You are on page 1of 18

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH


KHOA LUẬT QUỐC TẾ

BÀI TẬP CHƯƠNG 2

ĐỐI TƯỢNG VÀ CHỦ THỂ CỦA QUYỀN TÁC GIẢ

Môn học: Luật Sở hữu trí tuệ trong Thương mại quốc tế

Giảng viên: ThS. Đào Thị Vui

Lớp: TMQT47 – Nhóm 2

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 3 năm 2024.


NHÓM SINH VIÊN THỰC HIỆN – NHÓM 2

STT Họ và tên MSSV Ghi chú

1 Trịnh Tuấn Anh 2253801090007

2 Trương Đình Thế Anh 2253801090008

3 Phạm Thị Thu Hằng 2253801090028

4 Lê Hồ Nguyên Khang 2253801090036

5 Nguyễn Trần Đăng Khôi 2253801090038

6 Bùi Thanh Nghi 2253801090054

7 Nguyễn Lan Nhi 2253801090062

8 Trương Thị Minh Thư 2253801090087

9 Mai Quang Vinh 2253801090107

10 Đàm Thị Hoàng Yến 2253801090112 Nhóm trưởng


Đề bài: Xác định đối tượng của quyền tác giả và chủ thể quyền tác giả trong
các trường hợp sau:
a. Khoá luận tốt nghiệp cử nhân.
b. Công trình nghiên cứu khoa học sinh viên.
c. Một đoạn tản văn chưa được công bố.
d. Báo cáo kết quả làm bài tập nhóm.
e. Bài giảng của giảng viên.
f. Một công trình nhà ở.
g. Nhãn sản phẩm của lon nước giải khát.

Bài làm

Để xác định đối tượng của quyền tác giả và chủ thể của quyền tác giả trong các
trường hợp nêu trên, ta cần phải xác định thế nào là đối tượng và chủ thể của quyền tác
giả.
Thứ nhất, trong pháp luật Việt Nam, hệ thống của quyền sở hữu trí tuệ được nêu
tại Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022) 1, đối
tượng của quyền sở hữu trí tuệ cũng được chia thành 03 nhóm theo quy định tại Điều 3
Luật này:
- Nhóm 1: đối tượng của quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả.
- Nhóm 2: đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp.
- Nhóm 3: đối tượng của quyền đối với giống cây trồng.
Theo đó, có thể thấy, đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ theo pháp luật Việt Nam
là các sản phẩm từ hoạt động tư duy, sáng tạo của con người. Trong đó, đối tượng của
quyền tác giả là “tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học” theo khoản 1 Điều 3 Luật
SHTT năm 2005, là sản phẩm của hoạt động sáng tạo thiên về văn hóa, nghệ thuật để
thỏa mãn nhu cầu tinh thần và thường phản ánh tư tưởng, tình cảm, phong cách,... của
người sáng tác. Đồng thời, “tác phẩm phái sinh” theo định nghĩa tại khoản 8 Điều 4
Luật SHTT năm 2005 cũng là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả nếu không gây
phương hại đến tác phẩm dùng được làm tác phẩm phái sinh theo quy định tại khoản 2
Điều 14 Luật này.

1
Sau đây gọi tắt là “Luật SHTT năm 2005”.
Thứ hai, về chủ thể của quyền tác giả, theo khoản 1 Điều 13 Luật SHTT năm
2005, có hai loại chủ thể được pháp luật công nhận và bảo hộ quyền tác giả bao gồm:
- Tác giả;
- Chủ sở hữu quyền tác giả.
Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm bằng lao động trí tuệ của mình theo
quy định tại khoản 1 Điều 12a Luật SHTT năm 2005. Trường hợp có hai người trở lên
cùng trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm thì đó là các đồng tác giả.
Chủ sở hữu quyền tác giả theo Điều 36 Luật SHTT năm 2005 là tổ chức, cá nhân
nắm giữa một, một số hoặc toàn bộ quyền quy định tại khoản 3 Điều 19 và khoản 1 Điều
20 của Luật này. Chủ sở hữu quyền tác giả có thể đồng thời là tác giả, cũng có thể không
đồng thời là tác giả tùy vào từng trường hợp quy định từ Điều 37 đến Điều 42 Luật này.
Nếu tác phẩm do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng chính thời gian, tài chính, và cơ sở vật
chất, kỹ thuật của mình thì tác giả sẽ đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả. Tuy nhiên,
trong nhiều trường hợp thì chủ sỡ hữu quyền tác giả không phải là tác giả, chẳng hạn
việc tác giả sáng tạo ra tác phẩm từ yêu cầu của tổ chức hoặc giao kết hợp đồng sáng
tạo với tổ chức, cá nhân khác.
Tóm lại, chủ thể của quyền tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra các tác phẩm cũng
như những chủ thể đầu tư vào hoạt động sáng tạo đó2, tức bao gồm tác giả và chủ sở
hữu quyền tác giả.
Đồng thời, khi áp dụng Công ước Berne về bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam, ta
cũng có thể thấy sự tương thích của quy định trong Công ước Berne với quy định về đối
tượng và chủ thể của quyền tác giả ở Luật SHTT Việt Nam. Cụ thể:
- Về đối tượng của quyền tác giả: Công ước Berne, Luật SHTT năm 2005 đều quy
định bảo hộ tất cả các tác phẩm trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học.
- Về chủ thể của quyền tác giả: Công ước Berne, Luật SHTT năm 2005 đều quy
định chủ thể của quyền tác giả bao gồm tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả. Trong đó,
quyền tác giả bao gồm quyền tinh thần (quyền nhân thân) và quyền kinh tế (quyền tài
sản).

