You are on page 1of 9

Đói là một câu chuyện kể về nhân vật Sinh với cuộc sống nghèo nàn

khốn khó, trước đây chàng cũng thuộc dạng khá giả nhưng giờ đây lại lâm
vào tình cảnh thất nghiệp, cuộc sống bần cùng thiếu ăn, thiếu mặc đang chật
vật trải qua những ngày đói rét. Cùng đồng hành trong cuộc sống với Sinh là
người vợ, Mai là một cô gái sinh đẹp làm việc tại quán rượu với phong thái
ngút ngàn, hai người gặp gỡ rồi yêu thương lẫn nhau, sau đó cùng nhau trải
qua những tháng ngày hạnh phúc. Tuy cuộc sống khó khăn nhưng hai vợ
chồng vẫn thương yêu nhau như những ngày đầu, Mai chăm chỉ tìm cách để
mưu sinh kiếm tiền về trang trải cuộc sống. Thế nhưng mọi thứ đều không dễ
dàng, vì cùng đường nên nàng đã bị cuốn vào con đường cũ, Mai hẹn hò với
một vị khách để có tiền mua thức ăn cho chồng. Cầm đồ ăn trên tay mang về,
Mai nói với Sinh rằng có một người quen cũ là bà Hiếu thấy thương tình nên
cho mượn tiền và giúp đỡ tìm công việc, tuy nhiên Sinh đã tình cờ phát hiện
ra việc vợ mình phản bội nên tức giận hất đổ bàn ăn và chửi rủa Mai một cách
thậm tệ. Mai tủi thân nức nở bỏ đi, còn Sinh thì đau khổ, buồn rầu và chán
nản, nhưng không kiềm được cơn đói của mình, chàng ngậm ngùi nhặt lại gói
đồ ăn dưới bàn, bỏ qua cái sĩ diện nhục nhã mà vội vàng ăn lấy ăn để.

Nghịch cảnh luôn xuất hiện như một quy luật tất yếu của cuộc sống, nó
đến một cách bất ngờ và khó có thể trốn tránh được. Nhân vật trong truyện
ngắn Thạch Lam cũng không ngoại lệ, họ bị đẩy vào bi kịch của cuộc đời và
khi đứng trước nghịch cảnh, họ đứng ở ranh giới giữa cái thiện và cái ác. Và
khi đã vượt qua bi kịch rồi, họ sẽ thấy được tiếng lòng của bản thân, vẻ đẹp
tâm hồn sẽ đứng trên cái ác.

Nhìn lại truyện ngắn Đói, Mai là một người phụ nữ luôn yêu thương và
chung thuỷ với chồng, cô dành hết tình thương và sự hy sinh của mình cho
gia đình nhỏ. Cuộc sống trước đây của Mai tương đối khá giả và thoải mái,
nhưng từ khi bỏ hết mọi thứ để theo chồng cô lại phải cam chịu cảnh nghèo
đói đến tột cùng, thiếu ăn và thiếu cả mặc. Mai cùng đường nên bị cuốn vào
con đường cũ, mặc dù yêu chồng nhưng cô phải chấp nhận lấy thân ra đánh
đổi, hẹn hò với một vị khách để kiếm tiền trang trải cảnh đói nghèo. Bi kịch
của cuộc đời đã kìm hãm nhân cách tốt đẹp bên trong cô, cô chấp nhận bị
đồng tiền tha hóa nhân cách của mình. Không vượt qua được cái ác chỉ vì
hoàn cảnh của cô không thể nào được chọn lựa, tuy nhiên hành động sai lầm
ấy cũng chỉ vì muốn lo cho gia đình, lo cho cuộc sống. Trong Mai, sự lương
thiện vẫn luôn hiện diện, vẫn luôn tồn tại vẻ đẹp tâm hồn cao cả. Nhân vật
Mai mặc dù không vượt qua được bi kịch nhưng vẫn là một số phận đáng
nhận được sự thương cảm hơn là đáng trách.

