You are on page 1of 16

TRƯỜNG ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI NGỮ

BÀI TIỂU LUẬN CUỐI KỲ


MÔN TÌM HIỂU CỘNG ĐỒNG CHÂU ÂU

ĐỀ TÀI:
CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TẠI ĐỨC - NỬA THẾ KỶ
SINH SỐNG VÀ HÒA NHẬP

Giảng viên phụ trách: TS. Lê Hoài Ân


Nhóm thực hiện: 1. Nguyễn Thị Minh Ngọc - 19041450
2. Nguyễn Hà Phương - 19041459
3. Nguyễn Minh Thuý - 19041477
4. Nguyễn Đỗ Quỳnh Anh - 20040864
5. Ngô Thuỳ Vy – 19041486

Hà Nội - Tháng 11 năm 2021


Mục lục
I. Lời mở đầu.....................................................................................................1

II. Nội dung.....................................................................................................2

1. Lịch sử hình thành - phát triển cộng đồng người Việt tại Đức...............2

2. Sự đóng góp của cộng đồng người Việt ở Đức đối với nước Đức............3
2.1. Đóng góp trong lĩnh vực kinh tế - thương mại.....................................4
2.2. Đóng góp trong lĩnh vực đời sống - xã hội............................................4

3. Nhà nước Đức có những hoạt động gì để thúc đẩy sự đóng góp của
cộng đồng người Việt tại Đức đối với nước Đức?.........................................6
3.1. Luật nhập cư mới dành cho người lao động tại Đức...........................6
3.2. Chương trình cứu trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch
Covid 19 ở Đức..............................................................................................7

4. Kiều bào tại Đức và những đóng góp tích cực cho quê hương Việt Nam
...........................................................................................................................8
4.1. Cộng đồng người Việt ở Berlin hỗ trợ nhân dân miền Trung khôi
phục sau bão Chanchu..................................................................................8
4.2. Người Việt tại Đức quyên góp 125.000 EURO ủng hộ miền Trung
bão lũ năm 2016............................................................................................8
4.3. Kiều bào tại Đức ủng hộ quê hương Việt Nam trong Đại dịch
COVID-19......................................................................................................9

5. Nhà nước Việt Nam cần làm gì để người Việt Nam không phải bỏ xứ
sang Đức?.........................................................................................................9
5.1. Nguyên nhân khiến người Việt Nam di cư sang Đức........................10
5.2. Giải pháp cho tình trạng người dân Việt Nam di cư..........................10

III. Kết luận....................................................................................................11

IV. Tài liệu tham khảo...................................................................................12

1
*) Chú thích phân chia nội dung:
STT Họ tên Nội dung phụ trách
1 Nguyễn Minh Thuý I + II.1
2 Nguyễn Thị Minh Ngọc II.2 + III
3 Nguyễn Đỗ Quỳnh Anh II.3
4 Nguyễn Hà Phương II.4
5 Ngô Thuỳ Vy II.5

I. Lời mở đầu
Trong cộng đồng Liên minh Châu Âu, Cộng hòa Liên bang Đức là một
trong những quốc gia hợp tác lâu đời với Việt Nam và cũng là quốc gia có cộng
đồng người Việt hình thành từ sớm. Trải qua nửa thế kỷ sinh sống và hội nhập,
cộng đồng người Việt Nam tại Đức đã và đang tạo nên những dấu ấn và bản sắc
riêng biệt, đóng góp những giá trị tích cực cho đất nước sở tại. Để hiểu sâu sắc
hơn và có cái nhìn rõ nét về người Việt tại Đức, bài luận này sẽ đi sâu vào phân
tích những đóng góp của người dân Việt cho đất nước sở tại cũng như quê
hương, bên cạnh đó là các chính sách, hoạt động của chính phủ Đức và Việt
Nam trong việc thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng người Việt tại Đức. Từ đó,
bài viết đưa ra những giải pháp nhằm hạn chế tính trạng di cư ồ ạt cũng như
nâng cao giá trị của người Việt tại các nước trong khối Liên minh Châu Âu nói
chung, tại Cộng hòa Liên bang Đức nói riêng.

