You are on page 1of 8

Chiếc thuyền ngoài xa

(Phân tích người đàn bà làng chài ở tòa án huyện)


Trong dòng chảy văn học Việt Nam, hình ảnh người phụ nữ là một trong những
đề tài khơi nguồn cảm hứng sáng tác cho các nhà văn. Người phụ nữ Việt Nam dù
ở hoàn cảnh như thế nào vẫn ánh lên những vẻ đẹp đáng trân trọng. Đến với
“Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu, ta bắt gặp một người phụ nữ với
vẻ đẹp của tình mẫu tử, sự can đảm và tấm lòng bao dung của người mẹ thương
con. Đặc biệt, ta có thể thấy rõ điều đó qua lời giãi bày của người đàn bà hàng
chài tại tòa án huyện. Thông qua người đàn bà hàng chài trong đoạn trích trên,
người đọc thêm hiểu về cách nhìn nhận cuộc sống và con người của nhà văn
Nguyễn Minh Châu.
Nguyễn Minh Châu được coi là một trong những cây bút tiên phong của Văn
học Việt Nam thời kì đổi mới. Những sáng tác của ông đều xuất phát từ cảm hứng
thế sự, đời tư mang đậm chất triết lý nhân sinh trong giai đoạn mới, khác xa với
cảm hứng sử thi lãng mạn quen thuộc trước năm 1975. Truyện ngắn “Chiếc
thuyền ngoài xa” là một sáng tác thuộc giai đoạn thứ hai của ông. Nhân vật trung
tâm cho câu chuyện của ông chính là người đàn bà hàng chài, người đàn bà ấy đã
để lại trong lòng người đọc rất nhiều suy nghĩ, trăn trở về chuyện đời. Truyện ngắn
“Chiếc thuyền ngoài xa” lúc đầu được in trong tập “Bến quê”, sau được nhà văn
lấy làm tên chung cho một tập truyện ngắn (in năm 1987). Truyện in đậm phong
cách tự sự triết lý của Nguyễn Minh Châu, tiêu biểu cho hướng tiếp cận đời sống
từ góc độ thế sự của nhà văn cùng những chiêm nghiệm sâu sắc của ông về “nghệ
thuật và cuộc đời”.
Nguyễn Minh Châu quan niệm rằng: “Thiên chức của nhà văn là suốt đời đi
tìm những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người”. Điều đó có thể thấy
qua truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”. Tác phẩm bày tỏ những suy tư về nghệ
thuật cùng cách nhìn nhận đánh giá về hiện thực và con người qua tình huống
truyện đầy nghịch lý. Đó là việc nghệ sĩ Phùng bất ngờ phát hiện một cảnh đẹp
“trời cho” – cảnh chiếc thuyền ngoài xa giữa biển mù sương, làm cho tâm hồn anh
như được thăng hoa trong cái đẹp, trong niềm hạnh phúc ngọt ngào. Nhưng rồi
chính chiếc thuyền ấy, anh lại bất ngờ chứng kiến cảnh bạo hành trong gia đình
hàng chài, khiến cho anh phải sững sờ, kinh ngạc. Đó là việc nghệ sĩ Phùng và
chánh án Đẩu tìm cách giúp người đàn bà thoát khỏi người chồng vũ phu nhưng
họ lại bị ngỡ ngàng trước thái độ nhất quyết từ chối bỏ chồng của người đàn bà ở
tòa án huyện... Câu chuyện và diễn biến phức tạp, đầy éo le, nghịch lý của người
đàn bà hàng chài giúp họ có những khám phá, phát hiện mới mẻ, sâu sắc về đời
sống và con người.
