You are on page 1of 19

TÂY TIẾN

A/ Khái quát:
I/ Tác giả:
- Là một nhà thơ – người lính/ một nhà thơ khoác màu áo lính. Nhà thơ
sáng tác bằng chính những trải nghiệm thực tế và xúc cảm của một người
thấu hiểu nỗi đau của bom đạn chiến tranh, từng lăn xả nơi chiến trận với
đôi mắt “đã nhiều lần nhìn vào cái chết” (Nguyễn Đình Thi), từ đó để lại
cho đời những vần thơ đậm đà tính hiện thực.
- Là một người nghệ sĩ đa tài – vừa là thi sĩ, vừa là họa sĩ, vừa là nghệ sĩ.
Trong thơ ông đậm đà cả chất nhạc và chất họa một cách nhẹ nhàng, tinh
tế - khiến người đọc càng thêm đắm say.
- Phong cách nghệ thuật: ngòi bút phóng khoáng, hào hoa – hòa quyện
giữa cảm hứng lãng mạn (khơi dậy cảm xúc tự nhiên nơi nhân vật trữ tình
cũng như trong tâm hồn bạn đọc) và bút pháp hiện thực (tái hiện những
lát cắt của thực tế một cách tỉ mỉ, chi tiết đến day dứt và ám ảnh khi viết
về chiến tranh).
II/ Tác phẩm:
- Hoàn cảnh sáng tác: Được sáng tác năm 1948 – bên dòng sông Đáy hiền
hòa và thơ mộng - ở thời điểm nhà thơ không còn đồng hành cùng binh
đoàn Tây Tiến. Chính nỗi nhớ dạt dào trong trái tim người cầm bút đã
khắc họa nên một thi phẩm thấm đẫm xúc cảm, một “lâu đài” được dựng
xây bằng niềm mong mỏi về những kí ức đã qua.
- Nhan đề: “Nhớ Tây Tiến” => “Tây Tiến”
+ Như chính nhà thơ bộc bạch, bản thân thi phẩm đã ngập tràn nỗi nhớ -
chữ “nhớ” trong nhan đề không còn cần thiết nữa. Ông giữ chữ nhớ ấy
cho riêng mình
+ Ta thường dùng từ “nhớ” đặt cạnh những điều đã qua, để bày tỏ sự
nhớ nhung với những kí ức, những con người không còn đồng hành cùng
mình ở hiện tại. Vì thế, ở một góc độ nào đó, có lẽ chữ “nhớ” vô tình đẩy
Tây Tiến về một miền quá vãng xa vời. Nhưng đối với Quang Dũng, Tây
Tiến không chỉ là hoài niệm, mà còn là hiện tại. Vì thế, khi lược bớt chữ
“nhớ”, để nhan đề trọn vẹn hai chữ “Tây Tiến” mà thôi, ta cảm nhận
được rằng Tây Tiến thực sự là một mảnh ghép quan trọng luôn hiện diện
thường trực trong tâm hồn người cầm bút.
B/ Phân tích chi tiết:
I/ 14 câu thơ đầu: Nỗi nhớ da diết của người lính về những cuộc hành
quân gian khổ cùng binh đoàn Tây Tiến nơi núi rừng hoang vu, hiểm trở:
1/ 4 câu thơ đầu: Nỗi nhớ về Tây Tiến và những cuộc hành quân gian khổ
đã được khơi dậy trong tâm trí nhà thơ – người lính:
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
a/ Hai câu thơ đầu:
- Câu thơ đầu
+ Thi phẩm mở đầu với một câu thơ cảm thán, bộc lộ cảm xúc trực tiếp
như đang trào dâng trong tâm hồn người cầm bút, như một tiếng gọi tha
thiết. Lời gọi thường thể hiện khao khát giao tiếp của chúng ta với một ai
đó hay một điều gì đó. Với câu thơ này, ta hiểu rằng người nghệ sĩ xứ
Đoài mây trắng đang mong mỏi được kết nối với Tây Tiến để tìm về quá
khứ về những cuộc hành quân cùng đồng đội.
=> Cảm hứng chủ đạo bao trùm toàn bộ thi phẩm chính là nỗi nhớ.
+ Nhà thơ nhắc đến dòng sông quen thuộc trên chặng đường hành quân
năm nào, gắn liền với không gian nơi rừng thiêng nước độc nhiều thử
thách. Sông Mã như một người bạn đồng hành cùng người lính, cất giấu
bao kỉ niệm – chứng kiến bao bước đi của binh đoàn Tây Tiến. Có lẽ đó là
lý do mà sông Mã đã hiện diện trong hình dung của Quang Dũng về
khoảng thời gian đi cùng Tây Tiến.
+ Ngăn cách giữa sông Mã và Tây Tiến, giữa quá khứ và hiện tại là hai chữ
đầy bâng khuâng “xa rồi” – như tạo nên một bức tường thành ngăn cách
những tháng năm ta từng có nhau với ngày tháng của bây giờ khi ta
không còn sánh bước. Khoảng cách ở đây không phải là khoảng cách về
mặt địa lý mà là sự cách trở về thời gian chẳng gì có thể xóa nhòa.
Khi Quang Dũng mất, đứng trước linh cữu của người nghệ sĩ đa tài ấy,
hội nhà văn đã ngâm nga: “Sông Mã xa rồi sông Mã ơi – Người yêu sông
Mã cũng xa rồi”. Hai câu thơ đầy xúc động ấy cũng khẳng định tấm chân
tình mà QD dành cho dòng sông, cũng như sự nghẹn ngào trong xúc cảm
mà hai chữ “xa rồi” đã chuyên chở.... Dùng lại tứ thơ của người đã khuất,
cũng là một cách để người ở lại nói tiễn biệt.
