You are on page 1of 32

BÀI 1: HỆ THỐNG NHÓM MÁU ABO

Mục tiêu:
1. Trình bày được một số đặc điểm của các kháng nguyên và kháng thể của hệ nhóm
máu ABO.
2. Trình bày được ý nghĩa lâm sàng của hệ nhóm máu ABO.
3. Trình bày được phản ứng kháng nguyên – kháng thể nhóm máu.

1.1. Lịch sử phát hiện


Năm 1900, nhà bác học Landsteiner đã phát hiện hệ nhóm máu ABO, đây là hệ nhóm
máu đầu tiên được phát hiện ở người và cũng là hệ nhóm máu đóng vai trò quan trọng nhất
trong thực hành truyền máu. Năm 1902, Decastello và Sturli phát hiện thêm nhóm máu thứ
tư là nhóm AB.
Hệ nhóm máu ABO có 4 nhóm máu chính là nhóm A, nhóm B, nhóm AB và nhóm
O. Những nhóm máu này có thể nhận biết được dựa vào sự có mặt hay không có mặt của
kháng nguyên A, kháng nguyên B trên bề mặt hồng cầu và sự có mặt hoặc không có mặt
của kháng thể kháng A, kháng thể kháng B trong huyết thanh.
Năm 1911, Dungern và Hirsfeid phát hiện nhóm máu A2
1.2. Đặc điểm của bốn nhóm máu chính hệ ABO
Bảng 1.1. Các nhóm máu hệ ABO
Kháng nguyên trên Kháng thể trong Tỷ lệ gặp ở người
Nhóm
bề mặt hồng cầu huyết thanh Việt Nam
A A Chống B 22,5
B B Chống A 29,6
Không có kháng
O Chống A và chống B 43,0
nguyên
Kháng nguyên A và Không có kháng thể
AB 5,9
kháng nguyên B chống A và chống B

Nhóm A: trên bề mặt hồng cầu có kháng nguyên A và trong huyết thanh có kháng thể
chống B.
Nhóm B: trên bề mặt hồng cầu có kháng nguyên B và trong huyết thanh có kháng thể
chống A.
1
Nhóm O: trên bề mặt hồng cầu không có kháng nguyên A và kháng nguyên B, trong
huyết thanh có kháng thể chống A và kháng thể chống B
Nhóm AB: trên bề mặt hồng cầu có cả kháng nguyên A và kháng nguyên B, trong
huyết thanh không có kháng thể chống A và kháng thể chống B.
Dựa vào những đặc điểm trên, người ta xác định nhóm máu của hệ ABO bằng hai
phương pháp:
- Phương pháp xác định kháng nguyên bằng huyết thanh mẫu (phương pháp Beth-
Vincent): dùng các kháng huyết thanh mẫu chống A, chống B, chống AB để xác định
kháng nguyên A, kháng nguyên B có trên bề mặt hồng cầu.
- Phương pháp xác định kháng thể bằng hồng cầu mẫu (phương pháp Simonin): dùng
hồng cầu mẫu A, hồng cầu mẫu B biết trước để xác định kháng thể chống A, kháng thể
chống B có trong huyết thanh.
Bảng 1.2. Tỷ lệ nhóm máu ABO ở một số nước trên thế giới.
Quốc gia O (%) A (%) B (%) AB (%)
Hoa Kỳ 31 50 13 6
Úc 37 44 13 6
Hà Lan 45 43 9 3
Pháp 43 47 7 3
Nhật Bản 30 38 22 10

1.3. Kháng nguyên hệ ABO


Kháng nguyên hệ ABO được quy định bởi các gen: A, B, O. Các gen này nằm trên
nhánh dài của nhiễm sắc thể số 9. Các nhóm máu hệ ABO được di truyền theo định luật
Mendel. Với các gen này chúng ta có các kiểu hình (phenotype) và các kiểu gen (genotype)
khác nhau.
1.3.1. Nhóm A1 và A2
Kháng nguyên A và B có một số biến thể như sau:
- Nhóm A1: chiếm 98% những người nhóm A ở Việt Nam.
+ Hồng cầu A1 bị ngưng kết mạnh bởi kháng thể chống A.
+ Hồng cầu A1 không bị ngưng kết với kháng thể chống H.
+ Nhóm A1 hoặc A1B có thể có kháng thể chống H trong huyết thanh.
- Nhóm A2: chiếm 2% những người nhóm A ở Việt Nam.

2
+ Hồng cầu A2 phản ứng ngưng kết kém hơn với kháng thể chống A.
+ Hồng cầu A2 bị ngưng kết với kháng thể chống H.
+ Nhóm A2 hoặc A2B có thể có kháng thể tự nhiên chống A1 ở trong huyết thanh
với tỉ lệ thấp khoảng 1%, nhưng khi nhận máu A1 vẫn có thể tạo miễn dịch và gây tai biến.
1.3.2. Nhóm B
Một số người có kháng nguyên B yếu chỉ ngưng kết một phần gây hiện tượng giả có
hai quần thể tế bào.
1.3.3. Kiểu hình Bombay
- Được phát hiện năm 1952 tại Bombay (Ấn Độ).
- Hồng cầu không có kháng nguyên A, B, H, do đó không bị ngưng kết với kháng thể
chống A, chống B, chống H.
- Trong huyết thanh có cả kháng thể chống A, chống B, chống H. Do đó nếu truyền
máu toàn phần nhóm máu O Bombay cho nhóm O bình thường có thể gây tai biến. Hiện
nay Việt Nam chưa gặp nhóm máu này.

Kháng nguyên H Kháng nguyên h

Hình 1.1. Sự biểu hiện kháng nguyên hệ ABH trên bề mặt hồng cầu.

1.3.4. Sự thay đổi kháng nguyên ABH trong cuộc sống và bệnh lý
Kháng nguyên A, B, H có mặt ở phôi thai 37 ngày và phát triển hoàn toàn khi 3 tuổi.
Sự có mặt hoặc vắng mặt kháng nguyên A và B trên hồng cầu của một người phụ thuộc vào
hệ thống gen nhiều alen theo qui luật Mendel. Cùng với tuổi, sự biểu hiện của kháng
3
nguyên hệ ABO còn phụ thuộc vào chủng tộc, tình trạng bệnh lý và sự tương tác với các
gen của nhóm máu khác như Lewis, Ii, P.
Kháng nguyên ABH ngoài có mặt trên hồng cầu còn có thể tìm thấy trên tế bào biểu
mô, tủy xương, thận, tinh trùng, tế bào lympho và tiểu cầu, những nghiên cứu gần đây cho
thấy không có kháng nguyên ABH trên bạch cầu hạt.
Bình thường kháng nguyên nhóm máu tồn tại suốt cuộc đời, tuy nhiên sự suy yếu của
kháng nguyên có thể gặp ở người già đặc biệt là kháng nguyên A.
Trong bệnh bạch cầu cấp dòng lympho hoặc u lympho, có hiện tượng suy giảm tính
kháng nguyên, kháng nguyên A không còn ngưng kết bởi anti A.
Trong bệnh nhân ung thư tụy, dạ dày, kháng nguyên hồng cầu không thay đổi nhưng
có quá nhiều chất giống với kháng nguyên ABH nên đã trung hòa kháng thể. Do đó không
phát hiện được sự ngưng kết.
1.4. Kháng thể hệ ABO
Dựa vào nguồn gốc xuất hiện, có 2 loại: kháng thể tự nhiên và kháng thể miễn dịch.
1.4.1. Kháng thể tự nhiên
Đây là những kháng thể xuất hiện từ khi đứa trẻ mới chào đời, không thông qua một
quá trình miễn dịch rõ ràng. Kháng thể tự nhiên chống A, chống B của hệ nhóm máu ABO
xuất hiện khá sớm bắt đầu ở tuần thứ 5 – 6 của bào thai, sau đó hoàn thiện dần và có hiệu
lực sau khi sinh. Ở trẻ sơ sinh kháng thể này yếu chưa phát hiện được cho đến khi trẻ được
3 tháng tuổi. Khi trẻ được 5 – 6 tuổi, sự sản xuất kháng thể ở mức độ cao nhất sau đó giảm
dần theo thời gian. Do đó khi tiến hành định nhóm máu ở trẻ sơ sinh kết quả chủ yếu dựa
vào định nhóm máu bằng phương pháp huyết thanh mẫu. Người già thường có chuẩn độ
kháng thể thấp nên cũng khó phát hiện được.
Kháng thể chống A, chống B tự nhiên thuộc loại kháng thể ngưng kết. Bản chất là
IgM, nhiệt độ hoạt động ở thích hợp là 4 0C, bị trung hòa khi đun nóng ở 70 0C, bị hút bởi
các chất A và B hòa tan, không truyền qua nhau thai, có khả năng kết hợp và hoạt hóa bổ
thể mạnh.
Ngoài huyết thanh, kháng thể còn hiện diện trong dịch tiết: nước bọt, nước mắt, sữa,
dịch màng bụng…
Do những đặc điểm trên, kháng thể tự nhiên hệ ABO là những kháng thể gây ngưng
kết mạnh, làm tan hồng cầu mang kháng nguyên tương ứng, hậu quả là gây nên những tai

4
biến tiêu huyết trầm trọng trong lòng mạch, có thể đưa đến tử vong. Trong thực hành
truyền máu tuyệt đối không để xảy ra những phản ứng này.

