You are on page 1of 4

BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG TRONG THỜI ĐẠI BÙNG NỔ

CỦA THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ


VỀ VẤN NẠN HÀNG GIẢ, HÀNG NHÁI, HÀNG KÉM CHẤT LƯỢNG

“Thương mại điện tử” đã không còn là một khái niệm xa lạ với đông đảo công
chúng, đặc biệt là qua giai đoạn bùng nổ của nó trong đại dịch COVID – 19 vừa qua.
Dưới lệnh giãn cách toàn xã hội, việc mua bán hàng hóa thông qua những sàn
thương mại điện tử đã dần trở nên phổ biến, đáp ứng được tiêu chí về sự tiện lợi, giá
cả phải chăng cũng như tính đa dạng về hàng hóa của người dân. Đó là những ưu
điểm thực sự thu hút người tiêu dùng đến với những sàn giao dịch thương mại điện
tử khiến cho chúng ngày càng được phổ biến rộng rãi, đặc biệt là trong thời đại công
nghệ số hiện nay.
Tuy nhiên, đi cùng với những tiện ích còn là những rủi ro tiềm ẩn khi việc mua
bán này đôi khi nằm ngoài sự giám sát quản lý của các cơ quan chức năng, gây ra
những thiệt hại nhất định cho người tiêu dùng. Thông qua việc lợi dụng tính “ham
rẻ” của phần lớn người dân, số lượng những gian hàng kinh doanh gian lận xuất hiện
trên các trang mạng xã hội là không đếm xuể. Cùng với tính chất là “mua hàng qua
mạng”, ngoài những lời giới thiệu phóng đại về chất lượng sản phẩm, những lời mời
mọc khéo léo, người tiêu dùng khó có thể kiểm chứng được chất lượng thực sự của
sản phẩm, dẫn đến tình trạng khách hàng mua phải hàng nhái, hàng kém chất lượng
mà không hề hay biết hoặc nếu có phát giác thì cũng khó có thể được đổi trả hay
hoàn tiền. Cùng với đó là tình trạng người tiêu dùng có nhu cầu đổi trả hàng nhưng
lại bị từ chối hoặc kéo dài thời gian để giải quyết khiếu nại. Thậm chí, có những
trường hợp giao dịch qua những nền tảng thương mại điện tử uy tín nhưng vẫn
không tránh khỏi hai thiệt hại kể trên. Những điều này cũng làm dấy lên sự e ngại, lo
lắng của người tiêu dùng khi giao dịch qua các sàn thương mại điện tử nếu không
nhanh chóng có những biện pháp khắc phục kịp thời.
Trước tình trạng, những thách thức nêu trên, “Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu
dùng” như một công cụ để thực thi nhiệm vụ bảo vệ đúng quyền lợi mà người tiêu
dùng được hưởng. Luật quy định những nghĩa vụ cũng như quyền cùa người tiêu
dùng trong giao dịch, mua bán hàng hóa. Quyền lợi chỉ được đảm bảo khi người
mua tuân thủ, chấp hành và làm tròn nghĩa vụ được quy định trong Luật. Do đó,
ngoài việc được đáp ứng những quyền lợi tất yếu, người dân cũng cần có ý thức
thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ của bản thân để giảm thiểu tối đa những bất lợi,
thiệt hại cho cá nhân mình.

