You are on page 1of 9

1.

Yêu cầu công khai, minh bạch trong các Hiệp định thương mại tự do
Việc Việt Nam tham gia vào nhiều Hiệp định tự do thương mại, bao gồm các
hiệp định nội khối (ASEAN), các hiệp định đa phương và song phương đã
khiến nghĩa vụ về đảm bảo công khai, minh bạch luôn bị ràng buộc mạnh mẽ và
tính liên kết rất lớn. Mặc dù luôn có những nguyên tắc chung nhưng tùy vào đối
tượng và khu vực mà nghĩa vụ về công khai, minh bạch trong các hiệp định tự
do thương mại Việt Nam đã tham gia vẫn có những khác biệt.
1.1. Trách nhiệm công khai minh bạch trong các FTA đa phương
a) Trách nhiệm công khai minh bạch trong CPTPP
Trong Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương
(CPTPP), minh bạch là vấn đề được nhấn mạnh trong nhiều cam kết ở hầu hết
các chương (minh bạch hóa và chống tham nhũng; hải quan và tạo thuận lợi
thương mại; mua sắm công…), với các quy định cụ thể về các nghĩa vụ công
khai thông tin, thời hạn thông báo… trong mỗi vấn đề. Cụ thể, CPTPP yêu cầu
các nước thành viên phải thực hiện các nghĩa vụ về minh bạch liên quan tới 04
nhóm vấn đề chung và lĩnh vực cụ thể, bao gồm:
(1) Minh bạch về các văn bản pháp luật áp dụng chung Theo quy định của
CPTPP, các nước Thành viên cam kết phải ít nhất là đăng tải dự thảo văn bản
quy phạm pháp luật cấp trung ương trên ấn phẩm hoặc trên một website chính
thức duy nhất. Tương tự, khi các văn bản này đã được ban hành, cần được đăng
trên Công báo hoặc một website chính thức duy nhất. CPTPP cũng khuyến nghị
các thành viên có thêm bản giải trình thuyết minh cho văn bản đó. Theo Điều
26.2 (Công bố), trong chừng mực có thể, mỗi Bên sẽ phải “công bố trước các
luật, quy định, thủ tục và quyết định hành chính mang tính áp dụng chung liên
quan tới bất kì vấn đề nào thuộc phạm vi Hiệp định mà Bên đó dự kiến ban
hành”; và “tạo cơ hội hợp lý để các tổ chức, cá nhân có quan tâm và các Bên
khác đóng góp ý kiến đối với các biện pháp dự kiến ban hành”. Việc công bố
cũng phải thực hiện trên “một trang web” hoặc “ấn phẩm chính thức” trong thời
gian “không ít hơn 60 ngày” trước thời hạn đóng góp ý kiến kết thúc. Không
chỉ có nghĩa vụ công khai, minh bạch trong quá trình dự thảo, ban hành văn bản
quy phạm pháp luật, Hiệp định còn xem trách nhiệm giải trình là một nghĩa vụ
bắt buộc, phải tuân thủ ngay lập tức. Cụ thể, theo Điều 26.5 (Cung cấp Thông
tin) thì khi một Bên có yêu cầu giải trình về các văn bản pháp luật áp dụng
chung, Bên còn lại “sẽ ngay lập tức cung cấp thông tin và trả lời câu hỏi liên
quan đến bất kỳ biện pháp dự kiến hoặc thực tế nào mà Bên yêu cầu nhận thấy
có thể ảnh hưởng đến việc thực thi Hiệp định”.
(2) Minh bạch liên quan đến các thủ tục tố tụng hành chính áp dụng pháp luật
và quy định mang tính áp dụng chung;
(3) Tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân và xã hội trong việc công khai,
minh bạch và phòng chống tham nhũng;
(4) Minh bạch trong các thủ tục khiếu nại, khiếu kiện;
(5) Minh bạch trong một số thủ tục liên quan tới dược phẩm và thiết bị y tế.
