You are on page 1of 13

1

BA KHUYNH HƯỚNG CƠ BẢN


ĐỂ TIẾP CẬN CÁI ĐẸP TRONG LỊCH SỬ MỸ HỌC TRƯỚC MÁC
CA0 VĂN DƯƠNG*

Cái đẹp là một bí mật thật sự của cuộc sống con người. Nó là nhu cầu sống
của mỗi người, mỗi cộng đồng người, mỗi dân tộc và cả nhân loại. Hạnh phúc lớn
lao của mỗi người là được sống với cái đẹp, được trở thành một người đẹp trong
cộng đồng của mình và làm cho nhiều người mỗi ngày một đẹp hơn.
Cái đẹp là nhu cầu sống của con người, nhưng nó gắn bó mật thiết với đời
sống xã hội. Số phận của cái đẹp gắn bó mật thiết với các quá trình vận động của xã
hội. Cái đẹp cũng như mọi hiện tượng thẩm mỹ khác, chúng đều mang bản chất xã
hội. Cái đẹp gắn liền với các quan hệ thẩm mỹ của một dân tộc, một giai cấp, một
thời đại nhất định. Không có cái đẹp nào lại không có yếu tố xã hội của nó. Cái đẹp
ở các dân tộc, các giai cấp, các thời đại khác nhau được giải thích từ các thế giới
quan khác nhau. Mỗi thời đại, mỗi dân tộc, mỗi giai cấp thường hình thành các
thước đo cái đẹp riêng của họ.
Cái đẹp có sự vận động và không ngừng được sáng tạo, được khám phá. Vì
thế, nghiên cứu về cái đẹp chúng ta phải nghiên cứu sự vận động lịch sử của cái đẹp
trong các quá trình lao động sáng tạo và chiến đấu của con người. Ba khuynh hướng
cơ bản để tiếp cận cái đẹp trong lịch sử mỹ học trước Mác là cách tiếp cận khác
nhau về cái đẹp trong lịch sử mỹ học trước Mác.
Thứ nhất, khuynh hướng duy vật trong việc tiếp cận cái đẹp trong lịch sử mỹ học
trước Mác được thể hiển qua các thời kỳ như sau:
Mỹ học duy vật thời cổ đại, với những đại biểu xuất sắc như Hêraclit, Đêmôcrit
và Aristốt đã coi cái đẹp là một thuộc tính của vật chất. Theo quan niệm của các nhà

Cao Văn Dương* lớp cao học triết khóa 2007 – 2010
2

triết học duy vật thời cổ đại, cái đẹp là một thuộc tính của vũ trụ, của con người, của
mọi sự vật và động vật. Cái đẹp có cơ sở khách quan trong thế giới vật chất. Các nhà
triết học duy vật cổ đại lý giải rằng thế giới là vật chất, không do thần tạo ra và tồn
tại vĩnh cửu dưới hình thức một quá trình hình thành không bao giờ ngừng. Do đấy
mà cái đẹp có cơ sở vật chất, và phát triển với danh nghĩa là thuộc tính của sự vật.
Aristốt viết: “…Những hình thái chủ yếu của cái đẹp, là trật tự ( trong không gian)
là tính tương xứng và tính chính xác…”1. Với quan điểm trên, Aristốt đã khẳng định
cái đẹp là một tính chất tồn tại khách quan, một thuộc tính của bản thân các đối
tượng, các sự vật. Aristốt đã đi tìm quy luật khách quan của cái đẹp trong thế giới
hiện thực.
Cái đẹp là một thuộc tính của vũ trụ, của mọi sự vật và động vật. Đây là quan
niệm chung của các nhà triết học duy vật thời cổ đại khi chống lại quan điểm của
các nhà triết học duy tâm nói rằng cái đẹp là một tư tưởng, một ý niệm.
Theo các nhà triết học duy vật thời cổ đại, vật chất và các sự vật muốn trở
thành đẹp trước hết phải có một số biểu hiện như sau:
Các yếu tố khác biệt phải được thống nhất trong đa dạng. Về vấn đề này,
Hêraclit đã nêu lên 3 trường hợp của cái đẹp: một là thuộc về âm nhạc, hai là thuộc
về hội họa, ba là thuộc về các dạng mâu thuẫn thống nhất.
Về hội họa, Hêraclit nói rằng: màu đen, màu trắng, màu đỏ đứng riêng một
mình thì không đẹp. Nếu đem trộn chúng theo một tỷ lệ nhất định ta sẽ có nhiều
màu, nếu sắp xếp các màu theo một tỷ lệ nhất định ta sẽ có bảng màu đẹp. Và dùng
các màu này để mô tả một nguyên hình nào đó theo một dự kiến phù hợp thì sẽ đẹp.
Về âm nhạc, cũng giống như hội họa, nếu các âm để rời rạc nhau và khác
nhau thì không đẹp. Cái đẹp xuất hiện khi mang các nốt nhạc khác nhau ấy hòa
thành một bản nhạc duy nhất.