2
Nguyễn Thị Quế Anh (2023), Hoàn thiện pháp luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam trong bối cảnh tham gia
các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 235.
a. Khoá luận tốt nghiệp (KLTN) cử nhân.
Về đối tượng của quyền tác giả:
Khoá luận tốt nghiệp cử nhân là đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể là quyền
tác giả theo điểm a khoản 1 Điều 14 Luật SHTT năm 2005. Một KLTN cử nhân được
thực hiện bởi một tác giả là sinh viên dưới sự hướng dẫn của một giảng viên. Thành quả
của quá trình nghiên cứu bởi tác giả là một sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực khoa học
dưới định dạng điện tử, được in ra giấy để nộp cho cơ sở đào tạo của tác giả3.
Về chủ thể của quyền tác giả:
Chủ thể của quyền tác giả của KLTN cử nhân bao gồm:
1 - Tác giả: sinh viên (người sáng tạo ra KLTN).
Về phía giảng viên hướng dẫn, căn cứ khoản 2 Điều 12a Luật SHTT năm 2005
quy định: “Người hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo tác
phẩm không phải là tác giả, đồng tác giả”. Như vậy, giảng viên hướng dẫn sẽ không
được xem là đồng tác giả.
2 - Chủ sở hữu quyền tác giả:
Điều 37 Luật SHTT năm 2005 quy định rằng nếu tác giả sử dụng thời gian, tài
chính, cơ sở vật chất, kỹ thuật của mình để sáng tạo ra tác phẩm thì sẽ có đầy đủ quyền
tác giả là các quyền nhân thân và quyền tài sản. Tuy nhiên, rất khó xác định rằng sinh
viên đó có hoàn toàn sử dung tài chính, cơ sở vật chất, kỹ thuật của mình hay không.
Trong khi đó, có thể coi việc sinh viên làm KLTN là việc họ thực hiện nhiệm vụ do cơ
sở đào tạo của mình đề ra, mà theo khoản 1 Điều 39 Luật SHTT năm 2005, trường hợp
tổ chức giao nhiệm vụ sáng tạo tác phẩm cho tác giả là người thuộc tổ chức mình, thì
khi tác phẩm được tạo ra, tổ chức đó là chủ sở hữu các quyền tài sản và quyền công bố
tác phẩm, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Tương ứng với quy định này, cơ sở đào
tạo sẽ là tổ chức “giao nhiệm vụ sáng tạo tác phẩm” cho sinh viên, tức “người thuộc tổ
chức mình”, và khi tác phẩm được tạo ra, chủ sở hữu quyền tác giả là trường đại học.
Trường hợp sinh viên có thỏa thuận khác với cơ sở đào tạo hoặc bên thứ ba bất kỳ
về tư cách nắm giữ thì các quyền sẽ thay đổi tùy thuộc vào nội dung của các thỏa thuận
đó. Chẳng hạn, một sinh viên ký thỏa thuận với nhà trường về việc chỉ sinh viên có độc

3
Khoa Luật Quốc tế Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh,
“Hướng dẫn chi tiết một số vấn vấn đề về khóa luận tốt nghiệp”,
[https://luatquocte.hcmulaw.edu.vn/vi/thong-bao-tin-tuc-304/huong-dan-chi-tiet-mot-so-van-de-ve-
khoa-luan-tot-nghiep-nam-hoc-2021-2022] (truy cập ngày 28/3/2024).
quyền khai thác KLTN của mình thì sinh viên sẽ là chủ thể duy nhất có đầy đủ quyền
tác giả đối với KLTN đó và nhà trường nếu muốn sử dụng KLTN vào mục đích giảng
dạy, nghiên cứu thì phải nhận được sự đồng ý của sinh viên đó.
Hiện nay, các cơ sở đào tạo có nhiều quan điểm khác nhau trong việc phân định tư
cách quyền sở hữu đối với KLTN. Một số cơ sở quy định rằng KLTN được sáng tác
trong quá trình học tập, nghiên cứu của sinh viên thuộc quyền sở hữu của họ. Tuy nhiên,
đây không phải là xu hướng chung khi một số đơn vị như Trường Đại học Khoa học Xã
hội và Nhân văn quy định: “Trường có quyền khai thác các công trình nhằm mục đích
phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học”. Trong khi một số đơn vị khác lại quy
định mình có tư cách chủ sở hữu đối với các tài sản trí tuệ được tạo ra bởi sinh viên theo
nhiệm vụ được giao, trừ khi có thỏa thuận khác (Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí
Minh, 2019)4.
Như vậy, đối với chủ thể của quyền tác giả, sinh viên là tác giả và chủ sở hữu
quyền tác giả có thể không đồng thời là sinh viên và có các quyền theo quy định của
pháp luật.
b. Công trình nghiên cứu khoa học (NCKH) sinh viên.
Về đối tượng của quyền tác giả:
Theo điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định số 78/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày
30/7/2014 về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng và các giải thưởng khác về khoa
học và công nghệ, “công trình nghiên cứu khoa học” là “là kết quả của hoạt động khám
phá, phát hiện, tìm hiểu bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư
duy; sáng tạo giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn”. Kết quả của công trình nghiên
cứu khoa học là tác phẩm khoa học thể hiện dưới dạng chữ viết và có thể được lưu trữ
ở dạng điện tử hoặc in. Do đó, căn cứ điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định số 17/2023/NĐ-
CP của Chính phủ ngày 26/4/2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành
Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan5, công trình nghiên cứu khoa học
là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả.
Về chủ thể của quyền tác giả:
Nhìn chung, những công trình nghiên cứu khoa học được thực hiện bởi sinh viên
sẽ do trường của sinh viên đó phân công, chỉ đạo thực hiện. Đây có thể được xem là

