You are on page 1of 13

CHẨN ĐOÁN VÀ XỬ TRÍ ĐAU BỤNG CẤP

PGS. TS. BS. Phạm Văn Năng


Mục tiêu:
Sau khi học xong, sinh viên có thể:
1. Định nghĩa và phân loại đau bụng cấp
2. Trình bày được cơ chế và bệnh sinh của các loại đau bụng cấp
2. Tiếp cận, chẩn đoán và xử trí một số NN gây đau bụng cấp thường gặp
I. ĐẠI CƯƠNG
Đau bụng cấp là một tình trạng bệnh lý thường gặp. Đau bụng cấp cũng là nguyên
nhân (NN) khiến bệnh nhân (BN) lo lắng bởi vì có thể là biểu hiện đầu tiên của một bệnh
lý nghiêm trọng và có thể phải phẫu thuật.
Ngoài NN ngoại khoa, còn có nhiều NN gây đau bụng cấp khác, bao gồm cả những
bệnh lý nội khoa và thậm chí không có nguồn gốc từ các tạng trong ổ bụng. Mặc dù các
cận lâm sàng hỗ trợ chẩn đoán ngày càng tiên tiến, việc hỏi bệnh sử và thăm khám vẫn
đóng vai trò quyết định giúp chẩn đoán sớm và đưa ra hướng xử trí phù hợp và kịp thời.
II. CƠ CHẾ CỦA ĐAU BỤNG
1. Cơn đau tạng
Thần kinh giao cảm thuộc đám rối tạng chi phối các quai ruột, nên cơn đau tạng có
vị trí rất khó xác định và thường nằm dọc theo đường giữa bụng. Sự căng trướng của bao
gan, thường gặp trong viêm gan cấp, cũng gây nên cảm giác đau tương tự.
2. Cơn đau thành (đau kiểu phúc mạc)
Phúc mạc (PM) thành, được chi phối bởi các sợi thần kinh cảm giác đau hướng tâm
về tủy sống. Do đó, khi PM thành bị viêm sẽ gây nên cơn đau khu trú ở vị trí tổn thương.
3. Cơn đau quy chiếu
Đau quy chiếu là cảm giác đau ở xa vị trí tổn thương. Ví dụ điển hình là cảm giác
đau ở bả vai, khi lá PM thành ở mặt dưới cơ hoành trái bị kích thích bởi máu hay dịch. PM
ở vùng này cùng được chi phối bởi các thần kinh thân thể (C4) giống như vùng da ở bả vai
(bệnh lý của gan, túi mật và cơ hoành phải). Đau lên vai trái: NN có thể bệnh của tim, đuôi
tụy, lách và cơ hoành trái. Đau lan xuống bìu và tinh hoàn: bệnh của niệu quản.
Đề kháng thành bụng xuất hiện do phản xạ co các cơ thành bụng để đáp ứng lại với
một kích thích ở các sợi thần kinh cảm giác đau ở vùng da tương ứng.
III. SINH LÝ BỆNH CỦA CƠN ĐAU BỤNG CẤP
Các NN chủ yếu gây đau bụng cấp bao gồm viêm nhiễm, tắc nghẽn, thiếu máu hoặc
tăng áp lực các tạng đặc.
3.1. Viêm nhiễm cấp tính
- Viêm nhiễm cấp tính các tạng trong xoang PM
- Viêm nhiễm của các tạng không nằm trong PM
3.2. Tắc nghẽn: Tắc ruột hay tắc mật
3.3. Thiếu máu
Thiếu máu mô sẽ gây chết tế bào (nhồi máu). Thiếu máu động mạch (ĐM) do sự
tắc nghẽn nguồn máu nuôi quai ruột, do huyết khối hoặc do cung lượng máu thấp. Trong
trường hợp này, đau diễn ra đột ngột, chỉ trong vài phút, dữ dội và liên tục (kiểu đau tạng).
Trong khi đó, diễn tiến của thiếu máu tĩnh mạch (TM) thì chậm hơn, do đó đau
cũng khởi phát chậm. Ngoài đặc điểm này thì các tính chất khác đều giống với cơn đau do
thiếu máu ĐM.
3.4. Tăng áp lực tạng đặc

1
Sự to lên đột ngột của các tạng đặc có thể gây nên cơn đau kiểu đau tạng do căng
lớp bao quanh các tạng đó. Cơn đau mơ hồ và dai dẳng với mức độ đau phụ thuộc vào tốc
độ và mức độ phù nề của tạng (xuất huyết trong nang buồng trứng, hoại tử u gan di căn
hoặc huyết khối TM cửa do suy tim phải...).
IV. ĐÁNH GIÁ LÂM SÀNG
Về lâm sàng, khi tiếp cận một BN đau bụng cấp, cần phải đạt được 4 mục tiêu:
1. Làm giảm các triệu chứng
2. Nhanh chóng chẩn đoán và điều trị các trường hợp đe dọa đến tính mạng BN
3. Chẩn đoán và điều trị sớm để phòng ngừa biến chứng
4. Cần chẩn đoán sớm các trường hợp có NN đặc hiệu thay vì chỉ điều trị triệu
chứng
Bảng 1: Sự tương quan giữa vị trí, kiểu đau và các cơ quan bệnh
Vị trí Kiểu đau Cơ quan bệnh2
Lan tỏa toàn bụng PM PM
Thượng vị Liên tục Dạ dày
Liên tục Tá tràng
Liên tục Tụy
Liên tục Đường mật
Hạ sườn phải Liên tục hoặc đau kiểu PM1 Gan
Liên tục hoặc đau kiểu PM Túi mật
Liên tục Tá tràng
Giữa bụng/ Quanh rốn Quặn từng cơn Ruột non
Liên tục ĐM chủ
Hố chậu phải PM Ruột thừa
Liên tục hoặc đau kiểu PM Ruột non
PM Manh tràng
Liên tục hoặc đau kiểu PM Buồng trứng
Liên tục hoặc đau kiểu PM Vòi tử cung
Hố chậu trái PM Đại tràng sigma
Liên tục hoặc đau kiểu PM Buồng trứng
Liên tục hoặc đau kiểu PM Vòi tử cung
Bụng dưới/ Liên tục hoặc đau kiểu PM Đại tràng
Trên xương mu/ Hạ vị Liên tục Bàng quang
Liên tục hoặc quặn từng cơn Tử cung
1
Đau kiểu PM là kiểu đau liên tục, tăng lên khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi
2
In nghiêng là các tạng ngoài đường tiêu hóa

4.1. ĐAU LAN TỎA KHẮP BỤNG


Các NN đau bụng cấp toàn thể được liệt kê trong bảng 2. Vấn đề đầu tiên là cần
phải xem xét có phải BN nhân đang có một bệnh lý trong ổ bụng hay không? Trong đa số
trường hợp, việc phân biệt đau bụng do bệnh lý với đau không có NN đặc hiệu tương đối
đơn giản. Như đã nêu trong bảng 2, BN với bệnh lý ổ bụng thường biểu hiện VPM toàn
thể, với dấu cảm ứng PM, đề kháng thành bụng, phản ứng dội và mất âm ruột. Trong
trường hợp tắc mạch hay huyết khối mạch mạc treo, có rất ít dấu hiệu giúp chẩn đoán, đặc
biệt trong giai đoạn sớm khi các quai ruột chưa bị hoại tử. Trong khi đó, các dấu hiệu
thành bụng trong viêm tụy cấp thường nhẹ.