1. Tuyển tập: Những nhà tư tưởng cổ đại bàn về nghệ thuật (tiếng nga). Nxb Nghệ thuật,
1938,tr,138
3

Về các dạng mâu thuẫn thống nhất, Hêraclit đã nêu lên thí dụ về cái cung được căng
bởi dây cung. Dây cung to, dây cung nhỏ, dây cung căng, dây cung chùng
đều tạo ra các sắc thái âm thanh khác nhau và hình tượng mũi tên đi khác nhau mà
có các dạng thức của cái đẹp khác nhau.
Cùng với quan niệm cái đẹp là sự thống nhất trong đa dạng, các nhà mỹ học
cổ đại đã đề xuất hình thức thứ hai của cái đẹp đó là các sự vật đẹp phải có một kích
thước và một tỷ lệ nhất định. Sự vật bé quá thì không thể biết được nó có đẹp hay
không. Sự vật to quá ngoài tâm kiểm soát của thị giác cũng không thể biết được có
đẹp hay không. Trong tác phẩm “Nghệ thuật thơ ca”, Aristốt đã viết: “Cái đẹp là ở
trong kích thước và trật tự của nó, do đó một vật bé quá không thể trở thành đẹp, vì
thoát nhìn đã qua, không kịp thu nhận; một vật lớn quá cũng không thể trở thành
đẹp, vì một lúc không thể nhìn chung vật đó ngay được, tính nhất trí và tính hoàn
chỉnh mất đi bởi người nhìn nó. Thí dụ như con vật dài hàng vạn dặm chẳng hạn.
Vậy, để dễ quan sát, những đối tượng tĩnh và động đều cần phải có một độ lớn nhất
định”. Với quan điểm này, Aristốt chú ý trước tiên tới những đặc trưng của cái đẹp
về mặt hình thức. Nhưng ông cũng phát hiện ra cơ sở cái đẹp ở trong những thuộc
tính và những quan hệ của những vật thực tại.
Với quan niệm về sự thống nhất trong đa dạng, về sự sắp xếp và kích thước của sự
vật, hiện tượng đẹp; các nhà duy vật thời cổ đại đã nêu lên hình thức tồn tại thứ ba
của cái đẹp, đó là các khoái cảm của con người gắn liền với độ. Đêmôcrit nhấn
mạnh rằng: “Điều tốt nhất đối với con người là sống, sống sao cho có thể khoan
khoái hơn và ít buồn phiền hơn”, “không nên cố đạt tới bất kỳ khoái cảm nào mà chỉ
nên cố đạt tới khoái cảm gắn liền với cái đẹp”, ông kêu gọi “hãy từ bỏ loại khoái
cảm không có ích”. Ông nói “Tôi không thích những gì bất cập cũng như những gì
thái quá”, “ở kẻ nào vi phạm mức độ vừa phải, thì điều đáng hài lòng nhất có thể trở
thành đáng bực bội nhất”.2
2. Smpl..Phys, đoạn 102, 203, Trích dẫn theo tác phẩm: Lịch sử triết học (tiếng nga), t. I, Mát- xcơ-
va 1941.
4

