You are on page 1of 16

HỌC VIỆN QUÂN Y

BỘ MÔN SẢN PHỤ KHOA

TIỂU LUẬN

CHỦ ĐỀ: KĨ THUẬT BẤM ỐI

Sinh viên thực hiện : TỐP 1 LỚP DY16A1

Hà Nội, tháng 3, năm 2022


MỤC LỤC
1. MỤC TIÊU TIỂU LUẬN.........................................................................1

2. ĐẶT VẤN ĐỀ............................................................................................1

3. GIẢI PHẪU – SINH LÝ...........................................................................1

3.1 Màng ối..................................................................................................1


3.2. Nước ối.................................................................................................2
3.3. Chuyển dạ.............................................................................................2
4. CHỈ ĐỊNH..................................................................................................3

4.1. Chỉ định bấm ối đúng lúc.....................................................................3


4.2. Chỉ định bấm ối sớm............................................................................3
5. CHỐNG CHỈ ĐỊNH..................................................................................4

5.1. Chưa chuyển dạ thực sự, cơn co chưa đều đặn....................................4


5.2. Sa dây rốn trong bọc ối.........................................................................4
5.3. Cổ tử cung chưa mở hết trong ngôi mông, ngôi mặt, ngôi vai.............5
6. CHUẨN BỊ.................................................................................................5

6.1. Về phía nhân viên y tế, cán bộ chuyên khoa........................................5


6.2. Về phía sản phụ....................................................................................5
6.3. Phương tiện và dụng cụ........................................................................6
7. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH.......................................................................7

8. THEO DÕI VÀ XỬ LÍ TAI BIẾN, BIẾN CHỨNG...............................8

8.1. Theo dõi sau bấm ối.............................................................................8


8.2. Xử lí tai biến, biến chứng.....................................................................9
8.2.1. Sa dây rốn......................................................................................9
8.2.2. Tắc mạch ối....................................................................................9
8.2.3. Sa chi...........................................................................................10
8.2.4. Chấn thương thai nhi...................................................................11
8.2.5. Nhiễm khuẩn ối............................................................................11
9. KẾT LUẬN..............................................................................................11
1. MỤC TIÊU TIỂU LUẬN
- Trình bày được mục đích, chỉ định, chống chỉ định của kĩ thuật bấm ối
- Biết cách chuẩn bị và thực hiện kĩ thuật bấm ối
- Nắm được các tai biến, biến chứng và cách xử lí trong kĩ thuật bấm ối
- Nhận thức được tầm quan trọng của việc bấm ối đúng quy trình.
2. ĐẶT VẤN ĐỀ
Bấm ối là một thủ thuật được làm trong quá trình chuyển dạ, khi cổ tử cung
đã xóa mở, nhắm làm vỡ màng ối chủ động để nước ối thoát ra ngoài.
Bấm ối thường được chỉ đinh trong các trường hợp sinh chỉ huy như thúc
đẩy chuyển dạ, tăng co với oxytocin, nghiệm pháp sinh ngả âm đạo.
Người ta thường thực hiện bấm ối vì các mục đích:
- Cần làm giảm áp lực buồng ối
- Giúp cho chuyển dạ tiến triển nhanh hơn
- Cầm máu trong rau tiền đạo
- Bấm ối để thực hiện đỡ đẻ hoặc làm các thủ thuật
Tuy nhiên, các chứng cứ hiện tại cho thấy nhóm thực hiện thủ thuật bấm ối
thường quy so với sản phụ có màng ối còn nguyên không rút ngắn giai đoạn 1 của
chuyển dạ, không tăng tỷ lệ nhiễm trùng cho thai phụ cũng như tỷ lệ sản phụ cần
giảm đau sản khoa. Ngược lại bấm ối có liên quan đến việc tăng tỷ lệ mổ lấy thai,
nhưng sự tăng này không có ý nghĩa thống kê.
Do đó bấm ối không được khuyến cáo là một thực hành thường quy cho một
chuyển dạ có diễn biến bình thường nguy cơ thấp.
Vì thế, cần cân nhắc khi quyết định thực hiện bấm ối. Bấm ối được chỉ định
khi lợi ích của việc bấm ố lớn hơn nguy cơ hiện hữu.
3. GIẢI PHẪU – SINH LÝ
3.1 Màng ối
Màng ối là 1 màng dai và chắc nhưng dẻo. Là màng trong cùng, không có
mạch máu, thần kinh và tiếp xúc với dịch ối, nó có vai trò quan trọng trong quá