- Câu thơ thứ hai, nhà thơ sử dụng điệp từ “nhớ” như một cách khẳng
định cảm xúc chủ đạo xuyên suốt toàn bộ hành trình của thi phẩm. QD
như gom góp nỗi nhớ trong lòng để mà trải dài trên những vần thơ...
+ “Nhớ về rừng núi”: Nỗi nhớ đưa QD về với không gian núi rừng – không
gian quen thuộc của con đường hành quân, là nơi tạo nên những kỉ niệm
gắn bó giữa những người lính – để từ những chàng trai xa lạ, họ thực sự
trở thành đồng chí. Tác giả dùng từ “về” khiến không gian vốn đầy thử
thách khốc liệt bỗng trở nên thân thương lạ kì. Rừng núi hiểm trở nhưng
cũng đong đầy yêu thương, như trở thành ngôi nhà thứ hai trong trái tim
của những người lính.
+ Quang Dũng đặt tên cho nỗi nhớ bằng từ láy “nhớ chơi vơi”
 “Chơi vơi” tạo cảm giác mơ hồ, vô định giữa một không gian bao la,
rộng lớn.... Từ hiện tại tìm về quá khứ, dường như những khắc
khoải trong trái tim đã khiến người nghệ sĩ QD rơi vào một niềm
tâm tưởng không xác định, lơ lửng, bay bổng trong nỗi nhớ mong
về những ngày đã qua... Đó là không gian giao bờ giữa quá khứ và
hiện tại, một không gian không có thật mà được thêu dệt bằng
những mộng tưởng tha thiết.
=> Chính nỗi nhớ chơi vơi ấy sẽ dần dần đưa người lính đặt chân về
vùng kí ức xa xôi mà người lính luôn khao khát.
 Nỗi nhớ ấy vượt qua cả không gian mênh mang rộng lớn, len lỏi
trong những kẽ hở của thời gian, để rồi chính bạn đọc cũng được
đến với miền quá vãng của người cầm bút.
+ Nếu như trong thi phẩm “Ánh trăng”, nhà thơ Nguyễn Duy khắc họa sự
vô tình của con người khi lãng quên quá khứ, về với ánh điện cửa gương
và không còn nhớ nhung những gì đã qua. Để rồi “vầng trăng đi qua ngõ –
như người dưng qua đường”... Người lính trong Tây Tiến không như vậy.
Đối với QD, những năm gắn bó với núi rừng, những người đồng đội,
những cuộc hành quân đầy khắc nghiệt, khó khăn – đã trở thành một “bài
ca không bao giờ quên” trong trái tim thi sĩ, chiến sĩ.
b/ Hai câu thơ tiếp: QD đã thực sự trở về với những tháng năm trong quá
khứ với những cuộc hành quân gian khổ đầy thử thách giữa núi rừng
hoang vu cùng đồng đội Tây Tiến
“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi”
- Nhà thơ đã kể tên các địa danh trên con đường hành quân của binh
đoàn Tây Tiến. Sài Khao, Mường Lát không chỉ là những địa danh trên bản
đồ địa lý mà còn là những điểm đến thân thương trong bản đồ trái tim
khi được nhìn nhận bởi nỗi nhớ trào dâng nơi người cầm bút.
- Những khó khăn trên con đường hành quân đã được khắc họa một cách
chân thực và day dứt:
+ “sương lấp đoàn quân mỏi”: trong nhiều thi phẩm, “sương” xuất hiện
như một hình ảnh lãng mạn, dịu dàng, nhẹ nhàng, mang theo những tâm
tư của thi sĩ. Có lúc, sương “chùng chình qua ngõ” trong khúc giao mùa
qua ngòi bút của nhà thơ Hữu Thỉnh. Có lúc sương giăng mắc những bản
làng trong thơ của CLV: “Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ”.
=> Bước vào trang văn của QD, “sương” lại gắn liền với sự khắc nghiệt của
thiên nhiên, thời tiết nơi “rừng thiêng nước độc” – cản trở bước chân
hành quân của những người lính trẻ. Động từ “lấp” như khắc họa trước
mắt bạn đọc một màn sương dày đặc đến mức che kín làm khuất lấp cả
đoàn quân. Họ không thể nhìn rõ con đường mình đang đi – khó khăn nối
tiếp khó khăn.
+ Đằng sau màn sương mù dày đặc ấy là những người lính Tây Tiến với
đôi chân rã rời sau những ngày dài hành quân. Sự rệu rã về cơ thể là
không thể nào tránh khỏi, nhưng họ chỉ “mỏi” đôi chân chứ không “mỏi”
về tinh thần. Dẫu khó khăn ra sao, họ vẫn sẽ luôn can trường bước tiếp
trên con đường mà mình đã chọn, vì lí tưởng lớn lao của dân tộc.
- Bên cạnh những nét vẽ gân guốc của hiện thực, nhà thơ còn khắc họa
những đường nét mềm mại trong tâm hồn hào hoa của những người lính
trẻ: “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”.
+ Đêm hơi: không phải là đêm sương mà là đêm hơi – như một cách tác
giả nói giảm nói tránh những khó khăn khắc nghiệt mà người lính phải đối
diện, khiến cho màn sương dày đặc ấy như mỏng manh thêm phần nào
bởi chính ý chí cùng sự lạc quan, lãng mạn của họ.
+ Hình ảnh “hoa về”: có thể là những bông hoa nở trên con đường hành
quân – cũng có thể là ẩn dụ cho những ngọn đuốc ấm áp, rực rỡ trên tay
những người lính, tượng trưng cho những vẻ đẹp phẩm chất trong sáng,
đáng quý của những người lính
=> Dù hiểu theo nét nghĩa nào thì hình ảnh “hoa về” trong “đêm hơi”
cũng để lại vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình, đem lại cảm giác vỗ về, êm dịu như
xua tan đi những mệt nhọc trên con đường hành quân trước đó.
