You are on page 1of 162

PHẠM HỒNG TUNG

HÀ NỘI HỌC:
CƠ SỞ THỰC TIỄN, NỀN TẢNG HỌC THUẬT
VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

Hà Nội - 2016
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ............................................................................................................ 4

1. Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn nghiên cứu về Hà Nội .............................. 4

2. Tình hình nghiên cứu .................................................................................... 7

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu .............................................................. 10

4. Phương pháp và cách tiếp cận.................................................................... 11

Chương 1: NHÌN LẠI TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ HÀ NỘI: XU


HƯỚNG VÀ NHỮNG THÀNH TỰU CƠ BẢN ............................................ 12

1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu về Hà Nội cho đến năm 2008 .............. 12

1.2. Tổng quan tình hình nghiên cứu về Hà Nội từ sau năm 2008 đến nay ... 24

Chương 2: YÊU CẦU ĐẶT RA ĐỒI VỚI NGÀNH HÀ NỘI HỌC ......... 36

TỪ THỰC TIỄN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CỦA THỦ ĐÔ .................... 36

2.1. Vấn đề định hướng và mô hình phát triển ............................................... 36

2.2. Vấn đề nguồn lực, quản lý và phát huy các nguồn lực phát triển ........... 45

2.3. Vấn đề sinh kế và phát triển sinh kế bền vững, hiệu quả của các nhóm cư
dân Hà Nội ...................................................................................................... 48

2.4. Vấn đề mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển ...................................... 51

2.5. Vấn đề dân cư và lao động, việc làm ....................................................... 55

2.6. Vấn đề xã hội và đảm bảo an sinh xã hội ................................................ 58

2.7. Vấn đề xây dựng hành trang văn hóa và lối sống của người Hà Nội trong
kỷ nguyên hội nhập và toàn cầu hóa............................................................... 62

2.8. Vấn đề đảm bảo môi trường sống đô thị Hà Nội ..................................... 65

2.9. Vấn đề tổ chức hệ thống chính quyền và quản lý đô thị Hà Nội ............. 67

2.10. Vấn đề giao thông và thông tin, truyền thông ....................................... 70

1
2.11. Vấn đề phát triển giáo dục, khoa học công nghệ và kinh tế tri thức ..... 75

2.12. Vấn đề đảm bảo quốc phòng và an ninh ở Hà Nội ................................ 80

2.13. Vấn đề mối quan hệ Trung ương – Thủ đô – các địa phương ............... 82

2.14. Vấn đề quy hoạch và quy hoạch phát triển Hà Nội ............................... 86

2.15. Vấn đề phát triển kinh tế Hà Nội ........................................................... 90

Chương 3: NỀN TẢNG HỌC THUẬT CỦA NGÀNH HÀ NỘI HỌC ....... 95

3.1. Khu vực học và khu vực học hiện đại ...................................................... 96

3.2. Việt Nam học và Việt Nam học hiện đại ................................................ 104

3.3. Đô thị học và Đô thị học phát triển ....................................................... 118

Chương 4: ĐỀ XUẤT ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH HÀ NỘI


HỌC.................................................................................................................. 122

4.1. Những ý tưởng khởi nguồn cho ngành Hà Nội học ............................... 122

4.2. Xây dựng và phát triển ngành Hà Nội học qua hệ phân tích SWOT ..... 130

4.2.1. Những thế mạnh và điều kiện thuận lợi để phát triển ngành Hà Nội
học ............................................................................................................. 130

4.2.2. Những cơ hội để phát triển ngành Hà Nội học............................... 132

4.2.3. Những điểm yếu và hạn chế cần khắc phục trong quá trình xây dựng
và phát triển ngành Hà Nội học................................................................ 133

4.2.4. Các nguy cơ đối với sự phát triển bền vững của Hà Nội ............... 134

4.3. Tầm nhìn, mục tiêu và định hướng phát triển Hà Nội học .................... 135

4.3.1. Tầm nhìn và mục tiêu phát triển ngành Hà Nội học ...................... 135

4.3.2. Nguyên tắc cơ bản định hướng học thuật của ngành Hà Nội học . 139

KẾT LUẬN .................................................................................................... 144

TÀI LIỆU THAM KHẢO .............................................................................. 154

2
PHỤ LỤC ......................................................................................................... 161

3
MỞ ĐẦU

1. Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn nghiên cứu về Hà Nội


Theo kết quả khảo sát của chúng tôi và một số nhóm nghiên cứu khác, cho
đến tháng 11 năm 2015 có ít nhất 8.000 công trình nghiên cứu về Hà Nội đã
được công bố ở Việt Nam và nước ngoài. Con số này tự nó đã cho thấy một
thực tế là: hơn tất cả các tỉnh và thành phố khác ở Việt Nam, Hà Nội nhận được
sự quan tâm mạnh mẽ và liên tục của các nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài
thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Có ít nhất 5 nguyên nhân chính đã dẫn đến tình
hình trên:
Thứ nhất, Hà Nội là một trong số không nhiều đô thị trên thế giới có chiều
dài lịch sử phát triển liên tục trên 1.000 năm trong một không gian tương đối ổn
định. Tự bản thân điều này cũng đã là một chủ đề hấp dẫn của nhiều môn khoa
học, bởi sự tồn tại liên tục của một trọng trấn - một đô thị không chỉ tự nó tạo
lập cho mình một lịch sử, một "cuộc đời" riêng với vô vàn những thăng trầm kỳ
thú, mà hơn nữa, điều này cần có những yếu tố nội sinh và ngoại sinh đặc biệt,
khiến cho đô thị trường tồn trong những môi sinh lịch sử - sinh thái nhất định.
Thứ hai, Hà Nội là một đô thị luôn giữ vị trí đặc biệt trọng yếu đối với sự
phát triển của cộng đồng quốc gia - dân tộc Việt Nam, tuy có những khoảng
thời gian nó không đóng vai trò là thủ đô của quốc gia - dân tộc ấy. Vì vậy,
nghiên cứu về Việt Nam không thể không nghiên cứu về Hà Nội. Đây là đòi hỏi
khách quan, tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu nhận thức của người dân Hà Nội,
nhân dân cả nước và người nước ngoài về Hà Nội và về đất nước, dân tộc. Đây
cũng là tình hình chung ở phần lớn các quốc gia - dân tộc trên thế giới. Nghiên
cứu về nước Pháp không thể không nghiên cứu về Paris, tìm hiểu về Nhật Bản
không thể không tìm hiểu về Tokyo, và nghiên cứu về nước Anh cũng không
thể bỏ qua London....
Thứ ba, Hà Nội trong lịch sử và hiện tại đã và luôn vẫn là một không gian
lịch sử - văn hóa tương đối ổn định, có những giá trị, truyền thống, đặc trưng,
sắc thái văn hóa riêng, có tầm ảnh hưởng văn hóa sâu rộng đối với các khu vực
phụ cận và cả nước. Đây chính là những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn tự thân của
4
Thăng Long - Hà Nội mà dẫu cho không cần ai đặt vấn đề tổ chức riêng một
môn khoa học là Hà Nội học thì những khám phá, những ghi chép và khảo cứu
về Hà Nội vẫn cứ liên tục xuất hiện, và không chỉ có những công trình khoa học
nghiêm túc - không tránh khỏi có phần khô khan, xơ cứng, mà còn có biết bao
tác phẩm văn chương, nghệ thuật đã ra đời nhằm biểu đạt và truyền tải những
giá trị, những đặc trưng của Thăng Long - Hà Nội - Kẻ Chợ - Tràng An - Kinh
Kỳ.
Thứ tư, hiện tại, Hà Nội đang là thủ đô của nước CHXHCN Việt Nam, một
trong những đô thị lớn nhất, giữ vai trò trọng yếu nhất của quốc gia: là trung
tâm đầu não chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, là trung tâm khoa học - công
nghệ và giáo dục - đào tạo lớn nhất, là bộ mặt quốc gia, là nơi diễn ra các sự
kiện quan trọng của đất nước, trong bang giao và hội nhập quốc tế. Vì vậy,
nghiên cứu toàn diện về Thủ đô luôn luôn là yêu cầu bức thiết của quốc gia -
dân tộc.
Thứ năm, trong thực tiễn phát triển hiện nay của Thủ đô Hà Nội và của đất
nước đang đặt ra nhiều vấn đề có tính phức hợp cao, đòi hỏi phải được tiếp cận,
nghiên cứu vừa theo hướng liên ngành của Khu vực học hiện đại, vừa theo
hướng chuyên sâu, chuyên ngành nhằm cung cấp kịp thời những cơ sở và luận
cứ khoa học và thực tiễn để giải quyết các vấn đề đó một cách hiệu quả nhất,
phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững của Thủ đô nói riêng và của đất nước nói
chung.
Chính các nguyên nhân nói trên đã thúc đẩy sự xuất hiện khá sớm của các
công trình nghiên cứu về Hà Nội và là động lực khiến cho sự nghiệp nghiên cứu
Hà Nội liên tục phát triển trong suốt hơn 150 năm qua và bùng nổ trong khoảng
thời gian trên dưới 4 thấp kỷ gần đây, kể từ khi công cuộc Đổi mới được khởi
xướng tại Thủ đô Hà Nội vào tháng 12 năm 1986. Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử
phát triển của sự nghiệp nghiên cứu về Hà Nội, có một số câu hỏi cần có những
câu trả lời thấu đáo, để một mặt nhận diện cho đúng thành tựu, hạn chế, xu
hướng và định hướng phát triển của công việc này trong những thập kỷ tới, và
mặt khác, xác lập những cơ sở khoa học, thực tiễn, những nguyên tắc học thuật
và những định hướng nội dung cho ngành Hà Nội học trong tương lai.
Thứ nhất, sự nghiệp nghiên cứu về Hà Nội có những đặc trưng gì? Phải
chăng có một ngành khoa học với danh xưng "Hà Nội học" đã ra đời và phát
triển trong thực tiễn?
5
Thứ hai, nếu đã có một ngành Hà Nội học thực tế được hình thành và phát
triển thì những thành tựu, đóng góp, những hạn chế của ngành này là gì? Đây là
vấn đề cần được nhìn nhận nghiêm túc và thấu đáo nhằm tiếp tục kế thừa và
phát triển các thành tựu, khắc phục những hạn chế và tồn tại trong chặng đường
tiếp theo của Hà Nội học.
Thứ ba, cơ sở thực tiễn của sự ra đời và tiếp tục phát triển của Hà Nội học là
gì? Hay nói khác đi, yêu cầu khách quan mà thực tiễn phát triển bền vững của
Thủ đô đặt ra đối với sự nghiệp nghiên cứu Hà Nội là gì? Đây là "mệnh lệnh từ
cuộc sống", là một trong những vấn đề quan yếu nhất, vì nếu không giải đáp
được vấn đề này thì Hà Nội học không thể phát triển bền vững trong bất kỳ hình
thức tổ chức nào.
Thứ tư, cơ sở khoa học của Hà Nội học là gì? Để phát triển bền vững thì bất
kì ngành khoa học nào cũng cần có một nền tảng học thuật vững chắc. Đó là hệ
thống lý thuyết, hệ thống phương pháp nghiên cứu và cách tiếp cận, kèm theo là
một hệ thống các công cụ, phương tiện phân tích vv.... Đây là những vấn đề rất
cần làm sáng tỏ trong quá trình xây dựng và phát triển ngành Hà Nội học. Trên
cơ sở đó làm rõ những vấn đề cơ bản như đối tượng nghiên cứu, phạm vi nghiên
cứu, xác định hệ thống sản phẩm đầu ra và địa chỉ cũng như phương thức
chuyển giao, ứng dụng các sản phẩm đó như thế nào.
Thứ năm, phải có những phân tích, dù ở mức tổng quát nhất về những điều
kiện và yếu tố tác động đối với quá trình xây dựng và phát triển của Hà Nội học,
chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đặt ra với ngành này
trong tầm nhìn ngắn hạn và dài hạn.
Thứ sáu, định hướng nội dung nghiên cứu của Hà Nội học là gì - xét cả
trong tầm nhìn ngắn hạn và dài hạn? Sự kết hợp giữa các nghiên cứu chuyên
ngành, chuyên biệt với các nghiên cứu đa ngành và liên ngành về Hà Nội ra
sao?
Thứ bảy, phương thức tổ chức nghiên cứu và đào tạo Hà Nội học như thế
nào cho phù hợp và hiệu quả nhất? Những tổ chức khoa học và công nghệ, giáo
dục và đào tạo "của" Hà Nội và đứng chân trên địa bàn Hà Nội cần phải phối
hợp với nhau theo hình thức tổ chức và cơ chế vận hành như thế nào để tạo nên
sức mạnh cộng hưởng với tổ chức chuyên về Hà Nội học nhằm phát huy cao độ
nguồn lực tri thức trong sự nghiệp phát triển bền vững của Thủ đô?

6
Chừng nào các vấn đề cơ bản nói trên chưa được làm sáng tỏ về cơ bản thì
sự tồn tại và phát triển của ngành Hà Nội học sẽ còn lúng túng, tự phát và kém
hiệu quả. Góp phần giải đáp những vấn đề trên chính là lý do và mục đích chính
của nghiên cứu này.

2. Tình hình nghiên cứu


Tình hình nghiên cứu về Hà Nội sẽ được chúng tôi trình bày cụ thể và phân
tích, đánh giá sâu ở các phần sau của công trình này. Ở đây chúng tôi chỉ trình
bày khái quát về tình hình nghiên cứu để xác lập cơ sở khoa học và thực tiễn
cho sự ra đời và phát triển của ngành Hà Nội học.
Thông thường, trong lịch sử khoa học thế giới, mỗi khi xuất hiện một ngành
hay một chuyên ngành mới thì đều diễn ra một số cuộc trao đổi, thậm chí là
những cuộc tranh luận kéo dài, nhằm làm rõ những vấn đề cơ bản như đối tượng
nghiên cứu, hệ thống lý thuyết, phương pháp nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu,
nhiệm vụ và định hướng phát triển vv.... Trong không ít trường hợp, có những
môn khoa học đã ra đời và phát triển khá lâu nhưng những vấn đề nói trên còn
chưa được xác lập. Hơn nữa, dường như với không ít ngành khoa học, các vấn
đề nói trên lại luôn luôn được đặt ra và xem xét lại. Đây cũng là hiện tượng bình
thường, bởi không có khoa học nào ra đời và “nhất thành bất biến” trong toàn
bộ lịch sử phát triển của mình. Trái lại, các khoa học cũng luôn phải tự đổi mới
bản thân mình để đáp ứng tốt hơn yếu cầu mà thực tiễn đặt ra với chúng.
Việc nghiên cứu về Hà Nội đã được bắt đầu từ khá sớm và phát triển liên
tục trong suốt 150 năm qua. Tuy nhiên, trong suốt một thời gian dài, dường như
không ai đặt vấn đề nghiên cứu về Hà Nội cần dựa trên nền tảng lý thuyết,
phương pháp như thế nào? Đối tượng và phạm vi của các nghiên cứu về Hà Nội
có cần phải phân biệt / khu biệt ở mức độ nào không? Sở dĩ những vấn đề trên
không được đặt ra và thảo luận trong giới nghiên cứu là bởi vì cho đến trước
thời kỳ Đổi mới, tuyệt đại đa số các nghiên cứu về Hà Nội đều là các nghiên
cứu chuyên ngành. Đối với các nghiên cứu này, dường như việc vận dụng
những lý thuyết và phương pháp nghiên cứu chuyên ngành đã được coi như đầy
đủ, chỉ có đối tượng và phạm vi nghiên cứu là cần phải có những giới thuyết
nhất định, và điều này hiếm khi đặt ra những vấn đề lớn, cần trao đổi. Chỉ đến
khi xuất hiện những nghiên cứu liên ngành về Hà Nội và chỉ khi thực tiễn
nghiên cứu về Hà Nội đặt ra những hệ vấn đề riêng thì “câu chuyện” Hà Nội
học mới thực sự trở thành vấn đề cần được xem xét một cách căn bản và những
7
trao đổi nghiêm túc mới xuất hiện.
Với công trình “Hà Nội nghìn xưa” được công bố vào năm 1975, có lẽ GS.
Trần Quốc Vượng và nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán là những người đầu tiên tiếp
cận Hà Nội như một chỉnh thể, một đối tượng nghiên cứu độc lập được tiếp cận
theo hướng liên ngành. Tuy nhiên, trong công trình này cũng như trong các
nghiên cứu tiếp theo, GS. Trần Quốc Vượng và các cộng sự của ông cũng
không đặt thẳng vấn đề trao đổi về những khuôn khổ và nền tảng của ngành Hà
Nội học.
Trong thực tiễn nghiên cứu về Hà Nội cũng đã nảy sinh những cuộc thảo
luận sôi nổi, thậm chí khá quyết liệt, như vấn đề thành Cổ Loa và nguồn gốc
Thục Phán – An Dương Vương, vấn đề đền Cẩu Nhi, vấn đề Thập Tam Trại
vv... nhưng ngay trong những cuộc thảo luận này các vấn đề cơ bản có liên quan
đến ngành Hà Nội học cũng chưa được đi sâu thảo luận, mặc dù vấn đề tiếp cận
liên ngành ngày càng được quan tâm sâu sắc hơn.
Việc phát lộ Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long vào năm 2002
và quá trình nghiên cứu về khu di tích này là một kinh nghiệm thực tiễn vô cùng
quan trọng cho thấy những nghiên cứu công phu, bài bản, toàn diện theo hướng
liên ngành và đa ngành là vô cùng cần thiết, bên cạnh cách nghiên cứu chuyên
sâu, chuyên ngành, nhằm đưa lại nhận thức tổng thể về môi sinh lịch sử trong
đó khu di tích vô giá này đã hình thành và tồn tại trong suốt chiều dài hơn 1.000
năm. Cuộc thảo luận sôi nổi về các phương án bảo tồn và phát huy giá trị của
khu di tích này và sau đó những nghiên cứu cơ bản, toàn diện để xây dựng bộ
hồ sơ trình UNESCO công nhận khu di tích này là di sản văn hóa thế giới đã
góp phần quan trọng vào việc xác lập những cơ sở quan trọng cho việc xây
dựng và phát triển Hà Nội học như là một ngành khoa học riêng, với những tiêu
chí, chuẩn mực, đinh hướng về tính chất, lý luận, phương pháp và cách tiếp cận.
Trong quá trình chuẩn bị hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long -
Hà Nội, đã xuất hiện một yêu cầu thực tiễn đối với việc tổng kết các thành tựu
nghiên cứu về Hà Nội và triển khai nghiên cứu cơ bản, toàn diện về Thăng
Long - Hà Nội nhằm làm rõ các đặc điểm, đặc trưng, những giá trị đặc sắc của
không gian lịch sử - văn hóa Thăng Long - Hà Nội, đồng thời đánh giá toàn diện
về nguồn lực, cơ hội, thách thức, triển vọng phát triển bền vững của Hà Nội
trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế. Đây chính là lý do tổ chức và triển
khai Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp nhà nước về Hà Nội
8
- Chương trình KX.09. Thực tiễn triển khai Chương trình, đặc biệt là những
thành công, đóng góp quan trọng của Chương trình một lần nữa khẳng định tính
chất đúng đắn của việc phát triển Hà Nội học với tính chất là một khoa học cơ
bản, liên ngành và sự phối hợp, tương tác hiệu quả giữa các nghiên cứu chuyên
ngành và liên ngành về Hà Nội.
Hội thảo quốc tế “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng,
vì hòa bình” được tổ chức thành công nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm
Thăng Long – Hà Nội (2010) là một dấu mốc đặc biệt trên lộ trình xây dựng và
phát triển ngành Hà Nội học. Đây chắc chắn là diễn đàn khoa học lớn nhất về
nghiên cứu Hà Nội với sự tham gia của nhiều chuyên gia Việt Nam và nước
ngoài thuộc nhiều ngành, nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Hệ vấn đề
quan tâm, thảo luận khá rộng, không chỉ bao chứa được nhiều vấn đề thuộc các
chuyên ngành khác nhau mà còn có nhiều vấn đề liên ngành, liên quan đến Hà
Nội ở nhiều phạm vi không gian và thời gian khác nhau. Tại hội thảo, các nhà
khoa học không chỉ trình bày và trao đổi ý kiến về các vấn đề học thuật cụ thể
mà còn nêu ra đề xuất về việc thành lập một tổ chức khoa học và công nghệ
nghiên cứu cơ bản, liên ngành về Hà Nội. Đây là lần đầu tiên vấn đề này được
chính thức đặt ra, và ngay lập tức nhận được sự đồng thuận cao của các nhà
khoa học, lãnh đạo Thành phố Hà Nội và các nhà quản lý.
Tiếp đó, Hội thảo Hà Nội học: phương pháp tiếp cận và nội dung nghiên
cứu do Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển và Hội Sử học Hà Nội phối
hợp tổ chức vào tháng 12 năm 2011 là hoạt động chuyên môn quan trọng, lần
đầu tiên đặt thẳng vấn đề nghiên cứu, thảo luận để đi đến xác lập những nền
tảng, khuôn khổ và định hướng nghiên cứu cơ bản cho ngành Hà Nội học. Các ý
kiến nêu ra tại Hội thảo này đều thống nhất cao ở việc xác định Hà Nội học là
một môn khoa học liên ngành, dựa trên Khu vực học, với nhiệm vụ nghiên cứu
toàn diện về Hà Nội với tính cách một không gian lịch sử - văn hóa đặc sắc. Hội
thảo cũng đề xuất những cách tiếp cận và định hướng nội dung nghiên cứu
nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội trong thời gian
tới. Tuy nhiên, trong khuôn khổ còn khá hạn hẹp, Hội thảo chưa thể đi sâu trao
đổi về những vấn đề đặt ra.
Như vậy, mặc dù đã có lịch sử phát triển khá lâu dài với những thành tựu và
đóng góp to lớn, có ý nghĩa trên nhiều phương diện, ngành Hà Nội học còn một
khoảng trống không nhỏ là sự thiếu vắng những nghiên cứu nhằm xác lập

9
những cơ sở, nguyên tắc và định hướng cho sự phát triển bền vững và hiệu quả
của chính ngành này. Đây chắc chắn là một việc làm cần thiết, cần được đội ngũ
nghiên cứu về Hà Nội, dù tiếp cận đối tượng nghiên cứu theo hướng liên ngành,
đa ngành hay chuyên ngành, tiếp tục, thường xuyên cân nhắc, trao đổi để xác
lập và không ngừng hoàn thiện, cập nhật và bổ sung làm cho nền móng của Hà
Nội học ngày thêm vững chắc, phù hợp với xu thế phát triển của khoa học và
công nghệ trên thế giới và đặc biệt là có năng lực đáp ứng ở mức ngày càng cao
hơn các yêu cầu do thực tiễn phát triển bền vững của Thủ đô đặt ra.

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu


Nghiên cứu này của chúng tôi là một trong những nghiên cứu đầu tiên được
thực hiện trong quá trình chuẩn bị cho việc thành lập và đưa vào hoạt động
Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô. Với ý nghĩa đó, nghiên cứu này
hướng tới mục đích làm rõ những cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, những
nguyên tắc, nền tảng và định hướng nội dung nghiên cứu chính của Hà Nội học.
Để đạt được mục đích trên, nghiên cứu này có những nhiệm vụ chính như
sau:
Thứ nhất, làm rõ cơ sở thực tiễn của việc xây dựng và phát triển ngành Hà
Nội học, trong đó tập trung vào làm sáng tỏ những yêu cầu mà thực tiễn phát
triển bền vững của Thủ đô đang đặt ra, đòi hỏi phải được nghiên cứu nhằm cung
cấp luận cứ khoa học và thực tiễn, các giải pháp để giải quyết các vấn đề đó một
cách hiệu quả và bền vững. Cơ sở thực tiễn của việc xây dựng và phát triển của
ngành Hà Nội học cũng chính là tình hình phát triển của nghiên cứu Hà Nội
trong khoảng thời gian cận – hiện đại với những thành tựu, hạn chế, kinh
nghiệm vv... đây vừa là nền tảng để Hà Nội học tiếp tục kế thừa, xây dựng và
phát triển trong điều kiện mới, lên tầm cao mới.
Thứ hai, nghiên cứu, xác lập những cơ sở khoa học, những nguyên tắc và
định hướng cơ bản về lý thuyết, phương pháp, cách tiếp cận và nội dung nghiên
cứu chính của ngành Hà Nội học. Từ chỉ dẫn và đề xuất của đội ngũ nghiên cứu
về Hà Nội, đặc biệt là những ý kiến đề xuất từ Hội thảo Hà Nội học: phương
pháp tiếp cận và nội dung nghiên cứu do Viện Việt Nam học và Khoa học phát
triển và Hội Sử học Hà Nội phối hợp tổ chức vào tháng 12 năm 2011, có thể
thấy phương hướng cơ bản của ngành Hà Nội học là: một khoa học cơ bản, liên
ngành, định hướng ứng dụng dựa trên nền tảng học thuật của Khu vực học và
Việt Nam học. Nghiên cứu này tiếp tục đi sâu, cụ thể hóa và làm rõ hơn những
10
vấn đề cơ bản của ngành Hà Nội học về mục đích, đối tượng, phạm vi nghiên
cứu, hình thức và phương thức tổ chức nghiên cứu và chuyển giao, ứng dụng
kết quả nghiên cứu.
Thứ ba, trên cơ sở đó, nghiên cứu này tiếp tục đề xuất, kiến nghị những
giải pháp xây dựng và phát triển Hà Nội học về lâu dài cũng như trong những
năm trước mắt, trước hết là đối với Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô.

4. Phương pháp và cách tiếp cận


Để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu nói trên, chúng tôi chủ yếu vận dụng
các phương pháp nghiên cứu tổng hợp, phân tích, thống kê, trong đó có vận
dụng các phương pháp liên ngành, phân tích đa chiều (multi-dimensional
analysis) với sự hỗ trợ của hệ phân tích SWOT, khung phân tích chính sách và
khung sinh kế bền vững.

11
Chương 1:
NHÌN LẠI TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ HÀ NỘI:
XU HƯỚNG VÀ NHỮNG THÀNH TỰU CƠ BẢN

1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu về Hà Nội cho đến năm 2008
Do vị thế, vai trò và những đặc trưng riêng của mình nên Thăng Long –
Hà Nội từ lâu không chỉ là chủ đề của nhiều sáng tác văn chương, nghệ thuật
mà còn là đối tượng, phạm vi nghiên cứu của giới nghiên cứu ở Việt Nam và ở
nước ngoài thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, với phương pháp và
cách tiếp cận khác nhau. Thành tựu nghiên cứu đó vừa là tiền đề học thuật, là cơ
sở thực tiễn để Hà Nội học hình thành, kế thừa và phát triển, đồng thời cũng
chính là cơ sở khoa học, đặt nền tảng về cơ sở dữ liệu, hệ vấn đề, lý luận,
phương pháp và cách tiếp cận cho các bước phát triển mới của ngành Hà Nội
học.
Nhìn một cách tổng thể, hàng nghìn công trình đã được công bố có liên
quan đến Hà Nội có thể được phân loại thành 3 nhóm lớn:
Thứ nhất là nhóm các công trình tiếp cận và nghiên cứu Hà Nội với tính
cách là một bộ phận của quốc gia – dân tộc Việt Nam hay của một khu vực
xác định nào đó (miền Bắc Việt Nam, Châu thổ Sông Hồng, Vùng Hà Nội
vv...). Tiêu biểu cho nhóm công trình này chính là các bộ lịch sử dân tộc, các
công trình nghiên cứu về văn hóa, về kinh tế - xã hội Việt Nam vv... Bên cạnh
đó còn có hàng trăm công trình đề cập đến Hà Nội hoặc một số nội dung, khía
cạnh trong đời sống của Hà Nội ở những góc nhìn khác nhau, chẳng hạn như
các công trình về lịch sử phong trào yêu nước và cách mạng, về giai cấp công
nhân, nông dân, trí thức Việt Nam, về công nghiệp, về làng nghề Việt Nam hoặc
về giao thông, kiến trúc Việt Nam vv...
Thứ hai là nhóm các công trình tiếp cận và khảo cứu về Hà Nội với tính
cách là một chỉnh thể và là một đối tượng nghiên cứu độc lập. Nhóm các công
trình này thực sự không nhiều, chủ yếu là các công trình về lịch sử, văn hóa
Thăng Long – Hà Nội. Cho đến nay chỉ có rất ít công trình nào tiếp cận Hà Nội
(Hà Nội cũ hoặc Hà Nội mở rộng) với tính cách là một không gian phát triển
hay một không gian lịch sử - văn hóa dựa trên nền tảng của Khu vực học. Có lẽ
sau các công trình của Trần Quốc Vượng (Trần Quốc Vượng (Chủ biên): Hà

12
Nội - Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Sự thật,
HN,1984; Trên mảnh đất ngàn năm văn vật, Nxb Hà Nội, HN, 2000) thì mới
nhất chính là Đề tài KX.09.12: “Phương hướng, giải pháp phát huy tiềm lực tự
nhiên, kinh tế,xã hội và giá trị lịch sử - văn hoá để phát triển bền vững Thủ đô
Hà Nội đến năm 2020” - Đề tài được xem là công trình tổng hợp kết quả nghiên
cứu của toàn bộ Chương trình KX09 do GS.TS. Phùng Hữu Phú làm Chủ nhiệm
(2010).
Thứ ba là nhóm các công trình đề cập đến những nội dung, vấn đề, nhân
vật, địa phương vv... cụ thể của Hà Nội. Đây là nhóm có số lượng công trình lớn
nhất đi sâu nghiên cứu về một hoặc một vài chủ đề cụ thể có liên quan đến Hà
Nội. Thông thường, các nghiên cứu chuyên biệt này dựa trên các cách tiếp cận
chuyên ngành đi sâu khảo cứu về một vấn đề cụ thể nào đó. Bên cạnh đó cũng
có không ít công trình dựa trên cách tiếp cận và hệ thống phương pháp nghiên
cứu liên ngành, đa ngành, trong đó có cả những nghiên cứu dựa trên nền tảng
của Khu vực học, nhất là một số cuốn địa chí được nghiên cứu, biên soạn trong
thời gian gần đây.
Từ một góc nhìn khác, có thể thấy số lượng công trình nghiên cứu về Hà
Nội của các học giả nước ngoài nhỏ hơn rất nhiều so với số lượng các công
trình do các nhà khoa học Việt Nam công bố. Theo một nghiên cứu công phu
của nhóm nghiên cứu do Vũ Văn Quân và Đỗ Hương Thảo đứng đầu được công
bố vào năm 2010 thì trong số 6014 công trình nghiên cứu có đề cập đến Hà Nội
ở những mức độ và từ những hướng tiếp cận khác nhau thì có đến 5.746 nghiên
cứu được công bố bằng tiếng Việt, chỉ có 268 nghiên cứu được công bố bằng
tiếng nước ngoài. Tương tự, số tác giả là người Việt Nam được nhóm nghiên
cứu đó thống kê đến năm 2008 là 2.785 người, trong khi số tác giả là người
nước ngoài chỉ có 177 người.1 Từ năm 2008 đến nay, tuy chưa có số liệu thống
kê nào được xác lập, song, chắc chắn con số nghiên cứu về Hà Nội được các
nhà khoa học nước ngoài công bố cũng chưa nhiều, trong so sánh với số lượng
các nghiên cứu do các nhà khoa học Việt Nam thực hiện và công bố ở trong
nước.
Tình hình trên đây một mặt cho thấy việc nghiên cứu về Hà Nội còn có
mức độ "quốc tế hóa" thấp, hay nói khác đi là ảnh hưởng của ngành "Hà Nội

1
Vũ Văn Quân và Đỗ Thị Hương Thảo (đồng chủ biên), Thăng Long - Hà Nội: Thư mục công trình nghiên
cứu, Nxb. Hà Nội, 2010, tr. 8.
13
học" ở nước ngoài còn tương đối yếu. Mặt khác, tuy số lượng của các nghiên
cứu của học giả nước ngoài về Hà Nội so với các nghiên cứu của các tác giả
người Việt Nam là khá ít ỏi, nhưng cũng cần lưu ý rằng, so với bất kỳ địa
phương nào trong cả nước thì Hà Nội vẫn được giới nghiên cứu nước ngoài
quan tâm hơn. Chắc chắn trong thời gian tới, khi ngành Hà Nội học thực sự
được tổ chức tốt hơn ở Việt Nam thì số nghiên cứu của người nước ngoài sẽ
tăng nhanh nhờ sự hợp tác, trao đổi học thuật. Một trong những dấu hiệu cho
thấy rõ điều này: Tại Hội thảo Quốc tế về Việt Nam học lần thứ III được tổ
chức tại Hà Nội, lần đầu tiên có một tiểu ban dành cho các nghiên cứu tổng hợp
theo khu vực (tiểu ban 16). Các tham luận ở tiểu ban này chủ yếu là về Hà Nội
và Nam Bộ. Trong tổng số 32 bài được lựa chọn, đã có đến 7 nghiên cứu của
các tác giả nước ngoài nghiên cứu về Hà Nội.
Số lượng các công trình nghiên cứu về Hà Nội hoặc có liên quan đến Hà
Nội xuất hiện / được công bố trong những khoảng thời gian khác nhau cũng cho
thấy rõ xu hướng phát triển và mức độ quan trọng cũng như ảnh hưởng xã hội
của ngành Hà Nội học - dẫu vẫn còn đang trên hành trình hoàn thiện để trở
thành một môn khoa học cơ bản, liên ngành, định hướng ứng dụng. Nhóm
nghiên cứu của Vũ Văn Quân và Đỗ Thị Hương Thảo chia diễn trình phát triển
của công việc nghiên cứu về Hà Nội thành ba thời kỳ lớn: Thời kỳ trước Cách
mạng tháng Tám, Thời kỳ 1946 - 1975 và Thời kỳ từ 1976 đến 2008. Trên cơ sở
đó, nhóm nghiên cứu này đã có thống kê - phân tích công phu, chi tiết về số
lượng các công trình có liên quan đến Hà Nội xuất hiện trong từng năm và trong
từng lĩnh vực.
Theo đó, trong thời kỳ thứ nhất đã có tổng cộng 160 công trình được
công bố, trong đó số công trình trong lĩnh vực lịch sử là 115, y tế và thể thao là
25, kinh tế 23, giáo dục 23, nghệ thuật 23, di tích lịch sử là 21, địa lý 20, tín
ngưỡng tôn giáo 18, nhân vật lịch sử 11, văn học và ngôn ngữ 5.2 Trong thời kỳ
này, phần đông các tác giả là người nước ngoài (các nhà du hành, nhà truyền
giáo, nhà buôn, quan chức thực dân vv... có ghi chép, khảo sát về Hà Nội). Nổi
bật lên là các công trình của G. Dumoutier ghi chép, khảo cứu về phong tục, lễ
hội dân gian và đời sống của người dân Hà Nội. Vừa giữ chức vụ là Thanh tra
học chính Đông Dương, Dumoutier vừa dành thời gian quan sát, ghi chép và
nghiên cứu. Trong khoảng thời gian 8 năm (1886-1904), Gustave Dumoutier đã

2
Như trên, tr. 10-12.
14
công bố gần 60 công trình khảo cứu lớn nhỏ về Hà Nội và về văn hóa, tôn giáo
Việt Nam.3 Cùng với các tác giả người nước ngoài, trong thời kỳ cận đại đã
xuất hiện một số nhà nghiên cứu Việt Nam quan tâm và khảo cứu về Hà Nội.
Ngoài các bài ghi chép, phân tích trên các tờ báo và tạp chí (Nam Phong, Phong
Hóa, Ngày Nay, Thanh Nghị vv...) đã bước đầu xuất hiện một số nghiên cứu khá
nghiêm túc về lịch sử, văn hóa Hà Nội của Trần Huy Bá, Nguyễn Tường
Phượng, Trần Hàm Tấn, Nghiêm Xuân Yêm, Vũ Đình Hòe vv...
Nhìn chung, tuy các công trình nghiên cứu về Hà Nội thời cận đại đã
được thực hiện và trình bày theo khuôn mẫu của khoa học xã hội phương Tây
nhưng cũng chủ yếu dừng lại ở mức ghi chép, khảo sát, mô tả và ít nhiều có so
sánh, phân tích. Tính chất tản văn và tính chất chuyên biệt là những đặc điểm
chính của các nghiên cứu thời kỳ này.
Trong thời kỳ 1946 - 1975, theo Vũ Văn Quân, Đỗ Thị Hương Thảo và
nhóm nghiên cứu thì các công trình chỉ chủ yếu xuất hiện từ sau năm 1954. Cho
đến năm 1975, đã có 234 công trình được công bố, trong đó nhiều nhất vẫn là
các nghiên cứu thuộc lĩnh vực lịch sử với 154 công trình. Tiếp đó là các nghiên
cứu thuộc các lĩnh vực nhân vật lịch sử (56 công trình), di tích lịch sử (52 công
trình), văn hóa - nghệ thuật (23 công trình), địa lý (23 công trình), kinh tế (22
công trình), tôn giáo - tín ngưỡng (20 công trình), văn học - ngôn ngữ (9 công
trình), giáo dục (7 công trình) và y tế - thể thao (4 công trình). Các tác giả trên
cũng cho biết: hai thời điểm có số lượng công trình nghiên cứu về Hà Nội tăng
đột biến là năm 1960 - năm kỷ niệm Thủ đô tròn 950 tuổi và năm 1973, sau khi
diễn ra trận "Điện Biên Phủ trên không" oanh liệt tại Hà Nội.4 Có lẽ các tác giả
trên chỉ mới tập trung kiểm đếm các nghiên cứu trực tiếp về Hà Nội (coi Hà Nội
như một đối tượng nghiên cứu độc lập hoặc đối tượng nghiên cứu chính) mà
chưa thống kê đầy đủ các nghiên cứu khác có liên quan đến Hà Nội, như các
công trình về lịch sử Việt Nam, về lịch sử phong trào yêu nước và cách mạng
Việt Nam, hoặc những công trình về văn hóa, kinh tế, về giai cấp công nhân
Việt Nam vv...

3
Xem: Dumoutier, Gustave, "Đổng Thiên Vương" l'enfant prodige (1887), Les pagodes de Hanoi (1887), Les
pagodes de Hanoi: estudes d'archéologie et d' épigraphie annamites (1887), La pagodes du gesnie Huyền Thiên
à Hanoi: légendes et traditions du Tonkin et de l'Annam (1888), Le Grande Boudha de Hanoi: estude historique
archéologique et espigraphique de la pagode du Tran Vu (1988), Estude historique et arch esologique sur Co
Loa (1893) vv...
4
Xem: Vũ Văn Quân và Đỗ Thị Hương Thảo (đồng chủ biên), Thăng Long - Hà Nội: Thư mục công trình
nghiên cứu, sđd, tr. 13 -15.
15
Đây là thời kỳ nghiên cứu về Hà Nội dường như chỉ là công việc của các
nhà KHXH Việt Nam, đặc biệt là ở miền Bắc. Hầu như vắng bóng hoàn toàn
các nghiên cứu của người nước ngoài về Hà Nội, kể cả các học giả ở Liên Xô và
các nước trong phe XHCN. Ở Phương Tây, tuy đã bắt đầu xuất hiện một số
nghiên cứu công phu về Việt Nam của một số học giả người Pháp, người Mỹ,
nhưng tại đó, Hà Nội nếu có được đề cập đến thì cũng chỉ có ý nghĩa như một
địa phương, một thành phố của Việt Nam mà thôi.
Trong số các nghiên cứu được công bố ở thời kỳ này nổi bật lên là công
trình của Trần Huy Liệu (chủ biên) Lịch sử Thủ đô Hà Nội (1960), các công
trình của Lê Thước, Vũ Tuân Sán, Vũ Văn Tỉnh, như Lịch sử tên phố Hà Nội
(1964) và công trình của Hoàng Đạo Thúy, như Hà Nội xưa và nay (1969),
Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội (1969), Phố phường Hà Nội xưa (1974). Tuy
rằng phần lớn các nghiên cứu có ảnh hưởng nhiều nhất đều là các nghiên cứu
trong hai lĩnh vực lịch sử và văn hóa, nhưng những công trình nói trên bước đầu
đã tiếp cận Thăng Long - Hà Nội theo hướng liên ngành, và do đó có thể được
coi như những nghiên cứu tiên khởi của ngành Hà Nội học.
Trong thời kỳ tiếp theo, từ 1976 đến 2008 số lượng nghiên cứu về Hà Nội
bắt đầu tăng nhanh. Theo thống kê của nhóm nghiên cứu do Vũ Văn Quân và
Đỗ Thị Hương Thảo đứng đầu, thì số công trình khoa học về Hà Nội được công
bố trong thời kỳ này lên đến 5.619 tác phẩm, chiếm tới 93,43% toàn bộ các
nghiên cứu về Hà Nội đã công bố cho tới năm 2008, gấp 24 lần số công trình
công bố trong thời kỳ 1946 - 1975 và gấp 35 lần số công trình công bố trong
thời kỳ cận đại. Trung bình, mỗi năm có tới 175 nghiên cứu, nhiều hơn toàn bộ
số công trình được công bố trong thời kỳ cận đại.5
Khảo sát của nhóm nghiên cứu này cũng chỉ ra cụ thể hơn: trong khoảng
thời gian từ 1976 đến 1993, số lượng công trình nghiên cứu về Hà Nội có tăng
lên, nhưng với tốc độ không cao. Trừ năm 1976 có sự gia tăng đột biến (37 công
trình) thì những năm sau số các nghiên cứu về Hà Nội cũng chỉ xấp xỉ như số
lượng trung bình của thời kỳ trước đó. Số lượng nghiên cứu về Hà Nội chỉ thực
sự tăng nhanh kể từ đợt kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Thủ đô (1994) và đặc
biệt là trong những năm chuẩn bị cho đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long -
Hà Nội. Riêng số công trình công bố trong thời gian từ 1994 đến 2008 đã lên tới

5
Xem: Vũ Văn Quân và Đỗ Thị Hương Thảo (đồng chủ biên), Thăng Long - Hà Nội: Thư mục công trình
nghiên cứu, sđd, tr. 15.
16
4.948 tác phẩm, chiếm 82,27% toàn bộ công trình được công bố cho tới năm
2008. Cũng trong thời gian này, số lượng công trình của học giả nước ngoài về
Hà Nội cũng tăng nhanh.6
Cho dù những số liệu thống kê về số lượng các nghiên cứu về Hà Nội qua
các thời kỳ của nhóm nghiên cứu như trình bày bên trên có thể là "chưa đầy đủ",
nhưng đã đưa lại một cái nhìn chân thực, đáng tin cậy về diễn thế phát triển của
sự nghiệp nghiên cứu về Hà Nội trong suốt thời gian dài, từ thời kỳ Pháp thuộc
cho đến trước khi Hà Nội được mở rộng địa giới vào năm 2008. Qua đó, có thể
thấy rõ mức độ quan tâm ngày càng gia tăng của giới nghiên cứu Việt Nam và
nước ngoài đối với Thủ đô Hà Nội. Điều này cho thấy nhu cầu nhận thức về Hà
Nội của nhân dân Hà Nội, nhân dân cả nước, của giới nghiên cứu trong và ngoài
nước, của các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở Trung ương ngày càng lớn. Nhu
cầu này càng bộc lộ rõ hơn trong các dịp Hà Nội và cả nước kỷ niệm những sự
kiện lớn có liên quan đến Thủ đô và đất nước. Đây chính là những dịp để Hà
Nội và cả nước cùng tự nhìn nhận và đánh giá về Hà Nội từ những phương diện
và ở những mức độ khác nhau. Việc số lượng công trình nghiên cứu gia tăng
đột biến vào khoảng thời gian từ 1994 đến 2008 cũng phản ánh chân thực, rõ
ràng yêu cầu thực tiễn của sự nghiệp phát triển bền vững Thủ đô trong thời kỳ
đổi mới: thoát khỏi tư duy và cơ chế bao cấp, chuyển sang tư duy đổi mới và cơ
chế thị trường Hà Nội mới thực sự phải đối diện với nhiều vấn đề mà trong các
thời kỳ lịch sử trước đó chúng chưa xuất hiện, chưa bộc lộ đầy đủ các chiều
kích và có thể chưa đòi hỏi phải được nghiên cứu và giải quyết ở mức độ cấp
bách. Đối diện với những vấn đề đó, Hà Nội cần phải phát huy cao độ tất cả các
nguồn lực để tạo ra xung lực phát triển mới. Đó chính là nguyên nhân cơ bản
nhất, là động cơ củ yếu nhất khiến cho việc nghiên cứu về Hà Nội ngày càng
phát triển. Đó cũng chính là yêu cầu, là động lực để ngành Hà Nội học ra đời và
phát triển lên một tầm cao mới, với những thành tựu mới.
Để nhận diện cụ thể và sâu sắc hơn nhu cầu nghiên cứu về Hà Nội qua
các thừi kỳ, nhóm nghiên cứu do Vũ Văn Quân và Đỗ Thị Hương Thảo đứng
đầu cũng tiến hành phân loại, thống kê và phân tích số lượng và sự phân bố của
các nghiên cứu trong 10 lĩnh vực. Đương nhiên, như nhóm nghiên cứu cho biết,
sự phân biệt giữa các lĩnh vực chỉ có tính tương đối, đồng thời việc xếp một
công trình nào đó vào một lĩnh vực cụ thể cũng rất khó khăn, bởi lẽ có không ít

6
Như trên, tr. 15-16.
17
công trình có đối tượng và nội dung nghiên cứu bao phủ nhiều lĩnh vực, có thể
bao gồm cả lịch sử, văn hóa, nhân vật và di tích lịch sử. Trên căn bản, chúng tôi
đồng ý với cách tiếp cận và giải quyết vấn đề của nhóm nghiên cứu, và ở đây
chúng tôi kế thừa và tiếp nhận những kết quả nghiên cứu của nhóm này như một
nguồn cứ liệu đầu vào đáng tin cậy cho các phân tích tiếp theo của mình.
Đặc điểm rõ nhất, xuyên suốt cả ba thời kỳ phát triển của sự nghiệp
nghiên cứu về Hà Nội trong vòng trên 150 năm qua là: số lượng công trình
nghiên cứu tập trung cao độ nhất vào lĩnh vực lịch sử. Trong số 160 nghiên cứu
xuất hiện trước năm 1945 thì có tới 115 nghiên cứu về lịch sử, chiếm 71,8%.
Trong thời kỳ tiếp theo, trong tổng số 234 công trình thì có tới 154 nghiên cứu
thuộc lĩnh vực lịch sử, chiếm 65,81%. Trong thời kỳ từ 1976 đến 2008, trong số
5619 công trình được công bố thì có đến 1880 công trình thuộc lĩnh vực sử học.
Xét về tỉ lệ, tuy có giảm sút so với hai giai đoạn trước (chiếm 33,45%), nhưng
số lượng tuyệt đối các công trình lớn gấp hơn 12 lần số lượng công trình nghiên
cứu đề cập đến lịch sử Hà Nội của giai đoạn trước, cho thấy rõ sự quan tâm đối
với lĩnh vực này trong nghiên cứu về Hà Nội thực chất là không giảm, mà trái
lại còn gia tăng vô cùng mạnh mẽ.
Bảng 1.1. Tình hình phân bố công trình nghiên cứu về Hà Nội trong các
lĩnh vực chuyên môn trước năm 1946.
TT Lĩnh vực nghiên cứu Số công trình Tỉ lệ
1 Lịch sử 115 71,8
2 Văn hóa 67 41,86
2.1 Văn hóa - nghệ thuật 23 14,37
2.2 Di tích lịch sử văn hóa 21 13,12
2.3 Tôn giáo - tín ngưỡng 18 11,25
2.4 Văn học - ngôn ngữ 5 3,12
3 Kinh tế - Xã hội 71 44,36
3.1 Kinh tế 23 14,37
3.2. Giáo dục 23 14,37
3.3 Y tế - thể dục, thể thao 25 15,62
4 Địa lý 20 12,50
5 Nhân vật 11 6,87

Nguồn: Vũ Văn Quân và Đỗ Thị Hương Thảo (cb), Sđd, tr. 18.

18
Tiếp theo lịch sử, lĩnh vực văn hóa cũng liên tục giành được sự quan tâm
mạnh mẽ của giới nghiên cứu về Hà Nội trong tất cả các thời kỳ. Trước năm
1945, số công trình nghiên cứu xuất hiện trong lĩnh vực văn hóa là 67, chiếm
41,86%. Trong thời kỳ từ 1946 đến 1975, số công trình xuất hiện trong lĩnh vực
này là 104, chiếm tới 44,42%. Còn trong thời kỳ từ 1976 đến 2008, số công
trình nghiên cứu về Hà Nội thuộc lĩnh vực văn hóa tăng rất nhanh, đạt tới con số
là 3813, chiếm tới 67,84% tổng số các nghiên cứu được công bố, là lĩnh vực
chiếm tỉ lệ công trình cao nhất.
Bảng 1.2.: Tình hình phân bố công trình nghiên cứu về Hà Nội trong các
lĩnh vực chuyên môn từ 1946 đến 1975
TT Lĩnh vực nghiên cứu Số công trình Tỉ lệ
1 Lịch sử 154 65,81
2 Văn hóa 104 44,42
2.1 Văn hóa - nghệ thuật 23 9,82
2.2 Di tích lịch sử văn hóa 52 22,22
2.3 Tôn giáo - tín ngưỡng 20 8,54
2.4 Văn học - ngôn ngữ 9 3,84
3 Kinh tế - Xã hội 33 14,09
3.1 Kinh tế 22 9,40
3.2 Giáo dục 7 2,99
3.3 Y tế - thể dục, thể thoa 4 1,70
4 Địa lý 23 9,82
5 Nhân vật 56 23,93
Nguồn: Vũ Văn Quân và Đỗ Thị Hương Thảo (cb), Sđd, tr. 19.

Việc lịch sử và văn hóa là hai lĩnh vực được giới nghiên cứu về Hà Nội
quan tâm mạnh mẽ nhất trong thực tiễn nghiên cứu suốt hơn 150 năm qua là
điều hoàn toàn logic, bởi một số nguyên nhân chính sau đây:
Thứ nhất, Thăng Long - Hà Nội là một trong những không gian lịch sử -
văn hóa tiêu biểu và đặc sắc nhất ở Việt Nam. Với bề dày lịch sử hơn 1.000 năm
luôn luôn giữ vai trò trọng trấn hàng đầu của đất nước, Thăng Long - Hà Nội là
19
nơi tích hội, kết tinh và làn tỏa các giá trị văn hóa và truyền thống lịch sử của
dân tộc Việt Nam. Đồng thời, chính không gian lịch sử - văn hóa Thăng Long -
Hà Nội tự nó cũng có những đặc trưng văn hóa riêng, rất đặc sắc. Đây là nguyên
nhân quan trọng nhất khiến cho nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội trong bất
kỳ thời gian nào cũng phải dành ưu tiên hàng đầu cho việc nghiên cứu, khám
phá những vấn đề, những quá trình, sự kiện lịch sử và văn hóa.
Thứ hai, càng về sau, sự quan tâm của giới nghiên cứu đối với lịch sử và
văn hóa Thăng Long - Hà Nội càng gia tăng. Điều đó chứng tỏ di sản văn hóa
và truyền thống lịch sử càng ngày càng được nhận thức như một nguồn lực quan
trọng trong thực tiễn xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững của Thủ đô.
Nguồn lực này có đặc điểm là nếu càng được nghiên cứu, nhận thức thấu đáo,
khoa học, toàn diện và đầy đủ thì nó càng trở nên phong phú, và có giá trị to lớn
hơn. Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà chính là trong thời kỳ Đổi mới,
đặc biệt là sau năm 1994, khi Hà Nội và cả nước càng tiến nhanh hơn trên con
đường đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa và hội nhập quốc tế
thì số lượng các công trình nghiên cứu về lịch sử và văn hóa càng được quan
tâm nghiên cứu nhiều hơn, sâu sắc và toàn diện hơn.
Thứ ba, việc số lượng công trình nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội,
nhất là trong thời gian từ 1994 đến 2008, tập trung nhiều nhất trong hai lĩnh vực
có liên hệ mật thiết với nhau là lịch sử và văn hóa, cũng cho thấy trong thực tiễn
xây dựng và phát triển của Thủ đô, nhất là trong những năm gần đây, đang đặt
ra nhiều vấn đề cấp bách, phức tạp cần được tiếp cận và nghiên cứu thấu đáo,
nhằm trên cơ sở đó quảng bá hình ảnh và giá trị, di sản văn hóa đặc sắc, tiêu
biểu của "người Tràng An", tìm ra các giải pháp, mô hình và phương thức phù
hợp để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; giữa bảo tồn,
phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của đất và người Thăng Long - Hà Nội
với tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại trong quá trình hội nhập
quốc tế.
Tóm lại, thực tế nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội trong suốt hơn 150
năm qua đã khẳng định chắc chắn rằng, nghiên cứu lịch sử - văn hóa Thăng
Long - Hà Nội chính là mạch nguồn cốt lõi, một tấm căn cước đầu tiên của
ngành Hà Nội học. Đây cũng chắc chắn là một trong những định hướng cơ bản
nhất của ngành Hà Nội học trong tương lai. Điều này hoàn toàn phù hợp với lý
luận và định hướng nghiên cứu của Khu vực học hiện đại.

20
Bảng 1.3: Tình hình phân bố công trình nghiên cứu về Hà Nội trong các
lĩnh vực chuyên môn từ 1976 đến 2008
TT Lĩnh vực nghiên cứu Số công trình Tỉ lệ
1 Lịch sử 1880 33,45
2 Văn hóa 3813 67,84
2.1 Văn hóa - nghệ thuật 1732 30,82
2.2 Di tích lịch sử - văn hóa 1315 23,40
2.3 Tôn giáo - tín ngưỡng 702 12,49
2.4 Văn học - ngôn ngữ 64 1,13
3 Kinh tế - Xã hội 1513 26,91
3.1 Kinh tế 1256 22,35
3.2 Giáo dục 209 3,71
3.3 Y tế - Thể dục, thể thao 48 0,85
4 Địa lý 655 11,65
5 Nhân vật 615 10,04
Nguồn: Vũ Văn Quân và Đỗ Thị Hương Thảo (cb), Sđd, tr. 20.