1
trình mang thai ở người. Màng ối mang lại hầu hết sức căng dãn của màng thai,
tính đàn hồi của nó giúp chống lại những va đập gây rách vỡ, đây là vai trò quan
trọng để giúp quá trình mang thai thành công.

3.2. Nước ối
Nước ối là môi trường giàu chất dinh dưỡng, có khả năng tái tạo và trao đổi.
Những tháng đầu nước ối có màu trong, khi gần đủ tháng nước ối lờ trắng đục và
có số lượng 500-1000ml
3.3. Chuyển dạ
Chuyển dạ đẻ là quá trình sinh lý làm cho thai và phần phụ của thai được
đưa ra khỏi đường sinh dục của người mẹ. Chuyển dạ được chia làm 3 giai đoạn:
- Giai đoạn I (Xóa mở cổ tử cung): tính từ khi cổ tử cung bắt đầu xóa đến
khi mở hết, là giai đoạn kéo dài nhất của cuộc chuyển dạ, gồm 2 giai đoạn:
 Giai đoạn IA: tính từ khi cổ tử cung bắt đầu xóa đến khi mở được 3cm
 Giai đoạn IB: tính từ khi cổ tử cung mở được 4cm đến khi mở hết
- Giai đoạn II (Sổ thai): tính từ khi cổ tử cung mở hết đến khi thai sổ
- Giai đoạn III (Sổ rau): tính từ khi thai sổ đến khi rau số
Động lực của cuộc chuyển dạ là cơn co tử cung. Dưới tác động của cơn co tử
cung, áp lực trong buồng tử cung tăng lên đỉnh điểm, đầu thai di chuyển xuống, tạo
thành đầu ối. Đầu ối căng phồng và tại vị trí tiếp giáp với vòng cổ tử cung, đây là
nơi màng ối mỏng nhất và rất dễ vỡ. Khi màng ối vỡ, một lượng nước ối trong
buồng tử cung sẽ chảy ra ngoài. Nếu màng ối tự trượt lên nhau hay đầu thai nhi
xuống thấp chèn vào, dòng nước ối sẽ bị ngăn chặn hoàn toàn hay chỉ chảy rỉ rả.

2
Lúc này, vỡ ối cũng là tác nhân khiến cơn co tử cung xuất hiện nhiều hơn và trở
nên dồn dập hơn.
4. CHỈ ĐỊNH
4.1. Chỉ định bấm ối đúng lúc
- Khi cổ tử cung mở hết, đầu ối không còn tác dụng
- Khi ngôi thai đẻ được đường âm đạo như ngôi chỏm, ngôi cằm vệ, ngôi
ngược hoàn toàn: bấm ối để chuẩn bị bước sang giai đoạn sổ thai.
- Khi ngôi thai không đẻ được đường âm đạo như ngôi cằm cùng, ngôi trán,
ngôi thóp trước, ngôi ngược không hoàn toàn: bấm ối trong trường hợp nội xoay
thai khi có chỉ định.
4.2. Chỉ định bấm ối sớm
- Nhằm rút ngắn thời gian chuyển dạ: Khi CTC mở hết, đầu ối không còn tác
dụng
+ Màng ối dày, đầu ối phồng cản trở cuộc đẻ: đầu ối dẹt thường gặp trong
ngôi thai bình chỉnh tốt, giúp xóa mở cổ tử cung; khi đầu ối phồng, lớp dịch giữa
ngôi thai và màng ối dày, ngôi thai ít tỳ đè gây cổ tử cung tiến triển chậm, chuyển
dạ kéo dài. Bấm ối gây giải phóng prostaglandin nội sinh, góp phần vào sự chín
muồi cổ tử cung

