You are on page 1of 11

BÀI DỰ THI THUYẾT TRÌNH GIÁO DỤC MẦM NON CẤP HUYỆN

NĂM HỌC 2022 - 2023

Đề tài: “Một số biện pháp giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ 5 – 6 tuổi

tại trường Mầm non”

I. Đặt vấn đề.

Kính thưa các vị đại biểu, kính thưa ban giám khảo, thưa toàn thể hội thi!

Môi trường đang là vấn đề nóng của toàn cầu. Ô nhiễm môi trường ngày càng
nghiêm trọng gây biến đổi khí hậu và thiên tai lũ lụt ở khắp mọi nơi. Chính vì
vậy, giáo dục bảo vệ môi trường là vấn đề vô cùng cấp bách đối với mọi người
và phải bắt đầu ngay từ lứa tuổi mầm non.

Đối với trẻ 5 - 6 tuổi, giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ đơn giản là dạy trẻ
biết giữ vệ sinh trường lớp, biết chăm sóc và bảo vệ cây xanh, biết bỏ rác đúng
nơi quy định, biết giữ vệ sinh nơi công cộng, tiết kiệm điện, nước sạch….

Là một giáo viên đang dạy lớp 5 tuổi, tôi luôn băn khoăn làm sao để giáo dục
bảo vệ môi trường cho trẻ một cách tốt nhất và đạt hiệu quả cao nhất! Vì vậy, tôi
đã suy nghĩ, tìm hiểu và áp dụng “Một số biện pháp giáo dục bảo vệ môi
trường cho trẻ 5 - 6 tuổi tại trường Mầm non”

II. Thực trạng

1. Thuận lợi:

Trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, tôi nhận thấy có những thuận lợi sau:

- Ban giám hiệu nhà trường luôn chú trọng tới công tác xây dựng cảnh quan
môi trường xanh, sạch, đẹp. Trang bị đầy đủ hệ thống thùng rác có nắp đậy ngay
từ khu vực cổng trường tới các lớp học.
Hình ảnh 1, 2: Cảnh quan khuôn viên trường xanh – sạch – đẹp

- Bản thân tôi luôn có ý thức giữ gìn bảo vệ môi trường, luôn có những việc
làm lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường tới đồng nghiệp, phụ huynh và trẻ.

2. Khó khăn:

- Việc tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục bảo vệ môi trường còn chưa linh
hoạt, sáng tạo.

- Đa số trẻ trong lớp chưa có ý thức giữ gìn bảo vệ môi trường, chưa biết phân
loại rác; còn để rác không đúng nơi quy định; chưa biết chăm sóc cây xanh, còn
hiện tượng ngắt lá, bẻ cành cây; khi rửa tay xong còn chưa vặn chặt khóa nước.

- Nhiều trẻ khi chơi xong chưa biết cất dọn đồ chơi gọn gàng.

- Phụ huynh chưa chú trọng đến việc giáo dục trẻ giữ vệ sinh môi trường; còn
hay mua đồ ăn nhanh, đồ ăn vặt cho trẻ mang đến lớp…

Từ những thuận lợi và khó khăn trên, tôi đã áp dụng “Một số biện pháp giáo
dục bảo vệ môi trường cho trẻ 5- 6” mà ngày hôm nay tôi muốn chia sẻ cùng
quý vị và các bạn.

III. Một số biện pháp giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ 5- 6 tuổi

1. Biện pháp 1: Phát động ngày vì môi trường hằng tuần

- Tôi cố định ngày môi trường của lớp là vào thứ sáu hàng tuần. Tuần nào
cũng vậy, tôi thực hiện cùng với trẻ để tạo thành thói quen lao động vệ sinh cho
trẻ như: Ở môi trường trong và ngoài lớp, tôi cho trẻ quét dọn vệ sinh, sắp xếp
đồ dùng đồ chơi gọn gàng, lau chùi các kệ giá đựng đồ dùng đồ chơi. Ở khu vực
sân trường, tôi cho trẻ nhặt lá rụng, nhặt rác, tưới cây, chăm sóc cây…

Hình ảnh 3, 4: Trẻ nhặt lá, tưới cây ở khu vực sân trường

- Đồng thời tôi cũng chia sẻ với phụ huynh để cha mẹ trẻ biết con em họ được
thực hành lao động cùng cô những công việc vừa sức. Mặt khác, tôi cũng vận
động phụ huynh tham gia cùng cô và trò để giúp trẻ hiểu rằng ai cũng cần có
trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ môi trường.

