You are on page 1of 14

MỘT SỐ LĨNH VỰC PHÁP LUẬT CHUYÊN NGÀNH

(Luật Hiến pháp, Luật Hôn nhân và gia đình)

PHẦN 1.  LUẬT HIẾN PHÁP (Hiến pháp năm 2013)


I. Các nội dung cơ bản của Hiến pháp 2013
Chương I. Chế độ chính trị
Chương II. Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân
Chương III. Kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi
trường
Chương IV. Bảo vệ Tổ quốc
Chương V. Quốc hội
Chương VI. Chủ tịch nước
Chương VII. Chính phủ
Chương VIII. Toà án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân
Chương IX. Chính quyền địa phương
Chương X. Hội đồng bầu cử quốc gia, kiểm toán nhà nước
Chương XI. Hiệu lực của Hiến pháp và việc sửa đổi Hiến pháp
II. Định nghĩa quyền con người, quyền công dân
II.1. Quyền con người
Quyền con người là quyền được thỏa mãn những nhu cầu tối thiểu vốn có của
con người. Quyền con người là những đảm bảo pháp lý phổ quát có tác dụng bảo vệ
các cá nhân và các nhóm nhằm ngăn ngừa những hành vi làm tổn hại đến phẩm giá
con người, những điều được làm và những quyền tự do cơ bản của con người.
(United Nations, Human Rights: Questions and Answers, New York and Geneva,
2006, tr.4).
Theo Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948 và trong nhiều văn
kiện quốc tế, thì quyền con người được khẳng định là các quyền tự nhiên, vốn có và
không thể chuyển nhượng của các cá nhân. 
II.2. Quyền công dân 
Quyền công dân là các quyền con người được mỗi quốc gia thừa nhận và thể
chế hòa vào pháp luật làm cơ sở pháp lý điều chỉnh công dân của quốc gia mình
trong mối quan hệ với các đối tượng khác trong xã hội. Quyền công dân có đặc điểm
gắn với từng hệ thống nhà nước và pháp luật nhất định, mang đặc thù và tính chất
của hệ thống đó.
Quyền công dân là khả năng công dân được thực hiện những hành vi nhất
định theo ý chí, theo nguyện vọng, nhận thức, khả năng lựa chọn của chính mình mà
pháp luật không cấm nhằm đáp ứng nhu cầu, lợi ích của chính công dân đó. Hay nói
khác đi, đó chính là những việc mà công dân – tự khả năng của mình, bằng khả năng
của mình thực hiện một việc cụ thể nào đó ngoại trừ những việc mà pháp luật cấm
không được thực hiện. Quyền công dân được xác định trong Hiến pháp trên các lĩnh
vực chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa, là cơ sở để thực hiện các quyền cụ thể
khác của công dân và cơ sở chủ yếu để xác định địa vị pháp lý của công dân.
III. Các nhóm quyền con người, quyền công dân cơ bản
III.1. Nhóm quyền về chính trị
III.1.1.Định nghĩa
Quyền chính trị của công dân là một trong những quyền con người cơ bản.
Quyền con người bao gồm quyền cá nhân (các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã
hội, văn hóa) cũng như quyền tập thể - quyền của các nhóm xã hội như trẻ em, phụ
nữ, các nhóm thiểu số (về dân tộc, tôn giáo, ngôn ngữ...) và quyền của mỗi dân tộc
(quyền dân tộc tự quyết, quyền đối với tài nguyên thiên nhiên, quyền phát triển...).
III.1.2.Nội dung nhóm quyền về chính trị
Hiện nay Hiến pháp năm 2013 quy định về nội dung các quyền chính trị bao
gồm những quyền và nội dung sau:
Thứ nhất, về quyền bầu cử, ứng cử và quyền tham gia công việc quản lý nhà
nước và xã hội:
Theo Điều 27, 28, 29 Hiến pháp năm 2013, công dân đủ mười tám tuổi trở lên
có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội
đồng nhân dân các cấp. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội.
Công dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân. Theo Điều 6,
Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại
diện.
Ví dụ:
Tham gia xây dựng các quy ước của xã/phường, huyện/quận về nếp sống văn
minh và phòng chống tệ nạn xã hội.
Tham gia bàn bạc, quyết định chủ trường xây dựng các công trình công cộng.
Tham gia góp ý xây dựng, sửa đổi Hiến pháp và pháp luật.