+ Cơn cơ tử cung thưa yếu. Khi đó protaglandin nội sinh làm tăng hoạt tính
cơ tử cung, tăng đáp ứng của cơn co với oxytoxin
+ Khởi phát chuyển dạ trong đẻ chỉ huy, làm nghiệm pháp lọt ngôi chỏm,
hoặc đẻ thai thứ hai trong sinh đôi

3
+ Một số bệnh lý của mẹ như: bệnh tim, TSG nặng,... cần bấm ối để rút ngắn
chuyển dạ
+ Cầm máu trong rau bám bên, bám mép, bấm ối giúp ngôi thai tì vào bánh
rau để cầm máu
+ Giảm áp lực buồng ối:
- Tia ối trong đa ối: đa ối làm buồng tử cung căng giãn quá mức, gây tăng áp
lực ổ bụng chèn ép cơ hoành gây khó thở ở sản phụ, đồng thời gây rối loạn cơn co
tử cung gây chuyển dạ kéo dài, tăng nguy cơ băng huyết sau sanh do đờ tử cung.
Tia ối là tạo 1 lỗ thủng nhỏ trên màng ối, nước ối thoát ra từ từ, tránh tai biến sa
dây rốn theo nước ối
- Rau bong non: bấm ối để tử cung đỡ co cứng đồng thời quan sát màu sắc
nước ối
5. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
5.1. Chưa chuyển dạ thực sự, cơn co chưa đều đặn
Việc bấm ối làm mất tính chất của đầu ối, cản trở quá trình chuyển dạ, tăng
nguy cơ nhiễm trùng…Đồng thời khi hết ối, cơn co tử cung làm bóp chặt thai nhi
dễ dẫn đến suy thai
5.2. Sa dây rốn trong bọc ối
Trong trường hợp này, ối vẫn còn nhưng dây rốn nằm ở vị trí giữa đầu thai
nhi và màng ối, khi ối vỡ, đầu thai nhi tỳ thấp xuống làm dây rốn bị chèn ép và gây
tắc nghẽn hoàn toàn lưu thông của máu trong cuống rốn. Thai nhi không còn nhận
được máu bão hòa oxygen từ nhau nữa. Khi dây rốn bị sa ra ngoài không còn nằm
trong bọc ối, nó sẽ nhanh chóng mất nước và bị khô đi, ảnh hưởng nghiêm trọng
đến tuần hoàn trong cuống rốn. Chỉ trong thời gian ngắn, thai nhi lâm ngay vào
tình trạng nguy kịch và sẽ chết trong vòng vài phút.

4
5.3. Cổ tử cung chưa mở hết trong ngôi mông, ngôi mặt, ngôi vai
Trong trường hợp ngôi thai bất thường, thai nhi nằm trong bọc ối có thể bình
chỉnh tốt, chọn tư thế thuận tiện nhất cho quá trình chuyển dạ. Do vậy cần đợi cổ
tử cung mở hết, ngôi cố định thì mới thực hiện bấm ối.
- Với ngôi mông, bấm ối sớm có nguy cơ sa dây rốn gây suy thai
- Với ngôi mặt, chỉ ngôi mặt cằm vệ đẻ được đường dưới. Khi thai nhi còn ở
trong bọc ối, chúng có thể “bơi” trong đó để tùy chỉnh ngôi
Ví dụ: khi khám là ngôi cằm cùng nhưng khi cổ tử cung mở hết, chúng lại sổ
kiểu cằm vệ
- Khi thai nhi còn nằm trong bọc ối, bác sĩ có thể tiến hành thủ thuật xoay
thai với mục đích là chuyển thai từ ngôi vai thành ngôi mông hay ngôi chỏm cho
dễ sinh đường dưới
6. CHUẨN BỊ
6.1. Về phía nhân viên y tế, cán bộ chuyên khoa
- Nữ hộ sinh, y sĩ, bác sĩ chuyên khoa Phụ sản chuẩn bị tốt về mặt kiến thức
và kỹ năng.
- Giải thích cho sản phụ hiểu mục đích của việc bấm ối, các tai biến biến
chứng có thể xảy ra khi bấm ối
- Thăm khám:
+ Toàn trạng bệnh nhân: Mạch, Huyết áp, Nhịp thở
+ Nghe tim thai trước khi bấm ối: ghi nhận tần số, cường độ, đều hay không
đều

