You are on page 1of 3

*CHÚNG TÔI PHẢN ĐỐI VĂN HOÁ TẨY CHAY*

Tôi ủng hộ kiến nghị: "Chúng tôi phản đối văn hoá tẩy chay".

“Em thấy những ngày đó thật khủng khiếp, phải nghỉ học cả tuần, đêm nào
em cũng khóc, mỗi ngày đến trường là một cực hình…”; “Tại sao tôi lại bị
mắng chửi như vậy? Tôi cảm thấy có rất nhiều người mang thành kiến
nặng nề với duy nhất một mình tôi. Xin hãy hiểu tôi hơn một chút…” Lời
một em bé phải chuyển trường vì các bạn cô lập, và tiếng nấc nghẹn ngào
của cố nghệ sĩ Sulli trước khi tự tử do bị tẩy chay trên mạng xã hội khiến ta
phần nào nhận ra tẩy chay đáng sợ thế nào! Người ta không gọi riêng đây là
vấn nạn tẩy chay mà gọi là “văn hoá tẩy chay” bởi độ phổ biến, bởi “quyền
lực” của nó và hậu quả khủng khiếp nó gây ra trong xã hội hiện đại. Sẽ ra
sao nếu văn hoá này cứ tiếp tục được duy trì và lan rộng? Nhiều nạn nhân
của bạo lực, của tẩy chay hơn? Nhiều người tìm đến cái chết hơn? Có lẽ
vậy! Vì thế chúng tôi vô cùng phản đối văn hoá tẩy chay tiêu cực này.

Tẩy chay là một động từ nhằm chỉ “ như không biết gì đến, không mua,
không dùng, không tham gia, không có quan hệ, để tỏ thái độ phản đối”.
“Văn hoá tẩy chay” tức là có một cộng đồng người cùng rút lại sự ủng hộ
với một đối tượng đã thực hiện hành động nào đó bị coi là phản cảm hoặc
xúc phạm. Văn hoá tẩy chay xuất hiện ở mọi nơi, mọi chỗ, kể cả trên thế
giới ảo hay trong cuộc đời thực. Không khó để ta bắt gặp một em bé bị các
bạn tẩy chay do được thầy cô ưu ái như trường hợp ở phần mở đầu, một chị
nhân viên bị đồng nghiệp tẩy chay bởi sự thẳng thắn, thành thật, một nhãn
hàng bị tẩy chay vì chất lượng sản phẩm, một người mẫu bị tẩy chay trên
mạng xã hội vì ăn mặc quá hở hang hay phát ngôn phản cảm… Có trường
hợp đáng thương, có trường hợp đáng trách, nhưng tựu chung, họ đều là
nạn nhân, đều sẽ chịu những tổn thương khó lòng xoa dịu, những ảnh
hưởng không nhỏ đến cả vật chất lẫn tinh thần, đến tương lai thậm chí là cả
cuộc đời của họ.

