You are on page 1of 24

BỘ GIÁO

KHOA LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ




MÔN HỌC: LỊCH SỬ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

TIỂU LUẬN

TÍNH THỐNG NHẤT MÀ ĐA DẠNG CỦA


NỀN VĂN HÓA VIỆT NAM

Mã lớp: LLCT220514_37

Tp. Hồ Chí Minh, tháng 5 năm 2022

TIÊU CHÍ NỘI DUNG TRÌNH BÀY TỔNG

ĐIỂM

NHẬN XÉT
.........................................................................................................................................
.........................................................................................................................................
.........................................................................................................................................
.........................................................................................................................................
.........................................................................................................................................
.........................................................................................................................................
.........................................................................................................................................
.........................................................................................................................................
.........................................................................................................................................
.........................................................................................................................................
.........................................................................................................................................
.........................................................................................................................................
.........................................................................................................................................

Ký tên

Ths. Lê Quang Chung


BẢNG PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

STT HỌ VÀ TÊN NHIỆM VỤ KẾT QUẢ KÝ TÊN

1 -

2 -

5
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU.....................................................................................................................
1. Lý do chọn đề tài.....................................................................................................
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu...........................................................................
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu............................................................................
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu...............................................................
5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của tiểu luận............................................................
6. Kết cấu của tiểu luận................................................................................................
Chương 1. KHÁI QUÁT SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA NỀN
VĂN HÓA VIỆT NAM...............................................................................................
1.1. Sự hình thành của nền văn hóa Việt Nam.............................................................
1.2. Các giai đoạn phát triển chính của nền văn hóa Việt Nam....................................
Chương 2. NỀN VĂN HÓA VIỆT NAM LÀ NỀN VĂN HÓA THỐNG
NHẤT MÀ ĐA DẠNG................................................................................................
2.1. Nền văn hóa Việt Nam có tính thống nhất............................................................
2.2. Nền văn hóa Việt Nam có tính đa dạng...............................................................
Chương 3. GIẢI PHÁP GIỮ GÌN TÍNH THỐNG NHẤT MÀ ĐA DẠNG
CỦA NỀN VĂN HÓA VIỆT NAM..........................................................................
3.1. Những thách thức và khó khăn trong xây dựng và phát triển nền văn hóa
Việt Nam...................................................................................................................
3.2. Một số giải pháp giữ gìn tính thống nhất mà đa dạng của nền văn hóa Việt
Nam...........................................................................................................................
KẾT LUẬN...............................................................................................................
TÀI LIỆU THAM KHẢO.........................................................................................
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Việt Nam là quốc gia có bề dày lịch sử và văn hóa truyền thống kéo dài suốt
hàng nghìn năm nay. Trong suốt quá trình lịch sử phát triển, các triều đại phong kiến
Việt Nam đều đã sớm có ý thức xây dựng, tạo lập một nền văn hóa đa dạng, mang đậm
những đặc trưng riêng biệt và được coi như một nguồn sức mạnh mềm để bảo vệ và
phát triển đất nước. Hơn 400 năm tiếp xúc và giao thoa giữa nền văn hóa Việt Nam
với phương Tây dưới nhiều hình thức, nhưng văn hóa Việt Nam vừa giữ được bản sắc
dân tộc của mình vừa hiện đại hóa, kế thừa và chắt lọc liên tục. Bên cạnh đó, Việt
Nam là một quốc gia có 54 dân tộc, mỗi một dân tộc đều mang những nét văn hóa, bản
sắc riêng.
Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII cũng đã
nêu rõ: “Nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng
đồng các dân tộc Việt Nam. Hơn 50 dân tộc sống trên đất nước ta đều có những giá trị
và sắc thái văn hóa riêng. Các giá trị và sắc thái đó bổ sung cho nhau, làm phong phú
nền văn hóa Việt Nam và củng cố sự thống nhất dân tộc là cơ sở để giữ vững sự bình
đẳng và phát huy tính đa dạng văn hóa của các dân tộc anh em”[6].
Vì vậy, để hiểu rõ các nội dung về sự thống nhất mà đa dạng của bản sắc dân tộc
trong xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam hiện nay, nhóm tác giả đã chọn đề
tài: “Tính thống nhất mà đa dạng của nền văn hóa Việt Nam” làm đề tài tiểu luận
kết thúc môn học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu
Qua quá trình làm bài tiểu luận nhóm đã có cơ hội nghiên cứu về sự hình thành
và phát triển của văn hóa Việt Nam. Qua đó, phân tích tính thống nhất và đa dạng của
nền văn hóa Việt Nam từ đó đề xuất các giải pháp để giữ gìn tính thống nhất mà đa
dạng của nền văn hóa Việt Nam.
Nhiệm vụ nghiên cứu
Để có thể hoàn thành những mục tiêu nêu trên, tiểu luận phải thực hiện các
nhiệm vụ cụ thể sau:
- Nêu được khái quát về quá trình hình thành và phát triển của nền văn hóa Việt

1
Nam
- Làm rõ được tính thống nhất và đa dạng của nền văn hóa Việt Nam
- Nghiên cứu về thực trạng, công tác giữ gìn tính thống nhất mà đa dạng của
nền văn hóa Việt Nam từ đó đưa ra những đề xuất để góp phần hạn chế những tiêu cực
và nâng cao những mặt tích cực đã làm được
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu
Tiểu luận nghiên cứu tính thống nhất mà đa dạng của nền văn hóa Việt Nam. Bên
cạnh đó, đề tài còn nghiên cứu về những giải pháp nhằm giữ gìn tính thống nhất mà đa
dạng của nền văn hóa nước nhà.
Phạm vi nghiên cứu
Tiểu luận tập trung nghiên cứu về tính thống nhất mà đa dạng của nền văn hóa
Việt Nam.
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
Cơ sở lý luận
Tiểu luận được nghiên cứu dựa trên lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư
tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về văn hóa.
Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình thực hiện đề tài nhóm tác giả đã áp dụng các phương pháp
nghiên cứu khoa học cụ thể là phương pháp logic, phương pháp lịch sử, phương pháp
kết hợp logic và lịch sử, phương pháp phân tích, tổng hợp lý thuyết.
5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của tiểu luận
Tiểu luận khái quát một cách hệ thống về quá trình hình thành và phát triển của
nền văn hóa Việt Nam và sau đó phân tích tính thống nhất mà đa dạng dựa trên những
điểm tương đồng và khác biệt giữa văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam.
Tiểu luận sẽ là một nguồn tài liệu tham khảo cho những đọc giả quan tâm đến
nghiên cứu lĩnh vực văn hóa Việt Nam hoặc tìm hiểu sơ lược về nền văn hóa Việt
Nam, đặc biệt là về tính thống nhất mà đa dạng của nó.
6. Kết cấu của tiểu luận
Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo tiểu luận gồm có 3 chương:
Chương 1: Khái quát sự hình thành và phát triển của nền văn hóa Việt Nam

