You are on page 1of 85

ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TRƯỜNG ĐẠI HỌC BÁCH KHOA

KHOA KỸ THUẬT HÓA HỌC

BỘ MÔN CÔNG NGHỆ SINH HỌC

----------------------------------

LUẬN VĂN TỐT NGHIỆP

PHÂN LẬP VÀ TUYỂN CHỌN VI KHUẨN LAM


CÓ KHẢ NĂNG CỐ ĐỊNH ĐẠM VÀ THỬ NGHIỆM
TRÊN CÂY LÚA GIAI ĐOẠN MẠ NON

Sinh viên thực hiện : Nguyễn Tấn Thiên Long


Mã số sinh viên : 1712020
Giáo viên hướng dẫn : PGS. TS. Nguyễn Thúy Hương

TPHCM tháng 06 năm 2022


ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TRƯỜNG ĐẠI HỌC BÁCH KHOA

KHOA KỸ THUẬT HÓA HỌC

BỘ MÔN CÔNG NGHỆ SINH HỌC

----------------------------------

LUẬN VĂN TỐT NGHIỆP

PHÂN LẬP VÀ TUYỂN CHỌN VI KHUẨN LAM


CÓ KHẢ NĂNG CỐ ĐỊNH ĐẠM VÀ THỬ NGHIỆM
TRÊN CÂY LÚA GIAI ĐOẠN MẠ NON

Sinh viên thực hiện : Nguyễn Tấn Thiên Long


Mã số sinh viên : 1712020
Giáo viên hướng dẫn : PGS. TS. Nguyễn Thúy Hương

TPHCM tháng 06 năm 2022


ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP.HCM CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TRƯỜNG ĐẠI HỌC BÁCH KHOA Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

NHIỆM VỤ LUẬN VĂN TỐT NGHIỆP


Khoa: Kỹ thuật hóa học Bộ môn: Công nghệ sinh học
Họ tên sinh viên: Nguyễn Tấn Thiên Long MSSV: 1712020
Ngày tháng năm sinh: 09/03/1999 Nơi sinh: Lâm Đồng
Chuyên ngành: Công nghệ sinh học

I. TÊN ĐỀ TÀI
Phân lập và tuyển chọn vi khuẩn lam có khả năng cố định đạm và thử nghiệm trên cây
lúa giai đoạn mạ non

II. NHIỆM VỤ LUẬN VĂN

- Phân lập và tuyển chọn được chủng vi khuẩn lam và tạo thư viện vi khuẩn lam có
khả năng cố định đạm

- Đánh giá sự phát triển của cây lúa ở giai đoạn mạ non được cố định đạm bởi vi
khuẩn lam

III. NGÀY GIAO NHIỆM VỤ: 01/2022

IV. NGÀY HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ: 06/2022

V. CÁN BỘ HƯỚNG DẪN: PGS. TS. Nguyễn Thúy Hương


Nội dung và yêu cầu luận văn tốt nghiệp đã được thông qua bộ môn

CÁN BỘ HƯỚNG DẪN CHỦ NHIỆM BỘ MÔN

PGS. TS. Nguyễn Thúy Hương PGS.TS. Lê Thị Thủy Tiên

i
LỜI CẢM ƠN

Lời đầu tiên em xin gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất tới PGS. TS. Nguyễn Thúy Hương,
người đã trực tiếp hướng dẫn, tạo mọi điều kiện thuận lợi, giúp đỡ em trong suốt quá trình
học tập và hoàn thành luận văn. Cô không chỉ là người truyền đạt cho em những kiến thức
mà còn hỗ trợ em rất nhiều về quá trình hoàn thiện luận văn.

Em xin gửi lời tri ân sâu sắc đến toàn bộ thầy cô ở trường Đại học Bách Khoa đặc biệt
là các thầy cô ở Bộ môn Công nghệ Sinh học thuộc khoa Kỹ thuật Hóa Học đã giúp đỡ, tạo
điều kiện thuận lợi cho em hoàn thành luận văn.

Tôi xin chân thành cảm ơn các anh chị, các bạn và các em trong Phòng thí nghiệm
thuộc khoa Hóa đã luôn đồng hành, quan tâm và giúp đỡ tôi trong thời gian tham gia nghiên
cứu tại đây. Sự quan tâm, chia sẻ của các bạn và các em là động lực lớn lao với tôi trong
những lúc mệt mỏi và khó khăn nhất. Tôi sẽ không bao giờ quên thời gian làm việc đầy
nhiệt huyết cùng các bạn ở trường Đại học Bách Khoa TPHCM.

Cuối cùng con xin gửi lời cảm ơn sâu sắc và lớn lao nhất đến gia đình con, những
người đã luôn hy sinh cả vật chất và tinh thần, luôn yêu thương, ủng hộ, động viên và tôn
trọng mọi quyết định của con.

Luận văn tốt nghiệp không tránh khỏi những sai sót do kiến thức còn hạn chế, em rất
mong nhận được ý kiến đóng góp, nhận xét và sự chỉ dẫn từ quý Thầy cô để em có thể bổ
sung và hoàn thiện luận văn này!

Em xin chân thành cảm ơn!

TPHCM, năm 2022

Nguyễn Tấn Thiên Long

ii
TÓM TẮT LUẬN VĂN
Vi khuẩn lam là một trong những thành phần cố định đạm sinh học trong ruộng lúa.
Do đặc tính cố định đạm quan trọng này, vi khuẩn lam có tiềm năng sử dụng như phân
bón sinh học trong nông nghiệp. Nghiên cứu trong đề tài tập trung vào việc phân lập và
tuyển chọn một số chủng vi khuẩn lam có khả năng cố định đạm trong ruộng lúa. Bốn
chủng cố định đạm đã được phân lập từ các mẫu đất và nước ruộng lúa ở xã Ea Bung và
Ea Lê thuộc huyện Ea Súp. Kết quả phân loại dựa trên hình thái đã chọn ra được 4 chủng
khác nhau và cho 1 chủng tiềm năng. Khảo sát sự tăng trưởng của 4 chủng vi khuẩn lam
trong môi trường BG11 không đạm trong 30 ngày cho kết quả như sau: Có 3 chủng EB1,
EB2 và EL2 đạt mật số cao gấp 3,5 – 5.8 lần so với lượng chủng vi khuẩn ban đầu. Cả 4
chủng vi khuẩn được chọn để khảo sát ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của lúa đều có tác
động tích cực giúp tăng các chỉ tiêu: Chiều cao cây, chiều dài rễ, khối lượng cây, khối
lượng rễ. Khi so sánh chiều cao cây với nghiệm thức đối chứng âm cho kết quả cao hơn
gấp từ 1,2- 1,5 lần, và khi so với nghiệm thức nước cất cho kết quả cao hơn gấp từ 1,6 – 2
lần, chiều dài rễ cũng cho kết quả tương tự. Khi so sánh khối lượng cây với nghiệm thức
đối chứng âm cho kết quả cao hơn gấp từ 1,7- 2,2 lần, và với nghiệm thức nước cất cao
hơn gấp từ 2,2- 2,9 lần, khối lượng rễ cũng cho kết quả tương tự. Căn cứ trên trình tự gen
16S rRNA, chủng vi khuẩn EB1 có độ tương đồng 99,86% với loài Anabaena sp. chủng
PCC 7120.

iii
MỤC LỤC

LỜI CẢM ƠN.............................................................................................................ii

TÓM TẮT LUẬN VĂN ........................................................................................... iii

DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT ................................................................................ vi

DANH MỤC HÌNH .................................................................................................vii

DANH MỤC BẢNG.................................................................................................. ix

LỜI MỞ ĐẦU............................................................................................................. 1

CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN TÀI LIỆU................................................................... 3

1.1 Vi khuẩn lam .................................................................................................... 3

1.1.1 Đặc điểm hình thái và sinh lí của vi khuẩn lam .............................................. 3

1.1.2 Phân loại vi khuẩn lam .................................................................................... 6

1.2 Các yếu tố ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của vi khuẩn lam
........................................................................................................................... 7

1.2.1 Các nhân tố môi trường ................................................................................... 7

1.2.2 Các yếu tố sinh học ......................................................................................... 8

1.2.3 Tác động của hóa chất nông nghiệp ................................................................ 9

1.3 Các vi khuẩn lam có khả năng cố định đạm ................................................... 10

1.3.1 Đặc điểm của các vi khuẩn lam cố định đạm ................................................ 10

1.3.2 Một số vi khuẩn lam cố định đạm ................................................................. 15

1.4 Sơ lược về cây lúa .............................................................................................. 19

1.4.1 Nguồn gốc, đặc điểm và các yếu tố ảnh hưởng đến sinh trưởng cây lúa ...... 19

1.4.2 Sự phân bố và quá trình cố định đạm của vi khuẩn lam trên đất ruộng lúa .. 22

1.5 Tình hình nghiên cứu vi khuẩn lam cố định đạm .......................................... 23

4
1.5.1 Các nghiên cứu về vi khuẩn lam cố định đạm trên thế giới .......................... 23

1.5.2 Các nghiên cứu về vi khuẩn lam cố định đạm ở Việt Nam .......................... 24

CHƯƠNG 2. VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ........................ 26

2.1 Phương tiện nghiên cứu .................................................................................... 26

2.2 Phương pháp nghiên cứu .................................................................................. 29

2.2.1 Sơ đồ nghiên cứu tổng quan .......................................................................... 29

2.2.2 Thu thập mẫu ................................................................................................. 30

2.2.3 Phân lập vi khuẩn lam cố định đạm .............................................................. 30

2.2.4 Quan sát đặc điểm hình thái và phân loại các vi khuẩn lam cố định đạm .... 31

2.2.5 Khảo sát khả năng tăng trưởng của các chủng vi khuẩn lam trong môi trường
không đạm ..................................................................................................... 32

2.2.6 Khảo sát ảnh hưởng của các chủng vi khuẩn lam cố định đạm lên sự tăng
trưởng của lúa ................................................................................................ 34

2.2.7 Định danh các vi khuẩn lam cố định đạm bằng kỹ thuật sinh học phân tử .. 35

CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN ............................................................. 36

3.1 Kết quả phân lập các chủng vi khuẩn lam cố định đạm ................................ 36

3.2. Kết quả quan sát đặc điểm hình thái các chủng vi khuẩn lam đã phân lập
......................................................................................................................... 38

3.3 Kết quả khảo sát khả năng tăng trưởng của các chủng vi khuẩn lam trong
môi trường không đạm ................................................................................. 43

3.4 Kết quả khảo sát ảnh hưởng của các chủng vi khuẩn lam cố định đạm lên
sự tăng trưởng của lúa giai đoạn mạ non .................................................... 44

3.5 Kết quả định danh vi khuẩn lam bằng kỹ thuật sinh học phân tử ............... 52

CHƯƠNG 4. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ.......................................................... 54

TÀI LIỆU THAM KHẢO ....................................................................................... 55

PHỤ LỤC.................................................................................................................. 61

5
DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT

IRRI International Rice Research Institute


ĐC- Đối chứng âm
ĐC+ Đối chứng dương
N Nitơ
NC Nước cất

vi
DANH MỤC HÌNH
Hình 1. 1 Chi vi khuẩn lam dạng sợi và dạng đơn bào .................................................... 4
Hình 1. 2 Hai kiểu phân nhánh của vi khuẩn lam dạng sợi ............................................. 5
Hình 1. 3 Vi khuẩn lam dạng sợi có dị bào và bì bào tử quan sát dưới kính hiển vi ....... 6
Hình 1. 4 Cấu trúc của nitrogenase được tạo bằng PyMol ............................................ 10
Hình 1. 5 Cấu trúc của nitrogenase ................................................................................ 11
Hình 1. 6 Các thành phần chính và tương tác liên quan đến phản ứng thiếu nitơ kết hợp
ở vi khuẩn lam ................................................................................................................ 13
Hình 1. 7 Một số vi khuẩn lam cố định đạm .................................................................. 17

Hình 2. 1 Sơ đồ nghiên cứu tổng quan vi khuẩn lam cố định đạm trên cây lúa ............ 29
Hình 2. 2 Buồng đếm hồng cầu của hãng Neubauer ...................................................... 33
Hình 2. 3 Kích thước các ô trong buồng đếm ................................................................ 34

Hình 3. 1 Sinh khối vi khuẩn lam phát triển trên ruộng lúa tại các điểm lấy mẫu ........ 36
Hình 3. 2 Sự phát triển của vi khuẩn lam đơn bào trên môi trường thạch ..................... 38
Hình 3. 3 Sự phát triển của vi khuẩn lam dạng sợi trên môi trường lỏng ...................... 39
Hình 3. 4 Mẫu vi khuẩn lam ở độ phóng đại 100 lần..................................................... 41
Hình 3. 5 Sự tăng sinh khối của các chủng vi khuẩn lam EB1, EL1, EB2, EL2 sau 10,
20 và 30 ngày nuôi cấy................................................................................................... 44
Hình 3. 6 Ảnh hưởng của vi khuẩn lam lên chiều cao cây lúa giai đoạn mạ non .......... 45
Hình 3. 7 Ảnh hưởng của vi khuẩn lam lên chiều dài rễ lúa giai đoạn mạ non ............. 46
Hình 3. 8 Ảnh hưởng của vi khuẩn lam lên khối lượng cây lúa giai đoạn mạ non ....... 47
Hình 3. 9 Ảnh hưởng của vi khuẩn lam lên khối lượng rễ lúa giai đoạn mạ non .......... 48
Hình 3. 10 Cây lúa sau 10 ngày ở các nghiệm thức ....................................................... 49
Hình 3. 11 Cây lúa sau 10 ngày ở nghiệm thức EB1 ..................................................... 50
Hình 3. 12 Cây lúa sau 10 ngày ở nghiệm thức EL1 ..................................................... 50
Hình 3. 13 Cây lúa sau 10 ngày ở nghiệm thức EB2 ..................................................... 51

vii
Hình 3. 14 Cây lúa sau 10 ngày ở nghiệm thức EL2 ..................................................... 51
Hình 3. 15 Trình tự vùng gene 16S rRNA chủng EB1 .................................................. 52

viii
DANH MỤC BẢNG

Bảng 1. 1 Một số chủng vi khuẩn lam cố định đạm phân lập trên môi trường BG11
.................................................................................................................................... 16
Bảng 1. 2 Một số vi khuẩn lam cố định đạm đơn bào và dạng sợi không có dị bào . 18

Bảng 2. 1 Danh mục thiết bị sử dụng ........................................................................ 26


Bảng 2. 2 Thành phần môi trường BG11 .................................................................. 27
Bảng 2. 3 Công thức môi trường Yoshida không đạm .............................................. 28

Bảng 3. 1 Đặc điểm mẫu đất và nước thu được ở huyện Ea Súp .............................. 36
Bảng 3. 2 Nguồn gốc các chủng vi khuẩn lam đã phân lập ....................................... 37
Bảng 3. 3 Đặc điểm của bộ chủng vi khuẩn lam phân lập ........................................ 42

ix
LỜI MỞ ĐẦU
Tại Việt Nam, lúa là cây trồng đóng vai trò chiến lực trong an ninh lương thực.
Trong nhiều thập kỷ qua, chính phủ đã nỗ lực tăng sản lượng lúa gạo trước cho thị trường
nội địa và sau đó là thị trường xuất khẩu. Từ năm 1993, Việt Nam trở thành một trong
những nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Năm 2015 sản lượng lúa của Việt Nam đạt
28 triệu tấn. Việc tăng sản lượng và xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam trong những năm
qua phần lớn dựa vào sản xuất lúa chất lượng thấp và xuất khẩu thông qua hợp đồng song
phương giữa chính phủ với các thị trường châu Á, châu Phi và Trung Đông với giá bán
thấp. Cùng với việc giảm giá thành sản xuất, chính sách đối ngoại trên đã đưa Việt Nam
trở thành một trong năm nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới.
Việt Nam là đất nước có nhiều lợi thế đặc biệt trong sản xuất lúa gạo. Hiện nay, lúa
gạo đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam. Theo
thống kê của Viện nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI), diện tích lúa chiếm 82% diện tích đất
canh tác ở Việt Nam. Có khoảng 52% sản lượng lúa Việt Nam được sản xuất ở đồng bằng
sông Cửu Long và 18% ở đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên xu hướng thâm canh tăng vụ
đi kèm với đẩy mạnh thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học khiến cho kỹ thuật canh
tác không phù hợp với lúa chất lượng cao, đồng thời cũng ảnh hưởng lâu dài đối với môi
trường đất và dễ khiến cây lúa mắc bệnh ở những đợt canh tác trong tương lai [1].
Một trong những biện pháp để hạn chế sử dụng phân hóa học là dùng phân hữu cơ vi
sinh trong đó có phân vi sinh cố định đạm. Cố định N2 là một yêu cầu cần thiết cho sự
sinh tổng hợp các hợp chất đạm tế bào. Một số vi khuẩn lam có thể cố định nitơ, góp phần
đáng kể vào chu trình nitơ trong tự nhiên. Hơn nữa, vi khuẩn lam là một nhóm sinh vật
xuất hiện rất sớm trên trái đất và hầu như có mặt ở tất cả các hệ sinh thái [2]. Với khả
năng cố định đạm đã được ghi nhận, vi khuẩn lam là một nguồn vi sinh vật to lớn cho
việc cải thiện năng suất cây trồng mà các nhà khoa học đang hướng tới.
Chính vì thế, việc phân lập và tuyển chọn các chủng vi khuẩn lam có khả năng cố
định đạm làm nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất phân vi sinh là việc làm cần thiết. Vì
vậy, đề tài “Phân lập và tuyển chọn vi khuẩn lam có khả năng cố định đạm và thử

1
nghiệm trên cây lúa giai đoạn mạ non” được thực hiện để tìm ra các chủng vi khuẩn
lam có khả năng cố định đạm cao.
Với nội dung gồm:

➢ Phân lập và tuyển chọn chủng vi khuẩn lam có khả năng cố định đạm

➢ Bước đầu đánh giá sự phát triển của cây lúa được cố định đạm bởi vi khuẩn
lam ở giai đoạn mạ non

2
CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN TÀI LIỆU
1.1 Vi khuẩn lam
1.1.1 Đặc điểm hình thái và sinh lí của vi khuẩn lam
Vi khuẩn lam là vi khuẩn quang hợp cổ xưa, xuất hiện trên trái đất từ 3,5 tỷ năm về
trước. Bằng việc tạo ra khí oxy như một sản phẩm phụ của quá trình quang hợp, vi khuẩn
lam được cho là đã chuyển đổi khí quyển ở thời kì sơ khai từ tính khử sang tính oxy hóa,
từ đó làm thay đổi thành phần sự sống trên trái đất. Chính vì vậy, chúng được xem là
nhóm sinh vật tiên phong trong quá trình sản xuất ra khí oxy giúp hình thành sự sống trên
trái đất ngày nay [3], [4].
Vi khuẩn lam trước đây còn được biết đến với tên gọi là tảo lam bởi chúng có cơ chế
quang hợp giống tảo (nhóm sinh vật nhân chuẩn) với sắc tố quang hợp nằm trên màng
thylakoid. Tuy nhiên, cấu tạo tế bào của chúng giống với sinh vật nhân sơ hơn là sinh vật
nhân chuẩn (Eukaryote) vì chúng không có màng nhân, vật liệu di truyền không liên kết
với protein histone, thiếu màng bao quanh các bào quan như bộ máy Golgi, lục lạp, ti thể,
lưới nội chất. Vi khuẩn lam có ribosome 70S và có cấu trúc thành tế bào gồm các lớp
peptidoglycan. Màu xanh của vi khuẩn lam do sự kết hợp của chlorophyll a (xanh lục) và
các sắc tố phụ phycocyanin (xanh lam), allophycocyanin (xanh lam), phycoerythin (màu
đỏ). Các sắc tố này kết hợp với nhau theo tỷ lệ và thành phần nhất định để thích ứng với
môi trường sống [5]–[7].
Vi khuẩn lam có hai hệ thống quang hệ I và II nằm trên màng thylakoid (trừ chi
Gloeobacter). Trong quang hệ II có phycobiliprotein có chức năng giống các sắc tố
“anten” bắt giữ năng lượng sáng cho chlorophyll a. Năng lượng ánh sáng sau đó sẽ được
chuyển từ quang hệ II sang quang hệ I – nơi chúng được chuyển thành năng lượng hóa
học trong đó có phân tử cao năng lượng như ATP và NADPH+H. Phân tử cao năng này
sẽ được sử dụng để cố định CO2 thành carbohydrate thông qua chu trinh Calvin. Vi khuẩn
lam thực hiện quang hợp trong điều kiện hiếu khí H2O là chất cho điện tử và O2 là sản
phẩm phụ được tạo ra. Tuy nhiên, một số chủng vi khuẩn lam có thể sống trong điều kiện

3
kỵ khí bằng cách sử dụng quang hệ I và chất cho điện tử H2S, H2 hoặc các hợp chất hữu
cơ [7].
Vi khuẩn lam có thể là đơn bào hay đa bào dạng sợi, hình dạng tế bào dinh dưỡng
của vi khuẩn lam rất đa dạng: hình cầu, elip dài hay rộng, hình quả lê, hình trứng, hình
ống hay hình thoi.

