You are on page 1of 14

Kỷ yếu công trình khoa học 2014 – Phần II

TỪ HÁN VIỆT – BÌNH DIỆN NGỮ NGHĨA


TS. Trần Tiến Khôi
Bộ môn Việt Nam học, Đại học Thăng Long

Tóm tắt: Theo thống kê của Macpero, tiếng Việt có hơn 60% từ gốc Hán. Có 4
nguyên nhân là: Chính sách xâm lược của người Hán, sự chung sống của người Hán trên đất
Giao Châu, sự truyền bá văn hóa học thuật Hán, tính thuyết phục của tiếng Hán. Tuy vậy,
người Việt đã tiếp thu tiếng Hán một cách sáng tạo theo 4 xu hướng sau trên bình diện ngữ
nghĩa: Giữ nguyên gốc Hán, thu hẹp nghĩa, mở rộng nghĩa, biến đổi hoàn toàn về nghĩa. Thế
nhưng về mặt từ pháp, từ Hán Việt lại tuân thủ quy tắt cấu tạo từ của tiếng Hán, chúng được
kết hợp theo nguyên tắc phụ - chính, trong khi từ ghép tiếng Việt lại cấu tạo theo nguyên tắc
chính - phụ. Bên cạnh đó, từ Hán Việt có số lượng từ đồng nghĩa khá lớn, ví dụ, có đến 15 từ
đồng nghĩa với từ “người”… Tất cả những nguyên nhân trên khiến lớp từ Hán Việt vẫn là rào
cản đối với người Việt. Để giải quyết khó khăn trên, cần trang bị cho người Việt 3000 chữ
Hán thông dụng và một số quy tắc về từ pháp tiếng Hán. Hiện tượng Việt hóa từ Hán Việt là
hợp với quy luật phát triển của ngôn ngữ, thể hiện sự sáng tạo trong tiếp biến văn hóa của
người Việt.
Từ khóa: tiếng Việt, từ gốc Hán, người Hán, văn hóa học thuật Hán, bình diện ngữ
nghĩa, từ Hán Việt, nguyên tắc phụ - chính, nguyên tắc chính - phụ, “người”, 3000 chữ Hán
thông dụng, quy tắc về từ pháp tiếng Hán, quy luật phát triển của ngôn ngữ, tiếp biến văn hóa.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Tiếng Việt có số lượng từ Hán Việt rất lớn. Cho đến nay các công trình chuyên khảo
từ Hán Việt đã giải quyết các vấn đề cơ bản về nguồn gốc cũng như các bình diện ngôn ngữ
của từ Hán Việt. Tuy vậy, từ Hán Việt đối với người Việt Nam nói chung và học sinh, sinh
viên nói riêng vẫn là một rào cản không nhỏ, mặc dù người học được trang bị một cách hệ
thống và liên tục qua các cấp học.
Sự khó khăn khi tiếp cận và sử dụng từ Hán Việt thể hiện ở nhiều bình diện. Trong đó,
rõ nhất vẫn là bình diện ngữ nghĩa của từ. Người dùng không hiểu rõ nghĩa của từ dẫn đến
viết sai chính tả; người dùng không nắm được nguyên tắc từ pháp của từ dẫn đến hiểu theo lối
chủ quan, áp đặt theo từ thuần việt đồng âm, không hiểu nghĩa, viết trật tự từ sai…
Từ thực tế giảng dạy, nghiên cứu và trên cơ sở những tài liệu đã công bố, chúng tôi
bước đầu tìm hiểu một số vấn đề về bình diện nghĩa của từ Hán Việt.
II. NỘI DUNG

2.1. Nguyên nhân khiến từ Hán Việt chiếm tỷ lệ lớn trong tiếng Việt
Năm 1912, Macpero là người đầu tiên đã tiến hành thống kê và ông đã ngạc nhiên khi
thấy rằng có đến hơn 60% vốn từ tiếng Việt là từ gốc Hán.
Nguyên nhân chính là do hoàn cảnh địa lý và điều kiện lịch sử. Từ lâu đời, người Việt
và người Hán, tiếng Việt và tiếng Hán đã có sự giao lưu văn hóa và tiếp xúc ngôn ngữ. Một
trong những kết quả của sự giao lưu và tiếp xúc đó là tiếng Việt đã tiếp nhận và Việt hóa một
số lượng lớn từ ngữ gốc Hán để làm giàu thêm ngôn ngữ của mình. Cụ thể có thể nêu những
nguyên nhân sau:

Trường Đại học Thăng Long 302


Kỷ yếu công trình khoa học 2014 – Phần II
2.1.1.Chính sách xâm lược của người Hán
Sử sách ghi, từ thời Tần Thủy Hoàng, người Hán đã thực hiện cuộc “Nam xâm” (207-
204 TCN). Tiếp đến là Triệu Đà từ năm 179 TCN đã chính thức đặt ách thống trị lên nước
Nam. Như vậy suốt hơn 1000 năm Bắc thuộc, về sau là Minh thuộc 20 năm, bên cạnh các
chính sách đô hộ khác, việc đồng hóa dân tộc Việt Nam về văn hóa và ngôn ngữ là điều người
Hán có chủ ý.
2.1.2.Sự chung sống của người Hán trên đất Giao Châu
Theo chân các cuộc xâm lược là hàng vạn binh lính người Hán sang sinh sống ở Giao
Châu. Thêm nữa là hàng vạn người Hán tràn qua biên giới gồm thương nhân, người tỵ nạn
chính trị… Họ được chính quyền đô hộ ủng hộ, dần dần thâm nhập vào các mặt hoạt động
quan trọng của XH Việt Nam. Không ít trường hợp pha trộn dòng máu Hán - Việt để cho ra
đời thế hệ mới. Tình hình đan xen cư dân như vậy tất yếu dẫn đến sự tiếp xúc chặt chẽ, lâu dài
giữa tiếng Hán và tiếng Việt.
2.1.3.Sự truyền bá chữ Hán, tiếng Hán và văn hóa học thuật Hán
Chữ Hán được người Hán sáng tạo ra cách đây khoảng 3000 năm, là thứ văn tự có số
người sử dụng đông nhất. Và chữ Hán trở thành công cụ hữu hiệu để truyền bá văn hóa Hán
sang các nước khác. Ở Việt Nam, từ thời Hán, kinh điển Nho giáo đã được truyền sang bởi
các Thái thú như Nhâm Diên, Tích Quang, Sỹ Nhiếp. Số lượng và quy mô trường dạy chữ
Hán cũng được mở rộng. Và dần dần chữ Hán được sử dụng như văn tự chính thống. Kể cả
sau khi giành được độc lập năm 938, chữ Hán vẫn tiếp tục được sử dụng. Năm 1075, nhà Lý
cho mở khoa thi chữ Hán đầu tiên. Từ đó về sau trải qua các triều đại, các khoa thi chữ Hán
tiếp tục được tổ chức, cho đến các khoa thi cuối cùng chấm dứt vào thập niên thứ hai của thế
kỷ 20. Như vậy suốt hơn 2000 năm chữ Hán được truyền bá, sử dụng trong mọi hoạt động của
đời sống và khoa cử nên sự ảnh hưởng của nó không hề nhỏ. Hiện tượng này không chỉ ở Việt
Nam mà còn diễn ra ở Nhật Bản, Triều Tiên, gọi chung là “khu vực đồng văn” hay “vùng văn
hóa chữ Hán”.
2.1.4.Tính thuyết phục của tiếng Hán, chữ Hán
Tiếng Hán thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập tiêu biểu, có thanh điệu. Phương thức ngữ
pháp cơ bản là trật tự từ và hư từ, giàu tính biểu cảm, là chất liệu hữu hiệu của thi ca.
Chữ Hán thuộc loại văn tự biểu ý, quen gọi là chữ tượng hình, chữ khối vuông. Hình
thể chữ Hán có tính nghệ thuật, có sức hấp dẫn cao.
Cả bốn nguyên nhân trên thể hiện rõ hai xu hướng trong quá trình tiếp xúc và giao lưu
văn hóa, đó là sự cưỡng bức văn hóa và tự nguyện tiếp thu văn hóa. Trong đó ngôn ngữ và
văn tự là một trong những thành tố quan trọng của văn hóa. Quá trình đó diễn ra trong một
thời gian lâu dài và không gian rộng lớn đã làm cho số lượng từ ngữ Hán Việt trong kho từ
vựng tiếng Việt chiếm tỷ lệ lớn.
2.2. Bước đầu lý giải hiện tượng khó hiểu của từ Hán Việt
Đã là từ Hán Việt có nghĩa là những từ ngữ đó thuộc về Việt Nam, được mọi người
thừa nhận và sử dụng. Nhưng vì sao có hiện tượng rất nhiều từ Hán Việt khó hiểu?
Căn cứ vào thực tiễn giảng dạy và sử dụng ngôn ngữ, chúng tôi có thể nêu 5 nguyên
nhân:

