You are on page 1of 4

Đề 7: Phân tích diễn biến tâm trạng của Chí Phèo sau khi nhận

được sự chăm sóc của thị Nở


Nói đến tác phẩm “Chí Phèo”, giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã từng nhận
định: “Khi Chí Phèo ngật ngưỡng bước ra từ trang sách của Nam Cao, người
ta mới thấy đây là hiện thân đầy đủ nhất cho những gì gọi là cùng khổ của
người dân cày trong một xã hội thuộc địa: bị dày đạp, cào xé, hủy hoại từ
nhân tính đến nhân hình”. Chị Dậu dù bán con, bán chó, bán sữa nhưng vẫn
còn là con người. Chí Phèo bán cả diện mạo và linh hồn của mình nhưng rồi
lại trở thành một “con quỷ dữ”. Bằng ngòi bút sắc sảo và nghệ thuật khắc hoạ
nhân vật độc đáo, Nam Cao đã thành công miêu tả diễn biến tâm trạng của
Chí Phèo sau khi gặp thị Nở.
Trong tác phẩm “Trăng sáng”, Nam Cao đã từng viết: “Nghệ thuật không phải
là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật chỉ
có thể là tiếng kêu đau khổ thoát ra từ những kiếp lầm than”. Với Nam Cao, ông
quan niệm rằng: Văn học phải bắt nguồn từ hiện thực đời sống. Rời xa hiện
thực, văn học chỉ là một ánh trăng lừa dối. Quan niệm này đã được ông thể hiện
rất rõ qua truyện ngắn “Chí Phèo” được nhà văn viết năm 1941. Ban đầu, tác
phẩm có tên “Cái lò gạch cũ”, bởi tác giả muốn nhấn mạnh đến nguồn gốc của
Chí Phèo: bị bỏ rơi ở cái lò gạch bỏ không, và đoạn kết tác phẩm, khi Thị Nở
biết tin Chí Phèo chết, Thị nhìn xuống bụng và thấy thoáng hiện một cái lò gạch
cũ bỏ không. Đây chính là kiểu kết cấu vòng tròn của tác phẩm, nói lên quy luật
của kiếp người, đồng thời nhấn mạnh sự bế tắc không lối thoát của nhân vật.
Sau đó, nhà xuất bản đã tự ý đổi thành “Đôi lứa xứng đôi”. Lê Văn Trương đã
nhận xét rằng: “Nhan đề “Đôi lứa xứng đôi”, chẳng qua cũng chỉ là dựa vào mối
tình của Thị Nở và Chí Phèo cố tạo ra một cái tiêu đề giật gân để thu hút độc
giả”. Cuối cùng, Nam Cao đã lấy chính tên của nhân vật để đặt tiêu đề cho tác
phẩm “Chí Phèo”, làm nổi bật hình ảnh nhân vật trung tâm của tác phẩm. Chí
Phèo một đứa con hoang không cha không mẹ, bị bỏ rơi nơi lò gạch cũ khi vừa
mới lọt lòng, vốn là người nông dân hiền lành, lương thiện được người làng Vũ
Đại cưu mang nuôi nấng nhưng đã bị Bá Kiến đẩy vào tù do ghen tuông, biến
Chí từ một người nông dân hiền lành trở thành một thằng lưu manh. Chí Phèo
đã đốt nhà, làm chảy máu và nước mắt của không biết bao nhiêu người. Chí đã
thay đổi từ ngoại hình đến nhân tính, trở thành một con quỷ dữ của làng Vũ Đại,
ai cũng khiếp sợ hắn.
Trong tác phẩm, CP là một hình tượng trung tâm, tiêu biểu cho người nông dân
trước CM bị giai cấp thống trị áp bức bóc lột đẩy vào con đường bần cùng hóa,
lưu manh hóa, mất đi cả nhân hình và nhân tính. Cứ ngỡ Chí Phèo sẽ mãi sống
kiếp “thú vật”, không bao giờ có thể trở về xã hội xã hội loài người thì tình yêu
thương của Thị Nở đã rọi sáng tâm hồn hắn, mở cánh cửa để hắn có thể quay trở
về với cộng đồng làng Vũ Đại. Thị Nở được Nam Cao miêu tả là một người đàn
bà dở hơi xấu xí, quá lứa lỡ thì, như là “phế thải của làng Vũ Đại”. Nhưng chính
tình yêu thương, sự quan tâm mộc mạc cùng bát cháo hành ấm nóng tình người
của người đàn bà ấy dành cho Chí Phèo đã thức tỉnh phần người trong hắn, giúp
hắn lấy lại nhận thức để nhớ lại những ước mơ khi xưa, mong muốn trở lại “làm
người”, khao khát được hoàn lương. Có nhà phê bình cho rằng: Thị Nở là một
sứ giả mà Nam Cao đã phái đến để thức tỉnh Chí Phèo. Thị Nở không chỉ là sứ
giả của tấm lòng nhân đạo sâu sắc mà còn là một thiên sứ tình yêu để Chí Phèo
thức tỉnh, gợi dậy tính người trong Chí Phèo, thắp sáng trái tim đã chịu bao khổ
đau của hắn.