Hình 1.2. Kháng thể kết hợp với kháng nguyên tương ứng trên hồng cầu làm vỡ
hồng cầu.

1.4.2. Kháng thể miễn dịch


Kháng thể miễn dịch được tạo ra do một kích thích miễn dịch:
- Miễn dịch đồng loại:
+ Bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con (ví dụ: mẹ nhóm máu O, con nhóm máu A,
B, hoặc AB).
+ Truyền máu nhầm nhóm, ví dụ truyền hồng cầu nhóm A, B hay AB cho nhóm
máu O. Kháng thể miễn dịch xuất hiện 8 – 15 ngày sau khi kích thích.
- Miễn dịch khác loại: khi tiếp xúc với các sinh phẩm có nguồn gốc động vật, thực
vật, các huyết thanh (kháng bạch hầu, uốn ván) cơ thể sẽ tạo ra kháng thể miễn dịch.
Truyền huyết tương hay kết tủa lạnh có chứa chất A hay B có thể gây miễn dịch tạo
kháng thể tương ứng.
Bản chất kháng thể miễn dịch thường là IgG, có thể lọt qua hàng rào nhau thai, hoạt
động tốt nhất ở 370C, không bị hủy ở 700C, có thể kết hợp bổ thể và gây tan máu.
Người có nhóm máu O vừa có kháng thể tự nhiên vừa có kháng thể miễn dịch có
nồng độ cao được gọi là người có nhóm máu “O nguy hiểm”.
Bảng 1.3: So sánh các đặc tính của kháng thể chống A, B tự nhiên và miễn dịch.
Đặc tính Kháng thể chống A, B Kháng thể chống A, B
tự nhiên. miễn dịch.
Bản chất hóa học IgM IgG
Qua hàng rào nhau thai Không Có
Phản ứng ở nhiệt độ 40C (+) (-)
Phản ứng ở nhiệt độ 370C (+) (+++)
Phản ứng trong môi trường albumin (+) (+++)
Phản ứng trong môi trường nước (+) (-)

5
muối, nhiệt độ phòng.
Bị ức chế bởi kháng nguyên hòa tan Có Không
Thời gian tồn tại Suốt đời Nồng độ giảm dần nếu
không tái miễn dịch.

1.4.3. Kháng thể chống H


Loại kháng thể này rất hiếm gặp và có hoạt tính yếu. Vì thế kháng thể chống H chỉ
đáng kể trong nhóm O Bombay (Oh).
Nó có phạm vi hoạt động rộng ở các nhiệt độ từ 40C – 370C và có thể gây ngưng kết
với mọi loại hồng cầu, ngưng kết mạnh với hồng cầu O, trừ Oh.
Người có nhóm máu Oh chỉ được nhận máu truyền của người cho là nhóm Oh. Nước
ta chưa phát hiện thấy trường hợp nào mang nhóm máu này.
1.5. Ý nghĩa lâm sàng của hệ nhóm máu ABO
Ngay từ khi phát hiện ra nhóm máu ABO người ta đã đưa ra sơ đồ truyền máu sau
(gọi là sơ đồ truyền máu cổ điển):

O
AB

B
Hình 1.3. Sơ đồ truyền máu cổ điển

Nhìn vào sơ đồ trên ta thấy quy tắc truyền máu cố điển là:
- Chỉ truyền máu được khi kháng thể người nhận (huyết thanh người nhận) không gây
ngưng kết hồng cầu người cho. Ngược lại, không truyền máu được khi kháng thể người
nhận gây ngưng kết hồng cầu người cho. Máu truyền được được coi là máu hoà hợp.
Ngày nay, để truyền máu an toàn cần tuân theo quy định sau:
- Truyền máu cùng nhóm là tốt nhất.
- Truyền máu theo quy tắc truyền máu cổ điển, không áp dụng chi truyền máu khối
lượng lớn.

6
- Truyền máu theo nguyên tắc cổ điển nhưng loại bớt huyết tương, trong trường hợp
này độ an toàn cao hơn cả khi truyền máu khối lượng lớn.
Ngoài bất đồng về kháng nguyên – kháng thể tự nhiên, ta còn lưu ý phát hiện kháng
thể bất thường chống hồng cầu như tự kháng thể. Đây thường là kháng thể thiếu đã phản
ứng trên bề mặt hồng cầu nhưng không gây ngưng kết hồng cầu. Có thể phát hiện bằng
nghiệm pháp Coombs.
1.6. Phản ứng kháng nguyên và kháng thể nhóm máu
Phản ứng kháng nguyên – kháng thể là phản ứng giữa các kháng thể nhóm máu có
trong huyết thanh/ huyết tương với kháng nguyên tương ứng có trên bề mặt hồng cầu.
1.6.1. Phản ứng trong cơ thể
Ở trong cơ thể, kháng thể gắn với kháng nguyên trên bề mặt hồng cầu dẫn đến hậu
quả sau:
- Ngưng kết hồng cầu, phá vỡ hồng cầu trong lòng mạch.
- Cố định lên hồng cầu, với sự tham gia của bổ thể sẽ gây vỡ hồng cầu.
- Cố định lên hồng cầu, làm biến đổi
màng hồng cầu, sau đó những hồng cầu này
sẽ bị tiêu diệt bởi các thực bào của hệ liên
võng ở gan, lách.
1.6.2. Phản ứng trong ống nghiệm
Trong ống nghiệm, phản ứng kháng
nguyên – kháng thể biểu hiện dưới 3 hình
thức:
- Sự ngưng kết: các kháng thể kết với Hình 1.4. Phản ứng ngưng kết hồng cầu
kháng nguyên hiện diện trên bề mặt hồng cầu
làm hồng cầu tụ lại thành từng đám. Kháng thể loại IgM có thể tạo cầu nối trực tiếp nối các
hồng cầu nằm ngay sát nhau, kết quả là tạo ra sự ngưng kết.
- Sự cảm nhiễm: loại kháng thể có bản chất là IgG có khả năng phản ứng với các
kháng nguyên có trên bề mặt hồng cầu nhưng không đủ khả năng gây ngưng kết nên phức
hợp kháng nguyên – kháng thể này không nhìn thấy được bằng mắt thường. Những hồng
cầu đã được cảm nhiễm này có thể tạo thành đám ngưng kết khi có mặt của một kháng-
kháng thể (anti globulin) làm cầu nối giữa những hồng cầu đã được cảm nhiễm.

7
- Phản ứng tan máu (phản ứng kết hợp bổ thể): kháng thể kết hợp với kháng nguyên
trên bề mặt hồng cầu với sự có mặt của bổ thể gây tan hồng cầu.
1.6.3. Những yếu tố ảnh hưởng đến phản ứng kháng nguyên - kháng thể
- Loại kháng thể: các loại kháng thể khác nhau sẽ tạo ra các loại phản ứng kháng
nguyên – kháng thể khác nhau: kháng thể loại IgM, có khả năng gây ngưng kết hồng cầu
trong môi trường nước muối, trong khi đó kháng thể IgG chỉ có khả năng gây cảm nhiễm
hồng cầu trong môi trường nước muối mà không gây ngưng kết.
- Vị trí của kháng nguyên: một số kháng nguyên (ví dụ kháng nguyên A và B) nhô ra
khỏi bề mặt hồng cầu xa hơn các kháng nguyên khác (như kháng nguyên của nhóm máu
Rh) nên khả năng kết hợp với kháng thể cao hơn.
- Số lượng kháng nguyên: trên bề mặt hồng cầu nếu có một lượng lớn kháng nguyên
sẽ giúp cho kháng thể kết hợp với các kháng nguyên một cách dễ dàng hơn so với những
hồng cầu có thưa thớt kháng nguyên.
- Mức độ tương thích: cần một tỷ lệ thích hợp giữa kháng nguyên và kháng thể để
phản ứng xảy ra rõ hơn. Nếu kháng thể yếu so với kháng nguyên (thừa kháng nguyên):
phản ứng không xảy ra; ngược lại, quá thừa kháng thể thì phản ứng ngưng kết cũng không
thực hiện được. Do đó, việc chuẩn bị dịch treo hồng cầu thích hợp là điều quan trọng khi
thực hiện các xét nghiệm. Dịch treo hồng cầu thích hợp nhất cho các phản ứng ngưng kết là
từ 2 – 4%.
- Ảnh hưởng của nhiệt độ: những kháng thể lạnh (có bản chất là IgM) hoạt động tốt ở
nhiệt độ 4 – 220C, kháng thể nóng (có bản chất là IgG) hoạt động tốt nhất ở 370C.
- pH: pH thích hợp nhất cho phản ứng kháng nguyên – kháng thể xảy ra là 6,5– 7,0.
- Nồng độ kháng nguyên – kháng thể.
- Số lượng các vị trí gắn kháng nguyên của kháng thể: kháng thể loại IgM có 10 vị trí
gắn kháng nguyên, trong khi đó kháng thể loại IgG chỉ có 2 vị trí gắn kháng nguyên.

