You are on page 1of 8

MÀNG BỒ ĐÀO

TÁC GIẢ

Erica Fletcher: Đại học Melbourne

Roger Anderson: Đại học Ulster

THẨM ĐỊNH

Thomas Freddo: Đại học Waterloo

NỘI DUNG CỦA CHƯƠNG

1. Giới thiệu
2. Mống mắt
3. Thể mi
4. Hắc mạc

GIỚI THIỆU

Màng bồ đào (uveal tract) (chữ La tinh, “uva” nghĩa là quả nho) là một lớp có sắc tố và nhiều mạch máu của nhãn
cầu. Màng bồ đào gồm có mống mắt, thể mi và hắc mạc. Màng bồ đào có nhiều chức năng khác nhau nhưng,
giống như nhiều đặc điểm của mắt, các chức năng này được quyết định bởi cấu trúc. Do đó, các chức năng gồm
có: cấp máu cho các cấu trúc ở trong mắt, sản xuất ra thủy dịch, điều tiết, điều chỉnh lượng ánh sáng đi vào mắt và
độ sâu tiêu điểm của mắt.

2014 Giải phẫu và sinh lí mắt, Chương 4-1


Màng bồ đào

MỐNG MẮT

Mống mắt là một cấu trúc mỏng hình vòng nằm ở trước thể thủy tinh. Nó chia nhãn cầu thành tiền phòng và hậu
phòng. Nó hoạt động tương tự màng chắn của một máy ảnh hoặc hệ thống quang học. Lỗ trung tâm, được gọi là
đồng tử, có đường kính thay đổi từ khoảng 1 đến 9mm tùy theo lượng ánh sáng; khi ánh sáng nhiều thì đồng tử co
và khi ánh sáng ít thì đồng tử giãn. Đồng tử cũng là đường lưu thông chính của thủy dịch từ thể mi ra tiền phòng.

Cấu trúc của mống mắt khi nhìn từ mặt trước có thể được chia thành 2 vùng: vùng đồng tử và vùng thể mi. Vùng
đồng tử trung tâm là vùng ở ngay sát đồng tử. Đường ranh giới của vùng đồng tử (được gọi là vòng nhỏ) là phần
dày nhất của mống mắt nằm cách bờ đồng tử khoảng 1,5mm (xem Hình 4.1). Rìa của đồng tử tạo thành bờ đồng
tử. Vùng thể mi là phần mống mắt từ vòng nhỏ đến chân mống mắt. Các hố (được gọi là các hốc Fuch) có thể thẩy
ở mặt trước, nhất là ở vùng đồng tử hoặc quanh vòng nhỏ. Các hố nhỏ hơn có thể thấy ở gần chân mống mắt.
Vòng cổ mống mắt nằm ở bờ đồng tử và tiếp nối với biểu mô sắc tố ở phía sau qua đồng tử.

Màu sắc – Màu sắc của mống mắt được quyết định bởi các hắc tố bào của nhu mô. Sắc tố ít hơn ở mống mắt màu
“xanh”, nó tán xạ ngược các bước sóng ngắn của ánh sáng một cách chọn lọc, làm cho mống mắt có màu xanh.
Màu nâu là màu di truyền trội, màu xanh di truyền lặn. Số lượng hắc tố bào ít hơn ở trẻ sơ sinh chủng tộc da trắng
làm cho mống mắt có màu xanh. Ở một số người, màu mống mắt có thể khác nhau ở từng phần, màu thậm chí có
thể khác nhau giữa hai mắt (mống mắt khác màu)

Hình 4.1: Mặt trước mống mắt


(ảnh lấy từ http://en.wikipedia.org/wiki/File:Human_Iris_JD052007.jpg)

Cấu trúc mô học


Mống mắt có thể được chia thành 4 lớp, (i) bờ trước, (ii) nhu mô và cơ vòng, (iii) biểu mô trước và cơ giãn, và cuối
cùng là (iv) biểu mô sau.