Lần đầu tiên trong cuộc đời hắn tỉnh dậy, ý thức được không gian xung quanh
mình. Chí chợt nhận ra căn lều ẩm thấp của mình, bên ngoài kia “Mặt Trời chắc
đã lên cao, nắng bên ngoài kia chắc là rực rỡ, tiếng chim ríu rít bên ngoài”. Hắn
nghe được tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá trên sống, tiếng lao xa của
người đi chợ bán vải về. Những âm thanh ấy hôm nào chả có, nhưng hôm nay
chí mới nghe thấy. Chao ôi là buồn! Chính việc nhớ lại và sự nhận thức được
không gian ấy chứng tỏ ý thức của Chí Phèo đã quay trở về. Chí Phèo phảng
phất trong kí ức nhớ về quá khứ, một quá khứ xa xôi với những ước mơ giản
đơn mà ấp áp: “Có một gia đình nho nhỏ, chồng cước mướn cày thuê, vợ dệt
vải. Chúng lại bỏ một con lợn để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào
ruộng làm”. Một ước mơ vô cùng lương thiện, giản dị, nhỏ nhoi nhưng xã hội
ấy đã không để cho Chí Phèo thực hiện. Cũng trong giây phút tỉnh táo ấy, Chí
Phèo đã nhận thức được bi kịch hiện tại của mình, hắn cô đơn hơn bao giờ hết.
Hắn thấy mình già rồi, đã sang cái dốc bên kia của cuộc đời. Hắn thấy mình già
mà vẫn còn cô độc. Đói rét, ốm đau không sợ bằng sự cô độc. Những suy nghĩ
của hắn cho thấy hắn đang nhận thức sâu sắc và thấm thía hoàn cảnh thực tại
của mình: tuổi đã già, sức khỏe không còn nữa đặc biệt hắn thấy mình cô đơn,
không vợ con, không người thân thích. Cảm giac sợ sự cô độc chính là Chí Phèo
đang âm thầm khao khát có một gia đình với bớt sự cô quạnh. Viết về diễn biến
tâm trạng của CP lúc này, nhà văn đã thấm thía và cảm thông sâu sắc với bi kịch
tinh thần của người nông dân khi bị tha hóa. Bới sự thiếu thốn về vật chất có thể
dễ dàng vượt qua còn sự sự cô đơn và lạnh lẽo trong tâm hồn chính là bi kịch
lớn nhất của người nông dân. Và nếu như thị Nở không qua, chắc là hắn đã
khóc được mất.
Sau đêm trăng gió với thị Nở, Chí bị cảm, thị Nở thương tình, sau một đêm trằn
trọc suy nghĩ, thị đã chạy đi tìm gạo và nấu cháo hành mang sang cho Chí. Bát
cháo hành – tình người ấm nóng duy nhất còn sót lại nơi làng Vũ Đại khô khan
tình yêu thương với Chí Phèo. Khi đón nhận bát cháo hành đầu tiên của thị hắn
ngạc nhiên và xúc động mãnh liệt bởi chưa bao giờ hắn có được miếng ăn nào
mà không đánh phải đánh đổi, cướp giật hoặc doạ nạt người khác. Lần đầu tiên
hắn được chăm sóc bởi một người đán bà vì vậy “hắn thấy mắt mình ươn ướt”.
Chí Phèo chưa bao giờ ăn cháo, hôm nay hắn được thị Nở nấu cho ăn và thấy
“Cháo hành rất ngon”. Cháo hành ngon thế này sao hôm nay hắn mới được ăn?
Hắn tự hỏi rồi tự trả lời: Có ai nấu cho mà ăn đâu? Còn ai nấu cho mà ăn nữa?