4
Nguyễn Phan Khôi, Trần Thị Cẩm Nhung (2023), “Xác định chủ sở hữu quyền tác giả và việc xin
phép sử dụng đối với tác phẩm được tạo ra bởi sinh viên trong các trường đại học”, Tạp chí Khoa học
Đại học Cần Thơ, 59(6D), tr. 259 - 266.
5
Sau đây gọi tắt là “Nghị định số 17/2023/NĐ-CP”.
hoạt động đặc thù trong giảng dạy của những trường đại học, cao đẳng hiện nay. Nhà
trường sẽ phân công, đánh giá và lựa chọn đề tài, phân công giảng viên hướng dẫn, thực
hiện quá trình giám sát, cho ý kiến. Do đó, một công trình NCKH có thể được hoàn
thành bởi một sinh viên hoặc một nhóm sinh viên và giảng viên hướng dẫn. Như vậy,
chủ thể của quyền tác giả trong trường hợp một công trình NCKH sinh viên sẽ bao gồm:
1 - Tác giả: sinh viên sẽ giữ tư cách tác giả (đối với công trình NCKH do một sinh
viên thực hiện) hoặc đồng tác giả (đối với công trình NCKH do nhóm sinh viên thực
hiện). Đồng thời, như đã phân tích ở trên, giảng viên hướng dẫn cũng không là đồng tác
giả trong một công trình NCKH sinh viên.
2 - Chủ sở hữu quyền tác giả:
Có thể thấy, hoạt động mà nhà trường quản lý quá trình thực hiện công trình nghiên
cứu khoa học được quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật SHTT năm 2005 với tư cách là
“tổ chức giao nhiệm vụ sáng tạo tác phẩm cho tác giả là người thuộc tổ chức mình…”.
Như vậy, đối với công trình NCKH, tương tự như KLTN cử nhân, nhà trường có thể trở
thành chủ sở hữu quyền tác giả đối với quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm, trừ
trường hợp có thoả thuận khác.
c. Một đoạn tản văn chưa được công bố.
Về đối tượng của quyền tác giả:
Từ điển thuật ngữ văn học định nghĩa: “Tản văn là loại văn xuôi ngắn gọn, hàm
súc, có thể trữ tình, tự sự, nghị luận, miêu tả phong cảnh, khắc họa nhân vật…”6. Do
đó, tản văn được xem là một tác phẩm văn học và theo khoản 1 Điều 3 Luật SHTT năm
2005, tác phẩm văn học là đối tượng của quyền tác giả. Thêm vào đó, theo khoản 1 Điều
6 Luật SHTT năm 2005, một đoạn tản văn dù công bố hay chưa công bố thì cũng sẽ
được bảo hộ quyền tác giả, là đối tượng của quyền tác giả nếu nó đã được định hình
dưới một hình thức vật chất nhất định.
Về chủ thể của quyền tác giả:
1 - Tác giả: người sáng tác ra đoạn tản văn. Trong trường hợp này, nếu chỉ có một
tác giả sáng tác ra đoạn tản văn thì người này được xác định là tác giả, nếu có từ hai
người trở lên sáng tác ra đoạn tản văn thì họ được xác định là các đồng tác giả của đoạn
tản văn.