Tại sao chúng tôi phản đối văn hoá tẩy chay? Một trong những nguyên
nhân chính đó là do cách thức mà một nhóm người cùng tẩy chay một
người, một đối tượng. Khi nhắc đến hai từ “tẩy chay”, chúng ta thường
nghĩ đến những cụm từ tiêu cực mang tính phê bình, công kích, chỉ trích;
những hành động “ném đá”, xúc phạm nặng nề. Ngoài đời thực, người lớn
hay trẻ con đều có kiểu tẩy chay phổ biến là nói xấu, mỉa mai, bắt nạt, cô
lập, chèn ép, xúc phạm thân thể, danh dự một cá nhân; với những lí do là cá
nhân đó nổi trội hoặc thua kém hơn họ, khác biệt, không hoà nhập với họ;
cũng có thể người đó đã vạch trần điểm yếu, cái xấu của họ, hay đơn giản
là một người không vừa mắt một người nên lôi kéo tập thể tẩy chay người
kia... Còn trên các trang mạng xã hội, người ta dễ dàng tấn công một ai đó
chỉ bằng vài ba dòng bình luận dù quen biết hay xa lạ, xuất phát từ cảm
xúc, ý thức cá nhân hoặc bị tác động bởi tư duy, hiệu ứng đám đông ảo.
Văn hoá tẩy chay thể hiện sức mạnh bằng việc ảnh hưởng đến cách mỗi
người nhìn nhận, xem xét, đánh giá và suy luận sự việc, dẫn tới tẩy chay
những quan điểm mà họ thấy “không thuận tai, cố tình hiểu sai hay chỉ hiểu
bề nổi”. Nạn nhân của tẩy chay trên mạng thường là người nổi tiếng, nhiều
lượt theo dõi, có sức ảnh hưởng rộng rãi. Còn nhớ hồi đầu năm 2021, trào
lưu lập nhóm “anti-fan” diễn ra tràn lan trên mạng xã hội chỉ vì muốn tẩy
chay các nghệ sĩ bởi những lí do không đáng có. Ví dụ như Hoa hậu Hương
Giang bị lập nhóm tẩy chay hàng trăm nghìn người chỉ vì cô nói những lời
“đạo lí” ở một số gameshow; bộ phim “Phượng khấu” bị tẩy chay vì nữ
diễn viên chính đùa một câu trên trang cá nhân... Hay nhiều vụ kích động,
tẩy chay, trả đũa gây ồn ào dư luận như tấn công trang cá nhân của huấn
luyện viên, cầu thủ nước bạn do họ thắng Việt Nam; chửi bới người khác
tục tĩu công khai trên các nền tảng trực tuyến… Dù ở thế giới thực hay ảo,
đây đều là những cách thức không văn minh mà quá khích, mang tính bạo
lực, xâm phạm quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm của con người, là
hành vi vi phạm pháp luật.

