You are on page 1of 10

ĐỀ LUYỆN VIẾT SỐ 01:

Trong bài thơ Tây Tiến, Quang Dũng viết:


Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi.
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi,
Mường Lát hoa về trong đêm hơi.
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống,
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.
Anh bạn dãi dầu không bước nữa,
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét,
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói,
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.
(Theo Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr.88)
Trình bày cảm nhận của anh/chị về khung cảnh thiên nhiên và hình ảnh người
lính trong đoạn thơ trên.
Bài làm
     Chất chứa trong trái tim mỗi người là một trang “Google Earth” nhiệm màu –
nơi mà ta có thể mở ra, khai phá những “bản đồ” thế giới tình cảm, thông qua nỗi
nhớ  dành cho những điều đặc biệt, những hoài niệm đẹp đã đi qua. Tựa như những
dòng viết của nhà văn Nhật Haruki Murakami trong quyển sách “Sau nửa đêm”
rằng: “Con người ta có thể dùng kí ức làm nhiên liệu để mà sống”. Qủa thật, ta đã
sống với nỗi nhớ về những điều đẹp đẽ vui – buồn trong thước phim dĩ vãng ấy.
Trong thơ ca Việt Nam, từ nỗi nhớ, kí ức tươi đẹp, người nghệ sĩ đã dành riêng
một tình cảm đặc biệt – đó là tình đồng đội, đồng chí gắn bó keo sơn, nghĩa tình
trong cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ vào những áng thơ, con chữ đượm
tình. Bốn mươi ba câu thơ viết nên một “bản đồ tình cảm” mang tên Tây Tiến với
nỗi nhớ thương dạt dào của nhà thơ Quang Dũng chính là những vần thơ như thế,
nơi đây đường nét của sự thiết tha, trân trọng và tự hào được phác họa thật tinh tế
và hằn in trong đáy tim người đọc. Đặc biệt là trong 14 câu thơ đầu – những câu
thơ “thi trung cửu họa” đã vẽ lên sinh động khung cảnh thiên nhiên miền Tây sơn
cước hoang sơ, bí hiểm mà đầy chất thơ, qua đó làm nổi bật lên hình ảnh những
chàng trai Tây Tiến can đảm, hào hùng:
“ Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi.
……………………………….
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói,
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.”
     Nhắc đến “Xứ Đoài mây trắng”, ta mường tượng nhớ ngay về một tâm hồn
nghệ sĩ đa tài, bởi lẽ ông không chỉ biết vẽ tranh và soạn nhạc mà còn có khả năng
sáng tác thơ ca với “Một hồn thơ phóng khoáng, hào hoa đầy lãng mạn, tha thiết
tình cảm dành cho bạn bè, cho quê hương xứ sở. Thơ Quang Dũng nằm giữa biên
giới của thật và mơ, như khói mây mờ mờ ảo ảo, như tiếng vọng từ chân trời nào
xa vắng.”  Với vai trò là trung đội trưởng của trung đoàn Tây Tiến thành lập năm
1947, nhà thơ đã dành cả đoạn đời tuổi trẻ của mình cho nhiệt huyết máu lửa trong
tim; dành cho Tổ quốc và đồng đội những kỉ niệm đã hằn sâu vào trí óc, in đậm
vào trong tim về đoàn quân Tây Tiến, mảnh đất Tây Bắc và những người lính Hà
Nội tuổi đôi mươi. Họ đã bước đi, không thấy khó khổ, chỉ thấy kiêu hùng, để lại
trong lòng nhà thơ cùng bao thế hệ nhiều ấn tượng về anh lính khoác khẩu súng
trên vai, miệng vẫn cười và lạc quan tiến về phía trước. Chính vì lẽ ấy mà sau khi
rời đi, vào một lần công tác qua Phù Lưu Chanh năm 1948, những nhớ thương trào
lộng đã thôi thúc cố nhà thơ viết nên một “Nhớ Tây Tiến” dào dạt cảm xúc, mà về
sau khi in trong tập “Mây đầu ô”(1988) chỉ còn lại hai chữ “Tây Tiến” đượm tình. 
     Hai câu thơ đầu là khúc dạo đầu của nỗi nhớ nhung, là lời gợi dẫn mộc mạc
nhưng đầy ý vị mà nhà thơ xem đó là chiếc vé khứ hồi những hoài niệm:
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi.”