2
Bảng 2: Các nguyên nhân gây đau lan tỏa khắp bụng cấp tính
Nguyên nhân Các dấu hiệu thành bụng Các dấu hiệu kèm theo
Không đặc hiệu Nhẹ hoặc không có Không có
Thủng ổ loét dạ dày – tá tràng VPM toàn thể ± Nhiễm trùng ± Sốc
Hoại tử thủng ruột thừa VPM toàn thể ± Nhiễm trùng ± Sốc
Thai ngoài tử cung vỡ VPM toàn thể ± Sốc
Vỡ tạng đặc bệnh lý ± Khối trong ổ bụng/ ± Sốc
Tạng phì đại
Vỡ phình ĐM chủ bụng Khối trong ổ bụng ấn đau, Sốc
nảy theo mạch
Xoắn ruột VPM khu trú/ toàn thể Tắc ruột ± Nhiễm trùng ±
Sốc
Huyết khối hoặc thuyên tắc Ban đầu không/ ít có dấu hiệu Rung nhĩ hoặc nhồi máu
mạch mạc treo tràng trên cơ tim ± Sốc
Viêm đại tràng thiếu máu Thường không nặng trừ khi Tiêu chảy phân máu,
nhồi máu xuyên thành ruột rung nhĩ hoặc nhồi máu
cơ tim
Viêm tụy Có thể ít có dấu hiệu ± Sốc

BN thường biểu hiện sốc nếu có tình trạng mất máu hoặc mất nước, bao gồm: mạch
nhanh, huyết áp tụt, thiểu niệu và co mạch ngoại biên. Da niêm nhợt là biểu hiện của mất
máu. Mất nước biểu hiện bằng lưỡi khô, giảm độ đàn hồi của da, mắt trũng. Dấu hiệu của
sốc nhiễm trùng gram âm có đôi chút khác biệt: BN dãn mạch ngoại biên, biểu hiện mạch
dội (bounding pulse), chi ẩm và ấm. Tiền sử, bệnh sử và các dấu hiệu đi kèm giúp phân
biệt các bệnh lý có thể tham khảo trong bảng 3.
Xử trí một bệnh lý bụng ngoại khoa nặng bao gồm nhanh chóng đưa BN nhập viện,
hồi sức hô hấp-tuần hoàn, đánh giá bằng các cận lâm sàng cơ bản tùy thuộc vào mức độ
nghiêm trọng của bệnh và thám sát ổ bụng sớm trong đa số các trường hợp. Các bệnh lý
chưa cần thám sát ổ bụng sớm bao gồm viêm đại tràng thiếu máu và viêm tụy cấp.

Bảng 3: Các thông tin giúp chẩn đoán các bệnh nặng trong ổ bụng
Bệnh Tiền sử/bệnh sử Dấu hiệu đi kèm
Thủng ổ loét dạ dày – tá tràng Khó tiêu hoặc loét dạ dày – tá Gõ mất vùng đục trước gan
tràng đã được chẩn đoán Đau nhiều nhất thượng vị
Hoại tử ruột thừa Bệnh sử VRT điển hình Đau nhiều nhất hố chậu phải
Hoại tử thủng túi thừa Có tiền sử bệnh lý túi thừa Gõ mất vùng đục trước gan
Đau nhiều nhất hố chậu trái
Vỡ phình mạch Đau lưng gần đây Khối ấn đau giữa bụng, nảy
Có tiền sử bệnh tim mạch khác theo nhịp mạch + bệnh lý
mạch máu khác
Vỡ các tạng đặc bệnh lý Tùy cơ quan Tùy cơ quan
Thai ngoài tử cung vỡ Trễ kinh Đau nhiều hạ vị + Khối
vùng chậu ấn đau khi thăm
âm đạo
Xoắn ruột Thoát vị Khối thoát vị ấn đau

3
Tiền sử phẫu thuật bụng Sẹo mổ vùng bụng
Huyết khối hoặc thuyên tắc Rung nhĩ Bệnh lý mạch máu
mạch mạc treo tràng trên Nhồi máu cơ tim
Các bệnh mạch máu khác
Viêm đại tràng thiếu máu Các bệnh mạch máu khác Tiêu chảy phân máu
Cung lượng tim thấp gần đây
Viêm tụy cấp Nghiện rượu Đau nhiều thượng vị, bụng
Sỏi mật trái

Các cận lâm sàng thường được thực hiện được liệt kê trong bảng 4, giúp chẩn đoán
và hỗ trợ điều trị. Liềm hơi dưới hoành gợi ý thủng tạng rỗng. Đây là dấu hiệu thường gặp
trong thủng ổ loét dạ dày-tá tràng (> 80% các trường hợp), ít gặp hơn trong các trường hợp
thủng túi thừa (50%) và rất hiếm gặp trong hoại tử thủng ruột thừa. Xét nghiệm amylase là
rất cần thiết cho tất cả các BN đau bụng lan tỏa để tránh trường hợp chỉ định thám sát ổ
bụng không cần thiết ở BN viêm tụy cấp.

