You are on page 1of 5

KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT TRONG TRUYỆN

NGẮN VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI – KHÔNG GIAN


THỂ NGHIỆM CỦA CON NGƯỜI HIỆN ĐẠI
Thời gian và không gian là thế giới mà con người tồn tại, con người cảm thấy vị trí
và số phận của mình ở trong đó. Không gian và thời gian trong truyện ngắn Việt
Nam đương đại được sử dụng làm nổi bật cảm giác của con người trong một thế
giới ảo – thế giới đã được xử lý, nhằm thể nghiệm chính nó với tư cách là con
người tự ý thức về tồn tại và hiện sinh. Nghệ thuật xử lý không gian trong các tác
phẩm truyện ngắn đương đại có khi là mở rộng hoặc thu hẹp, có khi dồn nén,
chồng xếp… Và, trong mỗi kiểu không gian, con người hiện đại lại bộc lộ những
trạng thái tâm lý khác nhau.

Kiểu không gian thường được sử dụng để con người có cơ hội đối diện với bản
thân mình, với cái tôi nhỏ bé giữa rộng lớn không gian, đó là không gian xa lạ. Ở
đó, con người không còn cảm thấy an nhiên tự tại, hoà mình vào vũ trụ theo kiểu
Thiên - Nhân hợp nhất nữa mà là sự nhỏ bé trước sự hùng vỹ, vô biên của tạo hoá.
Con người trong không gian xa lạ ấy mới cảm thấy hết được sự hữu hạn của cuộc
sống, sự cô đơn của kiếp người. Trong Muối của rừng (Nguyễn Huy Thiệp), không
gian núi rừng hiểm trở trong cuộc đi săn đã làm cho ông Diểu hiểu ra sự hiểm nguy
của cuộc sống và sự mỏng manh của kiếp người. Một mình trong rừng sâu núi
thẳm, cũng là cơ hội để ông đối diện với chính mình, với vực thẳm tội ác trong tâm
hồn mình, nó cũng hiểm ác chẳng kém gì vực sâu trước mặt ông: “từ dưới sâu hun
hút… sương mù dâng lên cuồn cuộn trông vừa kinh dị, vừa đầy tử khí”. Rồi trong
khoảnh khắc, ông chợt nhận ra rằng, mọi ham muốn, dục vọng, những nhỏ nhen,
ích kỷ đều vô nghĩa trước cuộc sống chông chênh, hữu hạn này. Ông tự tay băng
bó lại cho con khỉ mà chính ông vừa bắn rồi thả về rừng cũng là giải thoát cho tâm
hồn đang trĩu nặng bởi những toan tính tội lỗi. Thiên nhiên chợt trở nên hiền hoà,
“mưa xuân dịu dàng trên cánh đồng”, và “ông cứ trần truồng như thế, cô đơn như
thế mà đi”. Như vậy, không gian có tác động sâu sắc đến tâm trạng của con người
và con người cũng tạo nên sự thay đổi cảm nhận về không gian.
Truyện ngắn Những người thợ xẻ cũng đặt nhân vật trong không gian thiên nhiên
rộng lớn, hiểm trở để mở ra sự suy nghiệm về thân phận con người: “Những dãy
núi đá vôi trập trùng cao ngất. Chúng tôi đi men ở dưới chân núi, vừa bé nhỏ, vừa
cô đơn, lại liều lĩnh, mà bất lực, thậm chí vô nghĩa”.

Bên cạnh đó, không gian xa lạ, mới mẻ cũng gợi nhiều suy ngẫm. Trong Những
bào học nông thôn, việc Hiếu về quê mẹ nghỉ hè được thể hiện như một cuộc dấn
thân, kiếm tìm cảm giác lạ, giữa những người lạ. Và anh đã học được rất nhiều
những bài học giản dị từ cuộc sống về tình yêu thương, mở ra những chặng đường
nhận thức mới trong tâm hồn chàng trai trẻ trên con đường thể nghiệm bản thân:
“Tôi cứ đi mãi. Tôi băng qua cánh đồng, qua dòng sông. Mặt trời bao giờ cũng ở
phía trước mặt tôi…”