Hình 1. 1 Chi vi khuẩn lam dạng sợi và dạng đơn bào [8]
Ảnh hiển vi của các loài vi khuẩn lam khác nhau được thực hiện tại công ty DIC.
(A) Synechocystis sp; (B) Cyanosarcina sp; (C) Calothrix sp; và (D) Arthrospira sp.
Theo De Los Ríos và các cộng sự năm 2007 đã tìm ra vi khuẩn lam có thể được tìm
thấy gần như trong mọi môi trường sống trên đất liền như đất, đá ẩm, đá trong các hoang
mạc thậm chí kể cả các loại đá tại châu Nam Cực và trong môi trường nước như trong các
đại dương, môi trường nước ngọt [9]. Vi khuẩn lam dạng sợi có cấu trúc cơ thể đơn độc
hoặc phân nhánh, sự phân nhánh chia làm hai kiểu là phân nhánh thật và phân nhánh giả.
Phân nhánh thật là một tế bào trên sợi chính phân chia theo chiều dọc của sợi, sau đó một
trong những tế bào mới được hình thành tạo mấu lồi ở phía trên và tiếp tục phân chia theo
hướng đó (chi Hapalosiphon). Phân nhánh giả là sợi bị đứt đoạn trong bao, sau đó hai đầu
đoạn đứt mới hình thành tế bào phân chia, chọc thủng bao chui ra ngoài tạo thành hai

4
nhánh giả, trường hợp này gọi là phân nhánh giả đôi (chi Scytonema); nếu một đầu sợi
chui ra khỏi bao, đầu kia vẫn ở trong bao được gọi là phân nhánh giả đơn (như chi
Tolypothrix) [10].

Hình 1. 2 Hai kiểu phân nhánh của vi khuẩn lam dạng sợi [11], [12]
A: Phân nhánh thật Hapalosiphon sp. Thân tế bào dài 7-8 μm, rộng 10 μm, L/W =
0,7-0,8, x640. B: Phân nhánh giả Scytonema sp. với các tế bào phân chia và kéo dài bên
trong vỏ cứng, tạo thành một chỗ phình ra mà cuối cùng sẽ hình thành các nhánh giả kép
Vi khuẩn lam đã và đang được nghiên cứu trong một số lĩnh vực, đem lại giá trị kinh
tế vô cùng to lớn như:

➢ Làm phân bón sinh học cho lúa và các cây trồng khác bởi nhiều chủng vi
khuẩn lam có các tế bào dị hình, có khả năng cố định nitơ khí quyển giúp
tăng năng suất cây trồng.

➢ Vi khuẩn lam là một nguồn protein đơn bào có ý nghĩa quan trọng. Các
chủng không độc như Spirulina sp. đã được nuôi trên quy mô lớn để làm thực
phẩm bổ sung cho người và làm thức ăn giàu protein cho gia súc.

➢ Các chất chuyển hóa thứ cấp từ vi khuẩn lam là nguồn dược liệu quan trọng
cho việc phát triển thuốc và điều trị bệnh.
Ngoài ra, ở hầu hết vi khuẩn lam dạng sợi có các tế bào dị hình (dị bào- heterocyst)
ở đầu hay giữa sợi. Đây là các tế bào thường có kích thước lớn hơn tế bào dinh dưỡng, có
màu vàng, bao nhầy và chứa ít sắc tố. Nơi tiếp xúc giữa tế bào dị hình và tế bào dinh

5
dưỡng chứa hạt có tính chiết quang cao gọi là hạt cực. Tế bào dị hình có một số chức
năng như: là nơi diễn ra quá trình cố định nitơ, điều hòa quá trình hình thành bào tử. Sự
phân bố của những tế bào này đặc trưng cho từng loài và số lượng các dị bào phụ thuộc
vào điều kiện môi trường sống có thuận lợi hay không. Những đặc điểm khác biệt này
được coi là một tiêu chí quan trọng trong phân loại vi khuẩn lam.

Hình 1. 3 Vi khuẩn lam dạng sợi có dị bào và bì bào tử quan sát dưới kính hiển vi [13]

1.1.2 Phân loại vi khuẩn lam


Phân loại sinh học là phương pháp mà theo đó các nhà sinh học lập nhóm và phân
loại các loài sinh vật theo những nguyên tắc nhất định. Mỗi nhóm sinh vật có tên gọi
riêng và được phân định dựa trên những đặc điểm xác định về hình thái, trình tự DNA,…
Căn cứ vào mối quan hệ giữa các nhóm, Zakhia và các cộng sự năm 2008 đã sắp xếp các
nhóm vi sinh vật theo thứ tự bằng hoặc phân cấp cao hơn trên cây phân loại.
Dựa trên hệ thống phân loại vi khuẩn của Zakhia, vi khuẩn lam được chia thành 5 bộ
[14].

- Bộ Chroococcales: Dạng đơn bào, tế bào dạng đơn lẻ hoặc tập trung lại thành đám.
Các tế bào phân chia theo 1;2 hoặc 3 mặt phẳng đối xứng hoặc nảy chồi. Ví dụ các
chi Microcystis, Prochlorococcus, Prochloron, Synechococcus.

6
- Bộ Pleurocapsales: Dạng đơn bào, tế bào dạng đơn lẻ hoặc tập trung lại thành đám.
Ví dụ các chi: Chroococcidiopsis, Myxosarcina, Pleurocapsa.

- Bộ Oscillatoriales: Dạng sợi đơn, không có tế bào dị hình. Ví dụ các chi:


Oscillatoria, Spirulina, Lyngbya, Trichodesmium, Planktothrix.

- Bộ Nostocales: Dạng sợi, không phân nhánh, có tế bào dị hình, có khả năng cố
định nitơ. Ví dụ các chi: Nostoc, Calothrix, Nodularia.

- Bộ Stigonematales: Dạng sợi, phân nhánh, có tế bào dị hình để cố định nitơ. Ví dụ


các chi: Fischerella, Hapalosiphon, Westiellopsis.
Sự phân loại vi khuẩn lam truyền thống thường dựa trên hình thái của chúng. Tuy
nhiên, chỉ dựa vào tiêu chí hình thái có thể không chính xác vì một số chủng vi khuẩn lam
có sự thay đổi về hình thái khi đáp ứng các điều kiện môi trường khác nhau. Sử dụng
trình tự rDNA 16S để làm thước đo phân loại đang là hướng đi nhiều tiềm năng vì DNA
không bị ảnh hưởng bởi các điều kiện môi trường. Sự kết hợp giữa phương pháp truyền
thống và phương pháp hiện đại giúp quá trình phân loại vi khuẩn lam chuẩn xác hơn [15],
[16].
1.2 Các yếu tố ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của vi khuẩn lam
1.2.1 Các nhân tố môi trường
Vi khuẩn lam là những sinh vật cổ đại sống trong lớp vỏ của trái đất với hóa thạch
có niên đại lên tới 3,5 tỷ năm [17] và có một số tính năng chuyên biệt để thích ứng với
điều kiện môi trường thay đổi. Ánh sáng, pH, nhiệt độ và hàm lượng dinh dưỡng tham gia
trong việc làm cho vi khuẩn lam chịu được gần như tất cả các hệ sinh thái [18].
Nhiều loài vi khuẩn lam có khả năng không chỉ sống sót mà còn phát triển mạnh
trong điều kiện chịu được khô hạn, nhiệt độ cao, độ pH khắc nghiệt, độ mặn cao và thuốc
trừ sâu cho thấy khả năng thích nghi với môi trường khắc nghiệt. Các yếu tố chính ảnh
hưởng đến sự phân bố của vi khuẩn lam là ánh sáng, độ ẩm, nhiệt độ, các chất dinh
dưỡng, pH, hàm lượng chất hữu cơ. Nói chung, độ ẩm của đất, nhiệt độ đất, và ánh sáng
mặt trời ảnh hưởng nhiều đến mật số và các hoạt động của vi khuẩn lam. Độ pH đất cũng
ảnh hưởng đến hoạt động của một số loại vi khuẩn lam. vi khuẩn lam phát triển mạnh

7
nhất trong đất kiềm (pH ≥ 7) trong khi tảo xanh phát triển tốt hơn trong đất chua (pH ≤
5,5). Nhiều trường hợp trong thực tế, độ ẩm quá mức tạo điều kiện kỵ khí có lợi cho sự
phát triển của một số loài vi khuẩn lam [19].
Nhiệt độ cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và hoạt động của
vi khuẩn lam. Sự phân bố này có thể thay đổi theo thời gian trong năm và vị trí địa lý.
Nhiệt độ lý tưởng cho sự phát triển của vi khuẩn lam là từ 30 – 35°C nhưng nhiệt độ cao
hơn 40°C có thể ức chế sự phát triển của chúng. Nhiệt độ hiếm khi là nhân tố giới hạn sự
phát triển của vi khuẩn lam trên đồng ruộng bởi vì khoảng nhiệt độ cho sự tăng trưởng
của chúng cao hơn so với cây lúa. Bào tử vi khuẩn lam có thể chịu đựng được sự khô hạn
kéo dài. Tuy nhiên, nhiệt độ ảnh hưởng lên thành phần sinh khối các loại tảo và năng suất
quang hợp. Nhiệt độ thấp làm giảm năng suất của các tảo nhân thật, nhiệt độ cao thích
hợp cho vi khuẩn lam phát triển tăng sinh khối [20].
Ruộng lúa nơi vi khuẩn lam phát triển là môi trường hiếu khí có sự biến đổi trong
ngày và theo mùa về ánh sáng (0- 120k Lux), nhiệt độ (5 đến >60°C), pH (5 đến > 10),
nồng độ oxy (0 đến > 30ppm) [21]. Trong môi trường đất khô hạn, nhiệt độ và ánh sáng
có thể ức chế sự tăng trưởng của vi khuẩn lam vào đầu mùa vụ [22]. Tại các vùng gió mùa
ẩm ướt, vi khuẩn lam có thể phát triển sớm vào đầu vụ mùa trong suốt mùa khô và ấm.
Trong mùa mưa, việc thiếu ánh sáng và sự xáo trộn bởi mưa lớn có thể hạn chế sự phát
triển của vi khuẩn lam [23].
1.2.2 Các yếu tố sinh học
Các yếu tố sinh học hạn chế sự tăng trưởng của vi khuẩn lam chủ yếu là các loài
không xương sống như bọ nước (ostracods), ấu trùng muỗi và ốc sên. Một quần thể dày
đặc ostracods có thể ăn 34 kg/ha/ngày trọng lượng khô của vi khuẩn lam, tiêu thụ khoảng
1,7 kg N và bài tiết 1 kg N [24]. Các loài vi khuẩn lam hình thành khuẩn lạc nhầy thường
là thức ăn ưa thích của chúng so với các loài không hình thành khuẩn lạc. Do đó, số lượng
các vi khuẩn lam có khuẩn lạc nhầy, đặc biệt là Nostoc spp. chiếm ưu thế cao trong ruộng
lúa. Các vi khuẩn hiếu khí gây bệnh và các loài đối kháng vi khuẩn lam cũng đã được
quan sát thấy trong ruộng lúa nhưng các cơ chế liên quan còn chưa được biết đến [19]. Vi
khuẩn lam đã được phát hiện là đóng một vai trò quan trọng trong môi trường sống trên

8
cạn. Thomas và các cộng sự năm 2007 đã báo cáo rộng rãi rằng lớp vỏ đất của vi khuẩn
lam giúp ổn định đất để chống xói mòn và giữ nước [25]. Một ví dụ về loài vi khuẩn lam
làm như vậy là Microcoleus vaginaltus và M. vaginaltus ổn định đất bằng cách sử dụng
vỏ bọc polysaccharide liên kết với các hạt cát và hút nước [26].
1.2.3 Tác động của hóa chất nông nghiệp
Nitơ khoáng trong các loại phân hóa học được Roger và các cộng sự năm 2001
chứng minh là ức chế cố định đạm sinh học trong môi nuôi cấy vi khuẩn lam, việc ức chế
tại nơi thực nghiệm ít được ghi nhận trong quá trình khảo sát do phụ thuộc vào phương
pháp bón phân của người làm. Có một điểm đáng chú ý là nitơ khi bón rải sẽ khiến việc
ức chế sinh học của vi khuẩn lam mạnh hơn, như vậy việc bón rải phân N và hiệu quả cố
định đạm sinh học có mối tương quan đối lập nhau (kg lúa thu được / kg N). Phân N khi
bón rải không chỉ ảnh hưởng tới cố định đạm sinh học mà còn ảnh hưởng tới việc tổn thất
N do quá trình bay hơi amonia. Có một số cách khắc phục là bón phân N vùi trong đất sẽ
giảm thiểu việc ức chế sinh học trên vi khuẩn lam [19], đây cũng là một trong những biện
pháp mà người nông dân tại Việt Nam làm khá tốt.
Việc gia tăng dân số toàn cầu cũng khiến cho nhu cầu về thực phẩm và trong đó có
lúa gạo tăng cao, nông dân cũng vì thế mà dựa vào quá nhiều các sản phẩm thuốc bảo vệ
thực vật vì tính chất nhanh chóng. Vấn đề này cũng khiến nhiều nhà khoa học đau đầu vì
25% tổng sản lượng cây trồng đã bị mất do sâu bệnh và mầm bệnh trong quá trình cây
trồng sinh trưởng và bảo quản sau thu hoạch [27]. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc trừ sâu
hóa học không có kế hoạch, liên tục và diện tích rộng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới môi
trường đất và gây bất lợi cho vi khuẩn lam bởi làm giảm sự đa dạng sinh học và khiến các
loài vi khuẩn kháng thuốc sẽ xuất hiện nhiều hơn. Theo Issa và các cộng sự năm 2013 thì
hầu hết các loại thuốc diệt cỏ, thuốc diệt nấm sẽ gây bất lợi cho vi khuẩn lam hơn so với
thuốc trừ sâu. Các thí nghiệm về tính độc của Issa cũng nhấn mạnh là chỉ tiêu trong phòng
thí nghiệm hoặc từ một số nghiên cứu thực địa, vậy nên nếu áp dụng cho môi trường đất
trồng lúa gạo tại Việt Nam cũng sẽ cần lưu ý thêm [28].

9
1.3 Các vi khuẩn lam có khả năng cố định đạm
1.3.1 Đặc điểm của các vi khuẩn lam cố định đạm
Nitơ là một chất dinh dưỡng đa lượng cần thiết cho sự phát triển của cây trồng.
Trong khi một số loài thực vật thu nhận nitơ cố định thông qua cộng sinh với vi sinh vật,
hầu hết thực vật thu được nitơ thông qua sự hấp thụ từ đất. Kỹ thuật sử dụng vi khuẩn lam
cố định nitơ sẽ giảm chi phí nitơ trong phân bón và cải thiện phần lớn hiệu quả sử dụng
nitơ của cây trồng [29]. Các vi khuẩn lam cố định đạm nhờ vào các enzyme nitrogenase
được mã hóa bởi gen nif. Dựa vào cấu trúc của nitrogenase thì đây là một họ enzyme
phức hợp duy nhất được các nhà khoa học biết đến với vai trò xúc tác cho phản ứng khử
nitơ (N2) thành amoniac (NH3) [30].

Hình 1. 4 Cấu trúc của nitrogenase được tạo bằng PyMol [31]

Các protein FeMo là nơi khử N2. Các tiểu đơn vị khác là các protein Fe, mã hóa bởi
các gen nifH thường được sử dụng để giải trình tự và định danh. Các protein Fe có phức
hệ Fe4S4 nơi ATP được thủy phân, cung cấp điện tử cần thiết để FeMo có thể hoạt động.
Ức chế oxy của các enzyme xảy ra ở tiểu đơn vị này, nơi các phân tử có thể tương tác với
phức hệ Fe4S4. Schindelin và các cộng sự 1997 đã kết luận rằng một khi có ATP liên kết,

10
protein Fe sẽ thay đổi cấu trúc để chuyển các điện tử đến vị trí oxy hóa khử FeMo [32].
Đối với mỗi điện tử được cung cấp cho vị trí hoạt động của protein FeMo thì tốn 2 ATP
để thủy phân. Công thức phản ứng tổng thể cho quá trình cố định N2 là:
N2 + 8 H+ + 8 e- + 16 ATP → 2NH3 + H2 + 16 ADP + 16 Pi.

Hình 1. 5 Cấu trúc của nitrogenase [33]

Theo Stucken và các cộng sự năm 2010 thì có khoảng 16 gene nif trong vi khuẩn
lam, trong đó 8 gene (hoặc có 9 gene bao gồm cả gene patB điều chỉnh phiên mã) được
coi là cốt lõi cho các con đường cố định N2 [34]. Phức hợp enzyme nitrogenase có bản
chất kỵ khí, rất nhạy cảm với oxy. Theo Durner và các cộng sự năm 1996 cũng chứng
minh rằng tình trạng stress oxy cao gây ra sự phân giải protein của tiểu đơn vị nitrogenase
gây ức chế tổng hợp nitrogenase và dẫn đến tình trạng thiếu chất khử cần thiết cho sự cố
định nitơ [35]. Chính vì vậy nitrogenase sẽ hoạt động tốt hơn khi có sự thích nghi đặc biệt
trong vi khuẩn lam khi ở chúng thì quá trình sản xuất oxy diễn ra đồng thời với quá trình
cố định nitơ [36].

