You are on page 1of 16

MỤC LỤC

A. MỞ ĐẦU..........................................................................................................1

B. NỘI DUNG.......................................................................................................2

I. TÌNH HUỐNG...............................................................................................2

II. GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG......................................................................6

1. Kiểm sát việc ban hành Quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu số
25/QĐ-CCTHADS của Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện
Chơn Thành, tỉnh Bình Phước........................................................................6

2. Kiểm sát hoạt động xác minh điều kiện thi hành án của Chi cục Thi hành
án dân sự huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.............................................7

3. Kiểm sát việc ban hành Quyết định đình chỉ thi hành án của Chi cục
trưởng Chi cục THADS huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước....................12

C. KẾT LUẬN....................................................................................................15

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO............................................................16


A. MỞ ĐẦU

Kết quả của quá trình trình tố tụng dân sự là bản án, quyết định của tòa án
nhân dân được ban hành dựa trên cơ sở những chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ
vụ án và kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Tuy nhiên, bản án, quyết định đó chỉ
thực sự có ý nghĩa khi bản án, quyết định đó được thực thi trên thực tế, bảo vệ
quyền và lợi ích hợp pháp của các bên và buộc bên có nghĩa vụ phải thi hành để
đảm bảo cho quyền lợi được bảo vệ. Với mục đích đó, Điều 106 Hiến pháp 2013
quy định một nguyên tắc hết sức quan trọng: “Bản án, quyết định của Tòa án
nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng;
cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”. Chính vì
vậy, hoạt động thi hành án nói chung và hoạt động thi hành án dân sự nói riêng
có ý nghĩa vô cùng quan trọng và quyết định đến “sự sống” của bản án, quyết
định. Trên thực tế, hoạt động thi hành án dân sự lại tồn tại không ít những vi
phạm nhất định làm ảnh hưởng đến chất lượng của hoạt động này. Với tư cách
là một cơ quan công quyền, thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp thì
hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong thi hành án dân sự chính là
một trong những khâu công tác thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp
của Viện kiểm sát nhân dân. Thông qua tình huống mà nhóm xây dựng dưới
đây, nhóm sẽ chỉ ra những vi phạm trong quá trình thi hành án dân sự, đồng
thời, là một Kiểm sát viên thì cần có những thao tác, kỹ năng gì để phát hiện và
khắc phục vi phạm đó?

1
B. NỘI DUNG

I. TÌNH HUỐNG

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 196/2018/DS-ST ngày 30/9/2018 của Tòa


án nhân dân huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước tuyên: Ông Trần An (trú tại tổ
thôn 3, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) phải trả lại cho bà
Vũ Thị Loan (trú tại tổ B, khu phố Trung Lợi, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình
Phước) số tiền là 300.000.000 đồng. Kể từ ngày bà Vũ Thị Loan có đơn yêu cầu
thi hành án thì hàng tháng ông Trần An còn phải chịu lãi theo mức lãi suất
8%/năm tương ứng với thời gian và số tiền còn phải thi hành án. Về án phí: ông
Trần An phải nộp 15.000.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Bà Vũ Thị Loan
không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm và được hoàn trả lại cho bà số tiền
7.500.000 đồng tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp theo biên lai thu tạm ứng
án phí, lệ phí tòa án số 0009564, ngày 06/4/2018 tại Chi cục THADS huyện
Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

Ngày 26/10/2018, Tòa án nhân dân huyện Chơn Thành chuyển giao bản
án số 196/2019/DS-ST cho Chi cục THADS huyện Chơn Thành.

Ngày 23/12/2018 bà Loan có đơn yêu cầu thi hành án. Ngày 12/01/2019,
Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước đã ra
Quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu số 25/QĐ-CCTHADS. Quyết định này
được gửi ngay cho VKSND huyện Chơn Thành và ông Trần An.

Chấp hành viên được phân công trực tiếp tổ chức thi hành vụ việc trên đã
tiến hành các thủ tục cấp, tống đạt theo đúng quy định pháp luật. Hết thời hạn tự
nguyện thi hành án nhưng ông An không tự nguyện thi hành, Chấp hành viên đã
giao cho Thư ký giúp việc tiến hành thủ tục xác minh điều kiện thi hành án của
ông Trần An.