Trường Đại học Thăng Long 303


Kỷ yếu công trình khoa học 2014 – Phần II
Thứ nhất, mặc dù từ Hán Việt thuộc kho từ vựng tiếng Việt nhưng không thể phủ định
chúng có nguồn gốc ngoại lai, nghĩa là chúng không có nguồn gốc bản địa như từ thuần Việt.
Yếu tố ngoại lai khiến lớp từ này có phần khó hiểu. Ví dụ, đối với một người Việt Nam bình
thường thì phụ mẫu khó hiểu hơn cha mẹ; huynh đệ khó hiểu hơn anh em; hải phận, không
phận khó hiểu hơn vùng trời, vùng biển, Nam Quốc sơn hà Nam đế cư khó hiểu hơn Sông núi
nước Nam vua Nam ở…
Thứ hai, xuất phát từ mục đích “văn dĩ tải đạo” (văn chương, chữ nghĩa chuyển tải đạo
thánh hiền) nên trước hết, một lớp từ Hán Việt không nhỏ gắn liền với Nho giáo và kinh điển,
có nội dung về tư tưởng, triết học, văn chương… như các từ tam cương, ngũ thường, đại
đồng, tam tòng, tứ đức, vô vi, trữ tình,… và sau này là các thuật ngữ KHKT, các khái niệm
mới khi chúng ta chuyển dịnh sang tiếng Việt từ bản gốc tiếng Trung Quốc như các từ vi mô,
vỹ mô, tuyến tính, tiết niệu, chính kiến, quảng bá, chứng khoán... Bản thân lớp từ vựng này đã
khó hiểu.
Thứ ba, gần 100 năm nay chúng ta không còn dùng chữ Hán như là chữ viết chính
thống mà thay vào đó là chữ quốc ngữ ghi âm. Như vậy chúng ta tiếp cận từ ngữ Hán Việt chỉ
còn trên vỏ ngữ âm mà không quan tâm đến tự dạng (hình thể) của chữ Hán. Vì vậy hiện
tượng đồng âm khác nghĩa mặc nhiên trở thành rào cản lớn, bởi chữ Hán là loại văn tự ghi ý
như đã trình bày bên trên. Thiết nghĩ, cần trang bị cho học sinh khoảng 2000 đến 3000 chữ
Hán thông dụng thì có thể khắc phục được nhược điểm này, tránh trường hợp hiểu ngô nghê
câu tiên học lễ hậu học văn là “cô tiên học lễ, hoàng hậu học văn!”.
Thứ tư, tiếng Hán xuất hiện và phát triển trong thời gian lịch sử lâu dài đi cùng với
lịch sử phát triển của dân tộc Hán. Đồng thời tiếng Hán được sử dụng trong một không gian
rộng lớn, số người sử dụng rất đông. Đó là hai nguyên nhân cơ bản khiến cách diễn đạt và
dùng từ của người Hán rất phong phú. Ví dụ, cùng diễn đạt khái niệm “người”, tiếng Hán có
đến 15 từ khác nhau. Chúng tôi tiến hành khảo sát điều này ở mục 2.6 của báo cáo.
Thứ năm, theo xu thế chung là chúng ta khuyến khích mọi người dùng từ thuần Việt
khi nói và viết, chỉ dùng từ Hán Việt hay từ ngoại lai khi tiếng Việt không có từ diễn tả khái
niệm nào đó. Nhưng trên thực tế, từ Hán Việt đã tồn tại trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, tồn
tại trong ca dao tục ngữ, trong sử sách, tư liệu… hàng nghìn năm nay. Vì vậy thói quen né
tránh dùng từ Hán Việt cũng là một trong những nguyên nhân khiến chúng ta khó hiểu chúng
khi tiếp cận và sử dụng.
2.3. Hiện tượng từ Hán Việt đã biến đổi về nghĩa so với nghĩa gốc
Có thể khẳng định ngay rằng số lượng từ Hán Việt biến đổi về nghĩa so với nghĩa gốc
là rất lớn. Mặt dù đến nay đã có nhiều công trình khảo cứu về Từ ngữ gốc Hán trong tiếng
Việt gắn với các nhà khoa học như Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Văn Khang, Lê Đình Khẩn
v.v… nhưng chưa có công trình nào khảo sát một cách triệt để sự biến đổi về nghĩa của từ
Hán Việt so với nghĩa gốc. Số lượng từ Hán Việt biến đổi về nghĩa là rất nhiều bởi chúng diễn
ra trên tất cả các bình diện của ngôn ngữ như về ngữ âm, ngữ nghĩa, ngữ pháp, tu từ, phong
cách. Sau đây là những ví dụ:

Trường Đại học Thăng Long 304


Kỷ yếu công trình khoa học 2014 – Phần II

Bình Việt
Hán Việt Hán Việt Hán
diện
Các Gác Can Gan Đao Dao
Ngữ âm
Tinh vi Tinh vi Tinh tế Tinh tế Khốn nạn Khốn nạn
Bí mật, Được cấu tạo Công phu, Tinh và tế Khó khăn Khổ đến
huyền bí bởi những chi kỹ lưỡng, nhị, đúng mức thảm
tiết nhỏ, phức (cũng có mực. hại đáng
tạp, độ chính nét nghĩa thương;
Ngữ xác cao; Có nội tinh tế như hèn mạt,
nghĩa dung hoặc hình tiếng Việt) không còn
thức thể hiện chút nhân
hết sức kín đáo cách, đáng
khó nhận nguyền rủa.
ra;Thái độ kiêu
căng, tự cao.
Ngữ
pháp Hòa hài Hài hòa Quyết nghị Nghị quyết Nhiệt náo Náo nhiệt
(trật tự
từ)
Giảng Giảng Thuyết Thuyết Mô phỏng Mô phỏng
Hoạt Trình bày vấn Nói mang Lên lớp, dạy Học theo Học theo
động nói đến có nội sắc thái đời, dài cái gì đó có cái gì đó
năng dung lớn, khó biểu cảm dòng văn tự, sẵn. một cách
bình hiểu: giảng bình sắc thái biểu không máy
Tu từ thường, đạo, giảng thường. cảm âm. móc,
sắc thái bài… sắc thái ngược lại
bình trang trọng, thì dùng từ
thường. phân biệt cao bắt chước.
thấp.
Phu Phu nhân Tống Tống Phụ mẫu Phụ mẫu
nhân Nghĩa là vợ, Mang sắc Mang sắc Cha mẹ, Cha mẹ,
Nghĩa là phong cách thái biểu thái biểu cảm dùng trong chỉ dùng
vợ, khẩu ngoại giao: đây cảm trung âm: dùng phong cách trong văn
Phong ngữ: đây là phu nhân hòa, phong quyền lực, nói và viết, viết, sắc
cách là phu tổng thống! cách nói. sức mạnh để sắc thái thái trang
nhân của đưa đi, hành bình trọng.
tôi. động dứt thường.
khoát, mạnh
mẽ.

Ngoài sự biến đổi về ngữ nghĩa thì sự Việt hóa về ngữ âm, ngữ pháp, tu từ cũng đều
dẫn đến là biến đổi ngữ nghĩa của từ, ví dụ gác trong tiếng Việt nghĩa rộng hơn từ các trong
tiếng Hán. Trong phạm vi báo cáo KH, chúng tôi chỉ bàn riêng về sự biến đổi ngữ nghĩa của
từ Hán Việt so với nghĩa gốc.
2.4. Bốn xu hướng tiếp nhận từ ngữ Hán Việt xét về bình diện ngữ nghĩa
- Giữ nguyên nghĩa gốc Hán
- Thu hẹp nghĩa so với nghĩa gốc
- Mở rộng nghĩa so với nghĩa gốc
- Thay đổi hoàn toàn về nghĩa so với nghĩa gốc

Trường Đại học Thăng Long 305


Kỷ yếu công trình khoa học 2014 – Phần II
2.4.1.Trường hợp giữ nguyên nghĩa gốc Hán
Thời kỳ đầu, người Việt tiếp thu văn tự Hán cả ba phương diện chính là âm đọc, tự
dạng và ngữ nghĩa. Điều này thể hiện rõ trong văn bản chữ Hán chữ Nôm thời trung đại. Dần
dần người Việt có cách đọc theo âm Hán Việt gần với ngữ âm thời Đường Tống nhưng khác
hẳn với ngữ âm tiếng phổ thông Trung Quốc hiện đại. Và về sau, chúng ta dùng ký tự Latinh
để ghi ngữ âm tiếng Việt. Như vậy, đối với lớp từ Hán Việt, chúng ta đã thoát ly khỏi tự dạng
và vỏ ngữ âm so với tiếng Hán. Tuy nhiên về phương diện ngữ nghĩa vẫn còn có sự tương
đồng rất lớn. Hiện tượng này, chúng tôi gọi là xu hướng tiếp nhận giữ nguyên nghĩa gốc Hán.
Từ đơn: sơn, thủy, điền, viên, nhân, lễ, nghĩa, trí, tín…
Từ ghép: nhân vật, xuất phát, công dân, lợi ích, đăng ký, khoa học, kỹ thuật…
Thành ngữ (cụm cố định): ôn cố tri tân, hậu sinh khả úy, nhất thành bất biến, danh
chính ngôn thuận, an bần lạc đạo, chí công vô tư…
2.4.2.Trường hợp thu hẹp nghĩa
Xét tiếng Việt và tiếng Hán hiện đại, có không ít từ Hán khi đi vào tiếng Việt đã bị thu
hẹp nghĩa, có người gọi là giáng cấp ngữ nghĩa. Điều này cho thấy sự linh hoạt trong tiếp
biến ngôn ngữ, sao cho phù hợp với nhu cầu sử dụng của người Việt. Sau đây là các ví dụ:
Trúc: Cả Tân Hoa từ điển và Từ Hải đều giải thích trúc mang nghĩa tổng loại, có tính
khái quát: là loài thực vật sống lâu năm, thân cứng, rỗng, chia đốt. Có thể dùng làm đồ dùng
hoặc vật liệu xây dựng. Muốn định danh cho các tiểu loại thì trúc phải có những định tố đứng
trước nó, như: mao trúc, ngọc trúc, đại trúc… Khi vào tiếng Việt, trúc chỉ còn là tên gọi của
một loại tre như nứa, giang, vầu… mà thôi. Người Hán nói trúc thạp, trúc địch nhưng người
Việt nói chõng tre, sáo trúc chứ không có chõng trúc cũng như sáo tre…
Tẩy: Trong tiếng Hán với nghĩa chính là làm sạch bằng nước (giặt áo, gội đầu, rửa
xe..) Trong tiếng Việt, hoạt động làm sạnh bằng nước có hàng chục từ khác nhau: gội, rửa,
tắm, giặt, dội… Trong tiếng Việt, tẩy chỉ còn mang ý nghĩa làm sạch bằng vật lý như tẩy nét
chữ, làm sạch bằng hóa học như tẩy vết mực.
Hồng: Tiếng Hán có nghĩa là màu giống màu máu tươi tức là đỏ trong tiếng Việt.
Nhưng vì tiếng Việt đã có từ đỏ nên hồng được người Việt hiểu như màu đỏ nhạt.
Bố: Tiếng Hán có nghĩa là: loại vật liệu được dệt bởi các loại bông, đay… dùng để
may quần áo và đồ dùng khác. Bố trong tiếng Việt là vải dày, dệt bằng sợi đay thô; vải thô.
2.4.3.Trường hợp mở rộng nghĩa
Trường hợp mở rộng nghĩa so với nghĩa gốc Hán khá phổ biến, cả thực từ và hư từ.
Tiếng Hán hiện đại phát triển theo xu hướng song tiết hóa nên bản thân tiếng Hán ở Trung
Quốc cũng có sự biến đổi về nghĩa theo từng giai đoạn lịch sử. Vì vậy, chúng ta chỉ xét những
từ Hán Việt có ngữ nghĩa khá ổn định. Sau đây là một số tiếng Hán khi vào tiếng Việt được
Việt hóa theo cách mở rộng nghĩa:
Đại khái: Tiếng Hán nghĩa là khoảng, khoảng chừng, tình hình chung, nội dung chính.
Khi vào tiếng Việt thì đại khái được dùng với các nghĩa sau: 1. (Có thể làm thành phần phụ
trong câu) trên những nét lớn, không có những chi tiết cụ thể. Ví dụ, chỉ biết đại khái, đại
khái câu chuyện chỉ có thế. 2. (lối làm việc) chỉ chú ý đến những cái chung chung, thiếu đi
sâu vào những cái cụ thể. Tác phong quan liêu đại khái, làm việc rất đại khái.
Hồ đồ: Tiếng Hán nghĩa là không hiểu rõ sự việc, nhận thức về sự vật mơ hồ, không
phân biệt; nội dung rối. Từ điển tiếng Việt giải thích nghĩa của hồ đồ như sau: không phân
biệt rõ ràng, lẫn lộn giữa đúng và sai trong nhận thức hoặc trong ý kiến của mình, ví dụ: ăn
nói hồ đồ. Ngoài ra người Việt còn dùng từ hồ đồ để chỉ thái độ ngang bướng, ương ngạnh,
bảo thủ: thái độ hồ đồ, cô ấy rất hồ đồ với tôi.
Khủng. Tiếng Hán nghĩa là sợ, tâm lý hoang mang bất an. Vào tiếng Việt ngoài nghĩa
như vừa nêu (khủng khiếp, khủng hoảng) thì khủng ngày nay được dùng với nghĩa chỉ sự vật

