You are on page 1of 16

PHÂN TÍCH KHÁI NIỆM “NGƯỜI MẸ KHÔNG ĐỦ TỐT”

THEO QUAN ĐIỂM CỦA DONALD W. WINNICOT QUA NGHIÊN CỨU


MỘT TRƯỜNG HỢP TRẺ CÓ CHẬM TRỄ NGÔN NGỮ

TÓM TẮT
Bài viết phân tích khái niệm “người mẹ không đủ tốt” theo quan điểm của Winnicott
và xem xét tác động của “người mẹ không đủ tốt” tới tình trạng chậm trễ ngôn ngữ nói
của trẻ thông qua phân tích định tính một trường hợp cụ thể. Trên cơ sở đó, rút ra một số
căn nguyên của sự chậm trễ ngôn ngữ ở trường hợp này và đề xuất phương hướng can
thiệp cho trẻ. Bằng việc sử dụng khái niệm “người mẹ đủ tốt”, Winnicott muốn đề cập tới
các chức năng mẫu dưỡng trong mối quan hệ đối tượng mà trẻ có với người chăm
sóc/nuôi dưỡng mình. Ông cho rằng để trẻ có thể phát triển tốt, khỏe mạnh, người mẹ
phải “đủ tốt” và gắn kết với trẻ bằng “mối bận tâm nguyên phát của mẹ”, một trạng thái
tâm trí riêng có ở người mẹ, được đặc trưng bởi khả năng đồng nhất với trẻ để hiểu trẻ.

Từ khóa: Chức năng mẫu dưỡng; Người mẹ không đủ tốt; Trẻ chậm trễ ngôn ngữ

1.Đặt vấn đề
Nhiều nghiên cứu lý luận và thực tiễn trong tâm lý học đều cho thấy mối quan hệ
mẹ - con đóng một vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Donald W.
Winnicott (1989) cho rằng: “Thực thể được gọi là trẻ sơ sinh vốn không tồn tại. Mỗi khi
có một đứa trẻ ra đời, người ta thấy ở đó sự chăm sóc của người mẹ, và rằng, không có
sự chăm sóc của người mẹ, thì sẽ không có đứa trẻ sơ sinh nào” . Nói cách khác, cá nhân
không tồn tại nếu đứng một mình, chỉ tồn tại cá nhân trong mối quan hệ với thế giới bên
ngoài. Như thế, để có thể bảo vệ con khỏi sự khiếp sợ nào đó, người mẹ đã phải có một
số trải nghiệm cụ thể. Bởi vì, bằng sự tiên đoán của mình, người mẹ có thể tránh cho con
khỏi những tình huống gây sợ hãi, hoặc người mẹ biết làm thế nào để an ủi con khi
những tình huống đó xảy ra. Chính người mẹ với “mối bận tâm nguyên phát”, được đặc
trưng bởi tính nhạy cảm quá mức đối với tất cả những gì liên quan đến con, mang lại
một chỗ dựa, một nơi nương tựa cho cái tôi của trẻ. Ngược lại, một người mẹ lo âu và
không an toàn sẽ không mang lại cho trẻ một sự bảo vệ tuyệt đối. Trẻ sẽ phải học dần
cách tha thứ, điều chỉnh cái Tôi hoặc ở nó gia tăng sự lo lắng về việc bị chia tách với mẹ
hoặc với người chăm sóc trẻ. Vì một lý do nào đó, nếu người mẹ không thể yêu thương
con: người mẹ thờ ơ, người mẹ quá sở hữu hoặc xem con như một phần có giá trị hay
không có giá trị của bản thân, thì đứa trẻ sẽ không thể có cảm giác được yêu thương.
Những chuyển động yêu thương của trẻ không được tiếp nhận và trẻ sẽ rơi vào một
khoảng trống đầy nỗi lo hãi. Để chống lại những lo hãi này, để che giấu sự lo hãi bị chia
tách khỏi mẹ, đứa trẻ dùng đến các cơ chế phòng vệ, mà phổ biến là sự dồn nén và chối
bỏ. Trong một số trường hợp, sự dồn nén, sự chối bỏ được thể hiện thông qua những rối
loạn lời nói hoặc ngôn ngữ.
Xuất phát từ những lập luận trên, khi thực hiện nghiên cứu Vấn đề chậm nói ở trẻ,
nhóm nghiên cứu đã đi đến giả thuyết rằng, đối với một số trẻ chậm nói, việc phát triển
lời nói hoặc ngôn ngữ chậm hơn hoặc không theo nhịp phát triển thông thường như ở
những trẻ cùng tuổi có thể liên quan tới sự chăm sóc của người mẹ trong những năm đầu
đời. Nói một cách khác, một người mẹ “không đủ tốt” với những chăm sóc, những bận
tâm “không đủ tốt” dành cho trẻ là một trong những nguyên nhân căn bản gây ra chứng
chậm nói, chậm ngôn ngữ hay khó khăn ngôn ngữ ở trẻ. Can thiệp sớm vào mối quan hệ
giữa mẹ và trẻ trong những năm tháng đầu đời có thể giúp phát triển tốt hơn lời nói,
ngôn ngữ nói ở trẻ.
Với giả thuyết này, bài viết này tập trung phân tích khái niệm “người mẹ không đủ
tốt” theo quan điểm của Donald W. Winnicott, bác sĩ nhi khoa, nhà tâm thần học và nhà
tâm phân tâm học người Anh và xem xét tác động của “người mẹ không đủ tốt” tới tình
trạng chậm trễ ngôn ngữ nói của trẻ thông qua phân tích định tính một trường hợp cụ
thể.