2
Chương 2: Nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng
Chương 3: Giải pháp giữ gìn tính thống nhất mà đa dạng của nền văn hóa Việt
Nam

3
Chương 1
KHÁI QUÁT SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA
NỀN VĂN HÓA VIỆT NAM
1.1. Sự hình thành của nền văn hóa Việt Nam
 Sự ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên đối với sự hình thành của nền văn hóa
Việt Nam
Việt Nam có vị trí địa lý nằm trong khu vực Đông Nam Á, có nhiều vùng đồng
bằng màu mỡ, nhiều sông ngòi, khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều và có hai mùa gió rõ rệt
là cơ sở thuận lợi để phát triển nền văn minh công nghiệp lúa nước. Bao quanh hướng
Đông và Nam là bờ biển khoảng hơn 2000km, Tây và Bắc thì bị chắn bởi núi rừng do
đó hệ thống động vật cũng như tập quán canh tác dân tộc khá đặc thù. Đường biên giới
dài, giáp với Campuchia, Trung Quốc, Lào tạo nên giao điểm của các nền văn hóa và
sự di dân góp phần làm nên sự đa dạng của nền văn hóa Việt Nam. Việt Nam nằm
trong hệ sinh thái phồn tạp, hai tính trội truyền thống của văn hóa Việt Nam là sông
nước và thực vật là một yếu tố đặc biệt quan trọng trong nền văn hóa, con người Việt
Nam.
 Sự ảnh hưởng của điều kiện lịch sử và xã hội đối với sự hình thành của nền
văn hóa Việt Nam
Văn hóa tại khu vực Đông Nam Á được hình thành từ thời tiền sử cách đây
khoảng 18.000 năm. Văn hóa Việt Nam đã được định hình từ khi hình thành nhà nước
sơ khai đầu tiên của Việt Nam cụ thể là nhà nước Văn Lang của các vua Hùng.
Lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam đã trải qua hàng nghìn năm, đồng
thời có sự giao lưu và tiếp xúc với hai nền văn hóa lớn là nền văn hóa phương Đông
như Trung Quốc, Ấn Độ và nền văn hóa phương Tây như Pháp. Nền văn hóa Việt
Nam cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều từ những tôn giáo như Phật giáo, Nho giáo...
Nông dân giữ vị trí chủ đạo trong các thành phần xã hội ở Việt Nam, trong các tổ
chức xã hội ở Việt Nam thì làng là đơn vị cộng đồng nền tảng, nền văn hóa làng được
xem như hạt nhân cơ bản làm nên bản sắc văn hóa đất nước.
 Sự ảnh hưởng của chủ thể văn hóa Việt Nam đối với sự hình thành của nền
văn hóa Việt Nam
Chủ thể văn hóa Việt Nam được hiểu cơ bản chính là những tộc người đã và

4
đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Hiện nay đất nước Việt Nam bao gồm 54 dân
tộc. Các dân tộc bản địa đã có mặt trên lãnh thổ Việt Nam từ thời tiền sử, xuất phát từ
những nguồn gốc và ngôn ngữ khác nhau. Chủ thể văn hóa Việt Nam là một cấu trúc
đa tộc người và đa văn hóa.
1.2. Các giai đoạn phát triển chính của nền văn hóa Việt Nam
 Lớp văn hóa bản địa: giai đoạn bản địa của văn hóa Việt Nam có thể tính từ
khi con người có mặt trên lãnh thổ Việt Nam đến thế kỉ I TCN. Giai đoạn bản địa chia
làm hai thời kỳ chính là thời tiền sử và thời sơ sử.
- Văn hóa Việt Nam thời tiền sử được chia thành 3 thời đại chính là thời đại đá
cũ, thời đại đá giữa và thời đại đá mới.
Thành tựu lớn nhất của giai đoạn tiền sử là sự hình thành của nền nông nghiệp
lúa nước. Trong giai đoạn này, con người đã có thể chế tác đá hoàn thiện và đạt tới
đỉnh cao. Con người đã bắt đầu sống theo làng định cư lâu dài. Việc sống định cư cũng
nảy sinh nghề trồng trọt và thuần dưỡng động vật. Con người ở giai đoạn này đã biết
sản xuất gốm, đánh dấu bước chuyển biến quan trọng trong đời sống con người.
Những dấu vết nghệ thuật như vết khắc hình cá, hình thú… cho thấy sự phát triển tư
duy của con người trong giai đoạn này. Nông lịch sơ khai có thể đã bắt đầu được hình
thành thể hiện qua việc hoa văn, kí hiệu hình tròn cho mặt trời… được vẽ trên gốm.
Thời kì này cũng đã xuất hiện tín ngưỡng nguyên thuỷ như mưa, gió, mặt trời.
- Văn hóa Việt Nam thời sơ sử: tồn tại ba trung tâm văn hoá lớn là Đông Sơn
(miền Bắc); Sa Huỳnh (miền Trung) và Đồng Nai (miền Nam).
Nổi bật trong giai đoạn này ở Đông Sơn, các nền văn hóa bộ lạc dần hòa chung
thành một nền văn hóa thống nhất hình thành nên nhà nước Văn Lang - nhà nước đầu
tiên. Trong giai đoạn này, kỹ thuật đúc đồng, rèn sắt, chế tác đồ đá đã đạt tới đỉnh cao,
điêu luyện. Nghề nông nghiệp lúa nước phát triển kéo theo sự phát triển của các nông
cụ và chăn nuôi. Ở nền văn hóa Đồng Nai còn xuất hiện nghề trồng lúa cạn. Những
nghi lễ và tín ngưỡng giai đoạn này gắn chặt với việc trồng lúa nước như thờ mặt trời,
thờ thần Nông, hội cầu nước… Các loại nhạc cụ ngày càng đa dạng như trống đồng,
đàn đá… Ở giai đoạn cuối của nền văn hóa Sa Huỳnh nghề buôn bán bằng đường biển
khá phát triển. Ba phức hệ văn hoá đều sẽ phát triển thành ba nền văn minh lớn; ứng
với ba quốc gia cổ: Văn Lang - Âu Lạc; Sa Huỳnh - Chămpa; Phù Nam.