b) Trách nhiệm công khai minh bạch trong EVFTA
Cùng với CPTPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (bao gồm Hiệp
định Thương mại EVFTA và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư EVIPA) là hai FTA có
phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới
nay. Công khai, minh bạch là vấn đề được nhấn mạnh trong nhiều cam kết ở
các Chương của EVFTA với các quy định về các nghĩa vụ công khai thông tin,
thông báo dự thảo… trong các vấn đề cụ thể. Cụ thể, EVFTA yêu cầu Việt Nam
và EU phải bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ sau:
+ Đối với các quy định pháp luật: Theo Điều 14.3 (Công bố), các quy định pháp
luật phải được công bố tại một địa chỉ được chỉ định, tốt nhất là trên phương
tiện điện tử, thời gian từ khi công bố tới khi có hiệu lực phải đủ dài để người
dân, doanh nghiệp làm quen với quy định mới; Trước khi ban hành quy định
mới, phải công bố dự thảo, tạo cơ hội để người dân, doanh nghiệp góp ý cho dự
thảo và phải tiếp thu nghiêm túc các ý kiến góp ý; Phải duy trì các điểm hỏi đáp
theo cách thức thích hợp để trả lời các thắc mắc, câu hỏi của người dân, doanh
nghiệp trong quá trình thực thi pháp luật;
+ Đối với các quyết định xử lý hành chính: Các chủ thể bị ảnh hưởng trực tiếp
phải được thông báo đầy đủ, phải có cơ hội để trình bày bằng chứng và lập luận
để bảo vệ mình; Thủ tục giải quyết phải bảo đảm công bằng, khách quan và
đúng pháp luật Bên cạnh đó, cũng như CPTPP, trách nhiệm giải trình của các
quốc gia thành viên trong quá trình này cũng được quy định rất cụ thể (Điều
14.4 Yêu cầu thông tin và Đầu mối Liên lạc): “Theo yêu cầu của một Bên, Bên
kia phải ngay lập tức cung cấp thông tin và phản hồi các câu hỏi đối với biện
pháp áp dụng chung hiện tại hoặc dự kiến mà Bên yêu cầu nhận thấy có thể ảnh
hưởng đáng kể đến việc thực hiện Hiệp định này, bất kể là Bên yêu cầu có được
thông báo trước về biện pháp đó hay không”.
+ Đối với các thủ tục tố tụng tại Tòa án, thủ tục khiếu nại/khiếu kiện quyết
định hành chính phải bảo đảm rằng các quy trình tố tụng là công bằng, đúng
pháp luật; Đương sự phải có cơ hội trình bày lập luận, bảo vệ quyền lợi của
mình; Bản án ban hành phải dựa trên các chứng cứ xác thực.
Ngoài ra, Việt Nam và EU cũng cam kết trao đổi thông tin và hợp tác trong
công tác đánh giá tác động, rà soát để bảo đảm chất lượng quy định pháp luật
cũng như hướng tới các thực tiễn tốt trong thi hành các thủ tục hành chính.
c) Trách nhiệm công khai minh bạch trong AEC
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập trên cơ sở các hiệp định và
chương trình nghị sự chung của khối ASEAN. Để hiện thực hóa AEC, rất nhiều
Hiệp định, Thỏa thuận, Sáng kiến... đã được các thành viên đàm phán, ký kết và
thực hiện. Trong đó các Hiệp định quan trọng và được thực thi tương đối đầy đủ
là: Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA); Hiệp định Khung về
Dịch vụ ASEAN (AFAS); Hiệp định về Di chuyển thể nhân trong ASEAN; Các
Thỏa thuận Thừa nhận lẫn nhau về một số lĩnh vực dịch vụ; Hiệp định Đầu tư
Toàn diện ASEAN (ACIA).
Trách nhiệm công khai minh bạch của các quốc gia trong AEC được thể hiện
rất rõ, đặc biệt là minh bạch hóa về thông tin, chính sách pháp luật, hành chính,
chứng chỉ, quy chuẩn, tiêu chuẩn... Ví dụ theo Điều 47 (Các nguyên tắc thuận
lợi hóa thương mại) của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) thì:
“Thông tin về các chính sách, pháp luật, quy định, quy tắc hành chính, cấp
phép, cấp chứng nhận, cấp chứng chỉ và các yêu cầu về đăng ký, quy chuẩn kỹ
thuật, tiêu chuẩn, hướng dẫn, thủ tục và thông lệ liên quan tới thương mại hàng
hóa... cần được công bố tới tất cả các bên liên quan một cách phù hợp và kịp
thời, miễn phí hoặc với chi phí hợp lý... các cơ quan có thẩm quyền phải nỗ lực
để tạo thuận lợi và xúc tiến cơ chế trao đổi hiệu quả với cộng đồng doanh
nghiệp và thương mại, kể cả việc tạo cơ hội tham vấn khi ban hành, thực hiện
và rà soát quy tắc và thủ tục thuơng mại”. Bên cạnh đó, nghĩa vụ công khai,
minh bạch của các quốc gia thành viên cũng thể hiện rất cụ thể và đầy đủ trên
các lĩnh vực như tố tụng, hải quan, đầu tư...