Không gian trong truyện ngắn đương đại, có khi là không gian bị dồn ép, xâm lấn
bởi thế giới đồ vật, tạo thành một thế giới phi lý. Trong Man nương (Phạm Thị
Hoài), mọi cảm giác, mọi nhận thức của con người bị đóng khung trong một căn
phòng bức bí, chật hẹp: “Bốn mét nhân bốn mét rưỡi nhân hai mét tám màu xanh
lơ”. Có khi con người bị đẩy xô trên những con đường bụi bặm, đông đúc, hoặc
quẩn quanh, ngơ ngác, cô đơn ngay trong ngôi nhà của chính mình (Nhà trọ -
Nguyễn Thị Châu Giang). Không gian chật hẹp, bất di bất dịch của một căn phòng
sơ sài, quạnh quẽ đẩy sự cô đơn của con người lên đến cùng cực (Giai nhân –
Nguyễn Thị Thu Huệ).

Con người có khi bị đẩy vào một mê cung không lối thoát thể hiện sự bế tắc của
tâm hồn khi con người ý thức về bản thân mình, về hoàn cảnh sống, về bi kịch
cuộc sống mà mình phải dự phần. Đó là không gian trong Mê Lộ của Phạm Thi
Hoài: “Người này cố dẫn người kia vào thế giới của mình nhưng họ đi trên những
con đường khác nhau”. Mỗi người là một thế giới trong một mê cung rối rắm mà
không ai có thể xâm nhập được. Họ không có tiếng nói chung, không bao giờ hiểu
nhau, ở đó, con người cảm nhận sâu sắc về sự phi lý của thế giới về sự cô đơn, sợ
hãi và tuyệt vọng của con người trước sự vô cảm của đồng loại.

Không gian luân chuyển là không gian kiểu người xê dịch. Trên hành trình kiếm
tìm chân lý, con người phả trải qua nhiều kiểu không gian khác nhau, nhiều vùng
đất khác nhau, nhiều hoàn cảnh khác nhau buộc họ phải lựa chọn và hành động.
Không gian luân chuyển chính là môi trường thích hợp để con người thể nghiệm
bản thân, tìm kiếm chính mình.

Truyện ngắn Con gái thuỷ thần của Nguyễn Huy Thiệp với kiểu không gian luân
chuyển này, đã đẩy nhan vật vào các cuộc thử thách, lựa chọn và hành động. Nhân
vật thường xuyên ở trong trạng thái ra đi: Tôi đi, tôi cứ đi, đi mãi… Tôi đi, tôi
đang đi, tôi vùng bỏ đi như chạy… những cuộc ra đi nối tiếp nhau thể hiện sự bất
an trong tâm hồn và sự khao khát kiếm tìm một điều gì như kiếm tìm chính bản
thân mình. Trong Người đi tìm giấc mơ của Nguyễn Thị Thu Huệ, nhân vật tôi
cũng luôn ở trong trạng thái di chuyển: tôi đi ra đường, tôi đi, tôi chạy… thể hiện
sự bất trắc của số phận và nỗi gian truân của người phụ nữ.

Con người càng cô đơn, càng khao khát đi đến một nơi nào đó mà mình thuộc về
thì dường như cái đích ấy lại cứ lùi xa mãi, xa cho đến tận cái chết. Đó là bi kịch
của nhân vật lão Thiệt trong Ngày xửa ngày xưa của Nguyễn Quang Lập. ông kiếm
tìm con người, kiếm tìm đồng loại nhưng nghiệt ngã thay, ông đã không bao giờ
còn tìm được chỗ đứng của mình giữa đồng loại.

Không gian huyền thoại cũng là một kiểu không gian đặc trưng cho truyện ngắn
Việt Nam đương đại trong việc thể nghiệm nhân tính, cá tính… Con người khi
được đặt vào một thế giới siêu thực sẽ bộc lộ nhiều góc khuất mà trong không gian
sống thường nhật khó có thể nhận ra.