Trách nhiệm trong gia đình khiến người phụ nữ phải chấp nhận hy sinh.
Đôi khi, nhân vật trong truyện ngắn Thạch Lam còn phải hy sinh cả danh dự,
phẩm hạnh của mình vì chồng mà không có lấy một lời thanh minh hay giải
thích. Mai là một người phụ nữ như thế. Vì thương chồng, muốn đưa gia đình
thoát khỏi cơn nghèo đói, cùng quẫn mà phải nàng đã bán mình trong nỗi đau
ê chề, tủi nhục. Từ ngày bị sa thải, Sinh phải tạm biệt cái đời sống phong lưu
và sống trong cảnh thiếu thốn, khổ sở. Chàng dần quen với cái mệt lả người đi
vì đói. Và vợ chàng, Mai với cái thân hình mảnh dẻ, gầy gò trong chiếc áo the
mỏng manh làm cho chàng xót thương, thế nhưng chàng lại bất lực. Đã hai
ngày rồi cái đói ám ảnh gia đình bé nhỏ của Sinh. Và Mai, đang phải chạy vạy
để vay tiền mua gạo. Nhưng “Ai cho chúng mình vay bây giờ, bà ấy còn nhớ
đâu đến khi trước vẫn nhờ vả mình”, “Thói đời vẫn thế, trách làm gì. Nhưng
bây giờ làm thế nào”. “Làm thế nào ?”. Câu hỏi ấy Sinh không trả lời được.
Và Mai, người phụ nữ yêu thương chồng hết mực đành chọn con đường tủi
nhục vì chồng. Nàng mang về đồ ăn ngon với lời giải thích rằng một bà Hiếu
nào đó đã hảo tâm giúp đỡ, còn giúp vốn làm ăn. Nhưng khi Mai thò tay vào
trong túi áo, rút ra tập giấy bạc, một mảnh giấy rơi ra thì Sinh đã biết sự thật.
Chàng đau đớn tưởng như có thể chết ngay lúc ấy, chàng mắng nhiếc vợ, khẽ
dằn lên từng tiếng “Đồ khốn nạn”, nhưng cuối cùng, khi vợ đi khỏi, Sinh cúi
xuống “vớ miếng thịt hồng hào, ăn vội vàng, không kịp nhai, nuốt”. Cái đói
khiến con người trở thành như vậy sao? Cái đói khiến Sinh thành người chồng
vô dụng, có khiến Mai trở thành kẻ “khốn nạn” trong mắt chồng. Nhưng cái
đói ấy cũng khiến người đọc nhận ra sự hy sinh thầm lặng của Mai.

Vẻ đẹp của các nhân vật nữ trong truyện ngắn của Thạch Lam là trong
hoàn cảnh khó khăn, đau khổ, họ luôn quan tâm, hy sinh cho người khác. Họ
luôn đơn độc, một mình gánh vác việc nhà và thay vì nhận được sự cảm
thông, chia sẻ, họ chỉ nhận được những lời trách móc. Mai biết việc mình làm
là tội lỗi nên cố tình né tránh những câu hỏi của chồng chứ cô không phải là
kẻ dối trá, ác độc như chồng cô tưởng tượng. Nhưng chồng cô không hiểu,
ngược lại còn mắng mỏ vợ. Vẫn là sự hy sinh thầm lặng, Mai không phản
bác, cũng không thanh minh hay giải thích. Nỗi đau và bất hạnh nhân lên gấp
bội. Dường như sự hy sinh của Mai là vô nghĩa và không được mọi người
cảm thông, Thạch Lam đã nhận ra điều đó, vì thế mà ông đã dùng những câu
văn trân trọng nhất để ca ngợi sự hy sinh thầm lặng ấy.

Thạch Lam không lựa chọn lối viết mơ mộng, lý tưởng hóa như những
nhà văn khác trong nhóm Tự lực văn đoàn mà thay vào đó, những nhân vật
của Thạch Lam có nét chân thực và gần gũi với cuộc sống đời thường, được
đặt trong những hoàn cảnh khó khăn và gặp nhiều trở ngại. Cái đói, cái nghèo
dường như lúc nào cũng đeo đẳng với số phận, xô đẩy họ vào những tình
huống tuyệt vọng.