2.Chức năng mẫu dưỡng và sự phát triển của trẻ
Trong những giai đoạn đầu của sự phát triển, trẻ không phân biệt được cái bên
trong và cái bên ngoài. Trẻ thể nghiệm môi trường xung quanh như một sự kéo dài bản
thân, và dần dần trẻ sẽ nhận ra mẹ như một cá nhân tách biệt khỏi mình. Chính trong bể
cảm xúc và đối thoại này, trẻ tự cảm thấy mình tồn tại và được cấu tạo nên. Khuôn mặt
mẹ là tấm gương đầu tiên đối với trẻ. Cái mà trẻ nhìn thấy khi nhìn mẹ, chính là trẻ. “Trẻ
nhìn thấy gì khi hướng ánh nhìn về phía khuôn mặt mẹ? Thông thường, cái mà trẻ nhìn
thấy, chính là bản thân nó. Nói cách khác, mẹ nhìn trẻ và cái mà khuôn mặt mẹ biểu lộ
lại liên quan trực tiếp với cái mà bà nhìn thấy” (Winnicott, 1971/2002, tr. 155). Theo
cách này, Winnicott (2010, tr. 16) đưa ra ba chức năng mẫu dưỡng cần thiết cho sự phát
triển hài hòa của trẻ: Bế ẵm (holding), ôm ấp (handling) và biểu tượng về đối tượng
(object-presenting).
Bế ẵm có nghĩa là sự giữ gìn, hòa quyện, là cách mà trẻ được bế bồng cả về thể
chất và tinh thần. Chính những chăm sóc của mẹ bảo vệ cho cái tôi non nớt của trẻ. Khi
mang lại cho trẻ sự an toàn cảm xúc và sự bảo vệ nồng ấm cả về tâm trí và thể chất, chức
năng bế ẵm cho phép hình thành ở trẻ một cảm giác được tiếp tục tồn tại, một nền tảng
vững chắc cho sự phát triển của trẻ. Khi thiếu hụt chức năng bế ẵm sẽ gây ra ở trẻ một
trạng thái đau buồn quá mức, đặc biệt được thể hiện thông qua cảm giác bị phân rã và
những lo hãi khác thường được mô tả như những trạng thái “loạn thần”.
Ôm ấp là cách mà trẻ được mẹ đối xử, chăm sóc và điều khiển về mặt thể chất
cũng như về mặt tâm lý. Những chăm sóc của mẹ cho phép trẻ tự hình thành nên thế giới
nội tâm và những giới hạn cơ thể. Các điều kiện và hệ quả của ôm ấp tham gia vào quá
trình vận hành tâm trí của trẻ, sự hiểu biết về bản thân như một cơ thể chia tách với mẹ
và mối quan hệ giữa cơ thể và tâm trí. Có thể nói, chức năng ôm ấp tạo điều kiện cho sự
hình thành nên tổ hợp tâm thể phát triển ở trẻ. Sự thiếu vắng ôm ấp gây cản trở phát triển
trương lực cơ và cái mà chúng ta gọi là “sự hợp tác”, cũng như khả năng trẻ đánh giá
được trải nghiệm vận hành cơ thể và trải nghiệm mình là một cá thể.
Biểu tượng về đối tượng là chức năng mẫu dưỡng thứ ba mà Winnicott nói tới. Đó
chính là cách mà hiện thực được thể hiện ra với trẻ thông qua môi trường xung quanh.
Theo ông, đây là giai đoạn của những quan hệ đối tượng ban đầu cho phép trẻ chiếm
hữu và sử dụng các đối tượng. Sự biểu đạt về đối tượng hay là sự hiện thực hóa (làm cho
xung năng sáng tạo của trẻ trở thành hiện thực) giúp trẻ có thể tự liên kết với các đối
tượng. Như vậy, sự thiếu vắng biểu tượng về đối tượng sẽ kìm hãm phát triển năng lực
cảm nhận hiện thực của trẻ khi trẻ liên kết với thế giới thực của các đối tượng và các
hiện tượng.
Với ba chức năng mẫu dưỡng được nêu trên, người mẹ cần phải theo sát những
khả năng của trẻ khi đối đầu với hụt hẫng: người mẹ nên không vắng mặt quá lâu, không
quá sở hữu hoặc sỗ sàng với trẻ. Điều này giúp trẻ phát triển lòng khoan dung đối với sự
thiếu vắng mẹ bằng cách duy trì biểu tượng mẹ. Dần dần, trẻ sẽ ra khỏi trạng thái hợp
nhất mà không trải qua những lo hãi không thể chịu nổi do sự mất đột ngột chức năng bế
ẵm và ôm ấp. Có thể nói, vai trò của người mẹ ban đầu là tạo ra một “ảo tưởng nguyên
phát”, trong đó trẻ là sự kéo dài của mẹ và cái Tôi yếu ớt của trẻ được cái Tôi của mẹ
bảo vệ. Người mẹ sẽ giúp trẻ dần ra khỏi sự ảo tưởng này và độc lập với mẹ một cách tốt
đẹp. Như thế, một người mẹ đủ tốt cho phép trẻ tự rèn luyện cái Tôi thực. Vậy thì, thế
nào là một người mẹ đủ tốt? Thế nào là một người mẹ không đủ tốt?
3.Người mẹ “đủ tốt” đối lập với người mẹ “không đủ tốt”?
Từ khi sinh ra, trẻ đã ở trong một môi trường mang tính người đặc trưng, được
đánh dấu bởi sự rút lui toàn bộ năng lượng tính dục vào bản thân người mẹ, một trạng
thái mà Winnicott gọi là mối bận tâm nguyên phát của mẹ. “Trạng thái có tổ chức này có
thể được so sánh với một trạng thái rút lui, hay một trạng thái phân ly, hay một sự chạy
trốn, thậm chí là một rối loạn sâu sắc hơn, giống như một giai đoạn phân liệt”
(Winnicott, 1969, tr. 287). Nhờ vào môi trường an toàn và được đáp ứng trọn vẹn mà
người mẹ đem lại, trẻ không gặp phải bất kỳ sự đe dọa nào và có thể chú tâm vào bản
thân. “Một môi trường đủ tốt ngay từ giai đoạn ban đầu sẽ cho phép trẻ bắt đầu sự tồn
tại” (Winnicott, 1989, tr. 290).