Trong Nhân sứ của Hoà Vang, từ không gian của cõi niết bàn, cuộc sống trần gian
được nhìn từ góc độ khách quan, phơi bày những góc khuất u tối trong tâm hồn
con người. Song cũng từ góc nhìn đó, khẳng định giá trị của cuộc sống con người ở
cõi thế mà không nơi đâu, không gì có thể sánh bằng hay đánh đổi được. Không
gian địa ngục cũng được sử dụng trong Giọt máu của Nguyễn Huy Thiệp. Không
gian như một cơ hội để con người trải nghiệm về cuộc sống sau khi chết, khiến cho
con người phải giật mình suy nghĩ về số phận, về những lựa chọn và hành động. Vì
có nhân ắt có quả, vì sau hành động sẽ là trách nhiệm.

Không gian giấc mơ là không gian ảo, chủ yếu là để cho nhân vật tự thể hiện mình,
bộc lộ những ẩn ức, dự cảm, khát vọng. Với không gian giấc mơ, thế giới tiềm
thức của con người, là nơi con người bộc lộ mình rõ nhất. Không gian trong những
giấc mơ thể hiện những khát vọng, ám ảnh, những mặc cảm của con người. Trong
Người đi tìm giấc mơ của Nguyễn Thị Thu Huệ, nhân vật mơ thấy mình gặp lại
những người trong gia đình đã chết từ lâu: “Mỗi người gánh một gánh phân bốc
mùi thối hoăng, sóng sánh đi tới chỗ tôi, rồi từng người, từng người một lấy cái
gầu, múc một gầu dội thẳng vào mặt tôi…”. Không gian giấc mơ đã làm nổi rõ
những ám ảnh về quá khứ, về tội lỗi và số phận bi đát không thể lý giải của nhân
vật.

Kiểu không gian đồng hiện trong giấc mơ và trong đời thực tạo nên nhiều tầng bậc
ý nghĩa cho câu chuyện và đặt nhân vật vào nhiều hoàn cảnh khác nhau để bộc lộ
mình rõ hơn. Trong Ám ảnh của Nguyễn Thị Thu Huệ có không gian trong giấc
mơ, mà ở đó nhân vật Thạnh sống trong không gian ngột ngạt bức bối với sự độc
ác và ti tiện của ông bố. Từ không gian hẹp, không gian gia đình, tạo ra sự va đập
dữ dội giữa các tình cách dồn nhân vật đến chỗ phạm tội ác. Không gian hiện thực
là không gian mà nhân vật dùng lý trí để phân tích, để lý giải về vấn đề tha hoá đạo
đức của con người. Việc xây dựng không gian giấc mơ tạo điều kiện thuận lợi cho
nhân vật bộc lộ mình bằng những đấu tranh nội tâm dữ dội trong quá trình tự ý
thức. Thủ pháp này góp phần thể hiện quá trình đó một cách sinh động và thuyết
phục.

Tuy nhiên, không gian giấc mơ do tác giả Nguyễn Thị Thu Huệ tạo nên bị chia
tách so với không gian đời thực khiến cho tác phẩm như bị tách là hai phần. Với
Phiên chợ Giát, Nguyễn Minh Châu đã thành công hơn với thủ pháp nghệ thuật
này. Ông đã kết hợp giữa kỹ thuật dòng ý thức với việc xây dựng không gian ảo,
không gian biến dạng, xáo trộn giữa mơ và thực, quá khứ và hiện tại. Đó là quá
khứ trong giấc mơ, quá khứ trong trí nhớ và hiện tại với sự tự ý thức của nhân vật.
Mỗi kiểu không gian có một tác dụng khác nhau làm cho nhân vật được soi chiều
từ nhiều góc độ, nổi rõ diễn biến của bi kịch nội tâm nhân vật.

Mỗi kiểu không gian có một tác dụng khác nhau, tạo những hiệu ứng khác nhau
mà tác giả truyện ngắn Việt Nam đương đại đã sử dụng để nhân vật tự thể nghiệm
mình trong hành trình kiếm tìm chân lý, kiếm tìm chính bản thân mình.

Nguyễn Thị Thanh Nga


(TT. NCVHTV sông Mekong)

You might also like