Như nhân vật Sinh trong Đói là một người bị sa thải ở sở chỗ làm, cái
giọng nói quả quyết và lạnh lùng của ông chủ, những nét mặt buồn chán,
tuyệt vọng, đồng cảnh ngộ với Sinh. Do thất nghiệp, vợ chồng Sinh đã bị đẩy
vào một hoàn cảnh cùng quẫn không có lối thoát. Sau khi đã bán hết đồ đạc
trong nhà, họ đã phải đối diện với một thực tế phũ phàng, cay đắng. Vợ Sinh
vì quá thương chồng nên đã lén lút qua lại với một người đàn ông khác để
kiếm tiền nuôi Sinh, anh cảm thấy mình bị lừa dối và bị phản bội. Trong cơn
tức giận, Sinh đá hết tất cả đồ ăn mà vợ vừa mua xuống đất và đuổi Mai ra
khỏi nhà. Thế nhưng sau cái cảm giác đau đớn và chán nản đó là sự giày vò
của cái đói, và rồi trước mùi thơm quyến rũ của đồ ăn, trước sự hành hạ của
cái đói, Sinh đã bị khuất phục. Anh đã ăn một cách vụng trộm những miếng
bánh và thịt ướp, ở đây nhân vật đã đặt sự sống lên trên nhân cách.

Khác với Một bữa no của Nam Cao, khi bà lão đau khổ chết ngay sau
một bữa no làm đẩy cảm xúc lên đến cao trào. Còn nhân vật Sinh của Thạch
Lam, tuy cũng chết ngay sau một bữa ăn no, nhưng Sinh không phải chết về
mặt thể xác mà chết về mặt tinh thần. Còn nỗi đau nào hơn khi vợ của mình
phải bán thân để có được bữa no cho chồng. Lòng tự trọng đã khiến Sinh vô
cùng tức giận, anh ta phát rồ, mắng nhiếc và đuổi Mai đi. Nhưng đến cuối
cùng, lòng tự trọng ấy cũng không chiến thắng nổi cơn đói dai dẳng. Chàng
ăn ngấu nghiến, nuốt luôn cả cơn cuồng nộ và cái lòng tự trọng của một thằng
đàn ông. Để rồi đến cuối cùng, sau khi thỏa mãn cái bản năng sinh tồn ấy,
chàng mới chua xót, đau khổ nhận ra hiện thực khốc liệt đang bủa vây lấy số
phận chàng.

Đó là những dấu hiệu đầu tiên, tuy chưa rõ ràng nhưng đã mang tính dự
báo về quá trình tha hóa, biến đổi nhân cách con người do tác động của hoàn
cảnh. Vì miếng ăn là một nhu cầu vật chất bình thường của con người mà
Sinh đã đánh mất cả lòng tự trọng và nhân phẩm của mình.

Số phận của các nhân vật gắn liền với hiện thực, đi sâu và sát vào đời
sống tinh thần của con người ở giai đoạn này. Họ gần như đầu hàng trước số
phận, chấp nhận hiện thực đen tối trước mắt. Sinh trong cơn đói vật vã đã hồi
tưởng lại quá khứ của mình: “Sinh thở dài chàng nhớ lại”. Mở đầu tác phẩm
là thời gian hiện thực, Sinh bị cơn đói hành hạ, rồi nhìn căn phòng tồi tàn ẩm
thấp, Sinh nhớ lại cái ngày bị sa thải ở sở làm…Rồi tiếng guốc ở ngoài hè của
vợ kéo chàng về thực tại, nhưng rồi khi vợ về với vẻ mặt thất vọng thì quá
khứ lại sống dậy “hồi ấy chàng còn là một người có việc làm, có lắm tiền…”
Cứ vậy, thời gian hiện tại và quá khứ đan xen nhau làm nổi bật tâm lý
nhân vật. Kiểu thời gian đồng hiện này không chỉ khơi sâu vào tâm lý nhân
vật mà còn tạo nên sự đối lập rõ rệt giữa quá khứ - những gì đẹp đẽ tươi sáng
đã qua và hiện tại - những gì tồi tệ, tối tăm đang tới. Trong truyện ngắn Thạch
Lam, những hồi trưởng trong quá khứ là những kí ức đầm ấm, hạnh phúc thì
trái lại hiện thực là những nỗi bất hạnh. Thời gian hiện thực có mặt đa số
trong các tác phẩm mà ở đó nhân vật luôn bị cột chặt vào hoàn cảnh, vào cuộc
mưu sinh, tính toán của đời thường. Thời gian của các nhân vật chỉ là những
vòng lặp luẩn quẩn không có lối thoát.