+ Trong “Những người đi tới biển”, nhà thơ Thanh Thảo cũng từng viết rất
xúc động:
“Hoa chuẩn bị âm thầm trong đất
Nơi ấy nhất định mùa xuân sẽ bùng lên”
Hoa ở đây có lẽ cũng chính là vẻ đẹp bất khuất, là tinh thần dân tộc sâu
sắc mạnh mẽ trong trái tim của những người dân Việt Nam. Những bông
hoa như thế sẽ góp phần tạo nên “mùa xuân” tươi đẹp của nước nhà –
đó là những tháng ngày hòa bình, êm ấm mà chúng ta luôn khao khát
hướng về.
+ Nhà thơ QD đã sử dụng các thanh bằng liên tiếp để tạo nên một không
gian xúc cảm thật nhẹ nhàng, êm ái. Phải chăng đó chính là tâm hồn lãng
mạn của những người lính – dẫu phải quăng mình vào thử thách khắc
nghiệt nơi chiến trận, nhưng những chàng trai Hà Thành ấy chưa bao giờ
mất đi sự hào hoa vốn có của mình?
2/ 4 câu thơ tiếp: Con đường hành quân gian nan của người lính Tây Tiến:
“Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”
a/ Hai câu thơ đầu: như vẽ lên trong trí tưởng tượng của bạn đọc về
chặng đường hành quân nhọc nhằn, nhiều thử thách của những người
lính trẻ
- Điệp từ “dốc”: con đường hành quân hiểm trở, gập ghềnh, không hề
bằng phẳng, dễ đi. Những người lính trẻ không được đi trên những con
đường êm ái, mà luôn phải nỗ lực vượt qua chông gai “khúc khuỷu”
(quanh co) nơi núi rừng hoang vu, phải đối diện với những con dốc thăm
thẳm (cao và sâu) đòi hỏi thế lực, sức bền về ý chí mạnh mẽ nơi tâm hồn.
Nếu như những chàng trai Hà Thành ấy không giữ vững niềm tin vào lý
tưởng vào họ đã chọn, không có lòng kiêu hãng với chính giá trị của bản
thân mình, làm sao họ có thể vượt qua được những thử thách liên tiếp
trên những chặng đường dài?
- Không gian mà những người lính thuộc về khi ấy đâu phải là sự dịu êm
bên gia đình, người thân – mà là giữa vùng trời “heo hút cồn mây”. Từ láy
“heo hút” khắc họa trước mắt ta một khung cảnh vắng vẻ hoang vu, hẻo
lánh, thưa thớt – thiếu hơi ấm con người. Đó là một nơi xa xôi khiến con
người thấy bất an.
=> Tác giả đã linh hoạt và tinh tế sử dụng những từ láy tượng hình để
phác họa nên bức tranh nơi núi rừng Tây Bắc hoang vu ấy. Chất họa trong
thơ QD được tạo nên một cách bình dị và thật dỗi tự nhiên.
- Hình ảnh “súng ngửi trời”
+ Súng: vũ khí chiến đấu, thường tượng trưng cho sự tấn công, sự giao
tranh, thậm chí là sự hủy diệt. Thế nhưng, bằng phép nhân hóa tinh tế,
hình ảnh “súng ngửi trời” qua nét cọ của họa sĩ thi sĩ QD lại bộc bạch, tâm
tình với bạn đọc một điều thật khác. Cây súng trên vai những người lính
Tây Tiến tượng trưng cho ước mơ lớn lao của dân tộc, cho lý tưởng cao
đẹp mà họ đã lựa chọn, cho cuộc chiến đấu chính nghĩa để bảo vệ những
điều quý giá thuộc về nhân dân mình
=> Giữa khung cảnh hoang vu, hẻo lánh, thiếu sức sống - cây súng ấy đã
thực sự trở thành linh hồn của bức tranh.
+ Bầu trời thường tượng trưng cho hòa bình, tự do, khi cây súng chạm
vào bầu trời rộng lớn – ta cảm nhận được sự giao thoa giữa trái tim người
lính với ước mộng hòa bình mà họ đang nỗ lực hướng tới. Dường như
bầu trời ấy – thiên nhiên vũ trụ bao la ấy đồng thuận với khao khát cao
đẹp trong trái tim con người.
=> Cây súng ấy đã thổi hồn cho cảnh hành quân hoang vu. Chính trái tim
quả cảm cùng tình yêu Tổ quốc tha thiết nơi những người lính đã sưởi ấm
cảnh vật, đẩy lùi mọi nhọc nhằn, vất vả nơi chiến trường.
b/ Hai câu thơ sau:
- Sử dụng phép điệp kết hợp với thủ pháp tương phản như những nét cọ
độc đáo khắc họa trước mắt bạn đọc không gian trùng trùng, điệp điệp
của núi rừng – của những ngọn thác cuồn cuộn, ào ào giữa núi rừng
hoang vu. Trước khung cảnh thiên nhiên rộng lớn ấy, có người sẽ cảm
thấy choáng ngợp mà chùng bước đôi chân. Nhưng những người lính Tây
Tiến, với hình bóng quê hương đậm sâu nơi lồng ngực trái, với khao khát
hòa bình trong từng nhịp thở, họ càng nỗ lực để vượt qua thử thác, để
chinh phục những “bài toán khó” của thiên nhiên bất tận.
- Câu thơ cuối với toàn bộ bảy chữ đều là thanh bằng như đem tới một
nốt nhạc trầm tư, đau đáu giữa âm thanh ào ào thác đổ của núi rừng. Câu
thơ không chỉ khắc họa cơn mưa rừng che phủ tất cả, mà còn khơi gợi lên
bao xúc cảm nơi trái tim người lính.
