You are on page 1of 2

Có một câu nói nổi tiếng của Tô Hoài rằng: “Thơ ca bắt rễ từ lòng người và nở hoa nơi từ ngữ.

Mỗi
chữ phải là hạt ngọc buông xuống trang bản thảo. Hạt ngọc mới nhất của mình tìm được do phong cách
riêng của mình mà có”. Thật vậy, hiện thực cuộc sống muôn hình vạn trạng đã tác động vào giác quan
của người nghệ sĩ khiến họ vui, buồn, hờn giận, căm tủi, … và thơ ra đời. Và chính bài thơ “Bánh trôi
nước” chính là một tác phẩm để bộc lộ được chiều sâu suy nghĩ của nhà thơ Hồ Xuân Hương về chế độ
trọng nam khinh nữ trong xã hội phong kiến Việt Nam xưa.

Bài thơ “Bánh trôi nước” được “Bà chúa thơ Nôm” sáng tác vào thời đại phong kiến xã hội trọng nam
khinh nữ bởi chính bản thân bà cũng là một người phụ nữ phải chịu cảnh bất hạnh và số phận bị hắt hủi
đau thương. Nên bằng sự đồng cảm và thấu hiểu cho những hoàn cảnh ấy, bà đã chiêm nghiệm và sáng
tác lên bài thơ này. Tác phẩm đã mượn hình ảnh của món bánh trôi nước – một món ăn dân gian,
truyền thống của Việt Nam để thể hiện lòng cảm thông, xót xa cho thân phận lênh đênh, chìm nổi của
người con gái trong xã hội cũ. Đây còn là tiếng nói trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp phẩm chất trong sáng,
tình nghĩa, sắt son của người phụ nữ Việt Nam ngày xưa.

Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Với câu thơ đầu tiên, tác giả đã miêu tả vẻ đẹp bên ngoài của món ăn bánh trôi nước. Đây là loại bánh
dân gian xưa được cho là tinh khiết, thường dùng vào việc cúng tế. Hai tính từ đơn giản “trắng” và
“tròn” đã cho ta thấy được hình dáng bên ngoài của chiếc bánh trôi nước, sắc trắng trong, dáng bánh
tròn. Bánh được làm bằng bột nếp, nặn thành hình tròn nhỏ vừa ăn, bọc lấy nhân bằng những viên
đường đen hoặc đường phèn nhỏ ở bên trong. Qua đây, nhà thơ đã thể hiện lên vẻ đẹp hình thể và tâm
hồn của người con gái có thân phận nhỏ nhoi, chìm nổi, phụ thuộc mà vẫn giữ trọn phẩm giá của chính
mình. Ta thấy rằng có những nét tương đồng giữa chiếc bánh trôi bình thường với hình ảnh phụ nữ. Cả
hai đều có vẻ bề ngoài rất đẹp, có phẩm chất cao quý, tương đồng trong cuộc sống, số phận phụ thuộc.
Phép ẩn dụ “thân em” là một cách nói khiêm nhường, kín đáo chỉ về người phụ nữ. Ngòi bút đã liên
tưởng hình ảnh người con gái có hình thể đẹp, da trắng nõn nà, thân hình căng tràn nhựa sống, tâm hồn
nhân hậu, hiền hòa. Hai vế tiểu đối “vừa trắng” – “vừa tròn” phản ánh lên đúng hiện thực về người
thiếu nữ xã hội phong kiến ngày ấy.

Bảy nổi ba chìm với nước non

Ở câu thơ thứ hai, nhà thơ đã gợi cho ta cách làm của món ăn bánh trôi nước. Cụm từ “bảy nổi ba
chìm” thể hiện quá trình luộc bánh phải trải quả bảy lần nổi, ba lần chìm trong nồi nước sôi. Khi luộc
bánh, nước phải đủ độ sôi, khi chín thì bánh sẽ được nổi lên trên bề mặt của nước. Ẩn ý trong hình ảnh
này là sự trái ngược với ngoại hình đẹp đẽ, những người phụ nữ tài hoa phải chịu bao bạc mệnh, đắng
cay, vất vả. “Bảy nổi ba chìm” gợi ra số phận cuộc đời đầy thăng trầm, biến động của người phụ nữ
như lúc luộc bánh trôi.

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son

Ở hai câu thơ cuối cùng của bài, tác giả đã hoàn toàn nói về hình ảnh của người con gái Việt Nam
trong xã hội xưa. Việc sinh ra trong thân phận của người phụ nữ vốn đã là một thiệt thòi, bất công “rắn
nát mặc dầu tay kẻ nặn”. Được cha mẹ dưỡng dục sinh thành để làm người nhưng người phụ nữ không
làm chủ được mình. Cuộc đời họ do người khác định đoạt, luôn bị xã hội nhào nặn, xô đẩy. Phép ẩn dụ
“tấm lòng son” muốn nói đến tấm lòng song sắt, thủy chung trong tình yêu, vẻ đẹp tâm hồn của người
phụ nữ. Giọng thơ tự hào, quả quyết biểu thị thái độ kiên trì, bền vững tượng trưng cho phẩm chất cao
quý, chịu thương, chịu khó của người phụ nữ Việt Nam trong mọi hoàn cảnh. Tác giả sử dụng cấu trúc
tương phản “Mặc dầu … mà vẫn …” để khẳng định và ngợi ca tâm hồn trong sáng, tình yêu thủy
chung của người phụ nữ Việt Nam trước hoàn cảnh số phận chịu nhiều gian truân, khổ cực.

Tác phẩm “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương vừa kết tinh được những giá trị nghệ thuật đặc sắc
của thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật, vừa in đậm dấu ấn sự nghiệp sáng tác của nhà thơ. Tác giả đã sử
dụng một cách linh hoạt và điêu luyện các yếu tố đặc trưng của thể loại: sự hòa phối thanh điệu, kết
cấu chặt chẽ, tính cô đọng và hàm súc ... Bài thơ đã thành công khắc học hình ảnh lênh đênh, bạc bẽo
của người phụ nữ với một cuộc đời đầy tính thử thách qua các nghệ thuật đặc sắc. Các hình ảnh thơ
mang ý nghĩa đầy tính nhân văn, kết hợp với biện pháp tu từ như nhân hóa, ẩn dụ, so sánh, … Ngôn
ngữ thơ bình dị, thành ngữ, mô-típ dân gian. Đây cũng là một trong những bài thơ Nôm tiêu biểu đại
diện cho phong cách văn chương riêng của Hồ Xuân Hương.

Bài thơ không chỉ đơn thuần tả chiếc bánh trôi mà còn tượng trưng cho thân phận người phụ nữ với
cuộc sống đầy khó khăn, vất vả, thân phận nhỏ bé, éo le, tình cảnh bạc bẽo. Bài thơ cảm xúc đa
nghĩa, giàu bản sắc Xuân Hương, chứa đựng một luồng ánh sáng về ý thức xã hội bất công, vùi dập
người phụ nữ và giá trị nhân phẩm của mình. Ẩn trong những dòng thơ đó là tiếng nói phản kháng
lại cả một hệ thống chính trị xã hội, cả một ý thức hệ tư tưởng cổ hủ lạc hậu. Đồng thời là tiếng nói
cảm thông chia sẻ. Ta nghe trong lời thơ của bà là những “tiếng lòng chung” đầy phẫn nộ. Lời thơ
khảng khái, cứng cỏi nhưng tràn đầy tính nhân đạo cao cả.

You might also like