Tố cáo, khiếu nại những việc làm sai trái của các cơ quan quản lý Nhà nước. 
Thứ hai, về quyền tự do ngôn luận, báo chí; quyền tiếp cận thông tin
Theo Điều 25 Hiến pháp năm 2013, công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do
báo chí, tiếp cận thông tin. Nếu như Hiến pháp 1992 chỉ quy định “Công dân có
quyền được thông tin” (Điều 69), thì Hiến pháp năm 2013 tại Điều 25 đã thay chữ
“được thông tin” bằng cụm từ “tiếp cận thông tin”. Nhờ quyền tiếp cận thông tin, mọi
công dân có thể tiếp cận thông tin, cả về các quyền thực định cũng như về hoạt động
tư pháp, để thụ hưởng đầy đủ và bảo vệ các quyền của mình theo Hiến pháp và pháp
luật. 
Thứ ba, về quyền tự do hội họp, lập hội, biểu tình
Quyền này được quy định tại Điều 25, Hiến pháp năm 2013:” Công dân có
quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình.
Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. 
Thứ tư, về quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo
Điều 24, Hiến pháp năm 2013 quy định: Mọi người có quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng
trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn
giáo để vi phạm pháp luật. 
Thứ năm, về quyền bình đẳng của các dân tộc
Theo Điều 5, Hiến pháp năm 2013, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng
và giúp đỡ nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Các
dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những
phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện
chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy
nội lực, cùng phát triển với đất nước. Điều 42 Hiến pháp năm 2013 đã quy định một
quyền mới là: Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ
đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp.
III.2. Nhóm quyền về kinh tế - dân sự
III.2.1.Quyền kinh tế
Quyền kinh tế thể hiện sự đảm bảo chất lượng cuộc sống của mỗi con người
trong xã hội.
Quyền tự do kinh doanh 
  Điều 33 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh
doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Tài sản hợp pháp của cá
nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ.
Quyền tự do kinh doanh đã được cụ thể hóa tại các luật và văn bản dưới luật
có liên quan. Điều 7 và Điều 8 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 ghi nhận quyền tự
do kinh doanh, gồm: Quyền kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không cấm;
chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh, đầu tư; hình thức,
phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn; chủ động mở rộng quy mô ngành,
nghề kinh doanh; tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo yêu cầu kinh doanh;
được Nhà nước khuyến khích ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi tham gia sản xuất,
cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích; chủ động ứng dụng khoa học công nghệ hiện
đại để nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh, chiếm hữu, sử dụng,
định đoạt tài sản của doanh nghiệp.
Quyền có việc làm và phát triển thị trường lao động
Hiến pháp năm 2013 có các quy định cụ thể về lĩnh vực lao động, việc làm
bao gồm các quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc; quyền
được đảm bảo các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ
nghỉ ngơi, đồng thời nghiêm cấm việc phân biệt, cưỡng bức lao động, sử dụng công
nhân dưới độ tuổi lao động tối thiểu (Điều 35 Hiến pháp năm 2013), phù hợp với các
chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực này như quy định tại Công ước quốc tế về các
quyền kinh tế, xã hội và văn hóa.  
III.2.2.Quyền dân sự 
Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 (ICCPR) không
đưa ra khái niệm, mà chỉ liệt kê một loạt các quyền và tự do cơ bản của con người
trên lĩnh vực dân sự. Từ đó, có thể hiểu một cách đơn giản, quyền dân sự là những
quyền cá nhân, gắn chặt với nhân thân của mỗi người, chỉ cá nhân mới có thể sử
dụng độc lập và không thể chuyển giao cho người khác như: quyền sống, quyền tự do
đi lại, cư trú…
 Nội dung các quyền trong Hiến pháp 2013:
Thứ nhất, về quyền sống: Quyền này được quy định tại Điều 19, Hiến pháp
năm 2013: "Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ.
Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật".
Thứ hai, về quyền đời tư: Điều 20 và 21 của Hiến pháp năm 2013 quy định rõ
về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm,
uy tín của cá nhân, quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi
thông tin riêng tư khác của mọi người đều được bảo vệ. 
Thứ ba, về quyền tự do và an ninh cá nhân; quyền không bị tra tấn, truy bức,
nhục hình: Điều 20, Hiến pháp năm 2013 quy định: Mọi người có quyền bất khả xâm
phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không
bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm
phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Không ai bị bắt nếu không
có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát
nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam giữ người do luật định.