     Vừa đọc lên, ta đã thoáng thấy câu thơ đầu có bảy chữ nhưng có đến bốn chữ là
tên riêng “Sông Mã, Tây Tiến” là nơi về và là nơi đến của nỗi nhớ. Ôi! Chỉ là tiếng
gọi thôi nhưng sao nghe thân thương, gần gũi, nghẹn ngào đến thế! Trước mắt
người đọc, dòng sông Mã hiện lên, chảy trôi giữa núi rừng miền Tây hoang sơ,
hùng vĩ, hiện lên trên đầu của nỗi nhớ đang cuộn trào tựa sóng trong lòng sông.
Nhớ về Tây Tiến, Quang Dũng nhớ về sông Mã đầu tiên – dòng sông chảy dọc
theo địa bàn biên giới Việt – Lào thuộc các tỉnh Mộc Châu, Sầm Nứa, Mai Châu,
Quan Hóa; dòng sông lịch sử đã đồng hành với đoàn quân từ những ngày đầu, đã
chứng kiến biết bao kỉ niệm, bao gian khổ thậm chí là những mất mát đau thương.
Thế nhưng, tất cả đều đã lùi vào dĩ vãng , đều đã thành một thời đã qua. Bởi vì
phàm trên đời này, cái gì “xa rồi” tức là không còn bên cạnh ta nữa, ta không thể
quay ngược thời gian để khứ hồi. Những kỉ niệm kia, những kí ức kia dù có đẹp
cũng chỉ có thể tồn tại và vĩnh cửu trong trái tim của người nhớ mà thôi. Câu thơ
đầu chia thành hai vế trong nhịp ngắt 4/3 với sự hiện diện của cả miền Tây và
trung đoàn Tây Tiến, cùng vần “ơi” và dấu chấm cảm đã khiến cho câu thơ như
ngân dài hơn, như làm cho cung bậc cảm xúc ngày càng trở nên da diết và tha thiết
hơn, làm tăng thêm ấn tượng về một nỗi nhớ dạt dào không thể nào diễn tả thành
lời: “Tây Tiến ơi!..”
    Nếu như ở câu thơ thứ nhất, nỗi nhớ được thể hiện trong từng câu chữ chứ
không bộc lộ trong từ ngữ thì sang đến câu thơ thứ hai, những nhớ nhung đã bộc ra
thành lời, lan khắp núi rừng miền Tây sơn cước:
“Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”
     Lời thơ bỗng trở nên nhẹ bẫng bởi sáu thanh bằng, khiến cho nỗi nhớ như đang
phiêu du, bồng bềnh đi qua kí ức của tác giả. Từ “nhớ” tựa như một chiếc la bàn để
dẫn đường, dẫn độc giả đi tới những miền thương mà nhà thơ đã gửi gắm, đã để lại
một phần hồn của mình ở đó. Kết hợp với “chơi vơi” là từ láy vần mang theo cảm
giác thật mơ hồ, câu thơ khiến cho lòng người không khỏi xao xuyến, vấn vương,
nỗi luyến nhớ bỗng trở nên vô lượng vô cùng. Nếu điệp từ “nhớ” đã giúp Quang
Dũng bộc lộ nỗi nhớ da diết, mãnh liệt thì nhà thơ quả thực rất tài tình khi nói “nhớ
chơi vơi” để làm bật mức độ và tính chất nỗi nhớ. Thơ văn thường chỉ dùng “chơi
vơi” để diễn tả nỗi nhớ trong tình yêu, điển hình như Xuân Diệu từng chắp bút:
“Sương nương theo trăng ngừng lưng trời
Tương tư nâng lòng lên chơi vơi”
                                                   (Nhị hồ - Xuân Diệu)
…nhưng nhà thơ của “Xứ Đoài mây trắng” lại thể hiện cái riêng khi dùng “chơi
vơi” để diễn tả nỗi nhớ trung đoàn, nỗi nhớ niềm Tây ăm ắp tràn đầy. Chính nghệ
thuật dùng từ đã khiến cho nỗi nhớ của nhà thơ được nâng lên một tầm cao mới,
với những cung bậc cảm xúc thật đặc biệt mà đến ngày nay, bảy mươi mốt năm
trôi qua, câu thơ vẫn vẹn nguyên sức sống và khiến cho người đọc luôn cảm thấy
thật “chơi vơi”. Cách dùng từ của Quang Dũng vừa mang tính kế thừa, nhưng lại
vừa sáng tạo tài tình. “ơi – chơi – vơi” là ba thanh bằng, lại là ba âm mở, khiến cho
lời thơ như lan tỏa mênh mang, như tiếng gọi thiết tha, như chiều sâu nỗi nhớ da
diết pha lẫn tiếc nuối. 