Dưới ngòi bút của Nguyễn Minh Châu, người đàn bà hàng chài hiện lên với số
phận éo le, bất hạnh; là nạn nhân của cái nghèo, cái đói và bạo lực gia đình. Chị
gây ấn tượng với người đọc bởi ngoại hình xấu xí, khó nhìn “Người đàn bà trạc
ngoài bốn mươi, một thân hình quen thuộc của đàn bà vùng biển cao lớn với
những đường nét thô kệch. Mụ rỗ mặt, khuôn mặt mệt mỏi tái ngắt và dường như
đang buồn ngủ”. Ở chị còn phơi lộ sự nghèo đói nhếch nhác “tấm lưng áo bạc
phếch rách rưới nửa thân dưới ướt sũng”. Mới nhìn thoáng qua người đọc nhận
thấy điều gì đó bất ổn ở chị, dường như đó là vẻ cam chịu ở con người quen với
nhọc nhằn lam lũ, cho nên chị chẳng còn quan tâm gì đến bản thân nữa ngay cả ý
định “Đưa cánh tay lên có lẽ định gãi hay xõa lại mái tóc” cũng xao xác tan mau
“chị lại buông thõng xuống”. Đi suốt chiều dài thiên truyện, người đọc không hề
biết đến tên của chị, khi thì nhà văn gọi bằng “chị ta”, lúc thì gọi bằng “Mụ”, lúc lại
gọi là “người đàn bà hàng chài”. Vì sao Nguyễn Minh Châu không đặt tên cho
người đàn bà này? Bởi chị cũng như bao người đàn bà ở vùng biển nghèo khổ này,
chị là người vô danh. “Đây chính là một lối viết rất quen thuộc của Nguyễn Minh
Châu sau 1975, nhà văn không hề tô vẽ cho nhân vật của mình. Người phụ nữ hiện
lên không phải tấm gương lung linh thể hiện phẩm chất lý tưởng của con người.
Nhân vật xuất hiện với sự nhẫn nhục câm lặng trước trận đòn tàn bạo của chồng
gợi cảm giác bức bối. Nhưng kiên trì theo dõi cuộc đời nhân vật người đọc khám
phá ra những vẻ đẹp rất lặng lẽ nhưng đáng trân trọng ở bà” (Đinh Hà Triều).
Chị tự nhận thức: vì mình xấu bị cái xấu đeo đuổi như định mệnh, từ lúc còn
nhỏ trận đậu mùa để lại di chứng trên mặt chị là những nốt rỗ chằng chịt theo
năm tháng, càng lớn lại càng xấu, càng già đi lại càng khó coi. Và vì xấu nên việc có
mang với anh hàng chài là một ân huệ. Còn việc hắn đưa chị lên thuyền để chung
sống đã đem hắn trở thành ân nhân đối với chị. Vì là ân nhân cho nên chị không
thể bỏ. Chị cũng nhận phần thua thiệt về mình “cũng tại đàn bà ở thuyền chúng
tôi đẻ nhiều quá”. Lại thêm thuyền chật con đông nên cuộc sống khốn khó “có lúc
phải ăn xương rồng luộc chấm muối”. Trong suốt câu chuyện dài dằng dặc của đời
mình, tuy khó khăn nhưng người đàn bà không tỏ ra oán hận chồng. Ngược lại
còn bênh vực chồng, bởi chị cho rằng lão chồng chị không xấu “trước kia là một
anh con trai hiền lành nhưng cục tính”, từ ngày lấy chị thì cuộc sống khốn khó, vất
vả hơn cho nên lão chồng đã xem việc đánh vợ là một phương thức giải tỏa
những bức bí trong lòng. Như vậy chị là người rất hiểu chồng, thương chồng và
chị hiểu, chồng chị là nạn nhân của sự đói nghèo, nạn thất học, hắn vừa đáng
thương lại vừa đáng trách, đáng trách vì hắn gây ra biết bao đau thương cho
người thân, đáng thương vì hắn là nạn nhân. Mặc dù, cuộc sống có nghèo khổ, bị
đánh đập thường xuyên nhưng “người đàn bà với vẻ cam chịu đầy nhẫn nhục
không hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách trốn chạy”.
Tuy nghèo khổ, bất hạnh nhưng trong chị hội tụ những phẩm chất vô cùng tốt
đẹp, đáng quý và đáng trân trọng. Điều đó được thể hiện qua những lời giãi bày
của chị ở tòa án huyện: “Người đàn bà bỗng chép miệng, con mắt như đang nhìn
suốt cả đời mình”. Ở tòa án huyện, lúc đầu thì chị xuất hiện với hình ảnh rụt rè.