2. Biện pháp 2: Tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục bảo vệ môi trường
trong các hoạt động học.

- Hoạt động học là hoạt động giúp trẻ nắm bắt và tiếp thu kiến thức từ giáo
viên bằng các phương pháp khác nhau. Việc lồng ghép nội dung giáo dục bảo vệ
môi trường thông qua các hoạt động học giúp trẻ vừa nắm được kiến thức của
bài vừa biết được các hành vi đúng trong việc bảo vệ môi trường.

* Thông qua hoạt động khám phá khoa học:

Hoạt động khám phá khoa học giúp trẻ có kiến thức về môi trường tự nhiên
và môi trường xã hội. Thông qua các giờ học, tôi giáo dục trẻ biết giữ vệ sinh
môi trường.
+ Với hoạt động khám phá “Các nguồn nước quanh bé”, tôi sẽ dạy cho trẻ
biết các nguồn nước có quanh bé, như: Nước giếng, nước ao hồ, nước sông,
nước biển… Lợi ích của nước đối với con người và động thực vật, qua đó giáo
dục trẻ biết sử dụng nước tiết kiệm, khóa chặt nước khi không sử dụng để tránh
lãng phí, không vứt rác, xác động vật xuống ao hồ, sông… để tránh làm ô nhiễm
nguồn nước…

+ Hay với hoạt động khám phá “cây xanh và môi trường sống”, tôi dạy trẻ
những kiến thức, những lợi ích của cây xanh đến đời sống con người, những tác
hại của việc chặt phá rừng, từ đó giáo dục trẻ biết trồng, chăm sóc cây, không
ngắt lá bẻ cành, hái hoa …

Hình ảnh 5: Hoạt động khám phá “Cây xanh và môi trường sống”

* Qua hoạt động giáo dục âm nhạc:

- Có thể nói âm nhạc tác động nhanh nhất tới trẻ. Qua các bài hát, tôi giáo dục
ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ.

+ Ví dụ: với tiết dạy hát: “Trường chúng cháu là trường mầm non”, tôi giáo
dục trẻ biết giữ vệ sinh trường lớp, biết vứt và bỏ rác vào thùng đúng nơi quy
định, biết thu dọn đồ dùng đồ chơi để lớp luôn sạch sẽ…,
Hay với tiết dạy hát: “Chú voi con ở bản Đôn”, tôi giáo dục trẻ biết yêu quý
và bảo vệ các loài động vật hoang dã, biết bảo vệ rừng để các loài động vật có
nơi sinh sống.

Hình ảnh 6, 7: Hoạt động giáo dục âm nhạc bài: “Trường chúng cháu là
trường mầm non, Chú voi con ở Bản Đôn.”

* Qua hoạt động tạo hình:

- Hướng dẫn trẻ làm đồ dùng, đồ chơi từ nguyên vật liệu phế thải:
+ Đây là hoạt động rất bổ ích vì trẻ được cùng cô làm đồ dùng đồ chơi từ các
nguyên vật liệu là rác. Từ những lọ sữa susu, tôi cho trẻ cùng mình làm thành
những bông hoa ly, hay từ những nắp chai nhựa làm thành những bông hoa
nhiều màu sắc …

+ Từ đó giáo dục trẻ tận dụng những nguyên liệu tưởng chừng như bỏ đi để tạo
ra những đồ chơi đẹp, đồng thời bảo vệ môi trường

