You are on page 1of 5

2.

1 Khái niệm về cặp phạm trù cái chung – cái riêng


Cái riêng là một phạm trù của triết học dùng để chỉ một sự việc, hiện
tượng, một quá trình riêng lẻ nhất định trong thế giới khách quan. Chẳng
hạn như một con người, một giai đoạn xã hội, một quá trình vận động,…
Cái riêng là một chỉnh thể có thể tồn tại tương đối độc lập với nhiều thứ
khác. Chẳng hạn như việc một sinh viên được giao bài tập của môn Triết
học Marx - Lenin, môn Kinh tế - Chính trị Marx - Lenin, và mỗi phần bài
tập đó chính là một cái riêng, mỗi môn mà sinh viên được giao bài tập
cũng là một cái riêng. Lấy một ví dụ khác, có hai con chim bị nhốt trong
hai lồng khác nhau lần lượt là lồng A và lồng B. Một con chim bị nhốt
trong lồng A là một cái riêng a1, một con chim bị nhốt trong lồng B là một
cái riêng b1, cái riêng a1 và cái riêng b1 khác nhau.
Cái chung là một phạm trù của triết học dùng để chỉ những mặt, những
thuộc tính, những mối liên hệ chung không những có một kết cấu vật chất
nhất định, mà còn được lặp lại trong nhiều sự vật, hiện tượng hay quá
trình riêng lẻ khác. Ở ví dụ vừa rồi, bài tập của môn Triết học Marx -
Lenin, môn Kinh tế - Chính trị Marx - Lenin, là một cái riêng, mỗi môn mà
sinh viên được giao bài tập cũng là một cái riêng, tuy nhiên các bài tập
của mỗi môn đều có điểm chung và được chung quy vào khái niệm “bài
tập”, mỗi môn học mà sinh viên được giao bài tập đều có cái chung là
những “môn học” và “môn học đại cương”. Một con chim bị nhốt trong
lồng A là một cái riêng a1, một con chim bị nhốt trong lồng B là một cái
riêng b1, tuy nhiên cả hai con chim bị nhốt trong lồng A và trong lồng B
đều có những thuộc tính chung khiến chúng là chim như “là các loài động
vật có xương sống, máu nóng, đi đứng bằng hai chân, có mỏ, đẻ trứng,
có cánh, có lông vũ và biết bay”.
Trong cặp phạm trù “cái chung - cái riêng” còn xuất hiện một khái niệm
liên quan chính là “cái đơn nhất”. Cái đơn nhất có thể hiểu là phạm trù để
chỉ những nét, những mặt, những thuộc tính… chỉ có ở một sự vật, một
kết cấu vật chất, mà không lặp lại ở sự vật, hiện tượng kết cấu vật chất
khác. Cái đơn nhất là tiêu chuẩn để phân biệt sự khác nhau giữa cái
riêng, cái chung và cái phổ biến. Ví dụ như quốc gia Nhật Bản là một cái
riêng, ngoài các đặc điểm chung giống các quốc gia khác để có thể được
quy vào khái niệm “quốc gia”, còn có những nét riêng chỉ có ở Nhật Bản
như văn hóa, phong tục tập quán, ngôn ngữ, vị trí địa lý, lịch sử hình
thành,... đó chính là cái đơn nhất, phân biệt Nhật Bản với các quốc gia
khác trên thế giới. Lấy lại ví dụ con chim ở lồng A và lồng B, mặc dù mỗi
chú chim là một cái riêng, nhưng đều có những cái chung là sự quy định
chúng thuộc lớp chim, nhưng mỗi một con chim trong cả hai lồng đều có
cấu tạo gen khác nhau, thể lực khác nhau, tính cách khác nhau,... mà chỉ
có con chim đó mới có.
2.2 Mối liên hệ giữa cái chung và cái riêng
Cái chung - cái riêng là một trong những cặp phạm trù của triết học, tồn
tại khách quan và có mối quan hệ biện chứng với nhau.
Thứ nhất, cặp phạm trù cái chung - cái riêng thể hiện ở mối liên hệ lẫn
nhau trong một thể thống nhất gồm các mặt, các yếu tố đơn lẻ vốn có
trong một sự vật, hiện tượng và các mặt, các yếu tố được lặp lại trong nó
và trong các sự vật, hiện tượng khác. Nói một cách dễ hiểu thì cái chung
chỉ tồn tại trong cái riêng, thông qua cái riêng để biểu hiện sự tồn tại của
mình; cái chung không tồn tại biệt lập, tách rời cái riêng. Ví dụ như không
có “quốc gia” chung nào tồn tại bên cạnh Nhật Bản, Việt Nam, Mỹ,...