II. Nội dung

1. Lịch sử hình thành - phát triển cộng đồng người Việt tại Đức
Nhóm người Việt Nam đầu tiên đến Đức chính thức là dưới diện du học
sinh và học sinh học nghề từ những năm 1950. Sự xuất hiện chính thức của
cộng đồng người Việt tại Đức rõ nét nhất phải kể đến là vào năm 1975, khi quan

2
hệ ngoại giao giữa Đức và Việt Nam chính thức được thiết lập. Sau chiến tranh
thế giới thứ hai, nước Đức ngày nay đã bị chia cắt thành hai miền Đông Đức và
Tây Đức.
Tại Tây Đức và Tây Berlin người Việt chủ yếu là những người ra đi từ
sau những năm 1975. Với mục tiêu định cư lâu dài, người Việt tại Tây Đức rất
có ý thức hội nhập và được nhà nước Tây Đức cũ hỗ trợ học tiếng, học nghề,
cũng như hỗ trợ việc làm và mở các cửa hàng kinh doanh. Sau khi ổn định cuộc
sống, họ đều đầu tư và chăm lo cho thế hệ con cháu. Nhiều người Việt tại đây
đã trở nên thành đạt ở nhiều lĩnh vực, từ văn hóa xã hội đến kinh tế chính trị.
Còn tại các bang miền Đông nước Đức và Đông thủ đô Berlin, người
Việt chủ yếu là những người thuộc diện đi hợp tác lao động theo hiệp định ký từ
năm 1980 giữa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức). Do nhu cầu
sử dụng nhân lực lớn, Cộng hòa Dân chủ Đức đã tuyển chọn rất nhiều thanh
niên Việt Nam sang làm việc theo dạng hợp đồng có thời hạn. Những người lao
động khách Việt Nam nhận tiền lương khoảng 600 Mác/tháng, và một phần
khác được trả bằng hàng hóa tiêu dùng. Để có tiền trang trải cuộc sống và gửi
về quê nhà, họ phải đi làm thêm các công việc ngoài giờ như đi làm thêm ở các
xí nghiệp, nghề may... Năm 1989 bức tường Berlin sụp đổ, biến cố này đã làm
thay đổi kế sinh nhai của nhiều người Việt tại đây. Đông Đức và Tây Đức chính
thức hợp nhất vào năm 1990, trở thành nước Cộng hòa Liên bang Đức ngày
nay. Đó cũng là lúc hợp đồng lao động giữa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ
Đức phải chấm dứt trước thời hạn. Những người lao động hợp đồng được nhận
một khoản trợ cấp để trở về nước, tuy nhiên hơn chục ngàn người Việt vẫn
quyết định ở lại. Vào thời điểm hợp nhất giữa hai nhà nước, một số quy định về
luật pháp chưa rõ ràng đã gây ra khó khăn cho việc hội nhập của những người
lao động Việt Nam muốn ở lại lúc đó. Ngoài giấy tờ, việc làm, ngôn ngữ và nhà
ở, thì rào cản lớn nhất của những người nhập cư tại Đức lúc bấy giờ là sự kỳ thị
của người dân sở tại. Đỉnh điểm là vào năm 1992, nhiều người Việt Nam tại

3
Đức đã trở thành nạn nhân trong vụ bạo động tại thành phố Rostock, miền Đông
nước Đức. Đó thực sự là thời điểm vô cùng khổ cực của người Việt tại Đức.
Rồi cộng đồng người Việt cũng vượt qua cái quãng thời gian tăm tối ấy
bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ của mình. Người Việt Nam tại Đức vẫn luôn
được biết đến với đức tính chăm chỉ, cần cù và nỗ lực một cách bền bỉ. Vào
những năm 90 của thế kỷ trước, phần lớn người Việt Nam tại đây hành nghề
buôn bán tự do. Đặc biệt, nghề bán hoa từng một thời được coi là nghề độc
quyền của người Việt tại Berlin. Bởi dường như chỉ có người Việt cần cù, chịu
khó mới có thể theo được cái nghề vất vả thức khuya dậy sớm này. Ngoài ra họ
còn làm việc tại các xí nghiệp, nghề may, ngành kim loại... Sau nửa thế kỷ sinh
sống và hòa nhập, cuộc sống của người Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức
ngày nay đã có nhiều thay đổi.

2. Sự đóng góp của cộng đồng người Việt ở Đức đối với nước Đức
Trải qua gần nửa thế kỷ người Việt hội nhập và phát triển với nhiều
thăng trầm và biến động, cộng đồng người Việt Nam được đánh giá là một
trong những nhóm dân nhập cư tích cực nhất ở Đức, đóng góp nhiều giá trị tốt
đẹp cho xã hội Đức nói chung. Đáng nói hơn cả, có rất nhiều cá nhân và doanh
nghiệp Việt tại Đức đã và đang khẳng định được dấu ấn cộng đồng, đóng góp
quan trọng cho sự phát triển chung của nước sở tại.