5
 Lớp văn hóa giao lưu với Trung Hoa và khu vực
- Văn hóa Việt Nam thiên niên kỉ đầu công nguyên
Văn hóa ở châu thổ Bắc Bộ: Nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc suy tàn. Giai cấp
thống trị Hán tiến hành áp đặt thể chế thống trị, phong tục tập quán, truyền bá các học
thuyết Nho, Lão - Trang nhằm đồng hóa Việt Nam. Dưới ách thống trị của nước ngoài
Việt Nam vẫn giữ gìn, bảo tồn và phát triển những bản sắc văn hóa dân tộc vốn có.
Tiếp thu ảnh hưởng Hán ngữ đã tạo thành một lớp từ mới sau này gọi là từ Hán - Việt.
Văn hóa Chămpa: Bao trùm Chămpa là sự hỗn dung của các tôn giáo và giáo
phái Ấn Độ. Chămpa tiếp nhận nhiều ảnh hưởng từ Ấn Độ như chữ viết, kiến trúc,
điêu khắc, âm nhạc…
Văn hóa Óc Eo của vương quốc Phù Nam: Địa bàn sinh sống của cư dân Óc Eo
rất rộng lớn, kiến trúc nhà cửa, đô thị phong phú. Theo tín ngưỡng đa thần chịu ảnh
hưởng của cả Bàlamôn giáo lẫn Phật giáo. Nghề thủ công và nghề buôn bán phát triển,
sử dụng tiền vàng, đồng, thiếc để trao đổi.
- Văn hóa Việt Nam thời tự chủ: bắt đầu từ thời Ngô Quyền đến hết nhà Tây
Sơn.
Ngô Quyền chấm dứt 10 thế kỉ Bắc thuộc, khôi phục lại nền độc lập và chủ
quyền lãnh thổ. Lấy Phật giáo làm quốc giáo. Đến thời Lý, các công trình kiến trúc,
các nghề thủ công, nghề gốm phát triển rất mạnh. Thời Lý - Trần nổi trội với sự dung
hòa tam giáo (Nho - Phật - Đạo) hay còn gọi là chính sách Tam giáo đồng nguyên .
Nền văn hóa bác học như luật pháp, sử học, y dược học, thiên văn, lịch pháp, binh
pháp… ra đời. Nền văn học chữ viết xuất hiện từ hai nguồn Phật giáo và Nho giáo với
hai hình thức là chữ Nôm và chữ Hán. Các ngành nghệ thuật phát triển mạnh vào thời
Lê. Đê điều và các công trình thủy lợi cũng được chú trọng hơn. Vào thời Nguyễn,
nghệ thuật tạc tượng ngày càng tinh xảo, các công trình kiến trúc đồ sộ được xây dựng
như kinh thành, lăng tẩm… Một tôn giáo mới được du nhập vào đó là Kitô giáo. Chữ
Quốc ngữ cũng dần xuất hiện. Sự xuất hiện của chữ viết đã nâng nền văn hóa Việt
Nam lên một bước mới.
 Lớp văn hóa giao lưu với văn hóa phương Tây
- Văn hóa Việt Nam từ năm 1858 đến 1945
Người Pháp thấy chữ Quốc ngữ là công cụ thuận lợi để cai trị và đồng hóa vì vậy

6
học đã cho dạy chữ Quốc ngữ trong trường học. Chữ Quốc ngữ cũng từ đó mà được
truyền bá rộng hơn. Nền văn hóa phương Tây đã tác động nhiều lên nền văn hóa Việt
Nam lúc bấy giờ giúp cho văn hóa Việt dần trở nên hiện đại. Tư tưởng dân chủ tư sản,
tư tưởng Mác - Lênin và các tư tưởng tự do, dân chủ, bình đẳng được tiếp thu và phổ
biến rộng rãi. Năm 1930, Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời đánh dấu một bước ngoặt
lớn trong lịch sử cách mạng. Vì để khai thác thuộc địa, Pháp đã triển khai phát triển đô
thị, công nghiệp và giao thông. Thực dân Pháp cần tuyên truyền cho chính quyền
thuộc địa do vậy báo chí đã được ra đời. Văn hóa xã hội tinh thần giai đoạn này
chuyển biến theo hướng Âu hóa trên nhiều lĩnh vực nhưng người Việt Nam vẫn bảo
tồn được những nét đặc trưng của nền văn hóa dân tộc. Năm 1943, Đảng cộng sản
Đông Dương đã đưa ra Đề cương về cách mạng văn hóa Việt Nam, bản đề cương này
có ý nghĩa như một cương lĩnh văn hóa dân chủ mới.
- Văn hóa Việt Nam từ 1945 đến nay
Xã hội Việt Nam đã có sự thay đổi toàn diện: Cách mạng tháng Tám đối với văn
hóa đã tạo ra một tác động lớn là tạo ra một xã hội những người từ thân phận áp bức,
nô lệ đã đứng lên làm chủ cuộc đời bản thân và xây dựng nên xã hội của mình. Nền
công nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung đã phát triển nhanh hơn rất nhiều. Thời
đại này dân trí cũng được nâng cao, trở thành nhiệm vụ thường xuyên của chính quyền
nhân dân.
Sự lãnh đạo của Đảng trên phương diện văn hóa: Vận dụng tư tưởng Mác - Lênin
Đảng đã có quan điểm, phương pháp lãnh đạo đúng đắn về văn hóa. Năm 1943, Đề
cương văn hóa Việt Nam đã được công bố.
Sự phát triển của văn hóa: Văn hóa nghệ thuật ngày càng phát triển chuyên
nghiệp. Những giá trị văn hóa truyền thống cũng được kế thừa và nâng cao. Sự giao
lưu văn hóa của Việt Nam ngày càng mở rộng.