Bảng 4: Các cận lâm sàng giúp chẩn đoán trên BN đau bụng lan tỏa
Cận lâm sàng Kết quả
Thường quy:
X-quang ngực thẳng Liềm hơi dưới hoành
Xẹp phổi
Đông đặc phổi
X-quang bụng tư thế đứng/ nằm ngửa Chướng ruột non hoặc đại tràng
Dày thành ruột
Hơi trong thành ruột
Vôi hóa túi phình
Nồng độ hemoglobin Thiếu máu
Cô đặc máu
Công thức bạch cầu Công thức bạch cầu chuyển trái
Điện giải đồ Hạ Kali máu
Nồng độ urea & creatinine máu Suy thận
Nồng độ amylase huyết thanh Amylase tăng cao gợi ý viêm tụy cấp, tăng nhẹ trong
tắc ruột non, viêm túi mật cấp, nhồi máu mạc treo
Tùy vào bệnh cảnh:
Chụp dạ dày có Gastrograffin uống Chẩn đoán thủng tá tràng
Nồng độ β-hCG Tăng trong thai ngoài tử cung
Siêu âm ổ bụng Chẩn đoán xác định vỡ túi phình ĐM khi nghi ngờ và
tình trạng BN ổn định
Thấy được dịch ổ bụng
CT scan Chẩn đoán xác định vỡ túi phình ĐM khi nghi ngờ và
tình trạng BN ổn định
Chẩn đoán xác định viêm tụy cấp
Chụp dạ dày có bơm Gastrograffin “Dấu ấn ngón tay” do phù nề niêm mạc ruột

Điều trị đặc hiệu các trường hợp gây đau bụng lan tỏa
4.1.1. Thủng ổ loét dạ dày - tá tràng

4
Điều trị ban đầu bao gồm truyền dịch, đặt thông dạ dày, sử dụng kháng sinh phổ
rộng. Sau đó, có thể khâu lỗ thủng qua nội soi hoặc mổ mở và rửa bụng.
Không cần thiết phải thực hiện các phẫu thuật điều trị loét, vì sau khi giải quyết
được lỗ thủng, có thể tiếp tục điều trị nội khoa.
4.1.2. VPM ruột thừa
Kháng sinh, truyền dịch và chỉ định mổ cắt ruột thừa.
4.1.3. Hoại tử thủng túi thừa
Điều trị bằng mổ mở hoặc mổ nội soi cắt túi thừa hoặc cắt đoạn ruột có chứa tổn
thương. Đa số trường hợp thủng túi thừa đại tràng sigma phải cắt đoạn đại tràng, mở đầu
trên làm hậu môn nhân tạo và đóng đầu dưới (PT Hartmann) do đại tràng không sạch phân.
4.1.4. Vỡ túi phình ĐM chủ bụng
BN thường lớn tuổi có các yếu tố nguy cơ của bệnh lý mạch máu. Đau dai dẳng
giữa bụng, khác kiểu đau của PM và thường lan ra sau lưng. BN có thể bị sốc. Khám thấy
một khối đau, nảy theo mạch ở thành bụng. Các dấu hiệu của VPM biểu hiện không rõ.
Nếu chưa thể chẩn đoán dựa vào lâm sàng và BN có tình trạng huyết động ổn định thì có
thể siêu âm, chụp X-quang bụng thẳng cho hình ảnh vôi hóa của khối phình, hoặc chụp cắt
lớp vi tính thấy được cả hình ảnh khối phình và hiện tượng thoát mạch ở sau PM. Điều trị
bằng phẫu thuật cấp cứu đặt mảnh ghép.
4.1.5. Thai ngoài tử cung vỡ
Nên nghi ngờ chẩn đoán trên một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có hiện tượng trễ
kinh. Các biểu hiện của thành bụng rõ rệt nhất ở vùng bụng dưới. BN có thể có sốc. Xét
nghiệm nồng độ beta hCG tăng. Xử trí bằng PT cấp cứu lấy bỏ khối thai ngoài.
4.1.6. Xoắn ruột, thắt ruột
Bệnh có thể được chẩn đoán khi thám sát ổ bụng trên những BN có biểu hiện VPM
và không đáp ứng với thuốc giảm đau hướng thần. Vị trí biểu hiện triệu chứng rõ rệt nhất
trên thành bụng phụ thuộc vào vị trí của quai ruột bị nghẹt. Có thể có các triệu chứng kèm
theo như tắc ruột non. Trên phim X-quang bụng không chuẩn bị, quai ruột bị thắt có hình
ảnh dày thành do phù nề. Ngoài ra, có thể có các hình ảnh của tắc ruột non.
Trong trường hợp đã tháo xoắn nhưng quai ruột vẫn có biểu hiện thiếu máu cần phải cắt
đoạn ruột tổn thương.
4.1.7. Vỡ tạng bệnh lý
Biểu hiện lâm sàng, cận lâm sàng và điều trị tùy thuộc vào độ nặng của tạng bị tổn thương.
Như trong vỡ lách có thể điều trị bảo tồn không mổ, cắt lách bán phần hay cắt toàn bộ lách.
Vỡ nang buồng trứng cần phải cắt bỏ nang hoặc cắt phần phụ. U tuyến gan vỡ cần phải
phẫu thuật cắt gan.
4.1.8. Thiếu máu ruột non mức độ nặng
Có hai lựa chọn điều trị ban đầu cho hoại tử ruột non trên diện rộng:
1. Cắt bỏ đoạn ruột đến qua vị trí bị hoại tử và nối lại. Sau đó BN được điều trị bằng kháng
đông để ngăn chặn sự lan rộng của huyết khối. Sau 24 giờ thường phải thám sát ổ bụng lại
để đánh giá sự tái tưới máu của đoạn ruột còn lại.
2. Chỉ mở bụng thám sát. Một số BN già yếu hoặc thể trạng nặng sau khi cắt ruột sẽ ảnh
hưởng nặng nề đến chất lượng sống. Cho nên, trong những trường hợp này không tiến
hành cắt nối ruột.
Sau giai đoạn phục hồi ban đầu sau mổ, nếu đoạn ruột còn lại dài hơn 45 cm, sẽ có sự tăng
dung nạp bù trừ để đảm bảo dinh dưỡng hấp thu qua đường tiêu hóa. Những BN có đoạn
ruột còn lại ngắn hơn mức này thường phải phụ thuộc vào dinh dưỡng qua TM trong thời
gian dài.

