You are on page 1of 169

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ Y TẾ

ĐẠI HỌC Y DƯỢC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

PHAN HUỲNH AN

ẢNH HƯỞNG CỦA NHỔ RĂNG CỐI NHỎ


TRONG ĐIỀU TRỊ CHỈNH HÌNH RĂNG MẶT
LÊN SỰ MỌC RĂNG KHÔN

LUẬN ÁN TIẾN SĨ Y HỌC

TP.HỒ CHÍ MINH, Năm 2023


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ Y TẾ
ĐẠI HỌC Y DƯỢC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

PHAN HUỲNH AN

ẢNH HƯỞNG CỦA NHỔ RĂNG CỐI NHỎ


TRONG ĐIỀU TRỊ CHỈNH HÌNH RĂNG MẶT
LÊN SỰ MỌC RĂNG KHÔN

NGÀNH: RĂNG HÀM MẶT


MÃ SỐ: 9720501

LUẬN ÁN TIẾN SĨ Y HỌC

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:


1. PGS.TS. LÂM HOÀI PHƯƠNG
2. PGS.TS. LÊ ĐỨC LÁNH

TP. HỒ CHÍ MINH, Năm 2023


LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi, các kết quả nghiên
cứu được trình bày trong luận án là trung thực, khách quan và chưa từng được
công bố ở bất kỳ nơi nào.

Tác giả luận án

Phan Huỳnh An
MỤC LỤC

Lời cam đoan


Danh mục từ viết tắt – đối chiếu thuật ngữ ........................................................ i
Danh mục bảng................................................................................................. iii
Danh mục biểu đồ ............................................................................................. v
Danh mục hình ................................................................................................. vi
Đặt vấn đề.......................................................................................................... 1
Chương 1. TỔNG QUAN TÀI LIỆU ............................................................ 4
1.1. Tổng quan về răng khôn ......................................................................... 4
1.2. Tổng quan các phương pháp nghiên cứu sự mọc răng khôn ................ 18
1.3. Tác động của điều trị chỉnh hình răng mặt lên sự mọc răng khôn ....... 25
Chương 2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ............. 39
2.1. Thiết kế nghiên cứu .............................................................................. 39
2.2. Đối tượng nghiên cứu ........................................................................... 39
2.3. Thời gian và địa điểm nghiên cứu ........................................................ 40
2.4. Cỡ mẫu của nghiên cứu ........................................................................ 40
2.5. Xác định các biến số độc lập và phụ thuộc........................................... 41
2.6. Phương pháp và công cụ đo lường, thu thập số liệu............................. 48
2.7. Quy trình nghiên cứu ............................................................................ 59
2.8. Phương pháp phân tích dữ liệu ............................................................. 60
2.9. Đạo đức trong nghiên cứu..................................................................... 61
CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ ............................................................................... 62
3.1. Đặc điểm mẫu nghiên cứu .................................................................... 62
3.2. Độ nghiêng, khoảng mọc răng và mức độ mọc của răng khôn trước và
sau điều trị ở nhóm chỉnh hình có nhổ răng và nhóm chỉnh hình không nhổ răng
......................................................................................................................... 64
3.3. Độ nghiêng, khoảng mọc răng và mức độ mọc của răng khôn trước và
sau điều trị ở nhóm chỉnh hình nhổ răng 4 và nhóm chỉnh hình nhổ răng 5 .. 70
3.4. Phân tích hồi quy tương quan đa biến tìm mối liên quan giữa các yếu tố
đối với sự mọc răng khôn ................................................................................ 77
Chương 4. BÀN LUẬN ................................................................................. 84
4.1. Về đặc điểm mẫu và phương pháp nghiên cứu .................................... 84
4.2. Về độ nghiêng, khoảng mọc răng, mức độ mọc của răng khôn ở nhóm
chỉnh hình có nhổ răng và nhóm chỉnh hình không nhổ răng......................... 87
4.3. Về độ nghiêng, khoảng mọc răng, mức độ mọc của răng khôn ở nhóm
chỉnh hình nhổ răng 4 và nhóm chỉnh hình nhổ răng 5 ................................ 102
4.4. Về phân tích tương quan giữa các yếu tố với sự mọc răng khôn ....... 111
4.5. Ý nghĩa và hạn chế của đề tài ............................................................. 118
KẾT LUẬN .................................................................................................. 120
KIẾN NGHỊ .................................................................................................. 122
CÁC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN ........ 123
TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC 1
PHỤ LỤC 2
PHỤ LỤC 3
PHỤ LỤC 4
i

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT – ĐỐI CHIẾU THUẬT NGỮ

Viết tắt Tiếng Anh Tiếng Việt


18-17 Góc giữa trục răng khôn và trục răng
7 hàm trên (bao gồm cả răng khôn và
răng 7 hàm trên bên phải và bên trái)
48-47 Góc giữa trục răng khôn và trục răng
7 hàm dưới (bao gồm cả răng khôn và
răng 7 hàm dưới bên phải và bên trái)
Angulation Độ nghiêng
CBCT Conebeam Computed Chụp cắt lớp điện toán với chùm tia
Tomography hình chóp nón
Cephalometric
Phim sọ nghiêng
radiography
ĐLC Độ lệch chuẩn
Eruption space Khoảng mọc răng
Extraction orthodontic
Chỉnh hình có nhổ răng
therapy
HD Hàm dưới
HP Horizontal Plane Mặt phẳng ngang tham chiếu
HP-17 Horizontal Plane - 17 Góc giữa trục răng 7 hàm trên và mặt
phẳng ngang tham chiếu (bao gồm cả
răng 7 hàm trên bên phải và bên trái)
HP-18 Horizontal Plane - 18 Góc giữa trục răng khôn hàm trên và
mặt phẳng ngang tham chiếu (bao
gồm cả răng khôn hàm trên bên phải
và bên trái)
HP-47 Horizontal Plane - 47 Góc giữa trục răng 7 hàm dưới và mặt
phẳng ngang tham chiếu (bao gồm cả
răng 7 hàm dưới bên phải và bên trái)
HP-48 Horizontal Plane - 48 Góc giữa trục răng khôn hàm dưới và
mặt phẳng ngang tham chiếu (bao
ii

gồm cả răng khôn hàm dưới bên phải


và bên trái)
HT Hàm trên
J-D7 J point – Distal second Khoảng cách từ điểm J đến mặt xa
molar răng 7 hàm dưới
LoO-Cu8 Lower Occlusal plane – Khoảng cách từ đỉnh múi ngoài xa
Cuspid of third molar răng khôn tới mặt phẳng nhai hàm
dưới
LoO-Fi8 Lower Occlusal plane – Khoảng cách từ rãnh ngoài răng khôn
Fissure of third molar tới mặt phẳng nhai hàm dưới
mm Millimet
Non-extraction
Chỉnh hình không nhổ răng
orthodontic therapy
Panoramic
radiography/Orthopanto Phim toàn cảnh
mography
Ptm Pterygomaxillare Khe chân bướm hàm
PTV-7 Pterygomaxillare Khoảng cách từ mặt phẳng chân
Vertical line-7 bướm theo chiều dọc tới mặt xa răng
7 hàm trên
Retromolar space Khoảng hậu hàm
TBĐL Trung bình độ lệch
TB ± ĐLC Trung bình ± độ lệch chuẩn
Third molar Răng cối lớn thứ ba
UpO-Cu8 Upper Occlusal plane – Khoảng cách từ đỉnh múi ngoài xa
Cuspid of third molar răng khôn tới mặt phẳng nhai hàm
trên
UpO-Fi8 Upper Occlusal plane – Khoảng cách từ rãnh ngoài răng khôn
Fissure of third molar tới mặt phẳng nhai hàm trên
Wisdom tooth Răng khôn
Xi-7 Xi point – Distal second Khoảng cách từ điểm Xi đến mặt xa
molar răng 7 hàm dưới
iii

DANH MỤC BẢNG

Bảng 1.1: Tỷ lệ ngầm của răng khôn theo một số nghiên cứu. ...................... 12
Bảng 2.1: Biến số nghiên cứu ......................................................................... 43
Bảng 2.2: Bảng hệ số tương quan nội lớp (ICC) giữa các biến số đo đạc trong
nghiên cứu thử nghiệm. .............................................................................. 60
Bảng 3.1: Phân bố bệnh nhân theo giới tính giữa hai nhóm. .......................... 62
Bảng 3.2: Phân bố bệnh nhân theo nhóm tuổi giữa hai nhóm. ....................... 62
Bảng 3.3: Độ nghiêng, khoảng mọc răng và mức độ mọc của răng khôn hàm
trên trước và sau điều trị ở nhóm chỉnh hình có nhổ răng. ........................ 64
Bảng 3.4: Độ nghiêng, khoảng mọc răng và mức độ mọc của răng khôn hàm
trên trước và sau điều trị ở nhóm chỉnh hình không nhổ răng. .................. 65
Bảng 3.5: Độ nghiêng, khoảng mọc răng và mức độ mọc của răng khôn hàm
dưới trước và sau điều trị ở nhóm chỉnh hình có nhổ răng. ....................... 67
Bảng 3.6: Độ nghiêng, khoảng mọc răng và mức độ mọc của răng khôn hàm
dưới trước và sau điều trị ở nhóm chỉnh hình không nhổ răng. ................. 68
Bảng 3.7: Độ nghiêng, khoảng mọc răng và mức độ mọc của răng khôn hàm
trên trước và sau điều trị ở nhóm chỉnh hình nhổ răng 4. .......................... 70
Bảng 3.8: Độ nghiêng, khoảng mọc răng và mức độ mọc của răng khôn hàm
trên trước và sau điều trị ở nhóm chỉnh hình nhổ răng 5. .......................... 71
Bảng 3.9: Độ nghiêng, khoảng mọc răng và mức độ mọc của răng khôn hàm
dưới trước và sau điều trị ở nhóm chỉnh hình nhổ răng 4. ......................... 74
Bảng 3.10: Độ nghiêng, khoảng mọc răng và mức độ mọc của răng khôn hàm
dưới trước và sau điều trị ở nhóm chỉnh hình nhổ răng 5. ......................... 75
Bảng 3.11: Tần suất mất neo chặn của răng 6 hàm trên ở ba nhóm. .............. 77
iv

Bảng 3.12: Kết quả phân tích tương quan đa biến tìm mối liên quan giữa các
yếu tố với độ nghiêng, khoảng mọc răng và mức độ mọc của răng khôn hàm
trên. ............................................................................................................. 78
Bảng 3.13: Tần suất mất neo chặn của răng 6 hàm dưới ở ba nhóm. ............. 80
Bảng 3.14: Kết quả phân tích tương quan đa biến tìm mối liên quan giữa các
yếu tố với độ nghiêng, khoảng mọc răng và mức độ mọc của răng khôn hàm
dưới. ............................................................................................................ 81
v

DANH MỤC BIỂU ĐỒ

Biểu đồ 3.1: So sánh độ nghiêng, khoảng mọc răng và mức độ mọc của răng
khôn hàm trên giữa nhóm chỉnh hình có nhổ răng và nhóm chỉnh hình không
nhổ răng. ..................................................................................................... 66
Biểu đồ 3.2: So sánh độ nghiêng, khoảng mọc răng và mức độ mọc của răng
khôn hàm dưới giữa nhóm chỉnh hình có nhổ răng và nhóm chỉnh hình không
nhổ răng. ..................................................................................................... 69
Biểu đồ 3.3: So sánh độ nghiêng, khoảng mọc răng và mức độ mọc của răng
khôn hàm trên giữa nhóm chỉnh hình nhổ răng 4 và nhóm chỉnh hình nhổ
răng 5. ......................................................................................................... 73
Biểu đồ 3.4: So sánh độ nghiêng, khoảng mọc răng và mức độ mọc của răng
khôn hàm dưới giữa nhóm chỉnh hình nhổ răng 4 và nhóm chỉnh hình nhổ
răng 5. ......................................................................................................... 76
vi

DANH MỤC HÌNH

Hình 1.1: Bộ răng của trẻ 6 tuổi, thời điểm này mầm răng khôn chưa xuất hiện
...................................................................................................................... 4
Hình 1.2: Bộ răng của trẻ 10 tuổi, mầm răng khôn hàm dưới xuất hiện và bắt
đầu khoáng hóa ............................................................................................. 5
Hình 1.3: Bộ răng của trẻ 12 tuổi, các mầm răng khôn hàm trên và hàm dưới
đang hình thành thân răng ............................................................................ 5
Hình 1.4: Các giai đoạn hình thành và phát triển của răng khôn theo Demirjian
...................................................................................................................... 7
Hình 1.5: Hình minh họa các giai đoạn mọc răng .......................................... 11
Hình 1.6: Phân loại mức độ lệch ngầm của răng khôn theo Pell-Gregory ..... 17
Hình 1.7: Các hướng nghiêng của răng khôn hàm dưới và hàm trên ............. 18
Hình 1.8: Các cấu trúc sọ mặt xuất hiện trên mặt phẳng toàn cảnh................ 19
Hình 2.1: Giao diện và các tính năng của phần mềm Smartceph ................... 50
Hình 2.2: Phim toàn cảnh và sọ nghiêng kỹ thuật số được sử dụng trong nghiên
cứu .............................................................................................................. 50
Hình 2.3: Cách xác định mặt nhai và trục răng............................................... 51
Hình 2.4: Cách xác định mặt phẳng ngang tham chiếu và mặt phẳng nhai .... 52
Hình 2.5: Cách xác định điểm J và điểm D7 trong nghiên cứu. ..................... 53
Hình 2.6: Cách xác định điểm Xi trên phim toàn cảnh................................... 54
Hình 2.7: Cách xác định điểm Ptm và đường PTV ........................................ 55
Hình 2.8: Các phép đo góc giữa răng 7, răng khôn hàm trên với mặt phẳng
ngang tham chiếu........................................................................................ 55
Hình 2.9: Các phép đo góc giữa răng 7, răng khôn hàm dưới với mặt phẳng
ngang tham chiếu........................................................................................ 56
vii

Hình 2.10: Các phép đo khoảng mọc răng và mức độ mọc của răng khôn hàm
trên và hàm dưới ......................................................................................... 56
Hình 2.11: Tổng hợp các phép đo trên phim toàn cảnh .................................. 57
Hình 2.12: Cách xác định điểm Xi trên phim sọ nghiêng............................... 58
Hình 2.13: Cách xác định PTV trên phim sọ nghiêng .................................... 58
Hình 4.1: Phim toàn cảnh trước (A) và sau (B) điều trị chỉnh hình có nhổ răng
của bệnh nhân Hà M. V., nam, 16 tuổi cho thấy răng khôn hàm trên bên phải
và bên trái mọc nhiều về phía nhai, giảm mức độ ngầm............................ 90
Hình 4.2: Phim toàn cảnh trước (A) và sau (B) điều trị chỉnh hình có nhổ răng
của bệnh nhân Lâm N. T., nam, 13 tuổi cho thấy răng khôn hàm dưới bên
phải và bên trái tăng khoảng mọc, tăng mức độ mọc................................. 98
Hình 4.3: Phim toàn cảnh trước (A) và sau (B) điều trị chỉnh hình không nhổ
răng của một bệnh nhân nữ, 17 tuổi, cho thấy răng khôn hàm trên bên trái
thay đổi mức độ mọc 2,36mm .................................................................. 114
Hình 4.4: Phim toàn cảnh trước (A) và sau (B) điều trị chỉnh hình có nhổ răng
4 của một bệnh nhân nữ, 15 tuổi, cho thấy răng khôn hàm dưới bên phải tăng
khoảng mọc răng 3,09mm ........................................................................ 117
1

ĐẶT VẤN ĐỀ

Sự phát triển của răng khôn và ảnh hưởng của nó lên cung răng là chủ đề
được quan tâm nhiều trong chuyên ngành nha khoa1. Mặt khác, vấn đề mọc hay
ngầm của răng khôn, nhất là ở hàm dưới cũng được nghiên cứu khá nhiều trong
nha khoa hiện đại1,2. Theo y văn, sự hình thành và phát triển của răng khôn ở
người rất thay đổi về hình thái, thời gian khoáng hóa, vị trí và sự mọc1-5. Răng
khôn có thể mọc lên bình thường, có thể bị mọc lệch hay ngầm, đôi khi bị thiếu
bẩm sinh2,4,6. Trong dân số hiện đại, tỷ lệ ngầm của răng khôn cao hơn bất kỳ
răng nào trên cung hàm2,4. Điều này được giải thích là do khoảng mọc răng
không đầy đủ, bởi vì răng khôn thường mọc ở độ tuổi 17–25, khi mà xương
hàm không còn tăng trưởng nhiều1,7.
Mặt khác, tác động của răng khôn hàm dưới lên sự tái phát và chen chúc
của các răng cửa dưới sau điều trị chỉnh hình là chủ đề được nghiên cứu rất
nhiều8-13. Vì vậy, các bác sĩ chỉnh hình rất quan tâm đến mối liên quan giữa
răng khôn hàm dưới và các răng còn lại trên cung hàm1,8. Các yếu tố chính cần
xem xét là: các răng khôn này sẽ mọc hay ngầm, có làm chen chúc các răng
trước hay không14. Hầu hết các nghiên cứu về răng khôn hàm dưới đều tập trung
vào ảnh hưởng của nó lên các răng còn lại của bộ răng, hơn là đánh giá tác động
của các răng còn lại như thế nào trên răng khôn1,8. Các nguyên nhân về sự ngầm
của răng khôn và các yếu tố tiên đoán sự mọc của nó cũng được nghiên cứu rất
nhiều2,7,15-17. Ngược lại, tác động của việc chỉnh hình răng mặt lên sự phát triển
và sự mọc của răng khôn ít được nghiên cứu1. Thật khó để tiên đoán “số phận”
của răng khôn, bởi vì ở thời điểm điều trị chỉnh hình toàn diện khi bệnh nhân
12 tuổi, răng 7 có thể chưa mọc hoàn toàn và mức độ khoáng hóa của răng khôn
rất ít3,18. Vì đây là độ tuổi tối ưu để điều trị hầu hết các trường hợp sai khớp
cắn, cho nên việc đánh giá có răng khôn hay không và răng khôn sẽ phát triển
2

như thế nào đóng vai trò rất quan trọng trước khi lập kế hoạch điều trị. Răng
khôn đang hình thành và phát triển sẽ thay đổi góc độ liên tục và trải qua vận
động xoay trước mọc. Các vận động xoay này diễn ra khi mầm răng khôn tiến
gần đến mặt xa của răng 73,4,19-21. Theo Richardson, góc độ giữa răng khôn và
mặt phẳng hàm dưới thay đổi trung bình 11,2o (biên độ dao động 20–42,5o)
trong khoảng thời gian từ 10–15 tuổi, điều này cho thấy răng có khuynh hướng
dựng trục nhiều hơn22. Các vận động xoay này rất quan trọng, bởi vì nếu chúng
không diễn ra hoặc thất bại, thì răng khôn chắc chắn sẽ bị ngầm. Vì vậy, sẽ rất
hữu ích khi biết tác động của việc điều trị chỉnh hình lên vận động xoay chính
yếu của một răng khôn đang phát triển1,19-21,23,24. Có khả năng cao là việc điều
trị chỉnh hình với neo chặn tối đa phía sau hoặc có nghiêng xa răng cối sẽ thúc
đẩy vận động xoay bất thường của thân răng khôn và làm tăng khả năng ngầm
của nó25,26. Ngược lại, việc nhổ răng cối nhỏ có thể là yếu tố thuận lợi để răng
khôn di gần và dựng trục trong quá trình phát triển và làm tăng khả năng
mọc25,27-39. Ngoài ra, yếu tố khoảng mọc răng cũng rất quan trọng đối với sự
mọc răng khôn. Rất nhiều nghiên cứu trong y văn cho thấy rằng, điều trị chỉnh
hình có nhổ răng giúp tăng đáng kể khoảng mọc cho răng khôn, làm giảm tỷ lệ
mọc ngầm, đặc biệt trên những bệnh nhân còn tăng trưởng.
Hiện nay, về khía cạnh lâm sàng, không chỉ tại Việt Nam mà trên thế
giới, nhiều bệnh nhân được chỉ định nhổ tất cả các răng khôn trước khi điều trị
chỉnh hình, trong đó có những bệnh nhân còn nhỏ tuổi (dưới 16 tuổi), răng khôn
đang ở giai đoạn mầm răng4,8,40-42. Việc loại bỏ răng khôn đang hình thành và
ngầm sâu là một thủ thuật khó, phức tạp, tiềm ẩn những nguy cơ và biến chứng
nhất định4,43. Các dữ liệu hồi cứu hiện nay cho thấy, đây có thể là một chỉ định
điều trị quá mức, chưa đủ căn cứ vững chắc1,42.
3

Từ những nhận định trên, chúng tôi thực hiện đề tài này trên hình ảnh X
quang với câu hỏi nghiên cứu là: “Việc nhổ răng cối nhỏ trong điều trị chỉnh
hình răng mặt có ảnh hưởng như thế nào lên sự mọc của răng khôn?”, và
các mục tiêu nghiên cứu cụ thể như sau:
1. So sánh độ nghiêng, khoảng mọc răng và mức độ mọc của răng khôn
hàm trên và hàm dưới ở thời điểm trước-sau điều trị của nhóm chỉnh
hình có nhổ răng, nhóm chỉnh hình không nhổ răng và giữa hai nhóm.
2. So sánh độ nghiêng, khoảng mọc răng và mức độ mọc của răng khôn
hàm trên và hàm dưới ở thời điểm trước-sau điều trị của nhóm chỉnh
hình nhổ răng 4, nhóm chỉnh hình nhổ răng 5 và giữa hai nhóm.
3. Phân tích mối liên quan giữa một số yếu tố gồm: tuổi, giới tính, nhổ
răng 4 hay răng 5, mức độ mất neo chặn với sự mọc răng khôn, từ đó
xây dựng phương trình hồi quy về độ nghiêng, khoảng mọc răng và
mức độ mọc của răng khôn sau điều trị chỉnh hình.
4

CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN TÀI LIỆU

1.1. Tổng quan về răng khôn


1.1.1. Sự hình thành và phát triển của răng khôn

Răng khôn được chú ý đặc biệt bởi vì nó là răng cuối cùng và thay đổi
nhất trong bộ răng3,18. Không giống như các răng khác, nó không hình thành
hoàn toàn cho đến khi dậy thì18. Có nhiều thay đổi trong thời gian phát triển,
khoáng hóa và sự mọc của răng khôn. Sự phát triển của mầm răng khôn có thể
bắt đầu sớm lúc 5 tuổi hoặc muộn hơn lúc 6 tuổi, với giai đoạn hình thành mạnh
nhất lúc 8 hoặc 9 tuổi. Quá trình khoáng hóa có thể bắt đầu lúc 7 tuổi ở một số
trẻ em và muộn hơn ở một số cá thể khác lúc 16 tuổi. Hình thành thân răng
thường được hoàn tất ở 12–18 tuổi và hình thành chân răng được hoàn thành
lúc 18–25 tuổi3-5.

Hình 1.1: Bộ răng của trẻ 6 tuổi, thời điểm này mầm răng khôn
chưa xuất hiện. “Nguồn: Jung, 2014”18
5

Hình 1.2: Bộ răng của trẻ 10 tuổi, mầm răng khôn hàm dưới xuất hiện và
bắt đầu khoáng hóa. “Nguồn: Jung, 2014”18

Hình 1.3: Bộ răng của trẻ 12 tuổi, các mầm răng khôn hàm trên và
hàm dưới đang hình thành thân răng. “Nguồn: Jung, 2014”18
6

Sự phát triển của răng khôn đã được sử dụng để ước tính tuổi thời gian
cho mỗi cá thể5. Việc kiểm tra răng khôn trên phim X quang là bước quan trọng
trong việc ước tính tuổi của cá thể, lập kế hoạch điều trị cũng như để hỗ trợ
quyết định bảo tồn hoặc loại bỏ răng khôn và xác định thời điểm thích hợp nhất
để nhổ nếu cần thiết. Bởi vì khi răng khôn phát triển và chân răng trở nên dài
hơn, thì việc nhổ răng khó hơn và khả năng biến chứng sẽ tăng4,18.

Sự phát triển răng là một thông số tốt để ước tính tuổi theo thời gian.
Trong số các phương pháp được đánh giá, phân loại Demirjian cho thấy kết quả
chính xác nhất, với sự tương đồng cao nhất về mối tương quan giữa tuổi ước
tính và tuổi thật5. Hệ thống phân loại của Demirjian phân biệt 8 giai đoạn (giai
đoạn A–H) phát triển của thân và chân răng. Các giai đoạn A, B, C và D cho
thấy sự hình thành thân răng từ sự xuất hiện của múi răng cho đến khi hoàn
thành thân răng. Các giai đoạn E, F, G và H cho thấy sự hình thành chân răng
từ vùng chẽ cho đến khi đóng chóp. Các giai đoạn trong phân loại của Demirjian
dựa trên những thay đổi về hình dạng thay vì đo chiều dài18.
7

Hình 1.4: Các giai đoạn hình thành và phát triển của răng khôn
theo Demirjian. “Nguồn: Jung, 2014”18
Giai đoạn 0: Mầm răng thấu quang, chưa có sự khoáng hóa.

Giai đoạn A: Các đỉnh múi khoáng hóa nhưng chưa kết dính.

Giai đoạn B: Các múi răng khoáng hóa hoàn toàn và hình dạng thân răng
trưởng thành đã được xác định rõ.

Giai đoạn C: Thân răng hình thành khoảng một nửa, có sự hiện diện của
buồng tủy và sự lắng đọng của ngà răng.

Giai đoạn D: Thân răng hình thành hoàn toàn đến đường tiếp nối men-
xê măng và buồng tủy có dạng hình thang.
8

Giai đoạn E: Bắt đầu hình thành vùng chẽ chân răng nhưng chiều dài
chân răng ngắn hơn chiều dài thân răng.

Giai đoạn F: Chiều dài chân răng lớn hơn thân răng, vùng chóp có dạng
phễu.

Giai đoạn G: Các thành của chân răng song song, vùng chóp chưa đóng.

Giai đoạn H: Vùng chóp răng đóng hoàn toàn, độ dày dây chằng nha chu
đồng nhất bao quanh chân răng.

1.1.2. Sự mọc của răng khôn

Sự mọc răng là quá trình một răng đang phát triển xuyên qua mô mềm
của xương hàm và lớp niêm mạc phủ bên trên để vào khoang miệng, tiếp xúc
với răng của hàm đối diện và thực hiện chức năng nhai3. Có thể nhìn thấy răng
khôn trong miệng từ lúc 12–22 tuổi. Sự mọc của răng khôn rất thay đổi theo
chủng tộc2,22. Các nghiên cứu thực hiện trên dân số phương Tây đã báo cáo sự
mọc của răng khôn diễn ra trong độ tuổi từ 17–21 tuổi22. Trong khi đó, một
nghiên cứu thực hiện ở nông thôn Nigeria đã báo cáo độ tuổi trung bình mọc
răng khôn là 15 tuổi đối với nam và 13 tuổi đối với nữ2.

Các vận động liên quan đến sự mọc bắt đầu trong quá trình hình thành
thân răng và được điều chỉnh liên tục với hốc xương ổ đang hình thành. Đây là
giai đoạn trước mọc. Sự mọc răng cũng liên quan đến sự bắt đầu hình thành và
phát triển chân răng, và tiếp tục cho đến khi răng xuất hiện trong khoang miệng,
đây là giai đoạn mọc tiền chức năng. Răng tiếp tục mọc lên cho đến khi chúng
đạt tới tiếp xúc cắn khớp. Sau đó, chúng trải qua các vận động mọc chức năng,
để bù trừ với sự tăng trưởng của xương hàm và sự mòn mặt nhai. Giai đoạn này
gọi là mọc chức năng3.
9

Như vậy, mọc răng thực sự là một quá trình liên tục và chỉ kết thúc khi
răng mất. Mỗi bộ răng, gồm răng sữa và răng vĩnh viễn, có những vấn đề khác
nhau trong quá trình mọc và trong trình tự mọc3,5.

Giai đoạn trước mọc bao gồm tất cả các chuyển động của thân răng từ
thời điểm bắt đầu hình thành cho đến khi hoàn tất. Do đó, giai đoạn này kết
thúc với sự khởi đầu hình thành của chân răng. Thân răng khôn đang phát triển
di chuyển liên tục trong xương hàm ở giai đoạn này để thích ứng với những
thay đổi vị trí của các thân răng kế cận và thay đổi ở xương hàm trên và hàm
dưới cũng như sự phát triển của mặt ra phía ngoài, về phía trước và đi xuống
dưới so với sọ não trên con đường trưởng thành của nó. Trong quá trình xương
hàm dài ra, răng có thể di chuyển về phía gần hoặc phía xa3.

Ở giai đoạn sớm của pha này, các răng trước vĩnh viễn bắt đầu phát triển
về phía trong ở ngang mức rìa cắn của các răng sữa. Tuy nhiên, sau đó, khi các
răng sữa mọc lên, răng vĩnh viễn ở về phía trong tương ứng với 1/3 chóp của
răng sữa. Các răng cối nhỏ vĩnh viễn chuyển từ vị trí gần mặt nhai của răng cối
sữa sang vị trí nằm bên dưới các chân răng cối sữa. Sự thay đổi vị trí này là kết
quả của sự mọc răng sữa và sự tăng chiều cao của các cấu trúc nâng đỡ. Trong
khi đó, các răng cối vĩnh viễn (răng khôn và răng 6, răng 7) không có răng sữa
thay thế, sẽ không phát triển theo hình mẫu này. Các răng cối hàm trên phát
triển trong vùng lồi củ xương hàm trên với mặt nhai nghiêng về phía xa. Các
răng cối hàm dưới phát triển ở vùng cành lên xương hàm dưới với mặt nhai
nghiêng gần. Sự nghiêng này là kết quả của sự thay đổi góc độ mọc vì các răng
cối xuất phát từ phần cong của xương hàm dưới. Tất cả các dịch chuyển của
giai đoạn trước mọc diễn ra trong hốc răng đang phát triển và thân răng đang
tăng trưởng, trước khi bắt đầu hình thành chân răng. Vận động xoay trước mọc
của răng khôn sẽ diễn ra mạnh nhất ở độ tuổi 14–1519.
10

Giai đoạn mọc tiền chức năng bắt đầu là sự hình thành chân răng và kết
thúc khi răng đạt tiếp xúc cắn khớp. Có 4 sự kiện chính diễn ra trong pha này:

1. Sự hình thành chân răng đòi hỏi không gian cho sự kéo dài của chúng.
Vì vậy, bước đầu tiên trong sự hình thành chân răng là sự tăng sinh của
bao biểu mô chân răng, từ đó cảm ứng gây ra sự khởi đầu hình thành của
ngà răng và mô tủy của chân răng. Sự hình thành chân răng cũng gây ra
sự gia tăng mô sợi của bao mầm răng xung quanh.
2. Chuyển động về phía nhai xuyên qua lớp xương của ổ răng và đến niêm
mạc miệng. Sự chuyển động này là kết quả của một nhu cầu về không
gian cho các chân răng đang hình thành. Biểu mô men lớp ngoài thoái
hóa, tiếp xúc và hợp nhất với biểu mô miệng.
3. Sự xuyên thủng của đỉnh múi răng qua lớp biểu mô hợp nhất cho phép
men răng xuất hiện trong khoang miệng.
4. Thân răng tiếp tục di chuyển qua niêm mạc, làm xuất hiện dần dần bề
mặt thân răng, cùng với sự dịch chuyển ngày càng nhiều về phía chóp
của nướu răng. Sự mọc răng tiếp tục cho đến khi tiếp xúc cắn khớp với
răng đối diện đạt được trên lâm sàng.

Giai đoạn mọc chức năng diễn ra sau khi răng thực hiện chức năng và
tiếp tục cho đến khi răng còn trong miệng. Trong giai đoạn này, chân răng sẽ
tiếp tục hoàn thiện, chiều cao của xương ổ có sự gia tăng bù trừ với sự mòn mặt
nhai. Các bản xương ổ tái cấu trúc cho sự hình thành của chóp răng. Các ống
tủy thu hẹp như là kết quả của sự trưởng thành chân răng, trong đó các bó sợi
vùng chóp phát triển mạnh để giúp đệm các lực tác động của khớp cắn. Sự hoàn
thành chân răng tiếp tục trong một thời gian dài, quá trình này mất khoảng 1
đến 1,5 năm đối với răng sữa và 2 đến 3 năm đối với răng vĩnh viễn. Những
thay đổi rõ rệt nhất xảy ra khi khớp cắn được thiết lập. Vào thời điểm đó, mật
độ khoáng của xương ổ tăng lên, và các bó sợi chính của dây chằng nha chu
11

tăng kích thước và thay đổi hướng trong trạng thái trưởng thành của chúng. Các
sợi này tách thành các nhóm, định hướng về phía nướu, phía mào xương ổ và
bề mặt xương ổ vùng chân răng. Điều này làm tăng độ ổn định của răng và các
mạch máu trở nên có tổ chức hơn trong các khoảng trống giữa các bó sợi. Sau
này, sự tiêu hao và mài mòn mặt nhai khiến răng bị trồi lên một ít để bù trừ cho
sự mất cấu trúc này.

Trước mọc Mọc tiền chức năng Mọc chức năng

Hình 1.5: Hình minh họa các giai đoạn mọc răng.
“Nguồn: pocketdentistry.com”

Trên đây là quá trình mọc của một răng phát triển bình thường. Răng
khôn cũng là một phần của bộ răng vĩnh viễn, nên sự mọc cũng diễn ra như
vậy. Tuy nhiên, răng khôn thường bị ngầm hoặc mọc lệch, mọc kẹt nên quá
trình mọc có thể bị thay đổi và không hoàn toàn như các răng khác.

1.1.3. Tỷ lệ ngầm của răng khôn

Răng ngầm là tình huống bệnh lý trong đó một chiếc răng không thể hoặc
sẽ không mọc vào vị trí chức năng bình thường của nó.
12

Răng khôn hàm dưới là răng thường bị ngầm nhất trên bộ răng người. Tỷ
lệ ngầm của răng khôn dao động từ 16,7–68,6%2. Hầu hết các nghiên cứu đã
báo cáo không có sự khác biệt về giới tính với tình trạng răng khôn ngầm. Tuy
nhiên, một số nghiên cứu cho thấy tần suất cao hơn ở nữ so với nam2.

Răng bị ảnh hưởng thường gây viêm quanh thân răng, viêm nha chu, tổn
thương nang, tân sinh, tiêu ngót chân răng và có thể gây ra tác hại rất lớn cho
răng kế cận2,4.

Bảng 1.1: Tỷ lệ ngầm của răng khôn theo một số nghiên cứu.