Lĩnh vực kinh tế - xã hội cũng giành được sự quan tâm khá mạnh mẽ
của giới nghiên cứu về Hà Nội trong hơn 150 năm qua. Trong tương quan
chung (tỉ lệ %) thì trong thời kỳ đầu và thời kỳ thứ ba các vấn đề thuộc lĩnh vực
này được quan tâm nghiên cứu nhiều hơn.
Điều đó có thể lý giải bởi trong thời kỳ cận đại, những ghi chép, khảo cứu
về các nghề truyền thống, về các hình thức sinh hoạt phố phường và cộng đồng
cũng như các vấn đề về y tế, thể dục thể thao thu hút được sự chú tâm, đôi phần
có cả sự hiếu kỳ, của các nhà nghiên cứu nhìn Thăng Long - Hà Nội với con
mắt hiện đại, nhất là các nhà nghiên cứu người Pháp nhiều hơn. Trong thời kỳ
thứ hai, vấn đề nóng bỏng nhất của thực tiễn đặt ra là cuộc kháng chiến chống
Mỹ cứu nước, do vậy có thể vì vậy mà các vấn đề kinh tế - xã hội tạm thời bị
đẩy lui xuống hàng thứ yếu. Hơn nữa, trong thời kỳ này, những nghiên cứu về
kinh tế - xã hội Thủ đô có thể được "ẩn", được "hòa quyện" vào trong các
nghiên cứu chung về nền kinh tế, các lĩnh vực sản xuất, các giai tầng, các cuộc
21
vận động, các phong trào chính trị - xã hội chung của cả nước mà vì lý do nào
đó chưa được thống kê đầy đủ ở đây.
Trong thời kỳ thứ ba, nhất là từ sau năm 1994, số lượng tuyệt đối các
công trình nghiên cứu về kinh tế - xã hội Thủ đô tăng đột biến, với 1513 công
trình (chiếm 26,91% tổng số các nghiên cứu xuất hiện trong thời kỳ này), trong
đó, riêng các công trình nghiên cứu về kinh tế đạt số lượng là 1256, chiếm
22,35%. Các số liệu thống kê trên phản ánh chân thực tình hình thực tiễn phát
triển của Hà Nội, khi mà các vấn đề kinh tế - xã hội, nhất là các vấn đề kinh tế
ngày càng trở nên quan trọng hơn trong đời sống Thủ đô, với tính chất của một
không gian phát triển đặc thù.
Tuy nhiên, dù đã có sự gia tăng mạnh mẽ, nhưng số lượng và thành tựu
nghiên cứu về Hà Nội trong lĩnh vực kinh tế - xã hội hoàn toàn còn chưa tương
xứng với yêu cầu nghiên cứu do thực tiễn phát triển của thành phố đặt ra, nhất là
trong thời kỳ Đổi mới. Đây là một trong những hạn chế không nhỏ của nghiên
cứu Hà Nội trước năm 2008. Như đã phân tích và chỉ ra ở phần trên của nghiên
cứu này, trong vòng hơn ba thập kỷ qua Thủ đô Hà Nội đã và đang trải qua
nhiều chuyển biến căn bản, sâu sắc về kinh tế và xã hội. Hơn nữa, trong tương
lai, những vấn đề trọng yếu nhất của sự nghiệp phát triển bền vững Thủ đô chắc
chắn đều xuất phát từ hai lĩnh vực kinh tế và xã hội và cuối cùng cũng trở về
nhằm giải quyết tốt hơn các vấn đề đặt ra trong hai lĩnh vực này. Vì vậy, nghiên
cứu về kinh tế và xã hội Thủ đô vừa theo hướng tiếp cận chuyên ngành, và đặc
biệt là theo hướng tiếp cận liên ngành chắc chắn phải là một trong những định
hướng lớn được ưu tiên hàng đầu của ngành Hà Nội học.
Lĩnh vực địa lý dường như cũng chưa được quan tâm thỏa đáng trong
việc nghiên cứu về Hà Nội trước năm 2008. Trong suốt ba thời kỳ, tỉ lệ công
trình nghiên cứu thuộc lĩnh vực này chỉ đạt mức lần lượt là 12,50%, 9,82% và
11,655. Kết quả thống kê này có thể có vấn đề ở việc đặt ngang địa lý với
những lĩnh vực khác vốn có phạm vi rộng lớn hơn nhiều, như kinh tế - xã hội
hoặc văn hóa, lịch sử. Tuy nhiên, nhìn vào kết quả tổng hợp của Vũ Văn Quân
và Đỗ Thị Hương Thảo chúng ta vẫn có thể hoàn toàn tin cậy vào mức độ phản
ánh trung thực, bởi tỉ lệ công trình của lĩnh vực địa lý quả thật vẫn là nhỏ bé nếu
đem so sánh với những “tiểu lĩnh vực” như tôn giáo – tín ngưỡng, di tích lịch sử
- văn hóa vv....
Đáng lưu ý là trong thời kỳ 1976-2008, số công trình nghiên cứu về địa lý
22
Hà Nội đã tăng đột biến, đạt con số 655 nghiên cứu, nhiều gấp hơn 15 lần số
công trình của hai thời kỳ trước gộp lại. Điều này cũng cho thấy thực tiễn đổi
mới, phát triển bền vững Thủ đô đang đòi hỏi các vấn đề liên quan đến địa lý
cần phải được quan tâm hơn. Tuy có sự tăng trưởng ngoạn mục như vậy, nhưng
rõ ràng là nghiên cứu, tiếp cận Hà Nội từ lĩnh vực này còn chưa tương xứng với
tiềm năng và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững của Thủ đô.
Một trong những nguyên nhân khiến cho việc nghiên cứu về Hà Nội
trong lĩnh vực địa lý chưa được đặt đúng tầm mức, vị thế và chưa được quan
tâm thỏa đáng chính là tính liên ngành của các nghiên cứu chưa được đảm bảo.
Xét về bản chất, các nghiên cứu về địa lý Hà Nội có thể và cần phải đặt trong
mối quan hệ học thuật có tính tích hợp và liên ngành rất cao với các nghiên cứu
về lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội, môi trường, đa dạng sinh học, phát triển bền
vững, quy hoạch và quản lý đô thị, quản lý phát triển vv... Đây là đòi hỏi bức
thiết của thực tiễn phát triển bền vững của Thủ đô trong giai đoạn trước mắt và
lâu dài. Vì vậy, nghiên cứu, tiếp cận thực tiễn phát triển bền vững từ góc độ địa
lý, đặt trong sự gắn kết, tích hợp, liên ngành với các hướng tiếp cận và nghiên
cứu chuyên ngành khác phải được coi là một trong những định hướng quan
trọng của Hà Nội học hiện nay và trong tương lai.
Lĩnh vực nghiên cứu cuối cùng được nhóm nghiên cứu do Vũ Văn Quân
và Đỗ Thị Hương Thảo đứng đầu thống kê, phân tích các công trình nghiên cứu
về Hà Nội cho đến năm 2008 là nghiên cứu về các nhân vật tiêu biểu của Thăng
Long – Hà Nội. Lĩnh vực này, xét về phạm vi nghiên cứu cũng như tầm mức
quan trọng, rõ ràng là không thể so sánh được với bốn lĩnh vực trên. Tuy nhiên,
Thăng Long – Hà Nội là nơi muôn đời đô hội, quần tụ nhân tài của cả nước,
trong đó có rất nhiều nhân vật kiệt xuất có nhân cách, tài năng đặc biệt và có
ảnh hưởng to lớn trong lịch sử dân tộc, lịch sử Thủ đô. Vì vậy, lĩnh vực nghiên
cứu này cũng có sức hấp dẫn riêng và được nhiều thế hệ nhà nghiên cứu quan
tâm. Trong thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám đã xuất hiện 11 công trình
thuộc lĩnh vực này. Trong thời kỳ 1946 – 1975 có 56 nghiên cứu và từ năm
1976 đến 2008 có tới 615 công trình khảo cứu về nhân vật tiêu biểu của Thăng
Long – Hà Nội.7 Có thể thấy số lượng công trình thuộc lĩnh vực ngày không
ngừng tăng lên, và tăng nhanh trong thời gian gần đây. Với số lượng gần 700
công trình được công bố, nghiên cứu về nhân vật tiêu biểu đã tự mình khẳng
7
Xem: Vũ Văn Quân và Đỗ Thị Hương Thảo (đồng chủ biên), Thăng Long - Hà Nội: Thư mục công trình
nghiên cứu, sđd, tr. 21.
23
định chắc chắn xứng đáng được coi là một trong những định hướng nghiên cứu
đầy hứa hẹn của ngành Hà Nội học hiện đại. Tuy nhiên, dù khảo cứu ở mức còn
khá sơ giản cũng có thể chỉ ra một số vấn đề cần được khắc phục trong lĩnh vực
nghiên cứu này:
Thứ nhất, vì Thăng Long – Hà Nội là nơi nhân tài bốn phương quần tụ
nên trong thực tiễn nghiên cứu rất khó phân biệt được ai là “nhân vật quốc gia”
và ai là “nhân vật Thăng Long – Hà Nội”. Dẫu vậy, cũng rất cần thiết chỉ ra mối
liên hệ giữa từng nhân vật với không gian văn hóa – lịch sử Thăng Long – Hà
Nội. Điều này đòi hỏi các nghiên cứu về nhân vật cần đạt tới một trình độ cao
hơn: thực sự đặt nhân vật được nghiên cứu trong bối cảnh lịch sử, trong không
gian và thời gian lịch sử được nghiên cứu.
Thứ hai, nghiên cứu làm sáng tỏ hành trạng, cuộc đời, phẩm chất, nhân
cách, tài năng vv... của các cá nhân xuất chúng nhưng đồng thời phải gắn với
việc nghiên cứu con đường hình thành, phát triển và được trọng dụng của các
nhân tài, nhất là những cống hiến và đóng góp của họ vào sự nghiệp xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc và phát triển Thủ đô. Những nghiên cứu như vậy sẽ góp phần
cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho chính sách phát triển và trọng dụng
nhân tài của quốc gia và của Thủ đô hiện nay và trong tương lai.
Thứ ba, nghiên cứu về các cá nhân xuất chúng cần gắn với nghiên cứu về
phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và nguồn lực trí tuệ phục vụ sự nghiệp
phát triển bền vững của Thủ đô. Trong kỷ nguyên văn minh trí tuệ và kinh tế tri
thức, vấn đề chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có trình độ cao
trở nên vô cùng quan trọng. Sự nghiệp phát triển đất nước và phát triển Thủ đô
đang rất cần một đội ngũ đông đảo các nhân tài ở nhiều lĩnh vực. Vì vậy, nghiên
cứu về các cá nhân xuất chúng không chỉ tự giới hạn ở chỗ tôn vinh những cá
nhân đó, mà phải gắn với việc cung cấp cơ sở, luận cứ khoa học cho chính sách,
chiến lược, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực và nguồn lực trí tuệ của Hà Nội
và của cả nước.

1.2. Tổng quan tình hình nghiên cứu về Hà Nội từ sau năm 2008 đến
nay
Từ sau tháng 8 năm 2008, nghiên cứu về Hà Nội đứng trước những cơ
hội thuận lợi và những thách thức mới, lớn lao. Thứ nhất là sự mở rộng địa giới
của Thủ đô theo Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29 tháng 5 năm 2008
của Quốc hội Việt Nam khóa XII. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 1 tháng 8
24
năm 2008. Theo đó, Thủ đô Hà Nội được mở rộng với toàn bộ diện tích tỉnh Hà
Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình).
Như vậy, Thủ đô Hà Nội có diện tích 3.344,7 km2 với dân số khoảng 6,23 triệu
người, có 29 đơn vị hành chính quận, huyện, thị xã và 577 đơn vị xã, phường,
thị trấn. Việc mở rộng địa giới có nghĩa là không gian hành chính của Hà Nội
được mở rộng, cùng với đó là việc không gian văn hóa xứ Đoài nổi tiếng được
gộp vào cùng với không gian văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
Vấn đề này đặt ra một câu hỏi lớn cho ngành Hà Nội học: phạm vi nghiên
cứu của ngành này có được/ nên / cần phải mở rộng không? Hay nói khác đi,
đối tượng nghiên cứu của ngành Hà Nội học có bao gồm cả không gian văn hóa
xứ Đoài xưa hay không? Cho đến nay chưa có nhà nghiên cứu nào trả lời rõ
ràng, minh bạch câu hỏi trên, với những lập luận đầy đủ luận cứ thuyết phục.
Đương nhiên, nhà nghiên cứu cụ thể có thể lựa chọn tiếp tục giới hạn
phạm vi nghiên cứu của mình trong không gian Thăng Long - Hà Nội. Thực tế
là có những nghiên cứu cụ thể cần phải lựa chọn như vậy. Tuy nhiên, ngành Hà
Nội học, với sứ mệnh là nghiên cứu, mang lại nhận thức tổng hợp, liên ngành về
Hà Nội để cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ sự nghiệp phát triển
bền vững của Thủ đô Hà Nội, thì việc loại trừ phần mới sáp nhập vào Thủ đô ra
khỏi phạm vi nghiên cứu của mình là không thể chấp nhận được. Xét trên
phương diện khoa học, nếu chỉ tập trung nghiên cứu về không gian Thăng Long
- Hà Nội cũ thì ngành Hà Nội học không hoàn thành được nhiệm vụ cung cấp
cơ sở, luận cứ cho đầu vào (input) của quá trình chính sách. Hơn nữa, sau khi
được mở rộng, hàng loạt vấn đề đương đại của Hà Nội đều được đặt ra và giải
quyết ở quy mô, tầm mức và phạm vi bao gồm cả "Hà Nội cũ" và "Hà Nội
mới".
Vì vậy, yêu cầu tiếp cận và nghiên cứu về Hà Nội sau khi mở rộng trở
nên hết sức cấp bách. Trong lịch sử, ngay cả trước khi việc sáp nhập xảy ra vào
năm 2008, thì Thủ đô Hà Nội cũng đã trải qua nhiều lần được điều chỉnh địa
giới, lúc được mở rộng, khi lại bị thu hẹp. Những biến động về phạm vi hành
chính này tuy không thể "pha loãng" hay làm "xói mòn" bản sắc và đặc điểm
của không gian văn hóa - lịch sử Thăng Long - Hà Nội mà trái lại, làm cho
không gian này từng bước được mở rộng, lan tỏa và có thêm những sắc diện
mới. Thực tế là: mặc dù có những khác biệt nhất định, song giữa không gian
văn hóa - lịch sử Thăng Long - Hà Nội và xứ Đoài luôn có những tương tác

25
phong phú, đa chiều, thường xuyên liên tục và do đó có không ít những tương
đồng. Nay được gộp vào trong cùng một không gian phát triển, chắc chắn cả hai
không gian văn hóa lịch sử này cùng có những biến đổi, đồng thời càng tăng
thêm gắn kết trên nhiều phương diện. Đây chính là một chủ đề quan trọng của
ngành Hà Nội học hiện nay và trong tương lai.
Thứ hai là dịp kỷ niệm Thủ đô tròn 1.000 năm tuổi vào năm 2010. Đây
chắc chắn là một sự kiện trọng đại đối với Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước
nói chung. Trong quá trình chuẩn bị và tổ chức đại lễ kỷ niệm, một Chương
trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước đã được tổ chức triển
khai và nghiệm thu - Chương trình KX09 “Nghiên cứu phát huy điều kiện tự
nhiên, kinh tế, xã hội và giá trị lịch sử - văn hoá 1000 năm Thăng Long - Hà
Nội, phục vụ phát triển toàn diện Thủ đô” do GS.TS. Phùng Hữu Phú làm Chủ
nhiệm. Cho đến nay, đây là chương trình nghiên cứu liên ngành lớn nhất về Hà
Nội đã được tổ chức, triển khai thành công, được nghiệm thu và công bố kết quả
vào tháng 10 năm 2010 và được chọn là một trong 10 "Sự kiện khoa học và
công nghệ tiêu biểu cấp quốc gia" trong năm 2010. Chương trình gồm 12 đề
tài cấp nhà nước:
1) Đề tài mã số KX.09.01: “Tổng quan điều kiện tự nhiên, địa lý, môi
trường và phương hướng phát triển không gian Thủ đô Hà Nội trong nửa đầu
thế kỷ XXI” do TS Đỗ Tiến Sâm làm Chủ nhiệm;
2) Đề tài mã số KX.09.02: “Thăng Long - Hà Nội với vai trò trung tâm
hành chính của đất nước - những bài học về quản lý và phát triển” do PGS.TS
Vũ Văn Quân làm Chủ nhiệm;
3) Đề tài mã số KX.09.03: “Bài học kinh nghiệm hoạt động đối ngoại của
Thăng Long - Hà Nội” do PGS.TS Phạm Xuân Hằng làm Chủ nhiệm;
4) Đề tài mã số KX.09.04: “Bài học kinh nghiệm trong sự nghiệp giải
phóng, bảo vệ Thăng Long - Hà Nội” do Thiếu tướng PGS.TS Nguyễn Văn Tài
làm Chủ nhiệm;
5) Đề tài mã số KX.09.05: “Quá trình đô thị hóa Thăng Long - Hà Nội,
kinh nghiệm lịch sử và định hướng quy hoạch phát triển đô thị trong thời kỳ
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” do TS Lê Hồng Kế làm Chủ nhiệm;
6) Đề tài mã số KX.09.06: “Kinh tế hàng hóa của Thăng Long - Hà Nội:
đặc trưng và kinh nghiệm phát triển” do GS.TS Nguyễn Trí Dĩnh làm Chủ
26
nhiệm;
7) Đề tài mã số KX.09.07: “Giáo dục và đào tạo Thăng Long - Hà Nội,
định hướng phát triển giáo dục và đào tạo của Thủ đô trong thời kỳ công
nghiệp hóa, hiện đại hóa” do PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế làm Chủ nhiệm;
8) Đề tài mã số KX.09.08: “Phát triển khoa học và trọng dụng nhân tài
của Thăng Long - Hà Nội” do GS.TSKH Vũ Hy Chương làm Chủ nhiệm;
9) Đề tài mã số KX.09.09: “Bảo tồn và phát huy giá trị những di tích lịch
sử - văn hóa - cách mạng tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội” do PGS.TS.
Nguyễn Quang Trọng làm Chủ nhiệm;
10) Đề tài mã số KX.09.10: “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật
thể ở Thăng Long - Hà Nội” do GS.TS. Nguyễn Chí Bền làm Chủ nhiệm;
11) Đề tài mã số KX.09.11: “Những phẩm chất nhân cách đặc trưng của
người Thăng Long - Hà Nội” do GS.TS. Phạm Tất Dong làm Chủ nhiệm;
12) Đề tài mã số KX.09.12: “Phương hướng, giải pháp lớn phát huy tiềm
lực tự nhiên, kinh tế, xã hội và giá trị văn hóa lịch sử để phát triển bền vững
Thủ đô Hà Nội đến năm 2020”. Đây là đề tài mang tính chất tổng kết toàn bộ
Chương trình khoa học và công nghệ KX.09 do GS.TS. Phùng Hữu Phú làm
Chủ nhiệm.
Qua hệ thống đề tài, có thể thấy Chương trình KX.09 đã tổ chức nghiên
cứu toàn diện, theo định hướng liên ngành về Thăng Long – Hà Nội vừa với
tính chất là không gian lịch sử - văn hóa, vừa với tính chất là không gian phát
triển. Chương trình đã thu hút được hàng trăm chuyên gia thuộc các lĩnh vực
khác nhau cùng phối hợp khảo cứu sâu rộng nhiều vấn đề căn bản của Hà Nội,
phân tích, đánh giá các kết quả khảo sát và đề xuất được 54 nhóm giải pháp có
tính khả thi cao đối với sự nghiệp phát triển Thủ đô. Kết quả nghiên cứu của
Chương trình chính là một trong những cơ sở để Hà Nội tổ chức xây dựng thành
công Tủ sách Thăng Long nghìn năm văn hiến nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000
năm Thăng Long – Hà Nội. Giai đoạn I của Tủ sách này đã được hoàn thành
trong năm 2010. Tủ sách gồm gần 100 cuốn sách với khoảng 102.000 trang
sách, trong đó trên 40.000 trang là tư liệu nước ngoài.
Thứ ba là các hội thảo khoa học lớn về phát triển bền vững Thủ đô Hà
Nội, mở đầu là Hội thảo quốc tế “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến,
anh hùng, vì hòa bình”. Đây là sự kiện khoa học và công nghệ quan trọng nhất
27
do UBND Thành phố Hà Nội phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội cùng tổ
chức trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Với hơn 110
tham luận khoa học được trình bày và thảo luận tại hai phiên toàn thể và tại 5
tiểu ban (cơ sở lịch sử - chính trị, cơ sở văn hóa, cơ sở kinh tế - xã hội, điều kiện
tự nhiên và tài nguyên, môi trường và quy hoạch và quản lý đô thị), chắc chắn
Hội thảo này là sự kiện khoa học và công nghệ không chỉ to lớn về tầm vóc và ý
nghĩa mà còn là một diễn đàn học thuật liên ngành, chất lượng cao đầu tiên về
Hà Nội.8 Trên cơ sở nghiên cứu chuyên sâu của từng tác giả, từng nhóm nghiên
cứu về các lĩnh vực, các vấn đề chuyên môn cụ thể, Hội thảo này chính là diễn
đàn khoa học lớn nhất để các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác
nhau cùng thảo luận để tìm ra những hướng tiếp cận và giải quyết các vấn đề
đặt ra trong thực tiễn của Hà Nội theo nguyên tắc liên ngành và đa ngành. Hội
thảo cũng là nơi các nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài có dịp trao đổi vào
đóng góp nhiều ý kiến và kiến nghị có giá trị khoa học và thực tiễn thiết thực
đối với lãnh đạo Thủ đô, lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Một trong những đề xuất
quan trọng của Hội thảo là xây dựng và phát triển ngành Hà Nội học để phục
vụ sự nghiệp phát triển bền vững Thủ đô. Đề xuất này đã được chính thức khẳng
định trong văn bản Chương trình phối hợp công tác giữa Đại học Quốc gia Hà
Nội và UBND Thành phố Hà Nội từ 2012 đến 2015 (do Giám đốc ĐHQGHN
và Chủ tịch UBNND Thành phố Hà Nội ký ngày 24 tháng 7 năm 2012), mở
đường cho sự ra đời của Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô (Viện Việt
Nam học và Khoa học phát triển) vào tháng 10 năm 2014.
Sau Hội thảo trên, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô,
Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo “60 năm Giải phóng Thủ
đô: Thành tựu, thời cơ, thách thức và phát triển” vào tháng 10 năm 2014. Với
gần 70 tham luận, một lần nữa các nhà khoa học tiếp tục đi sâu nghiên cứu,
đánh giá cơ hội, thách thức, nguồn lực và định hướng phát triển của Thủ đô Hà
Nội, nhất là từ sau khi được mở rộng về địa giới hành chính. Hội thảo
còn hướng đến phân tích, đánh giá khách quan, khoa học và làm sâu sắc thêm
những bài học kinh nghiệm về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ trong 60 năm
qua trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trên cơ sở đó, Hội thảo đề xuất
các giải pháp khắc phục những khó khăn, thách thức và phát huy điều kiện
thuận lợi về mọi mặt để đẩy mạnh sự phát triển toàn diện, bền vững của Thủ đô.

8
Sau Hội thảo, các tham luận đã tiếp tục được tu chỉnh, biên tập và công bố dưới hình thức một công trình khoa
học đồ sộ (1563 trang) dưới tiêu đề: Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội, NXB Hà nội, 2012.
28
Mùa Thu năm 2015, nhân dịp kỷ niệm 70 Cách mạng tháng Tám và sự ra
đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành
phố Hà Nội đã phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức thành công Hội
thảo khoa học “Thủ đô Hà Nội: Truyền thống, Nguồn lực và Định hướng phát
triển”. Hội thảo có các mục đích chính như sau:
- Thứ nhất, nhận diện chính xác hơn các nguồn lực phát triển đô thị Hà
Nội; thế mạnh căn bản của các nguồn lực phát triển đô thị Hà Nội là gì và thực
trạng khai thác đến đâu. Trên cơ sở đó nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng
cao hiệu quả sử dụng và huy động tối đa tất cả các nguồn lực cho phát triển
nhanh và bền vững Thủ đô;
- Thứ hai, kiểm đếm và đánh giá một cách khách quan, thẳng thắn và
trung thực các quy hoạch đô thị (như quy hoạch chung, quy hoạch phân khu,
quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch chuyên ngành và quy hoạch của từng
thời kỳ cụ thể…), tìm ra những hợp lý và bất hợp lý, thậm chí hợp lý trong thời
điểm xây dựng quy hoạch, nhưng không còn hợp lý trong quá trình thực thi do
điều kiện và hoàn cảnh đã có nhiều thay đổi.
Hội thảo có 54 tham luận khoa học của 72 tác giả là các nhà chuyên gia
thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, tập trung vào ba chủ đề lớn: Truyền thống lịch
sử văn hóa Thăng Long - Hà Nội gồm 13 tham luận của 14 tác giả; Nguồn lực
phát triển Thủ đô Hà Nội, gồm 20 tham luận khoa học của 32 tác giả, tập trung
vào 4 nhóm vấn đề là nguồn lực tự nhiên, nguồn lực kinh tế - tài chính - cơ chế,
nguồn lực con người - văn hóa và nguồn lực khoa học công nghệ; Định hướng
phát triển Thủ đô Hà Nội gồm 20 báo cáo của 26 tác giả tập trung vào 3 nhóm
vấn đề là quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị; quản lý hành chính nhà nước
tại Hà Nội và các đô thị lớn và các khía cạnh kinh tế, xã hội và văn hóa phát
triển đô thị Hà Nội.9
Bên cạnh các diễn đàn khoa học quan trọng nói trên còn có hàng chục hội
nghị, hội thảo khác bàn thảo về các vấn đề cấp bách đặt ra trong thực tiễn phát
triển của Thủ đô Hà Nội. Trong đó, đặc biệt phải kể đến Hội thảo “Hà Nội học:
Phương pháp tiếp cận và nội dung nghiên cứu” do Viện Việt Nam học và Khoa
học phát triển phối hợp với Hội Sử học Hà Nội tổ chức vào tháng 12 năm 2011.
Hội thảo này là bước tiếp nối cụ thể trên con đường hiện thực hoá kết luận của

9
Theo: Nguyễn Quang Ngọc, “Báo cáo tổng hợp và đề dẫn Hội thảo Thủ đô Hà Nội: Truyền thống, nguồn lực
và định hướng phát triển”.
29
Hội thảo quốc tế “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì
hòa bình”, thông qua việc lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học thuộc
nhiều chuyên ngành lĩnh vực khác nhau về những vấn đề: xác định nội dung,
đối tượng nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu Hà Nội học; những khó khăn,
thách thức và tương lai phát triển ngành học này… Tất cả nhằm dựng nên diện
mạo cụ thể của ngành học mới cũng như xác định các bước đi cho việc ra đời
một đơn vị nghiên cứu đầu ngành về Hà Nội học tại Việt Nam. Đây là diễn đàn
khoa học có thể coi như hoạt động khởi đầu cho quá trình tiến tới thành lập
Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô và phát triển ngành Hà Nội học với
tính cách là một ngành khoa học dựa trên Khu vực học hiện đại. Hội thảo đã
nhận được tham luận của 30 nhà khoa học tập trung bàn luận về hệ các vấn đề
về phương pháp tiếp cận, phương pháp luận, nội dung của khái niệm Hà Nội
học, trong đó có 2 bài của các tác giả nước ngoài (một bài của GS. Sakurai
Yumio – Đại học Tổng hợp Tokyo và một bài của GS. Philippe Papin - Viện
Viễn Đông Bác cổ Pháp).
Việc mở rộng địa giới Hà Nội, tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng
Long – Hà Nội chính là những điều kiện thực tế đặt ra những yêu cầu mới cho
công tác nghiên cứu về Hà Nội. Trong khi đó, việc tổ chức triển khai thành
công Chương trình khoa học và công nghệ KX.09 và các hoạt động khoa học và
công nghệ khác, nhất là 4 cuộc hội thảo khoa học có tầm quan trọng học thuật
và ý nghĩa sâu rộng chính là những yếu tố tác động to lớn nhất đối với công tác
nghiên cứu về Hà Nội từ sau năm 2008, trực tiếp thúc đẩy ngành Hà Nội học ra
đời với Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô là đầu mối tổ chức quan
trọng nhất.
Tổng hợp từ nhiều nguồn số liệu thống kê (của Thư viện Quốc gia, Nhà
Xuất bản Hà Nội, Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô vv...) thì từ năm
2009 đến nay đã có 424 công trình nghiên cứu về Hà Nội được công bố. Bên
cạnh đó còn có 164 luận án tiến sĩ được thực hiện với các đề tài có liên quan
trực tiếp hoặc gián tiếp đến Hà Nội. Như vậy, số công trình nghiên cứu về Hà
Nội được thực hiện trong khoảng thời gian trên 6 năm đã bằng 10% tổng số
công trình nghiên cứu về Hà Nội cho tới năm 2008. Trong đó, số công trình
được công bố trong các năm như sau: năm 2009 có 21 công trình, năm 2010, là
năm diễn ra Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội có tới 244 công
trình, năm 2011 có 27 công trình, năm 2012 có 32 công trình, năm 2013 có 30
công trình, năm 2014 có 45 công trình và năm 2015 (đến tháng 11) có 17 công
30
trình.
Xét về lĩnh vực, số các công trình về lịch sử, nhân vật, giáo dục, văn hóa,
văn học nghệ thuật vẫn chiếm số lượng nhiều nhất, trong khi đó số các công
trình về nông nghiệp, nông thôn, xã hội, lao động việc làm, môi trường, y tế, thể
dục thể thao vẫn chiếm số lượng nhỏ nhất.
Bảng 1.4: Tổng hợp số công trình về Hà Nội được công bố từ năm 2009
đến tháng 11 năm 2015
TT Lĩnh vực nghiên cứu Số công trình Tỉ lệ %

1 Kinh tế 19 4,45

2 Đô thị, kiến trúc 14 3,28

3 Y tế, thể dục thể thao 6 1,41

4 Môi trường, địa lý 6 1,41

5 Quản lý nhà nước, pháp luật 19 4,45

6 Xã hội 6 1,41

7 Du lịch 6 1,41

8 Nông nghiệp, nông thôn 5 1,17

9 Văn hóa, Giáo dục 145 34,43

10 Lao động việc làm 6 1,41

11 Lịch sử, nhân vật 119 28,34

12 Văn học nghệ thuật 61 14,29

13 Định hướng phát triển 11 2,58

424 100%

Về các luận án tiến sĩ, tình hình lại có chiều hướng khác. Trong khi các
đề tài về lịch sử, văn học nghệ thuật rất ít được khai thác, nghiên cứu thì các đề
tài về kinh tế, thể dục thể thao, xã hội lại được nhiều nghiên cứu sinh lựa chọn.
Các vấn đề thuộc những lĩnh vực như quản lý nhà nước và pháp luật, môi
trường sinh thái, nông nghiệp - nông thôn cũng nhận được sự quan tâm khá
mạnh mẽ.
Tình hình như trên có thể chỉ phản ánh ở mức độ nhất định sự quan tâm
31
của giới nghiên cứu về Hà Nội, bởi lẽ một trong những yêu cầu hàng đầu đặt ra
đối với luận văn, luận án là không được trùng lặp với các nghiên cứu đã công
bố. Vì vậy, số luận án về những vấn đề từ trước vốn ít được quan tâm có chiều
hướng tăng lên, trong khi các luận án về lịch sử, văn học nghệ thuật - là những
vấn đề có thể được xem như đã khai thác đến cạn kiệt các chủ đề quen thuộc.

Bảng 1.5: Tổng hợp số luận án tiến sĩ có liên quan đến Hà Nội,từ 2009
đến tháng 11 năm 2015

TT Lĩnh vực nghiên cứu Số công trình Tỉ lệ %

1 Kinh tế 24 14,63

2 Đô thị, kiến trúc 20 12,20

3 Y tế, thể dục thể thao 24 14,63

4 Môi trường 18 10,98

5 Quản lý nhà nước, pháp luật 17 10,37

6 Xã hội 21 12,80

7 Du lịch 3 1,83

8 Nông nghiệp, nông thôn 14 8,54

9 Văn hóa, Giáo dục 12 7,32

10 Lao động việc làm 9 5,49

11 Lịch sử 1 0,61

12 Văn học nghệ thuật 1 0,61

164 100%

Tuy chưa có điều kiện phân tích sâu, nhưng quan sát bước đầu cũng có
thể nhận thấy phần lớn các công trình nghiên cứu vẫn tập trung vào không gian
Thăng Long – Hà Nội cũ, các công trình nghiên cứu về Hà Nội với địa giới
hành chính mới và về phần “Hà Nội mới” còn chưa nhiều. Điều này ít nhất có
hai lý do chính là: thứ nhất, các nghiên cứu về Hà Nội theo phạm đia giới mới
hoặc về phần “Hà Nội mới” đều được triển khai từ sau tháng 10 năm 2008, do
đó chưa đủ “chín” để công bố. Thứ hai, cần phải có thêm thời gian cho việc
chuyển đổi cách nhìn của giới nghiên cứu, từ chỗ chủ yếu coi Hà Nội là một
32
không gian lịch sử - văn hóa thành một không gian phát triển, không gian chính
sách. Có thể nhận ra rằng các vấn đề đương đại, liên ngành, giàu tính thực tiễn
đang được giới nghiên cứu, kể cả các nghiên cứu sinh quan tâm mạnh mẽ hơn.
Về tổ chức khoa học và công nghệ có nhiệm vụ tổ chức, triển khai các
nghiên cứu về Hà Nội, bên cạnh các tổ chức nghiên cứu và đào tạo của Trung
ương và các bộ, ngành, của các tổ chức quốc tế "đứng chân" tại Hà Nội, còn có
một số tổ chức nghiên cứu và đào tạo của Hà Nội hoặc trực tiếp liên quan đến
nghiên cứu về Hà Nội, như Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội
(HISEDS, thành lập năm 1998), Trung tâm bảo tồn di sản Văn hóa Thăng Long -
Hà Nội, Các trung tâm thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Viện Nghiên
cứu Văn hóa Thăng Long và Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành vv... Tuy nhiên,
các Viện nghiên cứu, trung tâm nói trên hoạt động trong một lĩnh vực nhất định,
nghiên cứu về một thời gian cụ thể dựa trên hoạt động đơn ngành là chủ yếu, do
đó, chưa đáp ứng được các vấn đề đòi hỏi phải có sự tham gia nghiên cứu liên
ngành. Cũng cần phải nói thêm rằng, các Viện nghiên cứu, trung tâm trên đều
không có chức năng đào tạo đại học và sau đại học.
Gần đây, tháng 12 năm 2014, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã được
thành lập trên cơ sở phát triển, nâng cấp từ Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội.
Đây là "trường đại học đa ngành theo định hướng nghề nghiệp, chất lượng cao,
đi tiên phong trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trường có
chức năng:

– Đào tạo các ngành nghề ở trình độ từ cử nhân đến tiến sĩ nhằm cung
cấp nhân tài, nguồn lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của công cuộc công
nghiệp hóa – hiện đại hóa.
– Nghiên cứu khoa học nhằm phát triển khoa học – công nghệ và giải
quyết các vấn đề thực tiễn do kinh tế – xã hội của Thủ đô Hà Nội đặt ra. Kết
hợp chặt chẽ đào tạo với nghiên cứu khoa học và sản xuất, dịch vụ khoa học –
công nghệ.
– Đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức Hà Nội. Tập trung các
lĩnh vực có sử dụng công nghệ cao, hiệu quả kinh tế lớn, hình thành thế mạnh
của kinh tế Thủ đô Hà Nội.

– Góp phần nâng cao trình độ dân trí, bảo tồn và phát triển văn hóa dân
tộc, bản sắc Thủ đô Hà Nội.

33
– Hợp tác với các trường Đại học, Viện nghiên cứu trong và ngoài nước
về các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học."10
Cùng với Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô, chắc chắn trong
tương lai, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội sẽ là một trong những đầu mối tổ chức
đào tạo và nghiên cứu giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành Hà
Nội học nói riêng và sự nghiệp khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền
vững của Thủ đô nói chung.

*
* *

Tóm lại, trải qua trên dưới 150 năm liên tục phát triển, sự nghiệp nghiên
cứu về Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, khá toàn diện và một ngành
Hà Nội học đã hình thành và phát triển trong thực tiễn. Kết quả nghiên cứu về
Hà Nội đã đạt được chính là nền tảng cho sự hình thành và phát triển ngành Hà
Nội học, bởi lẽ đây chính là nền tảng tri thức, phương pháp, cách tiếp cận và
kinh nghiệm tổ chức nghiên cứu vô cùng quý báu mà ngành Hà Nội học có thể
kế thừa và phát triển để vươn tới tầm cao mới. Đồng thời, trong quá trình phát
triển, công tác nghiên cứu về Hà Nội đã bộc lộ một vài hạn chế mà ngành Hà
Nội học trong tương lai cần phải khắc phục và vượt qua. Trên cơ sở phân tích
và so sánh các xu hướng phát triển cũng như những định hướng nội dung chính
của công việc nghiên cứu về Hà Nội quá các thời kỳ lịch sử khác nhau, chúng
tôi bước đầu nhận thấy những hạn chế, bất cập chính được bộc lộ ra như sau:
Một là, số lượng và chất lượng các công trình tiếp cận và nghiên cứu Hà
Nội theo định hướng liên ngành còn ít và chưa đáp ứng được yêu cầu của thực
tiễn phát triển bền vững của Thủ đô. Trong tương lai, chắc chắn đây sẽ phải là
một định hướng chủ đạo của ngành Hà Nội học.
Hai là, phần lớn các nghiên cứu không bắt nguồn từ các “đơn đặt hàng”
của chính quyền, doanh nghiệp hay địa phương thuộc Hà Nội. Vì vậy tính
chuyển giao, ứng dụng chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình xây
dựng và phát triển Thủ đô trong các thời kỳ lịch sử khác nhau.

10
Xem: http://daihocthudo.edu.vn/?page_id=124
34
Thứ ba, xét về chủ đề, phần lớn các công trình tập trung vào các vấn đề
thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, nhất là lịch sử, văn hóa, văn
học nghệ thuật. Trong khi đó, các vấn đề thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên
và công nghệ, các vấn đề liên ngành gần sát với thực tiễn phát triển của thành
phố, như vấn đề quy hoạch và quy hoạch phát triển, vấn đề môi trường, tài
nguyên, y tế, quản lý xã hội vv... còn ít được quan tâm. Đây cũng là một lý do
nữa khiến cho năng lực chuyển giao tri thức và ứng dụng của các nghiên cứu về
Hà Nội chưa cao.
Thứ tư, công việc nghiên cứu về Hà Nội còn mang nặng tính tự phát, hầu
như chỉ chủ yếu bắt nguồn từ sở thích và mối quan tâm nghiên cứu của cá nhân.
Cho đến những năm gần đây, với sự ra đời của một số tổ chức khoa học và công
nghệ, nhất là sự tổ chức và triển khai Chương trình khoa học và công nghệ cấp
nhà nước KX.09, thì việc nghiên cứu về Hà Nội từng bước trở nên có tính tổ
chức hơn. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu vắng một tổ chức đóng vai trò làm đầu mối
hoặc nòng cốt cho toàn bộ công việc nghiên cứu về Hà Nội.
Thứ năm, tuy sự nghiệp nghiên cứu Hà Nội đã liên tục phát triển trong
khoảng thời gian trên dưới 150 năm và đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, song,
trên thực tế chưa hình thành một đội ngũ chuyên gia về Hà Nội hoặc một đội
ngũ các nhà Hà Nội học chuyên nghiệp. Điều này không chỉ khiến cho sự
nghiệp nghiên cứu về Hà Nội còn thiếu tính định hướng về nội dung nghiên cứu
và về học thuật còn chưa tự mình xác lập được nền tảng vững chắc, đủ để đảm
bảo cho sự phát triển bền vững và hiệu quả của Hà Nội học trong tương lai.
Những điểm hạn chế, bất cập nói trên cần được từng bước khắc phục để
ngành Hà Nội học đóng góp to lớn và thiết thực hơn vào sự nghiệp phát triển
bền vững của Thủ đô.

35
Chương 2:
YÊU CẦU ĐẶT RA ĐỒI VỚI NGÀNH HÀ NỘI HỌC
TỪ THỰC TIỄN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CỦA THỦ ĐÔ

Thủ đô Hà Nội là đô thị quan trọng nhất ở Việt Nam trong suốt chiều dài
lịch sử phát triển hàng nghìn năm của đất nước và dân tộc, nhất là trong giai
đoạn hiện nay. Đây cũng là một trong số ít đô thị trên thế giới có bề dày lịch sử
liên tục tồn tại và phát triển trên 1.000 năm. Từ sau tháng 8 năm 2008, sau khi
được mở rộng thì Hà Nội cũng trở thành một trong những thủ đô có diện tích
lớn nhất trên thế giới. Quan trọng hơn, hiện nay cùng với cả nước, trên lộ trình
công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, hội nhập khu vực và quốc tế, hướng
tới các mục tiêu phát triển bền vững, Hà Nội đang trải qua những chuyển biến
sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực và các phương diện của đời sống. Đây chính là
cơ sở thực tiễn quan trọng nhất, đồng thời cũng là đòi hỏi khách quan đặt ra
đối với sự hình thành và phát triển của Hà Nội học với tính cách một khoa học
liên ngành dựa trên nền tảng của Khu vực học hiện đại.
Để nhận diện rõ hơn những cơ sở thực tiễn và yêu cầu thực tiễn, khách
quan đặt ra với ngành Hà Nội học, dưới đây chúng tôi sẽ luận giải điều này trên
cơ sở phân tích tổng quát một số vấn đề hoặc nhóm vấn đề cơ bản, cấp bách và
có độ phức hợp cao đang đặt ra trong thực tiễn phát triển bền vững của Thủ đô
trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi phải được tiếp cận và giai quyết theo hướng
tiếp cận liên ngành (interdisciplinary approach) và phân tích đa chiều
(multi-dimensional analysis). Những vấn đề chuyên biệt, vốn là đối tượng của
những khoa học chuyên ngành (lịch sử, ngôn ngữ, công nghệ sinh học vv...) sẽ
chỉ được đề cập ở mức độ nhất định, khi thật cần thiết.

2.1. Vấn đề định hướng và mô hình phát triển


Đây là vấn đề cơ bản nhất đang đặt ra với hầu hết các địa phương, tỉnh và
thành phố và cũng là vấn đề cơ bản, cấp bách luôn được đặt ra với nhiều bộ,
ngành, doanh nghiệp ở nước ta hiện nay. Điều này trước hết xuất phát từ thực tế
là Việt Nam đang trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, đang có sự
chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình phát triển “tập trung, quan liêu, bao cấp” theo
mô hình CNXH kiểu cũ sang mô hình phát triển dựa trên nền kinh tế thị trường
36
định hướng XHCN. Đồng thời, quá trình trên lại diễn ra trong bối cảnh toàn
nhân loại đang bước vào kỷ nguyên toàn cầu hóa, kinh tế tri thức và phát triển
bền vững, chuyển từ các mô hình “tăng trưởng nâu” sang các mô hình “tăng
trưởng xanh” vv...
Riêng đối với Hà Nội, vấn đề xác định định hướng và mô hình phát triển
càng được đặt ra cấp bách với tính cách là vấn đề cơ bản nhất, mở đường để
nghiên cứu, giải quyết các vấn đề khác đang đặt ra trong thực tiễn phát triển
bền vững của Thủ đô - trước mắt cũng như lâu dài. Hơn nữa, với vị trí là Thủ
đô, việc xác định định hướng và mô hình phát triển của Hà Nội vừa gắn chặt với
định hướng và mô hình phát triển quốc gia, vừa mở đường, dẫn đạo cho định
hướng và mô hình phát triển ấy.
Thực tế, trong lịch sử, nhất là lịch sử cận đại và hiện đại, Hà Nội đã và
đang phát triển theo những định hướng và mô hình khác nhau. Chắc chắn cần có
thêm những nghiên cứu chuyên sâu để làm rõ vấn đề này, nhất là chỉ ra những
yếu tố xuyên suốt, ảnh hưởng lâu dài tới sự phát triển của thành phố, đồng thời
chỉ ra những khác biệt, rút ra những bài học kinh nghiệm hữu ích đối với quá
trình xác định định hướng và lựa chọn mô hình phát triển của Thủ đô hiện nay
và trong tương lai. Trong khuôn khổ nghiên cứu này, có thể nêu ra đây những
nhận diện tổng quan nhất như sau.
Trong thời kỳ tiền cận đại, trong suốt hơn 9 thế kỷ, Thăng Long - Hà
Nội là kinh đô và là trọng trấn hàng đầu của nước quốc gia Đại Việt - Đại Nam
quân chủ tập quyền. Trong suốt thời gian đó, trải qua thăng trầm lịch sử, nhìn
chung kinh thành Thăng Long không có sự thay đổi đáng kể về mô hình phát
triển. Dù có nhiều lần thay đổi về địa giới, dù có những thời gian là biểu tượng
cho sự cường thịnh của nhà nước quân chủ Đại Việt, dù có những thời gian xứ
Kẻ Chợ đã trở thành một trong những nơi đô hội bậc nhất với sự nở rộ những
mầm mống kinh tế hàng hóa, hay có lúc khá tiêu điều, đến nỗi "nền cũ lâu đài
bóng tịch dương", thì Thăng Long - Hà Nội vẫn trước sau vẫn trung thành với
mô hình phát triển của một đô thị phương Đông trung đại với công thức cổ điển
Thành + Thị, được bao bọc bởi vành đai nông thôn, nông dân, nông nghiệp, xen
kẽ với hàng chục làng / phường thủ công.
Trong thời cận đại, với tính cách là một thành phố nhượng địa, về sau trở
thành thủ phủ của Liên bang Đông Dương thuộc Pháp, lần đầu tiên Hà Nội đã
có sự chuyển biến căn bản về định hướng và mô hình phát triển. Sau nhiều thế
37
kỷ tồn tại, lần đầu tiên thành phố được giải phóng khỏi khuôn khổ Thành + Thị
+ vành đai nông thôn để trở thành một đô thị cận đại - thuộc địa. Tuy người
Pháp, nhất là các quan chức thực dân cao cấp, như Paul Doumer,11 Albert
Sarraut12 hay Alexandre Varenne13 không ngừng ca tụng "sứ mệnh khai hóa
văn minh" (mission civilisatrice) của họ đối với các thuộc địa, nhưng họ chưa
bao giờ vạch được ra một định hướng và mô hình phát triển dài hạn cho Đông
Dương hay các xứ (pay) thuộc địa, đặc biệt là cho các đô thị thuộc địa, trong đó
có Hà Nội. Vì vậy, trong suốt thời cận đại, Hà Nội đã vận động trong quỹ đạo
phát triển / hiện đại hóa nửa vời và mập mờ, bấp bênh của toàn bộ Đông Dương
và Bắc Kỳ. Đây chính là căn nguyên dẫn đến diện mạo chắp vá, ghép mảnh của
Hà Nội, trong đó ba "mảnh ghép" chính là khu "phố Tây" và khu "bản xứ", tiếp
tục được bao bọc bởi một vành đai nông thôn gồm các làng nông nghiệp xen kẽ
các làng nghề thủ công. Dẫu mang nhiều hạn chế của một đô thị thuộc địa,
nhưng trong thời cận đại, Hà Nội đã từng bước trở thành một đô thị tổng hợp
đa năng, mang dáng dấp phương Tây: vừa là trung tâm chính trị - hành chính,
vừa là trung tâm kinh tế - tài chính, trung tâm thương mại, dịch vụ, đầu mối
giao thông và trung tâm văn hóa - giáo dục. Đây chính là một trong những cơ
sở quan trọng nhất để Hà Nội tiếp tục phát triển trong những thập kỷ tiếp theo.
Từ sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp đến trước thời kỳ Đổi
mới (1954 - 1986), với vai trò là Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hà Nội đã có những bước phát triển
mạnh mẽ với những biến đổi đáng kể về định hướng và mô hình phát triển. Đây
là thời kỳ Thủ đô Hà Nội được xây dựng theo định hướng của một đô thị XHCN
kiểu "cổ điển". Trong thời kỳ này, tổng hợp, đa năng vẫn là đặc trưng lớn nhất
của đô thị Hà Nội: Thành phố vẫn tiếp tục đóng vai trò là đô thị lớn và quan
trọng nhất của cả nước, vừa là trung tâm đầu não chính trị - hành chính, vừa là
trung tâm kinh tế - tài chính, trung tâm thương mại, dịch vụ, đầu mối giao thông
và trung tâm văn hóa - giáo dục, đồng thời cũng là một trung tâm đầu não về
quốc phòng, an ninh của cả nước. Tuy nhiên, tính chất của một thành phố
XHCN kiểu "cổ điển" hay "kiểu cũ" mới là đặc tính chi phối định hướng phát

11
Paul Doumer làm Toàn quyền Đông Dương từ 1897 đến 1902 và là Tổng thống Pháp từ 1931 đến 1932. Ông
là tác giả và là người tổ chức công cuộc khai thác, phát triển thuộc địa của Pháp ở Đông Dương lần thứ nhất.
12
Albert Sarraut giữ chức Toàn quyền Đông Dương hai lần (1911-1914 và 1917 - 1919) và từng giữa nhiều
chức vụ cao cấp khác trong Chính phủ Pháp qua các thời kỳ, trong đó có chức vụ Bộ trưởng Bộ Thuộc địa
(1920-1924) và hai lần làm Thủ tướng Pháp.
13
Alexandre Varenne giữ chức Toàn quyền Đông Dương từ 1925 đến 1928.
38
triển của Hà Nội trong suốt thời gian hơn 30 năm. Đặc tính này chi phối định
hướng quy hoạch tổng thể của thành phố và quy hoạch chuyên biệt của các khu
vực, các lĩnh vực, ngành nghề, dân cư, giao thông và chi phối cả cơ chế quản lý,
điều hành cũng như diện mạo và đời sống đô thị Hà Nội.
Trong thời kỳ Đổi mới (từ 1986 đến nay), hòa nhịp cùng cả nước, Thủ đô
Hà Nội đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Tuy vẫn duy trì đặc trưng cơ
bản là một đô thị tổng hợp, đa năng với vị trí là trung tâm đầu não chính trị -
hành chính, vừa là trung tâm kinh tế - tài chính, trung tâm thương mại, dịch vụ,
đầu mối giao thông và trung tâm văn hóa - giáo dục, đồng thời cũng là một
trung tâm đầu não về quốc phòng, an ninh của cả nước, nhưng định hướng và
mô hình phát triển của thành phố đã có những thay đổi to lớn. Tính chất, định
hướng và mô hình phát triển kiểu XHCN "cổ điển" với cơ chế vận hành tập
trung, quan liêu, bao cấp, nặng về hành chính, mệnh lệnh đã từng bước bị xóa
bỏ. Thủ đô đã từng bước trở thành một đô thị của kinh tế thị trường. Đây chính
là yếu tố quan trọng nhất, làm thay đổi từ diện mạo đến cơ chế vận hành, nhịp
sống, mức sống, đời sống và toàn bộ cấu trúc ngành nghề, dân cư, không gian,
cảnh quan đô thị vv... Cùng với kinh tế thị trường, quá trình CNH, HĐH và đô
thị hóa đã diễn ra mạnh mẽ trên địa bàn Hà Nội, nhất là trong những năm gần
đây. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng chịu tác động mạnh mẽ của những yếu tố mang
tính toàn cầu như quá trình toàn cầu hóa, sự bùng nổ của công nghệ thông tin và
truyền thông, quá trình biến đổi khí hậu vv... Tác động tổng hợp của những yếu
tố và quá trình nói trên đã làm thay đổi căn bản phương hướng và mô hình phát
triển của Hà Nội. Đây cũng là những nguyên nhân dẫn tới sự điều chỉnh nhiều
lần quy hoạch chung và quy hoạch chuyên biệt của Hà Nội, nhất là việc mở
rộng địa giới hành chính Hà Nội vào tháng 8 năm 2008.
Tiếp cận định hướng và mô hình phát triển của Hà Nội từ phương diện
lịch sử giúp chúng ta có được cái nhìn xuyên suốt chiều dài tồn tại và phát triển
của thành phố hơn 1.000 năm, trên cơ sở đó cho phép nhận diện một số vấn đề
sau đây:
Thứ nhất, trong toàn bộ lịch sử phát triển của mình, Hà Nội không tự
mình xây dựng được một triết lý phát triển nào khả dĩ làm nền tảng cho việc xác
định định hướng, mô hình phát triển dài hạn. Trong tất cả các thời kỳ lịch sử,
dù luôn đóng vai trò là trọng trấn hàng đầu của cả nước, nhưng các nhà lãnh đạo
quốc gia / xứ / Hà Nội chưa bao giờ thành công trong việc xác định định hướng

39
và mô hình phát triển dài hạn cho Hà Nội.
Thứ hai, trong lịch sử, ít nhất đã ba lần định hướng và mô hình phát triển
của Hà Nội có sự thay đổi căn bản. Lần thứ nhất là bước chuyển từ một đô thị
truyền thống phương Đông sang một đô thị tổng hợp đa năng cận đại kiểu
phương Tây dưới chế độ thuộc địa. Lần thứ hai là bước chuyển từ một đô thị
tổng hợp, đa năng cận đại sang một đô thị tổng hợp đa năng kiểu XHCN "cổ
điển" và lần thứ ba là bước chuyển sang một đô thị tổng hợp, đa năng XHCN
hiện đại dựa trên phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Thứ ba, trải qua những thời kỳ lịch sử, có thể nhận thấy mỗi bước biến
đổi về định hướng và mô hình phát triển của Hà Nội đều gắn liền với chuyển
biến trong định hướng và mô hình phát triển của đất nước. Vì là thủ đô và là
trọng trấn hàng đầu, nên sự thay đổi trong định hướng và mô hình phát triển của
đất nước là điều kiện tiên quyết và là yếu tố tác động quan trọng nhất đối với sự
xác định và thay đổi định hướng và mô hình phát triển của Hà Nội, đồng thời,
đến lượt mình, sự thay đổi và mức độ thành công trong chuyển biến về định
hướng và mô hình phát triển của Hà Nội có tác động mạnh mẽ tới sự phát triển
chung của cả nước. Qua đó, có thể thấy trong tương lai, Hà Nội cần phát huy
cao độ tính chủ động, tích cực, dẫn đạo của mình trong việc xác định và thực
hiện thành công những thay đổi và điều chỉnh trong định hướng và mô hình
phát triển, thông qua đó mà khẳng định mạnh mẽ hơn vai trò và vị trí của Thủ
đô với những đóng góp tích cực và xứng tầm hơn vào sự nghiệp phát triển
nhanh và bền vững của quốc gia - dân tộc.
Thứ tư, trải qua ba lần thay đổi lớn về định hướng và mô hình phát triển,
có thể thấy vận trình phát triển và biến đổi chung của Hà Nội là theo hướng
tích cực, hiện đại, luôn luôn khẳng định được vai trò và vị trí trọng yếu hàng
đầu của cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình lịch sử đó, một số di tồn mang tính
lâu dài cũng cần được nhận diện để rút ra những bài học kinh nghiệm hữu ích
đối với việc xác lập định hướng và mô hình phát triển cho Hà Nội trong thời
gian trước mắt cũng như lâu dài. Bên cạnh tính thiếu định hướng dài hạn, thiếu
mô hình phù hợp, bền vững thì điều cần nhấn mạnh là thiếu tính chủ động của
Hà Nội với tính cách là chủ thể phát triển đối với việc xác định định hướng và
mô hình phát triển cho chính mình và của chính mình. Đồng thời, cần phải làm
rõ mối quan hệ giữa khu vực nông thôn và khu vực thành thị trong quá trình
phát triển của Hà Nội, nhất là trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai.

40
Đương nhiên, hai khu vực này luôn gắn kết chặt chẽ với nhau trong mối tương
tác đa chiều và trên nhiều lĩnh vực. Nhưng việc phân định rõ Hà Nội là / trên
căn bản là một đô thị (city / stadt) hay là / trên căn bản là một tỉnh (province) có
ý nghĩa vô cùng quan trọng. Xét trên nhiều phương diện, nhất là trên phương
diện lãnh đạo, quản lý, điều hành thì việc xác định Hà Nội là / trên căn bản là
một đô thị hướng tới mục tiêu là một đô thị hiện đại, phát triển bền vững, khác
xa với việc coi Hà Nội như một tỉnh, cho dù cùng hướng tới mục tiêu phát triển
hiện đại, bền vững.
Trong giai đoạn hiện nay, yêu cầu phát triển bền vững trước mắt và lâu
dài của Thủ đô đang đặt ra đòi hỏi khách quan và cấp bách đối với việc xác định
rõ định hướng và mô hình phát triển của Hà Nội. Hai văn bản quan trọng nhất,
có thể được coi như cơ sở pháp lý cơ bản và trực tiếp nhất của công việc này
chính là:
- Luật Thủ đô tức Luật số: 25/2012/QH13 do Quốc hội nước CHXHCN
Việt Nam ban hành ngày 21 tháng 11 năm 2012;
- Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hà Nội đến năm 2030,
tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số
222/QĐ-Ttg ngày 22 tháng 2 năm 2012 (sau đây gọi là Chiến lược).
Trong khi Luật Thủ đô (gồm 27 điều) quy định rõ "vị trí, vai trò của Thủ
đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô" của
các chủ thể khác nhau, như Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Mặt
trận Tổ quốc, các bộ ngành, Chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội, thì
Chiến lược vạch ra những nguyên tắc xác định định hướng và mô hình phát
triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trước hết, Chiến lược xác định rõ vị thế và chức năng của Thủ đô Hà
Nội: là trái tim của cả nước - đầu não chính trị - hành chính quốc gia; là trung
tâm văn hóa lớn của cả nước và bản sắc trong khu vực; là trung tâm khoa học,
giáo dục, đào tạo, y tế lớn của cả nước và có uy tín trong khu vực; là trung tâm
kinh tế, tài chính lớn; đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế cả nước, là
động lực phát triển cho vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng Sông
Hồng; là trung tâm giao dịch quốc tế lớn của cả nước và có uy tín trong khu
vực.
Có thể thấy, cách xác định vị thế và chức năng của Thủ đô Hà Nội của

41
Chiến lược như trên về cơ bản là chính xác, vừa kế thừa được vị thế, chức năng
của Thủ đô trong lịch sử dân tộc, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển bền
vững của Hà Nội đặt trong bối cảnh của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Việt Nam hiện nay. Điểm mới nổi bật của Chiến lược ở đây là đã xác định vị
thế và chức năng của Hà Nội không chỉ trong chiến lược phát triển quốc gia mà
còn trong các mối liên hệ vùng, liên vùng và với khu vực Đông Nam Á, Đông Á
và thế giới. Tuy nhiên, cũng cần phải chỉ ra rằng trong Chiến lược, vị thế và
chức năng của Thủ đô về phương diện quốc phòng, an ninh chưa được làm rõ.
Tiếp theo, Chiến lược đã xác lập những quan điểm phát triển của Thủ đô
Hà Nội trong nửa đầu thế kỷ 21. Đây có thể coi là những nguyên tắc cốt lõi
trong triết lý và định hướng phát triển của Hà Nội. Các quan điểm đó là:
"1. Phát triển nhanh, hài hòa, bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá
trình xây dựng và phát triển Hà Nội; đặt con người vào vị trí trung tâm phát
triển; kết hợp hài hòa các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; tăng
trưởng kinh tế đi đôi với đảm bảo trật tự, văn minh, công bằng xã hội.
2. Xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội là trọng điểm trong chiến lược xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn
Đảng, toàn quân và toàn dân; phát huy đồng bộ sức mạnh tổng hợp của Thủ đô
Hà Nội, của cả nước và hợp tác quốc tế trong quá trình phát triển; khai thác
nguồn lực trong nước là quyết định, nguồn lực ngoài nước là quan trọng.
3. Phát triển kinh tế - xã hội được gắn kết chặt chẽ trong mối quan hệ
hữu cơ với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cả nước, quy hoạch phát triển
các vùng và hội nhập kinh tế quốc tế.
4. Quán triệt phương châm: phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội là nhiệm
vụ then chốt; quản lý đô thị là nhiệm vụ thường xuyên quan trọng; xác định
đúng trọng tâm, các khâu đột phá, có những giải pháp năng động, sáng tạo và
hiệu quả; phải có bước đi thích hợp trong từng giai đoạn để kết hợp hài hòa giải
quyết các vấn đề cấp bách với kiên trì thực hiện các mục tiêu dài hạn.
5. Gắn kết phát triển kinh tế, xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh, với
tiến trình mở rộng, tăng cường hợp tác, liên kết và hội nhập quốc tế."
Tuy trong văn bản Chiến lược không có mô hình phát triển cụ thể nào
được trình bày, nhưng thông qua việc xác định mục tiêu phát triển dài hạn đến
năm 2050 và mục tiêu phát triển đến năm 2030, có thể nhận diện mô hình phát
42
triển tổng quát của Hà Nội như sau:
"Hà Nội là Thủ đô và là đô thị đặc biệt, văn hiến, văn minh, thanh lịch,
đẹp, giàu bản sắc dân tộc và hiện đại, tiêu biểu cho cả nước, xứng đáng là trái
tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia của một nước phát
triển với khoảng 110 - 115 triệu dân."
Cụ thể hơn, Hà Nội phải là "Trung tâm văn hóa, nơi hội tụ các giá trị văn
hóa truyền thống, hiện đại, giàu bản sắc Hà Nội và Việt Nam.", là "Trung tâm
sáng tạo hàng đầu của cả nước với nhiều lĩnh vực đạt trình độ quốc tế: văn hóa
tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; khoa học - công nghệ tiên tiến, hiệu quả cao;
giáo dục - đào tạo tiên tiến, hiện đại; y tế chuyên sâu chất lượng cao hàng đầu
cả nước và có uy tín trong khu vực". Hà Nội cũng phải trở thành "Trung tâm
kinh tế, tài chính, dịch vụ, thương mại và du lịch lớn nhất ở phía Bắc, thứ hai
của cả nước và có vị trí cao trong khu vực; kinh tế tri thức phát triển với cơ cấu
hiện đại, năng động và hiệu quả; môi trường đầu tư và kinh doanh tốt, đạt chuẩn
quốc tế; về cơ bản không còn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn". Hà Nội
cũng phải có "Hệ thống kết cấu hạ tầng đa dạng, hiện đại, đồng bộ liên hoàn, kết
nối thông suốt trong thành phố, với tất cả các địa phương trong nước và quốc
tế." Hà Nội có "Xã hội dân chủ, công bằng, kỷ cương, văn minh." Hà Nội "là
trung tâm giao dịch quốc tế chính của cả nước và giao dịch quốc tế quan trọng
trong khu vực", là "Thành phố xanh, không gian mặt nước phong phú với hệ
sinh thái bền vững, sạch, đẹp, môi trường được bảo vệ tốt." Đồng thời, Hà Nội
"là khu vực phòng thủ vững mạnh, an ninh chính trị được đảm bảo, 'thành phố
vì hòa bình', trật tự an toàn xã hội tốt." Tóm lại, Hà Nội phải "trở thành một đô
thị Xanh, Văn hiến, Văn minh, Hiện đại trên nền tảng phát triển bền vững".
Đặc biệt, Chiến lược cũng xác định rõ Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình
của chùm đô thị đa năng, đa hệ, đa tầng: "Xây dựng, phát triển chùm đô thị Hà
Nội gồm: đô thị trung tâm hạt nhân đa hệ, đa tầng, đa chức năng; mạng lưới các
đô thị vệ tinh chuyên năng công nghệ cao, khoa học - công nghệ, giáo dục đào
tạo (Hòa Lạc, Xuân Mai), du lịch - văn hóa - nghỉ dưỡng - vui chơi giải trí (Sơn
Tây), công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ chất lượng cao
(Sóc Sơn), công nghiệp (Phú Xuyên, Phú Minh); các đô thị lẻ là trung tâm hành
chính khu vực (các huyện, tiểu vùng) và trung tâm hội tụ các cơ sở đào tạo, y tế;
các đô thị sinh thái gắn với các vành đai nông nghiệp sinh thái công nghệ cao và
phát triển du lịch; kết hợp hài hòa giữa đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh với

43
các vùng đệm sinh thái, môi trường xanh, sạch đẹp, bền vững."
Trên cơ sở mô hình chùm đô thị đa năng, đa hệ, đa tầng đó, Chiến lược
cũng chỉ ra rằng Thủ đô Hà Nội sẽ "Hình thành và phát triển hệ không gian
chức năng" với "Phát triển Sông Hồng là trục không gian trung tâm kết nối hai
bờ sông, trục Bắc - Nam", bao gồm: trung tâm bảo tồn (khu vực quanh Hồ
Gươm, phố cổ, phố cũ), trung tâm chính trị - hành chính quốc gia và Hà Nội;
trung tâm tài chính - ngân hàng; các cụm trung tâm đào tạo trình độ cao (trường
đại học, cao đẳng); trung tâm sáng tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ; các
cụm bệnh viện - trung tâm y tế chất lượng cao; các trung tâm văn hóa - giải trí -
ẩm thực - du lịch, thể dục thể thao cao cấp; các trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng;
các khu công nghiệp trung tâm; các trung tâm dịch vụ - thương mại cao cấp; các
nút đầu mối giao thông; hệ thống các trung tâm kho vận và phân phối hàng hóa;
các trung tâm, không gian văn hóa truyền thống và đương đại đặc trưng cho Thủ
đô và tiêu biểu cho cả nước." Đồng thời phát triển và hình thành các không gian
sinh thái đặc trưng.
Qua những gì được xác định trong Chiến lược, có thể thấy Chính phủ và
lãnh đạo Hà Nội chủ trương xây dựng và phát triển Thủ đô thành một đô thị
tổng hợp, đa năng xanh, văn hiến, hiện đại và phát triển bền vững. Đây chính là
mô hình của một Megapolis hiện đại - xu hướng phát triển tất yếu của nhiều đô
thị lớn trên thế giới. Về cơ bản, có thể khẳng định định hướng và mô hình phát
triển của Hà Nội được xác định như trong Chiến lược là đúng đắn.
Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề lớn đang được đặt ra mà trong Chiến
lược chưa được đề cập đến, hoặc chưa rõ ràng.
Thứ nhất, Chiến lược vẫn chưa thoát khỏi tầm nhìn, tư duy chiến lược cũ
đối với phát triển đô thị. Rõ ràng là thế giới đã tiến những bước dài trong nhận
thức về khái niệm "đô thị" và "công nghiệp đô thị". Trong tương lai, chắc chắn
Hà Nội phải trở thành thủ phủ của kinh tế tri thức, dựa trên sự phát triển chủ yếu
của nền công nghiệp hiện đại với những công nghệ mới và thân thiện với môi
trường, có vòng đời ngày càng rút ngắn. Vì vậy, chiến lược phát triển công
nghiệp nói riêng và kinh tế Hà Nội như trình bày trong Chiến lược chắc chắn sẽ
sớm trở nên lạc hậu.
Thứ hai, Chiến lược luôn khẳng định Hà Nội là một đô thị và sẽ trở thành
một đô thị, trong đó "về cơ bản không còn khoảng cách giữa thành thị và nông
thôn". Chúng tôi cho rằng xác định như vậy chưa rõ. Chỉ có thể hiểu "khoảng
44
cách" ở đây là sự khác biệt về trình độ phát triển, mức thu nhập, chất lượng
sống. Nếu hiểu như vậy thì việc thu hẹp và tiến tới xóa bỏ "khoảng cách" này là
có thể và cần thiết. Trong khi đó, không thể có chủ trương là xóa bỏ hoàn toàn
khu vực nông thôn của Hà Nội theo những phương thức "đô thị hóa" cổ điển.
Ngược lại, phải có chiến lược và giải pháp bảo tồn những khu vực nông thôn
mang đậm bản sắc văn hóa của Thủ đô, có mô hình thích hợp để cho những khu
vực này phát triển để trở thành những điểm nhấn văn hóa - sinh thái - nhân văn
của Thủ đô hiện đại. Đây là điều trong Chiến lược không đặt ra. Hy vọng, vấn
đề này sớm được đặt ra và giải quyết, trước khi những không gian nông thôn ấy
bị quá trình đô thị hóa ào ạt, xô bồ nuốt chửng và nghiền nát vĩnh viễn. Đây sẽ
là một sự mất mát vô cùng lớn của Hà Nội.
Thứ ba, tuy trong Chiến lược xác định đổi mới mô hình quản lý đô thị
gắn với thể chế và đẩy mạnh cải cách hành chính và coi đây là những giải pháp
đột phá, ưu tiên hàng đầu trong xây dựng và phát triển Thủ đô, nhưng điểm mấu
chốt nhất trong mô hình quản lý, điều hành Thủ đô thì lại không được đặt ra và
do đó không xác định được phương hướng giải quyết. Đó là mối quan hệ giữa
các yếu tố trung ương và yếu tố địa phương và mối quan hệ gữa các yếu tố nông
thôn và yếu tố thành thị. Đây chính là hai nút thắt cơ bản nhất cần phải được
nghiên cứu và giải quyết trong việc xây dựng định hướng chiến lược và mô hình
phát triển Thủ đô Hà Nội trong các thập kỷ tới.

