You are on page 1of 82

TIỂU LUẬN:

QUAN ĐIỂM VỀ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HOÁ,

HIỆN ĐẠI HOÁ GẮN VỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRI

THỨC BƯỚC PHÁT TRIỂN MỚI TRONG ĐƯỜNG LỐI

TIẾN HÀNH CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ

ĐẤT NƯỚC CỦA ĐẢNG


Trong bài viết này, tác giả đã đưa ra những luận chứng để làm rõ rằng, chủ trương
đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức là bước
phát triển mới trong nhận thức của Đảng ta về đường lối tiến hành công nghiệp hoá,
hiện đại hoá đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Quan điểm đúng đắn này
được chính thức khởi đầu tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ (khoá VII)
và được bổ sung, hoàn thiện trong các kỳ Đại hội sau đó của Đảng. Theo tác giả,
việc tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước cũng như chủ động và
tích cực hội nhập quốc tế… là cơ sở để chúng ta hiện thực hoá quan điểm của Đảng
về đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức ở Việt
Nam.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X (tháng 4 năm 2006), khi khẳng định đường
lối tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo định hướng xã hội
chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ "mục tiêu trực tiếp" mà chúng ta cần
phấn đấu thực hiện trong 5 năm 2006 – 2010 là "sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng
kém phát triển; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước
công nghiệp theo hướng hiện đại"(1). Để thực hiện "mục tiêu trực tiếp" này, chúng ta
phải có được một lực lượng sản xuất đạt trình độ phát triển cao, một cơ sở vật chất -
kỹ thuật hiện đại dựa trên sự phát triển mạnh mẽ với tốc độ ngày càng tăng của khoa
học và công nghệ hiện đại; phải "tranh thủ cơ hội thuận lợi do bối cảnh quốc tế tạo ra
và tiềm năng, lợi thế của nước ta để rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá
đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với phát triển kinh tế tri thức, coi
kinh tế tri thức là yếu tố quan trọng của nền kinh tế và công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Phát triển mạnh các ngành và sản phẩm kinh tế có giá trị gia tăng cao dựa nhiều vào
tri thức; kết hợp việc sử dụng nguồn vốn tri thức của con người Việt Nam với tri thức
mới nhất của nhân loại. Coi trọng cả số lượng và chất lượng tăng trưởng kinh tế
trong mỗi bước phát triển của đất nước, ở từng vùng, từng địa phương, trong từng dự
án kinh tế – xã hội"(2).
Có thể khẳng định rằng, chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với
phát triển kinh tế tri thức mà Đảng ta đưa ra tại Đại hội X không chỉ là sự tiếp nối
đường lối và chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đã được xác định
trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm
1991), mà còn là bước phát triển mới trong nhận thức của Đảng ta về đường lối tiến
hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nhìn lại tiến trình hình thành và phát triển đường lối tiến hành công nghiệp hoá, hiện
đại hoá đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng, chúng ta thấy,
trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng
ta đã khẳng định: "phát triển lực lượng sản xuất, công nghiệp hoá đất nước theo
hướng hiện đại gắn liền với phát triển một nền nông nghiệp toàn diện là nhiệm vụ
trung tâm nhằm từng bước xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội,
không ngừng nâng cao năng suất lao động xã hội và cải thiện đời sống nhân dân"(3).
Có thể nói, trong Cương lĩnh này, mặc dù đã khẳng định đường lối tiến hành "công
nghiệp hoá đất nước theo hướng hiện đại", nhưng Đảng ta còn chưa chỉ rõ những nội
dung cụ thể của đường lối đó, chưa chỉ rõ vì sao chúng ta phải gắn kết chặt chẽ công
nghiệp hoá với hiện đại hoá trong một chỉnh thể thống nhất. Chỉ sau đó, tại Hội nghị
đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII (tháng 1-1994), khi nhận thức rõ rằng,
tuy nền kinh tế nước ta đã có những bước tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế có bước
chuyển dịch đáng kể theo hướng công nghiệp hoá, nhưng chất lượng, hiệu quả, tính
cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, tốc độ đổi mới chậm, sự tăng trưởng dựa chủ
yếu vào vốn, tài nguyên, ít dựa vào tiến bộ khoa học – công nghệ, tiềm năng trí tuệ
chưa được phát huy…, Đảng ta mới khẳng định công nghiệp hoá phải gắn liền với
hiện đại hoá, chủ trương "thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công
nghiệp hóa, hiện đại hoá"(4).
Theo quan điểm của Đảng, trong thời đại ngày nay, những tiến bộ về kinh tế, xã hội
cùng với sự mở rộng và tăng cường hợp tác phát triển với các nước và các tổ chức
quốc tế là cơ sở để chúng ta đẩy tới một bước công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại
hoá đất nước nhằm tạo thêm nhiều công ăn việc làm, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng
kinh tế, cải thiện hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Xác định công
nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước là nhiệm vụ trung tâm, có tầm quan trọng hàng
đầu, là con đường duy nhất giúp chúng ta không chỉ thoát khỏi nguy cơ tụt hậu ngày
càng xa hơn so với các nước trong khu vực Đông – Nam Á và trên thế giới, mà còn
giữ được ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ được độc lập, chủ quyền quốc gia và định
hướng phát triển xã hội chủ nghĩa.
Như vậy, cho đến thời điểm mà lần đầu tiên, Đảng ta đưa ra quan điểm gắn kết công
nghiệp hoá với hiện đại hoá trong một chỉnh thể thống nhất, thì vấn đề "đẩy mạnh
công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức" vẫn chưa được nói
đến. Ngay cả vấn đề vai trò nền tảng, động lực của khoa học và công nghệ đối với
quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước cũng chưa được khẳng
định. Chỉ đến Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá VII (tháng 7
năm 1994), khi thông qua đường lối "Đẩy tới một bước sự nghiệp công nghiệp hoá,
hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn
minh", Đảng ta mới khẳng định "khoa học, công nghệ là nền tảng của công nghiệp
hoá, hiện đại hoá". Sở dĩ khoa học và công nghệ có vai trò to lớn như vậy vì nó là
một trong những yếu tố quan trọng, tham gia “quyết định lợi thế cạnh tranh và tốc
độ phát triển của các quốc gia". Thực tế cho thấy, "phần thắng trong cuộc chiến "ai
thắng ai" trên thị trường, suy cho đến cùng là do trí tuệ và năng lực sáng tạo của cả
dân tộc, biết học hỏi một cách khôn ngoan kinh nghiệm và thành tựu tri thức của
nhân loại, tận dụng được lợi thế của nước đi sau, đề ra được những chủ trương, biện
pháp thích hợp với đất nước mình trong hoàn cảnh mới, giải quyết có hiệu quả các
vấn đề kinh tế – xã hội, công nghệ, kỹ thuật, môi trường sinh thái"(5). Tại Đại hội
đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (năm 1996), Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh vai trò động
lực của khoa học và công nghệ đối với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất
nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp
hành Trung ương khoá VIII (tháng 12 năm 1996) của Đảng Cộng sản Việt Nam đã
xây dựng, thảo luận và thông qua Nghị quyết về "định hướng chiến lược phát triển
khoa học và công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến
năm 2000"; trong đó, khẳng định rằng, "cùng với giáo dục - đào tạo, khoa học và
công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện
cần thiết để giữ vững độc lập dân tộc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Công
nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước phải bằng và dựa vào khoa học và công nghệ"(6).
Như vậy, ngay cả khi đã nhận thức rõ khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền
tảng, là động lực, là "quốc sách hàng đầu" của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại
hoá đất nước, Đảng ta vẫn chưa nói đến vấn đề gắn kết công nghiệp hoá, hiện đại hoá
với kinh tế tri thức. Như chúng ta đã biết, vào những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ
XX, sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ, đặc biệt là
những thành tựu trong bốn lĩnh vực: công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, công
nghệ năng lượng và công nghệ thông tin, đã tạo nên những biến đổi to lớn trong đời
sống kinh tế – xã hội của thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng. Sự phát triển
vượt bậc của khoa học, công nghệ hiện đại đã dẫn đến sự ra đời của ngành kinh tế tri
thức. Điều đó có nghĩa là, sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở nước
ta đang diễn ra trong điều kiện kinh tế tri thức đã trở thành một xu hướng phát triển
mới của các nước trên thế giới. Có thể nói, sự xuất hiện của kinh tế tri thức là vận hội
chưa từng có để Việt Nam đi tắt đón đầu, từng bước đuổi kịp các nước tiên tiến trên
thế giới. Từ chỗ cho rằng, "kinh tế tri thức có vai trò ngày càng nổi bật trong quá
trình phát triển lực lượng sản xuất", Đảng ta đã chủ động đưa ra quan điểm về sự gắn
kết công nghiệp hoá, hiện đại hoá với phát triển kinh tế tri thức. Tại Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ IX (tháng 4 năm 2001), với nhận định rằng, sự phát triển của kinh
tế tri thức trong bối cảnh toàn cầu hoá đã đem lại lợi thế cho các nước đi sau, trong
đó, trong đó có nước ta, giúp chúng ta có thể và cần thiết không phải trải qua các
bước tuần tự từ kinh tế nông nghiệp lên kinh tế công nghiệp rồi mới phát triển kinh tế
tri thức, Đảng ta đã xác định "con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá của nước
tacần và có thể rút ngắn thời gian, vừa có những bước tuần tự, vừa có bước nhảy vọt.
Phát huy những lợi thế của đất nước, tận dụng mọi khả năng để đạt trình độ công
nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, tranh thủ ứng
dụng ngày càng nhiều hơn, ở mức cao hơn và phổ biến hơn những thành tựu mới về
khoa học và công nghệ, từng bước phát triển kinh tế tri thức. Phát huy nguồn lực trí
tuệ và sức mạnh tinh thần của người Việt Nam; coi phát triển giáo dục và đào tạo,
khoa học và công nghệ là nền tảng và động lực của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện
đại hoá"(7).
Ngày nay, toàn cầu hoá kinh tế đã trở thành một xu thế khách quan, lôi cuốn ngày
càng nhiều nước tham gia. Xét về mặt tác động tích cực, nó tạo điều kiện và thúc đẩy
sự phát triển nhanh chóng của lực lượng sản xuất, đưa lại sự tăng trưởng cao cho nền
kinh tế của các quốc gia dân tộc, cho cả nền kinh tế thế giới. Không chỉ thế, toàn cầu
hoá kinh tế còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp thu và chuyển giao những thành
tựu mới trong khoa học và công nghệ, trong tổ chức và quản lý sản xuất, kinh doanh;
đưa tri thức và kinh nghiệm mới đến với các quốc gia dân tộc; tạo tiền đề và điều
kiện cho các quốc gia dân tộc đi sau có thể "rút ngắn" lộ trình công nghiệp hoá, hiện
đại hoá đất nước bằng chiến lược phát triển có khả năng "bắt kịp" và "thích nghi" với
xu hướng phát triển hiện đại. Có thể nói, đây là một cơ hội thuận lợi đối với mọi
quốc gia dân tộc, nhất là với các nước đang phát triển. Chính vì thế, Đảng ta đã
khẳng định rằng, để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, chúng ta cần "chủ
động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các
lĩnh vực khác"(8).
Trong thời đại ngày nay, cách mạng khoa học và công nghệ đang diễn ra với tốc độ
vũ bão, dẫn đến sự ra đời của hàng loạt công nghệ mới và ngày càng hiện đại, đặc
biệt là công nghệ thông tin và công nghệ sinh học. Khoa học và công nghệ ngày càng
thể hiện rõ vai trò là nền tảng, động lực của sự phát triển kinh tế – xã hội. Cụ thể là
nó đang tạo ra sự chuyển đổi mạnh mẽ của nền kinh tế: từ kinh tế công nghiệp sang
kinh tế tri thức; đưa xã hội loài người bước vào một giai đoạn phát triển mới. Đến
lượt mình, kinh tế tri thức lại tạo điều kiện và đóng vai trò mở đường cho các nền kinh
tế đang phát triển tiếp nhận công nghệ mới, nhất là công nghệ thông tin và công nghệ
sinh học, để cơ cấu lại toàn bộ nền kinh tế quốc dân theo hướng lấy kinh tế tri thức làm
yếu tố cấu thành quan trọng và thực hiện chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá
theo phương thức phát triển "rút ngắn".
Trong thời đại ngày nay, cả toàn cầu hoá kinh tế lẫn kinh tế tri thức đều là những xu
thế phát triển tất yếu, khách quan. Chúng đã, đang và sẽ tiếp tục làm thay đổi một
cách mạnh mẽ, sâu sắc nội dung và bước đi của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại
hoá. Không chỉ thế, toàn cầu hoá kinh tế và kinh tế tri thức còn đòi hỏi tiến trình đẩy
mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở các quốc gia đi sau, trong đó có Việt Nam,
phải được gắn liền với phát triển kinh tế tri thức.
Thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức là hai nội
dung của một quá trình thống nhất và diễn ra đồng thời. Đảng ta đã xác định rõ rằng,
việc thực hiện các nội dung chiến lược đó ở nước ta hiện nay cần phải dựa vào tri
thức. Xuất phát từ một trình độ thấp về kinh tế và kỹ thuật, để có thể đi nhanh và
phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, chúng ta không có con đường nào khác
ngoài con đường đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo định hướng xã hội
chủ nghĩa với phương thức "rút ngắn thời gian, vừa có những bước tuần tự, vừa có
bước nhảy vọt". Chúng ta cần phải thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ: chuyển từ nền
kinh tế nông nghiệp sang kinh tế công nghiệp và từ nền kinh tế công nghiệp sang
kinh tế tri thức. Điều đó có nghĩa là, một mặt, chúng ta phải phát triển nông nghiệp
và các ngành công nghiệp cơ bản, mặt khác, phải phát triển các ngành kinh tế dựa
nhiều vào tri thức và công nghệ cao. Nói cách khác, gắn đẩy mạnh công nghiệp hoá,
hiện đại hoá với phát triển kinh tế tri thức theo những bước đi và hình thức thích hợp với
điều kiện nước ta hiện nay không chỉ là quá trình mang tính tất yếu, khách quan, mà còn
là con đường duy nhất giúp chúng ta "rút ngắn thời gian" để có thể trở thành một nước
công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 như Đảng ta đã xác định.
Không chỉ khẳng định sự cần thiết, tất yếu phải gắn việc đẩy mạnh công nghiệp hoá,
hiện đại hoá với phát triển kinh tế tri thức, lấy kinh tế tri thức làm yếu tố cấu thành
quan trọng của nền kinh tế, Đảng ta còn chỉ rõ nội dung chủ yếu của quá trình này là:
Thứ nhất, phát triển với tốc độ nhanh và ngày càng mạnh các ngành, các lĩnh vực và
những sản phẩm kinh tế có giá trị gia tăng cao dựa nhiều vào tri thức; kết hợp có hiệu
quả việc sử dụng nguồn vốn tri thức của con người Việt Nam với những tri thức mới
nhất của nhân loại.
Thứ hai, không chỉ coi trọng số lượng, mà còn phải coi trọng cả chất lượng tăng
trưởng kinh tế trong mỗi bước phát triển của đất nước, ở từng vùng, từng địa phương
và trong mỗi dự án phát triển kinh tế – xã hội.
Thứ ba, xây dựng một cơ cấu kinh tế hiện đại và hợp lý theo ngành, lĩnh vực và lãnh
thổ.
Thứ tư, giảm mạnh chi phí trung gian, nâng cao năng suất lao động của tất cả các
ngành, các lĩnh vực, nhất là các ngành, các lĩnh vực có sức cạnh tranh cao trên thị
trường thế giới, khu vực và trong nước.
Đảng ta cũng đã xác định rõ định hướng phát triển 6 ngành và lĩnh vực chủ yếu trong
quá trình thực hiện tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát
triển kinh tế tri thức ở nước ta trong thời gian tới. Đó là: đẩy mạnh công nghiệp hoá,
hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn, giải quyết đồng bộ các vấn đề nông nghiệp,
nông thôn và nông dân; phát triển nhanh hơn công nghiệp và xây dựng, dịch vụ; phát
triển kinh tế vùng; phát triển kinh tế biển, chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu
công nghệ, bảo vệ và sử dụng có hiệu quả tài nguyên quốc gia, cải thiện môi trường
tự nhiên.
Để thực hiện thành công đường lối và định hướng phát triển đó, tại Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ X, Đảng ta đã xác định một trong những nhiệm vụ cơ bản mà
chúng ta cần phải thực hiện trong 5 năm 2006 - 2010 là hoàn thiện thể chế kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Và để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa, điều cần thiết trước hết là nắm vững định hướng xã hội chủ
nghĩa trong nền kinh tế thị trường đó, đồng thời nâng cao vai trò và hiệu lực quản lý
của Nhà nước, phát triển mạnh các thành phần kinh tế và các loại hình tổ chức sản
xuất, kinh doanh, phát triển đồng bộ và quản lý có hiệu quả sự vận hành của các loại
thị trường cơ bản theo cơ chế cạnh tranh lành mạnh, trong đó có thị trường khoa học
và công nghệ. Định hướng phát triển thị trường khoa học và công nghệ được Đảng ta
xác định là: “phát triển thị trường khoa học và công nghệ trên cơ sở đổi mới cơ chế,
chính sách để phần lớn sản phẩm khoa học và công nghệ (trừ nghiên cứu cơ bản,
nghiên cứu phục vụ xây dựng đường lối, chiến lược, chính sách phát triển quốc
phòng và an ninh) trở thành hàng hoá”(9).
Nhận thức rõ việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa và đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức
là hai nội dung có quan hệ thống nhất, hữu cơ của tiến trình phát triển theo phương
thức "rút ngắn thời gian, vừa có những bước tuần tự, vừa có bước nhảy vọt" để đến
năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Văn
kiện Đại hội X của Đảng đã khẳng định: "trong 5 năm tới, chúng ta chủ trương tiếp
tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh
công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức”(10). Cơ sở để thực
hiện đồng thời và có hiệu quả hai quá trình này là tích cực phát huy nội lực, kết hợp
hữu hiệu việc sử dụng nguồn vốn tri thức của con người Việt Nam với tri thức mới
nhất của nhân loại, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế nhằm đưa công
cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục phát triển mạnh mẽ,
toàn diện và đồng bộ hơn.
Bước vào thế kỷ XXI, các nước trong khu vực và trên thế giới đang nỗ lực theo đuổi
những chiến lược phát triển của mình để vươn tới nền kinh tế tri thức. “Trung Quốc
tiếp tục thúc đẩy chính sách chiêu đãi hiền tài; Ấn Độ tăng tốc với kế hoạch nghiên
cứu và phát triển, Singapore đang đứng đầu châu Á về công nghệ sinh học. Toàn
cảnh một không khí hừng hực đầu tư cho nền kinh tế tri thức đang bùng nổ khắp
châu Á”(11). Việt Nam cũng đang tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất
nước, chủ động và tích cực tham gia hội nhập kinh tế quốc tế; đồng thời, mở rộng
quan hệ với các nước trên tinh thần hợp tác và phát triển (biểu hiện rõ rệt nhất là đã
trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới). Đó là những cơ sở để chúng
ta, một mặt, khẳng định tính đúng đắn và khoa học trong quan điểm của Đảng về đẩy
mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức; mặt khác,
hiện thực hoá đường lối phát triển đó trong thực tiễn.r

(*) Thạc sĩ triết học, Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Nxb
Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.23.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam. Sđd., tr. 87-88.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ
lên chủ nghĩa xã hội. Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.9.
(4) Nguyễn Phú Trọng - Trần Đình Nghiêm. Nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị đại
biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ của Đảng. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994,
tr.34.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung
ương khoá VII. Hà Nội, 1994, tr.23-24.
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam. Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành
Trung ương Đảng khoá VIII. Trích theo: Các nghị quyết của Trung ương Đảng 1996
– 1999. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.46.
(7) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX.Nxb
Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.91.
(8) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X.Nxb
Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.112.
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam. Sđd., tr. 27.
(10) Đảng Cộng sản Việt Nam. Sđd., tr. 25.
(11) Báo Tuổi trẻ cuối tuần, số 43, 2006, ngày 29 – 10 – 2006, tr.34.

QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG TA VỀ “BỒI DƯỠNG, ĐÀO TẠO VÀ TÔN VINH
CÁC DOANH NHÂN CÓ TÀI, CÓ ĐỨC VÀ THÀNH ĐẠT”

VŨ VĂN PHÚC (*)


Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Đảng ta đã đưa ra và khẳng định quan
điểm“bồi dưỡng, đào tạo và tôn vinh các doanh nhân có tài, có đức và thành đạt”.
Trong bài viết này, khi tập trung luận giải sự đúng đắn và tính khả thi trong quan
điểm đó của Đảng ta, tác giả đã khẳng định: Quan điểm đúng đắn này của Đảng
không chỉ là sự giải phóng về mặt tư tưởng cho đội ngũ doanh nhân Việt Nam hiện
nay, mà trên thực tế, còn tạo điều kiện cho họ phát triển về đội ngũ, trưởng thành về
năng lực, thực sự đảm đương vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế, tạo động lực
và điều hành nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta
đang tạo dựng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc". “Công việc
thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Tính chân lý trong những câu
nói đó không chỉ đúng trong cuộc cách mạng chính trị, mà còn đúng trong sự
nghiệp cách tân kinh tế. Thực tế phát triển kinh tế hiện nay ở các nước đã chứng tỏ
rằng, doanh nhân là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của các doanh
nghiệp, của nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, ở nước ta, cho đến gần đây, tầm quan
trọng của giới doanh nhân mới được thừa nhận. Dấu ấn cho sự thừa nhận này là
năm 2005, Nhà nước ta đã ra quyết định lấy ngày 13 – 10 hàng năm là Ngày Doanh
nhân Việt Nam. Mới đây, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Đảng ta đã
khẳng định chủ trương “thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp.
Xây dựng một hệ thống doanh nghiệp Việt Nam nhiều về số lượng, có sức cạnh
tranh cao, có thương hiệu uy tín, trong đó chủ lực là một số tập đoàn kinh tế lớn dựa
trên hình thức cổ phần. Nhà nước định hướng, tạo môi trường để phát triển có hiệu
quả các doanh nghiệp theo cơ chế thị trường; bồi dưỡng, đào tạo và tôn vinh các
doanh nhân có tài, có đức và thành đạt" (1).
Để thấy rõ tầm quan trọng của tư tưởng coi trọng doanh nghiệp đa thành phần, coi
trọng giới doanh nhân và tính đúng đắn của quyết định cho phép đảng viên làm kinh
tế tư nhân, chúng ta hãy lùi lại lịch sử để đánh giá và xem xét.
Trong nền kinh tế thị trường, chúng ta đều thừa nhận hệ thống doanh nghiệp và đội
ngũ lãnh đạo, quản lý hệ thống đó – giới doanh nhân – đóng vai trò quan trọng
trong phát triển kinh tế quốc dân. Trên thực tế, cùng với Nhà nước và người lao
động, giới doanh nhân Việt Nam đã trở thành nhân tố quyết định sự thành bại của
các doanh nghiệp. Song, trong quá khứ, chúng ta đã coi nhẹ vai trò của tầng lớp này
trong đời sống xã hội. Do vậy, giới doanh nhân Việt Nam đã gặp quá nhiều khó
khăn trong quá trình hình thành và phát triển đội ngũ. Đó là sự thực. Những nguyên
nhân dẫn đến hiện thực này là:
Thứ nhất, do lịch sử quy định, cho đến những năm đầu thế kỷ XXI, nền kinh tế Việt
Nam vẫn còn nằm trong tình trạng nghèo nàn, lạc hậu so với trình độ chung của thế
giới. Không chỉ thế, do những hoàn cảnh lịch sử nhất định, trong quá khứ, Việt
Nam chưa bao giờ có nền kinh tế hàng hoá thật sự phát triển. Những năm sau khi
giành được độc lập, do nóng vội tả khuynh, chúng ta đã hầu như gạt bỏ hết những
yếu tố manh nha yếu ớt của sản xuất hàng hoá, của kinh tế thị trường. Nếu nhìn lại
lịch sử xa hơn nữa, chúng ta càng thấy rõ người Việt Nam không có truyền thống
kinh doanh. Đạo Nho mà những ông đồ truyền cho tầng lớp có học thức nhất trong
xã hội ta dưới thời phong kiến là học để làm quan giúp nước. Không có ông đồ nào
và không có ai dậy học trò nghề kinh doanh, buôn bán. Xã hội Việt Nam khi đó
thường truyền tụng câu ngạn ngữ: “Nhất sĩ, nhì nông, tam công, tứ thương”. Nghề
kinh doanh, buôn bán được xếp vào tầng lớp thấp trong xã hội, được coi là giới
“con buôn” theo nghĩa khinh bỉ, là hạng tiểu nhân tham tiền. Do đó, giới doanh
nhân Việt Nam có điểm yếu là không có nguồn gốc phát sinh, phát triển bền vững,
lâu dài cùng với tiến trình lịch sử của dân tộc.
Thứ hai, trong thời kỳ đổi mới, nước ta mới từng bước xây dựng nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa từ những yếu tố đầu tiên, như cho người sản
xuất quyền tự do trao đổi sản phẩm dưới hình thái hàng hoá, xây dựng đồng tiền
làm đủ các chức năng của nó, cho phép doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh và
tìm kiếm lợi nhuận; cho phép giao lưu hàng hoá và làm ăn, buôn bán với nước
ngoài, v.v.. Quá trình đổi mới theo định hướng trên đã đem lại cho đất nước ta
nhiều thành tựu to lớn không chỉ về kinh tế, mà còn về cả chính trị, tư tưởng và
ngoại giao. Trong bối cảnh đó, giới doanh nhân Việt Nam đã từng bước hình thành
và phát triển. Đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam thành công trong kinh doanh
trong nước và ở nước ngoài. Giới kinh doanh người Việt Nam đã tăng nhanh về số
lượng và tích luỹ được nguồn vốn tương đối nhiều trong 20 năm thử sức trên
thương trường. Tuy nhiên, một số doanh nhân Việt Nam dường như vẫn chưa thật
sự tận tâm, tận lực cho công cuộc phát triển nền kinh tế quốc dân. Đâu đó vẫn còn
tâm lý e ngại, chưa muốn bỏ vốn ra kinh doanh, hoặc có bỏ vốn kinh doanh thì cũng
cầm chừng, trong khi vốn tích trữ dưới dạng bất động sản, vàng bạc, tiền gửi trong
ngân hàng không phải là nhỏ. Nguy hiểm hơn nữa là, có những thời kỳ, vốn trong
ngân hàng cũng không cho vay được vì thiếu người đi vay biết cách làm ăn, cũng
như thiếu dự án hiệu quả. Phải chăng người Việt Nam không có khả năng, không có
sự ham mê kinh doanh? Những cuộc phỏng vấn được tiến hành đối với giới trẻ,
nhất là sinh viên Việt Nam trong những năm gần đây không đưa lại câu trả lời đồng
tình với quan điểm đó. Hơn nữa, người Việt Nam ở nước ngoài rất ham muốn kinh
doanh và cũng đã có nhiều người thành đạt. Người Việt Nam ở trong nước cũng
đang có xu hướng lựa chọn nghề kinh doanh (kết quả điều tra của dự án “Nhận thức
và thái độ của dân cư đối với thị trường và kinh doanh” do Khoa Quản lý kinh tế,
Ban nghiên cứu Thủ tướng Chính phủ và Quỹ Ford tiến hành đã chứng minh rằng,
người Việt Nam có khả năng và thích kinh doanh). Trước đây, ở nước ta cũng đã có
nhiều doanh nhân nổi danh, như Bạch Thái Bưởi, Nguyên Vũ,...
Vậy, nguyên nhân nào làm cho đa số người Việt Nam vẫn đứng ngoài kinh doanh
và sử dụng vốn đã tích luỹ được không bằng phương thức kinh doanh. Theo chúng
tôi, nguyên nhân chính vẫn là ở chỗ, giới doanh nhân Việt Nam vẫn chưa nhận
được sự cổ vũ xứng đáng của Đảng và Nhà nước ta. Để chứng minh cho nhận định
này, chúng ta phải xem xét lại một cách có hệ thống quan điểm của Đảng và Nhà
nước ta đối với giới doanh nhân Việt Nam.
Cho đến nay, giới doanh nhân, nhất là những người kinh doanh tư nhân, vẫn còn
mang tâm lý e ngại đối với quá khứ cải tạo trước kia. Bởi lẽ, do nhận thức sai lầm
về tính chất mở đường, tiên tiến của quan hệ sản xuất mới, nên Đảng và Nhà nước
ta đã quá nóng vội trong tiến trình cải tạo thành phần kinh tế tư nhân để xây dựng
nền kinh tế thuần công hữu. Chính vì thế, sau những năm kháng chiến gian khổ để
giành độc lập, mặc dù nhiều doanh nhân yêu nước đã ủng hộ kháng chiến, nhưng
Đảng và Nhà nước ta vẫn không dung dưỡng giới doanh nhân (doanh nhân ở đây,
theo chúng tôi là những người kinh doanh theo cơ chế thị trường nhằm mục đích
làm giàu). Chúng ta đã liệt họ vào thành phần tư sản, vào tầng lớp phú nông cần
phải cải tạo. Con cái họ sau này, ngay cả khi bố mẹ không còn kinh doanh, không
còn của cải gì đáng kể, thậm chí cả con cái của những người buôn bán nhỏ cũng bị
liệt vào thành phần tiểu tư sản không đáng tin tưởng, bị phân biệt đối xử trong học
hành, trong công việc, trong thăng tiến. Đặc biệt, hiếm khi chúng ta kết nạp người
có thành phần xuất thân là giai cấp tư sản vào Đảng, nếu như họ không tuyên thệ từ
bỏ giai cấp mình. Với những chính sách như vậy, giới doanh nhân của chúng ta,
người thì di tản đi nước ngoài, người thì bỏ nghề, con cái họ cũng không kế nghiệp
cha mẹ. Hậu quả là, khi chúng ta bắt đầu đổi mới, ở nước ta có rất ít người hiểu biết
về kinh doanh và ai cũng e ngại kinh doanh không phải vì sợ rủi ro, mà sợ bị cải tạo
như trong quá khứ thì con cái “hết đường sống”. Người Việt Nam vốn sống vì con
cái rất nhiều, nên ai cũng muốn làm công chức nhà nước cho “chắc chân”. Theo
quan điểm của nhiều người, đời sống công chức ổn định, an toàn và còn để lại đức,
lộc cho con cháu sau này (theo kết quả điều tra của dự án mà chúng tôi đã nêu trên,
thì có đến 98% người Hà Nội được hỏi muốn con cháu họ kiếm được một công việc
làm trong cơ quan nhà nước).
Thứ ba, khi nước ta bắt đầu xây dựng nền kinh tế thị trường, thì nhiều nước trên thế
giới đã có nền kinh tế thị trường hiện đại, có giới doanh nhân tài giỏi, có hệ thống
doanh nghiệp hùng mạnh, có nhu cầu sử dụng thị trường của tất cả các nước trên
thế giới làm môi trường hoạt động tự do của họ. Để tranh thủ cơ hội phát triển kinh
tế, Việt Nam phải mở cửa thị trường, phải hội nhập, phải tranh thủ vốn đầu tư nước
ngoài. Những chính sách đúng đắn đó đã giúp nước ta tăng trưởng nhanh trong hơn
hai thập niên qua, giúp nước ta thoát ra khỏi khủng hoảng vào những năm 80 của
thế kỷ XX, giúp thay đổi bộ mặt kinh tế của đất nước và cải thiện đời sống của nhân
dân. Nhưng, xét về phía doanh nhân Việt Nam, thì làn sóng đầu tư nước ngoài và
xu hướng hội nhập nhanh trong những năm qua đã làm cho quá trình phát triển của
họ càng thêm gian nan. Họ không những phải cạnh tranh ở tư thế quá bất lợi và thua
thiệt so với giới doanh nhân nước ngoài, mà còn bị phân biệt đối xử bằng trăm
nghìn cách khác nhau. Chẳng hạn, bị giới doanh nhân nước ngoài phong toả thị
trường theo các luật chơi có lợi cho doanh nhân của nước phát triển, bị các hiệp hội
doanh nhân nước ngoài và quốc tế chèn ép,… Ngoài ra, do không có mối quan hệ
truyền thống với các đối tác ở các nước tư bản chủ nghĩa, không có thị phần, không
có khách hàng quen, không có tiềm lực tài chính mạnh, không có kinh nghiệm kinh
doanh, không có sự liên kết với nhau bằng các hiệp hội đủ mạnh…, nên doanh nhân
Việt Nam rất yếu thế trên thị trường nước ngoài. Trong khi đó thì thị trường trong
nước vẫn còn ở tình trạng sơ khai, dung lượng thị trường cho các sản phẩm truyền
thống của Việt Nam không lớn... Ở thị trường nước ngoài, doanh nhân Việt Nam bị
phân biệt đối xử đã đành; ở trong nước, họ cũng bị phân biệt đối xử. Nhiều khía
cạnh của sự phân biệt đối xử rất tinh tế, khó nhận biết. Chẳng hạn, các khu công
nghiệp không cấm doanh nghiệp trong nước thuê đất, nhưng với số tiền vốn quá
nhỏ, nếu thuê đất trong khu công nghiệp thì các doanh nghiệp của tư nhân trong
nước hoặc không đủ sức thuê, hoặc có thuê được thì cũng không còn vốn kinh
doanh. Chế độ thuê đất, chế độ sử dụng đất ở của nước ta trong những năm qua có
quá nhiều thay đổi và bất hợp lý đến nỗi doanh nhân trong nước kinh doanh bất
động sản theo kiểu đầu cơ thì lãi to, còn dùng đất để kinh doanh sản xuất thì không
chịu được chi phí. Các doanh nghiệp thuộc sở hữu tư nhân thường rất khó tiếp cận
tín dụng chính thức giá rẻ do mức tín nhiệm thấp. Việc cải thiện mức tín dụng cho
các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước ta là cả một quá trình lâu dài, bản thân giới
doanh nhân trong nước không thể hoá giải được nếu không có sự trợ giúp của Nhà
nước…
Vì những lý do trên nên doanh nhân Việt Nam, sau 20 năm đổi mới vẫn yếu ớt,
chưa đủ sức đảm đương sự nghiệp phát triển kinh tế. Để bù lại sự yếu ớt của doanh
nghiệp tư nhân, Nhà nước ta đang phải đầu tư và quản lý các doanh nghiệp lớn.
Những năm gần đây, doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm gần 40% GDP, đầu tư của
Nhà nước thường lớn hơn 30% tổng đầu tư xã hội. Song, doanh nghiệp và đầu tư
nhà nước hiện đang gặp phải vấn đề hiệu quả thấp. Do đó, phát triển mạnh doanh
nghiệp tư nhân, mà tiền đề là xây dựng và ủng hộ giới doanh nhân, là việc làm cấp
thiết.
Trong bối cảnh như thế, quan điểm coi trọng việc bồi dưỡng, đào tạo và tôn vinh
các doanh nhân có tài, có đức, thành đạt, kể cả việc cho phép đảng viên được làm
kinh tế tư nhân mà Đại hội X của Đảng đã đưa ra chính là sự giải phóng về mặt tư
tưởng cho giới doanh nhân. Đó là chúng ta còn chưa nói đến vấn đề Nhà nước hỗ
trợ để doanh nhân phát triển, chỉ cần Đảng và Nhà nước thừa nhận doanh nhân là
tầng lớp lao động đáng được kính trọng trong kết cấu xã hội mang tính xã hội chủ
nghĩa của nước ta đã là một sự giải toả vô cùng quan trọng. Hãy nhớ lại, những năm
80, 90 của thế kỷ XX, chỉ cần Đảng và Nhà nước có chính sách cho phép dân được
tự do làm kinh tế để mưu sinh, không cần ngồi chờ lệnh của Nhà nước, thì nền kinh
tế đã hồi sinh và phát triển như thế nào. Cũng như vậy, với quan điểm tự do kinh
doanh, doanh nghiệp được làm những gì luật pháp không cấm, không phải xin phép
Nhà nước, số doanh nghiệp mới thành lập trong 3 năm 2001 – 2003 đã vượt quá số
doanh nghiệp thành lập trong 10 năm trước đó. Quan điểm không những thừa nhận,
mà còn tôn vinh doanh nhân trong thang bậc giá trị xã hội cũng được đánh giá như
một sự giải phóng về mặt tư tưởng, tinh thần và đạo đức xã hội cho giới doanh
nhân, khuyến khích người dân Việt Nam dấn thân vào con đường kinh doanh đầy
khó khăn, gian khổ, rủi ro. Giờ đây, doanh nhân đã có thể vững tin khi được thừa
nhận là một bộ phận không những hợp pháp, mà còn là bộ phận cấu thành của nền
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (đồng nghĩa với việc không bị cải
tạo khi Việt Nam xây dựng xong nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa). Hơn nữa,
doanh nhân còn được thừa nhận là những người "tạo điều kiện phát huy tiềm năng
và vai trò tích cực trong phát triển sản xuất kinh doanh; mở rộng đầu tư trong nước
và ở nước ngoài; giải quyết việc làm cho người lao động; nâng cao chất lượng sản
phẩm; tạo dựng và giữ gìn thương hiệu hàng hoá Việt Nam"(2), và vì thế, họ xứng
đáng được “bồi dưỡng, đào tạo và tôn vinh”.
Xét về phía quyền lợi của doanh nhân, có thể coi quan điểm này của Đảng ta là một
cuộc cách mạng trong chính sách giai cấp và tầng lớp xã hội của Đảng. Cuộc cách
mạng này đạt tới đỉnh cao trong quyết định của Đảng cho phép đảng viên được làm
kinh tế tư nhân. Về mặt lý luận, vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân và việc giữ
vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng còn phải được tiếp tục nghiên cứu,
tranh luận. Nhưng, về thực tiễn, quyết định này của Đại hội X là hết sức sáng suốt.
Bởi lẽ, kinh doanh là một nghề, doanh nhân là những người lao động, kể cả doanh
nhân kinh doanh dưới hình thức bỏ vốn kinh doanh. Hơn nữa, nghề kinh doanh đòi
hỏi ở con người không chỉ tri thức khoa học, kỹ năng, nghiệp vụ thành thạo, mà cả
ý chí, nghị lực và đạo đức trong kinh doanh. Doanh nhân chân chính là những
người biết cách làm giàu chính đáng, đúng luật và giữ uy tín với khách hàng. Do đó,
doanh nhân không đồng nghĩa với bóc lột, họ thuộc tầng lớp người lao động. Tuy
nhiên, doanh nhân hoạt động dựa trên động lực là làm giàu, làm giàu bằng lao động,
bằng vốn, bằng sử dụng hiệu quả nguồn tài sản của doanh nghiệp. Nền kinh tế thị
trường đòi hỏi phải tôn trọng động lực đó của giới doanh nhân và doanh nghiệp. Do
đó, sự giàu có một cách chính đáng phải được xã hội tôn vinh chứ không nên khinh
bỉ và quy cho họ là người bóc lột. Đây là một điểm mốc nữa về mặt quan điểm mà
Đại hội X của Đảng đã dũng cảm vượt qua.
Cả thực tiễn và lý luận phát triển kinh tế đều cho thấy rằng, mô hình kinh tế thị
trường là mô hình cho phép giải quyết tốt nhất mối quan hệ giữa phân công lao
động ngày càng chuyên môn hoá sâu không chỉ ở phạm vi quốc gia, mà còn mở
rộng ra phạm vi thế giới, với tính tổ chức cao và quyền tự do sáng tạo của con
người. Đương nhiên, kinh tế thị trường cũng không hoàn hảo, nên cần có cơ chế
quản lý bổ sung của nhà nước. Trong nền kinh tế thị trường, động cơ hành động của
giới doanh nhân là làm cho giá trị tài sản gia tăng. Bản thân hành động hướng tới
tối đa hoá giá trị gia tăng của tài sản không mang ý nghĩa bóc lột. Vấn đề bóc lột
nằm trong khâu phân phối và sử dụng khối giá trị gia tăng của xã hội. Điều tiết để
cho việc phân phối và sử dụng chúng mang tính xã hội chủ nghĩa là công việc mà
Nhà nước xã hội chủ nghĩa có thể làm được. Vấn đề là ở chỗ, chúng ta không nên
triệt tiêu điều kiện thực hiện tối đa hoá giá trị gia tăng của giới doanh nhân, mà nên
tạo ra những quy định pháp lý để các hành vi hướng tới lợi nhuận của doanh nhân
phù hợp với các chuẩn mực đạo đức mà chế độ xã hội chủ nghĩa đòi hỏi. Như vậy,
doanh nhân không đối lập với chủ nghĩa xã hội, mà là một bộ phận cấu thành của
chủ nghĩa xã hội. Chính vì thế, chúng ta càng hiểu ý nghĩa sâu xa hơn của quan
điểm: "Đảng viên làm kinh tế tư nhân phải gương mẫu chấp hành pháp luật, chính
sách của Nhà nước, nghiêm chỉnh chấp hành Điều lệ Đảng và quy định của Ban
Chấp hành Trung ương"(3). Đảng viên làm kinh tế tư nhân không phải là người xa
rời lý tưởng của Đảng, mà chính là lực lượng tiên phong đem lý tưởng của Đảng
cảm hoá giới doanh nhân bằng chính tấm gương thành công, trong khi vẫn chấp
hành pháp luật, chính sách và nghĩa vụ đảng viên. Vấn đề quan trọng không phải là
ở chỗ, đảng viên làm kinh tế tư nhân sẽ xa rời lý tưởng của Đảng hoặc làm biến
chất bản chất giai cấp công nhân của Đảng, mà Đảng và Nhà nước cần đề ra chính
sách đúng và phù hợp với quy luật khách quan của kinh tế thị trường. Hơn nữa, trong
công cuộc cách tân nền kinh tế, giới doanh nhân đang đảm đương vai trò tiên phong,
tạo động lực và điều hành nền kinh tế. Do vậy, đảng viên càng cần phải tham gia vào
đội ngũ đó để không những thực hiện vai trò tiền phong gương mẫu của mình, mà còn
thông qua đó, thực thi sự lãnh đạo của Đảng.
Còn quá sớm để có thể đưa ra nhận định về kết quả thực tiễn của quan điểm phát
triển đội ngũ doanh nhân mà Đảng ta đã đưa ra tại Đại hội X, song bằng cả tri thức,
niềm tin lẫn kinh nghiệm lịch sử, chúng ta có thể tin rằng, những quan điểm này sẽ
được thực tiễn ủng hộ và sớm đem lại thành công.r

* Phó giáo sư, tiến sĩ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
(1)
Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Nxb
Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 84.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam. Sđd., tr.119.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam. Sđd., 133.
SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NHO GIÁO THỜI KỲ LÝ – TRẦN
DOÃN CHÍNH (*)
PHẠM THỊ LOAN (**)
Để làm rõ quá trình phát triển của Nho giáo với tư cách học thuyết chính trị– đạo
đức trong thời kỳ Lý – Trần, trong bài viết này, các tác giả đã đưa ra và luận giải:
1. Những điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội và văn hoá, giáo dục ở thời kỳ Lý –
Trần; 2. Quan niệm của vua, quan thời Lý – Trần về đạo trị nước, yên dân của Nho
giáo; 3. Tư tưởng về “Trời” và “mệnh Trời” của Hán Nho và ảnh hưởng của nó
trong đời sống xã hội Việt Nam thời Lý –Trần; 4. Các Nho sĩ Việt Nam thời Lý –
Trần vận dụng các phạm trù đạo đức Nho giáo trong lĩnh vực chính trị và xây
dựng các chuẩn mực đạo đức; 5. Quá trình hình thành, phát triển và vị trí chủ đạo
của giáo dục Nho học trong nền giáo dục đất nước thời Lý – Trần.

Triều đại Lý – Trần được coi là thời đại hưng thịnh và vẻ vang trong lịch sử Việt
Nam với những thành tựu phát triển về mọi mặt, nhất là văn hoá tinh thần và tư
tưởng. Trong thời kỳ này, Phật giáo chiếm địa vị chủ đạo trong đời sống xã hội, có
ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm linh, văn hoá của dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh đó,
Nho giáo với tư cách học thuyết chính trị – đạo đức cũng đã dần khẳng định ưu thế
của mình trong việc tổ chức bộ máy nhà nước, quản lý xã hội và có ảnh hưởng ngày
càng sâu rộng trong xã hội phong kiến tập quyền Việt Nam.
Ở nước ta, từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIII (từ thời Đinh đến giữa thời Trần), chế
độ sở hữu nhà nước về ruộng đất chiếm ưu thế trong xã hội. Đại bộ phận ruộng đất
là công điền, công thổ của làng xã; bên cạnh đó còn có ruộng quốc khố của triều
đình và ruộng của nhà chùa. Từ giữa thế kỷ XIII trở đi, nền kinh tế dựa trên phương
thức sản xuất phong kiến Á châu đã hình thành do chính sách khuyến khích việc
mua bán, trao đổi ruộng đất, trong đó có các điền trang với phương thức bóc lột
nông nô pha màu sắc của phương thức bóc lột nô lệ. Năm 1254, nhà Trần cho phép
bán công điền để biến thành tư điền, “mỗi diện là năm quan tiền”(1) và cho phép
các nhà đại quý tộc thành lập các điền trang riêng vào năm 1266. Sự xuất hiện của
kinh tế công thương nghiệp và sự gia tăng của trao đổi hàng hoá làm cho tầng lớp
địa chủ càng ngày càng giữ vai trò to lớn trong đời sống xã hội, chi phối nhiều mặt
hoạt động của xã hội về kinh tế và chính trị. Khi đó, tầng lớp quý tộc có xu hướng
rút về củng cố điền trang của mình, phát triển kinh doanh ruộng đất và điều này làm
xuất hiện nguy cơ phân tán về mặt chính trị, dẫn đến khuynh hướng tăng cường bộ
máy quan liêu, đề cao Nho giáo, đưa Nho sĩ vào nắm dần các chức vụ chủ chốt
trong triều đình. Từ giữa thế kỷ XIII, kết cấu giai cấp lãnh đạo trong xã hội đã có sự
thay đổi. Nếu trước đây tầng lớp quản lý nhà nước bao gồm quý tộc, công thần,
quan liêu, cao tăng thì từ đây, kết cấu tầng lớp quản lý nhà nước bao gồm hai bộ
phận rõ rệt: thành phần quý tộc nắm giữ những chức vụ cao nhất trong triều, có nô
lệ, ruộng phong, trang ấp riêng…; và thành phần Nho sĩ quan liêu đông đảo không
phải là quý tộc đóng vai trò thừa hành trong bộ máy quản lý nhà nước. Chính những
chuyển biến về sở hữu ruộng đất trong kinh tế và những biến đổi trong kết cấu giai
cấp xã hội đã tạo điều kiện cho Nho giáo thâm nhập xã hội trong thời kỳ này.
Về mặt chính trị, bất cứ một giai cấp nào khi đã xác lập địa vị thống trị của mình
trong xã hội đều cần có một hệ tư tưởng nhằm phản ánh, bảo vệ lợi ích của giai cấp
mình, củng cố cho địa vị xã hội thêm vững chắc. Cùng với Nho giáo, Phật giáo và
Đạo giáo cũng sớm du nhập vào Việt Nam; đặc biệt, đến thời Lý – Trần, Phật giáo
đã có sự phát triển khá thịnh, được nhà nước phong kiến suy tôn, chọn làm quốc
giáo. Nhưng, trong bản chất của nó, Phật giáo và Đạo giáo chủ yếu không phải là
đạo trị nước. Giáo sư Trần Văn Giàu đã viết: “Cho dù bên Ấn Độ, bên Trung Quốc
có những nhà sư làm quân sư đắc lực cho một số nhà vua, đó là sáng kiến của
những nhà sư ấy theo tinh thần Phật giáo, chớ giáo lý Phật giáo không bàn về chính
trị”(2). Dưới thời Lý – Trần, Phật giáo mang tính nhập thế, tích cực, nhưng bản thân
nó, với toàn bộ hệ thống giáo lý của mình, không có sự giải đáp thích đáng nào về
các vấn đề có liên quan đến việc củng cố nhà nước phong kiến, như vấn đề quân
quyền, quy định các điều chương, lễ chế và cơ cấu hành chính từ triều đình cho đến
địa phương, không chú ý đến việc củng cố gia đình, dòng họ, không đề ra những
biện pháp trị nước, yên dân… những vấn đề mà giai cấp phong kiến thống trị hết
sức quan tâm. Còn Nho giáo, du nhập vào Việt Nam từ những năm đầu Công
nguyên, bằng con đường đi theo vó ngựa quân xâm lược của các triều đại phong
kiến Trung Quốc, trước hết được coi là công cụ của giai cấp thống trị nhà Hán trong
âm mưu đồng hoá dân tộc ta. Vì thế, nhân dân ta đã phản ứng lại Nho giáo nhằm
khẳng định nền độc lập và chủ quyền đất nước, bảo tồn nòi giống, tín ngưỡng,
phong tục và di sản văn hoá cổ truyền của dân tộc và do vậy, trong suốt thời kỳ Bắc
thuộc và ngay cả ở các triều đại đầu tiên của nhà nước phong kiến dân tộc độc lập,
Nho giáo vẫn chưa có vai trò gì đáng kể trong đời sống chính trị, tinh thần của xã
hội Việt Nam. Tuy nhiên, khi nền tảng và cơ cấu xã hội Việt Nam thay đổi với sự
thiết lập chế độ phong kiến trung ương tập quyền mà ít nhiều, chịu ảnh hưởng của
thiết chế xã hội phong kiến phương Bắc thì Nho giáo lại tỏ ra thích hợp, trở thành
một yêu cầu, một thứ học thuật tư tưởng mà người trong nước cần phải tiếp thu. Là
một học thuyết chính trị – đạo đức, Nho giáo chủ trương quyền hành phải thống
nhất, tập trung vào thiên tử, bảo vệ sự chính thống mà trên thực tế là bảo vệ các
vương triều với quyền lợi của dòng họ thống trị và các địa vị tôn quý của nó. Đồng
thời, nó còn đưa ra những chuẩn mực đạo đức cho hành vi ứng xử của con người,
những yêu cầu đối với các mối quan hệ vua – tôi, cha – con, chồng – vợ, đối với
việc tu thân,… có tác dụng to lớn trong việc giúp các triều đại củng cố sự thống trị
giai cấp, sự thống nhất đất nước vào chính quyền trung ương, ổn định trật tự xã hội
mà Phật giáo và Đạo giáo không thể sánh kịp. Chính vì vậy, các triều đại trong thời
Lý – Trần tuy vẫn tạo điều kiện cho tam giáo cùng phát triển trên cơ sở tôn vinh
Phật giáo nhưng “muốn trị nước, muốn củng cố chế độ phong kiến, thì, ở vào thế
một nước láng giềng có nhiều mối quan hệ văn hoá và chủng tộc với Trung Quốc,
nhà Lý không thể không cậy vào Nho giáo mỗi lúc một thêm nhiều”(3). Về cơ bản,
nhà Lý và nhà Trần vẫn tôn chuộng đạo Phật. Nhưng, để duy trì quyền lực, tổ chức
quản lý xã hội, các triều đại này đã lựa chọn một công cụ khác là Nho giáo. Khuynh
hướng dung hoà tam giáo mà trước hết, là sự kết hợp giữa Phật và Nho đã được
biểu hiện khá rõ nét trong văn học Phật giáo thời Lý – Trần. Chẳng hạn, trong bài
tựa sách Thiền tông chỉ nam, Trần Thái Tông đã trình bày rõ nhiệm vụ của Phật và
Thánh: “Đạo Phật không chia Nam Bắc đều có thể tu mà tìm, tính người có trí ngu,
cũng nhờ giác ngộ mà thành đạt. Vì vậy phương tiện dẫn dụ đám người mê muội,
con đường tắt sáng tỏ lẽ tử sinh ấy là đại giáo của đức Phật. Đặt mực thước cho hậu
thế, làm khuôn mẫu cho tương lai, ấy là trách nhiệm của Tiên Thánh vậy”(4). Nhìn
chung, Nho giáo với tư tưởng bảo vệ sự liên kết gia đình, dòng họ, bảo vệ sự liên
kết giữa cá nhân và xã hội xung quanh triều đình, giữ gìn sự phân chia đẳng cấp xã
hội theo danh phận; với khả năng dung hợp sự phân chia và liên kết này trên nền
tảng đạo đức, luân lý, chính trị mà cơ sở của nó nằm ở những nguyên tắc về lễ,
pháp hoà lẫn nhau và được thần thánh hoá là thiên mệnh, trung hiếu, tam cương ngũ
thường đã phục vụ đắc lực cho yêu cầu của giai cấp thống trị đương thời. Chính vì
thế, dưới thời Lý – Trần, nhà cầm quyền tuy theo Phật giáo, nhưng Nho giáo cũng
ngày càng được trọng dụng và có điều kiện để mở rộng tầm ảnh hưởng. Càng về
sau, Phật giáo lui dần, còn Nho giáo, với ưu thế trong việc củng cố nhà nước quân
chủ tập quyền và trật tự của xã hội phong kiến đã dần vươn lên, phát triển khá mạnh
mẽ. Sự phát triển đó tuy chậm chạp, nhưng chắc chắn. Bởi vì, cùng với yêu cầu về
tổ chức quản lý xã hội và tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, sự phát triển của
Nho giáo còn gắn liền với nhu cầu phát triển văn hoá, giáo dục.
Khi chế độ phong kiến tập quyền đã bắt đầu ổn định và triển khai theo quy mô lớn
thì yêu cầu về việc xây dựng và phát triển một nền văn hoá và giáo dục độc lập, tự
chủ được đặt ra. Để nắm quyền quản lý đất nước, các triều đại Lý – Trần đã quan
tâm đến việc nâng cao tri thức. Đồng thời, do yêu cầu củng cố và phát triển của nhà
nước phong kiến, nên việc bổ nhiệm quan lại bằng con đường cũ – con đường
“nhiệm tướng” và “thủ sĩ” không đáp ứng được, mà cần phải có một phương thức
đào tạo và tuyển lựa quan lại mới để bổ sung vào đó. Điều này chỉ thực hiện được
bằng việc phát triển một nền giáo dục mới, với chế độ thi cử để tuyển lựa nhân tài.
Thực tế cho thấy, hệ thống giáo lý Phật giáo không thể đáp ứng được yêu cầu này,
mà chỉ có Nho giáo, với hệ thống lý thuyết đầy đủ về giáo dục và khoa cử, mới có
thể đảm đương được nhiệm vụ lịch sử đó. Từ đây, Nho giáo có cơ hội bám rễ sâu
vào đời sống chính trị – xã hội của nước ta. Bởi lẽ, theo con đường phát triển của
giáo dục khoa cử, Nho giáo không những tác động trực tiếp vào sự hình thành đội
ngũ trí thức của dân tộc và sự tuyển lựa nhân tài cho bộ máy nhà nước, mà nó còn
tác động đến thế giới quan, đến những quy phạm chính trị và những chuẩn mực đạo
đức của con người. Hơn thế nữa, nó còn dẫn đến những biến đổi căn bản trong
phong cách tư duy, trong sáng tác văn học, nghệ thuật và ngay cả trong nhu cầu, thị
hiếu của xã hội.
Năm 1070, nhà Lý cho xây dựng Văn Miếu và vào năm 1075 thì mở khoa thi Nho
giáo đầu tiên với tên gọi “Thi minh kinh bác học” và “Nho học tam trường”, chính
thức khai sinh cho lịch sử thi cử Nho giáo lâu dài ở nước ta(5). Năm 1076, nhà Lý
đã cho lập Quốc tử giám ngay giữa kinh thành và “chọn quan viên văn chức, người
nào biết chữ cho vào Quốc tử giám”(6). Từ đây, con em quý tộc họ Lý chính thức
được đào tạo chủ yếu theo Nho giáo. Cũng từ đây, nền đại học nước ta được khai
sinh. Năm 1156, nhà Lý cho lập miếu riêng để thờ Khổng Tử (trước đó, Văn Miếu
thờ chung cả Chu Công và Khổng Tử). Điều đó thể hiện “khuynh hướng muốn
dựng Nho giáo thành một giáo lý độc tôn, đem Khổng Tử từ bậc tử (thầy) như các
Chư Tử lên bậc Thánh Khổng vậy”(7). Với việc tổ chức khoa cử, nhà Lý đã mở đầu
cho lịch sử khoa cử Việt Nam kéo dài hơn 800 năm, qua đây tuyển chọn những
nhân tài cho bộ máy nhà nước, nêu cao vị trí Nho học, thúc đẩy việc truyền bá và
phát triển Nho học. Tuy vậy, ở thời Lý, việc học tập và thi cử chưa được tổ chức
thường xuyên và chưa có quy chế rõ ràng, chưa cho ta ý niệm về đào tạo bộ máy
quan liêu bằng giáo dục và khoa cử theo khuôn khổ Nho học. Đến thời Trần, do yêu
cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, yêu cầu tuyển lựa nhân tài để bổ
dụng cho bộ máy quan liêu, giáo dục Nho học được đẩy mạnh, số người tiến thân
bằng con đường cử nghiệp ngày càng nhiều hơn, giới Nho sĩ đông đảo hơn trước.
Một năm sau khi nắm chính quyền, tức năm 1227, nhà Trần mở khoa thi Tam giáo.
Từ đó, các khoa thi được tổ chức đều đặn và thường xuyên hơn. Năm 1232, nhà
Trần mở khoa thi Thái học sinh (sau đổi thành Tiến sĩ) và từ năm 1246 về sau, tổ
chức quy củ, cứ 7 năm một kỳ. Năm 1304, thi kẻ sĩ trong nước, có tất cả 44 người
đỗ Thái học sinh và lần đầu tiên, triều đình phong kiến đã tôn vinh cả về mặt học
vấn lẫn danh dự cho những thí sinh trúng tuyển bằng việc cho "dẫn bangười đỗ đầu
ra cửa Long Môn của Phượng Thành đi du ngoạn đường phố ba ngày"(8). Về
trường học, ngoài các trường do nhà nước quản lý, như Quốc tử viện, Quốc học
viện, Thái học, Nhất toát trai, Tư thiện đường…, còn có các trường dân lập, như
trường của Trần Ích Tắc, trường của Chu Văn An. Các loại trường này ngày càng
mở rộng và thu hút được nhiều đối tượng từ các nơi đến học. Năm 1236, nhà Trần
đặt chức Thượng thư tri Quốc tử viện, đưa con em văn thần và tụng thần (chức quan
tư pháp) vào học. Đến 1397, việc nhà vua xuống chiếu đặt học quan, tổ chức việc
học tập ở cấp châu huyện để hàng năm tiến cử những người ưu tú cho triều đình đã
phản ánh sự phát triển về quy mô đào tạo của nền giáo dục Nho học thời Trần. Tuy
vào đầu Trần, ảnh hưởng của Phật giáo vẫn chi phối mọi mặt sinh hoạt của xã hội,
trong đó có giáo dục, thi cử, nhưng càng về cuối Trần, Nho giáo càng nâng cao vị
thế của mình thông qua con đường học tập, khoa cử. Có thể thấy điều đó qua việc
nhà Trần cho lập Quốc học viện, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Á Thánh
(Mạnh Tử), vẽ tranh 72 người hiền để thờ, và còn "xuống chiếu vời nho sĩ trong
nước đến Quốc tử viện giảng tứ thư lục kinh”(9) năm 1253, hay việc vua Trần
Thánh Tông "xuống chiếu tìm người tài giỏi, đạo đức, thông hiểu kinh sách làm tư
nghiệp Quốc tử giám, tìm người có thể giảng bàn ý nghĩa của Tứ thư ngũ kinh sung
vào hầu nơi vua đọc sách”(10) vào năm 1272. Đặc biệt, vào năm 1304, nhà Trần
còn quy định nội dung thi Thái học sinh: "Về phép thi: trước thi ám tả thiên Y
quốc và truyện Mục thiên tử để loại bớt. Thứ đến kinh nghi, kinh nghĩa, đề thơ
(tức thể cổ thi ngũ ngôn trường thiên) hỏi về "vương độ khoan mãnh ", theo luật
"tài nan xạ trĩ ", về phú thì dùng thể 8 vần "đế đức hiếu sinh, hiệp vụ dân tâm ". Kỳ
thứ ba thi chế, chiếu, biểu. Kỳ thứ tư thi đối sách”(11). Cuối Trần, khi Hồ Quý Ly
lên nắm quyền bính, đã chú trọng phát triển giáo dục Nho học. Ông đã sửa đổi về
thi cử cho phù hợp yêu cầu thực tế, như đưa môn tính và viết vào thi Hương,
khuyến khích việc dùng chữ Nôm, cho dịch kinh Thư ra chữ Nôm để dễ học tập. Có
thể thấy, đến thời Trần, Nho học đã thực sự phát triển, chi phối giáo dục, khoa cử
phong kiến, tạo nên đội ngũ trí thức Nho sĩ đông đảo, thúc đẩy sự phát triển của học
vấn nước nhà, tạo ra nền văn hóa mang dấu ấn Nho giáo.
Cùng với việc mở rộng giáo dục thi cử, chế độ phong kiến trên con đường đi lên đòi
hỏi phải phát triển các lĩnh vực tri thức để xây dựng một nền văn hóa với bản sắc
riêng của mình, để có thể đứng vững trước mọi mưu đồ của kẻ thù xâm lược từ bên
ngoài và âm mưu đồng hóa của chúng. Kể từ thời Lý trở đi, sự phát triển tri thức
khoa học và sáng tạo nghệ thuật của đất nước ta đã có một bước tiến rõ rệt, biểu
hiện trên các lĩnh vực lý luận chính trị và pháp quyền, sáng tác văn học và quốc sử.
Nho giáo với tư cách một học thuyết chính trị - đạo đức lấy văn để chở đạo, lấy sử
ký để giáo hóa con người và quan tâm đến các lĩnh vực thiên văn, địa lý, nhân sự,…
đã từng bước thâm nhập vào lĩnh vực tư tưởng văn hóa trong đời sống xã hội, tạo ra
những tiền đề cần thiết để tiếp tục phát triển mạnh mẽ dưới thời Trần và các thế kỷ
sau. Dấu ấn rõ rệt cho thấy sự có mặt của Nho giáo trong lĩnh vực tư tưởng, chính
trị - xã hội ngay từ thời Lý là ở bài Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn. Trong bài chiếu
này, Lý Công Uẩn đã dẫn ra những điển tích về vua Bàn Canh, vua Thành Vương
của thời Tam Đại để khẳng định chủ trương dời đô của mình là đúng đắn, nhằm
mưu nghiệp lớn, làm kế lâu dài cho con cháu(12). Các Nho sĩ thời Trần cũng bày tỏ
mong muốn xây dựng một xã hội theo quan niệm của Nho giáo, về những vị vua
như Nghiêu Thuấn, Văn Vương, Thành Thang. Chẳng hạn, trong bài Phú lầu Cần
Chính, Nguyễn Pháp đã khuyên vua chuyên tâm vào việc trị nước theo đường lối trị
nước của Nho giáo (13). Nêu ra các điển tích và khuôn mẫu theo quan niệm của
Nho giáo, các bậc vua quan và nho sĩ dưới thời Lý - Trần đã coi đó như là những
bài học kinh nghiệm, những mực thước trong việc trị nước, yên dân để xây dựng
một xã hội phong kiến thái bình, thịnh trị.
Tư tưởng về 'Trời", "mệnh Trời" được vua quan dưới thời Lý - Trần sử dụng phổ
biến cũng cho thấy ảnh hưởng khá sâu rộng của quan niệm duy tâm thần bí Hán
Nho. Việc Lý Công Uẩn lên ngôi được giải thích là "ứng mệnh trời, thuận lòng
người, nhân thời mở vận”(14). Khi dời đô ra Thăng Long, Lý Công Uẩn cũng viện
dẫn "ý trời, lòng dân" làm cơ sở cho chủ trương của mình. Bài Nam quốc sơn hàbất
hủ của Lý Thường Kiệt trong cuộc kháng chiến chống Tống (l075 – l077) đã khẳng
định nền độc lập và chủ quyền của nước Đại Việt là một sự thật theo đúng ý trời, đã
được định trước trong sách trời: "Nam quốc sơn hà Nam đế cư, Tiệt nhiên phân định
tại thiên thư”. Bên cạnh đó, những quan niệm coi vua là người thi hành mệnh trời,
giữa trời và người có mối quan hệ tương cảm với nhau lại cho thấy dấu vết tư tưởng
"Thiên nhân cảm ứng", "Thiên nhân tương dữ" của Hán Nho.
Dưới thời Lý - Trần, các phạm trù đạo đức của Nho giáo, như trung, hiếu, nhân,
nghĩa... đã được vận dụng vào lĩnh vực chính trị và ngày càng trở thành chuẩn mực
đạo đức cho hành vi của con người trong xã hội. Vua Lý Thái Tông không tiếc lời
ca ngợi tấm gương trung dũng của bề tôi Lê Phụng Hiểu: "Ta thường xem sử nhà
Đường thấy Uất Trì Kính Đức giúp nạn vua, tự nghĩ là bề tôi đời sau không ai sánh
được. Ngày nay gặp biến, mới biết Phụng Hiểu còn trung dũng hơn Kính Đức
nhiều”(15). Đời Trần, xuất phát từ thực tiễn của công cuộc dựng nước và giữ nước
lúc bấy giờ, trung nghĩa được nhấn mạnh như một yêu cầu quan trọng đối với các
binh, tướng trong cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước, bảo vệ an nguy cho triều đình.
Trần Quốc Tuấn - người được đánh giá là "có tài mưu lược anh hùng, lại một lòng
giữ gìn trung nghĩa”(16), trong bài Hịch tướng sĩ, đã lấy những tấm gương trung liệt
trong lịch sử Trung Quốc, như Kỷ Tín, Do Vu, Dự Nhượng... để giáo dục các tì
tướng của mình, kêu gọi lòng trung thành của họ với triều đình, với đất nước (17).
Nhìn chung, nội dung tư tưởng Nho giáo thời kỳ Lý - Trần chủ yếu là xoay quanh
tư tưởng chính trị - xã hội với những vấn đề về mẫu hình lý tưởng của xã hội phong
kiến Việt Nam, về đường lối cai trị, xây dựng bộ máy chính quyền phong kiến, về
đạo đức, tiết tháo của bậc trung thần, nghĩa sĩ… Đó là những vấn đề có quan hệ mật
thiết với sự phát triển của chế độ phong kiến trung ương tập quyền, chuyên chế ở
Việt Nam đương thời, góp phần củng cố sự thống nhất của xã hội, tạo ra một trật tự
xã hội theo lễ và pháp, phục vụ cho yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước. Mặc dù
vậy, ở thời Trần, Nho giáo chưa phải là nhân tố quyết định sự phát triển và nội dung
của tư tưởng chính trị - xã hội, mà chính thực tiễn phong phú và hào hùng của công
cuộc dựng nước, giữ nước của nhân dân ta mới đóng vai trò quyết định. Những khái
niệm của Nho giáo được vua quan và Nho sĩ thời kỳ Lý - Trần sử dụng cũng chứa
đựng những nội dung thiết thực và gần gũi với công cuộc đấu tranh của dân tộc.
Tuy nhiên, vì Nho giáo là hệ tư tưởng của giai cấp phong kiến, gắn với yêu cầu
củng cố địa vị của giai cấp thống trị, nên cùng với sự phát triển của nó, Nho giáo
trong xã hội phong kiến Việt Nam ngày càng bộc lộ những hạn chế. Chẳng hạn,
bệnh khuôn sáo và từ chương ngày càng phát triển mạnh trong lĩnh vực tư tưởng và
ý thức hệ, trong giáo dục khoa cử… đã làm cho sự sáng tạo trong các lĩnh vực này
dần bị dập khuôn theo những khuôn mẫu sẵn có.
Cuối thế kỷ XIV, Nho giáo phát triển mạnh, chiếm ưu thế trong cung đình và đi sâu
vào sinh hoạt tinh thần của Đại Việt trên nhiều mặt. Giáo dục Nho học giữ vị trí chủ
đạo trong nền giáo dục đất nước. Tầng lớp nho sĩ trở nên đông đảo và tích cực tham
gia các công việc chính trị của đất nước, phấn đấu cho lý tưởng của Nho giáo, phát
triển những quan điểm về các mặt chính trị, xã hội, đạo đức, làm cho sinh hoạt tư
tưởng và văn hóa nước nhà khá náo nhiệt. Bên cạnh đó, vào cuối đời Trần, xã hội
phong kiến Việt Nam bước vào khủng hoảng, sự phát triển quá mức của đạo Phật
đã gây ra những hậu quả xã hội nặng nề, như tầng lớp quý tộc lợi dụng danh nghĩa
tôn giáo ra sức xây chùa, đúc tượng; nhà chùa chiếm hữu nhiều ruộng đất, tiêu phí
nhiều tiền của, tăng ni độ điệp ngày một đông đến mức chiếm quá nửa dân số. Khi
đó đã xuất hiện khuynh hướng công kích Phật giáo từ phía các Nho sĩ và ngày một
trở nên mạnh mẽ, rầm rộ, phản ánh những mâu thuẫn vốn có trong xã hội phong
kiến giữa một bên là tôn thất nhà vua có thế lực, có sản nghiệp, có khuynh hướng
ủng hộ Phật giáo với một bên là ngoại tộc đi lên bằng tài năng trí tuệ. Lê Văn Hưu
đã đứng trên lập trường của nhà Nho để lên án việc tiêu phí tiền của, sức lực của
nhân dân vào việc xây dựng chùa chiền, tháp và cho đó là "khơi vét máu mỡ của
dân(18). Trương Hán Siêu thì tố cáo các nhà sư chiếm đoạt ruộng vườn, nhà cửa,
ham mê cảnh đẹp, coi sự phát triển quá mức của đạo Phật là nguyên nhân đã gây ra
tác hại cho sản xuất; rằng, “những nơi u nhã thanh kỳ trong nước, chùa chiền đã
chiếm mất một nửa. Bọn áo thâm, áo vàng đang tụ tập ở đấy, không cày mà ăn,
không dệt mà mặc, những người thất phu, thất phụ thường bỏ cửa nhà, bỏ làng xóm
lũ lượt quy theo”(19). Không chỉ phê phán những tệ nạn và những hậu quả tiêu cực
do sự phát triển rầm rộ của Phật giáo, một số nhà Nho còn công kích cả giáo lý của
nhà Phật. Trong bài văn bia Chùa Thiện Phúc, Lê Quát đã lên án nhà chùa lấy điều
hoạ phúc để mê hoặc lòng người, làm cho người ta tin theo. Trong bài ký Tháp Linh
tế, Trương Hán Siêu đã mạt sát tín đồ đạo Phật là yêu ma, gian tà, cho giáo lý Phật
giáo chỉ mê hoặc chúng sinh(20). Trong khi công kích, bài xích Phật giáo, các Nho
sĩ nhà Trần cũng đề cao Nho giáo, giành lấy trận địa tư tưởng cho Nho giáo. Tr-
ương Hán Siêu cho rằng, “ngày nay thánh hiền muốn mở mang giáo hóa để sửa đổi
phong tục đồi bại. Dị đoan đáng phải truất bỏ, chính đạo phải được phục hưng. Đã
là kẻ sĩ đại phu, không phải đạo Nghiêu Thuấn không bày tỏ trước vua; không phải
đạo Khổng – Mạnh không trước thuật"(21). Đặc biệt, trong khi phê phán Phật giáo,
Lê Văn Hưu còn đề cao Nho giáo như là cơ sở lý luận cho mọi hoạt động chính trị
của triều đình. Vào cuối Trần, giới Nho sĩ ngày càng có vị trí đáng kể trong xã hội
và ngày càng "có đủ uy lực chẳng những để dám công khai phản đối một số đặc
quyền đặc lợi của quý tộc, mà còn công khai tiến công vào Phật giáo lúc Phật giáo
còn là tôn giáo của nhà vua”(22). Cuộc đấu tranh công kích Phật giáo vừa nhằm
khẳng định địa vị cho Nho giáo trong đời sống văn hóa - tư tưởng, vừa được coi là
cuộc đấu tranh triệt để để chuẩn bị về mặt lực lượng xã hội và tư tưởng cho tầng lớp
Nho sĩ bước lên vũ đài chính trị; đồng thời báo hiệu sự sa sút của Phật giáo không
chỉ trong thực tế, mà còn trong lĩnh vực tư tưởng và hình thái ý thức xã hội. Từ đây,
Phật giáo nước ta không còn giữ vị trí quan trọng trong lĩnh vực chính trị, tư tưởng
như trước nữa, mà Nho giáo, với những điều kiện phát triển khách quan, đã dần tiến
đến nắm giữ vị trí chủ đạo trong sinh hoạt tư tưởng của nhân dân ta./.