“Nguồn: Stanaityte, 2014”15

Ngoài ra, nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng răng khôn hàm dưới
ngầm làm vùng góc hàm yếu và khiến nó dễ bị gãy hơn và có liên quan đến sự
13

chen chúc của cung răng hàm dưới, rối loạn thái dương hàm, đau miệng mặt
mơ hồ và đau thần kinh2.

1.1.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự mọc răng khôn

Khả năng mọc của răng khôn là yếu tố quan trọng trong kế hoạch điều
trị và trong việc duy trì lâu dài kết quả điều trị nha khoa, do đó, đây là vấn đề
các nha sĩ và bác sĩ chỉnh hình rất quan tâm1,2. Sự hiện diện hoặc vắng mặt của
răng khôn trong miệng có liên quan đến các yếu tố về xương và/hoặc các yếu
tố về răng, đã được xác định trước về mặt di truyền. Ngay từ năm 1936,
Bowdler cho rằng kiểu tăng trưởng của mỗi cá thể là một yếu tố quan trọng cho
sự mọc của răng khôn44. Broadbent tin rằng sự phát triển không đầy đủ của
xương hàm dưới có thể góp phần vào sự ngầm của răng khôn45, trong khi đó,
theo Begg, sự ngầm của răng khôn được cho là do sự dịch chuyển ra trước
không đủ trên bộ răng của người hiện đại, do thiếu sự mòn mặt bên46.

Trong một nghiên cứu khá sớm, Bjork đã báo cáo rằng trong 90% các
trường hợp răng khôn ngầm, vùng hậu hàm rất hẹp47. Vài năm sau đó, trong
một nghiên cứu dọc trên phim sọ nghiêng của 243 trường hợp cấy ghép implant,
ông đã xác định được hai yếu tố về xương và hai yếu tố về răng có liên quan
đến sự ngầm của răng khôn. Những yếu tố này là: sự phát triển của lồi cầu theo
chiều đứng, chiều dài xương hàm dưới giảm, sự mọc nghiêng xa của răng hàm
dưới và sự trưởng thành trễ của răng khôn47. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu
tương tự, cũng có kết luận rằng, tùy từng trường hợp, các yếu tố này có thể
“cộng hưởng hoặc vô hiệu hóa lẫn nhau”8.

Ricketts và cộng sự đã theo dõi dọc sự tăng trưởng của hàm dưới và đánh
giá không gian cho sự phát triển về phía trước và hướng lên của răng cối. Tác
giả kết luận rằng, để răng khôn có 50% cơ hội mọc, 50% thân răng phải nằm
phía trước đường chéo ngoài48. Trong một nghiên cứu trước đó, tác giả đã nhận
14

thấy rằng hướng mọc của răng đóng vai trò quan trọng trong sự ngầm của răng
khôn. Kaplan cũng đồng ý rằng các trường hợp có răng khôn bị ngầm cho thấy
góc hàm tăng trưởng lớn hơn so với các trường hợp có răng khôn mọc49.

Schulhof sử dụng khoảng cách từ điểm Xi (điểm chính giữa cành lên
xương hàm dưới) trên phim sọ nghiêng đến mặt xa của răng 7, đo đạc trên máy
vi tính để tiên đoán tình trạng ngầm của răng khôn. Khi chiều dài này giảm
xuống dưới 25 mm, răng khôn nhiều khả năng bị ngầm hơn và ngược lại, khả
năng mọc sẽ cao hơn khi chiều dài tăng lên 30 mm50.

Richardson, trong một nghiên cứu dọc gồm 95 đối tượng, quan sát thấy
rằng các trường hợp xương hạng II, với xương hàm dưới ngắn, hẹp và góc hàm
đóng, thì răng khôn dễ bị ngầm hơn. Góc độ nghiêng gần ban đầu trong sự phát
triển của răng khôn trong tương quan với mặt phẳng hàm dưới cũng tăng lên ở
những đối tượng có răng khôn bị ngầm22.

Ades và cộng sự sau khi nghiên cứu dữ liệu từ 97 phim sọ nghiêng và


mẫu hàm, không tìm thấy sự khác biệt có ý nghĩa về sự tăng trưởng của hàm
dưới giữa người có răng khôn ngầm và người có răng khôn mọc hoàn toàn51.
Capelli sử dụng một mẫu gồm 60 bệnh nhân đã được điều trị chỉnh hình, có
nhổ 4 răng cối nhỏ, cho thấy rằng, sự ngầm của răng khôn có liên quan với sự
phát triển theo chiều đứng của xương hàm dưới, mức độ nghiêng gần nhiều của
thân răng khôn trong cành lên và chiều dài xương hàm dưới giảm52.

Hattab, trong một nghiên cứu theo dõi dọc bằng phim X quang của 36
viên sinh với độ tuổi trung bình là 19,7 tuổi, đã nhận thấy một tỷ lệ đáng kể
răng khôn hàm dưới nghiêng gần thay đổi góc độ và mọc hoàn toàn khi các cá
thể đạt đến 24 tuổi. Do đó, ông kết luận rằng những thay đổi vị trí và sự mọc
của răng khôn hàm dưới là hai hiện tượng không thể đoán trước53. Erdem đã
đánh giá dữ liệu từ phim sọ nghiêng, phim toàn cảnh, phim quanh chóp và mẫu
15

hàm của 27 bệnh nhân và đi đến kết luận rằng sự ngầm của răng khôn hàm dưới
là một sự kiện khó tiên đoán54. Tuy nhiên, các tác giả cũng thấy rằng cơ hội
mọc của răng khôn hàm dưới tăng lên ở những bệnh nhân có kiểu tăng trưởng
theo chiều đứng nói chung và hướng phát triển theo chiều đứng của lồi cầu nói
riêng, với sự xoay ra trước của xương hàm dưới.

Artun và cộng sự cố gắng xác định các yếu tố nguy cơ đối với tình trạng
ngầm của răng khôn hàm trên khi đánh giá phim X quang của 132 bệnh nhân
vị thành niên. Theo kết quả phân tích, các thông số có giá trị tiên đoán nhất cho
sự ngầm này là góc độ nghiêng gần hoặc nghiêng xa lớn hơn 30 độ của răng
khôn hàm trên so với mặt phẳng nhai, khoảng mọc răng hẹp và góc giữa mặt
phẳng hàm dưới và mặt phẳng Sella-Nasion nhỏ. Trong một nghiên cứu được
công bố cùng năm, Artun và cộng sự đã hồi cứu trên phim sọ nghiêng, toàn
cảnh và/hoặc phim quanh chóp và mẫu hàm của 389 bệnh nhân đã điều trị chỉnh
hình có hoặc không có nhổ răng, các tác giả kết luận rằng răng khôn hàm dưới
nghiêng gần hơn 40o so với mặt phẳng nhai khi kết thúc điều trị có thể làm tăng
nguy cơ ngầm20.

Behbehani và cộng sự trong một nghiên cứu hồi cứu trên X quang của
134 bệnh nhân, đã kết luận rằng sự gia tăng góc độ nghiêng gần của mầm răng
khôn và các dấu hiệu của sự xoay ra trước khi tăng trưởng của xương hàm làm
tăng nguy cơ bị ngầm. Khoảng mọc răng và sự xoay của xương hàm khi tăng
trưởng cũng là các thông số dự đoán sự ngầm của răng khôn55.

Ngược lại, Breik đã báo cáo rằng các đối tượng có kiểu tăng trưởng mặt
theo chiều ngang có tỷ lệ răng khôn hàm dưới ngầm thấp hơn hai lần so với các
đối tượng có kiểu tăng trưởng theo chiều đứng56. Mặt khác, Legović và cộng
sự (trong cùng năm) đã không tìm thấy bất kỳ sự khác biệt có ý nghĩa nào giữa
vị trí của răng khôn hàm dưới và các kiểu tăng trưởng mặt16. Cuối cùng, Hassan
16

trong một nghiên cứu hồi cứu trên 121 bệnh nhân Saudi, đã kết luận rằng tình
trạng răng khôn bị ngầm có nhiều khả năng xảy ra khi khoảng hậu hàm không
đủ. Thứ hai là do các đặc điểm xương và răng khác nhau, bao gồm chiều rộng
của cành lên xương hàm dưới tăng và sự xoay ngược của răng sau57.

1.1.5. Phân loại mức độ lệch ngầm của răng khôn

Có nhiều cách đánh giá độ lệch ngầm của răng khôn, nhưng phân loại
theo Pell-Gregory và Winter4,58 thường được các nhà lâm sàng ứng dụng4.

 Tương quan với cành lên xương hàm dưới (theo chiều trước sau)
Gọi a là khoảng cách từ mặt xa răng 7 tới bờ trước cành lên, b là kích
thước gần xa của răng khôn.
• Loại I: a > b: có đủ khoảng cho răng khôn mọc lên hoàn toàn nếu
hướng mọc thích hợp.
• Loại II: a < b: khoảng cách từ răng 7 tới cành đứng quá nhỏ không cho
phép răng khôn mọc hoàn toàn.
• Loại III: a rất nhỏ hoặc bằng không: phần lớn hay toàn bộ răng khôn
nằm trong cành đứng.
 Độ sâu so với mặt nhai răng 7 (theo chiều đứng)
Có 3 vị trí để đánh giá độ sâu của răng khôn:
• Vị trí A: điểm cao nhất trên răng khôn ở ngang mức hay cao hơn mặt
nhai răng 7.
• Vị trí B: điểm cao nhất trên răng khôn ở giữa mặt nhai và cổ răng 7.
• Vị trí C: điểm cao nhất trên răng khôn nằm thấp hơn cổ răng 7.
17

LOẠI I LOẠI II LOẠI III

Hình 1.6: Phân loại mức độ lệch ngầm của răng khôn theo Pell-Gregory.
“Nguồn: Lê Đức Lánh, 2016”4

Như vậy, phân loại này cho phép đánh giá độ khó răng khôn theo chiều
đứng và chiều trước sau. Nếu răng nằm càng sâu (loại C) và khoảng để giải
phóng răng càng ít (loại III) thì mức độ khó càng tăng4.

Bên cạnh đó, hướng nghiêng của răng khôn cũng là yếu tố rất quan trọng
trong sự mọc của răng khôn. Về phương diện thực hành, theo y văn, răng khôn
có thể mọc thẳng, nghiêng gần, nghiêng xa, nghiêng ngoài, nghiêng trong, nằm
ngang hoặc mọc ngược4.
18

Hình 1.7: Các hướng nghiêng của răng khôn hàm dưới và hàm trên.
“Nguồn: Lê Đức Lánh, 2016”4

1.2. Tổng quan các phương pháp nghiên cứu sự mọc răng khôn
1.2.1. Giới thiệu về phim toàn cảnh

Chụp phim toàn cảnh là chỉ định thường quy, phổ biến nhất hiện nay
trong thực hành nha khoa nói chung và trong chỉnh hình răng mặt nói riêng.
Đây là kỹ thuật chụp ngoài mặt, trong đó nguồn phát xạ và hệ thống nhận tia
đều nằm bên ngoài khoang miệng. Kỹ thuật chụp toàn cảnh còn có tên gọi khác
là orthopantomography (OPT). Trong tiếng Hy Lạp, “ortho” có nghĩa là “trực
diện”, tức là chùm bức xạ sẽ vuông góc với trục chính của răng; “pan” nghĩa là
“tất cả”, tức là tầm nhìn bao quát toàn bộ hai cung răng; “tomo” nghĩa là “cắt”,
nghĩa là kỹ thuật này có thể tạo ra hình ảnh mặt cắt, như một dạng chụp cắt lớp.
19

Nó khai thác hình ảnh dựa trên “nguyên tắc loại bỏ” bằng cách làm mờ động
học các cấu trúc nằm ngoài vùng quan tâm59,60.
Phim toàn cảnh có thể giúp lập kế hoạch điều trị chính xác trong chuyên
ngành Răng Hàm Mặt. Thật vậy, phương pháp này có thể cung cấp dữ liệu hình
ảnh đầy đủ về hệ thống nhai và các cấu trúc xung quanh, cho phép đánh giá giải
phẫu bình thường và phần lớn các tình trạng bệnh lý. Hình ảnh thể hiện trên
phim toàn cảnh không chỉ bao gồm hai cung răng mà còn các xoang cạnh mũi,
xương hàm trên, xương hàm dưới và khớp thái dương hàm. Do đó, thách thức
khó nhất của chụp toàn cảnh là chuyển các cấu trúc giải phẫu nói trên thành
phim X quang hai chiều. Những hình ảnh đó đặc trưng bởi các thông số phù
hợp về độ phơi sáng với tỷ lệ chập cấu trúc và biến dạng hình ảnh ít nhất. Tuy
vậy, mục tiêu này không dễ đạt được bởi vì có rất nhiều thay đổi về hình thái
bệnh nhân và độ dày cấu trúc khác nhau khi chụp60.

Hình 1.8: Các cấu trúc sọ mặt xuất hiện trên mặt phẳng
toàn cảnh. “Nguồn: Kula Katherine, 2018”59
Những ưu điểm chính của phim toàn cảnh bao gồm:
- Độ bao phủ rộng: bao gồm các xương mặt và bộ răng.
- Liều bức xạ thấp, đặc biệt càng thấp khi sử dụng hình ảnh kỹ thuật số.
20

- Thuận tiện khi khám cho bệnh nhân.


- Chỉ định được cho bệnh nhân ngay cả khi không thể há miệng.
- Thời gian chụp toàn cảnh ngắn, thường trong khoảng 3–4 phút (bao gồm cả
thời gian cần thiết để định vị bệnh nhân và chụp).
- Bệnh nhân dễ dàng hiểu được phim toàn cảnh; do đó giúp ích rất nhiều trong
việc hướng dẫn bệnh nhân và giải thích bệnh lý (nếu có).
Về mặt lâm sàng, phim toàn cảnh phù hợp nhất cho các trường hợp chẩn
đoán yêu cầu độ bao phủ rộng vùng hàm mặt. Ví dụ như: đánh giá chấn thương,
tình trạng răng khôn, bệnh lý của xương hoặc răng, tổn thương lớn đã biết hoặc
nghi ngờ, sự phát triển của bộ răng (đặc biệt là răng hỗn hợp), răng hoặc mảnh
chân răng còn sót ở những bệnh nhân mất răng, đau khớp thái dương hàm và
các bất thường về phát triển. Những trường hợp này không đòi hỏi độ phân giải
cao và chi tiết rõ nét như phim X quang trong miệng. Phim toàn cảnh thường
được sử dụng làm dữ liệu đánh giá ban đầu để cung cấp cái nhìn toàn diện cần
thiết hoặc xác định nhu cầu cho các mục tiêu điều trị khác. Nó cũng hữu ích
cho những bệnh nhân không thể thực hiện được các kỹ thuật chụp trong miệng.
Nhược điểm chính của phim toàn cảnh là hình ảnh không hiển thị rõ nét
các chi tiết giải phẫu nhỏ như phim quanh chóp. Vì vậy, nó không phù hợp để
phát hiện các tổn thương sâu răng nhỏ, cấu trúc dây chằng nha chu hoặc bệnh
lý vùng quanh chóp. Các mặt bên của răng cối nhỏ cũng thường chập lên nhau.
Do đó, khi một bệnh nhân người lớn có sẵn phim Phim toàn cảnh, đôi khi cần
chụp thêm X quang trong miệng để chẩn đoán một số bệnh lý răng miệng
thường gặp. Các vấn đề khác liên quan đến phim toàn cảnh bao gồm độ phóng
đại không đồng đều và biến dạng hình ảnh. Đôi khi, các cấu trúc chồng lên
nhau, chẳng hạn như cột sống cổ, có thể che mờ các tổn thương xương hay
răng, đặc biệt là ở vùng răng cửa. Hơn nữa, các cấu trúc quan trọng về mặt lâm
21

sàng có thể nằm bên ngoài mặt phẳng phát hiện và bị biến dạng hoặc hoàn toàn
không xuất hiện.

1.2.2. Khái quát phim sọ nghiêng

Phim sọ nghiêng là một kỹ thuật chụp nghiêng, dùng để đo và so sánh


cấu trúc mô cứng và mô mềm vùng sọ mặt. Nó là một khoa học và nghệ thuật
đang rất phát triển, sử dụng thường quy trong lĩnh vực chỉnh hình nói riêng và
điều trị bệnh nhân nói chung. Phim sọ nghiêng là một phần không thể thiếu
trong hồ sơ chỉnh hình và thường áp dụng cho hầu hết các bệnh nhân chỉnh
hình. Phân tích và đánh giá phim sọ nghiêng giúp khẳng định các đánh giá lâm
sàng và cung cấp thông tin bổ sung để lập kế hoạch điều trị cho bệnh nhân60.
Hiệp hội chỉnh hình Hoa Kỳ (AAO) đã đưa ra hướng dẫn thực hành lâm
sàng cho chỉnh hình, khuyến nghị rằng hồ sơ chỉnh hình ban đầu bao gồm: dữ
liệu khám, hình ảnh trong miệng và ngoài mặt, mẫu hàm sơ khởi và phim X
quang. Những hình ảnh chụp X quang này bao gồm toàn cảnh, sọ thẳng và sọ
nghiêng. Có thể sử dụng máy chụp Conebeam CT để tạo ra phim sọ nghiêng
ba chiều, tuy nhiên, việc sử dụng Conebeam CT không phải là chỉ định thường
quy trong chỉnh hình, vì vậy chụp sọ nghiêng hai chiều là tiêu chuẩn hiện
hành60.
Hướng dẫn thực hành lâm sàng của Hiệp hội chỉnh hình Hoa Kỳ cũng
khuyến cáo nên đánh giá kết quả điều trị và xác định hiệu quả của các phương
thức điều trị bằng cách so sánh hồ sơ trước và sau điều trị của bệnh nhân. Hồ
sơ sau điều trị bao gồm mẫu hàm, hình ảnh ngoài mặt và trong miệng, Phim
toàn cảnh và/hoặc sọ nghiêng tùy vào loại điều trị và các yếu tố khác. Nhiều
bác sĩ chỉnh hình cũng tiến hành chụp sọ nghiêng để xác định việc điều trị có
tiến triển như mong đợi hay không. Ngoài ra, Hội đồng chỉnh hình Hoa Kỳ
cũng yêu cầu có chứng chỉ và kiến thức về phim sọ nghiêng để giải thích các
22

chẩn đoán, quyết định điều trị và tác động của tăng trưởng với điều trị chỉnh
hình.
Phim sọ nghiêng được sử dụng để:
(1) Phân loại sai hình (do xương và/hoặc răng).
(2) Xác định mức độ nghiêm trọng của sai hình.
(3) Đánh giá cấu trúc sọ mặt để chọn lựa điều trị hiệu quả bằng chỉnh hình,
cấy ghép và/hoặc phẫu thuật.
(4) Đánh giá sự thay đổi về tăng trưởng và điều trị của từng bệnh nhân hoặc
nhóm bệnh nhân.
Nói chung, phim sọ nghiêng hai chiều (2D) cho thấy tương quan theo
chiều trước sau của răng, độ nghiêng của răng cửa, vị trí và kích thước của
xương hàm và nền sọ. Phim sọ nghiêng cũng cung cấp một góc nhìn khác về
khớp thái dương hàm so với phim toàn cảnh, và hình ảnh đường hô hấp trên.
Ngoài ra, phim sọ nghiêng cũng hỗ trợ xác định và chẩn đoán các vấn đề
khác liên quan đến tình trạng sai hình như: bất tạo răng, răng thừa, răng cứng
khớp, răng dị dạng, bất thường lồi cầu và một số những vấn đề khác. Các bác
sĩ cũng có thể sử dụng phim này để xác định tình trạng bệnh lý và đo đạc chiều
cao và độ dày của xương ổ răng. Tuy nhiên, chúng không hiệu quả trong việc
xác định sâu răng, đặc biệt là sâu răng mới chớm và bệnh nha chu, vì vậy cần
chụp X quang cắn cánh và quanh chóp cho những bệnh nhân dễ bị sâu răng
hoặc có dấu hiệu của bệnh nha chu. Ngoài ra, khi có bất đối xứng, cần chụp
thêm phim sọ thẳng để xác định cụ thể cấu trúc nào gây ra tình trạng này.
Tất cả các hình chụp X quang thông thường này đều là hình ảnh hai chiều.
Hiện nay, chụp Conebeam CT có thể thay thế nhiều hình chụp X quang hai
chiều, cho phép quan sát toàn bộ cấu trúc sọ mặt từ nhiều hướng bằng một hình
ảnh dạng khối. Có thể nhìn thấy cấu trúc nội sọ và tầng giữa mặt mà không bị
cấu trúc khác che lấp và cấu trúc hai bên có thể nhìn thấy một cách độc lập.
23

Mặc dù quá trình chuyển đổi trên toàn thế giới từ hình ảnh 2D sang 3D đang
diễn ra nhanh chóng, nhưng điều quan trọng đối với bác sĩ lâm sàng là phải
hiểu tường tận những gì đã sử dụng trong nhiều thập kỷ qua (2D), biết được
những tiềm năng và hạn chế của hình ảnh 3D và khi nào nên chỉ định bổ sung
kỹ thuật này60.

1.2.3. Các phương pháp đánh giá sự mọc răng khôn trên X quang

Cho đến hiện tại, có rất nhiều phương pháp để nghiên cứu, đánh giá sự
mọc của răng khôn như đo đạc trên lâm sàng, trên mẫu hàm, trên X quang hai
chiều và gần đây là hình ảnh cắt lớp61,62. Mỗi phương pháp có những thuận lợi
và khó khăn riêng. Mặc dù hiện nay, hình ảnh Conebeam CT được sử dụng
tương đối phổ biến trong nha khoa, cho thấy mức độ chính xác rất cao, với chi
phí không đắt, nhưng đối với chuyên ngành phẫu thuật miệng và chỉnh hình
răng mặt, chụp Conebeam CT trước điều trị không phải là chỉ định thường quy,
thậm chí ở các quốc gia phát triển60. Vì vậy, cho đến hiện tại, phim toàn cảnh
và sọ nghiêng vẫn là công cụ chủ yếu dùng để thực hiện các nghiên cứu về hình
thái, tăng trưởng và phát triển sọ mặt. Hơn nữa, so với phim X quang cổ điển
trước đây, phim X quang kỹ thuật số toàn cảnh và sọ nghiêng hiện nay có nhiều
ưu điểm hơn: rõ nét, có thể điều chỉnh độ tương phản, độ sáng tối, thay đổi kích
thước (to-nhỏ), độ phóng đại thấp, dễ lưu trữ trong thời gian dài, có nhiều phần
mềm hỗ trợ đo đạc với độ chính xác cao và đặc biệt là giảm mức độ phơi nhiễm
phóng xạ đáng kể khi chụp.
Theo đó, hiện nay đa số nghiên cứu về răng khôn sử dụng phim toàn cảnh
là công cụ chủ yếu63-72, trong khi đó phim sọ nghiêng ít phổ biến hơn vì theo
một số tác giả, phim này khó khảo sát được hai bên do sự chập hình ảnh65,73,74.
Tuy nhiên, phim sọ nghiêng có những thế mạnh riêng, đó là khảo sát tương
quan các cấu trúc sọ mặt theo chiều trước sau và chiều đứng với độ phóng đại
rất nhỏ, giúp ích rất nhiều trong đánh giá tăng trưởng, điều này không thể thực
24

hiện trên phim toàn cảnh. Vì vậy, trong các nghiên cứu về răng khôn và có liên
quan tới bệnh nhân chỉnh hình, một số tác giả thường sử dụng phối hợp cả hai
loại phim này để bổ sung lẫn nhau, tuỳ theo mục tiêu nghiên cứu đề ra75-77.
Theo y văn, các nghiên cứu sử dụng phim toàn cảnh và/hoặc sọ nghiêng
để đánh giá về răng khôn thường sử dụng hai phép đo chính là góc và đường
thẳng (mặt phẳng tham chiếu, khoảng cách)63,78.
Về đường thẳng, các nghiên cứu tập trung việc xây dựng các mặt phẳng
tham chiếu, từ đó thực hiện một số phép đo về góc và khoảng cách. Trong đó,
có thể kể đến là mặt phẳng ngang tham chiếu (là mặt phẳng đi qua gai mũi trước
và vuông góc với vách ngăn mũi), mặt phẳng nhai, mặt phẳng Frankfort, mặt
phẳng SN, mặt phẳng hàm trên, mặt phẳng hàm dưới (tuỳ nghiên cứu mà mặt
phẳng hàm dưới có thể được định nghĩa khác nhau), mặt phẳng qua điểm Ptm
và vuông góc với mặt phẳng Frankfort…
Về góc, các tác giả thường đo góc giữa trục răng khôn với trục răng 7, góc
giữa trục răng khôn với trục răng 6, góc giữa trục răng khôn với mặt phẳng
nhai, góc giữa trục răng khôn với mặt phẳng ngang tham chiếu, góc giữa trục
răng khôn dưới với mặt phẳng hàm dưới… Mục đích đo đạc các góc này nhằm
đánh giá sự thay đổi độ nghiêng răng khôn trong quá trình phát triển, hay nói
khác hơn là khả năng dựng trục của răng khôn. Nếu các vận động xoay này
không diễn ra hoặc theo chiều hướng bất lợi thì có thể tiên đoán được khả năng
răng khôn sẽ khó mọc.
Về khoảng cách, các tác giả thực hiện đo khoảng mọc của răng khôn, đối
với hàm dưới là khoảng cách từ mặt xa răng 7 tới bờ trước cành lên, đối với
hàm trên là khoảng cách từ mặt xa răng 7 tới đường PTV; kích thước gần xa
của răng khôn, khoảng cách từ răng khôn đến mặt phẳng nhai. Các phép đo này
giúp đánh giá khoảng mọc và mức độ mọc của răng khôn theo chiều đứng và
chiều trước sau73,79.
25

1.3. Tác động của điều trị chỉnh hình răng mặt lên sự mọc răng khôn
1.3.1. Tác động của điều trị chỉnh hình răng mặt có nhổ răng cối nhỏ lên
sự mọc răng khôn

Điều trị chỉnh hình, đặc biệt là trong giai đoạn tăng trưởng tích cực, có
thể ảnh hưởng đáng kể lên sự phát triển của bộ răng. Răng khôn cũng vậy, theo
y văn, nó có thể bị ảnh hưởng bởi điều trị chỉnh hình theo nhiều cách khác nhau.
Một trong số đó là điều trị chỉnh hình có nhổ răng, tác động của nó trên răng
khôn đã được nghiên cứu rộng rãi. Răng thường được nhổ trong chỉnh hình là
răng số 4, số 5 hoặc có thể là răng 6, răng 7, một bên hay hai bên, tùy thuộc vào
kế hoạch điều trị trên từng cá thể1,19,21,23-25,52,75,80-83.

Khi nói đến liệu pháp nhổ răng, Kaplan là một trong những tác giả đầu
tiên đề xuất rằng việc nhổ răng cối nhỏ làm tăng khả năng mọc của răng khôn49.
Cũng theo tác giả, khi sự mọc không xảy ra trong các trường hợp nhổ răng, có
thể là do sự tiêu ngót không đáng kể ở bờ trước cành lên xương hàm dưới, có
liên quan với kiểu tăng trưởng theo chiều đứng49.

Williams và cộng sự, trong một nghiên cứu đánh giá tác động của việc
nhổ răng khác nhau trên sự kéo lui các răng cửa trong 260 trường hợp bệnh
nhân cùng độ tuổi (tuổi trung bình là 13 tuổi), được điều trị bằng kỹ thuật Begg,
cũng đã đánh giá tác động của việc nhổ răng lên sự mọc của răng khôn. Theo
kết quả từ nghiên cứu này, sự thay đổi mức độ mọc của răng khôn khi nhổ răng
cối nhỏ là không khác biệt, ngược lại khi nhổ răng 6 hoặc răng cối nhỏ kết hợp
với răng 6, có tác động tích cực và đáng kể lên sự mọc của răng khôn84.

Haavikko và cộng sự sau khi phân tích 110 phim toàn cảnh của bệnh
nhân chỉnh hình với tuổi trung bình là 13,5 tuổi khi bắt đầu điều trị, trong đó
có 50 ca nhổ hai răng cối nhỏ hàm dưới, kết luận rằng khả năng mọc của răng
26

khôn hàm dưới chỉ tăng trong một số trường hợp và việc nhổ răng chỉ đơn thuần
làm tăng tốc chứ không thúc đẩy sự mọc85.

Richardson đã tiến hành hồi cứu các hồ sơ (mẫu hàm và phim sọ nghiêng)
của 48 đối tượng có nhổ răng 4 một bên hay hai bên và một nhóm chứng không
có nhổ răng hàm dưới. Tác giả kết luận rằng có sự tăng đáng kể khoảng mọc
cho răng khôn trong nhóm có nhổ răng. Mặc dù, trên thực tế có một số răng
khôn vẫn bị ngầm trong các trường hợp nhổ răng22.

Staggers trong một nghiên cứu hồi cứu trên phim toàn cảnh của 78 đối
tượng được điều trị chỉnh hình, 33 ca trong số này được điều trị bằng phương
pháp nhổ bốn răng cối nhỏ, đã kết luận rằng không có tác động đáng kể của
việc nhổ răng trên độ nghiêng của răng khôn. Tất cả các bệnh nhân được đánh
giá trong nghiên cứu đều có tương quan răng và xương hạng I, được điều trị
với kỹ thuật dây thẳng và độ tuổi là khoảng 11–26 tuổi cho nhóm nhổ răng và
11–17 tuổi cho nhóm không nhổ răng86.

Elsey đã tiến hành nghiên cứu với mục tiêu đánh giá ảnh hưởng của việc
nhổ các răng cối nhỏ hàm dưới và sự đóng khoảng nhổ bằng chỉnh hình trên sự
phát triển của răng khôn. Mẫu nghiên cứu gồm 30 hồ sơ của bệnh nhân có răng
khôn hàm dưới ngầm hai bên, được điều trị chỉnh hình có nhổ răng cối nhỏ hàm
dưới. Một nhóm chứng gồm các bệnh nhân có nhổ răng cối nhỏ và răng khôn
hàm dưới. Các phép đo được thực hiện trên phim toàn cảnh. Dữ liệu thu thập
cho thấy tác động tích cực của việc nhổ răng cối nhỏ hàm dưới lên vị trí và độ
nghiêng của răng khôn24.

Kim và cộng sự trong một nghiên cứu hồi cứu 157 bệnh nhân, trong đó
có 105 ca nhổ 4 răng cối nhỏ để điều trị trong giai đoạn tăng trưởng, cho thấy
giảm đáng kể tỷ lệ răng khôn ngầm ở cả hàm trên và hàm dưới khi so với nhóm
không nhổ răng87.
27

Janson và cộng sự so sánh hồ sơ của hai nhóm với tổng số 55 bệnh nhân,
ở tuổi vị thành niên, có và không có nhổ răng cối nhỏ hàm trên, kết luận rằng
số lượng răng khôn hàm trên mọc nhiều hơn trong nhóm nhổ răng. Tác giả cũng
thấy rằng độ nghiêng theo chiều gần xa của răng khôn chưa mọc giảm, do đó,
thuận lợi hơn cho sự mọc88.

Salehi đánh giá tác động của việc nhổ răng 4 lên sự mọc của răng khôn,
dữ liệu lâm sàng thu thập từ ba nhóm: một nhóm chỉnh hình có nhổ răng 4, một
nhóm điều trị không có nhổ răng và nhóm đối chứng không nhổ răng cũng
không điều trị chỉnh hình. Theo đó, có sự khác biệt đáng kể trong tỷ lệ mọc của
răng khôn trong nhóm nhổ răng (42%), nhóm không nhổ răng (12%) và nhóm
chứng (20%). Các kết quả này cho thấy việc nhổ răng 4 sẽ làm tăng khả năng
mọc của răng khôn35.

Jain và cộng sự đã nghiên cứu tác động của việc nhổ răng 4 điều trị chỉnh
hình lên sự mọc của răng khôn bằng phương pháp hồi cứu trên phim toàn cảnh.
Mẫu nghiên cứu gồm 50 bệnh nhân có tương quan răng hạng I, trong độ tuổi từ
11 đến 19, một nửa trong số này nhổ bốn răng 4. Ngoài ra, không quá 2/3 trường
hợp răng khôn đã được hình thành trong lần chụp X quang ban đầu và khoảng
nhổ răng được đóng hoàn toàn khi kết thúc điều trị chỉnh hình. Phân tích dữ
liệu thu thập được cho thấy ảnh hưởng tích cực của việc nhổ răng 4 lên độ
nghiêng của răng khôn28.

Bayram đã nghiên cứu ảnh hưởng của điều trị chỉnh hình có nhổ răng 4
lên răng khôn. Đây là một nghiên cứu hồi cứu trên phim toàn cảnh từ 41 bệnh
nhân, với độ tuổi trung bình là 16,6, 21 trong số đó được điều trị bằng cách nhổ
bốn răng 4. Không có bệnh nhân nào được sử dụng khí cụ ngoài mặt để điều
trị. Theo kết luận của tác giả, nhổ răng 4 có thể làm tăng đáng kể khoảng mọc
của răng khôn, trong đó thường có tác động thuận lợi lên độ nghiêng của răng
28

khôn hàm trên so với hàm dưới. Kết luận chính của nghiên cứu này là việc nhổ
răng 4 để chỉnh hình làm giảm đáng kể tần suất ngầm của răng khôn21.

Livas đã nghiên cứu phim sọ nghiêng của 91 đối tượng, với độ tuổi trung
bình là 13,2 tuổi, được điều trị chỉnh hình bằng kỹ thuật Begg và sai khớp cắn
ban đầu là hạng II Chi 1. Các đối tượng được chia thành 2 nhóm: một nhóm có
nhổ răng 4 và nhóm đối chứng không nhổ răng (bao gồm các ca hạng I và hạng
II). Những phát hiện của nghiên cứu này cho thấy rằng vị trí của răng khôn cải
thiện đáng kể trong quá trình điều trị chỉnh hình liên quan đến việc nhổ răng
430.

Trước đó khoảng 2 năm, Gohilot và cộng sự đã công bố một nghiên cứu


về tác động của việc nhổ răng 4 điều trị chỉnh hình lên răng khôn. Mẫu nghiên
cứu bao gồm 60 bệnh nhân Ấn Độ, từ 14–19 tuổi, 30 ca trong số đó có nhổ 4
răng 4 và 30 ca còn lại là nhóm chứng không có nhổ răng. Sự phát triển của
chân răng khôn không vượt quá 2/3 chiều dài của nó ở lần chụp X quang ban
đầu. Tất cả các bệnh nhân được chẩn đoán là xương và răng hạng I, điều đó có
nghĩa là tất cả các ca cần giữ neo chặn cao và không có khoảng trống khi kết
thúc điều trị. Dựa trên kết quả của nghiên cứu, họ đã kết luận rằng nhổ răng cối
nhỏ có ảnh hưởng tích cực lên độ nghiêng của răng khôn hàm trên, trong khi
họ không nhận thấy bất kỳ sự khác biệt có ý nghĩa nào lên vị trí răng khôn hàm
dưới. Tác giả cũng đề xuất rằng các trường hợp chỉnh hình “giáp biên” cần nhổ
răng với răng khôn có độ nghiêng thuận lợi có thể đạt nhiều lợi ích hơn bằng
việc nhổ răng cối nhỏ27.