2.2. Vấn đề nguồn lực, quản lý và phát huy các nguồn lực phát triển
Trong thực tiễn phát triển bền vững của Hà Nội hay bất kỳ địa phương
nào, vấn đề đánh giá các nguồn lực, quản lý, khai thác và phát huy các nguồn
lực có tầm quan trọng đặc biệt. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thành phố
Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề cập đến và xác định một
loạt các giải pháp quản lý, khai thác và phát triển các nguồn lực trong quá trình
xây dựng và phát triển Thủ đô. Tuy nhiên, Chiến lược chưa đưa ra được những
đánh giá, dù ở mức tổng quát nhất các nguồn lực. Đồng thời, cách đặt vấn đề
khai thác và phát huy các nguồn lực còn chưa mang tính hệ thống và theo các
nguyên tắc của phát triển bền vững. Nhiều công trình nghiên cứu cũng đã đề
cập đến một số nguồn lực cụ thể, nhưng cho đến nay còn thiếu vắng những
nghiên cứu công phu, khoa học nhằm đánh giá tổng thể các nguồn lực, trên cơ
sở đó đưa ra được những giải pháp quản lý, khai thác và phát huy các nguồn lực
phát triển bền vững của Hà Nội.

45
Vấn đề thứ nhất được đặt ra là đánh giá các nguồn lực phát triển bền
vững của Hà Nội. Đây là yêu cầu khách quan, cấp thiết, đặt ra thường xuyên đối
với công tác nghiên cứu, quy hoạch, lãnh đạo, quản lý của Thủ đô. Chỉ dựa trên
kết quả đánh giá đúng về các nguồn lực thì các công tác quy hoạch, lãnh đạo,
quản lý của Thủ đô mới đạt hiệu quả như mong muốn. Đồng thời, việc đánh giá
các nguồn lực phát triển của Hà Nội cũng phải dựa trên những hệ thống phương
pháp đánh giá khoa học, trên cơ sở các tiêu chí và nguyên lý của phát triển bền
vững.
Để đánh giá, trước hết cần phân loại các nguồn lực phát triển bền vững
của Hà Nội. Cho đến nay, việc phân loại các nguồn lực này đang được thực hiện
theo những phương pháp khác nhau:
- Dựa vào nguồn gốc, có thể phân loại các nguồn lực thành các nguồn lực
nội sinh (endogenous resources) và các nguồn lực ngoại sinh (exogenous
resources).
- Dựa vào hình thức, có thể phần chia các nguồn lực thành nguồn lực hữu
hình (tangible resources) và nguồn lực vô hình (intangible resources).
- Dựa vào đặc điểm của nguồn lực, người ta có thể phân chia nguồn lực
thành các nhóm nguồn lực, bao gồm:
+ Các nguồn lực vị thế (địa - chính trị - geopolitical resources)
+ Nguồn lực tự nhiên (natural resources)
+ Nguồn lực con người (human resources)
+ Nguồn lực tài chính (financial resources)
+ Nguồn lực vật chất (physical resources)
+ Nguồn lực văn hóa (cultural resources)
+ Nguồn lực trí tuệ (intellectual resources)
Dựa vào tính chất của nguồn lực, người ta cũng có thể phân chia nguồn
lực thành các nhóm sau khác nhau như nguồn lực tái sinh (renewable resources)
và nguồn lực không tái sinh (un-renewable resources), nguồn lực hữu hạn
(limited resources) và nguồn lực vô hạn (unlimited resources) vv...
Đương nhiên, các cách phân loại nguồn lực thường chỉ có ý nghĩa tương
đối, nhưng việc phân loại các nguồn lực có ý nghĩa rất quan trọng đối việc đánh

46
giá, quy hoạch, quản lý, khai thác và phát huy nguồn lực trong thực tiễn phát
triển bền vững. Theo chúng tôi, để có cái nhìn biện chứng về các nguồn lực phát
triển bền vững của Hà Nội, trong nghiên cứu, đánh giá cần thiết phải phối hợp
áp dụng nhiều hệ tiêu chí và cách phân loại khác nhau.
Đánh giá các nguồn lực bao giờ cũng là một công việc rất khó khăn, nhất
là các nguồn lực phục vụ phát triển bền vững của các đô thị lớn, đa năng, đa
tầng, có độ phức hợp cao như Thủ đô Hà Nội. Riêng đối với Hà Nội, công việc
này còn trở nên phức tạp hơn bởi hiện nay chúng ta đang thiếu một hệ thống cơ
sở dữ liệu (data warehouse) tích hợp, liên ngành, hiện đại và cập nhật về các
nguồn lực của Hà Nội, kèm theo đó là những bộ công cụ phân tích, đánh giá
phù hợp.
Thực tế là các thông tin về nguồn lực phát triển của Hà Nội đang được
lưu giữ rải rác ở nhiều cơ quan, sở ngành; nhìn chung việc thu thập, xử lý thông
tin còn chưa thực sự khoa học, cập nhật; mức độ thông tin (độ nông, sâu) không
đồng đều và chưa thực sự đáp ứng yêu cầu về độ tin cậy. Vì vậy, theo chúng tôi,
yêu cầu thực tiễn đang đặt ra hết sức nóng bỏng là phải đầu tư, xây dựng một
hệ thống thông tin dữ liệu phục vụ phát triển bền vững của Thủ đô, đảm bảo
tính tích hợp, liên ngành, hiện đại, cập nhật và tiện dụng (với sự hỗ trợ của các
bộ công cụ phân tích, đánh giá và chiết xuất hiện đại cùng đội ngũ chuyên viên,
nhân viên kỹ thuật chuyên nghiệp). Lợi ích mà hệ thống cơ sở dữ liệu này mang
lại sẽ vô cùng to lớn, đặc biệt là đối với công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành,
chỉ đạo của Thủ đô. Đối với các hoạt động kinh doanh, sản xuất, xây dựng, hoạt
động dịch vụ, nghiên cứu khoa học và nhất là công tác đảm bảo quốc phòng, an
ninh ở Hà Nội thì hệ thống cơ sở dữ liệu này cũng hết sức cần thiết và hữu ích.
Trên cơ sở có được nền tảng thông tin tích hợp, liên ngành, cập nhật, cần
tiến hành nghiên cứu đánh giá về các nguồn lực phát triển bền vững của Hà Nội.
Các nghiên cứu đó cần phải kế thừa kết quả nghiên cứu hiện có, đồng thời phải
đáp ứng ở mức độ cao hơn, thiết thực hơn yêu cầu do thực tiễn phát triển bền
vững của Hà Nội đặt ra. Cụ thể, các nghiên cứu đó vừa phải đánh giá chuyên
sâu, toàn diện đối với từng nguồn lực và từng nhóm nguồn lực, đồng thời vừa
phải đặt sự đánh giá chuyên sâu đó trong cách nhìn, các tiếp cận liên ngành, liên
lĩnh vực, đa chiều, tức là trong mối liên hệ với các nguồn lực khác và nhất là
trong diễn thế phát triển bền vững của các nguồn lực và của Thủ đô.
Trên cơ sở các nghiên cứu đánh giá nói trên, các nhà khoa học và các nhà
47
quản lý cần phải đề xuất được các nguyên tắc, mô hình và giải pháp đối với
công tác quy hoạch, quản lý, khai thác và phát huy các nguồn lực trong quá
trình phát triển bền vững của Thủ đô. Bên cạnh đó, trên cơ sở xác lập nguyên
tắc bảo mật trong tiếp cận và khai thác, cần có giải pháp tổ chức dịch vụ cung
cấp thông tin về nguồn lực cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt
động trong vùng Hà Nội hoặc tại Hà Nội. Đây là giải pháp vừa góp phần quản
lý và phát huy nguồn lực, góp phần thiết thực và hiệu quả hơn vào sự nghiệp
phát triển bền vững của Thủ đô, vừa trực tiếp thúc đẩy sự phát triển của ngành
Hà Nội học lên một tầm cao mới.

2.3. Vấn đề sinh kế và phát triển sinh kế bền vững, hiệu quả của các
nhóm cư dân Hà Nội
“Việc nhân nghĩa cốt ở an dân” – mở đầu Cáo Bình Ngô, Lê Lợi và
Nguyễn Trãi đã viết như vậy.14 Đây cũng là nội dung “kế sâu rễ bền gốc” của
Hưng Đạo Đại Vương,15 là tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Nếu nước
độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa
gì.”16 Bởi vì: "Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no,
mặc đủ."17
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hà Nội đến năm 2030,
tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số
222/QĐ-Ttg ngày 22 tháng 2 năm 2012 cũng xác định rõ một trong những quan
điểm chủ đạo của sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô là: “đặt con người
vào vị trí trung tâm phát triển; kết hợp hài hòa các lĩnh vực chính trị, kinh tế,
văn hóa, xã hội”, nhằm đạt được một trong những mục tiêu cơ bản của Hà Nội
vào năm 2050 là: “Người dân có mức sống cao về vật chất và tinh thần, có tính
cách thân thiện, hữu nghị và mến khách”.
Qua đó, có thể thấy yêu cầu chăm lo đảm bảo đời sống nhân dân luôn
luôn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong mọi thời đại, đối với cả nước và đặc
biệt là đối với Hà Nội – trọng trấn quan trọng bậc nhất của quốc gia. Giải pháp
bền vững nhất để đảm bảo chăm lo đời sống cho tất cả các tầng lớp nhân dân Hà
Nội chính là tạo ra những điều kiện thuận lợi để người dân có được sinh kế bền
vững và hiệu quả nhất.

14
Đại Việt Sử ký toàn thư, tập II, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr. 282.
15
Như trên, tr. 79.
16
Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 56.
17
Như trên, tr. 152.
48
Trong thực tế, ở mỗi khu vực, mỗi không gian phát triển, các nhóm cư
dân đều có những lựa chọn sinh kế khác nhau. Hà Nội là một đô thị lớn với
khoảng trên 7 triệu người cư trú thường xuyên và trên dưới 3 triệu người cư trú
không thường xuyên. Bên cạnh những nhóm cư dân cơ bản như nông dân, công
nhân, cán bộ - công chức còn có thợ thủ công, tiểu thương, học sinh, sinh viên,
ngày càng xuất hiện nhiều hơn những nhóm cư dân mới, như doanh nhân, lao
động tự do, lao động nước ngoài vv... Ngay trong từng nhóm cư dân nói trên,
nhất là nông dân, công nhân, tiểu thương, chủ doanh nghiệp vv... cũng đang
phân hóa thành nhiều tiểu nhóm với nhiều lựa chọn sinh kế khác nhau.
Trong thời gian 3 thập kỷ vừa qua, trong quá trình đổi mới và hội nhập
quốc tế, Hà Nội là một trong những địa phương diễn ra nhiều chuyển biến sâu
sắc, toàn diện, mạnh mẽ và nhanh chóng nhất. Đây chính là nguyên nhân cội
nguồn dẫn đến những biến đổi sâu sắc, đa dạng và hết sức sôi động về sinh kế
của các tầng lớp và nhóm cư dân Thủ đô. Trong quá trình đó xuất hiện nhiều mô
hình sinh kế đã chứng tỏ được tính bền vững và hiệu quả cao. Bên cạnh đó, ở
nhiều khu vực và nhiều nhóm dân cư đã và đang diễn ra những dạng thức
“khủng hoảng sinh kế” (livelihood crisis) ở nhiều mức độ khác nhau.
Để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hà Nội
đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì chắc chắn cần xây dựng và phát triển
được những mô hình sinh kế bền vững và hiệu quả, phù hợp với từng địa bàn,
từng nhóm cư dân Thủ đô. Đây chắc chắn là một trong những vấn đề cốt lõi,
cấp bách nhất đang đặt ra trong thực tiễn phát triển của Hà Nội.
Cho đến nay đã có hàng chục công trình nghiên cứu về sinh kế của một
số cộng đồng dân cư Việt Nam do các nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài
công bố. Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu này có chung hai đặc điểm sau
đây:
Thứ nhất, phần lớn các công trình chỉ tập trung làm rõ một hay một vài
khía cạnh của sinh kế, như các công trình về xóa đói, giảm nghèo, chuyển đổi
nghề nghiệp, biến đổi kinh tế - xã hội, biến đổi phương thức sử dụng đất, rừng,
đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản, biến đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phương
thức tín dụng, huy động vốn đấu tư, tham gia thị trường, biến đổi vốn xã hội, tái
định cư vv... Chỉ có rất ít các công trình áp dụng cách tiếp cận toàn diện, liên
ngành của khung sinh kế bền vững trong nghiên cứu về sinh kế.
Thứ hai, tuyệt đại đa số các công trình nghiên cứu về sinh kế đều tập
49
trung vào các không gian phát triển hoặc các cộng đồng dân cư đang trải qua
khủng hoảng sinh kế hoặc chuyển đổi sinh kế ở khu vực nông thôn, miền núi
hay vùng ven đô thị. Hầu như vắng bóng hoàn toàn các nghiên cứu, khảo sát về
các mô hình sinh kế của cư dân đô thị, nhất là các mô hình tiêu biểu, đã chứng
tỏ được ở mức độ khác nhau về tính bền vững và hiệu quả.
Trong tình hình trên, thực tế là chưa có bất kỳ nghiên cứu, khảo sát nào
về sinh kế của người Hà Nội, nhất là ở khu vực đô thị Hà Nội với những mô
hình sinh kế bền vững, hiệu quả.
Hình 2.1: Sơ đồ Khung sinh kế bền vững của DFID (2001)

Tình hình trên đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với những nghiên cứu về sinh
kế của các khu vực, các nhóm cư dân Hà Nội, được triển khai dựa trên cách tiếp
cận khoa học, hiện đại của khung sinh kế bền vững.18
Theo cách tiếp cận này, sinh kế của hộ gia đình hoặc của một nhóm hay
cộng đồng dân cư cụ thể nào đó sẽ được hình thành và phát triển bền vững dựa
trên 5 loại “tài sản sinh kế” chủ yếu là: vốn xã hội (social capital), vốn con
người (human capital), vốn cơ sở vật chất (physical capital), vốn tài chính

18
Xem: Nguyễn Văn Sửu, “Khung sinh kế bền vững: Một cách phân tích toàn diện về phát triển và giảm
nghèo”.
http://nhanhoc.edu.vn/thu-vien/thu-muc-tap-chi/328-khung-sinh-ke-ben-vung-mot-cach-tiep-can-toan-dien-ve-p
hat-trien-va-giam-ngheo.html.
50
(financial capital), và vốn tự nhiên (natural capital). Vì vậy, để đánh giá toàn
diện, khách quan, khoa học về sinh kế của các nhóm dân cư ở Hà Nội thì một
lần nữa vấn đề xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tích hợp, liên ngành, hiện đại
và luôn cập nhật lại tiếp tục được đặt ra hết sức cấp bách.
Thiếu hệ thống cơ sở dữ liệu này, không chỉ các nhà khoa học, các nhà
quản lý, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và chính người dân Hà Nội đều
không có đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn đối với công việc của mình. Kết
quả là những nghiên cứu về các vấn đề có liên quan đến sinh kế của nhân dân
Hà Nội cho đến nay phần lớn mới chỉ đề cập đến ở mức độ nhất định, các phân
tích phần nhiều còn nông và phiến diện, do đó chưa thực sự trở thành luận cứ
khoa học cho công tác quy hoạch, quản lý, kinh doanh vv...
Thiếu những phân tích dựa trên thông tin đầy đủ và cập nhật về “tài sản
sinh kế” và “lựa chọn sinh kế” của người dân Hà Nội cũng khiến cho các doanh
nghiệp trên địa bàn Thủ đô khó mà có được chiến lược kinh doanh hiệu quả,
bền vững. Ngay cả với từng hộ và cộng đồng cư dân, điều này cũng không cho
phép họ có được những chiến lược và lựa chọn sinh kế đúng đắn, hiệu quả và
bền vững.
Điều cần đặc biệt lưu ý là: trong các nghiên cứu về sinh kế hiện nay, kể
cả ở Việt Nam và nước ngoài, người ta thường bỏ qua một điều cốt tử: sinh kế,
nhất là sinh kế bền vững bao giờ cũng là, và chỉ có thể là kết quả lựa chọn của
chính các chủ thể sinh kế, tức là của các hộ hoặc nhóm / cộng đồng dân cư.
Mọi sự “sáng tạo” và áp đặt các mô hình hay chiến lược sinh kế từ bên ngoài
đều sẽ không đưa lại kết quả như mong đợi. Vì vậy, trong nghiên cứu, đánh giá
về sinh kế của người dân Hà Nội nhất định không thể thiếu các điều tra, khảo
sát và phân tích liên ngành về nhu cầu, sự lựa chọn, các yếu tố tác động đến sự
lựa chọn sinh kế của từng cộng đồng / nhóm dân cư.
Trên cơ sở đó, các nghiên cứu sẽ khám phá ra những mô hình sinh kế bền
vững, hiệu quả đang được các nhóm dân cư Hà Nội lựa chọn; các giải pháp hỗ
trợ, thúc đẩy, hoàn thiện các mô hình sinh kế đó và cuối cùng là đề xuất các giải
pháp chính sách đối với lãnh đạo, các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh
nghiệp ... Rõ ràng là thực tiễn đang đặt ra yêu cầu cấp bách đối với những
nghiên cứu liên ngành, chất lượng cao về sinh kế của người Hà Nội.

2.4. Vấn đề mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển

51
Trong thực tế, mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển luôn luôn là một
“bài toán khó giải” không chỉ đối với riêng Hà Nội mà với tất cả các địa phương
và với tất cả các nước trên thế giới. Sự phức tạp của vấn đề trước hết nằm ở
ngay chính quan điểm và triết lý phát triển.
Trong các giai đoạn lịch sử trước đây, ở Việt Nam cũng như nhiều nước
trên thế giới, khi các chủ thể phát triển chưa thực sự thấm nhuần quan điểm và
triết lý phát triển bền vững, thì sự phát triển chỉ được quan niệm như sự gia tăng
về số lượng, khối lượng và quy mô của một số chỉ tiêu, chỉ số nào đó. Sự phát
triển cũng từng được đồng nhất với tăng trưởng kinh tế, đồng thời quá trình hiện
đại hóa (modernization) cũng được đồng nhất với quá trình công nghiệp hóa
(industrialization). Tuy nhiên, những quan điểm phát triển này, dù đã bị phê
phán và chỉ ra nhiều điểm sai lầm, bất cập, trên thực tế vẫn còn tiếp tục ảnh
hưởng ở những mức độ khác nhau đối với công tác quy hoạch phát triển, lãnh
đạo và quản lý ở nhiều địa phương, ngành hoặc lĩnh vực ở nước ta, trong đó có
cả Hà Nội. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm cho việc giải quyết
mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển ở Hà Nội gặp nhiều khó khăn. Vì vậy,
yêu cầu thực tiễn khách quan đặt ra là phải có những nghiên cứu để cung cấp
luận cứ khoa học và thực tiễn, trên cơ sở đó xây dựng những nguyên tắc chủ
đạo đối với sự phát triển Thủ đô trên nguyên lý của phát triển bền vững. Đây
chính là cơ sở quan trọng nhất để phát triển Thủ đô trong những thập kỷ tới, mở
đường giải quyết bài toán phức tạp về mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển
trong thực tiễn.
Về vấn đề “bảo tồn” trong nghiên cứu cũng như trong chỉ đạo thực tiễn
cũng đang còn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau. Thứ nhất là vấn đề cái gì cần
được bảo tồn trong quá trình phát triển bền vững? Đương nhiên, di sản văn
hóa, bao gồm cả di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể đều thuộc
đối tượng cần được bảo tồn, theo đúng Luật Di sản văn hóa (2001, sửa đổi và bổ
sung năm 2009). Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong thời gian qua ở Hà Nội cũng
như nhiều địa phương khác, vấn đề bảo tồn thường chỉ được đặt ra đối với bản
thân các di sản mà rất ít chú ý đến công việc bảo tồn những yếu tố gắn với di
sản, như cảnh quan, không gian kiến trúc và không gian xã hội – nhân văn.
Chắc chắn là di sản sẽ không thể “sống” nếu thiếu đi “môi trường sống” của
chúng. Nhưng trên thực tế, trong không ít trường hợp môi trường sống của di
sản, nhất là di sản văn hóa phi vật thể, bị biến dạng, xâm hại hoặc “đánh tráo”.
Trong điều kiện của những đô thị đang trải qua quá trình phát triển sôi động với
52
nhiều biến chuyển sâu sắc và mạnh mẽ như Hà Nội thì việc bảo tồn các di sản
gắn với môi trường sống của chúng thực sự là một thách thức nan giải. Do vậy
cần phải có những nghiên cứu nghiêm túc để đề xuất những giải pháp khoa học,
khả thi cho vấn đề này.
Vấn đề thứ hai, còn phức tạp hơn vấn đề thứ nhất nhiều lần, là bảo tồn
như thế nào? Và đặc biệt là bảo tồn như thế nào để không những không gây
xung đột với phát triển, mà trái lại, để cho việc bảo tồn và phát huy giá trị các di
sản trở thành nhu cầu đối với sự phát triển và trở thành một nguồn lực phát
triển? Ở đây có nhiều vấn đề đang đặt ra cần phải có những nghiên cứu thấu đáo
để đưa ra được những câu trả lời tối ưu, phù hợp nhất.
Với bề dày văn minh - văn hiến hàng nghìn năm, Hà Nội là một trong
những địa phương tập trung dày đặc nhất các di sản văn hóa vật thể và phi vật
thể. Riêng về di tích lịch sử - văn hóa, theo một báo cáo với số lượng thống kê
chưa đầy đủ vào năm 2009, "Hà Nội có 5.175 di tích, 2.311 di tích đã xếp hạng,
trong đó có 9 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 1.184 di tích xếp hạng
cấp quốc gia và 1.118 di tích xếp hạng cấp tỉnh, thành phố. Thời gian gần đây có
05 di tích, danh thắng của Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định xếp
hạng di tích Quốc gia đặc biệt là Đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), Đền Hát
Môn (huyện Phúc Thọ), Đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm), Hồ Hoàn Kiếm và Đền
Ngọc Sơn (quận Hoàn Kiếm) và Đình Tây Đằng (huyện Ba Vì)."19 Bên cạnh các
di tích này, còn hàng trăm di tích khác chưa được nghiên cứu, đánh giá và xếp
hạng, công nhận. Ngay cả những di tích, di sản văn hóa vật thể của các thời kỳ cận
đại, hiện đại và đương đại cũng cần tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá, phân loại
và xếp hạng để có cơ sở cho công tác quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị.
Cùng với các di sản văn hóa vật thể, Hà Nội cũng sở hữu kho tàng di sản
văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú và đặc sắc, không chỉ tiêu biểu cho các giá
trị văn minh - văn hiến Thăng Long - Hà Nội mà còn là biểu tượng kết tinh của
văn hóa dân tộc suốt hàng ngàn năm lịch sử. Thực hiện Thông tư số
04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30 tháng 6 năm 2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và
Du lịch, từ cuối năm 2013, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã triển
khai thực hiện chương trình “Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể
Hà Nội”. Theo thống kê bước đầu, đến tháng 10/2014, đã kiểm kê 12 quận,

19
Ngô Duy, "Giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội", In:
http://nxbhanoi.com.vn/chi_tiet_tin/tabid/204/cateID/4/artilceID/14918/language/vi-VN/Default.aspx

53
huyện trên địa bàn thành phố. Cụ thể, có 857 di sản văn hoá phi vật thể của Hà
Nội được nhận diện, xác định chủ thể và giá trị, đánh giá hiện trạng sức sống và
đề xuất biện pháp để bảo vệ.20 Hiện nay, Đề án này đang được tiếp tục triển
khai, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2015.
Công tác kiểm đếm, thống kê và đánh giá thực trạng của hệ thống di sản
văn hóa vật thể và phi vật thể ở Hà Nội là việc làm rất quan trọng. Tuy nhiên,
đây mới chỉ là bước đi đầu tiên trong toàn bộ công tác bảo tồn và phát huy giá
trị của các di sản văn hóa đó trong quá trình phát triển bền vững của Thủ đô.
Trong những năm vừa qua, nhờ nỗ lực to lớn của chính quyền, nhân dân
Thủ đô, cộng đồng các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu và các tổ chức
quốc tế, nhiều di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội đã phát huy được giá trị to
lớn, tỏa sáng và trở thành một trong những nguồn nội lực phát triển to lớn của
Thủ đô. Nhiều di sản đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa, di sản tư
liệu có giá trị đặc sắc của nhân loại; nhiều di sản được công nhận là di sản văn
hóa cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt. Thành tựu to lớn của Hà Nội trong
việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa ở Thủ đô không những cần
được ghi nhận, đánh giá cao mà cần có những nghiên cứu, đánh giá để rút ra
những bài học hữu ích đối với việc tiếp tục giải quyết thỏa đáng hơn mối quan
hệ giữa bảo tồn và phát triển bền vững ở Hà Nội và trên phạm vi cả nước trong
các thập kỷ sắp tới.
Bên cạnh những thành tựu to lớn, trong thời gian vừa qua, việc giải quyết
mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển đã xuất hiện nhiều vụ việc phức tạp,
nóng bỏng, gây nên nhiều cuộc thảo luận sôi nổi, đôi khi không kém phần gay
gắt, quyết liệt trên công luận. Điển hình nhất là các cuộc tranh luận về các
phương án bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa Khu di tích Trung tâm Hoàng
thành Thăng Long, Khu di tích Đền Xã Tắc, Toà nhà Quốc hội, làng cổ Đường
Lâm, Chùa Trăm gian, Đền Và, Đình Mông Phụ (Đường Lâm), Đền Voi phục
(Cầu Giấy), Nhà hát Lớn, Khu Phố cổ, Cầu Long Biên, Thành Cổ Loa vv... Qua
các cuộc thảo luận sôi nổi với nhiều ý kiến khác nhau xung quanh các phương
án và giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa nổi tiếng nói trên
có thể thấy nhiều chiều cạnh và vấn đề phức tạp đã bộc lộ mà chưa có được
những "lời giải" thỏa đáng. Các vấn đề được đặt ra, bao gồm cả những vấn đề

20
Nghi Dung "Di sản văn hóa phi vật thể: từ kiểm kê đến công tác quản lý".
http://hanoi.gov.vn/30/-/hn/ZVOm7e3VDMRM/3/2705311/7/di-san-van-hoa-phi-vat-the-tu-kiem-ke-en-cong-ta
c-quan-ly.html;jsessionid=Z3qZ6uN8IQiVOFyDsFLdeZuc.node5
54
cơ bản như quan điểm về bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa trong
quá trình phát triển bền vững; vấn đề đánh giá toàn diện, đầy đủ và chính xác về
giá trị của từng di sản; vấn đề quy hoạch phát triển; vai trò của cộng đồng dân
cư - chủ thể của các di sản trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị của di sản;
vai trò của các chủ thể quản lý, của các doanh nghiệp vv... đối với công tác bảo
tồn và phát huy giá trị di sản; các giải pháp, kỹ thuật, công nghệ bảo tồn và phát
huy giá trị di sản văn hóa ở Hà Nội vv...
Chắc chắn trong thời gian tới, trong thực tiễn phát triển bền vững của Thủ
đô, vấn đề bảo tồn và phát triển hệ thống giá trị di sản văn hóa tiếp tục bộc lộ
thêm nhiều vấn đề mới. Đây chính là cơ sở, là đòi hỏi khách quan phải xem vấn
đề này là đối tượng của những nghiên cứu tổng hợp, liên ngành dựa trên hệ
thống lý thuyết, phương pháp nghiên cứu và cách tiếp cận của Khu vực học hiện
đại nhằm xác lập cơ sở khoa học và thực tiễn vững chắc cho các giải pháp có
tính khả thi, hiệu quả cao để giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa bảo tồn và
phát triển của Thủ đô Hà Nội.

2.5. Vấn đề dân cư và lao động, việc làm


Tương tự như nhiều đô thị lớn ở Việt Nam và trên thế giới, dân cư, lao
động, việc là luôn luôn là những vấn đề trọng yếu trong thực tiễn phát triển bền
vững của Thủ đô Hà Nội. Về dân cư, theo ý kiến của một trong những chuyên
gia hàng đầu về vấn đề này thì "Hà Nội đã thực sự là một siêu đô thị."21 Có thể
thấy rõ vấn đề này qua diễn thế dân số Hà Nội trong vòng gần một thế kỷ qua
(xem Bảng 2.1 ).
Theo những thông tin cập nhật hơn thì đến cuối năm 2014 dân số Hà Nội
đã vượt qua con số 7,212 triệu người, với tỷ lệ tăng trung bình hằng năm
khoảng 2,35% (khoảng 200.000 người / năm). Mật độ dân số trung bình của Hà
Nội là 3.490 người/km2 (gấp gần 100 lần mật độ chuẩn do Liên hợp quốc xác
định),22 Cần lưu ý rằng số liệu thống kê trên đây mới chỉ cho biết số người có
đăng ký cư trú chính thức. Bên cạnh đó, còn hàng triệu người không có đăng ký
chính thức hoặc chỉ cư trú ở Hà Nội trong một khoảng thời gian nhất định.

21
Đỗ Thị Minh Đức, "Gia tăng dân số và di dân trên địa bàn Hà Nội". Tham luận tại Hội thảo "Thủ đô Hà Nội:
Truyền thống, nguồn lực và định hướng phát triển”. Kỷ yếu Hội thảo, tr. 130.
22

http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/moi-nam-dan-so-ha-noi-tang-gap-100-lan-mat-do-chua
n-a103997.html.
55
Bảng 2.1. Dân số trung bình thành phố Hà Nội một số năm23

Năm Dân số (nghìn người) Năm Dân số (nghìn người)

1918 70.0 1984 2704.5

1928 130.0 1989 3004.9

1939 200.0 1991* 2097.3

1942* 300.0 1995 2335.4

1955 778.2 2000 2756.4

1960 913.4 2005 3182.7

1961* 985.2 2006 3283.6

1976 1199.0 2007 3394.6

1978* 2444.0 2008* 6350.0

1979 2450.6 2012 6957.3


* Năm có sự thay đổi địa giới hành chính TP Hà Nội
Nguồn: Tổng hợp từ Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long, tập 1 (tr.360)
TCTK, Số liệu thống kê 1930-1984, NXb Thống kê 1985.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy hiện nay, Thủ đô Hà Nội đã thực sự quá tải
về dân số, mặc dù trong quy hoạch cũng như trong các dự báo của giới nghiên
cứu, đến năm 2020 Hà Nội sẽ có dân số khoảng 8,0 triệu người và đến năm
2030 đạt ước chừng 9,2 triệu người.24 Tình trạng quá tải dân số bộc lộ rõ nhất
qua các hiện tượng gây bức xúc cho người dân hằng ngày, như ùn tắc giao
thông, thiếu trường học, thiếu công ăn việc làm, thiếu các dịch vụ xã hội chất
lượng đảm bảo vv... Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải nói trên,
trong đó chủ yếu là do sự phát triển của cơ sở hạ tầng và các dịch vụ đảm bảo
đời sống xã hội không theo kịp tốc độ gia tăng dân số và tình trạng gia tăng dân
số (chủ yếu là gia tăng cơ học) thiếu kiểm soát. Đây là một trong những vấn đề
cần phải nghiên cứu để có giải pháp phát triển dân số, quản lý dân cư phù hợp
với yêu cầu phát triển bền vững của Hà Nội.

23
Dẫn lại theo: Đỗ Thị Minh Đức, tài liệu trên, tr. 130.
24
Theo: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 222/QĐ-Ttg ngày 22/2/2012.
56
Bên cạnh đó, chất lượng dân cư Thủ đô cũng đang đặt ra nhiều vấn đề
cấp bách và nan giải. Kết quả thống kê về dân số và lao động của Hà Nội gần
đây (2013) cho thấy: dân số khu vực thành thị là 3.024,6 nghìn người (42,4%),
trong khi dân số vùng nông thôn là 4103,7 nghìn người (57,6%). So với các địa
phương khác trong cả nước thì tỷ lệ dân số thành thị / nông thôn của Hà Nội khá
cao, song, so với đặc điểm của một đô thị hàng đầu cả nước thì tỷ lệ này lại là
rất thấp.25 Chắc chắn trong những thập kỷ tới, quá trình CNH, HĐH và đô thị
hóa ở Hà Nội sẽ diễn ra mạnh mẽ và làm thay đổi nhanh chóng và cơ bản tình
hình trên đây. Kèm theo đó sẽ nảy sinh nhiều vấn đề nan giải về chuyển đổi sinh
kế, nghề nghiệp, nhà ở và lối sống vv... Đi sâu xem xét tình hình phân bố lao
động giữa các ngành nghề ở Hà Nội cũng bộc lộ những mất cân đối đáng kể. Và
do đó, cần có ngay những nghiên cứu để đề xuất những giải pháp phù hợp trong
quy hoạch phân bố dân cư, nhất là ở những địa bàn đã, đang và sẽ diễn ra những
chuyển biến mạnh mẽ nhất.26
Chất lượng dân số và nguồn nhân lực được thể hiện qua nhiều chỉ số, bao
gồm các chỉ số về sức khỏe, tỉ lệ sinh, tử và tỉ lệ dân số theo các nhóm tuổi,
trong đó, rõ nhất là qua các chỉ số về trình độ và chất lượng lao động. Hiện nay,
Hà Nội là một trong những trung tâm cung ứng lao động lớn nhất của cả nước,
nhất là lực lượng lao động có trình độ cao, bởi lẽ Hà Nội là nơi tập trung đông
đảo nhất các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề của cả nước. Riêng về đào
tạo nghề, theo thống kê gần đây, toàn Thành phố có gần 300 cơ sở dạy nghề,
trong đó cơ sở tư nhân chiếm khoảng 70%. Trung bình hàng năm Thành phố đào
tạo mới hơn 140.000 lao động. Hà Nội được đánh giá là thành phố có nguồn nhân
lực chất lượng cao, với gần 37% lao động có trình độ và tay nghề, trong đó, lượng
lao động trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp chiếm đa số. Nguồn nhân lực chất
lượng cao của Hà Nội chiếm 30% nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước. 27
Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hà Nội được Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt thì những con số trên đây còn cách rất xa các chỉ tiêu
cần đạt được vào năm 2030: “Xây dựng, phát triển Hà Nội trở thành trung tâm

25
Có ý kiến cho rằng: “Hiện nay dân số thành thị ở Hà Nội chiếm gần nửa dân số thành thị vùng đồng bằng
sông Hồng và chiếm 10,37% dân số thành thị cả nước. Nhìn tổng thể, tỉ lệ dân số đô thị của Hà Nội cao hơn tỉ
lệ chung của cả nước lại là thấp nhất trong số 5 thành phố trực thuộc Trung ương (chỉ bằng nửa so với Thành
phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng).”
Xem: An An, tại:
http://nxbhanoi.com.vn/chi_tiet_tin/tabid/204/cateID/4/artilceID/15282/language/vi-VN/Default.aspx.
26
Xem: Cục Thống kê Hà Nội: Dân số và Lao động. http://thongkehanoi.gov.vn/uploads/files/
source/NGTK%202013%20-Dan%20so%20lao%20dong.pdf.
27
http://nxbhanoi.com.vn/chi_tiet_tin/tabid/204/cateID/4/artilceID/15282/language/vi-VN/Default.aspx.
57
đào tạo nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng hàng đầu của cả nước và có uy tín
quốc tế; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 70 - 75% năm 2020 và khoảng 85
-90% năm 2030.”
Các số liệu thống kê nói trên cũng mới chỉ phản ánh những thông tin “bề
mặt” về chất lượng nguồn nhân lực có qua đào tạo của Hà Nội. Cần tiếp tục có
những lớp thông tin cho biết chiều sâu chất lượng nguồn nhân lực, nhất là về cơ
cấu trình độ, nhóm ngành nghề, nguồn đào tạo (từ các cơ sở đào tạo tại Hà Nội,
ngoài Hà Nội và cả các cơ sở đào tạo của nước ngoài và của các doanh nghiệp,
các tổ chức, đoàn thể vv...), đặc biệt là mức độ đáp ứng yêu cầu của người sử
dụng đối với từng nhóm nhân lực. Chỉ có trên cơ sở phân tích đầy đủ những lớp
thông tin này chúng ta mới có thể đưa ra những nhận định và dự báo có cơ sở
mạnh, đủ làm luận cứ cho quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của Thủ đô trong
thời gian tới.
Để có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn cho quy hoạch phát triển bền vững
dân cư Hà Nội trong các thập kỷ tới cũng rất cần thiết phải tiếp tục tiến hành
nhiều cuộc khảo sát, điều tra liên ngành với sự hỗ trợ của các bộ công cụ đánh
giá, phân tích hiện đại để đánh giá sâu và toàn diện các chỉ số về thể chất và tinh
thần của các nhóm cư dân Hà Nội, bao gồm cả các chỉ số về trình độ và chất
lượng giáo dục, năng lực tham gia các hoạt động xã hội, tình hình sức khỏe, thể
chất, bệnh tật, mức độ ảnh hưởng của các tệ nạn xã hội và tội phạm vv... Các
yếu tố tác động đến sự phát triển cũng như chất lượng dân cư Hà Nội cũng cần
được phân tích, đánh giá sâu và toàn diện.
Cho đến nay các thông tin đã có từ các cuộc khảo sát, thống kê cũng đã
có, đủ để cung cấp các thông tin “nền” (basic information), nhưng chưa có đủ
thông tin liên tục theo diễn thế phát triển của từng nội dung chuyên sâu. Tính
cập nhật và độ chính xác của thông tin cũng còn chưa được kiểm chứng đầy đủ.
Một lần nữa, yêu cầu nóng bỏng về việc cần có một hệ thống cơ sở dữ liệu tích
hợp liên ngành phục vụ công tác quy hoạch, lãnh đạo, quản lý và chỉ đạo phát
triển bền vững của Thủ đô Hà Nội lại được đặt ra.

2.6. Vấn đề xã hội và đảm bảo an sinh xã hội


Song hành với vấn đề dân cư – dân số, trong lĩnh vực xã hội và đảm bảo
an sinh xã hội cũng đang đặt ra với hàng loạt vấn đề cơ bản và cấp bách, đòi hỏi
cần phải có nhiều nghiên cứu khoa học tiếp cận theo hướng liên ngành, nhằm
cung cấp luận cứ đủ độ tin cậy cho công tác lãnh đạo, quy hoạch, quản lý và chỉ
58
đạo phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội.
Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hà Nội được Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt năm 2012, mục tiêu chiến lược đến năm 2050 trong
lĩnh vực xã hội được xác định như sau: “Người dân có mức sống cao về vật chất
và tinh thần, có tính cách thân thiện, hữu nghị và mến khách”; “Xã hội dân chủ,
công bằng, kỷ cương, văn minh; Hà Nội đi đầu về phát triển xã hội, thực hiện an
sinh xã hội”. Trước mắt, đến năm 2030 Hà Nội phải đạt được mục tiêu: “Người
dân có điều kiện sống tốt (thu nhập cao hơn mức trung bình của cả nước, được
hưởng các dịch vụ chất lượng cao, môi trường sống tốt, môi trường làm việc và
đầu tư đạt tiêu chuẩn quốc tế, thân thiện, an toàn)”; “Xã hội văn minh, an toàn,
gắn kết các tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo; giảm khoảng cách chênh lệch về
điều kiện sống giữa nông thôn và thành thị, về cơ bản không có người nghèo tuyệt
đối và giảm thiểu tình trạng thất nghiệp”.28
Để đạt được các mục tiêu nói trên trong một khoảng thời gian khá ngắn
ngủi thực sự là một thách thức lớn đối với lãnh đạo và nhân dân Thủ đô, bởi lẽ các
mục tiêu đó không chỉ là kết quả của các giải pháp và chính sách trên lĩnh vực xã
hội mà thực chất là kết quả tổng hòa của toàn bộ sự phát triển kinh tế - xã hội, văn
hóa, con người, giáo dục – đào tạo, y tế và khoa học – công nghệ, quốc phòng, an
ninh - tức là mục tiêu tổng hợp của toàn bộ sự nghiệp phát triển bền vững của Hà
Nội. Quan điểm được xác định trong Chiến lược chính là nguyên tắc nền tảng,
vạch ra phương hướng để đạt được các mục tiêu nói trên: “Phát triển nhanh, hài
hòa, bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình xây dựng, phát triển Hà Nội;
đặt con người vào vị trí trung tâm phát triển; kết hợp hài hòa các lĩnh vực chính
trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; tăng trưởng kinh tế đi đôi với đảm bảo trật tự, văn
minh, tiến bộ và công bằng xã hội.”29
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là lĩnh vực xã hội, từ các cơ quan lãnh
đạo, quản lý, chỉ đạo cho đến các cộng đồng cư dân, các tổ chức và từng công
dân Thủ đô, chỉ nên thụ động chờ đợi kết quả, thành tựu phát triển từ các lĩnh
vực khác. Thực tế, lĩnh vực xã hội có đặc thù riêng, trong đó nhiều vấn đề phải
nhận diện và giải quyết trong khuôn khổ lĩnh vực xã hội, nhờ đó tạo nên môi
trường và làm gia tăng vốn xã hội, phát huy nguồn lực xã hội để góp phần tạo
nên xung lực phát triển cho toàn bộ sự nghiệp phát triển bền vững của Thủ đô.

28
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 222/QĐ-Ttg ngày 22/2/2012.
29
Như trên.
59
Trong những thập kỷ vừa qua, quá trình phát triển xã hội ở Hà Nội đang
đặt ra rất nhiều vấn đề cần được tiếp cận và nghiên cứu theo hướng liên ngành
nhằm đưa lại luận cứ khoa học và thực tiễn cho sự nghiệp phát triển bền vững
của Thủ đô và đất nước trong thời gian tới. Ở đây chúng tôi chỉ điểm qua những
vấn đề quan trọng nhất:
Trong quá trình Đổi mới và hội nhập quốc tế, Hà Nội và cả nước đã và
đang trải qua nhiều chuyển biến sâu sắc. Trong đó có nhiều quá trình chuyển
biến tích cực với những thành tựu to lớn, như: chuyển biến mô hình cấu trúc xã
hội của thời kỳ tập trung, quan liêu, bao cấp sang cấu trúc xã hội dựa trên nền
kinh tế thị trường định hướng XHCN; chuyển biến từ xã hội nông thôn (của các
vùng ven đô) sang xã hội đô thị do kết quả của quá trình CNH, HĐH và đô thị
hóa mạnh mẽ những năm gần đây; chuyển đổi của xã hội đô thị kiểu cũ sang xã
hội đô thị hiện đại ở các khu vực đô thị với đặc trưng của “xã hội đa lựa chọn”
(multi-choices society) và “xã hội kết nối toàn cầu” (globally connected
society); chuyển biến trong phân tầng, phân nhóm xã hội; chuyển biến về mức
sống nhìn chung theo hướng tích cực, xét cả lượng và chất; chuyển biến trong
các mô hình tổ chức và tương tác xã hội; chuyển biến về quy mô, cấu trúc,
thành phần, vị thế và vai trò của từng giai cấp, tầng lớp và nhóm cư dân vv...
Bên cạnh những chuyển biến tích cực, đã và đang xuất hiện tại Hà Nội
những hiện tượng và xu hướng biến đổi xã hội tiêu cực không chỉ gây nhức
nhối, bức xúc trong công luận mà còn đe dọa đến sự thành công của chiến lược
phát triển bền vững của Thủ đô.
Trước hết là sự phân hóa, phân tầng, phân nhóm xã hội. Bên cạnh những
xu hướng tích cực đã xuất hiện cả những xu hướng tiêu cực như sự gia tăng
khoảng cách giàu – nghèo; sự xuất hiện của tầng lớp / nhóm “đại gia – trưởng
giả, trọc phú” với lối sống xa xỉ, thiếu lành mạnh; sự xuất hiện của những nhóm
xã hội yếu thế, kể cả sự gia tăng về quy mô và loại hình các nhóm vô gia cư –
du thủ du thực, “phủi, bụi”; sự gia tăng cả về quy mô và loại hình của những
loại hình dân cư vãng lai, nhập cư tạm thời; sự xuất hiện và phát triển thiếu
kiểm soát của nhiều loại tệ nạn xã hội và tội phạm; sự gia tăng cả về mức độ và
loại hình các kỳ thị xã hội (social discriminations) và bất công xã hội (social
inequalities).
Ngay cả các nhóm, giai cấp, tầng lớp xã hội “cũ”, như công nhân, nông
dân, trí thức, sinh viên, học sinh vv... và các nhóm xã hội như phụ nữ, thanh
60
niên, người cao tuổi, nhóm dân cư nội thành vv... cũng đã và đang trải qua
nhiều chuyển biến sâu sắc và đa dạng với những xu hướng tích cực và tiêu cực
đan xen nhau.
Không chỉ cấu trúc và các quan hệ xã hội mà cả đến những không gian xã
hội (gia đình, đoàn thể, cộng đồng, tổ chức vv...) và toàn bộ cơ sở hạ tầng xã hội
ở Hà Nội cũng đang trải qua nhiều thay đổi đáng kể.
Tất cả những vấn đề trên đều đang đòi hỏi những nghiên cứu chuyên sâu,
liên ngành công phu, nghiêm túc, toàn diện để cung cấp luận cứ cho công tác
quy hoạch và quản lý phát triển nói chung và các chính sách xã hội nói riêng ở
Hà Nội.
Những chuyển biến cơ bản và đa dạng của xã hội đã và đang đặt ra cho
công tác quản lý xã hội và an sinh xã hội ở Thủ đô nhiều thách thức to lớn. Một
mặt phải ghi nhận rằng trong thời gian qua, công tác quản lý xã hội và an sinh
xã hội ở Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu to lớn: mặc dù các quá trình
chuyển biến diễn ra rất phức tạp, nhưng trong suốt nhiều thập kỷ an ninh, trật tự
xã hội Thủ đô về cơ bản được đảm bảo tốt, trong bất kỳ hoàn cảnh nào đã không
để xảy ra khủng hoảng xã hội hoặc rơi vào các trạng thái hỗn loạn. Không chỉ
các chủ thể quản lý chính thức mà cả các cộng đồng dân cư đã được phát huy
vai trò tích cực của mình trong việc tham gia quản lý xã hội; công tác an sinh xã
hội, nhất là công tác xóa đói, giảm nghèo, thực hiện chính sách với người có
công, với người về hưu, với nhiều nhóm xã hội yếu thế đã đạt được những thành
tựu ngày càng to lớn hơn. Các tổ chức phi quan phương và các cộng đồng dân
cư, các đoàn thể nhân dân đều đã được huy động, tham gia tích cực vào việc
triển khai các chính sách xã hội. Nhờ đó, có thể khẳng định về cơ bản, xã hội
Thủ đô đang được quản lý khá tốt; công tác an sinh xã hội được triển khai có
hiệu quả.
Mặt khác, trong thực tiễn, công tác quản lý xã hội và an sinh xã hội đang
bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Rõ nhất là công tác quản lý dân cư, các cộng
đồng và tổ chức dân cư - như đã nói ở trên. Bên cạnh đó, bất cập trong công tác
quản lý cũng bộc lộ ra trong việc thiếu các giải pháp định hướng đối với các quá
trình biến đổi xã hội, nhất là quá trình phân tầng, phân nhóm, phân hóa xã hội.
Công tác quản lý cũng chưa có giải pháp, mô hình với những công cụ quản lý
chuyên biệt cho các nhóm xã hội cụ thể, đặc thù, như thanh niên, trẻ vị thành
niên và người cao tuổi, hoặc đối với các cộng đồng dân cư thành thị và nông
61
thôn đặc thù. Bất cập nhất là công tác quản lý đối với các tệ nạn và tội phạm xã
hội. Đối với công tác an sinh xã hội, tuy những thành tựu đã đạt được là khá to
lớn, nhưng chưa bền vững. Nguồn lực dành cho công tác này chưa bền vững.
Các sáng kiến và sự tham gia của các tổ chức và đoàn thể nhân dân chưa có
được hành lang pháp lý và cơ sở tổ chức đầy đủ, do đó chưa được phát huy thật
tốt.
Những vấn đề nói trên cho thấy cơ sở và nhu cầu khách quan đang đặt ra
trong lĩnh vực xã hội đối với những khảo sát và nghiên cứu liên ngành, nhằm
cung cấp luận cứ vững chắc cho việc xây dựng và phát triển bền vững xã hội
Thủ đô.

2.7. Vấn đề xây dựng hành trang văn hóa và lối sống của người Hà
Nội trong kỷ nguyên hội nhập và toàn cầu hóa
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hà Nội được Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt năm 2012 xác định quan điểm chủ đạo đối với quá trình
xây dựng và phát triển bền vững Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
là: "đặt con người vào vị trí trung tâm phát triển". Đây là quan điểm hoàn toàn
đúng đắn, phù hợp với mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, phù hợp với yêu
cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam và phát triển bền vững
của Hà Nội, thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược xa rộng và tinh thần nhân văn của
Đảng và Nhà nước ta. Theo đó, mục tiêu xây dựng con người Hà Nội được xác
định như sau: "Người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện về trí tuệ,
đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, tiêu biểu cho trí tuệ và truyền thống tốt đẹp
của dân tộc Việt Nam, có nếp sống văn minh, lối sống lành mạnh và mức thụ
hưởng văn hóa phong phú ngày càng cao".30
Cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng người Thủ đô văn
minh, thanh lịch đã được kiên trì tiến hành liên tục ở Hà Nội nhiều thập kỷ qua.
Nhờ đó, chính quyền và nhân dân Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Cũng nhờ đó, trong nhiều thời đoạn phải đối diện với các thử thách khốc liệt hay
những khó khăn gay gắt (chiến tranh, thiên tai, khủng hoảng kinh tế - xã hội thời
bao cấp vv...) bản lĩnh và nhân cách văn hóa của người Hà Nội đã và luôn tỏa
sáng, được khẳng định vững chắc.

30
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 222/QĐ-Ttg ngày 22/2/2012.
62
Tuy nhiên, chính trong lĩnh vực này cũng đang nảy sinh nhiều vấn đề phức
tạp, gây nhiều bức xúc trong công luận, nhất là trong thời gian gần đây. Nổi cộm
nhất là sự xuất hiện các xu hướng và hiện tượng tiêu cực trong văn hóa ứng xử và
lối sống của nhiều nhóm dân cư Hà Nội, nhất là thanh niên. Đây là tình trạng
chung của cả nước, do tác động của quá trình chuyển đổi sang cơ chế kinh tế thị
trường và hội nhập quốc tế, tuy nhiên các xu hướng và hiện tượng tiêu cực lại biểu
hiện ra và có tác động mạnh mẽ nhất trong đời sống các đô thị, trong đó có Thủ đô
Hà Nội.
Nghiên cứu gần đây của chúng tôi về lối sống của thanh niên Việt Nam cho
thấy có một số xu hướng lối sống tiêu cực đáng quan ngại nhất, đang lây lan, ảnh
hưởng không chỉ trong thanh niên mà trong một số nhóm dân cư khác ở Hà Nội.31
Thứ nhất là xu hướng lối sống buông thả bản thân đang có chiều hướng
lây lan khá mạnh trong thanh, thiếu niên Thủ đô và trong cả một số nhóm dân
cư khác. Đây chính là nguyên nhân khiến cho thanh thiếu niên kém tinh thần, ý
chí phấn đấu trong học tập, công tác và lao động sản xuất, dễ sa vào các tệ nạn
xã hội, như nghiện ma túy, mại dâm, bỏ nhà đi lang thang vv...
Thứ hai là xu hướng lối sống và hành xử hung bạo, bất chấp pháp luật của
thanh, thiếu niên và một số nhóm dân cư ở Hà Nội, biểu hiện ra rõ nhất trong
tình trạng vi phạm pháp luật, nhất là luật giao thông ngày càng nghiêm trọng
hơn; là tình trạng hành xử hung bạo, ưa sử dụng bạo lực để giải quyết mâu
thuẫn cá nhân, nhiều khi chỉ là những mâu thuẫn nhỏ nhất, như hiện tượng học
sinh, kể cả nữ sinh, đánh nhau tập thể rồi quay video clip để đưa lên internet, là
tình hình trộm cắp và các tội phạm hình sự có xu hướng gia tăng, nhất là trong
giới trẻ. Đáng lưu ý là lối sống và hành xử này cũng ảnh hưởng đến cả một bộ
phận không nhỏ cán bộ, công chức, người lớn tuổi ở Hà Nội.
Thứ ba là lối sống và hành xử thờ ơ, vô cảm, ích kỷ, thiếu trách nhiệm
đang có ảnh hưởng trong một bộ phận thanh thiếu niên và nhân dân Hà Nội.
Biểu hiện rõ nhất của lối sống này là ứng xử của cá nhân và cộng đồng, tổ chức,
đoàn thể đối với môi trường sống ở các khu vực đô thị và nông thôn Hà Nội.
Bên cạnh đó là sự thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội trong hầu
hết các hoạt động sống và lao động sản xuất.