Theo các nhà mỹ học duy vật thời cổ đại, cái đẹp tuy là sự thống nhất trong
đa dạng, là tỷ lệ, trật tự và kích thước, là phạm trù độ trong khoái cảm, nhưng cái
đẹp có tính chất tương đối chứ không có một sự vật nào đẹp tuyệt đối. Tính tương
đối của cái đẹp được xác định do chỗ các vật tồn tại đều thuộc những loại khác
nhau. Hêraclit đã viết rằng: “Con khỉ đẹp nhất là xấu so với con người, con người
đẹp nhất là xấu so với thần thánh”.
Khi tổng kết các quan niệm duy vật thời cổ đại, để chuẩn bị nêu ra quan niệm
riêng của mình về cái đẹp, trong đối thoại nổi tiếng Hippias Anh, Platon đã chỉ ra
rằng: “một hũ sành, nếu có thìa gỗ thì đẹp, nếu dùng thìa vàng thì xấu”. Trong Hồi
ký về Xoocrat của Kxênôphôn có đoạn viết: “Người đẹp trong chạy đua không
giống với người đẹp trong chiến đấu”, “cái lao lúc bay đẹp khác so với cái lao đẹp
lúc đứng im”.
Cùng với quan niệm về tính tương đối của cái đẹp, tư duy duy vật cổ đại
khẳng định cái đẹp là cái có ích, là cái tốt. Xô cơ rát gắn phạm trù cái đẹp với khái
niệm tính hợp lý, nghĩa là tính hữu ích trong viêc đạt được mục đích nhất định, theo
ong cái đẹp là tương đối: “ Bất cứ gì cũng tốt và đẹp so với điều nó thích ứng tốt, và
ngược lại bất cứ cái gì cũng tồi và xấu so với điều nó thích ứng tồi” 3
Quan niệm về cái đẹp của các nhà mỹ học duy vật thế kỷ XVII – XVIII
Với những đại biểu chính là Etmun Bơccơ và Diderot. Năm 1756, Etmun Bơccơ
(Burke) một đại biểu lớn của mỹ học duy vật Anh cho xuất bản tác phẩm “Nghiên
cứu triết học về nguồn gốc các nhận thức của chúng ta về cái cao cả và cái đẹp”.
Trong tác phẩm này, ông đã dựa trên cơ sở triết học của Lôccơ để phân tích cái đẹp.
Theo Bơccơ, việc bảo vệ nguyên lý duy cảm, thực nghiệm duy vật về cái đẹp tức là
khẳng định tính thực tại của con người. Ông khẳng định rằng, cái đẹp của mỗi con
người xuất hiện trong các hoạt động giao tế của con người. Bơccơ nêu lên 7 dấu
hiện khách quan về cái đẹp như sau: Tính nhỏ nhắn và tương đối của đối tượng;
3. Tuyển tập: Những nhà tư tưởng cổ đại bàn về nghệ thuật (tiếng nga). Nxb Nghệ thuật, 1938,tr,18
5

Sự mịn màng của bề mặt đối tượng; Sự đa dạng trong tình trạng các bộ phận được
phân phối; Quan hệ giữa các bộ phận với nhau không được cứng nhắc; Cơ cấu uyển
chuyển; Màu sắc thuần khiết, tươi sáng nhưng không chói chang, lòe loẹt; Nếu có gì
trong đó phải được tô đậm màu thì màu này phải được kết hợp với những màu khác
sao cho đừng nổi bật quá.
Bơccơ nghiên cứu tỉ mỉ tất cả các dấu hiệu này của cái đẹp và ông cung cấp
nhiều dẫn chứng thuộc những mặt khác nhau.
Cùng với Bơccơ ở Anh, ở Pháp nhà mỹ học duy vật Diderot cũng cho xuất
bản “Luận văn về cái đẹp” năm 1751. Theo Diderot thì “đẹp là một từ chúng ta dùng
để hình dung vô số sự vật, mặc dù sự vật đó có gì khác nhau đều lấy cái đẹp để hình
dung nếu không ta sẽ dùng sai từ đẹp. Tính chất đó không thuộc về những tính chất
hợp thành sự khác nhau đó giữa các sự vật… Nếu không thì chỉ có một sự vật đẹp
duy nhất hoặc tối đa cũng chỉ có một sự vật đẹp duy nhất. Nhưng trong tất cả các sự
vật đẹp có rất nhiều tính chất chung, chúng ta chọn tính chất nào để hình dung là
đẹp? Tính chất nào tôi thấy rất rõ, chỉ có tính chất như thế này mới hợp cách: đã có
nó sẽ làm cho tất cả các sự vật đó đều đẹp. Sự nhiều ít của nó sẽ làm cho những sự
vật đó có sự khác nhau về mức độ nhiều ít của cái đẹp, tính chất của nó không thể
cải biến, không thể làm cho cái đẹp của loại đó không cải biến theo nó; tính chất trái
với nó sẽ làm cho cái đẹp nhất cũng biến thành cái buồn chán và xấu xí”
Tóm lại, cái đẹp bắt đầu xuất hiện, phát triển, biến hóa, suy tàn, biến mất đều
phải dựa vào tính chất của nó. Chỉ có một khái niệm Rapport (quan hệ) mới có thể
phù hợp với những điều kiện đó. Do đó, tôi gọi tính chất của quan niệm “quan hệ”
đó phàm là bản thân có nhân tố nào đó, đủ để đánh thức trong sự hiểu biết của chúng
ta là cái đẹp, ở bên ngoài tôi, phàm là tính chất của khái niệm đó đánh thức đều gọi
là quan hệ đến cái đẹp của tôi”.
Năm 1765, trong tác phẩm “Những tùy bút về hội họa”, Diderot lại mở rộng
hơn quan niệm của mình về cái đẹp. Ông viết: “Cái thật, cái tốt, cái đẹp rất khăng
khít với nhau”. Theo Diderot, có hai cái đẹp đối với chúng ta: một cái đẹp thực tế và
6