Trường Đại học Thăng Long 306


Kỷ yếu công trình khoa học 2014 – Phần II
quy mô lớn, đem lại cảm giác mạnh: một công trình rất khủng, một chương trình với giá vé
rất khủng.
2.4.4. Biến đổi hoàn toàn về nghĩa
Có thể nói đây là hiện tượng khá đặc biệt tưởng chừng như vô lý. Song, sự Việt hóa
hoàn toàn biến đổi về nghĩa diễn ra với số lượng không ít:
Đáo để: tiếng Hán có nghĩa là: đến tận cùng, đến điểm kết thúc, rút cuộc, cuối cùng.
Đáo để trong tiếng Việt có nghĩa là: quá quắt, ghê gớm, ví dụ con bé này thật đáo để.
Lâm li: Trong tiếng Hán, từ dùng miêu tả ướt đẫm, vui sướng tột cùng. Trong tiếng
Việt lâm li có nghĩa là: buồn thảm, gây thương cảm: tiếng khóc nghe lâm li, khúc nhạc lâm li.
Nhất thiết: Tiếng Hán có nghĩa là toàn bộ, toàn bộ sự vật. Tiếng Việt nhất thiết có
nghĩa là: Từ dùng biểu thị ý dứt khoát phải như thế không thể khác được, ví dụ: ngày mai nhất
thiết phải có; nghĩa thứ hai là trước sau nhất định như thế, không thay đổi ý kiến, ví dụ: nhất
thiết từ chối không nhận.
Đạo lý: Tiếng Hán nghĩa là quy luật của sự vật, nguồn gốc đúng sai được mất của sự
việc hoặc học thuyết, phương pháp, dự trù. Tiếng Việt từ đạo lý có nghĩa là cái lẽ hợp với đạo
đức, ví dụ: đạo lý làm người.
2.5. Nguyên nhân dẫn đến sự biến đổi ngữ nghĩa
2.5.1. Nguyên nhân do tiếp biến văn hóa
Bản thân văn hóa Hán khi du nhập vào Việt Nam cũng đã có độ khúc xạ nhất định,
hay nói cách khác là có sự điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hóa xã hội của
người Việt. Ví dụ các khái niệm trung, hiếu khi vào Việt Nam đã biến đổi, ở Trung Quốc thì
trung với chủ, hiếu với cha mẹ; ở Việt Nam, ngoài ý nghĩa trên còn có trung với nước, hiếu
với dân. Chúng ta đều biết, ngôn ngữ và văn tự là một trong ngữ thành tố quan trọng của văn
hóa. Vì vậy, lớp từ Hán Việt khi vào Việt Nam buộc phải chấp nhận những điều kiện do nhu
cầu của người Việt đặt ra về ngữ âm, ngữ nghĩa, ngữ pháp, tu từ và phong cách cho phù
hợp với môi trường mới.
2.5.2. Nguyên nhân do tiếp biến ngôn ngữ
Ngôn ngữ có tính quy ước, nghĩa là được cộng đồng chấp nhập. Do đó có trường hợp
yếu tố Hán vào tiếng Việt đã được người Việt quy ước lại về nghĩa trên vỏ ngữ âm vốn có của
triếng Hán để phù hợp với cách sử dụng ngôn ngữ của người Việt. Ví dụ người Hán nói: Thái
Sơn, Hoàng Hà, Trường giang, cổ thụ, sinh nhật, tối ưu, đế quốc, giới tuyến, gia nhập, bổ
sung, nội bộ, tái hiện, tận dụng, ám chỉ… nhưng người Việt lại nói: Núi Thái Sơn, sông
Hoàng Hà, sông Trường Giang, cây cổ thụ, ngày sinh nhật, tối ưu nhất, nước đế quốc, đường
giới tuyến, gia nhập vào, bổ sung thêm, tái hiện lại, tận dụng hết, ngầm ám chỉ… mặt dù sơn
nghĩa là núi, hà nghĩa là sông, thụ nghĩa là cây v.v… nhưng những trường hợp này là do quy
ước, đương nhiên là cách dùng từ đúng chứ không phải dùng từ thừa.
2.6. Khảo sát từ Hán Việt đồng nghĩa với từ “người”
Như đã trình bày ở mục 2.2, một trong những nguyên nhân khiến từ Hán Việt khó hiểu
là do hiện tượng đồng nghĩa của từ. Cùng một khái niệm có thể dùng nhiều từ để diễn đạt.
Bên cạnh đó, danh từ Hán Việt thường có cấu tạo theo trật tự phụ - chính, trật tự này ngược
với từ thuần Việt, đó cũng là nguyên nhân gây khó hiểu. Mục này, chúng tôi dựa vào quyển
Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê chủ biên xuất bản năm 2002, Nxb. Đà Nẵng để tiến hành
khảo sát lớp từ Hán Việt chỉ người.
Chúng tôi thống kê được 15 trường hợp từ ghép phụ - chính chỉ người gồm các từ có
“hậu tố” sau: sỹ (49 từ), viên (42 từ), nhân (30 từ), sư (17 từ), gia (15 từ), giả (14 từ), sinh (11
từ), thủ (9 từ), tử (7 từ), đồng (6 từ), phu (6 từ) ông (5 từ), công (5 từ), tá (3 từ), phủ (2 từ)
(Vẫn còn một số trường hợp chưa đưa vào từ điển này).