Trong Nhật Bản, Việt Nam, Mỹ đều bao hàm một số thuộc tính chung quy
định chúng là một “quốc gia”, một “khái niệm địa lý và chính trị, trừu tượng
về tinh thần, tình cảm và pháp lý, để chỉ về một lãnh thổ có chủ quyền,
một chính quyền và những con người của các dân tộc có trên lãnh thổ
đó; họ gắn bó với nhau bằng luật pháp, quyền lợi, văn hóa, tôn giáo,
ngôn ngữ, chữ viết qua quá trình lịch sử lập quốc, và những con người
chấp nhận nền văn hóa cũng như lịch sử lập quốc đó cùng chịu sự chi
phối của chính quyền, và họ cùng nhau chia sẻ quá khứ cũng như hiện
tại và cùng nhau xây dựng một tương lai chung trên vùng lãnh thổ có chủ
quyền.”. Chính cái chung “quốc gia” này phải thông qua những cái riêng
như Nhật Bản, Việt Nam, Mỹ... để biểu hiện sự tồn tại của chính nó và
nếu nó tách rời khỏi cái riêng đó thì chúng cũng không có bất cứ ý nghĩa
nào, nói đúng hơn là chúng sẽ không tồn tại.
Thứ hai, cặp phạm trù cái chung - cái riêng có mối liên hệ lẫn nhau giữa
các thuộc tính (hay các bộ phận) cùng có ở nhiều đối tượng với từng đối
tượng đó được xét như là như cái toàn bộ. Nói một cách dễ hiểu thì cái
riêng chỉ tồn tại trong mối quan hệ với cái chung, không có cái riêng tồn
tại độc lập tuyệt đối tách rời cái chung. Chẳng hạn như mỗi con người là
một cá thể riêng biệt, nhưng mỗi con người không thể tồn tại ngoài cái
chung là mối liên hệ với xã hội và tự nhiên, không cá nhân nào là không
phải chịu sự tác động của các quy luật sinh học và các quy luật xã hội.
Hoặc như nền kinh tế của mỗi quốc gia có những đặc điểm riêng phong
phú là những cái riêng, nhưng bất cứ nền kinh tế nào cũng bị chi phối bởi
các quy luật chung như quy luật quan hệ sản xuất phải phù hợp với tính
chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, quy luật về mối quan
hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng.
Thứ ba, cái riêng là cái toàn bộ, phong phú, đa dạng hơn cái chung; còn
cái chung là cái bộ phận nhưng sâu sắc, bản chất hơn cái riêng. Bởi vì
cái riêng là tổng hợp của cái chung và cái đơn nhất còn cái chung biểu
hiện tính phổ biến, tính quy luật của nhiều cái riêng. Tóm gọn lại là “cái
chung” là một bộ phận của “cái riêng”, còn “cái riêng” không gia nhập hết
vào “cái chung”. Ví dụ giai cấp công nhân Việt Nam là một bộ phận của
giai cấp công nhân thế giới, vì vậy nên nó cũng mang những đặc điểm
chung của giai cấp công nhân quốc tế chẳng hạn như ra đời từ trước
Chiến tranh thế giới thứ nhất, tức vào đầu thế kỷ XX; đại đa số công
nhân xuất thân từ nông dân nghèo làm thuê cho chủ tư sản ở các đồn
điền, xưởng máy, xí nghiệp...; trình độ khoa học kỹ thuật cũng như tay
nghề của giai cấp công nhân còn thấp. Bên cạnh đó, giai cấp công nhân
Việt Nam còn có một số đặc điểm riêng như: chịu ba tầng áp bức từ đế
quốc, phong kiến và tư sản; gắn bó chặt chẽ với nông dân và mang hai
mối thù dân tộc và giai cấp nên có tinh thần cách mạng triệt để; kế thừa
truyền thống yêu nước của dân tộc; tiếp thu chủ nghĩa Marx – Lenin và
chịu ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga (1917)...