7
Chương 2
NỀN VĂN HÓA VIỆT NAM LÀ NỀN VĂN HÓA THỐNG NHẤT MÀ
ĐA DẠNG
2.1. Nền văn hóa Việt Nam có tính thống nhất
 Nền văn hóa Việt Nam là kết tinh hoa văn hóa của 54 dân tộc anh em
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số và có
nền văn hóa giữ vai trò chủ đạo. 54 dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều có những
giá trị và sắc thái vǎn hóa riêng nhưng bổ sung cho nhau, làm phong phú nền vǎn hóa
Việt. Nền văn hóa đa dân tộc đã tạo nhiều tiềm năng, phát huy sức mạnh văn hóa của
quốc gia trong các quan hệ quốc tế, gia tăng tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa các
dân tộc.
Văn hóa Việt vận động trong tiến trình lịch sử đã thể hiện rất rõ tính thống nhất
của một nền văn hóa quốc gia - dân tộc. Cho dù nhiều tộc người thiên di vào lãnh thổ
Việt ở những thời điểm lịch sử khác nhau, có tộc người đến sớm từ hàng nghìn năm,
có tộc người mới du nhập vài trăm năm nhưng khi đã chọn đất Việt làm nơi sinh sống
thì các tộc người đều chung một ký ức cội nguồn tổ tiên, là đồng bào của nhau, thừa
nhận quốc gia - dân tộc phải có lãnh thổ rõ ràng, có người đứng đầu đại diện cho nhân
dân quản lý đất nước. Thống nhất quốc kỳ, quốc huy, quốc hiệu, quốc ca... của đất
nước. Thống nhất phép tắc của nhà nước, lấy tiếng nói người Kinh làm ngôn ngữ phổ
thông trong giao tiếp, quy định chữ viết quốc gia trong mỗi thời kỳ lịch sử. Thống nhất
hệ tư tưởng và thể chế quản lý xã hội, hành vi con người cùng xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc.
Mỗi dân tộc cư trú ở Việt Nam đều gắn bó số phận của mình với lịch sử chung
của các dân tộc trong nước. Đứng trước những thử thách sống còn, thiên tai, địch hoạ
xảy ra với đất nước, càng làm các dân tộc xích lại gần nhau hơn, đoàn kết để chống
chọi, tồn tại và phát triển. Trải qua quá trình đó, các dân tộc coi nhau như anh em một
nhà, chung đúc một truyền thống đoàn kết bền vững, cùng nhau xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc. Xứng đáng với lời Bác Hồ đã căn dặn trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu
số: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai, Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và
các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta
sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. Sông có thể cạn, núi có thể

8
mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp
chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự chủ của chúng ta” [4, tr.85-86].
 Các dân tộc Việt Nam bình đẳng phát triển văn hóa
Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển, văn hóa truyền thống của đồng bào các
dân tộc thiểu số luôn là một bộ phận cấu thành quan trọng, thống nhất trong nền văn
hóa Việt Nam. Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc là
chủ trương nhất quán của Nhà nước Việt Nam, coi đó là cội nguồn sức mạnh đại đoàn
kết dân tộc và phát triển bền vững đất nước.  
Việt Nam là một quốc gia độc lập, thống nhất, đa dân tộc, nên việc thực hiện tốt
vấn đề bình đẳng giữa các dân tộc là một vấn đề hết sức quan trọng; đồng thời, còn là
nhân tố đảm bảo cho xã hội Việt Nam luôn ổn định và phát triển. Quyền bình đẳng
giữa các dân tộc ở Việt Nam đã được thể hiện trong cuộc sống của cộng đồng các dân
tộc Việt Nam, nhất là từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa Xã hội
Chủ Nghĩa Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam đến nay.
Trên thực tế, đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc trong những
năm qua được cải thiện rõ rệt, mức thụ hưởng văn hóa được nâng cao. Nhiều nét văn
hóa của các dân tộc thiểu số được bảo tồn, phát triển và được công nhận là di sản văn
hóa thế giới như: “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, “Thánh địa Mỹ
Sơn”, “Cao nguyên đá Đồng Văn”. Đến nay, hơn 90% hộ gia đình vùng đồng bào dân
tộc thiểu số được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam và trên 80% số hộ được xem truyền
hình. Các chương trình phát thanh, truyền hình bằng cả tiếng Việt và 26 thứ tiếng Dân
tộc được phát sóng mở rộng tới các bản làng xa xôi. Bên cạnh đó, công tác giáo dục và
đào tạo, nâng cao dân trí ở vùng có đông người dân tộc thiểu số sinh sống cũng được
quan tâm đẩy mạnh và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hệ thống các trường
trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, trường dạy nghề; các loại hình trường nội trú, bán
trú, dự bị đại học dân tộc tại vùng có đông dân tộc thiểu số đều được đầu tư xây dựng.
Từ năm 2012, 100% xã đã đạt chuẩn phổ cập tiểu học, nhiều nơi đã đạt chuẩn phổ cập
trung học cơ sở, 95% trẻ em dân tộc thiểu số được đến trường.   
Bên cạnh việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, hệ thống tiếng nói, chữ
viết của các dân tộc thiểu số cũng là vấn đề được ưu tiên trong chính sách giáo dục của
Nhà nước Việt Nam. Từ năm 2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hợp tác với UNICEF

9
thí điểm thực hiện giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ tại 3 tỉnh Lào Cai, Trà
Vinh, Gia Lai, góp phần quan trọng giảm tỷ lệ học sinh bỏ học tại những địa phương
này.
 Không đồng hóa văn hóa cưỡng bức
Trong tiến trình phát triển của các tộc người, một xu hướng biến đổi văn hoá
thường diễn ra đó là đồng hoá văn hoá, bao gồm cả đồng hoá tự nhiên và đồng hoá
cưỡng bức. Đồng hoá tự nhiên là quá trình tiếp nhận văn hoá một cách tự nguyện giữa
các tộc người, thường giữa các tộc người có dân số lớn hơn, có trình độ phát triển kinh
tế, văn hoá, xã hội cao hơn với tộc người hay nhóm tộc người nhỏ sống cận cư. Đồng
hoá khác với giao lưu văn hoá ở chỗ, nếu giao lưu văn hoá là tiếp nhận văn hoá của tộc
người khác trên cơ sở cái truyền thống của mình để bổ sung và đổi mới thì đồng hoá
văn hoá là vay mượn thuần tuý, để bổ sung vào các yếu tố văn hoá của tộc người cận
cư có trình độ phát triển cao hơn. Còn đồng hoá cưỡng bức là áp đặt, ép buộc khi cộng
đồng dân cư đó chưa tự nguyện tiếp nhận văn hoá. Đây là xu hướng thường diễn ra
trong điều kiện xã hội có giai cấp với sự nô dịch và xâm lăng. Và rõ ràng đồng hoá
cưỡng bức là tiêu cực. Trên thực tế, lịch sử phát triển văn hóa của người Việt đã khẳng
định sự tôn trọng, cởi mở, giao lưu, tiếp biến văn hóa một cách tự nguyện giữa các dân
tộc, chống biểu hiện kỳ thị, cưỡng bức văn hóa của dân tộc này đối với dân tộc khác.
Mặc dù tiếng nói của các dân tộc thuộc nhiều nhóm ngôn ngữ khác nhau, song do
các dân tộc sống rất xen kẽ với nhau nên một dân tộc thường biết tiếng các dân tộc có
quan hệ hàng ngày, và dù sống xen kẽ với nhau, giao lưu văn hoá với nhau, nhưng các
dân tộc vẫn lưu giữ được bản sắc văn hoá riêng của dân tộc mình. Ở đây cái đa dạng
của văn hoá dân tộc được thống nhất trong quy luật chung - quy luật phát triển đi lên
của đất nước, như cái riêng thống nhất trong cái chung của cặp phạm trù triết học.
2.2. Nền văn hóa Việt Nam có tính đa dạng
 Nền văn hóa Việt Nam đa dạng về vùng văn hóa, tộc người
Việt Nam từ thời lập quốc với quốc hiệu Văn Lang - Âu Lạc đã là quốc gia đa
tộc người. Cùng với việc mở rộng và củng cố cương vực của các triều đại phong kiến,
thì tính đa tộc người của quốc gia Việt Nam càng trở nên rõ rệt hơn. Theo công bố
chính thức của Nhà nước vào năm 1972, nước Việt Nam có 54 tộc người, thuộc nhiều
nhóm ngôn ngữ - tộc người khác nhau: Việt - Mường, Môn - Khmer, Tày - Thái, Nam