+ Khi làm xong, tôi cho trẻ thu dọn các dụng cụ gọn gàng, các nguyên vật liệu
không dùng được sẽ bỏ vào thùng rác. Cứ như thế, trẻ được thao tác nhiều lần và
tạo thành thói quen giữ vệ sinh môi trường trong tất cả các hoạt động.
Hình ảnh 8, 9: Hoạt động tạo hình “Làm tranh từ lá cây”

3. Biện pháp 3: Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ thông qua các hoạt
động ở mọi lúc mọi nơi.

* Giờ hoạt động góc:

- Sau khi trẻ chơi xong, tôi cho trẻ ở các góc thi đua xếp đồ chơi vào tủ xem
đội nào xếp nhanh nhất, gọn nhất. Từ đó giáo dục trẻ muốn lớp học sạch sẽ gọn
gàng thì con phải biết giữ vệ sinh chung, không vứt rác ra lớp, phải biết xếp dọn
đồ chơi gọn gàng.

Hình ảnh 10,11: Giờ hoạt động góc


* Hoạt động vui chơi ngoài trời:

- Trong khi dạo chơi, trẻ được tiếp xúc với thiên nhiên, đất, cát, nước… Tôi
giáo dục trẻ biết giữ gìn môi trường, đồng thời cho trẻ thực hành lao động vệ
sinh để sân trường luôn sạch đẹp.

+ Ví dụ: Khi trẻ giúp cô bác lao công bỏ rác vào thùng, trẻ biết cách phân loại
rác, nhặt riêng các loại rác có thể tái sử dụng để làm đồ chơi trong lớp (vỏ hộp
sữa chua, vỏ hộp sữa tươi,…), các loại rác hữu cơ, rác không tác sử dụng được
thì bỏ vào thùng rác.

- Khi đi thăm quan vườn rau ở trường, cho trẻ nhổ cỏ, nhặt rác, bắt sâu, tạo
cảnh quan đẹp mắt cho vườn rau. Từ đó tôi giáo dục trẻ: Muốn có môi trường
sạch đẹp thì phải biết trồng và chăm sóc cây, không vứt rác bừa bãi, không xả
thải ra môi trường.

- Hoạt động ngoài trời có thể tạo cho trẻ những bộ sưu tập các nguyên liệu
thiên nhiên mang về lớp như lá cây, sỏi, chai lọ…

Hình ảnh 12, 13: Trẻ tham quan vườn rau, nhổ cỏ, nhặt rác,…

* Giờ ăn:

- Trước khi ăn, tôi nhắc nhở và hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng theo các
bước quy chuẩn, tạo thành nền nếp, thói quen rửa tay trước khi ăn. Trong khi
trẻ rửa tay, tôi quan sát và nhắc trẻ sử dụng nước tiết kiệm bằng cách không vặn
nước chảy quá to, khóa nước cẩn thận sau khi sử dụng, không để nước chảy lãng
phí.

Trong khi trẻ ăn, tôi nhắc trẻ không làm rơi cơm ra sàn nhà để giữ cho lớp
luôn sạch sẽ.

Hình ảnh 14: Trẻ rửa tay trước khi ăn

4. Biện pháp 4: Giáo dục bảo vệ môi trường qua việc làm gương, làm mẫu.

- Cha mẹ, cô giáo là tấm gương điển hình của trẻ, là một phương pháp giáo
dục theo hình thức “mưa dầm thấm lâu” có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển
của trẻ. Trẻ quan sát hành vi của người lớn rồi học theo và bắt chước. Chính vì
vậy mà giáo viên và cha mẹ trẻ phải thực sự là tấm gương sáng, mẫu mực trong
giữ gìn và bảo vệ môi trường.

- Tôi luôn có những việc làm và thái độ tích cực bảo vệ môi trường như vệ
sinh lớp học, sắp xếp đồ dùng đồ chơi sạch sẽ gọn gàng, nhặt rác và để đúng nơi
quy định, sử dụng điện, nước tiết kiệm hiệu quả để trẻ học theo.