Lớp bờ trước là phần đặc lại của nhu mô bên dưới, Nó gồm các sợi collagen, các hắc tố bào và các nguyên bào sợi
và thường không liên tục trên toàn bộ bề mặt mống mắt, do đó nó không che lấp các hốc. Những đám tích tụ hắc tố
bào xuất hiện giống như những vết tàn nhang của mống mắt.

2014 Giải phẫu và sinh lí mắt, Chương 4-2


Màng bồ đào

Nhu mô (Hình 4.2) bắt nguồn từ trung mô và có dạng bè lưới. Nó có thể thấy ở mặt trước và gồm một chất căn bản
lỏng lẻo có các sợi collagen cùng với các nguyên bào sợi và hắc tố bào. Nó có nhiều mạch máu với các mạch máu
chạy theo hướng nan hoa và dễ dàng biến dạng khi đồng tử giãn. Các động mạch mống mắt là các nhánh của một
mạch máu hình vòng gọi là vòng mạch lớn của mống mắt, nó nằm ở trong thể mi gần chân mống mắt.

Nhu mô còn có cơ vòng gần mặt sau ở vùng đồng tử (Hình 4.2). Cơ vòng đồng tử gồm các tế bào cơ trơn. Như tên
gọi của nó, đây là một cơ hình vòng chạy quanh đồng tử. Phân bố thần kinh của cơ là các dây thần kinh đối giao
cảm, khi cơ co sẽ làm co đồng tử.

Hình 4.2: Hình cắt ngang mống mắt

Ở mặt sau của nhu mô là 2 lớp biểu mô. Lớp thứ nhất được gọi là biểu mô mống mắt trước, gồm những tế bào cơ-
biểu mô chuyên hóa cao. Cạnh đỉnh của những tế bào chuyên hóa này gồm có các tế bào biểu mô sắc tố hình khối
được nối với nhau bởi những cầu nối kín. Tuy nhiên, phần đáy của các tế bào này chứa các mỏm cơ trơn bị kéo dài
có thể co được. Các tế bào này tạo thành “cơ giãn” đi từ chân mống mắt tới khoảng điểm giữa của cơ vòng ở vùng
đồng tử. Hình 4.3 là ảnh phóng đại cao của mống mắt cho thấy các dải mỏng màu hồng của cơ giãn, và cơ trơn
dày của cơ vòng. Lớp thứ hai của tế bào biểu mô ở mặt sau của mống mắt là biểu mô mống mắt sau. Nó chứa các
tế bào lớn và tập trung cao độ melanin. Vòng cổ mống mắt được tạo thành bởi biểu mô sau uốn quăn quanh bờ
đồng tử (hình 4.3).

Hình 4.3: Các hình cắt ngang mống mắt ở vùng đồng tử và vùng thể mi. Chú ý rằng vòng cổ mống mắt được tạo thành bởi biểu
mô sắc tố từ phía sau đi về phía trước qua bờ đồng tử. Các sợi cơ trơn của cơ vòng đồng tử ở trong mô được nhuộm màu hồng.
Cơ giãn đồng tử là một dải mảnh chạy từ chu biên mống mắt tới các vùng trung tâm hơn. Bên cạnh đó có thể thấy biểu mô sau có
nhiều sắc tố.

2014 Giải phẫu và sinh lí mắt, Chương 4-3


Màng bồ đào

Hình 4.4 Hình ảnh OCT phần trước nhãn cầu cho thấy đồng tử giãn. Chú ý biểu mô sau của mống mắt đậm đặc.

