tự tử. Cuộc chung đụng loạn luân với Tuyết,
cuộc sống vung vãi tiền bạc làm tiêu ma chí khí khiến Long bị lương tâm dày vò,
chán chường cực độ, không còn thấy nghĩa lý cuộc sống ở đời...

Giông tố còn có chỗ yếu về nghệ thuật nhưng đã thể hiện một bút lực mãnh liệt và
tài năng tiểu thuyết xuất sắc của Vũ Trọng Phụng. Nét nổi bật nhất của tài năng đó
là sức bao quát, tổng hợp cao để phản ánh một hiện thực phức tạp và đầy biến
động; đã dựng nên một loạt hình tượng nhân vật chân thực sinh động, trong đó có
những điển hình nghệ thuật giàu sức sống. Cũng như Số đỏ, Giông tố có thể được
coi là một trong những kiệt tác của văn xuôi Việt Nam trước 1945.

4. Giá trị nghệ thuật của các tác phẩm


Bằng ngòi bút trào phúng độc đáo, Số đỏ lên án gay gắt cái xã hội tư sản thành thị
Việt Nam đang chạy theo lối văn minh rởm hết sức lố lăng đồi bại đương thời. Tác
giả đả kích cay độc các phong trào “Âu hóa, thể thao, giải phóng nữ quyền” đang
phát triển rầm rộ khi ấy, nhân danh “văn minh, tiến bộ, cải cách xã hội” mà thực
chất là ăn chơi trụy lạc, làm tiền, chà đạp trắng trợn lên mọi nề nếp đạo đức truyền
thống. Số đó cũng phơi trần bộ mặt trơ trẽn của bọn người trưởng giả, phè phỡn, đã
chạy theo phong trào bình dân như một cái “mốt” khi đó. Ngòi bút châm biếm sắc
sảo của Vũ Trọng Phụng cũng không quên đề cập đến phong trào “thơ mới” lãng
mạn, khuynh hướng nghệ thuật “hũ nút”, tới những tổ chức do thực dân đỡ đầu
như Hội Chấn hưng Phật giáo, Hội Khai trí tiến đức, tới cả bộ máy chính quyền
thực dân, từ đám cảnh sát đến Phủ Toàn quyền, Thống sứ, vua ta, vua Xiêm cũng
bị đưa lên cái sân khấu trò hề Số đỏ. Do đó, Số đỏ tuy chỉ tập trung phê phán xã hội
tư sản về phương diện đạo đức, sinh hoạt trong tác phẩm vẫn có màu sắc thời sự rõ
rệt. Số đỏ đã đưa ra một loạt chân dung biếm họa rất mực sinh động về gần đủ loại
nhân vật tiêu biểu cho cái xã hội nhố nhăng đó: từ mụ me Tây đã thỏa dơ dáng đến
cô “gái mới” lãng mạn hư hỏng một cách có lý luận; từ một ông chủ hiệu may làm
“cách mệnh trong vòng pháp luật” bằng những mốt y phục phụ nữ tối tân đến các
nhà mĩ thuật hăng hái cổ động Âu hóa song cấm ngặt vợ con mặc tân thời; từ cụ cố
Hồng hiếu danh hủ lậu và đần độn đến ông Victo Ban - chủ khách sạn Bồng Lai
kiêm vua thuốc lậu; từ đốc tờ Trực Ngôn đồ đệ Frơt đến nhà cách mạng bảo hoàng
Jôzep Thiết, từ bọn lang băm đến giới cảnh sát; từ nhà sư hổ mang cổ động chấn
hưng đạo Phật đến đại diện Hội Khai trí tiến đức vốn quý phái song “vẫn gá tổ tôm
một cách bình dân”. Không phải do Số đỏ mà chính cái xã hội trưởng giả trụy lạc
và bọn bịp bợm ấy đã tạo nên một Xuân Tóc Đỏ, “người hùng” của nó.

Số đỏ hiện lên một xã hội thực dân nửa phong kiến, nảy sinh một lớp người thành
thị đặc biệt, học đòi theo mốt Âu hóa, vui vẻ trẻ trung, cải cách y phục, cổ vũ thể
thao, hô hào bình dân. Một xã hội suy đồi.

Trong khi đó, Giông tố là một tác phẩm phản ánh hiện thực xã hội đương thời trên
một phạm vi rộng với hàng loạt nhân vật thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, hoạt
động trong những môi trường rất khác nhau, tất cả đều quay cuồng, đảo lộn trong
một cuộc đời đầy bất công và hết sức thối nát. Nghị Hách là một điển hình nghệ
thuật bất hủ về tầng lớp tư sản đại địa chủ bản xứ với một lý lịch làm giàu và tiến
thân đầy tội ác, với lối sống hết sức xa hoa, dâm đãng, với lập trường “trung thành
với hai nhà nước” và ôm chân quan lại, thực dân, nhảy vào chính trị với thái độ cơ
hội trâng tráo. Giông tố đã đề cập đến hàng loạt vấn đề về chính trị thời sự nóng
hổi khi đó với ngòi bút đã kích cay độc: việc chạy theo phong trào bình dân một
cách bịp bợm của bọn đầu cơ chính trị, sự cấu kết của tư bản Pháp và phản động
bản xứ, trò hề Viện Dân biểu, phong trào “vui vẻ trẻ trung” và cuộc sống ăn chơi
trụy lạc trong lớp thanh niên thành thị. Trong tác phẩm, nhà văn đã gửi gắm niềm
hy vọng cải tạo xã hội vào những cá nhân “nhân phẩm cao, học thức cao, có tim có
óc”, dù là một quan cai trị thực dân biết thương người bản xứ, một quan Huyện đã
đỗ “Luật khoa Tiến sĩ”, một trí thức con cưng nhà triệu phú, hay một “nhà cách
mạng quốc tế”. Hình tượng “nhà cách mạng quốc tế” – ông già Hải Vân tuy không
chân thực song cũng toát lên một vẻ đầy lãng mạn của một con người phong trần,
khí phách lớn.