31
Xem: Phạm Hồng Tung, Thanh niên và lối sống của thanh niên Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội
nhập quốc tế, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011.
63
Thứ tư là lối sống và ứng xử vong bản do tiếp thu thiếu chọn lọc ảnh hưởng
văn hóa từ bên ngoài. Xu hướng này cũng lây lan mạnh nhất trong một bộ phận
thanh, thiếu niên, nhưng cũng có ảnh hưởng đáng kể trong nhiều nhóm và cộng
đồng dân cư khác ở Hà Nội. Vốn là một dân tộc nằm ở giao điểm của nhiều
luồng văn minh – văn hóa lớn của nhân loại, trong suốt chiều dài lịch sử hàng
nghìn năm, Việt Nam đã luôn rộng mở, khoan hòa để tiếp nhận tinh hoa văn hóa
của các cộng đồng người trong khu vực và trên thế giới. Nhờ đó mà vốn văn
hóa của dân tộc thêm phong phủ, bản lĩnh văn hóa của người Việt Nam càng
được tôi rèn, chung đúc nên bản sắc văn hóa làm cơ sở cho sức sống mạnh mẽ
và trường tồn của dân tộc. Với tính cách là Thủ đô, Thăng Long - Hà Nội đã và
đang là một trung tâm giao lưu văn hóa – văn minh lớn nhất của cả nước.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày một toàn diện và sâu sắc, việc thanh,
thiếu niên và nhân dân Hà Nội chịu ảnh hưởng và tiếp thu những giá trị và
thành tựu văn minh, văn hóa từ bên ngoài là không những không tránh khỏi mà
còn thực sự rất cần thiết. Vấn đề ở chỗ là một bộ phận thanh, thiếu niên và nhân
dân Hà Nội đã và đang tiếp thu thiếu chọn lọc, tiếp nhận xô bồ những ảnh
hưởng văn hóa, văn minh từ bên ngoài, dẫn đến xu hướng vong bản, mất gốc
trong ứng xử văn hóa. Biểu hiện rõ nhất là sự du nhập và tiếp thu ảnh hưởng của
âm nhạc, điện ảnh, trang phục của không ít thanh thiếu niên; diện mạo phố
phường Hà Nội với vô vàn biển hiệu, quảng cáo bằng tiếng nước ngoài (trong
đa số trường hợp là không cần thiết) cũng là một bằng chứng rõ ràng cho xu
hướng này.
Tình hình trên đây đã được đề cập đến và phân tích ở những mức độ với
những cách tiếp cận và quan điểm khác nhau trong một số công trình nghiên
cứu về văn hóa, con người Việt Nam nói chung và văn hóa, con người Hà Nội
nói riêng. Trên cơ sở đó, nhiều giải pháp và kiến nghị cũng đã được đề xuất.
Tuy nhiên, vấn đề cơ bản nhất ở đây là: Người Hà Nội cần có hành trang và
bản lĩnh văn hóa như thế nào để xứng đáng với vị thế đi đầu của cả nước trên
các dặm đường hội nhập với thế giới toàn cầu hóa? Đây là vấn đề cơ bản, cấp
bách, có tính nền tảng để xây dựng con người và văn hóa Thủ đô trong những
thập kỷ tới. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có nghiên cứu cơ bản, xứng tầm nào
được triển khai thành công. Đây chính là một trong những nhiệm vụ trọng yếu
của ngành Hà Nội học trong tương lai, trong đó, việc cần làm đầu tiên là nghiên
cứu để đổi mới nội dung và tổ chức để nâng cao hiệu quả các môn học về Hà
Nội trong các nhà trường (phổ thông, chuyên nghiệp, đại học) và đối với các
64
cán bộ làm công tác quản lý ở Hà Nội.

2.8. Vấn đề đảm bảo môi trường sống đô thị Hà Nội


Ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề phức tạp nhất mà ngày
nay toàn nhân loại đang phải đương đầu từng ngày, từng giờ. Ở một số đô thị
lớn, như Bắc Kinh, Bangkok, New Dehli, Mumbai, Addis Ababa (Ethopia),
Karachi (Pakistan), Mexico, vv.. mức độ ô nhiễm đã đến mức nguy hại, đe
dọa nghiêm trọng cuộc sống của con người và sự phát triển bền vững của khu
vực.32 Đây là “viễn cảnh” mà nếu Thủ đô Hà Nội không quan tâm đến vấn đề
bảo vệ môi trường sống một cách nghiêm túc, khoa học và hiệu quả thì “viễn
cảnh” đó sẽ trở thành hiện thực trong một tương lai không xa.
“Môi trường sống” của cư dân Hà Nội, hiểu theo đúng nghĩa của khái
niệm này, ít nhất cũng bao gồm hai hợp phần cơ bản, là môi trường tự nhiên và
môi trường xã hội hoặc môi trường nhân văn. Trong thực tiễn phát triển bền
vững hai hợp phần này không thể tách rời nhau, mà trái lại, gắn kết với nhau rất
chặt chẽ thông qua nhiều tương tác phức hợp, đa chiều cạnh.
Trước hết nói về môi trường tự nhiên. Trong những năm vừa qua, chính
quyền và nhân dân Hà Nội đã có nhiều cố gắng to lớn và đã đạt được những
thành tựu nhất định trong việc bảo vệ môi trường tự nhiên của thành phố. Hàng
trăm dự án bảo vệ môi trường, phục vụ dân sinh và nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ
tầng, diện mạo không gian đô thị đã được triển khai có hiệu quả. Tiêu biểu là
các dự án cải tạo và bảo vệ môi trường đất ngập nước (Hồ Gươm, Hồ Thuyền
Quang, Hồ Tây, Công viên Thống nhất, Hồ Bảy Mẫu, Sông Tô Lịch, Sông Kim
Ngưu vv...) các dự án xử lý nước thải ở nhiều khu công nghiệp, bệnh viện, khu
dân cư; nâng cấp trang thiết bị và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thu
gom, xử lý rác thải dân sinh, các dự án quy hoạch môi trường, tuyên truyền giáo
dục ý thức môi trường của người dân vv...
Tuy nhiên, hiện nay Hà Nội vẫn là một trong những địa phương có chỉ số
ô nhiễm môi trường cao nhất cả nước, thậm chí là ở mức hàng đầu châu Á, nhất
là chỉ số ô nhiễm không khí.33 Theo báo cáo giải trình của UBND Thành phố
tại một cuộc họp HĐND Thành phố vào cuối năm 2014 thì nguyên nhân chủ
yếu gây ra tình trạng trên nằm ở quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh,

32
Xem: Mai Đan, “10 nơi ô nhiễm nhất trên thế giới”,
http://baotainguyenmoitruong.vn/the-gioi/201508/10-noi-o-nhiem-nhat-tren-the-gioi-2621682/
33
Xem: http://songkhoe.suckhoedoisong.vn/Ha-Noi-Thu-do-o-nhiem-khong-khi-nhat-Chau-A-454159.html.
65
trong khi các giải pháp bảo vệ môi trường chưa theo kịp. Hiện nay Hà Nội có
nhiều cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn thành phố (9 khu, cụm công
nghiệp cũ, 10 khu công nghiệp tập trung mới, 25 cụm công nghiệp vừa và nhỏ
và 1270 làng nghề) vẫn đang sử dụng công nghệ cũ lạc hậu, không áp dụng đầy
đủ các biện pháp giảm thiểu khí thải… Ngoài ra, tại các khu vực nông thôn vẫn
đốt rác, đốt rơm rạ sau mùa thu hoạch, sản xuất gạch, ngói, nung vôi theo
phương pháp thủ công.34
Tình hình ô nhiễm nguồn nước, bao gồm cả nước mặt và nước ngầm
cũng rất nghiêm trọng. Nguồn nước thải từ các khu công nghiệp, làng nghề, khu
dân cư đều không được xử lý theo đúng quy định, và chưa đạt tiêu chuẩn trước
khi xả thải ra các sông, hồ. Chỉ có 1/10 khu công nghiệp tập trung mới (khu
công nghiệp Thăng Long), 2/25 cụm công nghiệp (Ngọc Hồi, Phùng Xá) có hệ
thống xử lý nước thải, công nghiệp tập trung. Tổng lượng nước thải công
nghiệp được xử lý mới chỉ đạt 20-30%. Chỉ có 19/37 bệnh viện được kiểm tra
có hệ thống xử lý nước thải, trong khi đó Hà Nội có tới 110 bệnh viện. Việc xử
lý nước thải của Hà Nội mới chỉ đạt 480.500m3/ngày đêm trên tổng số 800.000
m3 thải ra một ngày đêm. Trong khi đó, nước mặt bị nhiễm bẩn không được xử
lý thẩm thấu xuống các tầng chứa nước mặt bị ô nhiễm từ trên có nguy cơ xâm
nhập mạnh hơn xuống các tầng chứa nước. Hoạt động sản xuất nông nghiệp (sử
dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật…) thẩm thấu xuống đất khiến cho nguy cơ
rủi ro nước dưới đất bị ô nhiễm cao. Việc khoan quá nhiều các lỗ giếng khoan
khai thác nước và thăm dò địa chất và khoan trong hoạt động xây dựng đã chọc
thủng tầng chứa nước, khi sử dụng xong không trám lấp lại tạo nguy cơ cho các
chất gây ô nhiễm xâm nhập. Hiện tượng đổ đất lấn chiếm và vứt rác xuống
sông, hồ vẫn chưa được ngăn chặn và xử lý kiên quyết.35
Theo một báo cáo phân tích khác thì việc xây dựng ồ ạt các khu chung cư
cao tầng ở Hà Nội đang khiến cho môi trường sống ở Hà Nội bị quá tải về mọi
mặt, bao gồm việc gia tăng hiệu ứng bê tông, quá tải giao thông và các dịch vụ
dân sinh, xâm hại nghiêm trọng các không gian công cộng, gia tăng đột biến ô
nhiễm tiếng ồn, khói bụi, chất phát thải, rác thải vv...36

34
Xem: http://moitruongperso.com/ha-noi-nong-bong-voi-van-de-o-nhiem-moi-truong.
35
Như trên.
36
Xem: Phạm Trọng Mạnh, Phạm Quang Huân, “Giải pháp chủ yếu kiểm soát phát triển bền vững Thủ đô Hà
Nội gắn với bảo vệ môi trường”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Thủ đô Hà Nội: truyền thống, nguồn lực và định
hướng phát triển”, 2015, tr. 554-560.
66
Đồng thời, quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu đang tác động mạnh, làm
cho sức chống chịu yếu của Hà Nội do ô nhiễm môi trường, do bất cập trong
quy hoạch và quản lý phát triển vv... bộc lộ ra rõ ràng với những hậu quả nặng
nề. Điển hình là trận lụt lịch sử ở Hà Nội từ 30/10 đến 4/11/2008 và trận giông
lốc kinh hoàng ngày 13/6/2015. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những biểu hiện bề
ngoài mà người ta có thể quan sát được. Còn trên thực tế, nếu được lượng giá
đầy đủ thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu gây ra mỗi ngày
ở Hà Nội chắc hẳn sẽ là những con số rất lớn.
Môi trường xã hội ở Hà Nội cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần được
nghiên cứu – như đã được trình bày ở các mục trên. Điều cần phải nói thêm là
môi trường tự nhiên và môi trường xã hội gắn kết chặt chẽ với nhau, tương tác
với nhau thường xuyên, liên tục, đa chiều cạnh. Chính vì chưa nhận thức đầy đủ
vấn đề này, cho nên nhiều giải pháp bảo vệ môi trường ở Hà Nội vốn được xây
dựng chỉ dựa trên nền tảng của tri thức khoa học tự nhiên, công nghệ và kỹ
thuật đều rất khó đi vào cuộc sống. Văn hóa, các chế định pháp luật và quan hệ /
đòn bẩy lợi ích chính là những “đường dẫn” không thể thiếu được trong việc
hiện thực hóa bất kỳ chính sách hay giải pháp khoa học, kỹ thuật nào. Chỉ khi
nào các giải pháp bảo vệ môi trường thực sự đi vào cuộc sống, trở thành một
phần tất yếu và tự giác của tất cả người dân, cộng đồng dân cư và các tổ chức có
mặt tại Hà Nội thì khi đó môi trường sống ở Hà Nội mới được cải thiện theo
hướng tích cực, bền vững và hiệu quả.
Những phân tích trên đây cho thấy rằng thực tiễn bảo vệ môi trường trong
quá trình phát triển bền vững của Hà Nội hướng tới các mục tiêu “xanh, sạch,
đẹp, văn minh, hòa bình” đang đặt ra yêu cầu khách quan, bức thiết đối với các
nghiên cứu tiếp cận vấn đề môi trường sống ở Hà Nội theo hướng tích hợp, liên
ngành và định hướng ứng dụng.

2.9. Vấn đề tổ chức hệ thống chính quyền và quản lý đô thị Hà Nội


Trong quá trình Đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước, Hà Nội và các
khu vực đô thị khác chính là các địa bàn diễn ra những biến đổi to lớn, đa dạng,
sâu sắc và sôi động nhất. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đòi hỏi
phải đổi mới và nâng cao hiệu quả của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó yếu
tố lõi là hệ thống chính quyền đô thị và công tác quản lý đô thị ở Hà Nội và các
địa phương. Đây cũng là một trong những vấn đề trọng yếu được Đảng và Nhà
nước ta đặc biệt quan tâm. Riêng trong thời kỳ Đổi mới, Đảng và Nhà nước đã
67
ban hành 7 nghị quyết và các văn kiện quan trọng khác để chỉ đạo và hướng dẫn
công tác đổi mới tổ chức hệ thống chính trị và nâng cao hiệu quả quản lý đô
thị.37 Trên cơ sở đó, không ít giải pháp đã được triển khai ở Hà Nội và nhiều đô
thị khác, bước đầu đã góp phần đáng kể nâng cao năng lực, hiệu quả, công năng
của hệ thống chính trị, nhất là bộ máy quản lý hành chính. Thủ đô Hà Nội cũng
phối hợp với các bộ, ban, ngành và nhiều cơ quan trong nước và quốc tế liên tục
mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công
chức. Nhiều dự án đã được triển khai nhằm cải thiện điều kiện làm việc, hiện
đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của bộ máy quản lý vv...
Tuy nhiên, như được chỉ ra trong một số nghiên cứu,38 mô hình tổ chức,
bộ máy quản lý của Hà Nội nói riêng và các đô thị ở nước ta hiện nay đang còn
nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững của đô thị Hà
Nội và của đất nước. Trước hết là về mô hình: hiện nay ở Hà Nội cũng như các
đô thị khác chưa có một mô hình chính quyền đô thị phù hợp, hiệu quả được
xây dựng. Trên thực tế, ở nước ta chỉ có duy nhất một mô hình tổ chức hệ thống
chính trị, trong đó có bộ máy chính quyền các cấp đồng nhất như nhau cho tất
cả khu vực đô thị, nông thôn, miền núi và duyên hải. Đây rõ ràng là một điểm
bất cập lớn nhất, là nguyên nhân cội nguồn dẫn đến những hạn chế và bất cập
khác của bộ máy quản lý ở Hà Nội và các đô thị khác. Mặc dù đối tượng và nội
dung quản lý khu vực đô thị có nhiều khác biệt lớn so với nông thôn và các khu
vực khác, nhưng các phương tiện quản lý (chế tài, công cụ, nguồn lực vv...) lại
hầu như không có sự phân biệt nào. Nguồn nhân lực quản lý cho các khu vực và
các địa phương cũng được đào tạo thông qua những chương trình hầu như hoàn
toàn giống nhau.
Kết quả là bộ máy quản lý ở Hà Nội và hầu hết các địa phương đều ngày
càng trở nên cồng kềnh, chồng chéo chức năng, quan liêu hóa cao độ nhưng lại
thiếu tính chuyên nghiệp. Do vậy mà năng lực và hiệu quả quản lý, điều hành
chưa cao, không đáp ứng tốt được nhu cầu do thực tiễn phát triển bền vững đặt
ra.
Theo chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, trong thời gian tới, đẩy mạnh việc
đổi mới hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả và công năng của toàn bộ hệ

37
Xem: Nguyễn Quang Ngọc và Bùi Văn Tuấn, "Đổi mới mô hình tổ chức và quản lý đô thị Hà Nội", Kỷ yếu
Hội thảo khoa học “Thủ đô Hà Nội: truyền thống, nguồn lực và định hướng phát triển”, 2015, tr. 590-608.
38
Xem: Nguyễn Quang Ngọc (chủ nhiệm), Nghiên cứu xây dựng mô hình tổ chức và quản lý nhà nước đặc thù
của các đô thị trực thuộc Trung ương ở nước ta. Đề tài cấp nhà nước mã số KX.02-03/06-10.
68
thống chính trị thông qua các chủ trương, giải pháp tinh giản đội ngũ công chức,
viên chức và cán bộ là một trong những khâu đột phá quan trọng trong chiến
lược phát triển đất nước trong thời gian tới. Riêng đối với Hà Nội thì việc nâng
cao năng lực, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý càng có
ý nghĩa quan trọng hơn, thực sự là khâu then chốt nhất trong toàn bộ quá trình
đổi mới và nâng cao năng lực của hệ thống chính trị, cải cách hành chính, nâng
cao hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp.
Phương hướng chỉ đạo cho toàn bộ công tác này đã được xác định rõ
trong các nghị quyết Đại hội đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XV và XVI.
Tuy nhiên, thực tiễn triển khai công tác này trong thời gian qua, nhất là từ sau
khi địa giới hành chính của Thủ đô được mở rộng (tháng 8/2008) đến nay cho
thấy còn tồn tại nhiều vấn đề nan giải.
Thứ nhất là mô hình cho toàn bộ hệ thống chính trị ở Hà Nội chưa có
những bước chuyển biến đáng kể. Ngay cả Luật Thủ đô được Quốc hội thông
qua vào tháng 11 năm 2012 cũng không đề cập đến vấn đề này. Đương nhiên,
việc đổi mới hệ thống chính trị là “câu chuyện” quốc gia đại sự, ở tầm quốc gia
và phải phụ thuộc vào quyết định của các cấp thẩm quyền cao nhất. Song, đối
với Hà Nội và các đô thị đặc biệt, cần thiết phải sớm có giải pháp đổi mới để hệ
thống chính trị phù hợp hơn với đặc điểm của Hà Nội và các đô thị lớn này;
đồng thời bắt kịp và đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển bền vững trong giai
đoạn sắp tới. Một thực tế hiển nhiên là không thể đẩy mạnh công cuộc đổi mới,
không thể kích hoạt tính năng động, sáng tạo của Hà Nội trong tất cả các lĩnh
vực nếu chúng ta cứ tiếp tục duy trì cấu trúc và cơ chế vận hành của hệ thống
chính trị vốn được xác lập từ trước thời kỳ Đổi mới.
Thứ hai, riêng về bộ máy chính quyền, cần sớm xác lập ngay hệ thống
chính quyền đô thị với bộ máy, cơ chế vận hành phù hợp với những đặc trưng
của khu vực đô thị. Trong khi đó, tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý
của hệ thống chính quyền và bộ máy quản lý ở các khu vực nông thôn – ngoại
thị.39
Thứ ba, đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, cần nghiên cứu, khảo sát
để làm rõ những yêu cầu đặc thù của thực tiễn lãnh đạo, quản lý, điều hành ở Hà

39
Về mô hình chính quyền và bộ máy quản lý được đề xuất cho Thủ đô Hà Nội, xem: Nguyễn Quang Ngọc và
Bùi Văn Tuấn, "Đổi mới mô hình tổ chức và quản lý đô thị Hà Nội", Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Thủ đô Hà
Nội: truyền thống, nguồn lực và định hướng phát triển”, 2015, tr. 590-608.
69
Nội trong giai đoạn hiện nay đặt ra đối với từng nhóm cán bộ, công chức, viên
chức. Trên cơ sở đó, nghiên cứu vận dụng các lý thuyết, mô hình khung năng
lực hiện đại để xây dựng cho được mô hình năng lực của các nhóm cán bộ đó.
Đây là cơ sở rất quan trọng để triển khai công tác quy hoạch, đào tạo, bồi
dưỡng, sử dụng và đánh giá đội ngũ cán bộ này. Trên nền tảng của công tác tổ
chức và cán bộ như vậy mới có thể đề xuất và triển khai đồng bộ các giải pháp
nâng cao toàn diện và bền vững năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ lãnh
đạo và quản lý ở Thủ đô, giảm thiểu và đi tới khắc phục triệt để được tính chất
mùa vụ, nửa vời trong lĩnh vực này.
Thứ tư, thực tiễn cho thấy việc tham gia của người dân Thủ đô vào công
tác quản lý, nhất là quản lý đô thị Hà Nội là yếu tố quan trọng sống còn đối với
sự thành bại của các giải pháp quản lý ở Hà Nội. Không ít các vấn đề quản lý
thực sự nan giải của Thủ đô, khi được đưa ra lấy ý kiến công khai, rộng rãi, dân
chủ và nghiêm minh của các chuyên gia, của người dân Thủ đô và cả nước thì
cuối cùng đều tìm được ra những lời giải, những phương án phù hợp. Đặc biệt,
nhiều vấn đề khi nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân thì đều được triển
khai thuận lợi và hiệu quả. Trái lại, có không ít những vấn đề, những việc làm,
tuy đúng về chủ trương và thực chất đều là những việc cần phải làm, nhưng do
không có sự tham gia của các chuyên gia và của người dân nên đã gặp rất nhiều
khó khăn, thậm chí gây ra những khủng hoảng nghiêm trọng. Việc thay thế cây
xanh, giải phóng mặt bằng của Thành phố trong thời gian gần đây là những ví
dụ điển hình nhất.
Qua đó, có thể thấy vấn đề tổ chức chính quyền, đổi mới và nâng cao
hiệu quả của công tác quản lý, nhất là quản lý đô thị đang đặt ra yêu cầu cấp
bách phải có những nghiên cứu liên ngành để xác lập luận cứ chắc chắn cho các
phương hướng và giải pháp phù hợp, góp phần quan trọng vào việc dẫn đạo, chỉ
đạo, giải phóng các nguồn lực, khắc phục các khó khăn, mở đường đưa Hà Nội
phát triển bền vững tới những tầm cao mới.

2.10. Vấn đề giao thông và thông tin, truyền thông


Giao thông, thông tin và truyền thông luôn luôn là một trong những vấn đề
có tầm quan trọng sống còn đối với tất cả các đô thị hiện đại, trong đó có Thủ
đô Hà Nội.
Trước hết là vấn đề giao thông. Nói đến tình hình giao thông ở Hà Nội hiện
nay, có lẽ "ùn tắc" là "từ khóa" (keyword) người ta phải nhắc đến đầu tiên. Đây
70
cũng là chủ đề của hàng trăm, hàng nghìn bài viết trên các báo hằng ngày, của
hàng trăm cuộc họp và hội thảo, đồng thời cũng là vấn đề được nhắc đến liên
tục trong hàng chục nghị quyết của Thành ủy, UBND Thành phố. Tuy nhiên,
mặc cho nhiều nỗ lực liên tục của các cơ quan chức năng với sự đầu tư hàng
trăm nghìn tỉ đồng và cả sự vào cuộc tích cực của các đoàn thể, tình trạng ùn tắc
giao thông ở Hà Nội không những chưa được giải quyết, mà trái lại đang có xu
hướng ngày một gia tăng.
Đã có khá nhiều khảo sát, nghiên cứu mổ xẻ nhằm chỉ ra các nguyên nhân
dẫn đến tình trạng nói trên: Sự thiếu hụt cả về chất lượng và số lượng của cơ sở
hạ tầng giao thông; sự gia tăng dân số đột biến dẫn đến tình trạng quá tải giao
thông; Thiếu nguồn lực đầu tư cho giao thông; sự thiếu ý thức hay nói khác đi là
tình trạng yếu kém về văn hóa giao thông của người Hà Nội; những yếu kém
của một số bộ phận chức năng trong quản lý và điều hành giao thông vv...
Nhưng chắc chắn bao trùm hơn tất cả là yếu kém trong công tác quy hoạch
phát triển giao thông. So sánh với các đô thị lớn ở các nước phát triển sẽ nhận
ra ngay sự khác biệt trong quy hoạch chiến lược phát triển giao thông ở Hà Nội.
Hiện nay, hầu như không có thành phố lớn nào trên thế giới lại không có sự
phát triển đồng bộ của cơ sở hạ tầng giao thông, trong đó phải đảm bảo có đủ hệ
thống đường bộ, đường sắt nội đô (tàu hỏa, tàu điện ngầm, tàu điện vv...), hệ
thống xe buýt, hệ thống giao thông hàng không, hệ thống đường sắt và đường
bộ kết nối liên thành phố, liên vùng. Một số đô thị còn có cả hệ thống giao
thông đường thủy. Chất lượng của toàn bộ hệ thống này ngày càng được hiện
đại hóa và kết nối liên hoàn với nhau, tạo nên mạch sống mạnh mẽ cho các đô
thị.
Trong khi đó, Hà Nội với số dân lên đến trên 10 triệu người, phân bố không
đều trên một diện tích 3328,9 km2 hoàn toàn không có / chưa có hệ thống giao
thông đường sắt nội đô. Hệ thống giao thông thủy cũng chủ yếu phục vụ vận tải
hàng hóa, không có vai trò và ý nghĩa gì đối với việc đi lại của nhân dân. Trong
bối cảnh đó, toàn bộ sự di chuyển của con người ở Hà Nội đều chất nặng lên hệ
thống giao thông đường bộ, chủ yếu là với các phương tiện cá nhân (ô tô, xe
máy, xe đạp điện, xe đạp), bởi lẽ phương tiện giao thông tập thể như xe buýt,
hoặc dịch vụ như taxi thì chất lượng phục vụ rất thấp, không tiện lợi hoặc đắt
đỏ. Theo một số nguồn tài liệu thống kê thì cho đến năm 2011, Hà Nội hiện có
7.365 km đường giao thông, trong đó 20% là trục đường chính, 7 trục hướng

71
tâm và 3 tuyến vành đai, cũng như đang quản lý hơn 4,3 triệu phương tiện giao
thông các loại, trong đó riêng xe máy chiếm gần 4 triệu.40 Với thực trạng như
trên thì việc quá tải, gây ùn tắc giao thông ở Hà Nội là không tránh khỏi, thậm
chí tiếp tục gia tăng và không có giải pháp nào khả dĩ có thể khắc phục được.
Bên cạnh vấn đề nói trên còn hàng loạt vấn đề khác cũng đang được đặt ra
hết sức cấp bách, như: vấn đề an toàn giao thông và tai nạn giao thông; vấn đề ô
nhiễm môi trường do giao thông gây ra; vấn đề kinh tế giao thông; vấn đề
phương tiện giao thông (công nghệ, kỹ thuật vv...); vấn đề luật pháp, điều hành
và quản lý giao thông vv... Tất cả những vấn đề nói trên tuy không chỉ bắt
nguồn từ vấn đề quy hoạch phát triển giao thông, nhưng nếu không giải quyết
được vấn đề quy hoạch thì chắc chắn không thể giải quyết được các vấn đề đó
một cách hiệu quả và bền vững.
Rõ ràng quy hoạch phát triển giao thông là vấn đề bao trùm, nan giải nhất,
nhưng nhất nhất định phải giải quyết thành công, đáp ứng yêu cầu sống còn,
trước và trong tầm nhìn dài hạn của toàn bộ đời sống Thủ đô trên lộ trình phát
triển bền vững.
Nghiên cứu, cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc giải quyết
vấn này trước hết là nhiệm vụ của các khoa học chuyên ngành về giao thông,
phương tiện, kỹ thuật giao thông và quy hoạch phát triển giao thông vv... Tuy
nhiên, đây không chỉ là vấn đề của các khoa học chuyên ngành đó. Thực tế cho
thấy, do bài toán giao thông không được tiếp cận, nghiên cứu từ cách tiếp cận
liên ngành nên các giải pháp được đưa ra luôn thiếu tính chất tổng thể, không
bền vững, thậm chí xung đột với nhau. Do đó, nghiên cứu vấn đề theo hướng
tiếp cận liên ngành, quan tâm đến đầy đủ các khía cạnh, các yếu tố tác động, đặc
biệt là dự báo ở mức chính xác cao về nhu cầu và xu hướng phát triển của giao
thông đô thị trong tầm nhìn dài hạn chính là con đường duy nhất để có thể vạch
ra những nguyên tắc, phương hướng, kế hoạch và giải pháp phát triển bền vững
giao thông Hà Nội trong chiến lược phát triển bền vững chung của Thủ đô.
Bên cạnh vấn đề giao thông là vấn đề thông tin, truyền thông. Không nghi
ngờ gì, đây là vấn đề rất thiết yếu trong đời sống và sự phát triển bền vững của
tất cả các đô thị hiện đại, trong đó có Hà Nội.

40
Nguyễn Hợp, “Họp bàn giải pháp đảm bảo an toàn giao thông và giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông”. Cổng
Giao tiếp điện tử Thành phố Hà Nội. Truy cập 16 tháng 5 năm 2013.
72
Trong thời gian qua, nhất là từ năm 1997 đến nay, hệ thống thông tin và
truyền thông ở Hà Nội đã có những bước phát triển vượt bậc theo hướng hiện
đại hóa. Bên cạnh các phương tiện thông tin, truyền thông đã có, sự phát triển
mang tính chất bùng nổ của các phương tiện thông tin và truyền thông công
nghệ cao đã mang lại một cuộc cách mạng thực sự trong lĩnh vực này ở Việt
Nam nói chung và ở các đô thị nói riêng, đặc biệt là Hà Nội. Sự phát triển mạnh
mẽ của internet là một trong những minh chứng điển hình nhất. Một báo cáo
vào năm 2013 cho biết: Trung bình, người dùng trong nước truy cập internet
26,2 giờ mỗi tháng, chỉ kém Thái Lan (27,2) tiếng và vượt xa các nước khác
trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Malaysia… Bên cạnh đó, cũng có
tới 90% trong tổng số người sử dụng internet tại Việt Nam từng vào mạng bằng
thiết bị di động và 50% truy cập internet qua điện thoại ít nhất một lần mỗi
ngày. Về địa chỉ internet, tổng lượng IPv4 quốc gia là 15.576.832 địa chỉ. Việt
Nam tiếp tục là quốc gia có số lượng địa chỉ IPv4 ở mức cao, đứng thứ 2 trong
khu vực Đông Nam Á, thứ 8 châu Á và thứ 25 trên thế giới.41 Chắc chắn, sự
phát triển bùng nổ về công nghệ thông tin và truyền thông đã có những đóng
góp rất to lớn vào sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa vv... của đất nước và của
Thủ đô.
Tuy nhiên, cũng tương tự như ở nhiều nơi trên thế giới, sự phát triển này ở
Việt Nam nói chung và ở Hà Nội nói riêng cũng đưa lại những hệ quả tiêu cực,
phức tạp.
Thứ nhất, đó là sự thay đổi cấu trúc của toàn bộ lĩnh vực thông tin và truyền
thông. Một số phương tiện thông tin, truyền thông truyền thống, như điện thoại
hữu tuyến, điện thoại thẻ, truyền hình analog, radio, loa truyền thanh, báo in
vv... trở nên lạc hậu, kéo theo là sự "phá sản" của hàng loạt những tổ chức,
doanh nghiệp... gắn với các loại hình thông tin, truyền thông này.
Thứ hai, sự phát triển của các phương tiện thông tin và truyền thông công
nghệ cao luôn gắn liền với sự xuất hiện của hàng loạt nguy cơ an ninh phi
truyền thống với những tác động tiêu cực khôn lường. Trước hết và luôn luôn
nóng bỏng là vấn nạn hacker đe dọa an ninh mạng toàn cầu, trong đó có Việt
Nam. Ngay cả những cơ quan, tổ chức thuộc loại nghiêm mật nhất thế giới như
Ngân hàng Thế giới, Nhà Trắng, Lầu Năm Góc đều đã từng là nạn nhân của các
vụ tấn công an ninh mạng. Khi các giao dịch điện tử ngày càng trở nên một

41
http://ndh.vn/phat-trien-internet-o-viet-nam-toc-do-vu-bao-20140130113457602p145c153.news.
73
phần quan trọng của đời sống dân sinh cũng như an ninh kinh tế, an ninh quốc
gia thì vấn đề an ninh mạng ngày càng trở nên cấp bách hơn. Trong khi đó, theo
đánh giá của một cơ quan truyền thông nước ngoài thì “Mỗi năm ở Việt Nam có
hàng nghìn vụ tấn công mạng. Việt Nam cũng nằm trong số các nước có nguy cơ
mất an toàn thông tin cao. Giới chuyên gia cảnh báo đa số các trang web của Việt
Nam sẽ tê liệt nếu xảy ra chiến tranh mạng.”42 Còn theo tính toán của Bkav thì
hiện nay, mỗi năm Việt Nam bị thiệt hại khoảng 8.500 tỉ đồng do sự cố máy tình
bị nhiễm virus.43 Đứng trước tình hình trên, từ tháng 8 năm 2014 Bộ Công An đã
thành lập Cục An ninh mạng để kiểm soát và đối phó với tình hình.
Thứ ba, là sự lạm dụng internet, blog và nhất là các mạng xã hội để phát tán
thông tin với ý đồ xấu nhằm phá hoại danh dự, uy tín, thương hiệu của các tổ
chức, cá nhân và doanh nghiệp, thậm chí đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia.
Mỗi năm, cả nước ta, trong đó đặc biệt là Hà Nội, đã có hàng chục nghìn vụ việc
lợi ích và danh dự công dân bị tổn hại do làm dụng thông tin mạng. Hàng chục vụ
thanh niên tự tử, hàng chục nghìn vụ vu cáo, phỉ báng, tiết lộ thông tin cá nhân đã
trở thành chủ đề nóng hằng ngày của công luận. Hàng trăm tổ chức, doanh nghiệp
cũng bị khốn đốn bởi các thông tin “rác” với ý đồ xấu. An ninh nhiều quốc gia, kể
cả Việt Nam, đã bị xâm hại, đe dọa ở các mức độ khác nhau, từ tiết lộ bí mật nhà
nước đến kích động hận thù, khơi sâu các mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn xã hội,
thậm chí là kêu gọi biểu tình lật đổ chế độ (như ở Bắc Phi và Trung Đông) vv...
Thứ tư là tình trạng tán phát tràn lan văn hóa phẩm đồi trụy, làm xói mòn
đạo đức, văn hóa nhân loại và dân tộc. Kết quả của một số nghiên cứu gần đây đã
cho thấy tình hình tán phát văn hóa phẩm đồi trụy trên internet và thông qua các
phương tiện truyền thông công nghệ cao là vô cùng nghiêm trọng. Theo một
nghiên cứu được công bố gần 10 năm về trước thì doanh số của ngành sản xuất
phim khiêu dâm trên mạng (online pornography) toàn thế giới (năm 2006) đã
đạt tới 97,06 tỷ USD. Cứ mỗi giây, có tới 3.075,64 USD được đổ vào công nghệ
này và có 28.258 người xem loại phim này trên internet và cứ sau 39 phút lại có
một video “đen” được đưa lên mạng tại Mỹ.44 Những con số trên đây mới chỉ là
“phần nổi của tảng băng” công nghệ tình dục, bởi bên cạnh đó còn có nhiều
“hợp phần” khác của ngành công nghệ độc hại này, như báo chí, phim, ảnh, âm

42
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2014/08/140829_cyber_security_dept.
43

http://www.bkav.com.vn/tin_tuc_noi_bat/-/view_content/content/287112/tong-ket-an-ninh-mang-nam-2014-va-
du-bao-xu-huong-2015.
44
Xem: www.enough.org/inside.php?tag=statistics
74
nhạc, điện thoại di động vv… Tất cả những “hợp phần” nói trên đều rất dễ tác
động đến các tầng lớp nhân dân Hà Nội, nhất là thanh niên, học sinh.45 Đây là
một trong những nguyên nhân chính gây ra các vụ tấn công và xâm hại tình dục,
thậm chí gây án mạng đã được báo chí phản ánh liên tục trong thời gian gần
đây.
Thứ năm là tình trạng nghiện internet và hội chứng nghiện game online.46
Chắc chắn, internet là một trong những sản phẩm đỉnh cao của nhân loại trong kỷ
nguyên văn minh trí tuệ với vô vàn những tác động tích cực và tiện ích. Song, đây
cũng là một sản phẩm dễ gây nghiện nếu bị lạm dụng. Hiện nay, không chỉ học
sinh, thanh niên mà đặc biệt là một bộ phận lớn cán bộ công sở ở nước đang mắc
phải căn bệnh trầm kha này. Hằng ngày, những “con nghiện” này không thể
không tiêu phí một lượng thời gian, tối thiểu là 30 phút, nhiều hơn có thể lên đến
trên 10 giờ, để lướt web, chủ yếu là đọc báo, chơi game online và giao lưu trực
tuyến. Hệ quả tiêu cực phát sinh từ bệnh nghiện internet trực tiếp nhất là tiêu tốn
một lượng thời gian vật chất không nhỏ của từng người và của toàn xã hội. Gián
tiếp là con người ngày càng lạc sâu vào thế giới ảo, bị bào mòn sức khỏe và trí tuệ,
giảm năng lực làm việc, học tập, mắc bệnh trầm cảm, hoang tưởng, thậm chí có
thể gây tội ác nghiêm trọng.
Dù chỉ điểm qua những nét chính cũng có thể thấy rằng sự phát triển bùng nổ
của thông tin và truyền thông ở nước ta, trong đó Hà Nội là địa bàn tiêu biểu nhất,
đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải được nghiên cứu, tiếp cận theo hướng liên
ngành nhằm đưa ra những luận cứ và giải pháp quy hoạch, chiến lược phát triển
và biện pháp quản lý hiệu quả. Nhờ đó, các hiệu ứng và tác động tích cực của
thông tin và truyền thông sẽ được phát huy, đóng góp sẽ là vô cùng to lớn vào sự
nghiệp phát triển bền vững của Thủ đô. Đồng thời, thông qua đó, các hệ quả và
tác động tiêu cực sẽ được kiểm soát và giảm thiểu. Đây là những vấn đề thực sự
cấp bách, cần có sự vào cuộc sớm của giới nghiên cứu và các nhà lãnh đạo, quản
lý ở Thủ đô.

2.11. Vấn đề phát triển giáo dục, khoa học công nghệ và kinh tế tri
thức
Đảng và Nhà nước ta đã xác định phát triển giáo dục – đào tạo và khoa học
– công nghệ là “quốc sách hàng đầu” trong chiến lược phát triển đất nước trong

45
Xem: Phạm Hồng Tung, Thanh niên và lối sống của thanh niên Việt Nam ..., sđ d, tr. 247-249.
46
Xem: Phạm Hồng Tung, sách trên, tr.240 – 246.
75
thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn,
không chỉ phù hợp với yêu cầu khách quan của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc Việt Nam mà cũng hoàn toàn phù hợp với xu hướng vận động chung
của nhân loại trong kỷ nguyên văn minh trí tuệ và kinh tế tri thức.
Vấn đề đặt ra là chủ trương đó phải được hiện thực hóa như thế nào trong
thực tiễn phát triển bền vững của đất nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói
riêng?
Trong lịch sử cũng như hiện tại, Hà Nội đã và đang là trung tâm giáo dục và
đào tạo lớn nhất của cả nước. Trong thời gian qua đã có nhiều nghiên cứu, trong
đó có những nghiên cứu cấp nhà nước về giáo dục, nhất là giáo dục và đào tạo ở
Thăng Long – Hà Nội nhằm tổng kết những thành tựu, đúc rút những bài học và
đề xuất các kiến nghị, giải pháp để tiếp tục phát triển giáo dục và đào tạo ở Thủ
đô trong thời gian tới.47 Đồng thời, Hà Nội cũng là một trong những trung tâm
khoa học và công nghệ lớn nhất của cả nước. Đã có khá nhiều nghiên cứu cụ thể
về sự nghiệp khoa học và công nghệ ở Hà Nội, đặc biệt là những nghiên cứu bài
bản, công phu về sự nghiệp phát triển kinh tế tri thức ở Thủ đô.48
Tuy nhiên, thực tiễn phát triển bền vững của Hà Nội nói chung và thực tiễn
phát triển sự nghiệp giáo dục – đào đạo và khoa học – công nghệ trên địa bàn
Thủ đô vẫn tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề cần được nghiên cứu để phát triển
nguồn lực trí tuệ, tạo xung lực cho sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tri thức Hà
Nội.
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, vấn đề thứ nhất đặt ra là Hà Nội sẽ triển
khai cuộc vận động đổi mới căn bản và toàn diện theo Nghị quyết số 29-NQ/TW
của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) như thế nào. Tuy Thành ủy và UBND
Thành phố và nhiều địa phương, cơ sở giáo dục trên địa bàn Hà Nội đã có
Chương trình hành động, nhưng cho đến nay chưa có những chuyển biến đáng
kể nào. Trên phạm vi toàn quốc, một số giải pháp đã được triển khai, nhưng
cũng còn đang rất lúng túng. Vậy Hà Nội sẽ đi tiên phong trong cuộc vận động
này như thế nào, vì Hà Nội và còn vì cả nước.

47
Xem: Nguyễn Hải Kế (chủ nhiệm), “Giáo dục và đào tạo Thăng Long - Hà Nội, định hướng phát triển giáo
dục và đào tạo của Thủ đô trong thời kỳ Công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, Đề tài cấp nhà nước, Chương trình
KHCN trọng điểm cấp nhà nước KX.09.
48
Xem: Nguyễn Đình Dương, Nguyễn Thành Công, Phát triển kinh tế tri thức trên địa bàn Hà Nội giai đoạn
2011-2020, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2012.
76
Thứ hai, rất cần có những khảo sát, nghiên cứu dự báo và đánh giá nhu cầu
đối với ngành giáo dục Hà Nội trong tầm nhìn đến năm 2050 như thế nào. Đó là
nhu cầu về nguồn nhân lực (số lượng, chất lượng, lĩnh vực, ngành nghề, trình độ
vv...), về cấu trúc, quy mô phát triển của ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội, yêu
cầu về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo
viên vv... Đây là vấn đề thiết yếu vốn đã và đang được ngành giáo dục và đào
tạo của Thành phố quan tâm nhưng chưa có được luận cứ vững chắc, đầy đủ,
đảm bảo cho sự phát triển bền vững của toàn ngành.
Thứ ba, trên địa bàn Hà Nội hiện nay có nhiều loại hình cơ sở giáo dục và
đào tạo: các cơ sở “của Hà Nội”, các cơ sở giáo dục Việt Nam (chủ yếu là các
học viện, đại học, trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp) “đứng
chân” trên địa bàn Hà Nội nhưng trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc các
bộ, ngành chủ quản khác và các cơ sở giáo dục và đào tạo của nước ngoài hoặc
liên kết đang “đứng chân” trên địa bàn Hà Nội. Tất cả các loại hình cơ sở giáo
dục và đào tạo trên đều đang tham gia vào quá trình đào tạo, giáo dục và phát
triển nguồn nhân lực, cung cấp sản phẩm giáo dục và đào tạo cho quá trình phát
triển bền vững của Hà Nội và của cả nước. Nếu có những cơ chế và giải pháp
phù hợp thì các loại hình cơ sở GD&ĐT nói trên sẽ phối hợp chặt chẽ với nhau,
tạo nên hiệu ứng tương hỗ, vừa tiết kiệm nguồn lực đầu vào, vừa chung sức tạo
nên và cung cấp cho Hà Nội và đất nước những sản phẩm GD&ĐT chất lượng
cao, phù hợp với các yêu cầu cụ thể của Hà Nội. Tuy nhiên, thực tế là chưa có
cơ chế và giải pháp nào được xác lập và triển khai theo hướng này, ngoài những
sự phối hợp nhỏ lẻ, không đồng bộ và ít hiệu quả giữa một số cơ sở GD&ĐT cụ
thể. Tình hình trên đã và đang dẫn đến hệ quả là các loại hình cơ sở GD&ĐT
trên chẳng những không phối hợp, bổ khuyết được cho nhau mà còn cạnh tranh,
tự phát tạo nên thị trường giáo dục ở Hà Nội, vừa lãng phí nguồn lực của người
dân và xã hội, vừa không cung cấp được nguồn nhân lực mà Hà Nội cần cho sự
phát triển bền vững, lại còn tạo thêm những bức xúc cho xã hội.
Thứ tư, về nội dung và phương thức tổ chức các chương trình GD&ĐT
trong các loại hình cơ sở GD&ĐT có mặt tại Hà Nội cũng đang bộc lộ rất nhiều
vấn đề cần được nghiên cứu và giải quyết. Chỉ có rất ít chương trình đào tạo
được tổ chức trực tiếp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa ... của
Hà Nội hoặc theo “đặt hàng” của các doanh nghiệp, cơ quan, địa phương của Hà
Nội. Tại các trường học phổ thông và một số trường đào tạo chuyên nghiệp
cũng chỉ có một hợp phần không đáng kể về “Hà Nội học”. Điều đáng nói là
77
ngay cả hợp phần này cũng có nhiều bất cập về cả nội dung, hình thức và cách
tiếp cận, chủ yếu mới chỉ giúp người học trang bị một lượng kiến thức nông và
rời rạc về Hà Nội. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng là phần lớn
nguồn nhân lực (với các trình độ khác nhau) sau khi được đào tạo đều gặp khó
khăn trong việc đáp ứng yêu cầu của công việc tại Hà Nội. Không ít người phải
được đào tạo lại. Thậm chí ngay cả các thủ khoa đại học, sau khi được tôn vinh,
cũng không thể đáp ứng tốt yêu cầu thực tế của Hà Nội.49
Trên lĩnh vực khoa học và công nghệ (khoa học và công nghệ) cũng đang
tồn tại nhiều vấn đề tương tự, trong đó quan trọng nhất là các vấn đề quy hoạch
phát triển bền vững nguồn lực khoa học và công nghệ của Thủ đô và vấn đề xác
lập cơ chế và giải pháp phối hợp hoạt động của các loại hình tổ chức khoa học
và công nghệ có mặt trên địa bàn phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững của Hà
Nội.
Trước hết là vấn đề quy hoạch phát triển bền vững các nguồn lực khoa học
và công nghệ ở Hà Nội. Đây là vấn đề cơ bản nhất, quan trọng nhất nhưng
dường như chưa được triển khai hiệu quả. Trong các bản quy hoạch phát triển
của Thành phố đã được công bố còn nhiều thành tố quan trọng chưa được xem
xét đến, chẳng hạn như dự báo về nhu cầu và xu hướng phát triển nguồn lực
khoa học và công nghệ; đã có quy hoạch ở mức độ nhất định về tổ chức khoa
học và công nghệ, nhân lực khoa học và công nghệ, nhưng còn chưa có quy
hoạch về hạ tầng cơ sở, trang thiết bị và nhất là chưa xác định được quy mô,
trọng điểm ưu tiên của từng nhóm ngành; quy hoạch khoa học và công nghệ
chưa gắn với quy hoạch về doanh nghiệp khoa học và công nghệ vv... Vì vậy,
công tác quy hoạch vẫn cần tiếp tục được hoàn chỉnh dựa trên cơ sở các khảo
sát, nghiên cứu, đánh giá với những luận cứ chắc chắn. Đương nhiên, phải đặt
quy hoạch phát triển khoa học và công nghệ trong mối liên hệ với quy hoạch,
chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của cả nước.
Vấn đề thứ hai của lĩnh vực khoa học và công nghệ ở Hà Nội chính là xác
lập cơ chế và giải pháp phối hợp, tạo nên hiệu ứng tổng hợp của các loại hình
tổ chức khoa học và công nghệ có trên địa bàn Thủ đô. Hiện nay, bên cạnh các
tổ chức khoa học và công nghệ "của Hà Nội" (do UBND Thành phố Hà Nội
thành lập, hoặc các sở, ngành, địa phương thành lập) còn có hàng trăm trường

49
Theo một báo cáo, trong số 1.080 thủ khoa đại học được UBND Thành phố Hà Nội tôn vinh tại Văn Miếu –
Quốc Tử Giám trong những năm qua chỉ có 107 (10%) người nhận việc làm tại Hà Nội. Xem:
http://www.nguoiduatin.vn/ha-noi-trai-tham-do-thu-khoa-van-quay-lung-a52943.html.
78
đại học, cao đẳng, học viện, đại học, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu
vv... "của Trung ương" (do Chính phủ, các bộ và cơ quan ngang bộ thành lập và
quản lý), hàng trăm viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu và triển khai, doanh
nghiệp khoa học và công nghệ vv... Do Liên hiệp hội khoa học và công nghệ
hay do các hội nghiên cứu thành lập. Bên cạnh đó còn có một số tổ chức khoa
học và công nghệ do các tổ chức quốc tế, như UNDP, UNESCO, Ngân hàng
Thế giới vv... thành lập, lãnh đạo và quản lý. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có
gần 70 trường đại học và học viện, khoảng 150 viện và trung tâm nghiên cứu,
đặc biệt là Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm
KHXH Việt Nam. Ước tính trên địa bàn Thành phố quy tụ khoảng hơn 70% cán
bộ khoa học đầu ngành và hơn 50% cán bộ khoa học có trình độ sau đại học của
cả nước. Lao động qua đào tạo chiếm khoảng 35%. Tuy nhiên, các loại hình tổ
chức khoa học và công nghệ cũng như đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ
nói trên còn thiếu cơ chế và điều kiện để phối hợp cùng tổ chức các hoạt động
khoa học và công nghệ phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển bền vững của Thủ
đô. Mức độ và hiệu quả phát huy nguồn lực khoa học và công nghệ của Hà Nội
và ở Hà Nội còn thấp, đóng góp vào sự nghiệp phát triển bền vững Thủ đô của
đội ngũ trí thức nói chung còn rất chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu
khách quan. Đây chính là thách thức lớn nhất trong quá trình phát triển kinh tế
tri thức của Hà Nội.
Để khắc phục hai vấn đề lớn nói trên, chắc chắn cần có những khảo sát,
nghiên cứu liên ngành, trên cơ sở đó đề xuất được luận cứ, mô hình và giải pháp
phát triển khoa học và công nghệ ở Hà Nội. Trong bối cảnh đó, việc UBND
Thành phố và ĐHQGHN ký kết Chương trình phối hợp công tác 2012 – 2015
vào ngày 24 tháng 7 năm 2012 là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, xác định
phương hướng và những nội dung và phương thức hợp tác cụ thể, tạo điều kiện
để ĐHQGHN tiếp tục có đóng góp to lớn, thiết thực và hiệu quả hơn nữa vào
việc thực hiện 9 Chương trình công tác của Thành ủy và chiến lược phát triển
kinh tế xã hội, văn hóa và KHCN của Thủ đô. Sự ra đời của Trung tâm Hà Nội
học và phát triển Thủ đô với tính chất là một tổ chức khoa học và công nghệ
phối thuộc giữa ĐHQGHN và UNBD Thành phố chắc chắn là một mô hình tốt,
góp phần khắc phục những khó khăn và bất cập nói trên. Trong tương lai, có thể
cần phải tiếp tục lập ra nhiều đơn vị phối thuộc với các hình thức phong phú
hơn để tạo ra những cơ chế kết nối giữa các tổ chức nghiên cứu cơ bản, nghiên
cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ, doanh
79
nghiệp và cộng đồng dân cư vv... Đó chính là nền tảng để khai thác tiềm năng,
lợi thế của Thủ đô về khoa học và công nghệ.

2.12. Vấn đề đảm bảo quốc phòng và an ninh ở Hà Nội


Chắc chắn việc đảm bảo quốc phòng và an ninh đóng một vai trò tối quan
trọng trong quá trình phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội và của đất nước.
Đây là điều đã được chứng nghiệm rõ ràng trong lịch sử hàng nghìn năm xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta. Điều này càng trở nên hiển nhiên trong
bối cảnh quốc phòng, an ninh toàn cầu hiện nay. Ngày nay, với sự xuất hiện của
chiến tranh công nghệ cao bên cạnh các loại hình chiến tranh “truyền thống” thì
việc phân biệt giữa hậu phương với tiền tuyến chỉ có tính chất tương đối. Trong
điều kiện đó, phương thức và thế trận bảo vệ Tổ quốc nói chung và bảo vệ Thủ
đô nói riêng cần được đặt trên nền tảng của tư duy quốc phòng mới. Thách thức
này càng trở nên phức tạp hơn trong điều kiện Việt Nam chưa bao giờ là cường
quốc quân sự, nhất là cường quốc quân sự công nghệ cao.
Về lĩnh vực an ninh, Thủ đô Hà Nội cũng giữ vị trí trọng yếu hàng đầu
đối với an ninh quốc gia. Trong bối cảnh thế giới và đất nước hiện nay, vấn đề
đảm bảo an ninh ngày càng trở nên quan trọng khi các nguy cơ an ninh truyền
thống luôn tích hợp với các nguy cơ an ninh phi truyền thống. Những sự biến
trên thế giới gần đây cho thấy tính chất phức tạp và mức độ nguy hiểm của
những nguy cơ an ninh đương đại: đó là hiện tượng những thành phố lớn nhất
của Mỹ như New York và Washington DC hay Paris của Pháp vốn được coi là
có độ đảm bảo an ninh cao cũng có thể phải hứng chịu những vụ tấn công
khủng khiếp nhất; đó là việc thủ đô Bangkok của Thái Lan bị rơi vào tình trạng
mất ổn định suốt hơn 10 năm do các cuộc biểu tình khổng lồ kéo dài tưởng
chừng không bao giờ dứt.
Tình hình trên đặt ra những yêu cầu mới, vô cùng phức tạp và cấp bách
đối với sự tồn vong của Tổ quốc và sự an nguy của Thủ đô Hà Nội và của cả
nước. Đương nhiên, đây trước hết là vấn đề của khoa học quốc phòng, khoa học
an ninh và Bộ Quốc phòng, Bộ Công An và các cơ quan khoa học và công nghệ
hữu quan phải có trách nhiệm lớn nhất trong việc tổ chức nghiên cứu và xây
dựng, triển khai các chiến lược, giải pháp, kế hoạch vv... đảm bảo quốc phòng
và an ninh đối với Hà Nội cũng như đối với cả nước.
Tuy nhiên, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và gìn giữ an ninh quốc gia, an ninh
xã hội không bao giờ chỉ là nhiệm vụ của lực lượng vũ trang, của Bộ Quốc
80
phòng và Bộ Công an mà là của toàn dân. Điều này đã trở thành quy luật trong
lịch sử dân tộc ta, và trong bối cảnh ngày nay thì càng quan trọng, quyết định
tới sự thành, bại của công tác này. Vì vậy, có rất nhiều vấn đề liên quan mà
ngành Hà Nội học phải quan tâm nghiên cứu.
Thứ nhất, đó là nghiên cứu để đề xuất và triển khai các giải pháp nâng
cao nhận thức và củng cố ý thức trách nhiệm của toàn dân đối với sự nghiệp
quốc phòng, an ninh. Không chỉ riêng ở Hà Nội mà là ở nhiều địa phương trên
cả nước, nhiều biện pháp giáo dục ý thức quốc phòng, an ninh vốn được cho là
có hiệu quả cao trong các thời kỳ lịch sử khác, nhưng giờ đây đã trở nên lạc
hậu, không còn phù hợp và khó phát huy được hiệu quả như mong muốn. Vì
vậy, cần phải nghiên cứu để xây dựng hệ thống các giải pháp mới, hiệu quả hơn.
Thứ hai, cần tiếp tục nghiên cứu để xây dựng mô hình, cơ chế và giải
pháp phù hợp nhằm tạo điều kiện cho mọi người dân Hà Nội đều được tham gia
vào công cuộc đảm bảo quốc phòng, an ninh ở Thủ đô. Đây là quyền và nghĩa
vụ của công dân Việt Nam đã được ghi trong Hiến pháp và một số đạo luật
khác. Hơn nữa, đây chính là cốt lõi của sự nghiệp quốc phòng toàn dân và sự
nghiệp an ninh nhân dân. Chỉ thực sự làm tốt công tác này thì chúng ta mới có
đủ điều kiện đảm bảo được quốc phòng và an ninh trong bối cảnh mới của thời
đại. Tuy nhiên, nhiều biện pháp, mô hình, phương thức cũ đã trở nên lạc hậu,
cần phải có những nghiên cứu để xây dựng những mô hình, giải pháp và cơ chế
mới phù hợp hơn.
Thứ ba, kết hợp sự nghiệp quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế, xã
hội, văn hóa, giáo dục – đào tạo và khoa học và công nghệ là một nguyên tắc
lớn, rất quan trọng trong quá trình phát triển bền vững của Thủ đô. Tuy nhiên,
trong thực tế đã xuất hiện nhiều hiện tượng cho thấy nguyên tắc này không
được tuân thủ thường xuyên, nhất là đối với các vấn đề an ninh phi truyền thống
(bảo vệ môi trường, bảo mật thông tin, chống khủng bố và bạo loạn, tội phạm
và bạo hành xã hội vv...). Ngay cả đối với sự nghiệp quốc phòng cũng có những
lúc, những nơi còn chưa được quan tâm đầy đủ, thậm chí có vi phạm không nhỏ
(vụ cho xây tòa nhà số 8B phố Lê Trực là một ví dụ điển hình).
Như vậy, có thể thấy ngay cả trong một lĩnh vực có tính đặc thù cao là
quốc phòng, an ninh thực tiễn đang đặt ra cho ngành Hà Nội học nhiều vấn đề
cần được tiếp cận và nghiên cứu theo định hướng liên ngành, toàn diện và có
tính chuyển giao, ứng dụng cao.
81
2.13. Vấn đề mối quan hệ Trung ương – Thủ đô – các địa phương
Cùng với Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội là một trong hai đô thị đặc
biệt trực thuộc Trung ương.50 Nhưng khác với Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội là Thủ
đô của nước CHXHCN Việt Nam, nơi có các cơ quan đầu não của toàn bộ hệ
thống chính trị đặt địa điểm. Đồng thời, Hà Nội cũng là nơi đặt trụ sở của các
bộ, ngành, nhiều tổ chức, đoàn thể, cơ quan có tầm vóc quốc gia, các đại sứ
quán hoặc cơ quan đại diện ngoại giao của các nước, cơ quan đại diện của nhiều
tổ chức quốc tế, nhiều học viện, viện hàn lâm, viện nghiên cứu, đại học và
trường đại học, doanh nghiệp lớn vv... Tại Điều 5 của Luật Thủ đô, hai nhiệm
vụ quan trọng nhất của Hà Nội được quy định như sau:
"1) Xây dựng, phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước;
và 2) Bảo đảm an toàn, thuận lợi cho hoạt động của các cơ quan trung
ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại
diện ngoại giao, tổ chức quốc tế và cho việc tổ chức các chương trình, sự
kiện quốc gia, quốc tế trên địa bàn Thủ đô."
Đồng thời, Hà Nội lại là trung tâm của Vùng Thủ đô. Theo Quyết định số
490/QĐ-Ttg ngày 05 tháng 5 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ thì Vùng Thủ
đô được xác định như sau: "Phạm vi lập quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội bao
gồm toàn bộ ranh giới hành chính Thủ đô Hà Nội và 7 tỉnh: Hà Tây, Vĩnh Phúc,

50
Theo Điều 9 của Nghị định số 42/2009/NĐ-CP của Chính phủ về việc phân loại đô thị, đô thị đặc biệt phải
đáp ứng được các tiêu chí sau đây:
1. Chức năng đô thị là Thủ đô hoặc đô thị có chức năng là trung tâm kinh tế, tài chính, hành chính, khoa học
– kỹ thuật, giáo dục – đào tạo, du lịch, y tế, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế, có vai trò thúc đẩy
sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
2. Quy mô dân số toàn đô thị từ 5 triệu người trở lên.
3. Mật độ dân số khu vực nội thành từ 15.000 người/km2 trở lên.
4. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp tối thiểu đạt 90% so với tổng số lao động.
5. Hệ thống các công trình hạ tầng đô thị
a) Khu vực nội thành: được đầu tư xây dựng đồng bộ và cơ bản hoàn chỉnh, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh môi
trường đô thị; 100% các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị
giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường;
b) Khu vực ngoại thành: được đầu tư xây dựng cơ bản đồng bộ mạng lưới hạ tầng và các công trình hạ tầng
kỹ thuật đầu mối phục vụ đô thị; hạn chế tối đa việc phát triển các dự án gây ô nhiễm môi trường; mạng lưới công
trình hạ tầng tại các điểm dân cư nông thôn phải được đầu tư xây dựng đồng bộ; phải bảo vệ những khu vực đất đai
thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, vùng xanh phục vụ đô thị và các vùng cảnh quan sinh thái.
6. Kiến trúc, cảnh quan đô thị: thực hiện xây dựng phát triển đô thị theo quy chế quản lý kiến trúc đô thị.
Các khu đô thị mới phải đạt tiêu chuẩn đô thị kiểu mẫu và trên 60% các trục phố chính đô thị phải đạt tiêu chuẩn
tuyến phố văn minh đô thị, có các không gian công cộng, phục vụ đời sống tinh thần nhân dân, có các tổ hợp kiến
trúc hoặc công trình kiến trúc tiêu biểu mang ý nghĩa quốc tế và quốc gia.