một cái đẹp được nhận thấy. Có thể nói, đối với Diderot, cái đẹp tồn tại khách quan
trong tự nhiên. Tự nhiên là ngọn nguồn của cái đẹp. Cái đẹp với cái thật là một.
Quan niệm về cái đẹp của những nhà duy vật nhân bản thế kỷ XIX .Cũng
giống như tất cả các nhà mỹ học duy vật khác, các nhà mỹ học duy vật nhân bản thế
kỷ XIX mà đại diện chính là Trecnưsepski, nhà mỹ học lớn người Nga, coi cái đẹp
bắt nguồn từ trong hiện thực. Tuy nhiên, ở đây các nhà duy vật quan tâm nhiều hơn
đến tính nhân bản của cái đẹp trong đời sống. Chống lại tính phi nhân về cái đẹp của
Hêghen, Trecnưsepski nói rằng: mọi hiện tượng thẩm mỹ trong đó có cái đẹp đều
xuất hiện và có nguồn gốc ở cuộc sống con người chứ không phải ở ý niệm.
Theo Trecnưsepski, bản chất của cái đẹp là tạo ra cho con người một cảm
giác hoan hỉ trong sáng giống như cảm giác ta gặp mặt người yêu. Chúng ta yêu mến
cái đẹp một cách vô tư, chúng ta thưởng thức nó, chúng ta hoan hỉ khi thấy nó cũng
như là hoan hỉ khi thấy người thân yêu của chúng ta. Cái chung nhất trong số những
cái cần thiết đối với con người, cái thân yêu nhất đối với con người là cuộc sống.
“Cái đẹp là cuộc sống, một thực thể đẹp là một thực thể trong đó ta nhìn thấy cuộc
sống đúng như quan niệm của chúng ta. Một đối tượng đẹp là một đối tượng trong
đó cuộc sống được thể hiện hay là nó nhắc ta nghĩ đến cuộc sống” 4. Như vậy, theo
Trecnưsepski, chỉ có cuộc sống mới đẹp, còn cái chết không thể đẹp. Và mọi cuộc
sống đều thân yêu, đều tạo cho ta hoan hỉ, không có cuộc sống nào là xấu xa, bẩn
thỉu cả.
Nhìn chung khuynh hướng duy vật trước Mác, trong cả ba thời kỳ phát triển
của nó đều coi cái đẹp tồn tại khác quan, bởi vì nó là một thuộc tính của cuộc sống,
của hiện thực. Thiên nhiên, cuộc sống của động vật, vật chất đã từng tồn tại trước
con người, do đó cái đẹp đã từng tồn tại trước con người. Ở đâu có vật chất là ở đó
có cái đẹp. Quan niệm như vậy là đối lập với mọi khuynh hướng duy tâm chủ quan
cũng như khách quan. Các nhà mỹ học duy vật đã góp phần quan trọng vào việc
chống lại quan điểm duy tâm siêu hình về cái đẹp.
4.N.G . Tsec-nư-sep-xki: Toàn tập (tiếng nga) Mat- scơ-va, 1957, t, II , tr, 10
7

Thứ hái, khuynh hướng duy tâm khách quan trong việc tiếp cận cái đẹp trong lịch
sử mỹ học trước Mác. Khác và đối lập với cách tiếp cận cái đẹp của mỹ học duy vật,
mỹ học duy tâm khách quan coi cái đẹp không phải là thuộc tính của vật chất mà là
thuộc tính của tinh thần. Nói chính xác hơn, Hêghen thừa nhận có cái đẹp của tự
nhiên, nhưng những cái đẹp này là nghèo nàn và thấp hơn rất nhiều so với cái đẹp
của nghệ thuật và nó cũng nằm trong tinh thần. Hêghen viết: “Trong đời sống hàng
ngày, người ta vẫn thường nói đến một màu đẹp, một bầu trời đẹp, một con sông
đẹp, những con người đẹp song cái đẹp trong tự nhiên chỉ là phản ánh cái đẹp thuộc
về tinh thần. Ở đây trước mắt ta là một loại đẹp không hoàn mỹ, không đầy đủ, và
xét về mặt bản chất, bản thân cái đẹp của tự nhiên là nằm trong tinh thần”.
Coi cái đẹp thuộc về thế giới tinh thần, ngay từ thời cổ đại, nhà triết học
Platon, sau khi tổng kết toàn bộ tư duy thời cổ đại về cái đẹp, ông đã rút ra rằng, bản
thân ý niệm là cái chí chân, chí thiện, chí mỹ. Cái đẹp đã tồn tại ngay trong ý niệm.
Platon cho rằng cái đẹp không thể là một sự vật nào đó, không phải là ở sự so sánh
nào đó. Tại sao cùng một sự vật lại có sự vật đẹp và sự vật xấu, cùng một cái lọ có
cái lọ đẹp và cái lọ xấu. Cùng so sánh hai sự vật lại có sự vật đẹp và sự vật xấu.
Thực sự cái đẹp là một ý niệm. Nơi nào có ý niệm thì nơi ấy xuất hiện cái đẹp.
Platon viết: “Ý niệm đã tồn tại trước mọi sự vật. Cái đẹp hiện ra với tất cả sự lộng
lẫy của nó khi chúng ta bước theo sau thần Zupiter cũng như những người khác
bước theo các vị thần khác trong tiếng nhạc hòa tấu của thiên đình. Khi đứng trước
một cảnh huy hoàng, chúng ta như cảm thông được những bí mật của sự sung
sướng, những bí mật mà chúng ta say sưa, lòng hết phiền muộn và đau khổ đợi chờ
ở phía sau. Chúng ta đã đạt tới đỉnh cao nhất của sự linh cảm, ngắm nhìn sự vật
hoàn thiện, đơn giản, yên tĩnh và sung mãn trong một ánh sáng tinh khôi và ta sẽ
được trong sạch bởi đã rũ bở cái xác từng giam hãm như cái vỏ ốc. Cái đẹp thiêng
liêng, rực sáng giữa các thực thể”.
Như vậy, cái đẹp là một ý niệm có sẵn, nó làm ra cái đẹp của sự vật, nó soi
sáng cái đẹp của tâm hồn mỗi con người. Cái đẹp tồn tại vĩnh cửu, nó không bị hủy
8