LƯỢNG GIÁ CUỐI BÀI


Chọn câu đúng nhất
Câu 1: Anti B có ở huyết thanh ở người:
A. Nhóm máu A, AB. B. Nhóm máu A, O.
C. Nhóm máu A, B. D. Nhóm máu B, O.
E. Nhóm máu A, O, AB.

8
Câu 2: Nhóm máu không có anti A là:
A. Nhóm máu A, AB. B. Nhóm máu A, O.
C. Nhóm máu A, B. D. Nhóm máu B, O.
E. Nhóm A, AB, O.
Câu 3: Kháng thể tự nhiên KHÔNG có đặc điểm sau:
A. Hoạt động tốt ở 40C. B. Qua được màng rau thai.
C. Tồn tại suốt đời. D. Bản chất hóa học IgM.
E. Hoạt động ở 370C.
Câu 4: Máu có thể truyền được cho người nhóm máu O là:
A. Nhóm máu A. B. Nhóm máu B.
C. Nhóm máu AB. D. Nhóm máu O.
E. Nhóm máu A, B, AB và O.
Câu 5: Ở người Việt Nam, nhóm máu AB chiếm khoảng:
A. 20% trong hệ ABO. B. 5,9% trong hệ ABO.
C. 45% trong hệ ABO. D. 29% trong hệ ABO.
E. 0.06% trong hệ ABO.
Câu 6: Nhóm máu O có đặc điểm:
A. Có kháng nguyên A trên bề mặt hồng cầu. Có anti A, anti B trong huyết thanh.
B. Có kháng nguyên A và B trên bề mặt hồng cầu. Không có anti A, anti B trong
huyết thanh.
C. Không có kháng nguyên A và B trên bề mặt hồng cầu. Có anti A, anti B trong
huyết thanh.
D. Không có kháng nguyên A và B trên bề mặt hồng cầu. Có anti A trong huyết
thanh.
E. Không có kháng nguyên A, B và H trên bề mặt hồng cầu. Có anti A và anti B
trong huyết thanh.
Câu 7: Kháng thể miễn dịch hệ ABO có đặc điểm sau đây, NGOẠI TRỪ:
A. Được xếp vào kháng thể lạnh.
B. Thuộc lớp IgG.
C. Qua được nhau thai.
D. Nồng độ giảm dần theo thời gian nếu không tái miễn dịch.
E. Không phản ứng trong môi trường nước muối.

9
Câu 8: Nguyên tắc vàng trong truyền máu cổ điển là (theo sơ đồ của Landsteiner):
A. Không truyền máu khi kháng thể người cho ngưng kết với kháng nguyên người
nhận.

B. Không truyền máu khi kháng thể người nhận ngưng kết với kháng nguyên người
cho.

C. Không truyền máu khi kháng thể người nhận ngưng kết với kháng nguyên người
cho và kháng thể người cho ngưng kết với kháng nguyên người nhận.
D. Chỉ truyền máu khi cả người cho và người nhận có cùng một nhóm máu.
E. Chỉ truyền máu khi có nhóm máu O để truyền.
Câu 9: Bố có nhóm máu A, mẹ có nhóm máu O có thể sinh con có nhóm máu nào sau
đây:
A. Nhóm máu A,B, AB hoặc O. B. Nhóm máu B hoặc O.
C. Nhóm máu A, B hoặc O. D. Nhóm máu A hoặc B.
E. Nhóm máu A hoặc O.
Câu 10: Phản ứng kháng nguyên – kháng thể hệ ABO phụ thuộc vào các yếu tố nào
sau đây:
1. Loại kháng thể
2. pH
3. Nồng độ kháng nguyên – kháng thể.
4. Số lượng các vị trí gắn kháng nguyên của kháng thể
5. Nhóm máu
A. 1, 2, 3, 4, 5. B. 2, 3, 4, 5.
C. 1, 2, 3, 4. D. 1, 2, 4.
E. 2, 3, 4.

10
BÀI 2: HỆ THỐNG NHÓM MÁU Rh
VÀ MỘT SỐ HỆ NHÓM MÁU KHÁC
Mục tiêu:
1. Trình bày được các đặc điểm của kháng nguyên và kháng thể của hệ nhóm máu Rh.
2. Liệt kê được một số hệ nhóm máu khác của hồng cầu ngoài hệ ABO và Rh.

2.1. Hệ nhóm máu Rhesus


2.1.1. Lịch sử phát hiện
Năm 1940, Landsteiner và Wiener dùng máu khỉ Macacus Rhesus tiêm cho thỏ đã
thu được kháng thể chống hồng cầu khỉ. Kháng thể này gây ngưng kết hồng cầu khỉ đồng
thời làm ngưng kết 85% mẫu máu của người da trắng. Người có hồng cầu bị ngưng kết với
kháng thể chống Rhesus (Rh) được gọi là người có nhóm máu Rh dương, người có hồng
cầu không bị ngưng kết với kháng thể chống Rh gọi là người có nhóm máu Rh âm.
Ngày nay người ta đã chứng minh kháng thể miễn dịch ở thỏ không giống kháng thể
miễn dịch ở người. Kháng thể miễn dịch ở thỏ xác định kháng nguyên LW còn kháng thể
miễn dịch ở người xác định kháng nguyên D.
Nhóm máu hệ Rh là hệ nhóm máu phức tạp nhất, có khoảng 50 kháng nguyên khác
nhau, cùng với hệ ABO nó có vai trò quan trọng trong truyền máu. Tuy nhiên 5 kháng
nguyên quan trọng nhất của hệ là D, C, E, c, e. Các kháng nguyên hệ Rh là các protein, các
kháng nguyên này được trãi rộng trên màng hồng cầu.
2.1.2. Kháng nguyên Rh
Kháng nguyên Rh là một polypeptide xuyên màng và là một phần của màng hồng
cầu, xuất hiện trên hồng cầu từ tuần thứ sáu của thai kỳ và duy trì suốt đời.
Hệ thống nhóm máu Rh không phụ thuộc vào hệ nhóm máu ABO, di truyền tuân theo
định luật của Mendel.
Hệ Rh có 6 kháng nguyên là C, c, D, d, E, e và được mã hóa bởi các gen RhD (mã
hóa kháng nguyên D) và RhCE (mã hóa cho các kháng nguyên CE, Ce, cE, ce). Tuy nhiên
trên thực tế người ta chưa xác định được kháng nguyên và kháng thể kháng d.
Người có kháng nguyên D được gọi là người có nhóm máu Rh dương. Người không
có kháng nguyên D được coi là người có nhóm máu Rh âm.
- Khi một người không có một trong các kháng nguyên của hệ Rh được nhận máu
có các kháng nguyên của hệ Rh thì sẽ sinh miễn dịch và gây tai biến ở truyền máu lần sau.
11
- Kháng nguyên D có ý nghĩa quan trọng nhất. Người có nhóm máu Rh (D) âm
nhận Rh (D) dương sẽ sinh kháng thể chống lại kháng nguyên D. Kháng nguyên D là kháng
nguyên có tính sinh miễn dịch mạnh nhất trong hệ nhóm máu Rh.
Ở người Việt Nam Rh dương chiếm khoảng 99,9% còn Rh âm chiếm khoảng 0.01%
còn người da trắng tỉ lệ Rh dương chiếm khoảng 85% và Rh âm chiếm khoảng 15%.
2.1.3. Các biến thể của kháng nguyên D
2.1.3.1. Kháng nguyên Du
Bình thường tế bào hồng cầu Rh (D) dương ngưng kết rõ với kháng thể chống D và
hồng cầu Rh (D) âm thì không ngưng kết với kháng thể chống D. Kháng nguyên D u là biến
thể yếu của kháng nguyên D, còn gọi là kháng nguyên D từng phần hoặc kháng nguyên D
không đầy đủ.
Trong thực hành truyền máu cần lưu ý:
- Kháng nguyên Du có thể gây miễn dịch cho người D âm, do vậy trong thực hành
truyền máu, bệnh nhân có nhóm máu D âm hay Du hoặc D từng phần đều được coi là những
người có nhóm máu Rh (D) âm và đều phải được nhận máu Rh (D) âm. Tuy nhiên ở người
cho máu thì người có nhóm máu Rh (D) yếu hoặc D từng phần vẫn phải coi là những người
có nhóm máu Rh (D) dương.
- Bào thai Du có thể gây miễn dịch cho người mẹ có nhóm máu Rh (D) âm.
2.1.3.2. Kháng nguyên D từng phần
- Ở một số người có nhóm máu Rh (D) dương nhưng vẫn sản xuất ra kháng thể chống
D đồng loài, những người này do vắng mặt một số epitope của kháng nguyên D do vậy
thiếu một phần kháng nguyên D và được gọi là D từng phần.
- Trong thực hành truyền máu một số hồng cầu phản ứng mạnh, một số hồng cầu
phản ứng yếu hơn hoặc không phản ứng với các loại thuốc thử anti D.
2.1.4.Kháng thể hệ Rh
Hệ thống Rh hầu hết là kháng thể miễn dịch , rất hiếm gặp kháng thể tự nhiên. Kháng
thể Rh xuất hiện do bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con (mẹ Rh âm và con Rh dương) hoặc
do truyền máu khác nhóm Rh (người cho Rh dương, người nhận nhóm máu Rh âm).
Kháng thể Rh chủ yếu là IgG, hoạt động tối ưu ở 37 0C. Kháng thể Rh tồn tại nhiều
năm trong cơ thể. Kháng thể Rh kết hợp với bổ thể yếu do đó sự phá hủy hồng cầu chủ yếu
ở ngoại mạch. Kháng thể Rh có thể qua nhau thai nên có thể gây bệnh thiếu máu tan máu ở
trẻ sơ sinh.