Bằng việc sử dụng khái niệm “người mẹ đủ tốt”, Winnicott muốn đề cập tới các
chức năng mẫu dưỡng trong mối quan hệ đối tượng mà trẻ có với người chăm sóc/nuôi
dưỡng mình. Ông cho rằng để trẻ có thể phát triển tốt, khỏe mạnh, người mẹ phải “đủ
tốt” và gắn kết với trẻ bằng “mối bận tâm nguyên phát của mẹ”, một trạng thái tâm trí
riêng có ở người mẹ, được đặc trưng bởi khả năng đồng nhất với trẻ để hiểu trẻ. Người
mẹ đủ tốt cho phép trẻ có thể phát triển cảm giác, tri giác tuyệt đối. Điều này sẽ mất đi
khi trẻ trưởng thành. Người mẹ đủ tốt, bắt đầu bằng việc đáp ứng gần như hoàn toàn các
nhu cầu của trẻ. Bởi vì, “theo dòng thời gian, người mẹ sẽ đáp ứng ít dần, tùy theo khả
năng trưởng thành mà trẻ đạt được để tập quen với sự thiếu vắng mẹ” (Winnicott,
1969/1989, tr. 119). Nói cách khác, vào lúc bắt đầu cuộc sống, trẻ ở trong trạng thái phụ
thuộc tuyệt đối vào mẹ, một sự không phân biệt tuyệt đối giữa cái Tôi và cái không phải
Tôi. Người mẹ vì thế cần có sự đáp ứng hoàn hảo với những nhu cầu của trẻ, nhằm duy
trì ở trẻ một cảm giác được tiếp tục tồn tại.
Người mẹ cần tạo ra một môi trường bế ẵm mà ở đó trẻ được bảo vệ khỏi những
mối đe dọa. Môi trường này giúp trẻ có được sự chuyển biến để trở nên tự chủ hơn,
khám phá, học hỏi một cách dễ dàng thông qua quá trình ảo tưởng và hết ảo tưởng; hay
nói cách khác, là trải nghiệm về sự toàn năng của bản thân và sau đó là trải nghiệm về
đối tượng thực. Sự đáp ứng của mẹ với các nhu cầu của trẻ chính là điểm mấy chốt trong
quá trình này: “Khi người mẹ đủ tốt, thì sẽ đem đến cho trẻ ảo tưởng rằng có một hiện
thực bên ngoài đang tồn tại, liên quan tới năng lực sáng tạo của bản thân trẻ”.
Ngược lại, người mẹ không đủ tốt không thể bảo vệ cho cái tôi yếu ớt của trẻ khỏi
những mối đe dọa và những lo hãi, vì thế sự thất bại của mẹ sẽ có thể gây ra rối loạn tâm
thần ở trẻ. Như thế, sự dần dần không đáp ứng của môi trường và sự hụt hẫng do môi
trường không đáp ứng khiến trẻ có được trải nghiệm về hiện thực. “Ban đầu, sự đáp ứng
phải gần như hoàn toàn, bởi nếu không trẻ sẽ không thể phát triển được khả năng hình
thành một mối quan hệ với hiện thực bên ngoài hoặc thậm chí không có được khái niệm
về hiện thực này” (Winnicott, 2002, tr. 43). Do đó, những khó khăn đối với người mẹ khi
phải đặt mình vào hoàn cảnh này có thể là nguồn gốc của những rối nhiễu tâm trí, như
hội chứng tự kỷ, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn lời nói hay loạn thần ở trẻ em.
Như vậy, từ những đặc trưng của người mẹ đủ tốt, chúng ta có thể dẫn ra một số
đặc trưng của người mẹ “không đủ tốt”, người mẹ mang tới nhiều hệ quả tiêu cực cho
trẻ.
Có thể nói, người mẹ không đủ tốt có thể có một sự thấu cảm kéo dài quá mức cần
thiết. Người mẹ này luôn thử thỏa mãn mọi nhu cầu của trẻ trước khi chúng xuất hiện.
Do sự đáp ứng luôn luôn hoàn hảo như vậy, nên đứa trẻ bị cản trở trong việc tự phân biệt
mình với mẹ, và ngược lại, người mẹ đồng nhất với trẻ đến mức không thể tách rời.
Người mẹ này ngăn cản trẻ đối mặt với những thiếu hụt, những đe dọa và khiến trẻ ngày
càng phụ thuộc vào mình. Trẻ không thể tự tạo nên ham muốn mà trở thành đối tượng
ham muốn của người khác – người mẹ.
Một dạng thức khác của người mẹ không đủ tốt đó là người mẹ không đồng nhất
với trẻ để hiểu những nhu cầu của trẻ. Người mẹ kiểu này không có sự nhạy bén và
không có khả năng đáp ứng những đòi hỏi tức thì của trẻ. Người mẹ này lý giải nhu cầu
của trẻ theo quan điểm của mình, đưa ra lựa chọn và buộc trẻ phải tuân theo. Trong
trường hợp này, trẻ bị buộc phải thích ứng với một môi trường không đủ tốt. Sự không
hiểu biết lặp đi lặp lại của mẹ về các cử chỉ bột phát ở trẻ tạo nên cái Tôi giả tạo chuyên
chế và áp đặt.
Người mẹ không đủ tốt làm thiếu đi hoàn toàn mối bận tâm nguyên phát. Sự đáp
ứng thường xuyên của mẹ với các nhu cầu của trẻ luôn lộn xộn, hỗn loạn hoặc không thể
đoán trước và được trải nghiệm như sự can dự vào hoặc lơ là, hững hờ; nó đem đến cho
quá trình hình thành nên thế giới của trẻ một đặc tính bị phân rã.