2.1. Đóng góp trong lĩnh vực kinh tế - thương mại


Theo thống kê, có hơn 8000 doanh nghiệp của người Việt trên toàn lãnh
thổ Công hoà Liên bang Đức hoạt động tích cực trong các ngành nghề kinh
doanh đa dạng, từ thương mại, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, du lịch, bảo hiểm
đến xuất nhập khẩu, v.v. Khi nhắc đến các doanh nghiệp lớn của người Việt ở
Đức, người ta không thể không nhắc đến Đồng Xuân, hiện là trung tâm thương
mại, buôn bán lớn nhất của người Việt ở Đức. Với sự phát triển không ngừng,
Đồng Xuân hiện không chỉ là một công ty đơn lẻ mà đã trở thành tập đoàn

4
Đồng Xuân với nhiều công ty hợp thành, đóng góp không nhỏ về các loại thuế
cho nước sở tại. Ngoài khu Trung tâm thương mại rộng lớn, Đồng Xuân còn có
khách sạn Đồng Xuân đẳng cấp 4 sao, khu liên hợp Lehop sản xuất thực phẩm,
các công ty xuất nhập khẩu và phân phối thực phẩm Á Châu, các công ty kinh
doanh bất động sản và hệ thống nhà hàng đa dạng, tạo công ăn việc làm cho
hàng nghìn nhân công cả người Việt cũng như người sở tại.

2.2. Đóng góp trong lĩnh vực đời sống - xã hội


Trong mọi mặt của đời sống – xã hội, cộng đồng người Việt ở Đức đều
có những đóng góp, hỗ trợ đáng kể cho những cộng đồng trên khắp nước Đức,
thể hiện rõ phẩm chất “tương thân tương ái” đầy tự hào của người Việt Nam.
Trước những hậu quả thiên tai nặng nề mà nhân dân hai bang miền Tây
nước Đức Rheinland-Pfalz và Nordrhein-Westfalen phải gánh chịu trong đợt lũ
lụt lịch sử trong khoảng tháng 7 năm 2021, cộng đồng người Việt tại Đức đã
cùng phát động chương trình quyên góp nhằm chia sẻ phần nào những khó khăn
với nhân dân vùng lũ. Tổng kết chương trình "Cộng đồng người Việt tại Cộng
hòa Liên bang Đức quyên góp ủng hộ hai bang bị ảnh hưởng lũ lụt ở Tây Đức",
Ban tổ chức đã nhận được sự ủng hộ của 382 cá nhân, gia đình, doanh nghiệp và
hội đoàn với tổng số tiền 30.050 euro (tương đương xấp xỉ 780 triệu đồng Việt
Nam). Toàn bộ số tiền này được chia đều ủng hộ nhân dân vùng lũ của hai bang
này. Món quà tuy không lớn về vật chất nhưng chứa đựng rất nhiều tình cảm và
sự sẻ chia gửi đến nhân dân hai bang Rheinland-Pfalz và Nordrhein-Westfalen.
Đặc biệt trong những đợt dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, Đức
cũng là một trong những quốc gia phải gồng mình ứng phó với tình hình dịch
diễn tiến nghiêm trọng. Nhằm hỗ trợ chính quyền sở tại, các cơ sở y tế cũng như
cộng đồng dân cư ở các bang có người Việt cư trú, hàng loạt các phong trào
quyên góp/mua/may khẩu trang, gồm cả khẩu trang y tế và khẩu trang thường,
để trao tặng cho các bệnh viện, cơ sở y tế ở Đức đã được cộng đồng người Việt
tổ chức và lan toả mạnh mẽ, từ góp tiền tới góp sức may khẩu trang ở nhiều

5
thành phố như Berlin, Cottbus, Magdeburg, Leipzig, Dresden, Schwerin… Họ
đang tích cực, gấp rút may khẩu trang để tặng những cơ sở ở Đức hiện thiếu
thốn nghiêm trọng thiết bị bảo hộ này.
Chẳng hạn chỉ riêng ngày 30 tháng 3 năm 2020, nhóm CHUNGTAY ở
Berlin đã tới nhiều cơ sở là các bệnh viện, nhà dưỡng lão và trung tâm chăm sóc
sức khỏe cho người già ở Berlin để trao tận tay những món quà kịp thời và đầy
ý nghĩa gồm 5000 hộp khẩu trang y tế (do cộng đồng quyên góp), 12.000 bộ
găng tay, 30 hộp khử trùng và 1.400 khẩu trang tự may; nhóm may khẩu trang ở
thành phố Cottbus tặng cho một bệnh viện thành phố này 700 khẩu trang. Ngoài
ra, hai nhà hàng Thành Koch và Little Long của người Việt ở Berlin cũng chung
tay cung cấp một số khẩu phần ăn cho các bác sĩ và y tá ở tuyến đầu. (Theo
TTXVN tại CHLB Đức, 2020)
Thông qua những hoạt động tiêu biểu trên, phải khẳng định rằng cộng
đồng người Việt ở Đức đã và đang mang lại những giá trị tốt đẹp nhất định cho
cộng đồng dân cư sở tại, từ đó khẳng định vai trò và vị thế không nhỏ của Việt
Nam trong các cộng đồng dân nhập cư ở Đức. Dù vẫn còn nhiều khó khăn và
hạn chế nhất định nhưng những giá trị cốt lõi về tinh thần tương thân tương ái,
chăm chỉ cần cù chịu khó và các nét đẹp truyền thống của Việt Nam sẽ tiếp tục
được cộng đồng người Việt lan toả trên đất Đức.