Trường Đại học Thăng Long 307


Kỷ yếu công trình khoa học 2014 – Phần II
2.6.1. Minh họa một số trường hợp có số lượng từ ít: phụ, tá, công, tử, ông, phu…

PHỦ

TT Từ nghĩa trang
Kẻ chuyên việc chém người để thi hành án tử 279
1 Đao phủ
hình thời trước
2 Ngư phủ Người đánh cá 325


Nhân viên bưu điện làm nhiệm vụ phát thư, 31
1 Bưu tá
phát báo
2 Dược tá Nhân viên sơ cấp ngành dược 92
Cán bộ y tế có trình độ sơ cấp hoặc trung cấp 1126
3 Y tá chuyên săn sóc bệnh nhân theo sự chỉ dẫn của
y sỹ, bác sỹ
CÔNG

1 Phi công Người lái máy bay 777

2 Nhạc công Người chuyên nghề biểu diễn âm nhạc 703

3 Lao công Người chuyên làm lao công 545

TỬ

1 Đồng tử Đứa trẻ nhỏ con trai 333

2 Tài tử Diễn viên sân khấu, xiếc, điện ảnh có tài 853
Người có tài, có nhân cách cao thượng thời 778
3 Quân tử
phong kiến
ÔNG

1 Ngư ông Ông lão đánh cá 673


Ông già ở biên ải bị mất ngựa (biết đâu là họa 854
2 Tái ông
hay phúc)
3 Tiên ông Người có phép thần theo mê tín (ông tiên) 949

PHU

1 Chinh phu Người đàn ông đi đánh trận thời phong kiến 156
Người đàn ông thông dâm với phụ nữ đã có 375
2 Gian phu
chồng
3 Nông phu Người làm ruộng, người nông dân 717

ĐỒNG
Người hầu trai nhỏ tuổi. 417
1 Hề đồng Nhân vật đầy tớ
Vai hề trong tuồng
Con trai nhỏ tuổi thường theo hầu các vị tiên 508
2 Kim đồng
trong thần thoại
3 Mục đồng Trẻ chăn trâu, bò 627

Trường Đại học Thăng Long 308


Kỷ yếu công trình khoa học 2014 – Phần II
2.6.2. Trường hợp có số lượng từ nhiều nhất nhiều nhất: sỹ

STT Từ Nghĩa Trang

1 Ẩn sĩ Người trí thức thời phong kiến đi ở ẩn 19

2 Bác sĩ Người thầy thuốc tốt nghiệp đại học y khoa 24

3 Bần sĩ Kẻ sĩ nghèo 49

4 Binh sĩ Lính và hạ sĩ quan 67

5 Ca sĩ Nghệ sĩ chuyên về hát 97

Người trí thức, thường là nhà Nho, có chí khí, quyết tâm đấu
6 Chí sĩ 154
tranh vì chính nghĩa

1: Người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân


7 Chiến sĩ 157
2: Người chiến đấu cho một sự nghiệp, một lí tưởng

8 Cống sĩ Người học giỏi, được chọn đi thi hội thời phong kiến 212

9 Danh sĩ Người trí thức nổi tiếng thời phong kiến 241

10 Dật sĩ Người trí thức ẩn dật thời phong kiến 249

Người có sức mạnh thể chất và tinh thần trên hẳn mức bình
11 Dũng sĩ thường, dám đương đầu với những sức chống đối, với nguy 267
hiểm để làm những việc nên làm

Người làm nghề nghiên cứu, bào chế thuốc phòng chữa
12 Dược sĩ bệnh, tốt nghiệp đại học hoặc trung học chuyên nghiệp dược 271
khoa

13 Đạo sĩ Người tu hành theo đạo giáo, người tu tiên 290

14 Đấu sĩ Người tham gia thi đấu võ hoặc thi đấu sức mạnh 302

15 Giáo sĩ Người truyền đạo Công giáo từ chức linh mục trở lên 394

16 Giáp sĩ Binh lính mặc áo giáp nói chung, binh lính nói chung 395

17 Hàn sĩ Người trí thức nghèo thời phong kiến 420

18 Hiền sĩ Người trí thức Nho giáo có đức hạnh 437

Người có sức mạnh và lòng hào hiệp, hay bênh vực kẻ yếu,
19 Hiệp sĩ 439
cứu giúp người gặp nạn trong xã hội cũ

20 Họa sĩ Người chuyên vẽ tranh nghệ thuật 448

Trường Đại học Thăng Long 309


Kỷ yếu công trình khoa học 2014 – Phần II

21 Học sĩ Người có học thức thời phong kiến 454

22 Hộ sĩ Y tá 458

Người thuộc tầng lớp thấp nhất trong giai cấp lãnh chúa
23 Kỵ sĩ phong kiến thời Trung cổ ở châu Âu, phục vụ trong kỵ binh 521
của lãnh chúa đại phong kiến

24 Kịch sĩ Nghệ sĩ chuyên viết kịch hoặc diễn kịch 522

25 Liệt sĩ Người đã hi sinh vì nước, vì dân trong khi làm nhiệm vụ 569

26 Lực sĩ Người có sức mạnh thể lực đặc biệt 597

Người được bầu vào Nghị viện (hay Quốc hội ở một số nước
27 Nghị sĩ 678
dân chủ)

28 Nghĩa sĩ Người có nghĩa khí, dám hi sinh vì nghĩa lớn 679

29 Nha sĩ Y sĩ hoặc bác sĩ nha khoa 699

30 Nhạc sĩ Người chuyên soạn hoặc biểu diễn âm nhạc 702

31 Nhân sĩ Người trí thức có danh vọng, có tư tưởng tiến bộ 711

Người theo Nho giáo, thuộc tầng lớp trí thức trong xã hội
32 Nho sĩ 721
phong kiến