Ba dạng thức người mẹ không đủ tốt nêu trên tạo ra sự kiềm tỏa hoặc sự méo mó
quá trình phát triển các chức năng cái Tôi ở trẻ. Hệ quả ít nghiêm trọng nhất có thể quan
sát thấy chính là các triệu chứng rối nhiễu: ám ảnh, lo sợ, các rối loạn tâm thể dưới tác
động của cơ chế phòng vệ chính là dồn nén, trong khi hệ quả nghiêm trọng nhất lại liên
quan đến các triệu chứng loạn thần - một tổ chức phân liệt về nhân cách mà ở đó việc
tìm kiếm sự cô lập được thiết lập thay thế cho phòng vệ chống lại sự suy sụp, sự lo sợ
nảy sinh tiếp sau những lo hãi phân rã khó tả … hoặc sự hình thành nên cái Tôi giả tạo,
hoặc của một nhân cách bề mặt đem đến cho chủ thể một cảm giác phi thực tế, một tính
cách theo kiểu tắc kè hoa, thích nghi quá mức mà không thực sự bền vững.
Khi các chức năng mẫu dưỡng yếu ớt, chúng có thể gây ra ở trẻ những biểu hiện
hung tính như một cách lôi kéo sự chú ý của mẹ và giải thích cho sự hụt hẫng. Trong
trường hợp trẻ nhận được quá nhiều sự chăm sóc, ngay kể cả khi trẻ không có nhu cầu,
thì trẻ phụ thuộc hoàn toàn vào mẹ và không thể chia tách khỏi mẹ. Trẻ không có khả
năng đương đầu với những mối đe dọa. Do vậy, trẻ có thể bị hụt hẫng khi nhu cầu của nó
không được đáp ứng tức thì và sẽ các hành vi gây hấn để biểu đạt sự hụt hẫng đó. Trong
trường hợp trẻ bị thờ ơ hoặc người mẹ rối loạn, trẻ không được đáp ứng như nó mong
muốn, thậm chí là không bao giờ được đáp ứng; vì thế trẻ có thể phản ứng một cách
hung hăng để lấy lại những gì nó đã mất.
Như thế, nếu người mẹ không đủ tốt, dù là ở trường hợp nào, thì đứa trẻ đều có thể
bị đẩy vào trạng thái “tự kỷ”. Nó cắt đứt sự tiếp xúc xã hội và thu mình lại để tự bảo vệ
mình khỏi những hiểm nguy của thế giới bên ngoài. Kết quả là, trẻ sẽ có thể cảm thấy an
toàn trong vỏ bọc tự tạo, nhưng các chức năng căn bản của trẻ như tiếp xúc xã hội, phát
triển lời nói và ngôn ngữ, phát triển cảm giác và vận động đều bị suy giảm.
4.Trẻ chậm trễ ngôn ngữ nếu người mẹ không đủ tốt: trường hợp bé trai Th. 8 tuổi
4.1.Phương pháp nghiên cứu
- Thông tin về khách thể nghiên cứu: Bé trai Th. được đưa đến Trung tâm tư vấn tâm lý
và giáo dục H.A. năm 2010 với kết quả chẩn đoán là trẻ tự kỷ dạng Kanner. Lúc đó, Th.
được ba tuổi sáu tháng. Tuy nhiên, cho tới tháng 3 năm 2015, theo nhà tâm lý, Th. không
còn các triệu chứng tự kỷ, mà chỉ còn các hành động, thói quen, các ý nghĩ cắm chốt và
gây hấn, chậm phát triển ngôn ngữ, lời nói kém và mang tính khuôn mẫu, những khó
khăn tương tác với người khác. Tất cả những triệu chứng này đều không nghiêm trọng.
Th. gặp phải một số vấn đề về thích ứng. Dường như mẹ của Th. không dành nhiều tình
yêu thương cho bé: người mẹ này quá nghiêm khắc nhưng lại thờ ơ, dửng dưng với Th.,
ngay kể cả khi Th. luôn thể hiện tình yêu với mẹ. Bởi vậy, câu hỏi đặt ra đối với trường
hợp này là: những triệu chứng ngôn ngữ và lời nói được mô tả ở trên là hệ quả của chứng
tự kỷ ở trẻ, hay là hệ quả của các chức năng mẫu dưỡng suy yếu ở người mẹ?
- Những phương pháp được sử dụng trong nghiên cứu trường hợp: Trường hợp bé trai
Th. được nghiên cứu dựa trên phương pháp quan sát không tham dự, hỏi chuyện lâm sàng
và trắc nghiệm tranh vẽ. Phương pháp quan sát không tham dự cho phép nhà tâm lý quan
sát trẻ ở một khoảng cách nhất định, ghi chép lại tất cả những thái độ, hành vi và sự
tương tác của trẻ với người dạy trẻ. Phương pháp này được sử dụng do Th. luôn ở trong
trạng thái phòng vệ, không chấp nhận làm việc với nhiều người can thiệp.
Phương pháp hỏi chuyện lâm sàng đồng thời là một công cụ chẩn đoán, trị liệu và
hỗ trợ cho trẻ và mẹ. Phương pháp này cho phép nhà tâm lý hiểu được các biểu tượng
tinh thần, các cảm xúc, các mối quan hệ và trải nghiệm của trẻ và của người mẹ trong các
tình huống cụ thể. Với Th., do bé có những khó khăn về ngôn ngữ, nên bé không thích
nói về một chủ đề cụ thể. Bởi vậy, nhà tâm lý và Th. trò chuyện khi bé thấy thoải mái
trong những hoạt động khác nhau (vẽ tranh, kể đoạn kết thúc của các câu chuyện bịa của
Düss, chơi đóng vai …). Các cuộc hỏi chuyện lâm sàng với người mẹ nhằm thu thập các
thông tin về mối quan hệ giữa mẹ và Th., giữa Th. và mẹ với những người khác. Những
thông tin này giúp xây dựng bức chân dung về người mẹ trong sự phát triển của cậu bé.
Tranh vẽ hình thành nên một không gian phóng chiếu đặc quyền, nơi chuyển tiếp
những khó khăn mà trẻ không thể diễn đạt được bằng lời nói. Th. được yêu cầu vẽ về gia
đình mình, về trường học, về một ngày tự do … Những hỏi đáp được thực hiện sau khi
Th. vẽ xong giúp nhà tâm lý hiểu được ý nghĩa của các mối quan hệ được biểu đạt qua
tranh.