5
Huyết khối TM mạc treo tràng trên thường chỉ được chẩn đoán qua thám sát ổ bụng.
Nguyên tắc điều trị giống như thiếu máu do ĐM. Sau khi BN phục hồi, phải tầm soát các
NN gây bệnh, bao gồm thuốc viên tránh thai, thiếu yếu tố kháng thrombin III, thiếu protein
S và protein C...
4.1.9. Viêm đại tràng thiếu máu
Có thể chẩn đoán dựa vào triệu chứng tiêu chảy phân có máu. Trên phim X quang có thể
thấy phù nề trên diện rộng và hình ảnh “dấu ấn ngón tay cái” ở đại tràng trái. Bệnh thường
đáp ứng với điều trị nội khoa. Nếu trong giai đoạn theo dõi, các dấu hiệu thành bụng trở
nên rõ ràng hoặc BN có dấu hiệu nhiễm trùng huyết, thì phải tiến hành thám sát ổ bụng để
loại trừ trường hợp VPM do thủng tạng rỗng đồng thời cắt đoạn đại tràng tổn thương theo
kiểu Hartmann. BN sẽ được đóng hậu môn nhân tạo sau khi phục hồi. Chống chỉ định với
các liệu pháp kháng đông trong giai đoạn sớm vì nguy cơ xuất huyết đại tràng ồ ạt.
4.1.10. Viêm tụy
Được đề cập trong phần đau thượng vị
4.2. ĐAU QUẶN BỤNG CẤP
Các NN gây đau quặn bụng cấp được liệt kê trong bảng 5, phổ biến nhất là viêm dạ dày-
ruột cấp, ngộ độc thức ăn, táo bón và các bệnh lý của tử cung. Các bệnh nặng có khả năng
gây tử vong bao gồm tắc ruột non và đại tràng.

Bảng 5: Các NN gây đau quặn bụng cấp


Viêm dạ dày ruột cấp
Ngộ độc thực phẩm
NN không đặc hiệu
Táo bón
Hẹp môn vị:
 Loét dạ dày – tá tràng mạn tính
 Ung thư dạ dày
Tắc ruột non
 Do dính (sau phẫu thuật, viêm, xạ trị, túi thừa Meckel, di căn)
 Chít hẹp (thiếu máu, xạ trị, viêm)
 Thoát vị (thoát vị thành bụng, thoát vị nội)
 Lồng ruột (do u)
 Hội chứng động mạch mạc treo tràng trên
 Khối u (u cơ trơn, carcinoid, ung thư tuyến)
 Dị vật (sỏi, thức ăn)
Tắc đại tràng
 Ung thư đại tràng
 Bệnh lý túi thừa
 Xoắn đại tràng
Tử cung
 Sẩy thai không trọn
 Sinh đẻ
 Thống kinh

4.2.1.Tắc ruột

6
Bốn triệu chứng chính của tắc ruột hoàn toàn nhưng chưa có biến chứng là đau
quặn bụng, nôn ói, chướng bụng và bí trung đại tiện. Nếu tắc chưa hoàn toàn, thì BN sẽ
tiêu lỏng thay vì bí trung đại tiện. Chẩn đoán phân biệt với bán tắc ruột là viêm dạ dày ruột
cấp. Nếu tắc đại tràng, bụng sẽ chướng nhiều và BN thường ít nôn ói hoặc nôn muộn;
ngược lại, bụng ít chướng khi tắc ruột non ở đoạn cao nhưng bệnh sẽ nôn sớm và dữ dội.
Dịch nôn, ban đầu sẽ có màu vàng của dịch mật nhưng sau đó sẽ xuất hiện dịch phân nếu
tình trạng tắc ruột tiếp tục tiến triển. Nếu tắc ruột không được điều trị sẽ xảy ra hiện tượng
liệt ruột và không còn hiện tượng tăng nhu động, có thể tiến triển sang thắt ruột hoặc thủng
ruột. Nếu cơn đau không giảm sẽ trở nên đau liên tục và đau kiểu PM.
a. Tắc ruột non
NN gây tắc ruột non phổ biến nhất là do dính ruột từ các lần phẫu thuật bụng trước đó. NN
phổ biến thứ hai là thoát vị, thường là ở bẹn hoặc đùi. Hỏi bệnh không chỉ giúp chẩn đoán
tắc ruột mà còn gợi ý được NN gây tắc.
Thăm khám lâm sàng phải xác định được:
1. Các dấu hiệu của tắc ruột (chướng bụng, gõ vang, tăng âm ruột)
2. NN gây tắc ruột (phát hiện được sẹo mổ trước đó thì khả năng cao là do dính, khối thoát
vị không đẩy lên được, khối u thành bụng, lồng ruột, bệnh Crohn, hoặc đám quánh của ruột
thừa hoặc túi thừa, hoặc, máu lẫn với đàm khi thăm trực tràng trong trường hợp lồng ruột).
3. Mức độ mất nước, để có thể bù dịch kịp thời
4. Các dấu hiệu khi có biến chứng (VPM khu trú, ấn đau khối thoát vị không đẩy lên
được), hoặc dấu hiệu nhiễm trùng toàn thân (sốt nhẹ và mạch nhanh).
Cận lâm sàng đặc hiệu
1. X quang bụng đứng không chuẩn bị cho hình ảnh các quai ruột non dãn với mức nước –
hơi và không thấy được hơi đại tràng. Hiếm khi thấy được NN gây tắc.
2. Thay đổi công thức bạch cầu, chẳng hạn như bạch cầu chuyển trái, có thể là dấu hiệu
của thiếu máu nuôi ruột.
Điều trị
Sau khi xử trí ban đầu bằng truyền dịch và đặt thông dạ dày giải áp, có thể phải nhanh
chóng thám sát ổ bụng. Cần chỉ định thám sát ổ bụng sớm khi có các yếu tố sau:
1. Các dấu hiệu hoại tử ruột: đau liên tục, đề kháng thành bụng, mạch nhanh không rõ NN
(> 100 lần/phút), sốt (> 37,8⁰C), tăng bạch cầu.
2. Không có tiền sử phẫu thuật bụng trước đó
3. Không rõ NN
Một khối thoát vị không đẩy lên được có thể được phục hồi mà không cần phải mở bụng.
Nếu quyết định điều trị không mổ, cần phải thường xuyên theo dõi xem tiến triển bệnh có
xấu đi hay không. Nếu tình trạng bệnh không tiến triển sau 48 giờ theo dõi cần phải thám
sát ổ bụng. Thời gian theo dõi và điều trị bảo tồn có thể kéo dài nếu nghĩ NN do viêm ruột
do xạ trị, bệnh Crohn hoặc quai ruột non nằm trong một đám quánh túi thừa.
b. Tắc đại tràng
Có ba NN gây tắc đại tràng phổ biến: ung thư đại tràng (chiếm tỷ lệ 75%), bệnh lý túi thừa
(15%), xoắn đại tràng sigma hoặc manh tràng (5%).
Khi xử trí một BN có biểu hiện tắc đại tràng rõ rệt trên lâm sàng và cận lâm sàng, cần phải
khẳng định chắc chắn rằng đó không phải là do táo bón hay giả tắc đại tràng cấp tính, vì
các NN này có thể điều trị nội khoa.
Táo bón: khám trực tràng sẽ thấy bóng trực tràng chứa phân, ngược lại, bóng trực tràng
rỗng trong tắc ruột. Nếu nghĩ NN do táo bón, có thể chỉ định thụt rửa trực tràng. Nếu vẫn
còn nghi ngờ chẩn đoán, có thể chỉ định chụp đại tràng cản quang bơm qua ngả hậu môn.