      “Nghệ thuật bao giờ cũng là tiếng nói của tình cảm, là sự tự giãi bày và gửi
gắm tâm tư” (Lê Ngọc Trà). Đến với miền thơ là bước vào thế giới tâm tình, đến
với sự dạt dào và ấm nóng trong trái tim thi nhân. Hai câu thơ đầu vừa dứt, những
câu thơ sau nối tiếp hiện ra, Quang Dũng đưa người đọc đến với những kỉ niệm
đã lùi vào quá vãng, đến với âm u khắc nghiệt của núi rừng, đến với cái can
đảm, hào hùng của người chiến sĩ.
     Bằng ngòi bút tài hoa, Quang Dũng đã miêu tả chân thực cái dữ dội, hoang
vu, hiểm trở của rừng núi Tây Bắc. Nét đặc sắc đầu tiên của thiên nhiên miền
Tây trong kí ức nhà thơ chính là màn sương mờ ảo của thiên nhiên, hay cũng
chính là màn sương giăng lấp đầy kỉ niệm
“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi”
     Một làn sương mờ ảo đang ngự trị núi rừng miền Tây, ôm lấy tất cả cỏ cây, vạn
vật khiến cho đoàn quân như bị che lấp đi, ẩn hiện thấp thoáng trong hơi sương
lạnh lẽo. Ta từng bắt gặp hình ảnh sương “giăng” trong thơ Chế Lan Viên: “Nhớ
bản sương giăng nhớ đèo mây phủ”, nhưng chỉ đến hình ảnh sương lấp trong thơ
Quang Dũng, ta mới hiểu thấu những vất vả gian lao của người lính giữa miền Tây
hoang sơ, lạnh giá. Nhịp ngắt 4/3 khiến trọng tâm rơi vào từ “lấp” – một động từ
có sức gợi tả, tô đậm hiện thực khắc nghiệt – cái rét cắt da cắt thịt miền Tây. Song
dù cái lạnh giá của sương có che mờ, bao phủ, cản trở con đường hành quân của
người lính, dẫu thể xác rã rời, bàn chân đã “mỏi” nhưng các anh không một lời
than, không hề suy chuyển, lung lay ý chí và vẫn kiên cường tiến về phía trước.
 
     Tác giả đã miêu tả sắc nét khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và hiểm trở của dốc
núi qua ba hình ảnh đặc biệt, làm hiện lên cuộc hành quân gian lao, vất vả, ý chí
bất khuất, kiên cường và tinh thần lạc quan, yêu đời của người lính Tây Tiến. Hình
ảnh lần lượt hiện ra như một cuốn phim màu quay chậm, theo bước chân hành
quân của các anh:
“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống,”
     Từng con dốc cao thật cao, tưởng chừng như cao đến vô cùng, trùng trùng điệp
điệp, nối liền với nhau. Qua năm thanh trắc, ta cảm nhận được cái thô ráp, gồ ghề
trong câu thơ như chính hình thể gập ghềnh, cheo leo của dốc núi. Cách sử dụng từ
láy cùng với thanh âm mà từ “khúc khuỷu” tạo ra, con đường hành quân hiện lên
với thật nhiều gian nan, thử thách. Hình ảnh thơ đối xứng, cách ngắt nhịp 4/3 bẻ
gập câu thơ tạo thế núi hoang dại, khủng khiếp, con dốc này chưa qua, con dốc
khác đã đợi sẵn. Đó là con dốc khúc khuỷu, gập ghềnh, hiểm nguy mà đoàn quân
phải đối mặt, con dốc thăm thẳm không có điểm dừng, triền miên kéo dài như cuộc
kháng chiến chống Pháp bấy giờ. Nó cũng xa xôi như ngày đất nước độc lập, song
gian khổ không làm khó được người chiến sĩ, họ vẫn lạc quan, quật cường vững
bước. Dốc cao, như cao đến tận cùng nhưng làm sao sánh nổi chí các anh cao, cao
hơn cả trời? Dốc thăm thẳm và hun hút, sâu thật sâu, cao thật cao, nhưng làm sao