d) Trách nhiệm công khai minh bạch trong Hiệp định Thương mại Tự do Việt
Nam – Liên minh Kinh tế Á- Âu (EAEU)
Mặc dù không chi tiết như EVFTA hay CPTPP, nhưng nguyên tắc minh bạch
hóa trong việc công bố và giải trình các dự thảo luật, quy định liên quan cũng
đã được thể hiện tương đối đầy đủ trong EAEU. Sự ràng buộc này phần lớn
tuân theo thông lệ quốc tế và các nguyên tắc của WTO. Chẳng hạn, theo Điều
1.13 (Minh bạch hoá) thì: mỗi bên sẽ phải “công bố trước các các luật và quy
định mà Bên đó dự kiến ban hành” và “tạo cơ hội hợp lý để các cá nhân có quan
tâm và Bên kia đóng góp ý kiến đối với các luật và quy định... mà Bên đó đề
xuất thông qua”. Đối với trách nhiệm giải trình, Điều 1.13 cũng quy định: “khi
một Bên có yêu cầu, Bên kia sẽ ngày lập tức trả lời câu hỏi và cung cấp thông
tin liên quan về các luật và quy định” mà một bên dự kiến ban hành.
e)Trách nhiệm công khai minh bạch trong các FTA đa phương giữa ASEAN và
các quốc gia khác
Các Hiệp định FTA đa phương đã ký kết và có hiệu lực giữa ASEAN và các
quốc gia khác bao gồm: ASEAN - Trung Quốc (ACFTA); ASEAN - Hàn Quốc
(AKFTA); ASEAN - Nhật Bản (AJFTA); ASEAN - Ấn Độ (AIFTA); ASEAN,
Australia và New Zealand (AANZFTA); ASEAN - Hồng Kông (AHKFTA).
Các Hiệp định này nhìn chung đều thống nhất với các Nghị định song phương
giữa mỗi quốc gia ASEAN và đối tác (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...) về
việc thực hiện công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình. Nhìn chung, việc
công khai minh bạch tập trung vào việc công bố kịp thời, báo cáo thường niên
cho các đối tác về sự thay đổi pháp luật, quy định hoặc hướng dẫn hành chính;
bao gồm cả việc công khai các dự thảo thay đổi pháp luật, quy định hoặc hướng
dẫn hành chính. Sự khác biệt chủ yếu về trách nhiệm công khai minh bạch
trong nhóm FTA đa phương này là thời gian công khai, cung cấp thông tin về
dự thảo pháp luật, quyết định trước khi được ban hành chính thức.
1.2. Trách nhiệm công khai minh bạch trong các FTA song phương
a) Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Chile (VCFTA)
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Chile được ký kết vào ngày
11/11/2011 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2014. Việc thực hiện
nguyên tắc công khai, minh bạch được định hướng xuyên suốt và thể hiện cụ
thể tại Điều 7.10 và Điều 10.3. Trong đó, các bên thừa nhận tầm quan trọng của
minh bạch hóa trong việc đưa ra quyết định bao gồm cả việc tạo cơ hội thực sự
cho các cá nhân đóng góp ý kiến đối với các quy chuẩn kỹ thuật và quy trình
đánh giá sự phù hợp; phải chuyển thông báo cùng với bản dự thảo qua đường
điện tử cho bên kia, và cần cho phép khoảng thời gian tối thiểu 60 ngày để Bên
kia đóng góp ý kiến bằng văn bản đối với bản dự thảo. Bên cạnh đó, theo yêu
cầu của một Bên, Bên kia phải cung cấp các thông tin liên quan đến mục tiêu,
và lý do đối với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hoặc quy trình đánh giá sự phù
hợp mà Bên đó đã ban hành hoặc dự định ban hành.