Thứ tư, về quyền khiếu nại, tố cáo: Điều 30 của Hiến pháp năm 2013 đã quy
định đầy đủ về quyền này, từ quyền của người dân và trách nhiệm của các cơ quan,
tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho đến
người bị thiệt hại có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục
hồi danh dự theo quy định của pháp luật; và nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại,
tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác.
Thứ năm, về quyền tự do cư trú, đi lại: Hiến pháp năm 2013 quy định: Công
dân có quyền có nơi ở hợp pháp. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở.
Không ai tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Việc
khám xét chỗ ở do Luật định (Điều 22). Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở
trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước (Điều 23).
Thứ sáu, về quyền bình đẳng giới: Theo Điều 26 Hiến pháp năm 2013, công
dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ
hội bình đẳng giới. Nếu Điều 63 của Hiến pháp năm 1992 chỉ quy định nghiêm cấm
mọi hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ, thì Hiến pháp
năm 2013 quy định “nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới” (Điều 26). Quy định này
đã thay đổi quan niệm và cách tiếp cận về bình đẳng giới, từ chỉ bình đẳng với giới
nữ sang bình đẳng với cả giới nam và giới nữ. Chủ thể và nội dung quyền bình đẳng
về giới, do vậy, được mở rộng và làm sâu sắc hơn. 
III.3. Nhóm quyền về tự do
III.3.1. Định nghĩa
Tự do là khái niệm dùng trong triết học chính trị mô tả tình trạng khi cá nhân
không chịu sự ép buộc, có cơ hội để lựa chọn và hành động theo đúng với ý chí
nguyện vọng của chính mình. Nó là tiền đề sinh ra chủ nghĩa tự do theo hướng ý thức
hệ. Quyền tự do là quyền của con người có thể làm mọi điều trong khuôn khổ pháp
luật.
III.3.2.Nội dung quyền tự do
Ở Việt Nam, từ khi thành lập cho đến nay, Nhà nước luôn luôn tôn trọng các
quyền tự do cơ bản của công dân và coi đó là một trong những nguyên tắc xây dựng
pháp luật của Nhà nước. Nhà nước ta đã ghi nhận các quyền tự do cơ bản của công
dân trong Hiến pháp và pháp luật. Mỗi công dân được quyền tự mình lựa chọn và
thực hiện các quyền tự do cơ bản của mình trong khuôn khổ của pháp luật mà không
có sự ngăn cản, hạn chế nào. Các quyền con người, quyền tự do của công dân Việt
Nam do pháp luật quy định gồm có: Quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền có nơi
ở hợp pháp, quyền ,tự do cư trú, tự do kinh doanh, tự do đi lại, tự do tín ngưỡng, tự
do ngôn luận và báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình,tự do nghiên
cứu, sáng tác, tự do lựa chọn nghề nghiệp mưu sinh, tự do hôn nhân…
Theo điều 2 Hiến pháp năm 2013 khẳng định:
“Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã
hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước
thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp
nông dân và đội ngũ trí thức”.
Trong nhà nước pháp quyền, một mặt, pháp luật bảo đảm cho sự phát triển tự
do tối đa của nhân dân, mặt khác pháp luật xây dựng và duy trì xã hội trật tự, ổn
định, trong đó không chỉ mỗi công dân, mỗi cá nhân, mà bản thân nhà nước và những
người đứng đầu chính quyền cũng phải tôn trọng pháp luật. Hai mặt dân chủ và pháp
luật trong Nhà nước pháp quyền gắn bó hữu cơ, làm tiền đề tồn tại cho nhau và tạo
nên bản chất của Nhà nước pháp quyền trong lịch sử nhân loại đúng như Chủ tịch Hồ
Chí Minh chỉ rõ: “Nhà nước bảo đảm quyền tự do dân chủ cho công dân nhưng
nghiêm cấm lợi dụng các quyền tự do dân chủ để để xâm phạm đến lợi ích của Nhà
nước, của nhân dân”.
