You are on page 1of 5

Tài liệu lưu hành nội bộ

TÀI LIỆU ĐỌC


Học phần: Đánh giá trong giáo dục (2 TC)
1 NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ ĐÁNH GIÁ TRONG GIÁO DỤC
1.1 Khái quát về kiểm tra, đánh giá trong giáo dục
1.1.1 Một số khái niệm cơ bản
1.1.1.1 Đo lường (measurement)
Đo lường là khái niệm chung để chỉ sự so sánh một vật hay một hiện tượng với
một thước đo hoặc chuẩn mực và có khả năng trình bày kết quả về mặt định lượng.
Trong giáo dục, một bộ thước đo có thể bao gồm các tiêu chí và các chỉ số ứng với các
lĩnh vực. Các chỉ số có thể là chỉ số định lượng (đo được bằng các con số, số liệu, xếp
loại), cũng có thể là định tính (bằng mô tả, nhận xét của người đánh giá). Nói cách khác,
đo lường liên quan đến việc sử dụng các con số vào quá trình lượng hoá các sự kiện,
hiện tượng hay thuộc tính (định tính).
Để định lượng, chúng ta cần thang đo. Thang đo phổ biến sử dụng để đo lường
trong giáo dục là thang định hạng (ordinal scale) và thang định khoảng (interval scale).
Thang định hạng là thước đo sắp xếp năng lực hay phẩm chất của người học ở một lĩnh
vực học tập nào đó theo mức độ từ thấp đến cao (ví dụ như đánh giá hạnh kiểm theo
các mức: Tốt, Khá, Trung bình, Yếu). Thang định khoảng là thước đo có khoảng cách
bằng nhau nhằm so sánh độ lớn sự chênh lệch giữa cá nhân này và cá nhân kia (ví dụ,
bài kiểm tra có 5 câu hỏi, mỗi câu trả lời đúng được 2 điểm. Học sinh trả lời đúng 4 câu
được 8 điểm sẽ cao hơn học sinh khác trả lời 3 câu được 6 điểm).
Đo lường trong giáo dục sử dụng hai loại tham chiếu: tham chiếu theo chuẩn
(norm reference) và tham chiếu theo tiêu chí (criterion reference). Tham chiếu theo
chuẩn là đối chiếu kết quả đạt được của người này với những người khác, ứng với loại
tham chiếu này là các đề thi chuẩn hoá (đề thi tốt nghiệp THPT, đề thi đánh giá năng
lực tiếng Anh...). Tham chiếu theo tiêu chí là đối chiếu kết quả đạt được của học sinh
với mục tiêu, yêu cầu của bài học. Ứng với loại tham chiếu này là các đề thi theo tiêu
chí (các bài kiểm tra, bài thi do giáo viên thiết kế, sử dụng trong lớp học; tiêu chí đánh
giá một bài thuyết trình; tiêu chí đối với sản phẩm STEM).
1.1.1.2 Trắc nghiệm (test)
Trắc nghiệm là một kiểu đo lường có sử dụng những kỹ thuật cụ thể, có tính hệ
thống nhằm thu thập thông tin và chuyển hoá những thông tin này thành các con số
hoặc điểm số để lượng hoá cái cần đo.
Trong trắc nghiệm có những câu hỏi, đề mục (gọi là item) hay những tình huống
phải giải quyết, những phương án phải lựa chọn hay những nhiệm vụ phải hoàn thành
và những hướng dẫn về cách làm và cho điểm thống nhất cho từng câu trả lời. Trắc
nghiệm có thể được thiết kế dưới dạng ngôn ngữ hay phi ngôn ngữ, dưới dạng khách
quan hay chủ quan.