Tuy vậy, khác với các Hiệp định kể trên, VCFTA không quá ràng buộc và quy
định quy trình cụ thể việc lấy ý kiến và giải trình về dự thảo luật hoặc quyết
định hành chính mà chỉ quy định “tạo cơ hội hợp lý cho các cá nhân quan tâm
và Bên kia đóng góp ý kiến đối với các biện pháp dự định thi hành”.
b) Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA)
Hàn Quốc là đối tác đã có FTA với Việt Nam trong khuôn khổ FTA ASEAN –
Hàn Quốc (bao gồm Hiệp định khung và 04 Hiệp định cụ thể). Sau đó, trên cơ
sở đàm phán giữa các bên Việt Nam và Hàn Quốc tiếp tục ký Hiệp định thương
mại tự do song phương. Về cơ bản, các cam kết thuế quan trong VKFTA được
xây dựng trên nền các cam kết thuế quan trong FTA ASEAN – Hàn Quốc
(AKFTA), nhưng với mức độ tự do hóa cao hơn. Nói cách khác, VKFTA sẽ cắt
giảm thêm một số ưu đãi thuế quan mà trong AKFTA chưa được cắt giảm hoặc
mức độ cắt giảm còn hạn chế. Đối với trách nhiệm công khai minh bạch, các
cam kết trong VKFTA hầu như không khác biệt đáng kể so với AKFTA. Tại
Chương 14 VKFTA thì minh bạch hoá được quy định cụ thể bao gồm việc
“công bố dự thảo luật và các quy định mang tính áp dụng chung ít nhất 40 ngày
trước ngày việc lấy ý kiến công chúng kết thúc” và “khi một Bên có yêu cầu,
Bên kia sẽ ngay lập tức cung cấp thông tin và trả lời câu hỏi” liên quan đến việc
ban hành các quy định liên quan đến các cam kết trong Hiệp định.
c) Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - Nhật Bản (EPA),
Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (EPA) bắt đầu đàm phán từ năm
2007. Sau 9 phiên đàm phán chính thức, hai bên đã ký kết Hiệp định EPA vào
ngày 25/12/2008. Hiệp định này có hiệu lực từ ngày 01/10/2009 và là một Hiệp
định kinh tế toàn diện cả về thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hợp tác
kinh tế. Trong đó, mặc dù thời điểm này các quy định của pháp luật Việt Nam
về công khai minh bạch chưa hoàn chỉnh nhưng việc tích hợp nội dung về minh
bạch hóa đã có tác động rất lớn đến quá trình phát triển của hệ thống pháp luật
Việt Nam trên lĩnh vực này. Theo đó, Điều 4 của Hiệp định về thủ tục đóng góp
ý kiến của công chúng quy định: Chính phủ của mỗi Bên phải, phù hợp với các
luật và quy định của Bên đó, cố gắng thông qua hoặc duy trì các thủ tục đóng
góp ý kiến của công chúng, nhằm: “công bố trước các quy định được áp dụng
chung có ảnh hưởng đến các vấn đề được Hiệp định này điều chỉnh, khi Chính
phủ thông qua, sửa đổi hoặc bãi bỏ chúng”; và “tạo cơ hội hợp lý cho các ý kiến
góp ý của công chúng và xem xét các ý kiến này trước khi thông qua, thay đổi
hoặc bãi bỏ các quy định đó”.
2. Tác động của các cam kết về công khai, minh bạch và yêu cầu thực hiện
2.1. Tác động của các cam kết về công khai, minh bạch
Trong quá trình hội nhập, việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do đã làm
thay đổi đáng kể và tác động khá sâu rộng đến sự phát triển của tính công khai,
minh bạch và trách nhiệm giải trình trong pháp luật Việt Nam. Đến nay, đặc
biệt là sau Hiến pháp năm 2013, pháp luật Việt Nam đã đáp ứng về cơ bản các
nghĩa vụ về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các Hiệp định
thương mại tự do.
Hiện thực hóa các cam kết trong các điều ước nói chung và Hiệp định tự do
thương mại nói riêng, Việt Nam đã luật hóa việc tuân thủ quy định của các Điều
ước khá rõ ràng trong việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thể hiện rõ nét nhất tại Điều 12 Hiến pháp 2013 và được cụ thể hóa tại Luật
Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (Luật BHVBQPPL):
Tại Điều 5 Luật Banh hành VBQPPL 2015 quy định nguyên tắc xây dựng, ban
hành văn bản quy phạm pháp luật phải “không làm cản trở việc thực hiện các
điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”. Điều
156 Luật này cũng quy định “việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong
nước không được cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp
luật trong nước và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là
thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của
điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp”. Về thời điểm có hiệu lực của văn bản quy
phạm pháp luật, Luật Ban hành VBQPPL hiện hành cơ bản đáp ứng được các
nguyên tắc về minh bạch và công bố trong các Hiệp định thương mại tự do kể
trên. Khác biệt ở đây chủ yếu là thời gian hiệu lực được cố định, theo Điều 151
của Luật so với quãng thời gian mà các Hiệp định đưa ra.