7
Giả tắc đại tràng cấp (hội chứng Ogilvie) thường xuất hiện thứ phát ở những BN nhiễm
khuẩn huyết, viêm tụy cấp, rối loạn điện giải, suy thận, tổn thương tủy sống hoặc đang
trong giai đoạn hậu phẫu. Do giả tắc đại tràng có biểu hiện giống như tắc ruột thực sự, cho
nên cần phải loại trừ, thường là qua phim chụp đại tràng cản quang. Nếu NN là do giả tắc
đại tràng, thì đôi khi chụp cản quang đại tràng có thể làm cho nhu động ruột trở lại bình
thường do hoạt tính của thuốc cản quang. Giả tắc đại tràng thường đáp ứng với điều trị nội
trong vòng 48 đến 96 giờ. Điều trị bao gồm bù dịch, điều chỉnh các rối loạn điện giải,
ngưng các thuốc nghi ngờ là NN, chẳng hạn như an thần hoặc chống trầm cảm; kích thích
nhu động ruột bằng dung dịch thụt rửa có chứa phosphate và giải áp đại tràng qua nội soi.
Khi chức năng của van hồi-manh tràng vẫn còn nguyên vẹn, dịch chất tại chỗ tắc không thể
trào ngược lên ruột non trong hơn 50% các trường hợp, đây là hiện tượng tắc ruột quai kín.
Đại tràng dãn nhiều nhất trên chỗ tắc là ở vị trí của manh tràng và đại tràng lên. Thủng đại
tràng thường biểu hiện bằng đề kháng khu trú thành bụng. Một dấu hiệu dự đoán thủng đại
tràng là quai ruột dãn trên 10 cm trên phim X quang bụng đứng không chuẩn bị. Xoắn đại
tràng hoặc manh tràng là một trường hợp tắc ruột kín có thể gây thủng nếu chẩn đoán trễ.
Chẩn đoán và điều trị tắc đại tràng
Ung thư đại tràng: Chủ đề này sẽ được đề cập chi tiết trong bài Ung thư đại tràng. Trước
khi có biểu hiện tắc ruột hoàn toàn, BN thường có những đợt bán tắc trước đó vài tuần. Vị
trí u thường gặp ở đại tràng sigma hoặc đại tràng xuống. Nếu tắc ruột do ung thư ở đại
tràng phải có thể cắt đoạn đại tràng nối ngay. Các trường hợp tắc ở đại tràng trái đến chậu
hông thì có thể cắt nối ngay nếu trước đó đã cắt đại tràng phải. Trong trường hợp không
chuẩn bị ruột, nếu phải thực hiện miệng nối thì cần phải mở đại tràng hoặc mở hồi tràng dự
phòng hoặc rửa đại tràng trong lúc mổ. Một lựa chọn khác là cắt bỏ đoạn ruột chứa u sau
đó mở đầu trên ra làm hậu môn nhân tạo (phẫu thuật Hartmann).
Bệnh túi thừa: Bệnh lý túi thừa thường hiếm khi gây tắc đại tràng hoàn toàn. BN thường
có tiền sử viêm túi thừa đại tràng nhiều đợt trước khi có triệu chứng tắc ruột. Có thể chẩn
đoán phân biệt tắc ruột do u đại tràng sigma hay do bệnh lý túi thừa qua nội soi đại tràng.
Cắt đoạn đại tràng là phương pháp dự phòng khi tình trạng tắc ruột không đáp ứng với điều
trị nội khoa, bao gồm kháng sinh liệu pháp và cho ruột nghỉ ngơi.
Xoắn đại tràng sigma và manh tràng: Xoắn đại tràng sigma thường gặp ở người lớn tuổi,
có tiền sử táo bón mạn tính và nằm viện lâu ngày. BN thường biểu hiện chướng bụng rõ
nhưng ít khi nôn ói và không đau bụng nhiều. Chẩn đoán xác định bằng phim X quang
bụng không chuẩn bị có thể thấy quai ruột ở hố chậu trái dãn to đến hạ sườn phải cùng
hình ảnh hạt cà phê đặc trưng. Chụp đại tràng cản quang cho hình ảnh mỏ chim. Có thể
giải áp qua nội soi đại tràng sigma ống cứng bằng cách nhẹ nhàng đặt một thông trực tràng
qua vị trí xoắn. Đại tràng có thể tự tháo xoắn sau hai đến năm ngày, sau đó có thể rút thông
trực tràng. Do bệnh có xu hướng tái phát thường xuyên, cho nên khuyến cáo phẫu thuật cắt
đoạn đại tràng.
Xoắn manh tràng là tình trạng manh tràng, đại tràng lên và đoạn cuối hồi tràng bị xoắn do
mạc treo quá dài. Đối tượng thường gặp là người trẻ tuổi. Trên X quang có thể thấy manh
tràng dãn to từ hố chậu phải đến góc lách. Xoắn manh tràng có thể điều trị qua nội soi đại
tràng ống mềm hoặc phẫu thuật cắt đoạn ruột, hoặc tháo xoắn và cố định manh tràng.
4.2.2. Hẹp môn vị
Xem chi tiết trong bài hẹp môn vị.
4.3. Đau thượng vị cấp
Lâm sàng: Đau thượng vị là một triệu chứng thường gặp. Các NN có thể là loét dạ dày-tá
tràng không biến chứng, thủng ổ loét dạ dày-tá tràng, đau quặn mật, và viêm tụy cấp.