diệt, không tăng, không giảm. Nó không phải đẹp ở chỗ này mà xấu ở chỗ kia. Đẹp
là vĩnh cửu do bản thân chúng, do bản chất của chúng. Khi thần nhập thì cái đẹp
xuất hiện và gợi nên ít nhiều khoái cảm đặc biệt mà chỉ riêng trạng thái này mới có.
Cùng quan niệm với Platon, các nhà thần học từ thế kỷ IV đến thế kỷ VIII ở
châu Âu cũng khẳng định rằng: Cái đẹp là một cấu trúc gắn với cái thực và cái thiện,
nhưng mà ý nghĩa của nó do các nội dung thần học quyết định. Cái đẹp thực sự là
hiện thân của quá trình thần nhập.
Nhà thần học Thomat D’aquin (1225 – 1275) đã cho rằng: Cái đẹp là nhận
thức mang lại sự thích thú. Cái đẹp chân chính là Chúa. Vì thế muốn nhận thức được
cái đẹp phải hòa mình vào Chúa.
Hêghen tuy có đề cập đến cái đẹp, nhưng ông nói rằng mỹ học không nghiên
cứu cái đẹp nói chung mà chỉ khảo sát cái đẹp ở trong nghệ thuật. “Do đó, ngay lập
tức loại trừ cái đẹp trong tự nhiên ra khỏi đối tượng nghiên cứu của chúng ta”. “Chỉ
có tinh thần mới là cái chân thực với tính cách một yếu tố bao quát tất cả, và tất cả
cái đẹp sở dĩ là đẹp thực sự chẳng qua vì cái đẹp tham dự vào một cái cao cả hơn và
do cái cao cả này sản sinh ra. Xét theo nghĩa này, thì cái đẹp trong tự nhiên chỉ phản
ánh cái đẹp tinh thần”.
Hêghen cũng như Platon và các nhà thần học không giải thích được bản chất
sâu xa của cái đẹp, không nắm được mối liện hệ tồn tại hiện thực của cái đẹp.
Khuynh hướng duy tâm khách quan trong mỹ học đã cầu cứu đến nguyên lý tối cao
là tinh thần, và tinh thần một lần nữa biểu hiện trong ý thức con người. Cách tiếp
cận vấn đề cái đẹp này đầy vẻ thần bí.
Thứ ba, là khuynh hướng duy tâm chủ quan trong việc tiếp cận cái đẹp trong
lịch sử mỹ học trước Mác. Trong lịch sử tư tưởng mỹ học, người đại diện cho
khuynh hướng này là I. Cantơ (1724 – 1804) – người sáng lập triết học chủ nghĩa
duy tâm cổ điển Đức. Theo Cantơ “vấn đề chủ yếu không phải là cái đẹp là cái gì
mà sự phán đoán về cái đẹp là gì”. Trong tác phẩm “Phê phán năng lực phán đoán”,
Cantơ không nhận thức các dấu hiệu đẹp của tự nhiên hay của một sản phẩm thẩm
9