12
Kháng thể Rh được phát hiện bằng kỹ thuật dùng men, nghiệm pháp Coombs.
2.2. Các hệ thống nhóm máu khác của hồng cầu
2.2.1. Hệ nhóm máu Kell
Hệ Kell là hệ nhóm máu khá phức tạp được Coombs, Mourant và Race phát hiện năm
1946. Gồm có 21 kháng nguyên và kháng nguyên Kx có liên quan đến việc biểu hiện kháng
nguyên K. Kháng nguyên K có tính sinh miễn dịch khá mạnh.
Kháng thể kháng K là kháng thể miễn dịch và là kháng thể bất thường phổ biến sau
hệ Rh, có bản chất là IgG nên có thể lọt qua hàng rào nhau thai và hoạt hóa bổ thể. Kháng
thể được hình thành do truyền máu hay có thai bất đồng nhóm máu gây vàng da tan máu ở
trẻ sơ sinh.
2.2.2. Hệ nhóm máu Kidd
Năm 1951, Allen và cộng sự đã phát hiện một kháng thể đặc hiệu chống lại kháng
nguyên Jka. Năm 1953, Plaut phát hiện thêm kháng thể kháng kháng nguyên Jkb.
Kháng nguyên Kidd có tính sinh miễn dịch thấp Jka là 0,1 % và kháng nguyên Jkb là
0,03%.
Kháng thể hệ Kidd có bản chất là IgG và cũng được sinh ra do quá trình miễn dịch.
Kháng thể hệ Kidd là kháng thể yếu, ít gây tan máu ở trẻ sơ sinh, nếu có thì cũng gây tan
máu nhẹ, gây ra phản ứng tan máu muộn.
2.2.3. Hệ nhóm máu Duffy
Năm 1950, Cutbush và cộng sự đã phát hiện một kháng thể không bình thường trong
huyết thanh của bệnh nhân Hemophilia được truyền máu nhiều lần, kháng thể này đặc hiệu
với kháng nguyên FYa. Năm 1951 Ikin phát hiện thêm kháng nguyên Fyb, sau đó lần lượt
phát hiện thêm 4 kháng nguyên Fy3, Fy4, Fy5, Fy6.
Kháng thể của hệ Duffy là kháng thể miễn dịch, có bản chất là IgG, có thể lọt qua
hàng rào nhau thai, thường xuất hiện sau khi truyền máu hoặc có thai nhiều lần. Gây phản
ứng tan máu muộn. Thường gây phản ứng nhẹ, tuy nhiên đôi khi cũng gây tai biến nặng nề.
2.2.4. Hệ nhóm máu Lewis
Năm 1946, Mourant phát hiện một kháng thể gây ngưng kết 20% hồng cầu của số
người được thử và không liên quan đến nhóm máu ABO và đặt tên là Le a. Năm 1948,
Andersen phát hiện có một kháng thể đối lập với kháng nguyên Lea và đặt tên là Leb.
Kháng thể chống Lea và Leb là kháng thể tự nhiên, thường là IgM, thích hợp hoạt
động ở 40C, gắn bổ thể và gây tan máu nhưng hiệu giá thấp nên ít gây tai biến truyền máu.

13
2.2.5. Hệ nhóm máu MNS
Năm 1927, Landsteiner và Levine tiến hành miễn dịch bằng cách tiêm hồng cầu
người cho thỏ và đã phát hiện hai kháng thể chống M và N làm ngưng kết khoảng 50%
hồng cầu người.
Năm 1947, Walsh và Montgomery phát hiện thêm một kháng nguyên hồng cầu mới
đặt tên là S.
Năm 1951, Levine phát hiện thêm một kháng nguyên s của hệ nhóm máu này. Các
kháng nguyên này có sự liên hệ chặt chẽ với nhau, các gen qui định nhóm máu này nằm
trên cùng một nhiễm sắc thể.
Kháng thể M, N: là kháng thể đủ, có bản chất là IgM, ít gặp kháng thể M, N loại miễn
dịch.
Kháng thể S, s: là kháng thể miễn dịch, có bản chất là IgG, được sinh ra sau truyền
máu không hòa hợp hoặc do bất đồng nhóm máu mẹ con.

LƯỢNG GIÁ CUỐI BÀI


Chọn câu đúng nhất
Câu 1: Gọi là nhóm máu Rh(+) khi:
2.2.5.1. Có kháng nguyên D trên hồng cầu.
2.2.5.2. Có kháng nguyên D trong huyết thanh.
2.2.5.3. Có anti D trong huyết thanh.
2.2.5.4. Có anti D trên hồng cầu
2.2.5.5. Có kháng nguyên H trên màng hồng cầu.
Câu 2: Ở Việt Nam, tỷ lệ người mang Rh(+) chiếm:
A. 0,07%. B. 4,5%.
C. 45%. D. 99,93%.
E. 21%.
Câu 3: Hệ nhóm máu Rh được di truyền theo quy luật nào sau đây:
A. quy luật của Morgan.
B. quy luật gen lặn nằm trên nhiễm sắc thể giới tính X.
C. quy luật gen lặn nằm trên nhiễm sắc thể giới tính Y.
D. quy luật đồng trội.
E. quy luật phân ly độc lập của Meldel.

14
Câu 4: Nói về hệ nhóm máu Rh, câu nào sau đây ĐÚNG:
A. Người có nhóm máu Rh(-) là người luôn có anti D trong huyết thanh.
B. Người có nhóm máu Rh(+) không gây ngưng kết với anti D.
C. Hệ Rh di truyền theo quy luật của Morgan.
D. Hệ Rh hoàn toàn độc lập với hệ ABO.
E. Trong hệ kháng nguyên Rh, gen E là quan trọng nhất.
Câu 5: Mẹ có nhóm máu Rh(-) (chưa tiếp xúc với nhóm máu Rh+ lần nào) khi mang
thai con có Rh(+), phản ứng miễn dịch làm vỡ hồng cầu ở trẻ thường xảy ra:
A. Thường xảy ra từ lần mang thai thứ 2 trở đi.
B. Ngay từ lần mang thai đầu tiên.
C. Chỉ xảy ra ở lần mang thai thứ 2.
D. Không thể xảy ra phản ứng miễn dịch.
E. Bất cứ khi nào có thai.

15
BÀI 3: HỆ THỐNG KHÁNG NGUYÊN BẠCH CẦU – TIỂU CẦU
Mục tiêu:
1. Trình bày được các đặc điểm hệ thống kháng nguyên bạch cầu người và các ứng
dụng lâm sàng của nó.
2. Trình bày được các đặc điểm của hệ kháng nguyên tiểu cầu.

