You are on page 1of 3

Thời Đường với nền thi ca đạt đến đỉnh cao mà có thể nói là vô tiền khoáng

hậu đã có những đóng góp đồ sộ cho bề dày văn chương Trung Hoa. Đường thi ra đời
và nhanh chóng phát triển nhờ bối cảnh xã hội lúc bấy giờ góp phần thúc đẩy thi ca
đạt đến hưng thịnh. Sự thống nhất của nhà Đường đã chấm dứt những biến động xã
hội thường xuyên giữa Bắc Nam triều và nhà Tùy, nền kinh tế tiếp tục phục hồi và
phát triển mạnh mẽ. Nhà Đường có thể xem là thời kỳ đạt đến đỉnh cao sự phát triển
của xã hội phong kiến trong lịch sử Trung Hoa với sự trị vì của các bậc minh quân
như Đường Thái Tông, Đường Huyền Tông,.. đã giúp đất nước nổi lên hưng thịnh,
quốc thái dân an, xã hội ổn định, nhân dân được ấm no mở đường cho sự phát triển
của các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Nền kinh tế với nhiều chính sách thúc đẩy phát
triển như giảm tô thuế, bớt sưu dịch, thực hiện chế độ quân điền trong nông nghiệp,
lĩnh vực hàng hải mở rộng, ngành thủ công mỹ nghệ phát triển vượt bậc với nhiều khu
vực sản xuất chuyên biệt và thương nghiệp với nhiều sản phẩm nổi tiếng tạo nên nền
kinh tế dồi dào là điều kiện cho nhiều văn nhân thi sĩ vững vàng ngòi bút sáng tác, thi
ca tìm được mảnh đất màu mỡ để ươm mầm và phát triển.
Xã hội ổn định với hệ thống chính trị được củng cố và hoàn thiện, hệ thống
quản lý quốc gia được cải thiện với việc áp dụng hệ thống thi hành luật pháp và chính
sách thuế thu nhập. Xã hội Trung Quốc thời kỳ này hướng tới sự cởi mở và giao lưu
văn hóa. Nhà Đường sau khi thành lập đã nới lỏng các chính sách, mở rộng phạm vi
ngôn luận và cùng với sự cởi mở trong nối kết văn hóa tạo nên bước phát triển cho
văn thơ. Môi trường sáng tác nghệ thuật tương đối tự do và thiếu vắng những điều
cấm kỵ là một nguyên nhân thúc đẩy thi ca phát triển. Nhà thơ khi sáng tác ít bị ràng
buộc hay bó hẹp trong những luật lệ khiến hồn thơ trở nên phóng khoáng và tự nhiên
cho ra đời những thi phẩm xuất thần. Bên cạnh đó, các bậc đế vương thời Đường là
những người có tư duy, tầm nhìn sâu rộng, chủ trương hội nhập với các dân tộc tạo
nên sự giao lưu nhiều nền văn hóa vào văn hóa Trung Quốc mạnh mẽ với quy mô
chưa từng có trong lịch sử đã bồi đắp thêm cho bề dày văn hóa sẵn có. Nhà Đường
trọng vọng các tao nhân mặc khách, coi trọng thơ ca và các nhà thơ lớn. Không như
Tô Đông Pha bị giáng chức thời trước, thi nhân thời Đường được gặp thời cho tài
năng thăng hoa. Thời Đường thăng quan bằng thi ca và đề cao kẻ sĩ, trọng dụng nhân
tài, tuyển chọn qua nhiều khoa thi, ngay cả dân thường cũng có thể vào triều qua thi
cử và từ đây tạo sự gia tăng của tầng lớp trí thức và sự phát triển của các phong trào tư
tưởng mới là cơ sở tạo nên một thời đại “Thịnh Đường khí tượng” trong dòng chảy
văn chương.
Văn hóa thời Đường không chỉ thể hiện sự phồn thịnh và đa dạng trong nghệ
thuật, văn học, tôn giáo mà còn đặt nền móng cho sự tiến bộ trong các lĩnh vực khác,
tạo ra một giai đoạn đặc sắc đậm chất văn minh và sáng tạo trong lịch sử Trung Quốc.
Về tôn giáo, trong thời Đường, Phật giáo đã trở thành hệ tư tưởng thống trị và nhận
được sự ưu ái từ các hoàng đế. Tuy nhiên, khi quốc lực nhà Đường suy yếu, mâu
thuẫn giữa chính quyền và Phật giáo gia tăng. Sự gia tăng nhanh chóng của số lượng