Türköz trong một nghiên cứu hồi cứu khi so sánh hai nhóm 22 bệnh nhân
không còn tăng trưởng, có và không có nhổ răng, cũng cho thấy ảnh hưởng tích
cực của việc nhổ răng cối nhỏ lên khoảng mọc răng của răng khôn hàm dưới
và tỷ lệ ngầm của chúng thấp hơn đáng kể so với nhóm không nhổ răng39.
29

Mihai và cộng sự đã đánh giá phim toàn cảnh của 20 bệnh nhân chỉnh
hình có tương quan xương ban đầu hạng I, có và không có nhổ răng cối nhỏ, và
thân răng khôn đã được hình thành khi bắt đầu điều trị. Kết quả của nghiên cứu
này cho thấy răng khôn đạt được vị trí thuận lợi nhất, đặc biệt là răng khôn hàm
dưới trong nhóm nhổ răng33.

Al Kuwari đã thực hiện một nghiên cứu cắt ngang, sử dụng 40 hồ sơ bệnh
nhân từ một phòng khám của trường đại học. Một nửa trong số những bệnh
nhân này được điều trị chỉnh hình có nhổ bốn răng 4. Theo kết quả của nghiên
cứu này, điều trị chỉnh hình có nhổ răng đã cải thiện độ nghiêng của răng khôn
trong hầu hết các trường hợp80.

Halicioglu đã công bố một nghiên cứu hồi cứu trên phim toàn cảnh của
294 bệnh nhân, từ 13 đến 20 tuổi, có nhổ ít nhất một răng cối nhỏ. Trong số các
kết luận khác nhau, tác giả nhận thấy rằng sự phát triển của răng khôn tăng tốc
đáng kể ở các phần hàm có nhổ răng89.

1.3.2. Tác động của điều trị chỉnh hình răng mặt có nhổ răng cối lớn lên
sự mọc răng khôn

Việc giữ lại răng khôn không có triệu chứng sẽ làm tăng nguy cơ bệnh
lý cho răng 7 ở bệnh nhân trung niên và lớn tuổi. Do đó, việc nhổ các răng khôn
ngầm không triệu chứng thường được chỉ định để phòng ngừa các nguy cơ này.
Tuy nhiên, nhiều báo cáo cho thấy đã dựng trục răng khôn hàm trên/hàm dưới
bằng phương pháp chỉnh hình và thay thế thành công răng 7 hay răng 6 bị nhổ
trước đó. Việc nhổ răng 6 trong chỉnh hình sẽ làm tăng khoảng mọc cho răng
khôn và giảm mức độ ngầm của chúng. Dựng trục và sắp xếp lại răng khôn sau
khi nhổ răng 6 hay răng 7 là một chọn lựa hữu ích ở bệnh nhân trưởng thành
khi mà các này đã bị phá huỷ mức độ nặng. Một vấn đề quan trọng khi quyết
định nhổ răng cối là phải tiên đoán được sự hiện diện và khả năng mọc của răng
30

khôn. Mức độ nghiêng của răng khôn, độ dài chân răng đã hình thành, tuổi bệnh
nhân… là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới sự mọc răng khôn.

Rindler khi nghiên cứu dữ liệu từ các mẫu hàm và phim sọ nghiêng của
78 bệnh nhân từ 10–15 tuổi, với tình trạng ban đầu là sai khớp cắn hạng II và
chen chúc cung răng dưới. Các bệnh nhân được điều trị bằng nhiều kỹ thuật
khác nhau và trong đó có việc nhổ răng 7 hai bên, cùng thời điểm với sự bắt
đầu hình thành chân răng khôn. Trong 21 trường hợp không có điều trị chỉnh
hình bổ sung và trong các trường hợp còn lại, răng 6 hàm dưới được di xa với
khí cụ chức năng (9 trường hợp) và khí cụ cố định (48 trường hợp). Như các
tác giả đã báo cáo trong bản tóm tắt nghiên cứu, răng khôn thay thế thành công
răng 7 trong hầu hết các trường hợp (77%)90.

Richardson thực hiện nghiên cứu hồi cứu về sự phát triển của răng khôn
sau khi nhổ răng 7. Tổng cộng có 63 hồ sơ (gồm phim sọ nghiêng và mẫu hàm)
đã được lựa chọn từ bệnh nhân có nhổ răng 7 một bên (8/63) hoặc hai bên.
23/63 bệnh nhân có khớp cắn ban đầu chấp nhận được và không cần điều trị
chỉnh hình bổ sung. Dựa vào kết quả của nghiên cứu này, các tác giả cho rằng
răng khôn hàm dưới có xu hướng tự động điều chỉnh độ nghiêng theo chiều
ngoài trong sau khi nhổ răng 7 và phát triển sớm hơn, tạo điều kiện thuận lợi
cho sự mọc của chúng22.

Moffitt đã đánh giá một nhóm nhỏ gồm 56 bệnh nhân, 28 trong đó có
nhổ răng 7 một bên, thông qua lâm sàng, X quang và mẫu hàm để đánh giá tác
động của việc nhổ răng lên sự mọc và chức năng của răng khôn. Kết quả cho
thấy sau khi nhổ răng 7, hầu hết các trường hợp răng khôn mọc ở vị trí chấp
nhận được và cũng được gia tốc ở các mức độ khác nhau91.

Orton-Gibbs nhằm mục đích đánh giá vị trí sau cùng của răng khôn sau
khi nhổ răng 7, đã hồi cứu X quang của 63 bệnh nhân, với độ tuổi trung bình là
31

13 tuổi và các loại sai khớp cắn khác nhau. Theo kết quả nghiên cứu này, cả
răng khôn hàm trên và hàm dưới trong hầu hết các trường hợp sẽ mọc vào vị
trí tốt hay chấp nhận được, theo hệ thống đánh giá của Richardson. Nghiên cứu
cũng cho thấy độ nghiêng của răng khôn hàm dưới cải thiện nhiều hơn khi kết
thúc điều trị92.

Gaumond sử dụng một nhóm nghiên cứu tương đối nhỏ hơn gồm 11 bệnh
nhân, với các loại sai khớp cắn khác nhau, được điều trị bằng phẫu thuật lấy
mầm răng 7, ngay khi mầm của răng khôn tương ứng được nhìn thấy trên X
quang. Theo báo cáo của tác giả, 19 trong số 22 răng khôn được theo dõi đạt
được vị trí rất thỏa đáng với độ nghiêng có thể chấp nhận. Dựa vào kết quả của
nghiên cứu này, tác giả tin rằng mọi trường hợp với hàm dưới chen chúc nhẹ
hoặc trung bình nên được xử lý theo cách này, hơn là nhổ bốn răng cối nhỏ93.

Cavanaugh khi đánh giá lâm sàng và X quang của răng khôn sau khi nhổ
răng 7 trên 25 bệnh nhân, tất cả trong số đó (ngoại trừ 2 ca) đã có một số loại
điều trị chỉnh hình, cho thấy răng khôn thường mọc thành công vào chỗ trống
được cung cấp bởi các răng 7 bị nhổ94.

Gooris đã thực hiện một nghiên cứu sử dụng 95 phim toàn cảnh của bệnh
nhân chỉnh hình, trong độ tuổi từ 9 đến 19 tuổi, các bệnh nhân này nhổ răng 7
và di xa răng 6. Các số đo của nghiên cứu chỉ ra rằng gần như tất cả các răng
khôn sẽ mọc với khuynh hướng nghiêng gần95.

Một số tác giả khuyến cáo không nên nhổ răng 7 nếu răng khôn lệch theo
chiều ngoài trong, hoặc góc tạo bởi trục răng khôn và răng 6 lớn hơn 30o . Nhiều
báo cáo chỉ ra rằng, răng khôn có thể thay thế răng 7 khá thành công ở những
bệnh nhân đang tăng trưởng, tuổi từ 13,2–16,6. Bởi vì các răng cối vĩnh viễn
mọc rất sớm, nên thường dễ bị sâu, đã được điều trị bảo tồn trước khi chỉnh
hình. Do đó, khi chỉnh hình cho bệnh nhân trưởng thành, cần xem xét cẩn trọng
32

việc nhổ các răng cối nhỏ còn lành mạnh hay răng cối lớn bị phá huỷ nặng mà
tiên lượng không thể giữ trong thời gian dài96.

De-la-Rosa-Gay đã tiến hành hồi cứu dựa trên dữ liệu từ phim toàn cảnh,
với mục tiêu không chỉ để đánh giá sự mọc của răng khôn sau khi nhổ răng 7,
mà còn để xác định các yếu tố nguy cơ liên quan tới sự ngầm. Mẫu nghiên cứu
bao gồm 48 bệnh nhân, được điều trị bằng khí cụ cố định (kỹ thuật dây thẳng)
với tuổi trung bình là 14,8. Phân tích kết quả cho thấy rằng hầu hết răng khôn
hàm trên và hàm dưới mọc thành công và đạt được vị trí thẳng đứng. Sự phát
triển muộn của răng khôn và tăng độ nghiêng gần hoặc thiếu tiếp xúc bên khi
bắt đầu điều trị đã được xác định như các yếu tố nguy cơ đối với sự mọc không
thành công83.

Quyết định nhổ răng trong chỉnh hình phải dựa trên một chẩn đoán đầy
đủ, thẩm mỹ mặt nhìn nghiêng của bệnh nhân, khớp cắn chức năng, tình trạng
bộ răng và thời gian điều trị. Ở người trưởng thành, các răng cối và răng cối
nhỏ vĩnh viễn thường đã điều trị phục hồi trước khi bắt đầu chỉnh hình. Cho
nên, việc chọn lựa răng để nhổ cần đánh giá cẩn thận, tuỳ thuộc vào tình trạng
của bộ răng, nhằm giải quyết được các vấn đề: thẩm mỹ, mức độ chen chúc và
tương quan khớp cắn răng cối và răng nanh.

Đối với các răng khôn hàm dưới ngầm, các báo cáo cho thấy 66,2–83%
chúng sẽ mọc vào vị trí mong muốn, 0–5,4% sẽ không thể mọc sau khi nhổ
răng 6 hoặc răng 7. Một số tác giả nhận thấy, nếu độ nghiêng gần của răng khôn
dưới 25o thì tiên lượng tốt, còn lớn hơn 30o thì không nên nhổ răng 7. Tuy nhiên,
yếu tố quan trọng trên lâm sàng cần đánh giá là răng khôn có mọc một phần
hay chưa, có đủ chỗ để gắn khí cụ cho việc dựng trục hay không. Hơn nữa, việc
nhổ các răng cối hay cối nhỏ thường làm giảm độ ngầm của răng khôn vì làm
tăng khoảng mọc răng và có sự di ra trước của răng cối trong quá trình đóng
33

khoảng. Mặt khác, các báo cáo cho thấy răng khôn thường mọc nhanh hơn sau
khi nhổ răng, đặc biệt là các trường hợp nhổ răng 796.

1.3.3. Tác động của điều trị chỉnh hình răng mặt không nhổ răng lên sự
mọc răng khôn

Răng khôn thường được theo dõi trong quá trình điều trị chỉnh hình vì sự
tăng trưởng và phát triển của nó chưa hoàn thiện và có khả năng thay đổi độ
nghiêng. Trong quá trình điều trị chỉnh hình, nếu tồn tại khoảng trống sẽ làm
tăng khả năng thay đổi độ nghiêng của răng khôn. Những khoảng trống này có
thể được tạo ra bằng cách nhổ răng hoặc không cần nhổ răng. Điều trị chỉnh
hình không nhổ răng thường áp dụng khi mức độ thiếu khoảng dưới 2,5 mm.
Nếu không nhổ răng, các bác sĩ chỉnh hình có thể tạo khoảng trống bằng cách
mài men giữa các răng, di xa răng cối, nới rộng hàm hay làm nghiêng trục các
răng cửa ra trước26.

Saysel (2005) và Jain (2009) đã thực hiện một số nghiên cứu để đánh giá
tác động của điều trị chỉnh hình đối với sự thay đổi độ nghiêng của răng khôn
trong các trường hợp nhổ răng và không nhổ răng. Trên lâm sàng, họ nhận thấy
tình trạng giảm độ nghiêng của răng khôn ở những ca không nhổ răng sau khi
điều trị chỉnh hình hoàn tất. Nói cách khác, vị trí răng đã trở nên thẳng đứng
hơn. Sự cải thiện độ nghiêng này sẽ làm tăng khả năng mọc của răng khôn, vì
vậy việc nhổ răng khi kết thúc điều trị nên xem xét thận trọng28,36.

Russell (2012) thấy rằng một phần tư các trường hợp chỉnh hình không
nhổ răng có sự tăng độ nghiêng răng khôn. Tuy nhiên, sự gia tăng này không
có ý nghĩa thống kê34.

Năm 2018, tác giả Putri thực hiện nghiên cứu hồi cứu phân tích để đánh
giá độ nghiêng của răng khôn trước và sau khi điều trị chỉnh hình26. Mẫu gồm
27 bệnh nhân tuổi từ 12–22 (tuổi trung bình là 15,89), có răng khôn ở cả hai
34

bên, nghiêng gần từ 5–65°, xương hạng I và không bị thiếu răng, đã được điều
trị chỉnh hình cố định không nhổ răng. Tiêu chí loại trừ trong nghiên cứu này
là những bệnh nhân có bất thường về sọ mặt, có bệnh lý bẩm sinh và có răng
khôn nghiêng ngoài hay nghiêng trong. Các bệnh nhân được chia thành hai
nhóm: nhóm từ 12–17 tuổi và nhóm từ 18–22 tuổi. Kết quả cho thấy: ở bên
phải, có sự gia tăng độ nghiêng trung bình răng khôn là 3,8°, ở phía bên trái,
độ nghiêng trung bình của răng khôn tăng 0,81°. Tức là răng khôn khó dựng
trục hơn và tăng khả năng ngầm. Kết quả này giống với các nghiên cứu khác
của Russell (2012), Kaplan (1975), Dierkes (1975) và Poosti (2012), những
người đã nhận thấy rằng điều trị chỉnh hình không nhổ răng có thể làm tăng khả
năng ngầm và giảm sự mọc của răng khôn sau khi kết thúc điều trị. Một điểm
đáng lưu ý trong nghiên cứu này là các bệnh nhân có tương quan xương hạng
I, giống như các nghiên cứu trước đây của Salehi (2008), Saysel (2005) và
Poosti (2012). Theo tác giả, trong điều kiện tương quan hai hàm bình thường,
răng khôn có thể mọc tốt. Ngược lại, nếu tương quan xương hạng II, hạng III,
có thể tác động tới khả năng mọc của răng khôn do yếu tố tăng trưởng bất
thường từ xương.

Có ba nguyên nhân có thể gây ra sự thay đổi độ nghiêng của răng khôn.
Nguyên nhân đầu tiên có thể giải thích được là do chuyển động xoay trước khi
mọc. Vị trí răng khôn sẽ thay đổi ở tuổi 14–1519. Một nghiên cứu khác của
Shriller (1979) cho thấy rằng những thay đổi về vị trí của răng khôn có thể xảy
ra cho đến năm 20 tuổi. Artun thấy rằng sự thay đổi độ nghiêng của răng khôn
thường xảy ra cho đến giai đoạn cuối cùng của quá trình hình thành chân răng
(ở độ tuổi 18–25)20.

Nguyên nhân thứ hai có thể là do áp lực trong quá trình ăn nhai. Ở những
bệnh nhân có thói quen nhai một bên, có thể gây mòn mặt bên giữa các răng,
tạo ra khoảng trống. Do đó, răng sẽ di chuyển về phía không gian đó. Tuy nhiên,
35

nghiên cứu của Putri không thể diễn giải tình trạng này vì không biết chính xác
bệnh nhân có thói quen nhai một bên hay không. Russell cho rằng nếu có thêm
khoảng trống trên cung hàm, răng khôn có thể di chuyển theo chiều đứng nhiều
hơn và điều đó sẽ làm tăng khả năng mọc răng34. Trong điều trị chỉnh hình
không nhổ răng, khoảng trống có thể đạt được bằng các phương pháp như mài
kẽ, di xa răng cối, nới rộng hàm và làm chìa các răng trước26.

Nguyên nhân thứ ba có thể là do các khí cụ sử dụng để điều trị chỉnh
hình, ví dụ như khí cụ di xa răng cối. Khí cụ này có thể ảnh hưởng đến chuyển
động xoay trước mọc của răng khôn, làm cho sự mọc của nó trở nên bất thường,
do đó làm tăng xác suất bị ngầm26.

Ahmed cho rằng khả năng mọc chỉ tồn tại nếu độ nghiêng ban đầu ít hơn
30°. Nếu góc độ nghiêng ban đầu càng nhỏ thì cơ hội mọc của răng khôn càng
tăng. Trong nghiên cứu của Putri, 8/17 răng ở bên phải và 8/12 răng ở bên trái
có độ nghiêng ban đầu dưới 30° và giảm dần khi kết thúc điều trị19. Việc mọc
răng khôn còn bị ảnh hưởng bởi loại và vị trí của nó trước khi điều trị, tuổi bệnh
nhân và sự hình thành chân răng. Theo phân loại Winter, răng khôn ngầm loại
I có đủ khoảng cách giữa mặt xa răng 7 và bờ trước cành lên xương hàm dưới,
có hướng tương đối thẳng. Do cả hai yếu tố này, nên làm tăng khả năng mọc
răng khôn. Theo nghiên cứu của Artun, sự thay đổi độ nghiêng của răng khôn
có thể xảy ra ở giai đoạn cuối của quá trình hình thành chân răng20.

Tuy nhiên, mẫu nghiên cứu của Putri không đủ lớn, nên tác giả rất thận
trọng khi diễn giải và so sánh với các nghiên cứu khác.

1.3.4. Răng khôn và sự tái phát sau chỉnh hình

Việc răng khôn có góp phần thúc đẩy sự tái phát chen chúc sau điều trị
chỉnh hình hay không, đặc biệt ở cung răng hàm dưới, vẫn còn nhiều tranh cãi.
36

Và phần lớn các bác sĩ chỉnh hình trong thực hành hàng ngày thường nhổ răng
khôn phòng ngừa sau khi kết thúc chỉnh hình.

Tác giả Laskin đã khảo sát hơn 1300 bác sĩ chỉnh hình và phẫu thuật
miệng Hoa Kỳ, kết quả cho thấy gần 65% các bác sĩ khuyến cáo nhổ các răng
khôn chưa mọc hoặc lệch/ngầm trong hoặc sau điều trị chỉnh hình97. Các bác sĩ
chỉnh hình cho rằng các răng khôn lệch/ngầm có thể tạo ra một lực đẩy lên phía
trước, làm phân tách các điểm tiếp xúc, do đó dẫn đến sự chen chúc các răng
cửa dưới. Niedzielska báo cáo rằng, nếu không có đủ khoảng cho răng khôn
mọc, chúng sẽ tạo ra các lực mạnh lên các răng kế cận, dẫn đến sự chen chúc98.
Theo Cheng, phần lớn các bác sĩ chỉnh hình Hoa Kỳ và Thuỵ Điển tin rằng các
răng khôn hàm dưới đang mọc có tạo lực về phía trước nhưng hiếm khi hoặc
không bao giờ là nguyên nhân gây chen chúc răng99.

Một số nghiên cứu đã báo cáo các kết quả mâu thuẫn. Bishara thực hiện
tổng quan y văn, Sidlauskas và Trakiniene đã nghiên cứu một nhóm gồm 91
người tham gia (tuổi trung bình: 21,01 ± 4,13 năm); các nghiên cứu đã kết luận
rằng không đủ bằng chứng để xác định liệu răng khôn chỉ là yếu tố góp phần
hay là yếu tố bệnh căn lớn ảnh hưởng đến những thay đổi của răng cửa sau điều
trị100.

Zawawi và cộng sự đã tổng quan 12 nghiên cứu lâm sàng để đánh giá vai
trò của răng khôn trong sự phát triển chen chúc hoặc tái phát sau khi điều trị
chỉnh hình của cung răng hàm dưới và phát hiện ra rằng các khôn không tương
ứng với mức độ nghiêm trọng của sự chen chúc răng trước trong hầu hết các
nghiên cứu101. Tuy nhiên, có bốn nghiên cứu cho thấy những kết quả khác,
không thể rút ra kết luận dứt khoát về vai trò của răng khôn trong sự phát triển
chen chúc răng trước. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu đã không hỗ trợ một
mối quan hệ nhân-quả. Do đó, theo ý kiến của các tác giả, việc nhổ răng khôn
37

để ngăn chặn sự chen chúc răng trước hoặc tái phát sau chỉnh hình không được
chứng minh.

Vì những ý kiến còn mâu thuẫn, Cheng và cộng sự đã khảo sát y văn và
tiến hành một phân tích meta để xác định một số hướng lâm sàng cho các bác
sĩ chỉnh hình về răng khôn99. Phân tích meta này đánh giá ba nghiên cứu. Trong
nghiên cứu của Kaplan, các trường hợp được phân loại theo tình trạng của răng
khôn gồm: đã mọc đến mặt phẳng nhai, ngầm và không có mầm răng. Ngược
lại, trong nghiên cứu của Ades, các trường hợp được phân loại theo tình trạng
của răng khôn gồm: đã mọc, ngầm, không có mầm răng và đã nhổ.51 Trong
nghiên cứu của Andreasen, tác giả chia hai nhóm tùy thuộc vào sự hiện diện
của răng khôn.

Trong nghiên cứu của Kaplan và Ades, khác biệt không có ý nghĩa trong
tất cả các kết quả được quan sát giữa các nhóm giai đoạn sau điều trị. Nghiên
cứu của Andreasen không báo cáo dữ liệu về so sánh giữa các nhóm răng khôn;
tuy nhiên, các nhà nghiên cứu kết luận rằng sự vắng mặt của răng khôn không
làm tăng sự ổn định của kết quả chỉnh hình, được đánh giá bởi sự thay đổi trong
sự sắp xếp răng cửa, độ nghiêng răng cửa, hoặc chiều rộng cung răng.

Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tái phát sau chỉnh hình như: thay
đổi liên quan đến tăng trưởng, yếu tố cơ, sự đàn hồi của dây chằng nha chu, sự
thích ứng của xương, lực nhai, răng khôn…99. Dựa vào kết quả nghiên cứu của
Cheng, răng khôn không phải là yếu tố bệnh căn chính gây ra sự tái chen chúc
các răng cửa. Nhưng sau khi thực hiện phân tích meta, tác giả đưa ra một số
giải pháp lâm sàng. Nếu bệnh nhân đang điều trị chỉnh hình có răng khôn đã
mọc, khuyến cáo nên nhổ để hạn chế hoặc phòng ngừa tái chen chúc răng cửa
theo thời gian. Tuy nhiên, tất cả các nghiên cứu lâm sàng với dữ liệu hồi cứu
có nguy cơ sai lệch. Thêm nữa, chỉnh hình là loại hình điều trị phức tạp. Khi
38

điều trị chỉnh hình cho một bệnh nhân có nhổ hoặc chưa nhổ răng khôn trước
đó, các tác giả khuyến cáo nên thu thập thêm thông tin lâm sàng về sức khoẻ
của bệnh nhân như tuổi tác, các bệnh lý tiềm ẩn, những lưu ý khi phẫu thuật và
các biến chứng về nha chu theo thời gian. Việc hội chẩn và phối hợp với các
chuyên khoa khác cũng rất hữu ích trước khi đưa ra quyết định.
39

CHƯƠNG 2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Thiết kế nghiên cứu


Nghiên cứu đoàn hệ, hồi cứu

2.2. Đối tượng nghiên cứu


Đối tượng nghiên cứu là hồ sơ bệnh án (bao gồm phim toàn cảnh và sọ
nghiêng kỹ thuật số) của bệnh nhân điều trị chỉnh hình răng mặt bằng mắc cài
tại Khoa Răng Hàm Mặt, Đại Học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh
viện chuyên khoa Răng Hàm Mặt Mỹ Thiện từ năm 2014 đến năm 2021. Mẫu
nghiên cứu được chia làm 2 nhóm: nhóm điều trị chỉnh hình nhổ răng cối nhỏ
và nhóm điều trị chỉnh hình không nhổ răng.
Các hồ sơ bệnh án của bệnh nhân chỉnh hình răng mặt đảm bảo được các
tiêu chí chọn mẫu hoặc tiêu chí loại trừ sau:
2.2.1. Tiêu chí chọn mẫu
• Bệnh nhân là người Việt Nam, trong độ tuổi từ 12–24 tuổi (ở thời
điểm bắt đầu điều trị).
• Có đủ 28 răng mọc trên cung hàm ở thời điểm bắt đầu điều trị (chưa
tính răng khôn).
• Phải còn răng khôn hàm trên và hàm dưới bên phải hoặc bên trái khi
kết thúc điều trị.
• Thân răng khôn đã hình thành đầy đủ (giai đoạn C theo tác giả
Demirjian) ở thời điểm điều trị, có thể xác định được trục răng theo
tiêu chuẩn của nghiên cứu.
• Răng khôn hàm dưới có hướng nghiêng gần, răng khôn hàm trên có
hướng nghiêng xa.
• Có đủ phim toàn cảnh và sọ nghiêng kỹ thuật số trước và sau điều trị.
40

• Phim kết thúc điều trị phải được chụp trong vòng 1 tháng sau khi tháo
mắc cài.
• Phim trước và sau điều trị phải được chụp ở cùng một cơ sở.
2.2.2. Tiêu chí loại trừ
• Bệnh nhân có tiền sử chấn thương vùng hàm mặt.
• Bệnh nhân có bệnh lý dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt hay các bất
thường sọ mặt.
• Bệnh nhân đã được phẫu thuật chỉnh hàm trước đó.
• Bệnh nhân có răng 6 hoặc răng 7 sâu lớn không thể phục hồi.
• Có dấu hiệu bệnh lý ở vùng răng khôn trên phim.
2.3. Thời gian và địa điểm nghiên cứu
Nghiên cứu được thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 4/2021 đến
tháng 2/2023 tại Khoa Răng Hàm Mặt, Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí
Minh và Bệnh viện chuyên khoa Răng Hàm Mặt Mỹ Thiện.
Bệnh viện chuyên khoa Răng Hàm Mặt Mỹ Thiện là một trong những
bệnh viện tư nhân về Răng Hàm Mặt đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh, được
thành lập theo quyết định của Bộ Y tế vào năm 2018. Bệnh viện có đầy đủ các
chuyên ngành điều trị như: Nha khoa Tổng quát, Phẫu thuật hàm mặt, Phẫu
thuật trong miệng, Thẩm mỹ và Tạo hình hàm mặt, Chỉnh hình răng mặt…Bệnh
viện là đối tác đào tạo của Khoa Răng Hàm Mặt, Đại học Y Dược Thành phố
Hồ Chí Minh, mỗi năm đều có học viên sau đại học của Khoa đến thực tập và
lấy mẫu làm đề tài nghiên cứu tại bệnh viện.
2.4. Cỡ mẫu của nghiên cứu
Cỡ mẫu trong nghiên cứu được tính toán dựa trên công thức so sánh 2 trị
số trung bình của 2 dân số:
n = 2s2(zα + zβ)2 / (m1 - m2)2
41

Trong đó, chúng tôi chọn α = 0,05 (độ tin cậy 95%); β = 0,1 (tức power
= 0,9).
Mặt khác, trong một nghiên cứu tương tự của tác giả Jain (2009)28, cho
thấy mức độ dựng trục của răng khôn hàm dưới bên phải ở nhóm nhổ răng tăng
trung bình là 6,3 ± 6,5o và nhóm không nhổ răng là 1,3 ± 4,3o.
Chọn s = 6,5, m1 = 6,3 và m2 = 1,3, áp dụng vào công thức trên, chúng
tôi tính được cỡ mẫu tối thiểu cho nghiên cứu này là 42.
Với những tiêu chí chọn mẫu như trên, chúng tôi chọn được 180 hồ sơ
bệnh án của bệnh nhân chỉnh hình răng mặt, trong đó nhóm điều trị có nhổ răng
là 114 ca (67 ca nhổ răng 4 và 47 ca nhổ răng 5) và nhóm điều trị không nhổ
răng là 66 ca. Như vậy, cỡ mẫu trong mỗi nhóm đều lớn hơn cỡ mẫu tối thiểu.
Nếu tính theo răng, có 324 răng khôn hàm trên và 338 răng khôn hàm dưới
được khảo sát trong nghiên cứu.
2.5. Xác định các biến số độc lập và phụ thuộc
 Biến số nền
o Họ và tên: biến định tính.
o Tuổi: biến định lượng. Tính bằng cách lấy năm chụp phim trừ đi năm
sinh của bệnh nhân.
o Giới tính: biến nhị giá: (1) nam, (2) nữ.
 Các biến số thu thập trên phim toàn cảnh (cách xác định xem mục 2.6.2)
o Góc giữa trục răng khôn hàm trên và mặt phẳng ngang tham chiếu (ký
hiệu HP-18) (bao gồm cả răng khôn hàm trên bên phải và bên trái):
biến định lượng, tính bằng độ.
o Góc giữa trục răng khôn và trục răng 7 hàm trên (ký hiệu 18-17) (bao
gồm cả răng khôn và răng 7 hàm trên bên phải và bên trái): biến định
lượng, tính bằng độ.
42

o Góc giữa trục răng 7 hàm trên và mặt phẳng ngang tham chiếu (ký hiệu
HP-17) (bao gồm cả răng 7 hàm trên bên phải và bên trái): biến định
lượng, tính bằng độ.
o Góc giữa trục răng khôn hàm dưới và mặt phẳng ngang tham chiếu (ký
hiệu HP-48) (bao gồm cả răng khôn hàm dưới bên phải và bên trái):
biến định lượng, tính bằng độ.
o Góc giữa trục răng khôn và trục răng 7 hàm dưới (ký hiệu 48-47) (bao
gồm cả răng khôn và răng 7 hàm dưới bên phải và bên trái): biến định
lượng, tính bằng độ.
o Góc giữa trục răng 7 hàm dưới và mặt phẳng ngang tham chiếu (ký hiệu
HP-47) (bao gồm cả răng 7 hàm dưới bên phải và bên trái): biến định
lượng, tính bằng độ.
o Khoảng mọc răng khôn hàm trên (ký hiệu PTV-7): là khoảng cách giữa
đường PTV và mặt xa răng 7. Biến định lượng, tính bằng milimet.
o Khoảng mọc răng khôn hàm dưới (ký hiệu J-D7): là khoảng cách giữa
điểm J và điểm D7. Biến định lượng, tính bằng milimet.
o Mức độ mọc răng khôn hàm trên: là khoảng cách từ đỉnh múi ngoài xa
răng khôn tới mặt phẳng nhai hàm trên (ký hiệu UpO-Cu8); hoặc là
khoảng cách từ rãnh ngoài răng khôn tới mặt phẳng nhai hàm trên (ký
hiệu UpO-Fi8).
o Mức độ mọc răng khôn hàm dưới: là khoảng cách từ đỉnh múi ngoài xa
răng khôn tới mặt phẳng nhai hàm dưới (ký hiệu LoO-Cu8); hoặc là
khoảng cách từ rãnh ngoài răng khôn tới mặt phẳng nhai hàm dưới (ký
hiệu LoO-Fi8).
 Các biến số trên phim sọ nghiêng (cách xác định xem mục 2.6.2)
o PTV-U6: là khoảng cách từ PTV tới mặt xa răng 6 hàm trên; biến định
lượng, tính bằng milimet. Ý nghĩa biến số: chênh lệch giữa trước và sau
43

điều trị đánh giá mức độ di gần của răng 6 hàm trên, từ đó làm cơ sở phân
loại mất neo chặn đối với hàm trên. Trong nghiên cứu này, chúng tôi phân
loại mất neo chặn hàm trên theo 3 mức:
• Mất neo chặn ít: 0–2 mm
• Mất neo chặn trung bình: 2–4 mm
• Mất neo chặn nhiều: > 4 mm
o Xi-L6: là khoảng cách từ điểm Xi tới mặt xa răng 6 hàm dưới; biến định
lượng, tính bằng milimet. Ý nghĩa biến số: chênh lệch giữa trước và sau
điều trị đánh giá mức độ di gần của răng 6 hàm dưới, từ đó làm cơ sở phân
loại mất neo chặn đối với hàm dưới. Trong nghiên cứu này, chúng tôi phân
loại mất neo chặn hàm dưới theo 3 mức:
• Mất neo chặn ít: 0–2 mm
• Mất neo chặn trung bình: 2–4 mm
• Mất neo chặn nhiều: > 4 mm

Bảng 2.1: Biến số nghiên cứu


ST Tên Hình minh hoạ Đơn Loại biến số Định nghĩa
T biến vị đo biến số
1 Giới Độc lập (1) Nam
tính (2) Nữ
2 Phần Độc lập (1) Phải
hàm (2) Trái
3 Tuổi Năm Độc lập Năm chỉnh
hình – Năm
sinh
44

4 HP-18 Độ Trước điều Góc giữa trục


trị là biến răng khôn hàm
độc lập trên và mặt
phẳng ngang
Sau điều trị
tham chiếu
là biến phụ
thuộc.
5 HP-17 Độ Trước điều Góc giữa trục
trị là biến răng 7 hàm
độc lập trên và mặt
phẳng ngang
Sau điều trị
tham chiếu
là biến phụ
thuộc.
6 18-17 Độ Trước điều Góc giữa trục
trị là biến răng khôn và
độc lập trục răng 7
hàm trên
Sau điều trị
là biến phụ
thuộc.
7 HP-48 Độ Trước điều Góc giữa trục
trị là biến răng khôn hàm
độc lập dưới và mặt
phẳng ngang
Sau điều trị
tham chiếu
là biến phụ
thuộc.
45

8 HP-47 Độ Trước điều Góc giữa trục


trị là biến răng 7 hàm
độc lập dưới và mặt
phẳng ngang
Sau điều trị
tham chiếu
là biến phụ
thuộc.
9 48-47 Độ Trước điều Góc giữa trục
trị là biến răng khôn và
độc lập trục răng 7
hàm dưới
Sau điều trị
là biến phụ
thuộc.
10 PTV-7 mm Trước điều Khoảng cách
trị là biến từ PTV tới mặt
độc lập xa răng 7 hàm
trên
Sau điều trị
là biến phụ
thuộc.
11 J-D7 mm Trước điều Khoảng cách
trị là biến từ điểm J tới
độc lập mặt xa răng 7
hàm dưới
Sau điều trị
là biến phụ
thuộc.
46