Theo nội dung Biên bản về việc xác minh điều kiện thi hành án ngày
29/01/2019 có ghi, theo lời trình bày của ông Hoàng Duy – trưởng thôn 3 cung
cấp có chữ ký, xác nhận của công chức tư pháp xã và lãnh đạo xã Minh Hưng

2
thì hiện nay ông Trần An cùng vợ và hai con sinh sống trên nhà đất của bố mẹ
đẻ ông An là ông Trần Khoa và bà Nguyễn Thị Sâm. Ông An không có nghề
nghiệp, không có thu nhập gì, sống phụ thuộc vào gia đình. Tại địa phương, ông
An không có bất kỳ tài sản gì để đảm bảo thi hành án, điều kiện để thi hành án
của ông An là chưa có.

Căn cứ vào biên bản xác minh điều kiện thi hành án mà Thư ký cung cấp,
Chấp hành viên đã đề xuất Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Chơn Thành
ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án đối với Quyết định thi hành
án trên.

Khi kiểm tra hồ sơ trên, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Chơn
Thành nhận thấy, kết quả xác minh còn thiếu chính xác và chưa đầy đủ, thiếu sự
tham gia của công chức địa chính xã trong biên bản xác minh. Bởi bản thân ông
trưởng thôn và công chức tư pháp không thể cung cấp được thông tin ông An có
nhà đất ở địa phương hay không. Do đó, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án
huyện Chơn Thành đã yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh lại.

Kết quả xác minh ngày 02/02/2019, với sự tham gia của Phó chủ tịch Ủy
ban nhân dân xã Minh Hưng, công chức địa chính, công chức tư pháp, trưởng
thôn 3 thì hiện nay ông Trần An cùng bố mẹ đẻ là ông Trần Khoa và bà Nguyễn
Thị Sâm, cùng vợ và hai con có đăng ký thường trú và đang sinh sống tại thôn 3,
xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

Về tài sản: Ông Trần An đã được Ủy ban nhân dân huyện Chơn Thành,
tỉnh Bình Phước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên
đất đối với thửa đất số 01, tờ bản đồ số 02, diện tích 150m2 tại thôn 3, xã Minh
Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, nguồn gốc thửa đất là do ông Trần
Khoa và bà Nguyễn Thị Sâm (bố mẹ đẻ ông An cho ông ngày 26/9/2016). Hiện
tài sản trên không có tranh chấp gì. Ngoài tài sản trên thì ở địa phương ông Trần
An không đứng tên bất kỳ một tài sản gì khác.

Chấp hành viên cùng chính quyền địa phương tiến hành xác minh thực tế
tại thửa đất số 01, tờ bản đổ số 02, diện tích 150m2 tại thôn 3, xã Minh Hưng,

3
huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước thấy: có 01 ngôi nhà cấp 4 có diện tích
khoảng 60m2, ông Trần An cùng bố mẹ đẻ của ông, vợ và hai con đang sinh
sống trên thửa đất này. Ông Trần An không có nghề nghiệp, không có thu nhập
gì. Nguồn thu nhập của gia đình sống chủ yếu bằng việc làm thuê của vợ ông An
và hai con của ông An. Ngoài đồ dùng sinh hoạt phục vụ cuộc sống tối thiểu
hàng này, thì ông Trần An không có bất kỳ tài sản gì khác có giá trị để đảm bảo
thi hành án.

Chấp hành viên đã tiến hành trao đổi với chính quyền địa phương về nội
dung Biên bản xác minh ngày 29/01/2019 thì lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã
Minh Hưng cho biết: do không để ý nội dung biên bản xác minh mà Thư ký thi
hành án đã viết sẵn có xác nhận của tổ trưởng và công chức tư pháp nên ông ký
xác nhận vào, thực tế thì chính quyền địa phương cũng không trực tiếp đến gia
đình ông Trần An để tiến hành xác minh.

Trên cơ sở kết quả của hoạt động xác minh điều kiện thi hành án đối với
ông Trần An, căn cứ điểm a khoản 1 Điều 44a Luật THADS năm 2008 (sửa đổi,
bổ sung năm 2014), ngày 15/02/2019 Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện
Chơn Thành ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án đối với ông
Trần An.