sâu sắc bằng tình yêu các anh dành cho Tổ quốc? Các anh bước đi trong khó khăn,
gian khổ mang theo một tâm thế đầy khí phách, kiên cường. Những đỉnh núi cao
mù sương, cao vút như chạm mây, mây nổi thành cồn heo hút ở chân trời hiện lên
thật độc đáo và ấn tượng trong câu thơ:
“ Heo hút cồn mây súng ngửi trời”
     Từ láy “heo hút” vừa gợi cao, vừa gợi xa, vừa gợi vắng, được đảo lên đầu câu
thơ nhấn mạnh sự hoang sơ, xa vắng, thăm thẳm như vô tận của dốc núi miền Tây
trong cảm nhận của chiến sĩ Tây Tiến – những chàng trai tới từ Thủ đô hoa lệ. Nếu
như Nguyễn Khuyến trong bài thơ thu của mình gọi mây là “tầng mây”, hay những
nhà thơ khác gọi là “đám mây”, “làn mây” thì Quang Dũng đã gọi một cách rất
mạnh mẽ “cồn mây” – những tầng mây lớp lớp xếp chồng lên nhau và dốc núi
miền Tây như lẫn vào mây, mây bao phủ đường núi, mây mịt mờ, trập trùng, mây
khiến con đường hành quân của người chiến sĩ thêm cheo leo, hiểm trở, hoang vu.
Song song cùng những gian khó ở chốn rừng thiêng nước độc ấy thấp thoáng hiện
lên những khẩu “súng ngửi trời” đầy táo bạo. Nghệ thuật nhân hóa, ẩn dụ vừa làm
nổi bật bản lĩnh làm chủ nhưng vẫn toát lên được sự trẻ trung, tinh nghịch của
người lính trẻ, vừa làm sống dậy không khí thời đại. Đó là tư thế chiến thắng của
những con người tươi trẻ, lạc quan yêu đời, đầy nghị lực và sự kiên cường trước
thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, hoành tráng. Đúng như Tố Hữu viết:
“Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều
Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo
Núi đè không nổi vai vươn tơi
Lá ngụy trang reo với gió đèo.”
                                                          (Lên Tây Bắc – 1948)
Thử hỏi trong cảnh gian nan, mệt mỏi ấy mấy ai còn giữ được phong thái tự tin,
yêu đời như vậy?
      Nét vẽ gân guốc, sắc cạnh về dốc núi miền Tây tiếp tục xuất hiện, khắc họa vẻ
đẹp hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc.
“Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”
     Điệp từ “ngàn thước” là một ước lệ nghệ thuật, diễn tả thật sinh động một miền
đất cheo leo, hiểm trở, gập ghềnh. Phép đối ở câu thơ như bẻ đôi nhịp thơ, đẩy câu
thơ về hai hướng đối lập: cao và sâu. Cao vời vợi, sâu thăm thẳm. Cái hay ở đây,
tác giả đã dùng cái cao để nói cái sâu, dùng cái sâu khôn cùng để tả cái cao vô tận;
diễn tả chân thực về độ cao của dốc, độ sâu của vực: bên này đường dựng đứng cao
vút; bên kia vực đổ xuống hun hút, hiểm trở. Người đọc càng không khỏi choáng
váng bởi chính nhịp thơ, nghệ thuật tài tình mà Quang Dũng đã vận dụng vào ba
câu thơ đặc biệt giàu chất tạo hình, biểu cảm. Qua đó, hình ảnh người lính với tâm
hồn trẻ trung, tư chất nghệ sĩ cùng quyết tâm mạnh mẽ vượt mọi gian truân, thử
thách lại càng hiện lên thật đậm nét.
      Cái khắc nghiệt, khó khăn của thiên nhiên Tây Bắc đâu chỉ có những dốc núi
hiểm trở, cheo leo kia mà còn ẩn chứa những dữ dội, hoang sơ của núi rừng với
tiếng gầm thét của thác nước và hình ảnh vị chúa tể sơn lâm đang “trêu
người”.
“Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”
        Chỉ với hai hình ảnh nhân  hóa “thác gầm thét” và “cọp trêu người”, nhà thơ
đã lột tả được sự dữ dội của toàn bộ thiên nhiên miền Tây và ta tưởng rằng, nếu
nhắm mắt lại sẽ văng vẳng bên tai tiếng thác đổ từ trên cao xuống thật hùng vĩ hay
trong hơi gió len lỏi tiếng cọp muốn “trêu người”. Cảnh chiều tà luôn gợi trong
lòng người những nỗi niềm tâm sự, trạng ngữ “chiều chiều” song song đăng đối
với trạng ngữ “đêm đêm” gợi dòng thời gian nối tiếp, tuần hoàn lại chất chồng
thêm những tâm sự đó. Ánh sáng chiều nhạt dần, nhòa dần rồi hòa lẫn vào đêm tối.
Giữa núi rừng hoang sơ cạnh anh là những người đồng đội xa quê chất chứa nỗi
nhớ quê hương. Khó khăn vất vả cộng hưởng nỗi nhớ nhà để khiến người ta nhụt
chí nhưng với anh lính Tây Tiến nó không những không ngăn được lý tưởng cách
mạng, ngược lại còn là động lực thôi thúc anh mạnh mẽ hơn, can đảm hơn. Hai câu
thơ gieo vào lòng người đọc tất cả khắc nghiệt và dữ dội về một miềm đất âm u,
khắc khổ. Địa danh “Mường Hịch” được sử dụng rất khéo, rất tài tình, nó nghe
nặng nề đáng sợ như bước chân thú dữ khiến cảnh sắc núi rừng trở nên thật hoang
sơ lạnh lẽo. Rừng núi trùng diệp nhưng cũng khắc nghiệt biết bao!
          Khung cảnh thiên nhiên với “sương lấp”, với dốc cao, vực sâu, và những dữ
dội của núi rừng cứ luôn hiện ra, khiến ta tưởng chừng Tây Bắc nơi đây luôn là
những khốn khó, hiểm trở cản bước con người. Nhưng không, miền Tây sơn cước
vẫn còn đó những vẻ đẹp lãng mạn, đầy chất thơ và tình quân dân ấm áp.
          Nếu như ở những câu trên, Quang Dũng đã dùng bút pháp hiện  thực để tái
hiện những khắc nghiệt của rừng núi thì đến đây, hiện thực khắc nghiệt đã được thi
vị hóa bởi cảm hứng lãng mạn. Và như nhà phê bình văn học Trung Quốc Viên
Mai từng khẳng định: “Hễ làm người thì quý thẳng mà làm thơ thì quý cong”. Đặc
điểm của thơ ca muôn đời là “ý tại ngôn ngoại”, “chỗ cong” - ý ở ngoài lời ấy là
nơi độc giả cần dùng tài năng và tâm huyết của mình để lấp đầy những “khoảng
trắng” mà đến với tư tưởng của tác giả. 
       Trong câu thơ “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”, hình ảnh “hoa” đã gợi lên
nhiều nét nghĩa độc đáo. Đó có thể là hình ảnh người con gái Tây Bắc, cũng có thể
là những chàng trai Tây Tiến đang dùng lí tưởng và sự kiên tâm để rọi sáng con
đường hành quân đầy ắp niềm tin, ý chí và nghị lực. Hoặc, “hoa về” là ánh sáng
lấp lánh của ngọn đuốc trong cảnh chập tối mờ hơi sương. Dù hiểu theo cách nào,
hình ảnh thơ Quang Dũng vẫn thật đẹp đẽ, thi vị, sáng ngời. Câu thơ nhẹ bỗng và
dịu êm nhờ sáu thanh bằng, gợi lên nhiều liên tưởng thật đẹp. Đời lính vất vả gian
nan, nhưng qua đôi mắt tinh tế của tác giả, người đọc vẫn tìm thấy những khía
cạnh thật đẹp đến mê say lòng người. Câu thơ như xóa tan mệt mỏi để người lính
bước tiếp.