THỂ MI

Hình 4.5: Thể mi nhìn từ bên trong mắt

Thể mi nằm ở giữa mống mắt và hắc mạc, và tạo thành một vòng hình khuyên rộng khoảng 6mm. Nó có những
chức năng rất quan trọng là sản xuất thủy dịch, treo thể thủy tinh vào mặt trong thành nhãn cầu và điều tiết. Nó
chạy dài từ cựa củng mạc ở phía trước đến ora serrata (chỗ nối tiếp với võng mạc) ở phía sau. Trên mặt cắt ngang,
thể mi có hình tam giác với một góc của đáy nằm sát cựa củng mạc. Bờ ngoài của thể mi chạy song song với vùng
củng mạc, bờ trong hướng vào hậu phòng. Thể mi được chia thành 2 phần: phần nếp gấp (pars plicata) chứa các
mỏm nhô ra như các ngón tay nhỏ được gọi là các mỏm thể mi. Phần phẳng (pars plana) là một vùng bằng phẳng
hơn kéo dài đến ora serrata. Các dây chằng Zinn đi từ giữa các mỏm thể mi đến thể thủy tinh để cột thể thủy tinh
vào mặt trong thành nhãn cầu.
Cấu trúc mô học

Hình 4.6: Hình cắt ngang thể mi.

2014 Giải phẫu và sinh lí mắt, Chương 4-4


Màng bồ đào

Vùng ngoài cùng của thể mi, sát củng mạc, là vùng thượng thể mi, một vùng có mô liên kết lỏng lẻo được sắp xếp
trong các lớp giống như ru-băng. Sự sắp xếp này được coi là quan trọng để cho phép thể mi trượt qua củng mạc
khi nó co mà không làm biến dạng mô.

Nhu mô thể mi chiếm phần lớn thể mi và chứa cơ thể mi. Nhu mô chứa mô liên kết lỏng lẻo. Nó liên tục ở phía
trước với nhu mô mống mắt, và mỏng đi ở phần phẳng để cuối cùng tiếp nối với nhu mô hắc mạc. Vòng động mạch
lớn của mống mắt nằm ở trong nhu mô thể mi, trước cơ thể mi và gần chân mống mắt. Vòng động mạch này là sự
kết nối của các động mạch mi dài sau và các động mạch mi trước.

Cơ thể mi gồm các sợi cơ trơn sắp xếp theo hướng dọc, hướng nan hoa và hướng vòng. Các sợi dọc chạy song
song với vùng thượng thể mi và củng mạc. Các sợi hướng dọc kéo dài từ cựa củng mạc đến hắc mạc. Các sợi
hướng nan hoa là vùng chuyển tiếp giữa các sợi dọc và các sợi vòng. Lớp trong cùng là các sợi cơ hướng vòng.
Các sợi cơ hướng vòng chạy vòng quanh nhãn cầu. Cơ thể mi được chi phối bởi các dây thần kinh đối giao cảm
xuất phát từ các dây TK mi ngắn. Có thể có một phần kích thích giao cảm, mặc dù điều này còn chưa được thống
nhất.

Biểu mô thể mi nằm ở trên mặt trong cùng của thể mi hướng vào hậu phòng. Nó gồm có 2 lớp tế bào biểu mô.
Đặc điểm chủ yếu của tế bào biểu mô ở 2 lớp này chúng được sắp xếp để cho các mặt đỉnh tiếp xúc với nhau. Đặc
điểm này có ý nghĩa đối với việc sản xuất thủy dịch.

Lớp tế bào biểu mô phía ngoài (ở sát nhu mô thể mi) có các tế bào hình khối và có sắc tố. Các tế bào cạnh nhau
được nối với nhau bởi các thể liên kết và những cầu nối kín. Biểu mô sắc tố thể mi nối tiếp với biểu mô sắc tố võng
mạc ở phía sau và biểu mô mống mắt trước ở phía trước. Biểu mô sắc tố nằm trên một màng đáy giúp gắn chặt
biểu mô với nhu mô bên dưới. Màng đáy này nối tiếp với màng Bruch.