CÂU HỎI: Là Kiểm sát viên được phân công kiểm sát hoạt động
THADS trong tình huống trên, hãy:

1. Kiểm sát việc ban hành Quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu số
25/QĐ-CCTHADS của Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Chơn Thành,
tỉnh Bình Phước.

2. Kiểm sát hoạt động xác minh điều kiện thi hành án của Chi cục
THADS huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

3. Tình tiết bổ sung: Quá trình tổ chức thi hành, ngày 23/3/2019, bà Vũ
Thị Loan có văn bản đề nghị hoãn thi hành án cho ông An do hai bên đương sự
đang có thỏa thuận (thời hạn hoãn là 1 năm, trong thời hạn hoãn thi hành án, ông

4
An không phải chịu lãi suất chậm thi hành án). Trong thời gian được hoãn thi
hành án, ngày 21/11/2019, ông An trúng xổ số giải đặc biệt trị giá 2.000.000.000
đồng (sau khi đóng thuế thu nhập cá nhân, ông An được hưởng 1.801.000.000
đồng). Ngày 27/01/2020, ông An đã trả toàn bộ số tiền nợ gốc 300.000.000 đồng
và 6.000.000 đồng lãi suất chậm thi hành án). Trong thời gian đó, Chấp hành
viên Chi cục THADS đã tiến hành xác minh và ghi nhận việc ông An đang thi
hành khoản nợ đối với bà Loan, nhưng không làm rõ việc thi hành án của ông
An để ra Quyết định thu phí thi hành án theo quy định của pháp luật.

Sau khi thu hồi số tiền nợ nói trên, ngày 08/02/2020, bà Loan đã làm đơn
đề nghị Chi cục THADS huyện Chơn Thành không thi hành án đối với khoản nợ
300.000.000 đồng và số tiền lãi 6.000.000 đồng của ông An nhằm trốn nộp phí
thi hành án. Căn cứ đơn đề nghị của bà Loan, áp dụng điểm c khoản 1 Điều 50
Luật THADS năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), Chi cục trưởng Chi cục
THADS huyện Chơn Thành có Quyết định đình chỉ thi hành án số 09/QĐ-THA
ngày 09/02/2020, đình chỉ thi hành khoản tiền gốc và lãi nói trên.

Kiểm sát việc ban hành Quyết định đình chỉ thi hành án của Chi cục
trưởng Chi cục THADS huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

(Lưu ý: những tình tiết không được nêu trong tình huống được mặc nhiên
Cơ quan thi hành án dân sự đã thực hiện đúng theo quy định của pháp luật).

5
II. GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG

1. Kiểm sát việc ban hành Quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu số
25/QĐ-CCTHADS của Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện
Chơn Thành, tỉnh Bình Phước

Theo quy định tại Điều 38 Luật THADS 2008 (sửa đổi, bổ sung 2014),
trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định, các quyết định về thi
hành án phải được gửi cho VKSND cùng cấp, trừ trường hợp Luật này có quy
định khác. Khi thực hiện kiểm sát Quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu số
25/QĐ-CCTHADS của Chi cục trưởng Chi cục THADS, Kiểm sát viên VKSND
huyện Chơn Thành thực hiện kiểm sát các nội dung sau:

Thứ nhất, kiểm sát thẩm quyền ban hành quyết định.

Theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 35 Luật THADS 2008 (sửa đổi,
bổ sung 2014), Cơ quan THADS cấp huyện có thẩm quyền thi hành bản án,
quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc
tỉnh và tương đương nơi cơ quan THADS có trụ sở. Bên cạnh đó, Khoản 1 Điều
36 Luật này quy định Thủ trưởng cơ quan THADS là chủ thể có thẩm quyền ra
quyết định thi hành án khi có yêu cầu thi hành án. Do đó trong tình huống trên,
việc Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Chơn Thành ban hành Quyết định
thi hành án theo đơn yêu cầu của bà Vũ Thị Loan để thi hành bản án của Tòa án
nhân dân huyện Chơn Thành là đúng quy định của pháp luật.