Chị tìm đến góc công đường để ngồi. Chị ngồi trong thế bị động như một con thú
xù lông để tự vệ, mặc dù đã được Phùng và Đẩu cảm thông chia sẻ. Lúc đầu chị
xưng hô “Con – quý tòa” sau khi lấy lại được sự thăng bằng thì chị đột ngột
chuyển đổi cách xưng hô: “Chị - các chú”. Nguyễn Minh Châu đã nhấn mạnh sự
thay đổi ngôn ngữ và thân thế người đàn bà với ý nghĩa: Giờ đây chính chị là quan
tòa đang phán xét Phùng và Đẩu, dạy cho Phùng và Đẩu một bài học về cách nhìn
đời nhìn cuộc sống.
Thật thế chăng? Sở dĩ, người đàn bà chấp nhận chuyện bị chồng đánh đập như
việc những người đàn bà trên thuyền vẫn chấp nhận chuyện người đàn ông uống
rượu là bởi vì chị là một người phụ nữ giàu lòng nhân hậu, vị tha, chấp nhận tất cả
thua thiệt về mình. Khi người đàn bà nói: “Quý tòa bắt tội con cũng được phạt tù
con cũng được, đừng bắt con bỏ nó”, đây là câu nói khiến Phùng và Đẩu ngạc
nhiên và vỡ lẽ đằng sau câu chuyện của người đàn bà hàng chài. Lão chồng vũ phu
ấy đối với chị có hai cái “Ân”: ân huệ và ân nhân.
Qua lời kể, người đàn bà hàng chài hiện lên là một người phụ nữ cam chịu,
nhẫn nhục. Khi chứng kiến cảnh người đàn ông to lớn, thô kệch giáng những cú
đánh mạnh mẽ vào tấm thân yếu ớt của người đàn bà ấy, đến một người đàn ông
như Phùng cũng chẳng thể nhẫn nhịn nổi. Vậy nhưng, người đàn bà ấy vẫn cam
chịu biết bao lời hằn học, mắng nhiếc. Đôi mắt của chị hắt lên một con đường tối
đen không tìm thấy ánh sáng nào trong cuộc đời chị. Có lẽ, chị đã quá quen và
chấp nhận cuộc đời của chị sẽ phải chịu đựng cảnh “ba ngày một trận nhẹ, năm
ngày một trận nặng”, không né tránh, không phản kháng, không chống trả.
Người đàn bà còn bộc lộ nhiều phẩm chất đáng quý mà tiêu biểu là lòng tự
trọng, vị tha, độ lượng, giàu đức hi sinh. là người đàn bà giàu lòng tự trọng. Chỉ
sau khi biết được hành động vũ phu của tên chồng bị thằng Phác và người lạ
chứng kiến chị thấy “đau đớn” – vừa đau đớn, vừa xấu hổ nhục nhã. Chắc chắn
đây không chỉ là sự đau đớn về thể xác. Giọt nước mắt đau khổ của người đàn bà
trào ra, chị không muốn bất cứ ai chứng kiến và thương xót, kể cả thằng Phác –
đứa con yêu của chị và nhất là với một người lạ. Thân thể bị chà đạp, nhân phẩm
bị xúc phạm, nhưng người đàn bà ấy không hề bận tâm – “một sự nhẫn nhục của
con người có nhân cách có lòng tự trọng và thấu hiểu lẽ đời có một tình thương
con vô bờ bến”(Nguyễn Duy Kha). Để con chứng kiến cảnh bố đánh mẹ, và phản
ứng lại hành động vũ phu của bố, người đàn bà lúc này cảm thấy đau đớn – vừa
dau đớn vừa vô cùng xấu hổ, nhục nhã. “Đau đớn” vì để con phải chứng kiến cảnh
đau lòng, điều đó vô tình làm tổn thương tâm hồn con. “Xấu hổ và nhục nhã” bởi
không giữ được mái ấm gia đình hạnh phúc giữa bố và mẹ, có thể người đàn bà ấy
hiểu sâu sắc câu nói: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, tổ ấm của chị không
êm ấm là do chị, nên chị “xấu hổ và nhục nhã” với con cũng là lẽ đương nhiên. Sau
đó chị “ôm chầm lấy đứa con rồi lại buông ra, chắp tay vái lấy vái để, rồi lại ôm
chầm lấy nó”. Chị ôm nó như một hình thức xoa dịu tâm hồn tổn thương của con,
khi chứng kiến tình cảnh này. Và đó là cách duy nhất để chị xin lỗi con, đồng thời
xoa dịu đi cảm giác “đau đớn, nhục nhã, xấu hổ” của mình.