Thạch Lam thường chú tâm miêu tả tỉ mỉ cảm giác đói. Giống như
những cơn sóng biển, cảm giác đói khi thì trào dâng mãnh liệt, lúc lại lắng
xuống nhưng không thể mất đi hoàn toàn khi chưa được thoả mãn. Khi viết về
cảm giác đói, khó ai có thể tài hoa hơn Thạch Lam : “Cơn đói lại sôi nổi dậy
như cào ruột, xé gan, mãnh liệt, át hẳn cả nỗi buồn. Chàng muốn chống cự
lại, muốn quên đi nhưng không được, cái cảm giác đói đã lấn khắp người như
nước triều tràn lên bãi cát. Mỗi lần cơn gió, mỗi lần chàng ngửi thấy mùi béo
ngậy miếng thịt ướp, mùi thơm của chiếc bánh vàng. Mũi Sinh tự nhiên nở ra,
hít mạnh cái mùi thơm thấu tận ruột gan, như thấm nhuần vào xương tuỷ”.

Trong Sinh, cảm giác đói và nỗi xót thương tràn ngập trong lòng khi
“thoáng trông cái thân hình của vợ in rõ trên nền sáng, một cái thân thể
mảnh dẻ, gầy gò trong chiếc áo the mỏng phong phanh”. Cảm giác đói và sự
sung sướng khi cầm gói thức ăn vợ mới mua về. Cảm giác đói và nỗi đau đớn
thấm thía khi phát hiện ra sự lừa dối của vợ. Cảm giác đói và nỗi giận dữ, uất
ức, buồn rầu, chán nản. Cảm giác đói như một đầu mối khơi gợi và dẫn dắt
những cảm xúc khác ở nhân vật. Là nhà văn tinh tế và có cái nhìn đa chiều,
Thạch Lam soi rọi vào trạng thái đói của con người và những biểu cảm chân
thực, khó nói ấy bằng một văn phong hết sức điềm đạm.
Cả Mai và Sinh đều bị cái đói hành hạ mà hành động theo bản năng để
rồi phải “hy sinh” nhân phẩm như một nỗi cùng đường tuyệt vọng. Trong
Đói, tâm hồn của Sinh cũng đầy biến động, day trở và bất ngờ. Chàng đã
đùng đùng nổi giận khi phát hiện ra những món đồ ăn mà Mai đem về là do
nàng bán mình mà có. Sinh hất đổ mọi thứ xuống sàn rồi đuổi vợ đi trong nỗi
uất hận lên đến đỉnh điểm. Khi cơn giận dữ đã tan đi, chàng “thấy trong lòng
nguội lạnh, một cảm giác lạnh lùng như thắt lấy ruột gan” rồi “gục xuống
bàn”. Lúc tỉnh dậy, Sinh liền ăn ngấu nghiến thức ăn bị tung tóe dưới bàn
theo bản năng, và dần nhớ lại những chuyện đã xảy ra, “một cái chán nản
mênh mông ngập cả người”. Có thể thấy, Sinh là một nhân vật chưa hoàn kết
về tính, vì thế đòi hỏi người đọc phải có cái nhìn toàn diện, soi ngắm nhiều
chiều để xếp anh ta vào người tốt hay kẻ xấu.