10
Đảo, Mông - Dao, Tạng - Miến, Hán với những sắc thái văn hóa rất phong phú, đa
dạng.
Từ các mối quan hệ tộc người, sự tương đồng về những đặc trưng văn hóa cũng
thể hiện khá rõ. Mỗi tộc người thường hình thành các nhóm địa phương, giữa chúng có
những khác biệt nhất định về thổ ngữ (phương ngữ), trang phục, phong tục tập quán,
nghi lễ. Tình trạng đó khiến cho tính đa dạng và phong phú của văn hóa tộc người
càng trở nên sống động và rõ rệt hơn. Tình trạng cư trú xen cài giữa các tộc người, một
mặt, tạo môi trường thuận lợi cho sự giao lưu văn hóa; mặt khác, làm tách biệt giữa
các nhóm địa phương của tộc người, góp phần làm suy giảm đáng kể tính thống nhất
và cố kết văn hóa giữa các nhóm địa phương của tộc người, khiến bức tranh văn hóa
càng trở nên phức tạp hơn.
Có thể phân vùng văn hóa Việt Nam thành 7 vùng văn hóa lớn, trong mỗi vùng
lại có thể phân chia thành các tiểu vùng văn hóa nhỏ hơn, khoảng 23 tiểu vùng, bao
gồm: vùng văn hóa đồng bằng Bắc Bộ, vùng văn hóa Việt Bắc, vùng văn hóa Tây Bắc
và miền núi Thanh - Nghệ, vùng văn hóa Bắc Trung Bộ, vùng văn hóa Nam Trung
Bộ, vùng văn hóa Trường Sơn - Tây Nguyên, vùng văn hóa Nam Bộ.
 Nền văn hóa Việt Nam đa dạng trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và ngôn
ngữ
Nền văn học Việt Nam đa dạng với nhiều thể loại như: sử thi, truyền thuyết, thần
thoại, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, thơ, tiểu thuyết, văn xuôi, truyện ngắn, bút kí,...
Văn học Việt Nam gắn chặt với lịch sử, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước, sau
hơn 10 thế kỷ hình thành và phát triển, văn học Việt Nam đạt được nhiều thành tựu
nhất định. Văn học Việt Nam thể hiện tư tưởng, tình cảm, quan niệm về chính trị, văn
hóa, đạo đức, thẩm mĩ của con người Việt Nam qua nhiều thời kì trong nhiều mối quan
hệ đa dạng. Trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của
dân tộc ta, văn học nghệ thuật đã góp phần to lớn xây dựng nên nền văn hiến Việt
Nam, nền văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng, giàu bản sắc dân tộc, tạo nên cốt
cách tâm hồn con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Ðây là tài sản vô giá của dân tộc
ta.
Nền nghệ thuật Việt Nam có một lịch sử lâu dài và phong phú, phản ánh qua kiến
trúc, điêu khắc, âm nhạc, mỹ thuật. Từ Bắc vào Nam, văn hóa Việt Nam đa dạng được

11
thể hiện thông qua từng đặc trưng riêng của từng vùng miền. Trong đó, khắc họa sinh
động nhất những độc đáo này chính là nghệ thuật biểu diễn dân gian 3 miền như: ca
trù, hát chèo, đờn ca tài tử, múa rối nước… Nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn của
Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.
Ngôn ngữ có một vai trò rất quan trọng trong đời sống tộc người, nhất là trong
việc giữ gìn và truyền tải các giá trị văn hóa. Bản sắc văn hóa nói chung, tiếng nói, chữ
viết của dân tộc thiểu số nói riêng, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng của nền
văn hóa Việt Nam. Theo một số tài liệu: Việt Nam có khoảng trên 90 ngôn ngữ khác
nhau và rất nhiều các tiếng địa phương bao gồm phương ngữ, thổ ngữ. Các ngôn ngữ
này đại diện cho 5 ngữ hệ: Nam Á, Thái - Kađai, Nam Đảo, Mông - Miền và Hán -
Tạng. Như vậy, thành phần ngôn ngữ tham gia vào cảnh huống ngôn ngữ ở Việt Nam
đã tạo nên một bức tranh văn hóa đa dạng, nhiều màu sắc.
 Nền văn hóa Việt Nam đa dạng trong phong tục tập quán và lối sống
Ở Việt Nam với lịch sử hình thành và phát triển hàng ngàn năm cùng với sự đa
dạng về văn hóa và sự đa dạng về tộc người, nước ta có một hệ thống các phong tục,
tập quán được hình thành, phát triển từ rất sớm và vô cùng đa dạng. Có thể nói, gắn
với mỗi bản, mỗi làng, mỗi tộc người là một hệ thống phong tục, tập quán riêng đã
được đúc kết, sàng lọc qua nhiều thế hệ, thể hiện nếp sống, nét văn hóa riêng của mỗi
bản, mỗi làng, mỗi tộc người ở từng địa phương. Đáng tự hào hơn khi một số phong
tục mang đậm nét văn hóa của dân tộc đã không ít lần được thế giới công nhận và vinh
danh. Một số phong tục tập quán đặc sắc có thể kể đến như tục ăn trầu, Tết nguyên
đán, cúng giao thừa, Tết trung thu, lễ hội cầu an bản Mường, lễ hội Đền Hùng,... Dân
tộc Việt Nam may mắn được kế thừa những giá trị văn hóa đặc trưng mà cha ông để
lại. Những nét văn hóa đó không thể dễ dàng có được mà nhờ sự kết tinh qua chặng
đường lịch sử để đến được hôm nay, trở thành các phong tục tập quán Việt Nam nổi
bật trong nước và thế giới.
Lối sống người Việt Nam được hình thành do điều kiện địa lý, kinh tế, chính trí,
trước hết là tâm lý và văn hoá dân tộc Việt Nam. Vì vậy, lối sống người Việt Nam
chính là sư hoá thân của các đặc điểm truyền thống dân tộc. mang những nét riêng bản
sắc con người và văn hoá Việt Nam. Lịch sử hình thành và phát triển dân tộc Việt
Nam cũng là lịch sử hình thành và phát triển lối sống người Việt Nam. Nó được vun