3.1. Hệ thống kháng nguyên bạch cầu người (Human Leucocyte Antigen)
3.1.1. Lịch sử phát hiện
Năm 1936, khi nghiên cứu ghép da ở chuột, Gorer đã phát hiện phản ứng thải ghép da
là do các phân tử mang tính cá thể gây nên, các phân tử này có ở trên bề mặt của các tế bào
lympho và các phân tử này được gọi là các kháng nguyên tương đồng tổ chức chủ yếu
(Major Histocompatibility Antigen Complex: MHC).
Năm 1950, J.Dausset và H.Payne nhận thấy trong huyết thanh của bệnh nhân đã được
truyền máu nhiều lần và phụ nữ đẻ nhiều lần có thể gây ngưng kết các tế bào bạch cầu và
ông cho rằng trên bề mặt bạch cầu có các kháng nguyên tương ứng với các kháng thể trên
và đặt tên là các kháng nguyên bạch cầu.
Năm 1958, J.Dausset và cộng sự đã phát hiện vùng di truyền của các kháng nguyên
bạch cầu nằm trên nhiễm sắc thể số 6. Ở người các kháng nguyên bạch cầu có mặt chủ yếu
trên bề mặt bạch cầu nên được gọi là kháng nguyên bạch cầu người (Human Leucocyte
Antigen).
Năm 1980, J.Dausset nhận thấy có một số bệnh tật có liên quan đến các kháng
nguyên bạch cầu, một số bệnh thường xảy ra ở những người có kháng nguyên bạch cầu
nhất định. Với những phát minh vĩ đại về kháng nguyên của bạch cầu và những ứng dụng
của nó trong lĩnh vực ghép và lâm sàng, ông được nhận Nobel năm 2008.
3.1.2. Kháng nguyên hệ HLA
Các gen qui định các kháng nguyên của hệ HLA nằm ở phần nhánh ngắn của nhiễm
sắc thể số 6.
Kháng nguyên HLA chủ yếu có trên bề mặt các tế bào bạch cầu. Kháng nguyên của
hệ HLA được chia làm 3 lớp : I, II, III. Kháng nguyên HLA lớp I có mặt ở tất cả tế bào có
nhân và tiểu cầu còn kháng nguyên HLA II có mặt trên tế bào mono, đại thực bào, lympho
T hoạt hóa.

16
3.1.2.1. Cấu trúc phân tử của các kháng nguyên bạch cầu
Lớp I:
- Có nhiều nhóm khác nhau như: A, B. C, E, F, G, J…
- Mỗi nhóm của lớp I có số lượng gen khác nhau. Hiện nay người ta đã phát hiện
nhóm A gồm 27 gen, nhóm B có 58 gen, nhóm C có 10 gen…
- Các HLA I thường có cấu trúc là glycoprotein màng, có trọng lượng phân tử là 55
kd và gồm khoảng 345 acid amin.
- Phân tử HLA I được cấu tạo gồm 2 chuỗi α và β. Chuỗi α còn được gọi là chuỗi
nặng và chuỗi β là chuỗi nhẹ (micro β globulin).
Lớp II:
- Lớp này được chia thành các nhóm như: DR, DQ, DO, DN, DM, DP.
- Mỗi nhóm của lớp II cũng có số lượng gen khác nhau: nhóm DR gồm 24 gen, nhóm
DQ có 9 gen, nhóm DP có 6 gen…
- Phân tử HLA II cũng được cấu tạo gồm 2 chuỗi α và β nhưng 2 chuỗi này có cấu
trúc tương tự nhau và thường có trọng lượng phân tử là 34.000 dalton và gồm khoảng 85 –
88 acid amin.
- Chuỗi peptid α và β của HLA II đều gồm 3 phần: phần nằm trên màng tế bào, phần
xuyên qua màng tế bào và phần nằm trong bào tương.
Bảng 3.1. Một số đặc điểm và phân bố gen HLA trong cơ thể.
Kháng nguyên Lớp I Lớp II
HLA – A, B, C HLA – DR, DQ, DP
Phân bố trên các tế bào - Tất cả tế bào có nhân. Tế bào mono, đại thực bào,
- Tiểu cầu lympho T hoạt hoá
Cấu trúc - Chuỗi peptid lớn α. Hai chuỗi peptid α và β
- Chuỗi peptid nhỏ β. tương đương nhau.
Quan hệ phân tử với các tế - Lympho. - Lympho T CD4.
bào - Lympho hỗn hợp.
3.1.2.2. Chức năng của các kháng nguyên bạch cầu
- Lớp I
+ Kháng nguyên bạch cầu lớp I có chức năng hoạt hóa tế bào lympho T gây độc
(Lympho T- CD8), trực tiếp tham gia phản ứng trung gian tế bào, tiêu diệt tế bào đích có
kháng nguyên lạ đặc hiệu.

17
+ Kháng nguyên bạch cầu lớp I có khả năng tiêu diệt tế bào mang virus.
- Lớp II
+ Kháng nguyên bạch cầu lớp II tham gia hoạt hóa tế bào trình diện kháng
nguyên.

+ Tạo ra các cytokine.


+ Khuếch đại phản ứng miễn dịch của cơ thể.
3.1.3. Kháng thể hệ HLA
Kháng thể hệ HLA xuất hiện ở người truyền máu nhiều lần, phụ nữ có thai nhiều lần.
Bản chất kháng thể thường là những IgG, xuyên qua nhau thai gây chứng giảm bạch
cầu và tiểu cầu ở trẻ sơ sinh.
Ở người đã truyền máu nhiều lần, xuất hiện kháng thể kháng HLA tương ứng với
kháng nguyên bạch cầu và tiểu cầu của túi máu gây phản ứng sốt, rét run khi truyền máu.
Trong thực hành ghép tổ chức, người ta phải xác định kiểu hình của cơ thể người
nhận, sau đó tìm người cho có kiểu hình giống với người nhận để ghép (càng giống nhiều
càng tốt).
3.1.4. Ứng dụng lâm sàng
3.1.4.1. HLA và truyền máu
Truyền tiểu cầu và bạch cầu phù hợp nhóm HLA: người ta chọn người cho tiểu cầu là
anh, chị, em ruột trong gia đình với bệnh nhân để giảm phản ứng miễn dịch đối với các
kháng nguyên bạch cầu, tiểu cầu.
Phản ứng truyền máu gây tan máu: nguyên nhân là do truyền máu mà không định
nhóm HLA sẽ gây độc bạch cầu, làm giảm bạch cầu.
Bệnh phổi cấp sau truyền máu: kháng nguyên bạch cầu người cho khi vào trong cơ
thể của người nhận sẽ kích thích người nhận sinh kháng thể chống bạch cầu, tiểu cầu. Ở
những lần truyền máu sau, kháng thể đồng loại đặc hiệu hoặc chống bạch cầu và tiểu cầu có
sẵn trong máu người bệnh sẽ kết hợp với kháng nguyên đặc hiệu của người cho và sẽ tạo
phức hợp kháng nguyên – kháng thể đặc hiệu, phức hợp miễn dịch này sẽ làm ngưng tập
bạch cầu và tiểu cầu tại vi mạch phổi, giải phóng ra các chất hoạt mạch, tăng tính thấm
thành mạch, thoát huyết tương và tế bào máu gây phù phổi cấp.
3.1.4.2. Bệnh ghép chống túc chủ sau truyền máu
Do các lympho trưởng thành của người cho máu khi truyền vào cơ thể những bệnh
nhân suy giảm miễn dịch. Các lympho này sẽ phản ứng với kháng nguyên bạch cầu của
18
người nhận và hoạt hóa các tế bào lympho TCD8 và TCD4, sản xuất ra các cytokine và gây
hủy hoại tổ chức của người nhận.
3.1.4.3. HLA và ghép tủy
Ghép tủy cần xác định được người cho phù hợp nhóm máu hệ ABO và hệ HLA.
Ghép thận cần chú ý phù hợp nhóm máu ABO, hệ HLA-A, B, DR.
3.1.4.4. HLA và bệnh lý
Một số gen HLA có liên quan đến các bệnh lý, có một số bệnh thường gặp ở một số
người có gen tương ứng vì vậy nhóm máu hệ bạch cầu đã được đưa vào để nghiên cứu về
dịch tể bệnh. Kết quả nghiên cứu cho thấy:
- Ở những bệnh nhân bị bệnh viêm cột sống dính khớp thường có nhóm máu HLA-
B27 (Những người mắc bệnh có tới 90% có nhóm máu HLA-B27).
- Ở những bệnh nhân bị bệnh thấp khớp thường có nhóm máu HLA – DW4, HLA –
DW14.

- Ở những bệnh nhân bị lupus ban đỏ, thường gặp nhóm máu HLA – DR2 (3%).
- Ở những bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường, thường gặp nhóm máu HLA – DQW8.
- Ở những bệnh nhân bị bệnh nhược cơ, thường gặp nhóm máu HLA – DR3.
3.2. Hệ kháng nguyên tiểu cầu
3.2.1. Kháng nguyên đặc hiệu của tiểu cầu người
Kháng nguyên đặc hiệu của tiểu cầu người (Human Platelet Antigen: HPA) có cấu
trúc Glycoprotein (GP).
Chức năng : liên quan đến khả năng “dính” của tiểu cầu.
Hệ HPA gồm có:
- HPA – 1 (GPIIa) gồm 2 kháng nguyên:
+ HPA – 1a: 85%.
+ HPA – 1b: 15%.
- HPA – 2 (GPIb) gồm 2 kháng nguyên:
+ HPA – 2a: 99,3%.
+ HPA – 2b: 0,7%.
- HPA – 3 (GPIIb) gồm 2 kháng nguyên:
+ HPA – 3a.
+ HPA – 3b.
- HPA – 4 (GPIIIa) gồm 2 kháng nguyên:
19
+ HPA – 4a.
+ HPA – 4b.
- HPA – 5 (GPIa) gồm 2 kháng nguyên:
+ HPA – 5a.
+ HPA – 5b.
- Và còn các hệ khác…
3.2.2. Kháng thể chống tiểu cầu
Thường là kháng thể miễn dịch do:
- Một cá thể nào đó thiếu GP trên bề mặt tiểu cầu. Khi gặp kháng nguyên này của cá
thể khác truyền vào sẽ tạo ra kháng thể chống lại. Trong thai nghén cũng có hiện tượng
tương tự.
- Trong bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu không rõ nguyên nhân thường thấy có kháng
thể chống tiểu cầu của chính mình.
- Kháng nguyên tiểu cầu có thể kết hợp một số thuốc rồi tạo thành tự kháng nguyên,
sau đó cơ thể sẽ sinh ra kháng thể chống kháng nguyên này.