Lật từng trang của Giông tố mới tỏ tường bộ mặt trâng tráo, tàn bạo gây nên bởi
thế lực đồng tiền, bởi cái công lý thực dân hiện ra rõ mồn một. Thứ công lý hàm
hồ, xảo quyệt của bọn thống trị qua vụ xử kiện, cách sống của nghị Hách, cảnh
chiêu đãi khách đón Long bội tinh... là những lời tố cáo, phỉ nhổ vào cái xã hội,
vào giai cấp bóc lột thời ấy. Đời sống thành thị được mô tả bằng những bức tranh
tối màu, nhầy nhụa với gái điếm, thuốc phiện, những trò lừa đảo bỉ ổi, con người
lao vào cuộc sống vật chất để đánh mất mình lúc nào không biết, sống thực chất
chỉ chuộng hư danh.

Cái tài của Vũ Trọng Phụng thể hiện ở khả năng nắm bắt tinh nhạy, chính xác, khả
năng nhìn thấy cái mà người khác không nhìn thấy được. Vũ Trọng Phụng quan
niệm “tiểu thuyết là sự thực ở đời”, vì thế ông có cái nhìn rất riêng, đầy ấn tượng
về xã hội đương thời. Với ông, xã hội lúc này chỉ toàn những xấu xa, những tồi tệ.
Xã hội Việt Nam những năm trước cách mạng, trong quan niệm của ông là môi
trường tụ tập những hội chứng của cái ác, cái dâm, cái đểu và giả dối. Đó là cái xã
hội “khốn nạn”, “chó đểu” theo cách gọi của ông.

Cái nhìn ấy hết sức nhất quán từ Số đỏ cho đến Giông tố. Vũ Trọng Phụng dõng
dạc tuyên bố: “Riêng tôi xã hội này, tôi chỉ thấy là khốn nạn: tham quan, lại nhũng,
đàn bà hư hỏng, đàn ông dâm bôn, một tụi văn sĩ đầu cơ xảo quyệt mà cái xa hoa
chơi bời của bọn nhà giàu thì thật là những câu chửi rủa vào cái xã hội dân quê, thợ
thuyền bị lầm than, bị bóc lột”.

KẾT LUẬN
100 năm đã qua kể từ ngày sinh, và hơn 70 năm kể từ ngày mất, Vũ Trọng Phụng
đã có những đóng góp quan trọng cho văn chương Việt Nam thời kỳ hiện đại. Từ
cuộc đời và tác phẩm của ông có thể giúp chúng ta suy nghĩ về chuyện văn chương
và cuộc sống, hôm qua và hôm nay. Những sáng tác để đời của Vũ Trọng Phụng
được ghi nhận là những di sản đặc sắc của thế hệ vàng văn chương Việt Nam hiện
đại, và có rất nhiều vấn đề được ông đề cập tới nay vẫn còn nguyên giá trị hiện
thực.

Ngay khi Vũ Trọng Phụng qua đời, nhà phê bình văn học lừng lẫy Trương Tửu khi
đó đã có một nhận xét chính xác và khái quát về văn chương Vũ Trọng Phụng:
“Ông là một phần tử tiên phong và can đảm trong văn chương. Ông giữ riêng một
ngọn cờ tiểu thuyết mà chính tay ông đã dệt xong”. Nhà văn Văn Chinh nhận xét,
những tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng sống mãi, vì khả năng xây dựng nhân vật
bậc thầy của ông, điển hình như nhân vật Văn Minh, nhân vật Xuân tóc đỏ trong
tác phẩm Số đỏ...

Khép lại những trang văn của Vũ Trọng Phụng, ta thấy ông vẫn bế tắc, vẫn thấy
đời vô nghĩa lý. Ông chỉ cảm nhận cái nghĩa lý một cách mơ hồ, vô định như cảm
nhận cái bóng mờ nhạt của con thuyền chờ ông già Hải Vân ra đi trong một đêm
“giông tố” mờ mịt năm nào... Vũ Trọng Phụng có ngờ đâu, những trang viết của
ông, những trang viết nỗi trăn trở về nghĩa lý cuộc đời mà ông để lại, lại là những
trang viết có nghĩa lý thực sự, có thể “làm vinh dự cho mọi nền văn học”.

You might also like