12
đắp được làm phong phú và đậm đà thông qua hoạt đông lao động sản xuất, chiến đấu,
học tập, giao tiếp xã hội trong nội bộ quốc gia, trong đó quan trọng là sự giao lưu văn
hoá với các dân tộc khác. Trải qua quá trình giao lưu, tiếp biến văn hoá mà văn hoá
Việt Nam nói chung, lối sống người Việt Nam nói riêng được phát triển và ngày càng
phong phú, đa dạng đậm đà. Với bản sắc truyền thống của mình là nhẹ nhàng, tế nhị,
kín đáo, giản đơn hoà với thiên nhiên, qua quá trình tiếp biến các lối sống văn hoá
phương Đông, phương Tây và văn hoá xã hội chủ nghĩa. những nét đặc sắc của lối
sống dân tộc Việt Nam được nâng cao trên nền văn hoá tổng hợp có tính quốc tế và
đầy trí tuệ của thời đại. Cũng như các lĩnh vực khác của đời sống tinh thần, lối sống
người Viết Nam cũng được làm giàu với tinh hoa văn hoá và lối sống của nhiều dân
tộc.

13
Chương 3
GIẢI PHÁP GIỮ GÌN TÍNH THỐNG NHẤT MÀ ĐA DẠNG CỦA
NỀN VĂN HÓA VIỆT NAM
3.1. Những thách thức và khó khăn trong xây dựng và phát triển nền văn
hóa Việt Nam
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước đã bồi đắp, kết tinh tạo
ra một nền văn hóa vô cùng đặc sắc, phong phú với một đặc trưng là sự thống nhất mà
đa dạng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, đã đặt ra nhiều
thách thức đối với sự thống nhất mà đa dạng của nền văn hóa Việt Nam.
Thứ nhất, nền văn hóa Việt Nam chưa nhận sự quan tâm cần thiết nên chưa phát
triển tương xứng với kinh tế và chính trị. Tuy văn hóa là “nguồn lực nội sinh” của dân
tộc nhưng hiện nay văn hóa vẫn chưa đủ sức ảnh hưởng để tác động đến hiệu quả tới
xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. Những thách thức trong công
tác giữ gìn tính thống nhất mà đa dạng của nền văn hóa còn là sự suy đồi, mục nát về
tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phần nhỏ cán bộ Đảng viên. Đời sống
văn hóa, tinh thần ở nhiều địa phương còn nghèo nàn, cổ hủ, lạc hậu, trái với thuần
phong mỹ tục của dân tộc, những hủ tục vẫn còn tồn tại ở nhiều địa phương. Công tác
rút ngắn khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các địa phương miền núi, vùng sâu,
vùng xa và thành thị còn chậm, chưa thể hiện rõ được vai trò của mình.
Thứ hai, mặt trái của toàn cầu hóa đối với nền văn hóa Việt Nam. Toàn cầu hóa
mở ra cơ hội để nền văn hóa Việt Nam ngày càng phát triển, giúp đẩy mạnh quảng bá
hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế nhưng cũng tạo ra nhiều
thành thức như sự xâm nhập những luồng văn hóa độc hại, những thông tin bịa đặt,
xuyên tạc sự thật lịch sử mới đây nhất là sự xuyên tạc lịch sử trắng trợn trong bộ phim
“Little Women” với tựa Việt là “Ba chị em” đã dấy lên một làn sóng phẫn nộ mạnh mẽ
trong dư luận Việt Nam, trước đó một số bộ phim khác cũng từng bị phản ứng mạnh
mẽ khi xuất hiện hình ảnh bản đồ đường lưỡi bò. Những bộ phim đó có thể sẽ hình
thành nên suy nghĩ sai lệch về lịch sử dân tộc với những bạn trẻ chưa hiểu rõ về lịch
sử.
Thứ ba, sự chậm chạp trong công tác quản lý nhà nước về văn hóa, có những thời
điểm còn bị xem nhẹ. Nguồn kinh phí đầu tư cho lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng và