PHẦN 2. LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH
I. Quan hệ pháp luật về hôn nhân và gia đình
Quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình là quan hệ xã hội được quy phạm
pháp luật hôn nhân và gia đình điều chỉnh. Đó là những quan hệ về nhân thân và về
tài sản phát sinh giữa vợ chồng, cha mẹ và con. Quan hệ pháp luật hôn nhân gia đình
gồm 3 yếu tố: chủ thể, quyền và nghĩa vụ hôn nhân gia đình và khách thể.
II. Các chủ thể trong quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình
Chủ thể của quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình là các cá nhân tham gia
vào quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình có quyền và nghĩa vụ pháp lý nhất định.
Chủ thể của quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình có năng lực pháp luật và năng
lực hành vi.
II.1. Quan hệ giữa cha mẹ và con cái
2.1.1. Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ
Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để
con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo
của gia đình, công dân có ích cho xã hội.
Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con
chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả
năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành
niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.
Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn
nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con
đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không
được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
2.1.2. Quyền và nghĩa vụ của con
Được cha mẹ thương yêu, tôn trọng, thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp về
nhân thân và tài sản theo quy định của pháp luật; được học tập và giáo dục; được
phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức.
Có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ,
giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình.
Con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc
không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì có quyền sống
chung với cha mẹ, được cha mẹ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc.
Con chưa thành niên tham gia công việc gia đình phù hợp với lứa tuổi và
không trái với quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Con đã thành niên có quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, nơi cư trú, học tập,
nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị,
kinh tế, văn hóa, xã hội theo nguyện vọng và khả năng của mình. Khi sống cùng với
cha mẹ, con có nghĩa vụ tham gia công việc gia đình, lao động, sản xuất, tạo thu nhập
nhằm bảo đảm đời sống chung của gia đình; đóng góp thu nhập vào việc đáp ứng nhu
cầu của gia đình phù hợp với khả năng của mình.
Được hưởng quyền về tài sản tương xứng với công sức đóng góp vào tài sản
của gia đình.
2.1.3. Quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con

2.1.3.1. Quyền và nghĩa vụ nhân thân


Cha mẹ có quyền đại diện cho con theo quy định của pháp luật
Cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên, con đã
thành niên mất năng lực hành vi dân sự, trừ trường hợp con có người khác làm giám
hộ hoặc có người khác đại diện theo pháp luật.- Cha hoặc mẹ có quyền tự mình thực
hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con chưa thành niên, con đã thành
niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài
sản để tự nuôi mình.
Đối với giao dịch liên quan đến tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký
quyền sở hữu, quyền sử dụng, tài sản đưa vào kinh doanh của con chưa thành niên,
con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì phải có sự thỏa thuận của cha mẹ.
Cha, mẹ phải chịu trách nhiệm liên đới về việc thực hiện giao dịch liên quan
đến tài sản của con được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này và theo quy định
của Bộ luật dân sự.
Cha mẹ có quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giảo dục con
Cha mẹ có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng,
giáo dục con. Tạo điều kiện cho con được sống trong môi trường gia đình tốt nhất cả
về thể chất và tinh thần. Cha mẹ phải định hướng cho con về lựa chọn nghề nghiệp...
(Điều 71,72 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).
Con có quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ
Pháp luật quy định mối quan hệ giữa cha mẹ và con trên cơ sở hoàn toàn bình
đẳng và dân chủ, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, mang đậm nét truyền thống của
dân tộc Việt Nam. Con cái có nghĩa vụ lắng nghe những lời khuyên bảo của cha mẹ
thể hiện tôn ti trật tự trong gia đình Việt Nam. Bên cạnh đó pháp luật cũng ghi nhận
quyền tự quyết định của người con, không hoàn toàn phụ thuộc vào những ý kiến,
quan điểm của cha mẹ (Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).
Quyền và nghĩa vụ chăm sóc và nuôi dưỡng cha mẹ là quyền bình đẳng đối
với các con, không có sự phân biệt con trai, con gái, con trong giá thú, con ngoài giá
thú. Ngược lại, quyền và nghĩa vụ chăm sóc và nuôi dưỡng con là bình đẳng giữa cha
mẹ. Mọi hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ngược đãi, hành hạ cha mẹ sẽ bị xử
lý theo pháp luật tùy vào mức độ vi phạm.