Chị còn giàu lòng vị tha và sự độ lượng, bởi chị thấu hiểu chồng mình hơn ai
hết. Chị hiểu tại sao người đàn ông hiền lành trước đây lại trở nên nóng tính, bạo
lực đến như vậy. Nguyên nhân cũng là do sự đói khổ, bấp bênh của cuộc sống
thường ngày. Cuộc sống ấy khổ cực nhường nào khi “vào các vụ bắc, ông trời làm
biến động suốt hàng tháng, cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc
chấm muối”. Là một trụ cột trong gia đình, là một người chồng, người cha nên
chẳng có người đàn ông nào lại dửng dưng, vô cảm trước sự đói khổ của vợ con
mình. Anh ta đánh vợ không phải vì thù ghét vợ mà là vì anh ta bế tắc, cùng quẫn
trước cuộc đời, khi không thể lo cho gia đình một cuộc sống sung túc. Vì không có
cách nào khác để giải tỏa những tâm trạng tiêu cực đó nên “bất kể khi nào thấy
khổ quá” là anh xách vợ ra đánh. Khi được chánh án Đẩu và Phùng khuyên người
đàn bà nên bỏ chồng, thì chị đã “chắp tay lạy vái lia lịa”: “Con lạy quý tòa...Quý tòa
bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó”. Rồi chị đã
bào chữa cho chồng bằng các lí lẽ xác đáng và tự nhận hết lỗi lầm về mình: “Giá
tôi đẻ ít đi, hoặc chúng tôi sắm được một chiếc thuyền rộng hơn”; “nhưng cái lỗi
chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật”. Phải chịu những
trận đòn roi và sự đánh đập của chồng có người phụ nữ nào không đau đớn,
nhưng người đàn bà hàng chài ý thức được nguyên nhân dẫn đến hành động bạo
lực của người chồng. Nên chị không hề oán trách, không hề căm giận mà còn hết
lòng bao dung, vị tha: “Người đàn bà với một vẻ cam chịu đầy nhẫn nhục, không
hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách chạy trốn”. Đó còn là một
người phụ nữa giàu đức hi sinh. Bằng trái tim ấm áp của mình, chị chấp nhận cho
chồng đánh để giải tỏa những uât ức, áp lực trong cuộc sống mưu sinh này. Chị
cam chịu như một cách trả ơn, vì dù gì thì nhờ có lão, chị mới có một gia đình. Bởi
vốn xấu xí, lỡ làng, nếu không có lão, làm sao chị có được những phút giây “có lúc
vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ”, “Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn
con tôi chúng nó được ăn no...”. Chị nhẫn nhục, hi sinh bản thân vì đàn con thơ
ngây của chị: “Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống
cho mình như ở trên đất được!”.