8
Khi đánh giá ban đầu, người thầy thuốc cần phải quyết định xem:
1. BN có chỉ định nhập viện hay không?
2. Có cần thiết chỉ định các cận lâm sàng hỗ trợ như nội soi dạ dày-tá tràng hoặc siêu âm
bụng hay không?
Trong đó, quyết định đầu tiên là rất khó khăn và đòi hỏi kinh nghiệm lâm sàng. Các yếu tố
giúp thầy thuốc đưa ra quyết định bao gồm:
1. Mức độ đau, thời gian đau và khả năng đáp ứng với điều trị
2. Các triệu chứng và dấu hiệu kèm theo, và
3. Kết quả của các cận lâm sàng không xâm lấn ban đầu
Nếu đau lan ra sau lưng gợi ý viêm tụy cấp; lan sang hạ sườn phải gợi ý viêm túi mật; lan
lên xương bả vai hoặc ra sau lưng cũng gợi ý sỏi mật. Nếu BN có vàng da kèm theo có thể
nghĩ đến sỏi đường mật chính. Nếu có biểu hiện VPM khu trú hoặc VPM toàn thể, NN có
thể do thủng ổ loét dạ dày-tá tràng hoặc viêm tụy cấp.
Cận lâm sàng ban đầu
Các cận lâm sàng thường quy bao gồm chụp X quang ngực và bụng đứng, xét nghiệm công
thức máu, chức năng gan và nồng độ amylase huyết thanh. Viêm thùy dưới của phổi có thể
gây đau bụng mặc dù rất hiếm gặp. X quang bụng có thể thấy: liềm hơi dưới hoành trong
thủng dạ dày; sỏi mật cản quang trong bệnh lý đường mật; dấu cắt cụt đại tràng (colon-cut-
off), quai ruột canh gác trong viêm tụy cấp; sỏi tụy vôi hóa trong viêm tụy mạn.
Xử trí:
Xử trí tùy thuộc vào nguyên nhân, giai đoạn của bệnh và tình trạng sức khỏe của từng bệnh
nhân.
4.4. Đau hạ sườn phải
Các NN phổ biến gây đau hạ sườn phải được liệt kê trong bảng 6.
Bảng 6: Các NN gây đau hạ sườn phải
 Không có NN đặc hiệu
 Đau quặn mật1
 Viêm túi mật cấp
 Viêm đường mật
 Rối loạn chức năng túi mật
 Rối loạn chức năng cơ vòng Oddi
 Ung thư gan nguyên phát
 Ung thư di căn gan1
 Áp xe gan1
 Nang gan
 Các NN làm gan to khác
 Viêm gan
 Loét dạ dày – tá tràng1
 Đau quặn mật1
 Viêm tụy cấp1
1
Đồng thời là các NN gây đau thượng vị
Đánh giá ban đầu bao gồm quyết định xem tình trạng BN có đang nguy kịch hay không,
bằng cách khai thác bệnh sử và các triệu chứng đặc hiệu như tình trạng nhiễm trùng toàn
thân hoặc sốc. Các dấu hiệu này có thể gây ra bởi nhiễm khuẩn Gram (-) từ viêm đường
mật hoặc viêm túi mật, hoặc do xuất huyết nội từ u tuyến gan hoặc ung thư gan vỡ, hoặc do

9
các bệnh lý nghiêm trọng khác thường biểu hiện đau vùng thượng vị như thủng ổ loét dạ
dày-tá tràng hoặc viêm tụy. Những BN này cần được nhập viện điều trị.
Xử trí bao gồm hồi sức, điều chỉnh huyết động học và nhanh chóng tìm NN. Các
cận lâm sàng được chỉ định cũng tương tự với các BN có biểu hiện VPM toàn thể hoặc đau
thượng vị như đã đề cập ở trên. Lựa chọn tiếp theo nên bao gồm siêu âm ổ bụng để tìm sỏi
mật, đánh giá độ dày thành túi mật, sự dãn đường mật, hơi trong thành túi mật và trong
đường mật, dịch ổ bụng... Mặc dù các bệnh lý nguy hiểm này thường hiếm gặp, tuy nhiên,
chúng đòi hỏi xử trí phải nhanh chóng và thích hợp.
Đa số các BN có biểu hiện đau hạ sườn phải đều không có biểu hiện toàn thân. BN
cần sử dụng thuốc giảm đau (thường là loại hướng thần) để làm dịu cơn đau. Nếu đau vẫn
còn tiếp diễn, cần phải cho BN nhập viện để có thể theo dõi và xử trí từng trường hợp cụ
thể.
4.5. Đau hố chậu phải
Đau hố chậu phải thường nghĩ đến viêm ruột thừa cấp. tuy nhiên, còn có nhiều nguyên
nhân khác (bảng 7). Chẩn đoán NN đau hố chậu phải không phải lúc nào cũng dễ trên lâm
sàng, và các xét nghiệm đôi khi không giúp ích trong chẩn đoán. Đau hố chậu phải thường
hiếm khi là biểu hiện của một bệnh lý nặng trong ổ bụng.
Mục tiêu ban đầu là phải xác định liệu có đủ bằng chứng lâm sàng của VPM khu trú hay
không từ đó có thể chỉ định phẫu thuật. BN có bệnh sử đau quặn bụng quanh rốn sau đó
khu trú hố chậu phải, cùng với sốt nhẹ, ấn đau và có phản ứng dội tại điểm McBurney nên
nghĩ nhiều đến viêm ruột thừa cấp. Nếu bệnh cảnh của viêm ruột thừa chưa rõ, đánh giá
tiếp theo sẽ phụ thuộc vào giới tính của BN. Nếu BN là nữ, phải nghĩ đến các bệnh lý phụ
khoa gây đau hố chậu phải. BN cũng nên được khai thác về tiền sử rối loạn kinh nguyệt và
trễ kinh cũng như tính chất dịch âm đạo. Khám âm đạo bằng tay và mỏ vịt, BN có thể đau
khu trú hoặc sờ được một khối cũng như thấy được chảy mủ từ âm đạo. Các cận lâm sàng
khác bao gồm thử thai và siêu âm vùng chậu. Nội soi ổ bụng có thể được chỉ định để chẩn
đoán xác định hoặc điều trị triệt để một bệnh lý phụ khoa.
Bảng 7: Các NN gây đau hố chậu phải
Từ ống tiêu hóa
 NN không đặc hiệu
 Viêm ruột thừa cấp
 Viêm hạch mạc treo
 Viêm đoạn cuối hồi tràng
 Viêm túi thừa Meckel
 Bệnh Crohn đoạn cuối hồi tràng
 Ung thư manh tràng
 Tổn thương viêm ở manh tràng (viêm túi thừa manh tràng)
 Tổn thương viêm ở đoạn cuối hồi tràng (do dị vật gây thủng)
Ngoài ống tiêu hóa
 Vỡ nang buồng trứng (Mittelschmertz)
 Viêm phần phụ
 Vỡ/xoắn hoặc xuất huyết nang buồng trứng
 Lạc nội mạc tử cung
 Thai ngoài tử cung
 Nhiễm trùng đường tiết niệu