3. Nhà nước Đức có những hoạt động gì để thúc đẩy sự đóng góp của cộng
đồng người Việt tại Đức đối với nước Đức?
Để giúp đỡ cộng đồng người Việt Nam tại Đức hoà nhập và phát triển,chính
phủ Đức đã đưa ra các chính sách mới và ưu đãi, mở ra nhiều hy vọng hơn cho
kiều bào người Việt và giúp đỡ họ nhiều hơn trong cuộc sống.

3.1. Luật nhập cư mới dành cho người lao động tại Đức
Trong những năm gần đây, khi nước Đức đang đứng trước nguy cơ mất
đi sự hấp dẫn do thiếu lao động giỏi có tay nghề cao, chính phủ Đức đã trình dự
luật mới với nội dung có thể đón nhận thêm những nguồn lao động từ nước

6
ngoài nhằm giải quyết vấn đề thiếu nhân lực lao động có tay nghề và hỗ trợ cho
nền kinh tế Đức duy trì được sự vững mạnh. Dự luật mới về nhập cư này vào
cuối năm 2018 là một bước ngoặt lớn đối với cộng đồng người Việt sinh sống ở
Đức nói riêng và những người nước ngoài nhập cư Đức nói chung khi đây là lần
đầu tiên một văn kiện cải cách về quy định nhập cư ở đất nước có tâm lý bài
ngoại cho những người có chuyên môn và tay nghề cao tới Đức. Theo đạo luật
mới này, những người nhập cư và tị nạn đến từ các nước không thuộc liên minh
châu Âu nếu có chuyên môn trong các lĩnh vực mà Đức cần thì sẽ được cấp
phép lưu trú và gia hạn thêm visa sau khi đã tìm được việc làm. Đến năm 2020
những quy định mới về nhập cư này chính thức được áp dụng và điều này là tín
hiệu tích cực đối với du học sinh Việt Nam tại Đức. Những quy tắc cũ trước kia
như người nhập cư là sự lựa chọn cuối cùng cho việc thuê lao động của người
bản xứ hay chỉ được làm việc trong các ngành nghề đang thiếu lao động và ưu
tiên việc làm cho công dân người Đức hơn đều bị bác bỏ, thay vào đó họ tập
trung vào việc tuyển chọn nhân tài, bằng cấp của người lao động. Theo luật mới
được ban hành, không chỉ những người Việt Nam tốt nghiệp đại học tại Đức mà
cả những người có bằng học nghề cũng được áp dụng các quy định mới, sau khi
làm việc 2 năm tại Đức sẽ được cấp giấy phép cư trú vô thời hạn.
Trong thời gian sinh sống tại Đức, sinh viên Việt Nam được hưởng các
dịch vụ hỗ trợ sinh viên như giảm tiền ăn tại các nhà ăn sinh viên, giảm vé vào
cửa ở các khu vui chơi giải trí hoặc miễn chi phí khi đi lại bằng các phương tiện
giao thông công cộng trong thành phố, ngoài ra được hưởng các dịch vụ chăm
sóc sức khỏe với mức bảo hiểm tối thiểu. Sau khi tốt nghiệp đại học, sinh viên
Việt Nam có cơ hội được ở lại làm việc tại Đức và sẽ được tạo điều kiện gia hạn
visa. Từ những sự ưu đãi của chính phủ liên bang và cộng đồng đông đúc người
Việt tại Đức đã tạo cơ hội cho những người trẻ sinh sống tại Đức, đặc biệt là
cho du học sinh được phát triển.

