You are on page 1of 4

Nhà thơ Thế Lữ từng có nhận xét khá tinh tế về Xuân Diệu: “Xuân Diệu là một người

của
đời, một người ở giữa loài người. Lầu thơ của ông xây dựng trên đất của một tấm lòng trần
gian”. Xuân Diệu được đánh giá là nhà thơ “mới nhất trong các nhà thơ mới”. Ông chính là thi
sĩ của mùa xuân, tuổi trẻ và tình yêu với một giọng thơ yêu đời thắm thiết. Thơ Xuân Diệu
không phải ai cũng cảm nhận được cái hay của nó, bởi đôi lúc người ta thấy nó sao dồn dập,
vội vàng và đôi khi quá đỗi “trần truồng” khiến những nhà thơ thời ấy khó chấp nhận, bởi nó
mới lạ, mang âm hưởng Pháp nhưng khi đọc vào lại thấy đậm vị quê hương. Xuân Diệu đã đem
đến cho thơ ca Việt Nam một “bộ y phục tối tân”, một “cảm hứng dạt dào chưa từng có ở chốn
nước non lặng lẽ này”. Mỗi độ xuân về, trái tim non nớt của những thế hệ trẻ lại rung lên những
cảm xúc yêu đời trước lời ru thấm thía của Xuân Diệu. Một trong những lời ru tình sâu lắng ấy
được gửi gắm qua tác phẩm “Vội vàng”, được in trong tập “Thơ thơ”. Đó là thi phẩm kết tinh
vẻ đẹp hồn thơ Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám. Trong đó, mười ba câu thơ đầu chính
là cách nhà thơ cảm nhận và tận hưởng bức tranh mùa xuân – vẻ đẹp thiên đường nơi hạ giới,
kèm theo đó là bức tranh tình yêu tha thiết. Qua đó bộc lộ những quan niệm, triết lý nhân sinh
đầy sâu sắc về cuộc sống, tuổi trẻ, hạnh phúc mà Xuân Diệu muốn truyền tải:
“ Tôi muốn tắt nắng đi
...
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.”
Xuân Diệu đã mở màn cho “Vội vàng” bằng bốn câu thơ ngũ ngôn thể hiện ước muốn kì lạ
của thi sĩ. Ấy là ước muốn quay ngược quy luật tự nhiên - một ước muốn không thể:
“ Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.”
Điệp ngữ “tôi muốn” đã góp phần trực tiếp bộc lộ cái “tôi” đầy bản lĩnh của Xuân Diệu. Những
động từ mạnh “tắt”, “buộc” cùng với nhịp thơ nhanh, dồn dập đã thể hiện ước muốn táo bạo,
phi lí. Đó là khao khát “tắt nắng”, “buộc gió” để “màu đừng nhạt mất”, “hương đừng bay đi”.
Đó là khát vọng muốn đoạt quyền tạo hóa để giữ mãi hương sắc của cuộc đời, chống lại sự tàn
phá của thời gian để nhà thơ có thể sống mãi trong tuổi trẻ, trong tình yêu và tận hưởng hương
vị cuộc sống. Bởi ông ý thức được rằng, chẳng có nắng nào đẹp bằng nắng của mùa xuân,
chẳng có gì thanh mát như hương hoa cỏ thoảng đưa trong gió biếc. Thế nên ông nuối tiếc lắm,
nếu như nắng tàn phai, nếu như gió cuốn hết hương hoa ngọt ngào, thì còn đâu cái mùa xuân
tươi đẹp ông vẫn hằng trông đợi và níu giữ bằng tất cả đắm say, tha thiết nữa. Chính vì thế, nhà
thơ đã bộc lộ khát khao cháy bỏng đi ngược lại với quy luật khắt khe của tạo hóa để lưu lại cho
đời những thứ tuyệt vời nhất. Nhưng làm sao cưỡng lại được quy luật, làm sao vĩnh viễn hóa
được những thứ vốn ngắn ngủi, mong manh ấy. Phải có một tâm hồn thơ yêu đời mãnh liệt thì
mới có những ham muốn bồng bột, táo bạo như muốn nâng niu, gìn giữ mọi điều tốt đẹp nhất
của đất trời.
Sau bốn câu thơ mở đầu bộc lộ khát vọng mãnh liệt, nồng nàn của nhà thơ về mùa xuân thì
đến những câu thơ tiếp theo, nhịp thơ chậm rãi, nhẹ nhàng như nhịp tâm hồn thi sĩ đang tận
hưởng những tinh hoa của đất trời mùa xuân:
“ Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si;
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi.”
Điệp từ “này đây” được lặp đi lặp lại nhiều lần, tác giả muốn khẳng định sự hiện hữu hương
sắc của cuộc đời, của thiên nhiên trần thế, không đâu xa xôi mà gần gũi ngay trước mắt. Đồng
thời, "này đây" cũng giống như một lời mời gọi quyến rũ, thúc giục mọi người mau mau tới