1
Tài liệu lưu hành nội bộ

1.1.1.3 Kiểm tra (testing)


Kiểm tra là thu thập những dữ liệu, những thông tin làm cơ sở cho đánh giá. Quá
trình kiểm tra cho phép làm rõ những đặc trưng về số lượng và chất lượng của thực
trạng giáo dục. Trong dạy học, kiểm tra là kĩ thuật thu thập thông tin về hoạt động học
của học sinh; những thông tin này được so sánh với một chuẩn nhất định để đánh giá
hoạt động học.
Kiểm tra và đánh giá là hai hoạt động đan xen nhằm miêu tả và tập hợp những
bằng chứng về kết quả của quá trình giáo dục để đối chiếu với mục tiêu. Kiểm tra luôn
gắn với đánh giá. Trong thực tế, có thể tiến hành thu thập các thông tin nhưng không
đánh giá. Tuy nhiên, để đánh giá được cần tiến hành kiểm tra, tức là phải tiến hành thu
thập các thông tin, những thông tin thu được sẽ là căn cứ cho đánh giá.
1.1.1.4 Đánh giá (assessment)
Đánh giá là một khâu quan trọng, không thể tách rời của quá trình giáo dục. Nếu
coi giáo dục là một hệ thống thì đánh giá đóng vai trò phản hồi của hệ thống. Đánh giá
có vai trò tích cực giúp hiểu biết và đưa ra được các quyết định cần thiết về hệ thống,
góp phần đổi mới giáo dục.
Có nhiều quan niệm khác nhau về đánh giá, tuy nhiên, có thể định nghĩa đánh
giá là quá trình tiến hành có hệ thống: thu thập, tổng hợp, và phân tích, xử lí, diễn giải
thông tin về đối tượng cần đánh giá như kiến thức, kĩ năng, năng lực của học sinh; kế
hoạch bài dạy của giáo viên, chính sách giáo dục của nhà trường… Nó bao gồm sự mô
tả định tính hay định lượng những kết quả đạt được và so sánh với mục tiêu giáo dục
đã xác định. Đánh giá cho phép xác định (định giá) các mục tiêu giáo dục đặt ra là phù
hợp hay không phù hợp? mức độ đạt được mục tiêu giáo dục cũng như tiến trình thực
hiện mục tiêu như thế nào?
Đánh giá trong giáo dục được tiến hành ở nhiều cấp độ khác nhau như: đánh giá
hệ thống giáo dục, đánh giá một nhà trường, một cơ sở giáo dục và đào tạo, đánh giá
hoạt động dạy học và giáo dục của giáo viên, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của
học sinh, đánh giá các thành tố của quá trình giáo dục, dạy học… Sự đánh giá ở mỗi
đối tượng cần phải được xem xét theo những tiêu chuẩn và tiêu chí riêng cho phù hợp.
1.1.1.5 Định giá trị (evaluation)
Định giá trị là qúa trình đưa ra sự phán xét, nhận định về giá trị của một người
hoặc sự vật nào đó sau một quá trình kiểm tra, đánh giá. Nó bao hàm việc thu thập, phân
tích thông tin và đối chiếu với những mục tiêu, tiêu chuẩn đề ra, nhằm xác định giá trị
của một chương trình, một sản phẩm, một tiến trình, một quy trình, một mục tiêu hay
tiềm năng ứng dụng của một lý thuyết…, từ đó có thể đề xuất những quyết định thích
hợp để cải thiện thực trạng, điều chỉnh, nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc.
1.1.1.6 Mối quan hệ giữa đo lường, kiểm tra, đánh giá
- Kiểm tra là quá trình thu thập thông tin về kết quả học tập của người học bằng
nhiều hình thức, công cụ, kĩ thuật khác nhau.
- Đo lường là hoạt động chỉ sự so sánh kết quả học tập ghi nhận được qua kiểm
tra với những tiêu chuẩn, tiêu chí nhất định.
Như vậy, giữa đo lường, kiểm tra, đánh giá có mối quan hệ gắn kết với nhau. Đánh giá
phải dựa trên cơ sở kiểm tra và đo lường, còn kiểm tra và đo lường là để phục vụ cho