7
3.2. Chương trình cứu trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid
19 ở Đức
Đối với cộng đồng người Việt Nam kinh doanh buôn bán ở các thành phố
lớn trên nước Đức như Berlin, Leipzig, München,…khi đại dịch Covid 19 xảy
ra, để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, chính phủ đã ban hành lệnh đóng cửa
các nhà hàng và các cơ sở dịch vụ không thiết yếu dẫn đến việc làm ăn của cư
dân Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Chính phủ Đức đã mở ra gói cứu trợ cho
phép các doanh nghiệp bị tổn thất bởi đại dịch đăng ký khoản vay với hỗ trợ của
nhà nước lên đến 25% doanh thu của họ trước đại dịch, ngoài ra chính phủ cũng
tăng cường hỗ trợ cho cả những người tự kinh doanh và các công ty nhỏ dưới
10 người trong thời điểm này. Không chỉ vậy, trong thời điểm lây nhiễm Covid-
19 lần thứ hai, các doanh nghiệp Việt Nam thuộc lĩnh vực dịch vụ như nhà
hàng chịu ảnh hưởng của lệnh phong toả đã được chính phủ hỗ trợ thêm. Theo
đó, chính phủ sẽ hỗ trợ thêm tiền trợ cấp nuôi con hằng tháng, tiền thuê nhà sẽ
được trợ giúp một phần hoặc hoãn tiền thuế cho các doanh nghiệp nhỏ.

4. Kiều bào tại Đức và những đóng góp tích cực cho quê hương Việt Nam

Kiều bào tại nước ngoài luôn là một bộ phận không thể tách rời với đất
nước. Hưởng ứng tinh thần “tương thân tương ái”, đạo lý “uống nước nhớ
nguồn”, trong những năm trở lại đây, kiều bào tại Đức đã có những đóng góp
nhất định cho công cuộc xây dựng và phát triển quê hương đất nước Việt Nam.

4.1. Cộng đồng người Việt ở Berlin hỗ trợ nhân dân miền Trung khôi phục
sau bão Chanchu

Cách đây 15 năm về trước, tháng 7 năm 2006, các xã thuộc huyện Núi
Thành, Quảng Nam và xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi đã phải vật
lộn với cơn bão Chanchu khiến nhiều ngư dân mất tích và thiệt mạng. Trong
thời gian đó, cơ quan Báo Công An Nhân Dân & Chuyên đề An Ninh Thế Giới
đã nhận được 1.800 Euro (khoảng 35.689.000 đồng) từ Ban Giám đốc cùng Hội

8
Phụ nữ Trung tâm Thương mại Đồng Xuân tại thành phố Berlin, Cộng hòa Liên
Bang Đức nhằm hỗ trợ cho nhân dân vùng lũ. Với số tiền này, văn phòng Báo
phối hợp với Công an các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi mua 10 tấn gạo và
thuyên chuyển về các địa phương.

4.2. Người Việt tại Đức quyên góp 125.000 EURO ủng hộ miền Trung bão lũ
năm 2016

Từ ngày 18 đến ngày 30/10/2016, cộng đồng người Việt Nam tại Đức đã
phát động ủng hộ người dân miền Trung, đặc biệt là các tỉnh chịu nhiều thiệt hại
do những trận mưa kéo dài. Cùng với đó Ban tổ chức của cộng đồng người Việt
ở Đức đã được thành lập tại Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức để quyên góp ủng
hộ cho sự kiện này.

Cuối cùng, sau 2 tuần vận động và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ
bà con kiều bào từ mọi miền nước Đức, Ban tổ chức đã nhận được số tiền ủng
hộ lên tới 125.000 Euro, cùng với đó là 6 suất học bổng học nghề tại Đức dành
cho con em vùng lũ lụt miền Trung có tổng giá trị 45.000 EURO và 120 triệu
VND đồng do công ty TNHH Hợp tác Thương mại Toàn Cầu tài trợ. Ban tổ
chức cũng đã biểu quyết đồng thuận việc cứu trợ bằng tiền mặt cho bà con vùng
lũ tại 4 tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng nhất đó là: Nghệ An - 20.000 EURO;
Hà Tĩnh - 40.000 EURO; Quảng Bình - 40.000 EURO và Quảng Trị - 20.000
EURO*. Ban tổ chức cũng đã thành lập đoàn công tác về tận địa phương, trao
tận tay cho người dân số tiền ủng hộ đầy ý nghĩa này.