11
Theo Stewart và các cộng sự năm 1980, vi khuẩn lam dạng sợi hay dạng đơn bào
tổng hợp các enzyme nitrogenase và có thể cố định nitơ [37]. Hiện tượng này dường như
mâu thuẫn với độ nhạy cảm cao đối với oxy của nitrogenase. Vì vậy, vi khuẩn lam cố
định đạm đã phát triển các cơ chế để bảo vệ nitrogenase khỏi bị bất hoạt bởi oxy. Cho tới
nay, các cơ chế này vẫn chưa được các nhà khoa học làm rõ. Nhưng theo Mitsui và các
cộng sự năm 1986 thì quang hợp tạo oxy và cố định nitơ không thể xảy ra cùng lúc trong
một tế bào đơn lẻ nên hai quá trình này được phân tách ở các không gian khác nhau [38].
Ở một số vi khuẩn lam dạng sợi chúng sẽ giải quyết vấn đề này bằng cách phát triển dị
bào. Theo Fay và các cộng sự năm 1968 dị bào là các tế bào không phân chia, bị mất khả
năng quang hợp và có chứa các enzyme nitrogenase [39]. Theo Scherer và các cộng sự
1988 trong điều kiện hiếu khí, các tế bào dinh dưỡng của vi khuẩn lam thực hiện quang
hợp tạo oxy, trong khi nitrogenase nằm trong các dị bào, bên trong dị bào sẽ có đủ yêu
cầu về yếm khí cho enzyme hoạt động [40]. Nguồn chất khử của nitrogenase thông qua
ferredoxin được vận chuyển từ tế bào dinh dưỡng đến dị bào và ATP được tạo ra bởi hoạt
động của hệ thống quang I hoặc phosphoryl hóa oxy trong dị bào. Theo Khamees và các
cộng sự năm 1987 hầu hết vi khuẩn lam có dị bào được mô tả ưu tiên cố định nitơ trong
ánh sáng [41], các hoạt động thấp của nitrogenase trong bóng tối có thể do khả năng trao
đổi chất giảm nên không đủ để tạo ra chất khử [42]. Dị bào có nhiều lớp vách dày ngăn
chặn sự xâm nhập của oxy, sự hô hấp diễn ra với tốc độ cao và thiếu hệ thống quang II,
đối với hệ thống quang II (PSII) bị suy thoái trong dị bào để không thể thực hiện các phản
ứng quang phân ly nước hay quang hợp. Theo Currati và các cộng sự năm 2002 thì tế bào
dinh dưỡng sẽ quang hợp và cung cấp sucrose cho dị bào và ngược lại dị bào cung cấp
nitơ [43]. Theo thomas và các cộng sự năm 1977 rất có thể glutamine hình thành amonia
được tạo ra bởi sự cố định N2 nhờ các enzyme glutamine synthetase và glutamate synthase
[44]. Ngoài ra theo Gupta and Carr năm 1981 đã tìm ra glutamine có thể chuyển đổi thành
arginine sau đó được đưa vào hạt cyanophycin. Chúng có thể được phân hủy bởi
Cyanophycinase một cách mạnh mẽ tùy thuộc vào nhu cầu nitơ của dị bào và tế bào dinh
dưỡng [45]. Awai và các cộng sự năm 2007 cũng đã chứng minh dị bào có một lớp vỏ tế
bào dày bao gồm chuỗi glycolipid dày đặc tạo thành hàng rào làm cho lỗ hẹp thẩm thấp

12
vừa đủ để trao đổi khí, lượng O2 còn lại bên trong dị bào có thể được tiêu thụ bởi hoạt
động hô hấp và các phản ứng khác. Nhờ vào cơ chế này mà môi trường yếm khí bên trong
dị bào được đảm bảo cho enzyme nitrogenase hoạt động một cách bình thường.
Đối với loài Anabaena, dị bào từ các tế bào dinh dưỡng của chúng mất khoảng 24
giờ để hình thành sau khi cho trải qua quá trình thiếu hụt nitơ. Hơn 500 loại protein biểu
hiện khác nhau trong dị bào trong suốt quá trình biến đổi. Quá trình phức tạp này chịu sự
kiểm soát của rất nhiều gene đồng thời. Một trong những gene chính điều khiển là HetR,
một serine protease và NtcA đóng vai trò phiên mã kiểm soát nitơ trong vi khuẩn lam. Khi
thiếu hụt nitơ biểu hiện của gene HetR sẽ tăng, sự điều hòa của gene này lại được NtcA
chịu trách nhiệm. Sự hình thành dị bào cũng được kiểm soát bởi 2-oxoglutarate (2-OG),
chúng như một chất nền cung cấp các khung xương carbon cho sự kết hợp của nitơ vô cơ
và đây cũng là phân tử tín hiệu cho biết hàm lượng carbon hữu cơ trong dị bào đang ở
mức độ nào. NtcA sẽ cảm biến 2-oxoglutarate để bắt đầu thực hiện phân hóa dị bào. Việc
tổng hợp nitrogenase cần nhu cầu Fe cao. Sự hấp thụ nguyên tố này được điều khiển bởi
gene furA mà biểu hiện của nó cũng được điều khiển bởi NtcA và HetR [46].

Hình 1. 6 Các thành phần chính và tương tác liên quan đến phản ứng thiếu nitơ kết
hợp ở vi khuẩn lam [46]

13
Hộp hình chữ nhật đại diện cho các gen ( ntcA, hetR và patS ) trong khi hộp tròn và
vòng tròn đại diện cho các yếu tố phiên mã (NtcA, HetR và PatS) và các phân tử nhỏ hơn
(2-OG và cN) tương ứng. Mũi tên có đầu nghiêng bình thường và mũi tên có đầu phẳng
lần lượt là đại diện cho các quá trình điều chỉnh lên và điều chỉnh xuống. Đường đứt nét
là nghĩa cho các tương tác gián tiếp hoặc được hiểu không hoàn toàn. Sự tích tụ của 2-OG
giúp tăng cường hoạt động liên kết DNA của NtcA, từ đó điều chỉnh quá trình phiên mã
của ntcA và hetR. HetR kích hoạt ntcA và hetR (tạo ra vòng điều hòa tự động trung tâm
NtcA-HetR), chất ức chế patS và các gen khác dẫn đến sự cố định nitơ và những thay đổi
hình thái liên quan đến sự phân hóa dị bào [47].
Ở vi khuẩn lam không có dị bào, sự quang hợp tạo oxy phải tách khỏi sự cố định
đạm về thời gian hoặc không gian. Đối với thời gian, cố định đạm chủ yếu diễn ra trong
tối và quang hợp diễn ra khi có ánh sáng. Về không gian, các tế bào ở trung tâm không
quang hợp sẽ tham gia vào quá trình cố định đạm bên cạnh các tế bào màu xanh lá bên
ngoài làm nhiệm vụ quang hợp. Trong vi khuẩn lam cố định đạm đơn bào và vi khuẩn
lam sợi không có dị bào, nitrogenase và quang hợp dường như xảy ra trong cùng một tế
bào. Theo Huang và các cộng sự năm 1986 khi nuôi vi khuẩn lam trong chu kỳ sáng- tối,
dị bào cho thấy hoạt động nitrogenase chỉ xảy ra trong khoảng thời gian tối. Bên cạnh đó,
Weare và các cộng sự năm 1974 đã cung cấp các bằng chứng cho thấy sự phân hủy và tái
tổng hợp theo chu kỳ của phycobiliprotein sẽ giúp điều hòa hoạt động quang hợp. Khi
phycobiliprotein của tế bào thấp, tiến hóa oxy ngừng và nitrogenase được cảm ứng. Theo
Giani và các cộng sự năm 1986 cũng cho thấy rằng hiện tượng trên phụ thuộc rất nhiều
vào cường độ ánh sáng. Ở cường độ ánh sáng thấp (500 lux hoặc ít hơn) phycobiliprotein
là không đổi. Tuy nhiên sự giải phóng oxy không thể đo được và cũng không thể loại trừ
khả năng quang hợp bị ảnh hưởng. Cả trong tối và sáng đều cho thấy một tỷ lệ hô hấp rất
cao. Tuy nhiên các hoạt động nitrogenase trong ánh sáng cao hơn khoảng sáu lần mức tối
đa trong tối. Như vậy, ánh sáng là một yếu tố kích hoạt nitrogenase. Ngoài ánh sáng, vi
khuẩn lam hô hấp có chức năng bảo vệ vượt trội hơn chức năng cung cấp năng lượng cho
nitrogenase. Trong tối, hô hấp cung cấp cả năng lượng và vai trò bảo vệ đồng thời. Theo

14
Scherer và các cộng sự năm 1982 thì hô hấp của vi khuẩn lam ngoài ánh sáng được tìm
thấy ở một số loài và tỷ lệ cao hơn đối với các loài cố định đạm.
Vi khuẩn lam không chỉ dừng lại ở việc đóng góp nitơ mà còn mang lại lợi ích cho
cây trồng bằng cách sản xuất các chất kích thích tăng trưởng khác nhau như gibberellin,
auxin như acid indole-3-acetic, acid indole-3-propionic,…; vitamin B12, acid amin tự do
như serine, arginine, glycine, acid aspartic, threonine, acid glutamic,…; polysaccharides
ngoài và bên trong tế bào như xylose, galactose, fructose,… Các chất này sẽ giúp cải thiện
cơ cấu đất, kích thích sự tăng trưởng của cây trồng cũng như vi khuẩn hữu ích khác. Theo
EI-Enany và các cộng sự năm 2000 một số vi khuẩn lam đã được nghiên cứu là có khả
năng hòa tan phosphate cho cây trồng dễ hấp thu như Tolypothrix, Scytonema,
Hapalosiphon.
1.3.2 Một số vi khuẩn lam cố định đạm
Nhiều vi khuẩn lam sống tự do cố định nitơ trong khí quyển. Chúng không cạnh
tranh carbon và năng lượng với cây trồng và hệ vi sinh dị dưỡng trong đất. Các loài vi
khuẩn lam khác nhau có thể cố định nitơ trong điều kiện hiếu khí, kỵ khí và cả vi hiếu
khí. Khả năng cố định đạm không chỉ thể hiện ở vi khuẩn lam có dị bào (Nostoc,
Anabaena, Aulosira,…) mà còn được tìm thấy ở một số vi khuẩn lam đơn bào
(Gloeocapsa, Aphanothece, Gloeothece,…) hay dạng sợi không có dị bào (Oscillatoria,
Plectonema,…) [48]. Các loài vi khuẩn lam tạo dị vòng có thể dùng để cố định khí nitơ

thành ammonia (NH3), nitries (NO2-) hoặc nitrates (NO3-) có thể được thực vật hấp thụ và

chuyển hóa thành protein và axit nucleic (nitơ khí quyển không có giá trị sinh học đối với
thực vật, ngoại trừ những loài có vi khuẩn cố định nitơ nội sinh).
Sims và các cộng sự năm 1984 đã tìm ra vi khuẩn lam sống tự do có trong nước
ruộng lúa, và vi khuẩn lam có thể được tìm thấy phát triển dưới dạng biểu sinh trên bề
mặt của tảo xanh Chara, nơi chúng có thể cố định nitơ [49]. Bocchi và các cộng sự năm
2010 đã tìm ra vi khuẩn lam như Anabaena (cộng sinh của Azolla thủy sinh) có thể cung
cấp phân bón sinh học cho các đồn điền lúa [50].

15
Bảng 1. 1 Một số chủng vi khuẩn lam cố định đạm phân lập trên môi trường BG11 [28]

STT Nhóm đơn bào Một số chủng phát triển trên môi trường BG11 không
đạm

1 Anabaena Chủng vi khuẩn lam có dị bào với một lớp vỏ mỏng,


không phân nhánh, không tạo khuẩn lạc nhầy (Anabaena,
Nodularia, Cylindrospermum, Anabaenopsis)

2 Nostoc Chủng vi khuẩn lam có dị bào với một lớp vỏ mỏng,


không phân nhánh, tạo khuẩn lạc nhầy (Nostoc)

3 Aulosira Chủng vi khuẩn lam có dị bào với một lớp vỏ mỏng,


thường phân nhánh, không tạo khuẩn lạc lan tỏa trên môi
trường thạch (Aulosira)

4 Scytonema Chủng vi khuẩn lam có dị bào, phân nhánh giả, không


phân cực, tạo thành mảng giống như nhung như trên môi
trường thạch (Scytonema)

5 Calothrix Chủng vi khuẩn lam có dị bào, phân nhánh giả, phân cực,
tạo thành mảng giống như nhung như trên môi trường
thạch (Calothrix, Tolypothrix, Hassalia)

6 Gloeotrichia Chủng vi khuẩn lam có dị bào, phân cực, hình thành


khuẩn lạc nhầy về hình dạng nhất định (Gloeotrichia,
Rivularia)

7 Fischerella Chủng vi khuẩn lam có dị bào, phân nhánh thật


(Fischerella, Westiellopsis, Stigonema)

16
Hình 1. 7 Một số vi khuẩn lam cố định đạm [28]

Các loài vi khuẩn lam có dị bào, dạng sợi thuộc bộ Nostocales và Stigonematales
được đánh giá là có tiềm năng sử dụng làm phân bón sinh học [51]. Chúng có chứa
nitrogenase hoạt động thường phụ thuộc ánh sáng và quang hợp tạo oxy được tách ra về
không gian. Chi Nostoc, Anabaena, Tolypothrix, Aulosira, Cylindrospermum, Scytonema
và một số chi khác có nhiều trong ruộng lúa và đóng góp đáng kể vào sự màu mỡ của đất
cũng như chất lượng lúa. Theo Abd-Alla và các cộng sự năm 1994 vi khuẩn lam có thể
đóng góp khoảng 20-30kg N/ha/mùa cũng như chất hữu cơ cho đất. Điều này giúp ích
đáng kể cho người nông dân trong việc giảm chi phí phân bón nitơ hóa học. Thông
thường, việc sử dụng vi khuẩn lam sống tự do được ưa chuộng ở các vùng nhiệt đới và
được áp dụng ở hầu hết các nước châu Á. Ngoài lúa, các cây trồng khác như rau, lúa mì,
lúa miến, ngô, bông, mía,… cũng đáp ứng với phân sinh học vi khuẩn lam [52].
17
Ngoài ra, các vi khuẩn lam không có dị bào cũng có thể cố định đạm. Stewart và các
cộng sự năm 1970 đã chứng minh sự cố định đạm của Lyngbya boryanum trong điều kiện
vi hiếu khí. Về sau, ghi nhận về các loài vi khuẩn lam cố định đạm không có dị bào được
biết đến nhiều hơn.
Bảng 1. 2 Một số vi khuẩn lam cố định đạm đơn bào và dạng sợi không có dị bào [53]

Dạng Chi Nguồn người phân lập


Đơn bào Gloeocapsa 795 Wyatt và Slivey (1969); Stewart
(1971)
Gloeocapsa 6501 Rippka và các cộng sự, 1971
Lyngbya 6409 Kenyon và các cộng sự, 1972
Oscillatoria 6407 Kenyon và các cộng sự , 1972
Oscillatoria 6412 Kenyon và các cộng sự, 1972
Sợi, không dị bào Oscillatoria 6506 Kenyon và các cộng sự, 1972
Oscillatoria 6602 Kenyon và các cộng sự, 1972
Plectonema boryanum 594 Stewart và Lex, 1970
Plectonema 6306 Kenyon và các cộng sự, 1972
Plectonema 6402 Kenyon và các cộng sự, 1972
Theo Gallon và các cộng sự năm 1980 thì chi vi khuẩn lam đơn bào Gloeothece đã
được nghiên cứu rộng rãi cho thấy hoạt động của enzyme nitrogenase và quang hợp tạo
oxy vẫn cùng tồn tại trong một loại tế bào đơn [54]. Pearson và các cộng sự năm 1979 đã
báo cáo rằng khả năng cố định đạm ở loài vi khuẩn lam dạng sợi không dị bào
Microcoleus chthonoplastes [55]. Stal và các cộng sự 1981 cũng đã nghiên cứu thấy hoạt
động của nitrogenase dưới điều kiện hiếu khí trong một loài Oscillatoria ở vùng biển
[56].
Nghiên cứu của Hasan và các cộng sự năm 2012 ghi nhận thêm một số loài vi khuẩn
lam đơn bào có khả năng cố định đạm phân lập từ ruộng lúa vùng Tây Bắc Bangladesh.
Trong số 42 loài phân lập được: 9 loài thuộc chi Aphanocapsa, 8 loài Chroococcus, 5 loài
Gloeocapsa, 4 loài Aphanothece, 3 loài Gloeothece, 3 loài Merismopedia, 2 loài

18
Coelosphaerium và 1 loài cho mỗi chi sau: Chroococcidiopsis, Synechococcus,
Synechocystis, Dactylococcopsis, Microcystis, Myxosarcina, Hydrococcus và Xenococcus
[57].
1.4 Sơ lược về cây lúa
1.4.1 Nguồn gốc, đặc điểm và các yếu tố ảnh hưởng đến sinh trưởng cây lúa

❖ Nguồn gốc
Cây lúa trồng hiện nay đã trải qua một lịch sử tiến hóa rất lâu dài và khá phức tạp,
với nhiều thay đổi rất lớn về đặc điểm hình thái, nông học, sinh lý và sinh thái để thích
nghi với điều kiện khác nhau của môi trường thay đổi theo không gian và thời gian. Lịch
sử cây lúa đã có từ lâu và gắn liền với lịch sử phát triển của nhân dân các nước Châu Á.
Tuy nhiên theo Khush và các cộng sự năm 1997 cho rằng tổ tiên của chi lúa Oryza là một
loài cây hoang dại trên siêu lục địa Gondwana cách đây ít nhất 130 triệu năm và phát tán
rộng khắp các châu lục trong quá trình trôi dạt lục địa, Khush kết luận Châu Á dường như
không phải nơi xuất hiện lúa đầu tiên. Hiện nay có khoảng 21 loài cây hoang dại thuộc chi
này và 2 loài lúa đã được thuần hoá là lúa châu Á (Oryza sativa) và lúa châu Phi (Oryza
glaberrima) [58].
Đối với lúa châu Á (Oryza sativa), đây là một loại lúa hoang phổ biến có nguồn gốc
tại vùng lưu vực sông Dương Tử (Trung Quốc). Hiện nay đây cũng chính là giống lúa
chính được gieo trồng làm cây lương thực trên khắp thế giới. Hơn 10.000 năm trước, cư
dân nơi đây đã trồng loại lúa nước và nó được xem như quê hương của loại cây lương
thực này. Tuy còn nhiều tranh cãi về nguồn gốc cây lúa nhưng Trung Quốc vẫn được coi
là nền văn minh lúa nước và là trung tâm nông nghiệp lớn trên thế giới [59].