4.2. Câu chuyện cuộc đời của Th.
Th. là con thứ trong gia đình. Tính đến tháng 5 năm 2015, Th. được 8 tuổi và đang
theo học lớp hai tại một trường tiểu học ở Hà Nội. Th. có một anh trai 16 tuổi, cùng mẹ
khác bố. Mẹ của Th. đã từng làm nghề múa và ca sĩ, nhưng hiện tại đang thất nghiệp.
Cuộc hôn nhân thứ nhất với bố của anh trai Th. chỉ kéo dài một năm. Sau khi ly hôn,
người đàn ông này từ chối trách nhiệm với con mình cả về pháp luật và tài chính. Vào
thời điểm người mẹ gặp bố của Th., ông là chủ của một nhà hàng. Sau đám cưới, cặp vợ
chồng này tới sống ở nhà vợ. Thời gian đầu, người chống rất chăm chút và hết sức quan
tâm tới người vợ và đứa con trai riêng của vợ. Người vợ gặp nhiều khó khăn mới mang
thai con trai Th., do vậy, người chồng đã rất yêu thương vợ và quan tâm nhiều hơn tới gia
đình.
Trong quá trình mang thai Th. đến tháng thứ bảy, sức khỏe của người mẹ không
tốt. Mẹ không ăn được, do đó, Th. bị thiếu dinh dưỡng ngay trong bào thai. Thai nhi Th.
được chẩn đoán là có một số vấn đề về thần kinh và bác sĩ khuyên gia đình bỏ cái thai đó.
Tuy nhiên, gia đình đã quyết định giữ lại bởi thai đã quá lớn và bởi vì đó là sự mong mỏi
của toàn thể gia đình.
Mẹ sinh Th. khi mang thai được 8 tháng và trong tình trạng Th. bị ngạt trước khi
ra đời. Tuy nhiên, Th. có cân nặng bình thường (3.2 kg) và không gặp phải vấn đề nào về
sức khỏe. Cho tới khi Th. được 12 tháng tuổi, bé bắt đầu đi nhón chân, thấy lo sợ và
không bao giờ giao tiếp với những người khác. Đến 36 tháng tuổi, do Th. vẫn chưa nói
được từ nào nên bố mẹ đưa bé đi khám tại bệnh viện. Ở đây, các bác sĩ đánh giá bé Th.
bằng thang đo C.A.R.S. (Childhood Autism Rating Scale) – thang đo đánh giá trẻ tự kỷ -
và kết luận bé Th. mắc chứng tự kỷ với điểm số 48/60 điểm. Sáu tháng sau, Th. được đưa
đến trung tâm tư vấn tâm lý và giáo dục H.A. Nhà tâm lý làm việc tại trung tâm H.A. đã
đánh giá lại tình trạng của Th. cũng với thang đo C.A.R.S. Kết quả trùng khớp với kết
quả đánh giá của các bác sĩ. Nhà tâm lý tìm thấy nhiều chỉ báo kém phát triển ở bé Th.,
bao gồm các triệu chứng: thiếu vắng biểu đạt cảm xúc, thiếu tiếp xúc mắt, la hét bất
thường, trốn mình ở một chỗ riêng, nói những từ định khuôn, thiếu ý nghĩa; không biết
chơi theo cách bình thường, hay cầm những vật dài và quay chúng trong tay; suốt ngày
nhìn lên trần nhà; không kiểm soát được các nhu cầu vệ sinh; vận động tinh và vận động
tổng thể kém. Tuy nhiên, khả năng bắt chước lại phát triển tốt.
Với những can thiệp ở trung tâm H.A., Th. có những thích ứng rất tốt và vì thế
tình trạng của bé thay đổi rõ rệt: sau 4 tháng can thiệp, Th. bắt đầu có đáp ứng về mặt
cảm xúc và biết dùng tay để chỉ, có tiếp xúc mắt, giảm thiểu tình trạng thu mình, biết
chơi một chút với nhà trị liệu, bắt chước nhiều hơn, không còn nhìn lên trần nhà, nhưng
vẫn phát ra âm thanh “è è è”. Sau 6 tháng, bé Th. đã bắt đầu biết phát âm những từ đơn
như ba, ma …, chơi các trò chơi đòi hỏi nhiều sự tương tác hơn, không còn các hành vi
định hình như quay bút, nhìn lên trần nhà, song vẫn còn phát ra âm thanh “è è è”. Sau
một năm, Th. có thể nói được những câu ngắn, vốn từ vựng phong phú hơn, hiểu nhanh
hơn, chơi được các trò chơi thông minh, bắt chước nhanh, kiểm soát tốt hơn các nhu cầu
vệ sinh. Tuy nhiên, ở nhà, bé lại bị táo bón từ lúc 6 tháng cho đến 5 tuổi; trong khi, mỗi
lần tới trung tâm, bé lại luôn đi vệ sinh. Tới khoảng 5 tuổi, các hiểu biết xã hội của Th. đã
có nhiều tiến triển. Bé đã thiết lập được mối tương tác xã hội, biết chơi với các bạn, biết
ganh đua, và có nhiều tiến bộ trong các trò chơi thông minh và trò chơi giả vờ, có khả
năng kể câu chuyện qua trắc nghiệm hoạt cảnh với những chuyển động hết sức tinh tế.
Tuy vậy, Th. vẫn gặp phải những trở ngại về ngôn ngữ. Do sự giới hạn về ngôn ngữ nên
bé thường xuyên dùng cử chỉ, điệu bộ và ra hiệu. Bé khó diễn đạt chính xác các ý tưởng
của mình, các câu thường ngắn, không kết nối với nhau và thiếu từ. Bé hiểu những điều
người khác nói mà không đưa ra được ý kiến của bản thân. Th. cũng khó diễn đạt được
các cảm xúc và không hiểu những từ ngữ chỉ cảm xúc. Trẻ bị lẫn lộn giữa dấu sắc và dấu
huyền. Vào 6 tuổi, mặc dù có những hạn chế về ngôn ngữ, nhưng bố mẹ vẫn cho Th. đi
học tại một trường tiểu học cao cấp.