Vượt lên trên tất cả sự tủi nhục và đau đớn, ở người đàn bà tỏa sáng lên là
người phụ nữ thương con, thấu hiểu, trải đời và rất sâu sắc lẽ đời. Chị gồng mình
gánh chịu đòn roi của chồng là bởi vì những đứa con “Đàn bà ở thuyền chúng tôi
phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được!”. Chị hiểu
rằng: bất kỳ một cuộc hôn nhân tan vỡ nào thì người buồn đau nhất, người chịu
nhiều thiệt thòi nhất chính là những đứa con, đứa có bố thì mất mẹ, có mẹ thì
mất bố, chia đàn xẻ nghé. Chị quan niệm rằng: một gia đình hạnh phúc là gia đình
đầy đủ các thành viên, dù đâu đó trong gia đình còn nhiều khiếm khuyết. Vì
thương con, mà chị quặn lòng gửi thằng Phác lên rừng ở với ông ngoại. Vì thương
con và tránh sự tổn thương cho những tâm hồn thơ bé, nên chị đã xin lão chồng
đưa chị lên bờ mà đánh. Chị giống như con gà mẹ xòe đôi cánh che chở cho đàn
con trước sự tấn công của loài chim ăn thịt. Chính tình mẫu tử thiêng liêng cao
thượng đã chắp cánh cho chị đưa đàn con bay vút lên trên sự cơ cực, đói kém,
nhọc nhằn và lam lũ. Chị chắt chiu dành dụm từ những niềm vui nhỏ nhất “Vui
nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no...” để khỏa lấp những nỗi
đau, để xoa dịu nỗi đời cay cực. Khi thằng Phác trông thấy bố đang dùng chiếc
thắt lưng “quật tới tấp” vào lưng mẹ, thì nó đã “như một viên đạn trên đường lao
tới đích đã nhắm”, “nhảy xổ vào cái lão đàn ông” giằng lấy chiếc thắt lưng rồi ngay
lập tức “lảo đảo ngã dúi xuống cát” vì hai cái tát của bố. Người đàn bà đã “ôm
chầm lấy nó rồi lại buông ra, chắp tay vái lấy vái để, rồi lại ôm chầm lấy”. Chị không
muốn Phác căm thù bố và cũng không muốn nó trở nên bạo lực như bố. Đó là đứa
con mà chị yêu nhất nên người đàn bà hàng chài phải gửi nó lên rừng với ông
ngoại, chỉ vì “sợ thằng bé có thể làm điều gì dại dột đối với bố nó”
Chị thấu hiểu cho sự vũ phu và cọc cằn của người chồng. Chị hiểu chồng và
thương chồng, chị cho rằng: Chung quy chồng chị cũng là nạn nhân của sự đói
nghèo và nạn thất học mà ra. Bởi rằng, trước kia lão là “một anh con trai cục tính
nhưng hiền lành lắm, không bao giờ đánh đập tôi”. Từ ngày lấy chị vì cuộc sống
khốn khó, vất vả quá, cho nên lão mới đánh chị như một phương thức giải tỏa
“bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh”. Vì chị đẻ nhiều, thuyền chật
con đông nên cuộc sống khó khăn, chật vật cũng từ chị mà ra. Chị chấp nhận lỗi,
chấp nhận mọi phần thua thiệt về mình như một lẽ đương nhiên “cái lỗi chính là
đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật”.
Tuy là người phụ nữ quê mùa, thất học nhưng chị lại rất hiểu chuyện. Chị hiểu
được lòng tốt của Phùng và Đẩu, nhưng đã từ chốilòng tốt ấy: “Lòng các chú tốt
nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn...cho nên các chú đâu có hiểu được cái
việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc...”; “Là bởi vì các chú không phải là đàn
bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả cảu người đàn bà trên một
chiếc thuyền không có đàn ông...”. Những lời giãi bày của chị đã khiến vị chánh án
và người nhiếp ảnh hiểu ra nhiều điều. Cuộc sống vốn không hề đơn giản như
cách mà chúng ta vẫn nghĩ và có những lí thuyết sách vở không thể nào giải quyết
một cách thấu đáo ở thực tế. Phùng và Đẩu khuyên người đàn bà li hôn nhưng họ
lại không hiểu được những nỗi khổ tâm của chị, không hiểu được tình nghĩa vợ
chồng chung sống với nhau bao lâu nay của chị.
Chị còn là một người hiểu sâu sắc lẽ đời. Người đàn bà ấy nhất quyết không
bỏ chồng vì “đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông
để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con nhà nào
cũng trên dưới chục đứa”. Chị sống vì con còn nhiều hơn là sống cho mình. Vì con
mà chị có thể nhẫn nhục, cam chịu, vì con mà chị tiếp tục sống với người đàn ông
vũ phu ấy chứ không tìm cách giải thoát cho mình. Các con chính là niềm vui, niềm
hạnh phúc của chị vởi đối với chị: “Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó
được ăn no...”. Đối với một người mẹ, dù bản thân có phải chịu đựng bao nhiêu sự
khốn khổ thì họ vẫn luôn muốn các con có một cuộc sống no đủ.