10
Viêm đoạn cuối hồi tràng hay viêm manh tràng cũng biểu hiện rất giống viêm ruột thừa
cấp. Cần lưu ý, một BN lớn tuổi có biểu hiện đau hố chậu phải có thể gợi ý biến chứng của
bệnh lý ung thư hoặc viêm túi thừa manh tràng. Có thể phát hiện được khối u hay mủ qua
siêu âm hoặc CT scan. BN bị đau hố chậu phải kèm theo tiêu chảy có thể bị viêm đoạn
cuối hồi tràng. Đau hố chậu phải kèm tiêu chảy tái đi tái lại hoặc có tiền sử nhiễm trùng
quanh hậu môn nhiều đợt gợi ý bệnh Crohn.
Điều trị đặc hiệu
a. Viêm ruột thừa cấp
Phẫu thuật cắt ruột thừa nội soi là phương pháp điều trị được lựa chọn cho cả người lớn và
trẻ em. Phẫu thuật nội soi còn được ưa chuộng vì độ chính xác trong chẩn đoán VRT vẫn
tương đối thấp ở phụ nữ tuổi sinh đẻ (53-78%) mà NN là do có nhiều bệnh lý phụ khoa có
biểu hiện giống viêm ruột thừa.
b. Viêm đoạn cuối hồi tràng
Một số BN biểu hiện bệnh cảnh của viêm ruột thừa được chẩn đoán là viêm đoạn cuối hồi
tràng. Tiêu chảy là triệu chứng đặc trưng của bệnh. NN thường gặp là do nhiễm Yersinia
enterocolitica, được chẩn đoán xác định qua xét nghiệm huyết thanh. Trong một số trường
hợp thì đây là biểu hiện đầu tiên của bệnh Crohn.
c. Viêm hạch mạc treo
Viêm hạch mạc treo thường gặp ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên, do nhiễm virus, với biểu
hiện phì đại các hạch bạch huyết của mạc treo. BN thường có tiền sử mắc các bệnh giống
như nhiễm siêu vi. Bệnh thường tự khỏi mà không cần điều trị gì thêm.
d. Túi thừa Meckel
Túi thừa Meckel là một dấu tích của ống noãn hoàng. Đây là loại túi thừa thật nằm ở bờ từ
do của đoạn cuối hồi tràng, cách van hồi-manh tràng khoảng 45-60 cm. Túi thừa này chỉ có
ở 2% dân số. Túi thừa Meckel ít có biến chứng. Nếu lòng túi thừa hẹp, túi thừa có thể bị
tắc nghẽn và viêm, lâm sàng giống viêm ruột thừa. Các biến chứng khác bao gồm:
1. Chảy máu từ ổ loét do niêm mạc dạ dày lạc chỗ.
2. Tắc ruột non do dính bẩm sinh vào rốn.
Các biến chứng này được điều trị bằng phẫu thuật cắt túi thừa.
đ. Bệnh Crohn
Điều trị bệnh Crohn phát hiện trước mổ được đề cập trong một bài khác. Khi phẫu thuật
một BN với chẩn đoán viêm ruột thừa tình cờ phát hiện một đoạn ruột bị bệnh Crohn, chỉ
phẫu thuật cắt bỏ đoạn ruột đó nếu có biến chứng tại chỗ (thủng, rò hoặc tắc ruột).
e. Ung thư manh tràng
Ung thư manh tràng phát hiện khi thám sát ổ bụng được điều trị bằng phẫu thuật cắt đại
tràng phải và nối ngay.
4.6. Đau hố chậu trái
Chỉ có một vài NN gây đau hố chậu trái cấp tính, có thể chia làm nhóm các NN từ
đường tiêu hóa và các NN ngoài đường tiêu hóa giống như các NN gây đau hố chậu phải.
Bảng 8: Các NN từ ống tiêu hóa gây đau hố chậu trái
 NN không đặc hiệu (bao gồm táo bón)
 Viêm dạ dày-ruột cấp
 Viêm túi thừa
 Ung thư đại tràng
 Thiếu máu đại tràng
 Thủng khu trú ruột non