6
Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2009), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục.
2 - Chủ sở hữu quyền tác giả đối với một đoạn tản văn chưa được công bố có thể
là:
- Tác giả (người trực tiếp viết ra đoạn tản văn) và các đồng tác giả (nếu có) nếu
đoạn tản văn do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng chính công sức và chi phí của mình thì
tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả;
- Tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả
(Ví dụ: Nhà văn kí hợp đồng với nhà xuất bản và viết ra đoạn tản văn theo hợp đồng đã
giao kết);
- Người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc của tác giả;
- Người được chuyển giao quyền;
- Nhà nước trong trường hợp: (i) đoạn tản văn này là tác phẩm khuyết danh7 (trong
trường hợp đoạn tản văn được công bố nhưng không có tên tác giả) không thuộc sự quản
lý của cá nhân, tổ chức khác; (ii) tác phẩm còn trong thời hạn bảo hộ mà chủ sở hữu
quyền tác giả chết không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận di sản hoặc không
được quyền hưởng di sản; (iii) tác phẩm được chủ sở hữu quyền tác giả chuyển giao
quyền sở hữu cho Nhà nước.
Tuy nhiên, những chủ thể được nêu trên chỉ có một phần quyền nhân thân (trừ
trường hợp tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả) và một, một số hoặc toàn bộ
quyền tài sản theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, trong trường hợp đoạn tản văn đã hết thời hạn bảo hộ theo điểm b khoản
2 Điều 27 Luật SHTT năm 2005 thì đoạn tản văn này sẽ thuộc về công chúng theo quy
định tại Điều 43 Luật SHTT năm 2005.
So sánh với nội dung trong Công ước Berne mà Việt Nam là thành viên, theo đó,
Điều 1 Công ước Berne quy định: “Các nước áp dụng Công ước này hợp thành một
Liên hiệp để bảo hộ các quyền của tác giả đối với các tác phẩm văn học và nghệ thuật
của họ”.
Căn cứ khoản 1 Điều 2 của Công ước Berne: “Thuật ngữ "Các tác phẩm văn học
và nghệ thuật" bao gồm tất cả các sản phẩm trong lĩnh vực văn học, khoa học và nghệ
thuật, bất kỳ được biểu hiện theo phương thức hay dưới hình thức nào ...”, và như đã
chứng minh ở trên thì một đoạn tản văn là một tác phẩm văn học. Tiếp đó, theo điểm a
khoản 1 Điều 3 Công ước Berne:

7
Tác phẩm khuyết danh là tác phẩm không có hoặc chưa có tên tác giả (tên khai sinh hoặc bút danh)
trên tác phẩm khi công bố.
“1. Công ước này bảo hộ:

a. Tác phẩm của các tác giả là công dân của một trong những nước là thành
viên của Liên hiệp dù những các tác phẩm của họ đã công bố hay chưa.”,
Điều này có nghĩa là, một tác phẩm văn học nói chung hay một đoạn tản văn nói
riêng, dù công bố hay chưa công bố thì vẫn được bảo hộ bởi Công ước Berne, theo đó,
vẫn là đối tượng của quyền tác giả theo Công ước này.
Về chủ thể của quyền tác giả, Công ước Berne không có quy định cụ thể mà thay
vào đó, ưu tiên pháp luật của mỗi quốc gia thuộc Liên hiệp. Theo đó, các chủ thể quyền
tác giả của đoạn tản văn này vẫn sẽ dựa trên những quy phạm pháp luật của Luật SHTT
Việt Nam năm 2005, cụ thể là từ Điều 37 đến Điều 42, miễn là không vi phạm những
quy định của pháp luật quốc tế nói chung và Công ước Berne nói riêng.
Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp đặc biệt:
(i) Trường hợp đoạn tản văn này là một tác phẩm khuyết danh (tức là trong trường
hợp đoạn tản văn được công bố nhưng không có tên tác giả) thì theo khoản 3 Điều 15
Công ước Berne, Nhà xuất bản có tên ghi trên đoạn tản văn được thừa nhận là đại diện
của tác giả mà không cần bằng chứng gì khác và với tư cách này, Nhà xuất bản có hưởng
quyền được bảo hộ và thực thi quyền của tác giả. Quy định của điều luật này chỉ hết
hiệu lực khi tác giả tiết lộ danh tính và chứng minh được mình là tác giả. Nói cách khác,
trước khi tác giả tiết lộ và chứng minh danh tính, Nhà xuất bản có tên ghi trên đoạn tản
văn khuyết danh sẽ là chủ thể quyền tác giả.
(ii) Trường hợp đoạn tản văn chưa được xuất bản mà chưa biết tác giả là ai, nhưng
vẫn có đủ cơ sở để cho rằng tác giả mà công dân của nước thành viên Liên hiệp hay cụ
thể hơn là Việt Nam thì theo điểm a khoản 4 Điều 15 Công ước Berne, pháp luật Việt
Nam có khả năng chỉ định một cơ quan có thẩm quyền đại diện cho tác giả và có thẩm
quyền bảo hộ và thực thi quyền tác giả trong các nước thành viên Liên hiệp. Tức là lúc
này, chủ thể quyền tác giả chính là cơ quan có thẩm quyền mà pháp luật Việt Nam đã
chỉ định.