33 Nữ sĩ Nhàvăn, nhà thơ nữ 744

34 Quân sĩ Binh sĩ 806

35 Quân y sĩ Y sĩ quân y 806

36 Quốc sĩ Người tài nổi tiếng trong cả nước 811

37 Thân sĩ Người có học thức thuộc tầng lớp trên trong xã hội cũ 924

38 Thi sĩ Nhà thơ 936

39 Tu sĩ Người tu hành 1059

1: Người chết trận


40 Tử sĩ 1073
2: Quân nhân chết khi đang tại ngũ

41 Tướng sĩ Tướng và nói chung những người chỉ huy cùng với binh lính 1082

42 Tướng sĩ Thầy bói 1082

43 Văn nghệ sĩ Người chuyên làm công tác văn hóa, nghệ thuật 1101

Trường Đại học Thăng Long 310


Kỷ yếu công trình khoa học 2014 – Phần II

44 Văn sĩ Nhà văn 1101

45 Vệ sĩ Người chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ người quan trọng 1111

46 Viện sĩ Thành viên Viện Hàn lâm 1116

47 Võ sĩ Người giỏi võ 1119

48 Vũ sĩ Võ sĩ 1130

49 Y sĩ Người thầy thuốc tốt nghiệp trung học y khoa 1166

Ngoài ra, trường hợp từ có “hậu tố” tặc cũng thuộc lớp từ chỉ người mang nghĩa xấu,
được sử dụng phổ biến hiện nay, có thể kể đến: tin tặc, cẩu tặc, lâm tặc, hải tặc, không tặc,
đinh tặc. điện tặc, hỏa tặc, nông tặc, khoáng tặc…
- Mùa hè năm nay lại xuất hiện thêm nạn “điện tặc”. (BáoThanh Niên, ngày
16/5/2005)
- Dưới chân cầu Long Biên Hà Nội có nạn “đinh tặc”. (Báo Thời Trang Trẻ, ngày
25/8/2004).
- Rừng Thái Nguyên – cuộc chiến với hoả tặc và lâm tặc. (Báo Nhân Dân hằng tháng
số 88/8-2004).
- Brazi1 – thủ đô tin tặc của thế giới. (Báo Người Lao Động ngày 16/9/2004).
- Một nông dân điêu đứng vì 6 lần bị “nông tặc”. (Báo Pháp Luật ngày 29/9/2004).
- “Khoáng tặc” lộng hành. (BáoTiền Phong ngày 23/8/2004).
2.7. Giải thích nghĩa của một số từ Hán Việt
2.7.1. Một số từ Hán Việt Việt hóa về nghĩa
- Thủ đoạn: tiếng Hán có 3 nghĩa: 1. Một phương pháp cụ thể để đạt được mục đích
nào đó, 2. Chỉ cách thức không chính đáng trong đối nhân xử thế, 3. Bản lĩnh, năng lực.
Tiếng Việt, thủ đoạn có 1 nghĩa: cách làm khôn khéo, thường là xảo trá chỉ cốt sao cho đạt
được mục đích. Ví dụ: thủ đoạn làm giàu, không chừa một thủ đoạn nào… Trường hợp từ thủ
đoạn vào tiếng Việt đã được Việt hóa theo xu hướng thu hẹp nghĩa.
- Thương hại: Làm tổn hại đến cơ thể hoặc tư tưởng tình cảm. Người Hán nói ngủ
không đủ giấc sẽ làm thương hại sức khỏe (shui mian bu zu hui shanghai shenti). Thương hại
lòng tự tôn (shanghai zizunxin). Thương hại trong tiếng Việt có nghĩa: rủ lòng thương xót.
Trường hợp này được coi là biến đổi hoàn toàn về nghĩa.
- Bành trướng: tiếng Hán nghĩa là: 1. độ dài hoặc thể tích của vật tăng lên do nhiệt
độ hay nhân tố nào đó, 2. Nghĩa phái sinh là sự vật hoặc sự việc tăng trưởng, mở rộng, ví dụ:
hàng hóa bành trướng – tong huo pengzhang (Lưu thông hàng hóa được mở rộng). Từ điển
tiếng Việt giải thích từ bành trướng: mở rộng khu vực tác động ra, ví dụ: bành trướng về kinh
tế, thế lực ngày một bành trướng. Đây cũng là trường hợp Việt hóa thu hẹp nghĩa, chỉ sử dụng
nghĩa mang sắc thái biểu cảm âm.
- Tùy tiện: nghĩa tiếng Hán là:1.chiều theo ý người khác, 2. thoải mái, không giới hạn
phạm vi, số lượng, 3. Vô tư, không suy nghĩ (wo shuo hua hen suibian), 4. Không lựa chọn, gì

Trường Đại học Thăng Long 311


Kỷ yếu công trình khoa học 2014 – Phần II
cũng được. Từ điển Tiếng Việt giải thích tùy tiện có nghĩa là: 1. tiện đâu làm đó, không theo
nguyên tắc nào cả, ví dụ: làm việc tùy tiện, phát ngôn tùy tiện, 2. Như tùy ghi, ví dụ: đến nơi
cứ tùy tiện mà giải quyết công việc. Tuy nhiên ta thấy nghĩa 2 ít dùng, người Việt nói: linh
động giải quyết công việc. Trường hợp này được xem là Việt hóa thu hẹp nghĩa.
- Biểu tình: tiếng Hán có nghĩa: 1. bộc lộ tình cảm, nội tâm qua nét mặt, điệu bộ
(Người Hán nói: diễn viên này giỏi biểu tình – zhe ge yanyuan shanyu biaoqing), 2. Tư tưởng,
tình cảm được bộc lộ trên nét mặt hoặc tư thế. Tiếng Việt biểu tình có nghĩa là: đấu tranh
bằng cách tụ hợp đông đảo để bày tỏ ý chí, nguyện vọng và biểu dương lực lượng chung, ví
dụ: biểu tình tuần hành, xuống đường biểu tình. Đây là trường hợp Việt hóa biến đổi hoàn
toàn về nghĩa.
- Bồng bột: Tiếng Hán nghĩa là 1. phồn vinh, thịnh vượng (pengpo fazhan). Từ điển
tiếng Việt ghi: bồng bột có nghĩa: 1. Sôi nổi, hăng hái nhưng thiếu chín chắn, không lâu bền.
Ví dụ: tình cảm bồng bột, 2. Sôi nổi và có khí thế mạnh mẽ. Ví dụ: phong trào phát triển bồng
bột. Tuy nhiên nghĩa 2 ít dùng. Ta thấy từ này Việt hóa theo xu hướng mở rộng nghĩa nhưng
dần dần chuyển sang xu hướng biến đổi hoàn toàn về nghĩa.
- Hách dịch: Tiếng Hán nghĩa là: to đẹp, chói lọi, oai phong (ta thường thấy trong
hoành phi câu đối chữ Hán cổ). Từ điển tiếng Việt giải thích: có thói ỷ mình có quyền thế mà
ra oai, nạt nộ, hạch sách người khác, ví dụ: giọng hách dịch. Trường hợp này hoàn toàn biến
đổi về nghĩa.
- Khúc chiết: Tiếng Hán có các nghĩa sau: 1. Cong, quanh co, 2. Phức tạp, không
minh bạch (người Hán nói: zhe jian shiqing limian hai you bu shao quzhe – trong việc này
còn không ít chỗ phức tạp, không rõ ràng). Từ điển tiếng Việt giải thích: 1. (cách diễn đạt) có
từng đoạn, từng ý rành mạch và gãy gọn. ví dụ: nói khúc chiết, cách trình bày khúc chiết, 2.
Quanh co không thẳng. Nhưng nghĩa 2 ít dùng. Như vậy trường hợp này Việt hóa theo hướng
mở rộng nghĩa và dần dần biến đổi hoàn toàn về nghĩa, thậm chí trái nghĩa.
- Phương tiện: Tiếng Hán có các nghĩa: 1. Tiện lợi, tiện nghi, 2. Thích hợp. Từ điển
tiếng Việt giải nghĩa: cái dùng để làm một việc gì, để đạt được mục đích nào đó, ví dụ:
phương tiện giao thông, văn học là phương tiện để truyền bá văn hóa tư tưởng. Trường hợp
này biến đổi hoàn toàn về nghĩa, tiếng Hán dùng như tính từ, tiếng Việt dùng như danh từ.
- Phiêu lưu: Tiếng Hán có nghĩa là: 1. Trôi nổi theo dòng nước, 2. Phiêu bạt, lưu lạc.
Từ điển tiếng Việt giải thích: 1. Giống như phiêu bạt, bị sóng gió làm cho trôi dạt đi, 2. Bị
hoàn cảnh bắt buộc rời bỏ quê hương nay đây mai đó. Tiếng Việt từ phiêu lưu còn có nghĩa
là mạo hiểm, không chắc chắn. Đây là trường hợp Việt hóa mở rộng nghĩa.
- Đinh ninh: tiếng Hán nghĩa là dặn dò, dặn đi dặn lại. Từ điển tiếng Việt giải thích:
1. (cũ) nhắc đi nhắc lại cho người khác nhớ chắc, nắm chắc, 2. Tin chắc hoàn toàn là việc
nào đó đã xảy ra (cứ đinh ninh là mình làm đúng), 3. Trước sau vẫn thế, không thay đổi (Đá
mòn nhưng dạ chẳng mòn, những lời hò hẹn vẫn còn đinh ninh –cd). Trường hợp này thuộc
xu hướng mở rộng nghĩa.
- Bồi hồi: Từ điển tiếng Hán giải thích: 1. Đi đi lại lại một chỗ, 2. Ví như do dự không
quyết, 3. So sánh một sự vật cứ dao động trong một phạm vi. Từ điển tiếng Việt giải thích: 1.
Ở trong trạng thái có những cảm xúc trong lòng làm xao xuyến không yên, thường là khi nghĩ
đến việc đã qua. Tiếng Việt còn dùng như từ láy là bổi hổi bồi hồi: Nhớ ai bổi hổi bồi hồi,
như đứng đống lửa như ngồi đống rơm (cd). Trường hợp này biến đổi hoàn toàn về nghĩa.
Ngoài ra còn rất nhiều từ như gia trưởng, gia giáo, bác học, vệ sinh, tung hoành, đại
gia, thư ký, bí thư, kinh lí, giám đốc… cũng đã biến đổi về nghĩa so với nghĩa gốc.