đây tận hưởng một khu vườn xuân tươi đẹp, sinh động. Nhà thơ sử dụng phép liệt kê và một
loạt biện pháp tu từ nhân hoá, dùng những danh từ thuộc về con người “tuần tháng mật”, “khúc
tình si” để miêu tả thiên nhiên, kết hợp với “ong bướm”, “yến anh” khiến cho vườn xuân bỗng
đầy mộng mơ, lãng mạn. Tính từ "xanh rì", "phơ phất" khiến người ta thấy một cái gì đó mềm
mại lắm, tươi trẻ lắm, gợi ra một mùa xuân vừa mới chớm, rất tình tứ và gợi cảm. Về phần hình
là vậy, về phần âm thanh, Xuân Diệu đã rất tinh tế khi chọn “khúc tình si” của yến anh làm bản
nhạc đệm cho bức tranh thiên nhiên thêm rộn ràng. Thế nhưng tất cả sẽ thật ảm đạm nếu thiếu
đi cái ánh sáng, cái màu nắng nhàn nhạt của đất trời lúc vào xuân. Xuân Diệu viết “Và này đây
ánh sáng chớp hàng mi”, ánh sáng chớp hàng mi là gì sao nghe lạ quá, nhưng đứng dưới cương
vị của nhà thơ, đó là thứ ánh sáng tuyệt vời và ấm áp biết bao, để người ta không nỡ lòng tránh
đi mà đứng ngay giữa đất trời để tận hưởng cảm giác nắng bao trùm thân thể, thấy được nắng
xuyên qua rèm mi buông. Xuân Diệu vẽ vài nét vậy thôi, thế nhưng ta đã liên tưởng đến một
khu vườn đậm sắc, đậm hương của thiên nhiên cây cỏ với những gam màu tươi trẻ, với những
âm thanh rộn ràng, và với cả thứ ánh sáng ấm áp, dịu dàng. Có thể nói rằng xuân đẹp như thế,
thì có tiếc gì mà người ta không khao khát, không ước vọng chứ. Xuân Diệu phát hiện ra một
thiên đường ngay trên mặt đất này, ngay trong tầm tay của chúng ta. Hình ảnh thiên nhiên hiện
ra qua cái nhìn và sự cảm nhận độc đáo của nhà thơ vừa gần gũi thân quen, vừa quyến rũ, đầy
tình tứ.
Mùa xuân tưng bừng, mùa xuân rộn rã đã dần đến đem lại cho nhà thơ một niềm vui, niềm
ham muốn nắm bắt và hưởng thụ mỗi sáng:
“Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần.”
Có ai lại so sánh thiên nhiên, so sánh thời gian với con người. Nhưng Xuân Diệu thì có. Đúng là
chỉ có nhà thơ mới, một nhà thơ chịu ảnh hưởng sâu sắc của phong cách phương Tây mới có tư
duy mới mẻ như vậy. "Tháng giêng" là một khái niệm thời gian vô hình, nhưng trong phép so
sánh chuyển đổi cảm giác đã trở nên hữu hình qua vẻ đẹp “cặp môi gần” của người thiếu nữ. Chỉ
một từ “ngon” đã bộc lộ hết tâm trạng của Xuân Diệu với thiên nhiên: si mê, khao khát được tận
hưởng, được nâng niu, được ôm trọn thiên nhiên.
Trong sự so sánh giữa thiên nhiên và con người, Xuân Diệu đã mang đến cho người đọc một
quan niệm nghệ thuật về con người rất mới mẻ. Thơ ca cổ điển thường lấy thiên nhiên làm chuẩn
mực cho cái đẹp. Mọi cái đẹp trong vũ trụ phải đem so sánh với cái đẹp của thiên nhiên. Vì thế
khi miêu tả nét đẹp của Thúy Vân, Nguyễn Du đã lồng vào biết bao nhiêu cái đẹp của thiên
nhiên:
“ Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.”
Còn Xuân Diệu đưa ra một tiêu chuẩn khác: con người mới là chuẩn mực của cái đẹp trong vũ
trụ này. Bởi con người là tác phẩm kì diệu nhất của tạo hóa nên mọi vẻ đẹp trong vũ trụ phải
đem so sánh với vẻ đẹp của con người. Có thể thấy Xuân Diệu đã nhìn thiên nhiên qua lăng kính
của tình yêu, qua cặp mắt của tuổi trẻ. Nhờ vậy mà thiên nhiên, cảnh vật đều tràn ngập xuân tình.
Qua đó, nhà thơ thể hiện một quan niệm mới về cuộc sống, về tuổi trẻ và hạnh phúc.
Xuân Diệu nhận thức rằng cuộc sống thật vui tươi, hạnh phúc. Cuộc sống tốt nhất là ở tuổi trẻ,
cuộc đời đẹp nhất là lúc tuổi xuân. Nhưng tuổi trẻ sẽ tàn phai theo thời gian, vì thế nhà thơ phải
sống vội vàng. Hai dòng cuối bài thơ là dòng tâm trạng của tác giả, nhưng lúc ấy ông chợt nhớ
đến quy luật của thời gian, của tạo hóa:

“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa


Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.”
Hai câu thơ thể hiện sự băn khoăn của tác giả. Cách ngắt câu giữa dòng là một sự mới lạ ảnh
hưởng từ thơ Pháp. Nó như một khoảng lặng suy tư thể hiện tâm trạng mâu thuẫn vừa sung
sướng lại vừa vội vàng. “Sung sướng” là tâm trạng hạnh phúc, lạc quan đón nhận cuộc sống
bằng tình cảm trìu mến, thiết tha gắn bó. Còn “vội vàng” là tâm trạng tiếc nuối bởi nhà thơ sợ
tuổi trẻ sẽ qua đi, tuổi già mau tới. Vì thế dù đang sống trong mùa xuân nhưng thi nhân đã cảm
thấy tiếc nuối mùa xuân. Hai câu thơ được xem như hai cái bản lề khép mở tâm trạng, vừa vồ
vập đắm say vẻ đẹp của cuộc sống, vừa là linh cảm bất an, băn khoăn âu sầu của nhà thơ vì thời
gian qua mau, tuổi trẻ một đi không trở lại, quả thật Xuân Diệu là nhà thơ của những cảm quan
tinh tế về thời gian.
Ẩn đằng sau bức tranh tươi mới của cuộc đời, ta bắt gặp một quan niệm nhân sinh mới mẻ,
tích cực về cuộc sống, tuổi trẻ, hạnh phúc của nhà thơ. Xuân Diệu quan niệm cuộc sống trần thế
đầy hấp dẫn và vô tận trong khi đời người là hữu hạn, ngắn ngủi. Cho nên con người không nên
thờ ơ với cuộc sống, không nên lãng phí thời gian. Hãy sống hết mình, tận hưởng tất cả những gì
mà cuộc đời ban cho. Sống là cả một niềm vui sướng, phải sống "năng suất" hơn gấp nhiều lần
trong cùng một thời gian được sống. Hạnh phúc trong tầm tay con người và chúng ta phải là
người chủ động nắm giữ, chủ động làm cho tuổi xuân ấy đẹp tươi và rực rỡ.
Đoạn thơ là sự kết hợp hài hoà giữa mạch cảm xúc và mạch lí luận. Nhịp thơ biến đổi uyển
chuyển, linh hoạt theo dòng cảm xúc. Khi diễn tả sự đắm say, sôi nổi thì nhịp điệu trở nên dồn
dập, khi cần triết luận thì nhịp thơ dãn ra, lắng lại. Hình ảnh thơ táo bạo, mãnh liệt, từ ngữ thơ
giàu sức biểu cảm. Ngôn ngữ thơ phong phú và mới lạ: cách đảo ngữ rất tân kì, phép điệp được
phát huy triệt để trong cấu trúc câu thơ làm tăng sức biểu hiện. Giọng thơ say mê, sôi nổi, truyền
tải được trọn vẹn cái đắm say trong tình cảm của nhà thơ. Như vậy, bài thơ đã tìm được con
đường ngắn nhất đến với trái tim người đọc.
Xuân Diệu xuất hiện trên thi đàn văn học Việt Nam với bài thơ “Vội vàng” như mang đến
một làn gió mới cho văn học Việt Nam lúc bấy giờ, một hồn thơ đầy yêu đời cùng với giọng thơ
táo bạo, đắm say. Như một thước phim sống động, mười ba câu thơ đầu làm hiện ra trước mắt
người đọc một bức tranh xuân vô cùng lộng lẫy: rộn rã âm thanh tình tứ, rực rỡ ánh sáng tinh
khôi, nồng nàn hương thơm sắc thắm và ngọt ngào men say ái tình. Mùa xuân có khác nào một
thiên đường trên mặt đất, rạo rực sức sống, một mảnh vườn tình ái mà vạn vật đang đua nhau
khoe sắc dâng hương. Đoạn thơ đã thể hiện một cảm quan nghệ thuật rất đẹp, mang ý nghĩa nhân
văn sâu sắc. Đó là lòng yêu con người, yêu cuộc đời, tuổi trẻ và là ham muốn mãnh liệt muốn níu
giữ thời gian, muốn tận hưởng vị ngọt ngào của cảnh sắc đất trời. Thời gian của cuộc đời con
người là hữu hạn, một đi không trở lại, vì vậy cần trân trọng mọi giá trị, vẻ đẹp của cuộc sống để
không phải hối tiếc khi thời gian qua đi. Phải chăng trời đất sinh ra thi sĩ Xuân Diệu trên xứ sở
hữu tình này, là để ca hát về tình yêu, để nhảy múa trong những điệu nhạc tình si? Thơ Xuân
Diệu – vội vã với nhịp đập của thời gian.

You might also like