❖ Đặc điểm, phân loại


Lúa là cây hằng niên có tổng số nhiễm sắc thể 2n = 24. Về mặt phân loại thực vật,
cây lúa thuộc họ Gramineae (hòa thảo), tộc Oryzeae, chi Oryza. Oryza có khoảng 20 loài
phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới ẩm của Châu Phi, Nam và Đông Nam Châu Á, Nam
Trung Quốc, Nam và Trung Mỹ và một phần ở Châu Úc. Trong đó, chỉ có 2 loài là lúa
trồng, còn lại là lúa hoang hằng niên và đa niên. Loài lúa trồng quan trọng nhất, thích

19
nghi rộng rãi và chiếm đại bộ phận diện tích lúa thế giới là Oryza sativa L. Loài này hầu
như có mặt ở khắp nơi từ đầm lầy đến sườn núi, từ vùng xích đạo, nhiệt đới đến ôn đới, từ
khắp vùng phù sa nước ngọt đến vùng đất cát sỏi ven biển nhiễm mặn phèn … Một loài
lúa trồng nữa là Oryza glaberrima Steud., chỉ được trồng giới hạn ở một số quốc gia Tây
Phi Châu và hiện đang bị thay thế dần bởi Oryza sativa L.
Lúa là các loài thực vật sống một năm, có thể cao tới 1 – 1,8 m, đôi khi cao hơn, với
các lá mỏng, hẹp bản (2 – 2,5 cm) và dài 50 – 100 cm. Các hoa nhỏ tự thụ phấn mọc
thành các cụm hoa phân nhánh cong hay rủ xuống, dài 30 – 50 cm. Hạt là loại quả thóc
(hạt nhỏ, cứng của các loại cây ngũ cốc) dài 5 – 12 mm và dày 2 – 3 mm. Thân lúa (stem)
gồm những mắt và lóng nối tiếp nhau, Lóng là phần thân rỗng ở giữa 2 mắt và thường
được bẹ lá ôm chặt. Thông thường các lóng bên dưới ít phát triển nên các mắt rất khít
nhau, chỉ có khoảng 3 – 8 lóng trên cùng bắt đầu vươn dài khi lúa có đòng đòng (2-35
cm). Lúa là cây đơn tử diệp (1 lá mầm). Lá lúa mọc đối ở 2 bên thân lúa, lá ra sau nằm về
phía đối diện với lá trước đó. Lá trên cùng (lá cuối cùng trước khi trổ bông) gọi là lá cờ
hay lá đòng. Lá lúa gồm phiến lá, cổ lá và bẹ lá. Cây lúa có 2 loại rễ: rễ mầm và rễ phụ:
Rễ mầm (radicle) là rễ mọc ra đầu tiên khi hạt lúa nảy mầm; rễ phụ mọc ra từ các mắt
(đốt) trên thân lúa, rễ phụ mọc dài, có nhiều nhánh và lông hút.
Lúa là loại cây ngày ngắn, tức là loại thực vật chỉ cảm ứng ra hoa trong điều kiện
quang kỳ ngắn. Dựa vào mức độ cảm ứng đối với quang kỳ của từng giống lúa, người ta
phân biệt 2 nhóm lúa chính: nhóm quang cảm và nhóm không quang cảm. Nhóm lúa
quang cảm là nhóm giống lúa có cảm ứng với quang kỳ, chỉ ra hoa trong điều kiện ánh
sáng ngày ngắn thích hợp, nên gọi là lúa mùa, tức lúa chỉ trổ và chín theo mùa. Tùy mức
độ mẫn cảm với quang kỳ nhiều hay ít, mạnh hay yếu người ta phân biệt: lúa mùa sớm,
mùa lỡ hoặc mùa muộn. Phần lớn các giống lúa cổ truyền của ta đều là giống lúa quang
cảm. Ngoài ra, hầu như các giống lúa mới lai tạo phục vụ cho việc thâm canh tăng vụ hiện
nay đều không quang cảm. Các giống lúa này lại ngắn ngày (90 – 120 ngày) hoặc trung
mùa (120 – 150 ngày) có thời gian sinh trưởng hầu như không thay đổi khi trồng trong
các thời vụ khác nhau nên có thể trồng được nhiều vụ 1 năm và có thể trồng bất cứ lúc
nào trong năm, miễn bảo đảm đủ nước tưới và yêu cầu dinh dưỡng.

20
Đời sống cây lúa bắt đầu từ lúc hạt nảy mầm cho đến khi lúa chín. Có thể chia làm 3
giai đoạn chính: giai đoạn tăng trưởng (sinh trưởng dinh dưỡng), giai đoạn sinh sản (sinh
dục) và giai đoạn chín. Giai đoạn tăng trưởng bắt đầu từ khi hạt nảy mầm đến khi cây lúa
bắt đầu phân hóa đòng, cây phát triển về thân lá, chiều cao tăng dần và ra nhiều chồi mới
(nở bụi). Giai đoạn sinh sản bắt đầu từ lúc phân hóa đòng đến khi lúa trổ bông. Giai đoạn
này kéo dài khoảng 27 – 35 ngày, trung bình 30 ngày và giống lúa dài ngày hay ngắn
ngày thường không khác nhau nhiều, số chồi vô hiệu giảm nhanh, chiều cao tăng lên rõ
rệt do sự vươn dài của 5 lóng trên cùng. Đồng lúa hình thành và phát triển qua nhiều giai
đoạn, cuối cùng thoát ra khỏi bẹ của lá cờ: lúa trổ bông. Giai đoạn chín bắt đầu từ lúc trổ
bông đến lúc thu hoạch.

❖ Yếu tố ảnh hưởng


Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển cây lúa có thể kể đến như: nhiệt độ, ánh
sáng, điều kiện đất đai… Nhiệt độ có tác dụng quyết định đến tốc độ sinh trưởng của cây
lúa nhanh hay chậm, tốt hay xấu. Trong phạm vi giới hạn (20 – 30oC), nhiệt độ càng tăng
cây lúa phát triển càng mạnh. Nhiệt độ trên 40oC hoặc dưới 17oC, cây lúa tăng trưởng
chậm lại. Dưới 13oC cây lúa ngừng sinh trưởng, nếu kéo dài 1 tuần lễ cây lúa sẽ chết.
Nhiệt độ tối hảo cho cây lúa còn tùy thuộc vào giống lúa và giai đoạn sinh trưởng của cây.
Cường độ ánh sáng ảnh hưởng trực tiếp đến sự quang hợp của cây lúa, thể hiện chủ
yếu bằng năng lượng ánh sáng mặt trời chiếu trên đơn vị diện tích đất (lượng bức xạ).
Trong điều kiện bình thường, lượng bức xạ trung bình từ 250 – 300 cal/cm2 /ngày thì cây
lúa sinh trưởng tốt và trong phạm vi này thì lượng bức xạ càng cao thì quá trình quang
hợp xảy ra càng mạnh. Bức xạ mặt trời ảnh hưởng lớn đến các giai đoạn sinh trưởng khác
nhau và năng suất lúa, đặc biệt ở các giai đoạn sau.
Đất trồng lúa cần giàu dinh dưỡng, nhiều hữu cơ, tơi xốp, thoáng khí, khả năng giữ
nước, giữ phân tốt, tầng canh tác dày để bộ rễ ăn sâu, bám chặt vào đất và huy động nhiều
dinh dưỡng nuôi cây. Loại đất thịt hay đất thịt pha sét, ít chua hoặc trung tính (pH = 5,5 –
7,5) là thích hợp đối với cây lúa. Tuy nhiên, muốn trồng lúa đạt năng suất cao, đất ruộng
cần bằng phẳng và chủ động nước.

❖ Nhu cầu đạm với cây lúa và cây lúa giai đoạn mạ non
21
Đạm là chất tạo hình cây lúa, là thành phần chủ yếu của protein và chất diệp lục làm
cho lá xanh tốt, gia tăng chiều cao cây, số chồi và kích thước lá thân. Dựa vào màu sắc và
kích thước lá, chiều cao và khả năng nở bụi của cây lúa, người ta có thể chẩn đoán tình
trạng dinh dưỡng đạm trong cây. Do vậy, phương pháp so màu lá lúa được sử dụng góp
phần giúp bón phân đạm cho lúa một cách hợp lý. Ở các giai đoạn sinh trưởng ban đầu
(giai đoạn mạ), đạm được tích lũy chủ yếu trong thân lá, khi lúa trổ, khoảng 48 – 71%
đạm được đưa lên bông. Nếu thiếu đạm, cây lúa lùn hẳn, nở bụi ít, chồi nhỏ, lá ngắn hẹp,
trở nên vàng và rụi sớm, cây lúa còi cọc không phát triển. Trong cây, đạm được chuyển từ
lá già sang lá non, từ mô trưởng thành sang mô mới thành lập nên triệu chứng thiếu đạm
thường xảy ra trước tiên ở lá già rồi lan dần đến các lá non. Thừa đạm, cây lúa phát triển
thân quá mức, mô non, mềm, dễ ngã, tán lá rậm rạp, lượng đạm tự do trong cây cao, cây
dễ nhiễm bệnh làm giảm năng suất [60].
Căn cứ vào đặc điểm sinh trưởng của cây mạ có thể chia ra thời kỳ mạ ra 2 thời kỳ
nhỏ: Thời kỳ mạ non và thời kỳ mạ khỏe.
- Thời kỳ mạ non được tính từ lúc gieo đến khi ra được 3 lá thật. Thời kỳ này khả
năng chống chịu của cây mạ kém.
- Thời kỳ mạ khỏe tính từ cây mạ có 4 lá thật cho đến khi nhổ cây. Cây mạ chuyển
sang thời kỳ sống tự lập. Thời kỳ này chiều cao cây mạ tăng rõ rệt, có thể ra 4-5 lứa rễ. do
vậy khả năng chống chịu cũng tăng lên rõ rệt.
Tùy thuộc vào giống, mùa vụ, phương pháp, kỹ thuật làm mạ,... Mà thời kỳ mạ dài
hay ngắn. Thời kỳ mạ có ý nghĩa đáng kể trong toàn bộ quá trình sinh trưởng của cây lúa.
Nếu tạo được mạ tốt, mạ khỏe là một cơ sở tốt trong quá trình đẻ nhánh và các giai đoạn
sinh trưởng tiếp theo diễn ra một cách thuận lợi [61].
1.4.2 Sự phân bố và quá trình cố định đạm của vi khuẩn lam trên đất ruộng lúa
Theo Saadantia và các cộng sự 2009 thì ruộng lúa là một môi trường thích hợp cho
sự phát triển của vi sinh vật cố định đạm nói chung hay vi khuẩn lam cố định đạm nói
riêng bằng cách cung cấp điều kiện thích hợp về nhiệt độ, chất dinh dưỡng và nước. Đổi
lại, vi khuẩn lam cung cấp một lượng lớn nitơ và phospho, đó là những chất dinh dưỡng
cần thiết nhất tại thời điểm trồng lúa. Sự xuất hiện của vi khuẩn lam trong ruộng lúa được

22
quan sát thấy trong giai đoạn đầu của gieo hạt do nguồn cung cấp nước liên tục, lượng
dinh dưỡng phong phú, và mức độ cao của CO2 thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn
lam. Ngoài việc cố định nitơ, chúng cũng tiết ra một số acid hữu cơ làm tăng và duy trì độ
phì của đất, chất dinh dưỡng và khả năng giữ nước [62].
Sự phân bố của vi khuẩn lam trên ruộng lúa phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mùa vụ,
giai đoạn sinh trưởng của lúa, việc bón phân hóa học. Kaushal và các cộng sự năm 2010
đã xác định được 12 loài Anabaena, 3 loài Anabaenopsis, 3 loài Aulosira, 4 loài
Cylindrospermum, 8 loài Nostoc, 1 loài Aphanizomenon và 1 loài Nodularia ở ruộng lúa
không bón phân. Ở ruộng bón phân ghi nhận được 25 loài, trong đó có 8 Nostoc và 8
Anabaena, 3 Cylindrospermum, 2 Anabaenopsis, 2 Aulosira, 1 Aphanizomenon và 1
Nodularia. Mặc dù vậy Nostoc và Anabaena chiếm ưu thế trong cả hai nơi có và không
bón phân [63].
Singh và các cộng sự năm 2014 thực hiện phân lập từ ruộng lúa của Chhattisgarh,
Ấn Độ, tổng cộng có 29 chủng vi khuẩn lam trong đó bao gồm các loài vi khuẩn lam: 2
đơn bào, 4 có khuẩn lạc, 9 không dị bào, 12 có dị bào không phân nhánh và 2 phân nhánh
giả được xác định khi quan sát bằng kính hiển vi. Sự hiện diện và vắng mặt của các chủng
vi khuẩn lam khác nhau tại các địa điểm khác nhau được quyết định bởi các tác động tích
lũy của tính chất hóa lý của đất, cũng như các yếu tố môi trường khác nhau. Từ đó có thể
suy ra rằng, sự tương tác đặc điểm sinh lý giữa đất và các chủng vi khuẩn lam khác nhau
dẫn tới vị trí phân bố vi khuẩn lam cũng khác nhau ở Chhattisgarh, Ấn Độ [64].
1.5 Tình hình nghiên cứu vi khuẩn lam cố định đạm
1.5.1 Các nghiên cứu về vi khuẩn lam cố định đạm trên thế giới
Trên thế giới đã có rất nhiều bài báo khoa học báo cáo về vi khuẩn lam cố định nitơ
cho cây trồng, người đầu tiên đặt nền móng nghiên cứu tảo đất (trong đó có vi khuẩn lam)
là Bristol-Roach vào năm 1920. Sau đó ra đời thêm nhiều công trình nghiên cứu về vi
khuẩn lam của các nhà khoa học trên thế giới như của Desikachary (1959), Watanabe
(1959), Rippka (1979)… Các nghiên cứu được tiến hành trên nhiều lĩnh vực liên quan đến
vi khuẩn lam từ hình thái, phân loại, sự đa dạng và phân bố của chúng đến các nghiên cứu
về khả năng cố định đạm hay sâu hơn là sự biểu hiện gene nif.

23
Khu vực châu Á, ở Nhật Bản và đặc biệt là Ấn Độ, vi khuẩn lam có khả năng cố
định nitơ cũng rất được chú ý và vi khuẩn lam đã được sử dụng làm nguồn phân bón cho
ruộng lúa. Điển hình là công trình nghiên cứu của Desikachary (1959), Singh (1975) và
Roger (1989). Một vài kết quả nghiên cứu gần đây hơn như:
Tahmida Begum cùng các cộng sự năm 2008 tìm ra 18 chủng vi khuẩn lam cố định
đạm có dị bào đã được phân lập từ đất ruộng lúa tại 11 huyện của Bangladesh. Cụ thể là
các loài: Nostoc linckia, N. carneum, N. ellipsosporum, N. piscinale, Anabaena oryzae,
Scytonema Mirabile, Calothrix marchica và Hapalosiphon welwetschii. Mật số vi khuẩn
lam khác nhau từ 14,6×104 đến 141,0×104/g đất. Khả năng cố định đạm của Nostoc
linckia phân lập từ ruộng lúa ở Dhaka và Brahmanbaria dao động từ 1,84 - 8,13 mg N/50
mL trong 30 ngày. Trong khi đó, lượng nitơ cố định bởi Nostoc linckia là 4,09 và 4,86 mg
N/50 mL trong 30 ngày phân lập từ đất ruộng lúa của huyện Kishoregonj và Comilla [65].
Saadantia và các cộng sự năm 2009 phân lập vi khuẩn lam từ ruộng lúa ở Azbaram
(Iran) xác định được 4 loài Anabaena có dị bào: A. spiroides, A. variabilis, A. torulosa và
A. Osillarioides [62].
1.5.2 Các nghiên cứu về vi khuẩn lam cố định đạm ở Việt Nam
Ở Việt Nam, các công bố về vi khuẩn lam phần lớn đều tập trung vào thủy vực, còn
trong môi trường đất vẫn còn ít. Người đầu tiên nghiên cứu điều tra về vi khuẩn lam trong
đất là Mỹ . Nghiên cứu phân tích thành phần loài vi khuẩn lam trong đất trồng lúa và đất
trồng bông ở 5 huyện tỉnh Đăk Lăk đã xác định được 9 loài thuộc chi Anabaena, Nostoc,
Cylindrospermum, Calothrix, Scytonema và Westiellopsis. Các loài này đều sinh trưởng
và phát triển tốt trên môi trường đĩa thạch và môi trường lỏng. Chúng là nguyên liệu cho
những nghiên cứu tiếp theo (Võ Hành và các cộng sự, 2006).
Nguyễn Thị Kiều Đông năm 2006 phân lập được 17 loài vi khuẩn lam từ đất trồng
lúa Hưng Nguyên, Nghệ An. Trong đó phát hiện 7 loài có dị bào và chi Oscillatoria
chiếm ưu thế về thành phần loài (4 loài). Đồng thời, các thí nghiệm ảnh hưởng lên sự nảy
mầm cũng cho thấy dịch vi khuẩn lam kích thích sự nảy mầm của hạt lúa hơn so với đối
chứng. Chúng còn giúp tăng năng suất lúa so với đối chứng từ 10 – 12%.

24
Lê Thanh Tùng (2007) đã phân lập một số chủng vi khuẩn lam có khả năng cố định
đạm trên đất chua mặn và nghiên cứu ảnh hưởng của chúng lên sinh trưởng, phát triển,
năng suất thu hoạch của giống lúa Mộc Tuyền, tỉnh Thanh Hóa. Năm 2008, Lưu Thị
Thanh Nhàn và cộng tác viên đã nghiên cứu thành phần và sự phân bố của vi khuẩn lam
thuộc bộ Oscillatoriales trên lưu vực sông La Ngà.
Năm 2015, Nguyễn Đình San nghiên cứu phân lập một số vi khuẩn lam cố định đạm
để cung cấp nguyên liệu cho sản xuất phân bón sinh học tại tỉnh Nghệ An. Đề tài đã tuyển
chọn được 3 loài vi khuẩn lam có khả năng cố định nitơ để phục vụ cho các nghiên cứu
theo hướng sản xuất chế phẩm phân đạm vi sinh. Đồng thời, đề xuất biện pháp và quy
trình tạo chế phẩm tươi vi khuẩn lam có khả năng cố định nitơ ở dạng huyền phù với mật
độ 2,5g sinh khối khô/ lít và có số bào tử vi khuẩn lam khoảng từ 3 đến hơn 10 bào tử trên
một sợi vi khuẩn lam.
Nhìn chung với tình hình sản xuất lúa quanh năm ở Đắk Lắk và ở nhiều nơi khác ở
Việt Nam thì việc nghiên cứu chủng vi khuẩn lam có tiềm năng sử dụng như phân bón
sinh học là rất cần thiết, không chỉ vậy phân bón sinh học này còn có nhiều triển vọng sử
dụng cho cả các loại cây ăn trái khác. Để triển khai nghiên cứu cần có kế hoạch về việc
chuẩn bị vật liệu và phương pháp cụ thể sẽ được trình bày ở chương 2.