5
+ Khám âm đạo: đánh giá tình trạng cổ tử cung, ngôi thai và xác định chắc
chắn không có sa dây rốn trong bọc ối trước khi bấm ối.
6.2. Về phía sản phụ
- Sản phụ nằm trên bàn đẻ, tư thế sản khoa, thở đều, không rặn.
- Được giải thích về kĩ thuật bấm ối từ bác sĩ chuyên khoa, tinh thần thoải
mái, hạn chế lo lắng.
6.3. Phương tiện và dụng cụ
- Dụng cụ: Găng tay vô khuẩn, nước vô khuẩn vệ sinh âm hộ.
- Phương tiện: Một kim dài 15 - 20cm đầu tù có nòng hoặc một cành của
kìm Kocher. Thực tế hay sử dụng kim truyền dịch mài đầu tù đi để bấm ối.
- Một số phương tiện khác dùng để bấm ối:

Móc chọc ối Hollister và Kẹp chọc ối Goodwin

6
Kim Amniohook

Kim AROMhook

7. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH


- Rửa sạch âm hộ bằng nước vô khuẩn.
- Người bấm ối đứng giữa 2 đùi sản phụ, đeo găng vô khuẩn
- Trước khi bấm ối, kiểm tra lại xem có sa dây rau trong bọc ối không. Nếu
có thì không được bấm ối
- Cách bấm ối khác nhau tùy theo chỉ định:

7
 Nếu bấm ối trong ngôi đầu, đầu ối dẹt thì nên bấm ối trong cơn co tử cung
để tránh sang chấn vào đầu thai nhi:
 Trường hợp sử dụng kim đầu tù có nòng, người thầy thuốc đứng giữa hay
đứng bên phải người bệnh, hai ngón trỏ và giữa đưa vào âm đạo qua cổ tử cung tới
màng ối, tay kia cầm đầu kim luồn vào âm đạo theo hướng hai ngón tay, chọc vào
màng ối để nước ối chảy ra từ từ theo ngón tay, sau đó xé rộng màng ối.
 Trường hợp sử dụng kim truyền dịch, kẹp kim giữa hai ngón trỏ và giữa
của tay thuận đưa vào âm đạo qua cổ tử cung, dùng ngón cái đẩy kim chọc thủng
màng ối, giữ nguyên tay để nước ối từ từ chảy ra ngoài, sau đó bỏ kim ra ngoài và
xé rộng màng ối.
 Nếu bấm ối trong ngôi đầu, đầu ối phồng thì nên bấm ối ngoài cơn co tử
cung. Sau khi dùng đầu kim chọc màng ối, giữ nguyên tay để nước ối chảy từ từ,
hướng cho đầu thai nhi chúc vào eo trên, rồi sau đó mới xé rộng là để đề phòng sa
dây nhau khi nước ối chảy mạnh ồ ạt.
 Đối với ngôi ngược, chỉ bấm ối khi tiên lượng đẻ được, cổ tử cung đã mở
hết; thường là đầu ối phồng, rất dễ bị sa dây nhau, nên bấm ối ngoài cơn co tử
cung, cho nước ối chảy từ từ rồi mới xé rộng màng ối.
 Đối với ngôi ngang khi có chỉ định và đủ điều kiện để nội xoay thai thì sau
khi chọc đầu ối phải xé dần màng ối để đưa được cả bàn tay vào buồng tử cung để
nắm lấy chân thai nhi làm nội xoay.
Cần lưu ý trường hợp này, nước ối càng được giữ trong buồng tử cung nhiều
càng tốt vì còn nhiều nước ối nội xoay thai nhi càng dễ, cổ tử cung càng đỡ bóp
chặt vào thai nhi. Vì vậy, phải chọc ối và xé màng ối từ từ, đưa ngay cả bàn tay
vào cổ tử cung, vừa tìm chân thai nhi vừa ngăn không cho nước ối chảy ồ ạt ra
ngoài.
 Nếu bấm ối trong nhau tiền đạo thì sau khi chọc đầu ối, phải xé rộng màng
ối song song với bờ bánh rau, tránh xé vuông góc vào bánh rau gây chảy máu.
 Nếu bấm ối trong đa ối cần để sản phụ nằm đầu dốc, mông hơi cao. Dùng
phương pháp tia ối, nghĩa là dùng kim chọc một lỗ nhỏ, chọc ngoài cơn co tử cung,
để cho nước ối chảy từ từ, khi nước ối chảy gần hết mới xé rộng màng ối.