(*) Phó giáo sư, tiến sĩ, Trưởng khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội
và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh.
(**) Học viên Cao học triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
Thành phố Hồ Chí Minh.
(1) Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, tr.25.
(2) Trần Văn Giàu. Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam. Nxb Thành
phố Hồ Chí Minh, 1995, tr.88.
(3) Trần Văn Giàu. Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách
mạng Tháng Tám, t.1. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1993, tr.66.
(4 )
Viện Văn học. Thơ văn Lý – Trần, t.2. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1989, tr.27
(5) Xem: Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd., t.1, tr.277.
(6) Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd., t.1, tr.280.
(7) Nguyễn Đăng Thục. Lịch sử tư tưởng Việt Nam. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh,
1998, tr.159.
(8) Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd., t.2, tr.88.
(9) Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd., t.2, tr.25.
(10) Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd., t.2, tr.39.
(11) Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd., t.2, tr.88.
(12) Xem: Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd., t.1, tr.241.
(13) Xem: Viện Văn học. Thơ văn Lý – Trần. Sđd., t.3, tr.324.
(14) Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd., t.1, tr.240.
(15)
Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd., t.1, tr.249
(16)
Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd., t.2, tr.81
(17 )
Xem: Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd., t.2, tr.81 - 82
(18) Viện Văn học. Thơ văn Lý – Trần. Sđd., t.2, tr.368.
(19) Viện Văn học. Thơ văn Lý – Trần. Sđd., t.2, tr.748.
(20) Xem: Viện Văn học. Thơ văn Lý – Trần. Sđd., t.2, tr.754.
(21) Viện Văn học. Thơ văn Lý – Trần. Sđd., t.2, tr.749.
(22) Trần Văn Giàu. Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách
mạng Tháng Tám. Sđd., t.1, tr.69.

TƯ TƯỞNG PHÁP TRỊ CỦA HÀN PHI

*
NGUYỄN TÀI ĐÔNG
Hàn Phi (khoảng 280 – 233 TCN) là người tập đại thành tư tưởng Pháp gia. Ông đã
tiếp thu điểm ưu trội của ba trường pháp “pháp”, “thuật”, “thế”để xây dựng và phát
triển một hệ thống lý luận pháp trị tương đối hoàn chỉnh và tiến bộ so với đương
thời. Coi pháp luật là công cụ hữu hiệu để đem lại hoà bình, ổn định và công bằng,
Hàn Phi đã đề xuất tư tưởng dùng luật pháp để trị nước. Ông đưa ra một số nguyên
tắc cơ bản trong xây dựng và thực thi pháp luật, như pháp luật phải nghiêm minh,
không phân biệt sang hèn, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật... Với những tư
tưởng đó, học thuyết của Hàn Phi được người xưa gọi là “học thuyết của đế vương”.
Hàn Phi (khoảng 280 – 233 TCN), triết gia thời cuối Chiến Quốc, là người tập đại
thành tư tưởng Pháp gia. Ông xuất thân từ giới quý tộc nước Hàn, đã nhiều lần dâng
kế sách trị nước lên vua Hàn song chưa từng được sử dụng. Ông nhận thấy vua Hàn
“không sửa đổi làm rõ pháp chế” (bất vụ tu minh kỳ pháp chế), từ đó tạo nên tình
trạng “các nhà Nho dùng văn làm rối loạn pháp luật, bọn hiệp sĩ dùng võ phạm vào
điều cấm” (Nho giả dụng văn loạn pháp, nhi hiệp giả dĩ võ phạm cấm. Sử ký. Lão
Trang Thân Hàn liệt truyện). Về lý luận chính trị, ông tiếp thu điểm ưu trội của ba
trường phái trong Pháp gia: “pháp” (Thương Ưởng), “thuật” (Thân Bất Hại), “thế”
(Thận Đáo); từ đó, phát triển và xây dựng một hệ thống lý luận pháp trị(1) tương đối
hoàn chỉnh và tiến bộ so với đương thời.
Trong quá trình xây dựng học thuyết của mình, Hàn Phi phê phán mạnh mẽ lý thuyết
chính trị của Nho gia. Dưới con mắt của ông, cách cai trị dựa trên nhân đức của nhà
cầm quyền (dưới các tên gọi như “nhân trị”, đức trị” hay “lễ trị”), lý tưởng chính trị
Nghiêu Thuấn là trái với thực tế và nếu áp dụng quan niệm đó sẽ làm loạn đất nước.
Khổng Tử – người sáng lập Nho gia – làm hết sức để nhằm mục đích cho người quân
tử cai trị đất nước. Ông tin chắc rằng, nền tảng của việc cai trị đất nước chính là tự
chế ước bản thân. Một vị quân chủ cao quý nắm giữ chính quyền sẽ tự nhiên mang
lại hòa bình và ổn định cho đất nước. Khổng Tử đã từng nói: “Bản thân mà chính
đáng, dù không cần mệnh lệnh thì (người khác) cũng thi hành; còn nếu bản thân
không chính đáng, dù có mệnh lệnh thì (người khác) cũng không tuân theo” (Kỳ thân
chính, bất lệnh nhi hành; kỳ thân bất chính, tuy lệnh bất tòng. Luận Ngữ. Tử Lộ).
Mặc dù không yêu cầu mọi ông vua đều phải như Nghiêu Thuấn – thánh hiền mang
tính lý tưởng, song theo ông, tiền đề quyết định sự thành bại trong việc trị nước
chính là đức hạnh của nhà vua đang trị vì. Đức hạnh đó được gọi là “nhân” và đạt
được qua “lễ” (chế ước bản thân quay về với điều lễ là nhân. “Khắc kỷ phục lễ vi
nhân”). Khổng Tử là người đặc biệt nệ cổ, thường coi xưa hơn nay; tâm nguyện của
ông là làm sao để xã hội có thể trở về trạng thái xưa cũ. Mặc Tử, ông tổ phái Mặc
gia, cũng rất đề cao quá khứ. Theo ông, một trong ba tiêu chuẩn của chân lý (phép
“Tam biểu”), là lời nói của thánh nhân đời xưa, hay những gì đã từng được nói đến
trong quá khứ. Hàn Phi đã phê phán một cách hết sức sắc sảo loại quan điểm này:
“Khổng Tử, Mặc Tử đều nói đến Nghiêu, Thuấn nhưng chủ trương của hai người
khác nhau. Họ đều tự cho mình là Nghiêu, Thuấn chân chính. Nghiêu, Thuấn không
sống lại, vậy ai sẽ quyết định đạo Nho hay đạo Mặc là đúng với Nghiêu, Thuấn? Đời
Ân, đời Chu đã hơn bảy trăm năm, đời Ngu, đời Hạ trước đấy đã hơn hai ngàn năm
mà còn không quyết định được cái đúng của đạo Nho và đạo Mặc. Nay lại muốn
nghiên cứu cái đạo của Nghiêu, Thuấn cách đây đã ba ngàn năm, chẳng phải là
không thể nào làm được sao? Nếu như không tham nghiệm được mà lại quyết định
ngay thì đó là ngu. Nếu không thể quyết định được mà lại theo ngay thì đó là dối trá.
Cho nên chuyện nêu cao các tiên vương, quyết định theo Nghiêu và Thuấn nếu như
không phải là ngu thì cũng là dối trá vậy. Cái học ngu và dối trá, cái hành động bác
tạp và trái pháp luật này vị vua sáng không theo”(2). Các nhà Nho luôn muốn thần
thánh hóa bậc quân chủ, song để pháp luật có được tính phổ quát nhất định, hay nói
cách khác, để có được một nền pháp trị, Pháp gia nói chung và Hàn Phi nói riêng đã
tước bỏ ý nghĩa thần thánh mà những kẻ cai trị luôn muốn tự khoác lên mình.
Hàn Phi quan niệm nhà vua cũng chỉ là người bình thường như bao người khác. Cái
làm cho đất nước trị hay loạn không phải là ông vua của nước đó ra sao, mà là nền
pháp trị của nước đó như thế nào. Hiện tượng Quản Trọng và Tề Hoàn Công thường
được sử dụng như một ví dụ đắt giá cho tư tưởng này. Các nhà Nho tôn quân, Hàn
Phi cũng tôn quân, nhưng tôn quân theo một kiểu khác(3). Ông viết: “Bọn nhà Nho
đời nay nói với nhà vua lại không nói đến cái làm cho đời nay được trị mà nói đến
công lao trị an ngày xưa, không hiểu rõ công việc phép quan, không xét kỹ cái tình
hình của bọn gian tà, mà đều nói đến những chuyện truyền lại từ thời thượng cổ, ca
ngợi công lao của các tiên vương. Bọn nhà Nho tô vẽ lời nói, bảo: ‘Nghe lời nói của
ta thì có thể làm bá vương’. Loại người nói như vậy cũng như bọn thày cúng, đồng
cốt, vị vua có pháp độ không nghe. Cho nên vị vua sáng nêu lên những việc có thực,
bỏ cái vô dụng, không nói chuyện nhân nghĩa, không nghe lời bọn học giả”(4).
Hàn Phi quan niệm pháp luật là công cụ hữu hiệu nhất để đem lại hòa bình, ổn định
và công bằng: “Bậc thánh nhân hiểu rõ cái thực tế của việc phải và trái, xét rõ thực
chất của việc trị và loạn, cho nên trị nước thì nêu rõ pháp luật đúng đắn, bày ra hình
phạt nghiêm khắc để chữa cái loạn của dân chúng, trừ bỏ cái họa trongthiên hạ.
Khiến cho kẻ mạnh không lấn át người yếu, kẻ đông không xúc phạm số ít, người già
cả được thỏa lòng, người trẻ và cô độc được trưởng thành, biên giới không bị xâm
lấn, vua và tôi thân yêu nhau, cha con giữ gìn cho nhau”(5).
Sở dĩ tư tưởng chính trị của Hàn Phi đối lập với tư tưởng Nho gia là bởi ông có một
quan niệm hết sức sâu sắc về thực tiễn. Khác với Khổng Mạnh mượn đời xưa để phê
phán đời nay hay lấy cái quá khứ được tuyệt đối hóa để đo hiện tại, Hàn Phi cho
rằng, mọi suy nghĩ, mọi hành động, mọi lý luận phải đều được bắt nguồn từ chính
thực tiễn của đất nước. Các nhà Nho trên mây trên gió bàn việc chính sự chẳng qua
chỉ như trẻ con nghịch đất, không thể đem lại hiệu quả thực tế: “Trẻ con đùa nghịch
với nhau lấy đất làm cơm, lấy bùn làm canh, lấy gỗ làm thịt. Nhưng chiều đến, thế
nào cũng trở về nhà ăn cơm. Cơm đất, canh bùn có thể đùa để chơi, nhưng không thể
dùng để ăn. Khen những điều truyền tụng từ thượng cổ, hùng biện mà không chắc
chắn, nói chuyện nhân nghĩa của các tiên vương mà không biết sửa đổi nước, thì đó
cũng đều là những điều có thể dùng để đùa chơi chứ không dùng để trị nước”(6).
Hai thiên Giải Lão và Dụ Lão trong tác phẩm Hàn Phi Tử, đã chứng tỏ Hàn Phi rất
am hiểu Đạo gia. Nhìn chung, cả Đạo gia và Pháp gia đều yêu cầu mọi việc phải luôn
biến đổi. Đạo gia nhấn mạnh đến tính tương đối của tri thức con người cũng như của
chế độ, còn Pháp gia đi đến kết luận rằng, cần phải lấy yêu cầu trước mắt làm
phương hướng cho việc giải quyết các vấn đề chính sự. Nó đòi hỏi người đứng đầu
bộ máy quyền lực phải luôn theo sát tình hình thực tế: “Bậc thánh nhân không cốt
trau dồi chuyện xưa, không noi theo những nguyên tắc bất biến, khi bàn việc làm ở
đời thì dựa theo tình hình của thời mình mà đặt ra những biện pháp”(7). Hàn Phi phê
phán một cách gay gắt những người hủ Nho, coi đó là “bọn học giả dốt nát ở đời
không biết bản chất của việc trị và loạn, cứ nói năng nhảm nhí và dẫn những sách
của người xưa để làm rối việc cai trị ở đời này... Nếu nghe lời họ thì nguy, nếu dùng
kế họ thì loạn. Đó là điều ngu hết sức lớn và là mối lo hết sức lớn”(8).
Then chốt của việc xây dựng đất nước giàu mạnh là phải dựa vào pháp luật. Có pháp
luật, pháp luật được thi hành một cách phổ quát và đúng đắn thì xã hội mới ổn định,
xã hội ổn định lại là tiền đề quan trọng để xây dựng đất nước giàu mạnh, làm cho dân
chúng được yên bình, hạnh phúc. Từ chỗ cho rằng, “Không có nước nào luôn luôn
mạnh, cũng không có nước nào luôn luôn yếu. Hễ những người thi hành pháp luật
mà mạnh thì nước mạnh, còn hễ những người thi hành pháp luật yếu thì nước
yếu”(9), Hàn Phi đã đề xuất tư tưởng “trị nước bằng luật pháp” (dĩ pháp trị quốc),
chủ trương “luật pháp không phân biệt sang hèn” (pháp bất a quý), “hình phạt
không kiêng dè bậc đại thần, tưởng thưởng không bỏ sót kẻ thất phu” (hình quá bất tị
đại thần, thưởng thiện bất di tứ phu). Ông hết sức coi trọng tác dụng của pháp luật và
chủ trương xây dựng một lý luận pháp trị hoàn chỉnh, trong đó lấy “pháp” làm hạt
nhân, kết hợp chặt chẽ “pháp”, “thuật” với “thế”.
Hàn Phi hiểu rất rõ và sâu sắc về pháp luật, coi “pháp luật là mệnh lệnh ban bố rõ
ràng ở nơi cửa công, hình phạt chắc chắn đối với lòng dân, thưởng cho những kẻ cẩn
thận giữ pháp luật, nhưng phạt những kẻ làm trái lệnh”(10). Đây là một tư tưởng hết
sức tiến bộ so với đương thời. Cái gọi là “mệnh lệnh ban bố rõ ràng nơi cửa công”
khác xa so với cách cai trị bởi ý muốn chủ quan của các cá nhân quý tộc nắm quyền
đương thời. Pháp luật rõ ràng được ban bố cho trăm họ, làm cho dân biết pháp luật
để tránh phạm pháp; lấy đó làm chuẩn tắc cho hành vi của mọi người, chứ không
phải là cái bẫy để hại dân. Các điều luật minh bạch là phương thức phòng bị tích cực,
chứ không phải là một thủ đoạn chế tài tiêu cực. Đồng thời, nó cũng chính là “hiến
lệnh” – một công cụ - để vua cai trị thần dân. Nội dung chủ yếu của “pháp” có thể
quy về 2 khái niệm chủ yếu là “thưởng” và “phạt”.
Thực hành pháp trị tất phải xây dựng pháp luật. Hàn Phi cho rằng, lập pháp cần phải
xét đến các nguyên tắc sau: 1/ Tính tư lợi. Hàn Phi quan niệm nền tảng của quan hệ
giữa con người với con người là tư lợi, ai cũng muốn giành cái lợi cho mình. “Ông
thầy thuốc khéo hút mủ ở vết thương người ta, ngậm máu người ta không phải vì có
tình thương cốt nhục, chẳng qua làm thế thì có lợi. Cho nên, người bán cỗ xe làm
xong cỗ xe thì muốn người ta giàu sang. Người thợ mộc đóng xong quan tài thì muốn
người ta chết non. Đó không phải vì người thợ đóng cỗ xe có lòng nhân, còn người
thợ đóng quan tài không phải ghét người ta, nhưng cái lợi của anh ta là ở chỗ người
ta chết”(11). Luật pháp đặt ra thì cái lợi của nó phải lớn hơn cái hại. 2/ Hợp với thời
thế. Đây chính là thuyết biến pháp của Hàn Phi. Nguyên tắc thực tế của việc xây
dựng pháp luật, hay tính thực tiễn của luật pháp, là nét nổi bật trong tư tưởng pháp trị
của Hàn Phi. Đối với ông, không có một pháp luật siêu hình hay một mô hình pháp
luật trừu tượng tiên thiên để mà noi theo. Chỉ duy nhất có yêu cầu và tiêu chuẩn của
thực tiễn. “Pháp luật thay đổi theo thời thì trị; việc cai trị thích hợp theo thời thì có
công lao... Thời thế thay đổi mà cách cai trị không thay đổi thì sinh loạn... Cho nên,
bậc thánh nhân trị dân thì pháp luật theo thời mà thay đổi và sự ngăn cấm theo khả
năng mà thay đổi”(12). 3/ Ổn định, thống nhất. Mặc dù pháp luật phải thay đổi cho
hợp với thời thế, song trong một thời kỳ, pháp lệnh đã đặt ra thì không được tùy tiện
thay đổi (“số biến pháp”), vì nếu vậy thì dân chúng không những không thể theo, mà
còn tạo cơ hội cho bọn gian thần. 4/ Phù hợp với tình người, dễ biết dễ làm. 5/ Đơn
giản mà đầy đủ. 6/ Thưởng hậu phạt nặng.
Đối với việc chấp pháp, nguyên tắc của Hàn Phi là: 1/ Tăng cường giáo dục pháp
chế, tức là “dĩ pháp vi giáo”. 2/ Mọi người, ai ai cũng bình đẳng trước pháp luật, tức
“pháp bất a quý”, “hình bất tị đại thần, thưởng thiện bất di tứ phu”. Đến bản thân bậc
quân chủ – nhà vua – cũng phải tôn trọng và tuân thủ pháp luật: “Kẻ làm vua chúa là
kẻ phải giữ pháp luật, căn cứ vào kết quả mà xét để lập công lao”(13); Nếu nhà vua
biết bỏ điều riêng tư, làm theo phép công thì chẳng những dân sẽ được yên, mà nước
cũng được trị. Nếu xét theo ý nghĩa của những luận điểm này thì có thể thấy rằng,
mặc dù Hàn Phi chủ trương quân quyền thần thánh không thể xâm phạm, song hình
thái quân quyền này vẫn bị chế ước bởi pháp quyền. 3/ Nghiêm khắc cẩn thận, “tín
thưởng tất phạt”, không được tùy ý thưởng cho người không có công, vô cớ sát hại
người vô tội. 4/ Dùng sức mạnh đạo đức hỗ trợ cho việc thi hành pháp luật.
Hàn Phi chủ trương pháp trị, song cũng rất chú trọng đến “thuật” của nhà vua, bởi vì
“bầy tôi đối với nhà vua không phải có tình thân cốt nhục, chỉ vì bị tình thế buộc
không thể không thờ”(14). Nhà vua dựa vào pháp trị để làm cho đất nước giàu mạnh,
song nếu “không có cái thuật để biết kẻ gian thì chỉ lấy cái giàu mạnh của nước mà
làm giàu có cho các quan đại thần mà thôi”(15), Do vậy, nhà vua phải có “thuật” để
dùng người. Đối với Hàn Phi, “thuật” chính là một loạt các phương pháp bổ nhiệm,
miễn nhiệm, thi cử, thưởng phạt của nhà vua. Trong đó, phép hình danh là một thuật
không thể thiếu được của bậc quân chủ. Với cách nhìn như vậy thì “pháp” và “thuật”
gắn bó chặt chẽ với nhau: “Nhà vua không có thuật trị nước thì ở trên bị che đậy; bầy
tôi mà không có pháp luật thì cái loạn sinh ra ở dưới. Hai cái không thể thiếu cái nào,
đó đều là những công cụ của bậc đế vương”(16).
Ngoài “pháp” và “thuật”, Hàn Phi đặc biệt coi trọng “thế”. “Thế” còn được gọi là
“quyền thế”, “uy thế”, “thế trọng”, nó chỉ một sức mạnh quyền uy tuyệt đối, cũng
chính là quyền thống trị tối cao của ông vua, bao gồm quyền sử dụng người, quyền
thưởng phạt, v.v.. Hàn Phi cho rằng, chỉ khi nào nắm quyền thống trị trong tay, thì
một người nào đấy mới là kẻ thống trị, mới có thể cai trị dân chúng. Trong thiên “Bát
kinh”, ông viết: “Cái thế là cơ sở để thắng đám đông”(17) (Thế giả, thắng chúng chi
tư dã). Để yên ổn trị nước, bậc quân chủ tất phải nắm giữ quyền thế. Hàn Phi quan
niệm rất rõ ràng những điểm trọng yếu về thế: 1/Vua không được cho bề tôi mượn
quyền thế. 2/ Vua không được dùng chung quyền thế với bề tôi. 3/ Cần sử dụng thuật
thưởng phạt để củng cố quyền thế. 4/ Vua phải duy trì địa vị độc tôn của mình,
không được để bề tôi quá quý hiển, đề phòng đại thần tiếm quyền. Vì vậy, nếu chỉ
xét về bản thân vị vua, thì “thế” là cái cốt lõi nhất, quan trọng nhất, còn “pháp” và
“thuật” chỉ là công cụ.
Sử dụng “pháp”, “thuật”, “thế” cốt yếu là để tăng cường sức mạnh của tập quyền
quân chủ, tạo nên bối cảnh chính trị “việc tuy ở bốn phương song then chốt ở tại
trung ương, thánh nhân nắm giữ cái chủ yếu, bốn phương đến phục dịch” (sự tại tứ
phương, yếu tại trung ương, thánh nhân chấp yếu, tứ phương lai hiệu. “Hàn Phi tử.
Dương quyền”); từ đó, góp phần tạo ra một xu thế lịch sử cho việc xây dựng một nhà
nước trung ương tập quyền phong kiến thống nhất.
Trên thực tế, sau khi sử dụng hệ thống pháp trị, nhà Tần đã thu phục được các nước
còn lại, thống nhất Trung Quốc, mở ra một trang sử mới cho dân tộc Trung Hoa.
Song, sang đến đời Hán, Nho gia đã hưng thịnh trở lại, Pháp gia cùng hệ thống pháp
trị nhanh chóng mất đi chỗ đứng của mình. Về phương diện này, Ngô Kinh Hùng,
nhà triết học pháp luật nổi tiếng người Trung Quốc, đã đưa ra một nhận xét tương đối
xác đáng rằng, sở dĩ Pháp gia thất bại là do bản thân cách làm của Pháp gia (trong
đấy có Hàn Phi) tồn tại nhiều điểm quá cực đoan:
1. Đồng nhất việc cai trị dựa trên pháp luật với việc cai trị dựa vào các hình phạt
nghiêm khắc.
2. Quan niệm về pháp luật của Pháp gia nói chung và Hàn Phi nói riêng quá máy
móc và cứng nhắc, hoàn toàn không có tính đàn hồi trong việc sử dụng pháp luật.
3. Coi các điều khoản pháp luật chính thức là hình thức duy nhất phù hợp với pháp luật,
hoàn toàn bỏ qua nhân tố luật tập quán.
4.Giải thích mục tiêu pháp luật quá chú trọng đến phương diện vật chất; thực ra, luật
pháp cần phải giúp phát triển một cách bình đẳng các lợi ích khác nhau.
5. Ở họ, có lòng nhiệt huyết cải cách mù quáng, song lại quá thiếu ý thức lịch sử,
dường như là muốn sáng tạo lại lịch sử(18).
Thực tế sau đó cho thấy, tư tưởng Nho gia đã nhấn chìm chế độ pháp luật, mà chậm
nhất là đời Đường đã xuất hiện một chủ nghĩa Nho gia khống chế toàn bộ hệ thống
pháp luật. Ngô Kinh Hùng viết: “Bắt đầu từ đó, pháp luật là nô tỳ của đạo đức – nằm
ở địa vị thứ cấp – không được những người tài năng nhất coi trọng”; “Từ trong thâm
tâm, tôi cho rằng thắng lợi của Nho gia... đã đặt pháp luật học vào trong quan tài,
khiến nó biến thành con rối trong suốt hơn 20 thế kỷ. Khoảng cuối thế kỷ XIX, ảnh
hưởng của phương Tây mới bắt đầu giải thoát tinh thần pháp luật Trung Quốc ra khỏi
tấm áo chế ngự của truyền thống Nho gia”(19). Ông còn nói thêm rằng, ở phương Tây
thời cổ đại, người La Mã đã đạt đến trình độ cao nhất về tư tưởng pháp luật, qua suốt
thời kỳ trung cổ, đến tận thời cận đại, pháp luật luôn được coi trọng và được mọi
người công nhận là công cụ của chính nghĩa. Mặc dù đôi khi có những trào lưu hay
lý luận vô chính phủ đặt luật thói quen cao hơn luật hình thức, song những hiện
tượng này chỉ nằm ngoài lề đời sống xã hội và đời sống văn hóa. Có người nói sau
khi tư tưởng pháp luật Trung Quốc đạt đỉnh cao thời kỳ đầu, hai nghìn năm nay nó
chỉ có vị trí là một cái bóng, điều đó không phải là không có lý. Một số người khác
thường đặt Pháp gia trong sự đối chiếu với tinh thần pháp luật của người Hy Lạp, La
Mã cổ đại, song theo tôi, trên một phương diện nào đấy, khó có thể so sánh Pháp gia
với hệ thống pháp luật Hy Lạp và đặc biệt là La Mã. Tư tưởng pháp trị của Trung
Quốc mà Hàn Phi là đại biểu xuất sắc nhất vẫn thiếu một tinh thần pháp luật tối
thượng. Tuy Hàn Phi quan niệm vua phải tuân theo pháp luật, song trên thực tế, vua
là người siêu vượt lên trên pháp luật, vì mọi quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp
đều nằm trong tay nhà vua. Hơn nữa, xem xét dưới góc độ kỹ thuật, dù có một số
người vẫn quan niệm pháp luật của Hàn Phi là sự kết hợp giữa lễ và hình, song để so
sánh, thì “hình” vượt xa “lễ” rất nhiều. Trên thực tế, hình phạt là nền tảng của những
điều luật mà Pháp gia đưa ra.
Nếu nhìn trong quá trình lịch sử thì cái gọi là sự thất bại của Pháp trước Nho có
nhiều căn nguyên xã hội sâu xa. Sau khi thống nhất Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng đã
tiến hành một loạt cải cách quan trọng, như xác lập chế độ sở hữu đất đai phong kiến
trên phạm vi cả nước, xây dựng hàng loạt các công trình thủy lợi lớn, loại bỏ chế độ
phân phong, thiết lập chế độ quận huyện, thống nhất tiền tệ, hệ thống đo lường, bánh
xe, văn tự toàn quốc, v.v.. Khi nhà Tần sụp đổ, nhà Tây Hán từ Hán Cao Tổ đến Hán
Vũ Đế vẫn tiếp tục con đường chính trị và chính sách của Pháp gia và từ đây, sự đấu
tranh giữa hai hệ tư tưởng Nho và Pháp ngày càng trở nên gay gắt hơn.
Mặc dù từ Tần Thủy Hoàng đã phế bỏ chế độ nô lệ, song đến đầu Tây Hán, việc mua
bán, sử dụng nô lệ với số lượng lớn vẫn được tiến hành, nhất là ở các nhà quý tộc sáu
nước cũ (“lục quốc cường tộc”). Ngoài ra, các nhà buôn và các ông chủ sản xuất lớn
(nhất là trong các ngành quan trọng: luyện sắt, làm muối, đúc tiền,…) cũng lấy nô lệ
làm lực lượng lao động chủ yếu. Hai thế lực này cấu kết với nhau, gây một áp lực lớn
đối với chính quyền nhà Hán. Trước tình hình đó, Hán Văn Đế và Hán Cảnh Đế tiếp
tục tiến hành con đường của Pháp gia, bác bỏ các lập luận của hai nhóm trên, mạnh
tay bãi bỏ phiên trấn, tăng cường trung ương tập quyền.
Sau khi lên ngôi, Hán Vũ Đế từng tiếp nhận kiến nghị “Độc tôn Nho học, loại bỏ các
trường phái khác” (“Bãi truất bách gia, độc tôn Nho thuật”) của Đổng Trọng Thư .
Về mặt tuyên ngôn ý thức hệ là như vậy, song trên bình diện hành động thực tiễn, vị
vua này vẫn triệt để đi theo con đường Pháp gia. Mặc dù Đổng Trọng Thư đề xuất
“Xuân Thu đại nhất thống”, cổ vũ “làm vua, dựng nước trên cơ sở cắt đất, chia dân”
(“cát địa phân dân nhi kiến quốc lập quân”. Xuân Thu phồn lộ. Chư hầu) nhằm quay
lại chế độ chư hầu phân phong, song Hán Vũ Đế vẫn nhất quán chính sách “tiêu
phiên” (diệt trừ phiên trấn), tiến hành trấn áp Hoài Nam Vương Lưu An, củng cố chế
độ trung ương tập quyền. Ông bác bỏ chính sách kinh tế “nhà nước không tranh lợi
với nhân dân” (“bất dữ dân tranh lợi”), “trả nghề làm muối và luyện sắt cho người
dân” (“diêm thiết giai quy ư dân”. Hán Thư. Thực hóa chí) của Đổng Trọng Thư,
thực hành chính sách nhà nước phải nắm ngành muối và sắt của Pháp gia; đồng thời,
tiến hành các biện pháp “toán mân” (thu thuế tài sản của các nhà buôn giàu có và
những người cho vay nặng lãi), “cáo mân” (đánh thuế các chủ sử dụng nô lệ?).
Đến trung kỳ, hậu kỳ Tây Hán, quá trình tập trung hóa đất đai vào tay số ít tư nhân
(các nhà quý tộc phong kiến, quan lại, đại địa chủ) diễn ra ngày càng mạnh.
Trong Hán Thư có chép: “Kẻ mạnh thì ruộng vườn ngàn mảnh, kẻ yếu thì tấc đất
cắm dùi cũng không” (“Cường giả quy điền dĩ thiên số, nhược giả tằng vô lập chùy
chi cư”. Hán Thư. Vương Mãng truyện). Thế lực đại địa chủ, thế gia hào tộc này
cũng chính là lực lượng bảo thủ trong xã hội. Họ ra sức tuyên truyền một ý thức hệ
lạc hậu nhằm kìm hãm sự bùng phát của số đông nông dân bị phá sản, tôn sùng
Khổng Mạnh, đề cao việc đọc kinh điển (tôn Khổng độc kinh), thi nhau nhận mình là
học trò của Khổng Mạnh. Sau khi Hán Vũ Đế vừa qua đời, lực lượng thế gia hào tộc
liền mở cái gọi là “Hội nghị làm muối làm sắt” (“Diêm thiết hội nghị”), tấn công
Pháp gia nhằm thay đổi con đường pháp trị. Tuy kế hoạch này thất bại, song đến lúc
Hán Nguyên Đế qua đời, lực lượng trên đã khống chế được quyền lực trong triều
đình và từ đó, ý thức hệ Nho gia chiếm địa vị thống trị. Quang Vũ Đế thành lập nhà
Đông Hán, ông đặc biệt đề cao Nho học, coi các con chữ trong kinh điển như những
lời sấm truyền, bất cứ ai tỏ thái độ hoài nghi hay bất kính với Nho gia đều bị khép
vào tội chết “phi thánh vô pháp”. Đến năm 79, Hán Chương Đế tự mình chủ trì một
cuộc hội kinh học Bạch Hổ Quan lớn, lý luận hóa thuyết “thiên nhân cảm ứng” của
Đổng Trọng Thư, biên tập ra Bạch Hổ thông nghĩa nổi tiếng, chính thức tuyệt đối
hóa địa vị ý thức hệ Nho gia. Cũng từ đây, hệ tư tưởng Pháp gia và phương thức
pháp trị hạ thêm một bậc nữa trong lịch sử Trung Quốc(20).
Tóm lại, tư tưởng của Hàn Phi hết sức sâu rộng, bao gồm chính trị, pháp luật, triết
học, xã hội, kinh tế, quân sự, giáo dục,...; trong đó, then chốt chính là tư tưởng chính
trị. Ông để tâm suy nghĩ làm sao cho vị vua trong điều kiện xã hội đương thời có thể
vận dụng vô số các phương pháp khác nhau để đạt được cục diện chính trị ổn định,
để cho nước giàu quân mạnh. Có thể nói “Hàn Phi Tử” là một bộ sách chính trị học
vĩ đại và học thuyết chính trị của ông được người xưa gọi là “học thuyết của đế
vương” (đế vương chi học).r