Chúng tôi phản đối văn hoá tẩy chay còn bởi vì hậu quả nó gây ra với
người bị hại và với xã hội. Chúng ta hẳn đều biết rõ nạn nhân của tẩy chay
sẽ phải gánh chịu áp lực tinh thần, khủng hoảng tâm lí nghiêm trọng đến
mức nào. Những người đi tẩy chay tự coi mình là “thẩm phán”, nhân danh
công lí đám đông để diệt trừ cái họ cho là phản cảm, xúc phạm, bảo vệ cái
họ cho là chuẩn mực, đúng đắn. Những câu từ họ thốt ra trong vài giây
nhưng lại ám ảnh nạn nhân cả đời. Những người bị hại đáng thương ấy
cũng là con người chứ đâu phải bao cát cho người khác xả sự tức giận, bực
bội của mình. Những lời nói, câu chữ tiêu cực khác gì những nắm rau, quả
trứng thối người ta ném vào phạm nhân khi bị diễu giữa đường khi xưa cơ
chứ! Bạn nghe có một số người chia sẻ rằng họ không để ý cái nhìn của
người khác, không quan tâm những bình luận gay gắt, tiêu cực của người
khác. Thực ra họ cố tỏ ra mạnh mẽ để che giấu sự đau lòng, hoặc họ đã
quen với tổn thương để buộc mạnh mẽ lên thôi, chứ ít ai có thể thản nhiên
đón nhận hay tảng lờ những lời nói như dao găm ấy được. Họ mạnh mẽ
thật đấy, nhưng dẫu sao họ chỉ là một cá thể, làm sao họ mãi trụ vững trước
hiện thực nghiệt ngã ấy mãi được. Họ ở chỗ bạn không nhìn thấy âm thầm
gặm nhấm nỗi đau, nỗi khổ của mình, để rồi sau đó họ cứng cỏi hơn, gan lì
hơn, trưởng thành hơn – một sự trưởng thành đầy nước mắt; hoặc họ mãi
không thoát được bóng đêm tâm lí mà suy sụp, thậm chí tìm đến kết cục bi
thảm nhất, như trường hợp đáng buồn của Sulli và bao người khác nữa. Tội
phạm (trừ tội phạm chung thân hoặc tử hình) còn có cơ hội hoàn lương,
làm lại cuộc đời. Thế nhưng nạn nhân của tẩy chay, nhẹ thì tâm lí, sức khoẻ
ảnh hưởng, nặng thì mất hết cả sự nghiệp, tình yêu, tính mạng, đến cơ hội
vực dậy cũng mong manh hoặc không còn. Từ bé đến lớn, ai mà chẳng
không ít lần bị bố mẹ, thầy cô trách móc, rầy la, mắng nhiếc. Hãy nhớ lại
xem có lần nào ta không thấy tủi thân, ấm ức dù rằng ta sai? Có lần nào ta
cảm ơn người lớn đã mắng ta để ta khôn hơn? Có lẽ không? Thay vào đó,
hầu như chúng ta sẽ cảm thấy khó chịu, cảm thấy lòng tự trọng bị xúc
phạm, dẫn đến một vài phản kháng bột phát. Vậy tại sao người ta lại ép một
người khác coi những lời xúc phạm, chỉ trích là bài học, là những gì phải
gánh chịu; lại bình thường hoá việc lăng nhục và lăng mạ người khác. Mỗi
cá nhân gắn liền với một gia đình, một môi trường sống. Khi cá nhân đó bị
tác động tiêu cực, gia đình, người thân, bạn bè sẽ là đối tượng tiếp theo bị
vạ lây bởi con quỷ dữ “tẩy chay”. Một loạt “tai bay vạ gió” ập đến gia đình,
từ ngoài đời đến trên mạng, làm sao ngăn được hết, tệ nhất cũng là bị dồn
đến bước đường cùng phải chuyển nơi ở, sống khép kín, tự bao bọc chính
mình. Một xã hội mà ai cũng cho mình là “thẩm phán”, là “Chánh án”, dễ
dàng luận tội cho người khác, dễ dàng phán án “tử hình” cho người khác
thì còn gì là một xã hội nhân văn, nơi tính mạng, danh dự con người được
đặt lên hàng đầu, nơi chỉ pháp luật mới có thể trừng phạt người có tội! Văn
hoá tẩy chay càng phát triển thì nó càng làm rối ren, đảo lộn xã hội mà thôi.

Có nhiều ý kiến đưa ra văn hoá tẩy chay là một khía cạnh của tự do ngôn
luận, cũng có lí do đưa ra để chứng minh văn hoá tẩy chay giúp loại bỏ cái
xấu, cái lộng hành trong xã hội. Chúng ta cần hiểu rõ ràng rằng tự do ngôn
luận không phải thích thì nói, không phải là quyền được phán xét, bình
phẩm, lăng mạ một ai đó. "Tự do tức là có thể làm tất cả những gì không
gây hại cho người khác", góp ý, phê bình một cách có thiện chí, mang tính
đóng góp để cải thiện nhược điểm của người khác, chứ không phải bới lông
tìm vết, vạch trần, nhục mạ họ. Đánh người, tay mình đau trước, ngoài vài
phút hả hê khi hạ bệ ai đó thì mình được gì? Còn tẩy chay giúp loại bỏ cái
xấu ư? Không, pháp luật sẽ làm việc đó. Thay vì tẩy chay cái xấu, sao bạn
không tố giác nó với cơ quan chức năng, phê phán nó một cách công tâm
và thành thực? Khi ấy, ta vừa loại bỏ được cái xấu, vừa không tiếp tay cho
văn hoá tẩy chay này.

Văn hoá tẩy chay lấy danh nghĩa là xoá bỏ u nhọt trong xã hôi, nhưng thực
ra nó mới là cái u đáng sợ nhất. Hãy tỉnh táo và khôn ngoan, đặc biệt là
trong thời đại công nghệ số này, để bạn không phải đồng phạm, cũng
không phải nạn nhân của nó nhé.

You might also like