Lớp tế bào biểu mô thể mi phía trong lót hậu phòng và không có sắc tố. Nó liên tục với mống mắt sau ở phía trước,
ở phía sau cấu trúc này chuyển thành võng mạc thần kinh. Ở phần nếp gấp, các tế bào này có hình khối, trong khi
ở phần phẳng chúng có hình trụ. Các tế bào cạnh nhau có nhiều mỏm đan xen nhau và được nối với nhau ở đỉnh
bởi các thể liên kết, các cầu nối hở và các cầu nối kín. Các cầu nối này là một phần của hàng rào máu-thủy dịch.
Các cầu nối kín ở vùng đỉnh của biểu mô không sắc tố tạo một hàng rào đối với sự khuếch tán chất hòa tan từ các
mô và các mạch máu ở trong nhu mô thể mi. Màng đáy của biểu mô thể mi không sắc tố hướng vào hậu phòng. Nó
nối tiếp với màng giới hạn trong của võng mạc và là chỗ bám của các dây Zinn cũng như các sợi của chân dịch
kính.

Hình 4.7: Hình cắt ngang một mỏm thể mi cho thấy
2 lớp tế bào biểu mô. Biểu mô sắc tố không sắc tố ở
trong và biểu mô sắc tố ở ngoài

2014 Giải phẫu và sinh lí mắt, Chương 4-5


Màng bồ đào

Chức năng của thể mi: Sản xuất thủy dịch


Thủy dịch cung cấp dinh dưỡng cho giác mạc và thể thủy tinh. Nó chứa glucoza, các axit amin, axit ascorbic và các
khí hòa tan khác và được sản xuất với tốc độ ~2ul/phút (tức là thay đổi toàn bộ thể tích thủy dịch trong khoảng 100
phút). Nó được sản xuất ra bởi biểu mô thể mi lót ở các mỏm thể mi. Sự tạo thành thủy dịch gồm 3 quá trình sinh lí:
khuếch tán, siêu lọc và bài tiết chủ động. Khuếch tán và siêu lọc tạo ra sự tích tụ các chất siêu lọc của huyết tương
ở trong nhu mô, phía sau hàng rào cầu nối kín của biểu mô không sắc tố. Sự bài tiết chủ động của biểu mô thể mi
không sắc tố được coi là cơ chế chính tạo thành thủy dịch.

Chất siêu lọc của huyết tương tích tụ ở trong nhu mô thể mi đi qua biểu mô sắc tố thể mi thông qua nhiều hệ thống
vận chuyển, sau đó đến tế bào biểu mô không sắc tố qua các cầu nối hở. Cuối cùng, các bơm đòi hỏi chuyển hóa
có ở trên mặt biểu mô không sắc tố tích cực bơm ion vào hậu phòng. Nước theo sau. Bơm chính tham gia vào sự
vận chuyển tích cực ion là Na+K+ATPase, nó sinh ra 3 ion natri cho 2 ion kali đi vào tế bào. Các ion bicarbonat
cũng được vận chuyển ra khỏi các tế bào biểu mô không sắc tố. Do đó, sự tạo thành ion bicarbonat bởi anhydraza
carbonic là một enzym chủ yếu trong sự tạo thành thủy dịch.

Hình 4.8: Tuần hoàn của thủy dịch

Thủy dịch lưu thông từ hậu phòng, qua đồng tử và vào góc giữa giác mạc và mống mắt (Hình 4.8). Khoảng 80%
lưu lượng đi qua vùng bè, ống Schlemm, các kênh thu nhận và các tĩnh mạch nước (~20% qua mặt trước của thể
mi, rồi khuếch tán vào khoang dưới nhện). Nhãn áp bình thường được quyết định bởi sự cân bằng giữa sản xuất và
dẫn lưu thủy dịch. Lưu lượng thủy dịch cao hơn vào ban ngày và nhãn áp cao nhất vào khoảng giữa ngày. Mặc dù
nhãn áp cao gắn với nhiều dạng bệnh glôcôm, không có bằng chứng rằng sự sản xuất thủy dịch tăng trong bệnh
glôcôm.