12 Xi-7 mm Trước điều Khoảng cách


trị là biến từ điểm Xi tới
độc lập mặt xa răng 7
hàm dưới
Sau điều trị
là biến phụ
thuộc.
13 UpO- mm Trước điều Khoảng cách
Cu8 trị là biến từ đỉnh múi
độc lập ngoài xa răng
khôn hàm trên
Sau điều trị
tới mặt phẳng
là biến phụ
nhai hàm trên
thuộc.
14 UpO- mm Trước điều Khoảng cách
Fi8 trị là biến từ rãnh ngoài
độc lập răng khôn hàm
trên tới mặt
Sau điều trị
phẳng nhai
là biến phụ
hàm trên
thuộc.
15 LoO- mm Trước điều Khoảng cách
Cu8 trị là biến từ đỉnh múi
độc lập ngoài xa răng
khôn hàm dưới
Sau điều trị
tới mặt phẳng
là biến phụ
nhai hàm dưới
thuộc.
47

16 LoO- mm Trước điều Khoảng cách


Fi8 trị là biến từ rãnh ngoài
độc lập răng khôn hàm
dưới tới mặt
Sau điều trị
phẳng nhai
là biến phụ
hàm dưới
thuộc.
17 PTV- mm Trước điều Khoảng cách
U6 trị là biến từ PTV tới mặt
độc lập xa răng 6 hàm
trên
Sau điều trị
là biến phụ
thuộc.
18 Xi-L6 mm Trước điều Khoảng cách
trị là biến từ điểm Xi tới
độc lập mặt xa răng 6
hàm dưới
Sau điều trị
là biến phụ
thuộc.
19 Mất mm Biến phụ Có 3 mức độ:
neo thuộc - Mất neo chặn
chặn ít: 0-2mm
hàm - Mất neo chặn
trên trung bình: 2-
4mm
48

- Mất neo chặn


nhiều: > 4mm
20 Mất mm Biến phụ Có 3 mức độ:
neo thuộc - Mất neo chặn
chặn ít: 0-2mm
hàm - Mất neo chặn
dưới trung bình: 2-
4mm
- Mất neo chặn
nhiều: > 4mm

2.6. Phương pháp và công cụ đo lường, thu thập số liệu


2.6.1. Phương pháp chọn mẫu
- Bước 1: Chọn tất cả các hồ sơ bệnh án của bệnh nhân điều trị chỉnh hình
răng mặt bằng mắc cài đã kết thúc điều trị trong khoảng thời gian từ năm
2014 đến năm 2021.
- Bước 2: Trong các hồ sơ bệnh án đã chọn ở bước 1, lọc và chọn lại các
trường hợp có đầy đủ phim toàn cảnh và sọ nghiêng kỹ thuật số (trước và
sau điều trị), được chụp ở cùng một cơ sở.
- Bước 3: Trong các hồ sơ bệnh án đã chọn được ở bước 2, lọc và chọn lại
các trường hợp còn đủ răng khôn hàm trên và hàm dưới ít nhất ở một bên
phải hoặc bên trái khi kết thúc, và đồng thời thoả các tiêu chí chọn mẫu ở
mục 2.2.
- Bước 4: Trong các hồ sơ đã chọn ở bước 3, đối chiếu lại kế hoạch điều trị
trong hồ sơ bệnh án để tiến hành phân thành các nhóm: nhóm điều trị chỉnh
hình nhổ răng cối nhỏ (nhổ răng 4 hoặc nhổ răng 5) và nhóm điều trị chỉnh
hình không nhổ răng.
49

2.6.2. Phương tiện nghiên cứu


• Hồ sơ bệnh án
• Phim toàn cảnh và sọ nghiêng kỹ thuật số (trước và sau chỉnh hình)
• Phần mềm phân tích phim Smartceph: Đây là sản phẩm mới, được
phát triển bởi Hàn Quốc, đã có bản quyền và được cấp phép lưu hành
trên thị trường. Phần mềm này có thể sử dụng để đo đạc trên phim sọ
nghiêng, phim sọ thẳng và phim toàn cảnh, trong khi đó một số phần
mềm khác chỉ cho phân tích trên phim sọ nghiêng và sọ thẳng. Mặt
khác, phần mềm này cũng có chức năng chuẩn hoá hình ảnh trước khi
đo đạc, giúp hạn chế sai số phép đo. Ngoài ra, giá thành phần mềm
này trên thị trường (so với một số phần mềm tiêu chuẩn khác như
Dolphin) khá phù hợp, trong khi đó vẫn đáp ứng được nhu cầu của
nghiên cứu.
• Máy tính tích hợp với phần mềm Smartceph
50

Hình 2.1: Giao diện và các tính năng của phần mềm Smartceph.
“Nguồn: từ nghiên cứu này”

Hình 2.2: Phim toàn cảnh và sọ nghiêng kỹ thuật số được sử dụng trong
nghiên cứu. “Nguồn: từ nghiên cứu này”
51

2.6.3. Các điểm mốc trên phim và cách xác định


 Các điểm mốc và đường thẳng trên phim toàn cảnh
o Mặt nhai: là đường thẳng đi qua 2 đỉnh múi ngoài của răng sau (theo
tác giả Hoàng Tử Hùng).3
o Trục răng: là đường thẳng vuông góc với mặt nhai và đi qua vùng chẽ
chân răng. Trường hợp vùng chẽ chưa hình thành thì trục răng là đường
thẳng vuông góc với mặt nhai và đi qua rãnh ngoài của thân răng (theo
tác giả Tarazona, 2010).38

Hình 2.3: Cách xác định mặt nhai và trục răng.


“Nguồn: Vẽ lại theo Tarazona, 2010”38
o Mặt phẳng nhai: là đường thẳng đi qua các đỉnh múi ngoài của răng 6,
răng 7. Trong nghiên cứu này, có mặt phẳng nhai hàm trên (ký hiệu
UpO) và mặt phẳng nhai hàm dưới (ký hiệu LoO) (Theo tác giả Kaur,
2016).66
o Mặt phẳng ngang tham chiếu (ký hiệu HP): là đường thẳng đi qua gai
mũi trước và vuông góc với xương vách ngăn. Thực tế, mặt phẳng này
đi qua gai mũi và song song với phương ngang (Theo tác giả Gohilot,
2012).27
52

Hình 2.4: Cách xác định mặt phẳng ngang tham chiếu và mặt phẳng nhai.
“Nguồn: Vẽ lại theo Gohilot, 2012 và Kaur, 2016”27,66
o Điểm J: là giao điểm giữa mặt phẳng nhai hàm dưới và bờ trước cành
lên xương hàm dưới (Theo tác giả Batos Ado, 2016).102
o Điểm D7: là giao điểm giữa mặt phẳng nhai hàm dưới và đường tiếp
tuyến với mặt xa răng 7 (vuông góc với mặt phẳng nhai tại D7) (Theo
tác giả Batos Ado, 2016).102
53

Hình 2.5: Cách xác định điểm J và điểm D7 trong nghiên cứu.
“Nguồn: Vẽ lại theo Batos Ado, 2016”102
o Điểm Xi: là giao điểm 2 đường chéo của hình chữ nhật được tạo bởi 4
đường tiếp tuyến tại 4 điểm R1, R2, R3, R4 trên các bờ của cành lên
xương hàm dưới.
R1: điểm sâu nhất trên bờ trước cành lên.
R2: là điểm trên bờ sau của cành lên, đối diện với R1.
R3: là điểm sâu nhất trên khuyết sigma.
R4: là điểm đối diện R3, nằm trên bờ dưới cành lên.
54

Hình 2.6: Cách xác định điểm Xi trên phim toàn cảnh.
“Nguồn: Vẽ lại theo Kaur, 2016”66
o Điểm Ptm (Pterygomaxillare): là đường viền khe chân bướm hàm, có
dạng giọt nước, điểm cao nhất thường được sử dụng.
o Mặt phẳng Frankfort (FH): là đường thẳng nối Po và Or.
o Mặt phẳng chân bướm theo chiều dọc (PTV): là đường thẳng vuông
góc với FH và tiếp tuyến với Ptm.
55

Hình 2.7: Cách xác định điểm Ptm và đường PTV.


“Nguồn: Vẽ lại theo Broadbent, 1943”45

Hình 2.8: Các phép đo góc giữa răng 7, răng khôn hàm trên với mặt
phẳng ngang tham chiếu. “Nguồn: từ nghiên cứu này”
56

Hình 2.9: Các phép đo góc giữa răng 7, răng khôn hàm dưới với mặt
phẳng ngang tham chiếu. “Nguồn: từ nghiên cứu này”

Hình 2.10: Các phép đo khoảng mọc răng và mức độ mọc của răng khôn
hàm trên và hàm dưới. “Nguồn: từ nghiên cứu này”
57

Hình 2.11: Tổng hợp các phép đo trên phim toàn cảnh. “Nguồn: từ
nghiên cứu này”

 Các điểm mốc và đường thẳng trên phim sọ nghiêng


o Điểm Or (Orbitale): điểm thấp nhất của bờ dưới hốc mắt.
o Điểm Po (Porion): điểm cao nhất của bờ trên ống tai ngoài.
o Điểm Ptm (Pterygomaxillare): là đường viền khe chân bướm hàm, có
dạng giọt nước, điểm cao nhất thường được sử dụng.
o Điểm U6: là điểm lồi tối đa xa của răng 6 hàm trên.
o Điểm L6: là điểm lồi tối đa xa của răng 6 hàm dưới.
o Điểm Xi: là giao điểm 2 đường chéo của hình chữ nhật được tạo bởi 4
đường tiếp tuyến tại 4 điểm R1, R2, R3, R4 trên các bờ của cành lên
xương hàm dưới.
R1: điểm sâu nhất trên bờ trước cành lên.
R2: là điểm trên bờ sau của cành lên, đối diện với R1.
R3: là điểm sâu nhất trên khuyết sigma.
R4: là điểm đối diện R3, nằm trên bờ dưới cành lên.
o Mặt phẳng Frankfort (ký hiệu là FH): là mặt phẳng đi qua Po và Or.
58

o Mặt phẳng chân bướm theo chiều dọc (PTV): là đường thẳng vuông góc
với FH và tiếp tuyến với Ptm.

Hình 2.12: Cách xác định điểm Xi trên phim sọ nghiêng.


“Nguồn: Vẽ lại theo Broadbent, 1943”45

Hình 2.13: Cách xác định PTV trên phim sọ nghiêng.


“Nguồn: từ nghiên cứu này”
59

2.7. Quy trình nghiên cứu


2.7.1. Huấn luyện và định chuẩn trước khi nghiên cứu
Trước khi tiến hành nghiên cứu, người nghiên cứu được tập huấn bởi
chuyên gia chỉnh hình răng mặt và chẩn đoán hình ảnh để xác định các điểm
mốc nghiên cứu trên phim cũng như thực hành các phép đo trên phần mềm.
Sau khi được tập huấn, một nghiên cứu thử nghiệm được thực hiện nhằm mục
tiêu là đánh giá khả năng nhận biết các điểm mốc đo đạc của người nghiên cứu
đã được tập huấn và việc định chuẩn bằng cách xác định tỷ lệ tương đồng giữa
người nghiên cứu và người huấn luyện, cũng như độ kiên định (%) của người
nghiên cứu giữa 2 lần đo; từ đó giúp hoàn chỉnh các bước trong nghiên cứu:
thu thập số liệu, nhập số liệu và xử lý số liệu.
Quá trình được thực hiện như sau: chọn ngẫu nhiên 36 phim toàn cảnh
của bệnh nhân theo tiêu chuẩn chọn mẫu, đánh dấu các điểm mốc và đo đạc
trên phần mềm; sau đó 36 hình ảnh này sẽ được đo đạc độc lập bởi Bác sĩ bộ
môn Chẩn đoán hình ảnh, Khoa Răng Hàm Mặt, Đại Học Y Dược Thành phố
Hồ Chí Minh và với chính người nghiên cứu sau 2 tuần. Tỷ lệ % kiên định giữa
2 lần đo của người nghiên cứu cho các biến số là > 90% và độ tương đồng giữa
người nghiên cứu và người huấn luyện là 0,82.
60

Bảng 2.2: Bảng hệ số tương quan nội lớp (ICC) giữa các biến số đo đạc
trong nghiên cứu thử nghiệm.
n = 72 Lần đo thứ Lần đo thứ ICC Giá trị p*
(răng) nhất hai
Biến số
HP-48 33.33 ± 12.98 32.96 ± 12.44 0.97 <0.001
HP-47 61.73 ± 11.63 60.93 ± 11.31 0.98 <0.001
48-47 29.38 ± 16.02 28.91 ± 15.38 0.97 <0.001
LoO-Cu8 2.06 ± 2.18 1.96 ± 2.16 0.96 <0.001
LoO-Fi8 5.27 ± 2.01 5.28 ± 1.92 0.93 <0.001
J-D7 6.26 ± 3.96 6.22 ± 3.91 0.99 <0.001
Xi-7 21.62 ± 4.85 21.73 ± 4.85 0.99 <0.001
Chú thích (*): Kiểm định t-test bắt cặp

2.7.2. Quy trình thu thập dữ liệu


• Tìm hồ sơ bệnh án, phim sọ nghiêng và toàn cảnh kỹ thuật số của bệnh
nhân (trước và sau điều trị) thỏa các tiêu chí chọn mẫu.
• Chia dữ liệu thành 2 nhóm: nhóm chỉnh hình có nhổ răng và nhóm chỉnh
hình không nhổ răng. Nhóm chỉnh hình có nhổ răng được chia thành 2
nhóm nhỏ: nhổ răng 4 và nhổ răng 5.
• Sử dụng phần mềm Smartceph đo đạc các thông số về góc và khoảng
cách.
2.8. Phương pháp phân tích dữ liệu
2.8.1. Kiểm soát sai lệch
• Người nghiên cứu được huấn luyện và định chuẩn trước khi nghiên cứu.
• Phim X quang của bệnh nhân được chụp cùng một loại máy là Sirona
Orthophos SL với các thông số kỹ thuật giống nhau.
61

• Các biến số được đo đạc trên cùng một phần mềm.


• Phần mềm đo đạc có chức năng chuẩn hoá kích thước trước khi đo.
2.8.2. Phân tích dữ liệu
• Nhập dữ liệu bằng phần mềm Excel for Windows và xử lý dữ liệu bằng
phần mềm SPSS 25.0.
• Các biến số được kiểm tra tính phân phối chuẩn bằng kiểm định Shapiro-
Wilk. Kết quả cho thấy các biến số trong nghiên cứu có phân phối chuẩn.
• Để tìm sự khác biệt trong từng nhóm, chúng tôi dùng kiểm định t-test bắt
cặp để so sánh các giá trị trước và sau điều trị. Đối với sự khác biệt giữa
hai nhóm, chúng tôi dùng t-test cho hai mẫu độc lập để thống kê phân
tích, khác biệt được xem là có ý nghĩa khi p <0,05 (mục tiêu 1 và 2).
• Sử dụng phương pháp phân tích hồi quy tương quan đa biến để tìm mối
liên quan giữa các biến số, từ đó xây dựng phương trình hồi quy (mục
tiêu 3).
2.9. Đạo đức trong nghiên cứu
Nghiên cứu thực hiện trên phim X quang nhưng không vi phạm vấn đề
đạo đức trong nghiên cứu y sinh học vì những lý do sau:
• Nghiên cứu này là hồi cứu trên các dữ liệu lưu trữ có sẵn.
• Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi cam kết bảo mật thông tin cá nhân
cũng như tình trạng sức khỏe răng miệng của bệnh nhân.
• Đảm bảo hoàn trả đầy đủ và nguyên trạng hình ảnh, dữ liệu nghiên cứu
cho nhà trường và bệnh viện, tránh thất lạc, làm mất hoặc làm hư hỏng.
Nghiên cứu đã được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu Y sinh học Đại
học Y Dược Tp.HCM chấp thuận theo quyết định số 259/HĐĐĐ-ĐHYD
ngày 15/4/2021 .
62

CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ

Nghiên cứu của chúng tôi được thực hiện tại khoa Răng Hàm Mặt, Đại
học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện chuyên khoa Răng Hàm
Mặt Mỹ Thiện, trong khoảng thời gian từ tháng 4/2021 đến 2/2023, bước đầu
thu được những kết quả như sau:
3.1. Đặc điểm mẫu nghiên cứu
Bảng 3.1: Phân bố bệnh nhân theo giới tính giữa hai nhóm.
Giới tính Nhóm nghiên cứu Tổng Giá trị p*
Nhổ răng Không nhổ n (%)
n (%) n (%)
Nữ 83 (46,1) 41 (22,8) 124 (68,9) 0,136
Nam 31 (17,2) 25 (13,9) 56 (31,1)
Tổng 114 (63,3) 66 (36,7) 180 (100,0)
Chú thích (*): kiểm định Chi bình phương.
Bảng 3.2: Phân bố bệnh nhân theo nhóm tuổi giữa hai nhóm.
Nhóm tuổi Nhóm nghiên cứu Tổng Giá trị p*
Nhổ răng Không nhổ n (%)
n (%) n (%)
12–16 69 (38,3) 49 (27,2) 118 (65,6) 0,090
17–21 33 (18,3) 15 (8,4) 48 (26,7)
22–24 12 (6,7) 2 (1,0) 14 (7,7)
Tổng 114 (63,3) 66 (36,7) 180 (100,0)
Chú thích (*): kiểm định Chi bình phương.
63

Mẫu nghiên cứu gồm 180 bệnh nhân, 56 nam (31,1%) và 124 nữ (68,9%),
được chia làm 2 nhóm, nhóm không nhổ răng là 66 bệnh nhân, nhóm nhổ răng
là 114 bệnh nhân (67 bệnh nhân nhổ răng 4 và 47 bệnh nhân nhổ răng 5).
Tỷ lệ nữ nhiều gấp 2,2 lần nam, tuy nhiên sự phân bố nam nữ trong hai
nhóm nghiên cứu là không khác biệt (bảng 3.1).
Độ tuổi trung bình của bệnh nhân trong mẫu nghiên cứu là 15,73 ± 3,26.
Trong đó, tuổi nhỏ nhất là 12 tuổi, lớn nhất là 24 tuổi.
Đối với nhóm nhổ răng, tuổi trung bình là 16,11 ± 3,55 tuổi, nhỏ nhất là
12 tuổi, lớn nhất là 24 tuổi. Trong đó, nhóm nhổ răng 4 có tuổi trung bình là
16,12, tuổi nhỏ nhất là 12, lớn nhất là 23. Nhóm nhổ răng 5 có tuổi trung bình
là 16,09, tuổi nhỏ nhất là 12, lớn nhất là 24.
Đối với nhóm không nhổ răng, tuổi trung bình là 15,08 ± 2,58 tuổi, nhỏ
nhất là 12 tuổi, lớn nhất là 22 tuổi.
Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về độ tuổi của bệnh nhân giữa
hai nhóm trong mẫu nghiên cứu (Bảng 3.2).
64

3.2. Độ nghiêng, khoảng mọc răng và mức độ mọc của răng khôn trước
và sau điều trị ở nhóm chỉnh hình có nhổ răng và nhóm chỉnh hình
không nhổ răng
3.2.1. Độ nghiêng, khoảng mọc răng và mức độ mọc của răng khôn hàm
trên trước và sau điều trị ở nhóm chỉnh hình có nhổ răng
Bảng 3.3: Độ nghiêng, khoảng mọc răng và mức độ mọc của răng khôn
hàm trên trước và sau điều trị ở nhóm chỉnh hình có nhổ răng.
Trước điều trị Sau điều trị Độ Giá trị p*
n = 210 (răng) (TB ± ĐLC) (TB ± ĐLC) chênh
lệch
Độ nghiêng
HP-18 (độ) 52,42 ± 18,91 61,15 ± 18,44 +8,73 <0,001
HP-17 (độ) 62,98 ± 10,20 72,78 ± 8,98 +9,80 <0,001
18-17 (độ) 16,70 ± 11,91 17,07 ± 11,76 +0,37 0,646

Khoảng mọc răng


PTV-7 (mm) 5,63 ± 5,00 8,55 ± 4,58 +2,92 <0,001

Mức độ mọc
UpO-Cu8 (mm) 14,04 ± 6,06 8,40 ± 5,68 -5,64 <0,001
UpO-Fi8 (mm) 13,92 ± 5,84 8,80 ± 5,58 -5,12 <0,001
Chú thích (*): Kiểm định t-test bắt cặp

Theo bảng 3.3 cho thấy độ nghiêng của răng khôn hàm trên so với mặt
phẳng ngang tham chiếu giữa trước và sau điều trị tăng 8,730 và sự khác biệt
này rất có ý nghĩa thống kê. Trong khi đó, độ nghiêng răng khôn so với răng 7
gần như không thay đổi. Về khoảng mọc răng, giữa trước và sau điều trị chỉnh
hình có nhổ răng, khoảng mọc của răng khôn hàm trên tăng trung bình 2,92
mm và sự thay đổi này rất có ý nghĩa thống kê. Về mức độ mọc, kết quả cho
65

thấy răng khôn hàm trên ở nhóm nhổ răng có thể mọc thêm trung bình 5,64 mm
(tính từ đỉnh múi ngoài xa) hoặc 5,12 mm (tính từ rãnh ngoài) so với trước điều
trị và sự khác biệt rất có ý nghĩa.
3.2.2. Độ nghiêng, khoảng mọc răng và mức độ mọc của răng khôn hàm
trên trước và sau điều trị ở nhóm chỉnh hình không nhổ răng
Bảng 3.4: Độ nghiêng, khoảng mọc răng và mức độ mọc của răng khôn
hàm trên trước và sau điều trị ở nhóm chỉnh hình không nhổ răng.
Trước điều trị Sau điều trị Độ Giá trị p*
n = 114 răng
(TB ± ĐLC) (TB ± ĐLC) chênh lệch
Độ nghiêng
HP-18 (độ) 45,83 ± 17,22 50,05 ± 15,66 +4,22 <0,001
HP-17 (độ) 64,28 ± 11,36 67,83 ± 10,96 +3,55 <0,001
18-17 (độ) 20,19 ± 14,22 19,34 ± 12,84 -0,85 0,435

Khoảng mọc răng


PTV-7 (mm) 4,37 ± 4,45 5,49 ± 4,87 +1,12 0,016
Mức độ mọc
UpO-Cu8 (mm) 16,42 ± 4,81 12,64 ± 5,60 -3,78 <0,001
UpO-Fi8 (mm) 15,93 ± 4,41 12,28 ± 5,21 -3,65 <0,001
Chú thích (*): Kiểm định t-test bắt cặp

Ở nhóm không nhổ răng, độ nghiêng của răng khôn hàm trên so với mặt
phẳng ngang tham chiếu giữa trước và sau điều trị tăng 4,220 và sự khác biệt
này rất có ý nghĩa thống kê. Về khoảng mọc răng, kết quả cho thấy, khoảng
mọc răng tăng trung bình 1,12 mm giữa trước và sau điều trị và sự khác biệt
này có ý nghĩa thống kê. Mặt khác, mức độ mọc của răng khôn hàm trên ở
nhóm không nhổ răng cho thấy tăng đáng kể giữa trước và sau điều trị, trung
66

bình là 3,78 mm (tính từ đỉnh múi ngoài xa) và 3,65 mm (tính từ rãnh ngoài)
và sự khác biệt này rất có ý nghĩa thống kê (theo bảng 3.4).
3.2.3. So sánh độ nghiêng, khoảng mọc răng và mức độ mọc của răng khôn
hàm trên giữa nhóm chỉnh hình có nhổ răng và nhóm chỉnh hình
không nhổ
10

8.73 Nhóm không nhổ


9
Nhóm nhổ răng
8

6 5.64

5
4.17
4 3.74
2.92
3

2
1.16
1

Độ nghiêng Khoảng mọc răng Mức độ mọc


p=0,005 p=0,002 p<0,001
Kiểm định t-test cho hai mẫu độc lập
Biểu đồ 3.1: So sánh độ nghiêng, khoảng mọc răng và mức độ mọc của
răng khôn hàm trên giữa nhóm chỉnh hình có nhổ răng và nhóm chỉnh
hình không nhổ răng.
Khi so sánh sự thay đổi độ nghiêng răng khôn hàm trên ở nhóm nhổ răng
và không nhổ răng, kết quả từ biểu đồ 3.1 cho thấy khả năng dựng trục của răng
khôn ở nhóm nhổ răng cao gấp 2,1 lần so với nhóm không nhổ răng và sự khác
biệt này rất có ý nghĩa thống kê (tính theo biến số HP-18). Về khoảng mọc răng,
nhóm nhổ răng cũng cho thấy khoảng mọc tăng gấp 2,5 lần so với nhóm không
nhổ răng và sự khác biệt rất có ý nghĩa thống kê. Trong khi đó, mức độ mọc
67

cũng tăng gấp 1,5 lần so với nhóm không nhổ và khác biệt rất có ý nghĩa thống
kê (tính theo biến số UpO-Cu8).
3.2.4. Độ nghiêng, khoảng mọc răng và mức độ mọc của răng khôn hàm
dưới trước và sau điều trị ở nhóm chỉnh hình có nhổ răng
Bảng 3.5: Độ nghiêng, khoảng mọc răng và mức độ mọc của răng khôn
hàm dưới trước và sau điều trị ở nhóm chỉnh hình có nhổ răng.
Trước điều trị Sau điều trị Độ Giá trị p*
n = 212 răng
(TB ± ĐLC) (TB ± ĐLC) chênh lệch
Độ nghiêng
HP-48 (độ) 38,18 ± 17,05 39,07 ± 19,93 +0,89 0,391
HP-47 (độ) 59,67 ± 8,22 62,34 ± 7,95 +2,67 <0,001
48-47 (độ) 24,47 ± 15,81 26,51 ± 19,92 +2,04 0,074

Khoảng mọc răng


J-D7 (mm) 5,57 ± 3,18 10,46 ± 2,99 +4,89 <0,001
Xi-7 (mm) 21,18 ± 4,36 26,62 ± 4,09 +5,44 <0,001
Mức độ mọc
LoO-Cu8 (mm) 1,61 ± 2,43 0,32 ± 2,55 -1,29 <0,001
LoO-Fi8 (mm) 4,39 ± 2,76 3,08 ± 3,08 -1,31 <0,001
Chú thích (*): kiểm định t-test bắt cặp

Theo bảng 3.5 cho thấy, ở nhóm nhổ răng, độ nghiêng của răng khôn
hàm dưới trước và sau điều trị thay đổi rất ít và không khác biệt có ý nghĩa
thống kê. Trong khi đó, khoảng mọc răng tăng 4,89 mm (tính từ bờ trước cành
lên đến mặt xa răng 7) hoặc tăng 5,44 mm (tính từ điểm Xi đến mặt xa răng 7)
và sự thay đổi này rất có ý nghĩa thống kê. Về mức độ mọc, răng khôn hàm
dưới sau điều trị tăng độ mọc trung bình 1,29 mm so với trước điều trị, và sự
thay đổi này cũng rất có ý nghĩa về mặt thống kê.
68

3.2.5. Độ nghiêng, khoảng mọc răng và mức độ mọc của răng khôn hàm
dưới trước và sau điều trị ở nhóm chỉnh hình không nhổ răng
Bảng 3.6: Độ nghiêng, khoảng mọc răng và mức độ mọc của răng khôn
hàm dưới trước và sau điều trị ở nhóm chỉnh hình không nhổ răng.
Trước điều trị Sau điều trị Độ
n = 126 răng Giá trị p*
(TB ± ĐLC) (TB ± ĐLC) chênh lệch
Độ nghiêng
HP-48 (độ) 38,25 ± 12,34 39,24 ± 14,54 +0,99 0,340
HP-47 (độ) 57,43 ± 9,12 61,74 ± 7,97 +4,31 <0,001
48-47 (độ) 19,83 ± 13,49 23,55 ± 15,52 +3,72 0,001

Khoảng mọc răng


J-D7 (mm) 3,90 ± 4,06 5,89 ± 3,31 +1,99 <0,001
Xi-7 (mm) 19,91 ± 4,76 22,39 ± 4,42 +2,48 <0,001
Mức độ mọc
LoO-Cu8 (mm) 0,94 ± 2,12 0,72 ± 2,11 -0,22 0,314
LoO-Fi8 (mm) 3,69 ± 2,06 3,34 ± 2,41 -0,35 0,091
Chú thích (*): kiểm định t-test bắt cặp

Theo bảng 3.6 cho thấy, ở nhóm không nhổ răng, độ nghiêng của răng
khôn hàm dưới so với mặt phẳng ngang trước và sau điều trị thay đổi rất ít và
không khác biệt có ý nghĩa thống kê; nhưng độ nghiêng của răng khôn so với
răng 7 tăng trung bình 3,720, tức là răng khôn nghiêng nhiều hơn so với trước
điều trị, và thay đổi này rất có ý nghĩa thống kê. Trong khi đó, khoảng mọc
răng tăng 1,99 mm (tính từ bờ trước cành lên đến mặt xa răng 7) hoặc tăng 2,48
mm (nếu tính từ điểm Xi đến mặt xa răng 7) và sự thay đổi này rất có ý nghĩa
thống kê. Về mức độ mọc, răng khôn hàm dưới sau điều trị tăng độ mọc trung
69

bình 0,22 mm so với trước điều trị, tuy nhiên sự thay đổi này không có ý nghĩa
về mặt thống kê.
3.2.6. So sánh độ nghiêng, khoảng mọc răng và mức độ mọc của răng khôn
hàm dưới giữa nhóm chỉnh hình có nhổ răng và nhóm chỉnh hình
không nhổ

4.89 Nhóm không nhổ


5
Nhóm nhổ răng
4

2
2
1.27
0.99 0.89
1
0.22
0

Độ nghiêng Khoảng mọc răng Mức độ mọc


p=0,943 p<0,001 p<0,001
Kiểm định t-test cho hai mẫu độc lập
Biểu đồ 3.2: So sánh độ nghiêng, khoảng mọc răng và mức độ mọc của
răng khôn hàm dưới giữa nhóm chỉnh hình có nhổ răng và nhóm
chỉnh hình không nhổ răng.
Khi so sánh giữa nhóm không nhổ và nhóm nhổ răng, kết quả từ biểu đồ
3.2 cho thấy, độ nghiêng của răng khôn hàm dưới so với mặt phẳng ngang thay
đổi rất ít, tăng 0,990 ở nhóm không nhổ và tăng 0,890 ở nhóm nhổ răng, nhưng
sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê; độ nghiêng của răng khôn so với
răng 7 tăng trung bình lần lượt là 4,480 và 1,390 ở nhóm không nhổ và nhóm
nhổ, tuy nhiên thay đổi này cũng không có ý nghĩa thống kê (tính theo biến số
HP-48). Trong khi đó, khoảng mọc răng ở nhóm nhổ răng tăng gấp 2,4 lần (tính
70

từ bờ trước cành lên đến mặt xa răng 7) hoặc tăng 2,2 lần (nếu tính từ điểm Xi
đến mặt xa răng 7) so với nhóm không nhổ, và sự thay đổi này rất có ý nghĩa
thống kê. Về mức độ mọc, răng khôn hàm dưới ở nhóm nhổ răng tăng độ mọc
gấp 5,8 lần so với nhóm không nhổ, và sự khác biệt này rất có ý nghĩa về mặt
thống kê (tính theo biến số LoO-Cu8).
3.3. Độ nghiêng, khoảng mọc răng và mức độ mọc của răng khôn trước
và sau điều trị ở nhóm chỉnh hình nhổ răng 4 và nhóm chỉnh hình
nhổ răng 5
3.3.1. Độ nghiêng, khoảng mọc răng và mức độ mọc của răng khôn hàm
trên trước và sau điều trị ở nhóm chỉnh hình nhổ răng 4
Bảng 3.7: Độ nghiêng, khoảng mọc răng và mức độ mọc của răng khôn
hàm trên trước và sau điều trị ở nhóm chỉnh hình nhổ răng 4.
Trước điều trị Sau điều trị Độ Giá trị p*
n = 120 răng
(TB ± ĐLC) (TB ± ĐLC) chênh lệch
Độ nghiêng
HP-18 (độ) 53,17 ± 20,60 61,94 ± 18,92 +8,77 <0,001
HP-17 (độ) 63,68 ± 10,78 72,31 ± 8,94 +8,63 <0,001
18-17 (độ) 17,10 ± 12,36 16,33 ± 12,27 -0,77 0,441

Khoảng mọc răng


PTV-7 (mm) 6,20 ± 5,17 8,52 ± 4,44 +2,32 <0,001
Mức độ mọc
UpO-Cu8 (mm) 13,96 ± 6,21 8,38 ± 5,91 -5,58 <0,001
UpO-Fi8 (mm) 13,88 ± 5,86 8,72 ± 5,76 -5,16 <0,001
Chú thích (*): Kiểm định t-test bắt cặp

Theo bảng 3.7 cho thấy độ nghiêng của răng khôn hàm trên so với mặt
phẳng ngang tham chiếu giữa trước và sau điều trị tăng 8,770 và sự khác biệt
71

này rất có ý nghĩa thống kê. Trong khi đó, độ nghiêng so với răng 7 gần như
không thay đổi. Về khoảng mọc răng, giữa trước và sau điều trị chỉnh hình có
nhổ răng 4, khoảng mọc của răng khôn hàm trên tăng trung bình 2,32 mm và
sự thay đổi này rất có ý nghĩa thống kê. Về mức độ mọc, kết quả cho thấy răng
khôn hàm trên ở nhóm nhổ răng 4 có thể mọc thêm trung bình 5,58 mm (tính
từ đỉnh múi ngoài xa) hoặc 5,16 mm (tính từ rãnh ngoài) so với trước điều trị
và sự khác biệt rất có ý nghĩa.
3.3.2. Độ nghiêng, khoảng mọc răng và mức độ mọc của răng khôn hàm
trên trước và sau điều trị ở nhóm chỉnh hình nhổ răng 5
Bảng 3.8: Độ nghiêng, khoảng mọc răng và mức độ mọc của răng khôn
hàm trên trước và sau điều trị ở nhóm chỉnh hình nhổ răng 5.
Trước điều trị Sau điều trị Độ Giá trị p*
n = 90 răng
(TB ± ĐLC) (TB ± ĐLC) chênh lệch
Độ nghiêng
HP-18 (độ) 51,43 ± 16,43 60,11 ± 17,83 +8,68 <0,001
HP-17 (độ) 62,04 ± 9,35 73,41 ± 9,06 +11,37 <0,001
18-17 (độ) 16,16 ± 11,32 18,06 ± 11,02 +1,90 0,160