         Giọng thơ gân guốc, hào hùng bởi rất nhiều thanh trắc bỗng dịu đi bởi thanh
bằng ở câu thơ 
“Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”
          Âm hưởng nhịp nhàng, nhè nhẹ của những thanh bằng cùng với cách ngắt
nhịp câu thơ 2-2-3 như kéo dài âm điệu mượt mà trong lời thơ, gợi lên một ngày
mưa tầm tã và rét mướt trên chặng đường hành quân, mang theo nhiều cảm xúc
bâng khuâng lạ lùng. Cùng với hình ảnh những ngôi nhà của người dân bản làng
nơi Pha Luông, cơn mưa rừng đã khiến cho người lính không tránh khỏi cảm giác
nhớ nhà thiết tha: nhớ quê hương, nhớ bố mẹ, bạn bè, nhớ bát cơm mẹ nấu, nhớ
bếp lửa bập bùng, ấm áp, thân thương. Đại từ phiếm chỉ “ai” khiến cho hai tiếng
“nhà ai” da diết, bâng khuâng đến thế! Quang Dũng đặt điểm nhìn từ xa hướng về
bản làng trong làn mưa nhẹ, những mái nhà dân hiền lành và yêu thương, nơi các
anh sẽ đến, đem xương máu và lòng dũng cảm để giữ gìn. Tác giả thu vào tầm mắt
một không gian thung lũng mờ mịt loãng tan trong biển mưa. Nhìn bức tranh
sương giăng mờ mịt ấy, người chiến sĩ bỗng bâng khuâng về một nỗi nhớ quây
quần đầm ấm, giản dị và bình yên.
         Viết về chặng đường tuổi trẻ mang tên Tây Tiến, Quang Dũng đã tô đậm dấu
án về miền Tây xa xôi hoang lạnh nhưng vẫn tràn ngập tinh thần lạc quan từ ý chí,
sức mạnh tinh thần. Ý chí kiên cường không chỉ từ tình yêu quê hương đất nước, từ
nỗi nhớ hay lý tưởng cách mạng mà còn từ sự cảm động bởi tình quân dân ấm áp
chốn phương xa đất lạ.
“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.”
         Cụm từ cảm thán “nhớ ôi” thốt ra bằng tất cả nỗi niềm kìm nén khiến người
đọc ấn tượng bởi một nỗi nhớ bội phần da diết, một mỗi nhớ vẹn nguyên mà người
chiến sĩ dành cho miền Tây, cho Mai Châu, cho “em” cùng món nếp xôi trứ danh
nơi này. Cách nói “mùa em” rất lạ, “mùa” ở đây phải chăng là mùa của nỗi nhớ về
tấm lòng thơm thảo, của kỉ niệm một mốc thời gian đã trở thành dâu ấn in sâu
trong trái tim người chiến sĩ. Đúng như Chế Lan Viên đã viết:
“Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch
Bữa xôi đầu còn tỏa nhớ mùi hương”
Trên nền thiên nhiên kì vĩ, hoang dã, hình ảnh người lính hiện lên với những vất vả
và gian lao, nhưng song hành cùng những khốn khó là tâm hồn vượt khó vượt khổ,
một vẻ đẹp tâm hồn đáng quý. Một khi đã bước lên đường chiến đấu thì cho dù đó
là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ trong thơ Nguyễ Mỹ, hay cuộc chia ly của người
lính trong bài thơ Đồng Chí – Chính Hữu
“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay”,
 các anh vẫn đều hướng tới một lý tưởng cao cả  “Quyết tử cho Tổ quốc quyết
sinh”:
“Anh bạn dãi dầu không bước nữa,
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!”
     Đời quân ngũ vốn nhiều vất vả, thiếu thốn vây hãm con người: đó là sự yếu
xuống của sức khỏe, đó là sự mỏi mệt thể xác trên đường hành quân dài, chiến đấu
với gió sương, thi gan cùng gian truân…Những khó khăn đó đã được Quang Dũng
tinh tế lựa chọn từ láy “dãi dầu” để diễn tả rõ nét. Và cũng chính vì “dãi dầu” nên
các anh “không bước nữa” – đó có thể là giấc ngủ trong một phút giây hay cũng
chính là giấc ngủ dài của một kiếp người đã tận tụy cống hiến. Hình ảnh”gục lên
súng mũ” thể hiện sự hiên ngang, bất khuất trong ý chí. Họ “gục” không phải là
gục xuống, gục ngã và chấp nhận số phận mà là “gục lên súng mũ” . Đến những
giây phút cuối cùng, khi mỏi mệt nhất, các anh vẫn chọn sát cánh cùng đồng đội,
kề bên “súng mũ”- những đồ vật tượng trưng cho lý tưởng, nhiệm vụ và cho cuộc
hành quân. Người lính xé toạc thanh xuân, xé toạc cuộc đời mình để ghép vào bức
tranh hòa bình đất nước:
“Ta sẵn sàng xé trái tim ta
Cho Tổ quốc và cho tất cả”
     Họ ra đi sôi sục, ngạo nghễ, họ chiến đấu vì quê hương nên cái chết cũng nhẹ
nhàng như về với đất mẹ. Bao nhiêu sự hi sinh là bấy nhiêu sự hào hùng, can đảm
ta được chứng kiến:
“Và anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng”.
