You are on page 1of 3

Bài viết: Mối liên hệ giữa quản trị công ty và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

TS. Phạm Thị Huyền Sang(1)

Khoa Luật - Trường Đại học Vinh

Tóm tắt:

Bài viết hướng tới việc tìm hiểu mối quan hệ giữa Quản trị công ty và Trách nhiệm xã hội của doanh
nghiệp. Mối liên hệ này được đánh giá có tầm quan trọng trong việc nhận thức rõ được các hành vi
kinh doanh nào của doanh nghiệp thực sự là hành vi có tính trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội.
Các nghiên cứu và thông tin thực tế cho thấy cả Quản trị công ty và Trách nhiệm xã hội của doanh
nghiệp đều liên quan tích cực tới giá trị thị trường của doanh nghiệp. Từ đó, đưa ra được khuyến nghị
rằng trong tầm nhìn dài hạn, cơ chế hoạt động của thị trường có thể cần có sự quan tâm và chú ý hơn
tới vấn đề thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp song song với hoạt động quản trị của công ty.

1. Đặt vấn đề

Trong xu hướng chung hiện nay, vai trò và trách nhiệm của các doanh nghiệp đang ngày càng thu hút
được sự quan tâm từ nhiều góc độ khác nhau. Chức năng của các doanh nghiệp, nói chung, không còn
bó hẹp trong phạm vi tính kinh tế mà còn là ảnh hưởng, tác động của nó ở góc độ xã hội. Các quốc gia
phát triển hiện nay đã không còn dễ dàng đồng thuận với các quyết định, hoạt động kinh doanh của
doanh nghiệp nếu các hoạt động đó có thể có thể tạo ra các chi phí gây tranh cãi tới cộng đồng, xã
hội.

Cách đây một vài thập niên, các công ty có thể gây ô nhiễm tới môi trường mà không phải gánh chịu
các chế tài, hình phạt và thậm chí vẫn còn được xem xét, tôn vinh vai trò hữu ích của họ trong việc tạo
ra công ăn việc làm cho người lao động, mang lại thu nhập chủ yếu cho quốc gia. Ở các thị trường các
nước kém phát triển, việc bóc lột nhân công lao động, vi phạm các qui định về trả lương, về thời gian
làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và các vấn đề khác về quyền lợi của người lao động tuyệt nhiên không
được nhắc đến. Ngoài ra, vấn đề trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sản phẩm, dịch vụ họ sản
xuất, cung ứng cũng không được đề cao, dẫn tới việc vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng xảy ra ở
nhiều nơi và ở mọi ngành nghề khác nhau, từ ngành nghề có độc quyền sản xuất và cung ứng của nhà
nước cho tới các ngành nghề của khối doanh nghiệp tư nhân đảm nhiệm. Tất cả đều cho thấy vai trò
hay trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp đối với xã hội thể hiện trên các khía cạnh khác nhau như
đã đề cập đã không được chú ý đúng mức.

Ngày nay, các quy định pháp luật, được xây dựng từ các quy tắc ứng xử chung đang được sử dụng với
vai trò là các chế tài đối với các hành vi sai phạm của các công ty, doanh nghiệp. Cộng đồng xã hội
đang nỗ lực hết sức mình trong việc tạo ra sự ảnh hưởng ngược lại tới khối doanh nghiệp trong các
hoạt động kinh doanh bình thường của họ từ các góc độ khác nhau, bao gồm mục tiêu kinh doanh, sự
minh bạch thông tin trong doanh nghiệp và các tiêu chuẩn hành vi, ứng xử trong kinh doanh. Sự ảnh
hưởng này đang được hình thành bởi các cách thức khác nhau như luật pháp, các qui định của pháp
luật, các thiết chế nhằm giám sát, đánh giá việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp như:
các nhóm lợi ích, các hiệp hội ngành, nghề; các cơ quan bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền lợi người
tiêu dùng, người lao động...

Trước các ảnh hưởng đó, các doanh nghiệp buộc phải có sự đối phó bằng cách nâng cao hiệu quả,
chất lượng hoạt động kinh doanh của mình. Ví dụ, một vài nhóm doanh nghiệp nhất định có thể tự
nguyện cam kết tuân thủ với các nguyên tắc đối với các yếu tố bên ngoài (như môi trường, người tiêu
dùng) bằng cách ban hành các bộ tiêu chí về hành vi có sự giới hạn chặt chẽ về các hoạt động nhất
định của họ. Sự tồn tại của các bộ tiêu chí cam kết tự nguyện thực hiện này được xem như bằng
chứng thể hiện ý chí, mong muốn hay cam kết của doanh nghiệp trong việc lựa chọn cho họ cách thực
hiện hành vi kinh doanh theo hướng được xã hội chấp nhận và ủng hộ. Bài viết này, vì thế, đề cập đến
hai yếu tố quan trọng được vận dụng trong vận hành hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm Quản trị
công ty (QTCT) và Trách nhiệm xã hội của Doanh nghiệp (TXD). Trong đó, quan trọng nhất là tìm hiểu
và phân tích mối liên hệ giữa hai yếu tố này trong sự tồn tại và phát triển của công ty.