Thứ hai, kiểm sát thời hạn ban hành quyết định.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 36 Luật THADS 2008 (sửa đổi, bổ sung
2014), thời hạn ra quyết định thi hành án theo yêu cầu là 05 ngày làm việc, kể từ
ngày nhận được yêu cầu thi hành án. Trong tình huống này, vào ngày
23/12/2018 bà Vũ Thị Loan có đơn yêu cầu thi hành án, tuy nhiên đến ngày
12/01/2019 Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Chơn Thành mới ban hành
Quyết định thi hành án theo yêu cầu số 25/QĐ-CCTHADS. Có thể thấy, thời
hạn ban hành quyết định thi hành án đã vượt quá 05 ngày làm việc theo quy

6
định. Do vậy, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Chơn Thành đã vi phạm vi
quy định về thời hạn ban hành Quyết định thi hành án.

Khi nhận thấy quyết định thi hành án theo yêu cầu của Chi cục trưởng Chi
cục THADS có vi phạm về thời hạn ban hành quyết định thì Kiểm sát viên được
phân công nghiên cứu ghi rõ vi phạm vào phiếu kiểm sát, đề xuất báo cáo sử
dụng quyền kiến nghị đối với vi phạm trên của Chi cục trưởng Chi cục THADS.
Hình thức và nội dung kiến nghị thực hiện theo Điều 35 Quy chế 810 và phải
được thể hiện bằng văn bản theo Mẫu số 28 Quyết định sô 204/QĐ-VKSTC.
Văn bản kiến nghị phải do lãnh đạo Viện ký.

Thứ ba, kiểm sát hình thức quyết định.

Kiểm sát viên phải kiểm tra, đối chiếu xem Quyết định thi hành án theo
yêu cầu số 25/QĐ-CCTHADS có đúng Mẫu số 01a-THADS (Ban hành theo
Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp) hay không.

Thứ tư, kiểm sát nội dung quyết định.

Kiểm sát viên kiểm tra nội dung Quyết định thi hành án theo yêu cầu số
25/QĐ-CCTHADS có đúng với phán quyết tại Bản án dân sự sơ thẩm số
196/2018/DS-ST ngày 30/9/2018 của Tòa án nhân dân huyện Chơn Thành hay
không. Đồng thời xem xét vấn đề thỏa thuận thi hành án của đương sự để xác
định tính phù hợp của nội dung quyết định và xác định thời hiệu yêu cầu thi
hành án còn hay đã hết. Tình huống trên không đặt ra vấn đề thỏa thuận thi hành
án giữa các đương sự trước khi bà Loan có đơn yêu cầu. Việc bà Loan có đơn
yêu cầu thi hành án ngày 23/12/2018 vẫn trong thời hiệu yêu cầu thi hành án. Do
đó, việc thụ lý và ra Quyết định thi hành án theo yêu cầu số 25/QĐ-CCTHADS
là đúng quy định pháp luật.

2. Kiểm sát hoạt động xác minh điều kiện thi hành án của Chi cục Thi
hành án dân sự huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước

Xác minh điều kiện thi hành án là việc làm rất quan trọng của Chấp hành
viên, việc xác minh tài sản chính xác sẽ giúp việc raq quyết định về thi hành án

7
có căn cứ, đúng pháp luật, đảm bảo cho bản án, quyết định được thi hành đầy
đủ, kịp thời, đúng pháp luật. Theo quy định tại Điều 10 Quy chế công tác kiểm
sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính (Ban hành kèm theo Quyết định
số 810/QĐ-VKSTC-V11 ngày 20/12/2016 của Viện trưởng VKSNDTC tối cao),
khi kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án, Kiểm sát viên VKSND huyện
Chơn Thành thực hiện kiểm sát những nội dung sau:

Thứ nhất, kiểm sát căn cứ thực hiện hoạt động xác minh điều kiện thi
hành án.

Khi kiểm sát căn cứ thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án, Kiểm
sát viên kiểm sát việc bảo đảm thời hạn tự nguyện trước khi thực hiện hoạt động
xác minh. Về thời hạn tự nguyện thi hành án, theo quy định tại khoản 1 Điều 45
Luật THADS 2008 (sửa đổi, bổ sung 2014), ông Trần An có 10 ngày để tự
nguyện thi hành án kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, tức là kể từ
ngày 12/01/2019.

Khoản 1 Điều 44 Luật THADS 2008 (sửa đổi, bổ sung 2014) quy định:
“Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà
người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành
xác minh; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
thì phải tiến hành xác minh ngay”.