+ “Nhà ai” là một hình ảnh đa nghĩa. “Nhà ai” có thể là tổ ấm của những
người dân mà người lính nhìn thấy sau màn mưa, để từ đó càng thêm
vững chắc tay súng trên con đường mà mình đã chọn, cố gắng chiến đấu
để bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.
+ Đó cũng có thể là hình ảnh mái ấm luôn khắc ghi trong tim những người
lính trẻ - chàng trai Hà Thành mới mười tám đôi mươi, trong đó có rất
nhều người lần đầu tiên xa nhà lâu đến thế, lại là một cuộc ra đi chẳng
hẹn ngày trở về. Nhà thơ QD dường như không giấu diếm những nỗi nhớ
nhà quay quắt trong trái tim của những người lính có lẽ bởi ông tin rằng –
xúc cảm ấy không hề khiến họ trở nên yếu đuối mà ngược lại, càng làm
cho họ nỗ lực nhiều hơn nữa, để có ngày được trở về với gia đình thân
thương.
+ Những cơn mưa rừng thiêng nước độc càng tăng thêm bao khó khăn
chồng chất trên con đường hành quân của những người lính. Nhưng
trong lời thơ của QD, làn mưa ấy còn như chở theo cảm xúc khắc khoải
nơi tâm hồn. Câu thơ như ướt đẫm tiếng mưa và cũng ướt đẫm tiếng
lòng của những chàng trai ấy...
3/ 6 câu thơ cuối: Chân dung người lính Tây Tiến nhọc nhằn, gian khổ
giữa bức tranh hoang vu của thiên nhiên núi rừng – và tình cảm mà người
dân dành cho người lính:
a/ Chân dung người lính:
“Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”
- Người lính được khắc họa vô cùng chân thật và đầy cảm xúc:
+ Từ “anh bạn” vang lên thật thân thương, bình dị và ấm áp. Nhà thơ
không chỉ coi những chàng trai Tây Tiến là những người đồng đội trong
một binh đoàn mà thực sự - với đại đội trưởng QD, họ thực sự là bạn, là
chiến hữu, là anh em trong một gia đình.
=> Ta cũng từng bắt gặp sự gắn kết sâu sắc giữa những người lính trong
thi phẩm “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu. “Anh với tôi đôi người xa lạ -
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau – Súng bên súng, đầu sát bên đầu –
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ”. Chính những tháng năm cùng nhau
đi qua bao gian khó nơi chiến trận khắc nghiệt đã khiến họ càng thêm gắn
kết.
+ Nhà thơ sử dụng tính từ “dãi dầu” khắc họa nhọc nhằn vất vả của
những người lính – kết hợp với ba chữ “không bước nữa” gợi lên nhiều
cách hiểu. Đó có thể là hình ảnh người lính dừng lại nghỉ ngơi trên con
đường dài nhiều thử thách. Nhưng đó cũng có thể là điểm dừng chân mãi
mãi của nhiều chàng trai trẻ. Ý thơ qua đó gợi nhắc đến sự hy sinh của
biết bao người lính đã bỏ lại thanh xuân vĩnh viễn nơi chiến trận, nơi núi
rừng, nơi thiên nhiên hoang vu lạnh lẽo, nơi cách xa mái nhà mà họ luôn
khao khát trở về.
“Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sông nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”
Những câu thơ của Lê Bá Dương cũng đã khắc họa sự hy sinh đau đớn mà
vô cùng vinh quang ấy. Bởi lẽ, họ sẵn sàng cống hiến tuổi hai mươi của
mình cho sóng nước, họ sẵn sàng hiến dâng trọn vẹn cuộc đời cho lí
tưởng cao đẹp của dân tộc.
+ Tuy nhiên dẫu có bỏ mạng nơi chiến trường khốc liệt, tư thế hy sinh của
những người lính vẫn thật anh dũng, kiên cường. Động từ “gục” kết hợp
với ba chữ đầy khảng khái “bỏ quên đời” cho ta thấy rõ sự chủ động, bất
khuất của những người lính trẻ. Họ có thể ra đi, nhưng điểm tựa của họ
vẫn là “súng mũ” – là những lý tưởng lớn lao cao đẹp vì Tổ quốc. Lý tưởng
ấy sẽ mãi mãi ở lại với non sông, với quê hương xứ sở mà họ thương yêu
vô cùng. Họ không run sợ trước bất cứ điều gì, cả cái chết. Như nhà thơ
Thanh Thảo đã viết: “Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình...”. Hay trong
những vần thơ của Lê Anh Xuân, ta cũng bắt gặp hình ảnh kiêu hùng của
những người lính kể cả khi họ để lại tuổi xuân mãi mãi với đời:
“Anh chẳng để lại gì cho riêng anh từ lúc lên đường
Chỉ để lại cái dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ
Anh là chiến sĩ giải phóng quân”
Chính những người lính vô danh ấy đã tạo nên “dáng đứng Việt Nam” bất
khuất, kiên cường.
- Không gian núi rừng ẩn chứa nhiều hiểm nguy:
+ Tác giả sử dụng từ láy toàn phần để khắc họa thời gian “chiều chiều”,
“đêm đêm” – tạo nê một vòng tuần hoàn lặp đi lặp lại, chiều nào cũng thế
và đêm nào cũng vậy. Từ chiều ngả dần về bóng đêm là lúc mà ánh mặt
trời không còn hiện diện, khu rừng chìm dần vào đêm tối – để lại biết bao
bí ẩn và những thách thức rình rập con người.
+ Hình ảnh “thác gầm thét” – “cọp trêu người” là những khó khăn đe dọa
người lính chốn rừng thiêng. Đó là những thanh âm vang dội cả núi rừng,
như “gầm” như “thét” bên tai con người. Đó là những loài thú rừng có
thể tấn công bất cứ lúc nào, như đang vờn đang chơi đùa với nỗi sợ hãi
của con người. Tác giả đã thực sự khắc họa được không gian của cuộc
hành quân trong đêm – với những hiểm nguy có thể ập đến trong phút
chốc.