82
Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam và Hoà Bình với diện tích tự nhiên
khoảng 13.436 km2, bán kính ảnh hưởng từ 100 - 150 km."
Về vai trò và nhiệm vụ của Hà Nội đối với Vùng thủ đô, Luật Thủ đô quy
định như sau: "Chủ động phối hợp và hỗ trợ các tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương trong Vùng Thủ đô và cả nước thông qua việc mở rộng các hình
thức liên kết, hợp tác cùng phát triển". Bên cạnh đó, Thủ đô Hà Nội còn có
nhiệm vụ: "Chủ động, tích cực mở rộng quan hệ, hợp tác hữu nghị với thủ đô
các nước, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để xây dựng, phát triển Thủ đô;
tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan, tổ chức, nhân dân Thủ đô tham gia các
hoạt động giao lưu và hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã
hội, giáo dục, khoa học và công nghệ".
Vai trò và những nhiệm vụ trên đây là vinh dự to lớn đồng thời cũng là
trách nhiệm cao cả, rất nặng nề của Hà Nội đối với quốc gia, dân tộc. Nhìn vấn
đề theo quan điểm phát triển bền vững thì đây chính là cội nguồn mang lại cho
Hà Nội nguồn lực vị thế vô cùng quan trọng mà không một địa phương nào có
được.
Về trách nhiệm của Trung ương, các địa phương và cả nước đối với Hà
Nội, Luật Thủ đô cũng ghi rõ trong Điều 4 như sau: "1) Xây dựng, phát triển và
bảo vệ Thủ đô là nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp của các cấp chính quyền và
nhân dân thành phố Hà Nội; là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, các lực
lượng vũ trang và nhân dân cả nước; 2) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ
chức thành viên động viên mọi tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam ở
nước ngoài tham gia xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô; 3) Nhà nước ưu
tiên đầu tư và có chính sách thu hút các nguồn lực để phát huy tiềm năng, thế
mạnh của Thủ đô, Vùng Thủ đô nhằm xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô."
Nội dung này cũng tiếp tục được cụ thể hóa tại Chương 3 của Luật Thủ
đô, trong đó quy định rõ trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ, các bộ và cơ quan ngang bộ, các cơ quan, tổ chức và người dân
trong việc xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô.
Chắc chắn rằng Luật Thủ đô với những nội dung đã nêu trên là cơ sở
pháp lý quan trọng nhất để xác định cơ chế, mô hình, giải pháp giải quyết thỏa
đáng mối quan hệ giữa Trung ương – Hà Nội – các địa phương trong quá trình
phát triển bền vững của Thủ đô và của đất nước. Tuy nhiên, tình hình thực tế
những năm vừa qua cho thấy còn đang tồn tại rất nhiều vấn đề xung quanh mối
83
quan hệ này.51 Thứ nhất, về phía Hà Nội, vì là Thủ đô nên Thành phố có trách
nhiệm là đại diện, là “sứ giả” thay mặt cho cả nước trong nhiều hoạt động, nhất
là trong các lĩnh vực ngoại giao, văn hóa, du lịch, khoa học, giáo dục vv... tuy
nhiên, do cơ chế chưa được rõ ràng nên sự tham gia của Hà Nội vào các hoạt
động mang tầm vóc quốc gia, quốc tế còn hạn chế. Nhất là đối với người dân,
do công tác tổ chức, tuyên truyền, giáo dục chưa thật tốt nên ý thức của một bộ
phận không nhỏ dân cư Hà Nội về tính đại diện cho uy tín, danh dự quốc gia –
dân tộc chưa cao, còn có những hành vi phản văn hóa (xả rác, đái bậy, làm mất
mỹ quan đường phố, thái độ không lịch sự, lừa dối khách du lịch vv...) gây ảnh
hưởng tiêu cực đối với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa
Việt Nam đối với bạn bè quốc tế và đối với cả nhân dân các vùng miền khác.
Thứ hai, sự phối hợp trong khai thác và sử dụng nguồn lực giữa các bộ,
ngành, cơ quan trung ương với Hà Nội còn rất yếu, không những không tạo ra
hiệu ứng tích hợp tích cực mà còn gây lãng phí, thậm chí tạo ra nhiều khó khăn
và hệ quả tiêu cực. Rõ nhất là sự phối hợp giữa các nguồn lực tài chính, nguồn
lực trí tuệ (khoa học và công nghệ, GD&ĐT) giữa Thủ đô Hà Nội và các bộ,
ngành, cơ quan, tổ chức trung ương đang có mặt trên địa bàn Hà Nội.
Thứ ba, sự phối hợp giữa Thủ đô với các tỉnh trong Vùng Thủ đô và với
các tỉnh, thành phố và các địa phương khác trong nhiều lĩnh vực cũng còn nhiều
lúng túng, bất cập. Rõ nhất là chưa có sự phối hợp chặt chẽ, với tầm nhìn và tư
duy chiến lược trong quy hoạch phát triển bền vững. Cùng với đó là những bất
cập và kém hiệu quả trong phối hợp khai thác và sử dụng các nguồn lực. Đặc
biệt nghiêm trọng là thiếu sự phối hợp hiệu quả trong quản lý, nhất là quản lý
thị trường, quản lý dân cư – di cư, quản lý giao thông và quản trị an ninh, trật
tự. Nhằm biến các mối liên kết liên vùng và nội vùng giữa Hà Nội với các địa
phương trong Vùng Thủ đô, với cả nước và với các đối tác quốc tế thực sự trở
thành một nguồn lực trong quá trình phát triển bền vững của Thủ đô thì chắc
chắn cần có nhiều nghiên cứu tiếp cận vấn đề theo hướng liên ngành, liên lĩnh
vực.
Thứ tư, do có vị thế, vai trò và nhiệm vụ mang tính đặc thù cao như vậy
nên Thủ đô Hà Nội cần có một bộ máy quản lý đặc thù, khác với bộ máy quản
lý của các tỉnh và thành phố khác. Tuy nhiên, điều này còn rất không rõ – như

51
Về vấn đề này, xem thêm: Hoàng Văn Nghiên, “Quản lý Hà Nội – một góc nhìn”, in trong: Kỷ yếu Hội thảo
Thủ đô Hà Nội: Truyền thống, nguồn lực và định hướng phát triển”, Hà Nội, tháng 8/2015, tr. 609-628; Trần
Hữu Thắng, “Luật Thủ đô và cơ chế đặc thù tổ chức, quản lý đô thị Hà Nội, in trong sách trên, tr. 692-697.
84
chúng tôi đã trình bày trong mục nói về mô hình chính quyền và bộ máy quản lý
đô thị. Cần phải có những bộ phận (của UBND, các sở ngành chức năng và các
đoàn thể) chuyên điều phối các mối quan hệ với Trung ương và các địa phương.
Đồng thời, đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý cũng phải được trang bị, bồi
dưỡng những năng lực và kỹ năng phù hợp, được hỗ trợ bởi các phương tiện,
công cụ quản lý, lãnh đạo phù hợp.
Thứ năm, để xứng đáng là đô thị đặc biệt, là Thủ đô của đất nước, Hà Nội
rất cần được ổn định để phát triển bền vững. Ổn định không có nghĩa là không
biến đổi, thậm chí hiện nay Hà Nội đang cần có những “cú hích lịch sử” để biến
đổi nhanh chóng, nhất là ở những khâu đột phá, để sớm trở thành một đô thị
hiện đại, văn minh, năng động, xanh, sạch, đẹp. Đó là những biến đổi cần có,
theo hướng tích cực của phát triển bền vững. Song, sự ổn định trong định
hướng, trong chiến lược phát triển của thành phố thì vô cùng cần thiết. Đây
cũng là điều ông Hoàng Văn Nghiên – nguyên Chủ tịch UBND Thành phố bày
tỏ nhiều trăn trở, suy tư nhất: “Trong hơn bốn chục năm Hà nội đã có tám lần
biến động về địa giới hành chính trong đó bốn lần thay đổi lớn kéo các tỉnh lân
cận cũng biến động theo. Loại biến động lớn trung bình từ lần đầu đến lần cuối
khoảng trên 10 năm một lần, mỗi lần thay đổi lại phải quy hoạch lại, nói cách
khác là phải thay cũ đổi mới. Mỗi lần thay đổi như vậy toàn bộ xã hội đảo lộn,
có biết bao sức người sức của, tinh thần và vật chất đã bị cuốn hút vào những
cuộc biến động này, không có ai chịu trách nhiệm. Lòng người có khi nào yên.
Trong khi việc quản lý phải lo tổ chức xã hội giàu thịnh, yên vui. Đó là việc
quản lý không tường minh đã tạo ra Hà Nội mang trong nó một thuộc tính “bất
an”.52 Bên cạnh đó là sự ổn định của thể chế, từ tổ chức, pháp luật cho đến các
thể thức hành chính và các quy ước cộng đồng. Doanh nghiệp, người dân và
nhất là các đối tác quốc tế khó có thể chấp nhận tình trạng “thay đổi xoành
xoạch” hoặc “tiền hậu bất nhất” như đã và đang diễn ra ở Hà Nội và nhiều địa
phương hiện nay. Cuối cùng là sự ổn định về môi trường chính trị, an ninh là
điều kiện tối cần thiết cho sự phát triển bền vững của Thủ đô và của cả nước.
Với những phân tích trên, có thể thấy rõ rằng các vấn đề được thực tiễn
đặt ra trong mối quan hệ Trung ương – Hà Nội – các địa phương thực sự đang
cần được tiếp cận, nghiên cứu theo hướng liên ngành để có được những kiến

52
Hoàng Văn Nghiên, “Quản lý Hà Nội – một góc nhìn”, in trong: Kỷ yếu Hội thảo Thủ đô Hà Nội: Truyền
thống, nguồn lực và định hướng phát triển”, Hà Nội, tháng 8/2015, tr. 616.
85
nghị đúng đắn, khả thi, phù hợp với yêu cầu phát triển của Hà Nội và của đất
nước.

2.14. Vấn đề quy hoạch và quy hoạch phát triển Hà Nội


Qua trình bày và phân tích 13 vấn đề trọng yếu ở trên nổi bật lên vấn đề
then chốt nhất đang đặt ra trong thực tiễn phát triển bền vững của Thủ đô Hà
Nội chính là vấn đề quy hoạch và quy hoạch phát triển.
Thực tế là lãnh đạo Hà Nội qua các thời kỳ đều dành cho công tác quy
hoạch sự quan tâm mạnh mẽ và nghiêm túc. Theo TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm
– Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam thì hiện nay “quy
hoạch đô thị được phân chia thành:
- Quy hoạch chung (thành phố, thị xã, thị trấn, đô thị mới).
- Quy hoạch phân khu: các khu vực trong thành phố, thị xã, đô thị mới.
- Quy hoạch chi tiết: cho từng khu vực theo yêu cầu phát triển, quản lý đô
thị hoặc đầu tư xây dựng.
- Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật: được lập cho giao thông, cao độ nền - thoát
nước, cấp nước, thoát nước thải, năng lượng và chiếu sáng, thông tin liên lạc,
nghĩa trang và xử lý chất thải rắn.
- Thiết kế đô thị: là nội dung được lồng ghép trong đồ án quy hoạch
chung, phân khu, chi tiết. Trường hợp khu vực đô thị đã cơ bản ổn định chức
năng sử dụng thì lập đồ án thiết kế đô thị riêng để làm cơ sở quản lý đầu tư xây
dựng và cấp phép xây dựng”.53
Công tác quy hoạch ở Hà Nội cũng được tổ chức theo mô hình nói trên.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hà Nội là cơ quan chuyên môn của UBND
Thành phố Hà Nội, có chức năng tham mưu, giúp việc cho UBND thành phố Hà
Nội thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch - kiến trúc xây dựng đô thị, quy
hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền
hạn khác theo phân cấp, ủy quyền của UBND thành phố Hà Nội theo quy định
của pháp luật.54 Ngày 11 tháng 6 năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết
định số 118/2003/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây

53
Xem: Đào Ngọc Nghiêm, “Quy hoạch với phát triển đô thị Hà Nội giai đoạn 1945 – 2015: thực trạng và
thách thức”, in trong Kỷ yếu Hội thảo Thủ đô Hà Nội: Truyền thống, nguồn lực và định hướng phát triển”, Hà
Nội, tháng 8/2015, tr. 595-596.
54
http://qhkthn.gov.vn/
86
dựng vùng Thủ đô Hà Nội. Ban này gồm có 19 thành viên, do Phó Thủ tướng
Hoàng Trung Hải đứng đầu, có chức năng và quyền hạn như sau: 1) Chỉ đạo
công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng trong vùng Thủ đô Hà Nội; 2) Chỉ đạo
việc thẩm định và đề xuất các cơ chế, giải pháp đặc thù trong quá trình thực hiện
quy hoạch và quản lý đầu tư xây dựng trong vùng Thủ đô Hà Nội, trình Thủ tướng
Chính phủ xem xét, quyết định hoặc được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền quyết
định; 3) Kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành liên quan, ủy ban nhân dân thành phố Hà
Nội và các tỉnh: Hà Tây, Hoà Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương,
Hà Nam thực hiện quy hoạch và quản lý đầu tư xây dựng trong vùng Thủ đô Hà
Nội; quyết định các biện pháp xử lý vướng mắc trong quá trình thực hiện; 4) Chỉ
đạo việc hợp tác với các tổ chức, các chuyên gia trong nước và nước ngoài để
nghiên cứu, thực hiện quy hoạch và quản lý đầu tư xây dựng trong vùng Thủ đô
Hà Nội.”55
Ở trên đây chúng tôi mới chỉ điểm qua về công tác quy hoạch đô thị, chủ
yếu dưới góc độ tổ chức lãnh thổ, không gian kiến trúc và phát triển cơ sở hạ
tầng đô thị. Bên cạnh đó còn có quy hoạch phát triển từng ngành, từng lĩnh vực
vv... do các sở chức năng và các cơ quan chuyên môn cùng phối hợp tổ chức
thực hiện, trình UBND Thành phố.
Công việc quy hoạch đô thị Hà Nội đã được thực hiện ngay từ thời kỳ
tiền cận đại, tuy nhiên, phải đến thời cận đại thì công việc này mới thực sự được
tổ chức theo phương pháp và cách tiếp cận hiện đại (vào các năm 1920-1924 và
1943). Từ năm 1954 đến năm 2008 Hà Nội đã nhiều lần xây dựng và điều chỉnh
quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết, một phần do bối cảnh và yêu cầu phát
triển Thủ đô trong mỗi giai đoạn lịch sử có khác nhau, nhưng chủ yếu do Thành
phố Hà Nội được / bị điều chỉnh địa giới với định hướng và mô hình phát triển
khác nhau. Những sự điều chỉnh quy hoạch này một mặt tạo điều kiện để Hà
Nội phát triển, phù hợp hơn với tình hình và yêu cầu phát triển của đất nước và
của Thủ đô, nhưng mặt khác cũng cho thấy tính chất không ổn định, thiếu tầm
nhìn và định hướng chiến lược dài hạn trong phát triển Thủ đô – như ông Hoàng
Văn Nghiên từng cho rằng đó là biểu hiện của thuộc tính “bất an” trong lịch sử
phát triển của Hà Nội. Còn theo nhận định của chuyên gia Đào Ngọc Nghiêm
thì quá trình xây dựng và điều chỉnh quy hoạch đô thị của Hà Nội trong suốt

55

http://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Quyet-dinh-118-2003-QD-TTg-hanh-lap-Ban-chi-dao-q
uy-hoach-va-dau-tu-xay-dung-vung-thu-do-Ha-Noi/51212/noi-dung.aspx
87
thời gian đó đã bộc lộ những hạn chế sau: “Phạm vi nghiên cứu mới chỉ nhìn
trong khu vực nhỏ hẹp của nội thị và ven nội thủ đô, chưa thấy hết được những
tác động của vùng; Chưa lường hết được nhịp độ tăng trưởng của kinh tế xã hội
và tốc độ đầu tư xây dựng trong quá trình đô thị hoá.”56
Ngay sau khi địa giới Hà Nội được mở rộng theo Nghị quyết của Quốc
hội khóa XIII (8/2008), quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đã
được nghiên cứu, xây dựng và lấy ý kiến rộng rãi của chuyên gia và nhân dân cả
nước. Trên cơ sở đó, ngày 26/7/2011 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số
1259/QĐ-Ttg phê duyệt Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm
nhìn đến năm 2050. Cùng với Luật Thủ đô và Chiến lược phát triển kinh tế - xã
hội Thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bản Quy hoạch
chung này là văn bản pháp lý quan trọng nhất định hướng toàn bộ quá trình phát
triển bền vững của Hà Nội đến năm 2050.
Trên cơ sở đó, Viện Quy hoạch Đô Thị và Nông thôn quốc gia (VIUP) đã
phối hợp với Viện Quy hoạch phát triển đô thị vùng Ile de France (IAU) xây
dựng Đồ án Quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến
năm 2050. Đến cuối năm 2015 Đồ án đã được Ban Chỉ đạo quy hoạch và đầu tư
xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội cho ý kiến và Hội đồng thẩm định Quốc gia
thông qua và ban hành.57
Trên cơ sở các bản quy hoạch chung, quy hoạch tổng thể, chiến lược phát
triển Thủ đô và các quy hoạch, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực chung của
cả nước, các địa phương (quận, huyện) và ngành, lĩnh vực của Hà Nội nghiên
cứu xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương
(gọi là quy hoạch chi tiết) trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Qua đó, có thể thấy về hình thức và trên nguyên tắc thì công tác quy
hoạch phát triển của Thủ đô Hà Nội đã và đang được triển khai một cách bài
bản, khoa học, với quy trình và căn cứ pháp lý đầy đủ, thậm chí có cả sự tham
gia tư vấn, phản biện của các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền ở Việt Nam
và nước ngoài, có sự góp ý của nhân dân Thủ đô và nhân dân cả nước.
Tuy nhiên, những gì diễn ra trong thực tiễn phát triển của Thủ đô Hà Nội

56
Đào Ngọc Nghiêm, tài liệu đã dẫn, tr. 602.
57
Xem: Ngô Trung Hải, “Quy hoach xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm
20540”, in trong Kỷ yếu Hội thảo Thủ đô Hà Nội: Truyền thống, nguồn lực và định hướng phát triển”, Hà Nội,
tháng 8/2015, tr. 507 – 529.
88
trong những thập kỷ gần đây lại cho thấy tính có quy hoạch, có kế hoạch và
phát triển bền vững không được đảm bảo. Hiện tượng mà bất kỳ người dân Hà
Nội nào cũng đều đang chứng kiến là: đường vừa làm xong lại bị đào bới lên
nhiều lần, khi để xây lắp đường cáp ngầm, khi để sửa đường thoát nước, khi để
nắn chỉnh vỉa hè; nhiều công trình kiến trúc xây dựng xong hoặc gần xong mới
phát hiện vi phạm, buộc phải tháo dỡ, "cắt ngọn" hoặc "phạt cho tồn tại"; bất
thần có cây xanh, công trình kiến trúc đổ sập; nhiều tòa chung cư mọc lên gây
quá tải giao thông và các cơ sở hạ tầng dịch vụ khác; mỗi khi xây dựng một con
đường mới, lại phải giải bài toán "giải phóng mặt bằng" vô cùng phức tạp và
nhiều con đường ở Hà Nội được mệnh danh là "đắt nhất hành tinh"; hàng trăm
dự án xây dựng "đắp chiếu" suốt một thời gian dài, cỏ mọc nhiều đến nỗi có
người đã nuôi thả được những đàn trâu, bò, dê đông đúc; chỉ cần trời đổ mưa
rào trên 30 phút là đường phố đã biến thành sông ... Đó mới chỉ là những gì
người dân nhìn thấy được hoặc được phản ánh trên báo chí. Còn rất nhiều vấn
đề khác không dễ nhận biết tức thời, nhưng sẽ bộc lộ ra thông qua những khảo
sát, đánh giá của chính các cơ quan chức năng của Hà Nội hoặc các cơ quan
nghiên cứu khác, chẳng hạn như vấn đề ô nhiễm môi trường; vấn đề mất an toàn
thực phẩm; vấn đề người nhập cư và tăng dân số cơ học; vấn đề ùn tắc giao
thông; vấn đề gia tăng khó kiểm soát của tệ nạn xã hội và tội phạm; vấn đề quá
tải bệnh viện vv...
Những hiện tượng trên có một phần bắt nguồn từ những khuyết điểm của
công tác quản lý, nhưng chủ yếu là do hạn chế, bất cập và hạn chế của công tác
quy hoạch và tổ chức triển khai quy hoạch.
Qua trao đổi với các chuyên gia quy hoạch có kinh nghiệm lâu năm ở Hà
Nội, chúng tôi được biết bất cập lớn nhất hiện nay chính là cơ sở thông tin đầu
vào (input) cho quá trình quy hoạch, kể cả quy hoạch chung và quy hoạch chi
tiết, quy hoạch phân khu. Do thiếu cái nhìn tổng thể theo quan điểm phát triển
bền vững nên các nguồn thông tin đầu vào cung cấp cho khâu lập quy hoạch
còn phiến diện, rời rạc, thiếu tính diễn thế và cập nhật, độ chính xác không cao.
Hơn nữa, các bộ công cụ, phân tích được sử dụng để hỗ trợ cho việc phân tích,
đánh giá thông tin lại còn thiếu và lạc hậu. Vì vậy, tính dự báo của nguồn thông
tin chưa cao. Đây chính là nguyên nhân khiến cho độ "vênh" giữa quy hoạch và
thực tiễn là khá lớn. Quy hoạch sớm trở nên lạc hậu, bị quá trình phát triển tự
phát phá vỡ, buộc phải điều chỉnh, khiến cho quy hoạch trở nên chắp vá, càng
khó đi vào cuộc sống.
89
Thứ hai, công tác quy hoạch luôn luôn chạy theo sau những quyết định
chính trị - hành chính. Như đã chỉ ra ở trên, Hà Nội nhiều lần có sự điều chỉnh
về địa giới với mức độ khác nhau. Mỗi lần điều chỉnh như vậy lại một lần gây
xáo trộn, thậm chí là xáo trộn lớn, ở mức cơ bản, đối với lộ trình phát triển của
Thủ đô, khiến cho không chỉ quy hoạch phải điều chỉnh, làm lại, mà cả những
quá trình phát triển thực tiễn cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Kết quả là sau
gần 7 thập kỷ, Hà Nội trở nên một đô thị khổng lồ mang tính chắp vá rất nặng,
khiến cho không chỉ diện mạo đô thị thiếu mỹ quan, mà cả đến nhiều quá trình
phát triển cũng bị chắp vá, đứt gãy không dễ khắc phục. Phí tổn cho những sự
điều chỉnh, khắc phục tình hình này là vô cùng lớn.
Thứ ba, sự bất cập về tầm nhìn, trình độ và kỹ thuật của các tổ chức và cá
nhân đảm nhiệm công tác quy hoạch Hà Nội là một sự thật. Thực tế là công tác
quy hoạch ở nước ta vẫn dựa trên nền tảng tri thức và kinh nghiệm đã lạc hậu,
có từ trước khi quan điểm, triết lý và nguyên tắc phát triển bền vững đô thị được
du nhập vào. Hơn nữa, quá trình toàn cầu hóa và chuyển đổi mau lẹ của thực
tiễn cũng khiến cho trình độ, năng lực của đội ngũ "làm quy hoạch" sớm bộc lộ
những hạn chế, bất cập. Việc hợp tác của Chính phủ, Thủ đô và một số địa
phương với các đối tác nước ngoài cũng cần có thời gian để có thể phát huy tác
động và hiệu quả tích cực.
Tình hình trên đặt ra yêu cầu khách quan, cấp thiết là công tác quy hoạch
phát triển đối với Thủ đô Hà Nội cần phải được đặt trên nền tảng mới. Trong
đó, yêu cầu cấp bách nhất là phải xây dựng cho được hệ thống cơ sở dữ liệu tích
hợp, liên ngành, cập nhật và tiện dụng cùng với các công cụ khai thác làm nền
tảng cho công tác quy hoạch, quản lý, chỉ đạo và nghiên cứu khoa học. Vấn đề
đào tạo nguồn nhân lực cho công tác quy hoạch phát triển bền vững cũng cần
được quan tâm nghiêm túc.

2.15. Vấn đề phát triển kinh tế Hà Nội


Vấn đề cuối cùng đang đặt ra trong thực tiễn phát triển bền vững là vấn
đề phát triển kinh tế. Đây vừa là kết quả tổng hợp, vừa là tiền đề của việc giải
quyết có hiệu quả hay không 14 vấn đề lớn nói trên. Theo quan điểm phát triển
bền vững thì phát triển kinh tế là một trong các trụ cột, nhưng đây lại là trụ cột
quan yếu nhất, bởi nó chính là tiền đề để củng cố, thúc đẩy sự phát triển bền
vững của các trụ cột còn lại (tài nguyên và môi trường tự nhiên, xã hội, văn hóa
và quốc phòng – an ninh).
90
Nổi bật lên trong quá trình phát triển kinh tế của Hà Nội trong thời kỳ
Đổi mới chính là sự chuyển đổi căn bản về tính chất và cơ cấu của nền kinh tế.
Trước hết, đó là sự chuyển dịch của toàn bộ cấu trúc của nền kinh tế XHCN
kiểu cũ tập trung, quan liêu, bao cấp, nặng tính hành chính, mệnh lệnh sang cấu
trúc nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Từ cấu trúc kinh tế chủ yếu gồm
hai thành phần (kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể) đã dần trở thành nền kinh tế
nhiều thành phần. Mỗi thành phần kinh tế cũng không ngừng biến đổi về cấu
trúc và quy mô. Quan trọng hơn là cơ chế vận hành nền kinh tế đã thay đổi căn
bản, tư duy kinh tế của người dân, nhà lãnh đạo, quản lý cho đến nhà kinh
doanh đều thay đổi. Một đời sống kinh tế hoàn toàn mới của Hà Nội đã ra đời.
Những chuyển biến căn bản, sâu sắc và toàn diện của nền kinh tế của đất
nước và Thủ đô đã đưa đến nhiều chuyển biến hết sức to lớn và sâu sắc về xã
hội, văn hóa, lối sống, đạo đức, tư tưởng và tình cảm của người dân Hà Nội.
Đến lượt nó, những chuyển biến này lại thúc đẩy các chuyển biến của nền kinh
tế - theo cả hai chiều tích cực và tiêu cực.
Quá trình phát triển kinh tế của Hà Nội trong thời gian qua là đối tượng
nghiên cứu được quan tâm mạnh mẽ của các chuyên gia trong nước và nước
ngoài, song cho đến nay chưa có một công trình xứng tầm nào xuất hiện đề cập
đến quá trình nói trên một cách toàn diện và sâu sắc trên cơ sở phối hợp giữa
phương pháp và cách tiếp cận chuyên ngành và liên ngành. Phần lớn các nghiên
cứu đều tập trung theo hướng chuyên ngành, đi sâu nghiên cứu một hoặc một số
ngành, nghề, lĩnh vực hoặc khu vực nào đó của nền kinh tế. Chỉ có một số công
trình khảo sát về biến đổi kinh tế - xã hội, biến đổi sinh kế, chuyển dịch cơ cấu
kinh tế ở một số địa bàn của Hà Nội.
Đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Thủ đô, trước hết là đáp ứng
yêu cầu phát triển của chính nền kinh tế của Hà Nội, chắc chắn cần có nhiều
cuộc khảo sát và các nghiên cứu liên ngành về kinh tế và các yếu tố có liên quan
theo hướng tiếp cận liên ngành, mang tính dự báo cao, trong đó phải đặt quá
trình phát triển kinh tế như một nội dung, một hợp phần hữu cơ của đời sống đô
thị Hà Nội. Đây chính là một nhiệm vụ của ngành Hà Nội học dựa trên nền tảng
lý luận và phương pháp nghiên cứu của Khu vực học hiện đại. Những nghiên
cứu này chắc chắn gắn chặt với nghiên cứu về phát triển bền vững, về mô hình
và chiến lược sinh kế, về văn hóa và ứng xử kinh tế của các cộng đồng cư dân
Thủ đô.

91
*
* *
Qua phân tích yêu cầu bức thiết đặt ra trong quá trình phát triển bền vững
của Thủ đô hiện nay đối với các nghiên cứu khoa học liên ngành về Hà Nội,
trên cơ sở tham chiếu những định hướng phát triển của Thủ đô được ghi nhận
tại các văn bản pháp quy do Đảng, Quốc hội, Chính phủ ban hành cùng với các
chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn và trung hạn của Hà Nội, có
thể khẳng định chắc chắn rằng xây dựng và phát triển Hà Nội học với tính chất
của một khoa học cơ bản, liên ngành, định hướng ứng dụng là một chủ trương
đúng đắn, có cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn chắc chắn, nhằm đáp ứng yêu cầu
của thực tiễn.
Hà Nội học trước hết phải là một khoa học cơ bản dựa trên nền tảng của
Khu vực học hiện đại, tức là nhìn nhận, nghiên cứu Hà Nội với tính cách một
không gian lịch sử - văn hóa và một không gian phát triển, hướng tới việc đánh
giá toàn diện, đa chiều, sâu sắc và toàn diện, làm rõ đặc trưng, đặc điểm, những
nguồn lực, cơ hội, thách thức, khó khăn của Thủ đô trong quá trình phát triển
bền vững. Với tính chất của một khoa học cơ bản, bên cạnh việc áp dụng hệ
thống lý thuyết, phương pháp và cách tiếp cận liên ngành của Khu vực học hiện
đại, Hà Nội học phải sớm được xác định những nguyên tắc học thuật cơ bản về
phạm vi, đối tượng, phương pháp nghiên cứu, định hướng phát triển và mục
tiêu phát triển. Đây chính là những yếu tố rất quan trọng để đảm bảo cho ngành
khoa học này có được bản thể (identity) của mình và phát triển bền vững.
Hà Nội học chắn chắn phải là một khoa học liên ngành. Đây là đòi hỏi
đặt ra từ chính thực tiễn phát triển bền vững của Thủ đô hiện nay. Như đã chỉ ra
ở trên, nhiều vấn đề cấp bách, có độ phức hợp cao đã, đang và sẽ tiếp tục xuất
hiện mà xét về bản chất vượt quá phạm vi và năng lực giải quyết của các khoa
học chuyên ngành. Chỉ có phát triển theo định hướng liên ngành thì các sản
phẩm đầu ra (outcomes) của Hà Nội học mới đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn
của quá trình phát triển bền vững của Thủ đô và mới có thể có đóng góp có hiệu
quả vào quá trình đó. Đương nhiên, nói như vậy không có nghĩa là trong quá
trình xây dựng và phát triển Hà Nội học theo định hướng liên ngành thì các
nghiên cứu chuyên sâu, đơn ngành và đa ngành về Hà Nội sẽ bị suy yếu hay bị
loại bỏ. Hoàn toàn ngược lại, thực tiễn phát triển của Thủ đô đang đòi hỏi các
khoa học chuyên ngành tiếp tục đi sâu nghiên cứu, cung cấp cơ sở khoa học
92
giúp cho việc giải quyết hàng loạt các vấn đề cấp bách. Đồng thời, sự phát triển
của các nghiên cứu chuyên sâu đó cũng chính là một trong những bệ đỡ trọng
yếu để phát triển Hà Nội học theo định hướng liên ngành, trong khi các nghiên
cứu liên ngành lại đưa lại những giá trị gia tăng, giàu tính thực tiễn cho các
nghiên cứu chuyên ngành.
Hà Nội học phải hướng tới định hướng ứng dụng. Đây chính là yêu cầu
bức thiết nhất của thực tiễn. Quá trình phát triển bền vững của Thủ đô đã và
đang đặt ra nhiều vấn đề nóng bỏng cần có được luận cứ khoa học và thực tiễn
vững chắc, đầy đủ để lãnh đạo và các cơ quan quản lý ngành, địa phương đưa ra
những giải pháp hiệu quả, kịp thời. Để đảm bảo tính ứng dụng cao của các
nghiên cứu thì trước hết cần có sự chủ động phối hợp giữa các tổ chức khoa học
và công nghệ, cá nhân các nhà khoa học với các cơ quan lãnh đạo, quản lý, địa
phương và doanh nghiệp ở Hà Nội. Phương thức “đặt hàng” chính là cơ chế tốt
nhất, trong đó lãnh đạo, các sở ngành, địa phương và doanh nghiệp yêu cầu các
tổ chức và nhà khoa học nghiên cứu nhằm giải quyết những vấn đề cụ thể, với
nội dung, mức độ yêu cầu của sản phẩm đầu ra và địa chỉ ứng dụng được xác
định rõ ràng. Trên cơ sở đó, bên đặt hàng xác định mức độ, phương thức đầu tư
để có được sản phẩm cuối cùng đủ các điều kiện để chuyển giao, ứng dụng.
Đây cũng là phương thức tạo điều kiện để các nhóm nghiên cứu có điều kiện
thuận lợi, chủ động nhất để triển khai các nghiên cứu, đồng thời buộc nhà khoa
học phải có trách nhiệm đồng hành với các sản phẩm khoa học cho đến khi đạt
được hiệu quả ứng dụng như mong muốn.
Trên cơ sở phân tích yêu cầu thực tiễn đặt ra trong 15 lĩnh vực then chốt
nhất, có thể thấy việc xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu tích hợp, liên ngành,
hiện đại và tiện dụng là yêu cầu cơ bản, bức thiết nhất, cần được ưu tiên đầu tư
và tổ chức triển khai nghiên cứu, xây dựng. Chừng nào Hà Nội chưa có được hệ
thống cơ sở dữ liệu như vậy thì tất cả các công tác, đặc biệt là công tác lãnh
đạo, chỉ đạo, quản lý, quy hoạch còn tiếp tục lúng túng và gặp nhiều khó khăn.
Đứng trước những yêu cầu trên, việc xây dựng mạng lưới và đội ngũ nhà
khoa học có trình độ cao, làm nền tảng cho việc phát triển bền vững ngành Hà
Nội học là vô cùng quan trọng. Việc thành lập Trung tâm Hà Nội học và phát
triển Thủ đô là bước đi ban đầu, nhưng chắc chắn cần nhiều hơn nữa các nỗ lực
từ nhiều phía để Trung tâm sớm đảm đương được chức năng làm đầu mối quy
tụ và phát triển đội ngũ chuyên gia Hà Nội học, tổ chức các nghiên cứu liên

93
ngành phục vụ sự nghiệp bền vững của Thủ đô trong các thập kỷ sắp tới.

94
Chương 3:
NỀN TẢNG HỌC THUẬT
CỦA NGÀNH HÀ NỘI HỌC

Như Chương 1 của nghiên cứu này cho thấy, trên thực tế công việc
nghiên cứu về Hà Nội đã được khởi đầu từ rất sớm và đã đạt được nhiều thành
tựu to lớn, có giá trị cao - xét cả trên phương diện học thuật và thực tiễn. Tuy
nhiên, cho đến trước năm 2011 dường như chưa xuất hiện những trao đổi học
thuật thấu đáo về cơ sở, nền tảng lý thuyết và phương pháp nghiên cứu cũng
như cách tiếp cận riêng để tiến tới xác lập cơ sở khoa học cho việc hình thành
và phát triển Hà Nội học với tính cách một ngành chuyên môn có tính đặc thù
tương đối, chỉ ra được đối tượng, phạm vi, mục đích và những định hướng cơ
bản. Đây là những vấn đề cơ bản, thiết yếu, đảm bảo cho sự phát triển bền vững
và hiệu quả của ngành Hà Nội học trong tương lai.
Đương nhiên, việc xác lập cơ sở khoa học cho bất kỳ ngành chuyên môn
nào cũng đều là công việc không hề đơn giản, dễ dàng, không thể thực hiện
được trong một thời gian ngắn, ngay từ khi ngành chuyên môn đó vừa được
hình thành. Công việc này chỉ có thể được giải quyết từng bước, có thể trong
một khoảng thời gian tương đối dài, trên cơ sở kiểm nghiệm của thực tiễn
nghiên cứu và trải qua quá trình cọ xát chuyên môn của giới nghiên cứu. Công
việc này càng không thể hoàn thành chỉ với một nghiên cứu cơ bản của một
nhóm nghiên cứu nào.
Trên cơ sở khảo sát yêu cầu thực tiễn của quá trình phát triển bền vững
Thủ đô đặt ra đối với nghiên cứu về Hà Nội hiện nay, đồng thời dựa trên kết quả
phân tích, đánh giá bước đầu thành tựu nghiên cứu về Hà Nội đã được tích lũy
từ trước, đặc biệt là nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến trao đổi tại Hội thảo “Hà
Nội học: Phương pháp tiếp cận và nội dung nghiên cứu” do Viện Việt Nam học
và Khoa học phát triển phối hợp với Hội Sử học Hà Nội tổ chức vào tháng 12
năm 2011, chúng tôi hệ thống hóa ở đây những luận điểm cơ bản nhất, có thể
coi như cơ sở khoa học bước đầu cho việc tổ chức và định hướng phát triển Hà
Nội học với tính cách là một ngành khoa học cơ bản, liên ngành, định hướng
ứng dụng trên nền tảng của Khu vực học hiện đại.
95
3.1. Khu vực học và khu vực học hiện đại
Khu vực học (Area studies) ra đời từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II ở
phương Tây, trước hết với tính chất là một phương thức tổ chức nghiên cứu đa
ngành (multi-disciplinary studies), sau đó đã phát triển thành một định hướng
nghiên cứu liên ngành (inter-disciplinary studies). Sau khoảng hơn một nửa
thập kỷ phát triển, từ đầu những năm 50 của thế kỷ trước đã xuất hiện những
chương trình đào tạo ở bậc đại học và sau đại học về Khu vực học tại một số
trường đại học ở Mỹ (Cornell University, Yale University và University of
Columbia vv...). Trong các thập kỷ tiếp theo, Khu vực học phát triển rất nhanh
chóng cả trong nghiên cứu và đào tạo tại Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản. Đến năm
1965, riêng ở nước Mỹ đã có 125 trường đại học có tổ chức đào tạo và nghiên
cứu Khu vực học. Các tổ chức quỹ nghiên cứu đóng vai trò vô cùng quan trọng
trong việc thúc đẩy sự phát triển của Khu vực học ở Mỹ, trong đó quan trọng
nhất là The Ford Foundation, The Rockefeller Foundation, và The Carnegie
Corporation of New York. Các quỹ này huy động được những nguồn tài chính
lớn lao từ Chính phủ Mỹ và nhiều tập đoàn, công ty lớn, thông qua đầu tư cho
các hoạt động nghiên cứu cơ bản, lâu dài về các khu vực có liên quan mật thiết
đến lợi ích, an ninh và chiến lược toàn cầu của Mỹ. Hằng năm, hàng trăm cuộc
hội thảo, hội nghị được tổ chức. Học bổng và tài trợ nghiên cứu được các quỹ
này phối hợp chặt chẽ với các trường đại học, viện nghiên cứu và nhất là hai cơ
quan là The Social Science Research Council và The American Council of
Learned Societies xét duyệt và cung cấp cho các nhóm nghiên cứu và các cơ sở
đào tạo. Nhờ đó mà nhiều thế hệ chuyên gia Khu vực học đã được đào tạo ở
Mỹ. Hàng nghìn nghiên cứu có giá trị học thuật cao đã được triển khai để cung
cấp luận cứ cho chính sách, chiến lược toàn cầu của Mỹ, được vận dụng cụ thể
trong từng không gian địa - chiến lược trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh
(1945-1991). Chỉ riêng quỹ Ford trong thời gian từ 1953 đến 1966 đã đầu tư tới
270 triệu USD cho 34 trường đại học ở Mỹ để tổ chức đào tạo và nghiên cứu
Khu vực học.58

58
David L. Szanton, "The Origin, Nature and Challenges of Area Studies in the United States," in The Politics
of Knowledge: Area Studies and the Disciplines, ed. David L. Szanton (University of California Press, 2004),
pp. 10–11.
96
Tiếp nối Mỹ, Khu vực học cũng phát triển mạnh mẽ ở Nhật Bản và nhiều
nước phương Tây khác. Ở Nhật Bản, Khu vực học được phát triển triển mạnh
nhất tại Trường Đại học Tổng hợp Tokyo, sau đó được triển khai tại nhiều
trường đại học và viện nghiên cứu khác, trở thành một trường phái Khu vực học
Nhật Bản dựa trên cách tiếp cận không gian lịch sử - văn hóa.59
Ở Tây Âu, Trường Đại học Tổng hợp London (University of London)
trở thành một cơ sở phát triển Khu vực học nổi tiếng với School of Oriental and
African Studies (SOAS). Tiếp theo đó là các trường University of Oxford, St
Antony's College vv... Ở Đức, các Khu vực học đã trở thành nền tảng cho các
ngành nghiên cứu châu Á, Đông Nam Á học, Á-Phi học và Nghiên cứu kinh tế -
văn hóa quốc tế từ những năm 1970s với các cơ sở nổi tiếng ở Trường ĐHTH
Passau, Trường ĐHTH Hamburg, Trường ĐHTH Humboldt ở Berlin, Trường
ĐHTH Bochum, Trường ĐHTH Bayreuth vv...Ở Hà Lan, Pháp và một số nước
Tây Âu khác, Khu vực học cũng từng bước phát triển và trở thành nền tảng cho
các ngành Đông Nam Á học, Nghiên cứu châu Á vv...60
Có thể thấy cho đến trước khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Khu vực học đã
ra đời và phát triển mạnh ở Mỹ và nhiều nước phương Tây, trở thành nền tảng
lý luận và phương pháp tổ chức nghiên cứu nước ngoài chủ yếu của các nước
này. Liên ngành là tính chất và nguyên tắc học thuật nền tảng của Khu vực học,
trong đó chủ yếu là sự kết hợp chủ yếu giữa các ngành sử học, địa lý nhân văn,
ngôn ngữ, văn hóa, khoa học chính trị và kinh tế học. Qua đó, có thể thấy khái
niệm "khu vực" ở đây trên căn bản được định nghĩa là những không gian lịch sử
- văn hóa xác định với phạm vi rộng - hẹp khác nhau.
Điều đáng ngạc nhiên là: tuy Mỹ và phương Tây là những cái nôi ra đời
của Khu vực học, nhưng chủ yếu Khu vực học chỉ được áp dụng trong nghiên
cứu về các khu vực ngoài châu Âu và Bắc Mỹ, đặc biệt là Đông Nam Á, châu
Phi, Đông Á và một số nơi khác. Trong khi đó, dường như Khu vực học không
được giới nghiên cứu ở Mỹ và các nước Tây Âu áp dụng trong các nghiên cứu
về nước Mỹ và các nước phương Tây khác. Đây chính là nguyên nhân khiến

59
Về sự phát triển của Khu vực học và Việt Nam học ở Nhật Bản, xem: Sakurai, Yumio, “Việt Nam học như là
Khu vực học được triển khai trên dự án Bách Cốc”, trong: Việt Nam học. Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế lần thứ ba
Việt Nam: hội nhập và phát triển, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010, tr. 62-71.
60
Xem: Dahm, Bernhard, Die Südostasienwissenschaft in den USA, in Westeuropa und in der Bundesrepublik
Deutschland. Vandenhoeck & Ruprecht, Göttingen 1975.

97
cho ngay từ khi mới ra đời và trong quá trình phát triển của nó, Khu vực học đã
bị phê phán bởi một số nhà khoa học khá nổi tiếng. Họ cho rằng Khu vực học ra
đời chủ yếu nhằm cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn cho chiến lược toàn cầu
của Mỹ và chính sách đối đầu của các nước phương Tây khác trong cuộc đấu
tranh giữa phe "thế giới tự do" do Mỹ cầm đầu với "phe XHCN".
Mặc dù vậy, sự phát triển mạnh mẽ của Khu vực học ở Mỹ và phương
Tây đã đạt được nhiều thành tựu rất to lớn, trong đó quan trọng nhất là:
Thứ nhất, với sự ra đời và phát triển Khu vực vực học, một mô hình tổ
chức nghiên cứu liên ngành và đa ngành mới đã được xây dựng và phát triển.
Tuy về sau đã xuất hiện những trường phái Khu vực học khác nhau, song đều
hướng tới mục tiêu là đưa lại nhận thức tổng hợp về những khu vực - các không
gian lịch sử - văn hóa, không gian địa - chiến lược nhất định. Và để đáp ứng yêu
cầu nhận thức này, sự phối hợp và kết hợp về lý thuyết, cách tiếp cận, phương
pháp nghiên cứu và công cụ phân tích của nhiều ngành khoa học là yêu cầu tất
yếu, có tính nguyên tắc. Có thể nói Khu vực học chính là ngành khoa học đi tiên
phong theo xu hướng nghiên cứu liên ngành, nhất là trong lĩnh vực khoa học xã
hội và nhân văn.
Thứ hai, trải qua gần 5 thập kỷ phát triển, cho đến khi Chiến tranh Lạnh
kết thúc, Khu vực học trên thế giới đã xây dựng và phát triển được những hệ
thống lý thuyết, phương pháp nghiên cứu và cách tiếp cận phong phú, đáng tin
cậy. Tương tự như bất kỳ lĩnh vực khoa học mới nào, trong quá trình xây dựng
và phát triển Khu vực học đã diễn ra nhiều cuộc tranh luận về lý thuyết, phương
pháp nghiên cứu và cách tiếp cận. Điều cần nhấn mạnh ở đây là các cuộc tranh
luận diễn ra trong suốt nửa sau của thế kỷ 20 đều xuất phát từ thực tiễn nghiên
cứu. Trong quá trình nghiên cứu, giải quyết các vấn đề do thực tiễn đặt ra ở các
khu vực khác nhau các nhà khoa học đã nêu ra những vấn đề mới và đề xuất lý
thuyết, phương pháp nghiên cứu và cách tiếp cận mới. Trải qua quá trình thảo
luận, đã xuất hiện các xu hướng và các trường phái Khu vực học khác nhau.
Một số lý thuyết và cách tiếp cận đã trở nên nổi tiếng và được cộng đồng khoa
học thế giới thừa nhận, cho dù khi xuất hiện chúng vốn chỉ gắn với việc giải
quyết các vấn đề đặt ra trong phạm vi một khu vực cụ thể. Chẳng hạn như lý
thuyết về "các nhà nước thủy tính" (hydronic states) của Karl August

98
Wittfogel,61 lý thuyết về biến đổi cấu trúc trong tiến trình lịch sử (historical
structural changes) của Harry Benda,62 lý thuyết về "nền kinh tế đạo đức" của
James C. Scott, 63 lý thuyết về "cộng đồng tưởng tượng" của Benedict
Anderson,64 lý thuyết Mandala của Wolter,65 hay lý thuyết về "nền dân chủ
châu Á" của Clark Naher và lý thuyết về "quyền lực châu Á" của Lucien Pyke
vv... Những lý thuyết và cách tiếp cận này chính là một trong những nền tảng
quan trọng của nhiều định hướng nghiên cứu liên ngành trong suốt hơn 7 thập
kỷ qua.66
Thứ ba, sự phát triển của Khu vực học ở Mỹ, Nhật Bản và phương Tây đã
sản sinh nhiều trung tâm đào tạo và nghiên cứu danh tiếng, nơi nhiều thế hệ các
nhà nghiên cứu nổi tiếng được đào tạo và trưởng thành, trong đó có nhiều nhà
Việt Nam học danh tiếng, có ảnh hưởng lớn trên thế giới, như Paul Mus,
Philippe Devilliers, George Coedes, George Condominas, Joseph Buttinger,
James C. Scott, Alexander B. Woodside, David G. Marr, Keith W. Taylor,
Benedict T.J Kervliet, Yamamoto Tatsuro, Sakurai Yumio, Furuta Motoo,
Shiraishi Masaya, Ralph Smith vv. Đây chính là thế hệ các nhà Việt Nam học sẽ
tiếp tục đào tạo nên các thế hệ chuyên gia nghiên cứu Việt Nam mới sau khi
Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Thứ tư, một trong những thành tựu nổi bật của Khu vực học thế giới có
liên quan trực tiếp đến sự phát triển của Việt Nam học nói chung và Hà Nội học
nói riêng chính là sự ra đời và phát triển của Đông Nam Á học từ ngay sau
Chiến tranh thế giới II kết thúc. Thực ra, từ trước Chiến tranh thế giới II đã xuất
hiện nhiều công trình nghiên cứu về các vấn đề hoặc các khu vực cụ thể ở Đông
Nam Á, nhưng nhìn nhận và nghiên cứu về Đông Nam Á như một chỉnh thể thì
chỉ đến sau Thế chiến II, dựa trên lý thuyết và cách tiếp cận Khu vực học, mới
thực sự trở thành nguyên tắc nền tảng của Đông Nam Á học. Để đạt tới nhận
thức chung này, những cuộc tranh luận sôi nổi đã diễn ra trong hơn một thập kỷ
61
Xem: Wittfogel, Karl August, Oriental Despotism: A Comparative Studies of Total Power, Yale University
Press, New Haven, 1957.
62
Xem: Benda, Harry, "The Structure of Southeast Asian History: Some Preliminary Observations", in: Journal
of Southeast Asian Studies, Vol. III, No.6, 1962, tr. 106-139.
63
Xem: Scott, James C., The Moral Economy of the Peasant. Rebellion and Subsistence in South East Asia,
Yale University Press, New Haven, 1976.
64
Xem: Anderson, Benedict, Imagined Communities: Reflections on the Origins and Spread of Nationalism,
rev.ed., Verso, London (1983), 1991.
65
Xem: Wolters, O.W. History, Culture and Region in Southeast Asian Perspectives. Institute of Southeast
Asian Studies, Revised Edition, 1999.
66
Xem: Phạm Hồng Tung, Văn hóa chính trị và lịch sử dưới góc nhìn văn hóa chính trị, Nxb. Chính trị Quốc
gia, Hà Nội, (2008), 2009.
99
nhằm làm rõ phạm vi, những đặc trưng cơ bản, cơ tầng văn hóa bản địa Đông
Nam Á (Southeast Asian cultural infrastructure), những tương đồng và dị biệt
(similarities and diversities) trên các phương diện của các cộng đồng dân cư
trong khu vực, tính liên tục và đứt đoạn trong quá trình phát triển của nền văn
minh khu vực, vai trò của các yếu tố, như kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước,
thương mại biển, quá trình Ấn hóa, quá trình Hồi giáo hóa và ảnh hưởng của
văn minh Trung Quốc ở Đông Nam Á vv... Cùng với sự ra đời và phát triển của
Đông Nam Á học, nghiên cứu về từng nước, từng dân tộc hay từng tiểu vùng
cũng ra đời và phát triển. Thái học (Thai Studies) và Việt Nam học (Vietnamese
Studies) cũng ra đời và phát triển trong khuôn khổ Đông Nam Á học với tính
cách là những môn nghiên cứu liên ngành. Nhờ có việc được đặt trong khuôn
khổ của Đông Nam Á học, Việt Nam học thực sự đã vươn tới tầm cao mới.
Hàng loạt vấn đề mà trước đây, do chưa có cái nhìn đối sánh và chưa được đặt
trong bối cảnh khu vực để xem xét, nên các nhận thức của giới nghiên cứu Việt
Nam còn chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, như vấn đề thương mại biển và sự hình
thành và phát triển của các cảng thị ở Việt Nam (Kẻ Chợ, Phố Hiến, Hội An,
Thanh Hà vv...), vấn đề quá trình dân tộc và sự tích hội của các cộng đồng dân
cư khác nhau thành một cộng đồng dân tộc Việt Nam trước khi Pháp xâm lược;
vấn đề tương tác văn hóa giữ các luồng Ấn hóa và Hoa hóa; Vấn đề mô hình tổ
chức nhà nước, cấu trúc và các kiểu loại phân hóa giai cấp thiếu triệt để ở phần
lớn các nước và khu vực ở Đông Nam Á; vấn đề tương tác văn hóa vùng và liên
vùng vv...
Mặc dù phát triển khá nhanh và đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng từ
giữa những năm 90 của thế kỷ trước cho đến gần đây thì Khu vực học nói chung
và Việt Nam học nói riêng đã trải qua một thời gian rất khó khăn.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, trong vòng một thập kỷ, Khu vực học
trên toàn thế giới lâm vào khủng hoảng sâu sắc. Một số khu vực vốn là địa bàn
nghiên cứu “truyền thống” của Khu vực học như Đông Nam Á, châu Phi, Mỹ -
Latinh đột nhiên không còn là những nơi tập trung các xung đột trên toàn cầu.
Các nguồn tài trợ cho nghiên cứu về các khu vực này bị cắt giảm khiến cho
nhiều cơ sở nghiên cứu bị đóng cửa. Hàng trăm tiến sĩ, hàng nghìn thạc sĩ và
sinh viên tốt nghiệp bị rơi vào thất nghiệp.
Tuy nhiên, từ những năm đầu thế kỷ 21, Khu vực học lại hồi sinh và phát
triển mạnh mẽ. Một số khu vực, như Đông Nam Á và Đông Âu đang chuyển

100
mình mạnh mẽ, trở thành những địa bàn phát triển năng động nhất. Nghiên cứu
về các khu vực này trở nên nhu cầu bức thiết không chỉ của các nước phương
Tây mà trước hết là của chính các nước trong khu vực. Trong trường hợp của
Đông Nam Á học, chuyển biến quan trọng nhất là sự hình thành các trung tâm
và mạng lưới Đông Nam học của chính các nước trong khu vực. Trong khi đó,
xung đột lại bùng phát ở Trung Đông và Bắc Phi với sự phát triển đáng lo ngại
của chủ nghĩa dân tộc chủ nghĩa cực đoan mang màu sắc Hồi giáo và nạn khủng
bố quốc tế đe dọa nghiêm trọng an ninh toàn cầu. Cùng với đó là các cuộc “cách
mạng màu sắc”, làn sóng “mùa xuân Ả rập” làm rung chuyển cuộc diện địa –
chiến lược toàn thế giới. Đây chính là những đòi hỏi khách quan của thực tiễn
đối với sự phát triển của Khu vực học ở tầm cao mới. Trước đòi hỏi đó, nhiều tổ
chức nghiên cứu dựa trên nền tảng Khu vực học đã được thành lập ở một loạt
các nước phương Tây, Nga và Đông Âu, các nước Đông Nam Á và Đông Á.
Chỉ trong vòng hơn một thập kỷ đã có hàng trăm tổ chức (trung tâm, viện)
nghiên cứu Khu vực học và hàng chục chương trình đào tạo Khu vực học ra đời
ở các trường đại học, kể cả nhiều đại học danh tiếng như Harvard, Yale, Oxford,
Frei Universität Berlin, Michigan State University, Kyoto University vv... Ngay
cả những nước vốn từ trước vẫn hoàn toàn xa lạ với ngành này cũng đã xuất
hiện các trung tâm Khu vực học, như Thổ Nhĩ Kỳ, Israel vv... Thậm chí, có cả
những nơi đã tổ chức đào tạo Khu vực học ở bậc tiến sĩ, như Middle East
Technical University (Thổ Nhĩ Kỳ).67 Điều cần nhấn mạnh ở đây là: Không chỉ
các trường phái Khu vực học cổ điển được hồi sinh và phát triển mạnh mẽ mà
trên thực tế đã hình thành và phát triển Khu vực học hiện đại, trong đó mục tiêu
và lý thuyết cũng như về phương pháp đã có những chuyển biến rất căn bản dựa
trên định hướng phục vụ phát triển bền vững và toàn cầu hóa.
Về phương diện học thuật, Khu vực học đã và đang bộc lộ một số khuynh
hướng và trường phái khác nhau. Từ định hướng mục tiêu chung của một khoa
học liên ngành nhằm đưa lại những nhận thức tổng quát về một khu vực /một
không gian lịch sử - văn hóa xác định, Khu vực học đã phát triển thành những
trường phái khác nhau.
Có thể nêu ra đây một số trường phái lớn như sau:
- Khu vực học gắn với đất nước học: Đây thực chất là một bước phát triển
mới của môn đất nước học nhằm đưa lại nhận thức tổng quát về một quốc gia -

67
Xem: http://ars.metu.edu.tr.
101
dân tộc cụ thể. Hướng phát triển này khá thịnh hành bởi nó trực tiếp phục vụ
cho mục đích quảng bá hình ảnh của các quốc gia; là cách tổ chức nghiên cứu
tổng hợp về nước ngoài của một số nước; cao hơn cả là tạo nền tảng để hình
thành môn quốc học tại một số nước. Các trụ cột của môn đất nước học là lịch
sử, địa lý nhân văn, ngôn ngữ, văn hóa và du lịch học.
- Khu vực học dựa trên lý thuyết địa - chính trị: Trường phái này chủ yếu
phát triển ở Tây Âu và một số cơ sở ở Bắc Mỹ. Theo đó, thế giới được chia
thành những khu vực địa - chính trị rộng lớn, như Tây Âu, Đông Âu, Bắc Mỹ,
Đông Nam Á, Đông Á, Nam Á, Bắc Phi vv... Các nghiên cứu chủ yếu tập trung
vào các tiếp cận địa lý, văn hóa chính trị, ngôn, ngữ, văn hóa và lịch sử, nhằm
chỉ ra những nét tương đồng trong văn hóa, dân cư và nhất là định hướng phát
triển. Trường phái này, ở những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20 phát triển
thành hai xu hướng khá thịnh hành: chính trị học quốc tế dựa trên nghiên cứu so
sánh (comparative studies) và toàn cầu học (global studies).
- Trường phái không gian lịch sử - văn hóa: Trên cơ sở cho rằng một khu
vực (area) không thể bị giới hạn bởi các đường biên giới quốc gia hay ranh giới
hành chính hiện đại, và do đó không thể có một "quy mô" xác định nào đó. Trái
lại, "khu vực" chính là những không gian văn hóa - lịch sử có chủ thể xác định
là những cộng đồng người cụ thể, với những đặc trưng (characteristics) và một
bản thể/bản sắc (identity) văn hóa nào đó, vì vậy, mục tiêu của Khu vực học là
thông qua các nghiên cứu liên ngành, có tính thực chứng cao, làm sáng tỏ
những đặc trưng văn hóa - lịch sử và bản sắc văn hóa đặc trưng của không gian
nghiên cứu. Trường phái này sớm hình thành ở Mỹ và phát triển rất mạnh ở
Nhật Bản, trở thành một mô hình nghiên cứu dựa trên cách tiếp cận liên ngành,
với sự hỗ trợ của nhiều kỹ thuật nghiên cứu / phân tích hiện đại. Trường phái
này có ưu điểm nổi bật là đưa lại nhận thức vừa tổng quát, vừa cụ thể, thực
chứng về những vùng, tiểu vùng và không gian phát triển cụ thể. Kết quả nghiên
cứu, vì vậy, có tính thuyết phục và có tính ứng dụng cao hơn, không chỉ đối với
quá trình chính sách vĩ mô, mà thậm chí cả với những chiến lược kinh doanh cụ
thể của ngành sản xuất hoặc doanh nghiệp.
Đến cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, Khu vực học đã phát triển lên một tầm
cao mới, chuyển từ Khu vực học cổ điển sang Khu vực học hiện đại. Bước
chuyển này trước hết xuất phát từ mục tiêu của Khu vực học. Nếu như trước
đây, Khu vực học đặt mục tiêu là đưa lại nhận thức tổng quát về một không gian

102
lịch sử - văn hóa nào đó thì Khu vực học hiện đại hướng tới mục tiêu hàng đầu
là ứng dụng những nhận thức tổng quát đó vào việc giải quyết hàng loạt các vấn
đề có độ phức hợp cao đang đặt ra trong thực tiễn phát triển bền vững của các
khu vực. Khu vực giờ đây không còn chỉ là một không gian lịch sử - văn hóa mà
còn là, và trước hết là một không gian phát triển. Vì vậy, Khu vực học phải
hướng tới đích cuối cùng là đánh giá các nguồn lực, tiềm năng, cơ hội phát triển
của không gian xác định nào đó. Trên cơ sở đó, các nghiên cứu phải có giá trị tư
vấn, phản biện chính sách, và cuối cùng là trực tiếp có những đóng góp vào
chiến lược phát triển bền vững của khu vực, tức là cung cấp đầu vào (input) cho
quá trình chính sách. Đòi hỏi này vừa là một thách thức lớn, nhưng cũng là một
cơ hội mới đối với Khu vực học, bởi nó mở đường cho Khu vực học trở thành
một khoa học cơ bản, liên ngành, định hướng ứng dụng. Không chỉ có các
chuyên gia trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn mà cả những nhà
nghiên cứu kinh tế, môi trường, công nghệ môi trường hay công nghệ truyền
thông vv... cũng có thể và cần được tham gia vào các nhóm nghiên cứu liên
ngành về Khu vực học. Nhiều lý thuyết, khung phân tích và kỹ thuật nghiên cứu
đã và đang được vận dụng phục vụ cho việc nâng cao tính thực chứng của khu
vực học, nhất là các lý thuyết xã hội học - chính trị, khung sinh kế bền vững, hệ
phân tích SWOT,… v.v.
Một trong những đặc trưng cơ bản của Khu vực học, nhất là Khu vực học
hiện đại, là: trong khi tập trung nghiên cứu nhằm làm rõ bản sắc, đặc trưng
nhằm mang lại nhận thức tổng hợp, liên ngành của các không gian lịch sử - văn
hóa và không gian phát triển, trên cơ sở đó đánh giá tiềm năng và cơ hội phát
triển của các không gian đó, thì việc đặt các không gian đó trong mối tương tác
vùng (regional interactions) và tương tác liên vùng (inter-regional interactions)
là vô cùng quan trọng. Điều này càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh quá
trình toàn cầu hóa đang tác động ngày càng mạnh mẽ và toàn diện tới tất cả các
dân tộc, các cộng đồng ở tất cả các không gian phát triển khác nhau.
Với tính cách là một không gian lịch sử - văn hóa có bề dày lịch sử hơn
1.000 năm với bản sắc và đặc trưng văn hóa riêng biệt, nổi trội, nơi kết tinh và
lan tỏa các giá giá trị văn minh – văn hiến Việt Nam và với tính cách là một
trong những không gian phát triển năng động nhất, một không gian địa – chiến
lược quan trọng bậc nhất của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, nghiên cứu về
Hà Nội nhất định phải dựa trên nền tảng lý thuyết khoa học, phương pháp
nghiên cứu và cách tiếp cận liên ngành của Khu vực học và Khu vực học hiện
103
đại. Chỉ có như vậy thì ngành Hà Nội học mới có thể phát triển bền vững với
tính cách của một ngành khoa học cơ bản, liên ngành, định hướng ứng dụng, với
sứ mệnh cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho quá trình lãnh đạo, chỉ đạo
sự nghiệp phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội.

