You are on page 1of 2

Không phải đến thế hệ giáo viên chúng tôi, văn mẫu mới trở thành đề tài gây

nhiều tranh cãi

trong việc dạy và học. Văn mẫu có cả "công" và "tội".

Văn mẫu trước hết là những bài văn hay. Đọc một bài văn hay, con người có thể nâng tầm

nhận thức và thẩm mĩ, có thể nảy sinh những cảm xúc bồi đắp tâm hồn, được gợi cảm hứng

để làm điều tốt đẹp. Học sinh có thể nhìn vào đó học hỏi được cách triển khai bài của mình,

cách dẫn dắt ý, dùng từ ngữ, gạn lọc ý tâm đắc hoặc diễn đạt sáng tạo. Nó giúp ích rất nhiều

cho khả năng viết của các em.

Tuy nhiên, thực trạng đáng buồn là văn mẫu đã không dừng lại ở việc dùng để tham khảo mà

bị lạm dụng quá đà. Ai cũng biết, khi học sinh học thuộc văn mẫu, sự sáng tạo sẽ bị triệt tiêu,

cảm xúc chân thật cũng không còn. Vậy thì môn văn đâu còn có thể nuôi dưỡng tâm hồn như

sứ mệnh ban đầu của nó? Hơn nữa, nếu việc dạy học văn còn phụ thuộc vào văn mẫu sẽ

dẫn đến tình trạng em nào thuộc bài tốt hơn sẽ được điểm cao hơn. Điều này rất nguy hiểm

vì người dạy khó đánh giá được năng lực thực chất của người học.

Trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng hôm qua, 11/11, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Kim Sơn

khẳng định sẽ "ngăn chặn, chấm dứt dạy theo văn mẫu", rằng ngành sẽ có hàng loạt biện

pháp để điều chỉnh, chấm dứt văn mẫu - cũng là yếu tố chuyên môn để chấm dứt dạy thêm,

học thêm.

Quan điểm này đã thể hiện quyết tâm muốn khắc phục hạn chế trong giáo dục, xây dựng nền

giáo dục tiến bộ. Là giáo viên dạy văn, tôi cho rằng chấm dứt tình trạng học theo văn mẫu,

bài mẫu cần cả quá trình chứ không phải một sớm một chiều. Và chấm dứt không có nghĩa là
hoàn toàn triệt tiêu văn mẫu.

Chúng ta khó mà xóa hoàn toàn văn mẫu, bởi nhu cầu thưởng thức cái hay, cái đẹp của con

người rất chính đáng. Cũng như việc ngắm bức tranh đẹp, nghe bản nhạc hay, việc đọc một

bài văn đầy rung cảm và sâu sắc chắc chắn sẽ mang lại nhiều ích lợi cho tâm hồn. Văn mẫu

vẫn sẽ tồn tại như đã từng, nhưng cách sử dụng trong nhà trường cần thay đổi. Lợi hay hại

còn do mục đích và cách áp dụng, và ai là người làm được điều đó?

Trước hết là giáo viên dạy văn, người trực tiếp giảng dạy và đánh giá năng lực học tập của

học sinh. Người thầy dạy như thế nào để học sinh hiểu được văn mẫu chỉ là phương tiện

tham khảo, không phải là mục đích. Nếu giáo viên nào cũng hiểu sâu sắc rằng, việc lệ thuộc

vào văn mẫu sẽ làm giảm năng lực tư duy và diễn đạt bằng ngôn ngữ của học sinh, có thể
các em sẽ đạt điểm cao trong các kỳ thi, nhưng sẽ làm giảm đi sự năng động và sáng tạo

trong cuộc sống, họ sẽ biết điều chỉnh cách dạy.

Ngoài giáo viên, để thực sự đổi thay, ngành giáo dục cũng cần thay đổi cách kiểm tra, đánh

giá, ra đề, chấm điểm môn ngữ văn. Thực tế, đề thi môn văn dành cho các cấp học vẫn chưa

có sự đột phá lớn, đa số vẫn xoay quanh các đề tài quen thuộc. Và cũng luôn sẵn có một kho

văn mẫu phong phú trên Internet, học sinh chỉ cần gõ là ra.

You might also like