Trường Đại học Thăng Long 312


Kỷ yếu công trình khoa học 2014 – Phần II
2.7.2. Một số từ Hán Việt thường gây hiểu nhầm hoặc khó hiểu
- Trữ tình: Trữ nghĩa là bộc lộ, bày tỏ; tình nghĩa là tình cảm, cảm xúc. Trữ tình nghĩa
là 1 tác phẩm VHNT có nội dung phản ánh hiện thực bằng cách biểu hiện những ý nghĩ, cảm
xúc, tâm trạng riêng của con người, kể cả bản thân người nghệ sỹ trước cuộc sống. ví dụ: thơ
trữ tình, một tác phẩm giàu chất trữ tình. Từ này người Việt thường hiểu là tích trữ, chứa
đựng tình cảm, cảm xúc.
- U minh: U nghĩa là tối tăm; minh cũng có nghĩa là tối tăm, mù mịt (khác với minh
trong văn minh nghĩa là sáng). U minh nghĩa thứ nhất là tối tăm mờ mịt, ví dụ: rừng U Minh;
nghĩa thứ hai là không hiểu biết gì, thường dùng như từ láy, ví dụ: nghe cứ u u minh minh.
Nghĩa thứ ba là thế giới của linh hồn, âm phủ, ví dụ: cõi u minh. Từ này người Việt thường
hiểu chữ minh là sáng, nên u minh được hiểu là tranh sáng tranh tối, nhấp nháy.
- Yếu nhân: Yếu nghĩa là quan trọng; nhân nghĩa là người. Yếu nhân nghĩa là nhân vật
quan trọng (thường là trong hoạt động chính trị), ví dụ: các yếu nhân của một chính đảng. Từ
này có cấu tạo theo phương thức phụ - chính giống như từ yếu điểm, nghĩa là điểm quan trọng
nhất, ví dụ: một yếu điểm quân sự, nhấn mạnh những yếu điểm của vấn đề. Từ yếu điểm hoàn
toàn khác nghĩa với từ điểm yếu, điểm yếu có nghĩa là điểm kém. Người Việt thường hiểu yếu
nhân là người yếu, yếu điểm là điểm kém!
- Hoằng dương: Hoằng nghĩa là rộng lớn; dương nghĩa là nâng lên. Hoằng dương có
nghĩa là mở rộng, phát huy, quảng bá. Ví dụ: hoằng dương Phật pháp, nghĩa là mở rộng,
quảng bá giáo lý của Đức Phật cho mọi người.
- Lũy tiến: Lũy nghĩa là liên tục; tiến nghĩa là tăng lên, tiến lên. Lũy tiến có nghĩa là
một đại lượng tăng dần dần từng mức theo quy tắc nhất định, ví dụ: thuế suất lũy tiến.
- Hỷ xả: Hỷ nghĩa là vui vẻ; xả nghĩa là bỏ đi. Hỷ xả nghĩa là vui lòng bỏ qua, vui lòng
tha thứ. Hỷ xả còn có nghĩa là quên cá nhân mình một cách vui vẻ.
- Tỷ thí: Tỷ nghĩa là hơn nhau, so sánh; thí nghĩa là thi, thi thố. Tỷ thí nghĩa là thi đấu
xem ai hơn.
- Danh bạ: Danh nghĩa là tên; bạ nghĩa là quyển sổ ghi chép. Danh bạ là quyển sổ ghi
chép tên người và các thông tin liên quan. Chúng ta còn có từ địa bạ là sổ ghi tên đất, địa
danh.
- Trước bạ: Trước nghĩa là ghi, ghi chép; bạ nghĩa là quyển sổ. Trước bạ nghĩa là ghi
vào sổ, đăng ký quyền sở hữu đối với một số tài sản theo quy định của pháp luật, ví dụ: sổ
trước bạ, thuế trước bạ.
- Hương ước: Hương nghĩa là làng, làng quê; ước nghĩa là cam kết, luật lệ. Hương
ước là luật lệ của làng do người dân đề ra trong xã hội cũ.
- Tự phụ: Tự nghĩa là tự mình, chính bản thân mình; phụ nghĩa là vác trên lưng, nâng
lên. Tự phụ nghĩa là tự đánh giá quá cao tài năng, thành tích của mình dẫn đến coi thường
mọi người.

