You are on page 1of 3

“Nhân quyền giống như món trang sức đắt tiền trong tủ kính mà những đôi

bàn tay lam lũ không thể chạm vào” - đó là những gì mà một nhà văn nọ từng nhận
xét sau khi đọc ‘Chiếc thuyền ngoài xa’ của Nguyễn Minh Châu. Đến với tác phẩm,
có lẽ người đọc không khỏi ấn tượng với hình ảnh người đàn bà làng chài - một
người phụ nữ vất vả, lam lũ cùng thân phận thấp hèn, không tiếng nói trong gia
đình, và cũng là nhân vật mà nhận định trên nhắc tới. Để hiểu thêm về hoàn cảnh
cùng số phận của con người ấy, ta không thể bỏ qua đoạn trích “Mong các chú cách
mạng…chúng nó được ăn no…”, mà từ đó cũng cho ta thấy được cái nhìn hiện thực
sắc sảo cùng tình nhân đạo sâu sắc của nhà văn.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu là một trong những nhà văn đầu tiên của thời kì văn
học đổi mới đã đi sâu vào khám phá sự thật đời sống ở bình diện đạo đức, thế sự.
Với Nguyễn Minh Châu, nhà văn tồn tại ở đời là để nâng giấc cho những con người
cùng đường, tuyệt lộ, những người bị cái ác và sự xui rủi dồn đến chân đường tuyệt
vọng, và để bênh vực cho những con người không ai bênh vực. Chính niềm khát
khao bảo vệ những con người bị chà đạp, đày đoạ, hắt hủi cùng với tấm lòng thiết
tha truy tìm ‘hạt ngọc ẩn giấu trong tâm hồn con người’ đã trở thành nguồn sáng,
nguồn động lực cho tác giả viết nên những tác phẩm nổi tiếng như ‘Bến quê’, ‘Người
đàn bà trên chuyến tàu tốc hành’, ‘Cỏ lau’, và cả ‘Những chiếc thuyền ngoài xa’. Tác
phẩm là câu chuyện về chuyến công tác xa của một nhiếp ảnh gia tên Phùng, sau
chuyến công tác ấy anh đã nhận ra những quan niệm mới mẻ về nghệ thuật, về cái
đẹp và về đời người đầy những vết nham nhở, sần sùi, mà cụ thể hơn, chính là qua
hình ảnh người phụ nữ làng chài nơi anh công tác.

Có thể nói, hiện thực và nghịch lý cuộc sống hầu như thể hiện hết đầy rõ nét trên
hình ảnh người đàn bà ấy: chị là hiện thân cho nỗi khốn khổ, nhọc nhằn của những
người phụ nữ miền biển đất nước ta sau ngày giải phóng không lâu. Là một người
phụ nữ, chị quả thực quá bất hạnh khi phải mang trên vai ba nỗi khổ lớn: mang
ngoại hình xấu xí, sống dưới sự nghèo túng và bị hành hạ về thể xác lẫn tổn thương
tinh thần từ người chồng. Chị mang dáng dấp cao lớn, ‘đường nét thô kệch’ đặc
trưng của người phụ nữ vùng biển, khuôn mặt lại chằng chịt những nốt rỗ sau một
trận đậu mùa thời nhỏ, nét mặt thì nhợt nhạt vì thức đêm nhiều theo tính chất công
việc vất vả cả đêm. Chỉ riêng việc có ngoại hình xấu xí như vậy thôi cũng đã đủ để
số phận chị trở nên bất hạnh hơn bao người rồi. Bởi chị vốn xuất thân khá giả,
nhưng khổ nỗi vì quá xấu nên mới không ai lấy. Sau khi lấy chồng, sinh con, gia
đình chị phải sống trong khổ sở bởi nhà đông con thuyền thì nhỏ. Cuộc sống thực
sự quá đỗi vất vả, đến nỗi có những ngày đằng đẵng phải ăn cả xương rồng luộc
chấm muối.

Nghèo đói, đông con đã gần như làm đôi vai chị sụp xuống, ấy vậy mà chị vẫn còn
phải chịu đựng sự vũ phu với những cơn đòn ‘ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một
trận nặng’ từ người chồng. Điều ấy không những đem lại đau đớn vô hạn về thể xác
mà còn gây tổn thương sâu sắc đến tâm hồn của người đàn bà làng chài, khi bị
người đầu ấp tay gối hằng ngày đem ra đánh đập. Nhưng hơn cả, điều chị lo lắng
nhất chính là về sự sang chấn tâm lí mà những đứa con của chị bị ảnh hưởng mỗi
lần nhìn thấy ông bố đánh mẹ nó một cách tàn bạo, từ đó có thể nuôi nỗi oán hận
trong lòng. Đặc biệt là thằng con trai Phác, mỗi lần nó chứng kiến cảnh mẹ bị đòn
không khỏi khiến chị cảm thấy ‘xấu hổ, nhục nhã’, khiến chị xót cho bản thân và
cũng thật xót cho con trai mình.