mỹ nào đó, ông chỉ phán đoán chúng theo cách cảm, cách nghĩa của củ thể cá nhân
mà thôi. Coi năng lực phán đoán là năng lực quan niệm cái riêng chứa đựng trong
cái chung, Cantơ lập luận rằng: mỹ học là không vụ lợi, không liên quan tới khả
năng ham muốn. Sở dĩ chúng ta hiếu kỳ thích thú đối tượng vì bản thân đòi hỏi của
ta chứ không phải đối tượng tác động đến. Muốn đánh giá cái đẹp đúng đắn cần phải
có một trí tuệ phát triển. Một người không có tiềm năng trí tuệ thì không tự tìm thấy
cảm giác đẹp được, bởi vì phán đoán là năng lực trí tuệ phổ biến. Cái đẹp gợi lên
trực tiếp một khoái cảm phổ biến, không liên quan tới một quy tắc nào.
Phán đoán về cái đẹp là một phán đoán thị hiếu chứ không phải là sự phán
đoán về nhận thức. Phán đoán thị hiếu thuần túy có tính thưởng ngoạn. Mọi cái lợi
đều làm hư hỏng phán đoán của thị hiếu và tước mất tính trong sáng của nó. Các
khoan khoái về cái đẹp đều có tính cá nhân.
Theo Cantơ, có bốn dấu hiệu của cái đẹp. Ông nói: cảm xúc thẩm mỹ là vô
tư, là hâm mộ thuần túy đối với đối tượng. Do đấy mà cái đẹp là đối tượng của sự
hâm mộ không vụ lợi. Đó là dấu hiệu đầu tiên của cái đẹp. Đặc điểm thứ hai của cái
đẹp là ở chỗ không qua khái niệm, tức là không qua những phạm trù của lý trí, nó
hiện ra trước chúng ta là đối tượng của sự hâm mộ phổ biến. Vì vậy mà sự thích thú
do cái đẹp gây nên mang tính chất phổ biến. Sự phán đoán thẩm mỹ không bao giờ
có thể dựa trên cơ sở lôgic.Đặc điểm thứ ba là cái đẹp có một hình thái về tính hợp
lý ở chỗ con người ta có thể tiếp thu được tính hợp lý (hợp mục đích) qua đối tượng,
mà vẫn không cần hình dung ra quan niệm về một mục đích nhất định nào đó.Đặc
điểm cuối cùng: cái đẹp là cái làm ta ưa thích không cần khái niệm, với tư cách là
đối tượng của sự hâm mộ tất yếu. Như vậy, theo Cantơ, cái đẹp là cái tất nhiên khiến
mọi người ưa thích không vụ lợi, do hình thái thuần túy của chính nó.
Có thể nói, chủ nghĩa duy tâm chủ quan về cái đẹp, coi tiêu chuẩn đánh giá
cái đẹp sẵn có trong mỗi cá nhân. Cá nhân cho cái gì gợi lên khoái cảm của mình thì
nó sẽ đẹp, còn cái gì không gợi lên cảm xúc cá nhân, cái đó không thể là đẹp. Quan
điểm này mở đường cho rất nhiều loại cảm giác, cảm xúc cá nhân về cái đẹp.
10

Sự đánh giá mácxit đối với ba khuynh hướng tiếp cận cái đẹp trong lịch sử
mỹ học trước Mác.
Đối với quan niệm duy tâm khách quan về cái đẹp. Platon, các nhà thần học
và Hêghen coi cái đẹp là cái có trước, cơ sở đầu tiên của cái mỹ là ở ý niệm, ở tinh
thần tuyệt đối. Về thực chất, ý niệm hay tinh thần tuyệt đối đều là sản phẩm của đầu
óc con người. Thần thánh, ý niệm tồn tại đâu đó đều do con người tạo ra. Các biểu
tượng về thần thánh đều gắn với tưởng tượng và các vấn đề của con người. Mác cho
rằng, “tôn giáo là tiếng thở dài của nhân dân”, là sự phản ánh hư ảo trong đầu óc con
người những lực lượng bên ngoài thống trị họ trong cuộc sống hàng ngày. Mỹ học
Mác – Lênin cho rằng: các quan niệm về cái đẹp là cái vốn có của lực lượng siêu
nhiên, vốn có ở ý niệm là không thể chứng minh bằng cơ sở khoa học được.
Trong suốt một thời kỳ phát triển lâu dài của con người, cái đẹp đã được coi
là cái có ích, là cuộc sống trần thế, người ta chưa hề biết đến một lý thuyết nào về
cái đẹp có trong một ý niệm. Các quan niệm về cái đẹp gắn với một ý niệm đã xuất
hiện trong tình trạng con người bất lực trước các hiện tượng tự nhiên và xã hội.
Không thể có cái đẹp bắt nguồn từ ý niệm và tinh thần thượng đế. Sự tìm kiếm cái
đẹp ở ý niệm và tinh thần thượng đế là sự giải thoát tâm linh chứ không phải là sự
tìm kiếm khoa học. Sự tìm kiếm cái đẹp thực sự ở đây là sự khắc phục niềm tin mù
quáng vào lực lượng siêu nhiên và chống lại các lý thuyết thần bí về nó. Tình cảm
về cái đẹp là tình cảm hân hoan, tự do vui sướng, khác hẳn với tình cảm cầu xin, sợ
hãi, chờ đợi, ban phát. Bản chất của cái đẹp thực sự là lòng nhân ái trần thế. Cái đẹp
mang trong nó đời sống xã hội. Nó vận động và xuất hiện cùng với cuộc đấu tranh
chống lại cái xấu và bảo vệ nhân phẩm, phẩm giá con người. Cái đẹp là một giá trị
xã hội tồn tại thực tế chứ không phải là một bản thể hư ảo, một ý niệm tuyệt đối như
các nhà duy tâm khách quan quan niệm.
Đối với quan niệm duy tâm chủ quan về cái đẹp. Mỹ học Mác – Lênin khẳng
định rằng quan hệ thẩm mỹ gồm ba bộ phận hợp thành. Bộ phận chủ thể thẩm mỹ có
ý nghĩa to lớn trong đời sống thẩm mỹ của con người. Thưởng thức, đánh giá và
11