tăng ni đã gây ra tình trạng thiếu hụt lao động và thuế, ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh
tế nhà Đường. Điều này đã khiến Đường Vũ Tông năm 845 thực hiện chính sách bài
phật, và kể từ đó Phật giáo không còn lấy được vị thế thông trị văn hóa như trước.
Ngoài ra, Đạo giáo, Hồi giáo, Cảnh giáo và Mani giáo cũng là những tôn giáo đáng
chú ý tại thời kỳ này, mỗi tôn giáo mang đến một ảnh hưởng riêng trong văn hóa và
tôn giáo của Trung Quốc. Thời kỳ Đường còn là cột mốc quan trọng đánh dấu sự nở
rộ của nghệ thuật Trung Quốc. Nghệ thuật không chỉ là một phương tiện trang trí mỹ
quan mà còn trở thành một phần quan trọng của đời sống hàng ngày và có sức ảnh
hưởng sâu rộng đến tư tưởng và văn hóa của xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ. Trong
thời Đường, nghệ thuật điêu khắc đã đạt được sự phát triển đáng kể, đặc biệt là trong
lĩnh vực điêu khắc Phật giáo. Bên cạnh đó, hội họa và tranh lụa cũng là những phần
không thể thiếu trong đặc điểm nghệ thuật Trung Quốc. Các họa gia thời Đường
thường là những học giả thấm nhuần tư tưởng Nho giáo, và họ coi nghệ thuật là một
phương tiện truyền tải những triết lý cuộc sống. Do đó, trong các tác phẩm hội họa và
tranh lụa của thời kỳ này, chúng thường mang đậm dấu ấn tinh thần và triết lý của
Nho giáo, phản ánh sự tư duy sâu xa và tinh thần trí thức của xã hội Đường. Mặc dù
nghệ thuật tôn giáo chiếm phần lớn, nhưng cũng có sự phát triển của hội họa phi tôn
giáo. Các bức tranh sơn thủy thường thể hiện các khoảnh khắc trong cuộc sống hàng
ngày và phong cảnh thiên nhiên. Một lĩnh vực nổi bật trong thời nhà Đường phải kể
đến là văn học. Trong văn học, thể loại tản văn như văn biền ngẫu, thể loại truyền kỳ
cũng trở nên rất phổ biến. Ngoài ra, thời Đường còn chứng kiến sự phát triển mạnh
mẽ của văn học thông tin, địa lý, và lịch sử. Nhưng nổi bật và có sức ảnh hưởng nhất
trong văn học Trung Quốc vẫn là thi ca. Trong thời kỳ này số lượng thể loại thơ
Đường lên đến 48.900 bài thơ của khoảng 2.200 thi nhân còn tồn tại đến ngày nay.
Thi ca thời Đường thịnh hành các thể loại như cổ thi và cận thể thi, với những thi nhân
nổi tiếng như Lý Bạch, Vương Duy, Thôi Hiệu… Thơ Đường ra đời, kết hợp nhiều tư
tưởng lớn của truyền thống Trung Quốc đã làm nên một thể loại đầy đa dạng và phong
phú.
Thời Đường, với sự phồn thịnh của kinh tế - xã hội, sự tiến bộ về tri thức, đã là
một thời kỳ mở cánh cửa cho sự nảy nở và phát triển văn học, đặc biệt là thơ Đường.
Môi trường ổn định và giàu có đã kích thích sự sáng tạo của các nhà thơ, trong khi tư
duy triết học và tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành cảm quan nghệ
thuật của bao thi sĩ lúc bấy giờ. Tất cả đã làm nên thơ Đường - một đỉnh cao nghệ
thuật, một cống hiến vĩ đại cho văn học di sản văn học Trung Quốc nói riêng và thế
giới nói chung.

Tham khảo:
Ebrey, Patricia Buckley (1999). The Cambridge Illustrated History of China.
Cambridge: Cambridge University Press
Giang Tăng Khánh (2005). Trung Quốc thông sử cương yếu. Đài Bắc: Công ty cổ
phần hữu hạn xuất bản sách Ngũ Nam
Phạm Văn Lan (1994). Trung Quốc thông sử. Bắc Kinh: Nhà xuất bản Nhân dân
Harper, Damian (2005). China, Footscray, Victoria: Lonely Planet

You might also like