Ngôn ngữ độc thoại nội tâm như một sự giằng xé, thể hiện sự mâu thuẫn
giữa những khát vọng lớn lao với những thứ tầm thường ở thực tại mà Sinh
phải chứng kiến. Sinh nuối tiếc về quá khứ, đau đớn với thực tại và mờ mịt
trước tương lai. “Chàng ưỡn người ra đằng sau, khoan khoái thở dài. Nhưng
chàng nhớ lại bức thư, cuốn giấy bạc, nhớ lại tiếng khóc thổn thức của Mai
nép bên tường, nhớ lại những lời khinh bỉ, mỉa mai chua xót. Chàng nhớ lại
nỗi uất ức, đau đớn của mình”. Trước đây, Sinh vẫn cho rằng “miếng ăn là
một sự không đáng kể”, nhưng ngay lúc này chàng mới nhận thấy “cái cần
mạnh mẽ của miếng ăn là thế nào”. Cái đói như khiến Sinh đánh mất bản thân
mình “cái chán nản mênh mông tràn ngập cả người. Sinh lấy hai tay ôm mặt,
cúi đầu khóc nức nở”. Những dòng cuối cùng của câu chuyện cũng gieo vào
lòng người đọc rất nhiều day dứt về cuộc sống sau này của hai vợ chồng Sinh
- Mai.

Giọng văn của Thạch Lam luôn mang sự ấm áp, đồng cảm sâu sắc giữa
người với người. Ông xưng hô một cách nhẹ nhàng và thân mật bằng cách gọi
tên các nhân vật như: Liên, Tâm, Sinh… hoặc Mẹ, mẹ Lê, nàng, chàng,...
Nhiều sáng tác của Thạch Lam đặt nhân vật trong tình huống bất hạnh, nhằm
khắc họa rõ tâm lý, tính cách nhân vật và tô đậm cái bi kịch của cuộc đời họ.
Thạch Lam dùng ngòi bút của mình để thể hiện lòng xót xa thương cảm với
mỗi kiếp người nhỏ bé bằng tấm lòng nhân ái sâu xa, để lại cho người đọc
một cảm xúc nhẹ nhàng, nỗi buồn thương day dứt cho số phận con người dưới
đáy xã hội cũ.

Thạch Lam diễn tả thật tinh tế nhiều loại cảm giác khác nhau bằng
những từ ngữ mang sắc thái mạnh như: “Cơn giận dữ nổi lên mãnh liệt trong
lòng” hay “cái giận như sôi nổi bồng bột trong lòng” để lột tả cơn giận dữ khi
biết vợ chàng đã ngoại tình. Tác giả chọn cho mình một lối ngôn ngữ rất riêng
và độc đáo. Ông dùng thủ pháp so sánh để miêu tả tâm hồn nhân vật cùng với
việc miêu tả thiên nhiên: “Mỗi lần cơn gió, mỗi lần chàng ngửi thấy mùi béo
ngậy của miếng thịt ướp, mùi thơm của chiếc bánh vàng, mũi Sinh tự nhiên
nở ra, hít mạnh vào, cái mùi thơm thấu tận ruột, gan như thấm nhuần vào
xương tuỷ”. Thạch Lam cũng rất chú ý tạo những cảm giác về màu sắc và
đường nét. Dù cho đang tức tối, chán nản thì Sinh vẫn nhìn thấy miếng bánh
vợ mua có màu sắc hấp dẫn “mấy miếng thịt hồng hào, mỡ trắng và đỏ như
thủy tinh, mấy khoanh giò nạc mịn màng, mấy cái bánh tây vàng đỏ”. Thạch
Lam diễn tả cảnh đớn đau của Sinh trong cơn đói bằng một giọng văn mơ hồ,
nửa thực nửa mơ: “Một cơn gió hắt hiu thổi đến làm cho chàng rùng mình.
Bỗng nhiên tất cả người chàng chuyển động: chàng vừa thoáng ngửi thấy cái
mùi thơm và béo của những miếng thịt ướp mà mỡ còn dính ở tay. Cơn đói lại
sôi nổi dậy như cào xé ruột gan, mãnh liệt, át hẳn cả nỗi buồn. Chàng muốn
chống cự lại, muốn quên đi, nhưng không được, cái cảm giác đói đã lẩn khắp
cả người như nước triều tràn lên bãi cát”.