Theo tình huống, hết thời hạn tự nguyện thi hành án nhưng ông An không
tự nguyện thi hành. Do đó, Chấp hành viên đã giao cho Thư ký giúp việc tiến
hành thủ tục xác minh điều kiện thi hành án của ông An vào ngày 29/01/2019.
Việc Chấp hành viên tiến hành thủ tục xác minh điều kiện thi hành án của ông
An là có căn cứ và bảo đảm đúng thời hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 44
Luật THADS 2008 (sửa đổi, bổ sung 2014).

Thứ hai, kiểm sát hoạt động xác minh điều kiện thi hành án.

Theo quy định tại khoản 1 điều 44 Luật THADS 2008 (sửa đổi, bổ sung
2014): “Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án
mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án thì Chấp hành viên tiến

8
hành xác minh…”. Như vậy, Chấp hành viên phải trực tiếp tiến hành xác minh
điều kiện thi hành án của ông An. Tuy nhiên Chấp hành viên và Thư ký được
giao nhiệm vụ trong tình huống lại chưa thực hiện đảm bảo việc xác minh một
cách chính xác theo quy định của pháp luật. Chấp hành viên đã không trực tiếp
xác minh điều kiện thi hành án của ông An mà chỉ dựa trên biên bản xác minh
ngày 29/01/2019 do Thư ký cung cấp để đề xuất với Chi cục trưởng Chi cục Thi
hành án dân sự huyện Chơn Thành ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi
hành án đối với ông An.

Qua nội dung biên bản xác minh ngày 29/01/2019 cho thấy biên bản chưa
nêu rõ tình trạng tài sản của ông An. Cụ thể, biên bản chưa xác định rõ đất đai,
nhà ở thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của ai, thuộc sở hữu chung hay sở hữu
riêng, nhà ở, đất ở có vị trí, diện tích như thế nào, có nằm trong quy hoạch
không, có bị tranh chấp không, tình trạng đất đai, nhà ở… Thư ký mới chỉ dựa
vào những thông tin do trưởng thôn cung cấp 3 cung cấp về việc ông An cùng
vợ và hai con sinh sống trên nhà đất của bố mẹ đẻ ông An, ông An không có
nghề nghiệp, không có thu nhập gì, sống phụ thuộc vào gia đình. Mặc dù có xác
nhận của công chức tư pháp xã và lãnh đạo xã Minh Hưng nhưng Thư ký không
thực hiện việc xác minh qua công chức địa chính xã - nơi bước đầu cung cấp
được thông tin nhà, đất của người phải thi hành án chính xác, trong khi đó bản
thân ông trưởng thôn và công chức tư pháp không thể đảm bảo cung cấp được
đầy đủ thông tin ông An có nhà đất ở địa phương hay không. Như vậy, có thể
thấy nội dung biên bản xác minh chưa thể hiện đầy đủ các yêu cầu của việc xác
minh điều kiện thi hành án theo quy định tại khoản 4 Điều 44 Luật THADS
2008 (sửa đổi, bổ sung 2014).

Nhận thấy kết quả xác minh còn thiếu chính xác và chưa đầy đủ, Chi cục
trưởng Chi cục Thi hành án huyện Chơn Thành đã yêu cầu Chấp hành viên tiến
hành xác minh lại. Trong trường hợp này, Kiểm sát viên trước hết cũng phải
kiểm sát thời hạn thực hiện việc xác minh lại, thành phần tham gia cũng như nội
dung biên bản xác minh lại.

9
Một là, về thời hạn thực hiện việc xác minh lại. Theo quy định tại khoản 5
Điều 44 Luật THADS 2008 (sửa đổi, bổ sung 2014): “Trường hợp Chấp hành
viên thấy cần thiết hoặc kết quả xác minh của Chấp hành viên và người được thi
hành án khác nhau hoặc có kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thì phải xác
minh lại. Việc xác minh lại được tiến hành trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể
từ ngày nhận được kết quả xác minh do đương sự cung cấp hoặc nhận được
kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân”. Theo tình huống, việc xác minh lại
được tiến hành vào ngày 02/02/2019 và không vi phạm quy định pháp luật về
thời hạn thực hiện việc xác minh lại.