*: số tiền được tạm tính tròn

4.3. Kiều bào tại Đức ủng hộ quê hương Việt Nam trong Đại dịch COVID-19

Liên tiếp trong năm 2020 – 2021, cả thế giới phải chống chọi với đại dịch
COVID-19, trong đó có cả Việt Nam và CHLB Đức. Theo thông tin Đại sứ
quán nắm được, kiều bào người Việt và cả một số bạn bè Đức đã ủng hộ các

9
hoạt động chống dịch của Việt Nam hơn 300.000 EURO cùng rất nhiều trang
thiết bị y tế giá trị. Một ví dụ điển hình đó là gia đình ông Trần Đăng Khoa,
người Việt Nam định cư tại Đức đã tặng cán bộ nhân viên Bộ Ngoại giao
26.000 bộ kít xét nghiệm nhanh cho Việt Nam vào ngày 7/9 vừa qua.

Ngoài những đóng góp kể trên, kiều bào Việt Nam tại Đức đã có những
đóng góp hết sức to lớn khác từ khắp mọi miền nước Đức như 517.000 EURO
ủng hộ đồng bào miền Trung trong đợt lũ lụt năm 2020 hay những tổ chức nhỏ
lẻ quyên góp cho hoạt động chống dịch của Việt Nam. Những sự giúp đỡ dù lớn
dù nhỏ của đồng bào xa xứ tại Đức cũng chính là biểu hiện cao đẹp cho tinh
thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc Việt Nam.

5. Nhà nước Việt Nam cần làm gì để người Việt Nam không phải bỏ xứ
sang Đức?

Những hình thức khi người Việt Nam muốn định cư tại Đức là: du học
xong kiếm việc ở lại; đầu tư ra nước ngoài; xuất khẩu lao động; di cư chui; kết
hôn với người nước ngoài/công dân nước sở tại.

5.1. Nguyên nhân khiến người Việt Nam di cư sang Đức

Tại Đức, cơ hội làm ăn và phát triển tài chính cao hơn. Người dân muốn
thế hệ sau được sống trong môi trường tốt hơn vì chương trình giáo dục và y tế
tại Việt Nam được đánh giá là chưa thật sự hiệu quả, giao thông thiếu an toàn, ô
nhiễm môi trường ở mức báo động, môi trường văn hóa-xã hội còn nhiều hạn
chế. Một số gia đình di dân đề cao những Hiến pháp và Pháp lý, đặc biệt về
quyền con người tại Đức. Đối với người dân có hoàn cảnh khó khăn thì xuất
khẩu lao động như một giấc mơ đổi đời và họ sẵn sàng nắm lấy khi có cơ hội
cho dù họ có phải đánh cược mạng sống của mình.

Ngoài ra, người dân không chỉ được tự do di chuyển mà còn được tự do
học tập, làm việc ở bất cứ quốc gia nào trong khối Schengen. Đặc biệt hơn cả,

10
Đức có nền giáo dục tiên tiến, nền y tế phát triển, môi trường sống văn minh –
hiện đại và tấm hộ chiếu quyền lực. Nổi bật là nền kinh tế thịnh vượng và chính
sách phúc lợi tốt nên cơ hội phát triển nghề nghiệp cao.

5.2. Giải pháp cho tình trạng người dân Việt Nam di cư

Đảng và Nhà nước Việt Nam cần có chiến lược đúng đắn cho sự phát
triển kinh tế, phúc lợi và an sinh xã hội, đồng thời đẩy lùi các vấn nạn tiềm tàng
trong xã hội. Nhà nước nên ưu tiên đầu tư nhiều hơn cho giáo dục; cần đổi mới
chương trình, phương pháp dạy và học để người học phát huy tư duy sáng tạo;
cần coi trọng thực hành, ngoại khóa; phát triển đội ngũ giáo viên, coi trọng chất
lượng và đạo đức sư phạm; tăng cường cơ sở vật chất và từng bước hiện đại hóa
nhà trường.

Không những vậy, Nhà nước cần thực hiện đổi mới sáng tạo, thúc đẩy
phát triển và ứng dụng khoa học – công nghệ; xây dựng môi trường hoạt động
công nghệ - khoa học dân chủ, công khai, minh bạch; tạo động lực nền tảng,
quan trọng giúp đất nước phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn mới.

Đảng ta cũng cần hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành
chính sách pháp luật về trọng dụng nhân tài; cũng như tạo môi trường, điều kiện
làm việc thuận lợi (Tổ chức trao đổi và học hỏi, giao lưu với các chuyên gia trên
thế giới để cập nhật tri thức mới, hướng phát triển mới).

Và không kém phần quan trọng, Pháp luật cần được thi hành nghiêm
chỉnh, công bằng để người dân luôn tin tưởng, chấp hành góp phần đảm bảo
quyền lợi của mình và mọi người; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt
động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy
tố, xét xử hành vi tham nhũng một cách kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh về
trách nhiệm hành chính, kinh tế hoặc hình sự, bất kể người đó là ai và ở cương
vị nào.