* Thạc sĩ, Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam
(1)
Pháp trị (rule by law) ở đây được tạm hiểu là tư tưởng chính trị chủ trương căn cứ
vào pháp luật để quản lý đất nước. Tại Trung Quốc, pháp trị là tư tưởng đặc trưng cơ
bản của phái Pháp gia thời Xuân Thu – Chiến Quốc. Tư tưởng pháp trị này đối lập
(hoặc có thể coi là phản thuyết) với tư tưởng chính trị “lễ trị”, “đức trị” hay “nhân
trị” của phái Nho gia.
(2) Phan Ngọc (dịch). Hàn Phi Tử. Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 2001, tr. 561.
(3) “Nho gia tuy tôn quân nhưng coi vua là người chỉ nhận sứ mạng của trời, mà ý
dân là ý trời, nên đòi vua phải có đạo đức, ông vua nào không có tư cách đều bị
Khổng Tử, Mạnh Tử chê hoặc mạt sát; mà Nho gia lại chính là những chính trị gia
chỉ có ý niệm về đạo đức (nhân) về bổn phận (nghĩa) chứ chưa có ý niệm về pháp
luật. Trái lại Pháp gia tôn quân hơn Nho gia nhiều thì lại có ý niệm rất rõ về pháp
luật và đòi hỏi các vua chúa phải luôn luôn áp dụng đúng pháp luật. Cơ hồ họ cảm
thấy rằng phải có pháp luật để giảm bớt uy quyền của ông vua. Họ không nói đến
mệnh trời, ý dân nữa, không đề cao nhân nghĩa nữa mà chỉ nói đến pháp luật, đề cao
pháp luật” . Nguyễn Hiến Lê. Hàn Phi Tử, tr.274.(4) Phan Ngọc. Sđd., tr. 570.
(5) Phan Ngọc. Sđd., tr. 130.
(6) Phan Ngọc. Sđd., tr. 327.
(7) Phan Ngọc. Sđd., tr. 540.
(8) Phan Ngọc. Sđd., tr. 129.
(9) Phan Ngọc. Sđd., tr. 55.
(10) Phan Ngọc. Sđd., tr. 478-479.
(11) Phan Ngọc. Sđd., tr. 150-151.
(12) Phan Ngọc. Sđd., tr. 588.
(13) Phan Ngọc. Sđd., tr. 394.
(14) Phan Ngọc. Sđd., tr. 149
(15) Phan Ngọc. Sđd., tr. 480.
(16) Phan Ngọc. Sđd., tr. 479
(17) Phan Ngọc. Sđd., tr. 524
(18) Matthias Christian. Triết học pháp luật phương Đông và phương Tây. Trung
Quốc chính pháp đại học xuất bản xã, Bắc Kinh, 2004, tr. 89.
(19) Matthias Christian. Sđd., tr. 90

VỀ BẢN CHẤT CỦA QUAN HỆ QUẢN LÝ

(*)
NGUYỄN HỮU ĐỄ
Quản lý xã hội là hoạt động có tổ chức của con người, gắn liền với quá trình sản
xuất và là sản phẩm của xã hội ở mỗi giai đoạn phát triển cụ thể của nó, gắn với sự
phân chia xã hội thành giai cấp. Hoạt động quản lý xã hội mang tính hai mặt: mặt tổ
chức – kỹ thuật và mặt xã hội. Hai mặt này, hai chức năng này luôn tồn tại trong quá
trình thống nhất biện chứng của hệ thống quản lý. Hoạt động quản lý không chỉ
mang tính tổ chức, hành chính, mà còn là hoạt động xã hội có nội dung giai cấp,
chính trị – xã hội. Quan hệ quản lý luôn mang bản chất xã hội và trong xã hội có sự
phân chia giai cấp, nó còn mang bản chất giai cấp.
Khi nói đến quản lý xã hội là nói đến quan hệ quản lý, quan hệ giữa người với người
trong lĩnh vực quản lý. Việc chỉ ra bản chất của quan hệ quản lý xã hội theo quan
điểm chủ nghĩa Mác sẽ tạo thành cơ sở lý luận cho việc nghiên cứu và phát triển lý
luận về quản lý xã hội.
Qua học thuyết Mác về sự phát triển xã hội có thể thấy, cốt lõi của quan điểm triết
học Mác khi phân tích các quan hệ trong lĩnh vực quản lý là giải thích bản chất xã
hội của chúng. Để làm rõ hơn quan điểm này, chúng ta có thể bắt đầu từ quan điểm
của C.Mác về lao động nói chung, về hoạt động quản lý nói riêng. Theo C.Mác, lao
động của con người luôn có hai mặt: mặt vật chất – kỹ thuật và mặt xã hội với hai
thuộc tính của lao động là lao động cụ thể và lao động trừu tượng. Phù hợp với sự
phân công lao động xã hội, lao động được xem xét, một mặt, như sự phân công thành
các dạng lao động cụ thể nhằm thoả mãn những nhu cầu khác nhau của xã hội; mặt
khác, nó là lao động xã hội khi sản phẩm do lao động riêng biệt đó tạo ra được xã hội
thừa nhận. Vì thế, nếu sản phẩm của lao động không được đem ra trao đổi và không
trao đổi được thì nó chỉ là lao động riêng biệt của người đó, chứ không thể trở thành
lao động xã hội. Chỉ khi nào người lao động sản xuất ra sản phẩm không phải chỉ cho
mình, mà còn cho cả xã hội thì lao động đó mới có tính hai mặt mà trên cơ sở đó,
hình thành nên cơ cấu giai cấp – xã hội của xã hội. Như vậy, lao động của con người
luôn là việc sản xuất ra các sản phẩm khác nhau theo nhu cầu của xã hội, mà cũng
đồng thời là quá trình con người tự khẳng định mình với tư cách những giai tầng
khác nhau trong xã hội, khi sản phẩm của họ được xã hội thừa nhận.
Trên cơ sở phân tích về lao động, C.Mác đã chia hoạt động quản lý thành mặt tổ
chức – kỹ thuật (hoạt động có tổ chức hướng đến sự phát triển của lực lượng sản
xuất) và nội dung xã hội của nó. Nội dung này lại bị quy định bởi tính chất của quan
hệ sản xuất, bởi hình thức sở hữu và kết cấu giai cấp của xã hội. Như vậy, quản lý xã
hội biểu hiện như là hoạt động có tổ chức của con người, gắn liền với quá trình sản
xuất. Sự phát triển và hoàn thiện nó phải dựa trên cơ sở nhận thức những quy luật của
hiện thực khách quan. Đồng thời, chính hoạt động này của con người lại là sản phẩm
của xã hội ở mỗi giai đoạn phát triển cụ thể của nó mà trước hết, nó là sản phẩm của
sự phân chia xã hội thành giai cấp.
Chính C.Mác đã nói về tính chất hai mặt của quản lý như sau: “Công việc giám sát
và điều khiển tất nhiên phải xuất hiện một khi mà quá trình sản xuất trực tiếp đã
mang hình thái một quá trình kết hợp có tính chất xã hội… Nhưng nó có một tính
chất hai mặt.
- Một mặt, trong tất cả những công việc mà có nhiều người hợp tác với nhau thì mối
liên hệ chung và sự thống nhất của quá trình tất phải biểu hiện ra ở trong một ý chí
điều khiển và trong những chức năng không có quan hệ với những công việc bộ
phận, mà quan hệ với toàn bộ hoạt động của công xưởng, cũng giống như trường hợp
nhạc trưởng của một dàn nhạc vậy…
- Mặt khác,… công việc giám sát đó là cần thiết trong tất cả mọi phương thức sản
xuất dựa trên sự đối lập giữa người lao động về phương diện là người sản xuất trực
tiếp, với người sở hữu tư liệu sản xuất. Sự đối lập đó càng lớn, thì công việc giám sát
đó lại càng đóng một vai trò quan trọng”(1).
Trong hoạt động quản lý xã hội, hai mặt đó luôn có sự thống nhất với nhau và chỉ
trên cơ sở đó, xã hội mới duy trì được sự phát triển một cách ổn định. Tất nhiên, khi
nói về hai mặt của lao động, chúng ta cần phải hiểu là, C.Mác đã phân tích chúng
trong hình thái kinh tế – xã hội tư bản chủ nghĩa và cũng từ đó, ông đã vạch ra bản
chất bóc lột người lao động của giai cấp tư sản, mà nguồn gốc của sự bóc lột đó là
chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa đối với tư liệu sản xuất. Từ đó, chúng ta có
thể thấy, mặt tổ chức – kỹ thuật của quản lý hoàn thành chức năng chung của quản lý
và bản thân chức năng này cũng bị quy định bởi tính chất phối hợp về mặt xã hội
của lao động; còn mặt xã hội thì được thể hiện ở chỗ, nó hoàn thành chức năng xã
hội đặc biệt (sự cưỡng chế, giám sát, kiểm tra, thuyết phục, v.v.) và có nguồn gốc từ
sự phân chia xã hội thành giai cấp. Hai mặt này luôn tồn tại trong quá trình thống
nhất biện chứng của hệ thống quản lý. Hoạt động của con người chỉ có thể tồn tại
dưới một hình thức tổ chức nào đó và vì thế, xã hội, xét trong tổng thể, biểu hiện ra
như là hệ thống được tổ chức. Chính tổ chức xã hội này quy định quản lý phải như
một cơ chế phối hợp, kết hợp, điều chỉnh các mối liên hệ, quan hệ giữa các yếu tố
cấu thành nên tổ chức đó. Đồng thời, nội dung xã hội của hoạt động con người lại bị
quy định bởi các quan hệ xã hội mà trước hết, là các quan hệ sản xuất.
Nếu quản lý xã hội xét như một dạng hoạt động xã hội được hình thành trong tiến
trình phân công lao động xã hội thì nó được thể hiện như là chức năng của một người
hoặc một nhóm người chuyên biệt. Trong chủ nghĩa tư bản, chức năng này thường
thuộc về người sở hữu tư liệu sản xuất, thuộc về nhà tư bản, mà chính chế độ sở hữu
tư nhân này là nguồn gốc của quyền lực nhằm bảo vệ lợi ích của người sở hữu. Vì
thế, giai cấp tư sản thường sử dụng quyền lực này không chỉ với mục đích tổ chức
sản xuất, mà còn với mục đích ngày càng thu được nhiều lợi nhuận. C.Mác đã nhận
xét rằng, “không phải vì nhà tư bản lãnh đạo công nghiệp mà hắn trở thành nhà tư
bản. Trái lại hắn trở thành nhà lãnh đạo công nghiệp chỉ vì hắn là nhà tư bản”(2). Từ
đó, chúng ta thấy rằng, công việc quản lý không phải là đặc quyền của giai cấp nào,
mà chính giai cấp nào sở hữu tư liệu sản xuất thì giai cấp đó trở thành người quản lý,
người lãnh đạo xã hội thông qua những đại biểu ưu tú của mình.
Qua quan điểm của C.Mác về lao động và quản lý, chúng ta có thể khẳng định rằng,
chủ nghĩa Mác xem xét vấn đề quản lý không đơn giản như một quá trình thao tác
thuần tuý, hoặc lao động quản lý chỉ mang tính tổ chức, hành chính, mà trước hết
như là hoạt động xã hội có nội dung giai cấp, chính trị - xã hội. Nếu tách các quan hệ
quản lý khỏi nguồn gốc giai cấp trong xã hội sẽ dẫn đến việc tuyệt đối hoá mặt tổ
chức – kỹ thuật của quản lý, dẫn đến quan niệm sai lầm rằng, nhiệm vụ của quản lý
xã hội là sản xuất ra cấu trúc của quan hệ thống trị trong xã hội; rằng chủ nghĩa tư
bản sẽ tồn tại vĩnh viễn, vì nó luôn hoàn thiện và nâng cao trình độ tổ chức – kỹ thuật
của quản lý dựa trên những thành quả do sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – kỹ
thuật đem lại.
Chủ nghĩa Má còn xem xét bản chất của quản lý trong mối liên hệ không tách rời với
vai trò và hoạt động của giai cấp. Trong xã hội có giai cấp, quyền lực xã hội luôn
thuộc về giai cấp thống trị về kinh tế. Giai cấp thống trị tổ chức ra nhà nước của
mình như một công cụ nhằm điều hoà các lợi ích giai cấp, giữ cho sự xung đột giữa
các lợi ích giai cấp không đi đến chỗ loại trừ nhau. Khi nói về nguồn gốc ra đời của
nhà nước, Ph.Ăngghen đã khẳng định rằng, sự ra đời của nhà nước gắn liền với sự
xuất hiện giai cấp và sự đối lập về lợi ích giữa các giai cấp đối lập nhau trong xã hội.
Vì thế, để “cho những mặt đối lập đó, những giai cấp có quyền lợi kinh tế mâu thuẫn
nhau đó, không đi đến chỗ tiêu diệt lẫn nhau và tiêu diệt luôn cả xã hội trong một
cuộc đấu tranh vô ích, thì cần phải có một lực lượng cần thiết, một lực lượng rõ ràng
là đứng trên xã hội, có nhiệm vụ làm dịu bớt sự xung đột và giữ cho sự xung đột đó
nằm trong vòng “trật tự”. Và lực lượng đó, nảy sinh ra từ xã hội, nhưng lại đứng trên
xã hội và ngày càng tách ra khỏi xã hội, chính là nhà nước”(3).
Như vậy, có thể nói, chủ nghĩa Mác, một mặt, phê phán nhà nước của các giai cấp
bóc lột, vì nó nhằm duy trì quan hệ bóc lột; mặt khác, không bao giờ phủ nhận vai trò
của nhà nước trong việc tổ chức, quản lý sự phát triển xã hội. Bởi lẽ, nhà nước, từ
khi xuất hiện, luôn là bộ phận quan trọng nhất của tổ chức xã hội; nó không đồng
nhất với xã hội. Nhà nước với tư cách tổ chức quyền lực sẽ tự tiêu vong khi xã hội
không còn phân chia thành giai cấp; nhưng với tư cách tổ chức quản lý, nó sẽ tồn tại
mãi, gắn liền với lịch sử phát triển của loài người. Từ đó, theo quan điểm của chủ
nghĩa Mác thì nhà nước chỉ là cơ quan quản lý riêng biệt của xã hội có giai cấp.
Trong xã hội dựa trên sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, thì quản lý nhà nước bảo
đảm cho quan hệ bóc lột tồn tại. Nhà nước thực hiện chức năng chung của quản lý
nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phục vụ cho lợi ích của giai cấp thống trị. Đó
cũng chính là bản chất giai cấp của quản lý xã hội trong xã hội có giai cấp đối kháng,
mặc dù nhìn từ bề ngoài, nhà nước như là một tổ chức đứng trên mọi lợi ích của cá
nhân, như là biểu hiện lợi ích chung của toàn thể xã hội. Ngoài ra, nhà nước, dù là
của giai cấp bóc lột, vẫn phải thể hiện chức năng xã hội của nó là phải bảo đảm được
sự kết hợp giữa các lợi ích cá nhân, tập thể và toàn xã hội. Chỉ có như vậy, giai cấp
thống trị mới duy trì được tính ổn định cho sự phát triển xã hội. Điều đó có nghĩa là
chức năng giai cấp của nhà nước chỉ có thể được thực hiện thông qua chức năng xã
hội của nó. Đúng như Ph.Ăngghen đã khẳng định: “Ở khắp nơi, chức năng xã hội là
cơ sở của sự thống trị chính trị, và sự thống trị chính trị cũng chỉ kéo dài chừng nào
nó còn thực hiện chức năng xã hội đó của nó”(4).
Như vậy, giữa chính trị và quản lý có quan hệ mật thiết với nhau, nhưng không đồng
nhất. Do đó, không nên đồng nhất hoạt động quản lý với hoạt động chính trị. Cũng
không nên đồng nhất chức năng tổ chức và chức năng xã hội của nhà nước với chức
năng chính trị của nó. Mọi tổ chức xã hội cũng như hệ thống chính trị bao gồm cơ
chế quyền lực và quản lý đều tồn tại trong môi trường xã hội, nghĩa là tồn tại trong
một cấu trúc của xã hội, trong tổng hoà những mối liên hệ xã hội. Vì thế, C.Mác cho
rằng, nhà nước cần tìm nguyên nhân làm cho xã hội kém phát triển là ở xã hội công
dân chứ không phải ở sự thiếu sót của tổ chức hành chính(5). Rõ ràng, quản lý luôn
phụ thuộc vào chính trị. Từ đó, chúng ta thấy rằng, thậm chí nó còn là hoạt động
phục vụ cho chính trị, khi quản lý dựa trên quan điểm chính trị để đặt ra mục đích
cuối cùng của mình. Tính hiệu quả của quản lý luôn phụ thuộc vào những mục đích
đó, phụ thuộc vào nhiệm vụ mà nó phải hướng tới để hoàn thành.
Như vậy, quan hệ quản lý luôn mang bản chất xã hội và trong xã hội phân chia thành
giai cấp thì nó mang bản chất giai cấp. Vì thế, theo quan điểm của chủ nghĩa Mác,
trong mỗi xã hội khác nhau có những loại hình quản lý khác nhau. Và, trong xã hội
có giai cấp, các loại hình quản lý đều mang tính giai cấp, mà công cụ chủ yếu để
quản lý xã hội là nhà nước. Các loại hình quản lý cùng với sự phát triển của xã hội sẽ
ngày càng phức tạp hơn. Trong những xã hội trước chủ nghĩa tư bản, sự quản lý xã
hội còn mang tính giản đơn, dựa trên sự hợp tác lao động giản đơn. Còn trong chủ
nghĩa tư bản, tính chất xã hội của lao động và sản xuất đã quy định quản lý như là
loại lao động đặc thù. Hơn nữa, trong phạm vi toàn xã hội, cơ chế điều chỉnh của xã
hội tư bản là sự kết hợp giữa sức mạnh tự phát của thị trường với việc sử dụng rộng
rãi cơ chế quản lý tự giác. Tuy nhiên, hiệu quả của việc sử dụng cơ chế quản lý tự
giác trong chủ nghĩa tư bản, theo C.Mác, đạt được không cao. Còn trong chủ nghĩa
xã hội, quản lý xã hội là quá trình quản lý tự giác. Nếu trong các hình thái xã hội
trước chủ nghĩa xã hội, quản lý tự giác chỉ giới hạn ở những phạm vi và những lĩnh
vực riêng lẻ, thì trong chủ nghĩa xã hội, khách thể quản lý là xã hội trong tổng thể và
nó được quản lý một cách khoa học trên phạm vi toàn xã hội. Tuy nhiên, điều đó
không có nghĩa là trong chủ nghĩa xã hội, con người sẽ can thiệp một cách tuỳ tiện
vào quá trình xã hội, mà bị quy định bởi những điều kiện và những quy luật phát
triển khách quan của xã hội. Sự phát triển của xã hội được thực hiện như là sự tác
động biện chứng giữa nhân tố chủ quan và điều kiện khách quan. Nếu hoạt động chủ
quan của con người phù hợp với những quy luật khách quan của quá trình xã hội thì
có thể rút ngắn quá trình phát triển xã hội, và ngược lại, không phù hợp thì sẽ kìm
hãm, cản trở sự phát triển đó.
Quản lý xã hội là hoạt động chủ quan của con người hướng tới quá trình khách quan,
dựa trên sự nhận thức và vận dụng những quy luật khách quan. Từ đó, chủ nghĩa
Mác cho rằng, quản lý thể hiện như là yếu tố, như là lĩnh vực tác động của nhân tố
chủ quan trong lịch sử. Vì thế, cơ chế quản lý đó là tự giác và có tính hướng đích.
Điều đó có nghĩa là, hoạt động của con người hướng đến việc duy trì và phát triển
các quan hệ xã hội có sự phù hợp với mục đích đã đặt ra trên cơ sở nhận thức những
quy luật khách quan.
Như vậy, theo tiến trình lịch sử thì cơ chế quản lý tự giác trong đời sống xã hội ngày
càng tăng lên. Cơ sở lý luận của nó, như chủ nghĩa Mác đã khẳng định, là sự tăng lên
của vai trò nhân tố chủ quan trong lịch sử. Đến chủ nghĩa xã hội, quản lý xã hội đã
trở thành công cụ hùng mạnh cho sự phát triển nhanh chóng của toàn bộ đời sống xã
hội.
Toàn bộ sự phân tích trên cho thấy, khi đề cập đến vấn đề quản lý, chủ nghĩa Mác
luôn gắn liền quan hệ quản lý với quan hệ xã hội để trên cơ sở đó, vạch ra bản chất
xã hội, bản chất giai cấp của quan hệ quản lý. Từ đó, chủ nghĩa Mác khẳng định
rằng, tương ứng với mỗi một chế độ xã hội trong xã hội có giai cấp là một hệ thống
quản lý tương ứng và hệ thống này luôn bảo đảm chức năng giai cấp và chức năng xã
hội của mình.r