Về vấn đề chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng có nghĩa vụ kiểm tra hàng
hóa kĩ lưỡng trước khi nhận. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 9 Luật Bảo vệ người tiêu
dùng 2010 quy định người tiêu dùng có nghĩa vụ “Kiểm tra hàng hóa trước khi
nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không
làm tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không
gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác; thực hiện chính
xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ.” Còn trong trường hợp phát giác
những cơ sở kinh doanh các mặt hàng nhái, hàng kém chất lượng, người tiêu dùng
cần “Thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện
hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại
hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng;
hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xâm phạm đến quyền,
lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.” – khoản 2 Điều 9 Luật Bảo vệ người tiêu
dùng có nêu. Đó là trách nhiệm cơ bản của người tiêu dùng để xác thực tính nguyên
vẹn, chính xác của hàng hóa, đặc biệt là đối với những giao dịch thông qua các nền
tảng thương mại điện tử. Trong trường hợp nhận thấy điều bất thường hay lệch
chuẩn nào của hàng hóa nhận được so với những thông tin được đưa ra để quảng bá
về hàng hóa, khoản 6 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 đã quy
định rõ, người tiêu dùng có quyền “Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch
vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng,
công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa,
dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.” Như vậy, có thể thấy nhà
nước ta luôn đặt quyền lợi của người tiêu dùng lên hàng đầu, đề ra những quy định
đảm bảo quyền lợi của người dân luôn được thực hiện.

Trước hết, việc đưa ra những điều luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã
phần nào giúp người dân giảm thiểu tối đa những thiệt hại cá nhân trong giao dịch
thương mại điện tử. Dựa vào những điều luật cụ thể được đưa ra, người tiêu dùng
nắm rõ được quyền lợi và nghĩa vụ của bản thân trong việc bảo vệ quyền lợi của
chính mình. Đặc biệt trong những tình huống người mua gặp bất lợi, những điều
luật này cũng là một công cụ đắc lực để người dân đòi lại các quyền lợi đúng đắn
thuộc về mình. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ số bùng nổ như hiện nay, điều
luật cũng cần sửa đổi dựa trên tình hình giao dịch qua các nền tảng thương mại
điện tử ngày nay.
Đối với vấn đề về chất lượng dịch vụ, từ thực tế chứng minh, việc kiểm định
hàng hóa của người tiêu dùng không phải lúc nào cũng được đáp ứng. Mỗi gian
hàng trên sàn thương mại điện tử đều có những quy định riêng về vấn đề kiểm định
hàng hóa khi đến tay người tiêu dùng. Trong trường hợp có quy định được kiểm
hàng, người mua có thể đảm bảo quyền lợi của cá nhân bằng việc thực hiện đúng
nghĩa vụ đã được nêu rõ trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, với kĩ
thuật làm giả tinh vi như hiện nay, mặc dù đã có quá trình xác minh hàng hóa, một
bộ phận người tiêu dùng vẫn gặp khó khăn trong việc nhận định chất lượng thật sự
của sản phẩm. Vì vậy, khi thực hiện thao tác mua bán, giao dịch trên nền tảng
thương mại điện tử, người dùng cần đưa ra những sự lựa chọn thông thái, không
chỉ thực hiện nghĩa vụ kiểm định hàng hóa, mà còn cần xác minh uy tín của nơi
kinh doanh mặt hàng ấy. Còn trong trường hợp người tiêu dùng không được kiểm
tra hàng hóa trước khi nhận, tức là nghĩa vụ của họ không thực hiện được. Đây là
một bất cập mà có lẽ Luật Bảo vệ người tiêu dùng cần chỉnh sửa để phù hợp với
tình hình thực tế ngày nay. Tuy nhiên, ở trong trường hợp này, người tiêu dùng vẫn
cần đảm bảo thực hiện ghi lại tình trạng hàng hóa sau khi nhận. Trong trường hợp
có sai sót hay nhận hàng hóa kém chất lượng, đó sẽ trở thành bằng chứng xác thực
để người tiêu dùng vẫn có thể đảm bảo quyền lợi của mình được đáp ứng.
Như vậy, quyền lợi của người tiêu dùng luôn cần được đảm bảo. Điều này
được thực thi bởi pháp luật, cũng như mỗi cá nhân đều phải thực hiện đúng nghĩa
vụ của người tiêu dùng đã được quy định bởi pháp luật để giảm thiểu tối đa những
thiệt hại không mong muốn.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010

You might also like