You are on page 1of 2

Có ý kiến cho rằng: “Truyện ngắn không có cốt truyện li kì, hấp

dẫn không phải là một truyện hay”. Bạn có đồng ý với ý kiến đó
không? Bạn nghĩ sao về những “truyện không có cốt truyện”?
Theo bạn, một câu chuyện “không có cốt truyện” liệu có còn
hay và hấp dẫn bạn đọc? Ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng thảo
luận về vấn đề này.
Trước hết, chúng ta cần biết rằng như thế nào là “cốt truyện”,
“truyện không có cốt truyện”? Cốt truyện là hình thức tổ chức
cơ bản nhất của truyện; nó bao gồm các giai đoạn phát triển
chính, một hệ thống sự kiện cụ thể được tổ chức theo yêu cầu tư
tưởng và nghệ thuật nhất định, tạo thành một bộ phận cơ bản,
quan trọng nhất trong hình thức động của các tác phẩm văn học,
nhất là đối với các sáng tác thuộc các loại tự sự và kịch. Cốt
truyện thường gồm hai phương diện gắn bó hữu cơ : Vừa là
phương tiện bộc lộ tính cách, vừa là phương tiện để nhà văn bộc
lộ các xung đột xã hội. Cốt truyện được nhà văn xây dựng gồm
các thành phần: trình bày, thắt nút, phát triển, cao trào, mở nút.
Nhờ đó, câu chuyện thêm phần kịch tính, hấp dẫn bạn đọc. Vậy
sẽ ra sao nếu “truyện không có cốt truyện”? Khái niệm “truyện
không có cốt truyện” chỉ mang tính ước lệ và quy ước cao, nó
đánh dấu một sự cách tân nghệ thuật của các nhà văn hiện đại
trong lĩnh vực tự sự học. Truyện không có cốt truyện thường có
sự đan xen phức tạp giữa tự sự với trữ tình và những miêu tả đời
sống nội tâm của nhân vật. Hiểu một cách đơn giản, truyện
không có cốt truyện là loại truyện không có những tình huống li
kì lắt léo, không thể tóm tắt, khó có thể kể lại được do kĩ thuật tự
sự “dòng ý thức” của nhà văn đem lại.
Nhắc đến “truyện không có cốt truyện”, những sáng tác của
Thạch Lam được coi là thành công nhất. Truyện ngắn của ông
được nhận xét là đậm chất trữ tình. Ông không đi sâu vào khai
thác những mâu thuẫn của hiện thực, không tạo dựng những tình
huống kịch tính mà tập trung khám phá tâm hồn con người.
“Dưới bóng hoàng lan” là một truyện ngắn như vậy. Câu chuyện
diễn ra yên bình, nhẹ nhàng như chính bức tranh thiên nhiên
trong sáng được diễn tả trong tác phẩm. Không có sự kiện nổi
bật, không có biến cố, các nhân vật xuất hiện một cách tự nhiên,
một cuộc sống sinh hoạt đời thường hiện ra không có gì độc đáo.
Thế nhưng, nó lại có sức hút đến lạ. Sức hút đến từ dòng cảm
xúc của các nhân vật. Thanh – một chàng trai trở về quê sau 2
năm xa với niềm mong nhớ khôn nguôi. Quê hương như dòng
nước thanh khiết gột rửa tâm hồn chàng tránh xa khỏi chốn phồn
hoa đô thị. Và bà của Thanh mang bóng hình người phụ nữ Việt
Nam – một con người tần tảo, hi sinh, chịu thương chịu khó.
Nga – một cô bé hàng xóm xinh xắn, hồn nhiên, dễ thương
mang trong mình mối tình sâu kín đầu đời với Thanh. Mạch
truyện diễn ra chậm rãi, nhẹ nhàng cùng những cảm xúc của
nhân vật khiến bạn đọc như được hoà mình trong khung cảnh
thanh bình, yên ả ấy.
Truyện tâm tình, với nghệ thuật xoáy sâu vào tình cảm người
đọc bằng giọng văn nhỏ nhẹ, thủ thỉ, điềm tĩnh và lắng sâu,
nhiều dư vị, dư vang, bằng một hình tượng nghệ thuật có sức lay
động và ám ảnh sâu sắc. Thạch Lam đã đem đến cho bạn đọc
những cảm nhận về tình yêu quê hương, tình yêu gia đình và
mối tình đôi lứa hồn nhiên, trong sáng. Câu chuyện khép lại
nhưng mở ra trong lòng bạn đọc nhưng suy tư, trăn trở về con
người, về cuộc đời. Đó chính là thành công của một tác phẩm
“truyện không có cốt truyện”.

You might also like