You are on page 1of 1

Bài Viết Thuyết Minh Về Một Món Ăn : Phở Hà Nội

     Mỗi quốc gia, mỗi đất nước trên thế giới đều có những món ăn với nét độc đáo, hấp dẫn riêng và mỗi
món ăn ấy luôn mang trên mình những đặc trưng riêng về đất nước của nó. Nếu nhắc đến Hàn Quốc người
ta nhớ tới kim chi, tới Nhật Bản mọi người nhớ tới sushi, nhắc tới cà ri người ta sẽ nhớ ngay tới đất nước
Ấn Độ thì mỗi khi nhớ về ẩm thực Việt Nam, chắc hẳn sẽ không thể không nhắc tới món ăn truyền thống,
phổ biến khắp mọi miền của đất nước, đó chính là phở.
     Như chúng ta đã biết, phở là một trong số những món ăn truyền thống, phổ biến nhất ở Việt Nam từ
xưa đến nay song có lẽ không ai biết chính xác nó ra đời vào khoảng thời gian nào. Tuy nhiên, đi sâu
khám phá về nguồn gốc và sự ra đời của món ăn đặc biệt này, chúng ta có thể tìm thấy nhiều nguồn tài liệu
cho thấy rằng phở ở nước ta hiện nay có nguồn gốc từ một món ăn của Trung Quốc có tên gọi theo âm
Hán Việt là ngưu nhục phấn. Phở ở Việt Nam ra đời và định hình vào những năm đầu của thế kỉ XX và
xuất hiện đầu tiên ở Nam Định và Hà Nội. Cho đến ngày nay, phở đã và đang trở thành món ăn phổ biến ở
hầu khắp mọi nơi trên cả nước nhưng có thể nói Nam Định và Hà Nội là những mảnh đất có hương vị phở
nổi tiếng, đậm đà và hấp dẫn nhất.
     Phở là món ăn quen thuộc, phổ biến ở Việt Nam, bởi vậy, những nguyên liệu cần thiết để nấu phở cũng
rất dễ tìm kiếm. Nhắc đến phở, người ta sẽ nhớ ngay tới bánh phở và nước dùng. Để có một món phở ngon
điều quan trọng trước hết là phải có được bánh phở ngon, điều đó có nghĩa là bánh phở phải vừa mềm vừa
dai để khi ăn không có cảm giác bị bục hay quá nhão. Người ta thường là bánh phở từ loại gạo tẻ trắng,
thơm, điều đó góp phần gợi nên nét dân dã mà không kém phần hấp dẫn của món ăn này. Thêm vào đó,
nước dùng chính là phần quan trọng không thể thiếu để tạo nên một món phở ngon. Nước dùng thường
được hầm từ nhiều loại xương khác nhau như xương bò, xương lợn, gà,… tùy vào món phở mà người đầu
bếp muốn chế biến. Để có một nồi nước dùng ngon, người nấu phở phải hầm xương từ tám đến mười giờ
sau đó lọc qua rây để nước phở trong hơn. Sau khi đã lọc xong, người ta cho các gia bị như nước mắm, bột
ngọt, tiêu,… cùng các loại lộc như hành lá, mùi tàu,… để tăng thêm độ hấp dẫn cho món ăn. Khi nước
dùng đã hoàn thành chúng ta chỉ cần cho nước dùng vào bánh phở là đã có thể có một tô phở thơm ngon,
hấp dẫn để thưởng thức.
     Đặc biệt, cách thưởng thức phở cũng rất quan trọng và có lẽ bởi vậy có nhiều người gọi đó là “nghệ
thuật thưởng thức phở’. Nhắc đến “nghệ thuật thưởng thức phở” ông cha ta từ ngàn đời xưa đã có câu:
Ăn phở phải có: giá, chanh
Ăn cơm phải có: rau xanh, thịt sườn
                                                      (ca dao)
     Quả đúng như câu ca trên, để tăng thêm hương vị, sự hấp dẫn, đậm đà cho món ăn, khi ăn phở người ta
thường cho thêm chanh hoặc quất hay một ít dấm. Đồng thời, người ta vẫn thường ăn kèm phở với giá đỗ,
rau sống và tỏi ngâm. Tất cả những hương vị ấy sẽ góp phần làm cho món phở thêm thơm ngon, hấp dẫn.
Nếu chúng ta thiếu đi bất cứ nguyên liệu nào thì rất khó để có thể cảm nhận hết được hương vị của món ăn
này. Thêm vào đó, tùy thuộc vào đặc điểm của mỗi vùng miền và sở thích ăn uống của mỗi người mà
chúng ta có thể thêm vào một số gia vị để phù hợp hơn.
     Phở là món ăn bình dị, phổ biến và quen thuộc với tất cả chúng ta song nó lại có vai trò, ý nghĩa to lớn
trong đời sống của những người con đất Việt. Trước hết, phở là món ăn tổng hòa từ nhiều nguồn nguyên
liệu khác nhau nên chúng cung cấp cho con người nhiều chất dinh dưỡng như canxi, các loại khoáng chất,
các loại vitamin,… Thêm vào đó, phở cũng mang lại giá trị kinh tế lớn cho con người bởi lẽ mỗi tô phở có
giá thành giao động từ 20.000 đến 25.000 đồng thậm chí có nhiều nơi là 50.000, 60.000 hay 100.000 đồng.
Đồng thời, phở là món ăn ở vị trí “linh hồn” của ẩm thực Việt Nam, là một trong số những món ăn hấp
dẫn trên thế giới. Và chắc có lẽ bởi vậy, du khách nước ngoài khi về thăm đất nước Việt Nam bao giờ
cũng thường thức món ăn đặc biệt này. Không dừng lại ở đó, phở còn là món ăn xuất hiện nhiều trong các
sáng tác văn học và nhạc họa từ xưa đến nay như thơ của Tú Xương, văn của Thạch Lam,…
     Tóm lại, phở là một món ăn truyền thống và có giá trị đặc biệt trong ẩm thực của Việt Nam và ngày
càng định hình được vị trí của nó trong nền ẩm thực của thế giới bởi nó mang trong mình cái nét đẹp của
hồn quê Việt trong những sợi phở mềm dai và cái ngọt ngào, đằm thắm của nước dùng.

You might also like