2. Phân tích mối liên hệ giữa quản trị công ty và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

QTCT là khái niệm được hiểu liên quan đến hoạt động tối đa hóa lợi nhuận của công ty và thực hiện
sự bảo vệ các thiết chế kinh tế cung cấp nguồn vốn hoạt động cho công ty (trong đó chủ yếu là các cổ
đông, hay các thành viên, chủ sở hữu của công ty - tùy vào các loại hình công ty khác nhau). Trong khi
đó, TXD thì được định nghĩa kém rõ ràng hơn, nó gợi lên một khái niệm đi ngược lại với việc tối đa
hóa lợi nhuận bởi vì TXD đòi hỏi, hay khuyến nghị doanh nghiệp phải thực hiện một loạt các hành
động, mà có thể ảnh hưởng tới các cổ đông, thành viên hay chủ sở hữu của công ty và thậm chí còn
xung đột với lợi ích của họ. Tuy nhiên, TXD thực tế không phải là đối lập hoàn toàn với việc tối đa hóa
lợi nhuận, điều đó đã và đang được chứng minh bởi một vài doanh nghiệp đang hoạt động và thực
hiện tốt TXD hiện nay.

Có thể thấy, trong xu hướng hiện nay, các công ty không chủ động hoặc không có tầm nhìn về TXD chỉ
đơn thuần là các công ty thi thoảng mới có thể cơ hội tối đa hóa lợi nhuận và mang lại lợi ích cho các
nhà đầu tư. Còn các công ty có tầm nhìn hơn về TXD thì thường là các công ty không chỉ đặt vấn đề
quyền lợi của các nhà đầu tư nói chung lên trên hết, mà còn là việc hướng tới các dự án đầu tư với sự
liên hệ tốt giữa lợi nhuận và yếu tố TXD. Điều này đã được thực tế chứng minh, càng những công ty
phát triển thì càng phải chứng tỏ được họ có kế hoạch rõ ràng và đường lối chiến lược trong việc thực
hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Điều đó được thể hiện thông qua việc tôn trọng các
quyền lợi của người lao động và cả những người thân trong gia đình của người lao động; thực hiện
việc kinh doanh song song với việc bảo vệ môi trường; có các cam kết về quyền lợi của người tiêu
dùng trong toàn bộ quá trình từ sản xuất đến cung ứng sản phẩm, dịch vụ và các vấn đề về hậu mãi
của sản phẩm. Tất cả tạo nên giá trị của một chiến lược thực hiện TXD để tạo nên yếu tố cạnh tranh
trên thị trường của doanh nghiệp.

Trong bài viết này, quan điểm của tác giả là không có sự đối lập giữa QTCT và TXD. Mối liên hệ giữa
TXD và việc tối đa hóa lợi nhuận được diễn giải tốt nhất đó là việc từ bỏ các tiêu chí của công ty trong
việc chỉ tối đa hóa lợi nhuận của cổ đông (shareholder) và hướng tới việc tối đa hóa quyền lợi của các
nhà đầu tư (stakeholder) nói chung. Từ đó có thể thấy được tầm quan trọng của việc đánh giá của mối
quan hệ giữa QTCT và TXD.

QTCT được xem là cách phản ứng với các vấn đề hoạt động trong công ty, liên quan đến sự phân tách
giữa chủ sở hữu công ty và người quản lý. Người quản lý hoạt động trong sự mong muốn đạt được
mục đích quản lý và tính hiệu quả của công việc (từ góc nhìn của Chủ sở hữu). Một trong các ví dụ
điển hình là sự bành trướng hết cỡ của các công ty được thành lập để phát huy sức mạnh quản lý của
mình, với nguồn chi trả cao cho những nhà quản lý hàng đầu, sự chiếm đoạt của các cổ đông trong
công ty qua các cách thức như bán hàng đa cấp và hoạt động chuyển giá...