Khoảng mọc răng


PTV-7 (mm) 4,87 ± 4,68 8,57 ± 4,79 +3,70 <0,001
Mức độ mọc
UpO-Cu8 (mm) 14,15 ± 5,89 8,42 ± 5,39 -5,73 <0,001
UpO-Fi8 (mm) 13,97 ± 5,85 8,90 ± 5,36 -5,07 <0,001
Chú thích (*): Kiểm định t-test bắt cặp

Theo bảng 3.8 cho thấy độ nghiêng của răng khôn hàm trên so với mặt
phẳng ngang tham chiếu giữa trước và sau điều trị tăng 8,680 và sự khác biệt
này rất có ý nghĩa thống kê. Trong khi đó, độ nghiêng so với răng 7 thay đổi
72

không đáng kể. Về khoảng mọc răng, giữa trước và sau điều trị chỉnh hình có
nhổ răng 5, khoảng mọc của răng khôn hàm trên tăng trung bình 3,7 mm và sự
thay đổi này rất có ý nghĩa thống kê. Về mức độ mọc, kết quả cho thấy răng
khôn hàm trên ở nhóm nhổ răng 5 có thể mọc thêm trung bình 5,73 mm (tính
từ đỉnh múi ngoài xa) hoặc 5,07 mm (tính từ rãnh ngoài) so với trước điều trị
và sự khác biệt rất có ý nghĩa.
73

3.3.3. So sánh độ nghiêng, khoảng mọc răng và mức độ mọc của răng khôn
hàm trên giữa nhóm chỉnh hình nhổ răng 4 và nhóm chỉnh hình nhổ
răng 5

10
Nhóm nhổ răng 4
9 8.77 8.68

8 Nhóm nhổ răng 5

6 5.58 5.73

4 3.71

3
2.32
2

Độ nghiêng Khoảng mọc răng Mức độ mọc


p=0,698 p=0,077 p=0,888
Kiểm định t-test cho hai mẫu độc lập
Biểu đồ 3.3: So sánh độ nghiêng, khoảng mọc răng và mức độ mọc của
răng khôn hàm trên giữa nhóm chỉnh hình nhổ răng 4 và
nhóm chỉnh hình nhổ răng 5.
Khi so sánh sự thay đổi độ nghiêng răng khôn hàm trên ở nhóm nhổ răng
4 và nhóm nhổ răng 5, kết quả từ biểu đồ 3.3 cho thấy khả năng dựng trục của
răng khôn hàm trên ở hai nhóm này gần như nhau và không khác biệt có ý nghĩa
(tính theo biến số HP-18). Về khoảng mọc răng, nhóm nhổ răng 5 cho thấy
khoảng mọc tăng nhiều hơn 1,39 mm so với nhóm nhổ răng 4 và sự khác biệt
74

này có ý nghĩa thống kê. Trong khi đó, mức độ mọc của răng khôn gần như
không khác biệt giữa hai nhóm (tính theo biến số UpO-Cu8).
3.3.4. Độ nghiêng, khoảng mọc răng và mức độ mọc của răng khôn hàm
dưới trước và sau điều trị ở nhóm chỉnh hình nhổ răng 4
Bảng 3.9: Độ nghiêng, khoảng mọc răng và mức độ mọc của răng khôn
hàm dưới trước và sau điều trị ở nhóm chỉnh hình nhổ răng 4.
Trước điều trị Sau điều trị Độ Giá trị p*
n = 130 răng
(TB ± ĐLC) (TB ± ĐLC) chênh lệch
Độ nghiêng
HP-48 (độ) 37,52 ± 17,92 37,48 ± 20,47 -0,04 0,975
HP-47 (độ) 58,96 ± 8,23 62,53 ± 7,65 +3,57 <0,001
48-47 (độ) 24,19 ± 15,10 28,38 ± 19,96 +4,19 0,007

Khoảng mọc răng


J-D7 (mm) 5,76 ± 3,05 10,39 ± 2,81 +4,63 <0,001
Xi-7 (mm) 21,64 ± 4,26 26,73 ± 3,95 +5,09 <0,001
Mức độ mọc
LoO-Cu8 (mm) 1,50 ± 2,34 0,25 ± 2,33 -1,25 <0,001
LoO-Fi8 (mm) 4,34 ± 2,80 3,23 ± 2,86 -1,11 <0,001
Chú thích (*): kiểm định t-test bắt cặp

Theo bảng 3.9 cho thấy, ở nhóm nhổ răng 4, độ nghiêng của răng khôn
hàm dưới so với mặt phẳng ngang trước và sau điều trị thay đổi rất ít và không
khác biệt có ý nghĩa thống kê. Tuy nhiên, độ nghiêng so với răng 7 tăng 4,190
và thay đổi này rất có ý nghĩa thống kê.Trong khi đó, khoảng mọc răng tăng
4,63 mm (tính từ bờ trước cành lên đến mặt xa răng 7) hoặc tăng 5,09 mm (tính
từ điểm Xi đến mặt xa răng 7) và sự thay đổi này rất có ý nghĩa thống kê. Về
75

mức độ mọc, răng khôn hàm dưới sau điều trị tăng độ mọc trung bình 1,25 mm
so với trước điều trị, và sự thay đổi này cũng rất có ý nghĩa về mặt thống kê.
3.3.5. Độ nghiêng, khoảng mọc răng và mức độ mọc của răng khôn hàm
dưới trước và sau điều trị ở nhóm chỉnh hình nhổ răng 5
Bảng 3.10: Độ nghiêng, khoảng mọc răng và mức độ mọc của răng khôn
hàm dưới trước và sau điều trị ở nhóm chỉnh hình nhổ răng 5.
Trước điều trị Sau điều trị Độ Giá trị p*
n = 82 răng
(TB ± ĐLC) (TB ± ĐLC) chênh lệch
Độ nghiêng
HP-48 (độ) 39,23 ± 15,61 41,59 ± 18,90 +2,36 0,130
HP-47 (độ) 60,38 ± 8,70 62,16 ± 7,95 +1,78 0,074
48-47 (độ) 24,92 ± 16,96 23,54 ± 19,62 -1,38 0,380

Khoảng mọc răng


J-D7 (mm) 5,28 ± 3,36 10,57 ± 3,27 +5,29 <0,001
Xi-7 (mm) 20,44 ± 4,45 26,46 ± 4,33 +6,02 <0,001
Mức độ mọc
LoO-Cu8 (mm) 1,79 ± 2,57 0,44 ± 2,88 -1,35 <0,001
LoO-Fi8 (mm) 4,47 ± 2,72 2,85 ± 3,40 -1,62 <0,001
Chú thích (*): kiểm định t-test bắt cặp

Theo bảng 3.10 cho thấy, ở nhóm nhổ răng 5, độ nghiêng của răng khôn
hàm dưới so với mặt phẳng ngang trước và sau điều trị tăng 2,360 và sự thay
đổi này không có ý nghĩa thống kê. Trong khi đó, khoảng mọc răng tăng 5,29
mm (tính từ bờ trước cành lên đến mặt xa răng 7) hoặc tăng 6,02 mm (tính từ
điểm Xi đến mặt xa răng 7) và sự thay đổi này rất có ý nghĩa thống kê. Về mức
76

độ mọc, răng khôn hàm dưới sau điều trị tăng độ mọc trung bình 1,35 mm so
với trước điều trị, và sự thay đổi này cũng rất có ý nghĩa về mặt thống kê.
3.3.6. So sánh độ nghiêng, khoảng mọc răng và mức độ mọc của răng khôn
hàm dưới giữa nhóm chỉnh hình nhổ răng 4 và nhóm chỉnh hình nhổ
răng 5

Nhóm nhổ răng 4


6
5.29 Nhóm nhổ răng 5
5 4.64
4.19
4

2
1.25 1.32
1

-1

-2
-1.38

Độ nghiêng Khoảng mọc răng Mức độ mọc


p=0,087 p=0,066 p=0,810
Kiểm định t-test cho hai mẫu độc lập
Biểu đồ 3.4: So sánh độ nghiêng, khoảng mọc răng và mức độ mọc của
răng khôn hàm dưới giữa nhóm chỉnh hình nhổ răng 4 và nhóm chỉnh
hình nhổ răng 5.
Kết quả từ biểu đồ 3.4 cho thấy, độ nghiêng của răng khôn hàm dưới so
với răng 7 ở nhóm nhổ răng 4 tăng 4,190 , trong khi đó ở nhóm nhổ răng 5 giảm
1,380 và sự thay đổi này có ý nghĩa thống kê (tính theo biến số HP-48). Khoảng
mọc răng (tính từ bờ trước cành lên đến mặt xa răng 7) ở nhóm nhổ răng 5 tăng
nhiều hơn nhóm nhổ răng 4 khoảng 0,65 mm nhưng sự khác biệt này không có
ý nghĩa thống kê. Về mức độ mọc, răng khôn hàm dưới ở nhóm nhổ 5 răng tăng
77

độ mọc nhiều hơn 0,07 mm so với nhóm nhổ răng 4, nhưng sự khác biệt này
cũng không có ý nghĩa thống kê (tính theo biến số LoO-Cu8).
3.4. Phân tích hồi quy tương quan đa biến tìm mối liên quan giữa các yếu
tố đối với sự mọc răng khôn
3.4.1. Răng khôn hàm trên
Bảng 3.11: Tần suất mất neo chặn của răng 6 hàm trên ở ba nhóm.
Mất neo Không nhổ Nhổ răng 4 Nhổ răng 5 Tổng Giá trị
chặn n (%) n (%) n (%) n (%) p*
0-2 mm 78 (24,1) 40 (12,3) 24 (7,4) 142 (43,8) p<0,001
2-4 mm 20 (6,2) 30 (9,3) 20 (6,2) 70 (21,7)
> 4 mm 16 (4,9) 50 (15,4) 46 (14,2) 112 (34,5)
Tổng 114 (35,2) 120 (37,0) 90 (27,8) 324 (100,0)
Chú thích (*): kiểm định Chi bình phương.

Theo bảng 3.11 cho thấy, tần suất mất neo chặn trung bình (2-4 mm) và
nhiều (> 4 mm) của răng 6 hàm trên ở nhóm chỉnh hình nhổ răng 4 chiếm 67%
(80/120) và nhóm chỉnh hình nhổ răng 5 chiếm 73,3% (66/90), trong khi đó ở
nhóm chỉnh hình không nhổ răng, tần suất mất neo chặn ít (0-2 mm) chiếm
68,4% (78/114) và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p < 0,001).
78

Bảng 3.12: Kết quả phân tích tương quan đa biến tìm mối liên quan giữa
các yếu tố với độ nghiêng, khoảng mọc răng và mức độ mọc
của răng khôn hàm trên.
Khoảng tin cậy
Biến số B SE t p
95%
n = 324 răng 18-17 (R=0,59)
Hằng số 14,47 3,29 4,40 <0,001 [8,00; 20,94]
Giới tínha -2,22 1,24 -1,79 0,075 [-4,66; 0,22]
Tuổi bắt đầu điều trị -0,35 0,19 -1,81 0,071 [-0,72; 0,03]
18-17 trước điều trị 0,54 0,05 12,04 <0,001 [0,45; 0,63]
HP-18 trước điều trị 0,01 0,03 0,44 0,658 [-0,05; 0,08]
Nhổ răng
Răng 4 -0,09 1,42 -0,07 0,948 [-2,89; 2,70]
Răng 5 2,10 1,56 1,34 0,181 [-0,98; 5,17]
Mất neo chặn
2–4mm -1,48 1,51 -0,98 0,327 [-4,45; 1,49]
>4mm -3,26 1,40 -2,34 0,020 [-6,01; -0,52]
PTV-7 (R=0,58)
Hằng số 1,12 1,21 0,93 0,354 [-1,26; 3,51]
Giới tínha 1,82 0,50 3,63 <0,001 [0,83; 2,80]
Tuổi bắt đầu điều trị 0,11 0,08 1,42 0,158 [-0,04; 0,26]
PTV-7 trước điều trị 0,46 0,05 9,49 <0,001 [0,37; 0,56]
Nhổ răng
Răng 4 1,96 0,57 3,44 0,001 [0,84; 3,08]
Răng 5 2,85 0,63 4,55 <0,001 [1,62; 4,08]
Mất neo chặn
79

2–4mm 0,00 0,61 0,00 0,999 [-1,19; 1,19]


>4mm 0,56 0,56 1,00 0,319 [-0,55; 1,67]
UpO-Cu8 (R=0,83)
Hằng số -0,01 1,82 -0,06 0,996 [-3,59; 3,57]
Giới tínha -0,82 0,42 -1,97 0,050 [-1,64; 0,00]
Tuổi bắt đầu điều trị 0,01 0,81 0,10 0,918 [-0,15; 0,17]
UpO-Cu8 trước điều 0,81 0,44 18,25 <0,001 [0,72; 0,90]
trị
Nhổ răng
Răng 4 -1,76 0,47 -3,71 <0,001 [-1,27; -0,16]
Răng 5 -1,88 0,52 -3,60 <0,001 [-1,29; -0,05]
Mất neo chặn
2–4mm -1,44 0,51 -2,85 0,005 [-2,43; -0,44]
>4mm -1,60 0,47 -3,39 0,001 [-2,53; -0,67]
Chú thích: a 0 = Nữ, 1 = Nam.
Kết quả từ bảng 3.12 cho thấy, độ nghiêng răng khôn sau điều trị có mối
liên quan với độ nghiêng trước điều trị và mức độ mất neo chặn > 4mm. Khoảng
mọc răng sau điều trị liên quan với các yếu tố như: giới tính, khoảng mọc răng
trước điều trị, có nhổ răng (răng 4 hoặc răng 5). Trong khi đó, mức độ mọc sau
điều trị có liên quan với giới tính, mức độ mọc trước điều trị, có nhổ răng (răng
4 hoặc răng 5) và mức độ mất neo chặn.

Trong ba biến số phân tích hồi quy đối với răng khôn hàm trên, chúng
tôi chọn hai biến số có hệ số tương quan R cao để xây dựng phương trình hồi
quy. Từ đó, chúng tôi có được hai phương trình hồi quy để dự đoán độ nghiêng
và mức độ mọc của răng khôn hàm trên sau khi điều trị như sau:
80

18-17 sau điều trị = 14,47 + 0,54*X1 + (-3,26)*X2


Trong đó:
X1: 18-17 trước điều trị
X2: Mất neo chặn (1= Nếu mất neo > 4 mm, 0= Nếu mất neo < 4 mm)
UpO-Cu8 sau điều trị = (-0,82)*X1 + 0,81*X2+ (-1,76)*X3 + (-1,88)*X4 +
(-1,44)*X5 + (-1,60)*X6
Trong đó:
X1: Giới tính (0 = nữ; 1 = nam)
X2: UpO-Cu8 trước điều trị
X3: Có nhổ răng 4 (1 = có; 0 = không)
X4: Có nhổ răng 5 (1 = có; 0 = không)
X5: Mất neo chặn 2–4mm (1 = có; 0 = không)
X6: Mất neo chặn >4mm (1 = có; 0 = không)
3.4.2. Răng khôn hàm dưới
Bảng 3.13: Tần suất mất neo chặn của răng 6 hàm dưới ở ba nhóm.
Mất neo Không nhổ Nhổ răng 4 Nhổ răng 5 Tổng Giá trị
chặn n (%) n (%) n (%) n (%) p*
0-2 mm 67 (19,8) 26 (7,7) 19 (5,6) 112 (33,1) p<0,001
2-4 mm 30 (8,9) 29 (8,6) 18 (5,3) 77 (22,8)
>4 mm 29 (8,6) 75 (22,2) 45 (13,3) 149 (44,1)
Tổng 126 (37,3) 130 (38,5) 82 (24,2) 338 (100,0)
Chú thích (*): kiểm định Chi bình phương.
Theo bảng 3.13 cho thấy, tần suất mất neo chặn trung bình (2-4 mm) và
nhiều (> 4 mm) của răng 6 hàm dưới ở nhóm chỉnh hình nhổ răng 4 chiếm
80% (104/130) và nhóm chỉnh hình nhổ răng 5 chiếm 76,8% (63/82), trong
khi đó ở nhóm chỉnh hình không nhổ răng, tần suất mất neo chặn ít (0-2 mm)
chiếm 53,2% (67/126) và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p < 0,001).
81

Bảng 3.14: Kết quả phân tích tương quan đa biến tìm mối liên quan giữa
các yếu tố với độ nghiêng, khoảng mọc răng và mức độ mọc
của răng khôn hàm dưới.
Khoảng tin cậy
Biến số B SE t p
95%
n = 338 răng 48-47 (R=0,65)
Hằng số 21,70 5,16 4,21 <0,001 [14,69; 35,03]
Giới tínha 2,65 1,76 1,51 0,132 [-0,80; 6,10]
Tuổi bắt đầu điều trị 0,19 0,28 0,68 0,497 [-0,37; 0,75]
48-47 trước điều trị 0,52 0,08 6,94 <0,001 [0,37; 0,67]
HP-48 trước điều trị -0,31 0,07 -4,30 <0,001 [-0,46; -0,17]
Nhổ răng
Răng 4 3,40 1,97 1,73 0,085 [-0,47; 7,28]
Răng 5 -0,88 2,21 -0,40 0,691 [-5,22; 3,46]
Mất neo chặn
2–4mm 1,40 2,16 0,65 0,517 [-2,84; 5,64]
>4mm -3,32 2,09 -1,59 0,112 [-7,42; 0,78]
J-D7 (R=0,86)
Hằng số 4,91 0,63 7,76 <0,001 [3,67; 6,16]
Giới tínha 0,91 0,24 3,76 <0,001 [0,44; 1,39]
Tuổi bắt đầu điều trị -0,18 0,04 -4,50 <0,001 [-0,26; -0,10]
J-D7 trước điều trị 0,75 0,03 21,76 <0,001 [0,68; 0,81]
Nhổ răng
Răng 4 2,93 0,28 10,49 <0,001 [2,38; 3,48]
Răng 5 3,62 0,31 11,75 <0,001 [3,01; 4,22]
Mất neo chặn
82

2–4mm 0,47 0,30 1,57 0,118 [-0,12; 1,05]


>4mm 1,19 0,29 4,08 <0,001 [0,61; 1,76]
LoO-Cu8 (R=0,57)
Hằng số 1,87 0,68 2,77 0,006 [0,54; 3,20]
Giới tínha -0,11 0,25 -0,44 0,662 [-0,60; 0,38]
Tuổi bắt đầu điều trị -0,10 0,04 -2,65 0,008 [-0,18; -0,03]
LoO-Cu8 trước điều 0,51 0,05 10,23 <0,001 [0,41; 0,61]
trị
Nhổ răng
Răng 4 -0,72 0,28 -2,57 0,011 [-1,27; -0,17]
Răng 5 -0,72 0,31 -2,32 0,021 [-1,34; -0,11]
Mất neo chặn
2–4mm -0,35 0,30 -1,16 0,247 [-0,95; 0,25]
>4mm 0,19 0,29 0,66 0,511 [-0,38; 0,77]
Chú thích: a 0 = Nữ, 1 = Nam.

Kết quả từ bảng 3.14 cho thấy, độ nghiêng răng khôn hàm dưới sau điều
trị có mối liên quan với độ nghiêng răng khôn so với răng 7 và độ nghiêng răng
khôn so với mặt phẳng ngang trước điều trị. Khoảng mọc răng sau điều trị liên
quan với các yếu tố như: giới tính, tuổi bắt đầu điều trị, khoảng mọc răng trước
điều trị, có nhổ răng (răng 4 hoặc răng 5) và mức độ mất neo chặn > 4 mm.
Trong khi đó, mức độ mọc sau điều trị có liên quan với tuổi, mức độ mọc trước
điều trị, có nhổ răng (răng 4 hoặc răng 5).
Trong ba biến số phân tích hồi quy đối với răng khôn hàm dưới, chúng
tôi chọn hai biến số có hệ số tương quan R cao để xây dựng phương trình hồi
quy. Từ đó, chúng tôi có hai phương trình hồi quy để dự đoán độ nghiêng,
khoảng mọc răng của răng khôn hàm dưới sau khi điều trị như sau:
83

48-47 sau điều trị = 21,70 + 0,52*X1+ (-0,31)*X2


Trong đó:
X1: 48-47 trước điều trị
X2: HP-48 trước điều trị
J-D7 sau điều trị = 4,91 + 0,92*X1 + (-0,18)*X2 + 0,75*X3 + 2,93*X4 +
3,62*X5 + 1,19*X6
Trong đó:
X1: Giới tính (0 = nữ; 1 = nam)
X2: Tuổi bắt đầu điều trị
X3: JD7 trước điều trị
X4: Có nhổ răng 4 (1 = có; 0 = không)
X5: Có nhổ răng 5 (1 = có; 0 = không)
X6: Mất neo chặn (1= Nếu mất neo > 4 mm, 0= Nếu mất neo < 4 mm)
84

CHƯƠNG 4. BÀN LUẬN

4.1. Về đặc điểm mẫu và phương pháp nghiên cứu


Mẫu nghiên cứu của chúng tôi gồm 180 bệnh nhân, 124 nữ (chiếm tỷ lệ
68,9%) và 56 nam (chiếm 31,1%). Mặc dù tỷ lệ nữ gấp 2,2 lần nam, nhưng sự
phân bố trong hai nhóm nghiên cứu không khác biệt về mặt thống kê. Tỷ lệ nữ
hơn nam có thể là do trong thực tế lâm sàng, nhu cầu điều trị chỉnh hình ở nữ
cao hơn nam. Điều này cũng giống với nhiều nghiên cứu trong y văn36,43,75,103.
Độ tuổi trung bình là 15,73 ± 3,26. Trong đó, nhóm chỉnh hình nhổ răng
có độ tuổi trung bình là 16,11 ± 3,55, tuổi nhỏ nhất là 12 tuổi và lớn nhất là 24
tuổi. Nhóm chỉnh hình không nhổ răng độ tuổi trung bình là 15,08 ± 2,58, tuổi
nhỏ nhất là 12 và lớn nhất là 22 tuổi. Như vậy, độ tuổi bệnh nhân trong hai
nhóm gần bằng nhau và không khác biệt về mặt thống kê. Theo chúng tôi, tuổi
là một yếu tố rất quan trọng, có ảnh hưởng nhiều lên sự phát triển của xương
hàm và bộ răng, đặc biệt là răng khôn. Đây có thể là yếu tố gây nhiễu, vì vậy
sự không khác biệt về độ tuổi giữa hai nhóm sẽ làm cho kết quả nghiên cứu có
độ tin cậy cao hơn.
Độ tuổi của bệnh nhân trong nghiên cứu này cũng gần với kết quả của
Hammouda với độ tuổi trung bình là 15,8 tuổi75, của Sheikhzadeh là 17 ± 1,3
tuổi37, của Turkoz là 18,4 tuổi39. Và cao hơn độ tuổi trung bình của nhiều nghiên
cứu như Golovcencu là 13,65 tuổi (khoảng thay đổi 12–18 tuổi)104, của Miclotte
là 13,1 tuổi32, của Durgesh là 13,5 tuổi,1 của Russell là 13 tuổi34, của Al Kuwari
là 12–15 tuổi80… Sự khác biệt này là do chúng tôi lựa chọn cả những bệnh nhân
trên 18 tuổi (cao nhất là 24 tuổi) vào mẫu nghiên cứu. Theo y văn, tuổi mọc
răng khôn vào khoảng 17–21 tuổi hoặc 18–25 tuổi tuỳ vào nghiên cứu. Tuy
nhiên, quá trình mọc răng có thể diễn ra suốt đời sống của cá thể, đặc biệt là
răng khôn với những tác động từ điều trị chỉnh hình. Vì vậy, chúng tôi cũng
85

muốn đánh giá sự thay đổi này trên những người trưởng thành trẻ, bởi vì theo
y văn, độ tuổi phẫu thuật răng khôn phổ biến nhất là 20 – 30 tuổi.
Khi so sánh răng khôn giữa bên phải và bên trái, chúng tôi nhận thấy
không có sự khác biệt về mặt thống kê. Vì vậy, chúng tôi thực hiện thống kê
trên đối tượng là răng khôn, chứ không phải là bệnh nhân. Như vậy, sẽ tăng cỡ
mẫu về mặt thống kê, nhưng không thay đổi bản chất của nghiên cứu.
Tóm lại, mẫu nghiên cứu của chúng tôi gồm 180 bệnh nhân, với 324 răng
khôn hàm trên và 338 răng khôn hàm dưới được chia thành hai nhóm (nhổ răng
và không nhổ răng). Giữa hai nhóm không có sự khác biệt về tuổi, giới tính, độ
nghiêng ban đầu của răng khôn.
Về phương pháp nghiên cứu, các răng khôn trong mẫu nghiên cứu được
khảo sát bằng phim toàn cảnh và sọ nghiêng kỹ thuật số chụp tại Bộ môn Chẩn
đoán hình ảnh Răng Hàm Mặt, Khoa Răng Hàm Mặt, Đại học Y Dược thành
phố Hồ Chí Minh và tại bệnh viện chuyên khoa Răng Hàm Mặt Mỹ Thiện với
cùng một loại máy và các thông số kỹ thuật. Hình ảnh kỹ thuật số có ưu điểm
là độ tương phản cao, liều xạ thấp (có thể giảm được 50 – 80 % liều xạ so với
phim thông thường), không cần phòng tối và có thể thao tác, lưu trữ trên các
phần mềm máy tính dễ dàng. Chúng tôi cũng loại khỏi nghiên cứu những trường
hợp chỉnh hình nhưng chụp phim toàn cảnh thông thường hay chụp ở các cơ sở
khác. Như vậy, có thể hạn chế được yếu tố gây nhiễu như: độ phóng đại, độ
tương phản…
Trong nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng đồng thời phim toàn cảnh và
sọ nghiêng trước và sau điều trị của bệnh nhân để khảo sát sự mọc răng khôn.
Mặc dù, nhiều nghiên cứu chỉ dùng phim toàn cảnh để đo đạc như tác giả
Santana, Golovcencu, Al-Gunaid, Fateme, Miclotte, Al Kuwari, Russell,
Turkoz, Gohilot, Celikoglu, Tarazona, Bayram, Jain21,25,27,28,32,34,38,39,63,70,80,82,104
hoặc chỉ dùng phim sọ nghiêng như tác giả Salehi, Behbehani, Artun, Kim,
86

Gungormus20,35,55,103,105 . Lý giải cho mục đích này, bởi vì chúng tôi nhận thấy
phim toàn cảnh hay sọ nghiêng bản chất vẫn là hình ảnh hai chiều, hạn chế lớn
nhất là không thể khảo sát đầy đủ tương quan theo ba chiều trong không gian.
Mỗi kỹ thuật có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Khi khảo sát răng
khôn, hiện nay phim toàn cảnh được xem là thường quy và phổ biến nhất, dễ
dàng thực hiện các phép đo theo chiều ngang và chiều đứng, không bị chồng
chập các cấu trúc đôi, nhưng khó đánh giá tương quan theo chiều trước sau, mà
điều này là rất cần thiết đối với bệnh nhân điều trị chỉnh hình. Trong khi đó,
khảo sát tương quan răng, xương hàm, các yếu tố về tăng trưởng, đánh giá mất
neo chặn răng cối… theo chiều trước sau là thế mạnh lớn nhất của phim sọ
nghiêng. Chính vì vậy, trong nghiên cứu này chúng tôi sử dụng cả hai loại phim
để đo đạc, nhằm bổ sung ưu điểm của chúng cho nhau, giống như nghiên cứu
của tác giả Hammouda75.
Về công cụ đo, chúng tôi sử dụng phần mềm phân tích phim Smartceph.
Đây là sản phẩm mới, được phát triển bởi Hàn Quốc, đã có bản quyền và được
cấp phép lưu hành trên thị trường. Ngoài ra, giá thành phần mềm này khá phù
hợp, trong khi đó vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nghiên cứu.
Về phương pháp đo đạc, chúng tôi sử dụng hai đại lượng là góc và đường
thẳng (gồm khoảng cách và mặt phẳng). Trong đó, độ nghiêng của răng khôn
(hàm trên và hàm dưới) chúng tôi đánh giá dựa vào mặt phẳng ngang tham
chiếu và trục của răng 7, tương tự như nghiên cứu của Hammouda, Al Kuwari,
Feng, Gohilot, Celikoglu, Jain27,28,75,80,82,106. Theo các tác giả, mặt phẳng ngang
tham chiếu này ít bị ảnh hưởng bởi sự tăng trưởng và điều trị chỉnh hình. Bên
cạnh đó, một số nghiên cứu khác sử dụng mặt phẳng nhai, mặt phẳng hàm dưới,
mặt phẳng khẩu cái, trục răng 7… để tham chiếu 20,21,34,36,38,39,107. Mặc dù, theo
y văn các mặt phẳng này dễ thay đổi do yếu tố tăng trưởng và can thiệp chỉnh
hình, tuy nhiên chúng thường được sử dụng trên lâm sàng và có nhiều ý nghĩa
87

trong thực hành. Về khoảng mọc răng, chúng tôi chọn mốc tham chiếu là đường
PTV đến mặt xa răng 7 đối với hàm trên, và điểm Xi, điểm J (bờ trước cành
lên) đến mặt xa răng 7 đối với hàm dưới, điều này giống với hầu hết các nghiên
cứu trong y văn32,39,75,103.
Về độ tin cậy của người nghiên cứu, trước khi tiến hành đo đạc đã được
tập huấn với hai chuyên gia của Bộ môn Chẩn đoán hình ảnh Nha Khoa và Bộ
môn Chỉnh hình răng mặt, khoa Răng Hàm Mặt, Đại học Y Dược thành phố
Hồ Chí Minh. Sau khi thực hiện đo đạc trên mẫu nghiên cứu thử (36 phim toàn
cảnh), nghiên cứu viên được đánh giá độ kiên định và chỉ số tương đồng với
người huấn luyện. Kết quả cho thấy độ kiên định của người đo là trên 0,9 và
mức độ tương đồng (chỉ số Kappa) là 0,82. Như vậy, kết quả của việc đo đạc
trên phim X quang là đáng tin cậy.
4.2. Về độ nghiêng, khoảng mọc răng, mức độ mọc của răng khôn ở nhóm
chỉnh hình có nhổ răng và nhóm chỉnh hình không nhổ răng
4.2.1. Về độ nghiêng, khoảng mọc răng, mức độ mọc của răng khôn hàm
trên ở nhóm chỉnh hình có nhổ răng
Ở nhóm nhổ răng, chúng tôi nhận thấy độ nghiêng của răng khôn hàm
trên so với mặt phẳng ngang tham chiếu giữa trước và sau điều trị tăng 8,730
và sự khác biệt này rất có ý nghĩa thống kê. Như vậy, sau điều trị chỉnh hình có
nhổ răng cối nhỏ, răng khôn hàm trên cho thấy sự cải thiện trục răng (dựng
trục) khá nhiều. Kết quả này giống với nghiên cứu của tác giả Hammouda, Pan,
Gohilot, Janson, Artun20,27,61,75,88. Tuy nhiên, cũng có một số nghiên cứu như
của Golovcencu, Miclotte, Saysel cho thấy liệu pháp chỉnh hình có nhổ răng
cối nhỏ không làm cải thiện độ nghiêng của răng khôn hàm trên32,36,104. Khi so
sánh với các nghiên cứu này, chúng tôi nhận thấy có lẽ sự khác biệt là do cách
chọn mẫu bao gồm độ tuổi, hạng xương và răng, độ nghiêng ban đầu của răng
khôn... Mặt khác, khi đánh giá độ nghiêng của răng khôn hàm trên so với răng
88

7, chúng tôi không nhận thấy sự khác biệt giữa trước và sau điều trị. Kết quả
này cũng giống với nghiên cứu của Hammouda, Gohilot27,75. Lý giải điều này,
chúng tôi cho rằng trục của răng 7 cũng đã thay đổi giữa trước và sau điều trị.
Nhận định này phù hợp với kết quả trong bảng 3.3 khi cho thấy trục của răng 7
hàm trên so với mặt phẳng ngang tham chiếu tăng 9,8° và sự thay đổi này có ý
nghĩa về mặt thống kê. Sự thay đổi này có thể do răng 7 cũng được tác động
trong quá trình chỉnh hình (gắn khâu). Tuy nhiên, do dữ liệu hồi cứu nên chúng
tôi không thể xác định được tỷ lệ răng 7 được gắn khâu.
Như vậy, các kết quả cho thấy, răng khôn hàm trên ở nhóm chỉnh hình
có nhổ răng thay đổi độ nghiêng theo chiều hướng tích cực, ban đầu chúng
thường nghiêng về phía xa, trong quá trình điều trị có khuynh hướng xoay về
phía gần và dựng trục nhiều hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho sự mọc răng.
Về khoảng mọc răng, chúng tôi nhận thấy giữa trước và sau điều trị chỉnh
hình có nhổ răng, khoảng mọc của răng khôn hàm trên tăng trung bình 2,92
mm và sự thay đổi này rất có ý nghĩa thống kê. Kết quả này phù hợp với nhiều
nghiên cứu trên thế giới Hammouda, Golovcencu, Miclotte, Kim32,75,103,104.
Theo y văn, khoảng mọc răng là yếu tố quan trọng nhất quyết định răng khôn
sẽ mọc hay ngầm. Giá trị này sẽ tăng trung bình 5 mm cho mỗi giai đoạn Nolla
trong suốt quá trình tăng trưởng của răng khôn73. Sự gia tăng này diễn ra mạnh
nhất trong giai đoạn từ 10–12 tuổi27. Trong nghiên cứu của chúng tôi, độ tuổi
trung bình của bệnh nhân ở nhóm nhổ răng là 16,1 tuổi, như vậy có lẽ giai đoạn
tăng trưởng mạnh đã kết thúc, và ít tác động ở độ tuổi này. Hơn nữa, sự tăng
trưởng của xương hàm trên theo chiều trước sau gần như không còn hoặc rất ít
ở độ tuổi này. Do đó, sự tăng khoảng mọc răng lúc này có thể chủ yếu là do tác
động của việc nhổ răng cối nhỏ để chỉnh hình, cụ thể là sự di gần hay nghiêng
gần của nhóm răng cối lớn trong quá trình điều trị. Trong nghiên cứu này, chúng
tôi cũng đo đạc khoảng cách từ PTV đến mặt xa của răng 6 giữa trước và sau
89

điều trị ở nhóm này, kết quả cho thấy trị số này tăng trung bình 2,3 mm. Kết
quả này góp phần củng cố luận điểm: sự di gần của các răng sau là cơ chế quan
trọng giúp răng khôn hàm trên tăng khoảng mọc răng. Ngoài ra, theo y văn, quá
trình tái cấu trúc ở vùng lồi củ xương hàm trên cũng là một yếu tố góp phần cải
thiện sự mọc của răng khôn.
Về mức độ mọc, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy răng khôn hàm trên
ở nhóm nhổ răng có thể mọc thêm trung bình 5,64 mm (tính từ đỉnh múi ngoài
xa) hoặc 5,12 mm (tính từ rãnh ngoài) sau điều trị so với trước điều trị và sự
khác biệt rất có ý nghĩa. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Kim, Janson,
Miclotte32,88,103. Sự mọc tích cực này có thể được lý giải do nhiều yếu tố. Đầu
tiên, việc chỉnh hình có nhổ răng cối nhỏ, đặc biệt là đối với hàm trên, sẽ thúc
đẩy nhóm răng cối lớn di gần hoặc nghiêng gần trong quá trình đóng khoảng,
điều này giúp tạo thêm khoảng trống vùng lồi củ (tăng khoảng mọc), cùng với
vận động xoay có lợi của răng khôn sẽ giúp tăng mức độ mọc. Yếu tố thứ hai,
vì xương hàm trên có cấu trúc xốp hơn so với xương hàm dưới, hơn nữa phía
sau vùng lồi củ là một không gian trống (khe chân bướm hàm), điều này giúp
xương có thể tái cấu trúc dễ hơn dưới áp lực mọc của răng khôn. Yếu tố thứ ba
là độ tuổi. Mặc dù theo y văn, quá trình mọc răng có thể diễn ra trong suốt đời
sống của cá thể. Tuy nhiên, giai đoạn mọc tiền chức năng (trước khi đạt tiếp
xúc cắn khớp với răng đối diện) của răng khôn diễn ra mạnh nhất từ 17–25 tuổi.
Trong nghiên cứu của chúng tôi, độ tuổi trung bình của các cá thể là 15,73 tuổi,
độ tuổi này vẫn còn tăng trưởng mạnh về xương, đặc biệt là xương ổ răng. Mặt
khác, ở độ tuổi này răng khôn hàm trên thường mới hình thành 1/3–1/2 chân
răng, đôi khi ở một số cá thể chậm hơn, có thể chỉ mới phát triển hoàn tất thân
răng; như vậy quá trình hình thành chân răng sau đó sẽ giúp răng khôn mọc
nhiều hơn về phía nhai nếu trục răng thuận lợi. Yếu tố sau cùng là sự hình thành
răng khôn sớm hay muộn. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu răng khôn hình
90

thành trễ, sau 25 tuổi, thì khả năng ngầm sẽ rất cao, liên quan đến sự tăng trưởng
và trưởng thành của xương hàm. Bên cạnh đó, một số tác giả cũng chỉ ra mối
liên quan giữa sự ngầm của răng khôn và hình dạng mặt. Theo đó, các trường
hợp xương hạng III với xương hàm trên kém phát triển, góp phần làm tăng khả
năng ngầm của răng khôn hàm trên.