8
Trong trường hợp này, nếu để nước ối chảy ào ra ngoài, sản phụ dễ bị sốc vì
áp lực ổ bụng giảm đột ngột, hơn nữa dễ gây sa dây nhau, sa các chi hoặc có thể
trở thành ngôi bất thường.
- Sau khi bấm đi nghe lại tim thai.
8. THEO DÕI VÀ XỬ LÍ TAI BIẾN, BIẾN CHỨNG
8.1. Theo dõi sau bấm ối
- Mạch, huyết áp của thai phụ
- Kiểm tra ngay có dấu hiệu của sa dây rốn không.
- Nghe lại tim thai
- Xác định lại ngôi, thế, kiểu thế, độ lọt ngôi thai
- Nhận định số lượng, màu sắc và mùi của nước ối.
- Dấu hiệu của nhiễm khuẩn
8.2. Xử lí tai biến, biến chứng
8.2.1. Sa dây rốn
Chẩn đoán: Khi ối đã vỡ thì khám dây rốn sa trong âm đạo, có khi ra ngoài
âm hộ (hay gặp trong ngôi bất thường)
- Xử trí chung
+ Sa dây rốn khi đã vỡ ối
+ Xác định xem dây rốn còn đập không, nghe tim thai bằng Doppler
- Nếu thai còn sống
+ Cho sản phụ nằm tư thế đầu thấp và đánh giá tiến triển của cuộc chuyển dạ
và tình trạng thai nhi.
+ Nếu đủ điều kiện sinh nhanh: cho sinh.
+ Phẫu thuật lấy thai ngay nếu không đủ điều kiện sinh đường dưới.
+ Đưa tay vào trong âm đạo đẩy ngôi thai lên cao, giảm chèn ép vào dây.
+ Tư vấn cho gia đình sản phụ về diễn biến xấu có thể xảy ra với thai.
+ Nếu dây rốn sa ra ngoài âm hộ, bọc dây rốn nhẹ nhàng bằng khan ẩm, ấm