LƯỢNG GIÁ CUỐI BÀI


Chọn câu đúng nhất
Câu 1: Ai là người tìm ra kháng nguyên tương đồng tổ chức chủ yếu (MHC) thông
qua việc phát hiện phản ứng thải ghép da ở chuột:
A. Duffy B. Gorer
C. Lewis D. Landsteiner
E. Decastello
Câu 2: Nói về kháng nguyên hệ HLA, câu nào sau đây SAI:
A. Chỉ có mặt trên bạch cầu.
B. Có chức năng trình diện kháng nguyên.
C. Giúp hoạt hóa tế bào trình diện kháng nguyên.
D. Giúp khuếch đại phản ứng miễn dịch.
E. Các gen qui định nằm ở phần nhánh ngắn của nhiễm sắc thể số 6.
Câu 3: Chức năng của kháng nguyên tiểu cầu là:
A. hoạt hóa tế bào trình diện kháng nguyên.
B. liên quan đến chức năng dính của tiểu cầu

20
C. tiêu diệt tế bào mang virus.
D. liên quan đến tính kết dính và kết tập của bạch cầu.
E. liên quan đến phản ứng tan máu khi truyền máu.
Câu 4: Kháng nguyên đặc hiệu cho tiểu cầu người:
A. Là HLA.
B. Là những cấu trúc Glycoprotein trên bề mặt tiều cầu.
C. Là hệ kháng nguyên ABO, Rh.
D. Tiểu cầu không có hệ kháng riêng mà chỉ có các kháng nguyên chung với các
loại tế bào máu khác.
E. Là hệ kháng nguyên Lewis.
Câu 5: Nếu mẹ mang thai con mà có kháng thể HLA chống lại hệ HLA của con thì có
thể dẫn đến hậu quả nào sau đây:
A. gây vàng da sau sinh kéo dài.
B. làm tan máu ở trẻ sơ sinh.
C. làm sẩy thai hoặc làm thai chết lưu.
D. không gây ra hậu quả gì vì kháng thể HLA không qua được nhau thai.
E. gây giảm bạch cầu và tiểu cầu ở trẻ sơ sinh.
Câu 6: Kháng nguyên HLA II thường có mặt trên những tế bào nào sau đây:
A. bạch cầu mono, đại thực bào và lympho T hoạt hóa.
B. các tế bào có nhân và tiểu cầu.
C. hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.
D. hầu hết các bạch cầu.
E. tất cả các loại tế bào trong cơ thể.
Câu 7: HLA lớp I gồm các nhóm:
A. R, Q, P. B. A, B, C, E...
C. DR, DQ, DP. D. A, B, E, DR, DQ.
E. GPIa/Ib.
Câu 8: Chức năng của HLA lớp I là:
A. hoạt hóa tế bào trình diện kháng nguyên.
B. khuếch đại phản ứng miễn dịch của cơ thể.
C. liên quan đến tính kết dính và kết tập của bạch cầu.
D. hoạt hóa lympho Tc giúp tiêu diệt tế bào đích có kháng nguyên lạ đặc hiệu.

21
E. liên quan đến phản ứng tan máu khi truyền máu.
Câu 9: Nghiên cứu về sự liên quan giữa hệ HLA với một số bệnh lý, người ta thấy
rằng ở những bệnh nhân bị bệnh viêm cột sống dính khớp thường có nhóm máu:
A. HLA-B27 B. HLA – DW4, HLA – DW14.
C. HLA – DR2 D. HLA – DQW8.
E. HLA – DR3.
Câu 10: Bệnh ghép chống túc chủ sau truyền máu thường xảy ra ở đối tượng nào sau
đây:
A. Bệnh nhân được truyền máu nhiều lần.
B. Phụ nữ mang thai nhiều lần.
C. Bệnh nhân được truyền máu nhiều lần hoặc phụ nữ mang thai nhiều lần.
D. Người suy giảm miễn dịch.
E. Trẻ em.

22
BÀI 4: SẢN XUẤT, BẢO QUẢN VÀ SỬ DỤNG CÁC CHẾ PHẨM MÁU
Mục tiêu:
1. Trình bày được một mục đích của truyền máu.
2. Trình bày được các bước sản xuất các chế phẩm máu.
3. Trình bày được một số đặc điểm và chỉ định, chống chỉ định của các loại chế
phẩm máu.

4.1. Đại cương


Máu là một loại dịch tổng hợp bao gồm những tế bào máu khác nhau được treo vào
một thứ dịch màu vàng gọi là huyết tương.
Các tế bào máu bao gồm một hỗn hợp tế bào như: hồng cầu, bạch cầu (hạt, lympho,
mono) và tiểu cầu. Chúng luôn luôn có mặt ở máu ngoại vi để thực hiện các chức năng vận
chuyển O2, CO2; chức năng bảo vệ cơ thể chống các yếu tố ngoại lai; chức năng của sự điều
hòa cầm máu – đông máu.
Huyết tương bao gồm nhiều protein khác nhau; các chất hóa học: glucid, lipid, chất
điện giải; các yếu tố đông máu và các globulin miễn dịch.
Truyền máu là một liệu pháp điều trị rất có hiệu quả và đôi khi không thể thay thế
được trong nhiều bệnh. Nguyên tắc cơ bản trong truyền máu là chỉ sử dụng loại chế phẩm
máu mà người bệnh cần. Hiệu quả của việc sử dụng các loại chế phẩm máu tùy thuộc vào
việc chỉ định và chất lượng của dịch truyền.
Truyền máu nhằm 4 mục đích chính sau:
1. Khôi phục lượng huyết sắc tố nhằm duy trì chức năng vận chuyển oxy của máu.
2. Khôi phục lại thể tích máu nhằm duy trì chức năng sống của cơ thể.
3. Khôi phục khả năng đông – cầm máu tránh các nguy cơ mất máu tiếp diễn.
4. Trợ giúp khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể thông qua vai trò của bạch cầu.
4.2. Chuẩn bị sản xuất các chế phẩm máu
4.2.1. Vận động và tuyển chọn người cho máu
Người cho máu cần đảm bảo các yêu cầu về tuổi, cân nặng, tiền sử bệnh tât và các xét
nghiệm khác theo quy định. Đồng thời người cho máu phải là người không có yếu tố nguy
cơ lây nhiễm HIV.
4.2.2. Lấy máu
- Lượng máu lấy một lần tối đa 7 ml máu /1 kg trọng lượng cơ thể:
23
+ Người Việt Nam thường lấy khoảng 250 – 300 ml /1 lần.
+ Người châu Âu, Mỹ thường lấy khoảng 450 ml /1 lần.
- Trường hợp đặc biệt: trong quá trình lấy máu có thể đồng thời tách các thành phần
máu (VD: tiểu cầu) từ một lượng lớn máu người cho bằng phương pháp cho máu chảy qua
hệ thống máy tách thành phần máu, chỉ lấy thành phần cần dùng, các thành phần không cần
sẽ được truyền trả lại vào cơ thể người cho.
4.2.3. Xét nghiệm an toàn truyền máu
- Định nhóm máu ABO bằng phương pháp huyết thanh mẫu và hồng cầu mẫu chuẩn,
ghi kết quả lên túi máu. Định nhóm máu Rh (nếu cần).
- Xét nghiệm sàng lọc HIV và các tác nhân lây nhiễm qua đường máu khác (HBV,
HCV, giang mai, sốt rét).
- Phát hiện kháng thể bất thường.
4.2.4. Tách các thành phần máu
Các thành phần máu được sử dụng để điều trị phải được điều chế qua nhiều bước.
Đem ly tâm túi máu lấy từ người cho, bằng cách này có thể tách được các thành phần sau:
khối hồng cầu nghèo bạch cầu; khối tiểu cầu nghèo bạch cầu; huyết tương; huyết tương
tươi đông lạnh; tủa lạnh yếu tố VIII...
4.2.5. Chất chống đông và bảo quản máu
Thời gian bảo quản phụ thuộc vào chất chống đông và dụng cụ bảo quản:
- Các chất chống đông citrat có đường (VD: CPD, CPDA-1...) sẽ ngăn chặn được tình
trạng tạo cục đông và cung cấp dinh dưỡng cho chuyển hóa tế bào máu trong thời gian lưu
trữ.
- Máu toàn phần nếu sử dụng túi chất dẻo có chống đông CPDA-1 có thể bảo quản
được 32 – 42 ngày ở nhiệt độ 20C – 60C.
- Tiểu cầu bảo quản được 5 ngày ở nhiệt độ phòng (200C – 220C) trong máy lắc liên
tục.