* Tiến sĩ triết học, Phó trưởng phòng Triết học Mác - Lênin, Viện Triết học, Viện
Khoa học xã hội Việt Nam
(1) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.25, ph.I. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội,
1994, tr.586 – 587.
(2) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.23, tr.483.
(3) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.21, tr.252 - 253.
(4) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.20, tr.253.
(5)
Xem: C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.1, tr.540 - 550.

TƯ DUY LÔGÍC BỘ PHẬN HỢP THÀNH CỦA TƯ DUY KHOA HỌC

VŨ VĂN VIÊN (*)


Trong bài viết này, tác giả đã luận giải để làm rõ tư duy lôgíc là một bộ phận hợp
thành của tư duy khoa học. Nói cách khác, về thực chất, tư duy khoa học chính là sự
thống nhất giữa tư duy biện chứng và tư duy lôgíc; trong đó, tư duy biện chứng là
phương pháp luận chỉ đạo, còn tư duy lôgíc là tổng hợp các thao tác lôgíc. Trên cơ
sở luận chứng vai trò to lớn của tư duy lôgíc trong tư duy khoa học, tác giả khẳng
định ý nghĩa quan trọng của việc học tập lôgíc học – giúp con người không những
nắm vững, mà còn rèn luyện các kỹ năng, kỹ xảo tư duy, nâng cao khả năng vận
dụng các quy luật, quy tắc của lôgíc học vào hoạt động nhận thức cũng như vận
dụng các tri thức vào hoạt động thực tiễn.
1. Khái niệm chung về tư duy khoa học
Để làm rõ vai trò của tư duy lôgíc với tư cách bộ phận hợp thành của tư duy khoa
học, trước hết chúng ta phải làm rõ thế nào là tư duy khoa học. Đặc trưng của tư duy
nói chung cũng là đặc trưng của tư duy khoa học. Nhưng điều quan trọng hơn ở đây
là làm rõ đặc điểm riêng của tư duy khoa học trong sự phân biệt nó với các loại hình
tư duy khác, chẳng hạn như tư duy nghệ thuật, tư duy tôn giáo.
Để hiểu được bản chất của tư duy khoa học, trước hết, chúng ta cần tìm hiểu đôi chút
về bản chất của khoa học.
Từ sự phân tích những quan niệm hiện có, chúng ta có thể rút ra những đặc điểm cơ
bản của khoa học là:
1/ Khoa học được hiểu là hệ thống những tri thức về mọi loại quy luật của vật chất
và sự vận động của vật chất, những quy luật của tự nhiên, xã hội, tư duy.
2/ Khoa học còn được hiểu là một hoạt động xã hội nhằm tìm tòi, phát hiện quy
luật của các sự vật, hiện tượng và vận dụng các quy luật ấy vào cuộc sống.
3/ Theo quan điểm của triết học Mác - Lênin, khoa học được hiểu là một hình thái ý
thức xã hội. Với tư cách một hình thái ý thức xã hội, khoa học tồn tại mang tính độc
lập tương đối với các hình thái ý thức xã hội khác. Khoa học phân biệt với các hình
thái ý thức xã hội khác ở đối tượng, hình thức phản ánhvà mang một chức năng xã
hội riêng biệt. Đây là một quan niệm có ý nghĩa quan trọng về phương pháp luận
nghiên cứu khoa học, trong việc xử lý mối quan hệ phức tạp giữa khoa học với các
hình thái ý thức xã hội khác nhau''(1).
Từ những đặc điểm trên, chúng ta có thể khẳng định rằng, với tư cách một năng lực
của hoạt động khoa học, tư duy khoa học không chỉ là tư duy của cá nhân nhà khoa
học chuyên nghiệp, mà còn là tư duy của một tập thể các nhà khoa học, của cộng
đồng khoa học. Đó cũng là tư duy của chủ thể bất kỳ xuất phát từ lập trường khoa
học để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Nói cách khác, tư duy khoa học là tư duy
mang tính khoa học, nó cần thiết cho mọi người trong xã hội.
Khái quát từ các đặc trưng của tư duy khoa học như trên, chúng ta có thể xây dựng
khái niệm chung về tư duy khoa học. Trong các tài liệu hiện có, chúng ta bắt gặp một
định nghĩa như sau: “Tư duy khoa học là giai đoạn phát triển cao (trình độ cao) của
nhận thức, được thực hiện thông qua một hệ thống các thao tác tư duy nhất định
trong đầu óc của các nhà khoa học (hoặc những người đang sử dụng các tri thức khoa
học và vận dụng đúng đắn những yêu cầu của tư duy khoa học) với sự giúp đỡ của
một hệ thống “công cụ” tư duy khoa học (như các ngôn ngữ, các hình thức của tư
duy khoa học) nhằm “nhào nặn” các tri thức tiền đề thành những tri thức khoa học
mới dưới dạng những khái niệm phán đoán, suy luận hoặc giả thiết, lý thuyết, lý luận
khoa học mới, phản ánh các khách thể nhận thức một cách chính xác hơn, đầy đủ
hơn, sâu sắc hơn, chân thực hơn(2).
Định nghĩa trên có ưu điểm là phản ánh được cái cốt lõi của tư duy khoa học, song
cũng còn những điều cần được gọt rũa, chính xác thêm. Kế thừa các yếu tố hợp lý
của quan niệm đó, cùng với những quan niệm khác về tư duy nói chung, về tư duy
khoa học nói riêng, chúng tôi định nghĩa: tư duy khoa học là giai đoạn cao của quá
trình nhận thức, được thực hiện dựa trên một cách tiếp cận nhất định, thông qua một
loạt các thao tác tư duy lôgíc xác định của chủ thể nhằm sản xuất các tri thức mới dưới
dạng các khái niệm, phạm trù, quy luật, lý thuyết, với mục đích phản ánh ngày càng sâu
sắc hơn, chính xác hơn, đầy đủ hơn về đối tượng cũng như việc vận dụng có hiệu quả
nhất các tri thức đã có vào thực tiễn.
Theo chúng tôi, định nghĩa này đã phản ánh một cách khái quát bản chất của hoạt
động tư duy khoa học, từ sự sản xuất ra tri thức khoa học đến việc vận dụng các tri
thức khoa học; từ cách tiếp cận đối tượng đến việc sử dụng các công cụ để nhận thức
đối tượng; từ mục đích phản ánh đến các hình thức của sự phản ánh. Định nghĩa này
cũng cho phép chúng ta đi sâu phân tích về các yếu tố hợp thành của tư duy khoa
học, đó là:
1/Phương pháp luận của tư duy khoa học.
Vai trò của phương pháp luận giúp cho chủ thể tư duy có định hướng nhất định trong
hoạt động nhận thức. Nó biểu hiện một cách tiếp cận nhất định đối với khách thể
nhận thức. Chẳng hạn, tư duy biện chứng và tư duy siêu hình hay phương pháp luận
biện chứng và phương pháp luận siêu hình có giá trị định hướng, gợi mở khác nhau
trong hoạt động của chủ thể. Các loại hình phương pháp luận này sẽ định hướng cho
hoạt động nhận thức của con người khi tiếp cận với đối tượng. Ngoài ra, phương
pháp luận cũng gợi mở, chỉ dẫn cho chủ thể lựa chọn và vận dụng các phương
pháp (biểu hiện các thao tác tư duy) trong hoạt động nhận thức. Với khoa học hiện
đại, phương pháp luận biện chứng duy vật là phương pháp luận đúng đắn, khoa học
nhất của thời đại ngày nay. Chính vì vậy, để có phương pháp tư duy khoa học, trước
hết hoạt động nhận thức của chủ thể phải dựa trên cơ sở phương pháp luận biện
chứng duy vật.
2/ Tư duy lôgíc là giai đoạn nhận thức lý tính, sử dụng các hình thức cơ bản, như
khái niệm, phán đoán, suy luận cùng các thao tác lôgíc xác định của chủ thể, nhằm
sản xuất các tri thức mới với mục đích phản ánh ngày càng sâu sắc hơn, chính xác
hơn, đầy đủ hơn về hiện thực khách quan. Tư duy lôgíc được lôgíc học (hình thức)
nghiên cứu. Nó xây dựng các quy luật, quy tắc chi phối quá trình nhận được tri thức
suy diễn (tri thức nhận được bằng con đường gián tiếp). Các thao tác tư duy được
lôgíc học khái quát thành các phương pháp (cụ thể) của tư duy, như quy nạp, diễn
dịch, phân tích, tổng hợp,... Vì vậy, có thể nói một cách khái quát, tư duy lôgíc là
nhận thức lý tính tuân thủ các quy luật, quy tắc, phương pháp, v.v. được lôgíc học
nghiên cứu. Để có được tư duy lôgíc, cần phải nắm bắt và thực hiện nhuần nhuyễn
các phương pháp nhận thức, các phương pháp tư duy khoa học; đồng thời, tự giác
vận dụng đúng đắn các phương pháp trong quá trình nhận thức một cách phù hợp
với nhiệm vụ đặt ra.
3/ Khả năng vận dụng, tổng kết thực tiễn, khái quát lý luận. Việc nhận thức, phát
hiện tri thức mới cũng như sự vận dụng các tri thức đã có vào thực tiễn đòi hỏi chủ
thể phải có khả năng tổng kết thực tiễn, khái quát về mặt lý luận. Trên cơ sở tổng kết
thực tiễn mà đánh giá tri thức, lý luận đã có, kịp thời điều chỉnh hành vi của chủ thể.
Những sự không phù hợp giữa lý thuyết với thực tiễn có thể là do hai nguyên nhân:
1) do sự vận dụng chưa đúng, 2) do lý thuyết không hợp lý. Trên cơ sở kết quả phân
tích về sự không phù hợp ấy mà chủ thể (cá nhân, tập thể) có thể điều chỉnh hoạt
động, cải biến cách thức vận dụng của mình, hoặc cũng có thể phải sửa đổi, bổ
sung, phát triển lý thuyết. Hơn nữa, với sự biến động của thực tiễn, chủ thể cần
phải có năng lực tổng kết thực tiễn mới để xây dựng được lý thuyết phù hợp với
thực tiễn mới.
Trên đây là những thành phần cơ bản nhất tạo nên cơ cấu của tư duy khoa học nói
chung. Đối với tư duy khoa học chuyên ngành thì ngoài những thành phần trên còn
có:
4/ Tư duy chuyên ngành bao gồm phương pháp luận chuyên ngành cũng như các
phương pháp riêng của mỗi chuyên ngành. Chẳng hạn, trong khoa học lịch sử, ngoài
những bộ phận của tư duy khoa học nói chung như trên, còn cần phải cóphương pháp
luận sử học và các phương pháp nghiên cứu lịch sử riêng khác. Cũng phải nói thêm
rằng, trong tư duy khoa học chuyên ngành, phương pháp luận khoa học chung và tư
duy lôgíc tổng quát, một mặt, luôn là bộ phận cơ bản, thiết yếu; mặt khác, chúng phải
được vận dụng một cách phù hợp với đối tượng chuyên ngành.
Cũng từ việc phân tích trên, chúng ta có cơ sở để khẳng định rằng, thực chất của tư
duy khoa học chính là sự thống nhất của tư duy biện chứng và tư duy lôgíc. Trong
đó, tư duy biện chứng là phương pháp luận chỉ đạo, còn tư duy lôgíc là tổng hợp các
thao tác lôgíc, vốn là những hoạt động khách quan của tư duy đang nhận thức nhằm
nắm bắt nội dung cụ thể của đối tượng được nhận thức.
Khi nói phương pháp tư duy biện chứng duy vật (hay tư duy biện chứng duy vật) là
phương pháp tư duy khoa học (hay tư duy khoa học), chúng tôi muốn nhấn
mạnh khía cạnh phương pháp luận của nó. Cách nói như vậy mới làm rõ đượcloại
hình tư duy (chẳng hạn, tư duy biện chứng đối lập với tư duy siêu hình) và theo
chúng tôi, cần bổ sung cho đầy đủ hơn với khẳng định rằng, phương pháp ấy (tư duy
ấy) phải bao gồm trong nó các phương pháp tư duy lôgíc như một bộ phận thiết yếu
không thể thiếu.
2. Vai trò của tư duy lôgíc trong tư duy khoa học
Như phần trên đã trình bày, tư duy lôgíc (trong một số tài liệu còn gọi là tư duy
chính xác – TG.) là một bộ phận của tư duy khoa học. Chính vì vậy, để nâng cao
năng lực tư duy khoa học cho con người Việt Nam hiện đại thì việc nâng cao năng
lực tư duy lôgíc có vai trò hết sức quan trọng.
Chúng ta có cơ sở để khẳng định rằng, mục đích của nhận thức khoa học là có được
sự hiểu biết ngày càng sâu sắc hơn, chính xác hơn và đầy đủ hơn về hiện thực khách
quan; đồng thời, là sự vận dụng các tri thức khoa học đã có ngày càng hiệu quả hơn
vào thực tiễn. Đương nhiên, mục đích ấy không thể thực hiện bởi một khoa học cụ
thể mà bởi hệ thống các ngành khoa học do con người sáng tạo ra.
Trong quá trình hình thành, phát triển của mình, mỗi khoa học đều có đối tượng
riêng, phương pháp riêng. Song, tất cả các khoa học với hệ thống tri thức đồ sộ của
chúng đều là kết quả của hoạt động tư duy khoa học của con người. Cũng chính vì
vậy mà các khoa học đều phải dựa vào “những cơ sở” chung của tư duy khoa học -
đó là những thao tác cơ bản của tư duy đang nhận thức, tức là tư duylôgíc. Từ đó có
thể thấy, chúng ta không thể tiến hành các hoạt động nhận thức khoa học mà lại
không nắm vững “những cơ sở” chung đó. Nói cách khác, để có tư duy khoa học,
chúng ta phải thông thạo tư duy lôgíc.
Có lẽ chính vì tầm quan trọng của mình đối với hoạt động nhận thức mà lôgíc học đã
ra đời rất sớm – ngay từ thời cổ đại. Ngay từ lúc hình thành, lôgíc học đã được xem
là khoa học về tư duy đúng đắn. Nhiệm vụ chủ yếu của nó là nghiên cứu các hoạt
động cơ bản của tư duy trong quá trình nhận thức thế giới khách quan. Với nghĩa như
vậy, lôgíc học chính là kết quả của sự tư duy về tư duy.
Việc học tập lôgíc học có tác động to lớn đến sự hiểu biết (nắm vững) và vận dụng
các thao tác của tư duy trong hoạt động nhận thức. Điều này được biểu hiện ở những
khía cạnh sau:
Thứ nhất, hơn ở đâu hết, lôgíc học cho ta một sự hiểu biết tương đối đầy đủ vàcó hệ
thống về các thao tác cơ bản của tư duy đang nhận thức. Các thao tác này được lôgíc
học nghiên cứu và trình bày thành các quy luật, quy tắc của lôgíc học.
Trong cuộc sống hằng ngày, mọi hoạt động của con người đều thông qua tư duy của
họ. Khác với hành động của con vật mang tính bản năng, hành động của con người
luôn mang tính tự giác. Con người, trước khi bắt tay vào hoạt động thực tiễn cải tạo
thế giới, đều đã có sẵn dự án trong đầu. Sự khác biệt ấy là vì con người có tư duy và
biết vận dụng sức mạnh của tư duy vào việc thực hiện các mục đích của mình. Trong
quá trình hoạt động đó, con người dần dần phát hiện ra các thao tác của tư duy. Song,
sự phát hiện ấy mang tính rời rạc, không có hệ thống và đôi khi chưa được hiểu thấu
một cách rõ ràng.
Trong hoạt động nhận thức cũng vậy, khi con người tiến hành các hoạt động nhận
thức khoa học, hoạt động của họ trong từng thời điểm thường tập trung vào một lĩnh
vực nào đấy, chẳng hạn nhận thức vật lý tập trung vào hình thái vận động vật lý...
Trong những hoạt động nhận thức ấy, con người cũng dần dần phát hiện ra các thao
tác của tư duy. Tuy nhiên, cũng giống như hoạt động thực tiễn, sự phát hiện của con
người trong các trường hợp này không mang tính hệ thống.
Với tư cách một khoa học về tư duy đúng đắn, ngay từ khi mới ra đời, lôgíc học đã
đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu một cách có hệ thống các đặc trưng, các thao tác
của tư duy đang nhận thức và trình bày chúng dưới dạng các quy luật, quy tắc của
lôgíc học. Như vậy, việc học tập lôgíc học không chỉ là con đường ngắn nhất, mà còn
là con đường tối ưu để hiểu biết sâu sắc các đặc trưng, các thao tác của tư duy đang
nhận thức. Trên cơ sở đó, nó cho phép chúng ta vận dụng một cách tự giác các đặc
trưng và thao tác vào hoạt động nhận thức về hiện thực khách quan.
Hơn thế nữa, việc học tập lôgíc học sẽ giúp cho con người không chỉ nắm vững, mà
còn rèn luyện các kỹ năng, kỹ xảo tư duy, thành thạo và nâng cao khả năng vận dụng
các quy luật, quy tắc của lôgíc học vào hoạt động nhận thức, cũng như vận dụng các
tri thức vào hoạt động thực tiễn vì những lợi ích của cá nhân và xã hội.
Thứ hai, cùng với sự phát triển của thực tiễn và của nhận thức, con người càng ngày
càng có sự hiểu biết đầy đủ hơn, sâu sắc hơn, chính xác hơn về bản thân tư duy đang
nhận thức. Chính quá trình hiểu biết ấy là cơ sở tạo ra sự phát triển của lôgíc học.
Ngày nay, dưới tác động của cách mạng khoa học – công nghệ hiện đại, lôgíc học
(hình thức) phát triển hết sức mạnh mẽ dẫn đến sự hình thành một loạt các bộ môn
lôgíc học hiện đại, như lôgíc học mệnh đề, lôgíc học vị từ,lôgíc học đa trị, lôgíc học
tình thái, lôgíc học xác suất, v.v.. Các bộ môn đó cung cấp cho nhân loại những công
cụ sắc bén giúp tư duy con người ngày càng đi hơn sâu vào nhận thức các bí mật của
thế giới khách quan.
Chúng tôi cho rằng, sự ra đời của lôgíc học hiện đại tạo ra bước ngoặt trong sự phát
triển của khoa học và công nghệ. Điều này là hoàn toàn rõ ràng và thể hiện rõ nét
nhất trong lĩnh vực công nghệ hiện đại. Lôgíc học hiện đại đã cung cấp cho nhân loại
những công cụ để xây dựng các bộ điều khiển, từ đó xây dựng nên các công nghệ tự
động hoá. Nó cũng cung cấp các phương tiện lôgíc cho việc chế tạo máy tính điện
tử. “Bộ não” của các máy tính điện tử, các máy vi tính hoạt động các theo các
nguyên tắc, quy tắc, v.v., của lôgíc học hiện đại. Những công cụ trên chẳng những
tạo ra bước ngoặt cách mạng trong công nghệ, mà còn cũng tạo ra bước ngoặt cách
mạng trong sự phát triển của khoa học.
Như chúng ta đã biết, sự phát triển của khoa học hiện đại đòi hỏi phải xử lý ngày
càng nhiều dữ liệu với một số lượng thông tin rất lớn. Điều này chỉ có thể thực hiện
được thông qua sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, trước hết là của các máy tính điện
tử, của “trí tuệ nhân tạo”. Chính vì vậy, có thể nói rằng, nếu không có công nghệ
hiện đại thì cũng khó mà có khoa học hiện đại. Nói cách khác, không có lôgíc học
hiện đại thì khó có khoa học hiện đại phát triển như ngày nay. Hơn thế nữa, các hệ
thống lôgíc phi cổ điển (tình thái, đa trị, xác suất, v.v.) cũng trang bị cho nhân loại
những phương tiện lôgíc để nhận thức ngày càng sâu sắc hơn, đầy đủ hơn “cái biện
chứng” khách quan bằng các công cụ chính xác.
Dưới dây, chúng tôi phân tích sâu hơn về biểu hiện của năng lực tư duy lôgíc.
Trước hết, chúng ta thấy rằng, mọi quá trình tư duy luôn phải sử dụng các khái niệm,
phán đoán, suy luận. Không có các hình thức cơ bản này, con người không thể có tư
duy đang nhận thức. Việc xây dựng và vận dụng các hình thức này trong hoạt động
nhận thức và thực tiễn có ý nghĩa rất quan trọng để có thể nhận thức được hiện thực
khách quan, cũng như vận dụng các tri thức có được vào cuộc sống. Đồng thời, việc
xây dựng các hình thức này cũng phải tuân theo các quy tắc nhất định. Chẳng hạn,
khi định nghĩa khái niệm, chúng ta phải tuân thủ các quy tắc nhất định(3).
Khái niệm là hình thức cơ bản của tư duy, phản ánh các dấu hiệu bản chất khác biệt
về đối tượng được nhận thức. Trong tư duy, người ta sử dụng các khái niệm về đối
tượng chứ không phải bản thân đối tượng. Không có khái niệm, con người không thể
tư duy. Ngoài ra, khái niệm cũng tham gia vào cơ cấu của các hình thức cơ bản khác,
như phán đoán và suy luận. Cũng chính vì vậy, việc phân loại các đối tượng, việc
định nghĩa các khái niệm về đối tượng là một yêu cầu rất cơ bản của lôgíc học. Định
nghĩa khái niệm về đối tượng càng chính xác, chặt chẽ thì kết quả nhận thức (tư duy)
về đối tượng càng phù hợp với hiện thực khách quan.
Việc xây dựng phán đoán và các quá trình suy luận cũng phải tuân theo các quy luật,
quy tắc nhất định. Sự vi phạm các quy tắc sẽ dẫn đến việc sử dụng không chính xác
các khái niệm, phán đoán, suy luận và đó chính là một trong những nguyên nhân cơ
bản dẫn đến các sai lầm trong nhận thức.
Để nâng cao năng lực tư duy lôgíc nói riêng, năng lực tư duy khoa học nói chung,
điều quan trọng là không những cần nắm vững và tuân thủ các quy tắc xây dựng khái
niệm, phán đoán, suy luận, mà còn phải có khả năng sử dụng chúng một cách thành
thạo, nghĩa là phải nâng cao kỹ năng, kỹ xảo sử dụng các hình thức cơ bản của tư
duy trong hoạt động nhận thức. Do đó, học tập, nghiên cứu và sử dụng lôgíc học sẽ
góp phần quan trọng để thực hiện các yêu cầu nói trên.
Như chúng ta đã biết, năng lực phán đoán là một trong những yếu tố cơ bản của
năng lực tư duy khoa học. Từ khả năng sử dụng thành thạo các hình thức cơ bản của
tư duy, tư duy con người đi tới việc sử dụng khả năng phán đoán để đưa ra các giả
thuyết khoa học. Việc xây dựng các giả thuyết khoa học thể hiện khả năng sáng tạo
của tư duy khoa học. Các giả thuyết này sẽ trở thành các tư tưởng (quy luật, lý
thuyết) khoa học mới nếu chúng được chứng minh (bằng con đường lôgíc và bằng
thực tiễn). Lý thuyết về chứng minh và bác bỏ được lôgíc học hình thức nghiên cứu
trở thành công cụ quan trọng để chúng ta kiểm chứng tính đúng đắn, độ tin cậy (từ
bình diện lý thuyết) của các phát minh khoa học. Như vậy, lôgíc học trang bị cho
chúng ta những công cụ cần thiết để lập luận và chứng minh các tri thức. Tri thức
khoa học luôn là sự phản ánh đúng đắn về hiện thực khách quan với độ chính xác
cao. Cũng vì vậy, tư duy lôgíc còn được gọi là tư duy chính xác. Việc nâng cao năng
lực lập luận, chứng minh sẽ đảm bảo cho việc xác lập độ tin cậy của tri thức nhận
được và mới đảm bảo cho việc vận dụng các tri thức đã được chứng minh vào thực
tiễn có hiệu quả cao nhất.
Cùng với sự phát triển của khoa học và thực tiễn, các lý thuyết khoa học xuất hiện
ngày càng nhiều. Việc xây dựng và lập luận (xác định tính đúng đắn) của lý thuyết
ngày càng trở nên cấp thiết và phức tạp. Lôgíc học, nhất là lôgíc học hiện đại, đã đưa
ra các phương pháp hết sức thuận lợi cho việc xây dựng và lập luận về các lý thuyết
khoa học. Trong các tài liệu lôgíc và khoa học, hiện tồn tại hai phương pháp như vậy.
Đối với việc xây dựng và lập luận các lý thuyết toán học, người ta thường sử
dụng phương pháp tiên đề. Nên nhớ rằng, phương pháp này đã được Ơcơlít sử dụng
để xây dựng hình học sơ cấp. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của khoa học nói
chung, toán học và lôgíc học nói riêng, phương pháp này cũng có sự phát triển rất
mạnh, đến nay nó đã có ba hình thức biểu hiện cụ thể: hệ tiên đề nội dung, hệ tiên đề
bán hình thức và hệ tiên đề hình thức.
Đối với các ngành khoa học khác (ngoài toán học và lôgíc học hình thức), người ta
sử dụng phương pháp giả thuyết – diễn dịch để xây dựng và lập luận các lý thuyết.
Phương pháp này cũng có sự phát triển, lúc đầu ở hình thức chưa hoàn thiện, đó
là phương pháp nguyên lý. I.Niutơn đã sử dụng nó để xây dựng cơ học cổ điển. Sau
đó, dưới dạng hoàn thiện, phương pháp nguyên lý phát triển lên thành phương pháp
giả thuyết – diễn dịch. Phương pháp này được A.Anhxtanh sử dụng để xây dựng cơ
học lượng tử và hiện nay, nó là phương pháp phổ quát trong các ngành khoa học.
Cùng với việc nghiên cứu các hình thức cơ bản (và các hình thức dẫn xuất khác) của
tư duy, lôgíc học hình thức còn nghiên cứu các quy luật của tư duy, các quy tắc của
suy luận. Các quy luật của lôgíc hình thức thực chất là sự khái quát từ những đặc
trưng cơ bản của tư duy lôgíc. Trong tư duy lôgíc có bốn đặc trưng cơ bản là tính xác
định, tính phi mâu thuẫn lôgíc, tính liên tục và tính có căn cứ vững chắc. Lôgíc học
hình thức đã khái quát các dặc trưng trên thành bốn quy luật cơ bản: quy luật đồng
nhất, quy luật phi mâu thuẫn, quy luật bài trung và quy luật lý do đẩy đủ. Việc tuân
thủ các quy luật này và các quy tắc khác của lôgíc học chính là điều kiện cần để đạt
tới chân lý khách quan.
Cũng cần nói thêm rằng, các quy luật này tác động khách quan trong các hệ thống
lôgíc lưỡng trị, đặc biệt là trong lôgíc hình thức truyền thống. Trong các hệ lôgíc học
khác, các quy luật này có những biểu hiện riêng, song việc tìm hiểu về chúng là hết
sức quan trọng, đúng như E.A.Khơmencơ đã nhận xét rằng, chức năng nhận thức và
vai trò phương pháp chung vẫn thuộc về lôgíc học hình thức (truyền thống – TG.) là
khoa học về những quy luật và hình thức của tư duy chính xác (tư duy lôgíc – TG.)
đưa tới sự khẳng định chân lý (4).
Việc học tập lôgíc hình thức, nắm vững và vận dụng đúng đắn các quy luật của nó sẽ
nâng cao hiệu quả hoạt động nhận thức và thực tiễn; bởi vì, các quy luật cơ bản của
lôgíc hình thức chẳng những thể hiện các đặc trưng cơ bản của tư duy đang nhận
thức, mà còn chi phối toàn bộ các thao tác khác của tư duy lôgíc. Việc tuân thủ các
quy luật này đem lại cho chúng ta khả năng nắm vững những thủ pháp chủ yếu của
việc phân tích tư tưởng của mình về mặt hình thức lôgíc của nó, đồng thời sẽ nắm
được các quy tắc chi phối sự phát triển của tư tưởng con người trong hoạt động tư
duy nhằm nhận thức hiện thực khách quan. Cùng với điều đó, việc hiểu không đúng
hoặc vi phạm các quy luật này sẽ dẫn đến tư duy sai lầm. Đáng tiếc là trong các giáo
trình về lôgíc học ở Việt Nam, hiện nay có nhiều cách phát biểu không chính xác về
các quy luật cơ bản của lôgíc học. Điều đó rõ ràng ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc
rèn luyện và nâng cao năng lực tư duy lôgíc.
Bên cạnh việc tuân thủ các quy luật cơ bản, chúng ta cũng phải tuân thủ các quy tắc
của suy luận. Chúng ta đều biết, suy luận là quá trình tư tưởng từ những tư tưởng đã
biết mà suy ra các tư tưởng mới. Trong suy luận có một số quy tắc chung bắt buộc,
chẳng hạn trong tam đoạn luận có năm quy tắc về tiền đề và ba quy tắc về thuật ngữ.
Ngoài những quy tắc chung thì ứng với mỗi loại suy luận của nó lại có các quy tắc
riêng. Chẳng hạn, tuỳ theo cách sắp xếp thuật ngữ mà tam đoạn luận lại được chia
thành bốn loại hình, mỗi loại hình ấy lại có hai quy tắc riêng(5). Trong tư duy lôgíc,
nếu vi phạm dù chỉ một trong những quy tắc nói trên đều dẫn đến sai lầm. Rõ ràng,
suy luận là một thao tác hết sức cơ bản của tư duy đang nhận thức. Suy luận cũng là
một con đường nhận thức cơ bản (gián tiếp) để nhận được tri thức mới. Việc nắm
vững các loại suy luận cũng như các quy tắc của chúng sẽ góp phần quan trọng trong
việc nâng cao năng lực tư duy lôgíc nói riêng, năng lực tư duy khoa học nói chung.
Trên đây là một số biểu hiện cơ bản của việc nâng cao năng lực tư duy lôgíc thông
qua học tập lôgíc học. Chúng ta cũng có thể nâng cao năng lực tư duy lôgíc thông
qua việc học tập các ngành khoa học cơ bản khác, đặc biệt là toán học. Theo một
nghĩa nào đó, toán học là công cụ của các khoa học cụ thể, là nền tảng của nhận thức
duy lý, nền tảng của các phương pháp tư duy trừu tượng. Lôgíc học hiện đại đã sử
dụng các công cụ toán học để xây dựng nên các bộ môn lôgíc khác nhau. Tuy nhiên,
con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất là con đường học tập lôgíc học, cả lôgíc học
truyền thống lẫn lôgíc học hiện đại
Có thể nói, học lôgíc học chính là học phương pháp, vì theo một nghĩa nào đó,lôgíc
học chính là khoa học về các phương pháp tư duy, mà việc học tập, nắm vững các
phương pháp là điều cực kỳ cần thiết cho mỗi người. Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn
Đồng đã từng nhấn mạnh rằng, “các đồng chí cần tự rèn luyện và giúp những người
khác rèn luyện phương pháp và tác phong của người làm công tác khoa học - kỹ
thuật: phương pháp suy nghĩ, phương pháp làm việc, phương pháp nghiên cứu,
phương pháp giải quyết vấn đề, phương pháp trình bày; rằng, trong nhà trường, điều
chủ yếu là giáo dục cho học trò phương pháp suy nghĩ, phương pháp suy luận,
phương pháp diễn tả, phương pháp nghiên cứu, là rèn trí thông minh(6).
Đáng tiếc là, việc học tập lôgíc học hình thức ở nước ta chưa được chú ý đúng mức.
Trước thời kỳ đổi mới, chỉ có một vài khoa của một số ít trường đại học có giảng dạy
lôgíc truyền thống. Sau đổi mới, phần lớn các trường đã giảng dạy môn này, nhưng
có nơi lại xem là môn tự chọn. Trong khi đó, ở các nước khác, lôgíc học hình thức
truyền thống được giảng dạy ở bậc phổ thông, tất cả các trường đại học đều học lôgíc
học hình thức hiện đại, chí ít là phần lôgíc toán. Điều này rõ ràng ảnh hưởng rất lớn
đến việc nâng cao năng lực tư duy lôgíc nói riêng, năng lực tư duy khoa học nói
chung. Nó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao chất lượng đào tạo nói
chung ở nước ta thời gian qua. /.