2.1.3.2. Quyền và nghĩa vụ tài sản
Quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng giữa cha mẹ và con
Quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng là quyền nhân thân gắn liền với
chủ thể và không thể chuyển giao cho người khác. Trong mối quan hệ giữa cha mẹ
và con, với tư cách là con chưa thành niên, khi cha mẹ ly hôn, khi xác định được cha
mẹ cho mình thì người con chưa thành niên đương nhiên được nuôi dưỡng, cấp
dưỡng mà không kèm theo bất kỳ điều kiện nào. Nếu người cha, người mẹ có nghĩa
vụ mà trốn tránh thực hiện nghĩa vụ đó thì người con chưa thành niên sẽ được bảo vệ
quyền được nuôi dưỡng, cấp dưỡng của mình bằng nhiều phương thức khác nhau
theo quy định của pháp luật.
Đối với người đã thành niên với tư cách là con hoặc với tư cách là cha mẹ chỉ
được nuôi dưỡng, cấp dưỡng khi đáp ứng được những điều kiện nhất định, đó là
không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra
Cha mẹ phải bồi thường thiệt hại do con chưa thành niên, con đã thành niên
mất năng lực hành vi dân sự gây ra theo quy định của Bộ luật dân sự.
Cha mẹ có quyền quản lý và định đoạt tài sản của con
Điều 75,76,77 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 ghi nhận một số quyền và
nghĩa vụ liên quan đến tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất
năng lực hành vi dân sự như sau:
Ghi nhận quyền có tài sản riêng của người con.
Người con chưa thành niên được quyền quản lý tài sản riêng của mình hoặc
nhờ cha mẹ quản lý.
Cha mẹ là người quản lý tài sản của con chưa thành niên dưới 15 tuổi hoặc
con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự. Cha mẹ định đoạt tài sản riêng của
con chưa thành niên dưới 15 tuổi hoặc con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự
phải vì lợi ích của người con đó, nếu con từ 9 tuổi trở lên có tính đến nguyện vọng
của người con đó.
Người con chưa thành niên có quyền định đoạt tài sản riêng của mình trừ
trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu,
quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý bằng văn bản
của cha mẹ.
Cha mẹ và con cỏ quyền thừa kế tài sản của nhau
Cha mẹ và con là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của nhau.
Cha mẹ được hưởng tài sản của con không phụ thuộc vào nội dung của di
chúc.
Con chưa thành niên, hoặc con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự
được hưởng tài sản của cha mẹ không phụ thuộc vào nội dung của di chúc.
II.2. Quan hệ giữa vợ và chồng
Nội dung của quan hệ pháp luật giữa vợ và chồng bao gồm các quyền và
nghĩa vụ nhân thân và các quyền và nghĩa vụ tài sản, trong đó quyền và nghĩa vụ
nhân thân là nội dung chủ yếu trong quan hệ vợ chồng.
II.2.1. Quyền và nghĩa vụ về nhân thân
Quyền và nghĩa vụ về nhân thân giữa vợ và chồng là những quyền và nghĩa vụ
mang tính chất tình cảm, tinh thần giữa vợ, chồng và gắn liền với vợ, chồng trong
suốt thời kỳ hôn nhân.
Quyền và nghĩa vụ về nhân thân của vợ, chồng được quy định trong Luật hôn
nhân và gia đình như sau:
2.2.1.1. Tình nghĩa vợ chồng
Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm
sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.
Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa
thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt
động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác.
2.2.1.2. Quyền bình đẳng, tự do, dân chủ của vợ chồng
Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có nghĩa vụ và quyền ngang nhau về mọi mặt
trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định
trong Hiến pháp, Luật Hôn nhân và gia đình và các luật khác có liên quan. Quyền,
nghĩa vụ về nhân thân của vợ, chồng được tôn trọng và bảo vệ.
Quyền tự do lựa chọn nơi cư trú, không bị ràng buộc bởi phong tục, tập quán,
địa giới hành chính.
Vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy
tín cho nhau.
Quyền được lựa chọn nghề nghiệp, học tập và tham gia các hoạt động kinh tế,
chính trị, văn hoá, xã hội trên cơ sở sự bàn bạc, giúp đỡ và tạo điều kiện cho nhau
giữa vợ và chồng. Khi vợ hoặc chồng thực hiện quyền của họ thì người kia không
được có hành vi ngăn cản.
Quyền được tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau; không được cưỡng
ép, cản trở nhau theo hoặc không theo một tôn giáo nào.