3.2. Việt Nam học và Việt Nam học hiện đại


Là ngành khoa học nghiên cứu nhằm đưa lại nhận thức toàn diện, tích
hợp liên ngành về Thủ đô Hà Nội, Hà Nội học cũng phải nhất thiết phải là một
bộ phận, một định hướng trọng tâm của ngành Việt Nam học.
Trên đại thể, Việt Nam học với tính cách là một khoa học cơ bản, liên
ngành, dựa trên nền tảng của Khu vực học có hai nguồn gốc chính: các nghiên
cứu về Việt Nam của người Việt Nam và các nghiên cứu về Việt Nam của
người nước ngoài.
Các nghiên cứu của người Việt Nam về đất nước, con người, văn hóa,
dân tộc Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu tự nhận thức của các thế hệ người
Việt Nam trong những thời đại khác nhau. Những nghiên cứu của người Việt
Nam đã xuất hiện từ sớm, nhưng bắt đầu có tính liên tục và đồ sộ thì phải từ sau
khi nền độc lập dân tộc được khôi phục từ thế kỷ 10. Những công trình / bộ
công trình tiêu biểu nhất xuất hiện trong thời kỳ tiền cận đại là bộ Đại Việt sử ký
của Lê Văn Hưu (thế kỷ 13, đã thất truyền), sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi
(thế kỷ 15), bộ Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên và các sử thần thời Lê
(Nội các quan bản, 1697), các bộ sách của Lê Quý Đôn (1725-1784), như Phủ
biên tạp lục, Kiến văn tiểu lục, Đại Việt thông sử vv..., các bộ sách của Phan
Huy Chú (1782-1840), như Hoàng Việt dư địa chí, Lịch triều hiến chương loại
chí, Hải trình chí lược vv... tiếp đến là các bộ sách do Quốc sử quán triều
Nguyễn tổ chức biên soạn, như Đại Nam thực lục, Khâm định Việt sử thông
giám cương mục và các cuốn Hoàng Việt nhất thống địa dư chí của Lê Quang
Định, Đại Việt địa dư toàn biên (Phương Đình dư địa chí) do Nguyễn Văn Siêu
và Bùi Quỹ soạn, Đại Nam nhất thống chí do Hoàng Hữu Xứng, Nguyễn Hữu
Độ, Phan Đình Bình, Nguyễn Thuật, Hoàng Hữu Thường soạn vv... Ngoài ra
còn phải kể đến khá nhiều công trình có giá trị khác, như An Nam chí lược (Lê
Tắc đời Trần), Nam Ông mộng lục (Hồ Nguyên Trừng, thế kỷ 15) vv...
Sang đến thời cận đại đã xuất hiện những công trình nghiên cứu có giá trị,
bước đầu vận dụng phương pháp và cách tiếp cận hiện đại. Tiêu biểu như các
công trình của Phan Bội Châu (Việt Nam vong quốc sử, Tân Việt Nam vv...),
104
Trương Vĩnh Ký (Truyện đời xưa, Abrégé de grammaire annamite, Tiểu giáo
trình Địa lý Nam Kỳ, Ký ức lịch sử Sài Gòn và vùng phụ cận, Cours de langue
annamite, Voyage au Tonkin en 1876, Phép lịch sự An Nam, Dư đồ thuyết lược,
Đại Nam tam thập nhất tỉnh thành đồ, Đại Nam tam thập nhứt tỉnh địa đồ vv...),
Phan Kế Bính (Việt Nam phong tục), Toan Ánh (Nếp cũ, Việt Nam chí lược
vv...), Trần Trọng Kim (Việt Nam sử lược), Đào Duy Anh (Việt Nam văn hóa sử
cương), Nguyễn Văn Huyên (Sự thờ phụng thần thánh ở nước Nam, Văn minh
nước Nam) vv... Đặc biệt, trong thời kỳ này đã xuất hiện những công trình có giá
trị và ảnh hưởng to lớn của Nguyễn Ái Quốc, như: Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ
và Nam Kỳ (1924) và Bản án chế độ thực dân Pháp (1925).
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhất là từ sau năm 1954 công tác
nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, dân tộc, đất nước và con người đã đạt được nhiều
thành tựu rất to lớn. Trong lĩnh vực sử học, hàng trăm công trình nghiên cứu đã
xuất hiện làm sáng tỏ nhiều vấn đề về Thời đại Hùng Vương trong lịch sử dân tộc,
bao gồm rất nhiều công trình khảo cứu về nền văn minh Sông Hồng, về các di chỉ
và các nền văn hóa khảo cổ học gắn với các thời kỳ lịch trong buổi bình minh lịch
sử Việt Nam. Tiếp đó là thành tựu nghiên cứu đồ sộ về lịch sử quá trình dân tộc
Việt Nam, về chủ nghĩa yêu nước, về truyền thống chống ngoại xâm, đấu tranh
thống nhất đất nước, về lịch sử và văn hóa các dân tộc thiểu số, lịch sử các phong
trào yêu nước và cách mạng, các cuộc vận động dân chủ, duy tân đất nước và lịch
sử hai cuộc kháng chiến vĩ đại chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nhiều bộ
sách đồ sộ về lịch sử dân tộc, về văn hóa và về tôn giáo, tín ngưỡng, tư tưởng Việt
Nam đã được công bố, được trích dẫn khá rộng rãi ở nước ngoài, nhất là các công
trình của Trần Văn Giàu, Trần Huy Liệu, Đào Duy Anh, Phạm Huy Thông, Từ
Chi, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, Nguyễn
Công Bình, Văn Tạo, Nguyễn Khắc Đạm, Nguyễn Đổng Chi, Phan Ngọc, Vũ
Ngọc Khánh, Vũ Ngọc Phan v.v... Bên cạnh sử học và văn hóa, nghiên cứu về
Việt Nam trên các lĩnh vực văn học, ngôn ngữ, địa lý, tôn giáo, tín ngưỡng cũng
đạt được rất nhiều thành tựu to lớn. Nhiều bộ công trình về văn học dân gian, về
ngôn ngữ dân tộc, về địa lý và tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam đã được công bố và
được đánh giá cao ở cả trong nước và ở nước ngoài.
Tuy nhiên, cho đến trước thời kỳ Đổi mới, nghiên cứu về Việt Nam cũng
bộc lộ một số hạn chế không nhỏ. Thứ nhất, phần lớn các công trình nghiên cứu
đều dựa trên cách tiếp cận chuyên ngành, chỉ có một số ít công trình tiếp cận đối
tượng nghiên cứu theo hướng đa ngành và liên ngành. Thứ hai, hệ vấn đề được
105
quan tâm còn bộc lộ tính thiếu toàn diện: trong khi các vấn đề liên quan đến lịch
sử chính trị, lịch sử quân sự, nhất là lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm và lịch sử
các phong trào yêu nước và cách mạng được quan tâm mạnh mẽ thì lịch sử xã hội,
lịch sử kinh tế, lịch sử văn hóa và tư tưởng còn gần như bị bỏ ngỏ hoàn toàn.
Trong khi các nghiên cứu về Việt Nam trên một số lĩnh vực như lịch sử, văn hóa,
văn học, ngôn ngữ vv... đạt được nhiều thành tựu to lớn thì nhiều lĩnh vực nghiên
cứu lại gần như còn là những vùng đất trống, như xã hội học, tâm lý học, kinh tế
học vv... vì vậy, còn thiếu vắng những công trình có chất lượng và tầm vóc học
thuật về xã hội, con người, kinh tế, sinh kế vv... Nhiều nghiên cứu đã quan tâm
đến một số phương diện của đời sống dân tộc Việt Nam ở tầm mức, phạm vi quốc
gia – dân tộc, trong khi còn thiếu vắng những nghiên cứu về các địa phương, vùng
miền, các không gian lịch sử - văn hóa cụ thể. Các nghiên cứu còn hiếm khi đặt
Việt Nam vào trong khung cảnh và các mối tương tác khu vực – vùng – quốc tế để
nghiên cứu. Thứ ba, về nền tảng lý thuyết, phương pháp và kỹ thuật nghiên cứu
cũng còn nhiều bất cập. Tình trạng độc tôn lý thuyết đã chi phối hầu hết các
nghiên cứu xuất hiện trong hai thời kỳ: trong thời kỳ tiền cận đại chính là hệ ý
thức Nho giáo, còn trong thời kỳ từ sau năm 1945 chính là ý thức hệ Mácxít. Cần
phải nói ngay rằng bản thân hai hệ ý thức này cũng chính là tinh hoa văn hóa và trí
tuệ của nhân loại, nhưng khi được độc tôn hóa trong nghiên cứu khoa học thì đã
dẫn tới những cách nhìn nhận và luận giải một chiều, phiến diện và cả những
nghiên cứu mang nặng tính luận chiến hoặc minh họa. Xin được dẫn ra đây lập
luận của Nguyễn Ái Quốc trong khi tiếp nhận chủ nghĩa Mác để ít nhiều thấu tỏ
hơn vấn đề này: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất
định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó
chưa phải là toàn thể nhân loại. Mác cho ta biết rằng sự tiến triển các xã hội trải
qua ba giai đoạn: chế độ nô lệ, chế độ nông nô, chế độ tư bản; và trong mỗi giai
đoạn ấy, đấu tranh giai cấp có khác nhau. Chúng ta phải coi chừng! Các dân tộc
Viễn Đông có trải qua hai giai đoạn đầu không? Từ nhiều thế kỷ nay, họ chẳng
hưởng được thái bình hay sao để đến mức làm cho người châu Âu khinh rẻ họ
(lười nhác, mê muội hàng nghìn nǎm, v.v.)?” Chính vì vậy, ngay từ năm 1924,
Nguyễn Ái Quốc đã đặt vấn đề một cách dứt khoát: “Xem xét lại chủ nghĩa Mác
về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông.”68
Bên cạnh đó, phương pháp nghiên cứu và nhất là phương tiện, công cụ và
kỹ thuật nghiên cứu của giới khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam cũng còn
68
Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 465.
106
hạn chế. Do vậy mà nhiều nguồn thông tin, dữ liệu còn chưa được khai thác và
sử dụng.
Hạn chế thứ tư là: do những điều kiện lịch sử trước thời kỳ Đổi mới mà
tính đối thoại học thuật của giới nghiên cứu Việt Nam với các đồng nghiệp ở
nước ngoài, nhất là với giới học giả phương Tây còn rất hạn hẹp.
Công cuộc Đổi mới được Đảng Cộng sản Việt Nam phát động từ tháng
12 năm 1986 đã mang lại tư duy mới và luồng sinh khí mới, mở đường cho
những chuyển biến căn bản và mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống
quốc gia – dân tộc Việt Nam; mở đường để đất nước Việt Nam đổi mới, phát
triển và hội nhập quốc tế.
Trong bối cảnh lịch sử mới của thời kỳ Đổi mới và hội nhập quốc tế,
công việc nghiên cứu về Việt Nam của người Việt Nam cũng đã có những
chuyển biến sâu sắc và mạnh mẽ, đạt được những thành tựu rất to lớn, từng
bước khắc phục được các hạn chế của thời kỳ trước Đổi mới, vươn tới tầm cao
mới và đưa đến việc ra đời của Việt Nam học với tính cách là một khoa học cơ
bản, liên ngành, dựa trên nền tảng của Khu vực học.
Bên cạnh cách hướng nghiên cứu truyền thống, nhất là về lịch sử, văn
hóa, văn học, ngôn ngữ vv... tiếp tục được đẩy mạnh, nghiên cứu về Việt Nam
đã được triển khai trên nhiều địa hạt mới, làm cho hệ vấn đề quan tâm của giới
nghiên cứu trở nên toàn diện hơn, bao quát hơn. Nhiều nghiên cứu mới đã xuất
hiện trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, con người, tôn giáo, tín ngưỡng, tư tưởng,
nghệ thuật, giáo dục, y tế, phát triển cộng đồng, phát triển bền vững, địa lý nhân
văn, môi trường, sinh thái, du lịch vv.... Cùng với hàng nghìn nghiên cứu theo
hướng chuyên ngành đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn các nghiên cứu
theo định hướng đa ngành và liên ngành. Hàng chục chương trình, đề án nghiên
cứu lớn đã được tổ chức triển khai liên tục, có bài bản, trong đó quan trọng nhất
là các Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp nhà nước trong lĩnh vực khoa
học xã hội và nhân văn và một số Chương trình Khoa học và công nghệ trọng
điểm cấp nhà nước mang tính liên ngành, liên lĩnh vực (như các chương trình
khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nguyên, vùng
Tây Bắc, vùng Tây Nam bộ, kể cả chương trình KX.09 phục vụ sự nghiệp phát
triển Thủ đô Hà Nội). Mỗi chương trình khoa học và công nghệ như trên thường
bao gồm hàng chục đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, được Nhà nước ưu tiên đầu
tư kinh phí và cơ chế tổ chức nghiên cứu. Bên cạnh đó, hằng năm, Bộ Khoa học
107
và Công nghệ còn thành lập nhiều đề tài độc lập cấp nhà nước để tổ chức, triển
khai các nhiệm vụ nghiên cứu đặc biệt, trong đó có những đề tài về Lịch sử Việt
Nam, nhằm tạo điều kiện để các nhóm nghiên cứu của Trường Đại học
KHXH&NV và của Viện Sử học Việt Nam nghiên cứu, biên soạn lại bộ lịch sử
dân tộc. Kết quả là hai bộ lịch sử dân tộc mới, một bộ 4 tập và một bộ 15 tập đã
được tổ chức nghiên cứu, biên soạn và công bố. Ngoài ra còn có các Đề án
nghiên cứu cấp quốc gia, như Đề án nghiên cứu vùng Nam Bộ, gồm 6 đề tài cấp
nhà nước, tổ chức nghiên cứu liên ngành về lịch sử vùng đất Nam Bộ và gần
đây nhất là Đề án đặc biệt cấp quốc gia nhằm biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam
mới gồm 25 tập và 5 tập biên niên lịch sử; Đề án nghiên cứu đặc biệt cấp quốc
gia về lịch sử chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa vv... Có thể nói sự quan tâm mạnh mẽ với những quyết định đầu tư
cơ bản, lâu dài như trên đã có tác động rất mạnh mẽ, thúc đẩy công tác nghiên
cứu về Việt Nam nói chung và ngành Việt Nam học nói riêng.
Bên cạnh đó, trong thời kỳ Đổi mới, một số quỹ nghiên cứu quốc tế cũng
quan tâm đầu tư cho các dự án, các đề tài của các nhóm nghiên cứu của giới
khoa học Việt Nam nhằm thúc đẩy các nghiên cứu liên ngành, đa ngành và các
nghiên cứu chuyên sâu về Việt Nam, như Toyota Foundation, Ford Foundation,
Japan Foundation, AUF, Rosa Luxemburg Foundation, Kondras Adenauer
Foundation, SIDA, JICA các tổ chức quốc tế như UNDP, UNESCO, FAO vv...
Hàng trăm đề tài, dự án có giá trị khoa học và thực tiễn cao và hàng nghìn hội
thảo, seminar vv... Đã được tổ chức thành công.
Nhờ những chuyển biến sâu sắc như trên mà chất lượng nghiên cứu của
giới học giả Việt Nam về đất nước, con người, lịch sử, văn hóa, xã hội, môi
trường, dân tộc, tôn giáo Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Tính đối thoại
học thuật giữa giới nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài cũng được cải thiện cả
về phạm vi, quy mô và chất lượng. Nhiều diễn đàn học thuật quốc tế đã được tổ
chức cả ở Việt Nam và ở nước ngoài, thu hút sự tham gia mạnh mẽ, tích cực của
hàng chục nghìn nhà nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài, trong đó nổi bật là
các Hội thảo quốc tế về Việt Nam học được tổ chức lần thứ nhất tại Hà Nội vào
năm 1998, lần thứ hai tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2002, lần thứ ba và
thứ tư tại Hà Nội vào các năm 2008 và 2012. Đây là diễn đàn học thuật quốc tế
lớn nhất về Việt Nam học, đánh dấu sự ra đời, phát triển mạnh mẽ và bền vững
của Việt Nam học với tính cách một khoa học cơ bản, liên ngành vừa mang tính
chất quốc gia, vừa mang tính chất quốc tế.
108
Bảng 3.1. Tổng hợp tình hình tham luận tại các Hội thảo quốc tế về Việt Nam
học từ 1998 đến 2012
Hội thảo Số tiểu ban Số lượng báo cáo
Việt Nam Quốc tế Tổng số
Lần 1 (1988) 15 232 163 395
Lần 2 (2002) 10 212 104 316
Lần 3 (2008) 18 271 160 531
Lần 4 (2012) 16 772 221 993
Trong điều kiện đất nước mở cửa, đổi mới và hội nhập ngày càng sâu
rộng với khu vực và với thế giới, đặc biệt là nhờ việc tăng cường các hoạt động
giao lưu, hợp tác trong nghiên cứu và đào tạo, nghiên cứu về Việt Nam của giới
nghiên cứu trong nước cũng có những chuyển biến đáng kể về lý luận, phương
pháp nghiên cứu và cách tiếp cận. Cùng với lý luận Mác – Lênin và tư tưởng Hồ
Chí Minh, giới học giả Việt Nam đã từng bước nghiên cứu, tiếp nhận và vận
dụng thành công một số lý thuyết khoa học mới, trong đó có hệ thống lý thuyết
Khu vực học cổ điển và Khu vực học hiện đại, lý thuyết về phân tầng xã hội, lý
thuyết về giới và bình đẳng giới, lý thuyết về phát triển và phát triển bền vững,
lý thuyết về quá trình xã hội hóa nhân cách, lý thuyết về văn hóa chính trị, lý
thuyết về quyền lực và xung đột, lý thuyết địa – chiến lược vv... Việc vận dụng
những lý thuyết khoa học này vào thực tiễn nghiên cứu không chỉ giúp cho các
nhà nghiên cứu Việt Nam có thêm những góc nhìn, cách tiếp cận mới đối với
từng đối tượng, từng vấn đề nghiên cứu, mà trên thực tế, nhiều thông tin mới,
dữ liệu đã được thu thập và xử lý với sự hỗ trợ của các bộ công cụ phân tích và
thiết bị nghiên cứu hiện đại. Nhờ đó, kết quả nghiên cứu nhìn chung trở nên
phong phú, đáng tin cậy và có tính thực chứng cao hơn. Tính đối thoại học thuật
trong nội bộ giới nghiên cứu Việt Nam và giữa giới nghiên cứu Việt Nam và
giới nghiên cứu về Việt Nam ở nước ngoài trở nên thuận lợi hơn, có chất lượng
cao hơn. Không những có ngày càng nhiều các dự án và đề tài nghiên cứu khoa
học và phát triển công nghệ là các "joint ventures" do các nhóm nghiên cứu có
sự tham gia của học giả trong nước và ngoài nước cùng thực hiện. Số lượng
công bố quốc tế của giới nghiên cứu Việt Nam càng ngày càng tăng lên khá rõ
rệt. Các hội nghị, hội thảo được tổ chức định kỳ, với chất lượng nay một cao
hơn. Thông qua thực tiễn nghiên cứu, một thế hệ các nhà Việt Nam học trẻ tuổi
109
khá đông đảo đang hình thành, với nền tảng tri thức không chỉ có lịch sử, văn
hóa, khảo cổ học, dân tộc học, ngôn ngữ học mà còn có xã hội học, khoa học
chính trị, tâm lý học, nhân học hiện đại.
Trong khi đó, nghiên cứu về Việt Nam ở nước ngoài cũng có lịch sử quá
trình hình thành và phát triển khá lý thú, nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về Việt
Nam của người nước ngoài trong những điều kiện lịch sử khác nhau.
Cho tới trước thời kỳ cận đại, các nghiên cứu của người nước ngoài về
Việt Nam chủ yếu là các ghi chép của các nhà du hành, sứ giả, quan cai trị, nhà
truyền giáo, nhà thám hiểm hoặc nhà buôn. Sớm nhất được biết đến có lẽ là các
ghi chép của người Trung Quốc, như Giao châu ngoại vực ký (thế kỷ thứ 3 - 4)
và Thủy kinh chú (của Lịch Đạo Nguyên, thế kỷ thứ 6). Ngoài ra, thông tin về
Việt Nam còn được đề cập tới trong một số bộ chính sử của Trung Quốc, như
Sử ký (Tư Mã Thiên), Hậu Hán thư, Đường thư, Nguyên sử, Minh sử, Thanh sử
vv... Một số thông tin về các vương quốc cổ như Funan, Champa cũng được ghi
chép rải rác trong các thư tịch của người Trung Quốc. Nếu gạt qua một bên
những cái nhìn mang nặng định kiến lịch sử - văn hóa thì có thể thấy những
nghi chép này là những nguồn thông tin có giá trị tham khảo cao, giúp cho việc
tìm hiểu về lịch sử, đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ở trong các giai
đoạn lịch sử mà các nguồn thông tin khác còn rất hạn chế.69
Về sau, khi Việt Nam và khu vực Đông Nam Á và Đông Á trở thành địa
chỉ của những chuyến du hành, khám phá, buôn bán và truyền giáo của các
nước phương Tây thì xuất hiện thêm khá nhiều những ghi chép của người
phương Tây.70 Có lẽ ghi chép đầu tiên của người phương Tây về Việt Nam là
của Marco Polo (1254 – 1324), một nhà du hành người Ý đã có mặt trong các
đoàn quân của đế quốc Mông – Nguyên đến Việt Nam và một số khu vực khác
ở Đông Á, Bắc Á và Đông Nam Á. Tiếp đó, từ sau chuyến du hành phát kiến
địa lý vĩ đại của Ferdinand Magellan (Fernão de Magalhães, 1521) thì các ghi
chép của người phương Tây về Việt Nam xuất hiện nhiều hơn. Nổi tiếng nhất là
các công trình của Baldinotti “Bản tường trình về xứ Đàng Ngoài”, của Samuel
Baron “Mô tả vương quốc Đàng Ngoài”, của Richard “Lịch sử tự nhiên, dân sự,

69
Xem thêm: Dương Bảo Quân, “Vài nét về hình ảnh Việt Nam trong sử sách cổ Trung Quốc”, in: Tạp chí
Khoa học , Đại học Quốc gia Hà Nội – KHXH&NV số 24 (2008) tr.136-147.
70
Những ghi chép của người phương Tây về Việt Nam và nhất là về Hà Nội cho đến trước năm 1945 đã được
nghiên cứu và tổng thuật khá kỹ càng trong các công trình của Nguyễn Thừa Hỷ, Hoàng Anh Tuấn. Xem:
Nguyễn Thừa Hỷ (cb), Tuyển tập tư liệu phương Tây, Nxb. Hà Nội, 2010; Hoàng Anh Tuấn, Tư liệu các công ty
Đông Ấn Hà Lan và Anh về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII, Nxb. Hà Nội, 2010.
110
và chính trị xứ Đàng Ngoài”, của J. Barrow “Một chuyến du hành đến
xứ Nam Hà 1792-1793”, của William Dampier “Một chuyến du hành đến Đàng
Ngoài năm 1688”. Ngoài ra còn có các cuốn từ điển và ghi chép của Alexandre de
Rhodes, Cristophoro Borri, Jean Baptiste Tavernier vv... Bên cạnh đó, những
nhà du hành, thám hiểm, truyền giáo và nhà buôn phương Tây thời kỳ này cũng
để lại nhiều lược đồ, bản đồ, sơ đồ có giá trị về Việt Nam và các khu vực phụ
cận ở Đông Nam Á và Đông Á. Những công trình trên đây có thể được coi như
những nghiên cứu tiên khởi, manh nha cho sự ra đời của những khảo cứu khoa
học về Việt Nam xuất hiện muộn hơn.
Ở đây cần lưu ý một số điều: thứ nhất, phần lớn các ghi chép hay khảo
cứu của các tác giả thời kỳ này đều hướng tới những mục đích cụ thể thời bấy
giờ, như truyền giáo, buôn bán vv... cho nên các công trình của họ chứa đựng
những thông tin có giá trị, khó tìm thấy từ các nguồn thông tin khác. Tuy nhiên,
ghi chép và bình luận của họ cũng hàm chứa không ít thông tin sai lệch do định
kiến về văn hóa hoặc đức tin. Thứ hai, tuyệt đại đa số các tác giả này thực hiện
công việc của mình (ghi chép, khảo cứu về các vùng đất lạ) bắt nguồn từ cảm
hứng cá nhân chứ không bắt nguồn từ việc được một nhà nước nào giao nhiệm
vụ chính thức, ngoại trừ các nhà truyền giáo đảm nhận sứ mệnh từ giáo hội. Cho
nên, các thông tin họ cung cấp không bị chế định hay có giá trị về pháp lý quốc
tế với bất kỳ chính thể nào.
Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ và tán đồng với nhận định của GS.TS.
Nguyễn Quang Ngọc, rằng “... phải đến cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX,
cùng với quá trình xâm lược và thống trị của thực dân Pháp thì Việt Nam học
của phương Tây (mà thực chất và chủ yếu là Việt Nam học của Pháp) mới thực
sự trở thành một ngành học với các học giả nổi tiếng như Henry F. Maspéro,
Léonard Aurousseau, Paul Pelliot, Léopold Cadière, Emile Gaspardonne, André
Geoges Haudricourd, Madelein Colani, Pierre Gourou...”71 Năm 1900 người
Pháp cho thành lập Viện Viễn Đông bác cổ (École française d'Extrême-Orient -
EFEO) và sau đó, năm 1906 lập ra Đại học Đông Dương (Université
indochinois) ở Hà Nội. Đây là hai cơ quan nghiên cứu và đào tạo theo mô hình
hiện đại của phương Tây giữ vai trò quan trọng nhất trong việc tổ chức triển
khai các nghiên cứu về Việt Nam, tham gia đào tạo các thế hệ nhà nghiên cứu
Việt Nam tại Việt Nam.
71
Nguyễn Quang Ngọc, “Việt Nam học ở Việt Nạm trên con đường hội nhập và phát triển”, Tham luận tại Hội
thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ III, Kỷ yếu Hội thảo, 2008.
111
Cho đến trước năm 1954, hầu như tất cả những nghiên cứu có giá trị và
ảnh hưởng lớn nhất về Việt Nam đều là các công trình của người Pháp. Giới học
giả nước ngoài khác dường như chưa thực sự quan tâm mạnh mẽ đến Việt Nam.
Đây cũng là tình hình chung đối với nghiên cứu về các nước khác trong khu vực
Đông Nam Á, bởi lẽ các học giả xuất thân từ “mẫu quốc” không chỉ có điều
kiện tiếp cận thuận lợi hơn đối với các nguồn tài liệu từ các khu vực thuộc địa,
mà quan trọng hơn, phần lớn các nghiên cứu này trước hết là nhằm đáp ứng yêu
cầu nhận thức về thuộc địa của “mẫu quốc”, nhất là yêu cầu phục vụ chính sách
khai thác và phát triển thuộc địa của chính phủ “mẫu quốc” và chính phủ ở các
thuộc địa.
Như đã trình bày ở trên, sau Chiến tranh Thế giới II, Đông Nam Á học
chính thức ra đời với tính cách là một khoa học cơ bản, đa ngành và liên ngành
dựa trên nền tảng lý thuyết, phương pháp nghiên cứu và cách tiếp cận của Khu
vực học. Việt Nam học ở nước ngoài, chủ yếu là ở phương Tây và Nhật Bản, trở
thành một bộ phận, một định hướng của Đông Nam Á học. Đây chính là một
điều kiện lịch sử để Việt Nam học ở nước ngoài vươn tới một tầm cao mới cả về
quy mô, đội ngũ cũng như về tầm vóc học thuật. Chỉ trong vòng thời gian chưa
đầy hai thập kỷ, các cơ sở Việt Nam học đã hình thành và phát triển ở hầu hết
các nước phương Tây và đạt được nhiều thành tựu to lớn. Tại Pháp, nơi nghiên
cứu về Việt Nam tiếp tục kế thừa truyền thống từ thời cận đại, tiếp tục phát triển
tại nhiều trường đại học và viện nghiên cứu, với thế ba hệ chuyên gia mới, nổi
bật là Philippe Devilliers, Charles Fourniau, George Condiminas, Paul Mus, Lê
Thành Khôi vv... đã xuất hiện thế hệ nhà Việt Nam học mới với những cá nhân
xuất sắc như Daniel Hémery, Jean Chesnaux, Pierre Brocheux, Goerge Budarel,
Michel Fournier, Trịnh Văn Thảo, Nguyễn Thế Anh, Philippe Langlet và sau đó
là Phillipe Papin, François Guillemot, Alain Russeau vv... Đặc điểm nổi bật của
giới Việt Nam học ở Pháp là: họ tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống học
thuật đã hình thành từ trước năm 1945, tức là tập trung cao độ vào việc nghiên
cứu các vấn đề về lịch sử và văn hóa Việt Nam, trong khi các nghiên cứu mới
theo hướng liên ngành, đương đại hóa lại được bắt đầu khá muộn và chưa bao
giờ chiếm ưu thế. Tuy nhiên, khác với các nghiên cứu trước 1945, các nghiên
cứu của các thế hệ chuyên gia Việt Nam ở Pháp đã thay đổi đáng kể quan điểm
và cách tiếp cận đối với lịch sử Việt Nam, kể cả đối với các vấn đề lịch sử cận
đại. Nhiều định kiến thực dân đã được gột rửa. Nhờ đó mà đóng góp của giới
nghiên cứu Pháp rất có giá trị và được đánh giá cao trong cộng đồng Việt Nam
112
học thế giới.
Cùng trong thời gian này, Đông Nam Á học nói chung và Việt Nam học
nói riêng phát triển rất nhanh chóng ở Mỹ. Thực tế này trước hết gắn liền với
việc phục vụ chiến lược toàn cầu của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á và ở Việt
Nam. Như đã chỉ ra ở mục trên, chỉ trong vòng hơn một thập kỷ từ sau năm
1954 đã có hơn 100 trường đại học tổ chức các cơ sở đào tạo và nghiên cứu về
Đông Nam Á, trong đó Việt Nam học là hướng ưu tiên trọng điểm. Nổi tiếng
nhất là các cơ sở đào tạo và nghiên cứu ở Trường ĐHTH Cornell, ĐHTH Yale,
ĐHTH Harvard, ĐHTH California ở Berkeley, ĐHTH Hawaii, ĐHTH
Michigan, ĐHTH Princeton và Trường ĐHTH Columbia, nơi nhiều chuyên gia
về Việt Nam được đào tạo và trưởng thành, như Huỳnh Sanh Thông, Joseph
Buttinger, Bernard Fall, O.W. Wolter, John Whitmore, Alexander B.
Woodside, John T. McAlister Jr., David G. Marr, William J. Duiker, Keith W.
Taylor, Douglas Pike, Hồ Tài Huệ Tâm, Ngô Vĩnh Long, Huỳnh Kim Khánh,
James C. Scott, Samuel L. Popkin, Susan Jayne Werner, David Elliot vv... Mặc
dù dựa trên định hướng liên ngành của Khu vực học, nhưng do trực tiếp đáp
ứng các yêu cầu nhận thức về Việt Nam trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, cho nên
tuyệt đại đa số các công trình của giới học giả Mỹ đều tập trung vào các lĩnh
vực lịch sử, chính trị và văn hóa. Các công trình đề cập đến các lĩnh vực như
kinh tế, xã hội, phát triển vv... còn rất hiếm hoi.
Cùng trong thời gian này Đông Nam Á học và Việt Nam học cũng phát
triển khá mạnh ở Nhật Bản và một số nước Tây Âu khác. Một số trung tâm đào
tạo và nghiên cứu về Việt Nam theo định hướng liên ngành đã hình thành, phát
triển với những thành tựu khá nổi bật, như Đại học Tokyo, Đại học Waseda
(Nhật Bản), ĐHTH Leiden (Hà Lan), ĐHTH Hamburg, ĐHTH Passau (Đức),
ĐHTH Oxford (Anh), ĐHQG Úc vv... Tương tự như ở Pháp và Mỹ, lịch sử,
chính trị, ngôn ngữ và văn hóa vẫn là những lĩnh vực được giới nghiên cứu về
Việt Nam ở các nước quan tâm nhiều nhất.
Ở Liên Xô, Trung Quốc và một số nước XHCN ở Đông Âu nghiên cứu
về Việt Nam cũng từng bước phát triển và đạt được nhiều thành tựu đáng kể.
Nhiều chuyên gia nổi tiếng đã xuất hiện ở Liên Xô, Trung Quốc, CHDC Đức,
Tiệp Khắc, Hungary vv... Các nghiên cứu cũng chủ yếu tập trung vào các vấn
đề lịch sử, lịch sử chính trị, quân sự, văn hóa, văn học và ngôn ngữ. Cá biệt
cũng xuất hiện một số nghiên cứu về lịch sử xã hội, tư tưởng và kinh tế.

113
Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ (ở Mỹ và phương Tây gọi là “chiến
tranh Việt Nam” – The Vietnam War) kết thúc, Việt Nam học ở Mỹ, Pháp, Nhật
Bản và các nước phương Tây tạm thời bị suy thoái nghiêm trọng. Một số cơ sở
nghiên cứu Việt Nam ở Mỹ thậm chí ngừng hoạt động. Một mặt, đây là kết quả
của việc nghiên cứu về Việt Nam từ trước cho đến thời điểm 1975 trước hết
hướng tới mục tiêu phục vụ chiến lược toàn cầu của Chính phủ Mỹ, cho nên khi
cuộc chiến chấm dứt thì công việc này không còn được ưu tiên đầu tư nữa và rơi
vào khủng hoảng. Hơn thế nữa, do tác động của “Hội chứng Việt Nam”
(Vietnam Syndrome) nên nhìn chung công luận Mỹ cũng muốn quên đi một câu
chuyện buồn. Việc suy thoái của nghiên cứu Việt Nam ở Mỹ cũng kéo theo sự
suy giảm của công việc này ở các nước phương Tây khác. Cho đến trước khi
công cuộc Đổi mới ở Việt Nam được khởi xướng (1986) ở phương Tây xuất
hiện rải rác một số nghiên cứu về Việt Nam, song đó chủ yếu là kết quả của
những nghiên cứu đã được triển khai từ giai đoạn trước, vì vậy, về nội dung và
phương pháp, cách tiếp cận cũng chưa có gì thay đổi, chẳng hạn như các nghiên
cứu của Popkin, Huỳnh Kim Khánh, Duiker, Elliot, Hémery vv... Cá biệt cũng
xuất hiện một số nghiên cứu mới liên quan đến cuộc xung đột giữa Trung Quốc
– Việt Nam và Campuchia, như cuốn Red Brotherhood at War: Vietnam,
Cambodia and Laos since 1975 của các tác giả người Úc Grant Evans và Kelvin
Rowley.
Công cuộc Đổi mới và chính sách mở cửa của Việt Nam đã mang lại
luồng sinh khí mới cho Việt Nam học ở nước ngoài. Tháng 12 năm 1986, Đại
hội VI của Đảng vừa phát động công cuộc Đổi mới thì dường như ngay lập tức,
công cuộc nghiên cứu Việt Nam ở Mỹ, Nhật Bản và các nước phương Tây
được hồi sinh. Ngay trong năm 1987 và vài năm sau đó một số chuyên gia và
sinh viên trẻ đã đến Việt Nam vừa học tiếng Việt, vừa khởi động cho những
nghiên cứu mới. Có thể kể đến một số người đến Việt Nam từ khá sớm và về
sau sẽ đóng vai trò quan trọng trong giới Việt Nam học ở nước ngoài, như
Furuta Motoo, Sakurai Yomio, Yoshiharu Tsuboi, David G. Marr, William J.
Duiker, Christoph Giebel, Susan Jayne Werner, Shawn McHale, Peter Zinoman,
Martin Grossheim, Thomas Engelbert, Momoki Shiro vv... Càng về sau, số
lượng các chuyên gia và sinh viên nước ngoài đến học tiếng Việt và tổ chức,
hợp tác nghiên cứu về Việt Nam càng đông hơn.
Đặc biệt là từ sau năm 1995, khi Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, quan hệ
Việt Nam – Hoa Kỳ đã được bình thường hóa và Việt Nam chính thức gia nhập
114
ASEAN thì cũng là lúc Việt Nam học ở nước ngoài thực sự hồi sinh và phát
triển mạnh mẽ, đạt tới một tầm cao mới với nhiều thành tựu mới.
Trong xu hướng chung của Đổi mới, hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa,
đội ngũ Việt Nam học ở nước ngoài và đội ngũ nghiên cứu Việt Nam ở trong
nước ngày càng xích lại và gắn bó với nhau hơn thông qua các hoạt động giao
lưu, hợp tác trong nghiên cứu và đào tạo. Sự ra đời của Trung tâm hợp tác
nghiên cứu Việt Nam tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vào năm 1989 theo
sáng kiến của GS. Phan Huy Lê có thể xem là một dấu mốc lớn đánh dấu sự
“hợp long” trong nỗ lực chung kết nối những nhịp cầu Việt Nam học trong và
ngoài nước. Trong suốt nhiều năm, Trung tâm đã là nhịp cầu tin cậy nhất của
giới Việt Nam học toàn thế giới. Hàng chục nghìn lượt sinh viên, học viên,
nghiên cứu sinh và chuyên gia thuộc nhiều quốc tịch, đại diện cho tất cả các cơ
sở nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài đã đến Trung tâm học tập, làm việc và tổ
chức các nghiên cứu với quy mô khác nhau.
Hoạt động của Trung tâm cũng đưa lại những tác động và ảnh hưởng
không nhỏ đối với giới nghiên cứu ở trong nước. Do Trung tâm không có điều
kiện để phát triển đội ngũ chuyên gia "cơ hữu", cho nên hầu hết các hoạt động
chuyên môn đều phải dựa vào hệ thống cộng tác viên đông đảo, bao gồm
chuyên gia từ nhiều lĩnh vực, nhiều cơ sở đào tạo và nghiên cứu, các cơ quan
ngoại giao và cả các tổ chức, hiệp hội khoa học, nghề nghiệp trên khắp cả các
tỉnh thành của cả nước. Chính thông qua các hoạt động do Trung tâm tổ chức,
đội ngũ nghiên cứu Việt Nam lần đầu tiên đã gặp gỡ nhau thường xuyên hơn
trong công việc nghiên cứu, nhất là họ có nhiều cơ hội giao lưu, đối thoại học
thuật và hợp tác với các đồng nghiệp nước ngoài. Thông qua đó, sự thức tỉnh về
tính cần thiết của sự cập nhật hóa lý luận, phương pháp nghiên cứu và cách tiếp
cận, nhất là cách tiếp cận đa ngành và liên ngành ngày càng được tăng cường.
Đây chính là một trong những cơ sở quan trọng bậc nhất tạo nên sự đồng thuận
cao cho sự ra đời và phát triển của Việt Nam học sau này.
Trong vòng hơn 1/4 thế kỷ, Trung tâm Hợp tác nghiên cứu Việt Nam mà
ngày nay là Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển đã phối hợp với các đối
tác trong nước và quốc tế tổ chức triển khai thành công hàng trăm đề tài, dự án
nghiên cứu với các quy mô khác nhau. Bên cạnh thành tựu về kết nối và đào
tạo, phát triển đội ngũ chuyên gia thì chắc chắn đây là đóng góp quan trọng, có
tầm vóc và ý nghĩa quan trọng nhất. Ở đây chúng chỉ điểm qua một số chương

115
trình, đề tài, dự án nghiên cứu tiêu biểu nhất:
- Các đề tài, dự án nghiên cứu về đô thị cổ Việt Nam do Trung tâm (và
sau này do Viện) phối hợp với các đối tác quốc tế, nhất là UNESCO và các nhà
khoa học Nhật Bản, Pháp, Italy ... tổ chức triển khai, trong đó đặc biệt là các
nghiên cứu được triển khai liên tục trong nhiều năm về Hội An, Phố Hiến,
Thăng Long – Hà Nội, Thành nhà Hồ, Vân Đồn, Domia vv... Kết quả nghiên
cứu của các đề tài, dự án này chính là cơ sở khoa học để các cơ quan có trách
nhiệm xây dựng các bộ hồ sơ để các đô thị cổ được công nhân là các di sản văn
hóa quốc gia, quốc gia đặc biệt và di sản văn hóa thế giới.
- Các chương trình nghiên cứu về nông thôn Việt Nam, đặc biệt là các
nghiên cứu về địa bạ, hương ước, dòng họ, về tái cấu trúc và các chuyển biến về
kinh tế, xã hội, văn hóa ở các khu vực nông thôn.
- Các chương trình, dự án nghiên cứu về một số vùng đặc thù, như nghiên
cứu về vùng Nam Bộ, vùng Bắc Trường Sơn – Tây Nguyên, vùng Tây Nguyên,
vùng Tây Bắc, vùng châu thổ sông Hồng, vùng duyên hải vv...
- Các chương trình, đề tài nghiên cứu về chủ quyền, biên giới, biển đảo
Việt Nam, nhất là về lịch sử và chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa.
- Các chương trình, đề tài nghiên cứu về một số vấn đề hay quá trình đặc
biệt của Việt Nam trong quá trình Đổi mới và hội nhập quốc tế, như quá trình
công nghiệp hóa, hiện đại hóa, quá trình đô thị hóa, biến đổi kinh tế - xã hội,
quá trình phục hồi và biến đổi của lễ hội, quá trình phân tầng, phân nhóm xã
hội, biến đổi văn hóa và lối sống, biến đổi môi trường và khí hậu, biến đổi của
định hướng giá trị, quản lý đô thị, quản lý phát triển và quản lý khủng hoảng,
nghiên cứu xây dựng địa chí các địa phương vv...
Trong số các chương trình, đề tài nghiên cứu do Trung tâm Hợp tác
nghiên cứu Việt Nam (sau đổi thành Trung tâm Hợp tác nghiên cứu Việt Nam
và Giao lưu văn hóa và Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển – từ năm
2004) phối hợp với các đối tác trong nước và nước ngoài tổ chức, triển khai, có
ba chương trình và dự án nghiên cứu rất đáng lưu ý:
+ Chương trình Thái học Việt Nam được tổ chức triển khai từ năm 1989.
Đây là chương trình nghiên cứu khoa học liên ngành đầu tiên về một nhóm các
dân tộc thiểu số được tổ chức ở Việt Nam. Cho đến nay vẫn là chương trình duy
116
nhất. Chương trình có mục tiêu là nghiên cứu tổng thể, toàn diện về các dân tộc
thiểu số ở Việt Nam thuộc ngữ hệ Thái – Kadai. Đến năm 2014, Chương trình
đã thu hút sự tham gia, cộng tác của hàng trăm nhà khoa học, cộng tác viên, chủ
yếu là các trí thức người dân tộc thiểu số thuộc ngữ hệ Thái – Kadai đang công
tác tại các cơ sở đào tạo và nghiên cứu trong phạm vi cả nước và hàng chục
chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực đang làm việc tại các trường đại học, viện
nghiên cứu và cơ quan quản lý ở Hà Nội và các địa phương. Chương trình đã tổ
chức được 6 Hội nghị toàn quốc về Thái học Việt Nam, triển khai nhiều nghiên
cứu cơ bản về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán và cơ hội phát
triển của các dân tộc thiểu số thuộc ngữ hệ Thái – Kadai gắn với các không gian
phát triển cụ thể ở vùng Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc và Thanh – Nghệ - Tĩnh.
+ Dự án nghiên cứu Bách Cốc. Đây là một dự án nghiên cứu được Trung
tâm phối hợp với các nhà khoa học Nhật Bản tổ chức từ năm 1994 và triển khai
10 năm liên tục (1994-2004) theo phương pháp và cách tiếp cận Khu vực học
hiện đại mang đặc sắc của trường phái Khu vực học Nhật Bản.72 Trong các năm
sau, dự án tiếp tục được đánh giá và triển khai ở nhiều cấp độ khác nhau. Có thể
nói đây là một dự án nghiên cứu được tổ chức theo mô hình Khu vực học hiện
đại một cách bài bản, công phu nhất trong toàn bộ lịch sử Khu vực học ở Đông
Nam Á. Hàng trăm lượt nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản đã tổ chức “quan
trắc” liên ngành, liên lĩnh vực trong khoảng thời gian liên tục 10 năm nhằm
khám phá những đặc trưng, đặc điểm và biến đổi của một không gian lịch sử -
văn hóa và không gian phát triển ở quy mô nhỏ nhất. Thông qua đó, phân tích
và đánh giá quá trình chuyển đổi của nông thôn miền Bắc Việt Nam trong thời
kỳ Đổi mới một các đa chiều cạnh và thực chứng.
+ Chương trình nghiên cứu về Thăng Long – Hà Nội bao gồm hàng chục
đề tài, dự án nghiên cứu về lịch sử, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục và con
người Thủ đô được tổ chức triển khai liên tục trong hơn 10 năm.
Một đặc điểm lớn của nghiên cứu Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới, của
cả người Việt Nam và người nước ngoài, là: bên cạnh việc tiếp nối những định
hướng nghiên cứu “truyền thống”, tức là tập trung vào các vấn đề lịch sử, văn
hóa, ngôn ngữ vv... thì các vấn đề đương đại, mang tính phức hợp cao, như các
quá trình biến đổi kinh tế - xã hội – văn hóa, quá trình công nghiệp hóa, đô thị

72
Về Chương trình nghiên cứu Bách Cốc, xem: Yumio Sakurai, “Việt Nam học như là Khu vực học được triển
khai trên Dự án Bách Cốc”, Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế về Việt Nam học lần thứ III, tập I, tr. 62-71.
117
hóa, hội nhập quốc tế, di dân, sinh kế và tài nguyên, môi trường vv... ngày càng
chiếm ưu thế. Đây chính là bước chuyển biến của Việt Nam học từ nền tảng của
Khu vực học cổ điển sang Khu vực học hiện đại. Cùng với các Hội thảo Quốc tế
về Việt Nam học (đã tổng thuật ở trên), các hoạt động và thành tựu của Trung
tâm và Viện Việt Nam học đã có đóng góp vô cùng to lớn vào sự ra đời và phát
triển của ngành Việt Nam học ở Việt Nam và trên thế giới với tư cách là khoa
học cơ bản, liên ngành, định hướng ứng dụng. Đây chính là một trong những
nền tảng học thuật quan trọng nhất của ngành Hà Nội học hiện đại.

3.3. Đô thị học và Đô thị học phát triển


Trong toàn bộ lịch sử của mình, Hà Nội luôn luôn bao gồm hai khu vực,
hai yếu tố cấu thành cơ bản, đó là khu vực đô thị cùng với các yếu tố đô thị và
khu vực nông thôn cùng các yếu tố nông thôn. Trong đó, khu vực đô thị chính là
vùng lõi của Hà Nội, trong khi khu vực nông thôn bao bọc, tạo thành vành đai
xung quanh khu vực lõi. Dẫu cho tỉ lệ (xét về diện tích) giữa hai khu vực này
trong các thời kỳ lịch sử không giống nhau, song chắc chắn Hà Nội luôn luôn là
một trong những địa phương có chỉ số đô thị hóa cao nhất của cả nước. Chính vì
vậy, một trong những nền tảng học thuật của ngành Hà Nội học nhất định phải
là môn Đô thị học (urban studies).
Trên thế giới, ngành Đô thị học đã ra đời từ khá sớm trên cơ sở những
nghiên cứu riêng lẻ, chuyên biệt về các khía cạnh của đời sống đô thị. Những
nghiên cứu này ra đời rất sớm với những ghi chép về các thành thị cổ đại như
Athene, Roma, Alexandria, Babylon, Cartage vv... Tuy nhiên, Đô thị học hiện
đại thực sự chỉ ra đời ở phương Tây từ sau Thế chiến II.73
Tương tự như Khu vực học hiện đại, Đô thị học hiện đại là một khoa học
liên ngành nghiên cứu tất cả các khía cạnh của đời sống đô thị, trong đó đặc biệt
là kinh tế đô thị, quy hoạch đô thị, sinh thái đô thị, giao thông đô thị, chính trị
và quản lý đô thị, xã hội học đô thị, dân cư đô thị, văn hóa đô thị, đô thị và các
mối tương tác vùng, liên vùng và quốc tế vv.... Từ một vài cơ sở nghiên cứu
và đào tạo đầu tiên tại Rutger University và Harvard-MIT ra đời vào năm 1959
ở Mỹ, ngày nay Đô thị học đã trở thành một lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu
thịnh hành ở hàng nghìn trường đại học, viện nghiên cứu trên khắp thế giới.
Riêng ở Việt Nam, Đô thị học đã được manh nha tại các trường đại học về kiến

73
Xem: "Urban Studies", in trong: Hutchison, Ray, Encyclopedia of Urban Studies, SAGE Publications, 2009,
tr. 930-935.
118
trúc và xây dựng, cho đến tận gần đây mới xuất hiện một số cơ sở nghiên cứu
và đào tạo Đô thị học với tính của một khoa học liên ngành tại ĐHQG Hà Nội,
ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh và một số trường đại học khác.
Trong tình hình trên, các công trình về Đô thị học, vì vậy, chủ yếu là các
nghiên cứu của giới học giả nước ngoài, được công bố bằng tiếng Anh và các
ngoại ngữ khác, nhất là các tài liệu về lý thuyết và phương pháp nghiên cứu.
Ở Việt Nam, hai công trình đáng lưu ý đã xuất hiện gần đây là cuốn Đô thị học
nhập môn của Trương Quang Thao (Nxb. Xây dựng, 2001) và cuốn Đô thị học:
những vấn đề lý luận và thực tiễn của Nguyễn Minh Hòa (Nxb. Đại học Quốc
gia Tp. Hồ Chí Minh, 2012). Ngoài ra còn có khá nhiều công trình đi sâu vào
chuyên ngành của Đô thị học, như xã hội học đô thị, quy hoạch đô thị, kiến trúc
đô thị, lịch sử đô thị hoặc quản lý đô thị.
Tuy còn khá non trẻ ở Việt Nam nhưng Đô thị học chắc chắn sẽ là một
định hướng nhiều hứa hẹn và là một nền tảng không thể thiếu được của Hà Nội
học. Đặc biệt, cách tiếp cận của Đô thị học hiện đại có rất nhiều điểm tương
đồng với cách tiếp cận của Khu vực học hiện đại. Vì vậy, hai nền tảng học thuật
này sẽ có tác động tương hỗ, tạo nên nguồn lực đặc biệt cho sự phát bền vững
của ngành Hà Nội học hướng tới đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong thực tiễn phát
triển bền vững của Thủ đô.
Cốt lõi của bất kỳ trường phái Đô thị học nào cũng là quy hoạch đô thị
(urban planning). Thậm chí ở nhiều nước, quy hoạch đô thị ra đời trước cả Đô
thị học và phát triển như một khoa học độc lập, bao gồm nhiều chuyên ngành,
như quy hoạch kiến trúc, quy hoạch giao thông, quy hoạch không gian, quy
hoạch dân cư vv... Tình hình trên đây cho thấy, vấn đề luôn luôn được coi là cơ
bản, vừa mang tính chiến lược, dài hạn lại vừa mang tính quan trọng, cấp bách
đối với hầu hết các đô thị trên thế giới chính là vấn đề quy hoạch.
Trong thực tiễn phát triển của Hà Nội, quy hoạch đô thị cũng luôn được
quan tâm. Công tác quy hoạch đô thị Hà Nội không chỉ được xem là công việc
quan trọng của Thành phố mà còn được đặt ở tầm mức quốc gia với sự vào cuộc
tích cực của Chính phủ và một số bộ ngành. Bên cạnh các cơ quan quản lý nhà
nước, như Bộ Xây dựng, sở Quy hoạch kiến trúc còn có nhiều cơ quan chuyên
môn, trường đại học với đội ngũ chuyên gia trong nước và quốc tế tham gia vào
công việc này. Tuy nhiên, như đã chỉ ra ở Chương 1, quy hoạch đã và luôn luôn
vẫn đang là một trong những vấn đề phức tạp, gay gắt nhất trong thực tiễn phát
119
triển bền vững của Thủ đô. Thậm chí, một vị nguyên là Chủ tịch UBND Thành
phố từng phải thừa nhận: “Hầu hết các quy hoạch làm rất kỹ nhưng đều cất vào
tủ, dùng để quản lý cũng không được mà để xây dựng cũng không xong”, còn
Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải thì nhận xét rằng quy hoạch Thủ đô luôn
bộc lộ một khuyết điểm trầm trọng là “thiếu tầm nhìn”.74
“Thiếu tầm nhìn” thực chất là căn bệnh nan y, khá phổ biến của quy
hoạch đô thị và phát triển đô thị, thậm chí ở ngay cả các nước, các đô thị có
truyền thống quy hoạch quy củ, khoa học khá lâu đời và đang phát triển đô thị ở
tầm cao nhất hiện nay, như Italy, Pháp, Đức, Nga vv... Tuy nhiên, ở các quốc
gia này, “khủng hoảng quy hoạch” chỉ xảy ra khi mô hình phát triển đô thị thay
đổi – ví dụ: chuyển đổi mô hình đô thị công nghiệp sang đô thị xanh, đô thị sinh
thái. Trong một số trường hợp khác, “khủng hoảng đô thị” có thể cũng diễn ra,
nhưng chỉ mang tính cục bộ, khi một đô thị cụ thể nào đó thay đổi chức năng
hoặc chịu tác động của một yếu tố lớn lao từ bên ngoài (chiến tranh, thiên tai
lớn vv...) Những “khủng hoảng” hay điều chỉnh quy hoạch đối với các đô thị
này đường như là tất yếu, không tránh khỏi trong quá trình phát triển.Tình hình
trên đây cũng xảy ra đối với Hà Nội, tuy nhiên ở quy mô lớn hơn, mức độ trầm
trọng hơn và với tần suất cũng thường xuyên hơn.
Để giảm thiểu và khắc phục tình hình trên, ngành Đô thị học ở nhiều
nước phát triển đã sớm khởi động quá trình tái định hướng (re-orientation) với
việc đặt ngành Quy hoạch đô thị trong khuôn khổ của Đô thị học hiện đại với
tính cách một khoa học liên ngành. Trong cấu trúc của Đô thị học hiện đại thì
Quy hoạch đô thị vẫn là bộ phận cốt lõi, tuy nhiên nội hàm của khái niệm “quy
hoạch” đã trở nên rộng lớn hơn, hướng tới mục tiêu phát triển bề vững đô thị.
Theo đó, quy hoạch đô thị có tầm nhìn chiến lược xa rộng và toàn diện hơn, các
nghiên cứu dự báo sẽ đưa lại những kịch bản phát triển, chiến lược phát triển
dài hạn, trên cơ sở đó mô hình phát triển của từng đô thị được xác định sẽ trở
thành định hướng lâu dài cho công tác quy hoạch. Đồng thời, dữ liệu từ tất cả
các lĩnh vực của đời sống đô thị sẽ được thu thập và xử lý bởi các bộ công cụ và
khung phân tích khoa học, cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn vững chắc
cho quy hoạch tổng thể và quy hoạch chuyên ngành. Nhờ đó mà bài toán quy

74

http://www.ashui.com/mag/index.php/chuyenmuc/quyhoachxaydung/68-quyhoachxaydung/2324-do-thi-va-quy-
hoach-do-thi-tu-duy-va-tiep-can.html
120
hoạch đô thị đã và đang được tiếp cận và tìm ra những lời giải phù hợp hơn với
sự phát triển bền vững của đô thị.
Đô thị học hiện đại cùng với Khu vực học hiện đại còn tiếp cận và tìm lời
giải cho những vấn đề đặt ra trong thực tiễn phát triển bền vững của đô thị ở cả
tầm vĩ mô và tầm vi mô, bao gồm các vấn đề về sinh kế đô thị, dân cư đô thị,
môi trường đô thị, văn hóa đô thị, quản lý đô thị, và an ninh truyền thống và phi
truyền thống đối với các đô thị hiện đại.
Thực tiễn phát triển Đô thị học ở nhiều nước cho thấy yêu cầu cấp bách
của việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành chuyên môn này. Tìm kiếm trên
internet cho hay, hiện nay đã có hàng trăm trường đại học ở khắp các nước tham
gia đào tạo ngành Đô thị học ở các trình độ cử nhân, thạc sĩ và đã có một số cơ
sở đào tạo ở bậc tiến sĩ. Trong tương lai, chắc chắn đây sẽ là một lĩnh vực đào
tạo quan trọng trong các trường đại học ở Việt Nam. Trước mắt, để đáp ứng yêu
cầu phát triển của Hà Nội và của ngành Hà Nội học, cần sớm tổ chức ở Hà Nội
các chương trình đào tạo Đô thị học hiện đại. Hợp tác giữa các cơ sở đã có bề
dày kinh nghiệp đào tạo về quy hoạch đô thị, kiến trúc đô thị, giao thông đô thị
với các cơ sở đào tạo về Khu vực học và các trường đại học, viện nghiên cứu
tiên tiến ở nước ngoài chắc chắn là một trong những giải pháp hàng đầu khả dĩ
đáp ứng được yêu cầu của Thủ đô trong những thập kỷ trước mắt.