(*) Phó giáo sư, tiến sĩ, Trưởng phòng Lôgíc học, Viện Triết học, Viện Khoa học xã
hội Việt Nam.
(1) Vũ Cao Đàm. Phương pháp luận

PHÁC THẢO VỀ KINH TẾ HỌC SINH THÁI MÁCXÍT (*)

LIU SIHUA (**)


C.Mác là nhà lý luận tiên phong khẳng định rằng, con người nên tuân theo cách
phát triển bền vững. Học thuyết của ông là học thuyết giải phóng con người và tự
nhiên, làm thành giá trị và nguyên tắc cao nhất của kinh tế học sinh thái mácxít.
Tác giả bài viết cho rằng, theo nghĩa rộng, kinh tế học sinh thái mácxít là khoa
học vạch ra quy luật, cơ chế tổ chức thống nhất, sự vận động và phát triển của nó.
Kinh tế học mácxít không có sự kết nối giữa lý luận kinh tế học và tư tưởng sinh
thái của C.Mác, không làm rõ ý nghĩa của môi trường sinh thái tự nhiên đối với
nền văn minh hiện đại, với sự phát triển kinh tế – xã hội của con người. Do vậy,
xây dựng kinh tế học sinh thái mácxít mang đặc sắc Trung Quốc là một nhiệm vụ
quan trọng của các nhà nghiên cứu kinh tế mácxít Trung Quốc.
1. Khi kết thúc thế kỷ XX, Công ty truyền thông Anh quốc (BBC) đã tổ chức một
cuộc đánh giá mang tính toàn cầu đối với tất cả những nhà tư tưởng trong đó có
C.Mác để nhằm tìm ra ai sẽ là “nhà tư tưởng số một của thiên niên kỷ vừa qua”.
Gần đây, trạm phát sóng thứ tư của BBC lại tổ chức một hoạt động đánh giá nữa
đối với các nhà triết học vĩ đại nhất trong lịch sử cho đến ngày nay, một lần nữa,
C.Mác đứng đầu trong số 10 nhà triết học vĩ đại nhất toàn cầu. Hai kết quả này cho
chúng ta thấy một cách rõ ràng rằng, C.Mác vẫn sống trong thời đại của chúng ta
và còn tiếp tục ảnh hưởng mạnh mẽ trong tương lai. Học thuyết Mác vẫn đầy sức
sống và vẫn tiếp tục sự phát triển mãnh liệt của nó trong thời đại hiện nay, nó
không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển văn minh hiện tại mà chắc chắn còn ảnh
hưởng đến sự phát triển văn minh của con người trong tương lai. Khi nền văn
minh nhân loại bước vào thế kỷ XXI, một người Anh đã viết những lời ngọt ngào
bằng tiếng Anh trong cuốn sổ ghi cảm tưởng của khách thăm tại Viện Bảo tàng
Anh như sau: “C.Mác, những tư tưởng của ông sẽ còn sống mãi bởi vì ông là nhà
thiết kế vĩ đại và đã thiết kế nên sự tiến bộ xã hội vĩnh viễn của con người”. Thật
là một bình luận xác đáng! Lý do học thuyết Mác luôn đầy sức sống là ở chỗ, chủ
nghĩa Mác là một lý luận khoa học về sự tiến bộ không ngừng và sự phát triển
sáng tạo của xã hội loài người, nó luôn theo kịp với thời đại và đó chính là cái làm
nên nền tảng, linh hồn của chủ nghĩa Mác, đồng thời là chìa khoá duy trì sức sống
mạnh mẽ và linh hoạt cho chủ nghĩa Mác trong suốt hơn 150 năm qua. Những tư
tưởng sinh thái học và lý luận kinh tế sinh thái của C.Mác là lý luận khoa học,
chứa đựng tính hiện thực mạnh mẽ nhất và cả những đặc trưng của thời đại. Giờ
đây, những lý luận này càng bộc lộ đầy đủ những giá trị khoa học hiện đại và sức
sống mãnh liệt của nó. Vì thế, việc xây dựng kinh tế học sinh thái mácxít mang
đặc sắc Trung Quốc là một nhiệm vụ cao cả của những nhà nghiên cứu kinh tế
mácxít Trung Quốc.
2. Chủ nghĩa Mác sinh thái, ra đời vào những năm 70 của thế kỷ XX, là kết quả tất
yếu của thời đại mà sự sản sinh và hình thành nên nó có quan hệ sâu sắc với nền
tảng xã hội và lịch sử; đồng thời, là một biểu trưng cho sự phát triển mới của chủ
nghĩa Mác. Chủ nghĩa Mác sinh thái là sự kết hợp giữa sinh thái học hiện đại và
chủ nghĩa Mác, là sự phát triển về mặt lý luận góp phần đưa nền văn minh nhân
loại chuyển từ nền văn minh công nghiệp sang nền văn minh sinh thái hiện đại.
Với tư cách một trường phái mácxít, ảnh hưởng của nó đang ngày càng lớn. Ảnh
hưởng đó cho thấy nhu cầu cần phải có một sự tổng kết về mặt lý luận đối với chủ
nghĩa Mác ở vào thời điểm mang tính bước ngoặt này của nền văn minh hiện đại.
Để nhận thức mối quan hệ giữa chủ nghĩa Mác và sinh thái học, các học giả
mácxít ngoài Trung Quốc đã trải qua ba giai đoạn, đó là chủ nghĩa Mác sinh thái,
chủ nghĩa xã hội sinh thái và sinh thái học Mác. Khi Foster - học giả Mỹ nổi tiếng,
người đứng đầu trường phái Mác, sửa đổi lý luận sinh thái Mác cũng là thời điểm
xác nhận giai đoạn sinh thái học Mác chính thức xâm nhập vào chủ nghĩa Mác tại
phương Tây, chủ nghĩa Mác sinh thái đã đạt đến giai đoạn chín muồi và hoàn tất
giai đoạn hình thành của nó. Thành tựu của lý luận này là ở chỗ, nó đã xây dựng
được một khung lý thuyết sinh thái học cho hệ thống lý luận hoàn chỉnh của chủ
nghĩa Mác, cho thấy C.Mác thực sự là một nhà sinh thái học và cuối cùng, nó là cơ
sở cho phép khẳng định rằng, C.Mác đã giải quyết những vấn đề môi trường - sinh
thái trong tiến trình văn minh hiện đại. Vì thế, nó cung cấp một khung tư duy và
nguồn tư tưởng cho việc làm sống lại lý luận mácxít, gồm triết học – sinh thái,
kinh tế học sinh thái và xã hội học sinh thái của C.Mác. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một
nhược điểm rất rõ về mặt lý luận trong chủ nghĩa Mác sinh thái, đặc biệt là ở
những nước phát triển: có nhiều trường phái chủ nghĩa Mác sinh thái với những
quan điểm cụ thể rất khác biệt. Bởi vậy, những quan điểm này cần được làm rõ và
phải được phê phán trên tinh thần khoa học.
3. Nhìn chung, chủ nghĩa Mác sinh thái được các học giả phương Tây xây dựng
nên, nó chủ yếu được trình bày theo khuôn mẫu triết học của chủ nghĩa Mác sinh
thái, cái khuôn mẫu đã từng là một đóng góp cho sự hình thành chủ nghĩa Mác
mới về mặt triết học của những học giả phương Tây, đặc biệt là những nhà triết
học mácxít ở Bắc Mỹ. Nó cũng là thành tựu nghiên cứu sáng tạo trong việc phát
triển chủ nghĩa Mác về mặt triết học trong tình hình hiện tại. Từ những năm 80 của
thế kỷ XX, một số nhà triết học Trung Quốc đã tiến hành nghiên cứu những nội
dung của triết học sinh thái mácxít, nhưng có rất ít những nghiên cứu về tư tưởng
sinh thái học của C.Mác; đặc biệt, không có một nghiên cứu nào xuất phát từ việc
cải tổ lại khuôn mẫu triết học, còn chủ đề hình mẫu triết học mới của chủ nghĩa
Mác sinh thái với những đặc trưng khác biệt của Trung Quốc thì gần như rất đơn
độc. Vì vậy, nghiên cứu chủ nghĩa Mác sinh thái cả ở trong và ngoài Trung Quốc
mới chỉ hạn chế trong phạm vi của triết học sinh thái mácxít. Thậm chí, ngay cả
khi một số học giả nước ngoài đã đề cập đến khía cạnh kinh tế của chủ nghĩa Mác
sinh thái, chẳng hạn như giáo sư kinh tế Paul Burkett của Đại học Indiana đã thảo
luận một số lý luận quan trọng và những vấn đề thực tiễn của kinh tế học sinh thái
mácxít trong cuốn sách C.Mác và Tự nhiên của ông, một cuốn sách cũng đồng thời
mang một chủ đề triết học, thì họ cũng chưa xây dựng được một mô hình kinh tế
học sinh thái mácxít dựa trên cơ sở đổi mới mô hình kinh tế. Phải nói rằng, thật
đáng tiếc cho việc nghiên cứu lý thuyết và chủ nghĩa Mác sinh thái cả trong lẫn
ngoài nước.
4. Ngay từ đầu những năm 80 của thế kỷ vừa qua, các nhà kinh tế học Trung
Quốc, đại diện là nhà kinh tế học mácxít nổi tiếng Xu Dixin, đã nhất trí với nhau
về một số nội dung của kinh tế học sinh thái mácxít trong tiến trình xây dựng nền
kinh tế học sinh thái mácxít ở Trung Quốc. Với tư cách người đặt nền móng cho
kinh tế học sinh thái mácxít, trong bài báo Chủ nghĩa Mác và kinh tế học sinh
tháinhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của C.Mác, Xu Dixin viết, “Trong rất nhiều
tác phẩm của mình, đặc biệt trong kiệt tác bất hủ Tư bản, C.Mác đã từng một vài
lần đề cập đến sự cân bằng sinh thái, đến sự chuyển hoá giữa con người và tự
nhiên và những vấn đề khác”; “Không còn nghi ngờ gì nữa, sự chuyển hoá
(metabolism) giữa con người và tự nhiên trong quá trình lao động được C.Mác
trình bày bao hàm cả ý nghĩa sinh thái hệ. Sự chuyển hoá này bàn về ý nghĩa của
mối quan hệ qua lại lẫn nhau giữa con người (hình thành nên xã hội) và hệ thống
môi trường mà con người đang sống”. Nói chính xác hơn, đây là những vấn đề
phải được kinh tế học sinh thái nghiên cứu. Đó cũng chính là bước đi đầu tiên của
việc nghiên cứu kinh tế học sinh thái mácxít tại Trung Quốc.
Với sự khởi đầu của Xu Dixin, Cheng Fulu, những nhà nghiên cứu kinh tế sinh
thái đầu tiên tại Trung Quốc, tôi đã tiến hành một số nghiên cứu về mối quan hệ
tương tác giữa kinh tế học mácxít và sinh thái học hiện đại. Những thành công đạt
được nằm trong luận án Nghiên cứu những vấn đề lý luận của kinh tế học sinh
tháicủa tôi, xuất bản năm 1989 và đã đoạt giải nhì trong Cuộc thi những thành tích
trong khoa học nghệ thuật của Đại học Trung Quốc lần thứ nhất và trong
cuốn Kinh tế học môi trường của Cheng xuất bản năm 1993. Trong những tác
phẩm trên, một số nguyên lý cơ bản và những nội dung quan trọng đã được nghiên
cứu.
Sau cuộc gặp về môi trường và phát triển tại Hoa Kỳ năm 1992, dưới ánh sáng của
chủ nghĩa Mác, một số học giả Trung Quốc đã nhận thấy rằng, rất nhiều kết luận
trong hệ thống lý luận của C.Mác là những diễn đạt sâu sắc nhất về sự phát triển
bền vững và là những tư tưởng về một nền kinh tế phát triển bền vững. Vì thế, một
kết luận được rút ra là: C.Mác chính là nhà lý luận tiền phong cho rằng con người
nên tuân theo cách phát triển bền vững. Đây cũng chính là nhiệm vụ mang tính
chiến lược cho việc cải cách và phát triển kinh tế học mácxít hiện nay lên một tầm
cao mới nhằm làm sáng tỏ những thành tựu liên quan đến kinh tế học sinh thái
mácxít trong những nghiên cứu ban đầu của chúng ta về kinh tế học - sinh thái,
triết học - sinh thái, xã hội học - sinh thái và lý luận về phát triển bền vững, phác
thảo những phạm trù, lý luận và đặc điểm cơ bản của kinh tế học sinh thái mácxít
trên cơ sở những thay đổi trong khuôn mẫu kinh tế học; đồng thời, xây dựng kinh
tế học sinh thái mácxít với những đặc trưng riêng của Trung Quốc.
5. Hai thái cực trong nghiên cứu khoa học về chủ nghĩa Mác mà chúng ta nên
tránh là: chỉ nhấn mạnh nghiên cứu dựa trên cơ sở ba bộ phận cấu thành của chủ
nghĩa Mác, mà lờ đi việc nghiên cứu tổng thể hệ thống lý luận của chủ nghĩa Mác;
ngược lại, chỉ nhấn mạnh đến cái sau (nghiên cứu tổng thể hệ thống lý luận) mà lờ
đi cái trước (nghiên cứu ba bộ phận cấu thành) thì cũng không phải là một cách
làm giàu hay phát triển khoa học mácxít. Bản thân học thuyết Mác là sự thống
nhất thực sự, như C.Mác đã nói: “Bất chấp những gì còn là thiếu sót trong các tác
phẩm của tôi, thì đó vẫn là một tác phẩm có lợi, đó là một sự tích hợp đầy nghệ
thuật”(1). Vì vậy, việc nghiên cứu toàn diện, nắm bắt và phát triển trọn vẹn hệ
thống học thuyết Mác phải được đề cao. Tuy nhiên, nghiên cứu toàn diện không
phải chỉ là sự thay thế hay thậm chí phủ nhận từng bộ phận của chủ nghĩa Mác,
càng không phải là nghiên cứu 3 bộ phận cấu thành của chủ nghĩa Mác một cách
riêng rẽ, mà là tiến hành một nghiên cứu sâu hơn, cải cách và phát triển triết học
mácxít, kinh tế học mácxit và chủ nghĩa xã hội khoa học. Trên phương diện này,
tôi rất nhất trí với quan điểm của Giáo sư Gao Fang: “Để tăng cường nghiên cứu
toàn diện chủ nghĩa Mác thì không có nghĩa là xem nhẹ những nghiên cứu độc lập
từng bộ phận cấu thành của chủ nghĩa Mác, mà là phải nghiên cứu chủ nghĩa Mác
đạt đến trình độ tổng hợp và bổ sung cao hơn ba bộ phận cấu thành của nó”. Hiện
nay, chúng ta nên tăng cường hơn nữa nghiên cứu tích hợp mối quan hệ qua lại
giữa những bộ phận của chủ nghĩa Mác sinh thái trên cơ sở nghiên cứu toàn diện
khoa học sinh thái mácxít, cụ thể là tăng cường nghiên cứu sự giao thoa và kết hợp
giữa triết học và kinh tế học sinh thái mácxít nhằm xây dựng nên một ngành kinh
tế học sinh thái mácxít – với tư cách một hình mẫu kinh tế học mácxít mới.
6. Xây dựng kinh tế học sinh thái mácxít và tăng cường nghiên cứu toàn diện học
thuyết Mác là một nhiệm vụ quan trọng. Ở đây, việc nghiên cứu toàn diện này sẽ
tạo ra ba ảnh hưởng: thứ nhất, khi xem xét và suy ngẫm lại những tư tưởng lỗi lạc
của C.Mác và Ph.Ăngghen, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy có một số lý luận và tư
tưởng phong phú liên quan đến sinh thái học và kinh tế học – sinh thái, chúng
cung cấp những nguyên lý cơ bản cho việc hình thành kinh tế học sinh thái
mácxít; thứ hai, để vững tin vào tư tưởng lịch sử – tự nhiên của học thuyết Mác,
trong đó mối quan hệ gắn bó, cùng phát triển giữa con người, xã hội và tự nhiên là
nền tảng và là linh hồn của học thuyết Mác. Trên thực tế, C.Mác đã đề xuất ba
nhân tố cơ bản khi ông bắt đầu xây dựng học thuyết của mình: đó là tự nhiên, con
người, xã hội và chỉnh thể hữu cơ của ba nhân tố đó. Vì thế, trong lịch sử tư tưởng
loài người, C.Mác là nhà lý luận đầu tiên bàn về mối quan hệ thống nhất biện
chứng giữa giải phóng con người, giải phóng xã hội và giải phóng tự nhiên. Theo
nghĩa này, học thuyết Mác là một trong những học thuyết giải phóng con người và
tự nhiên, một học thuyết làm thành giá trị và nguyên tắc cao nhất của kinh tế học
sinh thái mácxít. Giá trị và nguyên tắc này nằm ở cơ sở khoa học và đúng đắn của
kinh tế học sinh thái mácxít. Cũng theo nghĩa này, chúng ta có thể định nghĩa kinh
tế học sinh thái mácxít là khoa học vạch ra quy luật, cơ chế tổ chức thống nhất, sự
vận động và phát triển của nó, đó cũng là kinh tế học mácxít theo nghĩa rộng. Thứ
ba, phải tiến hành những nghiên cứu toàn diện về tư tưởng kinh tế học sinh thái
của C.Mác bắt đầu từ từng bộ phận cấu thành của nó, tức là thông qua nghiên cứu
từng phần của bộ phận đó, nhằm đạt được một sự hợp nhất kinh tế sinh thái học
của C.Mác về mặt lý luận trên một trình độ cao hơn; từ đó, cung cấp cơ sở lý luận
cho triết học, kinh tế học, xã hội học mácxít và đặc biệt là sinh thái học mácxít.
7. Từ lâu nay, kinh tế học truyền thống của cả phương Đông lẫn phương Tây đều
tách biệt giữa sinh thái học tự nhiên và kinh tế - xã hội. Kinh tế học mácxít cũng
trong tình trạng như vậy. Về mặt lý luận, kinh tế học mácxít không tính đến khung
lý thuyết, những tư tưởng sinh thái học của C.Mác; cho nên, trong kinh tế học
mácxít truyền thống, không có sự kết nối giữa lý luận kinh tế học và tư tưởng sinh
thái học của C.Mác. Nó cũng không làm rõ được về mặt sinh thái học ý nghĩa của
môi trường - sinh thái tự nhiên đối với nền văn minh hiện đại và sự phát triển kinh
tế - xã hội của con người. Trên thực tế, do ảnh hưởng của nền văn minh công
nghiệp tư bản chủ nghĩa, lý luận này đã “lờ đi” sự tha hoá và thực tại của nền văn
minh tư bản, đặc biệt nó đã “lờ đi” cái thực tại tương tự như vậy hiện vẫn tồn tại
trong tiến trình văn minh hoá và phát triển xã hội chủ nghĩa. Nó cũng không chú ý
đến chức năng cơ bản mang tính quyết định của môi trường tự nhiên đối với sự
phát triển kinh tế và xã hội hiện đại cả trong chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội.
Kinh tế học mácxít truyền thống đã đánh mất tiếng nói và chức năng dẫn dắt của
nó trong việc giải quyết những vấn đề khủng hoảng sinh thái toàn cầu hay sự phát
triển bền vững mà xã hội hiện đang đặt ra. Vì vậy, một khía cạnh quan trọng nữa
trong sự phát triển kinh tế học mácxít truyền thống là phải tính đến tư tưởng sinh
thái học của C.Mác, phải đưa lý luận về môi trường sinh thái tự nhiên của C.Mác
vào cái khung lý thuyết của chính bản thân nó để thích nghi với nhu cầu khách
quan của nền văn minh hiện đại và nhu cầu phát triển. Đồng thời, một nhiệm vụ
quan trọng khác là phải xây dựng kinh tế học sinh thái mácxít theo hình mẫu mới
của kinh tế học mácxít. Trên quan điểm về sự thống nhất nội tại giữa sinh thái học
và kinh tế học mácxít, quy luật khách quan của sự vận động và phát triển hệ thống
kinh tế - sinh thái hiện đại phải được lột tả xung quanh chủ thể của mối quan hệ
phát triển giữa hoạt động kinh tế của con người và sinh thái học tự nhiên. Vì thế,
chúng ta phải làm sống lại lý luận kinh tế sinh thái học của C.Mác trên cơ sở sinh
thái học tự nhiên và kinh tế - xã hội, vượt qua những hạn chế mà lý luận kinh tế
học mácxít truyền thống đã không thể giải quyết nổi hoặc không thể giải quyết
được triệt để vấn đề mối quan hệ giữa hoạt động kinh tế của con người và môi
trường - sinh thái tự nhiên. Cuối cùng, từ mọi phương diện, cần phải xác định
được vị trí tiếng nói và chỉ dẫn mà C.Mác và chủ nghĩa Mác đã nêu ra trong việc
giải quyết cuộc khủng hoảng đời sống xã hội hiện đại và sự phát triển không bền
vững của nền kinh tế xã hội hiện đại. Điều này có thể làm nên một sự chuyển biến
về chất trong lịch sử kinh tế học mácxít.
8. Hai nguyên lý cơ bản phải được xem xét trong xây dựng khung lý thuyết cho
kinh tế học sinh thái mácxít là: 1) Nội dung, nguyên lý cơ bản, bản chất tinh thần
và phương pháp tư duy của học thuyết Mác phải phù hợp với nhau, đặc biệt là lập
luận chặt chẽ và những quan điểm lý luận kinh tế học sinh thái trong sinh thái học
và kinh tế học của C.Mác phải được thể hiện một cách trọn vẹn và toàn diện. 2)
Chủ đề của thời đại và cơ sở thực tiễn của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội
mang đặc sắc Trung Quốc phải được phản ảnh ở trong đó. C.Mác đã chỉ ra rằng,
tất cả những nội dung thực sự của các hệ thống trong mọi thời đại đều được hình
thành xuất phát từ nhu cầu đòi hỏi trong bản thân những thời đại đó và tất cả
những hệ thống này đều dựa trên cơ sở tổng thể phát triển của đất nước đó trong
quá khứ. Tôi cho rằng, trên cơ sở hai đòi hỏi đó, việc xây dựng khung lý thuyết
của kinh tế học sinh thái mácxít sẽ phải chứa đựng nội dung dựa trên 5 trình độ
khác biệt sau đây:
Thứ nhất, phải xác lập được điều kiện tiên quyết cơ bản với tư cách cơ sở lý luận
xuất phát từ sự hợp nhất học thuyết Mác, từ đó có thể tiến hành nghiên cứu những
tư tưởng kinh tế sinh thái của C.Mác; đồng thời, đặt cơ sở cho triết học, xã hội
học, kinh tế học và sinh thái học mácxít đối với kinh tế học sinh thái mácxít.Thứ
hai, một điểm khởi đầu về mặt lôgíc khoa học, chẳng hạn như học thuyết về sự
thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập của C.Mác, học thuyết về sự thống
nhất bên trong giữa nhân tố tự nhiên và nhân tố kinh tế - xã hội phải được xác lập
và trở thành điểm khởi đầu cho nghiên cứu kinh tế học sinh thái mácxít.Thứ ba,
cần phải xây dựng được mạch nguồn chính, chẳng hạn như lý luận về mối quan hệ
chuyển hoá mang tính kinh tế – sinh thái giữa con người và giới tự nhiên của
C.Mác, cái lý luận đã làm rõ một cách sâu sắc bản chất của kinh tế - sinh thái, tôi
gọi đó là lý luận về bản chất kinh tế – sinh thái. Bản chất này xác định rằng, quan
điểm phát triển của học thuyết Mác là sự thống nhất hữu cơ giữa tư tưởng phát
triển kinh tế - xã hội và tư tưởng phát triển sinh thái tự nhiên; đồng thời, nó cũng
là ranh giới sống của kinh tế học sinh thái mácxít. Thứ tư, một quan niệm cốt lõi
cơ bản mang tính khách quan, chẳng hạn như lý luận về nguyên nhân bên trong
của môi trường sinh thái của C.Mác, là lý luận về sự chuyển hoá những yếu tố
biến đổi bên ngoài thành những yếu tố biến đổi bên trong cần phải được xác lập;
nhờ đó, sự đổi mới và phát triển lý luận kinh tế trong thế kỷ XXI có thể được thực
hiện thông qua việc tạo lập một sự vận hành kinh tế bền vững và phát triển môi
trường – sinh thái. Đồng thời, đây cũng là tư tưởng hạt nhân của kinh tế học sinh
thái mácxít. Thứ năm, một nhánh lý thuyết cơ bản mới phản ánh tính nhị nguyên
của kinh tế – sinh thái, phản ánh sự biến đổi vật chất, lý thuyết sinh hoá nội tại của
môi trường - sinh thái, lý luận toàn diện về sản xuất, lực lượng sản xuất theo nghĩa
rộng, sự luân chuyển vật chất, sự phát triển đầy đủ của nền văn minh,... phải được
xây dựng và làm thành lý luận cơ bản cho những phần chủ yếu của kinh tế học
sinh thái mácxít.
9. Lý luận kinh tế học sinh thái mácxít sẽ chỉ ra rằng, C.Mác là nhà thám hiểm
sớm nhất lý luận về sự phát triển kinh tế - sinh thái bền vững và là người tiền
phong cho tư tưởng xã hội xã hội chủ nghĩa phát triển hài hoà. Học thuyết Mác,
như V.I.Lênin đã nói, là học thuyết hoàn bị nhất và sâu sắc nhất về sự phát triển.
Vì thế, học thuyết Mác mãi mãi là một tư tưởng khoa học về phát triển. Theo quan
niệm lịch sử tự nhiên của C.Mác, tư tưởng khoa học về phát triển phải là sự thống
nhất giữa phát triển kinh tế - xã hội và tư tưởng về phát triển – sinh thái trên cơ sở
lấy sự thống nhất giữa con người và sinh thái làm cội rễ tư tưởng của nó. Trong
học thuyết về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản của C.Mác, tư tưởng về xã
hội hài hoà và hợp tác xã hội mà con người đã theo đuổi hàng triệu năm có thể trở
thành hiện thực trong chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Nền văn minh cộng
sản chủ nghĩa là hình dung cao nhất về sự hài hoà và hợp tác giữa con người với tự
nhiên, giữa con người với con người. Trong khi lực lượng sản xuất vật chất phát
triển cao có thể mang lại sự hài hoà về kinh tế, thì sự phát triển cao của tự nhiên có
thể đưa đến sự hài hoà - sinh thái, hai thứ đó là ngưỡng cửa để nhân loại bước vào
nền văn minh xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Có thể nói một cách không
nghi ngờ rằng, xã hội xã hội chủ nghĩa hài hoà là sự thể hiện đầy đủ nhất thuộc
tính kinh tế – sinh thái, sinh thái học và đặc trưng của chủ nghĩa xã hội. Vì thế,
mục tiêu thực tiễn của việc xây dựng kinh tế học sinh thái mácxít rõ ràng là cung
cấp một cách thức tư duy mới cho giai đoạn phát triển từ nền văn minh công
nghiệp sang nền văn minh – sinh thái. Nhờ đó, những chức năng dẫn dắt và khích
lệ của kinh tế học Mácxít đối với tư tưởng phát triển khoa học thực tiễn, đối với
xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa hài hoà và thúc đẩy sự phát triển hợp tác toàn
diện, bền vững của nền văn minh xã hội chủ nghĩa sẽ đóng một vai trò cơ bản.
10. Tăng cường nghiên cứu kinh tế học sinh thái mácxít không chỉ theo nghĩa nhấn
mạnh nghiên cứu học thuyết của C.Mác, Ph.Ăngghen và những nguyên lý cơ bản
của chủ nghĩa Mác, mà còn là sự phát triển mới chủ nghĩa Mác theo kiểu Trung
Quốc, điển hình là những thành tựu lý luận của chủ nghĩa Mác mang đặc sắc
Trung Quốc. Chủ nghĩa Mác mang đặc sắc Trung Quốc, chẳng hạn không chỉ sự
phát triển kinh tế - sinh thái mácxít bền vững trong lĩnh vực nghiên cứu chính trị,
mà cả những thành tựu cải cách to lớn của nó trên phương diện lý luận phát triển
kinh tế – sinh thái bền vững trong lĩnh vực học thuật ở Trung Quốc cũng phải
được tiến hành. Tất cả những điều này đã được thể hiện trong ba giai đoạn sau
đây: 1) Từ cuối những năm 70 đến cuối những năm 1980 của thế kỷ XX, những
học giả Trung Quốc đã đưa ra lý luận kinh tế – sinh thái lấy lý thuyết về phát triển
kinh tế – sinh thái hài hoà làm hạt nhân. Đây là một đóng góp chủ yếu về mặt lý
luận đối với sự phát triển lý luận kinh tế - sinh thái của C.Mác. 2) Từ những năm
90 của thế kỷ XX, những học giả Trung Quốc đã nêu lên tư tưởng kinh tế học phát
triển bền vững trên nền tảng phát triển hài hoà kinh tế – sinh thái, coi đó là cơ sở
lý luận chủ yếu để phát triển tư tưởng về phát triển bền vững trong quan niệm kinh
tế – sinh thái của C.Mác. 3) Từ giai đoạn cải cách và mở cửa của Trung Quốc,
những nhà lãnh đạo Trung ương thế hệ thứ hai và Uỷ ban Trung ương Đảng dưới
sự dẫn dắt của ông Hồ Cẩm Đào, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã bắt
đầu một cục diện mới trong nỗ lực gắn kết kinh tế học sinh thái mácxít với thực
tiễn Trung Quốc, xây dựng nên một học thuyết mới về phát triển kinh tế – sinh
thái bền vững giữa xây dựng kinh tế và dân số, tài nguyên và môi trường; đồng
thời, xây dựng lý luận phát triển kinh tế - sinh thái mácxít bền vững cho giai đoạn
mới. Vì thế, việc hệ thống hoá, tổng kết những lý luận này trên một cấp độ mới
của chủ nghĩa Mác sinh thái và xây dựng kinh tế học sinh thái mácxít mang đặc
sắc Trung Quốc là nhiệm vụ cấp bách. Đây cũng là sự phát triển mới, theo kịp với
thời đại của kinh tế học mácxít.r
Người dịch: ThS.NGUYỄN THỊ LAN HƯƠNG
(Viện Triết học. Viện Khoa học xã hội Việt Nam)
(*) Bài tham luận tại Diễn đàn Hiệp hội Kinh tế Chính trị học thế giới lần thứ
nhất, Đại học Kinh tế Tài chính Thượng Hải, tháng 4 - 2006.
(**) Viện Khoa học xã hội Quảng Tây, Trung Quốc.
(1) Tập hợp những thư từ (về Tư bản) của C.Mác và Ph.Ăngghen. bản in năm
1976. Nxb Nhân Dân, tr.196.