25
CHƯƠNG 2. VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1 Phương tiện nghiên cứu
2.1.1 Thời gian, địa điểm
Thời gian: Đề tài được thực hiện từ 1/2022 đến 6/2022
Địa điểm: thực hiện tại phòng 116B2, Bộ môn Công nghệ Sinh học, Khoa Kỹ thuật
Hoá học, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM
2.1.2 Nguyên liệu
Các mẫu đất từ ruộng lúa thu được ở huyện có diện tích đất canh tác lúa cao của tỉnh
Đắk Lắk vào tháng 11 năm 2021.
2.1.3 Dụng cụ, thiết bị, hóa chất
Dụng cụ: kéo, kẹp, que cấy, đĩa Petri, ống nghiệm, lame, lamen, micropipette, đầu
cone, đèn cồn, bình tam giác, tube...
Thiết bị:
Bảng 2. 1 Danh mục thiết bị sử dụng

STT Thiết bị Xuất xứ


1 Máy đo pH Đức
2 Máy khuấy từ Anh Quốc
3 Máy vortex Đức
4 Tủ cấy vi sinh vật Class II Singapore
5 Tủ lạnh, tủ mát Nhật Bản
6 Cân kỹ thuật 2 số Đức
7 Cân phân tích 4 số Đức

Hóa chất: Cycloheximide từ hãng Merck của Đức, cồn 96% và cồn 70% (ethanol)
tại Việt Nam và các hóa chất pha môi trường.
2.1.4 Môi trường phân lập và nuôi tăng sinh
vi khuẩn lam được phân lập trên môi trường BG11 với các thành phần hóa chất như
Bảng 2.2 và Bảng 2.3.

26
Bảng 2. 2 Thành phần môi trường BG11 [66]
Dung Môi trường Môi trường Mỗi lít môi
dịch gốc Thành phần (g/L) hoạt hóa quang hợp trường cơ bản
BG11 (g/L) BG11(g/L) (ml)
Na2MG EDTA 0,1
Ferric ammonium citrate 0,6
1 10 ml
Citric acid.H2O 0,6
CaCl2.2H2O 3,6
2 MgSO4 . 7H2O 7,5 10 ml

K2HPO4.3H2O 4,0
3 hoặc K2HPO4 3,05 10 ml
4 Na2CO3 0,02g
H3BO3 2,86
MnCl2 . 4H2O 1,81
ZnSO4 . 7H2O 0,222
CuSO4 . 5H2O 0,079
CoCl2 . 6H2O 0,050 1 ml
5 NaMoO4.2H2O 0,391
hoặc MoO4 (85%) 0,018
6 NaNO3 1,5g
7 Agar 1%
- pH của môi trường hoàn chỉnh ở 20 °C : 7.5 ± 0.2
- pH của môi trường được điều chỉnh bằng HCl 1,0N
- Môi trường BG11 không đạm thì không có NaNO3

27
Bảng 2. 3 Công thức môi trường Yoshida không đạm [67]

STT Thành phần Nồng độ (g/L)


1 NaH2PO4.2H2O (Merck, Đức) 0,01
2 K2SO4 (Merck, Đức) 0,04
3 CaCl2.2H2O (Merck, Đức) 0,04
4 MgSO4.7H2O (Guangdong, Trung Quốc) 0,04
5 MnCl2.4H2O (Guangdong, Trung Quốc) 0,0005
6 (NH4)6Mo7O24.4H2O (Merck, Đức) 0,00005
7 H3BO3 (Guangdong, Trung Quốc) 0,0002
8 ZnSO4.7H2O (Guangdong, Trung Quốc) 0,00001
9 CuSO4.5H2O (Guangdong, Trung Quốc) 0,00001
10 FeCl3.6H2O (Merck, Đức) 0,002
11 pH = 5

28
2.2 Phương pháp nghiên cứu
2.2.1 Sơ đồ nghiên cứu tổng quan

Hình 2. 1 Sơ đồ nghiên cứu tổng quan vi khuẩn lam cố định đạm trên cây lúa

29
2.2.2 Thu thập mẫu
- Mẫu đất: Do vi khuẩn lam là sinh vật quang tự dưỡng nên chúng phát triển trên bề
mặt đất để hấp thụ ánh sáng và oxy. Do đó, mẫu đất được thu bằng cách như sau: dùng
dao gạt lấy lớp đất mặt (độ sâu 0 – 5 cm) ở vị trí khác nhau trong một ruộng, lưu ý lấy
mẫu ở những vị trí có xuất hiện lớp màu xanh trên bề mặt đất (Đó là dấu hiệu cho thấy có
sự phát triển của vi khuẩn lam). Cho mẫu vào túi nylon, ghi nhận thời gian, địa điểm lấy
mẫu và mang các túi mẫu về phòng thí nghiệm.
- Mẫu nước: dùng chai nhựa thu lấy phần nước trên bề mặt hay các khối nhầy có
màu xanh nổi lên mặt nước hoặc ở gốc lúa. Thu khoảng 2/3 chai nước để chừa khoảng
trống không khí cho vi khuẩn lam. Ghi nhận thời gian, địa điểm lấy mẫu và mang các chai
mẫu về phòng thí nghiệm.
- Tiến hành đo độ pH của từng mẫu và ghi nhận lại sau khi đem về phòng thí
nghiệm. Một phần mẫu được dùng phân lập, phần còn lại đặt ở nơi có ánh sáng, thoáng
mát cho vi khuẩn lam phát triển để sử dụng khi cần.
- pH nước và đất được xác định bằng máy đo pH. pH đất được đo ở tỷ lệ đất/nước là
1/2,5: Cân 10g đất cho vào 25 mL nước cất khử trùng, lắc mẫu trong 2 giờ sau đó để lắng
và tiến hành đo pH [68].
2.2.3 Phân lập vi khuẩn lam cố định đạm

❖ Phương pháp phân lập


Phương pháp phân lập vi khuẩn lam từ mẫu thu về được tiến hành theo các bước
sau:
Chuẩn bị đĩa Petri có lót giấy lọc (2 lớp giấy), dùng que trải thủy tinh trải đều mẫu
lên đĩa và tưới dung dịch môi trường BG11 có đạm vào cho đủ ẩm. Môi trường BG11 đã
được bổ sung 50 mg/ L Cycloheximide + 5 mg/ L Kanamycin [69]. mục đích hạn chế sự
phát triển của nấm và vi khuẩn khác trong mẫu đất ban đầu. Đặt đĩa Petri dưới đèn neon,
nhiệt độ phòng. Sau khoảng 10 – 14 ngày, sinh khối vi khuẩn lam xuất hiện trên bề mặt
đất, dùng que cấy đã khử trùng gạt lấy vi khuẩn lam và chuyển vào đĩa Petri có môi
trường thạch, tiếp tục chọn lọc và chuyển vào đĩa Petri có lót giấy lọc với dung dịch môi
trường BG11 không đạm. Sau 7 – 10 ngày, vi khuẩn lam phát triển trên bề mặt giấy lọc.
30
Dựa vào đặc điểm về màu sắc, hình dạng…dùng que cấy gạt lấy sinh khối vi khuẩn lam
riêng biệt rồi tiếp tục cấy chuyển sang đĩa Petri mới có lót giấy lọc. Việc phân lập trên
môi trường giấy lọc giúp hạn chế đáng kể sự nhiễm của các vi khuẩn dị dưỡng [70].
Tiếp tục cấy chuyển các vi khuẩn lam đã phát triển trên môi trường BG11 không
đạm. Đặt đĩa Petri trên dưới đèn neon, nhiệt độ phòng. Sau 7 – 10 ngày, các vi khuẩn lam
có khả năng phát triển trên môi trường BG11 không đạm sẽ được cấy chuyển sang đĩa
Petri mới. Tiếp tục như vậy cho tới khi thu được vi khuẩn lam thuần khiết. Sự thuần khiết
của vi khuẩn lam được kiểm tra bằng kính hiển vi quang học ở độ phóng đại 100 lần [71].

❖ Đối với mẫu nước


Mẫu được cho vào đĩa Petri có lót giấy lọc, thêm môi trường BG11 có đạm vào
khoảng nửa đĩa. Sau 10 – 14 ngày, sinh khối vi khuẩn lam phát triển và việc phân lập thực
hiện tương tự như trình bày ở mẫu đất (các mẫu cũng được nuôi trên môi trường thạch
BG11 vô đạm từ 1 đến 2 lần để quan sát dễ dàng hơn).
Để tránh sự lây nhiễm của nấm và vi khuẩn vào môi trường nuôi cấy, bổ sung 50
mg/L cycloheximide + 5 mg/L kanamycin vào môi trường BG11 không đạm [69].
Tất cả các chủng vi khuẩn lam sau khi phân lập được cấy trữ trong ống nghiệm chứa
20 mL môi trường BG11 lỏng. Đồng thời, tất cả các chủng vi khuẩn lam được duy trì ở
mức pH 7,2 – 7,4 và nhiệt độ phòng [72].
2.2.4 Quan sát đặc điểm hình thái và phân loại các vi khuẩn lam cố định đạm
Các đặc điểm hình thái của vi khuẩn lam đã được tách ròng như: hình dạng tế bào,
kích thước tế bào, phân nhánh, dị bào,… được tiến hành quan sát dưới kính hiển vi quang
học. Ghi lại hình ảnh các chủng vi khuẩn lam ở các độ phóng đại 100 lần.
Tiến hành đo kích thước vi khuẩn lam dưới kính hiển vi với thước trắc vi vật kính:
Đặt thước trắc vi vật kính (miếng kính đặt biệt dài 2 mm chia làm 20 khoảng, mỗi khoảng
10 µm) vào bàn kính, chỉnh cho thấy rõ ảnh của thước. Dịch chuyển thước trắc vi vật kính
và thước trắc vi thị kính (miếng kính tròn có khắc 100 vạch đặt giữa hai thấu kính của thị
kính) sao cho hai thước song song và gần sát nhau. Tiếp tục di chuyển thước trắc vi vật
kính sao cho 1 vạch của thước trắc vi vật kính trùng với 1 vạch của thước trắc vi thị kính
và 1 vạch thứ hai nào đó của thước trắc vi vật kính trùng với 1 vạch khác của thước trắc vi
31
thị kính. Đếm số khoảng của thước trắc vi thị kính trùng với thước trắc vi vật kính. Trị số
mỗi khoảng của thước trắc vi thị kính được tính theo công thức sau: x = 10 trắc vi vật
kính *N/n.
Trong đó: N là số khoảng của thước trắc vi vật kính, N = 6
n là số khoảng của thước trắc vi thị kính, n= 36
x là trị số một khoảng của thước trắc vi thị kính
Ta có: x= 1,67 µm.
Thay thước trắc vi vật kính bằng vi mẫu, điều chỉnh để thấy rõ ảnh của vi mẫu. Di
chuyển mẫu vật để một đầu của mẫu đo trùng với một vạch của thước trắc vi thị kính, tìm
vạch thứ hai trùng với đầu kia của mẫu đo. Đếm số khoảng thước trắc vi vật kính nằm
trong khoảng giữa 2 vạch này. Suy ra kích thước vi mẫu bằng trị số một khoảng của thước
trắc vi thị kính nhân với số khoảng đếm được.
Dựa vào đặc điểm hình thái và khóa phân loại của Desikachary và các cộng sự năm
1959 để xác định loại vi khuẩn lam cố định đạm.
2.2.5 Khảo sát khả năng tăng trưởng của các chủng vi khuẩn lam trong môi
trường không đạm
Vi khuẩn lam cố định đạm sẽ phát triển được trong môi trường không đạm và tăng
sinh khối. Khả năng cố định đạm của vi khuẩn lam được định tính qua thí nghiệm đo
lượng sinh khối khô của vi khuẩn lam sau khi nuôi. Với cùng một lượng chủng ban đầu,
điều kiện và thời gian nuôi giống nhau, chủng vi khuẩn lam nào cho sinh khối cao hơn
chứng tỏ khả năng cố định đạm của chủng đó cao hơn. Đồng thời đây cũng là thí nghiệm
kiểm tra tốc độ phát triển của vi khuẩn lam để chọn ra những chủng có khả năng cố định
đạm và tăng trưởng nhanh cho việc sản xuất phân vi sinh. Tất cả các chủng vi khuẩn lam
trong thí nghiệm được ủ dưới ánh đèn neon, nhiệt độ phòng. Thí nghiệm được lặp lại 3
lần đối với mỗi chủng vi khuẩn lam. Thí nghiệm được tiến hành như sau:

❖ Đối với vi khuẩn lam dạng sợi:


Nuôi tăng sinh: Tiến hành lọc sinh khối vi khuẩn lam đã phân lập bằng giấy lọc, để
khô tự nhiên ở nhiệt độ phòng. Tiếp theo, cân lấy 0,1 g sinh khối khô vi khuẩn lam nuôi

32
cấy vào hũ nhựa chứa 100 mL môi trường BG11 không đạm lỏng. Xác định sinh khối khô
của vi khuẩn lam vào ngày thứ 10, 20 và 30 sau khi nuôi.
Thu sinh khối: sinh khối vi khuẩn lam được lọc bằng giấy lọc, để khô tự nhiên ở
nhiệt độ phòng, sau đó được cân và ghi nhận số liệu. Đơn vị tính: g/100 mL.

❖ Đối với vi khuẩn lam dạng đơn bào:


Nuôi tăng sinh: Xác định mật số ban đầu của các chủng vi khuẩn lam và tiến hành
pha loãng để đạt được mật số 0,85×106 tế bào/mL tương đối bằng nhau giữa các chủng.
Tiếp theo, nuôi cấy 40 mL dung dịch vi khuẩn lam vào hủ nhựa chứa 160 mL môi trường
BG11 không đạm (thể tích vi khuẩn lam nuôi cấy chiếm 20% tổng thể tích nuôi). Tiến
hành xác định mật số của vi khuẩn lam vào ngày thứ 10, 20 và 30 sau khi nuôi.
Đếm mật số: thực hiện theo phương pháp của Barsanti và các cộng sự năm 2006 hút
1 mL dung dịch vi khuẩn lam cho vào tuýp 2 mL sau đó tiến hành đếm mật số bằng
buồng đếm hồng cầu dưới kính hiển vi quang học độ phóng đại 100 lần. Đơn vị tính: tế
bào/ mL.

Hình 2. 2 Buồng đếm hồng cầu của hãng Neubauer [73]

Chỉ đếm các tế bào trong ô và các tế bào chạm mép trái, các tế bào chạm mép trên
của ô đếm, không đếm các tế bào chạm vào mép phải và mép bên dưới.
Mỗi ô có thể tích: 0,04 mm2 x 0,1 mm (độ sâu) = 0,004 mm3

❖ Xác định số lượng tế bào trong 25 ô của buồng đếm:


Thể tích của 25 ô: 0,004 mm3 x 25= 0,1 mm3
Ví dụ: đếm được 187 tế bào trong 25 ô
Ta có: 187/0,1 = 1.870 tế bào/ mm3.
33
Vậy: trong 1 mL có 1.870 x 103 tế bào. Nếu có pha loãng, thì nhân thêm hệ số pha
loãng.

Hình 2. 3 Kích thước các ô trong buồng đếm [74]

❖ Xác định số lượng tế bào trong 5 ô của buồng đếm (mật số tế bào cao):
Đếm bốn ô ở bốn góc và một ô ở giữa buồng đếm.
Thể tích của 5 ô: 0,004 mm3 x 5= 0,02 mm3
Ví dụ: đếm được 187 tế bào trong 5 ô Ta có: 187/0,02 = 9.350 tế bào/ mm3.
Vậy: trong 1 mL có 9.350 x 103 tế bào. Nếu có pha loãng, thì nhân thêm hệ số pha
loãng.
2.2.6 Khảo sát ảnh hưởng của các chủng vi khuẩn lam cố định đạm lên sự tăng
trưởng của lúa
Thí nghiệm thực hiện trên giống lúa IR64
Thí nghiệm được tiến hành như sau:
− Chuẩn bị hạt giống: Phơi hạt giống 3 – 4 giờ để tăng khả năng hút nước của hạt
khi ngâm. Loại tạp chất trong hạt giống như cỏ, hạt lép lửng.
− Ngâm ủ hạt giống:
Xử lý hạt giống bằng cách ngâm trong nước Javel trong vòng 15 phút. Sau khi rửa
lại bằng nước chuyển sang qua môi trường nước cất và ủ trong 24 giờ. chuyển hạt qua đĩa

34
Petri có lót giấy khử trùng, tưới nước cho ẩm hạt và ủ trong 48h, nhiệt độ phòng để hạt
nảy mầm.
Tiếp theo, tiến hành ngâm hạt giống đã nảy mầm trong dịch vi khuẩn lam đã nuôi 30
ngày trong môi trường không đạm trước khi cấy vào ống nghiệm. Chuẩn bị đĩa Petri đã
khử trùng để chứa dịch vi khuẩn lam dùng ngâm hạt giống. Đối với vi khuẩn lam dạng
sợi: cân 0,1 g sinh khối khô + 10 mL dịch vi khuẩn lam. Đối với vi khuẩn lam dạng đơn
bào: vortex sinh khối vi khuẩn lam và hút lấy 10 mL dịch vi khuẩn lam (mật số tế bào/mL
của từng chủng vi khuẩn lam là: ). Sau đó, chọn các hạt nảy mầm tương đối bằng nhau về
chiều dài rễ cũng như thân mầm cho vào đĩa Petri chứa dịch vi khuẩn lam đã chuẩn bị và
ngâm hạt trong 6h.
Ngoài ra, chuẩn bị thêm các nghiệm thức đối chứng:
+ Nước cất (NC): hạt lúa đã nảy mầm được ngâm trong 10 mL nước cất;
+ Đối chứng âm (ĐC-) không bổ sung đạm: hạt lúa đã nảy mầm được ngâm trong 10
mL dung dịch môi trường BG11 không đạm;
+ Đối chứng dương (ĐC+) có bổ sung đạm: hạt lúa đã nảy mầm được ngâm trong 10
mL dung dịch môi trường BG11 với lượng đạm 1,5 g/L.
− Cấy hạt giống lúa vào ống nghiệm: Sau khi ngâm 6 giờ, mỗi hạt lúa được đặt vào
ống nghiệm chứa 15 mL môi trường Yoshida không đạm (bảng 2.3), quan sát trong 10
ngày, ghi nhận các chỉ tiêu chiều cao cây, chiều dài rễ, khối lượng cây (khối lượng thân
lá), khối lượng rễ. Thí nghiệm lặp lại 3 lần với mỗi chủng vi khuẩn lam.
2.2.7 Định danh các vi khuẩn lam cố định đạm bằng kỹ thuật sinh học phân tử
Từ các kết quả của thí nghiệm ở trên, chọn ra 1 chủng vi khuẩn lam có khả năng cố
định đạm tiềm năng nhất và gửi định danh tại Công Ty TNHH Dịch Vụ Và Thương Mại
Nam Khoa. Sau đó, kết quả trình tự được so sánh với dữ liệu ngân hàng gene NCBI từ đó
xác định đến cấp độ loài.
Sử dụng phần mềm Statgraphics Centurion XIX để xử lý thống kê các số liệu thí
nghiệm.