121
Chương 4:
ĐỀ XUẤT ĐỊNH HƯỚNG
PHÁT TRIỂN NGÀNH HÀ NỘI HỌC

4.1. Những ý tưởng khởi nguồn cho ngành Hà Nội học


Như đã chỉ ra ở Chương 2, công việc nghiên cứu về Hà Nội đã được khởi
đầu từ khá sớm và đã có lịch sử phát triển liên tục trong suốt hơn 150 năm qua.
Trong quá trình đó, xuất phát từ thực tiễn nghiên cứu, nhiều nhà khoa học đã
nêu ra những ý tưởng, đề xuất các chủ đề, vấn đề hay định hướng mới cho
nghiên cứu về Hà Nội. Tuy nhiên cho đến trước năm 1975, các ý tưởng, đề xuất
đều còn mang tính chất phân tán, cụ thể, chưa mang tính hệ thống và định
hướng.
Trong số những người nghiên cứu về Hà Nội, theo GS. Phan Huy Lê thì
chính GS. Trần Quốc Vượng “là người đầu tiên đưa ra khái niệm “Hà Nội
học” để tôn vinh những nhà khoa học có nhiều cống hiến trong nghiên cứu Hà
Nội và đề xuất thành lập Trung tâm Hà Nội học”.75 Nói về sự nghiệp nghiên
cứu Hà Nội của GS. Trần Quốc Vượng, GS. Đinh Xuân Lâm khẳng định: “Hơn
40 năm qua, GS. Trần Quốc Vượng vẫn miệt mài nghiên cứu về Hà Nội và có
những công trình khoa học đặc sắc về Hà Nội, ông cũng là người có công đầu
trong việc xây dựng ngành Hà Nội học. Nếu có một danh hiệu "nhà Hà Nội
học" thì người đầu tiên và xứng đáng nhất để nhận danh hiệu là GS. Trần Quốc
Vượng".76
Từ bài viết đầu tiên về Hà Nội được công bố vào những nhăm 50 của thế
kỷ trước (viết chung với GS. Hà Văn Tấn, đăng trên báo Thủ đô Hà Nội) cho
đến lúc qua đời vào năm 2008, GS. Trần Quốc Vượng đã có hàng chục công
trình nghiên cứu về Hà Nội, trong đó tiêu biểu nhất là các tác phẩm "Hà Nội
nghìn xưa" (1975, viết chung với Vũ Tuân Sán) "Hà Nội, thủ đô nước
CHXHCN Việt Nam" (1984, Chủ biên) "Hà Nội như tôi hiểu" (2005), "Thăng

75
Phan Huy Lê, “Trần Quốc Vượng với văn hóa Việt Nam, Thăng Long – Hà Nội”,
http://vnu.edu.vn/btdhqghn/?C2157/N12416/Tran-Quoc-Vuong-voi-van-hoa-Viet-Nam,Thang-Long--Ha-Noi.ht
m.
76
Dẫn lại theo: Lâm Thị Mỹ Dung, "GS.NGƯT Trần Quốc Vượng: Thầy tôi - cây đại thụ của nền Sử học Việt
Nam", in trong: Đại học Quốc gia Hà Nội, 100 chân dung - một thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội, Nxb. Đại học
Quốc gia Hà Nội, 2006, tr. 720.
122
Long - Hà Nội - Tìm tòi và suy ngẫm" (2006) và "Đất thiêng ngàn năm văn vật"
(2010) vv... Các công trình của GS. Trần Quốc Vượng thực sự đặt nền tảng cho
ngành Hà Nội học ra đời và phát triển, bởi lẽ đây chính là những nghiên cứu
đầu tiên tiếp cận và luận giải các vấn đề của Hà Nội theo hướng liên ngành, coi
Thăng Long - Hà Nội như một chỉnh thể, một không gian lịch sử - văn hóa -
một đối tượng nghiên cứu độc lập.
Cùng với GS. Trần Quốc Vượng, các nhà nghiên cứu như Vũ Tuân Sán77
và Nguyễn Vinh Phúc78 cũng dành nhiều công sức và tâm huyết nghiên cứu về
Hà Nội với những đóng góp to lớn, có ý nghĩa quan trọng. Công trình nổi tiếng
nhất của Vũ Tuân Sán chính là cuốn "Hà Nội xưa và nay" (2007). Trong khi đó,
các khảo cứu của Nguyễn Vinh Phúc, trong đó có tới 15 tập sách riêng, với một
số công trình tiêu biểu như: "Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở Hà Nội", "Hà
Nội qua những năm tháng", "Hà Nội con đường, dòng sông, lịch sử", "Hanoi
past and present", "Sites, histoire et légendes d’Hanoi", "Hà Nội thành phố
nghìn năm", "Hà Nội và phụ cận", "Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn", "Mặt
gương Tây Hồ", "Phố và đường Hà Nội", "Hà Nội - cõi đất con người." vv...
đều là những đóng góp có giá trị đối với sự hình thành và phát triển của sự
nghiệp nghiên cứu về Hà Nội với tư cách một không gian lịch sử - văn hóa, với
những đặc trưng và bản sắc riêng, độc đáo.
Việc triển khai thành công Chương trình Khoa học và công nghệ trọng
điểm cấp nhà nước KX.09 “Nghiên cứu phát huy điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã
hội và giá trị lịch sử - văn hoá 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, phục vụ phát
triển toàn diện Thủ đô” do GS.TS. Phùng Hữu Phú làm Chủ nhiệm không chỉ là
một bước phát triển quan trọng mà thực sự còn góp phần tạo nên tảng nền quan
trọng cho sự ra đời và phát triển ở tầm cao mới của ngành Hà Nội học. Đây là
lần đầu tiên một chương trình nghiên cứu toàn diện, đa ngành và liên ngành về
Hà Nội được tổ chức quy mô lớn, khoa học, bài bản và công phu, vì thế, kết quả
của Chương trình đã vượt lên trên tầm vóc của những nghiên cứu cụ thể về Hà
Nội, đặc biệt là những hệ thống kiến nghị, giải pháp của Chương trình trực tiếp
hướng tới việc góp phần giải quyết các vấn đề đương đại, đang đặt ra trong thực
tiễn phát triển của Thủ đô.

77
Riêng Vũ Tuân Sán từ năm 1965 đến 2009 đã công bố tới 70 công trình. Xem: Vũ Văn Quân, Đỗ Thị Hương
Thảo, Sđd, tr. 373-379.
78
Từ năm 1973 đến khi qua đời vào năm 2012, nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc đã công bố 96 công trình về
Hà Nội. Xem: Vũ Văn Quân và Đỗ Thị Hương Thảo, sđd, tr. 341-349.
123
Cuộc Hội thảo Quốc tế “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến,
anh hùng, vì hòa bình” được tổ chức thành công nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000
năm Thăng Long – Hà Nội là một dấu mốc đặc biệt trên lộ trình xây dựng và
phát triển ngành Hà Nội học. Hội thảo có 157 tham luận khoa học, trong đó có
29 tham luận của các học giả quốc tế, tiếp cận và nghiên cứu một cách toàn diện
các vấn đề đặt ra trong thực tiễn xây dựng và phát triển Thủ đô, từ các vấn đề
lịch sử - chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội, điều kiện tự nhiên, tài nguyên, môi
trường, quy hoạch và quản lý đô thị vv... Sau hai ngày trao đổi và thảo luận, các
chuyên gia Việt Nam và nước ngoài, các nhà quản lý và lãnh đạo đều thống
nhất đi tới một nhận định chung: cần thiết phải tổ chức xây dựng và phát triển
ngành Hà Nội học. Tại phiên bế mạc Hội thảo, GS. Phan Huy Lê đã nêu kiến
nghị cụ thể của các nhà khoa học, đại diện cho giới nghiên cứu về Hà Nội ở
trong nước và quốc tế như sau: “Lãnh đạo Hà Nội cần sớm thành lập viện hoặc
trung tâm nghiên cứu về Hà Nội. Nhưng điều quan trọng, đây phải là viện
nghiên cứu toàn diện, liên ngành và đa ngành về Hà Nội. Có thể bộ phận tổ
chức của nó không lớn lắm, phải có những người lãnh đạo có tầm cỡ và phải có
một số nhà nghiên cứu khoa học chuyên ngành trên những lĩnh vực cần thiết.
Phương hướng phát triển chủ yếu của nó là phải tạo lập được sự liên kết và sự
hợp tác trong nước và quốc tế. Có thể nói là hợp tác liên ngành, hợp tác quốc
nội và hợp tác quốc tế là cơ sở có ý nghĩa quyết định cho sự thành công của tổ
chức nghiên cứu này. Và nếu đi theo phương thức đó thì tổ chức này chỉ cần
thành lập, tôi hy vọng sau một thời gian không dài sẽ trở thành trung tâm rất
mạnh và sẽ đóng góp phần quan trọng cho phát triển bền vững của Hà Nội, vừa
cung cấp các cứ liệu khoa học, vừa trực tiếp tư vấn cho các nhà quản lý, lãnh
đạo Hà Nội.”79
Đến đây, có thể thấy rõ những định hướng cơ bản trong việc xây dựng và
phát triển ngành Hà Nội học đã được các nhà khoa học đầu đàn, đi tiên phong
trong việc cống hiến tâm sức, trí tuệ cho sự nghiệp nghiên cứu về Hà Nội chỉ ra
là: 1) Hà Nội học phải là một khoa học đa ngành và liên ngành, tiếp cận và
nghiên cứu Hà Nội một cách toàn diện; 2) Nghiên cứu về Hà Nội theo định
hướng nói trên chắc chắn sẽ phải hướng tới những đóng góp thiết thực đối với
sự nghiệp phát triển bền vững của Thủ đô thông qua việc cung cấp cứ liệu khoa
học và tư vấn chính sách; 3) Cần phải tổ chức ngành Hà Nội học trên cơ sở có

79
Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội, Nxb. Hà Nội, 2012, tr. 1508. (PHT nhấn mạnh)
124
một tổ chức khoa học và công nghệ làm đầu mối, quy tụ trí tuệ và tâm huyết của
chuyên gia trong nước và quốc tế cùng nghiên cứu về Hà Nội.
Trên cơ sở đó, cuộc Hội thảo Hà Nội học: phương pháp tiếp cận và nội
dung nghiên cứu do Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển và Hội Sử học
Hà Nội phối hợp tổ chức vào tháng 12 năm 2011 là một bước đi hết sức quan
trọng tiến tới việc xác định rõ hơn những vấn đề cơ bản của Hà Nội học với tư
cách một ngành khoa học. Hội thảo đã nhận được tham luận của 30 nhà khoa
học tập trung bàn luận về hệ các vấn đề về phương pháp tiếp cận, phương pháp
luận, nội dung của khái niệm Hà Nội học, trong đó có 2 bài của các tác giả nước
ngoài. Tham dự và trao đổi ý kiến tại Hội thảo còn có hàng chục nhà khoa học,
nhà lãnh đạo và quản lý giàu tâm huyết với sự nghiệp nghiên cứu Hà Nội.
Trên cơ sở đồng thuận cao với chủ trương xây dựng và phát triển ngành
Hà Nội học, Hội thảo tập trung trao đổi về vấn đề đối tượng, tính chất và phạm
vi của Hà Nội học.
PGS.TS. Phạm Xuân Hằng lập luận: "Là kinh đô, thủ đô nên hiện thực
Thăng Long - Hà Nội mang tính chất đa lĩnh vực, đa chiều, đa tầng và đa năng
của các giá trị được sản sinh, quy tụ, tích tụ và tỏa sáng do con người trên mảnh
đất Thăng Long - Hà Nội tạo lập. Chính vì thế, nó đã phản ánh một bức tranh
sinh động về một vùng đất, một khu vực có vị trí quan trọng nhất Việt Nam.
Hiện thực nêu trên của vùng đất Hà Nội ngày nay đang đòi hỏi phải có một
khoa học khám phá các giá trị nhiều mặt của khu vực này. Đó là khoa học
nghiên cứu về khu vực Hà Nội, gọi là Hà Nội học. Vì vậy, phải chăng có thể coi
Hà Nội học là một khoa học khu vực học, nghiên cứu toàn diện mọi hoạt động
của con người trên vùng đất Thăng Long - Hà Nội (chính trị, hành chính, lịch
sử, văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế, quân sự, bang giao, địa lý tự nhiên,
con người Hà Nội ...) và nhằm khái quát, giữ gìn, phát huy các giá trị nhiều mặt
phục vụ cho phát triển Thủ đô và đất nước".80
Ý kiến trên của PGS.TS. Phạm Xuân Hằng nhận được sự thuận cao của
Hội thảo. Tuy nhiên, có một vấn đề chưa rõ ở đây là: Phạm vi nghiên cứu của
Hà Nội học là không gian lịch sử - văn hóa Thăng Long - Hà Nội hay là không
gian phát triển bao gồm toàn bộ khu vực nằm trong địa giới hành chính mới của
Hà Nội, hoặc bao gồm toàn bộ "Vùng Hà Nội"?

80
Phạm Xuân Hằng, "Một số vấn đề tiếp cận Hà Nội học", Kỷ yếu Hội thảo khoa học Hà Nội học: Phương
pháp tiếp cận và nội dung nghiên cứu", Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2011, tr. 46.
125
Tham gia Hội thảo, GS. Sakurai Yomio - nhà khu vực học Nhật Bản nổi
tiếng, đã đóng góp những ý kiến vô cùng sâu sắc, rất đáng được giới nghiên cứu
lưu tâm, cân nhắc.81
Thứ nhất, theo GS. Sakurai thì cho đến năm 2011 ít nhất đã có hai
khuynh hướng Hà Nội học cũ tồn tại và phát triển. Khuynh hướng thứ nhất tập
trung nghiên cứu về Hà Nội đương đại theo hướng tiếp cận chuyên ngành, như
kế hoạch đô thị học, xã hội học đô thị vv... Và ông cho rằng những nghiên cứu
này thuộc về loại hình Nghiên cứu Hà Nội / Hanoi studies hay Khoa học Hà
Nội / Hanoi Sciences. Khuynh hướng thứ hai được GS. Sakurai gọi là "Hà Nội
học / Hanoiology" khởi đầu vào khoảng thế kỷ 19 dưới dạng Địa chí học /
human geography mà một trong những công trình đầu tiên chính là Đại Nam
nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, trong đó có ghi chép
về các đặc điểm, khía cạnh của đời sống Hà Nội. Truyền thống này được tiếp
nối trong thời cận đại bởi Đông phương học kiểu Pháp. Đây là cái mà GS.
Sakurai gọi là "Hà Nội học cũ". Có thể nói thêm rằng đây cũng chính là truyền
thống nghiên cứu Hà Nội học mà thế hệ các nhà Hà Nội học tiên phong thời
hiện đại như Vũ Tuân Sán và Nguyễn Vinh Phúc tiếp tục phát huy trong các
nghiên cứu đã được nhắc đến ở bên trên.
Thứ hai, GS. Sakurai Yomio cho rằng cần phải xây dựng và phát triển
ngành "Hà Nội học mới": "Chúng ta phải xây dựng Hà Nội học mới dưới sự
tổng hợp từ hai bộ môn (hai khuynh hướng đã nói ở trên - PHT) bằng phương
pháp liên ngành / interdisciplinary method trở thành một bộ môn tức là Hà Nội
học mới / Hanoi study như là một lĩnh vực của Khu vực học mới / area study".82
Có thể thấy ý kiến chỉ dẫn của GS. Sakurai đã "bắt mạch" đúng xu hướng phát
triển hiện đại của Hà Nội học dựa trên nền tảng của Khu vực học mà GS. Trần
Quốc Vượng chính là người đi tiên phong và xây đắp những nền tảng đầu tiên.
Thứ ba, trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn nghiên cứu liên ngành về Hà
Nội, GS. Sakurai đã đề xuất một mô hình nghiên cứu hiện đại, đó là Thông tin
khu vực học / Informatics Area Studies. Đây là mô hình cho phép ứng dụng
những tiến bộ mới nhất của tin học vào nghiên cứu toàn diện về Hà Nội dựa trên
nền tảng lý thuyết và phương pháp của Khu vực học. Nhờ đó, kết quả nghiên
cứu mang tính cập nhật hơn, thực chứng hơn, toàn diện hơn. Đặc biệt là kết quả

81
Xem: Yumio Sakurai, "Hà Nội học mới là gì?", Kỷ yếu Hội thảo khoa học Hà Nội học: Phương pháp tiếp
cận và nội dung nghiên cứu", Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2011, tr. 51-54.
82
Như trên.
126
nghiên cứu có thể trở thành nguồn dữ liệu đầu vào trực tiếp phục vụ phát triển
bền vững Thủ đô Hà Nội, nhất là đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quy hoạch
và quản lý đô thị.
Loại vấn đề thứ hai mà các nhà khoa học tham gia Hội thảo dành nhiều
thời gian và trí tuệ bàn thảo, nhằm làm sáng tỏ chính là về những định hướng
nội dung chính của ngành Hà Nội học.
Về mục đích tổng quát của Hà Nội học, GS.TS. Trương Quang Hải cho
rằng: "Theo quan điểm Khu vực học và tiếp cận liên ngành, có thể hiểu Hà Nội
học là bộ môn nghiên cứu các lĩnh vực hoạt động của con người và mối quan hệ
giữa con người với thiên nhiên nhằm đạt tới nhận thức tổng hợp về không gian
văn hóa xã hội và con người Hà Nội".83
Tổng hợp các đề xuất từ đội ngũ chuyên gia tham dự Hội thảo, GS.TS.
Nguyễn Quang Ngọc nhận xét: "Bên cạnh các chương trình nghiên cứu đầy đủ
và tổng thể là các nghiên cứu về từng lĩnh vực, nhưng vẫn đặt trong các mối
tương quan chung như:
- Nghiên cứu kinh tế - xã hội;
- Nghiên cứu thiên nhiên và mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên,
nghiên cứu địa lý tự nhiên và môi trường sinh thái;
- Nghiên cứu Hà Nội cổ truyền và các vùng mở rộng;
- Nghiên cứu văn hóa và các tiểu vùng văn hóa;
- Nghiên cứu di sản văn hóa; nghiên cứu không gian văn hóa, gia đình thi
thư Hà Nội;
- Nghiên cứu đặc trưng đô thị, quá trình đô thị hóa, các vùng nông thôn
ven đô, ngoại thành...;
- Nghiên cứu các nguồn lực tự nhiên, chính sách, khoa học công nghệ và
con người phục vụ phát triển bền vững Thủ đô..."84
Như vậy, có hai định hướng nội dung cơ bản của Hà Nội học, ít nhất là
đối với giai đoạn hiện nay:

83
Trương Quang Hải, "Một số nội dung nghiên cứu về thiên nhiên và mối quan hệ giữa con người với thiên
nhiên trong Hà Nội học", Kỷ yếu Hội thảo khoa học Hà Nội học: Phương pháp tiếp cận và nội dung nghiên
cứu", Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2011, tr. 110-111.
84
Nguyễn Quang Ngọc, "Hướng tới một Hà Nội học toàn diện, liên ngành và đa ngành", Kỷ yếu Hội thảo khoa
học Hà Nội học: Phương pháp tiếp cận và nội dung nghiên cứu", Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2011, tr. 18-19.
127
Thứ nhất là các nghiên cứu liên ngành về Hà Nội học theo hướng "Hà
Nội học mới" - nói như GS. Sakurai Yomio, tức là các nghiên cứu liên ngành
dựa trên nền tảng của Khu vực học hiện đại;
Thứ hai là các nghiên cứu chuyên ngành - chuyên biệt về từng lĩnh vực,
đi sâu vào việc góp phần giải quyết từng vấn đề / nhóm vấn đề hoặc nhận thức
từng phương diện của Hà Nội.
Trong tình hình hiện nay, căn cứ vào yêu cầu thực tiễn thì cả hai định
hướng nội dung cơ bản như trên là hoàn toàn phù hợp, đều hướng tới mục tiêu
chung là góp phần cung cấp cơ sở, luận cứ khoa học cho việc giải quyết các vấn
đề đặt ra trong thực tiễn phát triển bền vững của Thủ đô. Điều quan trọng hơn là
hai định hướng nghiên cứu như trên cần tương hỗ, bổ sung cho nhau, chứ không
được hướng tới chỗ xung đột và loại trừ nhau, như đã từng xảy ra trong thực
tiễn nghiên cứu ở Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ và một số nơi khác - như GS.
Sakurai đã cảnh báo.85
Một đề xuất của PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ được các nhà khoa học tham
gia Hội thảo đánh giá cao là xây dựng bộ cơ sở dữ liệu khoa học tích hợp, liên
ngành về Hà Nội. Đây cũng chính là vấn đề được chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh
trong nghiên cứu này.
Về phương pháp nghiên cứu và cách tiếp cận, trên cơ sở xác định tính
chất, đối tượng, phạm vi và những định hướng nội dung nghiên cứu cơ bản như
trên, các nhà khoa học đều nhất trí cao ở một số điểm chính sau đây:
Thứ nhất, Hà Nội học hiện đại là môn khoa học liên ngành và đa ngành,
dựa trên nền tảng của Khu vực học. Vì vậy, nền tảng phương pháp nghiên cứu
và cách tiếp cận là phương pháp nghiên cứu liên ngành của Khu vực học;
nguyên tắc tiếp cận là tiếp cận Hà Nội như một chỉnh thể, tiếp cận đa chiều và
tổng thể. Trên cơ sở của phương pháp và cách tiếp cận như trên, Hà Nội học
hoàn toàn có thể tiếp tục tiếp thu, vận dụng những phương pháp nghiên cứu
mới, những bộ công cụ và phương pháp phân tích mới nhằm đưa lại nhận thức
tổng thể, toàn diện, thực chứng về Hà Nội với tính cách một không gian lịch sử
- văn hóa, không gian phát triển.
Thứ hai, nhằm đáp ứng nhu cầu nhận thức chuyên sâu về từng lĩnh vực,
từng nhóm vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển của Thủ đô, các nghiên

85
Sakurai Yomio, tài liệu đã dẫn, tr. 52.
128
cứu chuyên sâu, chuyên ngành về Hà Nội vẫn cần tiếp tục được triển khai và
đây chính là một bộ phận không thể thiếu của Hà Nội học. Đối với các nghiên
cứu chuyên sâu, chuyên biệt, việc vận dụng hệ thông lý thuyết, phương pháp và
cách tiếp cận chuyên ngành là yêu cầu đương nhiên. Kết quả của các nghiên cứu
này sẽ góp phần quan trọng vào việc củng cố, bổ sung và làm sâu sắc thêm kết
quả của các nghiên cứu liên ngành. Đồng thời, kết quả của các nghiên cứu liên
ngành sẽ góp phần quan trọng giúp cho các nhận thức chuyên biệt, chuyên sâu
có thêm cơ sở chắc chắn và giảm thiểu tính chất phiến diện của các nhận thức
do nghiên cứu chuyên ngành, chuyên sâu đưa lại.
Về phương án tổ chức xây dựng và phát triển ngành Hà Nội học, một
lần nữa các nhà khoa học và các nhà quản lý tham gia Hội thảo bày tỏ sự đồng
thuận cao với đề xuất của Hội thảo Quốc tế “Phát triển bền vững Thủ đô Hà
Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình” (2010) về việc sớm thành lập một Trung
tâm hoặc một Viện nghiên cứu về Hà Nội học.
Như thế, có thể thấy những vấn đề cơ bản của Hà Nội học đã được nhiều
thế hệ các nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài dành nhiều tâm huyết, trí tuệ
suy nghĩ, thử nghiệm và trải nghiệm thông qua thực tiễn công việc nghiên cứu
về Hà Nội. Việc đặt vấn đề tổ chức xây dựng và phát triển ngành Hà Nội học đã
tìm được cơ hội chín muồi chính là Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà
Nội. Trên cơ sở đánh giá những thành tựu nghiên cứu về Hà Nội đã đạt được
cho tới thời điểm đó; trên cơ sở tham khảo ý kiến chuyên gia trong nước và
quốc tế, đặc biệt là căn cứ vào yêu cầu nhận thức về Hà Nội sau khi địa giới
được mở rộng từ tháng 8 năm 2008 và nhu cầu phát huy sức mạnh của nguồn
lực trí tuệ trong phát triển bền vững Thủ đô, việc xây dựng và tổ chức phát triển
ngành Hà Nội học đã chính thức được ghi nhận.
Ngay sau đó, đội ngũ chuyên gia nhiều lĩnh vực ở Việt Nam và nước
ngoài đã bàn bạc và đi tới thống nhận về những vấn đề cơ bản của ngành Hà
Nội học với tính cách một ngành khoa học. Đây chính là một bước tiến quan
trọng, góp phần củng cố luận cứ khoa học và thực tiễn để lãnh đạo Thủ đô Hà
Nội và Đại học Quốc gia Hà Nội ký kết Chương trình phối hợp công tác vào
tháng 7 năm 2012, chính thức xúc tiến các công tác tổ chức để thành lập một tổ
chức khoa học và công nghệ về Hà Nội học. Kết quả là, ngày 10 tháng 10 năm
2014, Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô đã chính thức ra đời, đặt tại
Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

129
4.2. Xây dựng và phát triển ngành Hà Nội học qua hệ phân tích
SWOT
SWOT là tên gọi viết tắt theo tiếng Anh của hệ phân tích khá giản đơn
nhưng lại rất hiệu quả, qua đó không chỉ hệ thống hóa mà còn cho thấy được
tương quan, mối liên hệ biện chứng, đa chiều giữa các yếu tố Strengths (thế
mạnh, điểm mạnh), Weaknesses (điểm yếu, hạn chế), Opportunities (cơ hội) và
Threats (nguy cơ, thách thức) của một tổ chức, một ngành nghề, một doanh
nghiệp vv... Thực tế cho thấy hệ phân tích này đã và đang sử dụng khá phổ biến
để phân tích các cơ sở, luận cứ trong xây dựng các chiến lược, phương hướng
phát triển của nhiều doanh nghiệp, cơ quan, ngành nghề vv...
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu về cơ sở thực tiễn và khoa học, những yêu
cầu thực tiễn đặt ra đối với ngành Hà Nội học, chúng tôi thử vận dụng hệ phân
tích SWOT để hệ thống hóa và phân tích rõ hơn những điểm mạnh, lợi thế,
những hạn chế, cơ hội và thách thức đặt ra với ngành này trong tâm nhìn ngắn
hạn và lâu dài.

4.2.1. Những thế mạnh và điều kiện thuận lợi để phát triển ngành Hà
Nội học
Như đã chỉ ra trong các chương, mục ở bên trên, việc xây dựng và phát
triển ngành Hà Nội học đang có được những lợi thế to lớn và quan trọng, cụ thể
là:
Thứ nhất, bản thân Hà Nội, dù xét trong phạm vi không gian lịch sử - văn
hóa của Thăng Long - Hà Nội truyền thống hay trong phạm vi địa giới hành
chính mới với tính cách là một không gian phát triển, thì vẫn là nơi kết tinh, hội
tụ và lan tỏa nhiều giá trị văn minh - văn hiến tiêu biểu của dân tộc Việt Nam.
Đây chính là một yếu tố tạo nên lợi thế bền vững để phát triển ngành Hà Nội
học. Điều này đã được minh chứng thông qua quá trình phát triển liên tục của
công việc nghiên cứu về Hà Nội với những thành tựu to lớn, có giá trị lâu bền.
Thứ hai, trải qua quá trình phát triển, từ lúc còn manh nha cho tới ngày
nay, trên thực tế đã hình thành một ngành Hà Nội học với đội ngũ các nhà
nghiên cứu ngày càng đông đảo, có sự tham gia của các nhà khoa học Việt Nam
và nước ngoài thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Sự cộng hưởng trí tuệ và tâm
huyết của đội ngũ "nhà Hà Nội học" nhiều thế hệ và ngày càng đông đảo chính
là một điểm mạnh quan trọng bậc nhất cho việc phát triển Hà Nội học lên một
tầm cao mới.
130
Thứ ba, về tổ chức, việc thành lập Trung tâm Hà Nội học và phát triển
Thủ đô là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự ra đời của một tổ chức khoa
học và công nghệ có sứ mệnh làm đầu mối tổ chức các hoạt động nghiên cứu và
đào tạo về Hà Nội học, là nơi quy tụ đội ngũ, trở thành "ngôi nhà chung" của
đội ngũ nghiên cứu Hà Nội. Trung tâm cũng là mô hình tổ chức khoa học và
công nghệ phối thuộc giữa ĐHQGHN với UBND Thành phố Hà Nội. Cơ chế
này nếu được phát huy tốt sẽ là một lợi thế to lớn để phát triển ngành Hà Nội
học.
Hình 4.1: Mô hình hệ phân tích SWOT

Thứ tư, dựa trên nền tảng của khu vực học hiện đại, ngành Hà Nội học đã
xác lập được hệ thống lý thuyết, phương pháp nghiên cứu và cách tiếp cận khoa
học khá vững chắc. Bên cạnh đó, các khoa học chuyên ngành đã có những
nghiên cứu chuyên sâu, tạo nên nền tảng tốt để hỗ trợ, bổ sung cho các nghiên
cứu liên ngành về Hà Nội.
Thứ năm, Hà Nội là nơi tập trung đông đảo nhất đội ngũ chuyên gia trình

131
độ cao thuộc nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ khác nhau, nơi tập trung
nhiều viện nghiên cứu, các trường đại học, trung tâm lưu trữ, bảo tàng, thư viện,
phòng thí nghiệm lớn và hiện đại nhất của cả nước. Đây là nguồn lực trí tuệ to
lớn nếu được phát huy tốt thì sẽ là hậu thuẫn rất mạnh mẽ đối với sự phát triển
của ngành Hà Nội học.
Thứ sáu, thành tựu nghiên cứu về Hà Nội được tích luỹ từ trước tới nay
hết sức to lớn và phong phú. Đây là nguồn dữ liệu, là bệ đỡ tri thức rất quan
trọng để phát triển ngành Hà Nội học lên một tầm cao mới.

4.2.2. Những cơ hội để phát triển ngành Hà Nội học


Thứ nhất, thực tiễn phát triển bền vững của Thủ đô đã và đang đặt ra
hàng loạt vấn đề quan trọng, cấp bách và có độ phức hợp cao, đòi hỏi phải có
những nghiên cứu chuyên sâu và nhất là những nghiên cứu tiếp cận vấn đề theo
hướng liên ngành, nhằm cung cấp luận cứ khoa học chắc chắn để giải quyết các
vấn đề đó một cách hiệu quả và bền vững. Trong tương lai, có thể dự báo khá
chắc chắn, rằng thực tiễn phát triển bền vững của Thủ đô và của đất nước tiếp
tục đặt ra những vấn đề như vậy. Đây chính là yêu cầu khách quan và là cơ hội
thuận lợi đối với sự phát triển bền vững của ngành Hà Nội học.
Thứ hai, do vị thế là Thủ đô, là trọng trấn hàng đầu của cả nước nên Hà
Nội vừa là trái tim, khối óc, vừa là thể diện chung của quốc gia - dân tộc. Vì
vậy, nghiên cứu toàn diện về Thủ đô được các cơ quan lãnh đạo cao nhất ở
Trung ương, các bộ ngành và các địa phương trong cả nước quan tâm mạnh mẽ.
Ở mức độ nào đó, có thể nói rằng nghiên cứu Hà Nội là nghiên về Việt Nam và
nghiên cứu về Việt Nam thì phải nghiên cứu về Hà Nội. Đây chính là nhu cầu
tất yếu, là cái đảm bảo cho Hà Nội học tồn tại và phát triển, nhất là trong thời kỳ
đất nước đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Thứ ba, việc xây dựng và phát triển ngành Hà Nội học nói riêng và công
tác nghiên cứu khoa học, phát triển, ứng dụng công nghệ, đào tạo nguồn nhân
lực phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững Thủ đô được lãnh đạo Thành ủy,
UBND Thành phố và các sở, ban, ngành, các địa phương thuộc Hà Nội rất quan
tâm. Sự ủng hộ nghiêm túc và hiệu quả của lãnh đạo thành phố là một cơ hội,
một tiền đề quan trọng để phát triển hiệu quả ngành Hà Nội học.
Thứ tư, nhu cầu nhận thức, tìm hiểu về Hà Nội của nhân dân Hà Nội,
nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế ngày càng tăng. Điều này đã được khẳng

132
định rõ trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Dự báo, nhu cầu
này tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do tác động của quá trình hội nhập quốc
tế ngày càng sâu sắc và toàn diện hơn. Tìm hiểu về Hà Nội không còn chỉ nhằm
đáp ứng nhu cầu nhận thức mà còn đáp ứng yêu cầu làm ăn, du lịch và tự trang
bị hành trang văn hóa trong quá trình giao lưu, tiếp xúc và trao đổi giữa nhân
dân Việt Nam với bạn bè, đối tác quốc tế.

4.2.3. Những điểm yếu và hạn chế cần khắc phục trong quá trình xây
dựng và phát triển ngành Hà Nội học
Thứ nhất, tuy Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô đã được thành
lập nhưng còn gặp nhiều khó khăn lớn: vị thế của Trung tâm khá khiêm tốn;
Lực lượng cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ và hành chính còn mỏng; Cơ chế vận
hành và quản lý còn có những ách tắc, nhất là cơ chế phối hợp với các sở,
ngành, địa phương của Hà Nội, các tổ chức khoa học và công nghệ của Hà Nội
và các trường, viện có mặt trên địa bàn Hà Nội chưa rõ ràng, hiệu quả; Nguồn
lực đầu tư chưa tương xứng với kỳ vọng.
Thứ hai, nguồn lực đầu tư cho Hà Nội học còn quá hạn hẹp, nhất là
nguồn lực tài chính, chưa có cơ chế ưu tiên đầu tư (dạng đầu tư khởi nghiệp -
kick-off) để Trung tâm đi vào hoạt động, đưa ngành Hà Nội học lên một tầm cao
mới.
Thứ ba, tuy định hướng về lý thuyết, phương pháp nghiên cứu, cách tiếp
cận và nội dung nghiên cứu của ngành Hà Nội học đã được bàn thảo và đạt
được sự đồng thuận khá cao trong cộng đồng các nhà khoa học, song, thực tế
cho thấy những điều nói trên rất khó đi vào thực tiễn nghiên cứu. Lý do cơ bản
là cho đến nay Hà Nội học vẫn còn phát triển mang nặng tính tự phát; chưa có
cơ sở nào đào tạo đội ngũ chuyên gia Hà Nội học chuyên nghiệp, trong khi đó,
việc vận dụng những lý thuyết, phương pháp nghiên cứu và cách tiếp cận liên
ngành dựa trên nền tảng Khu vực học hiện đại hết sức khó khăn phức tạp.
Thứ tư, các sản phẩm của ngành Hà Nội học cho đến nay chủ yếu là các
công trình khoa học (sách, bài tạp chí, hội thảo), chủ yếu là kết quả của các
nghiên cứu cơ bản, mang nặng tính chất "hàn lâm, học thuật" nên năng lực
chuyển giao, ứng dụng rất thấp; Còn thiếu vắng những sản phẩm có khả năng
chuyển giao tri thức và ứng dụng công nghệ, nên năng lực đóng góp vào sự
nghiệp phát triển bền vững của Thủ đô còn hạn chế.

133
Thứ năm, đội ngũ chuyên gia hiện có của ngành Hà Nội học khá phân
tán, chưa có một cơ chế hiệu quả để kết nối, quy tụ họ lại trong những nỗ lực
chung mang tính chất liên ngành phục vụ phát triển bền vững của Thủ đô. Đa số
họ vẫn chủ yếu triển khai các nghiên cứu về Hà Nội theo hướng chuyên ngành,
ít có sự hợp tác, cộng tác bền vững và hiệu quả.
Thứ sáu, các hoạt động tuyên truyền về ngành Hà Nội học còn yếu kém,
do đó chưa nhận được sự đồng thuận cao của cộng đồng nhà khoa học, của nhân
dân Thủ đô, nhân dân toàn quốc và các đồng nghiệp và bạn bè quốc tế.

4.2.4. Các nguy cơ đối với sự phát triển bền vững của Hà Nội
Thứ nhất, với tư cách một ngành chuyên môn mới, hiện nay Hà Nội học
chưa được chính thức công nhận bởi bất kỳ cơ quan có thẩm quyền nào. Vì vậy,
việc đào tạo về Hà Nội học sẽ gặp khó khăn về các thủ tục hành chính; thiếu căn
cứ pháp lý để tổ chức đào tạo và nghiên cứu.
Thứ hai, các cơ quan lãnh đạo và quản lý, các sở ngành, địa phương, cộng
đồng doanh nghiệp của Hà Nội cũng như của cả nước còn chưa có ý thức quan
tâm thường xuyên, nghiêm túc đối với ngành Hà Nội học; chưa đưa ra những
"đơn đặt hàng" nghiên cứu và đào tạo cho Trung tâm Hà Nội học và các trường
đại học, viện nghiên cứu khác có mặt trên địa bàn Thủ đô.
Thứ ba, đội ngũ chuyên gia về Hà Nội không được đào tạo bài bản theo
một quy hoạch phát triển đội ngũ bền vững, vì vậy sẽ rất khó hình thành và phát
triển đội ngũ Hà Nội học chuyên nghiệp. Tình trạng nghiên cứu Hà Nội vẫn sẽ
tiếp tục phát triển theo hướng không chuyên nghiệp và đây là nguy cơ về lâu dài
sẽ không chỉ hạn chế mà có thể dẫn tới sự phân tán nguồn lực, mất phương
hướng, kém hiệu quả của ngành Hà Nội học.
Thứ tư, xu hướng chung của sự phát triển của khoa học và công nghệ là
theo cơ chế thị trường khoa học và công nghệ, trong đó năng lực cạnh tranh và
phát triển của bất kỳ ngành nào cũng lệ thuộc vào một số yếu tố, như năng lực
và tốc độ tự đổi mới tri thức và rút ngắn vòng đời công nghệ; năng lực chuyển
giao và ứng dụng tri thức và công nghệ; năng lực đối thoại học thuật. Cả ba yếu
tố trên đều là ba điểm yếu của Hà Nội học hiện nay và muốn khắc phục thì
ngành này cần nỗ lực liên tục trong một thời gian dài. Nếu không kịp vươn lên
thì ngành Hà Nội học sẽ sớm bị thực tế cuộc sống bỏ qua, sẽ lụi tàn hoặc chỉ
còn như một "thú vui tao nhã" của một số người.

134
Qua phân tích sơ bộ bằng SWOT, có thể thấy việc xây dựng và phát triển
ngành Hà Nội học đang có những lợi thế rất căn bản với những cơ hội to lớn,
thuận lợi. Bên cạnh đó cũng có cả những hạn chế không nhỏ với những nguy cơ
trước mắt và lâu dài. Những khó khăn về cơ chế và điều kiện, cơ sở vật chất là
những cái có thể khắc phục và vượt qua trong một thời gian tương đối ngắn nhờ
được sự ủng hộ của Trung ương, Thành phố Hà Nội, ĐHQGHN và sự nỗ lực
của bản thân đội ngũ các nhà Hà Nội học. Tuy nhiên, những khó khăn cơ bản và
lâu dài về học thuật (xác định hướng đi với nền tảng lý thuyết, phương pháp
nghiên cứu và cách tiếp cận khoa học, phù hợp, luôn có năng lực đối thoại học
thuật và tự đổi mới vv...) thì cần có thời gian phấn đấu khá lâu dài. Hai yếu tố
then chốt nhất để phát triển bền vững ngành Hà Nội học chính là việc đào tạo và
phát triển đội ngũ các nhà Hà Nội học chuyên nghiệp và nâng cao mức độ đáp
ứng yêu cầu thực tiễn của các sản phẩm khoa học của ngành Hà Nội học. Đây
chính là hai yếu tố sẽ quyết định tương lai, vận mệnh của ngành khoa học này,
do vậy cần được lãnh đạo Thành phố, Đại học Quốc gia Hà Nội và trực tiếp
nhất là Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Trung tâm Hà Nội học và
phát triển Thủ đô luôn dành sự quan tâm đặc biệt và thiết thực.

4.3. Tầm nhìn, mục tiêu và định hướng phát triển Hà Nội học

4.3.1. Tầm nhìn và mục tiêu phát triển ngành Hà Nội học
Với việc thành lập Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô, ngành Hà
Nội học đã thực sự bước sang một giai đoạn phát triển mới với nhiều cơ hội và
thách thức mới. Đánh giá về tương lai, triển vọng của ngành Hà Nội học và của
Trung tâm, GS. Phan Huy Lê cho rằng: "Tôi hy vọng sau một thời gian không
dài sẽ trở thành trung tâm rất mạnh và sẽ đóng góp phần quan trọng cho phát
triển bền vững của Hà Nội, vừa cung cấp các cứ liệu khoa học, vừa trực tiếp tư
vấn cho các nhà quản lý, lãnh đạo Hà Nội.”86
Tuy nhiên, tương tự như bước khởi đầu của bất kỳ ngành khoa học liên
ngành mới nào và của bất kỳ tổ chức khoa học và công nghệ mới nào ở Việt
Nam, ngành Hà Nội học và Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô cũng
trải qua những gian khó không nhỏ, ngay từ khi khởi nghiệp. Những khó khăn
về cơ sở vật chất, về nguồn lực và cơ chế đầu tư là những khó khăn không nhỏ,
nhưng nếu được sự ủng hộ mạnh mẽ và tạo điều kiện thuận lợi của lãnh đạo

86
Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội, Nxb. Hà Nội, 2012, tr. 1508.
135
Thành phố Hà Nội và lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội thì có thể được khắc
phục căn bản trong một thời gian tương đối ngắn. Nhưng những khó khăn về
đội ngũ, về định hướng học thuật và nhất là về năng lực chuyển giao tri thức và
công nghệ nhằm nâng cao năng lực phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững của
Thủ đô thì lại là những khó khăn, hạn chế cần có sự nỗ lực, phấn đấu liên tục
trong một khoảng thời gian không ngắn của cả các nhà quản lý và của bản thân
đội ngũ các nhà Hà Nội học. Trong bối cảnh đó, việc xác định tầm nhìn dài hạn
và trung hạn cho ngành Hà Nội học có ý nghĩa rất quan trọng và thiết thực.
Về tầm nhìn dài hạn, Hà Nội học phải trở thành một khoa học cơ bản, liên
ngành, dựa trên nền tảng của Khu vực học hiện đại, bao gồm cả Đô thị học hiện
đại. Với tính cách là một bộ phận của Việt Nam học, Hà Nội học phải có định
hướng ứng dụng rõ ràng nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra trong thực tiễn phát triển
bền vững của Thủ đô.
Nghiên cứu cơ bản là một đặc tính, một truyền thống và là định hướng
quan trọng nhất mà Hà Nội học cần phải duy trì và phát huy trong quá trình phát
triển lâu dài. Với tính chất là một khoa học cơ bản, Hà Nội học cần tiếp tục
nghiên cứu tự hoàn thiện hệ thống lý thuyết, phương pháp nghiên cứu và cách
tiếp cận của chính ngành Hà Nội học. Đồng thời, nhiệm vụ trọng tâm của Hà
Nội học là nghiên cứu, làm sáng tỏ những đặc điểm của Hà Nội với tính cách
một không gian văn hóa - lịch sử; những phẩm chất, giá trị bền vững của con
người Hà Nội - chủ thể của không gian văn hóa - lịch sử đó. Dựa trên nền tảng
của Khu vực học hiện đại, Hà Nội học cần phải tập trung làm sáng tỏ những
chiều cạnh của Hà Nội với tính cách một không gian phát triển bền vững, nhất
là các chiều cạnh lịch sử, văn hóa, xã hội, chính trị, tôn giáo, địa lý nhân văn, tài
nguyên, môi trường và sinh kế của các tiểu vùng, các nhóm cư dân vv... Trên cơ
sở đó, Hà Nội học sẽ góp phần đánh giá toàn diện các nguồn lực và các cơ hội
phát triển bền vững của Thủ đô.
Các sản phẩm đầu ra của ngành Hà Nội học cần phải có định hướng ứng
dụng rõ ràng nhằm thiết thực phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững của Thủ đô
trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước trong những thập niên
tới. Điều này đòi hỏi ngành Hà Nội học phải tập trung vào việc nghiên cứu
nhằm cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn góp phần giải quyết những vấn đề
cơ bản, cấp thiết đang đặt ra trong thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa
của Thủ đô. Trên cơ sở những phân tích như trên, có thể chỉ ra ở đây những

136
nhóm sản phẩm đầu ra chủ yếu, đồng thời cũng là những nhiệm vụ chính của
ngành Hà Nội học là:
Thứ nhất, nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tích hợp, liên
ngành, cập nhật và tiện dụng về Hà Nội. Đây sẽ là nhóm sản phẩm quan trọng
nhất, trực tiếp phục vụ quá trình lãnh đạo, quản lý, quy hoạch, điều hành của
Thủ đô Hà Nội, trực tiếp cung cấp đầu vào (input) cho quá trình chính sách của
Hà Nội, đồng thời thiết thực phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo về
Hà Nội học.
Thứ hai, nghiên cứu xây dựng, hoàn chỉnh các bộ sách công cụ về Hà
Nội, bao gồm các bộ bách khoa thư, các bộ sách chuyên khảo và các bộ từ điển
về lịch sử, văn hóa, địa lý, chính trị, xã hội, dân cư, các bộ địa chí tổng hợp của
Hà Nội và các địa phương thuộc Hà Nội vv... nhằm đáp ứng nhu cầu nhận thức
về Hà Nội của nhân dân Thủ đô, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế về Hà Nội.
Đây cũng là nền tảng để tiếp tục đưa Hà Nội học phát triển, đạt được các thành
tựu mới trên các chặng đường tiếp theo.
Thứ ba, nghiên cứu, xây dựng các mô hình tổ chức, các chương trình đào
tạo, các bộ học liệu phục vụ việc phát triển môn Hà Nội học tại các trường phổ
thông, cao đẳng và đại học ở Hà Nội, trong cả nước và ở nước ngoài.
Thứ tư, trên cơ sở các thành tựu nghiên cứu cơ bản, liên ngành về Hà
Nội, Hà Nội học phải góp phần tích cực và có hiệu quả vào công tác tư vấn phát
triển, tư vấn và phản biện chính sách vì sự nghiệp phát triển bền vững của Thủ
đô. Đây không chỉ là kỳ vọng lớn nhất của lãnh đạo Thành phố Hà Nội gửi gắm
vào việc xây dựng ngành Hà Nội học và thành lập Trung tâm Hà Nội học và
Phát triển Thủ đô, mà thực chất, đó là sứ mệnh, là nhiệm vụ mà thông qua đó,
ngành Hà Nội học có thể đóng góp trực tiếp và hiệu quả nhất vào sự nghiệp phát
triển bền vững của Thủ đô, khẳng định được vị thế của ngành khoa học cơ bản,
định hướng ứng dụng này.
Thứ năm, để phát triển bền vững ngành Hà Nội học, yếu tố then chốt,
đóng vai trò quyết định là đào tạo đội ngũ chuyên gia Hà Nội học và phát triển
đội ngũ cộng tác viên đông đảo thuộc nhiều ngành, nhiều lĩnh vực chuyên môn
khác nhau ở trong nước và trên thế giới. Để đạt được mục tiêu này cần có một
cơ chế đặc biệt và cần kiên trì phấn đấu thực hiện trong một thời gian tương đối
dài với một lộ trình, quy hoạch khoa học, với những giải pháp đồng bộ, có tính
khả thi cao. Đây chính là một nhiệm vụ cần được chính thức giao cho Trung
137
tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô thực hiện dưới hình thức nhiệm vụ được
Thành phố Hà Nội đặt hàng và ưu tiên đầu tư liên tục trong một thời gian ít nhất
là 10 năm.
Trên cơ sở tầm nhìn và mục tiêu dài hạn như trên, trong tầm nhìn ngắn
hạn cho khoảng thời gian 5 năm tới, ngành Hà Nội học và Trung tâm Hà Nội
học và Phát triển Thủ đô nên tập trung vào những nhiệm vụ với một số nội dung
cụ thể như sau:
Thứ nhất, cần tập trung xây dựng Trung tâm Hà Nội học và Phát triển
Thủ đô thành một tổ chức khoa học và công nghệ "nghiên cứu toàn diện, liên
ngành và đa ngành về Hà Nội" đúng theo quan điểm được nêu ra tại Hội thảo
Quốc tế “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình”
(2010). Năm 2014 Trung tâm đã chính thức được thành lập và đi vào hoạt động,
bước đầu trở thành đầu mối tổ chức các hoạt động nghiên cứu liên ngành phục
vụ sự nghiệp phát triển bền vững của Thủ đô và là "ngôi nhà chung" quy tụ đội
ngũ các nhà Hà Nội học. Nhưng trước mắt, Trung tâm còn gặp rất nhiều khó
khăn về đội ngũ, cơ chế hoạt động và cơ sở vật chất, nguồn lực đầu tư vv... Việc
tháo gỡ từng bước các khó khăn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm
sẽ đóng vai trò quyết định đối với việc phát triển ngành Hà Nội học trong thời
gian trước mắt cũng như lâu dài.
Thứ hai, cần tiếp tục nghiên cứu để xác định những nguyên tắc và
phương hướng phát triển cơ bản của ngành Hà Nội học. Để đảm bảo ngành này
ngay từ đầu đã phát triển đúng hướng, có hiệu quả, trước mắt cần tiếp tục phát
triển các nghiên cứu về Hà Nội theo cả định hướng liên ngành, đa ngành và theo
định hướng chuyên ngành. Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển Hà Nội học
theo định hướng liên ngành dựa trên nền tảng của Khu vực học hiện đại sẽ phải
từng bước trở thành định hướng chủ đạo.
Thứ ba, Thành phố Hà Nội cần ưu tiên đầu tư cho Trung tâm tổ chức
triển khai sớm một số đề án / chương trình nghiên cứu mang tính cơ bản, có khả
năng chuyển giao ứng dụng cao, một mặt vưa đáp ứng yêu cầu phát triển cấp
bách của Thành phố, vừa tạo nền tảng phát triển ngành Hà Nội học, trong đó
đặc biệt là Đề án nghiên cứu, khảo sát xây dựng hệ thống cơ sở tích hợp liên
ngành về Hà Nội, Đề án nghiên cứu nâng cao chất lượng môn Hà Nội học trong
các trường phổ thông và cao đẳng, đại học trên địa bàn Hà Nội.
Thứ tư, Thành phố Hà Nội và Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ đạo Viện Việt
138
Nam học và Khoa học phát triển phối hợp với Trường Đại học Thủ đô tổ chức
ngay chương trình đào tạo thạc sĩ Hà Nội học và Tiến sĩ Việt Nam học (trọng
tâm Hà Nội học) để tạo nguồn nhân lực Hà Nội học phục vụ sự phát triển lâu
dài của ngành Hà Nội học và đáp ứng yêu cầu về cán bộ quản lý đa ngành, liên
ngành của Hà Nội.
Thứ năm, tiếp tục tổ chức các hội thảo, hội nghị ở quy mô khác nhau để
làm sáng tỏ các vấn đề cơ bản của Hà Nội học và tạo lập diễn đàn khoa học để
các nhà nghiên cứu về Hà Nội tư vấn, cống hiến trí tuệ, tâm huyết cho lãnh đạo
Thành phố Hà Nội trong việc giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn phát
triển kinh tế, xã hội, văn hóa của Thành phố.

4.3.2. Nguyên tắc cơ bản định hướng học thuật của ngành Hà Nội học
Trên cơ sở các khảo sát, phân tích và đánh giá đã được trình bày trong
nghiên cứu này, chúng tôi bước đầu đề xuất một số nguyên tắc cơ bản có tính
định hướng về học thuật đối với sự phát triển của ngành Hà Nội học. Cần phải
nhấn mạnh rằng ở đây, những gì chúng tôi đề xuất chủ yếu được dựa trên sự
tổng hợp những ý kiến, đề xuất đã được các nhà khoa học nêu ra trong các hội
thảo, hội nghị và các công trình nghiên cứu. Chúng tôi đã tổng hợp, phân tích,
kiểm chứng, bổ sung những nhận định và ý kiến đó, nhằm cố gắng phác dựng
nên những nguyên tắc có tính định hướng ban đầu của ngành Hà Nội học.
Về bản chất, Hà Nội học là một khoa học cơ bản, liên ngành, dựa trên nền
tảng của Khu vực học hiện đại, bao gồm cả Đô thị học hiện đại, có tính định
hướng ứng dụng cao.
Về mục đích, các nghiên cứu Hà Nội học nhằm mang lại nhận thức tổng
thể, toàn diện về Hà Nội, đặc biệt là về kinh tế, chính trị, lịch sử, văn hóa, xã
hội, con người, địa lý và các điều kiện tự nhiên, môi trường của Hà Nội. Đặc
biệt là: các nhận thức chuyên sâu về các lĩnh vực đó được đặt trong mối liên hệ
liên ngành, liên lĩnh vực, trong mối tương tác hữu cơ giữa các lĩnh vực, giữa các
tiểu vùng, liên vùng, giữa hiện tại với quá khứ. Trên cơ sở đó, các nghiên cứu
Hà Nội học không chỉ nhằm làm sáng tỏ những đặc trưng, đặc điểm, những giá
trị văn hóa tiêu biểu của Hà Nội mà còn phải hướng tới việc đánh giá đa chiều,
toàn diện về các nguồn lực phát triển, các cơ hội, mô hình và con đường phát
triển, nhằm cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho quá trình lãnh đạo, chỉ
đạo, quy hoạch và quản lý trong quá trình phát triển bền vững của Thủ đô.