+ Hai chữ “Hịch cọp” với hai thanh nặng liên tiếp như tạo nên tiếng bước
chân chắc nịch của thú dữ chốn rừng sâu. Giữa không gian tĩnh mịch chỉ
có tiếng lá xào xạc rất khẽ và tiếng thở kín đáo của những người lính hành
quân – từng âm thanh của thiên nhiên đều trở nên đáng sợ. Thế nhưng
những người lính vẫn bình tĩnh và kiên cường vượt qua tất cả. Ta càng
thêm cảm phục sự dũng cảm, bản lĩnh, tinh thần thép của những người
lính – dù khó khăn chồng chất khó khăn, họ cũng không bao giờ bỏ cuộc.
b/ Tình cảm quân dân:
“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”
- Đoạn thơ khép lại với tình cảm quân dân ấm áp mà những người lính
Tây Tiến và người dân Tây Bắc dành cho nhau.
+ Câu thơ bắt đầu với từ cảm thán “Nhớ ôi”, qua đó bộc lộ cảm xúc trực
tiếp của người cầm bút – nhấn mạnh nỗi nhớ da diết như bật thành một
tiếng gọi của những người lính, hướng về bản làng, hướng về những
người dân, hướng về những kỉ niệm bình dị mà họ đã có được trên con
đường hành quân nhiều trắc trở.
+ Nỗi nhớ của họ không bao gồm những điều lớn lao, vĩ đại mà chỉ đơn
thuần là điều nhỏ bé vô cùng. Đó là “cơm lên khói”, đó là hương vị “thơm
nếp xôi”. Chính những bữa ăn thân thương ấy đã xoa dịu tâm hồn của
những chàng trai giúp họ được nghỉ ngơi, được chăm sóc, được sống
trong không khí ấm áp như một gia đình. Có lẽ, giữa bối cảnh bom đạn
khắc nghiệt, giữa những chuyến đi rừng dài ngày đầy vất vả và nhọc nhằn,
những phút bình yên hiếm hoi ấy sẽ khiến người lính có thêm sức mạnh
để tiếp tục vững bước
+ Lại thêm một lần nữa, tên địa danh trên con đường hành quân lại được
nhắc đến một cách thân thương vô bờ. Mai Châu, không chỉ còn là một
địa điểm trên bản đồ địa lý, mà còn được “định vị” bởi những xúc cảm
nồng nàn trong trái tim người lính. Tấm bản đồ đầy thương nhớ - họ gửi
gắm trọn vẹn trong từng bước chân, trong từng địa điểm mà họ đã đi qua
suốt những ngày dài. Tất cả những nơi ấy đã trở thành một phần trong
tâm hồn người lính, như nhà thơ Chế Lan Viên đã từng ở: “Khi ta ở đất là
nơi đất ở - Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”.
+ Nhà thơ đã có một sự sáng tạo vô cùng duyên dáng khi lấy con người để
định nghĩa cho dòng chảy thời gian “mùa em”. Tác giả tự tạo nên mộ mùa
mới mang tên em, ghi dấu nụ cười của em, thướt tha trong hình bóng của
những cô gái miền sơn cước. “Em” ở đây gợi nhắc tới hình ảnh những
thiếu nữ duyên dáng mà họ đã gặp trên con đường hành quân, khi dừng
chân nghỉ ngơi bên những bản làng. “Em” mang tới những dư vị ngọt
ngào xoa dịu cả nỗi đau, ru vỗ những vất vả, nhọc nhằn trên đôi chân
người lính. Cách sử dụng từ ngữ tình tứ ấy cũng kín đáo bộc lộ những
khao khát về tình yêu lứa đôi trong tâm hồn những chàng trai Hà Thành.
=>Trong thi phẩm “Đôi mắt người Sơn Tây”, nhà thơ cũng dịu dàng khắc
họa hình ảnh cô gái ở quê hương đong đầy bao nhớ thương, qua đó gửi
gắm khát vọng tình yêu và mong ước hòa bình cho dân tộc.
“Tôi gửi niềm thương nhớ
Em mang giùm tôi nhé
Ngày trở lại quê hương
Khúc hoàn ca rớm lệ”
Dường như, trong trái tim nhà thơ – người lính xứ Đoài mây trắng ấy,
hình ảnh những cô gái duyên dáng, dịu dàng đã trở thành một điểm tựa
ngọt ngào, tiếp thêm sức mạnh cho thi sĩ – chiến sĩ QD.
II/ 8 câu thơ tiếp: Những kỉ niệm đẹp về tình quân dân trong đêm lửa
trại và cảnh sông nước miền Tây buổi chia ly (Thi 2021 đợt 2)
1/ 4 câu đầu: Những kỉ niệm đẹp trong đêm liên hoan lửa trại:
“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”
- Khung cảnh đêm liên hoan:
+ “Doanh trại” chỉ nơi đóng quân để nghỉ chân trên đường hành quân của
binh đoàn Tây Tiến. Đó là giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi của những người
lính trẻ trên suốt chặng đường nhọc nhằn, thử thách. Các dùng từ này đã
đồng thời cũng bộc lộ thái độ trân trọng của người cầm bút với Tây Tiến –
họ có thể chỉ là một đơn vị nhỏ, nhưng lại có vị trí lớn trong trái tim người
đội trưởng năm nào.
+ Chữ “bừng” được xem như “nhãn tự” của câu thơ – là “con mắt” chứa
đựng linh hồn củ cả vần thơ ấy.
 Bừng sáng về không gian => tả thực không gian của đêm lửa trại,
ánh sáng bập bùng của ngọn lửa như thắp sáng không gian vốn u tối
nơi rừng thiêng nước độc.