II.2.2. Quyền và nghĩa vụ về tài sản
Vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập; thực hiện và chấm dứt giao dịch
mà theo quy định pháp luật và phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng
Vợ, chồng bình đẳng với nhau về: Quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm
hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; Không phân biệt giữa lao động trong gia đình
và lao động có thu nhập. Đồng thời, vợ chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp
ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình
Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết
yếu của gia đình.
Trong trường hợp vợ chồng không có tài sản chung; hoặc tài sản chung không
đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình; thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài
sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên
Việc xác lập; thực hiện; chấm dứt các giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy
nhất của vợ chồng phải có sự thỏa thuận của vợ chồng.
Đối với tài sản mà vợ hoặc chồng có trước khi kết hôn, tài sản được thừa kế
riêng hoặc được cho riêng trong thời kỳ hôn nhân thì người có tài sản đó có quyền
nhập hoặc không nhập vào khối tài sản chung của vợ chồng.
Khi một bên chết trước, nếu cần chia tài sản chung của vợ chồng thì chia đôi.
Phần tài sản của người chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Vợ, chồng có quyền thừa kế tài sản của nhau.
Khi hôn nhân tồn tại, nếu một bên yêu cầu và có lý do chính đáng, thì có thể
chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định ở Điều 42 của Luật này.
Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng
Pháp luật quy định vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:
Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa
vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách
nhiệm;
Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia
đình;
Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;
Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài
sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;
Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân
sự thì cha mẹ phải bồi thường;
Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.
II.2.3. Quyền và nghĩa vụ đại diện cho nhau
Theo pháp luật hôn nhân và gia đình, vấn đề đại diện giữa vợ chồng được quy
định như sau:
Vấn đề đại diện giữa vợ và chồng được xác lập dựa trên các căn cứ sau:
Việc đại diện giữa vợ và chồng trong xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch
được xác định theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, Bộ luật dân sự và các
luật khác có liên quan.
Vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch
mà theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, Bộ luật dân sự và các luật khác có
liên quan phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng.
Vợ, chồng đại diện cho nhau khi một bên mất năng lực hành vi dân sự mà bên
kia có đủ điều kiện làm người giám hộ hoặc khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi
dân sự mà bên kia được Tòa án chỉ định làm người đại diện theo pháp luật cho người
đó, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật thì người đó phải tự mình thực hiện
quyền, nghĩa vụ có liên quan.
Trong trường hợp một bên vợ, chồng mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia
có yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì căn cứ vào quy định về giám hộ trong Bộ luật
dân sự, Tòa án chỉ định người khác đại diện cho người bị mất năng lực hành vi dân
sự để giải quyết việc ly hôn.
Đại diện giữa vợ và chồng trong quan hệ kinh doanh
Pháp luật quy định, trong trường hợp vợ, chồng kinh doanh chung thì vợ,
chồng trực tiếp tham gia quan hệ kinh doanh là người đại diện hợp pháp của nhau
trong quan hệ kinh doanh đó, trừ trường hợp trước khi tham gia quan hệ kinh doanh,
vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc Luật hôn nhân và gia đình và các luật liên quan có
quy định khác.
Trong trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên đưa tài sản chung
vào kinh doanh thì người này có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài
sản chung đó.
Đại diện giữa vợ và chồng trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu,
giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với tài sản chung nhưng chỉ ghi tên vợ hoặc
chồng
Việc đại diện giữa vợ và chồng trong việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao
dịch liên quan đến tài sản chung có giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận
quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên vợ hoặc chồng được thực hiện theo quy định tại
Điều 24 và Điều 25 của Luật hôn nhân và gia đình về căn cứ xác lập đại diện giữa vợ
và chồng và về đại diện giữa vợ và chồng trong quan hệ kinh doanh.
Trong trường hợp vợ hoặc chồng có tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu,
giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản tự mình xác lập, thực hiện và chấm dứt giao
dịch với người thứ ba trái với quy định về đại diện giữa vợ và chồng của Luật hôn
nhân và gia đình thì giao dịch đó vô hiệu, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật
mà người thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền lợi.
II.3. Quan hệ giữa các thành viên khác trong gia đình
Các mối quan hệ khác: Ông bà nội, ông bà ngoại với các cháu; Anh chị em
ruột với nhau; Cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột,...

You might also like