Đối với pháp luật Việt Nam, đây cũng được xem là hai trường hợp đặc biệt về chủ
thể quyền tác giả ngoài những quy định từ Điều 37 đến Điều 42 của Luật SHTT năm
2005 và sẽ luôn được ưu tiên áp dụng dựa trên quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật SHTT
năm 2005: “Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của
điều ước quốc tế đó”.
d. Báo cáo kết quả làm bài tập nhóm.
Về đối tượng của quyền tác giả:
Báo cáo kết quả làm bài tập nhóm được xem là đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ
và quyền tác giả nếu nó được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định như báo
cáo bằng văn bản, video…
Trường hợp 1, xem xét báo cáo kết quả bài tập nhóm là một tác phẩm gốc. Trong
trường hợp này, báo cáo kết quả làm bài tập nhóm được tạo ra hoàn toàn từ sự sáng tạo
của nhóm tác giả, không trích xuất hoặc trích xuất một phần hợp lý một hoặc một vài
tác phẩm gốc khác thì căn cứ khoản 1 Điều 14 Luật SHTT năm 2005, có thể xem xét là
một tác phẩm gốc và là đối tượng của quyền tác giả. Lúc này, báo cáo kết quả bài tập
nhóm được xem là một tác phẩm khoa học theo điểm a khoản 1 Điều 14 Luật SHTT
năm 2005.
Trường hợp 2, căn cứ khoản 2 Điều 14 Luật SHTT năm 2005 thì có thể xem xét
báo cáo kết quả bài tập nhóm là một tác phẩm phái sinh từ các tác phẩm được bảo hộ
quy định tại khoản 1. Vì nội hàm của “bài tập nhóm” rất rộng nên giảng viên có thể giao
bài tập về việc tổng hợp và đánh giá các bản án trong một phạm vi nào đó. Trường hợp
này, bài tập nhóm của học sinh, sinh viên sẽ được xem là một tác phẩm biên soạn theo
khoản 3 Điều 7 Nghị định số 17/2023/NĐ-CP. Mặc dù tác phẩm này tổng hợp từ nhiều
tác phẩm gốc khác, nhưng kết hợp với việc đánh giá và nhận xét, tính nguyên gốc của
tác phẩm phái sinh vẫn được đảm bảo.
Về chủ thể của quyền tác giả:
1 - Tác giả: Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm nên căn cứ theo khoản
1 Điều 12a luật SHTT năm 2005, các học sinh, sinh viên trong nhóm đó sẽ được xem
xét là đồng tác giả của bài tập nhóm.
2 - Chủ sở hữu quyền tác giả: Căn cứ theo khoản 1 Điều 38 Luật SHTT năm 2005
thì các học sinh, sinh viên trong nhóm đó cũng chính là chủ sở hữu quyền tác giả đối
với báo cáo kết quả bài tập nhóm do họ sử dụng chính thời gian, kỹ thuật của mình để
sáng tạo nên tác phẩm. Mặc dù trường hợp này, người giao nhiệm vụ cho nhóm là giáo
viên, giảng viên nhưng không để áp dụng khoản 1 Điều 39 Luật này để xác định giáo
viên, giảng viên là chủ sở hữu quyền tác giả vì quy định này chỉ áp dụng cho tổ chức.
Bên cạnh đó, không thể xem xét việc giáo viên, giảng viên ra bài tập cho học sinh, sinh
viên là hoạt động giao kết hợp đồng theo khoản 2 Điều 39 Luật SHTT năm 2005 vì hành
vi giao bài tập nhóm không tạo ra bất kỳ nghĩa vụ pháp lý bắt buộc nào. Trường hợp học
sinh, sinh viên không thực hiện nộp báo cáo thì cũng không tạo ra bất kỳ trách nhiệm
pháp lý nào cho học sinh, sinh viên. Vì vậy, trường hợp này chủ sở hữu quyền tác giả
cũng chính là các đồng tác giả – cụ thể là các học sinh, sinh viên.
e. Bài giảng của giảng viên
Về đối tượng của quyền tác giả:
Theo khoản 2 Điều 6 Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, bài giảng của giảng viên là
tác phẩm thể hiện bằng ngôn ngữ nói và phải được định hình dưới một hình thức vật
chất nhất định. Do đó, bài giảng của giảng viên được xem là tác phẩm khoa học theo
khoản 1 Điều 3 Luật SHTT năm 2005 và phải được định hình dưới một hình thức vật
chất nhất định thì mới được xem là đối tượng của quyền tác giả.
Về chủ thể của quyền tác giả:
Như đã phân tích, để bài giảng của giảng viên là đối tượng của quyền tác giả thì
bài giảng của giảng viên phải được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định.
Theo khoản 3 Điều 3 Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, định hình là việc “biểu hiện bằng
chữ viết, các ký tự khác, đường nét, hình khối, bố cục, màu sắc, âm thanh, hình ảnh hoặc
sự tái hiện âm thanh, hình ảnh dưới dạng vật chất nhất định để từ đó có thể nhận biết,
sao chép hoặc truyền đạt”. Có thể thấy, khoản 3 Điều 3 chỉ đề cập đến những hình thức
vật chất nhất định của một đối tượng được xem là đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ,
chứ không đề cập đến ai là người “định hình” tác phẩm đó. Chính vì lý do đó, không
phải lúc nào tác giả của bài giảng đó cũng đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả nên cần
phải xem xét các trường hợp sau đây8:
Thứ nhất, nếu bài giảng của giảng viên được chính giảng viên ghi âm, ghi hình,
thì giảng viên vừa là tác giả, vừa là chủ sở hữu quyền tác giả.
Thứ hai, nếu giảng viên là người trực tiếp thuyết giảng và nhà trường là chủ thể
thực hiện việc định hình bài giảng dưới hình thức bản ghi âm, ghi hình thì giảng viên
chỉ là tác giả, còn chủ sở hữu quyền tác giả khi này là nhà trường. Việc xác lập toàn bộ
quyền hay một phần quyền nhân thân và quyền tài sản đối với một chủ thể sẽ phụ thuộc
vào hành vi định hình tác phẩm của chủ thể trực tiếp thực hiện bài giảng đó. Liên quan
đến vấn đề định hình tác phẩm, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã cho rằng hầu
hết các tác phẩm chỉ tồn tại một khi chúng được biểu hiện dưới một dạng vật chất cụ
thể, và luật bản quyền chỉ bảo hộ các tác phẩm dựa trên hình thức thể hiện ý tưởng trong