Chi tiết này cho ta thấy trong Chí Phèo không chỉ thức dậy những cảm xúc mà
còn đang thức dậy những nhận thức. Hương vị của bát cháo hành đã giúp Chí
Phèo nhận thức 1 cách sâu sắc hoàn cảnh của mình: “Có ai nấu cho mà ăn đâu?”
Câu hỏi này gợi cho ta nhớ đến cuộc đời bất hạnh của Chí Phèo trong quá khứ,
từ nhỏ là một đứa trẻ bị bỏ rơi không cha không mẹ lớn lên thì bị bà Ba lợi dụng
rồi bị Lí Kiến đẩy vào tù, đến khi ra tù lại bị Bá Kiến tha hóa trở thành một con
quỷ dữ. “Còn ai nấu cho mà ăn nữa?”. Câu hỏi thể hiện một sự xót xa, đau đớn,
đến tận bây giờ, Chí Phèo vẫn không vợ không con, không mái ấm gia đình,
không ai chăm sóc. Vì vậy, ngay cả bát cháo hành đơn giản nhất mà đến tận
những ngày tháng cuối đời cuối đời mới được nếm được ăn. Chí Phèo đã luôn
khao khát có một bàn tay chăm sóc. Sau khi ăn cháo, Chí Phèo đã có những cảm
xúc và cảm nhận hết sức sâu sắc về tình người của thị Nở: “Hắn thấy lòng mình
như con trẻ. Hắn nuốn làm nũng với thị như với mẹ”. Đây là một sự so sánh đầy
xót xa của Nam Cao bởi Chí Phèo chưa bao giờ được mẹ chăm sóc, chưa bao
giờ biết mặt mẹ mình và chưa bao giờ biết được tình mẫu tử thiêng liêng vì vậy
trong tâm trí của Chí Phèo mẹ là người yêu thương, là người chở che, là người
chăm sóc mà những điều này hắn lại cảm nhận được từ thị Nở. Chí Phèo nghĩ
về thị Nở với một lời tự nhiên rất hóm hỉnh “Đàn bà không có men như rượu
mà làm người ta say”. Chí Phèo đang say thị Nở và biểu hiện “say “ này cũng
khẳng định ý thức của Chí Phèo đã quay trở lại hoàn toàn. Và quan trọng nhất
sự trở về của ý thức được thể hiện qua suy nghĩ hướng hiện của Chí Phèo: Trời
ơi! Hắn muốn làm người lương thiện… Chí Phèo thèm khát yêu thương, khát
khao làm người lương thiện và muốn sống hoà đồng với mọi người. Chí Phèo
hy vọng thị Nở sẽ là chiếc cầu nối, sẽ là người duy nhất đưa hắn trở về cộng
đồng làng Vũ Đại. Chí Phèo không chỉ khao khát làm người lương thiện mà
trong hành động của hắn cũng đã có sự hướng thiện, Chí cười nhiểu hơn, thay
đổi thói quen cố gắng uống thật ít rượu để có thể tỉnh táo mà yêu nhau. Thậm
chí Chí Phèo còn chân thành bày tỏ niềm hạnh phúc với thị Nở, hắn tỏ tình thị
Nở: “Giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ? Hay mình sang đây ở với tớ một nhà cho
vui”. Đây là lời tỏ tình vô cùng mộc mạc, chân thành nhưng chất chứa cảm giác
hạnh phúc mãnh liệt của Chí Phèo.
Nhà văn Chu Văn Sơn đã nhận định: “Chí Phèo là một kiệt tác, được viết bằng
một bút lực sung mãn và rất đều tay”. Quả đúng là như vậy, với nghệ thuật xây
dựng nhân vật điển hình, miêu tả tâm lý nhân vật sắc sảo, ngôn ngữ tự nhiên
sống động và giọng văn biến hoá linh hoạt, Nam Cao đã xuất sắc miêu tả diễn
biến tâm trạng của Chí Phèo sau khi gặp thị Nở, qua đó giúp người đọc cảm
nhận chiều sâu giá trị nhân đạo của tác phẩm: nhà văn không chỉ cảm thông cho
bi kịch của người nông dân trước cách mạng bị giai cấp thống trị đẩy vào con
đường bần cùng hóa, lưu manh hóa, mà còn phát hiện ra bản chất lương thiện
của người nông dân, bản chất đó không bị mất đi mà chỉ bị vùi lấp. Đặc biệt nhà
văn cũng ca ngợi giá trị của tình yêu thương sẽ nâng đỡ tâm hồn con người và
sẽ hướng con người đến những điều tốt đẹp nhất.

You might also like