Hình 4.1: Phim toàn cảnh trước (A) và sau (B) điều trị chỉnh hình có nhổ
răng của bệnh nhân Hà M. V., nam, 16 tuổi cho thấy răng khôn hàm trên
bên phải và bên trái mọc nhiều về phía nhai, giảm mức độ ngầm.
“Nguồn: Từ nghiên cứu này”
91

4.2.2. Về độ nghiêng, khoảng mọc răng, mức độ mọc của răng khôn hàm
trên ở nhóm chỉnh hình không nhổ răng
Ở nhóm không nhổ răng, chúng tôi nhận thấy độ nghiêng của răng khôn
hàm trên so với mặt phẳng ngang tham chiếu giữa trước và sau điều trị tăng
4,220 và sự khác biệt này rất có ý nghĩa thống kê. Kết quả này giống với nghiên
cứu của Hammouda, Gohilot, Janson, Artun20,27,75,88. Theo các tác giả này, độ
nghiêng răng khôn hàm trên có thể cải thiện từ 20 đến 80 giữa trước và sau điều
trị ở nhóm không nhổ răng. Các tác giả cho rằng, sự cải thiện độ nghiêng răng
khôn hàm trên ở nhóm chỉnh hình không nhổ răng là do thay đổi ở vùng lồi củ
và kết hợp sự vận động xoay trước mọc của răng khôn ở bệnh nhân trẻ. Như
vậy, bên cạnh việc chỉnh hình có nhổ răng cối nhỏ, có nhiều yếu tố khác có thể
góp phần vào sự dựng trục của răng khôn, trong đó góc độ nghiêng ban đầu
cũng là yếu tố quan trọng. Theo Richardson, nếu răng khôn ban đầu có độ
nghiêng ít thì sẽ mọc sớm hơn các răng nghiêng nhiều22. Trong nghiên cứu của
chúng tôi, độ nghiêng ban đầu của răng khôn hàm trên so với răng 7 ở nhóm
không nhổ răng là 19,8º , về mặt lâm sàng, độ nghiêng của răng khôn (so với
răng 7) dưới 30º có thể xem là ít.
Mặt khác, cũng có một số nghiên cứu nhận thấy, không có sự thay đổi
độ nghiêng hoặc thay đổi rất ít, thậm chí là răng khôn xoay theo hướng bất lợi
hơn giữa trước và sau điều trị chỉnh hình không nhổ răng. Tác giả Golovcencu,
Miclotte khi thực hiện nghiên cứu có nhóm chứng, không tìm thấy sự thay đổi
độ nghiêng của răng khôn hàm trên sau điều trị ở nhóm chỉnh hình không nhổ
răng32,104. Trong nghiên cứu của Kaplan, Richardson các tác giả nhận thấy rằng
chỉnh hình không nhổ răng liên quan có ý nghĩa với tình trạng răng khôn
ngầm22,49.
Về khoảng mọc răng, kết quả trong nghiên cứu này cho thấy, khoảng
mọc răng tăng trung bình 1,12 mm giữa trước và sau điều trị ở nhóm không
92

nhổ răng và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê. Kết quả này phù hợp với một
số nghiên cứu Hammouda, Golovcencu, Miclotte, Kim32,75,103,104. Như vậy,
khoảng mọc răng khôn hàm trên vẫn có thể phát triển theo hướng thuận lợi ở
các cá thể điều trị chỉnh hình không nhổ răng. Điều này có thể do sự tái cấu trúc
xương liên tục phía xa vùng lồi củ. Mặt khác, trong một số trường hợp như hẹp
hàm trên, chỉnh hình không nhổ răng có thể phối hợp với các biện pháp nới
rộng xương hàm trên, yếu tố này có thể góp phần tăng kích thước xương phía
xa răng 7. Theo chúng tôi, tuổi cũng là một yếu tố quan trọng, trong nghiên cứu
này, độ tuổi trung bình ở nhóm không nhổ răng là 15,08 tuổi, và các nghiên cứu
như của Hammouda là 15,8 tuổi75, của Golovcencu là 13,65 tuổi104, của Kim là
11,8 tuổi103; có thể nhận thấy điểm chung là độ tuổi đều dưới 17 tuổi. Về mặt
sinh học, sự tăng trưởng và phát triển xương vẫn diễn ra mạnh mẽ ở lứa tuổi
này, do đó có thể góp phần vào sự tăng khoảng mọc cho răng khôn.
Về mức độ mọc, răng khôn hàm trên ở nhóm không nhổ răng cho thấy
mức độ mọc tăng đáng kể giữa trước và sau điều trị, trung bình là 3,78 mm và
sự khác biệt này rất có ý nghĩa thống kê. Kết quả này cũng phù hợp với một số
nghiên cứu như Miclotte, Janson, Kim …32,88,103 Chúng tôi cho rằng, sự cải
thiện về độ nghiêng cùng với sự tăng khoảng mọc của răng khôn hàm trên đã
đưa đến kết quả tất yếu là giúp cho răng mọc tích cực về phía mặt phẳng nhai.
Tuy đều đánh giá về mức độ mọc, nhưng có điểm khác trong nghiên cứu của
chúng tôi với ba tác giả trên, đó là chúng tôi sử dụng đo đạc định lượng, trong
khi các nghiên cứu còn lại sử dụng phương pháp định tính. Chẳng hạn, tác giả
Miclotte dùng phân loại Pell-Gregory để đánh giá mức độ mọc của răng khôn
theo chiều đứng (phân loại này dựa vào tương quan của điểm cao nhất trên răng
khôn với giải phẫu của răng 7)32, trong khi tác giả Kim đánh giá dựa vào lâm
sàng là răng khôn có nhìn thấy trong miệng hay không103. Ưu điểm của phương
pháp định tính là đơn giản, dễ áp dụng trên lâm sàng, tuy nhiên không thể xác
93

định chính xác mức độ di chuyển của răng khôn như phương pháp định lượng.
Vì đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên trong nước, nên chúng tôi sử
sụng phương pháp định lượng nhằm có những số liệu ban đầu về vấn đề này.
Tóm lại, sự cải thiện độ nghiêng, tăng khoảng mọc và tăng mức độ mọc
của răng khôn hàm trên ở nhóm chỉnh hình không nhổ răng là một kết quả thú
vị và bất ngờ. Trái ngược với nhận định của chúng tôi trước khi tiến hành
nghiên cứu, đó là việc chỉnh hình không nhổ răng có thể là một yếu tố bất lợi
đối với sự mọc của răng khôn. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy, răng
khôn hàm trên vẫn mọc tích cực. Điều này rất có ý nghĩa về mặt lâm sàng. Kết
quả này sẽ không ủng hộ chỉ định nhổ các răng khôn hàm trên (thường ở giai
đoạn mầm răng và còn ngầm sâu) trong các trường hợp chỉnh hình không nhổ
răng, thậm chí có di xa răng cối. Bởi vì việc nhổ các răng khôn như vậy tiềm
ẩn nhiều nguy cơ và biến chứng cho bệnh nhân, có thể là một điều trị quá mức.
4.2.3. Về độ nghiêng, khoảng mọc răng, mức độ mọc của răng khôn hàm
trên ở nhóm chỉnh hình có nhổ răng và nhóm chỉnh hình không nhổ
răng
Khi so sánh sự thay đổi độ nghiêng răng khôn hàm trên ở nhóm nhổ răng
và không nhổ răng, chúng tôi nhận thấy khả năng dựng trục của răng khôn ở
nhóm nhổ răng cao gấp 2,1 lần so với nhóm không nhổ răng và sự khác biệt
này rất có ý nghĩa thống kê. Như vậy, theo nghiên cứu này có thể thấy chỉnh
hình có nhổ răng cối nhỏ sẽ tác động có lợi lên sự xoay của răng khôn hàm trên,
giúp răng dựng trục nhiều hơn. Kết quả này phù hợp với nhiều nghiên cứu như
Hammouda, Pan, Gohilot, Janson, Artun, Kim20,27,61,75,88,103. Theo các nghiên
cứu này, khả năng dựng trục của răng khôn hàm trên ở nhóm nhổ răng có thể
thay đổi từ 8,80 đến 15,80, hoặc gấp 2,0–2,7 lần khi so với nhóm không nhổ
răng.
94

Tuy nhiên, cũng có một số nghiên cứu cho thấy độ nghiêng răng khôn
hàm trên không có sự thay đổi hoặc thay đổi rất ít khi so sánh giữa hai nhóm
nhổ và không nhổ, như Golovcencu, Miclotte, Saysel32,36,104. Các tác giả này
khi thực hiện nghiên cứu so sánh giữa hai nhóm, không tìm thấy sự thay đổi độ
nghiêng của răng khôn hàm trên. Sự khác biệt này so với nghiên cứu của chúng
tôi có thể là do đặc điểm mẫu nghiên cứu bao gồm tuổi, tương quan xương và
răng, thời gian và kỹ thuật điều trị.
Về khoảng mọc răng khôn hàm trên, nhóm nhổ răng cũng cho thấy tăng
khoảng mọc gấp 2,5 lần so với nhóm không nhổ răng và sự khác biệt rất có ý
nghĩa thống kê. Kết quả này phù hợp với nhiều nghiên cứu, Hammouda,
Golovcencu, Miclotte, Kim32,75,103,104. Như vậy, ngoài yếu tố tăng trưởng và tái
cấu trúc vùng lồi củ xương hàm trên, vốn tác động lên nhóm không nhổ răng
trong việc tăng khoảng mọc răng khôn, thì yếu tố nhổ răng cối nhỏ trong chỉnh
hình có thể góp phần đáng kể cho sự thay đổi khoảng mọc răng. Cụ thể là sự di
gần hoặc nghiêng gần của nhóm răng cối phía sau trong quá trình đóng khoảng.
Về mức độ mọc, răng khôn hàm trên ở nhóm nhổ răng tăng gấp 1,5 lần
so với nhóm không nhổ và khác biệt rất có ý nghĩa thống kê. Chúng tôi cho
rằng đây là hệ quả tất yếu vì trục răng khôn được cải thiện và khoảng mọc răng
tăng đáng kể. Mặt khác, độ tuổi trung bình của bệnh nhân trong nghiên cứu của
chúng tôi là 15,08 (nhóm không nhổ răng) và 16,1 (nhóm nhổ răng), ở độ tuổi
này đa số các răng khôn chưa hình thành chân răng đầy đủ, như vậy chân răng
tiếp tục phát triển và góp phần thúc đẩy sự mọc răng. Kết quả này cũng phù
hợp với một số nghiên cứu như Miclotte, Janson, Kim 32,88,103.
4.2.4. Về độ nghiêng, khoảng mọc răng, mức độ mọc của răng khôn hàm
dưới ở nhóm chỉnh hình có nhổ răng
Ở nhóm nhổ răng, độ nghiêng của răng khôn hàm dưới trước và sau điều
trị thay đổi rất ít và không khác biệt có ý nghĩa thống kê. Kết quả này giống với
95

nhiều nghiên cứu của Hammouda, Sheikhzadeh, Miclotte, Russell, Turkoz,


Gohilot, Tarazona27,32,34,37-39,75. Trong khi đó, cũng có nhiều nghiên cứu cho
thấy độ nghiêng răng khôn hàm dưới cải thiện đáng kể trước và sau điều trị
chỉnh hình có nhổ răng, như Mendoza, Livas, Durgesh, Patel, Al Kuwari,
Mihai, Celikoglu, Jain, Janson, Saysel1,28,30,31,33,36,77,80,82,88. Sự khác biệt này có
thể là do đặc điểm chọn mẫu và phương pháp đo đạc khác nhau ở từng nghiên
cứu. Có ba nguyên nhân có thể gây ra sự thay đổi độ nghiêng của răng khôn.
Nguyên nhân đầu tiên có thể giải thích được là do chuyển động xoay trước khi
mọc. Một cách tự nhiên, vị trí răng khôn sẽ thay đổi mạnh ở tuổi 14–1519. Tuy
nhiên, trong nghiên cứu của chúng tôi, nhóm nhổ răng có độ tuổi trung bình là
16,1 tuổi, như vậy răng khôn có thể đã trải qua giai đoạn xoay trước khi mọc.
Trong khi đó, nghiên cứu của Durgesh là 13,67 tuổi1, của Jain là 13,5 tuổi28,
của Janson là 14,06 tuổi88, của Saysel là 13,1 tuổi36. Nguyên nhân thứ hai có
thể là do áp lực trong quá trình ăn nhai. Ở những bệnh nhân có thói quen nhai
một bên, có thể gây mòn mặt bên nhiều giữa các răng, tạo ra khoảng trống. Do
đó, răng sẽ di chuyển về phía không gian đó. Tuy nhiên, nghiên cứu của chúng
tôi không thể diễn giải tình trạng này vì không biết chính xác bệnh nhân có thói
quen nhai một bên hay không. Russell cho rằng nếu có thêm khoảng trống trên
cung hàm, răng khôn có thể di chuyển theo chiều đứng nhiều hơn và điều đó sẽ
làm tăng khả năng mọc răng34. Nguyên nhân thứ ba có thể là do các khí cụ sử
dụng để điều trị chỉnh hình, ví dụ như khí cụ di xa răng cối. Khí cụ này có thể
ảnh hưởng đến chuyển động xoay trước mọc của răng khôn, làm cho sự mọc
của nó trở nên bất thường, do đó làm tăng xác suất bị ngầm26.
Ngoài ra, một số tác giả đã nhận thấy rằng độ nghiêng ban đầu của răng
khôn cũng đóng vai trò rất quan trọng. Ahmed cho rằng khả năng mọc chỉ tồn
tại nếu độ nghiêng ban đầu ít hơn 30°19. Nếu độ nghiêng ban đầu càng nhỏ thì
cơ hội mọc của răng khôn càng tăng. Trong nghiên cứu của chúng tôi, trung
96

bình độ nghiêng ban đầu của răng khôn hàm dưới so với mặt ngang là 38,1o
hoặc nếu so với răng 7 là 20,5o. Trong nghiên cứu của Putri, 8/17 răng ở bên
phải và 8/12 răng ở bên trái có độ nghiêng ban đầu dưới 30° và giảm dần khi
kết thúc điều trị26. Việc mọc răng khôn còn bị ảnh hưởng bởi loại và vị trí của
nó trước khi điều trị, và sự hình thành chân răng. Theo phân loại Winter, răng
khôn ngầm loại I có đủ khoảng cách giữa mặt xa răng 7 và bờ trước cành lên
xương hàm dưới, có hướng tương đối thẳng. Do cả hai yếu tố này, nên làm tăng
khả năng mọc răng khôn. Ngược lại, nếu góc độ nghiêng nhiều và răng khôn bị
vướng mặt xa răng 7, theo thời gian, nếu chân răng tiếp tục hình thành thì răng
khôn có thể bị nghiêng nhiều hơn. Theo nghiên cứu của Artun (2005), sự thay
đổi độ nghiêng của răng khôn có thể xảy ra ở giai đoạn cuối của quá trình hình
thành chân răng, ở độ tuổi 18–25 tuổi26.
Trong khi đó, khoảng mọc răng tăng 4,89 mm (tính từ bờ trước cành lên
đến mặt xa răng 7) hoặc tăng 5,44 mm (tính từ điểm Xi đến mặt xa răng 7) và
sự thay đổi này rất có ý nghĩa thống kê. Kết quả này phù hợp với rất nhiều
nghiên cứu như Hammouda, Sheikhzadeh, Miclotte, Livas, Mendoza, Patel,
Celikoglu, Kim30-32,37,75,77,82,103. Theo y văn, khoảng mọc răng (khoảng hậu
hàm) là yếu tố quan trọng nhất cho sự mọc răng khôn hàm dưới. Sự phát triển
của xương hàm dưới trong mặt phẳng đứng dọc liên quan mật thiết với hiện
tượng tạo xương ở bờ sau và tiêu xương ở bờ trước cành lên. Khoảng hậu hàm
cũng liên quan trực tiếp với sự phát triển của răng khôn108. Y văn cho thấy
khoảng hậu hàm tăng 5mm trong mỗi giai đoạn Nolla của sự hình thành răng
khôn73. Và sự thay đổi này diễn ra mạnh nhất trong khoảng 10–12 tuổi73. Trong
nghiên cứu của chúng tôi, tuổi trung bình của bệnh nhân ở nhóm nhổ răng là
16,1 tuổi, như vậy yếu tố tăng trưởng có lẽ không còn đáng kể ở vùng hậu hàm.
Do đó, sự tăng khoảng mọc răng khôn chủ yếu là do sự di gần hoặc nghiêng
gần của nhóm răng cối lớn trong quá trình điều trị chỉnh hình. Cụ thể, các trường
97

hợp sai khớp cắn hạng II, điều trị có nhổ răng cối nhỏ, đóng khoảng bằng sử
dụng cơ học hỗ tương (dùng răng sau kéo lui răng trước hoặc dùng thun liên
hàm), gần như chắc chắn có sự di gần hoặc nghiêng gần của nhóm răng sau
hàm dưới, điều này có thể góp phần làm tăng khoảng mọc răng. Nhiều nghiên
cứu tổng quan cho thấy khoảng mọc răng khôn tăng đáng kể ở nhóm chỉnh hình
có nhổ răng cối nhỏ23,30. Nghiên cứu của Kim và Behbehani còn tìm thấy mối
liên quan giữa sự tăng khoảng mọc và tỷ lệ mọc của răng khôn55,103.
Về mức độ mọc, răng khôn hàm dưới ở nhóm nhổ răng sau điều trị tăng
độ mọc trung bình 1,29 mm so với trước điều trị, và sự thay đổi này cũng rất
có ý nghĩa về mặt thống kê. Kết quả này giống với nghiên cứu của Miclotte,
Turkoz, Salehi, Kim32,35,39,43,103. Tuy nhiên, có điểm lưu ý là nghiên cứu của
chúng tôi là nghiên cứu đo đạc định lượng, trong khi các tác giả kể trên sử dụng
phương pháp định tính như đánh giá trên lâm sàng (Salehi, Kim)35,103, trên phim
toàn cảnh (Miclotte, Turkoz)39,43 và trên phim sọ nghiêng (Gebeile-Chauty)109.
Tóm lại, răng khôn hàm dưới ở nhóm chỉnh hình có nhổ răng cho thấy
khả năng dựng trục rất thấp, tuy nhiên khoảng mọc răng thay đổi nhiều và răng
khôn vẫn có thể mọc tích cực về phía nhai. Vì vậy, các trường hợp răng khôn
có độ nghiêng ban đầu ít thì khả năng mọc rất cao. Theo chúng tôi, phát hiện
này rất có ý nghĩa về mặt lâm sàng, đối với các trường hợp chỉnh hình có nhổ
răng cối nhỏ, không nên chỉ định nhổ thêm các răng khôn cùng thời điểm này,
đặc biệt là ở các bệnh nhân trẻ. Việc nhổ các răng khôn giai đoạn này (thường
ngầm sâu) có thể gây nhiều biến chứng, trong đó có những biến chứng nguy
hiểm và không hồi phục như chấn thương thần kinh xương ổ dưới.
98

Hình 4.2: Phim toàn cảnh trước (A) và sau (B) điều trị chỉnh hình có nhổ
răng của bệnh nhân Lâm N. T., nam, 13 tuổi cho thấy răng khôn hàm
dưới bên phải và bên trái tăng khoảng mọc, tăng mức độ mọc.
“Nguồn: Từ nghiên cứu này”
4.2.5. Về độ nghiêng, khoảng mọc răng, mức độ mọc của răng khôn hàm
dưới ở nhóm chỉnh hình không nhổ răng
Ở nhóm không nhổ răng, độ nghiêng của răng khôn hàm dưới so với mặt
phẳng ngang trước và sau điều trị thay đổi rất ít và không khác biệt có ý nghĩa
thống kê; nhưng độ nghiêng của răng khôn so với răng 7 tăng trung bình 3,720.
99

Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy răng 7 sau điều trị cũng dựng trục khoảng 4,310.
Như vậy, sự thay đổi góc độ giữa răng khôn và răng 7 chủ yếu là do răng 7 thay
đổi trục răng chứ không phải do răng khôn nghiêng nhiều hơn. Kết quả này
giống với nghiên cứu của Hammouda, Putri, Fateme, Sheikhzadeh, Miclotte,
Turkoz, Gohilot, Russell, Poosti, Tarazona, Saysel25-27,32,34,36-39,75. Nghiên cứu
của Putri có nhiều điểm tương đồng với nghiên cứu của chúng tôi về đặc điểm
chọn mẫu như độ tuổi (trung bình 15,89 tuổi), độ nghiêng ban đầu của răng
khôn (5–65°)… đây là những yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến sự mọc răng
khôn26. Có một điểm khác biệt là nghiên cứu của Putri, Gohilot, Poosti đều
chọn các ca có tương quan xương hạng I, theo các tác giả là để không bị ảnh
hưởng bởi yếu tố tăng trưởng bất thường từ xương, trong khi đó nghiên cứu của
chúng tôi bao gồm cả ba loại tương quan xương26,27,110. Tuy nhiên, chúng tôi
cho rằng sự khác biệt này cũng là điểm mạnh của nghiên cứu, góp phần giải
thích vấn đề mọc răng khôn ở các ca xương hạng II, hạng III.
Mặt khác, cũng có một số tác giả ghi nhận kết quả khác với nghiên cứu
của chúng tôi, như Durgesh, Patel, Al Kuwari, Jain1,28,77,80. Các tác giả này nhận
thấy tình trạng giảm độ nghiêng của răng khôn ở những ca không nhổ răng sau
khi điều trị chỉnh hình hoàn tất. Nói cách khác, vị trí răng đã trở nên thẳng đứng
hơn. Có hai điểm khác nhau về đặc điểm chọn mẫu giữa các nghiên cứu này
với nghiên cứu của chúng tôi là: độ tuổi và tương quan xương/răng. Hầu hết
các đối tượng trong các nghiên cứu kể trên đều dưới 15 tuổi và có tương quan
xương hoặc răng hạng I. Ở độ tuổi này, răng khôn thường diễn ra vận động
xoay trước mọc khá mạnh một cách tự nhiên. Cũng theo các tác giả này, sự cải
thiện độ nghiêng này sẽ làm tăng khả năng mọc của răng khôn, vì vậy việc nhổ
răng khi kết thúc điều trị nên xem xét thận trọng.
Trong khi đó, khoảng mọc răng tăng 1,99 mm (tính từ bờ trước cành lên
đến mặt xa răng 7) hoặc tăng 2,48 mm (nếu tính từ điểm Xi đến mặt xa răng 7)
100

và sự thay đổi này rất có ý nghĩa thống kê. Như vậy, ở nhóm không nhổ răng,
khoảng mọc răng khôn hàm dưới vẫn có thể tăng. Kết quả này giống với nhiều
nghiên cứu của Hammouda, Sheikhzadeh, Miclotte, Patel, Turkoz, Celikoglu,
Kim32,37,39,75,77,82,103. Có thể lý giải kết quả này bởi nhiều yếu tố. Đầu tiên và
quan trọng nhất, là hiện tượng tái cấu trúc xương với quá trình tiêu xương ở bờ
trước và tạo xương ở bờ sau cành lên xương hàm dưới. Thứ hai là sự nghiêng
gần hoặc di gần của răng sau trong quá trình chỉnh hình. Điều này có thể thấy
rõ nhất trong các ca có tương quan xương hoặc răng hạng II, không nhổ răng
và sử dụng cơ học liên hàm, với mục tiêu đưa hàm dưới hay cung răng dưới ra
trước. Yếu tố thứ ba là độ tuổi. Trong nghiên cứu này, độ tuổi trung bình ở
nhóm không nhổ răng là 15,08 tuổi. Theo Graber, khoảng mọc cho răng 7 và
răng khôn có thể tăng 1,5 mm mỗi năm cho đến 14 tuổi ở nữ và 16 tuổi ở nam111.
Về mức độ mọc, răng khôn hàm dưới sau điều trị có tăng độ mọc so với
trước điều trị, nhưng tương đối ít (0,22 mm), tuy nhiên sự thay đổi này không
có ý nghĩa về mặt thống kê. Kaplan là những tác giả từ rất sớm đã nhận thấy
rằng điều trị chỉnh hình không nhổ răng có thể làm tăng khả năng ngầm và giảm
sự mọc của răng khôn sau khi kết thúc điều trị49.
Tóm lại, răng khôn hàm dưới ở nhóm chỉnh hình không nhổ răng cho
thấy không có khả năng dựng trục, gần như không thay đổi độ mọc, tuy nhiên
có tăng khoảng mọc răng giữa trước và sau điều trị.
4.2.6. Về độ nghiêng, khoảng mọc răng, mức độ mọc của răng khôn hàm
dưới ở nhóm chỉnh hình có nhổ răng và nhóm chỉnh hình không nhổ
răng
Khi so sánh giữa nhóm không nhổ và nhóm nhổ răng, kết quả cho thấy,
độ nghiêng của răng khôn hàm dưới so với mặt phẳng ngang thay đổi rất ít và
không khác biệt. Kết quả này phù hợp với nhiều nghiên cứu Hammouda,
Durgesh, Patel, Turkoz, Russell, Gohilot, Tarazona, Artun1,20,27,34,38,39,75,77.
101

Tuy nhiên, cũng có một số nghiên cứu cho thấy sự cải thiện độ nghiêng
răng khôn nhiều hơn ở nhóm nhổ răng, như Al Kuwari, Mihai, Jain,
Saysel28,33,36,80. Sự khác biệt này có thể do cỡ mẫu, đặc điểm mẫu nghiên cứu
như độ tuổi, hạng xương và răng, góc độ nghiêng ban đầu khác nhau giữa các
nghiên cứu.
Trong khi đó, khoảng mọc răng ở nhóm nhổ răng tăng gấp 2,4 lần (tính
từ bờ trước cành lên đến mặt xa răng 7) hoặc tăng 2,2 lần (nếu tính từ điểm Xi
đến mặt xa răng 7) so với nhóm không nhổ, và sự thay đổi này rất có ý nghĩa
thống kê. Kết quả này thống nhất với đa số nghiên cứu trong y văn Hammouda,
Sheikhzadeh, Miclotte, Patel, Turkoz, Russell, Celikoglu, Saysel,
Kim32,34,36,37,39,75,77,82,103.
Về mức độ mọc, răng khôn hàm dưới ở nhóm nhổ răng tăng độ mọc gấp
5,8 lần so với nhóm không nhổ, và sự khác biệt này rất có ý nghĩa về mặt thống
kê. Kết quả này giống với các nghiên cứu Miclotte, Turkoz, Salehi,
Kim35,39,43,103.
Như vậy, kết quả cho thấy, đối với răng khôn hàm dưới, liệu pháp chỉnh
hình có nhổ răng chủ yếu tác động lên khoảng mọc răng và mức độ mọc nhưng
ít ảnh hưởng lên sự xoay của răng khôn.
102