Điều tiết
Chức năng thứ hai của thể mi là điều tiết. Hiểu biết hiện nay về các quá trình điều tiết phần lớn phù hợp với mô tả
của Helmholtz vào năm 1855. Đại thể là khi một người trẻ nhìn vào một vật ở xa thì cơ thể mi giãn. Các dây Zinn
bám vào xích đạo của thể thủy tinh căng ra, gây ra một lực kéo thể thủy tinh về phía ngoài, khiến cho thể thủy tinh
dẹt xuống. Khi nhìn vào một vật ở gần, cơ thể mi co, làm cho mỏm ở mặt trong của thể mi dịch chuyển ra phía
trước và về phía trục của nhãn cầu. Chuyển động này làm giảm căng các dây Zinn, khiến cho độ cong của thể thủy
tinh tăng lên.

2014 Giải phẫu và sinh lí mắt, Chương 4-6


Màng bồ đào

HẮC MẠC

Hắc mạc là một lớp giàu mạch máu nằm giữa võng mạc và củng mạc. Mạch máu hắc mạc là nguồn cấp máu chính
cho võng mạc ngoài (võng mạc trong được cấp máu bởi các mạch máu võng mạc). Hắc mạc giàu mạch máu và mô
liên kết có sắc tố, kéo dài từ thị thần kinh tới ora serrata.

Hình 4.9: Hình cắt ngang hắc mạc với biểu mô sắc tố võng mạc ở phía trên

Hắc mạc ở quanh cực sau dày hơn so với ở phía trước và đặc biệt dày ở hoàng điểm. Các chỗ bám chắc nhất
thường là bờ của thị thần kinh và cực sau. Hắc mạc có 4 lớp chính.

1. Ở phía ngoài, lá trên hắc mạc (lamina fusca) nằm sát củng mạc, dày 10-30 micron và gồm các lá dẹt tạo nên bởi
các sợi collagen, các hắc tố bào và các nguyên bào sợi. Các lá dính nhau hơn ở phía sau (do đó bong hắc mạc
thường ở phía trước).

2. Nhu mô gồm mô collagen lỏng lẻo với một ít sợi chun và chứa nhiều mạch máu, trong đó thấy rõ nhất là các hắc
tố bào. Khác với hầu hết các mô liên kết trong đó các mạch máu đường kính khác nhau được thấy ở mọi nơi của
mô, các mạch máu kích thước khác nhau nằm ở các lớp tăng dần, các mạch máu lớn nhất ở gần củng mạc nhất và
mạch máu nhỏ nhất ở sát màng Bruch và biểu mô sắc tố võng mạc. Lớp mạch máu lớn ở sát củng mạc được gọi là
lớp Haller, và một lớp mạch máu trung bình, gọi là lớp Sattler phân cách lớp Haller với lớp mao mạch hắc mạc.

2014 Giải phẫu và sinh lí mắt, Chương 4-7


Màng bồ đào

Hình 4.10: Cấp máu cho màng bồ đào

Các mạch máu lớn xuất phát từ 2 nguồn:


i. Các nhánh của các động mạch mi ngắn sau, xuyên qua củng mạc và đi vào hắc mạc ở quanh thị thần kinh.
Các mạch máu này phân nhánh và đi trong hắc mạc đến tận xích đạo.
ii. Các nhánh quặt ngược từ các động mạch mi trước và vòng động mạch lớn của mống mắt ở phía trước đi ra
sau, phân nhánh trên đường đi để kết nối với các mạch máu khác ở xích đạo.

3. Lớp mao mạch hắc mạc (ở sát võng mạc) gồm các mao mạch cỡ lớn và cung cấp dinh dưỡng cho võng mạc
ngoài. Lớp mao mạch hắc mạc có ít hoặc không có sắc tố. Các mao mạch dày đặc nhất và lớn nhất ở hoàng điểm.

4. Màng Bruch, còn gọi là lá nền (basal lamina) là một màng đáy phức hợp ở giữa biểu mô sắc tố của võng mạc và
nội mô của lớp mao mạch hắc mạc. Nó dày khoảng 2 micron ở người lớn và tăng độ dày theo tuổi. Có thể thấy các
lớp collagen và chun khi quan sát gần hơn. Màng Bruch nhẵn và đều ở vùng trung tâm.

2014 Giải phẫu và sinh lí mắt, Chương 4-8

You might also like