Hai là, về thành phần tham gia và nội dung biên bản xác minh lại. Kiểm
sát viên phải kiểm sát việc lập biên bản xác minh có được thực hiện đúng theo
quy định tại điều 44 Luật THADS hay không. Cụ thể khi tiến hành xác minh
ông An phải kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập,
điều kiện thi hành án, Chấp hành viên phải nêu rõ trong biên bản xác minh điều
kiện thi hành án về việc ông An kê khai hoặc không kê khai tài sản, thu nhập,
điều kiện thi hành án. Việc lập biên bản về việc xác minh điều kiện thi hành án
phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân hoặc công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ
chức, cá nhân nơi tiến hành xác minh theo quy định tại điểm e khoản 4 điều 44
Luật THADS. Trong trường hợp trên sau khi tiến hành xác minh lại thì tại biên
bản xác minh ngày 02/02/2019, có sự tham gia của Phó chủ tịch Ủy ban nhân
dân xã Minh Hưng, công chức địa chính, công chức tư pháp, trưởng thôn 3 vì
vậy thành phần tham gia xác minh lại được đảm bảo. Đồng thời, nội dung biên
bản cũng xác định rõ tình trạng tài sản của ông An.

Thứ ba, kiểm sát việc xử lý kết quả xác minh điều kiện thi hành án.

Theo tình huống, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Chơn Thành căn
cứ kết quả của hoạt động xác minh điều kiện thi hành án đối với ông An và áo
dụng điểm a khoản 1 Điều 44a Luật THADS năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm
2014) để ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án đối với ông An vào
ngày 10/02/2019.

10
Trước hết, cần xem xét ông An có thuộc một trong các trường hợp chưa
có điều kiện thi hành án hay không. Theo kết quả xác minh ngày 02/02/2019,
ông An chỉ đứng tên thửa đất diện tích 150m 2 và ngôi nhà cấp 4 diện tích
khoảng 60m2 trên thửa đất đó. Ngoài tài sản trên thì ở địa phương ông An không
đứng tên bất kỳ một tài sản gì khác, không có nghề nghiệp, không có thu nhập
gì. Ngoài đồ dùng sinh hoạt phục vụ cuộc sống tối thiểu hàng này, thì ông An
không có bất kỳ tài sản gì khác có giá trị để đảm bảo thi hành án. Như vậy, việc
Chi cục trưởng Chi cục THADS áp dụng điểm a khoản 1 Điều 44a Luật THADS
năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014): “Người phải thi hành án không có thu
nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành
án, người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng và không có tài sản để thi hành án
hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế thi
hành án hoặc tài sản theo quy định của pháp luật không được kê biên, xử lý để
thi hành án” để ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án đối với ông
An là có căn cứ và đúng thẩm quyền.

Về thời hạn ban hành quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án,
Theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Nghị định 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy
định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự:
“Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày xác định có căn cứ quy định tại
khoản 1 Điều 44a Luật Thi hành án dân sự, Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra
quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án”. Căn cứ ra quyết định về việc
chưa có điều kiện thi hành án được thể hiện tại biên bản xác minh ngày
02/02/2019. Tuy nhiên, đến ngày 15/10/2019, Chi cục trưởng Chi cục THADS
huyện Chơn Thành mới ban hành quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành
án đối với ông An. Như vậy thời hạn ra quyết định đã vượt quá thời hạn 05 ngày
làm việc theo quy định pháp luật.

Khi nhận thấy quyết định chưa có điều kiện thi hành án của Chi cục
trưởng Chi cục THADS có vi phạm về thời hạn ra quyết định thì Kiểm sát viên
được phân công nghiên cứu ghi rõ vi phạm vào phiếu kiểm sát, đề xuất báo cáo
sử dụng quyền kiến nghị đối với vi phạm trên của Chi cục trưởng Chi cục

11
THADS. Hình thức và nội dung kiến nghị thực hiện theo Điều 35 Quy chế 810
và phải được thể hiện bằng văn bản theo mẫu số 28 Quyết định sô 204/QĐ-
VKSTC và phải do lãnh đạo Viện ký.