8
Đỗ Phương Thảo, “Pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ đối với bài giảng của giảng viên tại các cơ sở
giáo dục đại học”, [https://danchuphapluat.vn/phap-luat-ve-bao-ve-quyen-so-huu-tri-tue-doi-voi-bai-
giang-cua-giang-vien-tai-cac-co-so-giao-duc-dai-hoc] (truy cập ngày 28/3/2024).
các tác phẩm đó chứ không bảo hộ bản thân ý tưởng trong tác phẩm 9. Trong trường hợp
này, nhà trường là chủ thể có quyền được hưởng và cho phép các chủ thể khác sao chép,
phân phối, cho thuê bản gốc,… đối với bài giảng này. Tuy nhiên, tùy vào mỗi cơ sở giáo
dục đại học mà việc phân chia quyền tác giả giữa tác giả bài giảng và nhà trường là khác
nhau.
Ví dụ: Đối với Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những
trường hợp Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đồng sở hữu tài sản trí tuệ
là tài sản trí tuệ đó được tạo ra bởi cán bộ, công chức, viên chức, người học, cộng tác
viên hoặc các Đơn vị không theo nhiệm vụ được giao nhưng được tạo ra bằng nguồn
lực chủ yếu của trường (chiếm nguồn lực từ 30% trở lên), trừ khi giữa trường và chủ thể
liên quan có thỏa thuận khác10. Hoặc một trong các trường hợp Trường Đại học
Thành phố Hồ Chí Minh là chủ sở hữu đối với tài sản trí tuệ được tạo ra bởi cán bộ –
viên chức, các đơn vị trực thuộc Trường và các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có
mối quan hệ công tác với Nhà trường theo nhiệm vụ được giao, trừ trường hợp có thỏa
thuận khác11.
Thứ ba, bài giảng được biên soạn và thuyết giảng bởi giảng viên, nhưng chủ thể
ghi âm, ghi hình bài giảng là sinh viên hoặc một chủ thể khác ngoài nhà trường. Trong
trường hợp này, giảng viên vẫn chỉ là tác giả, vẫn có các quyền nhân thân đối với bài
giảng đó nhưng nhà trường thì không phải chủ sở hữu quyền tác giả vì không phải là
chủ thể thực hiện việc “định hình” bài giảng. Do đó, nếu muốn xử phạt hành vi trên thì
chỉ có thể xử phạt hành vi ghi hình bởi đã xâm phạm đến hình ảnh của giảng viên mà
chưa có sự cho phép của giảng viên theo Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015, còn hành
vi ghi âm thì hiện chưa có chế tài xử lý.
Có thể thấy, trong trường hợp bài giảng của giảng viên đã được xác định là một
đối tượng của quyền tác giả thì cơ chế để bảo vệ cho đối tượng này vẫn chưa thực sự
triệt để. Chính vì thế, các trường đại học nói riêng và các cơ sở giáo dục nói chung đã
phải ban hành các quyết định, quy chế,… nội bộ để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các
giảng viên (tác giả) đối với bài giảng của mình một cách tốt nhất.