14
còn dàn trải do chưa nắm bắt kịp thời những vấn đề mới về văn hóa để đầu tư đúng
hướng và có hiệu quả. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hoạt động trong
lĩnh vực văn hóa, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa các cấp chưa được
quan tâm đúng mức.
Thứ tư, công tác bảo tồn và phát triển nền văn hóa dân tộc còn gặp nhiều khó
khăn. Trong khi một bộ phận nhỏ giới trẻ ngày nay có xu hướng “sính ngoại”, không
mặn mà thậm chí là quay lưng lại với văn hóa dân tộc thì những nghệ nhân ngày càng
lớn tuổi và thưa thớt dần, những làng nghề truyền thống dần đi vào quên lãng, kinh phí
để bảo tồn và phát triển văn hóa còn hạn hẹp có địa phương không có… Tốc độ đô thị
hóa, hiện đại hóa như vũ bảo ở mọi nơi, từ không gian đình, chùa, miếu đến các di sản
văn hóa bị phá hủy, làm tổn hại kéo theo đó là các di sản phi vật thể cũng bị kéo theo.
Nói tóm lại, những thách thức trên là hậu quả do tàn dư của nền văn hóa cũ, lạc
hậu; nhận thức và việc cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về văn
hóa ở một số địa phương, lĩnh vực chưa theo kịp yêu cầu phát triển; ảnh hưởng của
nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế; điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam, do đó
đầu tư cho công tác bảo tồn và phát triển văn hóa còn nhiều hạn chế.
3.2. Một số giải pháp giữ gìn tính thống nhất mà đa dạng của nền văn hóa
Việt Nam
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (tháng 11/1946), chủ tịch Hồ Chí
Minh đã đưa ra luận điểm: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” đã khẳng định phạm
vi rộng lớn và sức ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa đối với tất cả các lĩnh vực của đời
sống - xã hội chính vì thế việc đề xuất các giải pháp để khắc phục, hạn chế các thách
thức để giữ gìn tính thống nhất mà đa dạng của nền văn hóa Việt Nam là vô cùng cần
thiết. Về bảo toàn tính thống nhất mà đa dạng của nền văn hóa Việt Nam nhóm tác giả
đề xuất một số giải pháp như sau:
Tích cực thực hiện công tác bảo tồn các di sản văn hóa của các dân tộc, truyền
dạy và giới thiệu các di sản văn hóa đến với thế hệ sau. Phát triển các loại hình du lịch
gắn với các di sản văn hóa dân tộc vừa để truyền bá văn hóa, vừa tạo nguồn thu nhập
từ di sản văn hóa cho các dân tộc từ đó khích lệ họ tích cực giữ gìn và phát triển văn
hóa dân tộc mình.

15
Khuyến khích việc duy trì các phong tục tập quán lành mạnh của các dân tộc,
phục hồi và phát triển các nghề thủ công truyền thống. Tổ chức các lớp dạy nghề
truyền thống để tiếp tục duy trì các làng nghề truyền thống, khuyến khích, tạo điều
kiện thuận lợi nhất để mọi đối tượng đều có thể dễ dàng tiếp cận với các nghề truyền
thống của các dân tộc.
Tổ chức các cuộc thi ở các trường học, cơ quan để tìm ra những ý tưởng hay, độc
đáo và khả thi để áp dụng vào công tác giữ gìn tính thống nhất mà đa dạng của nền văn
hóa Việt Nam.
Tổ chức các sự kiện, các cuộc thi để tuyên truyền và giới thiệu về ngôn ngữ,
trang phục, ẩm thực, phong tục tập quán… của các dân tộc trên đất nước Việt Nam.
Khuyến khích xây dựng mô hình trường học đa văn hóa trong các trường học có học
sinh dân tộc thiểu số. Tập trung các nguồn lực để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số
nâng cao dân trí để họ có thể hiểu được vai trò và nhiệm vụ của mình trong công tác
giữ gìn nền văn hóa đa dạng.
Khuyến khích người dân đưa văn hóa vào trong đời sống thường ngày thông qua
các phong trào, các hoạt động lễ hội, các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các vùng
miền với nhau và với quốc tế… Nỗ lực để tạo ra một nền văn hóa vừa đa dạng, phong
phú và sống động để thu hút bạn bè quốc tế đến với Việt Nam.
Chủ động mở rộng quan hệ ngoại giao với các nước để học hỏi, tiếp thu tinh hoa
văn hóa nước bạn một cách có chọn lọc để làm phong phú nền văn hóa; tận dụng các
cơ hội để quảng bá văn hóa dân tộc đến với bạn bè quốc tế thông qua các hội chợ văn
hóa, các cuộc thi có lồng ghép yếu tố văn hóa, … Đồng thời, chú trọng truyền bá văn
hóa Việt Nam, dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài
ở Việt Nam.
Phát huy vai trò của học sinh, sinh viên trong việc giữ gìn tính thống nhất mà đa
dạng của văn hóa Việt Nam bằng cách tạo ra những sân chơi lành mạnh thu hút học
sinh, sinh viên tham gia dể tăng nhận thức về tầm quan trọng của việc giữ gìn tính
thống nhất mà đa dạng của văn hóa Việt Nam. Từ đó học sinh viên có ý thức về trách
nhiệm của mình trong vấn đề này và phát huy tính tích cực và chủ động của mình góp
phần xây dựng và bảo tồn nền văn hóa đa dạng mà thống nhất của dân tộc.

16
KẾT LUẬN

Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam ta đã bồi
đắp nên bản lĩnh, trí tuệ, cốt cách của con người Việt Nam; kết tinh của các giá trị văn
hóa, tạo thành sức mạnh mềm giúp toàn dân ta vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách
khắc nghiệt để đi đến những chiến thắng vẻ vang trong suốt nhiều năm đằng đẵng. Sự
thống nhất mà đa dạng là đặc trưng, cũng là quy luật phát triển, tiềm năng và là tính
hấp dẫn của nền văn hóa Việt Nam.

Lối sống người Việt Nam được hình thành do nhiều yếu tố như điều kiện địa lý,
kinh tế, chính trị mà trước hết là lối sống và văn hóa Việt Nam. Vì vậy, lối sống người
Việt Nam chính là sự hoá thân của các đặc điểm truyền thống dân tộc, mang những nét
riêng bản sắc con người và văn hoá Việt Nam.

Nền văn hóa Việt Nam thể hiện rõ tính thống nhất của một nền văn hóa quốc gia
- dân tộc, chống kỳ thị, cưỡng bức văn hóa của dân tộc này đối với dân tộc khác. Cho
dù nhiều tộc người thiên di vào lãnh thổ Việt vào những thời kỳ lịch sử khác nhau, có
tộc người đến sớm từ hàng nghìn năm, có tộc người đến từ vài trăm năm nay, nhưng
đã sinh sống trên dải đất hình chữ S đều chung một ký ức về cội nguồn tổ tiên, đều là
đồng bào cùng nhau kết nối vòng tay đoàn kết bằng sự hiểu biết, thủy chung, gắn bó,
đùm bọc lẫn nhau.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nền văn hóa Việt
Nam luôn phải đối mặt với nhiều thử thách về giữ gìn tính thống nhất mà đa dạng của
mình. Do đó, nhóm tác giả cũng đã đưa ra một số giải pháp nhằm mục đích bảo toàn,
phát triển sự thống nhất mà đa dạng của nền văn hóa nước nhà.