11
III. Kết luận
Thông qua bài luận, chúng ta đã có được góc nhìn tổng quan về lịch sử
hình thành và phát triển của cộng đồng người Việt Nam tại Đức từ thập niên 70
của thế kỷ trước đến nay. Vượt qua những biến động lớn về chính trị, kinh tế và
xã hội trong mối quan hệ hợp tác giữa Đức và Việt Nam, những rào cản nhất
định về văn hoá, ngôn ngữ với cộng đồng người nước ngoài, người Việt ở Đức
đang ngày càng phát triển lớn mạnh, tạo nên những giá trị về mọi mặt của đời
sống.
Không chỉ vậy, cộng đồng người Việt ở Đức còn có những đóng góp trở
lại cho quê hương không hề nhỏ, chung tay cùng đồng bào trong nước hỗ trợ
chính phủ và nhân dân vượt qua mọi khó khăn, góp phần giúp cho Việt Nam
ngày càng phát triển, phồn thịnh.
Họ chính là cầu nối bền chặt nhất cho mối quan hệ hợp tác chiến lược
giữa Đức và Việt Nam, làm cơ sở cốt lõi để quan hệ đối tác song phương tiếp
tục được xúc tiến trong hiện tại và tương lai.
Tuy vậy, chúng ta vẫn cần nhìn thẳng vào sự thật để thấy được một số lỗ
hổng và đề ra những giải pháp căn cơ giải quyết triệt để. Vấn đề cốt yếu nhất
chính là việc đưa ra những chính sách, giải pháp phù hợp về lâu dài nhằm ngăn
chặn sớm tình trạng “chảy máu chất xám” khi số lượng người Việt di cư sang
nước ngoài nói chung, sang Đức nói riêng đang ngày càng gia tăng. Cần phải có
những ràng buộc và mối liên kết nhất định để thu hút và đảm bảo sự đóng góp
trở lại của người Việt đối với quê hương và không khiến cho họ quay lưng lại
với quốc gia của mình.
Tựu chung lại, phải khẳng định rằng, dù sinh sống và làm việc ở quốc gia
nào, cộng đồng kiều bào Việt ở nước ngoài vẫn sẽ luôn hướng về Việt Nam và
góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

12
IV. Tài liệu tham khảo
1. Ausländer in Deutschland nach Herkunftsland bis 2020:
https://de.statista.com/statistik/daten/studie/1221/umfrage/anzahl-der-
auslaender-in-deutschland-nach-herkunftsland/
2. Noa K. Ha (2020). Vietdeutschland und die Realität der Migration im
vereinten Deutschland https://m.bpb.de/apuz/312269/vietdeutschland-und-
die-realitaet-der-migration-im-vereinten-deutschland
3. Vũ Tùng (13.08.2021) Cộng đồng người Việt tại Đức quyên góp ủng hộ nhân
dân vùng lũ Tây Đức. Vietnamplus. Truy cập ngày 12 tháng 11 năm 2021, từ
https://www.vietnamplus.vn/cong-dong-nguoi-viet-tai-duc-quyen-gop-ung-
ho-nhan-dan-vung-lu-tay-duc/733466.vnp
4. Đại sứ quán nước CHXHCN Việt Nam tại CHLB Đức (2020). Thân thương
những trái tim Việt giữa “bão dịch” trời Âu. Truy cập ngày 12 tháng 11 năm
2021, từ < http://www.vietnambotschaft.org/5571/>
5. Nguyễn Hữu Tráng (2020) Luật nhập cư lao động lành nghề của Đức: Bài
toán thách thức về nhân lực <https://baoquocte.vn/luat-nhap-cu-lao-dong-
lanh-nghe-cua-duc-bai-toan-thach-thuc-ve-nhan-luc-ky-i-110512.html>
6. Đại sứ quán nước CHXHCN Việt Nam tại CHLB Đức (2019). Quan hệ Việt
Nam-CHLB Đức<http://www.vietnambotschaft.org/quan-he-viet-duc/tong-
quan-2/>
7. Minh Trang (2020) Đức gia hạn chương trình cứu trợ các doanh nghiệp bị
ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. TTXVN <https://ncov.vnanet.vn/tin-tuc/duc-
gia-han-chuong-trinh-cuu-tro-cac-doanh-nghiep-bi-anh-huong-boi-dich-
covid-19/e42b04a0-9be1-4391-aeb1-f265d76e03c0>
8. Công An Nhân Dân Online. (06.07.2006). Việt Kiều ở Đức ủng hộ nạn nhân
bão Chanchu 35,6 triệu đồng. Báo Công an Nhân dân điện tử. Truy cập ngày
12.11.2021, từ https://cand.com.vn/nhip-cau-nhan-ai/Viet-Kieu-o-Duc-ung-
ho-nan-nhan-bao-Chanchu-356-trieu-dong-i24430/