35
CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN
3.1 Kết quả phân lập các chủng vi khuẩn lam cố định đạm
Các mẫu dùng phân lập trong đề tài được thu tại huyện Ea Súp thuộc tỉnh Đắk Lắk.
Trên ruộng lúa, những vị trí có xuất hiện những mảng màu xanh là dấu hiệu cho thấy sinh
khối vi khuẩn lam phát triển (Hình 3.1). Ở huyện Ea Súp, thu mẫu trên ruộng lúa tại 2 xã,
mỗi xã thu 3 mẫu đất và 3 mẫu nước. Đặc điểm của mẫu đất và nước sau khi thu về được
ghi nhận ở bảng 3.1.

Hình 3. 1 Sinh khối vi khuẩn lam phát triển trên ruộng lúa tại các điểm lấy mẫu

(A): Ea Bung; (B): Ea Lê

Bảng 3. 1 Đặc điểm mẫu đất và nước thu được ở huyện Ea Súp

Địa điểm Thời gian Vị trí Số vụ/ năm pH trung


(xã) bình
Ea Bung 28/11/2021 Đất: 7,06
Trong đê bao 3 Nước: 6,68
Ea Lê 28/11/2021 Đất: 7,04
Nước: 6,82

36
Đề tài đã phân lập được 7 chủng vi khuẩn lam từ 12 mẫu đất và nước thu tại huyện
Ea Súp thuộc tỉnh Đắk Lắk. Tên mẫu được ký hiệu như sau: EB (Ea Bung), EL (Ea Lê).
Trong 7 chủng vi khuẩn lam chỉ có 5 chủng có khả năng phát triển được trên môi trường
BG11 không đạm. Trong đó, qua quan sát hình thái dưới kính hiển vi xác định được 4
chủng dạng sợi, và 3 chủng dạng đơn bào. Nguồn gốc của các chủng vi khuẩn lam đã
phân lập được trình bày trong Bảng 3.2.
Bảng 3. 2 Nguồn gốc các chủng vi khuẩn lam đã phân lập

STT Chủng vi Vị trí phân lập Địa điểm thu mẫu


khuẩn lam Đất Nước
1 EB1, EB2, EB3 x Ea Bung, Ea Súp
2 EB4 x Ea Bung, Ea Súp
3 EL1. EL2 x Ea Lê, Ea Súp
4 EL3 x Ea Lê, Ea Súp

Kết quả phân lập các chủng vi khuẩn lam cụ thể như sau:

- Tại xã Ea Bung, phân lập được 4 trên tổng số 7 chủng, chiếm 57%. Trong đó
có 2/4 chủng vi khuẩn lam dạng sợi và 2/4 chủng còn lại dạng đơn bào. Đồng
thời, ghi nhận được có 3/4 chủng được phân lập từ đất và 1/4 chủng được phân
lập từ nước bao gồm cả hai dạng sợi và đơn bào.

- Tại xã Ea Lê, phân lập được 3 trên tổng số 7 chủng, chiếm 43%. Trong đó có
2/3 chủng vi khuẩn lam dạng sợi và 1/3 chủng dạng đơn bào. Bên cạch đó, ghi
nhận được có 2/3 chủng được phân lập từ đất và 1/3 chủng được phân lập từ
nước bao gồm cả hai dạng sợi và đơn bào.
Nhìn chung, số lượng các chủng vi khuẩn lam đã được phân lập ở xã Ea Bung, Ea
Lê không chênh lệch nhiều. Từ đó cho thấy, vi khuẩn lam có thể được tìm thấy trên ruộng
lúa khác nhau bởi chúng thường có môi trường sống rất đa dạng [75]. Tuy nhiên, từ kết
quả trên có thể thấy rằng, trong tổng số 7 chủng vi khuẩn lam đã phân lập chỉ có 2/7
chủng vi khuẩn lam được phân lập từ nước trong khi đó có đến 5/7 chủng vi khuẩn lam

37
được phân lập từ đất. Do đất là nơi vi khuẩn lam có thể bám vào, trong khi các vi khuẩn
lam trôi nổi trong nước có thể bị quá trình thay nước trong ruộng lúa cuốn đi. Vì thế,
trong mẫu đất ruộng lúa cho thấy số lượng vi khuẩn lam tìm được nhiều hơn trong mẫu
nước ruộng lúa.
3.2. Kết quả quan sát đặc điểm hình thái các chủng vi khuẩn lam đã phân lập
Trong 7 chủng vi khuẩn lam phân lập được, ghi nhận đầu tiên về mặt hình thái có
thể chia làm 2 nhóm, nhóm vi khuẩn lam dạng sợi 4/7 chủng, nhóm vi khuẩn lam dạng
đơn bào 3/7 chủng.
Đối với các vi khuẩn lam dạng đơn bào, sự phát triển trên môi trường đĩa Petri có
thêm 1% agar tương đối giống nhau. Tuy nhiên, màu sắc giữa các chủng có sự khác nhau
là xanh đậm và xanh vàng (Hình 3.2).

Hình 3. 2 Sự phát triển của vi khuẩn lam đơn bào trên môi trường thạch

38
Quan sát bằng mắt thường nhận thấy rằng sự phát triển của vi khuẩn lam dạng sợi
khác nhau trong môi trường BG11 lỏng (Hình 3.3)

Hình 3. 3 Sự phát triển của vi khuẩn lam dạng sợi trên môi trường lỏng

Các chủng vi khuẩn lam dạng sợi EB1, EB2 khi phát triển nhận thấy có lớp nhầy
trên bề mặt so với những chủng còn lại. Về màu sắc, vi khuẩn lam sợi có màu sắc xanh
đậm, xanh vàng, riêng chủng EL1 lại có màu hơi đen. Sự khác biệt về màu sắc của các
chủng vi khuẩn lam có thể do tỷ lệ sắc tố của chúng khác nhau. Vi khuẩn lam có chứa hai
sắc tố phicocianin (màu lam) và phicoeritrin (màu đỏ) khác nhau ở vài chi tiết trong
quang phổ hấp thu. Hai sắc tố ấy đi đôi theo thành phần thay đổi tùy loài và tùy môi
trường nên vi khuẩn lam có màu rất thay đổi. Trong thí nghiệm, các chủng vi khuẩn lam
được nuôi trong cùng điều kiện môi trường nên sự khác nhau về màu sắc có thể cho thấy
chúng có thể thuộc những loài khác nhau.
39
Các đặc điểm hình thái của vi khuẩn lam dạng sợi và dạng đơn bào khi quan sát
dưới kính hiển vi quang học được tóm tắt trong bảng 3.3. Tất cả các hình vi khuẩn lam
quan sát dưới kính hiển vi quang học độ phóng đại 100 lần.
Từ các đặc điểm hình thái đã ghi nhận kết hợp với khóa phân loại vi khuẩn lam của
Desikachary cùng các cộng sự năm 1959 ta có kết quả phân loại: 7 chủng vi khuẩn lam đã
phân lập được có thể thuộc lớp Cyanophyceae.
Trong đó:

+ Bốn chủng vi khuẩn lam EB1, EB2, EL1, EL2 với các đặc điểm: Tản sợi, có
bao hoặc không, sinh sản bằng tảo đoạn, dị bào ở giữa các tế bào sợi, sợi tế
bào không phân nhánh, được bao bọc trong chất nhầy hoặc vỏ bọc dạng sệt.

+ Ba chủng vi khuẩn lam EB3, EB4, EL3 với các đặc điểm: Tản đơn bào,
không phân biệt đỉnh và đáy hoặc dạng tự do; hay tập đoàn, đôi khi dạng ống,
sinh sản bằng cách phân đôi, không có dị bào.

Kết quả phân loại cụ thể từng chủng như sau:

❖ Dạng 1: Các chủng EB1, EB2: Sợi tế bào không phân nhánh sợi thẳng hoặc ít thẳng
hoặc xoắn không đều, từng sợi rời và ở giữa sợi có các dị bào.

❖ Dạng 2: Các chủng EB3, EB4: Tế bào dạng tròn không có vỏ bọc ngoài, không có
bao nhầy xung quanh, thường có màu xanh nhạt hoặc màu xanh lá cây.

❖ Dạng 3: Các chủng EL1. EL2: Sợi không có bao, sợi thẳng hoặc ít thẳng, hoặc xoắn
không đều, từng sợi rời.

❖ Dạng 4: Chủng EL3: Tập đoàn nhiều tế bào, các tế bào xếp không theo trật tự nào, tế
bào trong khối nhầy chung, vô định hình, không có hoặc có vài bao phân biệt bao
quanh mỗi tế bào, các tế bào dày đặc.

40
Hình 3. 4 Mẫu vi khuẩn lam ở độ phóng đại 100 lần
41
Kết quả phân loại vi khuẩn lam khi quan sát cho thấy có 2 chủng vi khuẩn lam có dị
bào được phân lập là EB1 và EL1, tuy nhiên vẫn chưa đa dạng. Điều này có thể do mẫu
được chuẩn bị vào mùa mưa (tháng 11) nên sự đa dạng của các loài vi sinh vật bị hạn chế
[23]. Ngoài ra, các chủng vi khuẩn lam cố định đạm đơn bào và dạng sợi không dị bào đã
được các nhà nghiên cứu trên thế giới phân lập thuộc chi vi khuẩn lam cố định đạm như:
Oscillatoria, theo Fogg và các cộng sự năm 1973 [53]; Microcystis, Synechocystis theo
Hasan và các cộng sự năm 2012 [57] cũng có thể cố định đạm nên thí nghiệm sẽ sử dụng
cả 7 chủng vi khuẩn cho thí nghiệm tiếp theo.
Bảng 3. 3 Đặc điểm của bộ chủng vi khuẩn lam phân lập

STT Chủng vi Hình thái Kích Màu sắc Mô tả Ghi chú


khuẩn chung thước (theo dõi
lam (µm) giai đoạn
nuôi cấy)
1 EB1 Dạng sợi 3,33 Xanh đậm Có bao Ổn định

2 EB2 Dạng sợi 3,33 Xanh đậm Có bao Ổn định

3 EB3 Dạng đơn bào 4,17 Xanh Không bao Không ổn


định
4 EB4 Dạng đơn bào 3,33 Xanh Không bao Không ổn
định
5 EL1 Dạng sợi 5,01 Xanh đen Có bao Ổn định

6 EL2 Dạng sợi 4,17 Xanh vàng Có bao Ổn định

7 EL3 Dạng đơn bào 3,33 Xanh vàng Có bao Không ổn


định
Đối với vi khuẩn lam dạng sợi sẽ đo bề rộng trichome (µm)

42
Thí nghiệm tiếp theo là khảo sát khả năng tăng trưởng của các chủng vi khuẩn lam
trong môi trường không đạm. Đối với các chủng vi khuẩn lam dạng đơn bào đều có kết
quả không ổn định khi nuôi cấy nên các chủng vi khuẩn lam đơn bào EB3, EB4 và EL3 sẽ
được loại bỏ khỏi thí nghiệm và tập trung vào 4 chủng vi khuẩn lam dạng sợi phát triển
được trên môi trường BG11 vô đạm.
3.3 Kết quả khảo sát khả năng tăng trưởng của các chủng vi khuẩn lam trong môi
trường không đạm
Kết quả thí nghiệm cho thấy 4 chủng vi khuẩn lam dạng sợi phân lập được đều có
khả năng phát triển trong môi trường BG11 không đạm. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng có
biến động giữa các chủng vi khuẩn lam qua từng ngày nuôi. Trong số 4 chủng vi khuẩn
lam được khảo sát, có 3 chủng cho sinh khối khô cao nhất vào ngày thứ 30 sau khi nuôi
cấy, 1 chủng còn lại cho sinh khối khô cao nhất vào ngày thứ 20. Từ đó có thể thấy, đa số
các vi khuẩn lam sống được trong môi trường BG11 không đạm cho lượng sinh khối
nhiều hơn qua từng ngày nuôi.
Cụ thể trong 4 chủng vi khuẩn lam cho sinh khối khô cao nhất vào ngày thứ 30 sau
khi nuôi cấy, chủng EB1 cho sinh khối khô cao nhất là 0,58 g/100mL, tiếp theo là chủng
EB2 đạt 0,55 g/100mL; chủng EL2 đạt 0,35 g/100mL. Chỉ có một chủng vi khuẩn lam có
sinh khối cao nhất sau 20 ngày nuôi cấy đạt 0,43 g/100mL là chủng EB2.
Chủng EL1 cho sinh khối khô cao nhất vào ngày 20 sau khi nuôi cấy là chủng vi
khuẩn có tốc độ sinh trưởng chậm có thể bởi khả năng cố định đạm không tốt. Đồng thời,
những chủng vi khuẩn lam đạt sinh khối khô cao nhất vào ngày 30 sau khi nuôi cấy là
những chủng có thể có khả năng cố định đạm cao hơn nên có thể sinh trưởng nhanh trong
môi trường không đạm.
Do sinh khối khô trung bình đạt cao nhất là EB1 với 0,58g/100mL. Kết quả này thấp
hơn so với kết quả của Nguyễn Thị Hạnh Nguyên và các cộng sự (2019) khi khảo sát khả
năng tăng trưởng của các chủng vi khuẩn lam đạt sinh khối là 0,72g/100mL.
Đồng thời, từ kết quả thu được có thể thấy sinh khối của 3 chủng vi khuẩn lam EB1,
EB2, EL2 tăng dần qua từng thời điểm. Sau 10 ngày thí nghiệm, sinh khối của 3 chủng
tăng 2,3- 3,9 lần so với lượng chủng ban đầu, ngày thứ 20 lượng sinh khối tăng 3,1- 5,3

43
lần và ở ngày thứ 30 tăng cao nhất là 3,5 -5,8 lần so với lượng chủng ban đầu. Trong đó,
chủng EB1 tăng cao nhất 5,8 lần sau 30 ngày nuôi cấy.
0,65

0,58
0,55 0,55
0,53
0,51
Khối lượng khô g/100mL

0,45
0,43
0,39 0,38
0,35 0,35
0,31
0,30
0,27
0,25
0,23

0,15

0,10

0,05
Ngày 0 Ngày 10 Ngày 20 Ngày 30

EB1 EL1 EB2 EL2

Hình 3. 5 Sự tăng sinh khối của các chủng vi khuẩn lam EB1, EL1, EB2, EL2 sau
10, 20 và 30 ngày nuôi cấy

Từ kết quả khảo sát khả năng tăng trưởng của các chủng vi khuẩn lam trong môi
trường vô đạm, cả 4 chủng vi khuẩn lam EB1, EL1, EB2, EL2 đầu có khả năng phát triển
trên môi trường BG11 không đạm. Đồng thời, kết quả ghi nhận được cao nhất là ở ngày
30 sau khi nuôi cấy nên dịch vi khuẩn lam sử dụng trong thí nghiệm kế tiếp sẽ là dịch vi
khuẩn lam được nuôi sau 30 ngày.
3.4 Kết quả khảo sát ảnh hưởng của các chủng vi khuẩn lam cố định đạm lên sự
tăng trưởng của lúa giai đoạn mạ non
Sau thí nghiệm khảo sát sự tăng trưởng của vi khuẩn lam trong môi trường không
đạm, cả 4 chủng vi khuẩn lam được chọn để tiến hành thí nghiệm ảnh hưởng lên cây lúa
trong giai đoạn tăng trưởng ban đầu. Các chỉ tiêu ghi nhận sau 10 ngày bao gồm: Chiều
cao cây, chiều dài rễ, khối lượng cây, khối lượng rễ.
44
3.4.1 Ảnh hưởng của vi khuẩn lam dạng sợi lên sự tăng trưởng của lúa giai
đoạn mạ non ở chỉ tiêu chiều cao cây và chiều dài rễ

❖ Ảnh hưởng của vi khuẩn lam đơn bào lên chiều cao cây giai đoạn mạ non
Kết quả chiều cao cây lúa giai đoạn mạ non được ghi nhận trong hình 3.11. Cụ thể
như sau: Chiều cao thấp nhất là ở nghiệm thức NC (5,4 cm) và thấp thứ hai là ĐC- (7,5
cm), nghiệm thức ĐC+ cho kết quả cao nhất là 11,3 cm. Tiếp theo là chủng EB1 (11,3
cm); EB2 (9,7 cm); EL2 (9 cm) và EL1 (8,6 cm). Cả bốn nghiệm thức có chủng vi khuẩn
lam đều cho kết quả cao khoảng 1,2- 1,5 lần so với ĐC- và cao khoảng 1,6- 2 lần so với
NC.

Hình 3. 6 Ảnh hưởng của vi khuẩn lam lên chiều cao cây lúa giai đoạn mạ non

Từ đó có thể thấy, các nghiệm thức có chủng vi khuẩn lam và nghiệm thức ĐC+ có
bổ sung đạm đều giúp cây lúa phát triển chiều cao hơn và tốt hơn nghiệm thức không bổ
sung đạm và nghiệm thức nước cất. Đây cũng là minh chứng cho thấy các chủng vi khuẩn
lam đã phân lập có khả năng cung cấp đạm giúp lúa phát triển chiều cao tốt hơn trong giai
đoạn mạ non.

45
❖ Ảnh hưởng của vi khuẩn lam đơn bào lên chiều dài rễ lúa giai đoạn mạ non
Tương tự đối với chỉ tiêu chiều dài rễ, nghiệm thức cho kết quả thấp nhất là NC (1,7
cm) và thấp thứ hai là nghiệm thức ĐC- (1,8 cm). Nghiệm thức EB1 cho kết quả cao nhất
(3,3 cm), tiếp theo là ĐC+ (3 cm); EB2 (2,3 cm); EL1 (2,1 cm) và EL2 (2 cm). Nghiệm
thức có chủng vi khuẩn lam EB1 cho kết quả cao hơn ĐC- gấp 1,8 lần và cao hơn NC gấp
1,9 lần. Kết quả này cho thấy chủng vi khuẩn lam EB1 có ảnh hưởng tốt đến sự phát triển
rễ lúa giai đoạn mạ non so với các chủng còn lại.

Hình 3. 7 Ảnh hưởng của vi khuẩn lam lên chiều dài rễ lúa giai đoạn mạ non

3.4.2 Ảnh hưởng của vi khuẩn lam dạng sợi lên sự tăng trưởng của lúa giai
đoạn mạ non ở chỉ tiêu khối lượng cây và khối lượng rễ

❖ Ảnh hưởng của vi khuẩn lam dạng sợi lên khối lượng cây lúa giai đoạn mạ
non

Kết quả khối lượng cây lúa được ghi nhận trong hình 3.13. Cụ thể như sau:

46
Hình 3. 8 Ảnh hưởng của vi khuẩn lam lên khối lượng cây lúa giai đoạn mạ non

Nghiệm thức NC thấp nhất 25,7 mg, ĐC- 33,7mg, hai nghiệm thức này khác biệt
không có ý nghĩa thống kê. Nghiệm thức cao nhất 77 mg là ĐC+, kế đến là EB1 (75,7
mg) và giảm theo thứ tự EB2 (66,3 mg); EL1 (65,7 mg); EL2 (57,7 mg). Các nghiệm thức
có chủng vi khuẩn lam đều cao hơn so với ĐC- gấp 1,7- 2,2 lần và NC gấp 2,2- 2,9 lần.
Nghiệm thức EB1 cho kết quả cao nhất trong các nghiệm thức vi khuẩn lam nên chủng vi
khuẩn EB1 là chủng vi khuẩn cho ảnh hưởng tốt nhất tới khối lượng cây lúa giai đoạn mạ
non.