 Bừng tỉnh nơi tâm hồn của những người lính => khắc họa ngọn lửa
ấm áp, mãnh liệt trong trái tim của những người lính. Đó là ngọn
lửa của lý tưởng cao đẹp mà họ luôn khao khát, là ngọn lửa của
những niềm vui bình dị mà họ trân quý chia sẻ với nhân dân trên
đường hành quân.
 Đó cũng có thể là sự “bừng tinh” giác ngộ trong tâm trí của những
chàng trai Hà Thành, như cảm giác hạnh phúc vỡ òa mà nhà thơ Tố
Hữu đã từng khắc họa: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ”. Chữ “bừng”
ở những vần thơ ấy đều như gói gọn niềm hạnh phúc khi được cống
hiến thanh xuân, được hiến dâng đời mình cho lý tưởng lớn lao của
Tổ quốc.
+ Những người lính dí dỏm, tinh nghịch gọi đêm liên hoan lửa trại là “hội
đuốc hoa” bởi lẽ đó là một đêm hội đáng nhớ để chia sẻ những niềm vui
ấm nồng tình quân dân. Ngọn lửa bập bùng của đêm ấy trong lăng kính
của họ bỗng trở thành “đuốc hoa” – thứ ánh sáng vốn tượng trưng cho
đêm tân hôn – cho kỉ niệm lứa đôi dạt dào, cho khoảnh khắc thăng hóa
của tình yêu.
=> Ý thơ vừa thể hiện lăng kính lãng mạn – vừa ngầm bộc lộ khao khát
cháy bỏng trong sâu thẳm trái tim của những người lính trẻ ấy. Họ cũng
mong muốn có “hội đuốc hoa” của riêng, cũng chờ đợi một người nắm
tay đi tới cuối cuộc đời. Giấc mơ về một tình yêu mang tên mình thật
trong sáng, chân thực và đáng trân trọng vô cùng.
- Hình ảnh những cô gái miền sơn cước:
+ Được khắc họa trong ánh nhìn ngây ngất mê say của người lính. Thán từ
“kìa em” vang lên như một tiếng thốt lên đầy ngỡ ngàng, thể hiện sự
sững sờ, ngạc nhiên của các chàng trai trước vẻ đẹp lộng lẫy hơn hẳn
ngày thường của những thiếu nữ xinh đẹp, duyên dáng. Tiếng gọi ấy đi
kèm với một câu hỏi không cần lời đáp “xiêm áo tự bao giờ”. Không hẳn
những người lính cần câu trả lời cụ thể về thời gian mà họ chỉ đơn thuần
muốn bộc bạch cảm xúc của mình với những cô gái Thái. Về phía người ở
lại, dường như chính những thiếu nữ Tây bắc cũng rất coi trọng sự kiện
gặp gỡ với người lính nên mới điệu đà xiêm y như thế.
=> Chẳng cần đến từ ngữ cụ thể miêu tả về ngoại hình của những cô gái
vùng cao, ấy thế mà, nhà thơ vẫn khiến chúng ta phải gật gù trước vẻ đẹp
đầy thu hút của họ.
=> Giữa bức tranh với những đường nét gân guốc của chiến trường khốc
liệt, hình ảnh những “bóng hồng” thướt tha, e thẹn, dịu dàng xuất hiện
như những nét cọ mềm mại, lãng mạn, tạm xua đi khó khăn nơi bom đạn
ngặt nghèo.
+ Không chỉ có những bóng hình được khắc họa tinh tế bởi nét cọ trong
ngôn từ, ta còn cảm nhận được những thanh âm lan tỏa trong vần thơ
của QD: “Khèn lên man điệu”. Nếu như “khèn” là nhạc cụ quen thuộc của
người dân miền núi thì “man điệu” là điệu múa mang bản sắc riêng của
một số dân tộc thiểu sốc vùng cao. Thanh âm hòa quyền với điệu nhảy,
để rồi từ từ lan tỏa khắp đêm hội, khơi dậy những xúc cảm nơi trái tim
người lính, người dân. Chân dung “nàng” hiện lên trong chính tiếng nhạc
ấy, thẹn thùng, e ấp, dịu dàng, vương mắc nơi tâm hồn những chàng trai
trẻ. Từ “em” ở câu thơ trên đã quá đỗi tình tứ, nhưng từ “nàng” trong
vần thơ này lại càng thêm khắc khoải những nhớ mong có lẽ chưa kịp nói
thành lời.
+ Liên hệ “Đôi mắt người Sơn Tây” (QD): Trong những vần thơ của mình,
nhà thơ “xứ Đoài mây trắng” thường khắc họa hình ảnh những người
thiếu nữ một cách thật dịu dàng, tự nhiên trong lăng kính và nỗi nhớ của
nhân vật trữ tình. Như trong “ĐMNST”, QD từng thủ thỉ:
“Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca
Đã hết sắc màu chinh chiến cũ
Em có bao giờ em nhớ ta?”
Mong mỏi được tái ngộ với “em”, với cô gái trong kí ức – nhà thơ cũng
bộc lộ khao khát hòa bình, độc lập cho dân tộc. Từ đó tình riêng và tình
chung hòa quyền một cách thật nồng nàn biết bao.
- Dường như tất cả những chất liệu ngọt ngào ấy – từ dáng vẻ duyên dáng
trong bộ xiêm áo điệu đà của cô gái vùng cao, đến tiếng khèn vang lên
cùng những điệu nhảy của quân dân trong đêm lửa trại đã xây đắp tâm
hồn lãng mạn nơi những người lính xuất thân từ Hà Thành, khơi dậy “hồn
thơ” luôn ấp ủ trong họ. Dẫu phải trải qua nhiều thử thách trên các chặng
đường hành quân gian nan vất vả; dẫu phải đối diện với khói lửa bom đạn
và luôn ở trên ranh giới mong manh giữa sự sống – cái chết; họ vẫn giữ
để tâm hồn mình không khô héo trước ngọn lửa quân thù. Chính “hồn
thơ” ấy đã vun đắp để “hồn lính” càng thêm mãnh liệt, vững chãi hơn.