Thạch Lam không tô đậm, đẩy cao cảm xúc mà chọn lối viết giản dị,
đúng với cảm giác thực. Vì vậy, ông thường sử dụng những biểu tượng, quán
ngữ quen thuộc như : trái tim, quả tim, tâm hồn, từ đầu đến chân, đứt từng
khúc ruột… Trong truyện ngắn Đói, “trái tim” được dùng với nhiều ý nghĩa
và cảm xúc khác nhau. Khi thì thương xót cho vợ “một mối tình thương tràn
ngập vào tim chàng như một làn sóng”. Khi thì tan nát vì phát hiện vợ ngoại
tình “Một cái sức nặng đè lấy quả tim làm cho chàng ngừng thở. Hình như
trong một giây phút bao nhiêu cái hi vọng sung sướng của đời chàng tan đi
mất”. Khi thì vỡ òa với những nỗi đau “Bao nhiêu đau đớn trong tâm can
Sinh thổn thức nghẹn ngào. Quả tim không đủ chứa nỗi đau, Sinh gục mặt
xuống bàn” .

Thạch Lam có thói quen nhập vai vào nhân vật, từ điểm nhìn của nhân
vật mà phân tích, miêu tả tâm lí của họ, từ đó diễn tả được chiều sâu tâm
trạng nhân vật. Bao nỗi đau đớn của Sinh khi biết vợ bán thân được bộc lộ
qua câu: “Tại sao Mai trước kia đã từng bao phen khổ sở cùng chàng, đến
bây giờ lại đem thân bán đi để lấy một vài đồng bạc; tại sao Mai lại làm sự
khốn nạn ấy như bây giờ…”

Giọng điệu thủ thỉ tâm tình là giọng điệu chủ đạo trong nhiều tác phẩm
của nhà văn Thạch Lam. Giọng văn mang đến sự sẻ chia, thông cảm, nỗi đau
xót khi mà con người ta không chiến thắng được nhu cầu mãnh liệt của bản
năng. Trong suốt câu chuyện, ông diễn tả tâm trạng đau đớn dằn vặt của nhân
vật phải chịu đựng trước sự xô đẩy của cái nghèo. Đó là hành động theo bản
năng vừa đáng trách mà cũng vừa đáng thương.

Bằng ngòi bút hiện thực giàu tính nhân đạo, khi đọc tác phẩm Đói của
nhà văn Thạch Lam, chúng ta có thể cảm nhận được sự thấu hiểu và đồng
cảm của tác giả dành cho nhân vật. Ông đặt mình vào vị trí của họ để bày tỏ
cảm nghĩ về số phận của những kiếp người nhỏ bé trong xã hội, từ đó khám
phá ra những nét đẹp còn tiềm ẩn tìm sâu trong tâm can họ, cảm thông sâu sắc
với những mảnh đời cơ cực, xót xa trước số phận bấp bênh của con người
trong xã hội đương thời.
Giáo sư Phan Cự Đệ đã nhận xét rằng: “Một số truyện của Thạch Lam có
khuynh hướng hiện thực chủ nghĩa. Kết thúc các truyện Đói, Nhà mẹ Lê, Hai
lần chết, Tối ba mươi ... đau đớn quá, nhưng đó lại là sự thật. Ở đây Thạch
Lam sử dụng bút pháp hiện thực tỉnh táo, nó không bằng lòng với bất cứ một
sự tô màu mỹ học nào (Dưới bóng hoàng lan), với một cách giải quyết ảo
tưởng, chủ quan nào của chủ nghĩa lãng mạn (Bóng người xưa, Ngày mới)”.

You might also like