2
Tài liệu lưu hành nội bộ

việc đánh giá. Nói cách khác, có thể coi đánh giá là một quá trình và kiểm tra, đo lường
là một khâu của quá trình đó.
Bởi vì, kiểm tra là để đánh giá; đánh giá dựa trên cơ sở của kiểm tra nên đôi khi
người ta sử dụng cụm từ ghép: “kiểm tra – đánh giá”, “kiểm tra đánh giá”, “kiểm tra,
đánh giá”.
1.1.2 Vai trò của kiểm tra, đánh giá trong giáo dục
1.1.2.1 Đánh giá – bộ phận không thể tách rời quá trình dạy học
Kiểm tra, đánh giá là một khâu quyết định, không thể tách rời của quá trình dạy
học, là động lực thúc đẩy sự đổi mới không ngừng của quá trình dạy và học. Thông qua
kiểm tra, đánh giá, giáo viên thu được những thông tin ngược từ học sinh, phát hiện
điểm được và chưa được ở kết quả học tập hiện thời của học sinh cũng như những
nguyên nhân cơ bản dẫn tới thực trạng kết quả đó. Đó là cơ sở thực tế để giáo viên điều
chỉnh hoạt động dạy, qua đó hướng dẫn, hỗ trợ học sinh điều chỉnh hoạt động học của
bản thân.
Kiểm tra, đánh giá nếu được tiến hành thường xuyên, hiệu quả thì giúp cho học
sinh củng cố tri thức, phát triển trí tuệ và điều chỉnh cách học; dần hình thành nhu cầu,
thói quen tự kiểm tra – đánh giá, nâng cao trách nhiệm học tập, bồi dưỡng tính tự giác,
ý chí vươn lên.
1.1.2.2 Đánh giá - công cụ hành nghề quan trọng của giáo viên
Giáo viên là người trực tiếp tác động tạo ra những thay đổi ở người học nhằm
đạt được mục tiêu giáo dục. Muốn xác định người học – đối tượng của quá trình giáo
dục đáp ứng như thế nào so với mục tiêu giáo dục đã đề ra thì người giáo viên phải tiến
hành kiểm tra, đánh giá. Kết quả kiểm tra, đánh giá thu được trên cơ sở tổng hợp từ
nhiều nguồn thông tin (do sử dụng đa dạng các loại hình kiểm tra, đánh giá) có ý nghĩa
rất quan trọng để đi đến những dựa báo về năng lực học tập, nhận định về điểm mạnh,
điểm yếu của học sinh, quyết định đánh giá/định giá khách quan, điều chỉnh kịp thời
nội dung, phương pháp giáo dục.
Kiểm tra, đánh giá chỉ thực sự là công cụ hành nghề quan trọng và đạt hiệu quả
khi giáo viên xác định rõ mục đích, mục tiêu đánh giá; hiểu rõ đặc điểm của mỗi loại
hình đánh giá; lập được kế hoạch đánh giá; lựa chọn/thiết kế được công cụ đánh giá phù
hợp, đáp ứng các yêu cầu, đặc tính thiết kế và đo lường. Đồng thời giáo viên phải có
năng lực phân tích, xử lí thông tin thu được từ kiểm tra, sử dụng các kết quả đánh giá
đúng mục đích, biết cách phản hồi, tư vấn cho học sinh và cha mẹ học sinh.
1.1.2.3 Đánh giá - bộ phận quan trọng của quản lý chất lượng dạy và học
Bản chất của kiểm tra, đánh giá là cung cấp thông tin nhằm xác định xem mục
tiêu của chương trình giáo dục đạt được hay chưa, mức độ đạt được thế nào… Các thông
tin khai thác được từ kết quả kiểm tra, đánh giá sẽ rất hữu ích cho các nhà quản lí, cho
giáo viên, giúp họ giám sát quá trình giáo dục, phát hiện các vấn đề, đưa ra quyết định
kịp thời về người học, về người dạy, về chương trình và điều kiện thức hiện chương
trình…để đạt được mục tiêu.
Kiểm tra, đánh giá luôn được xem là phương thức quan trọng để giám sát, quản
lí con người trong một lớp học và trong tổ chức vận hành nhà trường.

3
Tài liệu lưu hành nội bộ

Trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác định
đổi mới kiểm tra, đánh giá là khâu đột phá nhằm thúc đẩy các hoạt động khác như đổi
mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, đổi mới công tác quản lý giáo dục …
nhằm thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
1.1.3 Chức năng của đánh giá trong giáo dục
1.1.3.1 Chẩn đoán các vấn đề của người học
Thông qua đánh giá, giáo viên phát hiện sớm các khó khăn trong học tập của lớp
học và số ít học sinh có vấn đề về nhận thức hoặc hành vi. Xác định được những vấn
đề này, giáo viên lưu ý quan sát để đưa ra các phản hồi phù hợp, nếu cần thì tiến hành
các hoạt động giúp đỡ riêng, kịp thời để học sinh khắc phục khó khăn, điều chỉnh cách
học và tiến bộ. Đôi khi có những học sinh cần phải được chẩn đoán và giúp đỡ đặc biệt
ngoài lớp học bởi giáo viên hoặc nhân viên tư vấn tâm lý học đường, chuyên gia tâm lí
lâm sàng. Có thể nói, phần lớn dữ liệu kiểm tra trên lớp học do giáo viên thu thập (chính
thức và không chính thức) dùng để nhận biết, hiểu và khắc phục các vấn đề khó khăn
trong học tập của học sinh.
1.1.3.2 Xác nhận kết quả học tập của người học
Đánh giá cung cấp những số liệu để xác định mức độ mà người học đạt được các
mục tiêu học tập, làm căn cứ cho những quyết định phù hợp: thừa nhận hay bác bỏ sự
hoàn thành chương trình học, môn học, khoá học đi đến quyết định là cấp bằng, chứng
chỉ, chứng nhận hoặc xét lên lớp. Chức năng này có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt,
đặc biệt là về mặt xã hội. Đánh giá xác nhận bộc lộ tính hiệu quả của quá trình giáo dục
– đào tạo.
Việc đánh giá này đòi hỏi phải thiết lập ngưỡng trình độ tối thiểu và xác định đúng
vị trí kết quả học tập của học sinh so với ngưỡng này, từ đó đòi hỏi người học phải đạt
được mức độ tối thiểu các mục tiêu đã xác định. Kết quả đánh giá xác nhận có thể được
đối chiếu với các kết quả đánh giá định kì trước đó. Sự quan sát này không chỉ để xác
định quá trình tiến triển và xu hướng chung của thành tích mà còn để chứng minh cho
quá trình giáo dục có hiệu quả hoặc chưa có hiệu quả, còn thiếu sót ở mặt nào.
Ngoài ra, đánh giá có thể giúp xếp loại học sinh theo mục đích nào đó (tuyển sinh
đại học, tuyển chọn đội tuyển học sinh giỏi, trao học bổng…). Với mục đích này, một
ngưỡng tối thiểu nào đó cần vượt qua không quan trọng bằng sự đối chiếu giữa các học
sinh với nhau. Yếu tố này tạo ra sự cạnh tranh, áp lực rất lớn trong các kì thi có tính
phân loại.
1.1.3.3 Hỗ trợ hoạt động học tập cho người học
Đánh giá thực hiện chức năng hỗ trợ là chẩn đoán, điều chỉnh để hỗ trợ việc học
tập, giúp quá trình dạy học có hiệu quả. Nói cách khác, kiểm tra, đánh giá sẽ cung cấp
các thông tin ngược một cách kịp thời về việc học tập của người học, giúp người học
điều chỉnh cách học cho phù hợp.
Đánh giá hỗ trợ cho học tập đòi hỏi giáo viên và học sinh cùng tham gia tổ chức
để đảm bảo sự thành công của quá trình dạy học. Các hoạt động kiểm tra với chức năng