❖ Ảnh hưởng của vi khuẩn lam dạng sợi lên khối lượng rễ lúa giai đoạn mạ
non
Đối với chỉ tiêu khối lượng rễ: Nghiệm thức NC thấp nhất 6,7 mg; cao nhất 18,3 mg
ở EB1. Tất cả các nghiệm thức có chủng vi khuẩn lam đều cao hơn so với ĐC- và NC.
Tuy nhiên đối với nghiệm thức EB1 cao hơn ĐC+ (17,7 mg) có bổ sung đạm. Nghiệm
thức EB1 có kết quả cao nhất cho thấy chủng vi khuẩn EB1 có ảnh hưởng tốt đến sự phát
triển của rễ lúa giai đoạn mạ non hơn các chủng còn lại.

47
Hình 3. 9 Ảnh hưởng của vi khuẩn lam lên khối lượng rễ lúa giai đoạn mạ non

Khảo sát ảnh hưởng của các chủng vi khuẩn lam dạng sợi lên sự tăng trưởng của lúa
giai đoạn mạ non qua các chỉ tiêu chiều cao cây, chiều dài rễ, khối lượng cây, khối lượng
rễ cho thấy: các nghiệm thức có vi khuẩn lam và có bổ sung đạm đều cho kết quả cao nhất
và khác biệt có ý nghĩa so với nước cất và không bổ sung đạm. Tuy nhiên, ở chỉ tiêu khối
lượng rễ, nghiệm thức có vi khuẩn lam là EB1 cao nhất và cũng cao hơn nghiệm thức
ĐC+ do đó thí nghiệm này chủng EB1 là chủng vi khuẩn lam dạng sợi cho kết quả tốt
nhất.
Kết quả ghi nhận ở nghiệm thức đối chứng âm không đạm và nước cất (hình 3.16;
3.17) cho thấy cây lúa thiếu đạm nên có dấu hiệu bị vàng lá, lá lúa ngắn, rễ còi cọc, thân
cây chậm phát triển và chết dần. Với đa số các nghiệm thức có chủng vi khuẩn lam cố
định đạm dạng sợi như EB1, cây lúa phát triển tốt, lá xanh, thân cây vươn cao tương tự
như ở nghiệm thức ĐC+ có bổ sung đạm (hình 3.15). Điều này chứng tỏ nhiều chủng vi
khuẩn lam cố định đạm ở dạng sợi đều có ảnh hưởng tốt, hỗ trợ cho quá trình tăng trưởng
của cây lúa giai đoạn mạ non. Kết quả này tương tự như nghiên cứu về ảnh hưởng của vi
khuẩn lam cố định đạm lên cây lúa của Nguyễn Thị Hạnh Nguyên và các cộng sự (2019).

48
Hình 3. 10 Cây lúa sau 10 ngày ở các nghiệm thức
49
Hình 3. 11 Cây lúa sau 10 ngày ở nghiệm thức EB1

Hình 3. 12 Cây lúa sau 10 ngày ở nghiệm thức EL1

50
Hình 3. 13 Cây lúa sau 10 ngày ở nghiệm thức EB2

Hình 3. 14 Cây lúa sau 10 ngày ở nghiệm thức EL2

51
Từ kết quả khảo sát ảnh hưởng của các chủng vi khuẩn lam cố định đạm lên sự tăng
trưởng của lúa giai đoạn mạ non thì chủng tiềm năng nhất là chủng vi khuẩn lam EB1.
Tiến hành gửi định danh bằng kỹ thuật sinh học phân tử với chủng EB1 cho công ty
TNHH Thương mại và Dịch vụ Nam Khoa.
3.5 Kết quả định danh vi khuẩn lam bằng kỹ thuật sinh học phân tử
Trong kết quả giải trình tự, chủng EB1 có tổng số nucleotide được giải là 1392
nucleotide. Do thời gian thực hiện đề tài có hạn nên đề nghị tiến hành giải trình tự các
chủng vi khuẩn lam còn lại trong các thí nghiệm sau.
Kết quả trình tự vùng gene 16S rRNA chủng EB1

Kết quả giải trình tự cụ thể xem phần Phụ lục B

Hình 3. 15 Trình tự vùng gene 16S rRNA chủng EB1


52
Sau khi so sánh trình tự gene với ngân hàng dữ liệu trên NCBI bằng công cụ
BLAST N và kết hợp với định danh bằng hình thái, xác định được chủng EB1 có mức độ
tương đồng 99.86% với loài Anabaena sp. PCC 7120.
Theo nghiên cứu của Cumino và các cộng sự năm 2007 [76], vi khuẩn lam lam
Anabaena sp. PCC 7120 có vai trò quan trọng trong việc cố định Nitơ Anabaena sp.
chủng PCC 7120 là một vi khuẩn lam dạng sợi, trong đó một số tế bào sinh dưỡng nhất
định biệt hóa thành dị bào, là những tế bào chuyên biệt để cố định nitơ. Dị bào không thể
thực hiện quang hợp và phụ thuộc vào tế bào sinh dưỡng để cung cấp carbohydrate để tạo
ra ATP và các chất khử cần thiết cho quá trình cố định nitơ. Theo nghiên cứu của Ehira và
các cộng sự năm 2011 chất điều khiển phản ứng điều hòa nitơ NrrA, là chất điều hòa
phiên mã liên quan đến sự biệt hóa dị bào, đã được chứng minh là có tác dụng kiểm soát
quá trình dị hóa glycogen. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng NrrA không chỉ kiểm soát sự
biệt hóa dị bào mà còn cả quá trình dị hóa glycogen ở Anabaena sp. chủng PCC 7120 từ
đó mở ra hướng mới cho loài vi khuẩn này nhằm tăng cường hiệu quả khả năng cố định
đạm ở vi khuẩn lam. Cũng theo nghiên cứu của Green và các cộng sự năm 1974, từ bề
mặt bùn ở vùng Bắc Mexico đã phân lập được 3 chi vi khuẩn lam có khả năng cố định
đạm: Calothrix, Anabaena và Lyngbya.
Vì thế có thể thấy rằng, chủng EB1 là chủng vi khuẩn lam với khả năng cố định đạm
có tiềm năng trong việc sản xuất phân hữu cơ vi sinh.

53
CHƯƠNG 4. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
4.1 Kết luận
Từ 12 mẫu đất và nước được lấy từ huyện Ea Súp tỉnh Đắk Lắk đã phân lập được 7
chủng vi khuẩn lam và chọn ra 4 chủng vi khuẩn lam ổn định là EB1, EL1, EB2, EL2.
Cả 4 chủng vi khuẩn lam ổn định trên đều có khả năng phát triển trên môi trường
BG11 không đạm trong đó chủng EB1 cho sinh khối khô cao nhất là 0,58g/100mL.
Cả 4 chủng vi khuẩn lam đều có ảnh hưởng tốt đến sự tăng trưởng của lúa giai đoạn
mạ non khi so sánh dựa với các nghiệm thức đối chứng khác.
Chủng vi khuẩn lam EB1 là chủng vi khuẩn tiềm năng nhất và được gửi định danh
cho ra kết quả có độ tương đồng 99,86% với loài Anabaena sp. chủng PCC 7120. Đây là
một trong những loài được xác định có khả năng cố định đạm, hứa hẹn tiềm năng về một
nguồn phân hữu cơ vi sinh.
4.2 Kiến nghị
Định lượng hàm lượng nitơ tổng số trong môi trường vô đạm của 4 chủng vi khuẩn
lam đã phân lập được.
Khảo sát ảnh hưởng của các dòng vi khuẩn lam cố định đạm lên các giai đoạn sinh
trưởng tiếp theo của cây lúa.
Tiến hành khảo sát thêm các đặc tính có lợi như: tiết chất kích thích sinh trưởng thực
vật, hòa tan phospho của các dòng vi khuẩn lam cố định đạm phân lập được trên các loại
cây trồng khác.

54
TÀI LIỆU THAM KHẢO

[2] R. E. Summons, L. L. Jahnke, J. M. Hope, and G. A. Logan, “2-Methylhopanoids as


biomarkers for cyanobacterial oxygenic photosynthesis,” Nature, vol. 400, no. 6744,
pp. 554–557, Aug. 1999, doi: 10.1038/23005.
[3] P. C. Silva and R. L. Moe, “Cyanophyceae,” Access Sci., 2019, doi: 10.1036/1097-
8542.175300.
[6] T. Vaughan, J. Ryan, and N. Czaplewski, Mammalogy. Jones & Bartlett Learning,
2011.
[7] T. Devi, L. Koijam, O. Singh, O. Tiwari, and G. d Sharma, “Assessment of
Cyanobacterial Biodiversity Through Molecular Approaches and Possible
Exploitation for Value Addition,” vol. 6, Aug. 2010.
[8] C. Troschl, K. Meixner, and B. Drosg, “Cyanobacterial PHA Production—Review of
Recent Advances and a Summary of Three Years’ Working Experience Running a
Pilot Plant,” Bioengineering, vol. 4, p. 26, Mar. 2017, doi:
10.3390/bioengineering4020026.
[9] A. De Los Ríos, M. Grube, L. G. Sancho, and C. Ascaso, “Ultrastructural and genetic
characteristics of endolithic cyanobacterial biofilms colonizing Antarctic granite
rocks,” FEMS Microbiol. Ecol., vol. 59, no. 2, pp. 386–395, Feb. 2007, doi:
10.1111/j.1574-6941.2006.00256.x.
[14] F. Zakhia, A.-D. Jungblut, A. Taton, W. F. Vincent, and A. Wilmotte, “Cyanobacteria
in Cold Ecosystems,” in Psychrophiles: from Biodiversity to Biotechnology, R.
Margesin, F. Schinner, J.-C. Marx, and C. Gerday, Eds. Berlin, Heidelberg: Springer,
2008, pp. 121–135. doi: 10.1007/978-3-540-74335-4_8.
[15] C. Cassier-Chauvat, T. Veaudor, and F. Chauvat, “Comparative Genomics of DNA
Recombination and Repair in Cyanobacteria: Biotechnological Implications,” Front.
Microbiol., vol. 7, p. 1809, Nov. 2016, doi: 10.3389/fmicb.2016.01809.
[16] U. Nübel, F. Garcia-Pichel, and G. Muyzer, “PCR primers to amplify 16S rRNA
genes from cyanobacteria.,” Appl. Environ. Microbiol., vol. 63, no. 8, pp. 3327–3332,
Aug. 1997.
[17] J. W. Schopf and B. M. Packer, “Early Archean (3.3-Billion to 3.5-Billion-Year-Old)
Microfossils from Warrawoona Group, Australia,” Science, vol. 237, pp. 70–73, Jul.
1987, doi: 10.1126/science.11539686.
[19] P. Roger, “Rice field cyanobacteria, ecology, contribution to soil fertility and practical
utilization,” 2001, pp. 199–226.
[20] P. Roger, Roger PA, Kulasooriya SA (1980) Blue-green algae and rice. Book 112 p.
1980.
[21] M. Halwart and M. V. Gupta, “The rice field ecosystem,” Cult. Fish Rice Fields, pp.
5–11, Jan. 2004.
[22] P.-A. Reynaud and P. Roger, “N2 fixing algal biomass in Senegal rice fields,” Ecol.
Bull., vol. 26, pp. 148–157, Sep. 1976.

55
[23] W. A, “Collection and cultivation of nitrogen-fixing blue-green algae and their effect
on the growth and crop yield of rice plants.,” Stud. Tokugawa Inst., vol. 9, no. 3, p.
????, 1961.
[24] I. Grant, P. Roger, and I. Watanabe, “Ecosystem manipulation for increasing
biological N2 fixation by blue-green algae (CYANOBACTERIA) in lowland rice
fields,” Biol. Agric. Hortic., vol. 3, pp. 299–315, Jan. 1986, doi:
10.1080/01448765.1986.9754477.
[25] A. D. Thomas and A. J. Dougill, “Spatial and temporal distribution of cyanobacterial
soil crusts in the Kalahari: Implications for soil surface properties,” Geomorphology,
vol. 85, pp. 17–29, Mar. 2007, doi: 10.1016/j.geomorph.2006.03.029.
[26] J. Belnap and J. S. Gardner, “SOIL MICROSTRUCTURE IN SOILS OF THE
COLORADO PLATEAU: THE ROLE OF THE CYANOBACTERIUM
MICROCOLEUS VAGINATUS,” Gt. Basin Nat., vol. 53, no. 1, pp. 40–47, 1993.
[27] A. B. A. Boxall et al., “Impacts of Climate Change on Indirect Human Exposure to
Pathogens and Chemicals from Agriculture,” Environ. Health Perspect., vol. 117, no.
4, pp. 508–514, Apr. 2009, doi: 10.1289/ehp.0800084.
[28] A. A. Issa, M. H. Abd-Alla, and T. Ohyama, Nitrogen Fixing Cyanobacteria: Future
Prospect. IntechOpen, 2014. doi: 10.5772/56995.
[29] D. Liu, M. Liberton, J. Yu, H. B. Pakrasi, and M. Bhattacharyya-Pakrasi,
“Engineering Nitrogen Fixation Activity in an Oxygenic Phototroph,” mBio, vol. 9,
no. 3, pp. e01029-18, doi: 10.1128/mBio.01029-18.
[31] “Nitrogenase,” Wikipedia. Apr. 01, 2022. Accessed: Apr. 19, 2022.
[32] H. Schindelin, C. Kisker, J. L. Schlessman, J. B. Howard, and D. C. Rees, “Structure
of ADP·AIF4–-stabilized nitrogenase complex and its implications for signal
transduction,” Nature, vol. 387, no. 6631, Art. no. 6631, May 1997, doi:
10.1038/387370a0.
[33] A. A. Issa, M. H. Abd-Alla, and T. Ohyama, Nitrogen Fixing Cyanobacteria: Future
Prospect. IntechOpen, 2014. doi: 10.5772/56995.
[34] Stucken K. et al., “The Smallest Known Genomes of Multicellular and Toxic
Cyanobacteria: Comparison, Minimal Gene Sets for Linked Traits and the
Evolutionary Implications,” PLOS ONE, vol. 5, no. 2, p. e9235, thg 2 2010, doi:
10.1371/journal.pone.0009235.
[35] J. Durner, I. Böhm, O. C. Knörzer, and P. Böger, “Proteolytic degradation of
dinitrogenase reductase from Anabaena variabilis (ATCC 29413) as a consequence of
ATP depletion and impact of oxygen,” J. Bacteriol., vol. 178, no. 3, pp. 606–610,
Feb. 1996, doi: 10.1128/jb.178.3.606-610.1996.
[36] M. S. H. Griffiths, J. R. Gallon, and A. E. Chaplin, “The Diurnal Pattern of
Dinitrogen Fixation by Cyanobacteria In situ,” New Phytol., vol. 107, no. 4, pp. 649–
657, 1987.
[37] W. D. Stewart, “Some aspects of structure and function in N2-fixing cyanobacteria,”
Annu. Rev. Microbiol., vol. 34, pp. 497–536, 1980, doi:
10.1146/annurev.mi.34.100180.002433.