Quá trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL luật của Quốc hội, Ủy ban thường
vụ Quốc hội cũng như Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ, Quyết định, chỉ
thị của Thủ tướng Chính phủ phải dựa trên căn cứ “cam kết trong điều ước quốc
tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên” (Điều
32, Điều 84, Điều 88; Điều 97 Luật Ban hành VBQPPL); phải kiểm tra, thẩm
định, thẩm tra “tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên” (Điều 58, Điều 65; Điều 92; Điều 98
Luật Ban hành VBQPPL). Việc xây dựng, dự thảo và thẩm định để ban hành
thông tư của các bộ, ngành cũng đảm bảo tuân thủ tính hợp hiến, tính hợp pháp,
tính thống nhất của dự thảo thông tư với hệ thống pháp luật; tính tương thích
với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là
thành viên (Điều 102 Luật Ban hành VBQPPL).
Bên cạnh đó, việc công khai xin ý kiến rộng rãi trong quá trình xây dựng, ban
hành và đảm bảo thời hạn hiệu lực sau khi ra quyết định của các văn bản quy
phạm pháp luật đã được áp dụng rất nhất quán ở cấp Trung ương (Quốc hội,
Chính phủ và các Bộ, ngành). Việc lấy ý kiến đối với dự án luật, pháp lệnh, dự
thảo nghị quyết được áp dụng rộng rãi với “đối tượng chịu sự tác động trực tiếp
của văn bản và cơ quan, tổ chức có liên quan”;... cũng như phải “đăng tải báo
cáo tổng kết, báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng
luật, pháp lệnh... trong thời gian ít nhất 30 ngày” và “đăng tải toàn văn dự thảo
văn bản và tờ trình” dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết “trên cổng thông
tin điện tử... trong thời gian ít nhất là 60 ngày, trừ những văn bản được ban
hành theo trình tự, thủ tục rút gọn, để các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý kiến”
(Điều 57 Luật Ban hành VBQPPL). Việc lấy ý kiến đối với Nghị định của
Chính phủ và thông tư của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ cũng được
quy định tương tự. Quy định này hầu hết đáp ứng quy định của các thông lệ
quốc tế cũng như nguyên tắc minh bạch trong các Hiệp định thương mại tự do.
2.2. Quy định trong các văn bản khác
Thực tế, để đảm bảo các cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại
tự do (trong đó có nguyên tắc công khai, minh bạch) hầu hết các luật chuyên
ngành đã đưa nội dung này vào một hoặc nhiều điều khoản liên quan, tùy thuộc
nội dung tương thích với các quy định của điều ước và hiệp định mà Việt Nam
đã ký kết. Chẳng hạn, Điều 4 Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 quy định
“Nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch” phải “tuân theo quy định của...
điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.
Điều 2 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 quy định “trường hợp điều ước quốc
tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với
quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó”. Điều 5
Luật Thương mại số 36/2005/QH11 quy định “áp dụng điều ước quốc tế, pháp
luật nước ngoài và tập quán thương mại quốc tế: Trường hợp điều ước quốc tế
mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định áp dụng
pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế hoặc có quy định khác với
quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó”.
Ngoài việc tuân thủ, đảm bảo tính tương thích với các công ước và các Hiệp
định thương mại tự do đã ký kết, hầu hết các các luật chuyên ngành ban hành
sau Hiến pháp 2013 đều có nội dung quy định cụ thể về nguyên tắc thực thi
công khai minh bạch (Điều 4 Luật Quy hoạch). Một số luật chuyên ngành còn
quy định cụ thể về quy trình, trình tự công khai, minh bạch các quy định mà
luật đó ban hành (chẳng hạn Luật Xây dựng dành các điều từ Điều 40 tới Điều
43 để quy định cụ thể việc công bố công khai quy hoạch xây dựng; Trách
nhiệm tổ chức công bố công khai quy hoạch xây dựng; Hình thức công bố công
khai quy hoạch xây dựng; Cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng).