139
Về đối tượng, Hà Nội học là khoa học nghiên cứu về Hà Nội với tính
cách là một không gian lịch sử - văn hóa và không gian phát triển. Theo đó, Hà
Nội được coi là một chỉnh thể, một đối tượng nghiên cứu tổng hợp, bao gồm
toàn bộ các quá trình, các giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị, quân
sự, tôn giáo, ngoại giao, giáo dục, địa lý, tài nguyên, môi trường, sinh kế vv...
Gắn với các cộng đồng cư dân là chủ nhân của không gian lịch sử - văn hóa và
là chủ thể của không gian phát triển Hà Nội từ truyền thống đến hiện đại.
Bên cạnh đối tượng nghiên cứu tổng quát của Hà Nội học với tính cách
một khoa học cơ bản, liên ngành dựa trên nền tảng của Khu vực học hiện đại,
các nghiên cứu chuyên sâu, chuyên ngành về Hà Nội lại có loại đối tượng đặc
thù, chẳng hạn đối tượng của nghiên cứu về lịch sử Hà Nội chính là toàn bộ lịch
sử của các nhóm, cộng đồng cư dân, các địa phương vv... của Hà Nội trong các
khoảng thời gian lịch sử khác nhau, trong khi đó, đối tượng của các nghiên cứu
về kinh tế Hà Nội lại là các vấn đề, các quá trình kinh tế của Hà Nội hiện nay...
Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng các cách tiếp cận chuyên ngành của các
khoa học chuyên ngành không xung đột với cách tiếp cận liên ngành, đa ngành,
mà trái lại, tri thức chuyên ngành sẽ góp phần bổ sung, làm cho nhận thức liên
ngành thêm sâu sắc và hoàn chỉnh hơn, đồng thời, khi các nhận thức chuyên
sâu, chuyên biệt đó được xem xét từ cái nhìn liên ngành, đa ngành sẽ trở nên
phong phú, đầy đủ và có năng lực chuyển giao, ứng dụng cao hơn.
Về phạm vi nghiên cứu của Hà Nội học, lịch sử quá trình nghiên cứu về
Hà Nội cho thấy phạm vi của Hà Nội học được nhìn nhận khác nhau trong từng
thời kỳ và tùy thuộc vào quan điểm tiếp cận của từng nhà nghiên cứu hoặc
nhóm nghiên cứu. Nhìn chung có thể thấy phạm vi nghiên cứu của Hà Nội học
có ba lớp rộng - hẹp khác nhau có thể biểu đạt với sơ đồ như sau. (xem Hình
4.2)
Ở lớp thứ nhất, phạm vi nghiên cứu của Hà Nội học là không gian lịch sử
- văn hóa Thăng Long - Hà Nội, về cơ bản tương ứng với địa giới hành chính
của Thủ đô Hà Nội trước tháng Tám năm 2008. Đây chính là phạm vi nghiên
cứu của Hà Nội học truyền thống. Ở đây, cũng phải lưu ý rằng phạm vi nghiên
cứu của "Hà Nội học truyền thống" cũng không chỉ có một "lớp" đồng nhất mà
bao gồm ít nhất là ba "tiểu lớp". "Tiểu lớp phạm vi lõi" gắn với không gian lịch
sử - văn hóa Thăng Long - Hà Nội có lẽ chỉ bao gồm 4 quận nội thành cũ (Hoàn
Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng) cùng với một số vùng phụ cận.

140
"Tiểu lớp phạm vi" thứ hai của không gian này có lẽ gần như tương thích với
các quận nội thành của Hà Nội trước năm 2008, tức là vùng "không gian đô thị"
của Hà Nội cũ, trong khi "Tiểu lớp phạm vi thứ ba" bao gồm thêm cả các vùng
nông thôn ngoại thành của Hà Nội cũ.
"Lớp phạm vi nghiên cứu" thứ hai của Hà Nội học chính là không gian
phát triển bền vững của Thủ đô với địa giới hành chính được mở rộng vào năm
2008.
Hình 4.2: Phạm vi nghiên cứu của Hà Nội học

III. Không gian phát triển Vùng


Hà Nội

II. Không gian phát triển


Hà Nội mở rộng (2008)

I
Không gian
lịch sử - văn
hóa Thăng
Long - Hà
Nội

Khi xác định phạm vi nghiên cứu của Hà Nội học ở "lớp" này, một số nhà
nghiên cứu, trong đó bao gồm cả chúng tôi, đã có những băn khoăn không nhỏ,
bởi lẽ phạm vi nghiên cứu của Hà Nội học, xét từ góc nhìn của Khu vực học thì
không thể được tạo thành, được xác định bởi một quyết định hành chính. Quyết
định đó có thể đúng, có thể sai, và kinh nghiệm lịch sử của bản thân Hà Nội
mấy chục năm qua cho thấy, những quyết định như vậy dễ bị thay đổi bởi rất
nhiều lý do khác nhau. Hơn nữa, ai cũng biết rằng với quyết định mở rộng địa
141
giới Hà Nội vào tháng 8 năm 2008, hai không gian lịch sử - văn hóa vốn có
"bản sắc mạnh" (strong identity) là Thăng Long - Hà Nội và Xứ Đoài đã bị /
được sáp nhập với nhau như hai mảnh ghép trong trò chơi xếp hình Lego! Xem
thế, có thể thấy việc xác định phạm vi nghiên cứu của Hà Nội học tương ứng
với địa giới của "Hà Nội mới" hàm chứa một độ rủi ro nhất định, xét cả trên
phương diện học thuật và thực tiễn.
Tuy nhiên, cân nhắc một cách toàn diện, việc xác định phạm vi nghiên
cứu của Hà Nội học với tính cách một không gian phát triển tương ứng với địa
giới hành chính mới của Thủ đô Hà Nội là cần thiết và có cơ sở.
Thứ nhất, tuy không gian lịch sử - văn hóa Thăng Long - Hà Nội và Xứ
Đoài là hai không gian có bản sắc riêng, thậm chí là "bản sắc mạnh" và đã có
quá trình hình thành và tồn tại lâu dài trong lịch sử. Song, hai không gian đó
luôn kề cận, tương tác thường xuyên, liên tục với nhau, không có sự khu biệt
tuyệt đối và không xung khắc với nhau - xét trên nhiều phương diện. Vì vậy,
việc "ghép mảnh" với nhau trong một phạm vi nghiên cứu mới không thực sự là
vấn đề quá lớn. Trong nghiên cứu, cần tiếp tục làm sáng tỏ những giá trị, những
đặc trưng và bản sắc văn hóa của từng không gian lịch sử - văn hóa đó, đồng
thời cần làm sáng tỏ những mối liên hệ, tương tác giữa hai không gian đó, đặt
trong mối liên hệ, tương tác liên vùng với các không gian văn hóa cận kề và với
nền văn hóa Việt Nam trong truyền thống và hiện đại.
Thứ hai, sau khi địa giới được mở rộng, mặc dù có không ít những khác
biệt tiểu vùng, nhưng Hà Nội đã trở thành một không gian chính sách riêng.
Điều này không chỉ nằm ở phạm vi điều chỉnh của Luật Thủ đô, các chính sách
và quy hoạch tổng thể của Thành phố Hà Nội mà tiếp cận từ quan điểm phát
triển bền vững, Hà Nội đã trở thành một không gian phát triển riêng. Do vậy,
nghiên cứu về Hà Nội phải góp phần đánh giá các nguồn lực, các cơ hội phát
triển để cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho quá trình hoạch định và
triển khai các chính sách, giải pháp và mô hình phát triển của Thành phố, của
từng địa phương, từng ngành và từng lĩnh vực của Thủ đô.
Thứ ba, với vị thế là Thủ đô, Hà Nội có tầm vóc quốc gia và quốc tế của
mình. Hà Nội học không thể không quan tâm đến vấn đề này. Do vậy, trong
phạm vi nghiên cứu của mình, Hà Nội học không thể loại trừ bất kỳ vấn đề, bất
kỳ lĩnh vực hay địa phương nào của Thủ đô. Tuy trong từng nghiên cứu cụ thể,
từng nhà nghiên cứu / nhóm nghiên cứu có thể lựa chọn giới hạn / giới thuyết
142
riêng cho phạm vi nghiên cứu của mình, song, xét trên phạm vi nghiên cứu tổng
thể của một ngành học phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững của Thủ đô thì Hà
Nội học bắt buộc phải bao phủ toàn bộ các vấn đề liên quan đến Thủ đô.
"Lớp phạm vi nghiên cứu thứ ba" của Hà Nội học có thể xem như phạm
vi nghiên cứu "mở rộng" của ngành khoa học này. Phạm vi này về cơ bản tương
ứng với phạm vi của Vùng Hà Nội được xác định trong Luật Thủ đô (Luật số:
25/2012/QH13) và theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 5 tháng 5 năm 2008
của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng
vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, thì
Vùng Thủ đô sẽ bao gồm Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh,
Hải Dương, Hà Nam và Hoà Bình. Sau khi Hà Nội được điều chỉnh địa giới
hành chính vào năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt
đồ án Quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2025 và tầm nhìn đến
năm 2030. Tại cuộc họp cuối năm 2012, các thành viên Chính phủ đề xuất vùng
thủ đô mở rộng thêm ra Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang. Các tỉnh này nằm
trong bán kính 100 km từ trung tâm Hà Nội. Như vậy, Vùng Hà Nội hiện nay
bao gồm Thủ đô Hà Nội và 9 tỉnh là: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc
Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam và Hòa Bình với diện tích tự
nhiên khoảng 24.314,7 km².
Việc xác định "lớp" phạm vi mở rộng của Hà Nội học không chỉ xuất
phát từ yêu cầu thực tiễn đối với việc nghiên cứu phục vụ công tác quy hoạch,
chỉ đạo, kiến tạo phát triển bền vững đối với Vùng Hà Nội mà thực chất nhằm
góp phần làm sáng tỏ vị thế và các mối quan hệ nội vùng, liên vùng của Hà Nội
trong lịch sử và hiện tại. Đây cũng là một trong những nội dung rất quan trọng
để hiểu đầy đủ hơn về Hà Nội với tính cách là một trong những trọng trấn hàng
đầu của đất nước, một trung tâm kinh tế và văn hóa có tính chất hội tụ - lan tỏa
mạnh mẽ trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
Cho dù phạm vi và định hướng nội dung nghiên cứu của Hà Nội học là
rất rộng lớn và phong phú thì nền tảng của Hà Nội học chính là Khu vực học
hiện đại, dựa trên những nguyên tắc nhất quán của phát triển bền vững, trong đó
hai thế mạnh truyền thống cơ bản và cũng là hai định hướng nghiên cứu trọng
tâm nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách và lâu dài của sự nghiệp phát triển Thủ đô,
đó là các nghiên cứu liên ngành về lịch sử - văn hóa - xã hội và các nghiên cứu
liên ngành về quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội.

143
KẾT LUẬN

Trên hành trình lịch sử hơn 1.000 năm kể từ khi chính thức trở thành Kinh
đô Thăng Long của nước Đại Việt độc lập, đang trên đường phát triển trở thành
một quốc gia quân chủ cường thịnh vươn lên với vận thế rồng bay, Hà Nội luôn
luôn giữ vững và xứng đáng với vai trò trọng trấn bậc nhất của đất nước, là
trung tâm quyền lực chính trị, là một trong những trung tâm kinh tế lớn nhất, là
nơi đô hội, quần tụ nhân tài bốn phương, là nơi những tinh hoa, những giá trị
văn hóa - văn minh - văn hiến của dân tộc Việt Nam kết tinh, hội tụ và tỏa sáng
rực rỡ. Đồng hành cùng quốc gia - dân tộc trên suốt dặm dài hàng nghìn năm,
Thăng Long - Hà Nội cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện trọng đại, chứng kiến
những bước thăng - trầm, hưng - vong của xã tắc, là nơi ghi đậm dấu ấn của
những hy sinh mất mát, đau thương, tủi nhục và những võ công hiển hách,
những ngày tháng hào hùng nhất, những thành tựu vĩ đại trong lịch sử dựng
nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Với vai trò và vị thế đặc biệt như vậy nên từ rất sớm Thăng Long - Hà Nội
đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các sáng tác văn chương, nghệ thuật
và trở thành chủ đề nghiên cứu được giới học giả quan tâm. Từ những nghiên
cứu xuất hiện còn có phần khá lẻ tẻ, rời rạc trong thời kỳ tiền cận đại, sự nghiệp
nghiên cứu về Hà Nội đã liên tục phát triển từ thời cận đại, đến nay đã có một
lịch sử riêng của mình, khoảng hơn 150 năm với nhiều thành tựu to lớn, phong
phú, được công bố trong khoảng trên dưới 8.000 công trình khoa học.
Tình hình trên đây tự nó đã cho thấy có một ngành Hà Nội học đã ra đời và
phát triển trên thực tế. Người đầu tiên định danh cho ngành học này và cũng là
người cho đến hơi thở cuối cùng vẫn dành nhiều tâm huyết, trí tuệ cho sự
nghiệp nghiên cứu về Hà Nội chính là GS. Trần Quốc Vượng. 5 năm sau ngày
GS. Trần Quốc Vượng tạ thế, tại Hội thảo quốc tế Phát triển bền vững Thủ đô
Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình được tổ chức nhân dịp Đại lễ kỷ niệm
1000 năm Thăng Long - Hà Nội, cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam và
nước ngoài chính thức đề nghị Lãnh đạo Thành phố thành lập một tổ chức khoa
học và công nghệ làm đầu mối tổ chức, thúc đẩy sự phát triển của ngành Hà Nội
học với tính cách một khoa học liên ngành, đa ngành phục vụ yêu cầu của sự

144
nghiệp phát triển bền vững Thủ đô. Đề nghị nói trên đã nhận được sự ủng hộ
mạnh mẽ của Lãnh đạo Thủ đô và sự đồng thuận cao của giới nghiên cứu và của
các tổ chức nghiên cứu và đào tạo, nhất là của Đại học Quốc gia Hà Nội - một
trong những trung tâm nghiên cứu khoa học và đào tạo đại học, sau đại học đa
ngành, đa lĩnh vực lớn nhất của cả nước. Sau một thời gian chuẩn bị tích cực,
tháng 10 năm 2014 Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô đã ra đời. Là tổ
chức khoa học và công nghệ phối thuộc của UBND Thành phố Hà Nội và Đại
học Quốc gia Hà Nội, đặt tại Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Trung
tâm có sứ mệnh là đầu mối tổ chức và triển khai các hoạt động nghiên cứu và
đào tạo phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững của Thủ đô, là "ngôi nhà chung"
của giới Hà Nội học, quy tụ và phát triển đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam và
quốc tế để đưa Hà Nội học phát triển đến tầm cao mới, thiết thực phục vụ sự
nghiệp phát triển bền vững của Thủ đô và của đất nước.
Tiếp nối kết quả của cuộc Hội thảo Hà Nội học: phương pháp tiếp cận và
nội dung nghiên cứu do Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển và Hội Sử
học Hà Nội phối hợp tổ chức vào tháng 12 năm 2011, nghiên cứu này cố gắng
làm rõ những cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, những nguyên tắc, nền tảng và
định hướng tiếp cận và nội dung nghiên cứu chính của Hà Nội học.
Từ kết quả nghiên cứu của chúng tôi, có thể khẳng định rằng việc xây dựng
và phát triển ngành Hà Nội học có những cơ sở thực tiễn rất vững chắc. Đây là
một trong những yếu tố đảm bảo cho sự phát triển bền vững của Hà Nội học
trong thời gian trước mắt cũng như trong tầm nhìn dài hạn.
Cơ sở thực tiễn quan trọng nhất đối với sự nghiệp nghiên cứu về Hà Nội nói
chung và với sự phát triển ngành Hà Nội học nói riêng trước hết nằm ở chính
những đòi hỏi bức thiết do thực tiễn phát triển bền vững của Thủ đô đặt ra.
Nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra 15 vấn đề / cụm vấn đề quan trọng và nóng
bỏng nhất cần được tiếp cận, nghiên cứu nhằm cung cấp những luận cứ khoa
học, đề xuất những giải pháp giải quyết một cách khoa học và hiệu quả, nhằm
tháo gỡ những “nút thắt”, giải phóng và phát huy các nguồn lực, góp phần vào
sự nghiệp phát triển nhanh và bền vững của Thủ đô. Điều cần được nhấn mạnh
ở đây là: phần lớn các vấn đề nói trên đều là những vấn đề có độ phức hợp cao,
vượt quá khuôn khổ tiếp cận và giải quyết của các khoa học chuyên ngành, và
vì vậy, cần phải được tiếp cận, nghiên cứu và giải quyết theo hướng đa ngành và
liên ngành, trong cả tầm nhìn ngắn hạn và dài hạn. Đây chính là yêu cầu khách

145
quan, bức thiết đặt ra đối với sự phát triển của Hà Nội học với tính chất một
khoa học cơ bản, liên ngành, định hướng ứng dụng.
Một cơ sở thực tiễn quan trọng khác của việc xây dựng và phát triển bền
vững ngành Hà Nội học chính là lịch sử phát triển của sự nghiệp nghiên cứu Hà
Nội trong suốt hơn 150 năm qua, nhất là trong thời kỳ Đổi mới. Bản thân con số
thống kê công trình nghiên cứu về Hà Nội (lên đến trên dưới 8.000 công trình)
tự nó cho thấy tính hấp dẫn, tính vấn đề (problematics) và nghiêm túc của việc
đặt vấn đề nghiên cứu về Hà Nội. Quan trọng hơn là diễn thế và chủ đề của
công việc nghiên cứu về Hà Nội.
Xét về diễn thế, nghiên cứu về Hà Nội vừa có tính liên tục, vừa có tính mùa
vụ. Tính liên tục thể hiện rõ ở việc các công trình nghiên cứu về Hà Nội dường
như xuất hiện liên tục, không bao giờ dứt trong suốt hơn 150 năm qua, nhưng
tần xuất công bố của các công trình lại mang tính “mùa vụ” rõ rệt, nhất là từ sau
năm 1954, khi số lượng công trình xuất hiện tập trung trong những năm diễn ra
các sự kiện lịch sử đặc biệt liên quan đến Hà Nội. Ở đây bộc lộ rõ một mối liên
hệ biện chứng: công việc nghiên cứu về Hà Nội là thường xuyên, liên tục, nhằm
đáp ứng các yêu cầu nhận thức mang tính tất yếu, nhưng việc công bố kết quả
lại có tính thời cơ, thời điểm, trong những điều kiện thích hợp. Tình hình trên
đây cũng làm bộc lộ ra tính chất tự phát trong việc tổ chức nghiên cứu và công
bố kết quả nghiên cứu về Hà Nội.
Ngoại trừ một số khoảng thời gian cụ thể, khi mà Hà Nội và đất nước ở
trong tình trạng chiến tranh khốc liệt, các nghiên cứu về Hà Nội liên tục được
triển khai và công bố theo xu hướng ngày càng gia tăng mạnh mẽ về số lượng,
thực sự bùng nổ mạnh mẽ trong ba thập kỷ gần đây của thời kỳ Đổi mới và hội
nhập quốc tế. Điều này cho thấy rõ nhu cầu nhận thức về Hà Nội ngày càng gia
tăng cả về mức độ và phạm vi; sức sống và vai trò của công việc nghiên cứu về
Hà Nội ngày càng được khẳng định mạnh mẽ với tính thuyết phục ngày càng
chắc chắn hơn.
Xét về tính chất, tuyệt đại đa số các nghiên cứu về Hà Nội đều tiếp cận đối
tượng nghiên cứu theo định hướng chuyên ngành, chuyên sâu, chuyên biệt, chỉ
có rất ít công trình tiếp cận và giải quyết các vấn đề nghiên cứu theo hướng đa
ngành và liên ngành. Có ba nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình hình trên. Thứ
nhất, liên ngành và đa ngành là những xu hướng tiếp cận khoa học mới xuất
hiện ở Việt Nam và cần phải có một khoảng thời gian nhất định mới đủ sức
146
thẩm thấu và lan tỏa trong thực tiễn nghiên cứu. Thứ hai, tuyệt đại đa số các
nghiên cứu về Hà Nội được triển khai trước năm 2000 đều là các nghiên cứu
xuất phát từ sở thích, sở trường và mối quan tâm cá nhân của các nhà nghiên
cứu. Chỉ có khá ít công trình, chủ yếu là các nghiên cứu được triển khai sau năm
2000, xuất phát từ những chủ trương, những “đơn đặt hàng” của Nhà nước hay
của Thành phố Hà Nội, được đầu tư kinh phí, có chỉ đạo và có tổ chức theo một
định hướng nội dung xác định. Thứ ba, phần lớn các nghiên cứu về Hà Nội – vì
hai lý do nói trên, đều là những công trình thuộc phạm trù “nghiên cứu cơ bản”,
ít có định hướng chuyển giao, ứng dụng.
Xét về nội dung, cho đến nay, tuyệt đại đa số các nghiên cứu về Hà Nội đều
thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, và chỉ có khá ít các công trình
thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, kinh tế và công nghệ, trong đó số công
trình tập trung vào sử học và nghiên cứu văn hóa là lớn nhất. Tình hình trên đây
cho thấy, với tính chất là một không gian lịch sử - văn hóa đặc biệt, nơi hội tụ
và lan lỏa các giá trị văn minh – văn hiến – văn hóa Việt Nam, các vấn đề
nghiên cứu về Hà Nội tập trung vào lĩnh vực sử học và văn hóa là điều hoàn
toàn xác đáng, hơn nữa, đây chắc chắn sẽ tiếp tục là một định hướng nội dung
nghiên cứu cơ bản nhất của ngành Hà Nội học trong tương lai. Tuy nhiên, hiện
tượng chỉ có khá ít các công trình nghiên cứu về Hà Nội trong các lĩnh vực khoa
học tự nhiên, kinh tế và công nghệ cũng như chỉ có rất ít nghiên cứu liên ngành
về Hà Nội lại cho thấy ở mức nào đó, nghiên cứu về Hà Nội chưa trực tiếp xuất
phát từ yêu cầu phát triển của Thủ đô, và do đó, chưa trực tiếp góp phần vào
việc giải quyết những vấn đề mà thực tiễn phát triển Thủ đô đang đặt ra. Đây
chính là một trong những vấn đề rất quan trọng mà ngành Hà Nội học phải điều
chỉnh trong tương lai. Ở đây, một lần nữa cho thấy vai trò tổ chức và định
hướng phát triển của Hà Nội học là hết sức quan trọng.
Trên cơ sở phân tích những yêu cầu khách quan đang đặt ra trong thực tiễn
phát triển của Thủ đô và rà soát, đánh giá sơ bộ những khuynh hướng và thành
tựu đã đạt được của sự nghiệp nghiên cứu về Hà Nội trong hơn 150 năm quá, có
thể rút ra một số nhận định sau đây:
Thứ nhất, yêu cầu phát triển của Hà Nội trong quá khứ cũng như hiện tại đã
và đang đặt ra yêu cầu khách quan, tất yếu và to lớn đối với sự nghiệp nghiên
cứu về Hà Nội. Đây chính là cơ sở thực tiễn để phát triển sự nghiệp nghiên cứu
về Hà Nội trong quá khứ và sẽ là một trong những cơ sở quan trọng nhất để xây

147
dựng và phát triển ngành Hà Nội học trong tương lai.
Thứ hai, thực tế cho thấy sự nghiệp nghiên cứu về Hà Nội đã liên tục phát
triển với những thành tựu và đóng góp không nhỏ. Đây chính là một yếu tố
quan trọng tạo nên nền tảng học thuật của ngành Hà Nội học vốn đã ra đời trong
thực tiễn nghiên cứu với những khuynh hướng, cách tiếp cận, phương pháp
nghiên cứu khác nhau. Bên cạnh những thành tựu và ưu điểm, thực tế đã chỉ ra
một số hạn chế, bất cập không nhỏ của sự nghiệp nghiên cứu Hà Nội nói chung
và ngành Hà Nội học nói riêng, trong đó, quan yếu nhất là vấn đề xác định nền
tảng học thuật (lý thuyết, hệ phương pháp, cách tiếp cận, đối tượng, phạm vi
nghiên cứu, định hướng nội dung nghiên và phương thức chuyển giao, ứng dụng
kết quả nghiên cứu vv...) và xác định phương hướng tổ chức và xây dựng ngành
Hà Nội học.
Thứ ba, thực tiễn sự nghiệp nghiên cứu về Hà Nội đã và đang bộc lộ một
vấn đề quan trọng khác: đó là xây dựng và phát triển đội ngũ các chuyên gia về
Hà Nội, hay là đội ngũ các nhà Hà Nội học. Hàng nghìn nhà nghiên cứu ở Việt
Nam và nước ngoài, thuộc nhiều thế hệ và xuất phát từ nhiều lĩnh vực chuyên
môn khác nhau đã tham gia vào sự nghiệp nghiên cứu về Hà Nội. Ngoài tâm
huyết, niềm say mê học thuật và cả tình cảm ít nhiều sâu đậm với mảnh đất, con
người và văn hóa Thăng Long - Hà Nội, đội ngũ nghiên cứu về Hà Nội còn
chưa đạt tới sự chia sẻ chung về nền tảng và định hướng học thuật. Đây cũng là
kết quả tự nhiên của một thực tế là công việc nghiên cứu về Hà Nội cho đến nay
chưa được tổ chức dưới bất kỳ hình thức nào. Hơn nữa, đội ngũ các nhà Hà Nội
học, tuy đông đảo về số lượng và về căn bản đều là các chuyên gia trong những
lĩnh vực chuyên môn cụ thể, nhưng chưa xuất hiện một đội ngũ chuyên gia Hà
Nội học chuyên nghiệp. Vì vậy, tổ chức, xây dựng và phát triển đội ngũ chuyên
gia Hà Nội học chuyên nghiệp chắc chắn phải là một trong những nhiệm vụ
được ưu tiên hàng đầu trong quá trình phát triển ngành Hà Nội học.
Thứ tư, yêu cầu khách quan của việc xây dựng và phát triển ngành Hà Nội
học nói riêng và sự nghiệp phát triển bền vững Thủ đô nói chung đang đặt ra
yêu cầu bức thiết về việc tổ chức xây dựng một Hệ thống cơ sở dữ liệu tích hợp,
liên ngành, cập nhật và tiện dụng về Hà Nội. Trong nghiên cứu này chúng tôi
đã phân tích và chỉ rõ vai trò, tầm quan trọng cũng như giá trị ứng dụng to lớn
của hệ thống cơ sở dữ liệu này. Đây chắc chắn cũng là một trong những nhiệm
vụ cần được UBND Thành phố Hà Nội ưu tiên đầu tư, giao cho Trung tâm Hà

148
Nội học và Phát triển Thủ đô tổ chức triển khai.
Nghiên cứu này của chúng tôi cũng hướng tới việc xác lập những cơ sở và
nguyên tắc học thuật cơ bản cho sự phát triển của ngành Hà Nội học.
Tiếp theo Hội thảo quốc tế Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh
hùng, vì hòa bình (2010), tại cuộc Hội thảo Hà Nội học: phương pháp tiếp cận
và nội dung nghiên cứu do Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển và Hội
Sử học Hà Nội phối hợp tổ chức vào tháng 12 năm 2011 các nhà chuyên môn
đều thống nhất cao ở việc xác định Hà Nội học là một bộ phận của Việt Nam
học, một môn khoa học cơ bản, liên ngành, dựa trên Khu vực học, với nhiệm vụ
nghiên cứu toàn diện về Hà Nội với tính cách một không gian lịch sử - văn hóa
đặc sắc để phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững Thủ đô.
Trên cơ sở đó, trong nghiên cứu này chúng tôi đã tập trung làm sáng tỏ nền
tảng học thuật chính của ngành Hà Nội học thông qua việc làm rõ những vấn đề
cơ bản của Khu vực học, Việt Nam học và Đô thị học hiện đại.
Khu vực học (Area Studies) là môn khoa học liên ngành chính thức ra đời
sau cuộc Thế chiến II và từ đó đến nay đã trải qua những bước thăng trầm đáng
kể. Từ chỗ là phương thức tiếp cận và tổ chức nghiên cứu liên ngành và đa
ngành của giới khoa học phương Tây nhằm nghiên cứu về những “khu vực” đặc
thù của thế giới, hướng tới mục tiêu chính là phục vụ chiến lược toàn cầu của
Mỹ và chiến lược chính trị - kinh tế - quân sự của một số nước phương Tây
khác, Khu vực học ngày nay đã phát triển mạnh mẽ không chỉ ở Mỹ, Nhật Bản
và các nước phương Tây khác mà còn ở nhiều nước trên thế giới như một
phương thức tổ chức nghiên cứu liên ngành phục vụ hiệu quả chiến lược phát
triển bền vững của nhiều quốc gia và khu vực trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội
nhập quốc tế và kinh tế tri thức. Trong quá trình đó, Khu vực học đã có bước
chuyển mình mạnh mẽ từ Khu vực học cổ điển (vốn có đối tượng nghiên cứu là
các không gian lịch sử - văn hóa đặc thù nhằm phát hiện và làm rõ những đặc
trưng, đặc điểm và bản sắc văn hóa của các không gian đó) thành Khu vực học
hiện đại với tính cách là một khoa học cơ bản, liên ngành, định hướng ứng
dụng, với đối tượng nghiên cứu là các không gian phát triển, nhằm đánh giá
toàn diện về các nguồn lực và cơ hội phát triển, giải pháp, con đường và mô
hình phát triển bền vững, hiệu quả của các không gian phát triển xác định.
Chính bước chuyển này đã mang đến một luồng sinh khí mới, khiến cho Khu
vực học hồi sinh và phát triển tới một tầm cao mới, mở rộng phạm vi, đối tượng
149
nghiên cứu, có thể dựa trên nền tảng lý thuyết, phương pháp nghiên cứu khoa
học hiện đại với việc vận dụng nhiều bộ công cụ phân tích và kỹ thuật nghiên
cứu mới, nhờ đó mà kết quả nghiên cứu trở nên thực chứng hơn, với năng lực
chuyển giao, ứng dụng cao hơn vào thực tiễn.
Một thực tế cần nhấn mạnh là: Khu vực học chính là nền tảng học thuật của
Đông Nam Á học (Southeast Asian Studies) và Việt Nam học (Vietnamese
Studies). Ra đời từ sau Thế chiến II, nhờ vào việc luôn dựa trên nền tảng của
Khu vực học mà Đông Nam Á học đã có những bước phát triển nhanh chóng
với những thành tựu đáng kể, nhất là trong những năm từ khoảng 1965 đến khi
Chiến tranh Lạnh kết thúc. Tiếp đó, cùng với Khu vực học, Đông Nam Á học ở
phương Tây đã rơi vào khủng hoảng trầm trọng trong những năm cuối thế kỷ
20. Tuy nhiên, đây chính lại là một cơ hội để ngành học này chuyển kiếp, tái
sinh (reincarnation) để trở thành Đông Nam Á học của người Đông Nam Á, vì
sự nghiệp hợp tác, hội nhập và phát triển bền vững của khu vực Đông Nam Á.
Trong bước chuyển biến này, Đông Nam Á học tiếp tục dựa trên nền tảng của
Khu vực học hiện đại, đã và đang trở thành một nhịp cầu học thuật quan trọng
trong cộng đồng ASEAN.
Việt Nam học ra đời và phát triển trên cơ sở kế thừa thành tựu của sự nghiệp
nghiên cứu về đất nước và con người Việt Nam của đội ngũ các nhà khoa học
Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài nghiên cứu về Việt Nam. Việc đất nước
mở cửa, đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng chính là điều kiện
thuận lợi để Việt Nam học chính thức ra đời và phát triển dựa trên nền tảng học
thuật của Khu vực học và Khu vực học hiện đại, trở thành một khoa học cơ bản,
liên ngành, định hướng ứng dụng với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa khoa
học và thực tiễn rất thiết thực và quan trọng.
Là một bộ phận của Việt Nam học, Hà Nội học có đối tượng nghiên cứu cụ
thể là Thủ đô Hà Nội với tính cách là một chỉnh thể - một không gian lịch sử -
văn hóa và một không gian phát triển của đất nước Việt Nam. Với tinh thần đó,
Hà Nội học không chỉ dựa trên nền tảng học thuật của Khu vực học hiện đại mà
còn phải dựa trên nền tảng của Đô thị học hiện đại. Nghiên cứu này của chúng
tôi cũng chỉ ra những bước chuyển biến quan trọng của Đô thị học, từ chỗ chủ
yếu dựa trên cơ sở của Quy hoạch đô thị cổ điển (urban planing) đã trở thành
môn nghiên cứu liên ngành về đô thị (urban studies) dựa trên nền tảng của Khu
vực học hiện đại và Khoa học bền vững (sustainability science). Xuất phát từ

150
yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với sự nghiệp nghiên cứu phục vụ phát triển bền
vững của Thủ đô, ngành Hà Nội học chắc chắn phải dựa trên nền tảng học thuật
của Đô thị học hiện đại, đồng thời đến lượt nó, Hà Nội học lại trở thành một bệ
đỡ tri thức cho ngành Đô thị học hiện đại ở Việt Nam.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu về những cơ sở khoa học và thực tiễn của
ngành Hà Nội học, vận dụng hệ phân tích SWOT, chúng tôi đã cố gắng chỉ ra
những điểm mạnh, lợi thế, cơ hội, khó khăn và thách thức trong quá trình xây
dựng và phát triển bền vững của ngành này. Đây chính là cơ sở, luận cứ quan
trọng để xác lập một số nguyên tắc học thuật và định hướng nội dung nghiên
cứu, xây dựng tầm nhìn và đề xuất các giải pháp phát triển ngành Hà Nội học
trong thời gian trước mắt và lâu dài.
Về bản chất, Hà Nội học là một khoa học cơ bản, liên ngành, dựa trên nền
tảng của Khu vực học hiện đại, bao gồm cả Đô thị học hiện đại, có tính định
hướng ứng dụng cao.
Về mục đích, các nghiên cứu Hà Nội học nhằm mang lại nhận thức tổng
thể, toàn diện về Hà Nội, đặc biệt là về kinh tế, chính trị, lịch sử, văn hóa, xã
hội, con người, địa lý và các điều kiện tự nhiên, môi trường của Hà Nội. Đặc
biệt là: các nhận thức chuyên sâu về các lĩnh vực đó được đặt trong mối liên hệ
liên ngành, liên lĩnh vực, trong mối tương tác hữu cơ giữa các lĩnh vực, giữa các
tiểu vùng, liên vùng, giữa hiện tại với quá khứ. Trên cơ sở đó, các nghiên cứu
Hà Nội học không chỉ nhằm làm sáng tỏ những đặc trưng, đặc điểm, những giá
trị văn hóa tiêu biểu của Hà Nội mà còn phải hướng tới việc đánh giá đa chiều,
toàn diện về các nguồn lực phát triển, các cơ hội, mô hình và con đường phát
triển, nhằm cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho quá trình lãnh đạo, chỉ
đạo, quy hoạch và quản lý trong quá trình phát triển bền vững của Thủ đô.
Về đối tượng, Hà Nội học là khoa học nghiên cứu về Hà Nội với tính
cách là một không gian lịch sử - văn hóa và không gian phát triển. Theo đó, Hà
Nội được coi là một chỉnh thể, một đối tượng nghiên cứu tổng hợp, bao gồm
toàn bộ các quá trình, các giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị, quân
sự, tôn giáo, ngoại giao, giáo dục, địa lý, tài nguyên, môi trường, sinh kế vv...
Gắn với các cộng đồng cư dân là chủ nhân của không gian lịch sử - văn hóa và
là chủ thể của không gian phát triển Hà Nội từ truyền thống đến hiện đại.
Về phạm vi nghiên cứu, trên căn bản Hà Nội với ý nghĩa một không gian
phát triển có phạm vi tương đồng với địa giới của Thủ đô sau khi được mở rộng
151
vào năm 2008. Tuy nhiên, trong phạm vi đó có những tiểu vùng (sub-areas) với
những đặc trưng, đặc thù riêng, có thể được tiếp cận và nghiên cứu như những
đối tượng của các nghiên cứu cụ thể về Hà Nội. Tương tự, không gian phát triển
Hà Nội luôn phải được xem xét, nghiên cứu trong mối liên hệ và tương tác liên
vùng, nhất là với các không gian kế cận trong Vùng Hà Nội.
Về định hướng tiếp cận và nội dung nghiên cứu chính, cần phải đảm bảo
tính hài hòa giữa định hướng liên ngành của Hà Nội học theo nguyên tắc của
Khu vực học hiện đại với định hướng chuyên ngành, chuyên biệt của các nghiên
cứu thuộc các lĩnh vực chuyên môn cụ thể, hướng tới việc góp phần giải quyết
hiệu quả các vấn đề do thực tiễn phát triển bền vững của Thủ đô đặt ra. Sự tồn
tại và phát triển song song giữa các nghiên cứu liên ngành và các nghiên cứu
chuyên ngành về Hà Nội là xuất phát từ yêu cầu khách quan của thực tiễn, nhằm
giải quyết hiệu quả các vấn đề do thực tiễn đặt ra. Hai xu hướng này của các
nghiên cứu về Hà Nội tuy khác nhau về cách tiếp cận nhưng không xung đột,
mâu thuẫn với nhau, vì cùng có chung một mục đích là phục vụ sự nghiệp phát
triển bền vững của Thủ đô. Do vậy, những nghiên cứu chuyên ngành sẽ góp
phần làm cho các nghiên cứu liên ngành thêm sâu sắc, thực chứng và có tính
ứng dụng cao hơn, trong khi đó, các nghiên cứu liên ngành chính là bệ đỡ tri
thức, giúp cho các nghiên cứu chuyên ngành toàn diện hơn, có giá trị ứng dụng
to lớn và bền vững hơn.
Tương tự như vậy, Khu vực học hiện đại lấy các vấn đề đương đại do thực
tiễn đặt ra trong quá trình phát triển bền vững của các khu vực làm đối tượng
nghiên cứu. Điều này không có nghĩa là các vấn đề thuộc về lịch sử đều nằm
ngoài phạm vi quan tâm của Khu vực học hiện đại, bởi lẽ, theo quan điểm của
phát triển bền vững thì chính lịch sử - văn hóa luôn luôn là một chiều cạnh quan
trọng, một trụ cột của quá trình phát triển, có vai trò định hướng tư duy, các lựa
chọn và hành vi của chủ thể phát triển - tức là các cộng đồng dân cư trong khu
vực. Vì vậy, trong trường hợp Hà Nội học, các nghiên cứu về Hà Nội với ý
nghĩa của một không gian lịch sử - văn hóa không những không được xem nhẹ
mà phải tiếp tục được xem là một trong những định hướng nội dung nghiên cứu
cơ bản, quan trọng nhất, không chỉ nhằm tiếp tục nhận diện, làm rõ các đặc
trưng, đặc điểm, những giá trị văn minh – văn hóa – văn hiến tiêu biểu của vùng
đất và con người Hà Nội, mà còn trực tiếp góp phần giải quyết hiệu quả mối
quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, để làm cho các giá trị đó thực sự trở thành
một nguồn xung lực phát triển của Hà Nội trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, kinh
152
tế tri thức và phát triển bền vững.
*
* *
Năm 1845, Karl Marx đã nêu ra luận đề sau đây về triết học của Ludwig
Feuerbach: "Die Philosophen haben die Welt nur verschieden interpretiert, es
kommt aber darauf an, sie zu verändern" (các nhà triết học đã giải thích thế
giới theo những cách khác nhau, nhưng vấn đề là ở chỗ làm thay đổi thế giới).
Cho đến ngày nay, mặc cho những biến cố lịch sử long trời lở đất, luận đề trên
của ông vẫn được trang trọng ghi trên bức tường danh dự của Trường Đại học
Tổng hợp Humboldt (Berlin, CHLB Đức), bởi người ta vẫn đang tìm thấy ở
trong đó tư tưởng lớn lao của Marx về sứ mệnh của khoa học: góp phần thiết
thực vào sự nghiệp sáng tạo, thay đổi thế giới của con người. Ngành Hà Nội học
đã được nhiều thế hệ nhà khoa học dày công xây dựng bằng tâm huyết, trí tuệ
và tình yêu đối với vùng đất kinh kỳ - nơi "lắng hồn núi sông ngàn năm" đang
đứng trước những vận hội mới để cất cánh và góp phần đáng kể vào sự nghiệp
phát triển bền vững của Thủ đô, xứng đáng với vị thế, với vai trò của Hà Nội và
xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân cả nước đối với Thủ đô.

153
TÀI LIỆU THAM KHẢO
I. Ấn phẩm

1. BCH Đảng bộ Tp. Hà Nội, Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội, Nxb. Hà
Nội, 2004.
2. Benedict, Anderson, Imagined Communities: Reflections on the Origins
and Spread of Nationalism, rev.ed., Verso, London (1983), 1991.
3. Benda, Harry, "The Structure of Southeast Asian History: Some
Preliminary Observations", in: Journal of Southeast Asian Studies, Vol.
III, No.6, 1962, tr. 106-139.
4. Bùi Xuân Đính, Giáo dục và khoa cử Nho học Thăng Long – Hà Nội,
Nxb. Hà Nội, 2010.
5. Dương Bảo Quân, “Vài nét về hình ảnh Việt Nam trong sử sách cổ Trung
Quốc”, in: Tạp chí Khoa học , Đại học Quốc gia Hà Nội – KHXH&NV số
24 (2008) tr.136-147.
6. Dahm, Bernhard, Die Südostasienwissenschaft in den USA, in Westeuropa
und in der Bundesrepublik Deutschland. Vandenhoeck & Ruprecht,
Göttingen 1975.
7. Đào Ngọc Nghiêm, “Quy hoạch với phát triển đô thị Hà Nội giai đoạn
1945 – 2015: thực trạng và thách thức”, in trong Kỷ yếu Hội thảo Thủ đô
Hà Nội: Truyền thống, nguồn lực và định hướng phát triển”, Hà Nội,
tháng 8/2015, tr. 595-596.
8. David L. Szanton, "The Origin, Nature and Challenges of Area Studies in
the United States," in: The Politics of Knowledge: Area Studies and the
Disciplines, ed. David L. Szanton (University of California Press, 2004),
pp. 10–11.
9. Đại học Quốc gia Hà Nội, 100 chân dung - một thế kỷ Đại học Quốc gia
Hà Nội, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2006.
10.Đinh Thị Thùy Hiên, Nguồn sử liệu hương ước Thăng Long – Hà Nội
trước năm 1945, Luận án tiến sĩ sử học, bảo vệ năm 2016 tại Trường Đại
học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
11.Đinh Xuân Lâm (cb), Lịch sử Việt Nam, tập III, Nxb. Giáo dục Việt Nam,
2012.
12. Đỗ Thị Minh Đức, "Gia tăng dân số và di dân trên địa bàn Hà Nội". Tham
luận tại Hội thảo "Thủ đô Hà Nội: Truyền thống, nguồn lực và định hướng
phát triển”. Kỷ yếu Hội thảo.
13.Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000.
154
14.Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002.
15.Hoàng Văn Nghiên, “Quản lý Hà Nội – một góc nhìn”, in trong: Kỷ yếu
Hội thảo Thủ đô Hà Nội: Truyền thống, nguồn lực và định hướng phát
triển”, Hà Nội, tháng 8/2015
16.Hoàng Văn Nghiên, “Quản lý Hà Nội – một góc nhìn”, in trong: Kỷ yếu
Hội thảo Thủ đô Hà Nội: Truyền thống, nguồn lực và định hướng phát
triển”, Hà Nội, tháng 8/2015.
17.Hoàng Anh Tuấn, Tư liệu các công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh về Kẻ
Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII, Nxb. Hà Nội, 2010.
18.Khoa Lịch sử, Với Thăng Long – Hà Nội, Nxb. Thế giới, 2011.
19.Logan, William S., Hà Nội: Tiểu sử một đô thị, Nhà xuất bản Hà Nội,
2010.
20. Lưu Minh Trị, Hoàng Tung (Cb), Thăng Long – Hà Nội, Nxb. Chính trị
Quốc gia, Hà Nội, 1999.
21.Lưu Minh Trị (Cb), Nguyễn Giang Quân, Nguyễn Doãn Tuân, Di tích
danh thắng Hà Nội và vùng phụ cận, Nxb. Hà Nội, 2000.
22.Lưu Minh Trị, Tiềm năng và giá trị lịch sử Thăng Long – Hà Nội ngàn
năm: Những vấn đề nghiên cứu - tổng kết, Nxb. Hà Nội, 2001.
23.Ngô Đức Thịnh (Cb), Bảo tồn, làm giàu và phát huy các giá trị văn hóa
truyền thống Việt Nam trong đổi mới và hội nhập, Nxb. Khoa học Xã hội,
Hà Nội, 2010.
24.Ngô Đức Thịnh, Essays on Cultures of Vietnam, Thế Giới Publishers,
Hanoi, 2015.
25.Ngô Sỹ Liên và các sử thần nhà Lê, Đại Việt Sử ký toàn thư, tập II, Nxb.
Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998.
26.Ngô Trung Hải, “Quy hoach xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030
và tầm nhìn đến năm 20540”, in trong Kỷ yếu Hội thảo Thủ đô Hà Nội:
Truyền thống, nguồn lực và định hướng phát triển”, Hà Nội, tháng 8/2015,
tr. 507 – 529.
27.Nguyễn Đình Dương, Nguyễn Thành Công, Phát triển kinh tế tri thức trên
địa bàn Hà Nội giai đoạn 2011-2020, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội,
2012.
28.Nguyễn Hải Kế (chủ nhiệm), “Giáo dục và đào tạo Thăng Long - Hà Nội,
định hướng phát triển giáo dục và đào tạo của Thủ đô trong thời kỳ Công
nghiệp hóa, hiện đại hóa”, Đề tài cấp nhà nước, Chương trình KHCN
trọng điểm cấp nhà nước KX.09.

155
29.Nguyễn Phú Trọng (Cb), Đổi mới và phát triển ở Việt Nam – một số vấn
đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008.
30.Nguyễn Quang Ngọc (chủ nhiệm), Nghiên cứu xây dựng mô hình tổ chức
và quản lý nhà nước đặc thù của các đô thị trực thuộc Trung ương ở nước
ta. Đề tài cấp nhà nước mã số KX.02-03/06-10.
31.Nguyễn Quang Ngọc và Bùi Văn Tuấn, "Đổi mới mô hình tổ chức và
quản lý đô thị Hà Nội", Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Thủ đô Hà Nội:
truyền thống, nguồn lực và định hướng phát triển”, 2015, tr. 590-608.
32.Nguyễn Quang Ngọc, "Hướng tới một Hà Nội học toàn diện, liên ngành
và đa ngành", Kỷ yếu Hội thảo khoa học Hà Nội học: Phương pháp tiếp
cận và nội dung nghiên cứu", Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2011, tr. 18-19.
33.Nguyễn Quang Ngọc, “Báo cáo tổng hợp và đề dẫn Hội thảo Thủ đô Hà
Nội: Truyền thống, nguồn lực và định hướng phát triển”.
34.Nguyễn Quang Ngọc, “Việt Nam học ở Việt Nạm trên con đường hội
nhập và phát triển”, Tham luận tại Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ
III, Kỷ yếu Hội thảo.
35.Nguyễn Thừa Hỷ (cb), Tuyển tập tư liệu phương Tây, Nxb. Hà Nội, 2010.
36.Nguyễn Thừa Hỷ, “Cộng đồng cư dân đô thị và văn hóa thị dân Thăng
Long – Kẻ Chợ thế kỷ XVII – XVIII”, in trong: Nghiên cứu Lịch sử, số 2,
2008, tr. 3-18.
37.Nguyễn Thừa Hỷ, Thăng Long – Hà Nội thế kỷ XVII – XVII - XIX (kinh tế
- xã hội của một thành thị trung đại Việt Nam), Hội Sử học Việt Nam, Hà
Nội, 1993.
38.Nguyễn Viết Chức, Từ điển đường phố Hà Nội, Nxb. Hà Nội, 2010.
39.Nguyễn Vinh Phúc, Lịch sử Thăng Long – Hà Nội, Nhà xuất bản Thời
Đại, Hà Nội, 2010.
40.Nguyễn Vinh Phúc, Hà Nội - Con đường, dòng sông và lịch sử, Nxb Trẻ,
Hà Nội, 2004.
41.Papin, Philippe, Lịch sử Hà Nội, Nhà xuất bản Mỹ Thuật, Hà Nội, 2010.
42.Papin, Philippe, “Vấn đề dân số Hà Nội”, in trong: Xưa & Nay, số 51,
5/1998, tr. 23-24.
43.Phạm Hồng Tung, Lịch sử cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt
Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2013.
44.Phạm Hồng Tung, Thanh niên và lối sống của thanh niên Việt Nam trong
quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội,
2011.
156
45.Phạm Hồng Tung, Văn hóa chính trị và lịch sử dưới góc nhìn văn hóa
chính trị, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, (2008), 2009.
46.Phạm Trọng Mạnh, Phạm Quang Huân, “Giải pháp chủ yếu kiểm soát
phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội gắn với bảo vệ môi trường”, Kỷ yếu
Hội thảo khoa học “Thủ đô Hà Nội: truyền thống, nguồn lực và định
hướng phát triển”, 2015, tr. 554-560.
47.Phạm Xuân Hằng, "Một số vấn đề tiếp cận Hà Nội học", Kỷ yếu Hội thảo
khoa học Hà Nội học: Phương pháp tiếp cận và nội dung nghiên cứu",
Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2011.
48.Phạm Xuân Hằng, Phan Phương Thảo (Đồng chủ biên), Biên niên lịch sử
Thăng Long – Hà Nội, Nxb. Hà Nội, 2010.
49.Phan Huy Lê, Di sản văn hóa Việt Nam dưới góc nhìn lịch sử, Nxb. Đại
học Quốc gia Hà Nội, 2015.
50.Phan Huy Lê, Lịch sử và văn hóa Việt Nam – Tiếp cận bộ phận, Nxb. Thế
giới, 2012.
51.Phan Huy Lê (Cb), Lịch sử Việt Nam, tập I, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà
Nội, 2012.
52.Phan Huy Lê, (Cb), Lịch sử Việt Nam, tập II, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà
Nội, 2012.
53.Phan Huy Lê (Cb), Lịch sử Thăng Long – Hà Nội, tập I & II, Nxb. Hà Nội,
2011.
54.Phan Huy Lê, Tìm về cội nguồn, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 1999.
55.Phùng Hữu Phú (Cb), Phát triển văn hóa – sức mạnh nội sinh của dân tộc
trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, Nxb. Chính trị
Quốc gia, Hà Nội, 2016.
56.Phùng Hữu Phú, Phương hướng, giải pháp lớn phát huy điều kiện tự
nhiên, kinh tế - xã hội và giá trị lịch sử văn hóa để phát triển bền vững
Thủ đô đến năm 2020, Nxb. Hà Nội, 2010.
57.Phùng Hữu Phú, Hà Nội tôi yêu, Nxb. Hà Nội, 2006.
58.Pierre, Clement và Nathalie Lancret, Hà Nội chu kỳ của những đổi thay:
Hình thái kiến trúc và đô thị, Nxb. Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2005.
59.Sakurai, Yumio, “Việt Nam học như là Khu vực học được triển khai trên
dự án Bách Cốc”, trong: Việt Nam học. Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế lần thứ
ba Việt Nam: hội nhập và phát triển, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội,
2010, tr. 62-71.
60.Sakurai, Yumio "Hà Nội học mới là gì?", Kỷ yếu Hội thảo khoa học Hà
157
Nội học: Phương pháp tiếp cận và nội dung nghiên cứu", Nxb. Thế giới,
Hà Nội, 2011, tr. 51-54.
61.Sakurai, Yumio “Việt Nam học như là Khu vực học được triển khai trên
Dự án Bách Cốc”, Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế về Việt Nam học lần thứ III,
tập I, tr. 62-71.
62.Scott, James C., The Moral Economy of the Peasant. Rebellion and
Subsistence in South East Asia, Yale University Press, New Haven, 1976.
63.Taylor, Keith W., A History of the Vietnamese, Cambridge University
Press, 2013.
64.Thành ủy – Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội,
UBMTTQVN Tp. Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Thủ đô Hà Nội:
Truyền thống, nguồn lực và định hướng phát triển, Kỷ yếu Hội thảo, 2015.
65.Thành ủy -Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Phát triển bền vững Thủ
đô Hà Nội, Nxb. Hà Nội, 2012.
66.Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Viện
KHXH Việt Nam, Hà Nội 50 năm – Thành tựu và những thách thức trên
đường phát triển (Kỷ yếu hội thảo khoa học), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà
Nội, 2004.
67.Thành ủy -Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Ban chủ nhiệm Chương
trình KHCN cấp nhà nước KX.09, Người Hà Nội thanh lịch văn minh, (Kỷ
yếu hội thảo khoa học kỷ niệm 995 năm Thăng Long – Hà Nội), Nxb. Hà
Nội, 2005.
68.Tô Hoài, Chuyện cũ Hà Nội, Nxb. Thời Đại, Hà Nội, 2004.
69.Tô Hoài, Cát bụi chân ai?, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2000.
70.Trần Huy Liệu, Lịch sử thủ đô Hà Nội, Nhà xuất bản Thời Đại, Hà Nội,
2010.
71.Trần Quốc Vượng (Cb), Hà Nội như tôi hiểu, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội,
2005.
72.Trần Quốc Vượng, Trên mảnh đất ngàn năm văn vật, Nxb Hà Nội, HN,
2000.
73.Trần Quốc Vượng, “Hà Nội nghìn xưa những nghịch lý của sự phát triển”,
in trong: Xưa & Nay, số 3, 6/1994, tr: 5-6.
74.Trần Quốc Vượng, Tìm về bản sắc văn hóa dân tộc của văn hóa Hà Nội,
Nxb. Hà Nội, 1993.
75.Trần Quốc Vượng, Hà Nội - Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam, Nxb Sự thật, HN,1984.
158
76.Trương Quang Hải, "Một số nội dung nghiên cứu về thiên nhiên và mối
quan hệ giữa con người với thiên nhiên trong Hà Nội học", Kỷ yếu Hội
thảo khoa học Hà Nội học: Phương pháp tiếp cận và nội dung nghiên
cứu", Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2011, tr. 110-111.
77.Trương Quang Hải (cb), ATLAS Thăng Long – Hà Nội, Nxb.Hà Nội, 2010.
78.Vũ Minh Giang, Lịch sử Việt Nam - truyền thống và hiện đại, Nxb. Giáo
dục Việt Nam, Hà Nội, 2009.
79.Vũ Văn Quân và Đỗ Thị Hương Thảo (đồng chủ biên), Thăng Long - Hà
Nội: Thư mục công trình nghiên cứu, Nxb. Hà Nội, 2010.
80.Vũ Văn Quân (cb), Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội, tập I, II, III,
Nxb. Hà Nội, 2010.
81.Vũ Văn Quân (cb), Thăng Long – Hà Nội – một nghìn sự kiện lịch sử,
Nxb. Hà Nội, 2007.
82.Vũ Tuân Sán, Trần Quốc Vượng, Hà Nội nghìn xưa, Nxb. Hà Nội, 2009.
83.Wittfogel, Karl August, Oriental Despotism: A Comparative Studies of
Total Power, Yale University Press, New Haven, 1957.
84.Wolters, O.W. History, Culture and Region in Southeast Asian
Perspectives. Institute of Southeast Asian Studies, Revised Edition, 1999.
II. Các tài liệu tham khảo từ internet
1. http://nxbhanoi.com.vn/chi_tiet_tin/tabid/204/cateID/4/artilceID/15282/la
nguage/vi-VN/Default.aspx.
2. http://ars.metu.edu.tr.
3. http://daihocthudo.edu.vn/?page_id=124
http://moitruongperso.com/ha-noi-nong-bong-voi-van-de-o-nhiem-moi-tr
uong.
4. http://ndh.vn/phat-trien-internet-o-viet-nam-toc-do-vu-bao
20140130113457602p145c153.news.
5. http://nxbhanoi.com.vn/chi_tiet_tin/tabid/204/cateID/4/artilceID/15282/la
nguage/vi-VN/Default.aspx.
6. http://qhkthn.gov.vn/
http://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Quyet-dinh-118-2
003-QD-TTg-hanh-lap-Ban-chi-dao-quy-hoach-va-dau-tu-xay-dung-vung
-thu-do-Ha-Noi/51212/noi-dung.aspx
7. http://songkhoe.suckhoedoisong.vn/Ha-Noi-Thu-do-o-nhiem-khong-khi-n
hat-Chau-A-454159.html.

159
8. http://www.ashui.com/mag/index.php/chuyenmuc/quyhoachxaydung/68-
quyhoachxaydung/2324-do-thi-va-quy-hoach-do-thi-tu-duy-va-tiep-can.h
tml
9. http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2014/08/140829_cyber_securit
y_dept.
10.http://www.bkav.com.vn/tin_tuc_noi_bat//view_content/content/287112/t
ong-ket-an-ninh-mang-nam-2014-va-du-bao-xu-huong-2015.
11.http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/moi-nam-dan-so-
ha-noi-tang-gap-100-lan-mat-do-chuan-a103997.html.
12.https://vi.wikipedia.org/wiki/Giao_th%C3%B4ng_H%C3%A0_N%E1%
BB%99i
13.http://baotainguyenmoitruong.vn/the-gioi/201508/10-noi-o-nhiem-nhat-tr
en-the-gioi-2621682/
14.http://hanoi.gov.vn/30/-/hn/ZVOm7e3VDMRM/3/2705311/7/
di-san-van-hoa-phi-vat-the-tu-kiem-ke-en-cong-tac-quan-ly.html;jsession
id=Z3qZ6uN8IQiVOFyDsFLdeZuc.node5
15.http://nxbhanoi.com.vn/chi_tiet_tin/tabid/204/cateID/4/artilceID/14918/la
nguage/vi-VN/Default.aspx
16.www.enough.org/inside.php?tag=statistics
17.http://thongkehanoi.gov.vn/ uploads/ files/
18.http://nhanhoc.edu.vn/
thu-vien/thu-muc-tap-chi/328-khung-sinh-ke-ben-vung-mot-cach-tiep-can
-toan-dien-ve-phat-trien-va-giam-ngheo.html.
19.http://vnu.edu.vn/btdhqghn/?C2157/ N12416/
Tran-Quoc-Vuong-voi-van-hoa-Viet-Nam,Thang-Long--Ha-Noi.htm.

160
PHỤ LỤC

1. Quyết định thành lập Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô

2. Quy chế hoạt động của Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô

3. Danh mục các công trình nghiên cứu về Hà Nội từ năm 2009 đến tháng
11 năm 2015

4. Danh mục luận án tiến sĩ có liên quan đến Hà Nội từ năm 2009 đến tháng
11 năm 2015

--------------------------------------

161

You might also like