17
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2021), Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam,
Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội.
2. Phan Diễn, Văn học nghệ thuật đã góp phần to lớn xây dựng nền văn hiến Việt
Nam, báo Nhân dân, https://nhandan.vn/van-hoc-nghe-thuat-da-gop-phan-to-lon-xay-
dung-nen-van-hien-viet-nam-post416358.html, 24/10/2022.
3. Lê Thị Kim Dung, Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, chuyển hóa
thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế, Tạp chí Cộng sản điện tử,
https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/thuc-tien-kinh-nghiem1/-/2018/825935/bao-
ton-va-phat-huy-gia-tri-cac-di-san-van-hoa%2C-chuyen-hoa-thanh-nguon-luc-quan-
trong-cho-phat-trien-kinh-te---xa-hoi-tinh-tuyen-quang-trong-giai-doan-moi.aspx#,
24/10/2022.
4. Thế Dương (2021), Bức tranh văn hóa Việt đa sắc màu, Báo điện tử Đảng
Cộng sản Việt Nam, https://dangcongsan.vn/multimedia/mega-story/megastory-buc-
tranh-van-hoa-viet-da-sac-mau-595337.html, 23/10/2022.
5. Văn Duyên (2017), Bình đẳng giữa các dân tộc - Biểu hiện cụ thể của quyền
con người ở Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân - Cơ quan Quân Ủy Trung Ương Và
Bộ Quốc Phòng Tiếng Nói Của Lực Lượng Vũ Trang Và Nhân Dân Việt Nam,
https://www.qdnd.vn/chong-dien-bien-hoa-binh/thanh-tuu-nhan-quyen-vietnam/binh-
dang-giua-cac-dan-toc-bieu-hien-cu-the-cua-quyen-con-nguoi-o-viet-nam-527841,
22/10/2022.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16/7/1998, của Ban
Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) về Xây dựng và phát
triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Báo Điện tử Đảng Cộng
sản Việt Nam, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-
dang/nghi-quyet-so-03-nqtw-ngay-1671998-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-tai-hoi-
nghi-trung-uong-5-khoa-viii-ve-xay-dung-va-phat-1692, 22/10/2022.
7. Đinh Giang, Giá trị văn hóa với xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiến lên, đậm
đà bản sắc dân tộc, tạo động lực thực hiện khát vọng phát triển đất nước, Tạp chí
Cộng sản điện tử,
https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/825804/gia-tri-

18
van-hoa-voi-xay-dung-nen-van-hoa-viet-nam-tien-tien%2C-dam-da-ban-sac-dan-toc
%2C-tao-dong-luc-thuc-hien-khat-vong-phat-trien-dat-nuoc.aspx, 24/10/2022.
8. Đinh Thị Hương Giang, Bảo đảm tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa
Việt Nam hiện nay, Tạp chí Cộng sản điện tử,
https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/823611/bao-
dam-tinh-thong-nhat-trong-da-dang-cua-van-hoa-viet-nam-hien-nay.aspx, 24/10/2022.
9. Phạm Vĩnh Hà, Đa dạng văn hóa ở Việt Nam: Lý luận, thực tiễn và vấn đề
chính sách, Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, https://vass.gov.vn/hoi-nghi-
hoi-thao/Da-dang-van-hoa-o-Viet-Nam-1229, 24/10/2022.
10. Khuyết danh, Lối sống người Việt Nam dưới tác động của toàn cầu hóa hiện
nay, Chúngta.com,
https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/loi_song_nguoi_viet_duoi_tac_dong_toan
_cau_hoa.html, 22/10/2022.
11. Khuyết danh, Giữ gìn bản sắc văn hóa trong thời kỳ hội nhập, Cổng thông
tin điện tử bộ văn hóa, thể thao và du lịch, https://bvhttdl.gov.vn/giu-gin-ban-sac-van-
hoa-trong-thoi-ky-hoi-nhap-20211129083338561.htm, 24/10/2022.
12. Thao Nguyen, Các phong tục tập quán Việt Nam: Đậm đà bản sắc dân tộc,
Traveloka.com, https://www.traveloka.com/vi-vn/explore/activities/phong-tuc-tap-
quan-viet-nam/125357, 24/10/2022.
13. Cẩm Nhung, Đa dạng nghệ thuật biểu diễn dân gian 3 miền, Tạp chí điện tử
Làng nghề Việt Nam, https://langngheviet.com.vn/van-hoa-xa-hoi/da-dang-nghe-
thuat-bieu-dien-dan-gian-3-mien.html32332, 23/10/2022.
14. PGS, TS. Nguyễn Vĩnh Thắng (2017), Bình Đẳng Giữa Các Dân Tộc Ở Việt
Nam - Chính Sách Nhất Quán Của Đảng Và Nhà Nước, Trang thông tin điện tử măt
trận tổ quốc Việt Nam, http://mattran.org.vn/to-chuc-thanh-vien/binh-dang-giua-cac-
dan-toc-o-viet-nam-chinh-sach-nhat-quan-cua-dang-va-nha-nuoc-9242.html,
22/10/2022.
15. Ngô Đức Thịnh, Đa dạng văn hóa và sự phát triển xã hội, Tạp chí Cộng sản,
https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/19676/da-dang-van
hoa-va-su-phat-trien-xa-hoi.aspx, 24/10/2022.

19
16. Tạ Văn Thông, Sự sinh tồn của các ngôn ngữ ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí
điện tử Khoa học Xã hội, http://tapchikhxh.vass.gov.vn/su-sinh-ton-cua-cac-ngon-ngu-
o-viet-nam-hien-nay-n50282.html, 23/10/2022.
17. PGS.TS. Nguyễn Hữu Thức (2021), Những đặc trưng của nền văn hóa Việt
Nam, Tạp hóa Văn hóa & Phát triển, https://www.vanhoavaphattrien.vn/nhung-dac-
trung-cua-nen-van-hoa-viet-nam-a7008.html, 22/10/2022.
18. Phạm Thị Thu Trà (2022), Cơ sở, quá trình hình thành và phát triển của văn
hóa Việt Nam, Luật Dương Gia, https://luatduonggia.vn/co-so-qua-trinh-hinh-thanh-
va-phat-trien-cua-van-hoa-viet-nam/
#3_Qua_trinh_hinh_thanh_va_phat_trien_cua_van_hoa_Viet_Nam, 22/10/2022.
19. Hội Vũ, Bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số, Nhân dân điện tử,
https://nhandan.vn/bao-ton-phat-huy-van-hoa-cac-dan-toc-thieu-so-post707842.html,
24/10/2022.
20. Trần Quốc Vượng (2006), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

20

You might also like