2.3. Đối với văn bản của cính quyền địa phương
Đối với quy trình ban hành văn bản QPPL của chính quyền địa phương, với
thời gian khác nhau, việc xin ý kiến góp ý và công khai dự thảo các văn bản
quy phạm pháp luật như nghị quyết (của HĐND) và quyết định (của UBND) đã
được quy định tại Luật Ban hành VBQPPL năm 2015. Tuy nhiên, Luật này
cũng như các luật chuyên ngành chưa quy định cụ thể trách nhiệm công khai,
minh bạch, xin ý kiến và trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính Nhà
nước khi ban hành quyết định cá biệt; thời gian công khai, xin ý kiến các văn
bản quy phạm pháp luật cũng chưa đáp ứng nguyên tắc minh bạch trong các
Hiệp định thương mại tự do (quá trình cho ý kiến ở cấp địa phương thường chỉ
30 so với 60 ngày để các bên liên quan trình bày ý kiến về các quy định được đề
xuất hoặc quy trình tổ chức thực hiện như đã nêu ở trên).
Điều này là một trong những bất cập rõ nhất khi so sánh với một số nghĩa vụ
minh bạch trong EVFTA và CPTPP như đã nêu ở phần trên, ví dụ quyền được
trình bày, lập luận trước khi cơ quan hành chính ra quyết định hành chính,
quyền được đảm bảo quyết định giải quyết khiếu nại được thực thi nghiêm
túc… Đây là những yêu cầu có ý nghĩa rất quan trọng với doanh nghiệp, nhưng
vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Sự mới mẻ này không chỉ ở quá trình thực thi
của cơ quan hành chính mà còn ở chính các doanh nghiệp. Việc thực thi nghiêm
túc các cam kết này trong cộng đồng doanh nghiệp sẽ góp phần bảo vệ tốt hơn
lợi ích của họ trong quan hệ với các cơ quan Nhà nước liên quan (không chỉ
Việt Nam mà cả các quốc gia trong Hiệp định).
2.4. Việc rà soát, tuân thủ các cam kết trong điều ước quốc tế
Việc rà soát, tuân thủ các cam kết trong điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành
viên cũng như trách nhiệm công bố, xin ý kiến rộng rãi và kiểm tra, thẩm định,
thẩm tra tính tương thích của các văn bản quy phạm pháp luật với điều ước
quốc tế mà Việt Nam đã ký kết thời gian qua ở cấp Trung ương đã được quy
định và thực hiện khá nghiêm túc, có ý nghĩa rất lớn đối với trách nhiệm tuân
thủ nguyên tắc công khai, minh bạch đã được ký kết trong các Hiệp định tự do
thương mại. Tuy nhiên, việc triển khai nguyên tắc này trong quá trình ban hành
văn bản quy phạm pháp luật ở cấp địa phương còn khá nhiều hạn chế. Một
phần, việc không có bước rà soát các cam kết trong điều ước quốc tế và kiểm
tra tính tương thích với điều ước quốc tế có thể được lý giải vì các văn bản quy
phạm pháp luật ở cấp địa phương được thực hiện trên nguyên tắc căn cứ các
văn bản quy phạm pháp luật của cấp Trung ương. Nhưng việc chưa công khai,
minh bạch rộng rãi và xin ý kiến các đối tượng liên quan trong quá trình ra
quyết định cá biệt của chính quyền địa phương vẫn là điều chưa hợp lý, chưa
đáp ứng yêu cầu trong một số Hiệp định mà Việt Nam đã ký kết.
3. Kết luận
Công khai, minh bạch là vấn đề được nhấn mạnh trong nhiều cam kết ở hầu hết
các quy định của các Hiệp định thương mại tự do. Việc thực hiện nguyên tắc
công khai, minh bạch trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký
kết tập trung nhiều ở các nguyên tắc chung (về dự thảo và ban hành quy phạm
pháp luật, chính sách, quy định và quy tắc hành chính) cũng như các quy định
cụ thể về tiêu chuẩn kỹ thuật, hàng rào kỹ thuật, thông lệ, hải quan và tố tụng.
Việt Nam đã đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch trong các Hiệp định
thương mại tự do ngay trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm
pháp luật bằng việc luật hóa các cam kết này. Mặc dù còn một số quy định chưa
phù hợp khi áp dụng ở cấp địa phương, nhưng với mục tiêu xây dựng hệ thống
pháp luật thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực, hiệu
quả và tương thích với các điều ước quốc tế và các hiệp định thương mại tự do
mà Việt Nam đã ký kết, các quy định về công khai, minh bạch của hệ thống
pháp luật ở Việt Nam đã được chú trọng một cách nghiêm túc, đảm bảo nguyên
tắc dân chủ trong hoạt động của nhà nước và bình đẳng trong thương mại quốc
tế.

You might also like