- Bạch cầu hạt bảo quản được 24 giờ ở 20C – 60C.


- Huyết tương để ở -300C bảo quản được 12 tháng.
4.2.6. Biến đổi sinh hóa của máu bảo quản
Máu dự trữ ở 20C – 60C sẽ có một số biến đổi sinh hóa:
- Giảm pH huyết tương.
- Giảm ATP hồng cầu.
24
- Tăng hàm lượng kali, natri, huyết sắc tố trong huyết tương.
4.3. Các chế phẩm máu – Chỉ định sử dụng
4.3.1. Máu toàn phần
4.3.1.1. Đặc điểm
- Một đơn vị máu toàn phần (đối với người Việt Nam) khoảng 250 ml máu và 63 ml
dung dịch chống đông và bảo quản. Dung dịch chống đông không được vượt quá 25%
lượng máu được lấy. Một đơn vị máu của người châu Âu, Mỹ là 450 ml.
- Máu toàn phần là máu nguyên vẹn, chứa hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, huyết tương;
hematocrit khoảng 34 – 44%; huyết sắc tố trên 110 g/l (trong hỗn hợp máu người cho +
dung dịch chống đông).
- Huyết tương có đầy đủ các thành phần: Albumin, Immunoglobulin, các yếu tố đông
máu trong các protein huyết tương. Nhưng các yếu tố đông máu sẽ bị phân hủy dần trong
quá trình bảo quản. Đồng thời bạch cầu, tiểu cầu cũng bị phân hủy nhanh. Do đó không
dùng máu toàn phần cho các mục đích cung cấp yếu tố đông máu hoặc cung cấp bạch cầu,
tiểu cầu.
Điều kiện dự trữ: trong tủ lạnh nhiệt độ 20C – 60C.
Thời gian dự trữ: với dung dịch ACD (acid citric, citrat natri, dextrose) được 21 ngày;
với dung dịch CPD (citrat, phosphat, dextrose) được 28 ngày; với dung dịch CPD có thêm
adenin (CPDA-1) thì có thể để dự trữ lâu hơn (32 – 42 ngày).
*Chú ý:
- Máu toàn phần bảo quản dài ngày (> 21 ngày) có thể gây phản ứng sốt, dị ứng, sốc
do các sản phẩm của bạch cầu, tiểu cầu giải phóng ra.
- Nếu đơn vị máu được bảo quản ở nhiệt độ trên +8 0C thì vi khuẩn nào đó bị nhiễm
ngẫu nhiên trong khi lấy máu có thể tăng sinh tới mức khi truyền đơn vị máu đó có thể gây
tử vong.
- Nếu bảo quản ở nhiệt độ thấp ≤ 20C có thể làm cho hồng cầu bị đông lạnh, hồng cầu
sẽ bị vỡ. Các đơn vị máu này nếu được truyền cho bệnh nhân sẽ gây tử vong. Do đó, hai
điểm quan trọng cần nhớ về bảo quản máu là:
+ Nhiệt độ bảo quản máu từ + 20C đến + 60C.
+ Máu toàn phần hoặc khối hồng cầu không bao giờ được để đông lạnh.
4.3.1.2. Chỉ định – Chống chỉ định
Truyền máu toàn phần được chỉ định trong các trường hợp sau:

25
- Thay thế khối hồng cầu trong mất máu cấp kèm theo giảm thể tích tuần hoàn.
- Truyền thay máu.
- Bệnh nhân cần truyền khối hồng cầu nhưng không có sẵn khối hồng cầu.
Chống chỉ định trong trường hợp:
- Không nên dùng máu toàn phần cho mục đích cung cấp yếu tố đông máu hay cung
cấp bạch cầu, tiểu cầu vì các yếu tố đông máu, bạch cầu, tiểu cầu có thể bị phân hủy trong
quá trình bảo quản.
- Có nguy cơ quá tải tuần hoàn trên bệnh nhân có thiếu máu mạn tính và suy tim.
4.3.2. Khối hồng cầu
4.3.2.1. Đặc điểm
Đó là máu toàn phần đã rút bớt huyết tương với tiêu chuẩn sau:
- Thể tích một đơn vị khoảng 150 – 200 ml.
- Hematocrit 50 – 60%, nếu quá 80% thì hồng cầu sẽ bị ảnh hưởng vì huyết tương
còn quá ít.
- Huyết sắc tố phải đạt ≥ 220 g/l.
- Nếu lấy máu dự trữ để điều chế khối hồng cầu thì máu đó không được quá 10 ngày
dự trữ. Nếu tách từ máu tươi (trong 6 giờ kể từ khi lấy máu tĩnh mạch) có chất bảo quản thì
có thể giữ 42 ngày.
- Bảo quản ở 20C – 60C.
- Khối hồng cầu không chứa tiểu cầu và yếu tố đông máu, số lượng bạch cầu thấp.
4.3.2.2. Chỉ định – Chống chỉ định
- Truyền khối hồng cầu cho bệnh nhân bị thiếu máu. Cần xem xét tình trạng lâm sàng
với lượng huyết sắc tố để chỉ định truyền khối hồng cầu cho bệnh nhân.
- Mục đích truyền khối hồng cầu là làm tăng lượng hemoglobin trong máu, thường
chỉ định truyền khối hồng cầu khi lượng huyết sắc tố ≤ 70 g/l. Trong một số trường hợp đặc
biệt khi bệnh nhân có các yếu tố tác động làm giảm khả năng cung cấp oxy và tình trạng
lâm sàng của bệnh nhân có những biểu hiện của thiếu máu nặng thì chỉ định truyền khối
hồng cầu khi lượng huyết sắc tố ≤ 80 g/l hoặc thậm chí < 100 g/l.
- Đối với người già (> 65 tuổi) kèm bệnh tim mạch, hô hấp nên chỉ định truyền khối
hồng cầu khi lượng Hb < 80 hoặc 90 g/l.
- Không truyền khối hồng cầu khi Hb nằm trong khoảng 70 – 100 g/l trên một bệnh
nhân trước đó hoàn toàn khỏe mạnh.

26
- Trường hợp bệnh nhân thiếu hồng cầu trong ghép cơ quan, nhằm giảm phản ứng
miễn dịch đồng loại HLA cần truyền khối hồng cầu giảm bạch cầu bằng màng lọc.
- Bệnh thiếu hồng cầu dễ có phản ứng huyết tương như bệnh tan máu tự miễn, để
giảm phản ứng miễn dịch đồng loại với bạch cầu và tiểu cầu cần truyền khối hồng cầu rửa.
Khối hồng cầu rửa là máu toàn phần được rửa 3 lần với NaCl 0,9% vô trùng; Hct khoảng
70 – 75%; không có huyết tương, tiểu cầu; bạch cầu còn dưới 5 x 10 6 /đơn vị máu 250 ml.
Bảo quản ở 20C – 60C hoặc 220C (dùng trong 24 giờ).
4.3.3. Khối tiểu cầu
4.3.3.1. Đặc điểm
Khối tiểu cầu được tách từ các đơn vị máu toàn phần riêng với một lượng nhỏ huyết
tương ngay sau khi lấy máu bằng ly tâm hoặc để lắng.
Khối tiểu cầu đạt yêu cầu gồm các thành phần sau:
- Thể tích 1 đơn vị: 50 – 70 ml.
- Số lượng tiểu cầu: 5,5 x 1010 /1 đơn vị.
- Số lượng bạch cầu < 0,12 x 109 /1 đơn vị.
- Số lượng hồng cầu < 1,2 x 109 /1 đơn vị.
Khi cần số lượng lớn có thể tập trung từ 5 – 6 cá thể cho cùng nhóm máu ABO.
Khối tiểu cầu lắc liên tục ở 200C – 220C có thể bảo quản được 3 – 5 ngày (tốt nhất là
sử dụng trong 12 giờ).
4.3.3.2. Chỉ định – Chống chỉ định
Khối tiểu cầu được chỉ định truyền trong các trường hợp sau:
- Bệnh nhân có xuất huyết do giảm tiểu cầu về số lượng và chất lượng.
- Điều trị dự phòng khi bệnh nhân có số lượng tiểu cầu giảm nhanh và giảm ≤ 10 G/l
hoặc giảm ≤ 20 G/l nhưng có kèm theo các yếu tố nguy cơ, hoặc khi tiểu cầu ≤ 50 G/l
nhưng bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật.
Chống chỉ định trong các trường hợp:
- Chảy máu không do giảm tiểu cầu về số lượng và chất lượng.
- Tiểu cầu giảm do các nguyên nhân miễn dịch đồng thời không có các triệu chứng
chảy máu nặng đe dọa tử vong.
4.3.4. Khối bạch cầu
4.3.4.1. Đặc điểm
- Khối bạch cầu được điều chế từ máu toàn phần mới lấy bằng ly tâm, máy tách hoặc