Sự tiến triển nhanh chóng của Th. khiến nhà tâm lý phải đặt lại câu hỏi về tình
trạng tự kỷ của bé. Về lý thuyết, đối với những trường hợp được chẩn đoán thuộc dạng tự
kỷ nặng như Th., không thể có nhiều tiến triển về tương tác, giao tiếp xã hội, ngôn ngữ
thoại và hành vi định hình trong một khoảng thời gian ngắn. Thêm nữa, khi Th. có những
thay đổi tích cực như vậy, thì gia đình cậu bé lại đối mặt với nhiều vấn đề: người bố trở
nên lơ là, bỏ bê gia đình sau khoảng thời gian chăm chút Th. và cần mẫn đưa bé tới trung
tâm H.A. Các xung đột gia đình nảy sinh và không thể hàn gắn được.
Lúc Th. 6 tuổi 6 tháng, bố mẹ cậu bé đã thuê nhà riêng để tránh những xung đột
với ông bà ngoại của cậu. Nửa năm sau đó, bố mẹ cậu chia tay, mẹ và hai anh em Th. tới
sống ở một ngôi nhà mới, còn bố cậu vẫn ở lại ngôi nhà cũ. Sự bất hòa giữa bố và mẹ vẫn
tiếp tục. Các vấn đề mới của Th. bắt đầu nảy sinh.
4.3.Phát hiện những vấn đề của Th. qua quan sát và trắc nghiệm
Các mô tả của quan sát không tham dự đưa ra một số chỉ báo sau: Khi tới trung
tâm, do có khó khăn về ngôn ngữ nên Th. khá rụt rè, ngay kể cả khi đã quen và giao tiếp
với các bạn. Th. rất thích đóng vai những nhân vật giả tưởng, thích chơi trò chơi xếp hình
và những trò chơi trí tuệ khác. Cậu bé chơi một cách chăm chút và yên lặng. Các hình
khối được xếp rất đẹp và sáng tạo. Khi hình khối bị nghiêng, vẹo ngoài ý muốn, cậu bé
tức giận nhanh chóng, siết chặt các ngón tay, nghiến răng, lườm lườm mắt và không
muốn chơi nữa mà đề nghị được chơi trò khác.
Trong những hoạt động tương tác, cậu bé rất ghét bị gắt lời và thường thích chơi
một mình. Tuy nhiên, cậu bé rất nhiệt tình trong những trò chơi đòi hỏi tính cạnh tranh
cao. Th. nói nhiều và nói một cách dễ dàng với các bạn khi không bị áp lực “đúng hoặc
sai” trong tương tác. Th. luôn muốn hơn những bạn khác, không thích bị thua, không
chấp nhận những thất bại và hay đổ lỗi cho người khác. Th. nói rằng không bao giờ chơi
với anh trai vì không thể thắng anh được, nhưng trên thực tế, hai anh em rất thân nhau.
Khi thực hiện trắc nghiệm hoạt cảnh, Th. thích sắp xếp các nhân vật theo cặp đối
mặt nhau, nhưng không có sự tương tác lẫn nhau. Trong câu chuyện hoạt cảnh của Th.,
luôn tồn tại một người bảo vệ: “Im ngay, không tao gọi chú bảo vệ bây giờ!”. Ở những
đối thoại tưởng tượng, các câu mệnh lệnh thường xuất hiện: “Im ngay!”, “Tháo ra!” …
Với năng lực ngôn ngữ như hiện tại, Th. không hiểu được các câu hỏi phức tạp,
các từ cảm xúc hoặc cách thức biểu đạt cảm xúc. Khi được hỏi những câu phức tạp như
vậy, Th. thường tìm cách chuyển chủ đề bằng cách nhắc tới một câu chuyện khác, hoặc
bịt tai và hét: “Im lặng”, “Nào”, “Im ngay”, hoặc đánh cô giáo, hoặc bộc lộ dáng vẻ
nghiêm trọng. Nhưng khi cảm thấy thoải mái, Th. nói rất nhiều, nói lộn xộn, khó hiểu bởi
các cú pháp bị đảo ngược.
Th. cũng thường hay vặn lại người khác, cho là người khác “nói dối”, mình đúng
và người khác sai. Th. cũng hay nói trống không với người khác. Tuy nhiên, cậu bé đã
biết gọi người ai đó khi cần thay vì kéo mạnh tay mình. Th. thường thích chơi những trò
chơi có nội dung bạo lực như trò ăn thịt người, trò đánh giết nhau … Nội dung các tranh
vẽ cũng mang tính bạo lực với kiếm và súng. Mỗi khi tức giận, cậu bé hay nói: “điên à”,
“câm miệng”, “tát cho cái bây giờ” …, nhìn chằm chằm vào người khác, tìm cách đánh
cô giáo khi cậu phật ý (gõ vào đầu, đánh vào tay cô thật mạnh). Cậu bé hay hờn dỗi. Khi
khóc, cậu bé hay mút ngón tay.
Trong câu chuyện về mẹ, Th. cho thấy sự ảnh hưởng lớn của mẹ bằng cách luôn
nói: “Mẹ nói với cháu như thế”. Cậu bé luôn thể hiện một sự quyến luyến khó dứt với
mẹ. Đối với Th., mẹ là công chúa trong nhà bởi mẹ rất xinh. Th. ít nói về bố và thường
tránh trả lời các câu hỏi liên quan đến bố.
Ở trắc nghiệm tranh vẽ, mặc dù Th. thường từ chối vẽ tranh, nhưng cuối cùng thì
cậu bé vẫn có thể vẽ theo sự chỉ dẫn của nhà tâm lý. Các chủ đề tranh vẽ thường là các
cuộc đánh nhau, người máy, kiếm. Khó yêu cầu cậu bé vẽ tranh về gia đình, và nếu có vẽ
thì cậu thường vẽ bố đi làm. Khi vẽ tranh, Th. rất tập trung, tẩy xóa liên tục, các nét vẽ
thường đậm, mạnh, màu sắc cẩu thả và lộn xộn, cho thấy một sự lo lắng nội tâm. Sau khi
vẽ xong, cậu bé thường kể lại ý tưởng của mình một cách phấn khích.