9
Trần Hữu Nam (2007), Cẩm nang sở hữu trí tuệ: Chính sách, pháp luật và áp dụng, Cục sở hữu trí tuệ,
tr. 53.
Điểm a khoản 2 Điều 4 Quyết định số 2027/QĐ-ĐHYD ngày 03/7/2019 về việc ban hành Quy chế
10

Quản trị tài sản trí tuệ của Đại học Y dược Thành Phố Hồ Chí Minh.
11
Khoản 1 Điều 7 Quyết định số 1306/QĐ-ĐHL về việc ban hành Quy định Quản lý tài sản Sở hữu trí
tuệ của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh.
f. Một công trình nhà ở
Về đối tượng của quyền tác giả:
Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Kiến trúc năm 2019: “Công trình
kiến trúc là một hoặc một tổ hợp công trình, hạng mục công trình được xây dựng theo ý
tưởng kiến trúc hoặc thiết kế kiến trúc”. Căn cứ theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều
14 Luật SHTT năm 2005 và khoản 10 Điều 6 Nghị định số 17/2023/NĐ-CP thì tác phẩm
kiến trúc bao gồm công trình kiến trúc và các bản vẽ về công trình kiến trúc được quy
định thuộc tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học. Do đó, công trình nhà ở là một
công trình được xây dựng dựa trên ý tưởng hoặc thiết kế kiến trúc, được định hình dưới
một dạng vật chất nhất định và do đó, công trình nhà ở là đối tượng của quyền tác giả.
Đồng thời, theo khoản 1 Điều 2 Công ước Berne quy định như sau: “Thuật ngữ
"Các tác phẩm văn học và nghệ thuật" bao gồm tất cả các sản phẩm trong lĩnh vực văn
học, khoa học và nghệ thuật, bất kỳ được biểu hiện theo phương thức hay dưới hình thức
nào, chẳng hạn [...] các tác phẩm đồ họa, hội họa, kiến trúc, điêu khắc, bản khắc, thạch
bản”. Như vậy, tác phẩm kiến trúc (hay công trình kiến trúc) cũng là đối tượng của
quyền tác giả theo pháp luật quốc tế.
Về chủ thể của quyền tác giả:
Đối với công trình nhà ở, chủ thể quyền tác giả bao gồm:
1 - Tác giả: là cá nhân, tổ chức sáng tạo ra công trình và các đồng tác giả (nếu có);
2 - Chủ sở hữu quyền tác giả:
- Tác giả: trường hợp công trình nhà ở do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng chính
công sức và chi phí của mình thì tác giả sẽ đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả;
- Tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả:
Ví dụ 1: Ông A giao kết hợp đồng với kiến trúc sư B thực hiện công trình nhà ở
cho ông A: tác giả được xác định là kiến trúc sư B và chủ sở hữu quyền tác giả được xác
định là ông A (trong trường hợp này, chủ sở hữu quyền tác giả là cá nhân).
Ví dụ 2: Kiến trúc sư A là kiến trúc sư làm việc tại Tập đoàn B – Tập đoàn B kinh
doanh thương mại, bất động sản (chung cư). Tập đoàn B giao nhiệm vụ thiết kế công
trình nhà ở (chung cư) cho kiến trúc sư A: tác giả được xác định là kiến trúc sư A và chủ
sở hữu quyền tác giả được xác định là Tập đoàn B.
- Người thừa kế của tác giả là chủ sở hữu quyền tác giả – thừa kế theo quy định
của pháp luật thừa kế (thừa kế theo di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật). Lúc này, chủ
sở hữu quyền tác giả bị hạn chế về quyền, cụ thể người thừa kế quyền tác giả là chủ sở
hữu quyền tác giả nhưng chỉ có các quyền về tài sản và quyền công bố hoặc cho phép
người khác công bố tác phẩm (đây là quyền nhân thân duy nhất mà người thừa kế được
hưởng).
- Người được chuyển giao quyền:
Ví dụ: Kiến trúc sư A là tác giả của công trình nhà ở, một thời gian sau kiến trúc
sư A chuyển giao quyền tác giả cho ông B. Lúc này, ban đầu chủ sở hữu quyền tác giả
thuộc về tác giả, sau đó, tác giả (kiến trúc sư A) đã chuyển giao quyền tác giả cho ông
B nên ông B trở thành chủ sở hữu quyền tác giả.
Lưu ý: Việc chuyển giao quyền có thể chuyển giao một, một số hoặc toàn bộ
quyền tác giả; đồng thời, những quyền được phép chuyển giao bị hạn chế, cụ thể: tác
giả chỉ có thể chuyển giao quyền tài sản và quyền công bố hoặc cho phép người khác
công bố tác phẩm (đây là quyền nhân thân duy nhất được chuyển giao). Ngoài ra, việc
chuyển giao còn phải đáp ứng điều kiện về hình thức (thỏa thuận trong hợp đồng) để
việc chuyển giao này là hợp pháp.
- Nhà nước – Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả trong các trường hợp sau đây:
+ Tác phẩm khuyết danh, trừ trường hợp tác phẩm khuyết danh đang được tổ chức,
cá nhân quản lý là tổ chức, cá nhân đó được hưởng quyền của chủ sở hữu.
+ Tác phẩm còn trong thời hạn bảo hộ mà chủ sở hữu quyền tác giả chết không có
người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận di sản hoặc không được quyền hưởng di sản;
+ Tác phẩm được chủ sở hữu quyền tác giả chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà
nước – đây cũng có thể hiểu là một hình thức của việc chuyển giao quyền tác giả, tuy
nhiên chủ thể nhận quyền tác giả là Nhà nước (tổ chức đặc biệt).
Như vậy, có thể hiểu, trong trường hợp không có tác giả (tác giả chết, tác phẩm
khuyết danh) và không có chủ sở hữu quyền tác giả phù hợp với quy định của luật thì
chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước.
g. Nhãn sản phẩm của lon nước giải khát
Theo pháp luật Việt Nam, nhãn sản phẩm của lon nước giải khát không được coi
là đối tượng quyền sở hữu trí tuệ.
Tại khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch số 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT
của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương ngày
27/10/214 hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm và chất
hỗ trợ chế biến thực phẩm bao gói sẵn quy định: “Nhãn sản phẩm là bản viết, bản vẽ,
bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên
sản phẩm, bao bì thương phẩm của sản phẩm hoặc trên các chất liệu khác được gắn
trên sản phẩm, bao bì thương phẩm của sản phẩm để thể hiện các thông tin cần thiết
chủ yếu về sản phẩm đó”.
Nhãn sản phẩm có thể được hiểu qua các nội dung sau:
1 - Mục đích: cung cấp thông tin về các loại hàng hoá, sản phẩm; phân biệt các
loại hàng hóa, sản phẩm với nhau.
2 - Nội dung thể hiện: Nhãn sản phẩm thể hiện các thông tin như tên hàng hoá,
xuất xứ, thành phần, ngày sản xuất, hạn sử dụng,…
3 - Các sản phẩm, hàng hóa khác nhau sẽ có nhãn sản phẩm khác nhau.
4 - Nhãn sản phẩm sẽ thường xuyên thay đổi do tính chất thay đổi liên tục của nội
dung được thể hiện trên hàng hóa, sản phẩm.
Như vậy, nhãn sản phẩm của lon nước giải khát chứa các nội dung nhằm thể cung
cấp các thông tin về sản phẩm, là sản phẩm được tạo ra không dựa trên tính sáng tạo.
Theo đó, nhãn sản phẩm của lon nước giải khát không là đối tượng của quyền sở hữu trí
tuệ nên đồng thời không là đối tượng quyền tác giả.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

A. VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT


1. Luật Sở hữu trí tuệ (Luật số 50/2005/QH11) ngày 29/11/2005 (sửa đổi, bổ sung năm
2009, 2019, 2022).
2. Bộ luật Dân sự (Luật số 91/2015/QH13) ngày 24/11/2015.
3. Luật Kiến trúc (Luật số 40/2019/QH14) ngày 13/6/2019.
4. Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật.
5. Nghị định số 78/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/7/2014 về Giải thưởng Hồ Chí
Minh, Giải thưởng và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ.
6. Nghị định số 17/2023/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26/4/2023 quy định chi tiết một số
điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.
7. Thông tư liên tịch số 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT của Bộ Y tế, Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương ngày 27/10/2014 hướng dẫn ghi
nhãn hàng hóa đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm
bao gói sẵn.
B. TÀI LIỆU THAM KHẢO
8. Nguyễn Thị Quế Anh (2023), Hoàn thiện pháp luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam trong bối
cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, NXB Chính trị quốc gia Sự
thật, Hà Nội.
9. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2009), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB
Giáo dục.
10. Nguyễn Phan Khôi, Trần Thị Cẩm Nhung (2023), “Xác định chủ sở hữu quyền tác
giả và việc xin phép sử dụng đối với tác phẩm được tạo ra bởi sinh viên trong các trường
đại học”, Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ, 59(6D), tr. 259 – 266.
11. Trần Hữu Nam (2007), Cẩm nang sở hữu trí tuệ: Chính sách, pháp luật và áp dụng,
Cục sở hữu trí tuệ.
12. Quyết định số 1306/QĐ-ĐHL ngày 15/6/2016 của Trường Đại học Luật Thành phố
Hồ Chí Minh về việc ban hành Quy định Quản lý tài sản Sở hữu trí tuệ.
13. Quyết định số 2027/QĐ-ĐHYD ngày 03/7/2019 của Đại học Y dược Thành Phố Hồ
Chí Minh về việc ban hành Quy chế Quản trị tài sản trí tuệ.
Tài liệu từ Internet
14. Đỗ Phương Thảo, “Pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ đối với bài giảng của giảng
viên tại các cơ sở giáo dục đại học”, [https://danchuphapluat.vn/phap-luat-ve-bao-ve-
quyen-so-huu-tri-tue-doi-voi-bai-giang-cua-giang-vien-tai-cac-co-so-giao-duc-dai-
hoc] (truy cập ngày 28/3/2024).15. Khoa Luật Quốc tế Trường Đại học Luật Thành phố
Hồ Chí Minh, “Hướng dẫn chi tiết một số vấn vấn đề về khóa luận tốt nghiệp”,
[https://luatquocte.hcmulaw.edu.vn/vi/thong-bao-tin-tuc-304/huong-dan-chi-tiet-mot-
so-van-de-ve-khoa-luan-tot-nghiep-nam-hoc-2021-2022] (truy cập ngày 28/3/2024).

You might also like