27
bằng màng lọc bạch cầu.
- Một đơn vị khối bạch cầu chứa 10 x 1010 bạch cầu hạt, một ít lympho, tiểu cầu và
hồng cầu trong thể tích khoảng 150 – 200 ml huyết tương.
- Bảo quản ở 40C và tốt nhất là sử dụng không quá 6 giờ sau khi điều chế (do bạch
cầu bị giảm chức năng nhanh trong khi bảo quản nên khối bạch cầu chỉ được truyền trong
24 giờ sau khi lấy máu).
4.3.4.2. Chỉ định – Chống chỉ định
- Bệnh nhân nhiễm trùng nặng có số lượng bạch cầu hạt giảm < 0,5 x 109 /L và không
đáp ứng với kháng sinh phổ rộng.
- Lưu ý: không chỉ định truyền khối bạch cầu với mục đích dự phòng.
4.3.5. Huyết tương tươi đông lạnh
4.3.5.1. Đặc điểm
- Huyết tương tươi đông lạnh được điều chế từ máu toàn phần tươi trong 6 giờ đầu
sau khi lấy máu bằng tách và làm đông lạnh huyết tương ở nhiệt độ -20 0C đến -300C. Bảo
quản được 6 tháng.
- Thành phần: ngoài nước và điện giải, huyết tương này chứa albumin, globulin, các
yếu tố đông máu (huyết tương ở trạng thái đông lạnh vẫn chứa đầy đủ cả yếu tố đông máu
dễ bị hủy và yếu tố đông máu bền vững).
4.3.5.2. Chỉ định – Chống chỉ định
Huyết tương tươi đông lạnh được chỉ định trong các trường hợp:
- Bệnh nhân bị bệnh gan thiếu các yếu tố đông máu.
- Bệnh nhân bị rối loạn đông máu rải rác trong lòng mạch (DIC).
- Các trạng thái thiếu các yếu tố đông máu khác như mất máu phải truyền dịch (do
hòa loãng), bệnh hemophilia B.
- Các trường hợp thiếu hụt yếu tố đông máu gây chảy máu nhưng cần can thiệp phẫu
thuật.
Lưu ý: cần cân nhắc khi truyền huyết tương với mục đích khôi phục thể tích tuần
hoàn vì có thể sử dụng các dung dịch điện giải khác ít gây tai biến hơn.
4.3.6. Tủa lạnh yếu tố VIII
4.3.6.1. Đặc điểm
Tủa lạnh yếu tố VIII được điều chế bằng cách làm tan huyết tương tươi đông lạnh ở 4
0
C, ly tâm ở 40C, tủa được hòa tan trong 10 – 15 ml huyêt tương. Ở dạng này tủa chứa

28
khoảng 80 – 120 đơn vị yếu tố VIII, 200 mg fibrinogen, 40 – 70% yếu tố von Willebrand
và 20 – 30% yếu tố VIII có trong một đơn vị huyết tương tươi đông lạnh ban đầu.
4.3.6.2. Chỉ định
- Các bệnh hemophilia A, bệnh Willebrand khi không có các dung dịch cô đặc các
yếu tố này.
- Các trường hợp thiếu hụt sợi huyết: tiêu sợi huyết, đông máu rải rác trong lòng
mạch, thiếu hụt fibrinogen bẩm sinh hay mắc phải.
- Bệnh thiếu yếu tố XIII.
4.3.7. Albumin
4.3.7.1. Đặc điểm
Được sản xuất từ huyết tương, thường ở dung dịch có hàm lượng 50 – 250 g/l.
Bảo quản ở -850C để được thời gian dài.
4.3.7.2. Chỉ định
- Các trường hợp bù thể tích tuần hoàn.
- Suy dinh dưỡng.
- Suy gan làm giảm áp lực keo.
- Bỏng diện rộng.
4.3.8. Globulin miễn dịch
4.3.8.1. Đặc điểm
- Globulin miễn dịch được cô đặc từ huyết tương thành dạng đông khô vô trùng hoặc
dạng dung dịch dùng để tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp.
- Một lọ globulin miễn dịch chứa 0,5 – 10 g protein. Có 90% là IgG còn lại là IgA và
IgM.

- Thời gian bán hủy của dung dịch tiêm thay đổi từ 18 đến 32 ngày, bảo quản ở -
850C.
4.3.8.2. Chỉ định – Chống chỉ định
Sử dụng trong các trường hợp sau:
- Thiếu hụt miễn dịch.
- Điều trị bệnh tự miễn nhất là xuất huyết giảm tiểu cầu chưa rõ nguyên nhân.
- Giảm gamma globulin trong AIDS.
- Bổ sung gamma globulin cho bệnh nhân đa u tủy xương sau điều trị hóa chất.
Chống chỉ định: không dùng cho bệnh nhân có tình trạng dị ứng.

29
LƯỢNG GIÁ CUỐI BÀI
Chọn một câu đúng nhất
Câu 1: Điều kiện bảo quản máu toàn phần:
A. 2 – 60C trong 35 ngày với chất chống đông CPD có thêm adenin.
B. 2 – 60C trong 35 ngày với chất chống đông ACD.
C. 2 – 60C trong 30 ngày với chất chống đông ACD.
D. 2 – 60C trong 21 ngày với chất chống đông CPD.
E. 2 – 60C trong 32 - 42 ngày với chất chống đông CPD.
Câu 2: Bảo quản máu toàn phần và khối hồng cầu ở:
A. Tủ lạnh +20C đến +60C.
B. Quầy lạnh.
C. Tủ lạnh +100C.
D. Quầy lạnh -300C.
E. A và C đúng.
Câu 3: Chỉ định truyền máu toàn phần:
A. Thay thế khối hồng cầu trong mất máu cấp kèm theo giảm thể tích tuần hoàn.
B. Truyền thay máu.
C. Bệnh nhân bị bệnh tim.
D. Bệnh nhân có quá tải tuần hoàn.
E. A và B đúng.
Câu 4: Chỉ định truyền khối hồng cầu khi:
A. Bệnh nhân thiếu máu.
B. Huyết sắc tố của bệnh nhân < 70 g/L.
C. Bệnh nhân thiếu tiểu cầu.
D. Bệnh nhân hemophilia.
E. A và B đúng.
Câu 5: Chỉ định truyền khối tiểu cầu:
A. Bệnh nhân giảm tiểu cầu do nguyên nhân miễn dịch.
B. Bệnh nhân xuất huyết do giảm chức năng tiểu cầu.
C. Bệnh nhân thiếu máu.
D. Bệnh nhân hemophilia.
E. Bệnh nhân xuất huyết do giảm các yếu tố đông máu.

30
Câu 6: Tiểu cầu được bảo quản ở:
A. 20C đến 60C.
B. 200C đến 220C .
C. 200C đến 220C kèm theo có lắc liên tục.
D. 200C.
E. – 300C đều đúng.
Câu 7: Chỉ định truyền tủa lạnh yếu tố VIII:
A. Thiếu hụt một hay nhiều yếu tố đông máu gây chảy máu.
B. Bệnh nhân xuất huyết giảm tiểu cầu.
C. Bệnh nhân hemophilia.
D. Thiếu hụt prothrombin bẩm sinh hay mắc phải.
E. Giảm thể tích tuần hoàn.
Câu 8: Chỉ định truyền khối bạch cầu cho:
A. Bệnh nhân nhiễm trùng nặng có số lượng bạch cầu hạt giảm < 0,5 x 109 /L và
không đáp ứng với kháng sinh phổ rộng.
B. Bệnh nhân thiếu máu.
C. Bệnh nhân giảm số lượng tiểu cầu.
D. Bệnh nhân hemophilia.
E. B và C đúng.
Câu 9: Truyền máu nhằm những mục đích sau đây, NGOẠI TRỪ:
A. Khôi phục lượng huyết sắc tố.
B. Khôi phục lại thể tích máu.
C. Khôi phục khả năng cầm máu – đông máu.
D. Trợ giúp khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể.
E. Khôi phục thể tích tuần hoàn và cung cấp dưỡng chất.
Câu 10: Trong hiến máu, khối lượng máu người cho không quá:
A. 5% khối lượng máu cơ thể.
B. 15% khối lượng máu cơ thể.
C. 20% khối lượng máu cơ thể.
D. 25% khối lượng máu cơ thể.
E. 10% khối lượng máu cơ thể.

31
32

You might also like