4
Tài liệu lưu hành nội bộ

hỗ trợ có tính chất chẩn đoán, điểm kiểm tra1 là thứ yếu; điều cơ bản là phải xác định
được những thiếu sót trong hiểu biết, kĩ năng và nhận thức ở người học để có căn cứ
giúp đỡ họ khắc phục và tiến bộ hơn so với chính họ.
1.1.3.4 Điều chỉnh hoạt động giảng dạy của người dạy
Thông qua đánh giá, giáo viên dự báo2 khả năng của học sinh có thể đạt được
trong quá trình học tập, đồng thời xác định những điểm mạnh và yếu của học sinh trong
học tập; làm cơ sở cho việc bồi dưỡng năng khiếu; giúp cho giáo viên lựa chọn tiếp cận,
phương pháp giáo dục phù hợp với lớp học sinh và từng học sinh (giáo dục phân hóa);
đồng thời giúp học sinh lựa chọn hình thức, phương pháp và tài liệu học tập phù hợp.
Ở cấp độ định giá hoạt động dạy học3, đánh giá giúp tìm ra điểm mạnh, điểm yếu
của bài học, tìm ra nguyên nhân ở kế hoạch bài dạy (mục tiêu, nội dung, phương pháp
dạy học, phương tiện dạy học…), ở nghiệp vụ sư phạm của giáo viên hoặc ở ý thức,
nhận thức của học sinh…và từ đó điều chỉnh hoạt động dạy và học nhằm nâng cao chất
lượng, hiệu quả dạy học.

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP


1. Phân biệt khái niệm kiểm tra, đánh giá, đo lường trong giáo dục. Nêu mối quan hệ
giữa ba khái niệm này và đưa ra một minh hoạ cụ thể.
2. Phân tích vai trò của kiểm tra, đánh giá trong giáo dục. Vai trò đó được thể hiện trong
thực tiễn giáo dục ở nước ta hiện nay như thế nào?
3. Mô tả các chức năng của đánh giá thông qua các tình huống cụ thể trong thực tiễn
mà anh/chị được biết hoặc đã trải qua.

2 Tài liệu tham khảo


Trần Thị Tuyết Oanh (2016), Đánh giá kết quả học tập, NXB ĐH Sư phạm, Hà Nội.
Nguyễn Công Khanh, Đào Thị Oanh (2015), Giáo trình kiểm tra đánh giá trong giáo
dục, NXB ĐH Sư phạm, Hà Nội.
Trịnh Thúy Giang, Nguyễn Thị Thanh Hồng, Nguyễn Nam Phương, Nguyễn Đức Sơn,
Nguyễn Thị Thanh Trà, Trần Bá Trình (2021), Đánh giá năng lực, phẩm chất học
sinh theo chương trình giáo dục phổ thông mới, NXB ĐH Sư phạm, Hà Nội.

1
“Kiểm tra” có nhiều phương pháp đa dạng và linh hoạt như quan sát, hỏi đáp, giao nhiệm vụ…chứ không
giới hạn ở bài kiểm tra viết.
2
Nghiên cứu hồ sơ học sinh là một cách để hiểu biết về học sinh, dự đoán triển vọng của học sinh, tuy
nhiên có thể tạo ra ấn tượng ban đầu chưa thật chính xác. Do vậy, cần thận trọng khi dung thông tin cũ để lập kế
hoạch giáo dục.
3
Hay còn gọi là nghiên cứu bài học

You might also like