Thứ tư, cái chung và cái đơn nhất có thể chuyển hoá cho nhau trong
những điều kiện xác định. Sở dĩ như vậy là vì trong hiện thực cái mới bao
giờ cũng xuất hiện dưới dạng cái đơn nhất. Về sau theo quy luật, cái mới
hoàn thiện dần và thay thế cái cũ, trở thành cái chung, cái phổ biến,
nhưng về sau nữa, khi không phù hợp với điều kiện mới mà bị mất dần đi
và trở thành cái đơn nhất. Như vậy sự chuyển hóa từ cái đơn nhất thành
cái chung là biểu hiện của quá trình cái mới ra đời thay thế cái cũ. Ngược
lại sự chuyển hoá từ cái chung thành cái đơn nhất là biểu hiện của quá
trình cái cũ, cái lỗi thời bị phủ định. Tuy có cái chung - cái riêng xuất hiện
nhưng mà cũng không có sự mâu thuẫn giữa cái chung - cái riêng, cái
riêng trở thành cái toàn bộ, cái chung chỉ bộ phận. Ví dụ như sự thay đổi
một đặc tính sinh học nào đấy của một loài sinh vật trước biến đổi của
môi trường. Ban đầu xuất hiện một đặc tính ở một cá thể riêng biệt, sau
đó vì phù hợp với điều kiện mới, đặc tính đó được bảo tồn, duy trì ở
nhiều thế hệ và trở thành phổ biến của nhiều cá thể. Cụ thể, vào khoảng
40 - 50 triệu năm trước, loài Pakicetus (tổ tiên của loài cá voi) là loài động
vật có vú, có bốn chân, với kích cỡ bằng một con sói hiện đại đã bắt đầu
xuống nước sinh sống, trước sự thay đổi môi trường sống đó mà đặc tính
sinh học của loài Pakicetus bắt đầu thay đổi như việc bốn chân bắt đầu
biến đổi thành mái chèo. Sau khi xuống nước, khối lượng của chúng
dưới sự ảnh hưởng của trọng lực không còn quan trọng nữa cùng với
quá trình phát triển của sinh vật phù du và nhuyễn thể trong kỷ băng hà
vốn là thức ăn của chúng đã khiến loài cá voi có thể phát triển tới kích
thước khổng lồ. Ban đầu những đặc tính trên của Pakicetus xuất hiện ở
một cá thể riêng biệt chính là cái đơn nhất, sau đó vì phù hợp với điều
kiện sống mới dưới nước mà đặc tính đó đã được bảo tồn, duy trì ở
nhiều thế hệ và trở thành phổ biến của nhiều cá thể, và trở thành cái
chung. Những đặc điểm của Pakicetus trước đây và của loài cá voi trong
từng thời kỳ của lịch sử tiến hóa cũng như những cá thể chứa đặc tính
không phù hợp với điều kiện sống, điều kiện sinh tồn và sinh sản của loài
sẽ mất dần đi và, từ cái chung của loài trở thành cái đơn nhất.
2.3 Ý nghĩa phương pháp luận
Bởi lẽ cái chung là cái sâu sắc, là cái bản chất chi phối cái riêng, chỉ tồn
tại trong cái riêng, thông qua cái riêng để biểu thị sự tồn tại của mình, nên
chỉ có thể tìm cái chung trong cái riêng, xuất phát từ cái riêng, từ những
sự vật, hiện tượng riêng lẻ, không được xuất phát từ ý muốn chủ quan
của con người bên ngoài cái riêng. Không nhận thức được cái chung thì
trong thực tiễn khi giải quyết mỗi cái riêng, mỗi trường hợp cụ thể sẽ nhất
định vấp phải những sai lầm.
Mặt khác, cần phải cụ thể hóa cái chung trong mỗi một hoàn cảnh, điều
kiện nhất định, cụ thể, khắc phục giáo bệnh giáo điều, siêu hình, máy
móc cục bộ, địa phương trong vận dụng mỗi cái chung để giải quyết mỗi
trường hợp cụ thể. Bất cứ cái chung nào khi áp dụng vào từng trường
hợp riêng cũng cần được cá biệt hoá. Nếu đem áp dụng toàn bộ cái
chung, tuyệt đối hoá cái chung dễ dẫn đến sai lầm tả khuynh, giáo điều.
Ví dụ như trong giao thông, vượt đèn đỏ là hành vi vi phạm luật giao
thông, vì vậy không có ai được quyền vượt khi tham gia giao thông. Tuy
nhiên, điều này không thể áp dụng cho tất cả đối tượng vì khi xe cấp cứu,
hoặc xe cứu hỏa cần phải vượt đèn đỏ bởi họ mang nhiệm vụ cứu người
do đó không thể nào áp dụng nguyên tắc chung cho tất cả trường hợp,
cần phải xem xét sự việc với cái nhìn cụ thể, khách quan. Hoặc như khi
áp dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Marx - Lenin, phải căn cứ vào
tình hình cụ thể của từng thời kỳ lịch sử ở mỗi nước để vận dụng những
nguyên lý đó cho thích hợp, có vậy mới đưa lại kết quả trong hoạt động
thực tiễn.
Trong quá trình phát triển của sự vật, trong những điều kiện nhất định cái
đơn nhất có thể biến thành cái chung và ngược lại cái chung có thể biến
thành cái đơn nhất. Trong hoạt động thực tiễn cần tạo điều kiện thuận lợi
cho cái đơn nhất chuyển thành cái chung nếu cái đơn nhất có lợi cho con
người. Và ngược lại biến cái chung thành cái đơn nhất nếu cái chung tồn
tại bất lợi cho con người. Chẳng hạn như vào năm 1986, khi nhận ra
trước đây với chế độ tập trung bao cấp không giúp cho nền kinh tế Việt
Nam có sự tăng trưởng được. Tại Đại hội đại biểu lần thứ VI, Đảng Cộng
sản Việt Nam đã thực hiện chính sách đổi mới, quyết định chuyển sang
nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trước đó ta nghĩ nền
kinh tế bao cấp là nền kinh tế đúng đắn nhất, là cái chung nhất nhưng
sau này khi nhận ra sai lầm thì đây không phải là nền kinh tế phù hợp, lúc
này cái chung biến thành cái đơn nhất.

You might also like