VỀ KHÁI NIỆM “TINH THẦN TUYỆT ĐỐI” TRONG TRIẾT HỌC HÊGHEN

NGUYỄN CHÍ HIẾU (*)


Luận giải và làm rõ nội dung của khái niệm “Tinh thần tuyệt đối” trong triết học
Hêghen, trong bài viết này, trước hết tác giả bài viết đã làm rõ vị trí của khái niệm
này trong Triết học tinh thần của ông, đồng thời luận giải quá trình đi từ nhận thức
cái Tuyệt đối đên nhận thức cái Tinh thần ở ông. Với Hêghen, cái Tinh thần là sự
thống nhất giữa ý thức và tự ý thức, là quá trình nó tự vận động, sự biểu hiện và tự
nhận thức mình theo tính tất yếu và đó chính là Ý niệm đã trở lại với chính mình;
Tinh thần tuyệt đối là sự “dung hoà hoàn hảo” giữa tự nhiên và tinh thần, giữa tinh
thần chủ quan và tinh thần khách quan – sự dung hoà của tất cả các mặt đối lập
trong quá trình nhận thức tính tất yếu của nó, là tư duy của tinh thần về chính bản
thân mình với tư cách chân lý tuyệt đối, vừa là kết quả vừa là quá trình tinh thần tự
nhận thức bản thân mình thông qua con người, xã hội loài người và lịch sử. Tiếp đó,
tác giả bài viết đưa ra những nhận xét sơ bộ về khái niệm Tinh thần tuyệt đối của
Hêghen.
Đối với Hêghen (1770-1831), triết học là tinh hoa tinh thần của thời đại, là thời đại
thể hiện dưới hình thức tư tưởng. Triết học Hêghen đã phản ánh sâu sắc những biến
động mang tính cách mạng của thời đại ông, đặc biệt là sự khủng hoảng của xã hội
phong kiến Tây Âu trước sự xuất hiện của một xã hội mới, xã hội tư bản chủ nghĩa
và các thành tựu của nhận thức khoa học ngày càng làm phá sản các quan niệm siêu
hình. Ngay trong Lời nói đầu của Hiện tượng học tinh thần (1807) – tác phẩm đánh
dấu bước ngoặt của triết học Hêghen, ông đã viết: “Dễ dàng nhận thấy thời đại chúng
ta là thời đại xuất hiện và đang chuyển biến sang một giai đoạn mới. Tinh thần đã
đoạn tuyệt với tồn tại và với cả quan niệm về thế giới trước đây, thậm chí nó còn sẵn
sàng nhấn chìm tồn tại đó vào quá khứ và tiến hành tự cải biến mình”(1). Vốn là nhà
triết học duy tâm, khi lý giải về cá nhân, xã hội và lịch sử, Hêghen đã dành cho “tinh
thần” nói riêng, Triết học tinh thầnnói chung một vai trò đặc biệt trong hệ thống triết
học của ông, trong đó “tinh thần” phải trải qua quá trình tự vận động và phát triển
đầy “khổ đau” và “bi đát” để vươn tới “Tinh thần tuyệt đối”.
Chính vì vậy, mỗi khi đề cập tới nền tảng và bản chất của hệ thống triết học Hêghen,
người ta không thể không nói tới khái niệm căn bản - “Tinh thần tuyệt đối” mà theo
chúng tôi, chỉ có thể hiểu được trong mối quan hệ với toàn bộ hệ thống đã được
Hêghen dày công xây dựng và và xem nó như là kết quả của sự tự nhận thức “triết
học” và như là sự hiện thân của “lịch sử thế giới”. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ
trình bày một số nội dung chính của khái niệm “Tinh thần tuyệt đối”.
Hêghen cho rằng, do “chân lý là chỉnh thể” nên tri thức phải là một hệ thống và đó
cũng là cách trình bày duy nhất có thể có của khoa học (được hiểu là triết học). Với
quan niệm này, ông đã trình bày hệ thống triết học của mình một cách cô đọng và
hoàn chỉnh trong Bách khoa thư các khoa học triết học(2), bao gồm ba phần: I. Lôgíc
học - khoa học về ý niệm tự nó và cho nó; II. Triết học tự nhiên - khoa học về ý niệm
trong tồn tại khác của nó; và III. Triết học tinh thần - khoa học về tinh thần với tư
cách ý niệm tự trở về với bản thân mình từ tồn tại khác của mình.
Tuy nhiên, theo Hêghen, sự phân chia đó chỉ có ý nghĩa tương đối, bởi cả ba “khoa
học đặc thù” ấy đều chỉ là các “tính quy định của ý niệm” và do vậy, chúng có quan
hệ hữu cơ với nhau như những bộ phận của một chỉnh thể. Và, trong hệ thống triết
học của mình, Hêghen đã cố gắng giải quyết những vấn đề triết học căn bản, xuất
hiện từ triết học của các bậc tiền bối, như sự đối lập giữa chủ thể nhận thức và thế
giới, giữa giới tự nhiên và sự tự do, giữa cá nhân và xã hội, giữa tinh thần hữu hạn và
tinh thần vô hạn.
Mục đích của triết học, theo Hêghen, là nhận thức cái Tuyệt đối. Nói cách khác, cái
Tuyệt đối được ông coi là đối tượng duy nhất của triết học. Rõ ràng rằng, khái niệm
“cái Tuyệt đối” đã được Hêghen kế thừa trực tiếp từ Triết học đồng nhất của Sêlinh,
được hiểu là sự đồng nhất giữa chủ thể và khách thể, giữa tinh thần và hiện thực,
giữa nội dung và hình thức. Ông coi Triết học đồng nhất của Sêlinh, trong đó “giới
tự nhiên là tinh thần nhìn thấy, còn tinh thần là giới tự nhiên không nhìn thấy”, là chủ
nghĩa duy tâm khách quan. Ông đánh giá cao việc Sêlinh đã hợp nhất quan niệm coi
giới tự nhiên như một thực thể trong triết học Xpinôda với cái Tôi tuyệt đối của
Phíchtơ và thừa nhận nhà triết học này là người có công đầu trong việc đặt ra vấn đề
về sự đồng nhất. Tuy vậy, theo Hêghen, hạn chế cơ bản của Sêlinh là ở chỗ, trong
triết học của ông, sự đồng nhất đó chỉ có thể được nhận thức nhờ trực giác trí
tuệ (intellektuelle Anschauung) và do vậy, ông chỉ mới đưa ra định nghĩa về cái
Tuyệt đối chứ “không chứng minh được nó là chân lý”(3). Sêlinh đã không chỉ ra
được tính tất yếu của tiến trình phát triển lôgíc theo các quy tắc biện chứng trong học
thuyết của mình và do vậy, cái Tuyệt đối ở ông, như Hêghen nhận xét một cách châm
biếm, đã xuất hiện nhanh “như viên đạn bắn ra khỏi nòng súng vậy”. Hêghen cho rằng,
cái Tuyệt đối phải được nhận thức nhờtư duy - tư duy theo cách hiểu của riêng ông -
dưới “hình thức lôgíc”. Và, chúng ta cần phải hiểu bản thân cái Tuyệt đối là một “sự
vận động tự vượt bỏ chính mình thông qua mâu thuẫn giữa các mặt đối lập”, tức là
một quá trình.
Người ta vẫn cho rằng, cái Tuyệt đối không có khả năng phát triển. Trái ngược với
quan niệm ấy, Hêghen khẳng định rằng, chẳng có gì là mâu thuẫn khi cái Tuyệt đối
tự phát triển. Giống như một cơ thể sống, một mặt, nó vẫn là chính nó và, mặt khác,
vẫn đang phát triển, cái Tuyệt đối, theo Hêghen, cũng vậy, chỉ có điều là, khác với cơ
thể sống là cái nhận được chất liệu cho sự phát triển của mình từbên ngoài (được hiểu
là giới tự nhiên), cái Tuyệt đối tự sáng tạo ra chất liệu cho sự phát triển của mình từ
chính bản thân mình.
Ý niệm, về bản chất, là một quá trình thường xuyên giải quyết mâu thuẫn trong bản
thân mình để hướng tới Ý niệm tuyệt đối. Phần thứ nhất của Bách khoa thưđã được
Hêghen kết thúc ở sự nhận thức Ý niệm tuyệt đối với tư cách lôgíc học và siêu hình
học. Kết quả cuối cùng này của khoa học lôgíc lại được Hêghen lấy làm “sự khởi đầu
cho một lĩnh vực khác và cho một khoa học khác”. Bởi lẽ, theo ông, cho dù bản thân
Ý niệm tuyệt đối, trong sự hoàn tất của nó như tổng thể tuyệt đối của chân lý, vẫn
còn “bị giam hãm trong tính chủ quan (Subjektivitọt)”(4) và nó “quyết định thả tự
nhiên ra khỏi bản thân mình”(Đ 244, tr.393). Do vậy, giới tự nhiên không phải là cái
đứng “đối diện” với Ý niệm và giữa Ý niệm với tự nhiên (cũng như giữa lôgíc học và
triết học tự nhiên) không có một hố sâu nào ngăn cách chúng.
Triết học tinh thần phải nối tiếp Triết học tự nhiên vì tinh thần là “mục đích” của quá
trình tự nhiên. Hêghen nói một cách hình ảnh rằng, mục đích của giới tự nhiên là “tự
mình kết liễu mình, tự mình đốt cháy mình” để rồi, từ trong đống tro tàn ấy, “con
phượng hoàng lửa” vùng dậy trở thành tinh thần. Tuy nhiên, bước chuyển từ tự nhiên
sang tinh thần không phải là bước chuyển sang một cái gì đó khác, mà chỉ là “sự
quay trở lại chính mình của tinh thần đang tồn tại ở bên ngoài mình trong tự
nhiên”(Đ381, tr.25). Theo chúng tôi, quan niệm này của Hêghen đã bộc lộ rõ tính
chất duy tâm, thần bí trong triết học của ông. Song, nếu đọc Hêghen một cách duy
vật (như V.I.Lênin đã dạy) thì ở ông, toát lên một tư tưởng quan trọng: mối quan hệ
khăng khít, gắn bó hữu cơ giữa con người và giới tự nhiên.
Triết học tinh thần là quan niệm của Hêghen về tư duy với tất cả tính toàn vẹn và
sâu sắc của nó. Ở đây, tư duy vẫn giữ lại tính chất “duy lôgíc” ban đầu và đồng thời
triển khai trên cơ sở “tinh thần hiện thực” những nội dung phong phú của mình, nhận
được một ý nghĩa cụ thể, “hiện thực hoá khái niệm của bản thân mình”(5).
Chính Triết học tinh thần (trong lĩnh vực tinh thần tuyệt đối) đã đem lại sự “kết thúc”
cho quá trình phát triển đó – mọi mục đích định trước được “hiện thực hoá”, cái lôgíc
và tư duy ở các hình thức cao nhất của mình “quay trở về” với bản thân mình.
Nhận thức về tinh thần, theo Hêghen, là nhận thức “cụ thể nhất và do vậy, là cao nhất
và khó khăn nhất”. Khó khăn xuất hiện là do chúng ta không còn ở ý niệm lôgíc trừu
tượng và đơn giản nữa, mà đã ở hình thức cụ thể nhất và phát triển nhất mà Ý niệm
đạt tới trong sự hiện thực hoá bản thân mình. Đối với ông, nhận thức về tinh thần
chính là nhận thức về bản chất của con người, vì bản thân con người, về thực chất,
chính là tinh thần. Bởi vậy, Triết học tinh thần, theo Hêghen, còn có ý nghĩa là “tri
thức về con người”.
Sự khảo sát tinh thần, theo Hêghen, chỉ có ý nghĩa triết học, nếu nó “hiểu đượctinh
thần với tư cách là sự phản ánh của ý niệm vĩnh cửu”(Đ377, tr.9). Mọi hoạt động của
tinh thần là sự nắm bắt chính bản thân mình và mục đích của mọi khoa học chân
chính chỉ là việc “tinh thần, ở khắp nơi, trên bầu trời và dưới mặt đất, tự nhận thức
chính bản thân mình mà thôi”. Đưa ra quan niệm này, song Hêghen lại phủ nhận khả
năng nhận thức tinh thần của tâm lý học. Theo ông, chỉ có triết học tư biện mới có
khả năng nhận thức được bản chất của tinh thần cũng như sự vận động và phát triển
tất yếu của nó. “Cái tư biện” (das Spekulative) không có nghĩa chỉ là một cái “hoàn
toàn chủ quan” theo ý nghĩa thông thường của từ này, mà là “cái bao chứa trong
mình những mặt đối lập đã được vượt bỏ và ở đó, lý trí phải dừng bước, (như vậy là
cả sự đối lập giữa cái chủ quan và cái khách quan), và do vậy, đồng thời chứng tỏ
mình là cụ thể, là chỉnh thể”(Đ82, tr.178).
Khác với sự phát triển của các sự vật, chẳng hạn như mầm cây (ví dụ của Hêghen),
sự phát triển của tinh thần là sự “quay trở về với chính mình”, tức là sự hoà nhập
làm một của điểm khởi đầu và điểm cuối, trong đó tinh thần đạt đến đích khi mà
“khái niệm của chính nó đã tự hiện thực hoá một cách toàn mỹ”. Theo Hêghen, chỉ
khi nào chúng ta xem xét tinh thần trong một quá trình như vậy thì chúng ta mới
nhận thức được “tinh thần trong chân lý của nó”. Và, bởi tinh thần, về bản chất và
trước hết, là “hoạt động”, cho nên, ở Hêghen, lịch sử chỉ là lịch sử của tinh thần. Bản
chất của tinh thần là tự do, vì “chân lý làm cho tinh thần trở nên tự do..., còn tự do
làm cho tinh thần trở nên chân thực”(Đ382, tr.26).
Theo Hêghen, tinh thần có giới tự nhiên là tiền đề, nhưng tinh thần là “chân lý của tự
nhiên”. Do vậy, ông đã bác bỏ mọi sự phát triển của giới tự nhiên và cho rằng, trong
lĩnh vực ấy chỉ có “sự vận động tuần hoàn mà thôi”. Nói cách khác, chỉ trong tinh
thần mới có sự phát triển, còn giới tự nhiên “phi tinh thần” thì không có khả năng tự
vận động và tự phát triển theo đúng nghĩa của các từ này. Điều này cho thấy, triết
học Hêghen thể hiện ra là duy lôgíc và trong triết học đó, Hêghen vẫn còn dựa vào tư
tưởng của Xpinôda khi cho rằng, ý niệm lôgíc là “thực thể tuyệt đối” của tinh thần
cũng như của giới tự nhiên và nó là cái phổ biến, thấm sâu vào tất cả. Song, ở
Hêghen, “thực thể” không cứng đờ và thụ động như ở Xpinôda, mà còn là “chủ thể”
đầy sống động, tức là mang tính tích cực, tự phát sinh và tự phát triển.
Như vậy, ở Hêghen, khái niệm “Tinh thần” được hiểu là sự thống nhất giữa ý thức
và tự ý thức, là quá trình nó tự vận động, tự biểu hiện và tự nhận thức mình theo tính
tất yếu. Tinh thần được Hêghen thần bí hoá và theo ngôn ngữ của ông, nó là “Ý niệm
hiện thực tự hiểu biết về bản thân mình”, hay nói cách khác, tinh thần chính là Ý
niệm đã trở lại với chính mình và nhiệm vụ của Triết học tinh thầnlà luận chứng cho
“sự tất yếu ấy”. Với quan niệm này, Hêghen đã đi tới kết luận: “Cái Tuyệt đối là tinh
thần; đó là định nghĩa cao nhất của cái Tuyệt đối. Người ta có thể nói rằng, việc tìm
ra định nghĩa ấy và hiểu được ý nghĩa và nội dung của nó là khuynh hướng tuyệt đối
của mọi nền giáo dục và mọi học thuyết triết học; tất cả các tôn giáo và khoa học đều
tập trung vào điểm này và chỉ từ đó, ta mới có thể hiểu được lịch sử thế giới”(Đ384,
tr.29).
Sự phát triển của “Tinh thần” trải qua ba thang bậc từ thấp đến cao, thang bậc sau
bao hàm trọn vẹn thang bậc trước : 1) Tinh thần chủ quan - tinh thần trong quan hệ
với chính bản thân mình, là đối tượng nghiên cứu của nhân học, hiện tượng học và
tâm lý học. Học thuyết về tinh thần chủ quan bàn về cuộc sống của từng con người
đơn lẻ; 2) Tinh thần khách quan - tinh thần dưới hình thức của thực tại (Realitọt) thể
hiện trong pháp luật, luân lý và đạo đức. Vương quốc của tinh thần khách quan là gia
đình, xã hội (công dân) và nhà nước; 3) Tinh thần tuyệt đối là sự thống nhất (tồn tại
tự nó và cho nó) giữa tính khách quan của tinh thần và khái niệm của nó, là tinh thần
trong chân lý tuyệt đối của mình, biểu hiện ở nghệ thuật, tôn giáo và triết học.
Do khuôn khổ của bài viết, chúng tôi không có điều kiện trình bày và phân tích sâu
hơn tư tưởng của Hêghen về Tinh thần chủ quan và Tinh thần khách quan, mà chỉ
muốn lưu ý đến quan niệm của ông về mối quan hệ biện chứng giữa Tinh thần hữu
hạn và Tinh thần tuyệt đối, giữa cái hữu hạn và cái vô hạn. Theo Hêghen, cả Tinh
thần chủ quan lẫn Tinh thần khách quan đều là hữu hạn, song không nên coi tính hữu
hạn này là một “tính quy định cứng nhắc”, mà cần phải hiểu nó với tư cách chỉ là
“một vòng khâu”. Trên thực tế, tinh thần là “cái vô hạn chân chính”, tức là cái vô
hạn không đứng đối diện với cái hữu hạn một cách phiến diện, mà bao chứa cái hữu
hạn trong bản thân mình. Với quan niệm biện chứng này, Hêghen đã phê phán mối
quan hệ giữa cái Tôi và cái không - Tôi trong cái Tôi tuyệt đối của nhà triết học tiền
bối Phíchtơ. Dưới nhãn quan của ông, cái Tôi tuyệt đối của Phíchtơ cũng là một cái
vô hạn, nhưng là “cái vô hạn xấu”, vì đó chỉ là “cú va đập kéo dài đến vô tận giữa cái
Tôi và cái không - Tôi”. Do vậy, nếu người ta thừa nhận có Tinh thần hữu hạn thì đó
chỉ là “một sự diễn đạt trống rỗng”. Hêghen viết: “Tinh thần với tư cách tinh thần
không phải là hữu hạn. Nó cótính hữu hạn nội tại, nhưng đó chỉ là một tính hữu hạn
để vượt bỏ và đã được vượt bỏ mà thôi”(Đ386, tr.36). Tinh thần vừa là hữu hạn, vừa
là vô hạn. Mặc dù vậy, cái hữu hạn không có chân lý và chân lý của Tinh thần hữu
hạn là Tinh thần tuyệt đối.
Mối quan hệ lôgíc giữa khái niệm, tính khách quan và ý niệm trong Ý niệm tuyệt đối
đã “định sẵn” mối quan hệ giữa Tinh thần chủ quan, Tinh thần khách quan và Tinh
thần tuyệt đối. Vì thế, Tinh thần chủ quan chỉ là “khái niệm của Tinh thần tuyệt đối”,
còn Tinh thần khách quan là “hiện thực (Wirklichkeit) với tư cách tồn tại hiện có của
Ý niệm”(Đ482, tr.301). Tuy nhiên, cả khái niệm lẫn hiện thực đều là những hình
thức phiến diện, những phương thức diễn đạt không hoàn hảo về Ý niệm đang trở
lại với bản thân mình và chỉ có trong “sự thống nhất” giữa tính khách thể của tinh thần
và khái niệm của nó (tức trong Tinh thần tuyệt đối) thì cả hai cái phiến diện ấy mới
được khắc phục và khi đó, tinh thần mới tồn tại “trong chân lý tuyệt đối của mình”.
Trong cả ba hình thức của Tinh thần tuyệt đối (nghệ thuật, tôn giáo và triết học), sự
khác biệt giữa Tinh thần chủ quan và Tinh thần khách quan, giữa khái niệm và hiện
thực đã được vượt bỏ. Và, trong tất cả các lĩnh vực của Tinh thần tuyệt đối, tinh thần
đều được giải phóng khỏi các giới hạn chật hẹp của “sự tồn tại bên ngoài của mình”.
Ba vương quốc của Tinh thần tuyệt đối chỉ khác nhau về hình thứckhi nhận thức đối
tượng của mình - cái Tuyệt đối.
Hình thức trực giác cảm tính (sinnliche Anschauung) là đặc trưng của Nghệ thuật và
ở đây, sự thống nhất giữa giới tự nhiên và tinh thần vẫn còn là một sự thống nhất
“trực tiếp”. Nội dung của nghệ thuật là Ý niệm và hình thức của nó là sự trình bày
cảm tính, bằng hình tượng. Cái đẹp không phải là “một sự trừu tượng của lý trí”, mà
“nói đúng hơn, cái đẹp là Ý niệm tuyệt đối trong những biểu hiện phù hợp với bản
thân mình”. Do vậy, vương quốc của nghệ thuật chính là vương quốc của Tinh thần
tuyệt đối.
Hình thức nhận thức của Tôn giáo là biểu tượng, bởi cái Tuyệt đối ở đây đã chuyển từ
tính khách thể của nghệ thuật sang đời sống nội tâm của chủ thể. Và, nếu như tác phẩm
nghệ thuật cho phép ta nhận thức được cái Tuyệt đối dưới hình thức cảm tính, trực tiếp,
thì tôn giáo còn bổ sung vào đó lòng sùng kính (Andacht) của chủ thể trước “khách thể
tuyệt đối”. Do vậy, nghệ thuật, theo Hêghen, chỉ là một mặt của tôn giáo.
Khi chuyển từ biểu tượng cảm tính sang sự phản tư bằng lý trí và từ đó, sang tư duy
bằng khái niệm thuần tuý, tôn giáo tự tuyên bố mình là Triết học. Do vậy,Triết
học, về thực chất, là thần học duy lý và “không có một đối tượng nào khác ngoài
Thượng đế”. Ở đây, Thượng đế đã được Hêghen lý giải một cách rất đặc biệt.
Thượng đế trong tôn giáo mặc khải của ông không phải là Thượng đế cụ thể của
Thiên Chúa giáo, mà là “tư duy thuần tuý”, là “tinh thần trong cộng đồng của
mình”(Đ554, tr.366). Thượng đế là “tinh thần phổ biến, tinh thần bản chất, tuyệt đối”
và do vậy, Tinh thần tuyệt đối không chỉ được xem xét về phương diện triết học lịch
sử, mà còn cả về phương diện triết học tôn giáo. Đối với Hêghen, triết học có cùng
một nội dung với tôn giáo, nhưng không phải với mọi tôn giáo nói chung, mà chỉ là
với Thiên Chúa giáo. Bởi lẽ, theo ông, cả Tinh thần chủ quan, Tinh thần khách quan
lẫn Tinh thần tuyệt đối đều biểu thị nội dung và luận chứng về lý luận cho biểu tượng
“Chúa ba ngôi” của giáo lý Thiên Chúa giáo.
Triết học nắm bắt cái Tuyệt đối bằng hình thức khái niệm. Trong triết học, hai mặt
tôn giáo và nghệ thuật đã được hợp nhất làm một (tức là tính khách thể của nghệ
thuật và tính chủ thể của tôn giáo được hợp nhất lại). Và, ở đây, sự khác biệt giữa
khái niệm và hiện thực của tinh thần đã được vượt bỏ và Tinh thần tuyệt đối không
có một cấu trúc gì khác so với Ý niệm tuyệt đối. Nói cách khác, khi đó, Ý niệm tuyệt
đối không còn là “cái lôgíc” nữa, mà đã bao chứa nội dung cụ thể của hiện thực trong
bản thân mình và như vậy, đã trở thành Tinh thần tuyệt đối. Theo đó, khi nói về triết
học Hêghen, người ta thường sử dụng hai khái niệm trụ cột - “Ý niệm tuyệt đối” và
“Tinh thần tuyệt đối” - như những từ đồng nghĩa. Tuy nhiên, nếu xét từ góc độ thuần
tuý lôgíc, thì Ý niệm tuyệt đối không phải là Tinh thần tuyệt đối(6).
Trước khi kết thúc Bách khoa thư, Hêghen đã trình bày mối quan hệ giữa cái lôgíc,
giới tự nhiên và tinh thần thông qua ba suy lý nổi tiếng. Suy lý thứ nhất: cái lôgíc là
điểm khởi đầu và giới tự nhiên đứng giữa, bao hàm tinh thần trong bản thân nó; cái
lôgíc trở thành giới tự nhiên và giới tự nhiên trở thành tinh thần; giới tự nhiên này,
về bản chất, chỉ là “điểm trung gian” và là “một vòng khâu phủ định”. Suy lý thứ hai:
tinh thần tự nó là cái trung giới của quá trình, giả định trước giới tự nhiên và nối kết
nó với cái lôgíc. Suy lý thứ ba - suy lý cuối cùng - là ý niệm của triết học, nó cần tới
“lý tính tự nhận thức mình” (die sich wissende Vernunft) đang tự phân đôi thành tinh
thần và lấy giới tự nhiên làm trung gian. Bản chất của sự vật và khái niệm là tự vận
động về phía trước, tự phát triển. Sự vận động này trở thành “hoạt động nhận thức
mà ý niệm vĩnh cửu tồn tại tự nó và cho nó; tự hành động, sản sinh và thưởng ngoạn
mình một cách vĩnh cửu với tư cách Tinh thần tuyệt đối”.
Quá trình diễn ra từ suy lý thứ nhất đến suy lý thứ ba - cũng đồng thời là toàn bộ hệ
thống triết học Hêghen - không phải là quá trình phát triển thẳng tắp, mà là quá trình
tự xoay vòng trong chính bản thân mình (“vòng tròn của các vòng tròn”(**)), tự
phản tư về chính mình, tự trung gian hoá bản thân mình và trong triết học, Ý niệm
tuyệt đối trở thành tinh thần tuyệt đối và Tinh thần tuyệt đối trở thành Ý niệm tuyệt
đối, nghĩa là ở đây, chúng có nội dung như nhau. Như vậy, Tinh thần tuyệt đối biểu
hiện ra là một sự dung hoà hoàn hảo giữa tự nhiên và tinh thần, giữa Tinh thần chủ
quan và Tinh thần khách quan - sự dung hoà của tất cả các mặt đối lập trong quá
trình nhận thức tính tất yếu của nó; là tư duy của tinh thần về chính bản thân mình
với tư cách chân lý tuyệt đối(7). Tinh thần tuyệt đối vừa là kết quả, vừa là quá
trình tinh thần tự nhận thức bản thân mình thông qua con người, xã hội loài người và
lịch sử.
Qua những trình bày ở trên, có thể sơ bộ đưa ra một số nhận xét về khái niệm “Tinh
thần tuyệt đối” của Hêghen như sau:
Thứ nhất, xét về phương diện bản thể luận, khái niệm “Tồn tại” khi trải qua con
đường phát triển biện chứng từ “Tồn tại thuần tuý” tới “Tinh thần tuyệt đối” đã cho
thấy nó có nhiều cấp độ khác nhau và các cấp độ này bao chứa nhau từ thấp đến cao;
ứng với các cấp độ ấy là các giá trị khác nhau và các giá trị này tăng tiến theo quá
trình vận động của tinh thần, do tinh thần mang lại: ở thang bậc Tinh thần tuyệt đối,
nó đạt tới giá trị cao nhất, vì Tinh thần tuyệt đối là “chân lý cụ thể nhất và cao nhất
của mọi Tồn tại”. (Thực ra, quan niệm về tồn tại có nhiều cấp độ và có các giá trị
tương ứng từ thấp đến cao đã xuất hiện trong lịch sử triết học, như ở Platôn, Aritxtốt,
Tômát Đacanh, Lépnít..., nhưng ở Hêghen, nó mang sắc thái riêng: thể hiện tính biện
chứng sâu sắc và tầm bao quát rộng lớn.)
Thứ hai, khái niệm “Tinh thần tuyệt đối” biểu hiện nguyên lý chủ đạo của triết học
Hêghen - nguyên lý đồng nhất giữa tư duy và tồn tại, giữa chủ thể và khách thể. Tuy
nhiên, qua khái niệm này, Hêghen đồng thời chỉ ra rằng, sự đồng nhất giữa chủ thể
và khách thể (tức cái Tuyệt đối, chân lý) chỉ đạt được thông qua một quá trình lâu
dài, đầy khó khăn bằng việc “lột bỏ” các mâu thuẫn trong bản thân mình (tức là một
quá trình biện chứng). Sự đồng nhất này được Hêghen luận chứng từ lập trường của
chủ nghĩa duy tâm khách quan, thần bí.
Thứ ba, với khái niệm “Tinh thần tuyệt đối”, Hêghen đã đề cập tới tính xã hội và tính
lịch sử của các hình thức văn hoá tinh thần, nhưng do bị chế định trước bởi “bộ
khung” lôgíc của hệ thống, nên về thực chất, các hình thức này chỉ là lôgíc học ứng
dụng, là tư duy trừu tượng.
Thứ tư, khái niệm “Tinh thần tuyệt đối” thể hiện sự tuyệt đối hoá tính tích cực của
tinh thần, của tư duy và cho thấy tham vọng của Hêghen muốn xây dựng một hệ
thống triết học vạn năng, đóng vai trò là “khoa học của các khoa học”; đồng thời, qua
đó, chủ nghĩa duy lý truyền thống phương Tây đã được đẩy tới điểm tận cùng của nó.
Thay cho kết luận của bài viết, chúng tôi xin nhắc lại nhận xét xác đáng của C.Mác
và Ph.Ăngghen về khái niệm “Tinh thần tuyệt đối” của Hêghen trong Gia đình thần
thánh: “Trong hệ thống của Hêghen có 3 yếu tố là thực thể của Xpinôda, tự ý thức
của Phíchtơ và sự thống nhất mâu thuẫn tất nhiên của hai nhân tố trên ở Hêghen -
tức Tinh thần tuyệt đối. Yếu tố thứ nhất là tự nhiên đã cải trang một cách siêu hình
và thoát ly con người; yếu tố thứ hai là tinh thần đã cải trang một cách siêu hình
và thoát ly tự nhiên; yếu tố thứ ba là sự thống nhấtcủa hai yếu tố trên đã cải trang
một cách siêu hình, tức con người hiện thực vàloài người hiện thực”(8).r