13
9. Hùng Lý (20.10.2016). Người Việt ở Đức kêu gọi quyên góp ủng hộ đồng
bào miền Trung gặp lũ. VOV.VN. Truy cập ngày 12.11.2021, từ
https://vov.vn/nguoi-viet/nguoi-viet-o-duc-keu-goi-quyen-gop-ung-ho-dong-
bao-mien-trung-gap-lu-561705.vov
10.Hùng Lý (31.10.2016). Người Việt tại Đức quyên góp được 125.000 euro
ủng hộ bà con vùng lũ. VOV.VN. Truy cập ngày 12.11.2021, từ
https://vov.vn/nguoi-viet/nguoi-viet-tai-duc-quyen-gop-duoc-125000-euro-
ung-ho-ba-con-vung-lu-565146.vov
11. Kiều bào tại Đức tiếp tục viện trợ cho cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại
Việt Nam. (n.d.). Đại sứ quán nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại
Cộng hòa Liên bang Đức. Truy cập ngày 12.11.2021, từ
http://www.vietnambotschaft.org/kieu-bao-tai-duc-tiep-tuc-vien-tro-cho-
cuoc-chien-chong-dich-covid-19/
12.quehuongonline.vn. (08.09.2021). Kiều bào tại Đức trao tặng 26 nghìn bộ kit
xét nghiệm nhanh COVID-19. Báo Dân Vận. Truy cập ngày 12.11.2021, từ
http://danvan.vn/Home/Nguoi-viet-o-nuoc-ngoai/14615/Kieu-bao-tai-Duc-
trao-tang-26-nghin-bo-kit-xet-nghiem-nhanh-COVID-19
13.(TTXVN/Vietnam+). (08.09.2021). Kiều bào tại Đức nhiệt tình ủng hộ hoạt
động hướng về quê hương | Người Việt bốn phương | Vietnam+
(VietnamPlus). VietnamPlus. Truy cập ngày 12.11.2021, từ
https://www.vietnamplus.vn/kieu-bao-tai-duc-nhiet-tinh-ung-ho-hoat-dong-
huong-ve-que-huong/739339.vnp
14. IBID (28.10.2020). Định cư Châu Âu – Xu hướng MỚI của người Việt.
https://ibid.vn/dinh-cu-chau-au-xu-huong-moi-cua-nguoi-viet/
15. Tú Giang (12.14.2020). Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài.
https://dangcongsan.vn/xa-hoi/chien-luoc-quoc-gia-thu-hut-trong-dung-nhan-
tai-569929.html

14
16. Manager (31.03.2019). Vì sao nhiều người Việt muốn định cư ở nước ngoài?
CNW. https://connectnewworld.com/vi-sao-nhieu-nguoi-viet-muon-dinh-cu-
o-nuoc-ngoai-2249.html
17. Trần Quốc Toản (03.11.2020). Đẩy mạnh phát triển khoa học - công nghệ
và đổi mới sáng tạo - một đột phá chiến lược trong giai đoạn mới.
https://tapchicongsan.org.vn/tin-tieu-diem/-/asset_publisher/s5L7xhQiJeKe/
content/day-manh-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-mot-
dot-pha-chien-luoc-trong-giai-doan-moi
18.Vũ Trọng Lâm & Nguyễn Thu Trang (03.2011). Tài liệu bồi dưỡng về
phòng, chống tham nhũng. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật.
19. Trần Khánh Đức (2020). Chính sách quốc gia về giáo dục và phát triển
nguồn nhân lực Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế. Đại
học Quốc gia Hà Nội.
20. VTV4. (12.12.2016). Cộng đồng người Việt tại Đức - Bốn thập kỷ nhập cư
và hòa nhập - Phim Tài Liệu [Video]. YouTube.
https://www.youtube.com/watch?v=V4itLCW7c8M
21. PGS.TS Trần Khánh Đức. (n.d.). CHÍNH SÁCH QUỐC GIA VỀ GIÁO DỤC
VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC VIỆT NAM TRONG QUÁ TRÌNH
ĐỔI MỚI VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ. Đại học Quốc gia Hà Nội.

15

You might also like