Trong mỗi tranh vẽ, thường thấy một nhân vật khóc và một nhân vật cười, không
có sự xuất hiện của bố mẹ, những người khiến cho cậu bé có cảm giác không an toàn, mà
chỉ thấy có anh trai, ông chú và những người bạn của cậu bé.
4.4.Người mẹ “không đủ tốt” …?
Qua quan sát và hỏi chuyện lâm sàng với mẹ của Th., những vấn đề của cậu bé
được phân tích. Người mẹ tự nhận mình rất nghiêm khắc với con, dạy con tự phục vụ, tự
kiểm soát các nhu cầu vệ sinh, thậm chí là đánh con. Theo mẹ, đó là cách dạy con rất
hiệu quả. Ngoài ra, người mẹ này còn cấm con không được chia sẻ, trò chuyện (mà
không có lý do): “Nói ít thôi!” là câu mà mẹ thường nói với Th.
Mẹ của Th. nói rằng mẹ thường xem phim, đặc biệt là những phim hành động
trong lúc chăm sóc con trai mình, Th. hay ngồi cạnh và xem phim cùng mẹ. Mẹ của Th.
quan tâm kỹ lưỡng tới hình thức bên ngoài, thời trang và thích trang điểm; khó gần, ít nói
và thờ ơ. Người mẹ này thường xuyên cáu kỉnh và hay la mắng Th. trước mặt các nhân
viên của trung tâm. Có lúc Th. ốm và nôn nhiều lần, mẹ vẫn đưa cậu bé tới trung tâm, chỉ
tay vào mặt cậu bé rồi ra mệnh lệnh: “Cấm được nôn ở đây nghe chưa!”. Đôi khi, người
ta vẫn nghe thấy tiếng mẹ la mắng cậu bé ở trong lớp. Cũng có lúc, người mẹ xuất hiện
với khuôn mặt bầm tím do bị chồng đánh.
Mối quan hệ giữa bố và mẹ của Th. Theo mẹ của Th., những xung đột trong gia
đình bắt đầu khi bố của Th. phải lựa chọn về ở nhà bố mẹ vợ. Lúc Th. được 5 tuổi, bố của
Th. có quan hệ ngoài gia đình và hay uống rượu say. Những lúc say rượu, bố của cậu bé
thường hay gây sự, cãi lộn và đập phá đồ đạc, tiêu xài hoang phí và không đưa đủ tiền để
trang trải các sinh hoạt của gia đình. Bố của Th. hay miệt thị vợ vì người vợ bị thất
nghiệp và phải phụ thuộc vào chồng, nhưng ông ta lại không đồng ý để vợ đi tìm một
công việc nào đó. “Anh ta muốn giữ thể diện và sợ bị người khác nói là không thể nuôi
được gia đình”– mẹ của Th. nói như vậy. Các xung đột vợ chồng ngày càng gia tăng,
người chồng đánh vợ và đe dọa giết con trai riêng của vợ - anh trai của Th. Chính bởi
vậy, bố mẹ của Th. không còn hiểu nhau và thường xuyên cãi vã trước mặt cậu bé.
Mối quan hệ giữa Th. và bố. Người bố rất nuông chiều Th., chăm sóc cậu bé và
thường đưa cậu bé tới trung tâm H.A. và tới trường. Tuy nhiên, khi xung đột giữa bố mẹ
diễn ra, người bố trở nên dửng dưng và không còn quan tâm đến Th. như trước. Khi Th.
được 7 tuổi, người mẹ cùng hai con rời khỏi gia đình, ông bà ngoại hỗ trợ kinh tế để mẹ
của Th. mua được một ngôi nhà mới. Sau đó, người mẹ đi làm trở lại, do người bố không
còn chu cấp tiền học cho Th. nữa.
Mối quan hệ giữa người mẹ và các con. Với người con trai lớn, người mẹ luôn bị
ám ảnh rằng cậu con trai này sẽ trở nên hư hỏng. Vì thế, người mẹ kiểm soát con rất chặt
chẽ, thường xuyên gọi điện để kiểm tra xem con mình đang ở đâu, đang làm gì, với ai và
ngăn cấm con đi chơi bằng cách mắng chửi con. Chính bởi vậy, cậu con trai lớn thường
xuyên về nhà bố đẻ để tìm sự thoải mái. Người mẹ không muốn điều này và thậm chí nói:
“Mày đi đi, không ở nhà này nữa!”.
Đối với Th., khi trả lời câu hỏi: “Chị có mong muốn sinh đứa trẻ này không?”,
người mẹ nói rằng: “Bác sĩ đã nói với tôi rằng cái thai quá lớn để bỏ nó”. Người mẹ đã
không khẳng định rằng muốn hay không muốn Th. sinh ra. Sau khi Th. ra đời, mối quan
hệ giữa mẹ và Th. trong những năm đầu không thật gắn bó. Người mẹ không nhớ quá
nhiều về thời thơ ấu của con và cho đó là một thời kỳ khá bình thường. Mẹ nói rằng, khi
Th. còn nhỏ, mẹ thường ở nhà chăm sóc Th. Tuy nhiên, một người thân trong gia đình đã
nói rằng mẹ của Th. hay ra khỏi nhà và để con cho người giúp việc chăm.
Trong tiếp xúc với người mẹ, nhà tâm lý nhận thấy người mẹ này không biểu đạt
sự gắn bó với con. Hai mẹ con không bao giờ cùng vào lớp học, thường là Th. đi trước,
mẹ đi sau hoặc ngược lại. Th. luôn bộc lộ tình yêu đối với mẹ bằng cách gọi “Mẹ ơi, mẹ
ơi” mỗi khi mẹ ở bên cạnh. Hoặc khi kết thúc lớp, Th. chạy nhanh về phía mẹ, trong khi
mẹ lại giữ khoảng cách với Th. Có lúc, mẹ đẩy tay Th. ra và bước đi, tảng lờ con trong
khi Th. chạy theo sau và gọi: “Mẹ ơi, đợi con với!”. Ở nhà, mẹ nói với Th. bằng các câu
mệnh lệnh.