9
Nếu thai đã chết, không còn tính chất cấp cứu: theo dõi sinh đường âm đạo
nếu không có các nguyên nhân sinh khó khác
8.2.2. Tắc mạch ối
Tắc mạch ối là do nước ối, tế bào của thai nhi, chất gây, tóc, lông tơ hoặc
các mảnh mô khác lọt vào tuần hoàn của người mẹ, gây ra suy tuần hoàn và suy hô
hấp cấp tính
- Hội sản phụ khoa Hoa Kỳ và Anh khuyến cáo 4 tiêu chuẩn chẩn đoán tắc
mạch ối như sau:
+ Tụt huyết áp hay sốc tim
+ Thiếu oxy cấp tính và suy hô hấp
+ Hôn mê hoặc co giật
+ Đông máu nội mạch lan tỏa (DIC)
Các triệu chứng trên thường xảy ra trong chuyển dạ, lúc sinh hoặc trong
vòng 30 phút sau sinh mà không có các lý giải khác cho các dấu hiệu này.
- Nguyên tắc xử trí
+ Hồi sức tích cực
+ Phối hợp giữa Sản khoa, Gây mê hồi sức và Nhi khoa.
- Về mặt GMHS: Kiểm soát và hỗ trợ hô hấp – tuần hoàn:
+ Duy trì cung cấp oxy cho sản phụ (đặt nội khí quản, thở máy).
+ Đặt hơn 2 đường truyền TM, nâng huyết áp bằng dung dịch cao phân tử.
+ Hồi sức tim nếu ngừng tim
+ Truyền máu và các chế phẩm của máu nếu kết quả đông máu không tốt
kèm chảy máu dữ dội: truyền máu toàn phần hay khối hồng cầu và huyết tương, …
- Về mặt sản khoa
+ Cho sinh ngay
+ Tùy từng trường hợp cụ thể để có chỉ định phù hợp.
- Về mặt nhi khoa: hồi sức sơ sinh tích cực

10
8.2.3. Sa chi
- Thử đẩy chỉ lên, theo dõi diễn biến của cuộc chuyển dạ, đặc biết là tiến
triển của cổ tử cung và ngôi thai
- Nếu cố tử cung không tiến triển không mở thêm, cuộc chuyển dạ không
bình chỉnh được thì phải mổ lấy thai

8.2.4. Chấn thương thai nhi


Cần nhân viên y tế có kinh nghiệm bấm ối trong trường hợp ối ít hoặc hết ối.

8.2.5. Nhiễm khuẩn ối


- Nguy cơ nhiễm khuẩn ối thường xảy ra sau vỡ ối 6 giờ mà sản phụ chưa
đẻ.
- Nước ối có màu xanh đục kèm theo mùi hôi hoặc lẫn với mủ. Ngoài ra khi
bị nhiễm trùng ối, người mẹ còn có những triệu chứng dễ nhận thấy như: Sốt cao
kèm theo là tử cung đau và mềm; nhịp tim của mẹ và thai nhi đập nhiều hơn

11
thường ngày; khi quan sát âm đạo thấy hiện tượng dịch ối bị rỉ và có mùi hôi rất
khó chịu kèm theo mủ, dịch tiết âm đạo cũng có mùi rất khó chịu.
- Xét nghiệm: bạch cầu tăng, công thức bạch cầu chuyển trái.
- Xử trí: chỉ định mổ lấy thai, hồi sức thai suy và sơ sinh ngạt (nếu có), dung
kháng sinh dự phòng viêm phổi sơ sinh.

9. KẾT LUẬN
Bấm ối là một trong những kĩ thuật đơn giản, thường quy trong các cuộc đẻ.
Tuy vậy, người làm công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cần nắm chắc chỉ định,
thực hiện đúng kĩ thuật và theo dõi sát sau khi bấm ối để phát hiện và xử trí kịp
thời các tai biến, biến chứng có thể xảy ra

Tài liệu tham khảo

1. Thực hành lâm sàng Sản- Phụ Khoa, Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân
(2013)

2. Sản Phụ khoa, Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân (2009)

3. Bài giảng Phá ối và phương pháp phá ối, Bộ môn Phụ Sản, Khoa Y, ĐH
Y Dược TP Hồ Chí Minh (2018)

4. Kĩ năng lâm sàng Sản Phụ khoa, Nhà Xuất bản Đại học Huế (2017)

5. Phác đồ điều trị Sản Phụ Khoa, Bệnh viện Từ Dũ (2015)

12
6. Obstetrics illustrated, Churchill Livingstone/Elsevier (2010)

13

You might also like