Trường Đại học Thăng Long 313


Kỷ yếu công trình khoa học 2014 – Phần II
III. KẾT LUẬN

3.1. Tiếng Hán du nhập vào Việt Nam với số lượng lớn có cả nguyên nhân chủ quan
và khách quan. Nguyên nhân khách quan chủ yếu là do điều kiện lịch sử, địa lý khiến cho
người Hán và người Việt có sự tiếp xúc, giao lưu, cư trú đan xen. Bên cạnh đó, người Hán
cũng có dã tâm đồng hóa người Việt cùng với xu hướng di dân nam tiến. Nhưng không thể
phủ nhận Trung Hoa có nền văn minh sớm phát triển gắn liền với thành tựu về văn tự hoàn
thiện, văn hóa phong phú, có nhiều nhà lập thuyết và nền y học, lý học và văn chương phát
triển… Và nguyên nhân chủ quan là người Việt có nhu cầu bổ sung tri thức về mọi mặt, tiếng
Việt có nhu cầu hoàn thiện, tiếng Việt và tiếng Hán cùng loại hình ngôn ngữ đơn lập, chữ Hán
được sử dụng chính thống trong thời gian dài…
3.2. Rào cản lớn nhất của lớp từ Hán Việt đối với người Việt hiện nay là bình diện ngữ
nghĩa. Muốn khắc phục nhược điểm này chúng ta cần có những giải pháp đồng bộ và lâu dài.
Trong đó, thiết nghĩ cần trang bị cho học sinh trung học và sinh viên đại học khoảng 3000 chữ
Hán thông dụng để khắc phục tình trạng hiểu sai từ do hiện tượng đồng âm khác nghĩa gây ra.
Bên cạnh đó cần khuyến khích người học có thói quen tra từ điển, cả từ điển tiếng Việt và
Hán Việt.
3.3. Tiếng Hán khi đi vào tiếng Việt có một lịch sử tồn tại và sự vận động riêng. Điều
đó thể hiện rõ qua xu hướng Việt hóa về nghĩa của từ. Sự vận động ấy diễn ra không ngừng
theo từng giai đoạn lịch sử. Cho đến nay, dưới góc độ tiếng Hán hiện đại và tiếng Việt Hiện
đại, xu hướng Việt hóa về nghĩa thể hiện rõ nét, thậm chí Việt hóa đến mức trở thành trái
nghĩa. Cần có một công trình nghiên cứu triệt để về xu hướng Việt hóa này trong quan hệ đối
chiếu giữa hai ngôn ngữ Hán và Việt nhằm thiết thực giúp cho người học tiếng Hán và tiếng
Việt thấy được bức tranh toàn cảnh về việc đối chiếu song ngữ Hán - Việt.
3.4. Mặc dù cùng loại hình ngôn ngữ nhưng phương thức trật tự từ trong cấu tạo từ của
từ Hán Việt lại thường ngược với từ thuần Việt, nhất là cụm danh từ. Trong đó, trật tự phụ -
chính là trật tự từ điển hình trong tiếng Hán. Lớp từ Hán Việt chỉ người hầu hết được cấu tạo
theo phương thức này. Nắm vững phương thức này giúp chúng ta hiểu đúng về nghĩa của từ
cũng như có thể tạo ra một số từ mới phục vụ cho việc giao tiếp được tốt hơn.
3.5. Ngôn ngữ là một trong những thành tố cơ bản của văn hóa. Cũng giống nhữ văn
hóa Hán khi du nhập vào Việt Nam đã có sự khúc xạ nhất định, từ Hán Việt theo cách sử
dụng của người Việt đã thông qua một lăng kính biến đổi, nhất là về bình diện nghĩa. Điều
này không dừng lại ở cấp độ từ mà còn diễn ra ở cấp độ ngữ cố định, thành ngữ.
Tóm lại, hiện tượng từ Hán Việt biến đổi về nghĩa so với nghĩa gốc là phù hợp với quy
luật của sự phát triển ngôn ngữ. Hiện tượng này không chỉ diễn trong tiếng Việt mà các ngôn
ngữ khác như tiếng Nhật, tiếng Triều Tiên đều có hiện tượng tương tự khi giao thoa với tiếng
Hán. Sự Việt hóa về nghĩa này đã, đang và còn diễn ra liên tục theo yêu cầu của việc sử dụng
ngôn ngữ. Vấn đề Việt hóa ngôn ngữ cũng như Việt hóa văn hóa sao cho phù hợp với môi
trường ngôn ngữ, văn hóa xã hội Việt Nam thể hiện rõ sự linh hoạt, sáng tạo trong tiếp biến
ngôn ngữ, văn hóa của người Việt, góp phần làm cho tiếng Việt của chúng ta ngày càng giàu
đẹp; văn hóa của chúng ta ngày càng phong phú và giàu bản sắc dân tộc.
IV. TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Đào Duy Anh (2003), Từ điển Hán Việt, Nxb. VHTT, Hà Nội.
[2]. Nguyễn Tài Cẩn (2004), Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt,
Nxb. ĐHQG Hà Nội.

Trường Đại học Thăng Long 314


Kỷ yếu công trình khoa học 2014 – Phần II
[3]. Nguyễn Tài Cẩn (2003), Một số chứng tích về ngôn ngữ văn tự và văn hóa, Nxb.
ĐHQG Hà Nội, Hà Nội.
[4]. Thiều Chửu (2003), Hán Việt từ điển, Nxb. Thanh Niên, Hà Nội.
[5]. Lê Đình Khẩn (2010), Từ vựng gốc Hán trong tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng
[6]. Nguyễn Văn Khang (2007), Từ ngoại lai trong tiếng Việt, Nxb. GD, Hà Nội
[7]. Phan Ngọc (2006), Bản sắc Văn hóa Việt Nam, Nxb. Văn Học, Hà Nội
[8]. Hoàng Phê (chủ biên) (2002), Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng
[9]. Nuyễn Ngọc San (1981), Lý thuyết chữ Nôm văn Nôm, Nxb. KHXH, Hà Nội
[10]. Nguyễn Ngọc San (2006), Tìm hiểu tiếng Việt lịch sử, Nxb. ĐHP Hà Nội
[11]. Nguyễn Như Ý (chủ biên) (2010), Từ điển giải thích thành ngữ gốc Hán, Nxb.
GD Việt Nam.

[12]. 中国古典文学词典 (1989),北京.

[13]. 古代汉语词典 (2000),四川辞书出版社,成都.

[14]. 新编成语词典 (1996),上海辞书出版社, 上海.

[15]. 古汉语常用词词典 (1979),商务印书馆,北京.

[16]. 现代汉语词典 (1978),商务印书馆,北京.

[17]. 古汉语虚词手册 (2005),吉林教育出版社,长春.

CHINESE VIETNAMESE WORD – SEMANTIC ASPECT


Abstract: According to Macpero, there are more than 60% Han words in Vietnamese
language. There are four main reasons to explain this: (i) the colonized policy of Han people,
(ii) the co-inhabitant of Han people in Giao Chau, (iii) the widespread of Han literature, (iv)
the convincement of Han. However, in terms of linguistics, Vietnamese people acquired Han
creatively in the four following ways: (i) keeping the Han root meanings, (ii) reducing
meanings, (iii) expanding meanings, (iv) changing meanings totally. However, in terms of
lexis, Han-Vietnamese words follow the rules of word compounding in Han language:
dependent-main order; meanwhile Vietnamese compound words follow the rules of main-
dependent order. Besides, there is a big amount of synonyms in Han-Vietnamese, for instance,
there are 15 synonyms for “human”… All the reasons above explain why Han-Vietnamese
have made a barrier for Vietnamese people. In order to solve the problem, it is necessary to
teach 3000 common Han words and some basic Han word usages for Vietnamese people. The
phenomenon of Vietnamizing the Han-Vietnamese words is suitable with the language
development, showing the creativeness of Vietnamese people in acquiring cultures.
Keywords: Vietnamese language, Han words, Han people, Han literature, meanings,
Han-Vietnamese words, dependent-main order, main-dependent order, “human”, 3000
common Han words, basic Han word usages, language development, acquiring cultures.

Trường Đại học Thăng Long 315

You might also like