Ngoài những nội dung trên, Kiểm sát viên cần lưu ý quy định tại khoản 1
Điều 11 nghị định 62/2015/NĐ-CP để thực hiện việc kiểm sát. Theo đó: “Trong
thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi
hành án, cơ quan thi hành án dân sự đăng tải công khai thông tin về tên, địa chỉ,
nghĩa vụ thi hành án của người phải thi hành án trên Trang thông tin điện tử
của Cục Thi hành án dân sự và tích hợp trên Cổng thông tin điện tử của Tổng
cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp; gửi quyết định về việc chưa có điều
kiện thi hành án cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xác minh để niêm yết công
khai. Thời gian niêm yết công khai quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành
án là 03 tháng, kể từ ngày niêm yết”. Vì vậy trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày
15/02/2019, Chi cục THADS huyện Chơn Thành phải tiến hành công khai tên,
địa chỉ và nghĩa vụ thi hành án của ông An và tiến hành niêm yết trong thời hạn
03 tháng. Trường hợp Chi cục THADS huyện Chơn Thành thực hiện không
đúng, không đầy đủ thì Viện kiểm sát cùng cấp có quyền yêu cầu, kiến nghị
hoặc kháng nghị để khắc phục vi phạm theo quy định tại khoản 5 Điều 10 Quy
chế số 810.

3. Kiểm sát việc ban hành Quyết định đình chỉ thi hành án của Chi cục
trưởng Chi cục THADS huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước

Thứ nhất, về thẩm quyền ra quyết định đình chỉ thi hành án dân sự.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật THADS năm 2008 (sửa đổi, bổ
sung 2014) thì Thủ trưởng cơ quan THADS có thẩm quyền ra quyết định thi
hành án. Do đó trong tình huống trên, việc Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án
dân sự huyện Chơn Thành có Quyết định đình chỉ thi hành án số 09/QĐ-THA
ngày 09/02/2020, đình chỉ thi hành khoản tiền gốc và lãi là đúng thẩm quyền.

Thứ hai, về thời hạn ra quyết định đình chỉ thi hành án dân sự.

12
Trong tình huống, ngày 08/02/2020, bà Loan đã làm đơn đề nghị Chi cục
Thi hành án dân sự huyện Chơn Thành không thi hành án đối với khoản nợ
300.000.000 đồng và số tiền lãi 6.000.000 đồng của ông An. Căn cứ khoản 2
Điều 50 Luật này thì thời hạn ra quyết định đình chỉ thi hành án là 05 ngày làm
việc, kể từ ngày có căn cứ đình chỉ thi hành án, cụ thể là từ ngày 08/02/2020 đến
ngày 09/02/2020 là 01 ngày. Do đó, thời hạn ra quyết định đình chỉ thi hành án
dân sự của Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Chơn Thành là đúng theo quy
định của pháp luật.

Thứ ba, về căn cứ ra quyết định đình chỉ thi hành án dân sự.

Sau khi trúng xổ số giải đặc biệt 1.801.000.000 đồng sau thuế, vào ngày
27/01/2020 ông An đã trả toàn bộ số tiền nợ gốc 300.000.000 đồng và số tiền lãi
suất chậm thi hành án 6.000.000 đồng cho bà Vũ Thị Loan. Như vậy ông An đã
thực hiện xong nghĩa vụ của mình.

Bên cạnh đó, theo Điều 60 Luật THADS năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm
2014), người được thi hành án phải nộp phí thi hành án dân sự. Bà Loan sau khi
đã thu hồi số tiền nợ của ông An thì phải có trách nhiệm nộp phí thi hành án dân
sự cho Chi cục THADS huyện Chơn Thành.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian hoãn thi hành án, Chấp hành viên Chi
cục THADS đã tiến hành xác minh và ghi nhận việc ông An đang thi hành
khoản nợ đối với bà Loan, nhưng lại không làm rõ việc thi hành án của ông An,
tức Chấp hành viên không làm rõ việc ông An đã trả xong khoản nợ gốc và số
tiền lãi cho bà Loan nên đã không ra Quyết định thu phí thi hành án đối với bà
Loan theo quy định của pháp luật. Lợi dụng việc thiếu sót của Chấp hành viên,
ngày 08/02/2020 bà Loan đã làm đơn đề nghị Chi cục THADS huyện Chơn
Thành không thi hành án đối với ông An.

Theo quy định tại Điều 6, Điều 7 Thông tư số 216/2016/TT-BTC quy


định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự, bà
Loan không thuộc trường hợp không phải chịu phí thi hành án dân sự cũng như
miễn, giảm phí thi hành án dân sự.