---Qua tác phẩm, ta cũng thấy được cách nhìn nhận cuộc sống và con người của
nhà văn Nguyễn Minh Châu. Đó là sự khám phá bản chất cuộc sống và con người
ở góc độ thế sự bằng cái nhìn đa diện, nhiều chiều mang tính triết lý sâu sắc. Cuộc
sống của người dân hàng chài có nhiều nghịch lí: cuộc sống đông con nhưng lại
nghèo khổ; muốn con hạnh phúc, không bị tổn thương những lại thường xuyên
phải chứng kiến cảnh bố đánh mẹ... Nhân vật người đàn bà hàng chài vừa nhẫn
nhục đến mức phi lí, vừa đáng trách vừa đáng thương nhưng lại mang trong mình
những phẩm chất đẹp đẽ...
Điều đó đã giúp ông nhận ra đời sống con người bao gồm cả quy luật tất yếu lẫn
những điều may rủi khó lường. Ông day dứt về việc con người phải chấp nhận
những nghịch lí không đáng có. Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” cũng gói trọn
những suy tư, trăn trở của ông. Đó là gánh nặng mưu sinh giam hãm vợ chồng
người dân hàng chài trong cảnh tối tăm, đói khổ, bấp bênh. Điều ấy khiến người
chồng trở thành một kẻ vũ phu, thô bạo. Còn người vợ vì thương con nên nhẫn
nhục, chịu đựng sự ngược đãi của người chồng mà chị không hề biết chính việc ấy
đã làm tổn thương tâm hồn đứa con thơ dại. Đằng sau câu chuyện là cái nhìn ấm
áp, nhân hậu của nhà văn: sự trân trọng, tin yêu vẻ đẹp của tuổi thơ, của tình mẫu
tử, sự bao dung và can đảm của người phụ nữ. Đó không phải là vẻ đẹp chói sáng,
hào hùng mà là những “hạt ngọc khuất lấp”, lẫn trong lấm láp lam lũ đời thường.
Theo ông, tình yêu của người nghệ sĩ vừa là niềm hân hoan say mê vừa là nỗi đau
đớn khắc khoải, một mối thường trực về số phận, hạnh phúc của những người
xung quanh. Điều này đã tạo nên giá trị nhân văn sâu sắc cho thiên truyện. Một
điều cao đẹp hơn nữa nhà văn muốn gửi gắm, đó chính là vấn đề tiếp cận cuộc
sống: cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Con người luôn có những quan hệ chằng
chịt phức tạp. Bởi vậy nhìn nhận mọi sự việc hiện tượng cuộc sống và con người
không được dễ dãi, đơn giản, phiến diện, một chiều. Chính vì có cái nhìn phiến
diện mà Phùng và Đẩu mới bắt người đàn bà kia bỏ chồng. Khi và chỉ khi thấu hiểu
tấm lòng người đàn bà hàng chài thì Phùng và Đẩu mới vỡ lẽ ra. Chính người đàn
bà hàng chài đã dạy cho họ bài học về cách nhìn nhận cuộc sống: Cuộc sống muôn
hình muôn vẻ nếu chỉ nhìn từ một phía thì sẽ đánh giá lệch lạc, phiến diện. Vậy
cần phải có cái nhìn đa diện nhiều chiều để từ đó đưa nghệ thuật vươn tới chiều
sâu nhân bản “Nghệ thuật phải gắn liền với đạo đức”.
Thông qua nhân vật người đàn bà hàng chài và những lời giãi bày của chị ở tòa
án huyện, nhà văn Nguyễn Minh Châu muốn gửi tới người đọc một thông điệp về
mối quan hệ giữa “nghệ thuật” và “cuộc đời”: Cuộc sống vốn muôn hình vạn
trạng, chứa đựng nhiều nghịch lí cũng như mâu thuẫn. Nếu chỉ nhìn từ một phía
thì sẽ dễ dàng đưa ra đánh giá lệch lạc, phiến diện. Vậy cần phải có cái nhìn đa
diện, nhiều chiều để từ đó đưa nghệ thuật vươn tới chiều sâu nhân bản: “Nghệ
thuật phải gắn liền với đạo đức” – “Nghệ thuật vị nhân sinh”. Nhà văn không thể
có cái nhìn dễ dãi trước cuộc sống mà phải biết nhìn thấu được bản chất bên
trong của cuộc sống. Đó mới là người nghệ sĩ chân chính. Đến đây ta càng thấm
thía hơn câu nói của nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn – Nam Cao: “Nghệ thuật không
cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ
thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than.”

You might also like