=> Tác giả đã gieo nhạc vào tâm hồn những người lính, gọi dậy những xúc
cảm nồng nàn thiết tha – qua đó tiếp thêm sức mạnh để họ thêm tin
tưởng con đường mà mình đã chọn.
2/ 4 câu thơ sau: Cảnh sông nước miền Tây buổi chia ly:
“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”.
- Nếu như bốn câu thơ trên khắc họa niềm vui ấm áp trong đêm liên hoan
lửa trại thì đến với bốn câu dưới – ta như hẫng đi một nhịp trước câu chia
ly vội vàng buộc phải nói ra. Không cuộc vui nào kéo dài mãi, không bữa
tiệc nào là không đến lúc tàn, ai rồi cũng phải học cách để nói lời tạm biệt
– dẫu cho trái tim có nhiều hụt hẫng. Sau một đêm đầy niềm vui như thế,
những người lính phải lập tức quay lại với nhịp độ cuộc chiến, chia tay
bản làng và tiếp tục lên đường.
- Hình ảnh người lính được khắc họa gắn liền với địa danh Mộc Châu –
như một cách QD nối dài tấm bản đồ của nỗi nhớ. Đối với nhiều người, đó
chỉ là một điểm đến, nhưng với họ, đó là một kỉ niệm, hồi ức không thể
nào quên, một mảnh ghép quan trọng của tâm hồn. Khoảnh khắc chia ly
đã được tái hiện qua kí ức những người lính một cách đầy bâng khuâng.
+ “chiều sương ấy”: khắc họa buổi chia ly cả về không gian phủ đầy
“sương”) và thời gian (“chiều ấy”)
 “sương”: hình ảnh quen thuộc của núi rừng TB, nhưng ở đây không
phải màn sương mù dày đặc đến che khuất tầm nhìn và lấp cả chân
dung những người lính. Mà đó là màn sương mỏng manh của buổi
chiều tà giăng mắc chốn rừng núi, khiến cho giây phút chia ly thêm
lãng mạn, luyến lưu.
 Thời gian buổi chiều thường gắn với những nỗi buồn trong văn học.
Vào lúc chạng vạng, khi đất trời giao nhau giữa ngày đêm, dường
như con người dễ thấy cô đơn hơn, dễ nhung nhớ hơn về những
điều đã không còn thuộc thực tại. Ở câu thơ này, chiều còn được
kết hợp với đại từ phiếm chỉ “ấy” như một cách nhà thơ lãng mạn
hóa lời ly biệt, khiến khoảng thời gian trở nên mơ hồ, không rõ ràng
– từ đó nhấn mạnh nỗi nhớ thương bao phủ khắp không gian, len
lỏi dòng thời gian, khắc khoải trong lòng cả người đi và người ở.
“chiều sương ấy” đã trở thành dấu mốc đặc biệt khó phai dẫu
không được “định vị” cụ thể bằng ngày – tháng – năm.
- Phép điệp được thể hiện đầy da diết khắc khoải trong 2 câu tiếp đã đưa
bạn dọc đến với giây phút chia ly đầy xúc động:
“Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc”
=> Khơi gợi những giác quan khác nhau của người lính về giây phút khó
quên ấy.
+ Tác giả dùng từ “thấy” với một hình ảnh vô hình, trừu tượng: tâm hồn,
linh hồn của những bông lau => phải chăng vì nỗi niềm của con người đã
nhuốm màu vào cảnh vật, khiến cho lau kia nhìn cũng như xác xơ, ủ rũ?
+ Còn từ “nhớ” mang theo cảm xúc chủ đạo của cả thi phẩm, được gắn
với hình ảnh “dáng người trên độc mộc”. => nỗi nhớ dành phần lớn cho
con người Tây Bắc. Con người là trung tâm của bức tranh thiên nhiên
rộng lớn, khoáng đạt, là điểm đến của những nhớ thương đong đầy.
+ “Dáng người” ấy ta không biết rõ chính xác là ai. Có thể là những cô gái
Thái đang chèo thuyền tiễn người lính sang sông, là những người dân TB
đang ngập ngừng nói lời tạm biệt, hoặc cũng có thể là chính những chàng
trai đang tự mình chèo thuyền qua sông để tiếp tục chặng đường dài phía
trước... Nhưng dù hiểu theo nét nghĩa nào, ta đều cảm nhận được nỗi cô
đơn và sự lưu luyến bịn rịn phảng phất trong lời thơ bởi cả người đi và
người ở đều không muốn nói lời ly biệt....
- Khép lại đoạn thơ với hình ảnh cánh hoa giữa dòng nước lũ:
+ Hình ảnh “hoa” thường gợi cảm giác mong manh, yếu ớt, dễ tan vỡ. Thế
nhưng “hoa” trong vần thơ QD lại nhẹ nhàng, thư thái, mà vô cùng mạnh
mẽ giữa dòng nước lũ chảy xiết. Dòng nước có thể cuồn cuộn ào ào
nhưng cánh hoa ấy vẫn “trôi” rất dịu dàng, chậm rãi.
+ Tác giả dùng từ láy “đong đưa” chứ không phải “đung đưa”. Bởi lẽ
“đung đưa” thiên về chuyển động cơ học, còn “đong đưa” là sự chuyển
động của cảm xúc bên trong. Hình ảnh cánh hoa như làm duyên làm dáng
giữa dòng nước, nửa muốn đi, nửa muốn ở trong giây phút nói lời tạm
biệt.