sáng tạo cái đẹp không thể không thông qua chủ thể thẩm mỹ. Các cảm hứng, các
xúc cảm, các tình cảm, các liên tưởng thẩm mỹ có ảnh hưởng sâu sắc tới việc sáng
tạo cái đẹp trong cuộc sống và trong nghệ thuật. Tuy nhiên, mỹ học mácxit quan
niệm, cái đẹp là một quan hệ xã hội, tình cảm về cái đẹp không phải là tình cảm có
sẵn trong các cảm giác, cảm xúc, hoạt động và tâm trạng của một chủ thể cá nhân.
Cái đẹp có quan hệ đến các tình cảm cá nhân, nhưng ý thức thẩm mỹ của mỗi cá
nhân đều gắn liền với bản chất xã hội của nó. Nó phải ở trong một dân tộc, một giai
cấp, một thời đại nhất định. Các ý thức thẩm mỹ này không thể tách rời các hoàn
cảnh, các điều kiện xã hội được. Chủ nghĩa duy tâm chủ quan đã đẩy cái tôi cá nhân
cực đoan lên hàng mực thước trong việc hưởng thụ, đánh giá và sáng tạo cái đẹp là
cắt đứt cơ sở tình cảm của nó với đời sống xã hội.
Khát vọng của chủ nghĩa duy tâm chủ quan muốn phá vỡ các chuẩn mực mà
họ cho là chật hẹp về cái đẹp, nhưng các chuẩn mực mà họ đề xuất là một cái tôi bất
kỳ nào đó sẽ không thể đứng vững được. Sự tuyệt đối hóa cái cá biệt trong xã hội là
không có cơ sở đạo đức và luật pháp. Có cái tôi tiên tiến, nhưng có cái tôi lạc hậu và
thấp hèn. Cái đẹp cao quý không thể có chuẩn mực từ cái tôi thấp hèn. Xã hội không
chấp nhận những thước đo cái đẹp cao quý bằng những tình cảm cá nhân, vị kỷ và
trình độ thẩm mỹ thấp.
Đối với quan niệm duy vật trước Mác về cái đẹp. Các nhà mỹ học duy vật có
công rất lớn trong việc bác bỏ các quan niệm duy tâm chủ quan và duy tâm khách
quan về cái đẹp. Các nhà triết học duy vật trước Mác đều cho rằng cái đẹp là một
thuộc tính của vật chất, nó có những yếu tố như tỷ lệ, trật tự, hài hòa, quan hệ. Công
lao của các nhà mỹ học duy vật là khẳng định tính khách quan của cái đẹp trong tính
vật chất của nó. Như vậy là cái đẹp cũng có sẵn trong các cấu trúc vật chất, mà tự
nhiên, vật chất có trước loài người thì cái đẹp cũng có trước loài người. Đối với các
nhà duy vật trước Mác thì thuộc tính đẹp của sự vật cũng giống như các thuộc tính
vật lý, tính sinh học, tính hóa học của sự vật đều tồn tại khách quan và có trước loài
người. Đây chính là điểm hạn chế của chủ nghĩa duy vật trước Mác về cái đẹp.
12