13
Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 5 Nghị định 33/2020/NĐ-CP quy định:
“Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đang tổ chức thi hành án mà đương sự
thỏa thuận về việc không yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục thi hành
một phần hoặc toàn bộ quyết định thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành
án dân sự ra quyết định đình chỉ thi hành án đối với nội dung thỏa thuận đó
theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 Luật thi hành án dân sự”. Chi cục
trưởng Chi cục THADS huyện Chơn Thành đã căn cứ quy định này và điểm c
khoản 1 Điều 50 Luật THADS năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) để ra
Quyết định đình chỉ thi hành án số 09/QĐ-THA ngày 09/02/2020.

Tuy nhiên, có thể thấy việc đề nghị không thi hành án của bà Loan có dấu
hiệu trốn tránh nghĩa vụ nộp phí thi hành án dân sự theo quy định pháp luật.
Chấp hành viên đã xác minh không rõ ràng dẫn đến việc ban hành Quyết định
đình chỉ thi hành án của Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Chơn Thành là
không đúng theo quy định pháp luật.

Từ việc chứng minh việc ra quyết định đình chỉ thi hành án của Chi cục
thi hành án dân sự huyện Chơn Thành nói trên là sai, đồng thời căn cứ quy định
tại khoản 2 Điều 11 Quy chế số 810: “Khi phát hiện các quyết định nói trên
không hợp pháp hoặc không có căn cứ thì Viện kiểm sát có văn bản yêu cầu,
kiến nghị hoặc kháng nghị với cơ quan, người ban hành quyết định thu hồi, sửa
đổi, bổ sung, hủy quyết định theo quy định tại Điều 8 của Quy chế này”. Theo
đó, Kiểm sát viên thực hiện việc kiểm sát trong trường hợp này phải có đề xuất
báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát ban hành kháng nghị đối với Quyết định đình
chỉ thi hành án số 09/QĐ-THA ngày 09/02/2020 của Chi cục trưởng Chi cục
THADS huyện Chơn Thành, yêu cầu Chi cục THADS huyện Chơn Thành hủy
Quyết định này, ban hành Quyết định thu phí thi hành án đối với số tiền
306.000.000 đồng (cả khoản nợ gốc và số tiền lãi suất chậm thi hành án) mà bà
Vũ Thị Loan đã nhận từ ông An, đồng thời xác định trách nhiệm, kiểm điểm
Chấp hành viên đã để xảy ra vi phạm.

14
C. KẾT LUẬN

Như vậy, với tình huống mà nhóm đã xây dựng đã chỉ ra được một số vi
phạm thường gặp của Cơ quan thi hành án dân sự trong hoạt động thi hành án
dân sự, đó là các vi phạm trong việc ra quyết định thi hành án, quyết định đình
chỉ thi hành án và trong việc xác minh điều kiện thi hành án. Trong quá trình
kiểm sát, là một Kiểm sát viên được phân công kiểm sát hoạt động thi hành án
dân sự, Kiểm sát viên cần nắm vững và nắm chắc các quy định của pháp luật về
thi hành án dân sự, các văn bản nghiệp vụ của ngành Kiểm sát để phát hiện vi
phạm và đồng thời đề xuất với lãnh đạo Viện về hướng giải quyết nhằm khắc
phục vi phạm. Trong từng trường hợp cụ thể và tùy thuộc vào mức độ vi phạm
của cơ quan thi hành án dân sự mà Viện kiểm sát sẽ ban hành yêu cầu, kiến nghị
hoặc kháng nghị. Nếu việc phát hiện ra những vi phạm trong hoạt động thi hành
án dân sự, đồng thời đề xuất hướng khắc phục vi phạm một cách đúng đắn và có
hiệu quả sẽ nâng cao vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong công tác kiểm sát
thi hành án dân sự; tạo sự chuyển biến thực chất, mạnh mẽ trong toàn Ngành,
nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên
quan trong việc thi hành án dân sự. Trong thời gian tới, để đảm bảo cho hoạt
động, mỗi Kiểm sát viên cần có các biện pháp tác động, đẩy nhanh tiến độ thi
hành dân sự, kiên quyết thực hiện kiến nghị, kháng nghị đối với những vi phạm
đã phát hiện trong quá trình kiểm sát thi hành dân sự.

15

You might also like