Từ góc nhìn khác, TXD có thể được xem như khái niệm đối lập với với QTCT: thực tế có rất nhiều các
tình huống pháp lý về TXD nhưng việc nghiên cứu khái niệm cũng như nội dung, các đặc điểm của TXD
chưa được đề cập nhiều ở nước ta. Một vài khái niệm về TXD đang tồn tại hiện nay vẫn còn hơi chung
chung và xa rời với thực tiễn. Ủy ban Châu Âu ECC định nghĩa TXD là một khái niệm trong đó “các công
ty tự nguyện cam kết đóng góp và xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn và môi trường trong lành hơn”.
Việc hoạt động một cách có TXD là “việc vượt xa hơn cả sự tuân thủ pháp luật và đầu tư nhiều hơn
vào yếu tố nguồn lực con người, môi trường và mối quan hệ với các nhà đầu tư nói chung”. Tổ chức
Hợp tác và phát triển kinh tế OECD cho rằng “mục đích chung của việc quản trị gắn với các hướng dẫn
để khuyến khích các đóng góp tích cực của các công ty đa quốc gia đối với kinh tế, các tiến bộ về môi
trường và xã hội, và hạn chế tối thiểu các vấn đề hoạt động kinh doanh đa dạng của họ có thể gây ra”.
Nếu một công ty được xem là một thực thể sống thì tất yếu nó cũng được tin rằng việc hoạt động kinh
doanh của công ty đó sẽ được tiến hành trong một cách có đạo đức và trách nhiệm xã hội, hơn nữa,
công ty đó sẽ nỗ lực hết mình để lan tỏa các hành vi kinh doanh có TXD đó cho tàn bộ nhân viên của
mình.
Các khái niệm này đã nhấn mạnh sự tương quan giữa TXD với vấn đề đạo đức kinh doanh và hơn nữa,
rõ ràng là ở đây không đề cập tới sự liên hệ giữa TXD với việc tối đa hóa lợi nhuận trong doanh
nghiệp. Tuy vậy, các nghiên cứu về TXD trước đó cho thấy các tác động tiêu cực của TXD với lợi nhuận
của công ty, đó là: nếu lựa chọn hoạt động kinh doanh có TXD thì sẽ phát sinh thêm chi phí cho doanh
nghiệp. Đầu tư nhiều hơn nguồn lực con người có thể sẽ dẫn đến việc giảm lợi nhuận thu được, và
tương tự đối với việc xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

Với sự linh hoạt và làm việc có kế hoạch, doanh nghiệp có thể dự trù được chi phí hợp lý cho việc thực
hiện TXD cùng với hoạt động QTCT. Hơn thế nữa, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc thực hiện hiện
TXD thậm chí còn mang lại các tác động tích cực về mặt giá trị và một số bài viết còn chỉ ra được sự
liên hệ hiệu quả giữa TXD và QTCT.

Có thể thấy trong mối liên hệ giữa hoạt động QTCT với TXD, vẫn còn tồn tại hai quan điểm khác nhau
về việc . Quan điểm thứ nhất cho rằng việc vận hành công ty theo hướng tối đa hóa lợi nhuận có thể
tạo ra ảnh hưởng xấu cho toàn xã hội vởi vì sự phủ nhận hoàn toàn các yếu tố môi trường, quyền con
người, các điều kiện lao động và các yếu tố khác trên sản phẩm kinh doanh. Quan điểm thứ hai chỉ ra
rằng doanh nghiệp đã khai thác và sử dụng nguồn lực tự nhiên và có những ảnh hưởng không tốt đến
các nguồn lực ấy. Vì vậy, đòi hỏi doanh nghiệp ngoài trách nhiệm đối với nội tại (người lao động, cổ
đông) còn phải có trách nhiệm đối với bên ngoài (môi trường, cộng đồng, xã hội...). Ở một góc độ nào
đó những vấn đề này nếu không được quan tâm tốt sẽ trở thành nguyên nhân thất bại của cả QTCT
lẫn thực hiện TXD. Một hệ thống quản trị công ty hiệu quả phải đề phòng và tránh được các hành
động bất hợp pháp chống lại các nhà đầu tư của doanh nghiệp. Một hệ thống TXD hiệu quả phải
phòng tránh được các hành vi có thể là hợp pháp nhưng không phù hợp bởi vì hệ quả của nó gây ra
đối với các nhà đầu tư và cổ đông công ty.

3. Kết luận

QTCT và TXD vì thế đã cùng nhau tạo thành các mục tiêu hoạt động đồng thời cũng là các thách thức
mà doanh nghiệp phải đối diện. Thực tế cho thấy các doanh nghiệp thực hiện tốt TXD thường cũng là
các doanh nghiệp được tôn trọng và phát sinh lợi nhuận nhiều hơn. Các công ty có một hệ thống TXD
tốt thường có xu hướng bảo vệ tốt quyền lợi của nhà đầu tư nói chung. Vì thế, QTCT và TXD trong
hoàn cảnh hiện nay có thể coi là những yếu tố mấu chốt. Từ đó có thể thấy mối quan hệ tích cực giữa
TXD và QTCT một mặt và giá trị thị trường của doanh nghiệp mặt khác sẽ tạo thành khả năng cạnh
tranh vượt trội của doanh nghiệp đó trên thị trường.

Tài liệu tham khảo

1. Lê Đăng Doanh, Một số vấn đề về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam, Tạp chí
Triết học, 2011.

2. Magalie Marais, Corporate social responsibility in Vietnam: Perspective from a visit in


February 2011, 2011.

You might also like