Mỹ học Mác quan niệm cái đẹp là một giá trị xã hội mà con người bằng cả
một quá trình lao động đã “khai thác được từ trong lòng đất lên” chứ nó không có
sẵn. Vàng và bạc có nhiều thuộc tính tự nhiên, nhưng cái đẹp của chúng không phải
là thuộc tính tự nhiên mà là giá trị xã hội. Cái đẹp không hề tồn tại tự nó và tự thân
như thế. Cái đẹp là cái đẹp của con người, cho con người và vì con người. Cái đẹp là
một phạm trù giá trị chứ không phải là một phạm trù thực thể. Các giá trị đều thông
qua đánh giá, nhưng đánh giá không tạo ra giá trị. Đánh giá chỉ phát hiện giá trị.
Trong hoạt động thực tiễn, con người cải tạo tự nhiên, đồng thời cải tạo bản
thân mình. Thiên nhiên tác động qua con người và chịu sự biến đổi của con người;
đồng thời, qua thực tiễn, con người cũng phát hiện tính nhân loại ở tự nhiên. Trong
thực tiễn, con người tìm thấy những lợi ích của bản thân mình. Khi thiên nhiên
không thỏa mãn những lợi ích của bản thân mình, thì con người quyết định dùng
hành động của mình cải tạo tự nhiên. Từ đó, thiên nhiên bộc lộ với con người và chỉ
riêng đối với con người xã hội những giá trị mà con người thích dụng.
Các tình cảm dễ chịu và khó chịu ở con người do tác động của cơ cấu vật
chất tạo nên gắn với bản chất xã hội của con người. Cấu tạo của con người, các tập
quán lao động và giao tế của con người đã tạo nên các thước đo dễ chịu hay khó
chịu, cái ăn được hay ăn ngon, cái không ăn được và không ăn ngon. Mọi giá trị mà
con người phát hiện được ở trong cái vật lý, cái sinh học là do cơ cấu của con người
và xã hội con người quyết định. Lịch sử cái đẹp là lịch sử hoạt động thực tiễn xã hội
của con người. Từ hoạt động thực tiễn, con người phát hiện ra mọi dáng vẻ của cái
đẹp. Cái đẹp là có tính xã hội, nó chỉ được nhận thức và đánh giá bởi con người và
các thước đo xã hội của con người, chứ không phải cái đẹp có trước con người như
các nhà duy vật trước Mác quan niệm.
Cái đẹp là phạm trù mỹ học cơ bản, giữ vị trí trung tâm trong mọi lĩnh vực của cuộc
sống. Trong các hệ thống triết học cũng như mỹ học của những tác giả lớn đều dành
phần nghiên cứu cái đẹp thích đáng. Cái đẹp cũng như mọi hiện tượng thẩm mỹ
13

khác, chúng đều mang bản chất xã hội. Cái đẹp ở các dân tộc, các giai cấp, các thời
đại khác nhau được giải thích từ các thế giới quan khác nhau.
Trong lịch sử mỹ học trước Mác, có rất nhiều các quan niệm khác nhau về cái
đẹp, song khái quát lại có ba khuynh hướng cơ bản để tiếp cận cái đẹp.Với ba
khuynh hướng tiếp cận cái đẹp nêu trên đã phản ánh sự vận động của quan niệm cái
đẹp, cũng như sự chi phối của đời sống xã hội con người đến quan niệm về cái đẹp.
Cái đẹp là nhu cầu sống của con người, mọi thời đại, mọi dân tộc, mọi giai cấp đều
khao khát cái đẹp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. IU.B. Bô-Rép, Những phạm trù mỹ học cơ bản, Trường Đại học Tổng hợp xuất
bản.
2. Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô – Viện Triết học – Viện lịch sử nghệ thuật,
Nguyên lý mỹ học Mác – Lênin, Nxb. Sự Thật, HN, 1961.
3. Aristote – Nghệ thuật thơ ca, Lưu Hiệp – Văn tâm điêu long, Nxb. Văn học,1999.
4. Đỗ Huy, Mỹ học với tư cách là một khoa học, Nxb. CTQG, HN, 1996.
5. GS.TS. Đỗ Huy, Mỹ học – Khoa học về các quan hệ thẩm mỹ, Nxb. KHXH, HN,
2000.
6. GS. TS. Đỗ Huy, Mỹ học Mác – Lênin, Nxb. CTQG, HN, 2006.
7. Đào Duy Thanh, Mỹ học đại cương, Nxb. TPHCM.
8. TS. Trần Kỳ Đồng, Lịch sử tư tưởng mỹ học phương Tây từ cổ đại đến cận đại,
TP.HCM, 2007.
9. Tuyển tập: Những nhà tư tưởng cổ đại bàn về nghệ thuật (tiếng nga). Nxb Nghệ
thuật, 1938,tr,138
10. Smpl..Phys, Lịch sử triết học (tiếng nga), t. I, Mát- xcơ- va 1941

You might also like