4.5.Tổng hợp và tranh luận
Như thế, khi đối chiếu các quan điểm nêu trên của Winnicott về người mẹ không
đủ tốt, có thể thấy mẹ của Th. đáp ứng dạng thức thứ hai và thứ ba của người mẹ không
đủ tốt, với các chức năng mẫu dưỡng yếu ớt. Do đó, trẻ khó tiếp nhận hiện thực xung
quanh, khó chấp nhận sự chia tách với mẹ. Các triệu chứng “tự kỷ”, bao gồm những vấn
đề về lời nói và ngôn ngữ ở Th. được sử dụng để tạo ra một vỏ bọc an toàn cho trẻ. Đối
với người mẹ này, việc chăm sóc con trở nên một gánh nặng khiến cho tình trạng sức
khỏe và tâm lý của người mẹ suy yếu. Sự thất bại và sự tức giận của người mẹ đối với hai
cuộc hôn nhân được phóng chiếu lên đứa trẻ. Càng gần con, người mẹ sẽ càng phải đối
mặt với những nỗi bất hạnh và sự thất bại trong hôn nhân của mình. Bởi vậy, khi tạo
khoảng cách với con mình, người mẹ kiểm soát con một cách nghiêm khắc và cho rằng
nếu cứ tiếp tục theo cách này thì có lẽ người mẹ sẽ không mất chồng và cũng không mất
đi sự chu cấp cho cả ba mẹ con. Sự không thành công trong kiểm soát đứa trẻ tiếp theo sự
thất bại trong mối quan hệ vợ chồng đồng nghĩa với sự thất bại hoàn toàn trong cuộc
sống. Phức cảm tội lỗi của mẹ được thể hiện qua sự tức giận với đứa con và giải thích cho
sự tức giận với chính bản thân mình do những sai sót trong thực thi các chức năng mẫu
dưỡng. Người mẹ không dám đối diện với những “tội lỗi” của mình, đã “đổ lỗi” sang cho
đứa con và trút bỏ trách nhiệm với con. Vì thế, người mẹ “cay đắng” chấp nhận sự tồn tại
của đứa trẻ.
Những ứng xử không đủ tốt của mẹ đối với con đã đẩy Th. vào tình trạng lo âu và
không có khả năng đưa ra những phản ứng đúng với hiện thực. Trẻ từ chối nói để tránh
những tổn thương về tinh thần và để cảm thấy được an toàn. Sự phòng vệ né tránh khiến
cho các vấn đề ngôn ngữ của Th. không được cải thiện và làm gia tăng tính gây hấn
nhưng một biểu hiện thứ phát của sự thất bại trong lời nói và giao tiếp.
Th. đã tách đôi mẹ thành: một phần là “người mẹ tốt” với những chức năng bảo
bọc, nuôi dưỡng được thể hiện qua sự chăm sóc và mua đồ chơi và Th. gán những chức
năng này cho mẹ đẻ của mình. Phần còn lại là “người mẹ không tốt” với các chức năng
trấn áp, làm luật, kiểm soát và gán chúng cho các giáo viên, các bạn của mình. Theo cách
này, Th. dành toàn bộ cơ thể và tâm hồn của mình cho mẹ bằng cách mong muốn cảm
nghiệm những tình cảm mẹ - con mà trẻ đã bị mất đi.
Tuy nhiên, trên thực tế, người mẹ đã cùng lúc đóng hai vai trò: vai trò của người
bố - người đưa ra cho Th. những nguyên tắc (bởi vì người bố thực luôn thiếu vắng) và
khiến cho cậu bé bị dồn nén, và vai trò của người mẹ - người đã thất bại trong các chức
năng bảo bọc và dưỡng nuôi, khiến cho Th. trở nên kích động và lo lắng. Như vậy, hình
ảnh người mẹ tốt mang tính biểu trưng mà cậu bé thử phân tách khỏi người mẹ thực để có
thể yêu thương mình thêm lần nữa đã không tồn tại. Th. không có bất cứ sự hỗ trợ về cảm
xúc nào và bị rơi vào các triệu chứng được mô tả như trạng thái tự kỷ với mục đích tự
phòng vệ và không đối mặt với hiện thực đau khổ.
5. Kết luận
Vấn đề chính mà Th. gặp phải ở thời điểm hiện tại là một sự chậm trễ về ngôn
ngữ, đặc biệt là ngôn ngữ thoại và ngôn ngữ biểu đạt. Vấn đề này tăng nặng bởi hai
nguyên nhân: người mẹ luôn cấm trẻ không được nói quá nhiều; và bản thân Th., để tự
phòng vệ khỏi bị vạch trần và khỏi phải đối mặt với những bất hạnh, đã thường từ chối
nói chuyện. Những phát hiện về Th. qua quan sát, hỏi chuyện lâm sàng với trẻ và với mẹ,
qua tranh vẽ của trẻ khiến nhóm nghiên cứu phải chú ý tới vấn đề tiềm ẩn của cậu bé: tính
gây hấn được biểu đạt qua ngôn ngữ và hành vi. Mỗi khi Th. không hài lòng hoặc xúc
động, cậu bé thường hay dùng những từ ngữ thô tục (những từ nghe được từ bố mẹ), và
đấm người khác (các bạn ở trường và các cô giáo ở trung tâm) một cách ác ý.
Các xung đột gia đình đóng vai trò chính trong sự bạo lực của cậu bé. Với một gia
đình luôn bị kích động với những sự cãi lộn không dừng của bố mẹ, Th. không có cảm
giác an toàn và hạnh phúc. Thêm nữa, sự dồn nén và sự trút cảm xúc của mẹ lên Th. càng
củng cố cảm giác không an toàn này.

You might also like