(*) Viện Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
(1) G.W.F. Hêghen. Hiện tượng học tinh thần. Nxb Rếclam, Stútgát, 1996, tr. 16,
(tiếng Đức).
(2) Tác phẩm này được Hêghen công bố lần đầu tiên vào năm 1817 tại Haiđenbéc.
Sau đó, ông đã bổ sung và mở rộng qua hai lần tái bản vào các năm 1827 và 1830.
Chúng tôi sử dụng các trích dẫn được đánh số theo thứ tự các mục Đ của bản tiếng
Đức gồm ba tập (I-III), do Êva Môđenhauơ và Các Lútvích Misen biên soạn dựa trên
nguyên tác năm 1830 của Hêghen. Nxb Giuakăm, Phrăngphuốc a. M. , 1996.
(3) G.W.F. Hêghen. Những bài giảng về lịch sử triết học, t.III. Nxb Giuakăm,
Phrăngphuốc a. M., 1996, tr. 435 (tiếng Đức).
(4) G.W.F. Hêghen. Khoa học lôgích, t.II. Nxb Giuakăm, Phrăngphuốc a. M., 1996,
tr. 572 (tiếng Đức).
(5) Xem: Nguyễn Trọng Chuẩn, Đỗ Minh Hợp. Vấn đề tư duy trong triết học
Hêghen. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1999, tr. 102-103.
(6) Xem: T.Staihe. Khái niệm “Tinh thần tuyệt đối” trong triết học G.
W.Hêghen. Nxb EOS, Xanh Ốtiliên, 1992, tr. 145 (tiếng Đức).
(**) Với tư tưởng này, Hêghen tin là mình đã khắc phục được “cái vô hạn xấu” (ví
dụ như trong triết học của Phíchtơ).
(7) Xem: T. Staihe. Sđd., tr. 193 –194 (tiếng Đức).
(8) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t. 2. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995,
tr.211.

VAI TRÒ CỦA CÁC NGUYÊN TẮC, PHẠM TRÙ LÔGÍC BIỆN CHỨNG ĐỐI
VỚI VIỆC RÈN LUYỆN NĂNG LỰC TƯ DUY BIỆN CHỨNG

TRẦN VIẾT QUANG (*)


Cùng với phép biện chứng và nhận thức luận mácxít, lôgíc biện chứng có vai trò đặc
biệt quan trọng đối với việc xây dựng, rèn luyện năng lực tư duy biện chứng. Với tính
cách một khoa học, lôgíc biện chứng có những nguyên tắc và phạm trù xác định.
Trong bài viết này, tác giả đã phân tích và góp phần làm rõ vai trò, ý nghĩa của các
nguyên tắc, như nguyên tắc khách quan, nguyên tắc toàn diện, nguyên tắc phát triển,
nguyên tắc lịch sử – cụ thể, nguyên tắc thực tiễn, cùng với các phạm trù lịch sử và
lôgíc, cụ thể và trừu tượng của lôgíc biện chứng trong quá trình nhận thức; coi việc
nắm vững và vận dụng thành thạo những nguyên tắc, phạm trù đó là điều kiện để rèn
luyện, phát triển năng lực tư duy biện chứng.
Năng lực tư duy biện chứng là tổng hợp những phẩm chất tư duy ở trình độ cao, là
khả năng nắm bắt và vận dụng nhuần nhuyễn, linh hoạt, sáng tạo các nguyên lý,
phạm trù, quy luật của phép biện chứng với tư cách phương pháp nhận thức và
nguyên tắc mà tư duy phải tuân theo nhằm giải quyết một cách hiệu quả nhất những
vấn đề nhận thức và thực tiễn đang đặt ra.
Năng lực tư duy biện chứng được đặc trưng bởi sự hiểu biết và vận dụng các nguyên
lý, phạm trù, quy luật của phép biện chứng duy vật, cũng như các nguyên tắc, phạm
trù của lôgíc biện chứng. Sự thống nhất giữa phép biện chứng, nhận thức luận và lôgíc
biện chứng là một nguyên lý rất quan trọng của triết học mácxít. Trong Bút ký triết
học, V.I.Lênin khẳng định rằng, phép biện chứng cũng chính là lý luận nhận thức, là
lôgíc biện chứng của chủ nghĩa Mác.
Cùng với phép biện chứng và nhận thức luận, lôgíc biện chứng có vai trò vô cùng
quan trọng đối với việc phát triển năng lực tư duy biện chứng cho người học. Trong
thời đại phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ và kinh tế tri
thức, vai trò của lôgíc biện chứng đã tăng lên hơn bao giờ hết. Chỉ có nắm vững và
vận dụng được các nguyên tắc, các phạm trù của lôgíc biện chứng mới có thể thực sự
đi sâu vào bản chất của đối tượng, mới có thể nắm được các khái niệm, lý thuyết
khoa học và giải quyết được những vấn đề của thực tiễn.
Khác với lôgíc hình thức, lôgíc biện chứng là khoa học nghiên cứu những hình thức
và quy luật của tư duy trong sự vận động, phát triển của nó. Ngoài những quy luật
biện chứng phổ biến của tự nhiên, xã hội và tư duy (cả những quy luật cơ bản và
không cơ bản), lôgíc biện chứng còn nghiên cứu những quy luật biện chứng của
riêng tư duy: sự chuyển hoá từ tư duy kinh nghiệm lên tư duy lý luận, từ tư duy
thông thường lên tư duy khoa học; từ cụ thể đến trừu tượng và ngược lại, từ hiện
tượng đến bản chất, v.v..
Vận dụng các nguyên lý, quy luật của phép biện chứng duy vật vào quá trình tư duy,
lôgíc biện chứng nêu lên các nguyên tắc cơ bản mà tư duy phải tuân theo trong việc
nhận thức chân lý. Khi nghiên cứu lôgíc biện chứng, người học sẽ nắm được các
nguyên tắc cơ bản, như nguyên tắc khách quan, nguyên tắc toàn diện,nguyên tắc phát
triển, nguyên tắc lịch sử - cụ thể, nguyên tắc thực tiễn.
Nguyên tắc khách quan đòi hỏi việc nhận thức phải dựa vào những cơ sở thực tế
khách quan, xuất phát từ chính bản thân đối tượng, từ những thuộc tính và mối liên
hệ vốn có của nó, từ những quy luật vận động và phát triển của bản thân nó; không
thể dựa vào ý muốn chủ quan hoặc lấy ý chí chủ quan áp đặt cho thực tế, đồng thời
không được cắt xén, không được gán ghép cho sự vật, hiện tượng những gì mà chúng
vốn không có. Trong Bút ký triết học, V.I.Lênin chỉ ra rằng, "tính khách quan của sự
xem xét (không phải thí dụ, không phải dài dòng, mà bản thân sự vật tự nó)"(1).
Nắm vững và vận dụng đúng đắn nguyên tắc khách quan sẽ góp phần thiết thực trong
việc xây dựng năng lực tư duy biện chứng cho người học. Việc quán triệt nguyên tắc
này giúp họ thấy được rằng, phải quan sát các sự vật và hiện tượng trong thực tế
hoặc phải tiến hành các thí nghiệm khoa học để có được những tư liệu cần thiết nhằm
rút ra tri thức khoa học đúng đắn. Những kết quả nghiên cứu phải được kiểm tra, đối
chiếu, so sánh và đánh giá có phù hợp với hiện thực khách quan hay không. Nắm
vững nguyên tắc khách quan giúp người học hiểu được sự cần thiết phải quan sát
thực tế một cách tỉ mỉ, chính xác; phải xuất phát từ bản thân đối tượng, phải xem xét
đối tượng đúng như nó vốn có trong thực tế.
Bản thân các sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan không tồn tại cô lập, tách
rời, mà tồn tại trong những mối liên hệ hữu cơ với nhau. Hơn nữa, những mối liên hệ
ấy lại vô cùng phong phú, đa dạng và hết sức phức tạp, bao gồm cả những mối liên
hệ bản chất và không bản chất, tất nhiên và ngẫu nhiên, chủ yếu và thứ yếu. Vì thế,
khi nhận thức thế giới khách quan, tư duy biện chứng đòi hỏi phải tuân thủ nguyên
tắc toàn diện. V.I.Lênin viết: "Muốn thực sự hiểu được sự vật, cần phải nhìn bao
quát và nghiên cứu tất cả các mặt, tất cả các mối liên hệ và "quan hệ gián tiếp" của
sự vật đó. Chúng ta không thể làm được điều đó một cách hoàn toàn đầy đủ, nhưng
sự cần thiết phải xét tất cả mọi mặt sẽ đề phòng cho chúng ta khỏi phạm phải sai lầm
và sự cứng nhắc"(2).
Nắm vững nguyên tắc toàn diện, người học sẽ nhìn nhận, đánh giá đối tượng một
cách chính xác, đầy đủ, toàn vẹn; xem xét đối tượng như một chỉnh thể, hệ thống;
tránh được lối tư duy phiến diện, chiết trung, ngụy biện. Thực tế cho thấy, các hiện
tượng trong tự nhiên thường xảy ra rất phức tạp, do nhiều nguyên nhân gây ra và
biến đổi qua nhiều giai đoạn, nhưng nhiều khi ta chỉ quan sát được kết quả cuối
cùng. Vì thế, nếu nghiên cứu đối tượng một cách phiến diện sẽ dẫn tới những tri
thức, kết luận sai lầm. Chẳng hạn, khi xem xét vật rơi trong không khí, ta thấy một
thực tế là hòn đá rơi nhanh hơn chiếc lá. Để giải thích điều này, chúng ta phải có
quan điểm toàn diện, phải thấy rằng các vật đó vừa chịu sự tác động của lực hút trái
đất, vừa chịu sự tác động của lực cản không khí. Chỉ có thể coi vật rơi tự do khi mà
lực cản của không khí không đáng kể so với trọng lực của vật.
Tự nhiên, xã hội và tư duy luôn nằm trong quá trình vận động và phát triển không
ngừng theo những quy luật tất yếu, vốn có của chúng. Vì vậy, để nhận thức được bản
chất của sự vật, ngoài các nguyên tắc trên, tư duy còn phải tuân thủ nguyên tắc phát
triển. Nguyên tắc này quy định tính tất yếu phải nghiên cứu sự vật trong sự vận động
và phát triển theo những quy luật phổ biến, khách quan vốn có, chỉ ra chiều hướng
biến đổi của nó. Mặt khác, nguyên tắc này còn giúp cho tư duy của người học trở nên
năng động, linh hoạt, mềm dẻo; khắc phục bệnh bảo thủ, trì trệ và máy móc.
Lôgíc biện chứng chỉ cho chúng ta thấy được sự phát triển biện chứng của nhận thức
khoa học. Các khái niệm, định luật, lý thuyết tất yếu được bổ sung, điều chỉnh, phát
triển trong quá trình nhận thức, trong lịch sử phát triển của khoa học. Những khái
niệm, định luật, lý thuyết mới này không phủ nhận hoàn toàn các khái niệm, định
luật, lý thuyết cũ mà có sự kế thừa những giá trị hợp lý, coi chúng như những trường
hợp đặc biệt. Vì thế, không nên có thái độ xem những tri thức đã có của con người
như những chân lý tuyệt đích, cuối cùng. Như chúng ta đã biết, cơ học Niutơn là
thành tựu khoa học vĩ đại của loài người, được áp dụng rộng rãi vào nhiều lĩnh vực
khác nhau trong nhiều thế kỷ. Nhưng, lịch sử vật lý học không dừng lại ở cơ học
Niutơn. Do không có được tư duy biện chứng, không nắm được nguyên tắc phát triển
nên một số nhà khoa học lúc đó cho rằng, vật lý học đương thời đạt tới tột đỉnh của
nó, đã tìm ra được mọi quy luật cơ bản của tự nhiên. Khi thuyết tương đối và thuyết
lượng tử đưa ra quan điểm mới về không gian, thời gian, khối lượng, nhiều nhà khoa
học đã có tư tưởng hoài nghi những lý thuyết mới này. Tuy nhiên, sự phát triển của
khoa học sau đó đã chứng minh cơ sở khoa học và tính đúng đắn của thuyết tương
đối, thuyết lượng tử.
Mỗi sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan đều có quá trình hình thành và phát
triển, đều có lịch sử của mình và bao giờ cũng tồn tại trong những điều kiện, hoàn
cảnh cụ thể nhất định. V.I.Lênin khẳng định: “lôgíc biện chứng dạy rằng, "không có
chân lý trừu tượng”, rằng “chân lý luôn luôn là cụ thể"”(3). Nguyên tắc lịch sử - cụ
thể chỉ cho người học thấy rằng, khi xem xét các sự vật, hiện tượng, cần phải tìm
hiểu quá trình phát sinh, phát triển của chúng, chỉ ra mối liên hệ nội tại của chúng,
cũng như mối liên hệ giữa chúng với những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Nắm vững
nguyên tắc lịch sử - cụ thể giúp cho người học có thể xem xét, nghiên cứu đối tượng
nhận thức gắn với những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể nhất định, biết vận dụng những
học thuyết, những nguyên lý, công thức một cách sáng tạo, tránh rơi vào các căn bệnh
giáo điều, kinh nghiệm, máy móc.
Nguyên tắc lịch sử - cụ thể chỉ ra rằng, ngay cả những kiến thức hiện đại cũng chỉ là
một bậc thang của quá trình nhận thức vô hạn. Khi nghiên cứu một đối tượng, đánh
giá một tư tưởng hay vận dụng một lý thuyết, công thức, cần phải gắn chúng với các
mối liên hệ, với những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Mỗi khái niệm, định luật, quy
luật vật lý, hoá học hay sinh học đều ra đời trong hoàn cảnh cụ thể, phụ thuộc vào
trình độ hiểu biết và công cụ, thiết bị nghiên cứu của từng thời kỳ. Bởi vậy, cùng với
sự phát triển của nhận thức và thực tiễn, các khái niệm, định luật, quy luật sẽ được bổ
sung, hoàn thiện.
Thực tiễn là cơ sở, động lực, mục đích của nhận thức, là tiêu chuẩn khách quan của
chân lý vì vậy, cùng với yêu cầu tuân thủ các nguyên tắc trên, tư duy biện chứng
mácxít không tách rời nguyên tắc thực tiễn. V.I.Lênin khẳng định: "Quan điểm về
đời sống, về thực tiễn phải là quan điểm thứ nhất và cơ bản của lý luận về nhận
thức"(4). Nguyên tắc thực tiễn chỉ cho người học thấy được rằng, nhận thức phải
xuất phát từ thực tiễn, dựa trên cơ sở thực tiễn, đi sâu vào thực tiễn, coi trọng công
tác tổng kết thực tiễn, đồng thời phải căn cứ vào thực tiễn để kiểm tra tính đúng đắn
của tri thức, học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với xã hội. Nguyên tắc này
cũng giúp người học hiểu được tính biện chứng của tiêu chuẩn thực tiễn. Thực tiễn là
tiêu chuẩn khách quan để kiểm nghiệm chân lý, nhưng tiêu chuẩn thực tiễn không
cho phép biến những tri thức của con người thành những chân lý tuyệt đích cuối
cùng.
Lôgíc biện chứng chỉ cho người học thấy rằng, những bài học kinh nghiệm quý báu
được đúc rút, được bổ sung từ thực tiễn đấu tranh cách mạng và xây dựng đất nước,
những kiến thức khoa học được rút ra từ thực nghiệm và được kiểm tra bằng thực
nghiệm. Việc nắm vững và tuân thủ nguyên tắc thực tiễn có tầm quan trọng đặc biệt,
giúp người học tránh rơi vào sai lầm của bệnh chủ quan, giáo điều, máy móc.
Ngoài những nguyên tắc trình bày trên đây, lôgíc biện chứng còn nghiên cứu các
phạm trù lịch sử và lôgíc, cụ thể và trừu tượng,... nhằm vận dụng chúng như những
phương pháp nhận thức khoa học.
Thống nhất giữa lôgíc và lịch sử là một nguyên tắc phương pháp luận quan trọng của
nhận thức khoa học và xây dựng các lý thuyết khoa học. Khác với quan điểm duy
tâm và siêu hình, chủ nghĩa duy vật biện chứng cho rằng, lịch sử là tính thứ nhất, còn
lôgíc của tư duy là tính thứ hai, lôgíc là cái phản ánh của lịch sử. Hay nói cách khác,
mối quan hệ giữa lịch sử và lôgíc là mối quan hệ giữa hiện thực khách quan và sự
phản ánh lôgíc của hiện thực đó, là biểu hiện của mối quan hệ giữa tồn tại và tư duy.
Tuy nhiên, lôgíc phản ánh lịch sử một cách tóm tắt, khái quát; nó chỉ phản ánh những mốc
chính, những giai đoạn phát triển chủ yếu, những mặt bản chất, những xu hướng tất yếu
của lịch sử. Ph.Ăngghen cho rằng, cái lôgíc là cái lịch sử nhưng đã được trừu tượng hoá,
nghĩa là được "lọc bỏ, tước bỏ", được “làm sạch” khỏi những cái ngẫu nhiên, những bước
quanh co của lịch sử.
Nguyên tắc thống nhất giữa lịch sử và lôgíc của chủ nghĩa duy vật biện chứng là cơ sở
của các phương pháp khoa học: phương pháp lôgíc và phương pháp lịch sử. Hai phương
pháp này là hai phương pháp nghiên cứu khác nhau, nhưng lại thống nhất biện chứng
với nhau, gắn bó chặt chẽ với nhau, không có phương pháp lôgíc hoặc phương pháp lịch
sử "thuần túy" tách rời nhau.
Nắm vững và vận dụng hợp lý, sáng tạo các phạm trù lịch sử và lôgíc như những
phương pháp sẽ phát huy hiệu quả trong việc giải quyết các vấn đề của nhận thức và
thực tiễn. Chẳng hạn, khi trình bày các khái niệm, phạm trù, quy luật, nếu dẫn dắt
người học đi qua các giai đoạn của sự phát triển nhận thức thì họ sẽ dễ hiểu và nắm
vững ý nghĩa của các tri thức đó. Có nhiều giờ dạy, người thầy có thể đi theo cách
thức trình bày lịch sử vấn đề để đi đến khái niệm, định luật.
Nhận thức là sự thống nhất của hai quá trình đối lập nhau: từ cụ thể đến trừu tượng
và từ trừu tượng đến cụ thể. Theo quá trình thứ nhất, nhận thức xuất phát từ những
tài liệu cảm tính, phân tích chúng và rút ra những khái niệm đơn giản, những định
nghĩa trừu tượng phản ánh từng mặt, từng thuộc tính của sự vật. Quá trình nhận thức
từ cụ thể đến trừu tượng tạo tiền đề cho quá trình thứ hai - quá trình nhận thức đi từ
trừu tượng đến cụ thể. Trong quá trình thứ hai này, nhận thức đi từ những khái niệm,
định nghĩa trừu tượng thông qua tổng hợp biện chứng để đạt đến cái cụ thể trong tư
duy. Đi từ trừu tượng đến cụ thể là phương pháp nhận thức khoa học quan trọng.
Theo C.Mác, "phương pháp đi từ trừu tượng đến cụ thể chỉ là cái phương pháp nhờ
nó mà tư duy quán triệt được cái cụ thể và tái tạo ra nó với tư cách là một cái cụ thể
trong tư duy"(5). Phương pháp này đã được ông xây dựng trên cơ sở duy vật biện
chứng và vận dụng tài tình trong tác phẩm Tư bản.
Trong nhận thức khoa học cũng như xây dựng đề tài, lý thuyết khoa học, việc vận
dụng thành thạo phương pháp đi từ trừu tượng đến cụ thể cho phép chủ thể nhận thức
thâm nhập sâu vào bản chất và quy luật của đối tượng, hiểu được tất cả các mặt và
quan hệ tất yếu của đối tượng trong mối liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau giữa chúng.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, các nguyên tắc, phạm trù của lôgíc biện chứng có ý
nghĩa quan trọng trong việc xây dựng, rèn luyện năng lực tư duy biện chứng cho
người học. Tuy nhiên, sự hiểu biết về những nguyên tắc, phạm trù của lôgíc biện
chứng không đồng nhất với năng lực tư duy biện chứng. Năng lực tư duy biện chứng
là khả năng vận dụng những nguyên tắc, phạm trù của lôgíc biện chứng một cách
hợp lý, nhuần nhuyễn, sáng tạo. Nói cách khác, tri thức về những nguyên tắc, phạm
trù của lôgíc biện chứng phải được người học vận dụng thành thạo, nhuần nhuyễn thì
mới biến thành sức mạnh của tư duy trong nhận thức và hoạt động thực tiễn.
Ở nước ta hiện nay, các nguyên tắc, các phạm trù của lôgíc biện chứng được đề cập
chủ yếu trong quá trình nghiên cứu, giảng dạy phép biện chứng và nhận thức luận
của triết học Mác - Lênin. Thông qua quá trình đó, người học lĩnh hội được những
nguyên tắc và phạm trù của lôgíc biện chứng. Các nguyên tắc, phạm trù của lôgíc
biện chứng cũng được đề cập đến trong chương trình Lôgíc học (phần lôgíc biện
chứng).
Nhằm phát huy vai trò của triết học Mác - Lênin nói chung và lôgíc biện chứng nói
riêng trong việc xây dựng, rèn luyện năng lực tư duy biện chứng cho người học,
chúng ta cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp chủ yếu, như đổi mới nội dung chương
trình và phương pháp giảng dạy; phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên trong giảng dạy;
phát huy tính tích cực, chủ động của người học; xác định đúng vai trò, vị trí của lôgíc
biện chứng với tư cách một môn khoa học độc lập và nghiên cứu nó một cách toàn
diện, sâu sắc.1

(*) Thạc sĩ, giảng viên Khoa Giáo dục Chính trị, Trường Đại học Vinh.
(1) V.I.Lênin. Toàn tập, t.29. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1981, tr.239.
(2) V.I.Lênin. Sđd., t.42, tr.364.
(3) V.I.Lênin. Sđd., t.42, tr.364.
(4) V.I.Lênin. Sđd., t.18, tr.167
(5) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập

LÊ NGỌC ANH (*)

You might also like