+ Hình ảnh “hoa” ở đây cũng có thể liên tưởng tới hình tượng của những
người lính Tây Tiến. Giữa dòng nước lũ chảy xiết đầy khốc liệt của chiến
tranh, họ vẫn giữ được bình tĩnh, điềm đạm và vẻ đẹp lãng mạn trong
tâm hồn.
=> Cuộc chia ly bỗng trở nên thật bồng bềnh, lãng mạn. Đoạn thơ này gợi
nhiều hơn tả, qua đó khắc họa một không gian của hoài niệm, của ly biệt,
hòa quyện giữa chất thơ – chất nhạc – chất họa trong ngòi bút đặc sắc
của nhà thơ – người lính Quang Dũng.
III/ 8 câu tiếp: Hình ảnh người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp hào hùng của lí
tưởng cao cả, của ý chí kiên cường, của sự hi sinh dũng cảm cùng vẻ đẹp
hào hoa lãng mạn của những tâm hồn đằm thắm, mộng mơ:
1/ 4 câu đầu: Vẻ đẹp hào hùng, lãng mạn:
- Chân dung người lính kiêu hùng trong gian khổ:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm”
+ Gian khổ: những ngày hành quân vất vả, đói khát lại thêm những trận
sốt rét đã làm tóc rụng hết, da dẻ héo úa xanh xao “không mọc tóc”,
“quân xanh màu lá”.
 Cái bi thương hiện lên ngay từ ngoại hình của người lính với hình
ảnh “không mọc tóc”, “quân xanh màu lá”. Nguyên do để hình ảnh
người lính hài hước như vậy là những năm tháng hành quân vất vả
ở vùng biên giới xa xôi, hẻo lánh vì đói khát lại thêm những trận sốt
rét rừng ác tính đã làm rụng hết tóc, không mọc lại được, da dẻ
cũng từ đó mà héo úa, xanh xao. Đó chính là hiện thực cuộc sống
khó khăn thiếu thốn, đầy gian khổ mà người lính phải trải qua.
 Liên hệ: Thơ Chính Hữu với bài “Đồng chí” khắc họa cái ghê sợ của
cơn sốt rét rừng:
“Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi”
+ Kiêu hùng: Ngoại hình của các anh gợi vẻ ngang tàng “dữ oai hùm”
 Thủ pháp nghệ thuật đối lập gợi lên cái hào hùng giữa ngoại hình
với tâm hồn bên trong đã làm nên khí chất mạnh mẽ của người lính.
Từ làn da xanh xao vẫn toát lên vẻ “dữ oai hùm”, hùng dũng.
 Cách nói “không mọc tóc” là để tả cái ngang tàn của người lính, lại
như có nét đùa vui hóm hỉnh. Tác giả không viết “rụng tóc” mà viết
“không mọc tóc” vì viết như thế sẽ nói lên được cái ý chí bất khuất,
chủ động trước khó khăn gian khổ.
- Ý chí mãnh liệt và tâm hồn mộng mơ:
“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
- Ý chí mãnh liệt thể hiện qua ánh nhìn “mắt trừng” gợi nhiều liên tưởng:
+ “Mắt trừng” là mắt mở to, hướng thẳng về phía trước, ánh mắt ngời lên
ý chí chiến đấu và khát vọng chiến thắng, thề sống thiếu chết với kẻ thù.
Đó còn là khát vọng gửi trong “mộng chiến trường” cao đẹp của những
người trai thời loạn: mộng giết giặc, mộng lập công, mộng hòa bình.
+ “Mắt trừng” còn là đôi mắt có tình, đôi mắt “mộng mơ” thao thức nhớ
về quê hương, nhớ về Hà Nội, và trong bóng Hà Nội là một “dáng kiều
thơm”. Với ý thơ này, ta thấy người lính Tây Tiến không chỉ biết cầm súng,
cầm gươm đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc mà còn rất hào hoa,
lãng mạn.
=> Chất hào hoa, lãng mạn phóng khoáng của người lính.
2/ Bốn câu tiếp: Vẻ đẹp người lính bi tráng, oai hùng:
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
- Vẻ đẹp của người lính được thể hiện qua lý tưởng và sự hy sinh cao đẹp:
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ”
+ “Biên cương”, “viễn xứ” gợi không gian biên giới xa xôi, heo hút, hoang
vắng. Câu thơ “Rải rác biên cương mồ viễn xứ” gợi nên ý niệm về cái chết:
nhà thơ đã nhìn thẳng vào sự thật khốc liệt của chiến tranh rằng có chiến
tranh là có mất mát, có hi sinh. Quang Dũng miêu tả về cái chết chứ
không hề né tránh hiện thực như Trần Lê Văn từng nhận xét: “Tây Tiến
phảng phất nét buồn đau, nhưng buồn đau mà không hề bi lụy” là bởi vậy
+ Từ Hán Việt mang sắc thái trang trọng cổ kính “biên cương mồ viễn xứ”
đã biến nấm mồ hoang nơi rừng sâu biên giới trở thành “mồ chí” tôn
nghiêm vĩnh hằng. Cái chết của người lính như được nâng lên nhờ đôi
cánh lý tưởng của cảm hứng lãng mạn.
- Cái bi thương bị át đi bởi vẻ đẹp sáng ngời “quyết tử cho tổ quốc quyết
sinh”: “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”
+ “Chiến trường” là nơi có bom đạn rơi khốc liệt, nơi cái chết cận kề, dữ
dội và gian nan có thể khiến người lính trẻ hi sinh bất cứ lúc nào. “Đời
xanh” là tuổi trẻ, là cuộc sống non xanh mơn mởn, tràn đầy nhựa sống.
+ Thế nhưng, họ đã ra đi mà chữ “chẳng tiếc” đặt giữa câu thơ nói lên
thái độ thẳng thắn dứt khoát, hoàn toàn tự nguyện của những con người
quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
- Sự hi sinh của người lính được bao phủ bởi ánh hào quang của cảm
hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng:

You might also like