11
Khi tiếp cận một BN đau hố chậu trái, câu hỏi đặt ra là: BN có cần phải phẫu thuật
hay không? Nếu BN có sốc nhiễm khuẩn hay sốc do giảm thể tích, hoặc có dấu hiệu VPM
rõ, hoặc có bằng chứng của thủng ruột trên phim X quang thì cần phải chỉ định mổ cấp
cứu. Tuy nhiên, đa số BN đau hố chậu trái được theo dõi, điều trị bảo tồn.
Đối với các trường hợp điều trị bảo tồn, thì chẩn đoán tìm NN là bước tiếp theo. Độ tuổi và
giới tính BN là những yếu tố gợi ý quan trọng. Đa số các bệnh lý phụ khoa gặp ở phụ nữ
lứa tuổi sinh đẻ (15 đến 45 tuổi) trong khi bệnh lý túi thừa hay thiếu máu đại tràng hay gặp
ở những BN lớn tuổi ở cả hai giới. Các NN từ đường tiêu hóa cũng đi kèm với sự thay đổi
thói quen đại tiện. Viêm túi thừa cấp cũng có liên quan đến táo bón hay tiêu chảy, trong
khi viêm đại tràng thiếu máu luôn liên quan với tiêu chảy phân máu.
4.6.1. Bệnh lý túi thừa
Độ tuổi càng cao thì nguy cơ hình thành các túi thừa giả ở đại tràng càng tăng. Quá
trình này cũng liên quan với chế độ ăn ít chất xơ. Mỗi túi thừa bao gồm một túi niêm mạc
và nằm ở bờ mạc treo của đại tràng. Tại các nước phương Tây, túi thừa đại tràng thường
gặp nhiều nhất ở đại tràng sigma, tần suất giảm dần về manh tràng. Túi thừa không xuất
hiện ở trực tràng, nơi có một lớp cơ dọc hoàn thiện bao quanh. Các túi thừa không biến
chứng thường không biểu hiện lâm sàng. Điều trị BN với bệnh lý túi thừa thường bao gồm
thay đổi chế độ ăn: ăn nhiều chất xơ trong thời gian dài sẽ giúp làm giảm tỷ lệ xuất hiện và
tái phát các biến chứng của túi thừa. Viêm túi thừa có biến chứng nhiễm khuẩn, viêm túi
thừa cấp, áp xe túi thừa, thủng và rò xảy ra khi cổ túi thừa bị kẹt phân.
a. Viêm túi thừa cấp
Các dấu hiệu của viêm túi thừa cấp có thể được xem như “viêm ruột thừa ở bên
trái”. NN là do các bệnh lý túi thừa thường xuất hiện ở đại tràng sigma. Tuy nhiên, không
giống như cơn đau của viêm ruột thừa, đau trong viêm túi thừa thường không khởi phát ở
quanh rốn. Sờ được một khối đau ở hố chậu trái khi khám bụng và thăm trực tràng là dấu
hiệu thường gặp. Một khối viêm của túi thừa có thể có hoặc không có mủ bên trong.
Thường phải mất vài ngày để xác định xem khối đó là một đám quánh hay áp xe túi thừa.
Nếu là áp xe túi thừa, lâm sàng không đáp ứng với điều trị nội khoa bao gồm cho ruột nghỉ
ngơi và sử dụng kháng sinh phổ rộng. Có thể phân biệt qua CT scan nếu nghi ngờ.
BN chỉ có triệu chứng đau hố chậu trái và nghĩ nhiều đến viêm túi thừa cấp có thể
điều trị ngoại trú bằng cách bù dịch, sử dụng kháng sinh phổ rộng và giảm đau qua đường
uống, sau đó đánh giá lại. Khi triệu chứng thoái lui hoàn toàn (thường sau 4 đến 6 tuần),
chẩn đoán được xác định bằng chụp đại tràng cản quang. Nếu nghi ngờ BN có cả túi thừa
và ung thư đại tràng sigma, nên chỉ định nội soi đại tràng.
Áp xe nên được dẫn lưu nếu BN có biểu hiện nhiễm trùng nặng và có dấu hiệu
VPM khu trú hố chậu trái sau 48 đến 72 giờ. Có thể dẫn lưu qua da dưới hướng dẫn của
siêu âm hoặc CT. Phẫu thuật dẫn lưu thường kèm theo phẫu thuật Hartmann.
b. Biến chứng của bệnh lý túi thừa
Các biến chứng của bệnh lý túi thừa bao gồm rò đại tràng-bàng quang, rò đại tràng-
âm đạo, rò đại tràng-ruột non, tắc ruột non, tắc đại tràng, và xuất huyết tiêu hóa.
Đặc điểm nổi bật của rò đại tràng-bàng quang là BN tiểu ra hơi hoặc ra phân. BN
cũng có biểu hiện đau hạ vị do viêm nhiễm đường tiết niệu. Lỗ rò thường chỉ có kích thước
bằng đầu đinh. Thông thường, rất khó để phát hiện đường rò qua chụp đại tràng hoặc chụp
bàng quang có cản quang.
Đặc điểm nội bật của rò đại tràng-âm đạo là chảy dịch phân từ âm đạo. BN có tiền
sử cắt tử cung là đối tượng hay gặp, vì lúc này đại tràng sigma sẽ nằm cạnh mỏm âm đạo.
Triệu chứng nổi bật của rò đại tràng-ruột non là BN tiêu chảy dữ dội.

12
Nguyên tắc điều trị chung của các biến chứng này là cắt đoạn đại tràng và khâu lại
lỗ rò trên các tạng khác như âm đạo và bàng quang. Đối với rò đại tràng-ruột non phải cắt
đoạn ruột non.
4.6.2. Viêm đại tràng thiếu máu
Lâm sàng của viêm đại tràng thiếu máu giống như của viêm túi thừa cấp. Các đặc
điểm giúp phân biệt bao gồm tiền sử mắc bệnh tim mạch, loạn nhịp hoặc các bệnh lý mạch
máu khác, hoặc có tiền sử tiêu chảy phân có máu dữ dội.
Viêm đại tràng thiếu máu được điều trị bảo tồn trừ khi BN có biểu hiện nhiễm
trùng hoặc tình trạng bệnh ngày càng xấu đi. Xử trí viêm đại tràng thiếu máu được đề cập
trong mục VPM toàn thể ở trên.
4.6.3. Ung thư đại tràng sigma
Thủng khu trú ung thư đại tràng sigma có thể gây biểu hiện giống như viêm túi
thừa cấp.
4.6.4. Táo bón
Táo bón có thể gây ra các cơn đau tức mơ hồ ở vùng hố chậu trái.

V. KẾT LUẬN
Đánh giá và xử trí thích hợp các trường hợp đau bụng cấp đến nay vẫn là một thử
thách đối với các bác sĩ ngoại khoa. Mặc dù có sự hỗ trợ của các phương tiện chẩn đoán
hiện đại, việc khai thác bệnh sử và thăm khám lâm sàng vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Phải
cân nhắc chỉ định nội soi ổ bụng chẩn đoán hoặc mở bụng thám sát và sẵn sàng xử trí các
tình huống khác với chẩn đoán ban đầu vì sự chậm trễ trong điều trị các bệnh lý ngoại khoa
sẽ làm tăng tỉ lệ biến chứng và tỉ lệ tử vong.
Các sai lầm thường gặp trong chẩn đoán:
- Không thăm khám và hỏi bệnh kỹ càng
- Không thăm khám trực tràng hoặc âm đạo
- Không đánh giá các khối thoát vị, bao gồm cả vùng bẹn bìu
- Không thử thai hoặc cân nhắc khả năng có thai trong chẩn đoán
- Không đánh giá lại BN thường xuyên khi đưa ra chẩn đoán phân biệt
- Không xem xét lại chẩn đoán xác định khi lâm sàng thay đổi
- Không phát hiện được tình trạng suy giảm miễn dịch qua đó xem xét những ảnh
hưởng của nó trong việc hỏi bệnh và thăm khám
- Bị các cận lâm sàng cho chỉ số bình thường đánh lừa mặc dù biểu hiện lâm sàng
hướng đến chẩn đoán
- Không tham vấn ý kiến đồng nghiệp khi cần thiết
- Không tái khám BN theo dõi ngoại trú
- Không xem xét đến độ tuổi và những tình huống đặc biệt trong chẩn đoán
- Do dự chỉ định phẫu thuật cho BN mà chưa có chẩn đoán xác định trong khi tình
huống lâm sàng gợi ý tình trạng bệnh lý ngoại khoa.
Tài liệu tham khảo
1. Ronald Squires, Steven N. Carter, Russell G. Postier. Acute abdomen. Sabiston’s
Textbook of Surgery, 20th Ed, 2017: 1120-1135.
2. Ali J. Khiabani, Obeid N. Ilahi. Acute abdomen. The Washington Manual of
Surgery, 8th Ed, 2020. Wolters Kluwer: 263-272.

13

You might also like