     Họ đã sống, đã chiến đấu xứng đáng với quê hương, đất nước. Họ hiên ngang,
đường hoàng khi ra trận và cũng hào hùng khi ngã xuống cũng bởi:
“Ta hiểu vì sao ta chiến đấu
Ta hiểu vì ai ta hiến máu”.
     Họ vì ai mà ngã xuống? Vì giang sơn, vì độc lập, vì tự do của nhân dân Việt
Nam anh nguyện hiến dâng tính mạng thực hiện lý tưởng cao đẹp ấy. Có thể các
anh đã không tiếp tục bước những bước tiếp theo trong cuộc hành trình, có thể các
anh đã không vượt qua được sự quá khắc nghiệt của núi cao, dốc thẳm miền Tây, 
nhưng quan trọng hơn cả là các anh chưa từng một lần bỏ cuộc. Cho đến hơi thở
cuối cùng, các anh vẫn giữ trọn vẹn lời thề đánh đuổi quân thù, bảo vệ đất nước,
không một lời than trách, tiếc nuối tuổi trẻ đã dành trọn cho Tây Tiến. Các anh –
những người hùng mãi mãi chiến thắng, ở lại mãi trong tim mọi người, trong hồn
thiêng non sông.
 
       Chiến tranh chưa bao giờ là niềm vui và hạnh phúc, dù sau mỗi chiến thắng ta
đều dấy lên niềm tự hào về nhân dân, về tổ quốc mình. Nhưng sau những chiến
công oanh oanh liệt liệt đó là nước mắt, là những đau khổ đến xé lòng không gì
diễn tả được. Có những những cuộc chia ly trở thành vĩnh viễn, có những nỗi nhớ
của mẹ nhớ con, của vợ nhớ chồng oằn mình cố nuốt vào trong. Có những con
người đã mãi mãi nằm sâu xuống dưới những lớp đất, lúc ra đi, thân thể họ còn
sông trọn vẹn. Nhưng, bằng tất cả những sự không trọn vẹn ấy, họ cho ta một hình
hài trọn vẹn hôm nay, họ cho ta một môi trường không có khói súng, họ cho ta một
gian phòng ấm cúng, để học về họ, để hiểu về họ và thương họ thực sự. Họ nợ ta
điều gì chăng mà sao phải hi sinh tính mạng mình? Không, họ không nợ ta mà
giang sơn này nợ họ. Ta nợ họ một lời hàm ơn, ta nợ họ một tấm chân tình, ta nợ
họ cả  một cuộc đời đáng sống tốt đẹp, hạnh phúc, có ích và hiến dâng sức mình,
cho gia đình, cho quê hương, đất nước.
       Đan xen giữa bút pháp lãng mạn và các yếu tố hiện thực, mười bốn câu thơ –
một bức tranh kí họa có đường nét đậm đà về một miền Tây cheo leo, hiểm trở; có
cả những phút giây lãng mạn đong dầy. Thế nhưng, nổi bật giữa nền tranh thiên
nhiên ấy vẫn là các anh những người lính Tây Tiến lạc quan, yêu đời đã dành trọn
tuổi xanh cho đất nước: 
“Ra đi ra đi bảo vệ sông núi
Ra đi ra đi quyết chí không lùi”
        Xã hội hiện đại, guồng quay của cuộc sống bộn bề đã xoay vần chúng ta,
khiến ta đôi lần bị đắm chìm trong những thông tin tiêu cực, trong mớ hỗn độn của
tranh đấu và những trỗi dậy của sự thất vọng, rạn vỡ tin yêu. Nhiều giá trị cuộc
sống dần lùi vào quên lãng, nhiều điều xưa chuyện cũ dần lùi sâu vào tuổi thơ mỗi
con người mà chẳng thể nào vãn hồi nguyên vẹn. Bởi thế những tác phẩm văn học
với sứ mệnh dẫn truyền kí ức, gợi hồi dĩ vãng, niềm tự hào và tình yêu thương luôn
là những tác phẩm có giá trị vượt qua mọi sự băng hoại của thời gian. Và tôi tin 14
câu thơ đầu cũng như bài thơ Tây Tiến sẽ luôn nằm ở một góc nào đó trong tủ sách
những tác phẩm như thế!
 
 
 

You might also like