- Không chỉ cha mẹ và cô giáo mới là tấm gương sáng về bảo vệ môi trường
mà chính trẻ cũng là tấm gương cho bạn noi theo. Khi trẻ có những hành động
đúng về bảo vệ môi trường, tôi nêu gương trước lớp để động viên khuyến khích
trẻ đồng thời nhắc nhở nhẹ nhàng những trẻ chưa biết bảo vệ môi trường.
Hình ảnh 15, 16: Vệ sinh môi trường trong và ngoài lớp học

5. Biện pháp 5: Phối hợp, tuyên truyền với phụ huynh giáo dục bảo vệ môi
trường cho trẻ.

- Giáo dục mầm non đòi hỏi sự kết hợp đồng bộ giữa gia đình và nhà trường.
Nếu ở trên lớp cô có cố gắng dạy trẻ như thế nào đi nữa mà về nhà không có sự
kết hợp giáo dục của phụ huynh thì cũng không thể đạt kết quả cao được.

- Thông qua giờ đón - trả trẻ, tôi trao đổi với phụ huynh nhắc nhở trẻ biết bảo
vệ môi trường ở gia đình. Mặt khác tôi thường xuyên đăng tải các nội dung giáo
dục bảo vệ môi trường cho trẻ lên bảng tuyên truyền và nhóm zalo của lớp để
phụ huynh nắm được.

- Tôi cũng trao đổi với phụ huynh hạn chế không mua quà vặt đến lớp cho trẻ,
đồng thời vận động phụ huynh ủng hộ những nguyên vật liệu phế thải để tôi
cùng trẻ làm đồ chơi.

IV. Kết quả đạt được

Sau một thời gian áp dụng các biện pháp giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ 5
- 6 tuổi, tôi nhận thấy có những kết quả nổi bật như sau:

* Đối với trẻ:

- 100% trẻ trong lớp tôi có thói quen giữ vệ sinh lớp học, biết bỏ rác đúng nơi
quy định.
- Trẻ biết tiết kiệm điện, nước, biết giữ vệ sinh môi trường nước.

- Trẻ yêu thiên nhiên, không ngắt lá, bẻ cành, hái hoa khi chưa được phép.

- Tình trạng trẻ ăn quà vặt trong lớp giảm rất nhiều so với đầu năm học.

- Trẻ biết phân loại rác thành 2 loại: rác vô cơ và rác hữu cơ và để đúng nơi
quy định.

Hình ảnh 17, 18: Trẻ biết yêu thiên nhiên, biết bảo vệ môi trường

* Đối với phụ huynh:

- Phụ huynh nắm được tầm quan trọng của việc giáo dục bảo vệ môi trường
cho trẻ ở trường cũng như ở nhà.

- Không còn tình trạng phụ huynh mua quà vặt cho trẻ mang đến lớp.

Thưa quý vị! Giáo dục bảo vệ môi trường giúp trẻ có những kiến thức sơ
đẳng và hành vi đúng đắn với môi trường. Những việc tưởng chừng rất đơn giản
ấy nhưng để đạt được kết quả như chúng ta mong muốn thì mỗi giáo viên cần
biết tích hợp một cách linh hoạt nội dung giáo dục bảo vệ môi trường vào các
hoạt động trong ngày của trẻ, đồng thời phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để trẻ
được thực hành các hoạt động bảo vệ môi trường không chỉ ở lớp mà còn ở tại
gia đình nơi trẻ sinh sống.

Đến với hội thi hôm nay, tôi muốn nhắn nhủ với tất cả mọi người: Chúng ta
hãy chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất và cũng chính là bảo vệ cuộc
sống của chúng ta!

Xin trân trọng cảm ơn quý vị đã chú ý lắng nghe!

Sóc Sơn, ngày tháng 11 năm 2022


GIÁO VIÊN
(Ký, ghi rõ họ tên)

Trần Thị Hồng Thơm

You might also like