Bị hành hạ là thế, nhưng khi được mời lên toà án huyện và cũng được cả Phùng
khuyên ly hôn để giải thoát, chị lại một hai không đồng ý. Bề ngoài chắc có nhiều
người sẽ lắc đầu vì sự cố chấp của người đàn bà ấy, nhưng mấy ai có thể hiểu
đằng sau bức màn nghiệt ngã ấy, là biết bao uẩn khúc, bao cái đất đắc dĩ đang
được che giấu. Chị ý thức được thiên chức của người phụ nữ nên đã van xin ‘ông
trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con và nuôi con cho đến khi khôn lớn’. Trong cuộc
mưu sinh trên biển đầy cam go, thuyền ở xa biển, sự hiện diện của một người đàn
ông khoẻ mạnh, thạo nghề là vô cùng cần thiết, để khi có bão táp còn có người chèo
chống cho. Và chị cũng ý thức được rằng, ‘đàn bà trên biển chúng tôi phải sống cho
con, không thể sống cho mình như trên đất được’. Cái sự thâm trầm trong thấu hiểu
lẽ đời dường như chị chẳng bao giờ để lộ rõ ra bên ngoài. Chị coi việc mình bị đánh
đập như một lẽ hiển nhiên, chấp nhận, không trốn chạy. Cũng từ đây, Đẩu và Phùng
mới nhận ra rằng, thật ra người đàn bà ấy không hề giản đơn như họ từng nghĩ. Chị
là một người có suy nghĩ sâu sắc, hiểu lý lẽ, thấu tình đời. Chị dùng những lý lẽ hết
sức thuyết phục, chị mở lòng nói về đời mình để hai người họ hiểu được rằng tại
sao chị không thể bỏ chồng. Chị cũng biết đau đớn chứ, nhưng đã vào trong cái
khốn khổ ấy người ta mới biết có những điều không thể làm khác được. Chỉ là có lẽ,
điều trở thành động lực cho chị tiếp tục nhẫn nhịn chính là khi thấy ‘các con mình
được ăn no’. Mà muốn con mình có được những bữa no vui vẻ như thế, chắc chắn
phải cần tới người chồng kia. Và cũng mãi đến đây, Phùng cũng mới thông suốt
được, anh nhận ra rằng không thể giải phóng con người khỏi đói nghèo, khỏi bạo
lực gia đình chỉ bằng lòng tốt và pháp luật, và cũng không thể chỉ dùng cái nhìn
phiến diện một chiều để đánh giá toàn bộ sự việc, mà phải dùng đôi mắt trực quan
nhiều chiều để suy xét, tìm ra chân tướng sự thật.

Nam Cao đã từng thốt lên rằng: ‘Chao ôi, nghệ thuật không phải ánh trăng lừa dối,
cũng không nên là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật chỉ có thể là tiếng kêu đau khổ kia,
thoát ra từ những kiếp lầm than..’ hay Nguyễn Huy Tưởng cũng từng viết: ‘Nghệ
thuật mà không gắn liền với đời sống thì nó chỉ là những bông hoa ác mà thôi’.
Nguyễn Minh Châu cũng đồng quan điểm vậy, là một người có nhận thức sâu sắc
và tinh tế về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời, ông cũng từng nhận ra rằng
‘ngọc lành có vết, việc đời đa đoan’: làm chi đâu có cảnh toàn bích, toàn mỹ, chẳng
qua ấy chỉ là bề nổi, ẩn sau đó là những hiện thực phũ phàng. Với người đàn bà
làng chài, dù được hiện lên từ cái đói, cái nghèo, cái đau đớn về thể xác lẫn tinh
thần, ông vẫn để cho người phụ nữ ấy có một tâm hồn đẹp, một cái đầu thấu tình
đạt lý. Cái đẹp về nhân cách với ông chính là hạt ngọc sáng nhất, đẹp nhất mà ông
có thể dành cả đời mình để tìm tòi, khai thác từ những con người quá đỗi bình
thường kia. Dường như cũng vì thế mà tác phẩm của ông luôn mang một chiều sâu
nhân đạo nhất định, để lại dấu ấn thật khó phai trong lòng người đọc. Từ đó, ông
cũng muốn nhắc nhở rằng người nghệ sĩ nhất thiết phải dùng một đôi mát đa diện,
thấu hiểu để nhìn nhận những vẻ đẹp đạo đức và nhân văn, chớ nên chạy theo
những vẻ đẹp hào nhoáng mà trống rỗng, vô hồn.

‘Chiếc thuyền ngoài xa’ là một trong những tác phẩm văn học xuất sắc của Nguyễn
Minh Châu, đã để lại cho chúng ta những bài học quý giá về triết lý nhân sinh của
cuộc đời: biết đồng cảm, sẻ chia với những mảnh đời khốn khó. Và với những giá trị
nhân đạo đáng trân quý ấy, chắc chắn tác phẩm này sẽ còn sống mãi những năm
tháng về sau.

You might also like