56
[38] A. Mitsui, S. Kumazawa, A. Takahashi, H. Ikemoto, S. Cao, and T. Arai, “Strategy by
which nitrogen-fixing unicellular cyanobacteria grow photoautotrophically,” Nature,
vol. 323, no. 6090, Art. no. 6090, Oct. 1986, doi: 10.1038/323720a0.
[39] P. Fay, W. D. Stewart, A. E. Walsby, and G. E. Fogg, “Is the heterocyst the site of
nitrogen fixation in blue-green algae?,” Nature, vol. 220, no. 5169, pp. 810–812, Nov.
1968, doi: 10.1038/220810b0.
[40] S. Scherer, H. Almon, and P. Böger, “Interaction of photosynthesis, respiration and
nitrogen fixation in cyanobacteria,” Photosynth. Res., vol. 15, no. 2, pp. 95–114, Feb.
1988, doi: 10.1007/BF00035255.
[41] H. S. Khamees, J. R. Gallon, and A. E. Chaplin, “The pattern of acetylene reduction
by cyanobacteria grown under alternating light and darkness,” Br. Phycol. J., vol. 22,
no. 1, pp. 55–60, Mar. 1987, doi: 10.1080/00071618700650071.
[42] P. D. Weyman, B. Pratte, and T. Thiel, “Transcription of hupSL in Anabaena
variabilis ATCC 29413 Is Regulated by NtcA and Not by Hydrogen,” Appl. Environ.
Microbiol., vol. 74, no. 7, pp. 2103–2110, Apr. 2008, doi: 10.1128/AEM.02855-07.
[43] L. Curatti, E. Flores, and G. Salerno, “Sucrose is involved in the diazotrophic
metabolism of the heterocyst-forming cyanobacterium Anabaena sp,” FEBS Lett., vol.
513, no. 2–3, pp. 175–178, Feb. 2002, doi: 10.1016/s0014-5793(02)02283-4.
[44] J. Thomas, J. C. Meeks, C. P. Wolk, P. W. Shaffer, and S. M. Austin, “Formation of
glutamine from [13n]ammonia, [13n]dinitrogen, and [14C]glutamate by heterocysts
isolated from Anabaena cylindrica,” J. Bacteriol., vol. 129, no. 3, pp. 1545–1555,
Mar. 1977, doi: 10.1128/jb.129.3.1545-1555.1977.
[45] M. Gupta and N. G. Y. 1981 Carr, “Enzyme Activities Related to Cyanophycin
Metabolism in Heterocysts and Vegetative Cells of Anabaena spp,” Microbiology,
vol. 125, no. 1, pp. 17–23, doi: 10.1099/00221287-125-1-17.
[46] S. Y. Ow et al., “Quantitative shotgun proteomics of enriched heterocysts from
Nostoc sp. PCC 7120 using 8-plex isobaric peptide tags,” J. Proteome Res., vol. 7, no.
4, pp. 1615–1628, Apr. 2008, doi: 10.1021/pr700604v.
[47] “An Integrative Approach for Modeling and Simulation of Heterocyst Pattern
Formation in Cyanobacteria Filaments,” PLOS Comput. Biol., vol. 11, no. 3, p.
e1004129, thg 3 2015, doi: 10.1371/journal.pcbi.1004129.
[48] P. Fay, “Oxygen relations of nitrogen fixation in cyanobacteria.,” Microbiol. Rev.,
vol. 56, no. 2, pp. 340–373, Jun. 1992.
[49] G. K. Sims and E. P. Dunigan, “Diurnal and seasonal variations in nitrogenase
activity (C2H2 reduction) of rice roots,” Soil Biol. Biochem., vol. 16, no. 1, pp. 15–
18, Jan. 1984, doi: 10.1016/0038-0717(84)90118-4.
[50] S. Bocchi and A. Malgioglio, “Azolla-Anabaena as a Biofertilizer for Rice Paddy
Fields in the Po Valley, a Temperate Rice Area in Northern Italy,” Int. J. Agron., vol.
2010, p. e152158, May 2010, doi: 10.1155/2010/152158.
[51] R. A. Hamouda and N. E.-A. El-Naggar, “Chapter 14 - Cyanobacteria-based
microbial cell factories for production of industrial products,” in Microbial Cell
Factories Engineering for Production of Biomolecules, V. Singh, Ed. Academic
Press, 2021, pp. 277–302. doi: 10.1016/B978-0-12-821477-0.00007-6.
57
[52] A. Rakshit, H. B. Singh, and A. Sen, Nutrient Use Efficiency: from Basics to
Advances. Springer, 2014.
[53] G. Fogg, W. Stewart, P. Fay, and A. Walsby, The Blue-green Algae. Academic Press,
1973.
[54] J. R. Gallon, “Nitrogen fixation by photoautotrophs,” Nitrogen Fixat. Proc.
Phytochem. Soc. Eur. Symp., 1980, Accessed: Apr. 23, 2022.
[55] H. W. Pearson, R. Howsley, C. K. Kjeldsen, and A. E. Walsby, “Aerobic nitrogenase
activity associated with a non-heterocystous filamentous cyanobacterium : H.W.
Pearson, R. Howsley, C.K. Kjeldsen and A.E. Walsby,” FEMS Microbiol. Lett., vol.
6, no. 4, p. 265, Oct. 1979, doi: 10.1111/j.1574-6968.1979.tb03717.x.
[56] L. J. Stal, “Poly(hydroxyalkanoate) in cyanobacteria: an overview,” FEMS Microbiol.
Rev., vol. 9, no. 2–4, pp. 169–180, Dec. 1992, doi: 10.1111/j.1574-
6968.1992.tb05835.x.
[57] M. A. Hasan, “Investigation on the Nitrogen Fixing Cyanobacteria (BGA) in Rice
Fields of North-West Region of Bangladesh. I: Nonfilamentous,” J. Environ. Sci. Nat.
Resour., vol. 5, no. 2, Art. no. 2, 2012, doi: 10.3329/jesnr.v5i2.14812.
[58] G. S. Khush, “Origin, dispersal, cultivation and variation of rice,” Plant Mol. Biol.,
vol. 35, no. 1, pp. 25–34, Sep. 1997, doi: 10.1023/A:1005810616885.
[62] H. Saadatnia and H. Riahi, “Cyanobacteria from paddy fields in Iran as a biofertilizer
in rice plants,” Plant Soil Environ. - UZEI Czech Repub., 2009, Accessed: Apr. 23,
2022.
[63] K. Kishore Choudhary, K. K. Choudhary, and R. Bimal, “Distribution of nitrogen-
fixing cyanobacteria (Nostocaceae) during rice cultivation in fertilized and
unfertilized paddy fields,” Nord. J. Bot., vol. 28, no. 1, pp. 100–103, 2010.
[64] S. Shila et al., “Diversity and distribution pattern analysis of cyanobacteria isolated
from paddy fields of Chhattisgarh, India,” J. Asia-Pac. Biodivers., 2014, Accessed:
Apr. 23, 2022.
[65] Z. T. Begum, R. Mandal, and F. B. Amin, “Quantification and nitrogen fixation of
cyanobacteria in rice field soils of Bangladesh,” Bangladesh J. Bot., vol. 37, no. 2,
Art. no. 2, 2008, doi: 10.3329/bjb.v37i2.1728.
[66] R. Rippka, J. Deruelles, J. B. Waterbury, M. Herdman, and R. Y. Y. 1979 Stanier,
“Generic Assignments, Strain Histories and Properties of Pure Cultures of
Cyanobacteria,” Microbiology, vol. 111, no. 1, pp. 1–61, doi: 10.1099/00221287-111-
1-1.
[67] Y. S, “Routine procedure for growing rice plants in culture solution,” Lab. Man.
Physiol. Stud. Rice, pp. 61–66, 1976.
[68] M. Pansu and J. Gautheyrou, Eds., “pH Measurement,” in Handbook of Soil Analysis:
Mineralogical, Organic and Inorganic Methods, Berlin, Heidelberg: Springer, 2006,
pp. 551–579. doi: 10.1007/978-3-540-31211-6_15.
[69] H. Katoh et al., “Utilization of the terrestrial cyanobacteria,” vol. 40, p. F4.1-4-14,
Jan. 2014.

58
[70] M. J. Ferris and C. F. Hirsch, “Method for isolation and purification of
cyanobacteria,” Appl. Environ. Microbiol., vol. 57, no. 5, pp. 1448–1452, May 1991,
doi: 10.1128/aem.57.5.1448-1452.1991.
[71] R. Andersen and M. Kawachi, “Traditional microalgae isolation techniques,” in Algal
Culturing Techniques, 2005, pp. 83–100.
[72] A. K. Mishra, E. Shukla, and S. S. Singh, “Phylogenetic comparison among the
heterocystous cyanobacteria based on a polyphasic approach,” Protoplasma, vol. 250,
no. 1, pp. 77–94, Feb. 2013, doi: 10.1007/s00709-012-0375-9.
[73] “Haemocytometer - Improved neubauer’s chamber,” Medical Study Zone, Apr. 14,
2017.
[76] A. C. Cumino, C. Marcozzi, R. Barreiro, and G. L. Salerno, “Carbon Cycling in
Anabaena sp. PCC 7120. Sucrose Synthesis in the Heterocysts and Possible Role in
Nitrogen Fixation,” Plant Physiol., vol. 143, no. 3, pp. 1385–1397, Mar. 2007, doi:
10.1104/pp.106.091736.

WEBSITE
[1] “Chuỗi giá trị lúa gạo bền vững và bao trùm ở Việt Nam.”
https://latinoamerica.rikolto.org/nl/node/1676 (accessed May 06, 2022).
[4] “Life History and Ecology of Cyanobacteria.”
https://ucmp.berkeley.edu/bacteria/cyanolh.html (accessed Mar. 27, 2022).
[5] “Photosynthetic viruses keep world’s oxygen levels up,” New Scientist.
https://www.newscientist.com/article/mg20327235-000-photosynthetic-viruses-keep-
worlds-oxygen-levels-up/?ignored=irrelevant
[10] “Giáo trình ‘Phân loại học thực vật’ (TS. Đặng Minh Quân, ThS. Phạm Thị Bích
Thủy).” https://ph.ctu.edu.vn/an-pham-sap-xuat-ban/847-giao-trinh-phan-loai-hoc-
thuc-vat-ts-dang-minh-quan-ths-pham-thi-bich-thuy.html (accessed Apr. 18, 2022).
[11] “Prokaryote: Hapalosiphon.”
http://protist.i.hosei.ac.jp/PDB/Images/Prokaryotes/Stigonemataceae/sp_08.html
[12] “Phycokey - Scytonema images.”
http://cfb.unh.edu/phycokey/Choices/Cyanobacteria/cyano_filaments/cyano_branched
_fil/cyano_pseudobranches/SCYTONEMA/Scytonema_Image_page.html
[13] “Cyanobacteria #4.”
https://www.keweenawalgae.mtu.edu/gallery_pages/cyanobacteria4.htm
[18] Kirrolia A., Bishnoi N., and Singh R., “Effect of shaking, incubation temperature,
salinity and media composition on growth traits of green microalgae Chlorococcum
sp.,” undefined, 2012, https://www.semanticscholar.org/paper/Effect-of-shaking%2C-
incubation-temperature%2C-salinity-Kirrolia
Bishnoi/e26da29f7a66519a52b015664d64c44197f9d0d0
[30] “ENZYME - 1.18.6.1 Nitrogenase.” https://enzyme.expasy.org/EC/1.18.6.
[59] “TU-Berlin China Study Group,” Mar. 07, 2005.
http://web.archive.org/web/20050307173352/http://station7.kgw.tu-
berlin.de/english/abstracts/ChenW.html

59
[60] “Giáo trình cây lúa – Nguyễn Ngọc Đệ - CẩmNangNôngNghiệp.com.”
https://sites.google.com/a/st.hcmuaf.edu.vn/camnangnongnghiep-com/thu-vien-tai-
lieu/khct/giao-trinh-cay-lua-nguyen-ngoc-de
[61] Phát N. V., “Đặc điểm các thời kỳ sinh trưởng của cây lúa, Nông Việt Phát,” Nông
Việt Phát. http://nongvietphat.com/huong-dan-ky-thuat-1/dac-diem-cac-thoi-ky-sinh-
truong-cua-cay-lua-185.html
[74] “Hemocytometer square size • Hemocytometer,” Hemocytometer, Apr. 11, 2013.
https://www.hemocytometer.org/hemocytometer-square-size
[75] “Figure 13.26 Transplanting rice seedlings into paddies containing the...,”
ResearchGate. https://www.researchgate.net/figure/Transplanting-rice-seedlings-into-
paddies-containing-the-floating-water-fern-Anabaena_fig14_299156145
[77] “IRMNG - Họ vi khuẩn lam J. Komárek, J. Kaštovský, J. Mareš & JR Johansen,
2014.” https://www.irmng.org/aphia.php?p=taxdetails&id=119692 (accessed May 12,
2022).

60
PHỤ LỤC
PHỤ LỤC A: Hình ảnh thí nghiệm

Hình 1 Các mẫu đất thu thập từ ruộng lúa ở huyện Ea Súp

Hình 2 Vi khuẩn lam phát triển trong ống nghiệm sau 1 tuần

61
Hình 3 Dòng vi khuẩn lam dạng sợi EB1 được nuôi trong môi trường không đạm
BG11 lần lượt từ trái qua là mẫu lấy vào ngày 10, 20, 30

Hình 4 Lọc sinh khối vi khuẩn lam dạng sợi chủng EB1 qua các mốc 10, 20 và 30
ngày nuôi cấy

62
Hình 5 Hạt lúa nảy mầm sau 48h ủ

Hình 6 Hạt lúa ngâm trong dịch vi khuẩn lam


63
Hình 7 Hạt lúa khi mới cấy vào ống nghiệm (A), sau 10 ngày (B) và cấy trong bình
thủy canh (C)

64
PHỤ LỤC B: Số liệu thí nghiệm
* Trích hệ thống khóa phân loại của Desikachary và các cộng sự sửa đổi năm 2014 [77]

Hình 8 - Sơ đồ về các bậc và họ vi khuẩn lam

Đây là các ký tự phân loại quan trọng được sử dụng để phân biệt chúng. Sự phân tách
cơ bản của các đơn vị phân loại cao hơn dựa trên kết quả sơ bộ của các phân tích phát sinh
loài và các mô hình siêu cấu trúc của thylakoid.
65
Hình 9 Sơ đồ về các họ vi khuẩn lam dị bào (Nostocales) ở cấp bậc và họ, và các đặc
điểm quan trọng để xác định chúng.

66
* Đặc điểm giống lúa IR64
Nguồn gốc: Giống lúa IR64 là giống được chọn lọc từ tập đoàn giống nhập nội của
Viện lúa Quốc tế (IRRI), được lai tạo từ tổ hợp lai giữa IR 5657-33/IR 2061-465. Được Bộ
Nông nghiệp và PTNT công nhận là giống chính thức tại Quyết định số 402 QĐ/BNN-
KHCN, ngày 27/11/1986.
Giống IR64 được đưa vào thử nghiệm trên vùng lòng chảo Điện Biên từ năm 1986,
và được mở rộng và phát triển mạnh từ năm 1988.
Đặc điểm sinh học và hình thái của giống lúa IR64: Thời gian sinh trưởng của giống
lúa IR64 từ 105-110 ngày (tính cho trà vụ mùa ở các tỉnh phía Nam); Là giống gieo cấy ở
trà Đông xuân sớm, vụ Hè thu ở miền Nam, vụ Xuân muộn hoặc vụ Mùa sớm ở Miền Bắc,
vụ Hè thu ở miền Trung.
Là giống kháng cao với bệnh Đạo ôn, hơi kháng với bệnh Bạc lá. Nhiễm nhẹ với Rầy
nâu. Nhiễm vừa đến nặng với bệnh Khô vằn.
Chiều cao cây lúa: 95-105 cm.
Khả năng chống đổ trung bình, chịu phèn khá.
Đặc điểm về chất lượng hạt thóc: Hình dáng hạt thóc: Hạt thon dài, màu vàng sáng,
chiều dài hạt trung bình 7,19 mm.
Tỷ lệ chiều dài/chiều rộng hạt là: 3,34; trọng lượng 1000 hạt: 26-27 gram.
Chất lượng hạt gạo: Gạo trắng, không bạc bụng, cơm dẻo, ngon. Hàm lượng amylose
trung bình: 24,4%.
Năng suất trung bình: 45 - 50 tạ/ha. Năng suất cao có thể đạt: 60 – 65 tạ/ha.

67
* Kết quả trình tự vùng gene 16S rRNA chủng EB1:

Hình 10 Phiếu trả lời kết quả từ công ty Nam Khoa


68
Hình 11 Trình tự vùng gene 16S rRNA chủng EB1
69
Bảng 1 Sinh khối trung bình của các chủng vi khuẩn lam dạng sợi sau 10, 20 và 30 ngày
nuôi cấy

STT Chủng vi khuẩn Sinh khối khô (g/100mL)


lam Ngày 10 Ngày 20 Ngày 30
1 EB1 0,30 0,53 0,58
2 EL1 0,27 0,43 0,38
3 EB2 0,39 0,51 0,55
4 EL2 0,23 0,31 0,35
Các giá trị trong bảng là trung bình của 3 lần lặp lại.

Bảng 2 Số liệu sinh khối của các chủng vi khuẩn lam dạng sợi trong môi trường BG11
không đạm sau 10 ngày nuôi cấy

Ngày 10
STT Chủng vi khuẩn Sinh khối khô (g/100 mL)
lam Ban đầu Lần 1 Lần 2 Lần 3 TB
1 EB1 0,10 0,30 0,32 0,28 0,30
2 EL1 0,10 0,28 0,24 0,30 0,27
3 EB2 0,10 0,34 0,38 0,44 0,39
4 EL2 0,10 0,26 0,22 0,22 0,23

Bảng 3 Số liệu sinh khối của các chủng vi khuẩn lam dạng sợi trong môi trường BG11
không đạm sau 20 ngày nuôi cấy

Ngày 20
STT Chủng vi khuẩn Sinh khối khô (g/100 mL)
lam Ban đầu Lần 1 Lần 2 Lần 3 TB
1 EB1 0,10 0,50 0,54 0,54 0,53
2 EL1 0,10 0,42 0,44 0,42 0,43
3 EB2 0,10 0,48 0,52 0,52 0,51

70
4 EL2 0,10 0,34 0,32 0,28 0,31

Bảng 4 Số liệu sinh khối của các chủng vi khuẩn lam dạng sợi trong môi trường BG11
không đạm sau 30 ngày nuôi cấy

Ngày 30
STT Chủng vi khuẩn Sinh khối khô (g/100 mL)
lam Ban đầu Lần 1 Lần 2 Lần 3 TB
1 EB1 0,10 0,58 0,58 0,58 0,58
2 EL1 0,10 0,38 0,36 0,40 0,38
3 EB2 0,10 0,52 0,58 0,54 0,55
4 EL2 0,10 0,30 0,36 0,38 0,35

Bảng 5 Ảnh hưởng của các chủng vi khuẩn lam dạng sợi lên chiều cao cây lúa và chiều
dài rễ lúa giai đoạn mạ non

STT Chủng vi Chiều cao cây Chiều dài rễ


khuẩn lam Lần 1 Lần 2 Lần 3 TB Lần 1 Lần 2 Lần 3 TB
1 EB1 11,1 10,5 11,3 11,0 2,3 2,5 2,2 2,3
2 EB2 10,3 9,1 9,6 9,7 3,5 3,4 3 3,3
3 EL1 8,8 8,5 8,5 8,6 2 1,6 1,8 1,8
4 EL2 9,2 8,6 9,2 9,0 2,5 1,7 1,8 2

Bảng 6 Ảnh hưởng của các chủng vi khuẩn lam dạng sợi lên khối lượng cây lúa và khối
lượng rễ lúa giai đoạn mạ non

STT Chủng vi Khối lượng cây Khối lượng rễ


khuẩn lam Lần 1 Lần 2 Lần 3 TB Lần 1 Lần 2 Lần 3 TB
1 EB1 75 73 79 75,7 15 19 21 18,3
2 EB2 63 63 73 66,3 18 15 19 17,3

71
3 EL1 66 67 64 65,7 17 17 16 16,7
4 EL2 58 60 55 57,7 16 15 13 14,7

PHỤ LỤC C: Kết quả phân tích thống kê


Summary Statistics for Khoi luong ngay 10
Bảng 7 Thống kê tóm tắt mật số tế bào của các chủng vi khuẩn lam dạng sợi sau 10 ngày
nuôi cấy

Chủng vi khuẩn Count Average Standard Minimum Maximum Range


lam deviation
EB1 3 0,15 0,01 0,14 0,16 0,02
EB2 3 0,14 0,025166115 0,17 0,22 0,05
EL1 3 0,19 0,015275252 0,12 0,15 0,03
EL2 3 0,12 0,011547005 0,11 0,13 0,02

Bảng 8 Phân tích ANOVA mật số tế bào của các chủng vi khuẩn lam dạng sợi sau 10 ngày
nuôi cấy

Sum of Mean
Source of Variation Squares df Square F P-value
0,00181 0,00090 0,14736
Between Groups 7 2 8 4 0,86502
0,05547 0,00616
Within Groups 5 9 4

0,05729
Total 2 11

Bảng 9 Thống kê tóm tắt mật số tế bào của các chủng vi khuẩn lam dạng sợi sau 20 ngày
nuôi cấy

Chủng vi khuẩn Count Average Standard Minimum Maximum Range


lam deviation

72
EB1 3 0,26 0,011547005 0,25 0,27 0,02
EB2 3 0,25 0,011547005 0,24 0,26 0,02
EL1 3 0,21 0,005773503 0,21 0,22 0,01
EL2 3 0,16 0,015275252 0,14 0,17 0,03

Bảng 10 Phân tích ANOVA mật số tế bào của các chủng vi khuẩn lam dạng sợi sau 20
ngày nuôi cấy

Sum of Mean
Source of Variation Squares df Square F P-value
Between Groups 6,66667E-05 2 3,33333E-05 0,006289308 0,993734792
Within Groups 0,0477 9 0,0053

Total 0,047766667 11

Bảng 11 Thống kê tóm tắt mật số tế bào của các chủng vi khuẩn lam dạng sợi sau 20 ngày
nuôi cấy

Chủng vi khuẩn Count Average Standard Minimum Maximum Range


lam deviation
EB1 3 0,29 0 0,29 0,29 0
EL1 3 0,19 0,01 0,18 0,2 0,02
EB2 3 0,27 0,015275252 0,26 0,29 0,03
EL2 3 0,17 0,02081666 0,15 0,19 0,04

Bảng 12 Phân tích ANOVA mật số tế bào của các chủng vi khuẩn lam dạng sợi sau 30
ngày nuôi cấy

Source of Sum of Mean


Variation Squares df Square F P-value
Between Groups 0,000116667 2 5,83333E-05 0,003505258 0,996502238
Within Groups 0,149775 9 0,016641667

Total 0,149891667 11
73
74

You might also like