4.3. Về độ nghiêng, khoảng mọc răng, mức độ mọc của răng khôn ở nhóm
chỉnh hình nhổ răng 4 và nhóm chỉnh hình nhổ răng 5
4.3.1. Về độ nghiêng, khoảng mọc răng, mức độ mọc của răng khôn hàm
trên ở nhóm chỉnh hình nhổ răng 4
Kết quả nghiên cứu cho thấy độ nghiêng của răng khôn hàm trên so với
mặt phẳng ngang tham chiếu giữa trước và sau điều trị tăng 8,770 và sự khác
biệt này rất có ý nghĩa thống kê. Như vậy, điều trị chỉnh hình có nhổ răng 4 góp
phần cho răng khôn hàm trên dựng trục nhiều hơn, xoay về phía gần hơn so với
ban đầu. Kết quả này giống với nghiên cứu của Hammouda, Pan, Gohilot,
Janson, Artun20,27,61,75,88. Tuy nhiên, cũng có một số nghiên cứu cho kết quả
không giống với nghiên cứu của chúng tôi, như Golovcencu, Miclotte,
Saysel32,36,104. Theo các tác giả này, nhóm chỉnh hình có nhổ răng 4 không giúp
cải thiện độ nghiêng của răng khôn hàm trên. Sự khác biệt này có thể do tiêu
chí chọn mẫu khác nhau giữa các nghiên cứu như độ tuổi, tương quan xương,
tương quan răng, thời gian và kỹ thuật điều trị, cũng như lựa chọn các mặt
phẳng tham chiếu trong đo đạc…Chẳng hạn độ tuổi trung bình các bệnh nhân
ở nhóm nhổ răng 4 trong nghiên cứu của chúng tôi là 16,1 tuổi, trong khi nghiên
cứu của Golovcencu là 13,65104, Saysel là 13,1 tuổi36; nghiên cứu của chúng tôi
bao gồm tất cả các hạng xương (hạng I, II, III) nhưng của Saysel chỉ chọn các
ca hạng I về xương và răng. Về phương pháp đánh giá, chúng tôi chọn mặt
phẳng ngang để tham chiếu, trong khi tác giả Golovcencu chọn mặt phẳng nhai
hàm trên104. Theo y văn, mặt phẳng nhai hàm trên có thể thay đổi trong và sau
điều trị chỉnh hình, từ đó có thể làm thay đổi góc độ của răng khôn nếu so sánh
với mặt phẳng này. Mặt khác, chúng tôi ghi nhận độ nghiêng của răng khôn
hàm trên so với răng 7 gần như không thay đổi. Điều này cho thấy có thể răng
7 cũng thay đổi độ nghiêng so với trước điều trị. Khi đánh giá góc giữa răng 7
103

và mặt phẳng ngang, chúng tôi nhận thấy có sự gia tăng trị số này sau điều trị,
cho thấy thân răng 7 đã xoay về phía gần.
Về khoảng mọc răng, giữa trước và sau điều trị chỉnh hình có nhổ răng
4, khoảng mọc của răng khôn hàm trên tăng trung bình 2,32 mm và sự thay đổi
này rất có ý nghĩa thống kê. Kết quả này giống với nghiên cứu của Hammouda,
Golovcencu, Miclotte, Kim32,75,103,104. Theo các tác giả, sự gia tăng này là do sự
di gần của răng cối hàm trên trong quá trình chỉnh hình có nhổ răng cối nhỏ,
nhưng yếu tố tăng trưởng và tái cấu trúc vùng lồi củ xương hàm trên cũng có
thể góp phần vào sự thay đổi này, vì độ tuổi trung bình của các cá thể trong các
nghiên cứu này đều dưới 16 tuổi. Ngoài ra, có một điểm khác biệt là, trong
nghiên cứu của Kim khoảng mọc răng được đánh giá trên phim sọ nghiêng,
trong khi chúng tôi đo đạc trên phim toàn cảnh là chủ yếu103.
Về mức độ mọc, kết quả cho thấy răng khôn hàm trên ở nhóm nhổ răng
4 có thể mọc thêm trung bình 5,58 mm (tính từ đỉnh múi ngoài xa) hoặc 5,16
mm (tính từ rãnh ngoài) so với trước điều trị và sự khác biệt rất có ý nghĩa. Như
vậy, liệu pháp chỉnh hình có nhổ răng 4 có tác động tích cực lên sự mọc của
răng khôn hàm trên. Kết quả này cũng giống với nghiên cứu của Miclotte,
Janson, Kim32,88,103. Tuy nhiên, có sự khác nhau về phương pháp đánh giá mức
độ mọc giữa ba tác giả này với nghiên cứu của chúng tôi. Cả ba tác giả đều
đánh giá sự mọc bằng biến định tính, chẳng hạn Kim đánh giá dựa vào lâm
sàng, có nhìn thấy răng khôn mọc trong miệng hay không103, Janson dùng mẫu
hàm để đánh giá răng khôn và mặt phẳng nhai88, Miclotte sử dụng phim toàn
cảnh và phân loại răng khôn theo Pell-Gregory (theo chiều đứng gồm 3 mức độ
A, B, C)32. Trong khi đó, nghiên cứu của chúng tôi dùng phương pháp đo đạc
định lượng để xác định mức độ mọc của răng khôn so với mặt phẳng nhai. Tuy
nhiên, dù sử dụng các phương thức đánh giá khác nhau, nhưng đa số các nghiên
cứu cho thấy khả năng mọc của răng khôn hàm trên khi điều trị chỉnh hình có
104

nhổ răng 4 là rất cao. Tác giả Kim 2003 theo dõi dọc 10 năm sau chỉnh hình
ghi nhận tỷ lệ mọc là 84%. Do đó, các tác giả khuyến cáo, chỉ định nhổ răng
khôn hàm trên trước chỉnh hình có nhổ răng 4 nên xem xét thận trọng, vì đó có
thể là một điều trị quá mức103.
4.3.2. Về độ nghiêng, khoảng mọc răng, mức độ mọc của răng khôn hàm
trên ở nhóm chỉnh hình nhổ răng 5
Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy độ nghiêng của răng khôn hàm trên
so với mặt phẳng ngang tham chiếu giữa trước và sau điều trị tăng 8,680 và sự
khác biệt này rất có ý nghĩa thống kê. Trong khi đó, độ nghiêng so với răng 7
thay đổi không đáng kể. Kết quả này giống với nghiên cứu của Hammouda,
Miclotte, Janson32,75,88. Về khoảng mọc răng, giữa trước và sau điều trị chỉnh
hình có nhổ răng 5, khoảng mọc của răng khôn hàm trên tăng trung bình 3,7
mm và sự thay đổi này rất có ý nghĩa thống kê. Kết quả này giống với nghiên
cứu của Hammouda, Miclotte, Kim32,75,103.
Như vậy, răng khôn hàm trên ở nhóm nhổ răng 5 cho thấy cải thiện độ
nghiêng và khoảng mọc nhiều nhất so với hai nhóm còn lại (nhóm nhổ răng 4
và nhóm không nhổ). Chúng tôi cho rằng có nhiều yếu tố dẫn tới kết quả này.
Đầu tiên, sự tăng trưởng và phát triển nội tại của răng khôn hàm trên, theo y
văn quá trình này có thể kéo dài cho đến khi chân răng hoàn tất (18–25 tuổi).
Trong suốt quá trình này, răng khôn có khuynh hướng dựng trục nếu không có
các tác động bất lợi. Thứ hai, do sự di gần của nhóm răng sau hàm trên trong
quá trình đóng khoảng nhổ răng. Trên lâm sàng, những trường hợp chỉnh hình
nhổ răng 5 thường là thiếu khoảng ít, tương quan răng hạng III (nhổ răng 5 hàm
trên), hoặc tương quan răng hạng II (nhổ răng 5 hàm dưới), những ca như vậy
thường không cần neo chặn tối đa, có thể sử dụng neo chặn hỗ tương trong quá
trình đóng khoảng, do đó có sự di gần của nhóm răng sau, giúp tăng khoảng
105

mọc cho răng khôn. Thứ ba, sự tái cấu trúc xương vùng lồi củ xương hàm trên
cũng có thể là yếu tố góp phần cho sự thay đổi này.
Về mức độ mọc, kết quả cho thấy răng khôn hàm trên ở nhóm nhổ răng
5 có thể mọc thêm trung bình 5,73 mm (tính từ đỉnh múi ngoài xa) hoặc 5,07
mm (tính từ rãnh ngoài) so với trước điều trị và sự khác biệt rất có ý nghĩa. Kết
quả này giống với nghiên cứu của Miclotte, Kim32,103. Qua đó cho thấy ở nhóm
chỉnh hình nhổ răng 5, khả năng mọc của răng khôn hàm trên rất cao. Chúng
tôi cho rằng đây là hệ quả tất yếu của việc răng khôn dựng trục và tăng khoảng
mọc rất nhiều. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, mặc dù răng khôn có thể cải thiện độ
nghiêng, tăng khoảng mọc răng, nhưng điều này không đồng nghĩa là răng khôn
sẽ mọc hoàn toàn trong miệng. Chính vì vậy, trong nghiên cứu này, chúng tôi
sử dụng phương pháp đo đạc định lượng để đánh giá mức độ mọc của răng
khôn, thay vì dùng phương pháp định tính như một số tác giả Miclotte,
Kim32,103. Qua đó, chúng tôi có thể đưa ra một giá trị trung bình về sự thay đổi
mức độ mọc của răng khôn giữa trước và sau điều trị chỉnh hình. Đây cũng có
thể là những số liệu đầu tiên về vấn đề này ở trong nước.
4.3.3. Về độ nghiêng, khoảng mọc răng, mức độ mọc của răng khôn hàm
trên ở nhóm chỉnh hình nhổ răng 4 và nhóm chỉnh hình nhổ răng 5
Khi so sánh sự thay đổi độ nghiêng răng khôn hàm trên ở nhóm nhổ răng
4 và nhóm nhổ răng 5, nghiên cứu cho thấy khả năng dựng trục của răng khôn
hàm trên ở hai nhóm này gần như nhau và không khác biệt có ý nghĩa. Về
khoảng mọc răng, nhóm nhổ răng 5 cho thấy khoảng mọc tăng nhiều hơn 1,39
mm so với nhóm nhổ răng 4 và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê. Trong khi
đó, mức độ mọc của răng khôn gần như không khác biệt giữa hai nhóm. Kết
quả này giống với nghiên cứu của Hammouda, Miclotte32,75. Như vậy, đối với
răng khôn hàm trên, điều trị chỉnh hình có nhổ răng, dù là răng 4 hoặc răng 5,
đều có tác động tích cực gần như nhau lên độ nghiêng, khoảng mọc răng và
106

mức độ mọc của răng. Qua đó cho thấy, những yếu tố và cơ chế ảnh hưởng lên
sự mọc răng khôn ở nhóm nhổ răng 4 cũng tương tự như nhóm nhổ răng 5, bao
gồm: tuổi, sự di gần của nhóm răng sau, sự tái cấu trúc xương vùng lồi củ xương
hàm trên. Kết quả cũng cho thấy khoảng mọc răng ở nhóm nhổ răng 5 tăng
nhiều hơn nhóm nhổ răng 4, chúng tôi cho rằng điều này phù hợp và có ý nghĩa
trong thực hành lâm sàng. Trên thực tế, những trường hợp chỉnh hình nhổ răng
5 thường là thiếu khoảng ít, không cần neo chặn tối đa như trường hợp nhổ răng
4, có thể sử dụng neo chặn hỗ tương (nội hàm hoặc liên hàm) trong quá trình
đóng khoảng, do đó có sự di gần nhiều hơn của nhóm răng sau, giúp tăng
khoảng mọc cho răng khôn.
4.3.4. Về độ nghiêng, khoảng mọc răng, mức độ mọc của răng khôn hàm
dưới ở nhóm chỉnh hình nhổ răng 4
Ở nhóm nhổ răng 4, độ nghiêng của răng khôn hàm dưới so với mặt
phẳng ngang trước và sau điều trị gần như không thay đổi và không khác biệt
có ý nghĩa thống kê. Kết quả này giống với nhiều nghiên cứu của Hammouda,
Sheikhzadeh, Miclotte, Russell, Turkoz, Gohilot, Tarazona27,32,34,37-39,75. Trong
khi đó, cũng có nhiều nghiên cứu cho thấy độ nghiêng răng khôn hàm dưới cải
thiện đáng kể trước và sau điều trị chỉnh hình có nhổ răng 4, như Mendoza,
Livas, Durgesh, Patel, Al Kuwari, Mihai, Celikoglu, Jain, Janson,
Saysel1,28,30,31,33,36,77,80,82,88. Sự khác biệt này có thể là do đặc điểm chọn mẫu và
phương pháp đo đạc khác nhau ở từng nghiên cứu. Có nhiều nguyên nhân có
thể gây ra sự thay đổi độ nghiêng của răng khôn. Nguyên nhân đầu tiên có thể
giải thích được là do chuyển động xoay trước khi mọc. Một cách tự nhiên, vị
trí răng khôn sẽ thay đổi mạnh ở tuổi 14–1519. Tuy nhiên, trong nghiên cứu của
chúng tôi, nhóm nhổ răng 4 có độ tuổi trung bình là 16,12 tuổi, như vậy răng
khôn có thể đã trải qua giai đoạn xoay trước khi mọc. Độ tuổi này gần giống
với nghiên cứu của Hammouda là 15,8 tuổi75, của Sheikhzadeh là 17,21 tuổi37,
107

của Turkoz là 19,6 tuổi39, của Gohilot là 14–19 tuổi27. Trong khi đó, nghiên cứu
của Durgesh là 13,67 tuổi1, của Jain 13,5 tuổi28, của Janson là 14,06 tuổi88, của
Saysel là 13,1 tuổi36. Nguyên nhân thứ hai có thể là do áp lực trong quá trình
ăn nhai. Ở những bệnh nhân có thói quen nhai một bên, có thể gây mòn mặt
bên nhiều giữa các răng, tạo ra khoảng trống. Do đó, răng sẽ di chuyển về phía
không gian đó. Tuy nhiên, nghiên cứu của chúng tôi không thể diễn giải tình
trạng này vì không biết chính xác bệnh nhân có thói quen nhai một bên hay
không. Russell cho rằng nếu có thêm khoảng trống trên cung hàm, răng khôn
có thể di chuyển theo chiều đứng nhiều hơn và điều đó sẽ làm tăng khả năng
mọc răng34. Ngoài ra, một số tác giả đã nhận thấy rằng độ nghiêng ban đầu của
răng khôn cũng đóng vai trò rất quan trọng. Ahmed cho rằng khả năng mọc chỉ
tồn tại nếu độ nghiêng ban đầu ít hơn 30°19. Nếu góc độ nghiêng ban đầu càng
nhỏ thì cơ hội mọc của răng khôn càng tăng. Trong nghiên cứu của chúng tôi,
trung bình độ nghiêng ban đầu của răng khôn hàm dưới so với mặt ngang là
37,50 hoặc nếu so với răng 7 là 24,10. Trong nghiên cứu của Putri, 8/17 răng ở
bên phải và 8/12 răng ở bên trái có độ nghiêng ban đầu dưới 30° và giảm dần
khi kết thúc điều trị26. Việc mọc răng khôn còn bị ảnh hưởng bởi loại và vị trí
của nó trước khi điều trị, và sự hình thành chân răng. Theo phân loại Winter,
răng khôn ngầm loại I có đủ khoảng cách giữa mặt xa răng 7 và bờ trước cành
lên xương hàm dưới, có hướng tương đối thẳng. Do cả hai yếu tố này, nên làm
tăng khả năng mọc răng khôn. Theo nghiên cứu của Artun, sự thay đổi độ
nghiêng của răng khôn có thể xảy ra ở giai đoạn cuối của quá trình hình thành
chân răng, ở độ tuổi 18–25 tuổi20. Mặt khác, kết quả cũng cho thấy, độ nghiêng
của răng khôn hàm dưới so với răng 7 tăng 4,190 và thay đổi này có ý nghĩa
thống kê. Kết quả này cho thấy có hai khả năng: một là răng khôn nghiêng
nhiều hơn, hai là răng 7 dựng trục hơn so với ban đầu. Sau khi đánh giá lại góc
108

giữa răng 7 và mặt phẳng ngang tham chiếu, chúng tôi nhận thấy sau điều trị
góc này tăng 3,570, và sự thay đổi này có ý nghĩa về mặt thống kê.
Trong khi đó, khoảng mọc răng tăng 4,63 mm (tính từ bờ trước cành lên
đến mặt xa răng 7) hoặc tăng 5,09 mm (tính từ điểm Xi đến mặt xa răng 7) và
sự thay đổi này rất có ý nghĩa thống kê. Kết quả này phù hợp với rất nhiều
nghiên cứu như Hammouda, Sheikhzadeh, Miclotte, Livas, Mendoza, Patel,
Celikoglu, Kim30-32,37,75,77,82,103. Theo y văn, khoảng mọc răng (khoảng hậu
hàm) là yếu tố quan trọng nhất cho sự mọc răng khôn. Sự phát triển của xương
hàm dưới trong mặt phẳng đứng dọc liên quan mật thiết với hiện tượng tạo
xương ở bờ sau và tiêu xương ở bờ trước cành lên. Khoảng hậu hàm cũng liên
quan trực tiếp với sự phát triển của răng khôn108. Y văn cho thấy khoảng hậu
hàm tăng 5mm trong mỗi giai đoạn Nolla của sự hình thành răng khôn73. Và sự
thay đổi này diễn ra mạnh nhất trong khoảng 10–12 tuổi73. Trong nghiên cứu
của chúng tôi, tuổi trung bình của bệnh nhân ở nhóm nhổ răng 4 là 16,1 tuổi,
như vậy yếu tố tăng trưởng có lẽ không còn đáng kể ở vùng hậu hàm. Do đó,
sự tăng khoảng mọc răng khôn chủ yếu là do sự di gần hoặc nghiêng gần của
nhóm răng cối lớn trong quá trình điều trị chỉnh hình. Cụ thể, các trường hợp
sai khớp cắn hạng II, điều trị có nhổ răng cối nhỏ, đóng khoảng bằng sử dụng
cơ học hỗ tương (dùng răng sau kéo lui răng trước hoặc dùng thun liên hàm),
gần như chắc chắn có sự di gần hoặc nghiêng gần của nhóm răng sau hàm dưới,
điều này có thể góp phần làm tăng khoảng mọc răng. Nhiều nghiên cứu tổng
quan cho thấy khoảng mọc răng khôn tăng đáng kể ở nhóm chỉnh hình có nhổ
răng cối nhỏ23,30. Nghiên cứu của Kim và Behbehani còn tìm thấy mối liên quan
giữa sự tăng khoảng mọc và tỷ lệ mọc của răng khôn55,103.
Về mức độ mọc, răng khôn hàm dưới sau điều trị tăng độ mọc trung bình
1,25 mm so với trước điều trị, và sự thay đổi này cũng rất có ý nghĩa về mặt
thống kê. Kết quả này giống với nghiên cứu của Miclotte, Turkoz, Salehi,
109

Kim32,35,39,43,103. Tuy nhiên, có điểm lưu ý là nghiên cứu của chúng tôi là nghiên
cứu đo đạc định lượng, trong khi các tác giả kể trên sử dụng phương pháp định
tính như đánh giá trên lâm sàng (Salehi, Kim)35,103, trên phim toàn cảnh
(Miclotte, Turkoz)39,43 và trên phim sọ nghiêng (Gebeile-Chauty)109.
Tóm lại, răng khôn hàm dưới ở nhóm chỉnh hình có nhổ răng 4 cho thấy
khả năng dựng trục rất thấp, tuy nhiên khoảng mọc răng thay đổi nhiều và răng
khôn vẫn có thể mọc tích cực về phía nhai. Vì vậy, các trường hợp răng khôn
có độ nghiêng ban đầu ít thì khả năng mọc rất cao. Theo chúng tôi, phát hiện
này rất có ý nghĩa về mặt lâm sàng, đối với các trường hợp chỉnh hình có nhổ
răng cối nhỏ, không nên chỉ định nhổ thêm các răng khôn cùng thời điểm này,
đặc biệt là ở các bệnh nhân trẻ. Việc nhổ các răng khôn giai đoạn này (thường
ngầm sâu) có thể gây nhiều biến chứng, trong đó có những biến chứng nguy
hiểm và không hồi phục như chấn thương thần kinh xương ổ dưới.
4.3.5. Về độ nghiêng, khoảng mọc răng, mức độ mọc của răng khôn hàm
dưới ở nhóm chỉnh hình nhổ răng 5
Ở nhóm nhổ răng 5, độ nghiêng của răng khôn hàm dưới so với mặt
phẳng ngang trước và sau điều trị tăng 2,360 và sự thay đổi này không có ý
nghĩa thống kê. Như vậy, trong ba nhóm (không nhổ, nhổ răng 4, nhổ răng 5)
chỉ có nhóm này cho thấy răng khôn hàm dưới có khả năng dựng trục, mặc dù
không đủ ý nghĩa thống kê. Kết quả này giống với nghiên cứu của Hammouda,
Celikoglu75,82. Điều này cho thấy rằng, sự di gần của các răng sau ở nhóm nhổ
răng 5 có thể là nhiều nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho răng khôn dựng trục.
Kết quả này cũng phù hợp với thực tế lâm sàng. Bởi vì khác với các ca nhổ
răng 4, thường cần giữ neo chặn tối đa hoặc nhiều để đạt mục tiêu điều trị, các
ca nhổ răng 5 thường cần ít khoảng hơn, có thể là những trường hợp chen chúc
nhẹ, tương quan răng cối hạng II (nhổ răng 5 hàm dưới) hoặc hạng III (nhổ răng
5 hàm trên). Những ca này thường kết thúc đóng khoảng bằng neo chặn hỗ
110

tương (nội hàm hay liên hàm), các sinh cơ học này đều có tác dụng làm cho
răng sau di gần. Mặt khác, cũng có một số nghiên cứu không tìm thấy sự cải
thiện độ nghiêng của răng khôn hàm dưới sau khi điều trị chỉnh hình có nhổ
răng 5 như Miclotte, Russell, Tarazona32,34,38. Sự khác biệt này có lẽ do đặc
điểm mẫu và phương pháp đo khác nhau giữa các nghiên cứu.
Trong khi đó, khoảng mọc răng tăng 5,29 mm (tính từ bờ trước cành lên
đến mặt xa răng 7) hoặc tăng 6,02 mm (tính từ điểm Xi đến mặt xa răng 7) và
sự thay đổi này rất có ý nghĩa thống kê. Kết quả này giống với nhiều nghiên
cứu như Hammouda, Miclotte, Russell, Celikoglu32,34,75,82. Chúng tôi cho rằng,
khoảng mọc răng khôn hàm dưới ở nhóm này cũng chịu những yếu tố tác động
tương tự như nhóm nhổ răng 4 như tuổi, sự tái cấu trúc bờ trước cành lên, sự di
gần của các răng sau. Trong đó, yếu tố di gần có lẽ góp phần mạnh nhất cho sự
thay đổi khoảng mọc răng.
Về mức độ mọc, răng khôn hàm dưới sau điều trị tăng độ mọc trung bình
1,35 mm so với trước điều trị, và sự thay đổi này cũng rất có ý nghĩa về mặt
thống kê. Chúng tôi cho rằng kết quả này là hệ quả của việc răng khôn được
dựng trục hơn, tăng khoảng mọc nhiều hơn. Ghi nhận này cũng phù hợp với
nhiều nghiên cứu trong y văn32,35,39,43,103.
Tóm lại, răng khôn hàm dưới ở nhóm nhổ răng 5 có khả năng dựng trục,
tăng khoảng mọc răng nhiều và mọc tích cực về phía mặt nhai. Do đó, về mặt
lâm sàng, chúng tôi khuyến cáo những trường hợp chỉnh hình có nhổ răng 5,
không nên chỉ định nhổ răng khôn sớm, trừ khi có những bệnh lý rõ ràng do
răng khôn gây ra.
4.3.6. Về độ nghiêng, khoảng mọc răng, mức độ mọc của răng khôn hàm
dưới ở nhóm chỉnh hình nhổ răng 4 và nhóm chỉnh hình nhổ răng 5
Khi so sánh giữa hai nhóm, kết quả cho thấy độ nghiêng của răng khôn
hàm dưới (so với răng 7) ở nhóm răng 5 cải thiện có ý nghĩa hơn so với nhóm
111

nhổ răng 4. Kết quả này giống với nghiên cứu của Hammouda75. Tuy nhiên,
cũng có một số nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt về độ nghiêng giữa
nhóm nhổ răng 4 và răng 5, như Miclotte, Russell, Tarazona, Celikoglu32,34,38,82.
Khác biệt này có thể do đặc điểm chọn mẫu khác nhau giữa các nghiên cứu.
Nghiên cứu của Hammouda giống với nghiên cứu của chúng tôi về độ tuổi, về
tương quan xương (đánh giá cả ba hạng xương)75, trong khi tác giả Russell,
Tarazona, Celikoglu chỉ nghiên cứu các ca hạng I xương và độ tuổi trung bình
của mẫu dưới 15 tuổi34,38,82.
Trong khi đó, khoảng mọc răng và mức độ mọc không có sự khác biệt
giữa hai nhóm. Như vậy, việc nhổ răng 4 hoặc răng 5 đều tác động tích cực lên
khoảng mọc răng và mức độ mọc của răng khôn hàm dưới như nhau. Ghi nhận
này giống với nghiên cứu của Hammouda, Miclotte32,75. Tuy nhiên, nghiên cứu
của Celikoglu cho thấy khoảng mọc răng ở nhóm nhổ răng 5 tăng nhiều hơn so
với nhóm nhổ răng 482.
4.4. Về phân tích tương quan giữa các yếu tố với sự mọc răng khôn
4.4.1. Tương quan giữa các yếu tố với sự mọc răng khôn hàm trên
Khi phân tích tương quan giữa độ nghiêng răng khôn hàm trên so với
răng 7 sau điều trị (biến số phụ thuộc) với các yếu tố (biến số độc lập) như: giới
tính, tuổi khi bắt đầu điều trị, độ nghiêng so với răng 7 trước điều trị, độ nghiêng
so với mặt phẳng ngang trước điều trị, nhổ răng 4, nhổ răng 5, mất neo chặn;
chúng tôi nhận thấy sự thay đổi độ nghiêng răng khôn hàm trên sau điều trị có
mối tương quan với độ nghiêng so với răng 7 trước điều trị và mất neo chặn
nhiều (> 4mm). Kết quả này giống với các ghi nhận trong y văn trước đây.
Behbehani và Artun nhận thấy độ nghiêng ban đầu ít thì khả năng dựng trục
càng cao và nguy cơ ngầm càng thấp20,55. Như vậy, sự dựng trục của răng khôn
hàm trên cho thấy phụ thuộc chủ yếu vào các yếu tố nội tại, hơn là các yếu tố
bên ngoài như điều trị chỉnh hình có nhổ răng 4 hay răng 5. Tuy nhiên, những
112

trường hợp chỉnh hình nhổ răng có mất neo chặn nhiều (> 4mm) cho thấy khả
năng dựng trục của răng khôn rất mạnh.
Từ các mối tương quan trên, chúng tôi xây dựng được phương trình hồi
quy để dự đoán mức độ dựng trục của răng khôn hàm trên như sau:
18-17 sau điều trị = 14,47 + 0,54*X1+ (-3,26)*X2
Trong đó:
X1: 18-17 trước điều trị
X2: Mất neo chặn > 4 mm
Cũng phân tích tương quan, kết quả cho thấy khoảng mọc răng khôn hàm
trên sau điều trị liên quan với các yếu tố như: giới tính, khoảng mọc răng trước
điều trị, có nhổ răng (răng 4 hoặc răng 5). Kết quả này cũng phù hợp với các
nghiên cứu trong y văn. Về giới tính, nghiên cứu cho thấy bệnh nhân nam có
khoảng mọc răng thay đổi nhiều hơn bệnh nhân nữ. Chúng tôi cho rằng điều
này cũng phù hợp trên lâm sàng và y văn, vì sự phát triển ở nữ thường xảy ra
sớm hơn và cũng kết thúc sớm hơn ở nam khoảng 2 năm6. Như vậy, ở thời điểm
răng khôn bắt đầu mọc (thường sau 15 tuổi), sự tăng trưởng và phát triển kéo
dài ở nam là một ưu thế. Mặt khác, xương hàm ở nam thường có kích thước lớn
hơn ở nữ. Cuối cùng, yếu tố có nhổ răng (răng 4 hoặc răng 5) có mối tương
quan mạnh với khoảng mọc răng khôn hàm trên. Điều này giống với nhiều
nghiên cứu trong y văn. Theo các tác giả, điều trị chỉnh hình có nhổ răng cối
nhỏ có thể làm cho nhóm răng sau nghiêng gần hoặc di gần, hoặc giải phóng
áp lực cung răng, tạo điều kiện thuận lợi để răng khôn tăng khoảng mọc. Đặc
biệt là những trường hợp nhổ răng 5, khi mà việc giữ neo chặn hiếm khi là tối
đa, sự di gần của nhóm răng sau càng nhiều. Tuy nhiên, hệ số tương quan ở
mức trung bình (R = 0,58) nên chúng tôi không xây dựng phương trình hồi quy
cho biến số này.
113

Về mức độ mọc, nghiên cứu nhận thấy mức độ mọc sau điều trị có tương
quan với giới tính, mức độ mọc trước điều trị, có nhổ răng (răng 4 hoặc răng 5)
và mất neo chặn (trung bình hoặc nhiều). Như vậy, yếu tố chỉnh hình có nhổ
răng cho thấy góp phần thúc đẩy răng khôn hàm trên mọc về phía nhai nhiều
hơn so với nhóm chỉnh hình không nhổ răng. Chúng tôi cho rằng đây là hệ quả
của sự tăng khoảng mọc và cải thiện trục răng đáng kể ở nhóm chỉnh hình có
nhổ răng. Mặt khác, mức độ mọc sau điều trị của răng khôn hàm trên có mối
tương quan rất mạnh với các yếu tố kể trên (R = 0,86), mạnh nhất trong 3 biến
số được khảo sát. Từ đó chúng tôi xây dựng phương trình hồi quy để tiên đoán
mức độ mọc của răng khôn hàm trên như sau:
UpO-Cu8 sau điều trị = (-0,82)*X1+ 0,81*X2 + (-1,76)*X3 + (-1,88)*X4 +
(-1,44)*X5 + (-1,60)*X6
Trong đó:
X1: Giới tính (1 = Nam, 0 = Nữ)
X2: UpO-Cu8 trước điều trị
X3: Có nhổ răng 4 (1 = có; 0 = không)
X4: Có nhổ răng 5 (1 = có; 0 = không)
X5: Nếu mất neo chặn trung bình (2–4 mm)
X6: Nếu mất neo chặn nhiều (> 4 mm)
Có thể nhận thấy đây là phương trình bậc 1, có 6 biến số độc lập, các
phép tính đơn giản, dễ áp dụng. Chúng tôi thử áp dụng phương trình này để
kiểm chứng một trường hợp như sau: bệnh nhân nữ, 17 tuổi, điều trị chỉnh hình
không nhổ răng, UpO-Cu8 trước điều trị là 12,38 mm, áp dụng vào phương
trình trên dự đoán được UpO-Cu8 sau điều trị là 10,02 mm, và trên thực tế đo
được là 9,83 mm. Như vậy, sai số giữa ước lượng và thực tế không quá 0,3 mm.
Mặt khác, từ phương trình này có thể dự đoán được sau điều trị chỉnh
hình, răng khôn hàm trên mọc được 2,36 mm so với trước điều trị.
114

12,38 mm

9,83 mm

B
Hình 4.3: Phim toàn cảnh trước (A) và sau (B) điều trị chỉnh hình không
nhổ răng của một bệnh nhân nữ, 17 tuổi, cho thấy răng khôn
hàm trên bên trái thay đổi mức độ mọc 2,36mm.
“Nguồn: Từ nghiên cứu này”
4.4.2. Tương quan giữa các yếu tố với sự mọc răng khôn hàm dưới
Khi phân tích tương quan giữa độ nghiêng răng khôn hàm dưới so với
răng 7 (biến số phụ thuộc) với các yếu tố (biến số độc lập) như: giới tính, tuổi
khi bắt đầu điều trị, thời gian điều trị, góc giữa răng 7 và răng 8 trước điều trị,
góc giữa răng 8 với mặt phẳng ngang trước điều trị, nhổ răng 4, nhổ răng 5, mất
115

neo chặn; chúng tôi nhận thấy sự thay đổi độ nghiêng răng khôn sau điều trị có
mối tương quan mạnh với độ nghiêng trước điều trị. Kết quả này giống với
nghiên cứu của Hammouda 2021, Celikoglu 201075,82.
Từ những tương quan trên, chúng tôi xây dựng được phương trình hồi
quy để dự đoán mức độ dựng trục của răng khôn hàm dưới như sau:
48-47 sau điều trị = 21,70 + 0,52*X1 + (-0,31)*X2
Trong đó:
X1: 48-47 trước điều trị
X2: HP-48 trước điều trị
Chúng tôi nhận thấy đây là một phương trình bậc một, có hai biến số độc
lập, dễ áp dụng trong thực hành lâm sàng để tiên đoán khả năng dựng trục của
răng khôn sau điều trị. Mặt khác, phương trình này có thể áp dụng cho cả ba
nhóm: không nhổ răng, nhổ răng 4, nhổ răng 5.
Về khoảng mọc răng, khi phân tích tương quan giữa biến số này với các
yếu tố như: giới tính, tuổi, khoảng mọc răng trước điều trị, nhổ răng 4, nhổ răng
5, mất neo chặn; kết quả cho thấy sự tương quan mạnh giữa các yếu tố này với
khoảng mọc răng sau điều trị, ngoại trừ yếu tố mất neo chặn trung bình (2–4
mm). Ghi nhận này phù hợp với nhiều nghiên cứu trong y văn30-32,34,37,75,77,82,103.
Từ những phân tích này, chúng tôi xây dựng phương trình hồi quy để dự
đoán khoảng mọc răng khôn sau điều trị như sau:
J-D7 sau điều trị = 4,91 + 0,92*X1 + (-0,18)*X2 + 0,75*X3 + 2,93*X4 +
3,62*X5 + 1,19*X6
Trong đó:
X1: Giới tính (0 = nữ; 1 = nam)
X2: Tuổi bắt đầu điều trị
X3: J-D7 trước điều trị
X4: Có nhổ răng 4 (1 = có; 0 = không)
116

X5: Có nhổ răng 5 (1 = có; 0 = không)


X6: Nếu mất neo chặn nhiều (> 4 mm)
Có thể thấy đây là phương trình bậc một, có sáu biến số độc lập và một
hằng số. Trong đó, tuổi bắt đầu điều trị và giới tính có ảnh hưởng đến khoảng
mọc răng sau điều trị. Điều này cho thấy vai trò của yếu tố tăng trưởng trong
sự mọc răng khôn. Chúng tôi thử kiểm chứng phương trình này cho một bệnh
nhân nữ, 15 tuổi, điều trị chỉnh hình có nhổ răng 4, khoảng mọc răng hàm dưới
khôn trước điều trị là 7,01 mm, áp dụng vào phương trình dự đoán được khoảng
mọc răng sau điều trị là 10,3 mm; trên thực tế giá trị này là 10,1 mm. Như vậy,
sai số giữa ước lượng và thực tế khoảng 0,2 mm. Giả sử rằng, cũng trường hợp
này, nếu bệnh nhân là nam thì khoảng mọc răng sau điều trị là 11,7 mm. Chúng
tôi cho rằng điều này cũng phù hợp trên lâm sàng và y văn, vì sự phát triển ở
nữ thường xảy ra sớm hơn và cũng kết thúc sớm hơn ở nam khoảng 2 năm6.
Như vậy, ở thời điểm răng khôn bắt đầu mọc, sự tăng trưởng và phát triển muộn
ở nam là một ưu thế. Mặt khác, xương hàm dưới ở nam cũng thường có kích
thước lớn hơn ở nữ.
117

7,01mm

10,1mm

Hình 4.4: Phim toàn cảnh trước (A) và sau (B) điều trị chỉnh hình có nhổ
răng 4 của một bệnh nhân nữ, 15 tuổi, cho thấy răng khôn hàm dưới bên
phải tăng khoảng mọc răng 3,09mm. “Nguồn: Từ nghiên cứu này”
Về mức độ mọc, nghiên cứu cho thấy mức độ mọc sau điều trị có tương
quan với tuổi, mức độ mọc trước điều trị, có nhổ răng (răng 4 hoặc răng 5).
Như vậy, bệnh nhân càng trẻ và có nhổ răng cối nhỏ là những yếu tố thuận lợi
đối với mức độ mọc của răng khôn hàm dưới. Tuy nhiên, hệ số tương quan
118

không mạnh nên chúng tôi không xây dựng phương trình hồi quy cho biến số
này.
4.5. Ý nghĩa và hạn chế của đề tài
Sau khi thực hiện nghiên cứu “Ảnh hưởng của nhổ răng cối nhỏ trong
điều trị chỉnh hình răng mặt lên sự mọc răng khôn” , chúng tôi nhận thấy đề
tài có những ý nghĩa trong ứng dụng lâm sàng và nghiên cứu khoa học.
- Nghiên cứu này cung cấp cơ sở khoa học cho vấn đề thực tiễn trên lâm
sàng là việc nhổ răng cối nhỏ để điều trị chỉnh hình có làm cải thiện
sự mọc của răng khôn hay không. Trên cơ sở đó, giúp bác sĩ lâm sàng
quyết định bảo tồn hay loại bỏ răng khôn, cũng như chọn lựa thời điểm
phù hợp để nhổ, nhằm hạn chế tối đa biến chứng cho bệnh nhân.
- Nghiên cứu cũng cung cấp dữ liệu định lượng về mức độ dựng trục,
khoảng mọc và mức độ mọc của răng khôn trong quá trình điều trị
chỉnh hình, làm cơ sở tham khảo cho việc nghiên cứu khoa học, giảng
dạy và điều trị.
- Đồng thời, nghiên cứu này cũng xây dựng phương trình hồi quy để dự
đoán khả năng mọc của răng khôn trong mối tương quan với một số
yếu tố đã biết trước. Từ đó, các bác sĩ lâm sàng có thể dự đoán được
sự mọc của răng khôn, giúp ích cho quá trình lập kế hoạch và điều trị
toàn diện cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy đề tài vẫn còn một số hạn chế:
- Phim toàn cảnh là phim hai chiều, nên không thể đánh giá vị trí răng
khôn theo chiều ngoài trong, do đó có thể chưa thể hiện đầy đủ bản
chất của quá trình mọc răng khôn, vốn diễn ra theo ba chiều không
gian.
- Yếu tố chen chúc cung răng (mức độ thiếu chỗ) và thẩm mỹ khuôn
mặt không được thu thập, bên cạnh đó sinh cơ học điều trị đối với các
119

loại sai khớp cắn khác nhau có thể khác nhau, vì vậy sự khác biệt giữa
các bệnh nhân là khó tránh khỏi.
- Một số nghiên cứu cho thấy răng khôn có thể tiếp tục thay đổi vị trí
cho đến 20 tuổi, thậm chí là dài hơn, do đó nếu chỉ đánh giá ngay sau
khi kết thúc điều trị chỉnh hình có thể chưa phản ánh hết vai trò của
phương pháp chỉnh hình có nhổ răng cối nhỏ.
120

KẾT LUẬN

Sau khi thực hiện nghiên cứu “Ảnh hưởng của nhổ răng cối nhỏ trong
điều trị chỉnh hình răng mặt lên sự mọc răng khôn” trên 360 phim toàn cảnh
(trước-sau điều trị) và 360 phim sọ nghiêng (trước-sau điều trị) của 180 bệnh
nhân điều trị chỉnh hình răng mặt, với 324 răng khôn hàm trên và 338 răng khôn
hàm dưới được khảo sát, nghiên cứu rút ra những kết luận như sau:

1. Ở nhóm chỉnh hình có nhổ răng: độ nghiêng, khoảng mọc răng, mức
độ mọc của răng khôn hàm trên sau điều trị tăng đáng kể so với trước
điều trị (p < 0,001); độ nghiêng của răng khôn hàm dưới không thay đổi
(p = 0,391), nhưng khoảng mọc răng và mức độ mọc tăng nhiều (p <
0,001) so với trước điều trị. Ở nhóm chỉnh hình không nhổ răng: độ
nghiêng, khoảng mọc răng, mức độ mọc của răng khôn hàm trên tăng
đáng kể sau điều trị (p < 0,001); độ nghiêng và mức độ mọc của răng
khôn hàm dưới không thay đổi (p = 0,340), nhưng khoảng mọc răng tăng
1,99 mm (p < 0,001). Khi so sánh giữa hai nhóm, răng khôn hàm trên
có khả năng dựng trục cao gấp 2,1 lần (p = 0,005), khoảng mọc răng tăng
gấp 2,5 lần (p = 0,002), mức độ mọc tăng gấp 1,5 lần (p < 0,001); độ
nghiêng của răng khôn hàm dưới không khác biệt, khoảng mọc răng tăng
gấp 2,5 lần (p < 0,001), mức độ mọc tăng gấp 5,9 lần (p < 0,001) ở nhóm
nhổ răng so với nhóm không nhổ.
2. Ở nhóm chỉnh hình nhổ răng 4 và nhóm chỉnh hình nhổ răng 5, có
sự cải thiện đáng kể về độ nghiêng, khoảng mọc răng, mức độ mọc của
răng khôn hàm trên sau điều trị (p < 0,001); đối với răng khôn hàm dưới:
khoảng mọc răng và mức độ mọc đều tăng (p < 0,001) nhưng độ nghiêng
không thay đổi sau điều trị (p > 0,05). Tuy nhiên, không tìm thấy sự khác
biệt về các chỉ số này giữa hai nhóm nhổ răng 4 và nhổ răng 5.
121

3. Độ nghiêng răng khôn hàm trên sau điều trị liên quan với độ nghiêng
trước điều trị và mất neo chặn > 4 mm; khoảng mọc răng sau điều trị liên
quan với các yếu tố: giới tính, khoảng mọc răng trước điều trị, có nhổ
răng (răng 4 hoặc răng 5); mức độ mọc sau điều trị liên quan với giới
tính, mức độ mọc trước điều trị, có nhổ răng (răng 4 hoặc răng 5), mất
neo chặn (trung bình hoặc nhiều). Độ nghiêng răng khôn hàm dưới sau
điều trị có liên quan với độ nghiêng (so với răng 7 và so với mặt phẳng
ngang) trước điều trị ; khoảng mọc răng sau điều trị liên quan với các
yếu tố: giới tính, tuổi, khoảng mọc răng trước điều trị, có nhổ răng (răng
4 hoặc răng 5) và mất neo chặn > 4 mm; mức độ mọc sau điều trị liên
quan với tuổi, mức độ mọc trước điều trị, có nhổ răng (răng 4 hoặc răng
5).
122

KIẾN NGHỊ

Sau khi thực hiện nghiên cứu “Ảnh hưởng của nhổ răng cối nhỏ trong
điều trị chỉnh hình răng mặt lên sự mọc răng khôn”, chúng tôi kiến nghị như
sau:
1. Trên lâm sàng, không nên chỉ định nhổ răng khôn trước khi điều trị chỉnh
hình (có hoặc không nhổ răng cối nhỏ), đặc biệt là răng khôn ở giai đoạn
mầm, hoặc răng còn ngầm sâu vì nghiên cứu cho thấy răng khôn (nhất là
hàm trên) mọc tích cực trong suốt quá trình điều trị chỉnh hình.
2. Các nghiên cứu tương tự trong tương lai nên có thời gian theo dõi dài
hơn, để đánh giá tác động của răng khôn và sự tái phát sau chỉnh hình,
từ đó chúng ta có cái nhìn đa chiều về vai trò của răng khôn trong điều
trị chỉnh hình, giúp ích cho thực hành lâm sàng cũng như giảng dạy.
CÁC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN

1. Phan, A. H., Lam, P. H., Le, L. D., & Le, S. H. Improvement of the Impacted
Level of Lower Third Molars After Orthodontic Treatment. International
Dental Journal. 2023; 1-9. https://doi.org/10.1016/j.identj.2023.01.006
2. Phan Huỳnh An, Lê Hoàng Sơn, Lê Đức Lánh, Lâm Hoài Phương. Tác động
của chỉnh hình có nhổ răng cối nhỏ lên sự mọc răng khôn hàm trên. Tạp chí
Y học Việt Nam, tập 525. 2023; 214-222.
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Durgesh BH, Gowda KH, AlShahrani OA, et al. Influence of premolar


extraction or non-extraction orthodontic therapy on the angular changes
of mandibular third molars. Saudi J Biol Sci. Nov 2016;23(6):736-740.
doi:10.1016/j.sjbs.2016.02.006
2. Hashemipour MA, Tahmasbi-Arashlow M, Fahimi-Hanzaei F. Incidence
of impacted mandibular and maxillary third molars: a radiographic study
in a Southeast Iran population. Med Oral Patol Oral Cir Bucal. Jan 1
2013;18(1):e140-5. doi:10.4317/medoral.18028
3. Hoàng Tử Hùng. Giải phẫu răng. Nhà xuất bản Y Học; 2006.
4. Lê Đức Lánh. Phẫu thuật miệng - Tập 2. Nhà xuất bản Y học; 2016.
5. Nguyễn Thị Bích Lý. Xác định tuổi người Việt qua sự phát triển của bộ
răng vĩnh viễn (giai đoạn 6-24 tuổi).Luận án Tiến sĩ Y học, Đại học Y
Dược Thành phố Hồ Chí Minh. 2011
6. Đống Khắc Thẩm. Chỉnh hình răng mặt cơ bản. Nhà xuất bản Y học;
2004.
7. Abu Alhaija ES, AlBhairan HM, AlKhateeb SN. Mandibular third molar
space in different antero-posterior skeletal patterns. Eur J Orthod. Oct
2011;33(5):570-6. doi:10.1093/ejo/cjq125
8. Almpani K, Kolokitha OE. Role of third molars in orthodontics. World J
Clin Cases. Feb 16 2015;3(2):132-40. doi:10.12998/wjcc.v3.i2.132
9. Sidlauskas A, Trakiniene G. Effect of the lower third molars on the lower
dental arch crowding. Stomatologija. 2006;8(3):80-4.
10. Hasegawa Y, Terada K, Kageyama I, Tsuchimochi T, Ishikawa F,
Nakahara S. Influence of third molar space on angulation and dental arch
crowding. Odontology. Jan 2013;101(1):22-8. doi:10.1007/s10266-012-
0065-2
11. Richardson ME. Late lower arch crowding: the aetiology reviewed. Dent
Update. Jun 2002;29(5):234-8. doi:10.12968/denu.2002.29.5.234
12. Stanaityte R, Trakiniene G, Gervickas A. Do wisdom teeth induce lower
anterior teeth crowding? A systematic literature review. Stomatologija.
2014;16(1):15-8.
13. Subhiksha KC, Thailavathy, Sabapathy K. Third Molars In Orthodontics.
European Journal of Molecular & Clinical Medicine. 2020;7(4):1742-
1748.
14. Genest-Beucher S, Graillon N, Bruneau S, Benzaquen M, Guyot L. Does
mandibular third molar have an impact on dental mandibular anterior
crowding? A literature review. J Stomatol Oral Maxillofac Surg. Jun
2018;119(3):204-207. doi:10.1016/j.jormas.2018.03.005
15. Carter K, Worthington S. Predictors of Third Molar Impaction: A
Systematic Review and Meta-analysis. J Dent Res. Mar 2016;95(3):267-
76. doi:10.1177/0022034515615857
16. Legovic M, Legovic I, Brumini G, et al. Correlation between the pattern
of facial growth and the position of the mandibular third molar. J Oral
MaxillofacSurg.Jun 2008;66(6):1218-24. doi:10.1016/j.joms.2007.12.013
17. SograYassaei, Wlia FO, Nik ZE. Pattern of Third Molar Impaction ;
Correlation with Malocclusion and Facial Growth. OHDM. December
2014;13(4):1096-1099.
18. Jung YH, Cho BH. Radiographic evaluation of third molar development
in 6- to 24-year-olds. Imaging Sci Dent. Sep 2014;44(3):185-91.
doi:10.5624/isd.2014.44.3.185
19. Ahmed I, Gul e E, Kumar N. Mandibular third molar angulation in
extraction and non extraction orthodontic cases. J Ayub Med Coll
Abbottabad. Jul-Sep 2011;23(3):32-5.
20. Artun J, Thalib L, Little RM. Third molar angulation during and after
treatment of adolescent orthodontic patients. Eur J Orthod. Dec
2005;27(6):590-6. doi:10.1093/ejo/cji049
21. Bayram M, Ozer M, Arici S. Effects of first molar extraction on third
molar angulation and eruption space. Oral Surg Oral Med Oral Pathol
Oral Radiol Endod. Feb 2009;107(2):e14-20.
doi:10.1016/j.tripleo.2008.10.011
22. Richardson ME. The etiology and prediction of mandibular third molar
impaction. Angle Orthod. Jul 1977;47(3):165-72. doi:10.1043/0003-
3219(1977)047<0165:TEAPOM>2.0.CO;2
23. Brezulier D, Fau V, Sorel O. Influence of orthodontic premolar extraction
therapy on the eruption of the third molars: A systematic review of the
literature. J Am Dent Assoc. Dec 2017;148(12):903-912.
doi:10.1016/j.adaj.2017.07.023
24. Elsey MJ, Rock WP. Influence of orthodontic treatment on development
of third molars. Br J Oral Maxillofac Surg. Aug 2000;38(4):350-3.
doi:10.1054/bjom.2000.0307
25. Azizi F, Shahidi-Zandi V. Effect of different types of dental anchorage
following first premolar extraction on mandibular third molar angulation.
Int Orthod. Mar 2018;16(1):82-90. doi:10.1016/j.ortho.2018.01.023
26. Putri AM, Sumardi S, Soegiharto BM. Mesioangular impacted lower third
molar angulation changes in non-extraction orthodontic treatment. The
2nd Physics and Technologies in Medicine and Dentistry Symposium.
2018;1073(2):1-7. IOP Publishing Ltd. doi:10.1088/1742-
6596/1073/2/022006
27. Gohilot A, Pradhan T, Keluskar KM. Effects of first premolar extraction
on maxillary and mandibular third molar angulation after orthodontic
therapy. J Oral Biol Craniofac Res. May-Aug 2012;2(2):97-104.
doi:10.1016/j.jobcr.2012.05.004
28. Jain S, Valiathan A. Influence of first premolar extraction on mandibular
third molar angulation. Angle Orthod. Nov 2009;79(6):1143-8.
doi:10.2319/100708-525R.1
29. Kamalakannan D, Anathanarayanan V, Padmanaban S. Effect of
extraction or nonextraction orthodontic treatment modality on favorability
of eruption of impacted third molars. Indian J Dent Res. May-Jun
2019;30(3):428-436. doi:10.4103/ijdr.IJDR_142_17
30. Livas C, Delli K. Does Orthodontic Extraction Treatment Improve the
Angular Position of Third Molars? A Systematic Review. J Oral
Maxillofac Surg. Mar 2017;75(3):475-483.
doi:10.1016/j.joms.2016.10.035
31. Mendoza-Garcia LV, Vaillard-Jimenez E, Garcia-Rocha A, Bellot-Arcis
C, Paredes-Gallardo V. Effect of orthodontic treatment involving first
premolar extractions on mandibular third molar angulation and retromolar
space. J Clin Exp Dent. Mar 2017;9(3):e333-e337.
doi:10.4317/jced.53434
32. Miclotte A, Grommen B, Cadenas de Llano-Perula M, Verdonck A,
Jacobs R, Willems G. The effect of first and second premolar extractions
on third molars: A retrospective longitudinal study. J Dent. Jun
2017;61:55-66. doi:10.1016/j.jdent.2017.03.007
33. Mihai AM, Lulache IR, Grigore R, Sanabil AS, Boiangiu S, Ionescu E.
Positional changes of the third molar in orthodontically treated patients. J
Med Life. Jun 15 2013;6(2):171-5.
34. Russell B, Skvara M, Draper E, Proffit WR, Philips C, White RP, Jr. The
association between orthodontic treatment with removal of premolars and
the angulation of developing mandibular third molars over time. Angle
Orthod. May 2013;83(3):376-80. doi:10.2319/071112-573.1
35. Salehi P, Danaie SM. Lower third molar eruption following orthodontic
treatment. East Mediterr Health J. Nov-Dec 2008;14(6):1452-8.
36. Saysel MY, Meral GD, Kocadereli I, Tasar F. The effects of first premolar
extractions on third molar angulations. Angle Orthod. Sep
2005;75(5):719-22. doi:10.1043/0003-
3219(2005)75[719:TEOFPE]2.0.CO;2
37. Sheikhzadeh S, Geramy A, Kamel MR, Ghasemi T, Gholinia H. The effect
of fixed orthodontic treatment with first premolar extraction on
mandibular third molars angulation and retromolar space. Caspian J of
Dent Res. April 2018;7(0):43-48.
38. Tarazona B, Paredes V, Llamas JM, Cibrian R, Gandia JL. Influence of
first and second premolar extraction or non-extraction treatments on
mandibular third molar angulation and position. A comparative study.
Med Oral Patol Oral Cir Bucal. Sep 1 2010;15(5):e760-6.
doi:10.4317/medoral.15.e760
39. Turkoz C, Ulusoy C. Effect of premolar extraction on mandibular third
molar impaction in young adults. Angle Orthod. Jul 2013;83(4):572-7.
doi:10.2319/101712-814.1
40. Costa MG, Pazzini CA, Pantuzo MC, Jorge ML, Marques LS. Is there
justification for prophylactic extraction of third molars? A systematic
review. Braz Oral Res. Mar-Apr 2013;27(2):183-8.
41. Cunha-Cruz J, Rothen M, Spiekerman C, Drangsholt M, McClellan L,
Huang GJ. Recommendations for third molar removal: a practice-based
cohort study. Am J Public Health. Apr 2014;104(4):735-43.
doi:10.2105/AJPH.2013.301652
42. Friedman JW. The prophylactic extraction of third molars: a public health
hazard. Am J Public Health. Sep 2007;97(9):1554-9.
doi:10.2105/AJPH.2006.100271
43. Miclotte A, Van Hevele J, Roels A, et al. Position of lower wisdom teeth
and their relation to the alveolar nerve in orthodontic patients treated with
and without extraction of premolars: a longitudinal study. Clin Oral
Investig. Sep 2014;18(7):1731-9. doi:10.1007/s00784-013-1148-3
44. Bowdler HC, Morant GM. A Preliminary Study of the Eruption of the
Mandibular Third Molar Tooth in Man Based on Measurements Obtained
from Radiographs, with Special Reference to the Problem of Predicting
Cases of Ultimate Impaction of the Tooth. Biometrika. December
1936;28(3/4):378-427. Oxford University Press.
doi:https://doi.org/10.2307/2333956
45. Broadbent BH. The influence of the third molars on the alignment of the
teeth. American Journal of Orthodontics and Oral Surgery.
1943;29(6):312-330.
46. Begg PR. Stone age man's dentition: with reference to anatomically
correct occlusion, the etiology of malocclusion, and a technique for its
treatment. American journal of orthodontics. 1954;40(4):298-312.
47. Björk A, Jensen E, Palling M. Mandibular growth and third molar
impaction. Acta odontologica scandinávica. 1956;14(3):231-272.
48. Ricketts RM, Turley P, Chaconas S, Schulhof RJ. Third molar
enucleation: diagnosis and technique. J Calif Dent Assoc (1961). Apr
1976;4(4):52-7.
49. Kaplan RG. Some factors related to mandibular third molar impaction.
Angle Orthod. Jul 1975;45(3):153-8. doi:10.1043/0003-
3219(1975)045<0153:SFRTMT>2.0.CO;2
50. Schulhof RJ. Third molars and orthodontic diagnosis. J Clin Orthod. Apr
1976;10(4):272-81.
51. Ades AG, Joondeph DR, Little RM, Chapko MK. A long-term study of
the relationship of third molars to changes in the mandibular dental arch.
Am J Orthod Dentofacial Orthop. Apr 1990;97(4):323-35.
doi:10.1016/0889-5406(90)70105-L
52. Capelli J, Jr. Mandibular growth and third molar impaction in extraction
cases. Angle Orthod. Fall 1991;61(3):223-9. doi:10.1043/0003-
3219(1991)061<0223:MGATMI>2.0.CO;2
53. Hattab FN. Positional changes and eruption of impacted mandibular third
molars in young adults. A radiographic 4-year follow-up study. Oral Surg
Oral Med Oral Pathol Oral Radiol Endod. Dec 1997;84(6):604-8.
doi:10.1016/s1079-2104(97)90359-0
54. Erdem D, Ozdiler E, Memikoglu UT, Baspinar E. Third molar impaction
in extraction cases treated with the Begg technique. Eur J Orthod. Jun
1998;20(3):263-70. doi:10.1093/ejo/20.3.263
55. Behbehani F, Artun J, Thalib L. Prediction of mandibular third-molar
impaction in adolescent orthodontic patients. Am J Orthod Dentofacial
Orthop. Jul 2006;130(1):47-55. doi:10.1016/j.ajodo.2006.03.002
56. Breik O, Grubor D. The incidence of mandibular third molar impactions
in different skeletal face types. Aust Dent J. Dec 2008;53(4):320-4.
doi:10.1111/j.1834-7819.2008.00073.x
57. Hassan AH. Cephalometric characteristics of Class II division 1
malocclusion in a Saudi population living in the western region. Saudi
Dent J. Jan 2011;23(1):23-7. doi:10.1016/j.sdentj.2010.10.001
58. Gumrukcu Z, Balaban E, Karabag M. Is there a relationship between third-
molar impaction types and the dimensional/angular measurement values
of posterior mandible according to Pell & Gregory/Winter Classification?
Oral Radiol. Jan 2021;37(1):29-35. doi:10.1007/s11282-019-00420-2
59. Hallikainen D. History of panoramic radiography. Acta Radiol. May
1996;37(3 Pt 2):441-5. doi:10.1177/02841851960373P207
60. Katherine K, Ahmed G. Cephalometry in Orthodontics: 2D and 3D. 1st
ed. Quintessence Publishing Company; 2018.
61. Pan F, Yang Z, Wang J, et al. Influence of orthodontic treatment with
premolar extraction on the spatial position of maxillary third molars in
adult patients: a retrospective cohort cone-bean computed tomography
study. BMC Oral Health. Nov 11 2020;20(1):321. doi:10.1186/s12903-
020-01314-0
62. Dongxia Z, Yangzhou G, Zeyang X, et al. Molar axis estimation from
computed tomography images. Annu Int Conf IEEE Eng Med Biol Soc.
Aug 2016;2016:1050-1053. doi:10.1109/EMBC.2016.7590883
63. Al-Gunaid TH, Bukhari AK, El Khateeb SM, Yamaki M. Relationship of
Mandibular Ramus Dimensions to Lower Third Molar Impaction. Eur J
Dent. May 2019;13(2):213-221. doi:10.1055/s-0039-1693922
64. Baik UB, Kang JH, Lee UL, Vaid NR, Kim YJ, Lee DY. Factors
associated with spontaneous mesialization of impacted mandibular third
molars after second molar protraction. Angle Orthod. Mar
2020;90(2):181-186. doi:10.2319/050919-322.1
65. Jain S, Debbarma S, Prasad SV. Prevalence of impacted third molars
among orthodontic patients in different malocclusions. Indian J Dent Res.
Mar-Apr 2019;30(2):238-242. doi:10.4103/ijdr.IJDR_62_17
66. Kaur R, Kumar AC, Garg R, Sharma S, Rastogi T, Gupta VV. Early
prediction of mandibular third molar eruption/impaction using linear and
angular measurements on digital panoramic radiography: A radiographic
study. Indian J Dent. Apr-Jun 2016;7(2):66-9. doi:10.4103/0975-
962X.184644
67. Libdy MR, Rabello NM, Marques LS, Normando D. The ability of
orthodontists and maxillofacial surgeons in predicting spontaneous
eruption of mandibular third molar using panoramic serial radiographs.
Dental Press J Orthod. Jul-Aug 2020;25(4):68-74. doi:10.1590/2177-
6709.25.4.068-074.oar
68. Liversidge HM. Timing of human mandibular third molar formation. Ann
Hum Biol. May-Jun 2008;35(3):294-321.
doi:10.1080/03014460801971445
69. Qamruddin I, Qayyum W, Haider SM, Siddiqui SW, Rehan F. Differences
in various measurements on panoramic radiograph among erupted and
impacted lower third molar groups. J Pak Med Assoc. Sep
2012;62(9):883-7.
70. Santana LG, Pereira TS, Fernandes IB, et al. Impaction of mandibular
third molars after orthodontic treatment by the edgewise method: a
retrospective study. Braz Oral Res. Jun 24 2020;34:e065.
doi:10.1590/1807-3107bor-2020.vol34.0065
71. Sugiki Y, Kobayashi Y, Uozu M, Endo T. Association between skeletal
morphology and agenesis of all four third molars in Japanese orthodontic
patients. Odontology. Jul 2018;106(3):282-288. doi:10.1007/s10266-017-
0336-z
72. Uthman AT. Retromolar space analysis in relation to selected linear and
angular measurements for an Iraqi sample. Oral Surg Oral Med Oral
Pathol Oral Radiol Endod. Oct 2007;104(4):e76-82.
doi:10.1016/j.tripleo.2007.05.013
73. Ghougassian SS, Ghafari JG. Association between mandibular third molar
formation and retromolar space. Angle Orthod. Nov 2014;84(6):946-50.
doi:10.2319/120113-883.1
74. Gupta S, Bhowate RR, Nigam N, Saxena S. Evaluation of impacted
mandibular third molars by panoramic radiography. ISRN Dent.
2011;2011:406714. doi:10.5402/2011/406714
75. Hammouda Dhekra, Dallel Ines, Ommezine Moncef, Tobji Samir, Ben
Amor Adel. Influence of Premolar Extraction or Non-Extraction
Treatment on Third Molar Eruption: A Comparative Study. International
Journal of Dental and Clinical Study. Jan 22 2021;6(1):69-75.
doi:10.36348/sjodr.2021.v06i01.015
76. Jakovljevic A, Lazic E, Soldatovic I, Nedeljkovic N, Andric M.
Radiographic assessment of lower third molar eruption in different
anteroposterior skeletal patterns and age-related groups. Angle Orthod. Jul
2015;85(4):577-84. doi:10.2319/062714-463.1
77. Patel AK, Deshmukh SV, Naik CR, Jethe S, Patel KA. Radiographic
Assessment for Predicting the Mandibular Third Molar Eruption after
Orthodontic Treatment in First Premolar Extraction Group and Non-
Extraction Group: A-retrospective Study. International Journal of Dental
Health Concerns. Jan 2015;1(1):1-6. doi:10.15713/ins.ijdhc.2
78. Bourzgui F, Aghoutan H, Diouny S. Wisdom Teeth (Third Molars) and
Orthodontics—A State-of-the-Art Analysis and Prediction of Eruption.
Issues in Contemporary Orthodontics. 2015:133-143.
79. Begtrup A, Gronastoeth HA, Christensen IJ, Kjaer I. Predicting lower
third molar eruption on panoramic radiographs after cephalometric
comparison of profile and panoramic radiographs. Eur J Orthod. Aug
2013;35(4):460-6. doi:10.1093/ejo/cjs012
80. Al Kuwari HM, Talakey AA, Al-Sahli RM, Albadr AH. Influence of
orthodontic treatment with first premolar extraction on the angulation of
the mandibular third molar. Saudi Med J. Jun 2013;34(6):639-43.
81. Baik UB, Kook YA, Bayome M, Park JU, Park JH. Vertical eruption
patterns of impacted mandibular third molars after the mesialization of
second molars using miniscrews. Angle Orthod. Jul 2016;86(4):565-70.
doi:10.2319/061415-399.1
82. Celikoglu M, Kamak H, Akkast I, Oktay H. Effects of orthodontic
treatment and premolar extractions on the mandibular third molars. Aust
Orthod J. Nov 2010;26(2):160-4.
83. De-la-Rosa-Gay C, Valmaseda-Castellon E, Gay-Escoda C. Spontaneous
third-molar eruption after second-molar extraction in orthodontic patients.
Am J Orthod Dentofacial Orthop. Mar 2006;129(3):337-44.
doi:10.1016/j.ajodo.2005.11.002
84. Williams R, Hosila FJ. The effect of different extraction sites upon incisor
retraction. Am J Orthod. Apr 1976;69(4):388-410. doi:10.1016/0002-
9416(76)90208-6
85. Haavikko K, Altonen M, Mattila K. Predicting angulational development
and eruption of the lower third molar. Angle Orthod. Jan 1978;48(1):39-
48. doi:10.1043/0003-3219(1978)048<0039:PADAEO>2.0.CO;2
86. Staggers JA. A comparison of results of second molar and first premolar
extraction treatment. Am J Orthod Dentofacial Orthop. Nov
1990;98(5):430-6. doi:10.1016/S0889-5406(05)81652-X
87. Kim S-J, Hwang C-J, Park J-H, Kim H-J, Yu H-S. Surgical removal of
asymptomatic impacted third molars: Considerations for orthodontists and
oral surgeons. Seminars in Orthodontics. March 21 2016;22(1):75-83.
doi:doi.org/10.1053/j.sodo.2015.10.010
88. Janson G, Putrick LM, Henriques JF, de Freitas MR, Henriques RP.
Maxillary third molar position in Class II malocclusions: the effect of
treatment with and without maxillary premolar extractions. Eur J Orthod.
Dec 2006;28(6):573-9. doi:10.1093/ejo/cjl031
89. Halicioglu K, Toptas O, Akkas I, Celikoglu M. Permanent first molar
extraction in adolescents and young adults and its effect on the
development of third molar. Clin Oral Investig. 2014;18(5):1489-94.
doi:10.1007/s00784-013-1121-1
90. Rindler A. Effects on lower third molars after extraction of second molars.
Angle Orthod. Jan 1977;47(1):55-8. doi:10.1043/0003-
3219(1977)047<0055:EOLTMA>2.0.CO;2
91. Moffitt AH. Eruption and function of maxillary third molars after
extraction of second molars. Angle Orthod. Apr 1998;68(2):147-52.
doi:10.1043/0003-3219(1998)068<0147:EAFOMT>2.3.CO;2
92. Orton-Gibbs S, Crow V, Orton HS. Eruption of third permanent molars
after the extraction of second permanent molars. Part 1: Assessment of
third molar position and size. Am J Orthod Dentofacial Orthop. Mar
2001;119(3):226-38. doi:10.1067/mod.2001.111556
93. Gaumond G. Second molar germectomy and third molar eruption. 11
cases of lower second molar enucleation. Angle Orthod. Jan
1985;55(1):77-88. doi:10.1043/0003-
3219(1985)055<0077:SMGATM>2.0.CO;2
94. Cavanaugh JJ. Third molar changes following second molar extractions.
Angle Orthod. Jan 1985;55(1):70-6. doi:10.1043/0003-
3219(1985)055<0070:TMCFSM>2.0.CO;2
95. Gooris CG, Artun J, Joondeph DR. Eruption of mandibular third molars
after second-molar extractions: a radiographic study. Am J Orthod
Dentofacial Orthop. Aug 1990;98(2):161-7. doi:10.1016/0889-
5406(90)70010-a
96. Tomonari H, Yagi T, Kuninori T, Ikemori T, Miyawaki S. Replacement
of a first molar and 3 second molars by the mesial inclination of 4
impacted third molars in an adult with a Class II Division 1 malocclusion.
Am J Orthod Dentofacial Orthop. Jun 2015;147(6):755-65.
doi:10.1016/j.ajodo.2014.05.030
97. Laskin DM. Evaluation of the third molar problem. J Am Dent Assoc. Apr
1971;82(4):824-8. doi:10.14219/jada.archive.1971.0130
98. Niedzielska IA, Drugacz J, Kus N, Kreska J. Panoramic radiographic
predictors of mandibular third molar eruption. Oral Surg Oral Med Oral
Pathol Oral Radiol Endod. Aug 2006;102(2):154-8; discussion 159.
doi:10.1016/j.tripleo.2005.07.003
99. Cheng HC, Peng BY, Hsieh HY, Tam KW. Impact of third molars on
mandibular relapse in post-orthodontic patients: A meta-analysis. J Dent
Sci. Mar 2018;13(1):1-7. doi:10.1016/j.jds.2017.10.005
100. Bishara SE, Andreasen G. Third molars: a review. Am J Orthod. Feb
1983;83(2):131-7. doi:10.1016/s0002-9416(83)90298-1
101. Zawawi KH, Melis M. The role of mandibular third molars on lower
anterior teeth crowding and relapse after orthodontic treatment: a
systematic review. ScientificWorldJournal. 2014;2014:615429.
doi:10.1155/2014/615429
102. Bastos Ado C, de Oliveira JB, Mello KF, Leao PB, Artese F, Normando
D. The ability of orthodontists and oral/maxillofacial surgeons to predict
eruption of lower third molar. Prog Orthod. Dec 2016;17(1):21.
doi:10.1186/s40510-016-0134-0
103. Kim TW, Artun J, Behbehani F, Artese F. Prevalence of third molar
impaction in orthodontic patients treated nonextraction and with
extraction of 4 premolars. Am J Orthod Dentofacial Orthop. Feb
2003;123(2):138-45. doi:10.1067/mod.2003.13
104. Golovcencu L, Anistoroael D, Matei MN, Zegan G, Saveanu CI.
Assessment of Maxillary Third Molar Status Before and After
Orthodontic Treatment in Adolescent Patients. REVCHIM.
2019;70(12):4381-4386. doi:10.37358/RC.19.12.7762
105. Gungormus M. Pathologic status and changes in mandibular third molar
position during orthodontic treatment. J Contemp Dent Pract. May 15
2002;3(2):11-22.
106. Feng GY, Zou BS, Gao XM, Zeng XL, Wang XJ, Yan Y. [Influence of
the mandibular second premolar extraction on the angulation of the
mandibular third molar]. Beijing Da Xue Xue Bao Yi Xue Ban. Feb 18
2013;45(1):77-80.
107. He YH, Duan YZ, Pan JJ, Xi LL. [Effects of the first premolar extraction
on the third molar angulation]. Hua Xi Kou Qiang Yi Xue Za Zhi. Aug
2008;26(4):396-8.
108. Marchiori DF, Packota GV, Boughner JC. Third-molar mineralization as
a function of available retromolar space. Acta Odontol Scand. Oct
2016;74(7):509-517. doi:10.1080/00016357.2016.1209240
109. Gebeile-Chauty S, Schott AM, Gelas-Dore B, Aknin JJ. [Is
hyperdivergence a contraindication in the early treatment of Class II
malocclusion?]. Orthod Fr. Dec 2008;79(4):263-72.
doi:10.1051/orthodfr:2008018
110. Poosti M, Basafa M, Hosseini M, Parvizi F. Changes in the Position of
Mandibular Third Molars Following Extraction and Non-Extraction
Orthodontic Treatments. J Dent Mater Tech. December 2012;1(2):47-52.
111. Graber LW, Robert L. Vanarsdall J, Katherine W. L. V. Orthodontics:
Current Principles and Techniques. 5 ed. Mosby; 2012.
PHỤ LỤC 1
PHỤ LỤC 2
PHỤ LỤC 3
PHỤ LỤC 4

MỘT SỐ HÌNH ẢNH MINH HỌA TRONG NGHIÊN CỨU

Phim toàn cảnh trước (A) và sau (B) điều trị chỉnh hình có nhổ răng của
bệnh nhân Hà M. V., nam, 16 tuổi cho thấy răng khôn hàm trên bên phải
và bên trái mọc nhiều về phía nhai, giảm mức độ ngầm.
“Nguồn: Từ nghiên cứu này”
Phim toàn cảnh trước (A) và sau (B) điều trị chỉnh hình không nhổ răng
của bệnh nhân Lê Đ. M. D., nam, 19 tuổi cho thấy răng khôn hàm trên
bên phải và bên trái mọc nhiều về phía nhai, giảm mức độ ngầm.
“Nguồn: Từ nghiên cứu này”
Phim toàn cảnh trước (A) và sau (B) điều trị chỉnh hình có nhổ răng của
bệnh nhân Lâm N. T., nam, 13 tuổi cho thấy răng khôn hàm dưới bên
phải và bên trái tăng khoảng mọc, tăng mức độ mọc.
“Nguồn: Từ nghiên cứu này”
Phim toàn cảnh trước (A) và sau (B) điều trị chỉnh hình không nhổ răng
của bệnh nhân Đặng N. P. H., nữ, 17 tuổi cho thấy răng khôn hàm dưới
bên phải, bên trái mặc dù không thay đổi độ nghiêng nhưng vẫn tăng
khoảng mọc răng và mức độ mọc.
“Nguồn: Từ nghiên cứu này”
Phim toàn cảnh trước (A) và sau (B) điều trị chỉnh hình nhổ răng 4 của
bệnh nhân Lê H. K. H., nữ, 17 tuổi cho thấy răng khôn hàm trên phải và
trái tăng khoảng mọc và mức độ mọc.
“Nguồn: Từ nghiên cứu này”
Phim toàn cảnh trước (A) và sau (B) điều trị chỉnh hình nhổ răng 5 của
bệnh nhân Lê H. T. V., nữ, 14 tuổi cho thấy răng khôn hàm trên bên phải
và bên trái tăng khoảng mọc và mức độ mọc.
“Nguồn: Từ nghiên cứu này”
Phim toàn cảnh trước (A) và sau (B) điều trị chỉnh hình có nhổ răng 4
của bệnh nhân Nông T. M. K., nữ, 16 tuổi cho thấy răng khôn hàm dưới
bên phải và bên trái tăng khoảng mọc và mức độ mọc.
“Nguồn: Từ nghiên cứu này”
Phim toàn cảnh trước (A) và sau (B) điều trị chỉnh hình có nhổ răng 5
của bệnh nhân Trần H. H. T., nữ, 18 tuổi cho thấy răng khôn hàm dưới
bên phải và bên trái thay đổi độ nghiêng, tăng khoảng mọc và
mức độ mọc.
“Nguồn: Từ nghiên cứu này”

You might also like